Những giòng sông bị giết - 4

Vietsciences-          
 

Hồ sơ vụ án VEDAN

1/Long Thành - Ô nhiễm nặng nguồn nước
2/Ô nhiễm đến đâu cũng mặc
3/Hà Nội - sông và cống
4/Nhuệ giang 'chết dần' giữa lòng Hà Nội
5/Thực trạng ô nhiễm môi trường đô thị và công nghiệp ở VN
6/Ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội: Thực trạng đáng sợ
7/Hà Nội và TP.HCM có chỉ số ô nhiễm cao nhất
8/Ô nhiễm môi trường - lời cảnh báo chưa muộn(1,2)
9/Lưu vực sông Đồng Nai: Ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng
10/Các con sông tiếp tục bị đầu độc: Đồng Nai - sông, suối đều "hấp hối"
11/Giải quyết ô nhiễm môi trường - Nhận thức chậm, hậu quả khó lường
12/ĐANG QUÊN MÔI TRƯỜNG!
13/Tác nhân phá hoại môi trường
14/Ô nhiễm KCN Phú Thái: Dân bỏ nhà đi vì ô nhiễm(1,2)
15/ Ô nhiễm nghiêm trọng ở khu công nghiệp Phú Minh
16/Ô nhiễm môi trường trong các KCN - KCX: Vẫn là một thử thách
17/Ô nhiễm: "thủ phạm" từ các khu công nghiệp!
18/Hà Nội: Ô nhiễm nghiêm trọng ở khu công nghiệp Phú Minh
19/Nhức nhối ô nhiễm quanh các khu công nghiệp
20/ĐBSCL:Nhiều dự án gây ô nhiễm "lọt lưới"
21/TP HCM đã buông lỏng quản lý môi trường trong 15 năm qua
 

 

1-Long Thành - Ô nhiễm nặng nguồn nước

(TT&VH Online) - Những dòng nước không ra đen, không ra đỏ. Chúng lờ đờ chảy và bốc lên mùi khó diễn tả. Ấy vậy mà người dân ở đây vẫn phải sống chung và nuôi trồng với nguồn nước đó.

Thethaovanhoa đã đến thăm và sống 1 ngày cùng những người dân đang sinh sống gần khu công nghiệp Nhơn Trạch, Long Thành, Đồng Nai để hiểu rõ hơn mức độ ô nhiễm nơi đây.

Cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc chính vào các đầm nước lợ.

Trước đây tôm là nguồn thu chủ yếu cho các chủ đầm. Nguồn nước chính được cung cấp từ Sông Đồng Nai lên xuống theo thủy triều

Tuy nhiên, từ khi nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều đầm tôm hoặc phải bỏ hoang, hoặc phải chuyển sang nuôi các loại cá có năng suất thấp, thu nhập không cao

Mặc dù biết nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng do nước thải từ các khu công nghiệp thải ra, nhưng do mưu sinh, họ vẫn phải hàng ngày tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm

Không chỉ ô nhiễm bởi nước thải, ngay chính người dân ở khu vực này cũng không ý thức được việc giữ gìn môi trường. Rác thải thường được vứt thẳng xuống kênh và sông chính là nơi lưu chuyển rác ra... biển

Mức độ ô nhiễm nguồn nước ở đây có thể thấy rõ bằng mắt thường hoặc qua các cửa cống mỗi khi chủ đập xả nước

Theo ông Rí, một người dân ở đây cho biết, tôm thường khó nuôi được đến lúc đạt giá trị cao nhất mà hay chết trước khi đến tuổi trưởng thành. Loài duy nhất có thể sống khỏe ở vùng nước này là 1 giống cá rô phi do phía Đài Loan cung cấp. Đây cũng chính là nguồn lợi lớn nhất của người dân có đầm gần các khu công nghiệp

Để có thể nuôi tôm, người dân thường phải đi khai thác ở các đầm cách khu công nghiệp gần 20 - 30km bằng thuyền. Nguồn nước ở đây sạch hơn nhưng vẫn có ảnh hưởng đến khả năng sống của tôm

Chính vì vậy cá vẫn là lựa chọn chính của các chủ đầm bởi không cần nhiều vốn, không tốn nhiều chi phí nuôi và cá phát triển, sinh sôi rất nhanh

Nhưng có những người không thích ứng được, dần bỏ đi những đầm đã kỳ công tạo dựng. Họ bỏ hoang và đi tìm những nguồn lợi mới đảm bảo cho gia đình hơn

Chẳng biết bao giờ những nguồn nước này có thể trở lại được như ban đầu

Câu trả lời e rằng sẽ là rất lâu. Sự đối lập giữa hai dòng nước không cho thấy được một tương lai gần sáng sủa hơn

Nhưng cuộc sống vẫn diễn ra dù ngày càng khó khăn hơn. Mong muốn của người dân lúc này chỉ là làm sao để họ có thể sống bằng nghề truyền thống của mình

Phát triển các khu công nghiệp là cần thiết. Nó không chỉ phát triển kinh tế mà còn mang lại nhiều công ăn, việc làm cho người dân trong vùng. Thế nhưng trách nhiệm của các khu công nghiệp đối với sinh thái, đối với cuộc sống người dân là không thể chối bỏ. Cần có biện pháp để cả hai cùng phát triển và chính quyền địa phương, cơ quan chức năng phải là người nhìn thấy và dung hòa điều đó.

Mạnh Tuấn

http://www.thethaovanhoa.vn/132N20080803094532543T14/Long-Thanh-O-nhiem-nang-nguon-nuoc.htm

 

2- Ô nhiễm đến đâu cũng mặc

ThienNhien.Net, ngày 24/10/2007

Với chính sách "mở toang cửa thu hút đầu tư" của mình từ hàng chục thập niên trước, một chính sách thông thoáng đến quá mức, TP. Việt Trì đã và đang "bắn súng lục vào hiện tại" và thảm họa môi trường sẽ là "phát đại bác" mà tương lai dành cho địa phương này. Một thảm họa về môi trường đang tới và rất có thể chỉ vài năm nữa đây sẽ là địa phương ô nhiễm nhất nhì miền Bắc!

Thành phố "ô nhiễm"

Thành phố Việt Trì là Thành phố loại II, là thành phố của lễ hội, tại vị trí "ngã ba sông", điểm giao nhau của sông Hồng, sông Ðà và sông Lô, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ghi nhận năm 2005 là 18%. Thu nhập bình quân trên đầu người tăng nhanh, trung bình đạt 500USD/năm. Đô thị hóa là nhân tố của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên quá trình này đã tác động không nhỏ tới môi trường. Và giờ đây, có không ít hộ gia đình đang muốn chạy trốn khỏi mảnh đất này trước nguy cơ bệnh tật đang ập về với họ.

Tại Việt Trì, hiện tài nguyên đất đô thị đang bị khai thác triệt để để xây dựng các công trình, diện tích cây xanh và mặt nước giảm, gây ra úng ngập. Mỗi khi lâm vào cảnh này, người dân lại chứng kiến thêm cả việc "bơm nước thải ô nhiễm theo mưa" của hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thành phố. Lợi dụng mưa to, họ mặc sức bơm nước thải ra ngoài. Trong lúc mưa to gió lơn, ai nấy đều lo toan cho gia đình mình, hơi đâu mà đi rình, đi "úp" những kẻ đang tâm làm những việc như vậy. Thành thử, cứ sau cơn mưa là mùi không khí lại thối, lại hôi đến rùng mình ở xung quanh các phường như Bến Gót, Bạch Hạc.

Đến nay, tại Việt Trì sự chồng chéo trong việc phân bố các cơ sở sản xuất rải rác dọc theo thành phố đã biểu hiện rõ nét hơn bao giờ hết khi mà cả thành phố không có khu xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt tập trung. Mặt khác, do quá trình đô thị hóa mà đến nay các cơ sở sản xuất lại "nằm gọn" trong các vùng dân cư đông đúc, trung tâm của thành phố. Ông Nhạc Văn Tiến, Bí thư, Chủ tịch HĐND phường Bến Gót bức xúc cho biết: "Các vấn đề cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, như hệ thống cấp thoát nước, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn và không khí… chưa được thành phố quan tâm đúng mức. Kỳ họp nào chúng tôi cũng có kiến nghị lên thành phố, UBND tỉnh nhưng kết quả đều rơi vào im lặng...Thế là "tít mù nó chạy vùng quanh", người dân kêu mãi thì hết hơi, mỏi mồm, "nằm yên" ở nhà mà "hưởng ô nhiễm”!

Thương thay những dòng sông

Đến thời điểm hiện nay, "nạn nhân" của sự ô nhiễm môi trường tại thành phố công nghiệp này không chỉ dừng lại ở những người dân sống tại đây, mà nó đã tác động nghiêm trọng đến nguồn nước sông Hồng, sông Đà, sông Chảy, sông Bứa,.. khi chảy qua địa phương này. Riêng các đầm, ao, hồ nằm trên địa bàn TP.Việt Trì có thể được coi như những cãi phễu hứng trọn vẹn nguồn nước thải đô thị và công nghiệp của thành phố. Theo thống kê sơ bộ thì chỉ khoảng 3,2% lượng nước thải công nghiệp được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn cho phép ra môi trường.

Qua phân tích 08 mẫu nước với tần xuất 4 lần/năm từ thượng lưu sông Hồng chảy về hạ lưu qua các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao, Thành phố Việt Trì (tại các vị trí Bờ trái sông Hồng trên và dưới cửa xả của công ty Giấy lửa Việt cự ly 100m, xuôi về Bến phà Ngọc Tháp, cầu Phong Châu là vị trí sau khi tiếp nhận nước thải của Công ty Giấy Bãi Bằng và Công ty supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, xuôi về Phường Bến gót nơi tiếp nhận, chịu ảnh hưởng nước thải của các cơ sở sản xuất phía Nam Việt Trì như: Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì, công ty Pangrim Noetext, Công ty TNHH Miwon Việt Nam,…) thì đa phần đều vượt tiêu chuẩn cho phép, khiến dòng sông vốn hiền hòa thơ mộng, nay trở nên ô nhiễm, mang mầm mống bệnh tật.

Theo báo cáo Hiện trạng môi trường năm 2006 của Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, hàm lượng ô nhiễm (BOD5, NH4+, -N, DO, COD, TSS...) so sánh với Tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng nước mặt (cột A) TCVN 5942:1995 thì nồng độ các chất ô nhiễm tại các sông lớn (sông Hồng, sông Lô, sông Đà) chảy qua Phú Thọ mấy năm gần đây cao hơn so với những năm trước.

Những đầm, ao "chết"!

Trong khu vực nội thành của TP. Việt Trì và các cụm, khu công nghiệp. Hệ thống các ao, hồ, đầm, kênh , mương là nơi tiếp nhận và vận chuyển nước thải của các khu công nghiệp, khu dân cư. Hiện nay, hệ thống này đều ở tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, có nhiều chỉ tiêu ô nhiễm vượt quá nhiều lần giới hạn cho phép của Tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng nước mặt (TCVN 5942:1995). Các đầm, hồ trong thành phố phần lớn ở trạng thái phú dưỡng, nhiều hồ bị phú dưỡng đột biến và tái nhiễm bẩn hữu cơ.

Đầm Sen thuộc địa phận phường Thanh Miếu hứng nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn phía Nam Việt Trì như Công ty Dệt Trí Đức, Công ty TNHH Plastic, HTX Phú Cát…và nước thải sinh hoạt của khu dân cư. Chất lượng nước ở đây ô nhiễm nặng và gây mất cân bằng sinh thái. Nồng độ các chất hữu cơ như COD vượt 1,4 - 2lần, BOD5 vượt 1,2 – 2,1lần, Chất rắn lơ lửng vượt 1,1 – 1,4lần, NH4+ vượt 1,6 – 1,8 lần; Hàm lượng Coliform vượt 1,1 – 1,2 lần. Tương tự như vậy, Đầm Gia thuộc địa phận phường Tiên Cát và đầm Cẩm Đội thuộc thuộc địa phận Khu Công nghiệp Thụy Vân cũng chịu chung số phận.

Hiện nay, hầu hết nước dưới đất tại các vùng công nghiệp, đô thị ở Thành phố Việt Trì đều có dấu hiệu ô nhiễm về sắt, NH4+, Coliform, pH nằm ngoài giới hạn cho phép. Đặc biệt, ô nhiễm cục bộ tại một số địa điểm tại Thành phố, nồng độ As cao hơn tiêu chuẩn cho phép như: Bạch Hạc, Khu công nghiệp Thụy Vân.

Nhắm mắt dùng liều

Công tác quản lý khai thác và sử dụng nước sinh hoạt ở TP. Việt Trì hiện nay còn nhiều bất cập, việc khoan giếng tùy tiện, không khảo sát và không đúng quy trình đã tạo ra các cửa sổ địa chất thủy văn làm cho xâm nhập nhiều lượng chất ô nhiễm vào sâu trong lòng đất gây nguy cơ ô nhiễm nước dưới đất tăng lên. Một số vùng ở thành phố Việt Trì nằm ở các dộc ruộng, đồi xa đường ống nước chung của thành phố. Người dân đã đào giếng lấy nước để sử dụng dùng nước cấp cho sinh hoạt, chất lượng nước ngầm đã bị ô nhiễm bởi nước bề mặt và các công trình vệ sinh tự hoại như khu 4 tại phường Vân Cơ, khu 2 xã Minh Phương, Minh Nông.

Việc khai thác quá mức và không có quy hoạch đã làm cho nước dưới đất bị hạ thấp. Về mùa khô, rất cạn kiệt. Đến nay trên địa bàn Thành phố Việt Trì có 11 cơ sở sản xuất đang sử dụng nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Nước ngầm phường Thanh Miếu do chịu tác động một phần của nước thải, khí thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp phía Nam Việt Trì cộng với nước thải sinh hoạt, nồng độ Fe có trong nước dưới đất tại khu phố Thanh Bình đã vượt tiêu chuẩn 1,1 – 1,2 lần.

Ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân địa phương. Tại các vùng có nguồn nước ô nhiễm, tỷ lệ dân cư mắc bệnh cao hơn, bệnh nặng hơn các vùng khác. Các bệnh thường gặp là các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da, về mắt, các bệnh liên quan đến thần kinh, bệnh phụ khoa và đường ruột. Đối tượng chiếm tỉ lệ mắc bệnh cao nhất là phụ nữ và trẻ em.

Tình trạng ô nhiễm sông hồ, ao đầm nước do nhận đồng thời nhiều nguồn thải, lại chưa qua xử lý là nguyên nhân đang đe dọa hoạt động nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Tại đầm Gia, ngày 09/06/2006 đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt do nồng độ ô xy hòa tan trong nước đột biến xuống quá thấp (0,4mg/l). Đồng thời, tình trạng này cũng góp phần tăng thêm sức ép đối với môi trường sản xuất nông nghiệp của Việt Trì.

Ông Nguyễn Bá Thọ, cán bộ Phòng Quản lý môi trường- Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã phải thừa nhận với chúng tôi về sự quá tải trong quá trình thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các đơn vị gửi đến. Công việc cứ ngày một tăng theo cấp số nhân, mà biên chế cán bộ thì quá mỏng. Cả phòng quản lý môi trường có 7 cán bộ (trong đó có một cán bộ vừa mới về), suốt ngày chỉ đọc các hồ sơ đánh giá tác động môi trường của các dự án mới đã mệt, thì còn thời gian đâu mà đi kiểm tra, thanh tra ô nhiễm môi trường nữa.

Trong tình trạng nhốn nháo hiện nay, các cơ sở sản xuất ở TP. Việt Trì thi nhau gây ô nhiễm mà mắt thường cũng có thể nhận biết được. Tiếc rằng, không hiểu các cơ quan chức năng quản lý về môi trường của tỉnh Phú Thọ ở đâu mà họ lại làm ngơ theo kiểu "mũ ni che tai" như vậy?!.

Đem những suy nghĩ này trao đổi với một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, chúng tôi chỉ nhận được một lời biện hộ: “Xử lý ô nhiễm môi trường khó lắm đâu phải đơn giản. Để phạt một cơ sở thì phải có các xét nghiệm, thử mẫu chất thải... nhưng việc này lại là chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ. Sở Khoa học và Công nghệ lại không có trách nhiệm trong quản lý môi trường... Nói chung để xử lý một vụ việc là khó lắm”.

Trước những nguy cơ bệnh tật luôn luôn rình rập, những người dân sinh sống bên cạnh các nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm nặng thuộc TP. Việt Trì đang cố vùng vẫy nhưng có vẻ rằng lối thoát duy nhất của họ chỉ còn cách "bán xới" khỏi mảnh đất này. Nhưng phận người nông dân nghèo khó, gia tài bán không có người mua thì "bói" đâu ra tiền để kiếm được "tấc đất cắm dùi" nơi khác. Còn mong cho các nhà máy, xí nghiệp ở đây di chuyển đến các khu công nghiệp tập trung của tỉnh này ư? Xem ra điều đó chỉ có xảy ra ở một tương lai rất xa nào đó mà thôi.

Nắm chắc bệnh tật và cái chết đến dần từ ô nhiễm môi trường mà không tránh, không tự cứu lấy được mình - đó là một thảm kịch đối với những người dân sinh sống trên mảnh đất này. Biết người dân của mình đang từng ngày sống trong nơm nớp lo âu, trong sự ô nhiễm trầm trọng mà không có cách can thiệp, giải quyết đến nơi đến chốn - đó cũng là thảm kịch của những người làm cán bộ nơi đây.

Nói như bà Trạm trưởng Trạm y tế phường Bến Cót, TP. Việt Trì - bác sỹ Lê Phương Loan thì: "Không có gì là lạ nếu các làng, các phường "ung thư" sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tại thành phố công nghiệp này". Vậy, lãnh đạo TP. Việt trì, tỉnh Phú Thọ có "cảm giác" gì không về những dự báo chính xác mười mươi đó?!

Vũ Văn Tiến

 

3- Hà Nội - sông và cống

“Cái thú được thả thuyền trên sông Tô Lịch, đàn ca sáo nhị sao mà tao nhã đến thế…” - câu chuyện xưa giờ đã thành không tưởng. Người Hà Nội hôm nay chỉ còn nỗi khổ khi phải sống chung với những dòng sông như những cống nước thải khổng lồ.

Sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ… và còn rất nhiều con sông nữa, trước kia mang dòng nước chảy khắp Hà Nội, cùng với hệ thống các ao hồ đã có tác dụng điều hoà, giảm bớt cái nóng oi bức của miền Bắc.

Giờ đây, với tốc độ phát triển chóng mặt của Hà Nội cả về kinh tế và dân số, các dòng sông này đổi tên thành những “cống nước thải” , mang đầy rác rưởi và bốc mùi hôi thối khó chịu. Người dân sống gần “cống” lâu ngày đã tôi luyện khả năng chịu đựng, chai lỳ trước mùi hôi thối và môi trường ô nhiễm. Bằng chứng là họ vẫn cứ đời này qua đời khác sống “mạnh khỏe” cạnh những dòng sông chết ấy, vẫn quần áo thơm tho ngẩng cao đầu bước đường, bỏ lại sau lưng mùi tanh nồng của nước thải...

Trẻ em khu Trung Tự chơi hè bên những cái cống lộ thiên sâu tới 3m.

Những dòng nước đen ngòm cùng rác rưởi len lỏi khắp dưới chân những ngôi nhà mới xây hiện đại hào nhoáng.

Người dân khu Hào Nam ngồi chơi bên cái cống nồng nặc mùi rác thải. Họ buộc phải quen với mùi này bởi ở đây, biết có nơi nào có thể trong lành hơn?

Khu đô thị mới Định Công nằm ngay cạnh một cái cống nước thải lớn, nặng mùi - sông Tô Lịch.

Những khu chợ tự phát vẫn hình thành tự nhiên bên những dòng sông. Khách đi đường lựa chọn, mua cái đẹp, cái thơm tho ngay bên trên dòng nước khăm khẳm.

Người dân giờ đây đã thấm nhuần câu nói: sạch nhà bẩn phố. Những con sông này đã mặc nhiên được coi là nơi tập kết rác thải hàng ngày.

Ai còn có thể gọi đây là một dòng sông???

Đoạn cống nửa kín nửa hở tại khu Hào Nam đã khiến một người phải thiệt mạng oan ức. Người dân sống gần đó phải viết tạm một tấm biển cảnh báo cho người đi đường.

Bước ra cửa là đã có mùi nước thải, không thích nghi thì làm sao

những người dân này có thể trụ lại Hà Nội?

Những diện tích của các cống nước thải này cứ thu hẹp dần mỗi khi các căn nhà hai bên xây lại mới.

Người dân khu Xã Đàn tập thể dục, hít thở không khí "trong lành"

bên cạnh một cái cống nước thải rộng gần 5m.

Việt Hưng (theo dantri)

 

4- Nhuệ giang 'chết dần' giữa lòng Hà Nội

TP - Mỗi ngày sông Nhuệ hứng 20 tấn chất tẩy rửa và 500.000 m3 nước thải từ 30 làng nghề, hàng chục bệnh viện, nhà máy trải dài từ Hà Nội đến Hà Nam. Dòng sông đỏ nặng phù sa ngày nào nay nhuốm màu của hóa chất, rác thải và nước thải...

Con sông xanh xanh nay thành sông 'chết'

Một đoạn của sông Nhuệ đen đặc bởi chất thải. Ảnh : PV

Nhuệ giang là tên của con sông thơ mộng trải qua nhiều làng mạc trù phú của Hà Nội, Hà Nam. Gần mười năm trước, người ta đã đưa ra ý tưởng hình thành những khu du lịch sinh thái, du lịch làng nghề ven sông... Nhuệ giang xanh biếc in bóng tre làng rồi sẽ nhộn nhịp trên bến dưới thuyền.

Tiếc thay, những ý tưởng tốt đẹp đó chưa thành hiện thực, còn dòng sông thì đang bị giết chết dần bởi chính sự thờ ơ, vô cảm và thậm chí là sự tàn nhẫn của con người.

Dòng sông đỏ nặng... hóa chất

Sông Nhuệ có chức năng phục vụ tưới tiêu cho vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của miền Bắc là Hà Nội, Hà Tây (trước đây), Hà Nam có điểm đầu là cống Liên Mạc (huyện Từ Liêm).

Do sông Nhuệ được bắt nguồn từ sông Hồng nên con sông này cũng chở nặng phù sa mang trù mật đến bao làng mạc. Sông Nhuệ có trục chính dài 74 km và một số nhánh sông Nhuệ dài 40km. Tuy nhiên, con sông đỏ nặng phù sa ngày nào nay nhuốm màu của hóa chất, rác thải và nước thải.

Lần theo chỉ dẫn của một người dân bản địa, chúng tôi đến cầu Dương Nội bắc qua kênh La Khê ( tên gọi khác là sông La Khê là một nhánh của sông Nhuệ) thuộc xã Dương Nội, thành phố Hà Đông.

Về phía hạ lưu cây cầu đoạn chảy từ sông Nhuệ ra sông Đáy ( dài khoảng 6km), dù sau cơn mưa cuối tháng 9, nhưng nước kênh vẫn vẩn màu đỏ, thi thoảng lại có cuộn nước xanh lơ lửng trôi.

Trên bãi bùn khi nước rút hở ra những vệt màu còn láng một lớp màng mỏng nhiều màu. Quan sát kỹ hơn, thì nước có màu lạ nhuộm dòng sông có nguồn gốc từ nhiều xưởng nhuộm mọc sát ngay mép sông phía hạ lưu cầu.

Bên trong những dãy nhà xưởng xây tạm dọc sông này, than đá, vải chất thành đống. Bên cạnh đó là hàng loạt can nhựa 20 lít đựng hoá chất cũng được xếp ngổn ngang...Thấy có người lạ, một số người dân tỏ ra cảnh giác và ném những cái nhìn đầy nghi vấn về phía chúng tôi...

