Vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam có thể tăng
thêm từ 2 đến 3°C và hàng ngàn km2 của đồng bằng sông Cửu Long có
nguy cơ bị nhấn chìm dưới nước biển. Thành phố Hồ Chí Minh, thủ
phủ của miền nam, sẽ là nơi hứng chịu trước tiên hiểm họa này.
Đó là dự báo của các nhà khoa học Việt Nam về những hậu quả của
biến đổi khí hậu đối với khu vực đồng bằng rộng lớn ở phía nam.

Nhà dân dọc sông Cửu Long Ảnh : Đức Tâm/
RFI
Với bờ biển dài hơn 3200 cây số, Việt Nam được coi là một trong
năm quốc gia bị đe doạ nghiêm trọng nhất bởi hiện tượng mực nước
biển dâng.
Theo các kịch bản được bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam
công bố hồi tháng tám vừa qua, nếu mực nước biển dâng cao thêm 65
cm, thì hơn 6% diện tích thành phố Hồ Chí Minh bị ngập lụt. Nếu
mực nước biển dâng cao thêm một mét, khoảng 500 cây số vuông của
thành phố sẽ nhấn chìm dưới nước biển.
Tình hình còn tồi tệ hơn đối với đồng bằng sông Cửu Long, nơi
sinh sống của khoảng 17 triệu người. Vùng châu thổ này có tổng
diện tích gần 40 ngàn km vuông, cung ứng hơn 50% sản lượng lúa và
hoa quả cho toàn quốc.
Trong giả thuyết nhiệt độ trung bình tăng thêm hơn 3°C vào năm
2100, mực nưóc biển ở Việt Nam sẽ tăng thêm hơn một mét. Vựa lúa
lớn nhất của Việt Nam sẽ bị mất đi 38% diện tích.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho RFI, tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, phó
tổng cục trưởng tổng cục biển và hải đảo Việt Nam nhấn mạnh :
« Mực nước biển dâng cao làm cho nước mặn xâm nhập ngày càng sâu
vào trong đồng bằng sông Cửu Long, làm giảm diện tích đất canh
tác, hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái và đa dạng sinh học ».
Trong vòng nửa thế kỷ qua, mực nước biển tại Việt Nam đã dâng
cao thêm khoảng 20 cm. Nhưng dưới tác động của biến đổi khí hậu và
đặc biệt là các hoạt động của con người, nước biển lấn sâu vào
đồng bằng sông Cửu Long nhanh hơn, với tần suất cao hơn.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia viện Nghiên cứu biến đôỉ khí
hậu, đại học Cần, thuộc Mạng lưới Nghiên cứu Đồng bằng và Quan
trắc Toàn Cầu, DRAGON – Mekong cho biết : Trong mùa khô năm nay,
tại một số nơi, nước mặn đã thâm nhập sâu hơn 60 cây số so với mức
của năm ngoái.
Ông giải thích, hiện tượng mặn hóa tiến nhanh là do hai yếu tố
kết hợp : nước biển dâng cao hơn và mực nước sông Mékong xuống
thấp. Khí hậu nóng hơn đã gây ra hiện tượng giãn nở của các đại
dương và tan băng, làm cho mực nước biển dâng lên.
Đối với các nhà khoa học Việt Nam, hiểm họa đang cận kề và cần
phải hành động ngay lập tức. Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang
đứng trước nhiều mối đe dọa như diện tích đất trồng trọt bị thu
hẹp, an toàn lương thực bị đe doạ, hệ sinh thái bị hủy hoại, một
số loài động thực vật có thể bị biến mất, tỷ lệ người đói nghèo
gia tăng, không kiểm soát được luồng di dân, nhiều nguồn tài
nguyên thiên nhiên bị tàn phá, một số bệnh dịch có nguy cơ tái
xuất hiện …
Trước thực tế này, Việt Nam đang tìm kiếm các quan hệ hợp tác
quốc tế và đa ngành, cho phép xác định được một cơ chế khai thác
và quản lý phù hợp với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một số chuyên
gia cho rằng cần phải thành lập một nhóm tư vấn quốc tế trong lĩnh
vực này.
Vào tháng 12 năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã thông qua Chương
trình mục tiêu quốc gia để thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngân
sách dự trù cho chương trình lên đến 2000 tỷ đồng, tương đương 74
triệu €, một nửa số tiền này sẽ đến từ nguồn tài trợ quốc tế.