Ngày 1/10, theo chân ông Ngô Thanh Sơn, trưởng phòng quản lý nước và công trình, thuộc Cty thủy lợi sông Nhuệ chúng tôi mới quay trở lại đoạn sông trên.

Men theo con sông đã bị lấp nham nhở bởi rác rưởi và xỉ than, thượng lưu kênh La Khê (nơi cách sông Nhuệ 3,5km) hiển hiện những chuyện khó tin. Ghi nhận đầu tiên là khúc sông được nhuộm màu vàng nổi bật trên màu nước đen quánh.

Dò theo vệt nước, hóa ra thứ nước vàng đó được một xưởng nhuộm, in thải ra sông qua một cái ống nhựa. Nước chảy lâu ngày tạo thành một cái hủm ven sông rồi lách qua rãnh hào xả vào dòng sông tạo nên màu vàng. Xung quanh cái hủm nhỏ, cây cỏ chết rạc.

Mùi nước bốc lên gai người. Đang mải mê chụp ảnh cái hủm lợm người này thì ông Sơn kéo chúng tôi đi tiếp, miệng sốt sắng: “Sông đỏ như máu kia kìa, chết thật! Không thấy đội tuần đê báo cáo”. Cách đó chỉ vài chục mét, khúc sông đen được phủ một lớp màu đỏ như máu.

Dưới dòng nước đen sền sệt những cuộn nước đỏ sủi tăm vẩn lên thứ màu đa sắc. Dòng hóa chất đỏ ngầu đó cũng chảy trực tiếp từ một xưởng sản xuất nằm cạnh con sông.

Nước chảy đến đâu, hầu như không có sự sống đến đó. Khoảng rộng của dải bùn từ mép nước lên bờ sông dường như cây cối chết rụi, còn chỏng chơ những thân cây dại. Trên dòng sông, vệt nước đỏ rộng cả trăm mét vuông đang lởn vởn trôi...

Cảnh tượng hãi hùng hơn tiếp tục diễn ra. Cách đó không xa một “thác nước” nóng nhân tạo đổ ra sông. Nước nóng cộng hóa chất, đổ róc rách từ độ cao khoảng 3m xuống sông. Dòng nước được chảy trên một nền là đống giẻ te tua và rác.

Nước đến đâu, hơi bốc nghi ngút đến đó. Và tất nhiên là mùi nước khó tả cũng tỏa vào không khí. Nhiều anh em trong đoàn phải bịt mũi vì thứ khí thải ngửi phải đã thấy nôn nao người... Chúng tôi quyết định quay lại vì không thể ở lâu hơn.

Thật khó tưởng tượng khi các họng nước thải này lại xả ngay trước cửa trạm bơm La Khê nơi bơm nước tưới cho trên 10.000 ha ruộng và rau màu của các huyện Thanh Oai, một phần của huyện Ứng Hoà, Phú Xuyên. Phần nước còn lại của sông La Khê tiếp tục đổ ra sông Đáy về xuôi tưới mát cho ruộng vườn.

Xẻ thịt dòng sông

Chúng tôi ngược về Hà Đông rồi đi theo sông Nhuệ đến chân cầu Tó. Thay vì những sắc màu hỗn hợp tại sông nhánh La Khê, khúc sông Nhuệ khi đi qua cầu Tó đã được thảm một màu đen thăm thẳm. Thứ nước đen bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Ngay chân cầu Tó ( khu vực xã Hữu Hoà và xã Tả Thanh Oai của huyện Thanh Trì), một đống rác cả chục mét khối cao ngất được chất lên từ đáy sông đến sát mép cầu. Trong đống rác hổ đốn bốc mùi ngùn ngụt dưới cái ngắt nắng sau mưa, chúng tôi vẫn đủ nhận ra nào là lông gà, lông vịt, chuột chết, vỏ dưa và nhiều thứ bẩn thỉu không thể kể hết...

Đống rác được hình thành do thói quen đổ rác ra sông của người dân sống bên cạnh dòng sông và hơn thế, nó còn là nơi xả rác của cái chợ quê gần cầu Tó. Chưa hết, gần dòng nước đen ngòm đó là hàng loạt ngôi nhà kiên cố được gia cố bằng kè mọc lên sát dòng sông.

Tình trạng dòng sông bị xâm chiếm diễn ra khá phổ biến. Anh Sơn cho biết, chỉ tính riêng khu vực sông Nhuệ đi qua địa phận thành phố Hà Đông, huyện Thanh Trì đã có hàng chục vụ vi phạm lấn chiếm dòng chảy. Các loại vi phạm thường là xây dựng công trình nhà ở, kho tàng, nhà xưởng, công trình phụ trên sông.

Số khác thì lấn chiếm hành lang sông để trồng rau, cây lưu niên. Một trong những vi phạm làm cản trở dòng chảy đó là hiện tượng trồng rau muống trên lòng sông. Theo thống kê của Cty thủy lợi sông Nhuệ thì hàng năm, Cty đã phải tiến hành giải tỏa hàng trăm ngàn mét vuông rau muống.

Ngược sông Nhuệ về phía thượng lưu- khu vực huyện Từ Liêm, tại nhiều đoạn, đất hành lang sông đã bị cắt xẻ làm nhà, làm vườn, quây tường bao... Sau cơn sốt đất đầu những năm 2000, hàng ngàn mét vuông đất hành lang sông Nhuệ đã bị lấn chiếm biến thành đất ở, đất vườn.

Tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trong hành lang sông Nhuệ vẫn tiếp tục diễn ra cho đến thời điểm hiện tại đặc biệt là tại địa bàn thị trấn Phú Diễn. Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó GĐ Cty thuỷ lợi sông Nhuệ đưa ra những con số đáng lo ngại: Tình trạng lấn chiếm vi phạm hành lang sông Nhuệ diễn ra trên chiều dài 30-40 km ( sông chính dài 74km).

Tại nhiều điểm, sông Nhuệ đã bị co thắt từ 20m đến 30m. Thống kê mới đây của Cty thủy lợi sông Nhuệ cho thấy, có đến 4.000 vụ vi phạm liên quan đến sông Nhuệ. Nếu so sánh với tổng chiều dài cả trục chính và nhánh thì mỗi ki-lô-mét sông Nhuệ đang có 30-40 vụ vi phạm.

Vậy Cty có hướng xử lý như thế nào? Bà Hạnh bức xúc, nhiệm vụ của Cty chỉ là thống kê vi phạm và kiến nghị các cấp chính quyền xử lý. Tuy nhiên, ngay cả lập biên bản vi phạm, Cty cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhiều sai phạm, Cty phát hiện nhưng đến khi lập được biên bản thì công trình đã hoàn thiện và việc xử lý khó khăn gấp nhiều lần. Việc ngăn ngừa và xử lý dường như trông đợi vào sự ra tay của chính quyền các địa phương...

Phùng Sưởng

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=139409&ChannelID=46

 

5- Thực trạng ô nhiễm môi trường đô thị và công nghiệp ở VN

(Khoa học và đời sống, số 20, ngày 31/3/20030)

Nước ta thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá và đương nhiên là kéo theo đô thị hoá. Theo kinh nghiêm của nhiều nước, tình hình ô nhiễm môi trường cũng gia tăng nhanh chóng. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP trong vòng 10 năm tới tăng bình quân khoảng 7%/năm, trong đó GDP công nghiệp khoảng 8-9%/năm, mức đô thị hoá từ 23% năm lên 33% năm 2000, thì đến năm 2010 lượng ô nhiễm do công nghiệp có thể tăng lên gấp 2,4 lần so với bây giờ, lượng ô nhiễm do nông nghiệp và sinh hoạt cũng có thể gấp đôi mức hiện nay.

Trong quá trình phát triển, nhất là trong thập kỷ vừa qua, các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đã gặp phải nhiều vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng, do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và sinh hoạt gây ra. Tại thành phố Hồ Chí Minh có 25 khu công nghiệp tập trung hoạt động với tổng số 611 nhà máy trên diện tích 2298 ha đất. Theo kết quả tính toán, hoạt động của các khu công nghiệp này cùng với 195 cơ sở trọng điểm bên ngoài khu công nghiệp, thì mỗi ngày thải vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai tổng cộng 1.740.000 m3 nước thải công nghiệp, trong đó có khoảng 671 tấn cặn lơ lửng, 1.130 tấn BOD5 (làm giảm nhu cầu ôxy sinh hoá), 1789 tấn COD (làm giảm nhu cầu ôxy hoá học), 104 tấn Nitơ, 15 tấn photpho và kim loại nặng. Lượng chất thải này gây ô nhiễm cho môi trường nước của các con sông vốn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho một nội địa bàn dân cư rộng lớn, làm ảnh hưởng đến các vi sinh vật và hệ sinh thái vốn là tác nhân thực hiện quá trình phân huỷ và làm sạch các dòng sông.

Về ô nhiễm không khí, ngoài tác động của sản xuất công nghiệp, hoạt động giao thông vận tải cũng là nguồn thải rất quan trọng. Chỉ tính riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, hàng năm các phương tiện vận tải trên địa bàn thành phố tiêu thụ khoảng 210.000 tấn xăng và 190.000 tấn dầu Dizel. Như vậy đã thải vào không khí khoảng 1100 tấn bụi, 25 tấn chì, 4200 tấn CO2, 4500 tấn NO2, 116000 tấn CO, 1,2 triệu tấn CO2, 13200 tấn Hydrocacbon và 156 tấn Aldehyt. Chính vì thế, tại nhiều khu vực trong các đô thị có nồng độ các chất ô nhiễm lên khá cao. Tại Hà Nội, vào nhưng năm 1996-1997 ô nhiễm trầm trọng đã xảy ra ở xung quanh các nhà máy thuộc khu công nghiệp Thượng Đình với đường kính khu vực ô nhiễm khoảng 1700 mét và nồng độ bụi lớn hơn tiêu chuẩn cho phép khoảng 2-4 lần; xung quanh các nhà máy thuộc khu công nghiệp Minh Khai – Mai Động, khu vực ô nhiễm có đường kính khoảng 2500 mét và nồng độ bụi cũng cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2-3 lần. Cũng tại khu công nghiệp Thượng Đình, kết quả đo đạc các năm 1997-1998 cho thấy nồng độ SO2 trong không khí vượt tiêu chuẩn cho phép 2-4 lần.

Tại thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đến năm 2010, nếu tất cả 74 khu công nghiệp đều sử dụng hết diện tích, thì các xí nghiệp sẽ thải ra một lượng chất thải rắn lên tới khoảng 3500 tấn/ngày tức làn gấp 29 lần so với hiện nay, trong đó có khoảng 700 tấn chất thải độc hại...

Trước những điểm nóng về ô nhiễm môi trường như trên, nhiều giải pháp tương đối đồng bộ và cụ thể đã được kiến nghị nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường cả trong hiện tại và trong dự báo về chính sách, chiến lược, quy hoạch đến các giải pháp về công nghệ, nhân lực, giải pháp xã hội, các cộng cụ kinh tế và các biện pháp quan trắc theo dõi, kèm theo một số dự án hoặc nghiên cúu sâu đối với các trường hợp cụ thể.

Tại Hà Nội, đang thực hiện gói thầu CP7A nhằm cải thiện hệ thống thoát nước ở Hà Nội trên hệ thống sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, tức lần thực hiện các biện pháp xử lý nước thải hữu hiệu như đã đề ra trong quy hoạch tổng thể thoát nước của Hà Nội thì đến năm 2010 hầu hết các con sông ở Hà Nội có chỉ tiêu BOD dưới 25 mg/lít; còn nếu không có biện pháp cải thiện môi trường rõ rệt thì chỉ số BOD sẽ tăng gấp đôi so với thời kỳ 1992-1994 và khoảng 1,8 lần so với thời kỳ 1997-1998, trong đó sông Lừ sẽ bị ô nhiễm nặng nhất với chỉ số BOD là 130 mg/l, khá nhất là sông Sét thì cũng là 54 mg/l; trong đó tiêu chuẩn cho phép đối với nước loại A không quá 4 mg/l, với nước loại B không quá 25 mg/l.

Hà Nội cũng đang tiến hành dự án cải tạo môi trường đối với khu công nghiệp Minh Khai – Vĩnh Tuy, di dời các nhà máy ra khỏi vùng đô thị đông dân, áp dụng nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “Trường hợp tính lệ phí nước thải của một xí nghiệp công nghiệp”. Thành phố Hồ Chí Minh lập dự án xây dựng các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp v.v...

Các giải pháp sẽ chỉ có tác dụng giảm bớt ô nhiễm môi trường nếu mọi người cùng coi trọng và bảo vệ môi trường bằng y thức và hành động cụ thể của mỗi người.

KS. Nguyễn Đăng

Nguồn: http://www.nea.gov.vn/thongtinmt/noidun ... 1_3_03.htm

 

6- Ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội: Thực trạng đáng sợ

29-04-2008

Thanh niên tình nguyện làm vệ sinh, thu gom rác thải tại hồ Hố Mẻ (quận Đống Đa). (Ảnh: Linh Tâm).

Từ nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm hệ thống sông, hồ trong khu vực nội thành Hà Nội đã được báo chí và các cơ quan quản lý, nghiên cứu quan tâm. Chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý, khai thác, giữ gìn hệ thống sông, hồ. Tuy nhiên, những nỗ lực của chính quyền và người dân trong nhiều năm qua vẫn chưa đủ để giải quyết thực trạng ô nhiễm trước mắt cũng như nguy cơ ô nhiễm nặng hơn trong tương lai.

Hệ thống sông, hồ trên địa bàn Thủ đô bị ô nhiễm không phải là vấn đề mới được phát hiện. Việc nạo vét, làm vệ sinh sông, hồ cũng không phải là việc giờ mới làm. Nhưng khi xảy ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và nhiều người bị nhiễm bệnh người ta mới giật mình nhìn lại môi trường sống-cũng là môi trường lây nhiễm bệnh-xung quanh mình. Sông, hồ ở khu vực nội thành ngày càng ô nhiễm nặng bởi nhiều nguyên nhân.

Vì nước thải sinh hoạt và...

Bằng giác quan thông thường, ai cũng nhận thấy hệ thống sông, hồ (ngoại trừ những hồ đã được cải tạo) đều đã bị ô nhiễm ở mọi cấp độ. Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất (TN-MT&NĐ), nước mặt ở các sông, hồ đều bị nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng, nhất là vào mùa khô. Nếu như cách đây 15 năm, nhiều người vẫn có thể bơi, tắm trên một số hồ ở nội thành thì nay không ai dại thử làm điều này. Những con sông ở nội thành đều biến thành kênh thoát nước, đen ngòm và hôi thối!

Theo Sở TN-MT&NĐ, tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất công nghiệp ở khu vực nội thành khoảng 500.000 m3/ngày, đều tiêu thoát qua hệ thống cống và 4 sông tiêu chính là Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Nước thải từ hoạt động sản xuất, bệnh viện và cơ sở dịch vụ chứa nhiều chất gây ô nhiễm chưa được xử lý chiếm tới 90% tổng lượng nước thải công nghiệp, dịch vụ, xả thẳng vào nguồn nước mặt. Hiện Hà Nội mới chỉ có 40 cơ sở sản xuất công nghiệp, 29 cơ sở dịch vụ và 5 bệnh viện có trạm xử lý nước thải.

Những hồ chưa được cải tạo, chưa tách hệ thống nước thải và nước mưa cũng gánh chịu lượng nước thải này cùng lượng nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh. Theo Sở Giao thông công chính, trên địa bàn 9 quận nội thành hiện có 110 hồ với tổng diện tích hơn 1.000 ha, riêng diện tích Hồ Tây đã là 526 ha. Trong đó, mới chỉ có vài hồ được cải tạo, kè xung quanh, tách nước thải và nước mưa riêng như Hoàn Kiếm, Thiền Quang; vài hồ đang được cải tạo như Văn Chương, Kim Liên, Linh Quang... và dự án kè xung quanh Hồ Tây đang ở giai đoạn cuối.

Trong khi đó, lượng nước thải do các cơ sở sản xuất được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường chỉ chiếm khoảng 7% tổng lượng nước thải. Nước thải sinh hoạt phần lớn mới được xử lý sơ bộ tại các bể tự hoại. Hơn nữa, với mật độ dân số ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, hệ thống sông, hồ vốn đã ô nhiễm sẽ ngày càng bị ô nhiễm hơn.

Thanh viên tình nguyện Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 nạo vét sông Kim Ngưu. (Ảnh: Việt Khánh).

Vì nước thải bệnh viện

Ngoài những nguồn ô nhiễm trên, hệ thống sông, hồ nội thành còn phải chịu thêm nguồn ô nhiễm từ nước thải của các bệnh viện trên địa bàn. Nước thải từ bệnh viện được dồn vào bể phốt rồi thoát thẳng ra cống. Hiện nay, một thực tế không thể phủ nhận là chính các bệnh viện lại là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết bệnh viện không thể xử lý nước thải y tế theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường vì chưa được đầu tư cho việc này.

Điển hình như Bệnh viện Việt-Đức hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước đạt chuẩn. Mỗi năm bệnh viện này thực hiện hàng chục nghìn ca mổ, đồng nghĩa với việc xả ra lượng nước thải y tế rất lớn. Thế nhưng, khu xử lý nước thải ở đây đã được xây dựng từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước với quy mô nhỏ. Do đó, nước thải từ đây vẫn gần như giữ nguyên mức độ độc hại khi thải thẳng ra cống rãnh. Bệnh viện Việt-Đức chỉ là một trong số những bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không đạt tiêu chuẩn. Theo thống kê, cả nước có khoảng 900 bệnh viện cũng ở trong tình trạng tương tự.

Theo Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Việt Nam có hơn 1.000 bệnh viện thì chỉ 1/3 trong số đó có hệ thống xử lý nước thải (chủ yếu là ở tuyến trung ương và tỉnh), trong đó chỉ có một số đạt tiêu chuẩn. Nhiều nơi có khu xử lý nước cũng như không vì hệ thống không được bảo dưỡng, dẫn đến hỏng hóc. Nhiều bệnh viện chỉ vận hành hệ thống trong giai đoạn còn bảo hành, sau đó bỏ không với lý do không có kinh phí trả tiền điện, hóa chất khử trùng... Nước thải y tế chưa qua xử lý còn rất nhiều vi sinh vật gây bệnh.

Theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg, Bộ Y tế trực tiếp quản lý 5 “ổ ô nhiễm” lớn: Bệnh viện Đa khoa TƯ Thái Nguyên, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TƯ, Bệnh viện Phụ sản TƯ. Trong 5 “ổ ô nhiễm” trên, chỉ có duy nhất BV Đa khoa TƯ Thái Nguyên đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải đúng theo quy định và đang làm thủ tục để xin ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 4 “ổ ô nhiễm” còn lại đều nằm trong nội thành Hà Nội và chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định. Những gì mà những ổ bệnh trong nội thành làm được mới chỉ dừng lại ở chỗ xây dựng đề án.

Theo Hà Nội Mới, 22/04/2008

 

7- Hà Nội và TP.HCM có chỉ số ô nhiễm cao nhất

Cập nhật ngày: 8:15pm, 28/06/2008

Ngọc Huyền

- Ngày 27/06, Ngân hàng thế giới (World Bank) đã chính thức công bố kết quả nghiên cứu 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ ô nhiễm môi trường do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhất VN. Trong đó, hai thành phố HN và TP.HCM chiếm tỷ lệ khoảng 50% tổng lượng phát thải gây ô nhiễm không khí, đất và nước của hai vùng công nghịêp trọng điểm phía Bắc và vùng công nghịêp trọng điểm phía Nam.

Bản báo cáo có tên: Đánh giá và Phân tích tác động ô nhiễm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, nội dung đề cập đến những thách thức chính đối với quản lý môi trường trong xu thế đô thị hóa, công nghiệp hóa và đổi mới nhanh tại Việt Nam. Tới dự lễ công bố có đại diện của Bộ Công thương, Bộ TN-MT.

HN và TP.HCM là hai thành phố ô nhiễm cao nhất

Lễ công bố báo cáo: Đánh giá và Phân tích tác động ô nhiễm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Huyền

Theo kết quả nghiên cứu, 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ ô nhiễm cao nhất là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Đà Nẵng, Bà rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ. Trong 10 tỉnh này World Bank đã chọn ra 10 phường, xã của mỗi tỉnh, thành phố có tỷ lệ ô nhiễm cao nhất với ba loại hình: ô nhiễm đất, nước và không khí.

Trong đó, ba ngành ngành có chỉ số gây ô nhiễm môi trường cao nhất là: sản xuất đồ uống, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại và dệt may. Sau đó là các ngành: sản xuất trang phục; sơ chế và nhuộm da, lông thú; sản xuất giấy, gỗ, kim loại, va li, túi xách và sản xuất các sản phẩm từ cao su, nhựa...

Hai thành phố có chỉ số ô nhiễm cao nhất VN là thành phố HN và TP.HCM, thủ phạm gây ô nhiễm chủ yếu là ngành công nghịêp hóa chất.

Cụ thể, đối với thành phố Hà Nội ô nhiễm môi trường nước chiếm 41,2% nhu cầu O xy sinh học, 43,9% tổng lượng kim loại và 47,3% tổng các chất gây ô nhiễm, ô nhiễm đất chiếm 46,9% kim loại nặng và ô nhiễm không khí chiếm 46,7% lượng các hợp chất hữu cơ của vùng công nghịêp trọng điểm phía Bắc. Trong khii đó, tại TP.HCM ô nhiễm nước chiếm 59,1% hóa chất và 56,8% kim loại, ô nhiễm đất chiếm 57,2% hóa chất, 52,5% kim loại và ô nhiễm không khí chiếm 50% tổng lượng các chất gây ô nhiễm của toàn vùng công nghịêp trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, xếp hạng theo phường, xã thì phường Cam Giá - TP. Thái Nguyên đứng đầu danh sách các xã phường có tải lượng ô nhiễm cao nhất. Tại đây có 5 nhà máy hoạt động phát thải ra gần 100% tổng tải lượng ô nhiễm của toàn phường. Một điều đáng mừng là thủ đô HN không có phường nào nằm trong danh sách các phường xã có chỉ số ô nhiễm cao nhất!

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Ông Trần Hồng Hà - Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết: Đây chỉ là một nghiên cứu của World Bank để trình diễn một phương pháp nghiên cứu. Tuy nhiên, số liệu không thể phản ánh đúng thực trạng vấn đề mặc dù World Bank đã nêu số liệu mang tính chất cảnh báo. Nhưng tính chính xác, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn độ cần phải xem xét lại.

Cũng theo ông Hà, sắp tới Tổng Cục bảo vệ Môi trường sẽ lựa chọn một chuẩn mực để đánh giá vấn đề này dựa theo chính thống. Hiện nay, CP đưa ra 19 chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia bao gồm: tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, tỷ lệ kinh phí đầu tư cho môi trường, chất lượng môi trường của không khí, chất lượng môi trường của các dòng sông, tỷ lệ rác thải nguy hại được thu gom, tổ chức bộ máy, xã hội hóa môi trường... Do vậy, chúng ta sẽ lấy con số này để đánh giá. Kết quả nghiên cứu của World Bank chỉ là một phương pháp hỗ trợ.

Trong khi, bản báo cáo nghiên cứu này của World Bank được thực hiện bằng cách áp dụng Hệ thống Dự báo Ô nhiễm (ISPP) chuyển đổi các thông tin kinh tế thành bức tranh tổng thể về tình trạng ô nhiễm gây ra bởi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ cấp quốc gia đến cấp xã dựa vào dữ liệu toàn diện của VN do Tổng cục thống kê công bố năm 2006.

Thiếu ngân sách xử lý các vấn đề môi trường

 

Nước thải từ KCN Lê Minh Xuân đổ ra kênh và bốc mùi hôi thối ... (Ảnh: NLĐ)

Theo World Bank, chi phí xử lý ô nhiễm môi trường của VN dự tính khoảng 2,5 tỷ USD/năm trong khi phân bổ ngân sách của Chính phủ theo quy định khoảng 1% GDP, theo số liệu năm 2004 là khoảng 450 triệu UDS đặt 1/5 so với mức độ yêu cầu.

Trong khi, kinh phí mà Chính phủ VN chi 1% tổng ngân sách cho các hoạt động quản lý môi trường vẫn còn thiếu các cơ sở thực tiễn khi phân bổ ngân sách cho việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm. Cụ thể, theo Nghị quyết 41, 10% của tổng kinh phí thuộc nguồn 1% tổng chi ngân sách nhà nước này được phân bổ cho Quỹ bảo vệ môi trường. Do đó, không phải toàn bộ mà chỉ một phần vốn hoạt động của Quỹ dành cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, do mâu thuẫn giữa Nghị định 67 và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP về việc cho phép các địa phương được giữ lại các nguồn thu từ các loại phí nên chỉ một phần rất nhỏ thu phí nước thải thực hiện từ 01/01/2004 chuyển về ngân sách TW. Do vậy, World bank cho rằng VN không thể bóc tách một cách cụ thể kinh phí dành riêng cho việc kiểm sóat và giảm thiểu ô nhiễm trong tổng chi cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Theo nhận định của World Bank, VN chưa có cơ chế gắn gắn việc phân bổ ngân sách với các mục tiêu cụ thể đã đề ra trong Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010. VN chưa có cơ chế khuyến khích, hợp tác liên ngành, ví dụ giữa các cơ quan đầu mối về quản lý môi trường và công nghiệp của các bộ khác.

Do vậy, World Bank kiến nghị, Chính phủ nên ưu tiên việc can thiệp quản lý ô nhiễm trong khu vực công nghiệp, làm rõ vai trò của các cơ quan Chính phủ liên quan đến quản lý ô nhiễm, củng cố việc giám sát và chế tài về ô nhiễm công nghiệp và hợp lý hóa chi phí cho việc quản lý và kiểm sóat ô nhiễm.

Để giải quyết tình trạng này, ông Magda, trưởng bộ phận hoạt động và chính sách - Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nói: Chúng tôi muốn hỗ trợ Chính phủ VN giải quyết những thách thức về môi trường trong quá trình phát triển.

10 tỉnh, thành phố và 10 phường, xã trực thuộc có tỷ lệ ô nhiễm do ngành công nghiệp, chế biến cao nhất VN (xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp)

1. TP.HCM: Nguyễn Thái Bình, Bến Thành, Tân Thuận Đông, Trường Thọ, Tân Tạo A, Tân Kiên, Linh Trung, Tân Thới Hòa, Tân Thành chiếm 49% tổng tải lượng ô nhiễm của thành phố.

2. Hà Nội: Phương Liệt, Quang Tiến, Sài Đồng, Đức Giang, Gia Thụy, Phạm Điình Hổ, Minh Khai, Văn Điển, Bách Khoa, Láng Hạ chiếm 33% tổng tải lượng ô nhiễm của thành phố.

3. Hải Phòng: Hạ Lý, Minh Đức, Quán Toan, Mỹ Đồng, Lại Xuân, Máy Chai, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Lê Thiện, Vĩnh Niệm chiếm 70% tổng tải lượng ô nhiễm của thành phố.

4. Bình Dương: Dĩ An, Bình Hòa, Thuận Giao, Tân Đông Hiệp, An Phú, Bình Chuẩn, Tân Định, An Bình, Phú Hòa, An Thạnh.chiếm 77% tổng tải lượng ô nhiễm của tỉnh.

5. Đồng Nai: An Bình, Long Bình, Phước Thiền, Long Bình Tân, Hóa An, Phước Thái, Thống Nhất, Thạnh Phú, Hố Nai 3, Bắc Sơn chiếm 82% tổng tải lượng ô nhiễm của tỉnh.

6. Thái Nguyên: Quán Triều, Phan Đình Phùng, Gia Sàng, Cam Giá, Phú Xá, Trung Thành, Tân Thành, Tân Long, Tân Quang, Cao Ngạn chiếm 97% tổng tải lượng ô nhiễm của tỉnh.

7. Phú Thọ: Việt Trì, Tiên Cát, Thọ Sơn, Bến Giót, Thụy Vân, Phong Châu, Thị trấn Hạ Hòa, Thị trấn Thanh Ba, Thị trấn Phong Châu, Thị trấn Lam Thao chiếm 96% tổng tải lượng ô nhiễm của tỉnh.

8. Đà Nẵng: Hòa Khánh, Hòa Hiệp, Hòa Cường, Phước Ninh, Thuận Phước, Thanh Lọcc Đán, An Khê, Hòa Thọ, Thọ Quang, Bắc Mỹ An chiếm 88% tổng tải lượng ô nhiễm của thành phố.

9. Bà Rịa - Vũng tàu: Phú Mỹ, Xã 4, Xã 8, Thắng Nhất, Bình Ba, Mỹ Xuân, Xã 1, Phước Hưng, Hòa Bình, Tân Hải chiếm 78% tổng tải lượng ô nhiễm của tỉnh.

10. Cần Thơ: An Hòa, An Hội, An Bình, Phước Thới, Ba Láng, Thới Thuận, Thới Hưng chiếm 96% tổng tải lượng ô nhiễm của thành phố.

http://biethet.com/Chi

 

8- Ô nhiễm môi trường - lời cảnh báo chưa muộn

Kỳ 1: Những con sông ngắc ngoải

________________________________________

Làng cá bè Tân Mai, Đồng Nai bị ô nhiễm.

ND- Môi trường tự nhiên đang ngày càng ô nhiễm rất trầm trọng, gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Ðó là "mặt sau của tăng trưởng kinh tế". Những điều các phóng viên Báo Nhân Dân chứng kiến trong thực tế khiến người ta không khỏi giật mình.

Ba lưu vực sông lớn, rất quan trọng của nước ta là hệ thống sông Cầu, sông Nhuệ - Ðáy và sông Ðồng Nai. Ðây cũng là nơi gắn liền với hai đầu tàu kinh tế lớn của đất nước. Ðiều đó chính là lý do cho những chuyến thị sát của chúng tôi dọc theo dòng chảy của những con sông này.

Ðâu rồi những dòng sông xanh ?

Lưu vực sông Cầu tiếp nhận nước thải của sáu tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và một phần nước thải của Hà Nội. Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình ngược dòng từ phía hạ lưu hệ thống sông Cầu, nơi dòng Ngũ Huyện Khê uốn mình chảy quanh Bắc Ninh với chiều dài 24km trước khi đổ vào sông Cầu.

Vừa đến chân đê thôn Châm Khê, xã Phong Khê, đã "phảng phất" một mùi tanh nồng. Nơi đầu nguồn dòng sông, nước một mầu đen đặc. Hai bên bờ, ngồn ngộn những đống rác hình thành từ giấy vụn, dầu nhớt, xút, nhựa, xỉ than, đinh ghim... bốc mùi hôi thối kinh khủng.

Tại lưu vực sông Nhuệ - Ðáy, môi trường mặt nước đang chịu sự tác động mạnh của nước thải sinh hoạt và các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản trong khu vực. Chất lượng nước của hai dòng sông này đã được cảnh báo ở mức độ ô nhiễm trung bình đến ô nhiễm nặng.

Vào thời điểm này, mặt nước sông Nhuệ do không có nguồn nước sông Hồng đổ vào pha loãng nên ở nhiều khúc sông nước trở nên có mầu đen nâu và hôi, bơm lên toàn bọt trắng xóa. Ngay từ đoạn chảy qua TP Hà Ðông, nước sông Nhuệ đã mang mầu đen, có váng, cặn lắng và có mùi tanh. Sau đó, con sông này tiếp tục tiếp nhận nguồn thải của các cơ sở dệt nhuộm sử dụng nhiều hóa chất khiến nước có độ mầu rất cao, lượng hóa chất dư thừa lớn. Chảy tiếp tới địa phận Phủ Lý, sông còn phải gánh thêm nước thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp của địa phương này.

Với các chuyên gia môi trường, sông được xem như hàn thử biểu của môi trường sống chung quanh.

Và một con sông bị ô nhiễm thì không chỉ dừng lại tác động ở một vùng, một địa phương, mà tác hại lan tỏa sẽ trở nên khủng khiếp vô cùng, có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu cư dân sinh sống trong lưu vực.

Theo dự báo của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, tải lượng ô nhiễm vào lưu vực sông Nhuệ từ đập Thanh Liệt sẽ tăng lên gần 16% trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2010 nên mức độ ô nhiễm sẽ ngày càng tăng.

Tại Nam Ðịnh, từ năm 1937, sau khi xây dựng xong đập Ðáy, nước sông Hồng không thường xuyên chảy vào sông Ðáy, dẫn đến 71 km của sông Nhuệ - Ðáy (phần đầu nguồn sông từ km 0 đến Ba Thá) trở thành khúc sông chết. Hiện sông Ðáy đã bị xâm mặn ở vùng hạ lưu, phần thượng lưu và trung lưu bị ô nhiễm do nguồn nước thải ở vùng dân cư tập trung, khu công nghiệp của các tỉnh Hà Nam, Hà Tây, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Hà Nội.

Ô nhiễm từ hai con sông trên đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nhà máy nước Hà Nam phải đóng cửa mấy lần vì nước sông Ðáy quá ô nhiễm, không xử lý nổi. Nhiều người đã gọi đây là những dòng sông sắp qua đời. Nếu không có biện pháp gì cứu vãn thì sông Nhuệ, sông Ðáy sẽ trở thành những dòng sông chết, nước không thể sử dụng được vào bất kỳ mục đích gì trong khoảng 10 năm tới.

Thực tế tại bốn con sông của Hà Nội (sông Lừ, Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch) là lúc nào cũng đen kịt, đặc quánh như hắc ín, tỏa mùi hôi thối sặc mũi. Gọi là sông, nhưng thực chất nhiều đoạn đã co lại thảm hại như con mương, rác nổi lều phều. Lượng bùn lắng đọng, dòng chảy bị tắc nghẽn và trở thành môi trường lưu giữ những chất độc hại khiến nhiều đoạn gần như hoàn toàn "chết" khi phải thường xuyên tiếp nhận lượng nước thải quá tải. Nhất là vào thời điểm tháng 10 này, khi mùa mưa qua đi, cũng là thời điểm các con sông thoát nước của thành phố rơi vào tình trạng cạn nước, nhiều đoạn trơ cả đáy.

Ðiển hình là sông Sét, bắt nguồn từ cống Nam Khang trên đường Ðại Cồ Việt chảy qua địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì đổ vào hồ Yên Sở. Gọi là sông thực chất Sét chỉ là một con mương không thoát nước. Suốt một đoạn sông dài này phải len lỏi qua nhiều khu dân cư và hàng chục cái chợ lớn nhỏ nên bao nhiêu chất thải hữu cơ đổ xuống sông đều bị phân hủy tại chỗ, gây ô nhiễm. Lượng nước sinh hoạt và nước thải công nghiệp xả trực tiếp không đủ làm lưu thông dòng chảy. Những hộ dân sống ven sông vẫn ngày đêm phải hít mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông. Có hôm trở trời, đóng kín cửa mà trong nhà vẫn phảng phất mùi ô nhiễm.

Con sông Tô Lịch thanh lịch trong thi ca giờ đây đang trong cảnh "hấp hối", rác vương vãi đầy mặt sông, nước đen quánh, đặc sệt, mùi hôi bốc ra sặc sụa. Từ cầu Ngã Tư Sở, vượt qua đường Nguyễn Trãi, men theo đường Láng, qua Ðội Cấn, lên đường Bưởi là có thể kiểm chứng sức ô nhiễm của con sông. Ðặc biệt dưới chân cầu Lủ, cầu Trắng, cầu Ngã Tư Sở rác quấn chặt chân cầu, đóng thành từng mảng lớn. Ðầu hạ lưu dòng nước còn mầu nâu nhạt. Ði thêm chừng nửa km nữa, nước chuyển sang mầu đen sẫm...

Ngay cả sông Hồng vào mùa khô, cả khu vực sông ở mé trong (gần bờ, do bãi giữa đã chia đôi sông Hồng thành hai dòng) đã gần như "đổi mầu" thành dòng mương đen. Một cụ già tại khu nhà gần bờ sông cho biết: "Nước sông lên to cũng thấy sợ nhưng cũng còn đỡ vì không khí cảm thấy mát mẻ trong lành. Chứ tầm tháng 3, tháng 4, trời vừa nắng, sông thì cạn, mùi rác rưởi, nước sinh hoạt thải ra sông theo gió đưa vào chịu không nổi. Sông Hồng rồi cũng sẽ chung số phận như các sông, hồ trong nội thành thôi"...

Sông Ðồng Nai bắt nguồn từ dãy núi Lâm Viên, Bi Ðúp trên cao nguyên Lang Biang của Nam Trường Sơn bởi hai nhánh Ða Nhim và Ða Dung ở độ cao khoảng 2.000 m so với mực nước biển. Với tổng diện tích tự nhiên 48.268 km2, chảy qua 12 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 thành phố thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, sông Ðồng Nai trở thành yếu tố sống còn cho sự phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Trong số nhiều chức năng quan trọng của sông Ðồng Nai, quan trọng hơn cả là chức năng cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng triệu người dân đang sinh sống ở các khu đô thị và khu công nghiệp tập trung ở vùng hạ lưu, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, TP Biên Hòa, và Thị xã Thủ Dầu Một. Nhưng nơi đây cũng đang bị khai thác quá tải, nước sông bị ô nhiễm, nhiều chỉ tiêu môi trường vượt chuẩn cho phép, cảnh quan thiên nhiên bị tàn phá...

Tại cửa cảng Nhà máy lân phốt phát thuộc Khu công nghiệp Gò Dầu ở xã Phước Thái, huyện Long Thành (Ðồng Nai), nước thải qua các cửa cống tuôn mầu đen đặc. Còn cửa xả nước thải của Công ty cổ phần Vedan Việt Nam cũng tương tự và nước thải cũng trực tiếp từ cửa cống xả thẳng ra sông. Vì vậy, khu vực từ cửa cảng Thị Vải đến lưu vực Nhà máy Vedan Việt Nam, bầu không khí đậm đặc mùi hôi thối bốc lên.

Chúng tôi từng nhiều lần đi trên sông Thị Vải. Ðây là con sông với chiều dài gần 80 km chảy qua TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, mang nguồn nước mặn, lợ với chế độ bán nhật triều và hệ động thực vật từ thượng đến hạ nguồn rất phong phú, đa dạng. Tuy vậy, hiện nay dòng sông đang bị ô nhiễm nặng bởi ngày đêm phải hứng chịu hàng chục nghìn khối nước thải trực tiếp từ các nhà máy, khu công nghiệp đổ vào.

Ði trên sông nhưng lại phải mang khẩu trang. Cả không gian rộng lớn xồng xộc mùi thối nồng nặc. Cái mùi khó chịu gấp trăm nghìn lần những con sông thối ở Hà Nội. Mùi thối không phải của rác, nước thải sinh hoạt mà là sự tích tụ lâu ngày của hóa chất. Mặt nước đen kìn kịt, pha lẫn mầu vàng bờn bợt. Càng đến gần khu vực Long Thành, Ðồng Nai, mùi hôi thối càng nặng thêm...

Xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ nạn ô nhiễm sông Thị Vải. Sống bám vào những khúc sông "chết" này có hơn 200 hộ gia đình. Bên cạnh người dân địa phương là những hộ gia đình quê ở Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Anh Tư Thành, một người dân ở đây nói: "Mỗi lần chạy ca-nô qua con sông này, hai đến ba ngày sau tôi phải uống thuốc vì mũi viêm, đầu nhức!". Do ô nhiễm nặng, thời gian gần đây, cá tôm trên sông Thị Vải chết hàng loạt. Theo người dân địa phương, cá chết có hiện tượng nổ mắt, miệng mở to và mang bị hoại tử.

Anh Trương Văn Ninh, một ngư dân gắn bó với dòng sông này đã hơn 20 năm buồn rầu: "Hơn 20 năm làm nghề ở đây, chưa bao giờ tôi thấy cá tôm lại chết lạ như thế này. Chỉ có chất độc mới có thể gây cho cá nổ mắt, mang hoại tử. Ngày trước, tụi tui chưa bao giờ nghĩ, sẽ đến lúc dòng sông Thị Vải hết cá tôm. Chỉ đến khi các khu công nghiệp với hàng trăm nhà máy, xí nghiệp mọc lên, chất thải thi nhau đổ xuống sông mới nên nỗi này".

Sông Thị Vải đang chết dần, chết mòn, và cứ đà này, sẽ chết hẳn sau 30 năm nữa. Ðó là cảnh báo của các nhà khoa học thuộc Cục Bảo vệ Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong lúc các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để cứu dòng sông được coi là giàu và đẹp bậc nhất vùng Ðông Nam Bộ này, thì hàng trăm, hàng nghìn con người sống ở dòng sông "chết", vẫn đang trần lưng chung sống với ô nhiễm và loay hoay tìm lối ra.

Sông Sài Gòn thuộc hệ thống sông Ðồng Nai được bắt nguồn từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) đến cầu Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Gắn chặt với con sông này là hệ thống kênh rạch nội thành TP Hồ Chí Minh, bao gồm có bốn tuyến kênh rạch chính là: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Ðôi - Tẻ, Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật và Tân Hóa - Lò Gốm. Nhưng tất thảy đều ô nhiễm trầm trọng. Dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé trong xanh, đẹp đẽ ngày nào giờ cũng đã bị khai tử.

Nặng nề nhất là khu vực rạch M5 (cầu Quới Ðước). Dòng chảy tại đây bị tắc tạo thành trạng thái tù đọng. Theo Ban Quản lý dự án đại lộ Ðông Tây và môi trường nước thành phố, chất lượng nước tại kênh Tàu Hủ - Bến Nghé ngày càng xấu đi, nồng độ SS trong nước thải đổ vào kênh là 845 mg/lít - một chỉ số mà các nhà nghiên cứu cho rằng không có khả năng duy trì sự sống.

Bây giờ, danh từ "kênh thúi", "sông đen" đã trở thành tên cho mọi con kênh, con sông của thành phố. Tất cả những dòng kênh còn lại ở nội thành như Tân Hóa, Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé... đều rặt một mầu đen quánh. Kênh Tham Lương, Tân Hóa cũng có lúc đổi mầu nhưng là mầu đỏ của hóa chất, đầy váng dầu mỡ.

Trên kênh Lò Gốm, những bến thuyền neo đậu trở thành bãi rác trên sông. Ở thành phố lớn nhất của cả nước nhưng sau lưng nhà dân tạo thành đầm nước đen ngòm đầy ruồi nhặng, bốc mùi hôi thối.

Chỉ sàn bếp ngập ngụa nước, bà Nguyễn Thị Nhiều nói: "Hôm nào lặng gió hôi đến thở không nổi, phải mở quạt máy suốt đêm mới ngủ được". Theo con nước, rác trôi dạt đọng vào những dãy nhà sàn trên kênh mang theo bao hiểm họa.

Nguyên nhân và hậu quả

Ðặc điểm chung của ba lưu vực sông trên về nguyên nhân gây ô nhiễm đều do phải hứng trọn lượng nước thải sinh hoạt, nước công nghiệp, làng nghề và y tế không được xử lý của các vùng lân cận.

Tại lưu vực sông Cầu, thống kê sơ bộ có hơn 2.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp, trong đó, tổng lượng nước thải của ngành khai thác mỏ, chế biến khoáng sản chiếm 55%, tiếp đến là ngành kim khí, giấy và chế biến nông sản thực phẩm. Toàn bộ lưu vực sông Cầu có hơn 2.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với các ngành nghề như luyện kim, chế biến thực phẩm, chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng, sản xuất phương tiện vận tải...

Ðiều tra giới hạn trong tỉnh Thái Nguyên đã cho thấy, tổng lượng nước thải dẫn đổ ra sông Cầu của các cơ sở luyện kim, cán thép, chế tạo thiết bị máy móc tập trung là hơn 16.000 m3/ngày. Riêng KCN gang thép Thái Nguyên mỗi năm cũng đã "ban tặng" cho dòng sông có hơn 1,3 triệu m3 nước thải.

Ðiều đáng nói là nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất gang thép có chứa nhiều chất ô nhiễm độc hại như dầu mỡ, phenol và xianua. Ðây là một trong những "thủ phạm" chính khiến nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm nặng nề. KCN lớn thứ hai của Thái Nguyên: KCN Sông Công với các nhà máy sản xuất cơ khí, chế tạo máy động lực mặc dù đã hoạt động từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hầu hết các nhà máy trong KCN cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc chỉ có hệ thống xử lý lắng cặn sơ bộ rồi thải thẳng ra sông Công đem theo rất nhiều dầu mỡ, kim loại nặng độc hại.

Trước khi đầu tư một hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm, Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ đặt ngay trong thành phố cũng đã kịp xả thẳng vào các nhánh nhỏ đổ ra sông Cầu nhiều chất ô nhiễm vô cơ, xơ sợi khó lắng, nước có mầu đen, độ kiềm cao và bốc mùi... Những khu vực dân cư sống dọc các bờ sông cũng góp phần gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Mỗi năm lưu vực sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180.000 tấn phân hóa học và 1.500 tấn thuốc trừ sâu. Người dân chợ họp suốt cả ngày ngay cạnh bờ sông mỗi ngày, vứt rác bừa bãi tạo nên những đống rác khổng lồ. Về mùa mưa những đống rác thải này theo nước đổ ra sông Thác Ma rồi xuôi về sông Ô Giang và sông Ô Lâu.

Tương tự, lưu vực sông Nhuệ, sông Ðáy ô nhiễm do nước thải sinh hoạt cao nhất, trong đó Hà Nội chiếm 54% lượng nước thải toàn lưu vực. Mỗi ngày, sông nhận hơn 10.000 m3 nước thải từ hơn 1.400 cơ sở y tế. Nước và chất thải từ ngành công nghiệp là yếu tố quan trọng gây suy giảm chất lượng nước mặt sông.

Hà Nội chiếm 30% lượng nước thải công nghiệp với hơn 100 nghìn m3/ngày. Ðặc biệt nước thải từ sản xuất dệt nhuộm chứa nhiều hóa chất như thuốc tẩy, xút, phèn, nhựa thông, phẩm mầu... gây hại cho môi trường. Nước thải từ các làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt cũng là yếu tố quan trọng góp phần gây ô nhiễm.

Tính riêng Hà Tây hiện có 219 làng nghề nhưng chỉ có duy nhất một làng xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Việc phát triển sản xuất tại các làng nghề không chỉ khiến bầu không khí ở đây bị ô nhiễm nặng mà nguồn nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với đặc trưng là làng nghề thủ công, trang, thiết bị lạc hậu, quy mô hộ gia đình nên khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải là... không tưởng. Do vậy, cũng như nước thải sinh hoạt, y tế, nước thải từ các làng nghề với rác thải, hóa chất độc hại đều được xả thẳng ra sông.

Hệ thống sông Ðồng Nai cũng gánh chịu lượng nước thải của gần 10 nghìn DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn, khu vực lân cận, trong đó TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 60%. Bình quân, mỗi ngày lưu vực sông tiếp nhận khoảng 480.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp phân tán trên lưu vực.

Báo cáo về hiện trạng môi trường nước mặt vùng hạ lưu của Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh, cho biết: Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực đã làm cho môi trường nước bị ô nhiễm rõ rệt. Ðặc biệt là hệ thống kênh rạch nội thành, nội thị và ven đô.

Cụ thể, nước sông Ðồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ðồng Nai), nước sông Sài Gòn (đoạn từ Bình Phước đến Tân Thuận), nước sông Thị Vải (đoạn từ Nhà máy Vedan đến dưới cảng Phú Mỹ) đã bị ô nhiễm; nước sông Vàm Cỏ Ðông bị a-xít hóa. Các tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu là chất hữu cơ, chất dinh dưỡng (từ chất thải của con người, gia súc và một số ngành công nghiệp), dầu mỡ (giao thông thủy), vi trùng (chất thải sinh hoạt).

Kết quả quan trắc của cơ quan môi trường đã cho thấy mức độ độc hại của các nguồn nước thải trên sông Ðồng Nai đã gây ô nhiễm tới mức ở nhiều khúc sông các loài vi sinh vật ở đây không còn khả năng sống sót.

Tại báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ô nhiễm sông Thị Vải, Bộ Tài nguyên - Môi trường nhìn nhận một thực trạng xót xa: "Khu vực bị ô nhiễm nặng nhất kéo dài khoảng 10 km từ xã Long Thọ (Nhơn Trạch, Ðồng Nai) đến xã Mỹ Xuân (Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu), nồng độ ô-xy hòa tan trong nước chỉ ở mức từ 0,5 mg/lít trở xuống". Bộ này giải trình với Thủ tướng rằng "với nồng độ ô-xy thấp như vậy, các sinh vật ở dưới nước không thể sinh trưởng và phát triển được...".

Nguồn nước mặt ô nhiễm nặng gây hại đối với nguồn nước ngầm cũng đã xảy ra. Trong 45 vị trí lấy mẫu nước ngầm tại TP Hồ Chí Minh để kiểm tra các chỉ tiêu vi lượng như đồng, chì, thạch tín, thủy ngân, mangan... thì có đến 20 mẫu phân tích vượt giới hạn vi lượng cho phép.

Kỹ sư Nguyễn Thị Thùy Trang, Ðoàn Ðịa chất thủy văn - Ðịa chất công trình 806, cho biết: "Nước ngầm đã có dấu hiệu hàm lượng Fe quá cao, hầu hết đều có tính a-xít và đang bị ô nhiễm vi lượng, hữu cơ... Kết quả này chỉ phản ánh được một phần khiêm tốn thực trạng ô nhiễm nguồn nước dưới đất của thành phố".

Bà Trang nhận định: "Thật khó xác định được ô nhiễm nước mặt sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe. Nước có thể lan tỏa rất nhanh, ngấm xuống các mạch nước ngầm và... làm hại bao nhiêu thế hệ".

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại lưu vực các sông trên cho thấy sự phát triển kinh tế - xã hội không bền vững, gây áp lực lên môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Nếu không có các biện pháp bảo vệ môi trường hợp lý, sẽ đặc biệt nguy hiểm.

ND- Theo Bộ Y tế, nhiều bệnh viện trong cả nước chưa chấp hành đúng những quy định về rác thải y tế. Nước và rác thải y tế mang nguồn bệnh được xử lý tuỳ tiện, gây ô nhiễm môi trường sống.

Rác thải y tế thông thường là các loại rác phát sinh trong quá trình chăm sóc và điều trị, không dính máu, dịch cơ thể hoặc các hóa chất gây độc hạiNước, rác thải y tế, trong đó có cả những bệnh truyền nhiễm hiện nay chảy đi đâu, được xử lý như thế nào?... đã là một câu hỏi lớn cho chúng tôi thực hiện bài điều tra này.

Có quy định nhưng không theo

Mỗi tháng, trung bình Bệnh viện Ung bướu (TP Hồ Chí Minh) thải ra gần 20 nghìn kg rác thải các loại, trong đó, rác y tế chiếm tới hơn 7 nghìn kg.

Rác luôn trong tình trạng quá tải, đầy tràn cả ra ngoài. Tại các khoa, phòng của Bệnh viện Ung bướu, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Cục Cảnh sát Môi trường, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và các sở ban, ngành liên quan khi đột xuất kiểm tra quy trình quản lý chất thải đã phát hiện ra những bao bì đựng rác không in logo sinh học, biểu thị cho rác thải sinh hoạt, rác thải y tế hay các bao bì hóa chất.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh, việc thu gom rác thải y tế cũng có vấn đề. Lượng rác thải hằng ngày của bệnh viện dao động 700 - 780 kg/ngày, trong đó rác thải y tế chiếm từ một phần ba đến một nửa.

Thế nhưng, chứng từ giao nhận giữa bệnh viện và Công ty Công trình Ðô thị không theo quy định. Bệnh viện chỉ lập một loại sổ viết tay để theo dõi lượng rác thải.

Tại Bệnh viện An Bình, TP Hồ Chí Minh, qua kiểm tra, cho thấy có nhiều sai phạm về việc xử lý và phân loại rác thải y tế. Việc phân loại rác của Bệnh viện An Bình không được thực hiện đúng ngay tại nguồn. Nhân viên thu gom rác đã dùng xe đẩy rác sinh hoạt để đựng rác y tế, bao rác không niêm phong, không ghi tên khoa, phòng, một số bao rác y tế không để trong thùng đựng rác mà được đặt bên ngoài.

Thậm chí đoàn kiểm tra còn phát hiện kim tiêm có dính máu để bên ngoài (không có vật đựng) trên bàn ngoài hành lang, kế đó là hai lọ máu được lấy để đem đi xét nghiệm nhưng cũng không đựng trong dụng cụ đúng quy định.

Theo bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, hiện chưa có quy định nào cho phép bệnh viện bán rác thải y tế như chai lọ đựng thuốc, hóa chất để tái chế, vì vậy, việc tự ý bán những vật phẩm này của Bệnh viện Hùng Vương là vi phạm quy định...

Tất cả những bệnh viện vừa nêu trên đều không làm đúng những quy định về rác thải y tế. Các loại rác thông thường được để lẫn với các loại chất thải y tế gây nguy hại. Rác thải y tế thông thường là các loại rác phát sinh trong quá trình chăm sóc và điều trị, không dính máu, dịch cơ thể hoặc các hóa chất gây độc hại.

Tại Bệnh viện Ða khoa Ðồng Nai, một trong những bệnh viện lớn nhất tỉnh, chất thải y tế được đựng trong các túi, thùng mầu vàng; chất thải sinh hoạt đựng trong các thùng, túi mầu xanh. Hằng ngày, công tác thu gom được các nhân viên y tế thực hiện ở tất cả các khoa, phòng dưới sự giám sát của Khoa chống nhiễm khuẩn.

Quy trình là như vậy, nhưng thực hiện lại "tùy" vào nhân viên y tế. Trung bình mỗi ngày bệnh viện này thải ra từ 180 đến 200 kg rác thải y tế. Một tháng, chỉ riêng bệnh viện này đã phải xử lý gần sáu tấn rác thải. Còn ở Bệnh viện Ða khoa khu vực Thống Nhất thuộc tỉnh, mỗi tháng cũng có tới 40 - 50 nghìn chai truyền dịch được sử dụng. Ðó là những con số đã được cân, đong, đo đếm.

Thực tế, không ai dám chắc số lượng chất thải được thu gom và đem đi tiêu hủy có đúng với con số thực tế mà hằng ngày các bệnh viện thải ra không?

Ngoài hệ thống các bệnh viện công lập, hiện Ðồng Nai còn hơn 1.600 cơ sở y tế tư nhân đang hoạt động. Rất ít các cơ sở y tế có hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom và đốt rác.

Ở nước ta hiện có khoảng 1.050 bệnh viện, hơn 10 nghìn trạm y tế xã. Cùng các viện nghiên cứu y sinh, trung tâm y tế dự phòng, cơ sở sản xuất dược phẩm, đã thải ra lượng rác thải y tế khổng lồ, riêng chất thải rắn đã hơn 400 tấn mỗi năm, trong đó gần 1/10 thuộc loại nguy hiểm.

Bộ Y tế cho biết, chỉ 1/3 lượng rác thải rắn y tế được đốt bằng lò hiện đại. Số còn lại được thiêu ngoài trời, đốt bằng lò thủ công, chôn trong khuôn viên bệnh viện hoặc thải ra bãi rác chung.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện lớn mỗi ngày phẫu thuật hơn 100 người bệnh, nhưng lại không đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải. Chất thải từ các ca phẫu thuật đó cộng với bao nhiêu rác thải từ xét nghiệm, dịch tiết, máu mủ, giặt giũ, vệ sinh của người bệnh, cứ thế xả trực tiếp ra môi trường...

Theo một thống kê mới nhất của Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, trong số 62 bệnh viện và trung tâm y tế công lập của thành phố, hiện chỉ có 1/3 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. 21 cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải và 20 cơ sở hệ thống không đạt tiêu chuẩn.

Trong số hơn 100 cơ sở y tế công, tư thuộc T.Ư và địa phương, có đến 34 cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải, 34 cơ sở có nhưng không đạt tiêu chuẩn. Chỉ có 37 cơ sở hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Ðó là chưa kể hơn 300 trạm y tế của các phường, xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không nơi nào có hệ thống xử lý nước thải.

Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh), tình trạng các bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải nhưng không đạt chuẩn là do bệnh viện nào cũng quá tải. Nhiều bệnh viện trước đây chỉ tiếp nhận vài trăm lượt người bệnh/ngày, nay từ hai nghìn đến ba nghìn người bệnh/ngày. Lượng nước thải vì thế đều vượt xa công suất thiết kế.

Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cho thấy: "Bình quân mỗi ngày các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh thải khoảng 17 nghìn - 20 nghìn m3 nước thải ra ngoài, phần lớn trong số này không được xử lý, trực tiếp chảy từ bệnh viện ra hệ thống cống chung của thành phố.

Nước thải bệnh viện bao gồm nước từ phẫu thuật, dịch tiết, máu, mủ, khám, chữa bệnh, xét nghiệm, giặt giũ, vệ sinh của người bệnh, nhân viên y tế... nước thải bệnh viện bị ô nhiễm nặng về mặt hữu cơ và vi sinh... Ðây là nguy cơ ô nhiễm, lây lan bệnh tật rất lớn cho cộng đồng".

Ðiểm đặc thù của nước thải bệnh viện là sự lan truyền rất mạnh của các vi khuẩn gây bệnh, nhất là nước thải của các bệnh viện truyền nhiễm và bệnh lao.

Nước thải bệnh viện là một trong những nhân tố cơ bản có khả năng lây truyền, truyền nhiễm qua đường tiêu hóa. Nguy hiểm hơn nếu nước thải ấy để tưới rau sẽ làm lây truyền các bệnh truyền nhiễm như bệnh tả, thương hàn, bệnh do amip, bệnh do Rucella, bệnh lao, viêm gan lây, nhiễm virus đường ruột, giun sán...

Chất thải y tế đang được xử lý như thế nào?

Từ năm 2001 kết quả điều tra của dự án "Quy hoạch tổng thể mạng lưới bệnh viện" cho thấy, cả nước ta có 970 bệnh viện với 117.562 giường bệnh, trong đó bệnh viện Nhà nước chiếm 98,5% còn lại 1,5% là bệnh viện tư nhân.

Con số về lượng nước thải từ bệnh viện đến cống rãnh chung, chỉ tính riêng ở Hà Nội khoảng 6.000 m3/ngày, chưa kể các tỉnh. Ðến nay, với số bệnh viện công và tư nhân đã lên gấp đôi, con số này chắc chắn lớn hơn rất nhiều.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức (Hà Nội), nằm ngay giữa trung tâm thành phố Hà Nội, nơi thực hiện hàng chục nghìn ca mổ mỗi năm, và cũng xả ra lượng nước thải khổng lồ. Thế nhưng, bệnh viện hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.

Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết: Khu xử lý nước thải ở đây được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ 20, với quy mô chỉ phù hợp với số ca mổ còn ít, và đã xuống cấp từ lâu. Chúng tôi biết điều đó, nhưng để xử lý nó lại là một vấn đề không đơn giản. Trước đây không có kinh phí, bệnh viện chỉ xử lý tạm thời. Hiện nay, mọi việc vẫn chỉ mới dừng lại ở khâu đang lên dự án xây dựng hệ thống nước thải...

Ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nơi có cơ sở hạ tầng khá tốt từ "lịch sử" để lại, thậm chí vẫn còn hệ thống hầm ngầm kiên cố tránh bom của thực dân Pháp, nên hệ thống xử lý nước thải y tế,sản phẩm của phòng mổ, phòng sinh và các thủ thuật, vẫn được xả trực tiếp vào hệ thống cống ngầm rồi đổ ra sông Tô Lịch.

Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Tiến sĩ Trần Quốc Việt cho biết: Chúng tôi cũng đau lòng vì mình chữa bệnh mà lại xả ra nguồn gây bệnh. Khi hệ thống xử lý nước thải chưa có thì không có cách nào khác. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng lại toàn bộ hệ thống nước thải. Nước sau xử lý rất trong và không có mùi hôi như khi xử lý đơn thuần bằng clo. Chi phí cho hệ thống này khoảng gần một tỷ đồng...

Hầu hết các bệnh viện đều nói rằng, họ luôn mong muốn có được một hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, nhưng gặp phải vấn đề đau đầu là tài chính. Kinh phí cho hệ thống này đạt tiêu chuẩn cao, đáp ứng nhu cầu một bệnh viện lớn phải lên đến hàng tỷ đồng.

Sau sự việc "tuồn" rác thải y tế của một số bệnh viện ra bên ngoài, Bộ Y tế đã có Công điện khẩn gửi tất cả các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Trung tâm y tế các ngành yêu cầu Giám đốc các bệnh viện và cơ sở y tế cần thực hiện đúng Quy chế quản lý chất thải y tế (đã ban hành năm 1999).

Qua sự việc "chất thải y tế", Bộ Y tế cũng đã có quy định cụ thể đối với năm nhóm chất thải nguy hại. Quy định này bắt buộc các cơ sở y tế phải tuân thủ nghiêm ngặt, từ việc thu gom, phân loại đến xử lý. Ngành y tế cũng đã triển khai đến tất cả các cơ sở y tế về vấn đề này.

Tuy nhiên, việc kiểm tra cả hệ thống thực hiện như thế nào, thì còn khó khăn? Theo nguyên tắc của quy trình xử lý chất thải, việc phân loại chất thải phải được thực hiện ngay tại nơi phát sinh chất thải và phải đựng chất thải trong các túi hoặc thùng theo đúng quy định.

Các chất thải y tế nguy hại không được để lẫn trong chất thải sinh hoạt. Nếu vô tình để lẫn chất thải y tế nguy hại vào chất thải sinh hoạt thì hỗn hợp chất thải đó phải được xử lý như chất thải y tế nguy hại.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, ông Phùng Văn Vui, kế hoạch hành động xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22-4-2004 (gọi tắt là QÐ 64) chỉ rõ: Ðến năm 2007 cần xử lý triệt để 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong đó có 84 bệnh viện. Số bệnh viện này cần xử lý, thực hiện, áp dụng các biện pháp khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường như: nâng cấp cải tạo hoặc xây dựng các hệ thống xử lý nước, rác thải.

Theo kết quả khảo sát năm 2003, 40 bệnh viện đã áp dụng biện pháp xử lý nước thải và lò đốt rác y tế, 12 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa thực hiện biện pháp xử lý chất thải rắn theo đúng quy định, vì vậy vấn đề môi trường cần quan tâm ở đây là xử lý rác thải y tế.

Các bệnh viện này thuê các công ty môi trường đô thị thu gom và xử lý cùng với rác thải sinh hoạt, hoặc đốt trong các lò đốt thủ công, nhưng phần lớn rác thải y tế được chôn lấp trực tiếp như vậy mà không có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật nào chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại bệnh viện.

Còn lại 10 bệnh viện đã có lò đốt rác y tế nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải. Do nước thải của bệnh viện trực tiếp thải ra môi trường gây ô nhiễm cho nước bề mặt, nước ngầm.

Sau một thời gian thực hiện QÐ 64 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, tại các cơ sở này đã có những chuyển biến nhất định. Có năm bệnh viện dự kiến hoàn thành các công trình xử lý ô nhiễm trong năm 2006 và xin rút tên khỏi danh sách của QÐ 64.

Có hai bệnh viện đang đầu tư xây dựng hệ thống nước thải, dự kiến hoàn thành trong năm 2005 và 32 bệnh viện xây dựng dự án khả thi xử lý ô nhiễm môi trường và một trong số các bệnh viện này đã được phê duyệt. Một số bệnh viện đã hoàn thành việc cải tạo cơ sở hạ tầng hoặc đang xây dựng cơ sở mới.

Theo các chuyên gia, hiện tại, các chất thải nguy hại đều được phân loại, kiểm soát rất chặt chẽ và hầu hết các bệnh viện đều có chất thải có thể tái chế theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tuy nhiên, chất thải tái chế này cần được xử lý an toàn trước khi đến với các cơ sở có nhu cầu sử dụng. Tuyệt đối không thực hiện xử lý để tái chế với chất thải gây ô nhiễm môi trường, các tác nhân nguy hại, các chất thải sắc nhọn...

* Bộ trưởng BỘ Y tế Nguyễn Quốc Triệu :

"Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, với sự tham gia của Bộ Công an, sẽ lập đoàn thanh tra về quản lý chất thải bệnh viện, kể cả bệnh viện tư.

Thanh tra sẽ xem "nhật ký" ở các lò đốt xem tình hình xử lý rác thải hằng ngày, xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi sai phạm trong xử lý chất thải y tế. Sẽ sử dụng thêm nhiều kênh thông tin, đặc biệt là thông tin từ các cơ sở xử lý rác thải để biết được tình hình thu gom, quản lý chất thải bệnh viện...".

* Viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường Nguyễn Khắc Hải :

Hầu hết cách xử lý chất thải rắn y tế đều chưa hoàn toàn hiệu quả. Với những cơ sở vận chuyển rác ra ngoài bệnh viện đến nơi khác để đốt, tiêu hủy, nguy cơ lây lan mầm bệnh trong quá trình vận chuyển là rất cao vì không nhiều cơ sở có phương tiện vận chuyển chuyên dụng. Còn cách chôn lấp (thường được áp dụng ở những đơn vị không có lò đốt và lượng rác thải không lớn) cũng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến dịch bệnh.

Mặt khác, qua thời gian, diện tích đất dùng cho việc này cũng sẽ hết dần. Ðốt bằng lò không phải là giải pháp tốt nhất.

Các chất độc hại sẽ giảm nhiều trong quá trình đốt, nhưng chỉ với điều kiện lò có hệ thống xử lý khí thải, mà thực tế rất ít lò đốt rác thải y tế ở Việt Nam có hệ thống này. Thế nên việc xử lý chất độc này lại làm phát sinh các chất độc khác, làm ô nhiễm môi trường.

* Chị Lương Ngọc Hoa, Cửa hàng thuốc ở phố Phủ Doãn (Hoàn Kiếm, Hà Nội): Tôi thật sự bàng hoàng khi đọc thông tin về rác thải y tế được chế biến thành đồ dùng gia đình.

Thật sự tôi không thể nào tin được người ta lại coi thường sức khỏe của người dân đến như vậy. Mỗi một ống tiêm, lọ thuốc ẩn chứa bao mầm bệnh, vậy mà họ lại ngang nhiên tái sử dụng những "rác thải" y tế độc hại ẩn chứa nhiều nguy cơ lây nhiễm và tác hại không nhỏ đến môi trường đến thế.

Tôi rất bức xúc và không thể nào chấp nhận được hành vi đó. Nhưng chúng ta cần phải quy trách nhiệm và lên án những người đã trực tiếp bán rác thải, chứ không nên đổ toàn bộ trách nhiệm cho những y, bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp.

Là một độc giả thường xuyên của Báo Nhân Dân, tôi rất mong các cơ quan, ban, ngành cần có một cơ chế xử lý thích đáng để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

QUẾ ÐÌNH NGUYÊN - ÐỖ HOÀI THU (Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/)

 

9- Lưu vực sông Đồng Nai: Ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng

Thứ năm, 07/08/2008, 01:26 (GMT+7)

(SGGP).- Theo tin từ Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay môi trường lưu vực sông Đồng Nai (bao gồm các sông chính là Đồng Nai, sông Bé, Sài Gòn, Vàm Cỏ và Thị Vải) đang ở mức báo động đỏ. Theo kết quả phân tích gần đây nhất, hạ lưu sông Đồng Nai đoạn từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại đã bắt đầu ô nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng vượt 3 - 9 lần giới hạn cho phép.

Đáng chú ý là đã phát hiện hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn TCVN 5942 - 1995 đối với nguồn loại A. Vùng hạ lưu sông Đồng Nai đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng và không thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu. Sông Sài Gòn bị ô nhiễm còn trầm trọng hơn, chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ, vi sinh (Coliform vượt 3 - 168 lần tiêu chuẩn cho phép) và một số nơi ô nhiễm kim loại nặng.

Phần hạ lưu của nhiều sông trong lưu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó có đoạn sông Thị Vải từ sau khu vực hợp lưu Suối Cả – sông Thị Vải đến khu công nghiệp Mỹ Xuân dài hơn 10km đã trở thành “sông chết”, là đoạn sông bị ô nhiễm nhất trong lưu vực. Ở đây, nước bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, có màu nâu đen và bốc mùi hôi thối, kể cả khi thủy triều lên và xuống, thậm chí có nơi nồng độ oxy hòa tan trong nước gần bằng không, các loài sinh vật không còn khả năng sinh sống. Cơ quan chuyên môn còn phát hiện hàm lượng thủy ngân (một loại hóa chất rất độc hại) tại khu vực cảng Vedan, cảng Mỹ Xuân… trên sông Thị Vải có hàm lượng vượt chuẩn 1,5 – 4 lần, hàm lượng kẽm vượt chuẩn 3 – 4 lần (nước loại B). Riêng ô nhiễm vi sinh (Coliform) đã vượt chuẩn từ vài chục đến hàng trăm lần…

Các cơ quan chuyên môn cho rằng, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm là từ các nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, sinh hoạt, y tế, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chất thải rắn…, trong đó nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đóng góp tỷ lệ lớn nhất, với tải lượng các chất ô nhiễm rất cao. Các khu công nghiệp và khu chế xuất đóng góp một lượng lớn nước thải vào lưu vực sông, trong đó lớn nhất là nước thải từ các khu công nghiệp và khu chế xuất của tỉnh Đồng Nai (chiếm 57,2%), TPHCM (23%) và tỉnh Bình Dương (9%)…

Tính đến nay, trên lưu vực sông Đồng Nai có khoảng trên dưới 60 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, tuy nhiên chỉ có khoảng trên 1/3 trong số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại đều xả trực tiếp ra sông. Tại Đồng Nai, hiện chỉ có 9/19 khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Riêng TPHCM chỉ có 20% tổng lượng nước thải được xử lý mỗi ngày và thực tế tỷ lệ nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn còn ít hơn. Theo Cục Bảo vệ môi trường, các khu đô thị hàng ngày thải vào hệ thống sông Đồng Nai-Sài Gòn trung bình khoảng 992.000m³ nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên cho đến nay, tất cả các đô thị trên lưu vực sông đều chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Ch.Dũng

http://203.162.12.202/ThongTinMT/NoiDung/sggp_7-8-08.htm

 

10- Các con sông tiếp tục bị đầu độc:

Đồng Nai - sông, suối đều "hấp hối"

Tuổi trẻ, ngày 15/08/2008

Các nhà khoa học đã cảnh báo và người dân bức xúc về những dòng sông chết do ô nhiễm chủ yếu từ chất thải công nghiệp. Thế nhưng khi trở lại các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và ngay tại TP.HCM, chúng tôi thấy các con sông ở những địa phương này tiếp tục bị đầu độc. Không chỉ sông Đồng Nai đang được cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm do nước thải công nghiệp - suối Nước Trong - suối có vai trò khá quan trọng, cũng đang "hấp hối".

Suối Nước Trong (huyện Long Thành, Đồng Nai) dài gần 20km, vài năm trước đây không chỉ đóng vai trò thoát nước mà còn là nơi cung cấp nước ngọt phục vụ việc chăn nuôi, trồng trọt của hàng trăm hộ dân các xã Tam Phước, An Phước và Tam An. Thế nhưng giờ đây suối này đang "hấp hối" khi hứng chịu lượng nước thải khổng lồ thường xuyên vượt các chỉ tiêu về ô nhiễm từ Khu công nghiệp (KCN) Tam Phước thải ra. Điều đáng nói, cùng với nước thải từ các KCN khác, lượng nước ô nhiễm trên suối Nước Trong đang ngày đêm thải trực tiếp ra sông Đồng Nai - con sông đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ nông nghiệp, phát triển kinh tế và cấp nước sạch cho hàng triệu người dân khu vực Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM.

Vi khuẩn bệnh đường ruột vượt tiêu chuẩn... 36.000 lần!

Một ngày đầu tháng tám, chúng tôi trở lại khu vực suối Nước Trong (đoạn thuộc ấp 7, xã Tam Phước) hỏi về tình trạng "sức khỏe" của suối này, từ người dân đến chính quyền địa phương đều cho biết "ô nhiễm đến mức hết chịu đựng nổi". Bà Đỗ Thị Hảo (ấp 7, xã Tam Phước) than thở: "Nhà tôi ở cách xa suối gần cả trăm mét nhưng cũng không thoát khỏi mùi hôi từ suối xộc vào. Có những đêm mùi hôi nặng quá đang ngủ phải thức giấc, đeo khẩu trang. Có hộ gần suối vì không chịu nổi mùi hôi phải dọn về ở nhờ nhà người thân". Một người dân tại xã Tam An còn cho biết: "Trước đây muốn bắt cua, câu cá chỉ cần xuống suối câu khoảng một giờ là đủ ăn. Còn giờ xuống nước một lúc là chân bị ngứa, nước ăn đến lở chân".

Từ ấp 7, xã Tam Phước, chúng tôi di dọc suối Nước Trong, càng về phía thượng nguồn ô nhiễm càng nặng. Đến gần KCN Tam Phước thì nước dưới suối đậm màu nâu đen. Tại một vị trí cống xả cách KCN Tam Phước khoảng 100m, nước dưới suối đen hơn, bốc mùi hôi, một lớp bọt hóa chất trắng xóa đóng dày và kéo dài hàng chục mét trên mặt nước. Lãnh đạo xã Tam Phước cho biết đã nhận rất nhiều ý kiến và đơn thư phản ảnh của người dân về tình trạng ô nhiễm của suối Nước Trong. Quá trình kiểm tra thực tế cho thấy ô nhiễm có thật, nhưng việc giải quyết thì ngoài tầm tay. Chưa kể con suối dài gần 20km hiện bị quá tải, nên sau mỗi trận mưa lớn nước ô nhiễm dưới suối tràn ngập hết nhà dân trong vài ngày, nhiều giếng đào bị nước ô nhiễm tràn vào phải bỏ, nhiều vườn cây ăn trái bị chết.

Ông Lê Hữu Đức, giám đốc Công ty cổ phần phát triển KCN Tín Nghĩa (trước đây là Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa) - chủ đầu tư hạ tầng KCN Tam Phước, cho rằng tình trạng ô nhiễm tại suối Nước Trong là do nhiều nguồn xả thải như: nước thải của các hộ dân, trại bò sữa Long Thành chứ không riêng KCN Tam Phước. Hiện KCN Tam Phước có 46 công ty, xí nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là các ngành nghề như chế biến gỗ, chế biến thực phẩm... và đã có nhà máy xử lý nước thải, công suất 1.500m3/ngày mới hoạt động từ năm 2007. Tuy nhiên, ông Đức thừa nhận quá trình vận hành chưa ổn định nên nguồn nước xả ra có lúc chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Cuối tháng 4-2008, Sở Tài nguyên - môi trường (TNMT) Đồng Nai đã kiểm tra phát hiện lượng nước thải của KCN Tam Phước thải ra môi trường vượt chỉ tiêu nhiều lần. Cụ thể: màu sắc vượt tiêu chuẩn 4,36 lần, COD (nhu cầu oxy hóa học), BOD (nhu cầu oxy sinh học) vượt tiêu chuẩn 11-13 lần, amoni vượt tiêu chuẩn 2,6 lần. Đặc biệt coliform (vi khuẩn gây bệnh đường ruột) vượt tiêu chuẩn cho phép 36.000 lần. Từ kết quả trên, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần phát triển KCN Tín Nghĩa vì xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép với số tiền phạt 22 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu công ty này xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra suối Nước Trong trước ngày 30-6. Tuy nhiên, qua phản ảnh của người dân và quá trình khảo sát thực tế cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực suối Nước Trong vẫn không có dấu hiệu giảm.

12 KCN gây ô nhiễm

Tại Đồng Nai, không chỉ KCN Tam Phước, Gò Dầu... mà nhiều KCN khác cũng đang trong tình trạng "báo động đỏ” về ô nhiễm môi trường. Theo Sở TNMT Đồng Nai, trong 21 KCN đang hoạt động trên địa bàn chỉ mười KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trung tuần tháng 7-2008, HĐND tỉnh Đồng Nai có báo cáo giám sát về tình hình đầu tư hệ thống xử lý nước thải của các KCN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nêu thực trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN mà ai nghe qua đều phải giật mình. Cụ thể: trong mười KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung với 589 doanh nghiệp đang hoạt động, có đến 215 đơn vị chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung.

Những đơn vị đã đấu nối thì có hơn 1/2 xử lý nước thải không đạt theo tiêu chuẩn quy định. Chưa hết, trong 11 KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì đến 143 (chiếm 81%) đơn vị chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung cục bộ. Tổng lượng nước thải của các KCN trên địa bàn Đồng Nai khoảng 68.000m3/ngày thải trực tiếp ra sông Đồng Nai và sông Thị Vải (trong đó có 48.000m3/ngày đêm thải ra sông Đồng Nai). HĐND tỉnh Đồng Nai cũng kết luận hiện có 12 KCN gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, đáng lo ngại nhất là KCN Biên Hòa 1 được thành lập từ những năm 1960 với một số ngành nghề "nhạy cảm" với ô nhiễm như: ăcqui, giấy, thực phẩm, hóa chất... nhưng đến nay vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải.

Hiện lượng nước thải của KCN Biên Hòa 1 phải đưa sang KCN Biên Hòa 2 xử lý. "Tuy nhiên, cũng chỉ khoảng 200m3/ngày của KCN Biên Hòa 1 được đưa về nhà máy xử lý nước thải của KCN Biên Hòa 2 xử lý giùm, hơn 12.000m3 nước thải còn lại được các đơn vị xử lý cục bộ rồi thải thẳng ra sông Đồng Nai" - ông Lê Viết Hưng, giám đốc Sở TNMT Đồng Nai, cho biết. Sáng 5-8, có mặt tại mương thoát nước của KCN Biên Hòa 1 ở khu phố 4, P.An Bình, TP Biên Hòa, chúng tôi ghi nhận gần như toàn bộ lượng nước thải của các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 được thải ra một mương thoát nước, chảy qua một khu dân cư rồi ra thẳng sông Đồng Nai.

Nước thải ra mương này lúc đầu có màu nâu đen, nhưng khoảng mười phút sau chuyển sang màu xám đặc, bốc mùi hôi hóa chất. Ông Lê Việt Đức, người dân ở đây, nói: "Không chỉ chịu đựng mùi hôi, mỗi khi mưa lớn nước thải theo nước mưa tràn ngập nhà. Khi nước rút, một lớp chất dơ như nước sơn bám trên nền nhà, tường phải dùng xà phòng chùi rửa nhiều lần mới hết". Ông Nguyễn Văn Hùng, ban điều hành khu phố 4, cho biết: "Dân bứ bức xúc phản ảnh nhưng không được giải quyết nên giờ chỉ biết chịu đựng, sống chung với ô nhiễm. Tới đâu hay tới đó”.

Xử lý qua loa

Theo số liệu thống kê, năm 2006 thanh tra Sở TNMT Đồng Nai kiểm tra đột xuất và định kỳ 381 doanh nghiệp, có 41% doanh nghiệp vi phạm về ô nhiễm môi trường. Năm 2007, với số lượng kiểm tra tương đương thì số doanh nghiệp vi phạm về môi trường tăng lên 51%. Trong sáu tháng đầu năm 2008, mới kiểm tra 68 doanh nghiệp đã có đến hơn 45% doanh nghiệp vi phạm. Ông Hoàng Văn Thống, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai, cho biết hiện gần 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong khi lực lượng kiểm tra giám sát về môi trường chỉ có thể tổ chức kiểm tra khoảng 500 doanh nghiệp/tháng.

Việc thiếu lực lượng để kiểm tra, giám sát về môi trường là có thật nhưng việc xử lý qua loa, không đến nơi đến chốn của các cơ quan chức năng, thiếu ý thức của một bộ phận doanh nghiệp mới chính là nguyên nhân đẩy hiểm họa ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể: tại KCN Tam Phước có gần chục đơn vị nhiều lần xả nước thải vào hệ thống thoát nước mưa, không đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung... bị phát hiện như: Công ty công nghiệp thực phẩm Ava, Công ty TNHH sản xuất đồ mộc CHIEN, Công ty TNHH gỗ Leefu... Tuy nhiên, việc xử lý chỉ bằng hình thức hăm dọa sẽ cắt nước và đến nay nhiều đơn vị vi phạm vẫn chưa khắc phục xong hậu quả.

Ông Lê Viết Hưng, cũng nhìn nhận việc xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường hiện nay chưa đến nơi đến chốn. Ông đưa thêm lý do nếu xử lý mạnh tay, buộc một doanh nghiệp nào đó vi phạm môi trường ngưng hoạt động một thời gian sẽ có hàng ngàn công nhân bị nghỉ việc. Nhiều người lập luận: nếu phải đóng cửa một doanh nghiệp, có thể hàng trăm công nhân tạm nghỉ việc nhưng nếu không có giải pháp mạnh tay, không xử lý đến nơi đến chốn vấn đề môi trường thì đến một lúc nào đó sẽ có hàng triệu người và chính con cháu của họ phải trả giá.

Q.KHẢI - Q.THANH - N.TRIỀU

http://203.162.12.202/ThongTinMT/NoiDung/tt_15-8-08.htm

 

11- Giải quyết ô nhiễm môi trường - Nhận thức chậm, hậu quả khó lường

Thứ hai , 6 / 10 / 2008, 8: 19 (GMT+7)

Tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động đỏ, vụ Vedan bức tử sông Thị Vải đã gây phẫn nộ trong dân chúng nhiều tuần qua. Thế nhưng, trách nhiệm thuộc về ai, xử lý ai… một lần nữa được tranh luận sôi nổi giữa các đại biểu HĐND TPHCM và lãnh đạo các Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An tại trong chương trình Nói và làm của HĐND TPHCM vào ngày hôm qua 5-10.

Xử lý phải “lúc cứng, lúc mềm”

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đặt câu hỏi với Sở TN-MT TPHCM bằng những vấn đề quản lý nhà nước: liệu có bất cập trong cách thức kiểm tra, khả năng kiểm tra…? Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, trả lời ngay: Bảo vệ và kiểm tra tình hình ô nhiễm môi trường không chỉ có sở mà rất nhiều đầu mối cả phường xã, quận huyện. Bộ phận thanh tra sở chỉ có 30 người, trong khi đó lực lượng cảnh sát môi trường mới được thành lập, chưa có đủ quyền hạn để xử phạt.

Theo ông Kiệt, vấn đề ô nhiễm môi trường không phải mới xảy ra, mà từ nhiều năm rồi. Không cần phương tiện kỹ thuật đo lường, mà ngay cả người dân bằng mắt thường nhìn vào hiện trạng đã thấy mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.

Nghe vậy ĐB Đặng Văn Khoa lập tức phản ứng: Đã nhận định như vậy mà anh Kiệt còn trả lời trên Báo SGGP rằng “… chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, hoặc có nhưng cơ quan thực thi chưa dám phạt nặng. Người thực thi nhiệm vụ chưa dám mạnh tay với DN (như cúp điện, cúp nước, đình chỉ hoạt động…) vì ngại ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động… “.

Nếu “xê xoa” như vậy thì khi nào mới khắc phục được? Ông Kiệt nhẹ nhàng: Xử lý vấn đề này không hề đơn giản, mong anh Khoa cũng như người dân TP hãy nhìn những cách làm của chúng tôi là có chuyển biến, nhưng nó không thể một sớm một chiều được. Nhiều vấn đề do lịch sử để lại, chứ không phải mới xảy ra hôm qua. Chúng ta có rất nhiều biện pháp nhưng cũng phải có “lúc cứng, lúc mềm”. Tất cả đều phải dựa trên luật mà xử lý, không thể tùy tiện! Theo ông Kiệt, sở đang xin UBND TP cơ chế “đột nhập” như đoàn kiểm tra liên ngành 814 để kiểm tra bất ngờ những địa chỉ gây ô nhiễm được người dân tố giác.

Nhiều ĐB đồng tình cao cơ chế đặc thù này, nhưng góp ý thêm: Đã đột nhập mà đưa công văn báo trước ngày giờ đến kiểm tra là thua trắng! Không phải người dân không ghi nhận những nỗ lực của ngành môi trường thời gian qua, mà người dân cần một lộ trình cụ thể 1 năm, 5 năm hay 10 năm nữa tất cả doanh nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải hoạt động được.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Như Hiển quả quyết: Tất cả dự án đầu tư mới phải “thân thiện” với môi trường thì mới được hoạt động, còn những doanh nghiệp đang hoạt động, thì ngay trong năm 2009 phải có hệ thống xử lý nước thải “chạy” tốt. Bây giờ nếu không làm thì mai sau con cháu chúng ta sẽ lãnh đủ!

Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Long An cũng chứng minh sự quyết liệt của mình: hiện nay doanh nghiệp nào vào Long An phải thay đổi công nghệ, chứ không mang ô nhiễm từ nơi khác đến. Vừa qua tỉnh đã đóng cửa 10 doanh nghiệp gây ô nhiễm. Quan điểm của tỉnh là doanh nghiệp phải đặt lợi ích của môi trường lên trên lợi nhuận, không thể chấp nhận tình trạng doanh nghiệp làm hệ thống xử lý nước thải nhưng để “ngó”, khi kiểm tra mới vận hành.

Doanh nghiệp: tội 1, cơ quan quản lý: tội 10

Ông Đặng Như Hiển cũng bức xúc không kém gì người dân đang sống ven dòng sông Thị Vải: ai cũng biết cả chục năm qua, dòng sông Thị Vải bị ô nhiễm, nhiều lần bà con đã nêu đích danh địa chỉ gây ô nhiễm. Nhưng các cơ quan quản lý không làm đến nơi đến chốn, chúng ta phải coi trọng ý kiến của dân thì khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mới thực sự có ý nghĩa.

Phó Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai Phan Văn Hết lên tiếng: “Việc khắc phục ô nhiễm sông Thị Vải là cực kỳ khó khăn…, nhưng chúng ta phải cố gắng cải tạo…”.

Không đồng ý với cách trả lời chung chung, ĐB Trương Trọng Nghĩa bày tỏ: Xin hỏi “chúng ta” ở đây là ai? Là Tỉnh ủy, UBND, Sở TN-MT Đồng Nai, Vedan hay là dân? Giờ không phải là lúc có thể nói “chúng ta” nữa mà phải chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai? Dòng sông không có tội, người dân cũng không có tội, để kéo dài là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều ĐB lên tiếng: Trong vụ này, dư luận phê phán doanh nghiệp có tội: 1, nhưng nói trách nhiệm thì tội của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đến 10. Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ, vậy trong vụ ô nhiễm sông Thị Vải đã có cơ quan nào bị kiểm điểm và cán bộ nào từ chức chưa? Không chỉ vậy, người dân huyện Cần Giờ TPHCM cũng đã kiến nghị không biết bao nhiêu lần với các ĐB HĐND TP, Quốc hội về tình trạng ô nhiễm của sông Thị Vải (đoạn chạy qua Cần Giờ) nhưng “đâu vẫn vào đấy”.

Ông Hết giải thích: Hiện nay chúng tôi chưa nhận được bản kết luận chính thức của đoàn kiểm tra tình hình ô nhiễm nên chưa thể công bố điều gì. Khi có, chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy trình, buộc Vedan phải làm nghiêm túc và chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ. Chúng tôi cũng sẽ nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan.

Nhiều phóng viên theo dõi chương trình lên tiếng: Hiện nay người dân đang làm thủ tục kiện Vedan, vậy sở có thể giúp cho dân những số liệu chứng minh? Ông Hết trả lời ngắn gọn: Chúng tôi đang chờ kết luận chính của đoàn kiểm tra!

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng: Ô nhiễm môi trường đang bao vây tứ bề. Chúng ta cần tập trung bằng một quyết tâm chính trị bằng các luật lệ, quy định của nhà nước và bằng sự giám sát của người dân. Chúng ta rất cần sự phát triển kinh tế nhưng phải là phát triển bền vững với GDP “xanh”. Vấn đề môi trường nếu nhận thức chậm chừng nào thì hậu quả khó lường chừng ấy. TPHCM cũng như các địa phương không thể chờ mà phải chủ động phát huy vai trò phối hợp giữa liên vùng, để xử lý vấn đề này. “Nói không” với các ngành sản xuất gây ô nhiễm là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, công tác tiền kiểm, hậu kiểm phải gắt gao hơn, khi cần thiết, rút giấy phép đầu tư, đình chỉ hoạt động.

Trần Toàn

(Theo SGGP )

http://60s.com.vn/index/1709548/06102008.aspx

 

12- GSTS Võ Tòng Xuân: ĐANG QUÊN MÔI TRƯỜNG!

Mở đầu cuộc trao đổi với Tia sáng, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường đại học An Giang, khẳng định: “Thời chiến tranh, bom đạn, thuốc hoá học... đã huỷ hoại tàn khốc môi trường. Nay thời bình, môi trường vẫn bị hủy hoại không kém”...

Đành phải nói đấy là sự thật. Nông dân Việt Nam vẫn còn rất nhiều người nghèo. Cái nghèo, buộc họ phải khai thác thiên nhiên để sống. Cứ thấy nhiều vùng, nhiều người giàu lên vì con tôm sú, nên họ cũng ào ạt đi theo. Nuôi tôm, nhưng đất đai hạn chế sinh ra chuyện phá rừng ngập mặn, bỏ lúa...lập vuông nuôi.

Rừng giảm dần diện tích, đồng nghĩa với môi trường sinh sản của nhiều loài thuỷ sản, động vật sinh sống tại đó bị ảnh hưởng. Nguồn lợi thiên nhiên suy giảm đã đành, chuyện chắn gió, chống sạt lở bờ biển cũng ảnh hưởng theo. Tôi nói thật, dân mình vẫn còn nhiều người có tâm lý: cứ lợi dụng được gì, lợi dụng nấy. Chặt một vạt rừng, thải một mớ rác, mà cứ nghĩ không ảnh hưởng ai.

Chuyện nuôi tôm, thậm chí có nơi, nông dân còn làm áp lực để Nhà nước cho họ bỏ lúa nuôi tôm mà chưa tính đến chuyện mình có vững kỹ thuật nuôi hay không, đất vùng đó có thích hợp không. Đất nuôi tôm nhiễm mặn, dễ nhiễm nhiều mầm bệnh. Cộng thêm lượng thức ăn cho tôm bị dư, lâu ngày hoá thành chất sulfic, vô tình tạo môi trường tốt cho các vi khuẩn gây bệnh bám vào tôm. Nhiều nơi, có vuông tôm chết sạch vì bệnh đốm trắng. Đâu dừng lại ở đó! Nhà nước hiện thiếu kinh phí đầu tư thuỷ lợi hợp lý cho nuôi thuỷ sản, nên ở các vùng nuôi tôm, nước từ vuông tôm bị nhiễm bệnh, tuôn ra kênh rạch tự nhiên, lại len vào vuông khác, mang theo mầm bệnh. Rồi sự di chuyển của nguồn nước ấy, cảnh báo kéo theo sự tàn phá thảm thực vật ven kênh rạch, rừng ngập mặn ven biển, diệt cả nhiều loại thuỷ sản quí trong tự nhiên.

Nông dân có tâm lý “hễ thua phải gỡ”. Thất vụ này, gầy vụ khác. Có người, chỉ cho đó là do con giống, do thời tiết chứ không ngờ tôm chết có thể chính từ ảnh hưởng môi trường. Thậm chí, nhiều người chưa nhận thức rõ việc nuôi tôm của họ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào.

Đất nuôi tôm, nước mặn đã phá cấu trúc đất. Muốn chuyển trở lại trồng lúa, phải mất từ 5- 6 năm, thậm chí 10 năm mới thực sự ngọt hóa trở lại để lúa phát triển tốt.

Đài Loan, Thái Lan, Philippinnes... đều từng chung “số phận”. Nhiều vùng ven biển, trở thành vùng “trắng”. Nhưng tôm chết liên miên, diện tích rừng suy giảm, họ cảnh báo và nông dân bỏ ngay. Hiện nay, họ chỉ nuôi ở vùng qui hoạch, có đầu tư hệ thống thuỷ lợi đúng cách.

Còn chất thải của các nhà máy chế biến, phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Nhưng xem ra, việc thực hiện vẫn chỗ có chỗ không? Ở Long An, trước đây có một nhà máy thải nước gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Dân kiến nghị, ngành chức năng lập tức yêu cầu đóng cửa. Chỉ vài tháng sau, nhà máy này đầu tư hệ thống xử lý nước thải trị giá năm triệu đô la Mỹ. Nhưng tại Việt Nam, những trường hợp xử lý kiên quyết như thế không nhiều. Khó ở chỗ, làm gay buộc nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc thì tính sao? Chưa nói đến việc nể nang nhau, nhất là giữa cơ quan Nhà nước với xí nghiệp cũng của Nhà nước.

Thực ra giải pháp khắc phục đã có từ lâu, nhưng thực hiện được hay không mới khó. Ở Indonesia, chính phủ đứng ra vay tiền của Ngân hàng Thế giới, đầu tư hệ thống thuỷ lợi phù hợp cho hàng ngàn héc-ta. Nước vào vuông hay thải ra, có hệ thống xử lý riêng biệt, không gây ảnh hưởng môi trường. Nông dân chỉ việc đến nhận đất, nuôi tôm theo định hướng, kế hoạch cụ thể theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Còn ở ta, trước mắt có thể nuôi tôm theo mô hình tôm-lúa. Nước mặn chỉ xâm xấp ở tầng trên, chất thải qua quá trình nuôi, đến mùa mưa khi gieo trồng lúa có thể “nhờ” cây lúa xử lý.

Đối với các nhà máy chế biến, tôi nghĩ, không cách gì khác là phải xử lý kiên quyết. Dự án đầu tư, chỉ cấp phép khi có kèm theo dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Khi nhà máy đi vào hoạt động, phải kiểm tra xem hệ thống này có hoạt động cùng lúc hay không. Phải kiên quyết phạt tiền, đóng cửa nếu vi phạm. Đừng ham xuất khẩu lấy nhiều đô la mà hy sinh môi trường.

Chuyện phá rừng nuôi tôm cũng phải kiên quyết. Theo tôi, có thể phạt tiền, hay buộc người vi phạm phải trồng lại bao nhiêu héc-ta rừng tương xứng. Tôi nói phải kiên quyết, bởi lẽ, đã có rất nhiều hội nghị khoa học, có cả nhiều đại diện các nước, bàn về chuyện nuôi tôm như thế nào không ô nhiễm, không ảnh hưởng diện tích rừng. Nhưng cái khó cũng thấy rõ. Chính quyền xã là nơi sâu sát nhất. Nhưng không tránh khỏi chuyện, một vài nơi vẫn làm ngơ. Bởi cứ khư khư giữ rừng, lấy thuế đâu mà thu?

Thượng sách nhất, nên khuyến khích mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến. Nuôi ở mật độ thấp, trồng xen cây rừng. Hoặc không, cứ nuôi theo dạng sinh thái, mất một ít diện tích rừng nhưng giữ được nguồn lợi thuỷ sản thiên nhiên lâu dài./.

Lệ Hương ghi

Nguồn tia sang.com.vn

Theo Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, mô hình thuỷ lợi thích hợp cho việc nuôi thuỷ sản có thể nghiên cứu:

- Có kênh lớn tập trung để lấy nước từ biển, pha độ mặn thích hợp, sau đó bơm vào vuông.

- Cạnh đó, có kênh tiêu tập trung, cách biệt với nguồn nước vào. Nước thải từ các vuông đổ vào kênh này, dẫn vào một vuông lớn khác. Tại vuông này, nuôi các loại ốc, vọp... xử lý lượng thức ăn dư thừa của tôm. Nước xử lý xong, đưa qua tiếp một khu rừng sác ngập mặn để đảm bảo lọc sạch trước khi đổ ra biển.

http://forum.vgi-vn.com/forum_posts.asp?TID=5658

13- Thảm họa ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông

Thảm họa ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông - Bài 2: Những “cánh đồng chết”

Người dân các xã biên giới của huyện Châu Thành và Tân Biên bao năm nay quen sống với ruộng rẫy, đăng lưới bắt tôm cá trên sông Vàm Cỏ Đông. Thế nhưng, từ ngày có những nhà máy chế biến tinh bột khoai mì, họ đành phải chuyển lên vùng đất cao hơn để thuê đất trồng mì, hoặc làm thuê cho các chủ nhà máy. Hễ ở đâu có nhà máy mì mọc lên là xung quanh không có thứ cây trồng nào sống nổi, cá chết trắng trên các sông, suối và nước giếng cũng không thể dùng được. Tại lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, chúng tôi đã chứng kiến những “cánh đồng chết”.

“Chết lúa đền vài trăm ngàn là xong (!?)”

Ông Hai Nam dẫn tôi ra sau hè - nơi có dòng suối Bà Sự chạy qua, lắc đầu ngao ngán: “Đó, nước đặc quạnh, trắng xát thế kia thì có con gì, cây gì mà sống nổi. Các lò mì phía trên đầu suối xả nước thải không theo giờ.

Mỗi lần xả là chịu hết nổi cái thứ nước hôi thối nồng nặc. Nhiều hôm, lò mì xả ban đêm là coi như cả nhà thức trắng”. Ông Hai Nam còn cho biết, người con thứ hai của ông hôm rồi phải bán đứt 2 công đất cho chủ lò mì Sầm Nhị vì trồng cây gì chết cây nấy. Từ khi lò Sầm Nhị “mở rộng sản xuất”, diện tích đất dành cho đào hầm chứa nước thải phải lấn thêm ra xung quanh.

Đầu tiên là những lỗ nhỏ rò rỉ từ các hầm chứa tràn ra ruộng làm lúa chết. Sau nước chảy thành dòng, tràn đến đâu là chết cây, cỏ đến đó. “Sao không kêu chủ lò mì đền?” – tôi lên tiếng. Ông Hai Nam bực dọc nói: “Lúa chết kêu đến 5 - 7 lần chủ lò mới chịu xuống coi. Kêu đền, ổng chỉ nói “vài trăm ngàn là xong”. Bực quá, đành bán luôn miếng đất cho ổng lấy vài triệu đi chỗ khác cho rồi”.

Tại ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, nhiều người dân sống quanh lò mì Minh Tuyền cũng kêu trời vì ô nhiễm nồng nặc từ nước thải, xác mì phơi tràn ra đường. Do lò Minh Tuyền chỉ có 2 hầm chứa nước thải và nằm trên cao nên mỗi lần mưa là nước tràn hầm. Nhiều vườn cao su nằm phía dưới lãnh đủ, cỏ chết, cao su bạc lá. Rẫy mì của ông Năm Cà chuẩn bị thu hoạch thì thối rễ vì nước mưa mang theo nước xả lò mì tràn xuống.

Cách suối Tre chừng hơn trăm mét là suối Cạn - nơi có nhà máy chế biến tinh bột khoai mì của Công ty LD Tapioca. Nước thải từ đây chảy xuôi về phía suối Bà Sự, sau đó 1 nhánh đổ ra ngã Ba Vịnh để ra sông Vàm Cỏ Đông. Trên đường đi, dòng nước ô nhiễm này còn nhập với dòng nước thải chưa qua xử lý của 1 lò cồn và 2 lò mủ cao su, khiến cho cả một vùng rộng lớn của các xã Hòa Hiệp, Tân Phong (huyện Tân Biên) và Phước Vinh (huyện Châu Thành) ô nhiễm nặng nề.

Đến ấp An Lộc, xã An Cơ (huyện Châu Thành), đi đến đâu người dân cũng kêu trời vì nước ô nhiễm của lò mì Sầm Phát và Sầm Hên xả ra mỗi ngày. “Ngặt nỗi, cả ấp này nhà nào cũng có người làm cho ông chủ Sầm Phát, Sầm Hên, kêu sao được” – một người dân bức xúc nói. Biết là khổ vì phải bám đất, bám vườn sống trong cảnh nước thải hôi thối, ô nhiễm nồng nặc, nhiều người dân ấp An Lộc không còn biết đi đâu.

Sống riết trong cảnh ô nhiễm cũng quen, chỉ cực cho người dân những vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông khi kế sinh nhai bị đe dọa vì cá sông không còn, lúa trồng vụ thất, vụ đặng bấp bênh mà không hiểu tại sao, do đâu. Nhiều khu vực phía huyện Bến Cầu, Gò Dầu người dân còn không dám múc nước sông lên sinh hoạt như trước.

Vàm Cỏ Đông - dòng sông xanh nay còn đâu

Câu hát “Ơi… ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông, nước xanh xanh biếc chẳng đổi thay dòng…” hầu như người chiến sĩ cách mạng nào trong những năm kháng chiến chống Mỹ cũng thuộc nằm lòng. Thế nhưng, hôm nay dòng sông ấy đã đục ngầu, tràn ngập chất độc hại từ những “tiểu Vedan” đổ ra. Trên chiếc đò máy đi ngược lên phía Lò Gò của xã Tân Bình (huyện Tân Biên), chúng tôi phát hiện nhiều đoạn sông nước đã đổi màu từ đùng đục - màu của nước sông pha lẫn phù sa sang màu đen nhờ nhờ của nước thải các nhà máy mì. Tiếng khua nước của chân vịt đuôi tôm cũng làm bọt nước sục lên trắng xóa. Người lái ghe máy tên Giàu nói với chúng tôi: “Tháng này nước lớn, nước ít trắng và ít hôi thối hơn mấy tháng nắng. Nhưng mỗi khi lò mì xả nước ra mà gặp con nước ròng là ô nhiễm chịu hết xiết”.

Xuôi về phía hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông, vừa qua đoạn sông thuộc ấp Hòa Bình, phía trước chúng tôi là những cánh đồng chỉ trơ ra gốc lúa, bụi cỏ vàng úa, lụi tàn. Ghe cặp bờ, tận mắt chứng kiến “cánh đồng chết”, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước sự tàn phá đến kinh khủng của ô nhiễm do chính con người gây ra.

Nhìn dòng nước sông Vàm Cỏ Đông nhờ nhờ trôi về phía hạ lưu, chúng tôi liên tưởng đến cuộc sống của bao người dân sẽ bị ảnh hưởng vì “dòng nước đen” kia. Tôi tự hỏi: Những ai đã biến dòng sông xanh thơ mộng ngày nào thành “dòng sông chết”? Và ai phải chịu trách nhiệm về sự tàn phá môi trường kinh khủng kia?

Chính quyền xã Hòa Hiệp nói gì?

Chiều 26-9, chúng tôi đến UBND xã Hòa Hiệp để tìm câu trả lời từ phía chính quyền về tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì xả ra trên địa bàn. Tiếp chúng tôi, ông Lê Thanh Hà, Phó Chủ tịch HĐND xã cho biết, lãnh đạo xã hôm nay đều đi vắng. Câu đầu tiên tôi hỏi: “Tình trạng ô nhiễm từ các lò mì, xã có biết?”. Ông Hà nói: “Cái này họ xả ngầm dưới đất làm sao mình biết” (!?).

- Nhưng người dân đã nhiều lần viết đơn phản ánh?

- Đúng là có “đơn kêu cứu” tập thể của mấy chục hộ dân. Nhưng mình cũng chỉ bày cho dân gửi đơn tiếp lên trên mà thôi. Nghe đâu cũng có đoàn xuống xem và họ nói nước thải vượt quá hơn 70% cho phép thì phải.

- Xã mình có biện pháp gì với những lò mì gây ô nhiễm, thưa ông?

- Xuống kiểm tra lần nào, chủ lò cũng không có nhà. Có mời họ lên mà sao không thấy lên (!?).

- Nghe nói có nhà máy mì sắp “ra lò” mà hình như không có phép?

- Cái này có phép chứ. Tụi tui cũng mới nghe nói hình như lò Sầm Nhị mua đất của dân làm hầm, nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Lò sau này mới xây có cam kết với tụi tui làm đúng quy trình xử lý nước thải.

- Thưa ông, họ xử lý nước thải theo “quy trình” xả ra đường thoát nước lộ thiên, sau đó chảy trực tiếp ra sông Vàm Cỏ Đông?

- Nếu vậy thì nó vi phạm rồi.

- Thế vi phạm mình có biết không?

- (Im lặng).

Trong những ngày đi thực tế tại các xã biên giới đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông để tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì gây ra, đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được thái độ bàng quan của cán bộ chính quyền cơ sở. Những người dân mà chúng tôi đã gặp, đều bức xúc nói: “Chính quyền biết nhưng không làm gì. Năm nào cũng có vài đoàn về kiểm tra xong lại đi không thấy nói gì…”. Không biết, đây có phải là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến những nhà máy chế biến khoai mì ngang nhiên ngày đêm xả hết cái thứ nước thải độc hại, “giết chết” dòng sông Vàm Cỏ Đông hiền hòa, trong xanh?

(nguồn: sggp.org.vn)

Việt Trì: Đừng để như VEDAN mới xử lý

16:30' 13/10/2008 (GMT+7)

- Thành lập được hơn 10 năm nhưng đến nay khu công nghiệp (KCN) Thụy Vân (TP.Việt Trì, Phú Thọ) vẫn chưa có khu xử lý nước thải. Toàn bộ nước thải của hơn 20 nhà máy thải trực tiếp ra hồ chứa tạm do Tổng Công ty Sông Hồng thiết kế từ ngày KCN hình thành. Nước thải ở hồ chứa tạm này dẫn qua đường ống và chảy xuống cánh đồng, ao hồ quanh đó, đặc biệt là 4 xóm: Vĩnh Phú, Phú Hậu, Phú Thịnh, Nội gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.

Vỡ hồ chứa nước thải - nỗi kinh hoàng của người dân

Chắc hẳn người dân xã Thụy Vân không ai là người không nhớ sự kiện kinh hoàng diễn ra vào ngày 16/10 cách đây 7 năm. Hơn 3000m3 nước thải KCN Thụy Vân từ độ cao 3m so với mặt ruộng đã băng qua một con đập đắp tạm, ồ ạt tràn ra 10ha đầm, tràn tiếp vào 100ha các chân ruộng đang gieo cấy vụ chiêm xuân của xã Thụy Vân.

Sự cố trên đã được Sở Khoa học Công nghệ Môi trường, Ban quản lý KCN Phú Thọ, UBND TP. Việt Trì và UBND xã Thụy Vân phối hợp kiểm tra mức độ ô nhiễm. Nước ở đầm Bỗng do nước thải công nghiệp tràn vào vượt tiêu chuẩn cho phép ở mức B tiêu chuẩn mặt nước mặt. Cụ thể là COD vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,65 - 2,29 lần. Coliform vượt tiêu chuẩn cho phép từ 9 - 10 lần. Giếng nước của các hộ dân xung quang đầm Bỗng trong phạm vi 10m trở lại bị ô nhiễm nặng, có màu xanh đen và mùi hôi không thể sử dụng được, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân.

Hồ chứa nước thải của KCN Thụy Vân.

Sự cố xảy ra buộc UBND TP. Việt Trì, Ban quản lý KCN Thuỵ Vân phải tính toán đến việc đền bù cho các hộ dân bị thiệt hại về nuôi trồng thuỷ sản, diện tích lúa và những người dân sống quanh đó sử dụng nước sinh hoạt. Thực tế của việc đền bù này chẳng thấm vào đâu so với những gì người dân phải chịu.

Ông Vũ Văn Kiên, đại diện cho 5 hộ dân nuôi cá ở đầm Bỗng, nói: “Vỡ hồ chứa nước thải làm cho nước ở đầm Bỗng đen ngòm. Cá của chúng tôi chết hàng loạt, vớt lên cân được 6 tấn, nhìn những con cá trắm quá xót xa, bán rẻ chẳng ai mua đành đem chôn. Sau đó, họ có đến đền bù chúng tôi nhưng chẳng đáng bao nhiêu”.

Một biện pháp được đưa ra nhằm tránh tình trạng trên xảy ra một lần nữa là xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung toàn KCN đảm bảo tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.

7 năm trôi qua - người dân vẫn chịu ô nhiễm

Đã 7 năm từ khi người dân chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đó, nhưng đến nay, nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa được đưa và sử dụng. Toàn bộ nước thải của hơn 20 nhà máy trong KCN không qua xử lý chảy âm ỉ từng ngày xuống cánh đồng làng, ngấm vào đất, vào giếng nước ăn của người dân mà dân ở đây chủ yếu sử dụng nước giếng để sinh hoạt.

Cống nước từ hồ chứa nước thải chảy xuống ruộng, ngấm vào ao hồ, giếng nước của người dân.

Cô Nguyễn Thị Hợi, đội 1, Vĩnh Phú, Thụy Vân cho biết. “Trước đây, khi chưa có KCN về làng thì nước giếng là một nguồn nước được lọc qua một lớp đá ong nên trong suốt, người dân quanh vùng đến xin nước uống còn tấm tắc khen rằng “Nước uống như Lavie”. Giờ đây, họ không còn dám uống trực tiếp nữa bởi nó quá ô nhiễm”.

Hai tháng trước, Sở Tài nguyên Môi trường cũng đã về kiểm tra, xét nghiệm nước giếng của người dân ven KCN và đều có kết luận là lượng kiềm vượt quá quy định. Sở Tài nguyên Môi trường đã bán cho người dân với giá 12.000 một gói Super PAC dùng làm lắng tụ nhanh các chất bẩn trong giếng nước sinh hoạt. Nhưng chỉ một gói Super Pac có làm cho người dân dùng nước sinh hoạt được an toàn, không bị ô nhiễm, liệu những chất độc hại ở đáy giếng có hết được không? Khó có thể khẳng định được.

Lúa của người dân nơi đây quanh năm không phải cầy bừa, phân gio, thậm chí cấy thưa đến 60 phân mà không có hi vọng được thu hoạch.

Hơn 90% số chị em phụ nữ trong xã mắc bệnh viêm nhiễm, đó là số liệu của cô Bình - phó trạm y tế xã đưa ra. Năm 2007, số lượng người mắc bệnh tăng vọt hơn 100 người so với năm 2006. Nguyên nhân của sự tăng vọt số chị em trong xã bị bệnh một phần do phải lội nước ô nhiễm ngập đến hông người khi làm đồng. Ngoài ra còn một số bệnh khác cũng do sử dụng nước sinh hoạt.

Nhân dân xã Thụy Vân, đặc biệt là 4 xóm : Vĩnh Phú, Phú Hậu, Phú Thịnh và xóm Nội cùng một lúc chịu 3 nguồn ô nhiễm, đó là ô nhiễm nguồn không khí (Đã 2 vụ rồi cây trái ở đây không được thu hoạch do bụi làm cho không thụ phấn được) và nguồn rác thải từ KCN được đưa ra đầu làng chất ở đó và đốt.

Giếng nước ăn của người dân bị ô nhiễm.

Quê đồi xưa kia vốn yên tĩnh, người dân sống trong cảnh yên bình, giờ đây KCN về làng đã làm thay đổi 1 bộ phận dân cư lớn. Ô nhiễm nguồn nước, không khí đã làm ảnh hưởng đến tất cả các mặt kinh tế, sinh hoạt của người dân.

Tỉnh Phú Thọ cũng đã có dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho KCN Thụy Vân nhưng đã 6 năm rồi mà vẫn chưa được đưa vào sử dụng, hiện nay chỉ có nhà điều hành và đường cống để không. Nhà máy xử lý nước thải đã xây dựng từ khi có KCN nhưng chưa một lần được đưa vào sử dụng vì sai thiết kế.

Các nhà máy trong KCN Thuỵ Vân tiếp tục được mở rộng và như vậy những người dân nơi đây sẽ tiếp tục chịu cảnh ô nhiễm. Sẽ còn nguy hiểm hơn nếu nhà máy xử lý nước thải không được đưa vào sử dụng và sử dụng không đúng quy trình. Chúng ta hãy thẳng thắn nhìn nhận vấn đề khi còn chưa quá muộn, đừng để dẫn đến hiện tượng như Vedan thì mới bắt tay vào cuộc.

• Lại Hoa

http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/2008/10/2068690.epi?refer=http%3A%2F%2Fvietnamnet.vn%2Fbandocviet%2F2008%2F10%2F808245

 

14- Ô nhiễm KCN Phú Thái: Dân bỏ nhà đi vì ô nhiễm (Kỳ 1)

Dòng mương chứa nước thải của các nhà máy của KCN Phú Thái dẫn thẳng ra sông Kinh Thầy.

ThienNhien.Net - Hải Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao, có nhiều khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, đây cũng là nơi nổi tiếng về tình trạng ô nhiễm, điển hình như KCN Phú Thái tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành với 13 doanh nghiệp lớn nhỏ. Những hộ dân sống tại đây đang phải đối diện với nguy cơ bệnh tật, có người đã chết vì ung thư, có người đã bỏ nhà ra đi vì không thể chịu đựng thêm. Theo lời ông PCT thị trấn - Dương Văn Long - có khoảng 2.500 người dân sống đang chịu ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường từ các nhà máy trong khu công nghiệp Phú Thái.

Chạy trốn thần chết

Chúng tôi tìm về thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương theo đơn tố cáo của chị Đỗ Thị Thích, tổ 14, khu phố Ga. Tuy nhiên, căn nhà chị Thích giờ chỉ là căn nhà hoang, những người hàng xóm cho biết chị đã bỏ nhà đi nơi khác, phải lần mò mãi chúng tôi mới tìm gặp được chị. Trong căn nhà đang xây dở, chị Thích cho biết: Từ cuối năm 2006 chị đã phải bỏ nhà đi thuê trọ để ở. Đến tháng 06/2007, được sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, chị mượn 5 quyển sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng lấy tiền xây dựng ngôi nhà mới này. Chị ngậm ngùi khi cho chúng tôi biết tiền công xây nhà chị vẫn đang còn khất nợ.

Chị Đỗ Thị Thích với những giấy tờ bệnh án

Ngày thường, chị Thích bán hàng tạp hoá ngoài chợ nhưng hôm nay căn bệnh viêm vòm họng của chị tái phát nên chị đang phải nằm dưỡng bệnh tại nhà. Kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện, hai hàng nước mắt lại lăn dài trên đôi má gầy sạm đen của chị, chị bảo: “Tôi đã khóc cạn cả nước mắt rồi có lẽ tôi không thể sống nổi nữa, nhà đang ở là nhà vay mượn, giờ tôi lại bệnh tật thế này không biết lấy gì để trả nợ”.

Từ đầu năm đến nay, căn bệnh viêm vòm họng hành hạ chị suốt, lên Hà Nội chữa mấy nơi thì bác sỹ đều bảo về, bệnh thành mãn tính rồi hầu như không thể chữa khỏi được nữa. Trong ngần ấy thời gian, riêng tiền chữa bệnh đã ăn sâu vào khoản vay nợ của chị thêm 6 triệu nữa.

Chị Thích không nhớ nổi đã gửi bao nhiêu đơn thư cầu cứu. Gửi lên UBND huyện, thị trấn không thấy hồi âm, chị lại gửi lên Sở tài nguyên Môi trường và lần này cẩn thận mượn người chụp ảnh, ghi băng hình để làm chứng cứ rõ ràng với hy vọng sẽ thuyết phục được “các bác lãnh đạo”. Thế nhưng sau bao nhiêu chuyển ngược xuôi tất tả, kết quả chị nhận được là sự im lặng đầy khó hiểu. Đến đường cùng, chị lại chạy vạy vay cố 3 triệu đồng nữa nhờ luật sư làm đơn kiện các doanh nghiệp với nguyện vọng đòi lại bằng được quyền lợi chính đáng của mình, nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Cuối năm 2006, ông Quế, một người hàng xóm của chị - - chết vì bị ung thư. quá sợ hãi chị đành bỏ hoang căn nhà, dắt đứa con trai 10 tuổi đi thuê nơi khác ở “lánh nạn”, giờ mới vay được tiền để xây nhà.

Không riêng gì gia đình chị Thích, hàng chục gia đình khác cũng đang sống trong cảnh ăn không ngon ngủ không yên và suốt năm chỉ lo làm đơn kiện nhưng kết quả cũng chỉ là “đá ném ao bèo”. Ông Nguyễn Văn Điển, nhà sát với Công ty TNHH Thành Phát bức xúc, nói như van xin: “Không thể chịu đựng thêm được nữa, mấy anh chị cứ ở đây với chúng tôi mấy ngày để hiểu rõ hơn nỗi khổ của bà con dân làng nơi đây. Tôi có nói gì thì cũng không thể tả hết được. Cứ ở đi tôi nuôi được mà, nếu tôi không nuôi được thì làng này cũng nuôi được”. Nói rồi ông Điển lôi từ trong tủ ra một tập đơn: “Các anh chị xem thì biết, chúng tôi đã làm không biết bao nhiêu là đơn, gửi khắp nơi rồi, giờ chán cũng chẳng muốn gửi. Có anh chị về đây, tôi mong có cách nào giúp chúng tôi thoát nạn”.

Bản kiến nghị của nhân dân tổ 14 khu phố Ga về hoạt động gây ô nhiễm của nhà máy Thành Phát

Nhà ông Điển trước đây làm cửa bằng gỗ nhưng từ khi nhà máy giấy dựng lên ông đã phải thay toàn bộ bằng cửa kính để tránh tiếng ồn và mùi hôi thối nhưng cũng chẳng ăn thua. “Nhà chị Thích còn có nghề bán hàng ngoài chợ còn gia đình chúng tôi có gì, muốn đi nhưng đi đâu, sống bằng cái gì, nếu đi được tôi đã đi từ lâu rồi”.

Cách nhà ông Điền không xa, bà Đỗ Thị Duân chủ một quán cóc gần nhà máy xi măng Hải Âu nói với giọng buông xuôi: “Tôi cũng lo bệnh tật lắm, nhưng biết làm sao được. Con tôi còn trẻ chúng chuyển đi nơi khác rồi còn tôi già rồi cứ sống ở đây chết ngày nào thì chết chứ biết kêu ai bây giờ, có kêu cũng chẳng được”.

Doanh nghiệp chống chế

Nổi cộm nhất trong số những nhà máy đang gây ô nhiễm tại huyện Kim Thành phải kể đến nhà máy xi măng Hải Âu, nhà máy bia Hải Thành, nhà máy tấm lợp Hưng Long và đặc biệt Nhà máy sản xuất bột giấy và giấy vệ sinh của Công ty TNHH Thương mại Thành Phát. Chi Thích kể lại: Khi chị còn ở nhà cũ, thấy hệ thống nước thải của nhà máy bia Hải Thành và nhà máy Hưng Long gây ô nhiễm chị đã phản ánh với lãnh đạo hai nhà máy. Tuy nhiên Công ty này đổ tại Công ty kia vì cả hai dùng chung một hệ thống cống thải. Lâu lâu cũng có đoàn về kiểm tra nhưng phải cái là mỗi lần có đoàn về thì y rằng trước đó mấy ngày hệ thống cống thải được vệ sinh sạch sẽ. Trong số các đơn vị gây ô nhiễm trên, chỉ có nhà máy xi măng Hải Âu mới đây tạm dừng một số hoạt động, hiện chỉ còn nghiền clinker.

Khi chúng tôi đến Công ty giấy Thành Phát- đơn vị gây ô nhiễm nặng nhất cho những hộ dân tổ 14 thuộc khu phố Ga. Bà Phạm Thị Tỉnh, giám đốc công ty, vẫn cho rằng: “Hiện trạng khí thải, bụi, tiếng ồn ở nhà máy đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Nước, đất ở trong khu vực chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Nói là công ty hoạt động suốt ngày đêm nhưng thực chất chẳng được bao nhiêu tiếng vì thiếu nguyên liệu”. Bà Tỉnh cho biết thêm: “Công ty chúng tôi đã ký hợp đồng lắp đặt một hệ thống xử lý môi trường rất hiện đại và hiện chỉ còn chờ lắp đặt”.

Nói vậy nhưng khi chúng tôi yêu cầu cho xem hợp đồng đã ký với đối tác bà Tỉnh lại chống chế: “Cái đó chồng tôi cầm và hiện anh đang đi công tác”. Sự thật, khi chồng bà Tỉnh về đã cho chúng tôi xem và đó chỉ là một quyển cataloge giới thiệu về hệ thống xử lý nước thải của Trung Quốc. Ông Trần Trung Chén, chồng bà Tỉnh cho biết: “Chúng tôi đang thuê người dịch để xem, còn hai bên đã có ký kết gì đâu. Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất hết chưa đến 40 tỷ, nếu lắp đặt hệ thống xử lý này cũng hết gần 20 tỷ điều đó không hề đơn giản”.

Trả lời về việc người dân khiếu kiện, bà Tỉnh cho biết: “Có bốn hộ nằm gần nhà máy chúng tôi thì đã hộ trợ hàng tháng từ 300.000 - 500.000/hộ. Ngoài ra Công ty còn cung cấp nước sạch và điện sinh hoạt miễn phí, vào những ngày lễ ngày tết họ cũng được nhận quà như những công nhân của nhà máy. Tôi khẳng định mùi hôi thối thì có nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến sức khoẻ, cả trăm công nhân của tôi có kêu ca phàn nàn gì đâu. Hỗ trợ đến thế này mà có kêu nữa thì chúng tôi cũng chịu”. Ông Chén chống chế thêm: “Ông Điển nát rượu ấy mà, ông ấy cứ kêu linh tinh.”. Nói như vậy, không lẽ hàng chục hộ dân ở đây đều nát rượu cả. Và cũng dễ thấy rằng nếu nhà máy không gây ô nhiễm thì việc họ tự nguyện hỗ trợ các hộ dân vài trăm ngàn đông mỗi tháng kia phải chăng chỉ để “từ thiện”. Ông Chén thừa nhận: “Đúng là nước thải ra có màu đen và mùi thối khó chịu” nhưng ông biện minh “Đến nhà máy lớn như giấy Bãi Bằng và một số nhà máy giấy khác cũng xử lý được nước thành màu vàng làm sao trong được”.

Năm 2006, trong đợt kiểm tra định kỳ của Sở tại nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH Thành Phát đã bị xử phạt 3 triệu đồng. Cũng sau đợt kiểm tra đó, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo và kiến nghị gửi lên UBND tỉnh về những sai phạm của Công ty này. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một năm tình trạng không những không thay đổi mà mức độ ô nhiễm ngày một trầm trọng hơn, Công ty TNHH Thành Phát thì vẫn “ung dung” hoạt động.

Phản đối mạnh mẽ nhất sự việc này phải kể đến UBND thị trấn Phú Thái và Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kim Thành. Khổ nỗi, với “vị trí” của mình, chính quyền sở tại nơi đây cũng chẳng làm được gì dù đã không ít lần kêu lên tỉnh. Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập trong kỳ tới.

Quang cảnh một phần cơ sở sản xuât thuộc nhà máy Thành Phát

ThienNhien.Net – Hiện tượng ô nhiễm do các nhà máy tại khu công nghiệp thị trấn Phú Thái là rõ ràng. Không chỉ người dân bức xúc, chính quyền địa phương ở đây cũng lên tiếng mạnh mẽ. Không hiểu sao những kiến nghị của chính quyền sở tại bao nhiêu năm nay tỉnh vẫn không thấu.

Kỳ 1: Bỏ nhà đi vì ô nhiễm

Kiểm tra lấy lệ

Ngày 11/10/2007 chúng tôi có mặt tại Khu công nghiệp Phú Thái, một không khí vắng lặng đến lạ thường. Cơ sở tái chế nhựa Kim Thành, đơn vị tái chế 150 tấn nhựa vi phạm đang bị dừng hoạt động đã đành, đến Công ty TNHH Thành Phát cũng thấy “nghỉ ngơi”. Không có cảnh sản xuất ồn ào, không có nước thải như trong đơn của những hộ dân tố cáo.

Ông Nguyễn Văn Điền, người quá thuộc giờ giấc hoạt động của nhà máy khẳng định: “Chắc chắn sắp có đoàn về kiểm tra, mỗi lần có đoàn về nhà máy bao giờ cũng nghỉ hoạt động trước mấy ngày”. Đúng như lời ông Điển khẳng định, sáng 12/10 đoàn kiểm tra từ Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã về kiểm tra tại Công ty TNHH Thành Phát. Công ty hôm đó trở lại hoạt động trở lại bình thường. Bà Phạm Thị Tỉnh giải thích: “Mấy hôm nay cho công nhân học nên nhà máy ngừng hoạt động”. Ông Dương Văn Long, phó chủ tịch UBND thị trấn Phú Thái cho biết: “Họ được báo trước sẽ có đoàn xuống kiểm tra nên giờ có kiểm tra cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Bọt nước thải không được thu gom, để chảy tràn lan

Theo quy định, mỗi khi các đoàn về kiểm tra phải thông báo trước để doanh nghiệp biết, chỉ có thanh tra môi trường mới được phép kiểm tra đột xuất. Thế nhưng

thanh tra chỉ kiểm tra những sai phạm về quy trình hoạt động, họ không có chức năng kiểm tra mức độ ô nhiễm, việc này thuộc trách nhiệm của đoàn giám sát, quan trắc.

Ngày 12/10 khi đoàn quan trắc về kiểm tra tại Công ty TNHH Thành Phát, chị Bùi thị Nhung, cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kim Thành và ông Dương Văn Long cũng được mời tới dự. Sau khi đi kiểm tra một vòng, đoàn tiến hành lấy mẫu nước xét nghiệm theo sự chỉ dẫn của giám đốc Công ty Thành Phát. Xem xét nguồn nước lấy mẫu chị Nhung và ông Long khẳng định, nước ngày thường hoàn toàn khắc hẳn, nguồn nước đen đậm đặc và bốc mùi rất nặng. Rõ ràng Công ty đã có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi đoàn kiểm tra về. Theo yêu cầu của của chị Nhung và ông Long, phải lấy nguồn nước chỗ khác mới có thể chính xác nhưng lấy ở đâu khi mà hồ chứa nước cũng đã được lắng từ mấy hôm trước?

Bà Phạm Thị Uyên, phó giám đốc Trung tâm quan trắc cũng là trưởng đoàn kiểm tra phát biểu: “Chúng tôi chỉ kiểm tra và đưa ra kết luận vào thời điểm kiểm tra, còn trước đó như thế nào chúng tôi cũng không dám nói”.

Ông Dương Văn Long ngao ngán: “Tôi chỉ quan sát bằng mắt và thấy nguồn nước thải Công ty Thành Phát rất bẩn, mức độ nguy hại đến đâu tôi không biết nhưng rõ ràng những người dân ở đây không thể chịu nổi. Đến cây cỏ còn không sống nổi nói gì đến con người. Kiểm tra thế này theo tôi chẳng nói lên được điều gì, kiểm tra mà đi báo trước thì làm sao khách quan được”.

Hiện có trên 3 ha đất nông nghiệp xen lẫn trong KCN nhưng đã phải bỏ hoang suốt 5 - 6 năm nay do cây cối không thể mọc được. Những người dân có ruộng đang sống bằng những khoản trợ cấp hàng năm của doanh nghiệp. UBND huyện và Thị trấn đã rất nhiều lần có ý kiến với UBND tỉnh Hải Dương, Sở tài nguyên Môi trường…về việc gây ô nhiễm của các nhà máy tại địa phương. Tuy nhiên tỉnh vẫn không có động tĩnh gì. Năm ngoái, thanh tra Sở tài nguyên về kiểm tra và xử phạt một số doanh nghiệp trong đó riêng Công ty giấy Thành Thái 3 triệu đồng nhưng khi xử phạt xong các Công ty này vẫn tiếp tục như cũ.

Đến những quyết định khó hiểu

Trước những bức xúc của người dân và chính quyền sở tại nơi đây, ngày 09/03/2007 UBND tỉnh Hải Dương có quyết định số 1102/ QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án nhà máy giấy Thành Phát. Quyết định nêu rõ: “ Phải hoàn thành toàn bộ các hệ thống xử lý môi trường trong năm 2008. Hiệu quả xử lý phải được cơ quan chuyên môn đánh giá và cơ quan quản lý kiểm tra xác nhận đảm bảo tiêu chuẩn cho phép”.

Quyết định này thực sự “thách đố” những người dân sống quanh nhà máy cũng như chính quyền địa phương. Ông Long nhận xét: “Từ lâu, nhà máy giấy Thành Phát đã gây ô nhiễm mỗi trường. Nếu cho phép đến hết năm 2008 mới hoàn thành hệ thống xử lý nước thải e rằng dân ở đây không thể chịu đựng đến thời điểm đó... Nếu công ty vi phạm thì phải dừng sản xuất đến lúc lắp đặt xong hệ thống xử lý nước thải mới cho phép hoạt động tiếp mới đúng”.

Cũng trong quyết định này, UBND tỉnh “ Uỷ nhiệm cho Sở tài nguyên Môi trường thực hiện kiểm tra giám sát…”. Với việc kiểm tra được báo trước như ngày 12/10 vậy kết quả kiểm tra có đáng tin cậy không.

Trước những khiếu kiện liên tiếp của nhân dân khu phố Ga cũng như thực tế ô nhiễm từ Công ty TNHH Thành Phát, ngày 30/07/2007 UBND huyện Kim Thành đã có công văn số 378/CV-UBND gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương. Trong Công văn có đoạn: “Trong quá trình hoạt động sản xuất nước thải của công ty hầu như không được xử lý, xả trực tiếp ra mương tiêu thoát nước của khu vực, buổi tối bơm trực tiếp ra sông Kinh Môn với lưu lượng nước lớn gây nên nên mùi hôi thối ô nhiễm môi trường khu dân cư và trực tiếp là nguồn nước của nhà máy nước sạch thị trấn Phú Thái, gây bức xúc và hoang mang trong nhân dân khi sinh hoạt và sử dụng nguồn nước sạch…Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng gây bức xúc trong nhân dân. Vào ngày 10 và 25 hàng tháng (kỳ tiếp dân hàng tháng - PV) cử tri và nhân dân kéo đến yêu cầu sớm có biện pháp kiên quyết với Công ty TNHH Thành Phát. UBND huyện đã giải thích nhưng nhân dân vẫn không nhất trí, khả năng sẽ tiếp tục tập trung đông người để lên tỉnh và Trung ương để đề nghị được giải quyết dứt điểm”.

Từ thực tế đó UBND huyện Kim Thành đề nghị: “Nếu Công ty không có khả năng thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo quy định. Đề nghị UBND tỉnh cho đình chỉ hoạt động nhà máy”.

Không biết những người dân Phú Thái sẽ còn bao nhiêu lần gửi đơn kiến nghị như thế này.

Đem những thắc mắc của người dân thị trấn Phú Thái cũng như chính quyền nơi đây đến Sở tài nguyên Môi trường tỉnh Hải Dương. Ông Vũ Đình Hiền, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hiện nay tất cả các KCN đóng trên địa bàn tỉnh đều không có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Gọi là KCN nhưng quy hoạch không đồng bộ, mỗi doanh nghiệp đến làm một kiểu dẫn đến tình trạng lộn xộn. Riêng KCN tại Phú Thái chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra, tuy nhiên chúng tôi không được phép bắt Doanh nghiệp dừng hoạt động. Với vai trò của mình, chúng tôi đã có báo cáo lên giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường, Sở báo cáo với UBND tỉnh và xử lý như thế nào là do tỉnh”.

Nói về trường hợp gia đình chị Đỗ Thị Thích, ông Hiền đổ lỗi: “Tại bà Thích tham, trước đây Doanh nghiệp đền bù để di dời thì bà chê ít bây giờ muốn đi doanh nghiệp không giải quyết nữa bà lại kiện”. Việc ông Hiền đỗ lỗi cho chị Thích thật khó chấp nhận!

Đáp lại công văn số 378/CV-UBND của UBND huyện Kim Thành, ngày 02/10 UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn số 1333/UBND-VP giao cho Sở tài nguyên Môi trường kiểm tra Công ty TNHH Thành Phát. Đến ngày 12/10 đoàn đã về kiểm tra. Kết quả phải một thời gian nữa mới có nhưng với cách kiểm tra như đã nói ở trên chắc chắn một kết quả có lợi lại thuộc về phía doanh nghiệp. Xem ra, người dân thị trấn Phú Thái sẽ còn phải sống trong cảnh ô nhiễm dài dài. Chính quyền địa phương còn lắm nhọc nhằn trong việc trả lời những khiếu kiện của người dân.

Tiến Dũng - Trung Hiền

Tiến Dũng - Trung Hiền

http://www.thiennhien.net/news/142/ARTICLE/3347/2007-10-16.html

 

15- Ô nhiễm nghiêm trọng ở khu công nghiệp Phú Minh

Thứ năm, 23 Tháng tám 2007, 14:57 GMT+7

Kinh hoàng mương "chết" ở khu công nghiệp Phú Minh.

27 doanh nghiệp và công ty tư nhân nằm trong khu công nghiệp Phú Minh (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội), dù không có hệ thống xử lý chất, khí thải, vẫn ngày đêm xả “chất độc”, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

“Hai đứa con tôi, một đứa ho cả tháng trời chưa khỏi, một đứa nổi mẩn ngứa khắp người” - Anh Nguyễn Ngọc Tú, một người dân đang sống trong khu tập thể Phú Minh, bức xúc nói khi dẫn tôi đi vòng quanh khu công nghiệp Phú Minh để “mục sở thị” môi trường ô nhiễm nơi đây.

Theo quan sát, toàn bộ hệ thống mương thoát nước lộ thiên chạy vòng quanh khu công nghiệp Phú Minh và khu dân cư chứa một lượng lớn chất thải đen xì, sộc lên mũi mùi khét của dầu mỡ và mùi hôi thối. Những cây cỏ mọc xung quanh bờ mương cũng bị chết cháy. Đứng một lúc ở đây đã thấy người nôn nao, đầu óc choáng váng.

Anh Tú cho biết, toàn bộ chất thải của khu công nghiệp đều được xả trực tiếp ra mương thoát nước, sau đó chảy ra sông Pheo rồi đổ vào sông Nhuệ, một trong những dòng sông bẩn nhất Hà Nội hiện nay.

Chính quyền địa phương cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều hoạt động sản xuất bao bì, in nhuộm và các đồ phụ tùng ôtô, xe máy. Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp này sử dụng nhiều hoá chất nhưng không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Một số cơ sở còn dùng quạt gió ở tầm thấp thổi khí thải lên không trung khiến không khí rất bí bách và khó chịu. Nhiều hộ dân quá lo lắng đã phải sơ tán con em mình đi chỗ khác.

Ông Nguyễn Đức Lạc, tổ trưởng tổ dân phố cho biết, khu tập thể Phú Minh hiện có trên 100 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu sinh sống. Toàn bộ người dân đều sử dụng giếng khoan làm nguồn nước sinh hoạt. Theo ông Lạc thì có thể bây giờ chưa thấy dấu hiệu gì nghiêm trọng, nhưng bệnh chắc chắn sẽ tích tụ theo thời gian.

Trao đổi với Tòa Soạn, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế, cho biết đầu tháng 8 vừa rồi, chính quyền xã đã phối hợp với UBND huyện Từ Liêm xuống kiểm tra tổng thể. Kết quả cho thấy toàn bộ 27 doanh nghiệp và công ty TNHH nằm trong khu công nghiệp Phú Minh, đang trong quá trình hoạt động sản xuất nhưng không có bất cứ thủ tục hành chính nào quy định về bảo môi trường cũng như hệ thống xử lí môi trường công nghiệp.

Trách nhiệm của chính quyền xã là bắt buộc các doanh nghiệp và công ty này phải hoàn tất thủ tục trước tháng 9, sau đó phải xây dựng hệ thống xử lý môi trường rồi mới được tiếp tục hoạt động. Ông Tiến khẳng định sẽ kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không tuân thủ yêu cầu.

Được biết theo quy định về xử phạt hành chính đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, mức cao nhất là 70 triệu đồng; trong khi để đầu tư một dây truyền, hệ thống xử lí môi trường trong khu công nghiệp phải tốn tới vài tỉ đồng. Khu công nhiệp Phú Minh hiện có tổng diện tích rộng 50ha, do Công ty cổ phần Đầu tư và xây dưng Việt Hà quản lý.

Tuấn Hợp

Việt Báo

http://vietbao.vn/Xa-hoi/O-nhiem-nghiem-trong-o-khu-cong-nghiep-Phu-Minh/30193728/157/

 

16- Ô nhiễm môi trường trong các KCN - KCX: Vẫn là một thử thách

09:34' AM - Thứ tư, 14/05/2003Không chỉ các DN thiết bị cũ, lạc hậu gây ô nhiễm. Phần lớn các KCN hiện đại cũng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung và đang tiếp tục gây ô nhiễm trầm trọng.

Từ năm 1996 đến năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định 519/TTg (6/8/1996), 713/TTg (30/8/1997) và 194/1998/QĐ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và kết cấu hạ tầng thời kỳ 1996 - 2010. Theo đó 43 KCN được ưu tiên đầu tư đến năm 2000. Tính đến tháng 4/2003, trên địa bàn cả nước đã có 113 KCN đã được phê duyệt hoặc được chấp thuận về chủ trương. Đến cuối năm 2002, số KCN đã đi vào hoạt động là 74 với tổng diện tích đất tự nhiên là 13.300 ha, trong đó có 68 KCN, 4 KCX và 2 KCN cao. Trong đó vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 70,6% tổng diện tích với 38 KCN, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc chiếm 9,8% tổng diện tích với 10 KCN, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chiếm 6,6% tổng diện tích với 7 KCN, các khu vực khác chiếm 13% tổng diện tích với 18 KCN. Tổng số dự án đầu tư trong nước vào các KCN là 900 (sản xuất và dịch vụ sản xuất) với tổng số vốn 30.800 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài là 1.060 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 9 tỷ USD. Phát triển các KCN - KCX là chiến lược lâu dài của VN, và thực tế cho thấy quá trình phát triển các KCN đã góp phần tăng trưởng GDP, thúc đẩy đầu tư và sản xuất công nghiệp XK, phục vụ các ngành kinh tế và tiêu dùng trong nước, góp phần hình thành các khu đô thị mới, giảm khoảng cách giữa các vùng... Tuy nhiên bên cạnh sự chuyển biến tích cực về kinh tế là những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái do KCN gây ra. Các loại ô nhiễm nặng nhất mà các KCN đem đến cho môi trường là ô nhiễm nước thải, ô nhiễm khí thải, ô nhiễm chất rắn... Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt - Giám đốc Trung tâm Centema (TP HCM) - hầu hết các KCN đang được quy hoạch và vận hành đều không quan tâm hoặc quan tâm rất ít đến môi trường và nhiều KCN đã phá huỷ nghiêm trọng môi trường của nhiều khu vực. Hiện nay, vấn đề đang được quan tâm hàng đầu của hầu hết các KCN là làm sao kêu gọi đầu tư để lấp đầy diện tích đất cho thuê, vấn đề môi trường nhiều lúc bị coi là cản trở công tác kêu gọi đầu tư.

Theo thống kê, hiện nay tại các KCN ở TP HCM các nhà máy có hệ thống xử lý nước thải rất ít, do đó tình trạng ô nhiễm vẫn ở mức đáng lo ngại. KCN Tân Tạo có 42 nhà máy có nước thải nhưng chỉ khoảng 20 nhà máy có hệ thống xử lý, KCN Tân Bình 11 nhà máy có hệ thống xử lý nước thải trên 24 nhà máy có nước thải gây ô nhiễm. Hàng năm các nhà máy trong KCN-KCX trên địa bàn TP HCM thải ra 62.726,4 tấn chất thải rắn (nếu tính luôn các nhà máy ngoài các KCN thì tải lượng chất thải rắn thải ra là 667.137,1 tấn/năm), các nhà máy tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương hàng ngày thải ra khoảng 82 tấn chất thải rắn. Thời gian qua, Ban quản lý các KCX - KCN TP HCM (HEPZA) cũng đã phối hợp với các cơ quan, phân tích môi trường tiến hành đo đạt giám sát chất lượng môi trường của các đơn vị sản xuất có phát sinh ô nhiễm tại các KCX-KCN. Đến nay, tại TP HCM chỉ có 2 KCN và 2 KCX đã đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất KCX Tân Thuận 10.000 m3/ngày (công suất thực tế là 2.500 m3/ngày), KCX Linh Trung 5.000 m3/ngày (công suất thực tế là 3.000 m3/ngày). KCN Lê Minh Xuân 2.000 m3/ngày, KCN Tân Tạo 5.000 m3/ngày. Các KCN khác đang lập dự án hoặc đang còn khảo sát hoặc đang chờ quyết định, trong khi đó thành phố đang gấp rút tiến hành công tác di dời các đơn vị gây ô nhiễm ra KCN và vùng phụ cận. Các KCN-KCX là nơi có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với mật độ cao, tập trung nhiều khối lượng chất thải công nghiệp phức tạp với nhiều thành phần độc hại. Cần sớm hạn chế, khắc phục kịp thời.

Võ Thuận

http://biznews.vn/Desktop.aspx/TinTuc/KinhTe/O_nhiem_moi_truong_trong_cac_KCN-KCX-Van_la_mot_thu_thach/

 

17- Ô nhiễm: "thủ phạm" từ các khu công nghiệp!

Thứ Ba, 7/10/2008, 09:30 (GMT+7

Ô nhiễm: "thủ phạm" từ các khu công nghiệp!

Một người dân sống gần KCN Lê Minh Xuân đang sử dụng nguồn nước giếng khoan ngay sát miệng cống xả nước thải đen ngòm từ khu công nghiệp này - Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Những con kênh xanh vùng ngoại ô TPHCM giờ chỉ còn là ký ức của người đã lớn tuổi, vì nay đang bị nước thải từ các nhà máy, các khu công nghiệp hủy hoại dần, biến chúng trở thành những dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối và tàn phá sức khỏe của chính người dân.

Nhiều năm qua, ô nhiễm do các khu công nghiệp (KCN) đã trở thành nỗi bức xúc của người dân, họ liên tục lên tiếng khiếu nại, yêu cầu các cơ quan chức năng sớm ra tay vì một môi trường trong lành, thế nhưng câu chuyện giải quyết ô nhiễm vẫn còn trong vòng luẩn quẩn.

Nhìn dòng nước con kênh 8 đen ngòm bốc mùi hôi thối nằm ngăn cách giữa khu công nghiệp Lê Minh Xuân và khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, ngay vùng giáp ranh 2 xã Lê Minh Xuân và Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, chắc sẽ không ai nghĩ rằng, chỉ hơn 10 năm trước thôi, người dân đi làm đồng về còn có thể tắm giặt, bắt cá nơi đây.

“Mười năm trước, người dân chúng tôi đi làm ruộng về còn tắm rửa, bắt cá ở các dòng kênh, từ khi có KCN Lê Minh Xuân đến nay, chăn nuôi cũng không phát triển được, còn trồng mía, lúa thì năng suất giảm phân nửa”, ông Nguyễn Văn Phúc, một người dân gần đó nói.

Ông Phúc nói người dân quanh khu vực này bức xúc vì lên tiếng hoài mà mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, thậm chí ô nhiễm ngày càng nặng nề thêm. Nhân buổi khảo sát hồi tháng 9 của lãnh đạo các sở ngành và HĐND TPHCM, ông Phúc đã đến trình bày rằng số lượng người già và trẻ em mắc các chứng bệnh về mắt và đường hô hấp gần đây đã tăng đến mức báo động.

“Cây cối còn đổi màu, con kiến con ong nhiều khi qua một đêm là chết vàng cả sân nhà chỉ vì khí thải độc hại, vậy ai dám đảm bảo cho sức khỏe người dân chúng tôi không bị ảnh hưởng gì?”, ông Phúc nói.

Theo phản ảnh của người dân hai xã Lê Minh Xuân và Tân Nhựt, không chỉ đang gánh chịu môi trường bị ô nhiễm cao, đời sống sinh hoạt của họ còn đang bị tấn công của hàng trăm cơ sở sản xuất nhớt tái chế, nấu chì nằm len lỏi trong khu dân cư.

Ông Trương Văn Thạnh, Phó chủ tịch xã Lê Minh Xuân cho biết, hiện cả xã có đến 154 cơ sở tái chế nhớt nằm len lỏi khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường cực kỳ nghiêm trọng.

Thế nhưng, mặc dù xã đã kêu chủ doanh nghiệp lên làm việc nhiều lần, xử phạt và thậm chí tịch thu dụng cụ sản xuất, thế nhưng các cơ sở sản xuất này vẫn không sợ, vẫn tiếp tục sản xuất và gây ô nhiễm mỗi lúc mỗi trầm trọng hơn suốt nhiều năm qua. Nguyên nhân, theo ông Thạnh là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.

Theo đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực dân cư ở hai xã này đã không còn ở mức “báo động” nữa, mà đang tàn phá sức khỏe của người dân từng ngày, từng giờ.

Ông Khoa đưa ra số liệu mới nhất chứng minh, hiện có đến 173 doanh nghiệp trong tổng số gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Lê Minh Xuân hoàn toàn không có hệ thống xử lý khí thải trong khi khói thải từ các nhà máy sản xuất ở đây rất độc hại, hậu quả rất khó lường.

“Để ô nhiễm kéo dài nhiều năm qua, tôi cho rằng trước tiên lỗi thuộc về các doanh nghiệp, kế đến là do sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý và vô cảm của các cơ quan chức năng thành phố trước sức khỏe của người dân”, ông Khoa bức xúc nói tại buổi tham vấn ý kiến người dân về tác động ô nhiễm môi trường tại KCN Lê Minh Xuân mới đây.

Theo ông Khoa, mỗi KCN, mỗi nhà máy khi đi vào hoạt động phải đăng ký bảo vệ môi trường, phải có hệ thống xử lý theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Vấn đề là các doanh nghiệp dù hiểu biết rất rõ điều này, nhưng vì lợi nhuận đã bỏ qua chuyện xử lý và các cơ quan quản lý nhà nước dù luật pháp đã có, nhưng lại thực thi luật một cách yếu ớt.

Khi tham gia chương trình "Nói và Làm" do Đài truyền hình TPHCM tổ chức ngày 5-10 vừa qua, một lần nữa, ông Khoa chất vấn lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường TPHCM rằng: “Khi để môi trường ô nhiễm như hôm nay, chúng ta trách doanh nghiệp một, thì cần trách cơ quan quản lý nhà nước đến mười mới phải!”.

Trên thực tế, KCN Lê Minh Xuân chỉ là một trong số 13 KCN, KCX đang hoạt động trên địa bàn TPHCM. Và qua những gì các cơ quan giám sát lên tiếng thì KCN này vẫn đang gây ô nhiễm môi trường, làm chết con kênh 8 và cây cỏ xung quanh bạc màu, thế nhưng khi công bố số liệu thì có vẻ như các KCN của TPHCM đang làm rất tốt. Theo Hepza, tính đến nay, đã có 12/13 KCN, KCX đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung và đang vận hành, chỉ còn lại KCN Tân Phú Trung là sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Trước một thực tế rằng tình trạng ô nhiễm có phần do các KCN gây ra, ông Ngô Anh Tuấn, Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (Hepza), cho biết trong tổng số 950 doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN, có đến khoảng 330 doanh nghiệp có phát sinh nước thải gây ô nhiễm, trong đó, hầu hềt doanh nghiệp phát sinh nước thải có quy mô lớn.

Ông Tuấn cho rằng, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã xây hệ thống xử lý nước thải cục bộ, nhưng chất lượng nước thải sau xử lý của nhiều doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn. Nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ chỉ để đối phó với cơ quan chức năng, chỉ vận hành khi có kiểm tra.

"Mặc dù biết rõ doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, nhưng rất khó cho cơ quan chức năng phát hiện vì thường việc kiểm tra bấy lâu nay luôn được báo trước cho doanh nghiệp!," ông Tuấn nói.

Một trong những khó khăn được ông Tuấn nêu ra tại một hội nghị về môi trường được tổ chức mới đây là các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, vừa thiếu vừa chồng chéo, chưa có hệ thống chế tài nghiêm khắc đủ sức răn đe doanh nghiệp vi phạm.

“Hepza vừa trình UBND thành phố dự thảo ban hành quy chế cho phép Hepza được triển khai kiểm tra, thanh tra đột xuất và xử phạt ngay các doanh nghiệp vi phạm chứ không còn phải chuyển hồ sơ doanh nghiệp vi phạm cho thanh tra Sở Tài nguyên- Môi trường xử phạt như hiện nay”, ông Tuấn cho hay.

Thế nhưng, liệu việc xử phạt có giải quyết vấn đề hay không là điều mà dư luận rất bức xúc. Với các vụ xử phạt vừa qua, mức xử phạt như "đùa" chỉ khiến các doanh nghiệp bị phạt "cười thầm" trong bụng.

Hôm nay, 7-10, HĐND thành phố sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề về môi trường. Qua đó, tổng kết các ý kiến phản ánh của người dân, các ý kiến bức xúc trước vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố thời gian qua.

VĂN NAM

http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/doisong/10645/

 

18- Hà Nội:Ô nhiễm nghiêm trọng ở khu công nghiệp Phú Minh

Thursday, 23. August 2007, 11:05:14

môi trường

Kinh hoàng mương "chết" ở khu công nghiệp Phú Minh.

(Dân trí) - 27 doanh nghiệp và công ty tư nhân nằm trong khu công nghiệp Phú Minh (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội), dù không có hệ thống xử lý chất, khí thải, vẫn ngày đêm xả “chất độc”, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

“Hai đứa con tôi, một đứa ho cả tháng trời chưa khỏi, một đứa nổi mẩn ngứa khắp người” - Anh Nguyễn Ngọc Tú, một người dân đang sống trong khu tập thể Phú Minh, bức xúc nói khi dẫn tôi đi vòng quanh khu công nghiệp Phú Minh để “mục sở thị” môi trường ô nhiễm nơi đây.

Theo quan sát, toàn bộ hệ thống mương thoát nước lộ thiên chạy vòng quanh khu công nghiệp Phú Minh và khu dân cư chứa một lượng lớn chất thải đen xì, sộc lên mũi mùi khét của dầu mỡ và mùi hôi thối. Những cây cỏ mọc xung quanh bờ mương cũng bị chết cháy. Đứng một lúc ở đây đã thấy người nôn nao, đầu óc choáng váng.

Anh Tú cho biết, toàn bộ chất thải của khu công nghiệp đều được xả trực tiếp ra mương thoát nước, sau đó chảy ra sông Pheo rồi đổ vào sông Nhuệ, một trong những dòng sông bẩn nhất Hà Nội hiện nay.

Chính quyền địa phương cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều hoạt động sản xuất bao bì, in nhuộm và các đồ phụ tùng ôtô, xe máy. Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp này sử dụng nhiều hoá chất nhưng không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Một số cơ sở còn dùng quạt gió ở tầm thấp thổi khí thải lên không trung khiến không khí rất bí bách và khó chịu. Nhiều hộ dân quá lo lắng đã phải sơ tán con em mình đi chỗ khác.

Ông Nguyễn Đức Lạc, tổ trưởng tổ dân phố cho biết, khu tập thể Phú Minh hiện có trên 100 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu sinh sống. Toàn bộ người dân đều sử dụng giếng khoan làm nguồn nước sinh hoạt. Theo ông Lạc thì có thể bây giờ chưa thấy dấu hiệu gì nghiêm trọng, nhưng bệnh chắc chắn sẽ tích tụ theo thời gian.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế, cho biết đầu tháng 8 vừa rồi, chính quyền xã đã phối hợp với UBND huyện Từ Liêm xuống kiểm tra tổng thể. Kết quả cho thấy toàn bộ 27 doanh nghiệp và công ty TNHH nằm trong khu công nghiệp Phú Minh, đang trong quá trình hoạt động sản xuất nhưng không có bất cứ thủ tục hành chính nào quy định về bảo môi trường cũng như hệ thống xử lí môi trường công nghiệp.

Trách nhiệm của chính quyền xã là bắt buộc các doanh nghiệp và công ty này phải hoàn tất thủ tục trước tháng 9, sau đó phải xây dựng hệ thống xử lý môi trường rồi mới được tiếp tục hoạt động. Ông Tiến khẳng định sẽ kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không tuân thủ yêu cầu.

Được biết theo quy định về xử phạt hành chính đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, mức cao nhất là 70 triệu đồng; trong khi để đầu tư một dây truyền, hệ thống xử lí môi trường trong khu công nghiệp phải tốn tới vài tỉ đồng. Khu công nhiệp Phú Minh hiện có tổng diện tích rộng 50ha, do Công ty cổ phần Đầu tư và xây dưng Việt Hà quản lý.

Tuấn Hợp

http://my.opera.com/L%C3%AA%20Trung/blog/show.dml/1269773

 

19- Nhức nhối ô nhiễm quanh các khu công nghiệp

11/07/2007, 10:35

Bọt trắng tụ từng đám lớn như bọt xà phòng tại cống Ba Bò (Q. Thủ Đức).

Nước thải xanh lè, các dòng kênh tanh tưởi, khói phun đen ngòm... Tận mắt chứng kiến những cảnh tượng này, chúng tôi không khỏi giật mình về tình trạng ô nhiễm quanh các KCN trên địa bàn TPHCM.

Sáng 10-7, đến KCN Tân Thới Hiệp (quận 12) chúng tôi cứ tưởng mình lạc đường khi hỏi kênh Trần Quang Cơ, nhiều người dân địa phương lắc đầu không biết. Hỏi dò một lúc mới biết con kênh này đã được người dân đổi tên thành “kênh thối” cho đúng “đích danh”...

Ngoại thành đang bị đầu độc

Từ quận 12 chạy về huyện Củ Chi, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tuyến kênh trước đây nước xanh biêng biếc giờ đã đục ngầu, có nơi đen kịt. Lúc rẽ vào bờ kênh Bến Đò 2, chúng tôi đã gặp ngay một một dòng nước thải xanh lè từ ống cống trong KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) vô tư tuôn ra và trộn lẫn vào dòng nước đổ ra kênh An Hạ. Hai thanh niên đang chèo ghe ngang qua bịt mũi, lắc đầu vì dòng nước bốc mùi tanh tưởi. “Trước đây nước ở kênh An Hạ trong xanh, bà con dùng nấu ăn được nhưng bây giờ dơ quá đến cá cũng không sống nổi...” - ông Năm, nhà ở gần khu vực này, ngao ngán. Lúc đến địa bàn xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, chúng tôi lại càng bất ngờ hơn vì đây là khu vực ngoại thành nhưng nhiều dòng kênh đều đen kịt. Chị Nguyễn Thị Hạnh, bán quán nước trên Tỉnh lộ 10 chỉ tay nhìn dòng nước đen trên kênh Bà Lát, chép miệng: “Từ khi có KCN Lê Minh Xuân những dòng kênh xanh ở đây bị đổi sang màu đen và hôi thối không chịu nổi”.

Nước thải xanh lè từ KCN Tân Phú Trung đổ ra kênh.

Trưa cùng ngày, khi còn cách KCN Bình Chiểu (quận Thủ Đức) cả cây số, chúng tôi đã muốn nín thở vì mùi hôi thối từ kênh Ba Bò bốc lên nồng nặc. Nước kênh Bà Bò đen như mực tàu, nhưng lại sủi đầy bọt trắng chứng tỏ sự hiện diện của hóa chất. Minh chứng là thanh sắt dài ở mái hiên dãy nhà trọ gần đó bị mục nát, gãy khúc nham nhở vì hơi độc của hóa chất bốc lên. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, trọ tại đây, bức xúc: “Mưa lớn là nước dơ tràn vào nhà, rác nổi lều bều, vừa ăn cơm vừa phải... bịt mũi.

Nấu món gì bằng thứ nước giếng này cũng bốc mùi hôi”. Vặn thử vòi nước chị dùng để nấu ăn, tôi rùng mình khi nghe mùi thum thủm. Chưa hết, chị Tuyết cho biết mỗi khi tắm xong thì ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Chị Lê Thị Điền trọ phòng kế bên cũng bị nấm da ăn cả hai bàn chân. Cảnh tượng này kéo dài nhiều năm nay khiến người dân ở đây chỉ còn biết thở dài, không chịu thấu. Tại KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), nước thải cũng đen thui. Anh Đào Văn Thắng, nhà ở khu vực này, cho biết: “Nhà tui cách đây tám chín trăm mét mà khi gió thổi còn thấy hôi. Mỗi khi mưa lớn, nước đen trong kênh tràn vào đồng làm chết lúa, chết cỏ hết...”.

Nước thải xanh lè, các dòng kênh tanh tưởi, khói phun đen ngòm... Tận mắt chứng kiến những cảnh tượng này, chúng tôi không khỏi giật mình về tình trạng ô nhiễm quanh các KCN trên địa bàn TPHCM.

Nguy cơ ô nhiễm lan rộng

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, KCN Bình Chiểu hiện có 22 cơ sở sản xuất với lượng nước thải khoảng 1.300 m3/ngày đêm nhưng dự án xây hệ thống xử lý nước thải vẫn chưa được thi công. KCN Tân Thới Hiệp có 25 cơ sở hoạt động với lượng nước thải khoảng 1.200 m3/ngày đêm nhưng nước thải chưa được xử lý, thải trực tiếp ra KCN tại cửa xả hướng Tây Bắc rồi ra kênh Trần Quang Cơ.

KCN Tân Phú Trung chưa thực hiện giám

sát định kỳ môi trường không khí xung quanh.

KCN Vĩnh Lộc có 106 cơ sở với lượng nước thải 3.000 - 4.500 m3/ngày đêm nhưng hệ thống xử lý nước ở đây mới hoàn thành 50%, dự kiến tháng 12-2007 mới đưa vào vận hành. Trong khi đó, KCN Tân Phú Trung chưa xây dựng hệ thống thu tách nước mưa và nước thải. Do đó, khi hệ thống xử lý nước thải được xây dựng xong vào cuối năm 2007 thì nước thải của các cơ sở sản xuất trong KCN chưa thể thu gom tập trung về hệ thống xử lý...

Theo thạc sĩ Hồ Long Phi, giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, về nguyên lý thoát nước, nguồn nước ở phía Bắc sẽ chảy về phía Nam, do đó nếu các tuyến kênh phía Bắc bị ô nhiễm thì sẽ lan rộng về hướng Nam.

16 công ty xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép

Từ 10 lần trở lên: Công ty TNHH Nobland Việt Nam, Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty TNHH Toàn Thắng, Công ty CP Công nghiệp và Thương mại Lidovit, Công ty CP Hoàng Quỳnh - Nhà máy Bia Hoàng Quỳnh, Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủy sản (Incomfish).

Từ 5 lần đến dưới 10 lần: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Vạn Thành.

Từ 3 đến dưới 5 lần: Công ty CP Bao bì Dầu thực vật.

Từ 2 đến dưới 5 lần: Công ty TNHH Đầu tư XDKD cơ sở hạ tầng KCN Tân Thới Hiệp, Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn - KCN Vĩnh Lộc, Công ty CP bông Bạch Tuyết, Công ty TNHH liên doanh Excel Kind, Công ty TNHH Việt Nam Northern Viking Technologies.

Dưới 2 lần: KCN Lê Minh Xuân, Công ty Liên doanh Nhôm Việt Nhật (chứ không phải từ 10 lần trở lên như Báo NLĐ ngày 10-7-2007 đã đăng), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nhất Trí.

Những công ty còn lại như: Công ty CP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc, Nhà máy Sữa Sài Gòn, Công ty TNHH Ngọc Minh, DNTN Thăng Long sai phạm một số vấn đề về môi trường.

Trung Thanh,Ánh Nguyệt

Theo Người Lao Động

http://diaoconline.vn/web/tintuc/tintucdiaoc/2007/07/11/103504/996/

 

20- ĐBSCL:Nhiều dự án gây ô nhiễm "lọt lưới"

11:32' 01/10/2008 (GMT+7)

- Tại ĐBSCL, nhiều dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao “lọt lưới”. Môi trường ĐBSCL đang suy thoái ngày càng nghiêm trọng, trong tương lai không xa, cái nôi của vựa lúa, vựa trái cây, hải sản, thủy sản… của cả nước sẽ bị trả giá.

Đó là những nhận định được đưa ra từ Hội thảo khoa học: "Bảo vệ môi trường ĐBSCL trong quá trình CNH, HĐH” do Tạp chí Cộng Sản, chính quyền thành phố Cần Thơ và Viện Khoa học & Công nghệ phương Nam phối hợp tổ chức vào sáng 30/9 tại Cần Thơ.

Môi trường suy thoái nghiêm trọng

Tại hội thảo, ông Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói, vấn đề ô nhiễm môi trường tại ĐBSCL đã và đang ở mức đáng báo động, là một thách thức ảnh hưởng đến sinh thái và chất lượng cuộc sống của khu vực giàu tiềm năng về nông nghiệp, một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Sông Hậu bị ô nhiễm nặng nề từ các KCN. (Ảnh: SGGP)

Theo ông Phạm Đình Đôn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Tây Nam Bộ cho biết, ô nhiễm môi trường được xem là nặng nhất hiện nay tập trung vào các khu công nghiệp. Thống kê cho thấy, năm 2007 toàn khu vực ĐBSCL có 151 KCN và CCN sản xuất tập trung, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 1.029 triệu USD và vốn đầu tư trong nước khoảng 15.820 tỷ đồng, giải quyết việc làm trên 60.000 lao động.

Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) trong sản xuất công nghiệp của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) ở các tỉnh và thành phố trong khu vực lại không được quan tâm đúng mức, nhiều cơ sở xả thẳng nước thải xuống kênh rạch.

Tổng hợp chất thải đô thị và sản xuất công nghiệp từ Chi cục Bảo vệ môi trường Tây Nam Bộ cho thấy, chất thải rắn công nghiệp trên 222.000 tấn mỗi năm, chất thải nuôi trồng thủy sản 456 triệu m3/năm, lượng phân bón hóa học được sử dụng trong ngành nông - lâm - ngư trên 2 triệu tấn/năm, lượng thuốc bảo vệ thực vật hoá học trên 500.000 tấn/năm, chất thải công nghiệp nguy hại cũng khoảng trên 2.400 tấn mỗi năm và nước thải sinh hoạt trên 102 triệu m3/năm…

Chính vì chất thải khổng lồ như thế, trong đó phần nhiều không qua xử lý trước khi thải ra môi trường nên đã gây cho môi trường khu vực suy thoái ngày càng trầm trọng. Các sông bị ô nhiễm nặng hiện nay được ghi nhận là sông Tiền, Vĩnh Tế, Trà Sư (An Giang), sông Hậu, Cổ Chiên (Vĩnh Long), Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cần Giuộc (Long An), Phụng Hiệp (Hậu Giang), Khánh Hội, Bảy Háp, Sông Đốc (Cà Mau)…

Riêng tại Cần Thơ, ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, nước mặt ở các kênh rạch thuộc thành phố Cần Thơ đều bị ô nhiễm, nhất là ô nhiễm do chất hữu cơ. Ngay cả vùng nước của sông Hậu có lúc cũng bị ô nhiễm hữu cơ (khu vực cách bờ 200m). Ước tính mỗi ha mặt đất của thành phố Cần Thơ hàng ngày phải liên tục tiếp nhận gần 73kg chất hữu cơ trong nước thải sinh hoạt, công nghiệp và chăn nuôi, tức là hơn 26 tấn/năm.

Có 3 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm; nuôi cá chiếm 55% tổng nguồn; kế đến là nguồn do sinh hoạt 45%, nguồn thải từ công nghiệp đông lạnh thuỷ sản 1%. Nước trên sông Hậu đã bị ô nhiễm cấp 2, rạch Sang Trắng (Ô Môn) ô nhiễm cấp độ 7, rạch Bò Ót ô nhiễm cấp độ 4. Còn tại An Giang, một số kênh rạch tại Long Hòa (Phú Tân) có nồng độ NH3 vào mùa khô cao gấp 40 lần so với tiêu chuẩn môi trường cho phép.

Theo PGS, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn (Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản), hiện nay trong sản xuất nông nghiệp thì vấn đề ô nhiễm đang gia tăng với cấp số nhân. Khảo sát tại Trà Vinh cho thấy 100% diện tích đất canh tác đều lạm dụng và sử dụng không hợp lý trên 1.234 chủng loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ…

Thông tin từ hội thảo cũng cảnh báo tình trạng thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước, bụi, khói, tiếng ồn, chất thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, nuôi trồng chế biến thủy sản… đã gia tăng đến mức báo động. Chính vì thế mà hiện nay các bệnh lây qua đường nước thường xảy ra trong khu vực, như: tiêu chảy, thương hàn, viêm phổi…

Giá phải trả cho việc thiếu quy hoạch và đầu tư xử lý chất thải

Theo các nhà khoa học, qua thực tế kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác BVMT ở khu vực ĐBSCL cho thấy còn tồn tại những vấn đề như quy hoạch các KCN, CCN chất lượng chưa cao trong việc bố trí các khu chức năng xử lý môi trường, bố trí các loại hình sản xuất chưa phù hợp với các đặc trưng ô nhiễm, chưa đáp ứng yêu cầu cần thiết cho xây dựng quy hoạch, kế hoạch BVMT trong KCN, CCN.

Vào vụ lúa, trấu từ các nhà máy xay xát thải ra cũng gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: Huỳnh Anh

Một số KCN, CCN còn tập trung quan tâm khả năng thu hút đầu tư và lấp đầy mà thiếu bố trí quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý chất thải, chậm hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường vẫn đưa vào hoạt động sản xuất, từ đó các nguồn thải đã gây ô nhiễm môi trường.

Thậm chí, một số khu công nghiệp đã lấp đầy hoặc gần lấp đầy nhưng hệ thống xử lý tập trung, hệ thống xử lý cục bộ của doanh nghiệp… chưa hoàn chỉnh vẫn tiếp tục hoạt động thải các nguồn chất thải gây ô nhiễm ra môi trường.

Công tác thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường ở một số địa phương, ở một số dự án... chất lượng chưa cao, nên đã để “lọt lưới” một số dự án có trình độ công nghệ lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Công tác kiểm tra, giám sát thực thi Luật BVMT đối với các KCN, CCN thời gian qua chưa thực sự được làm tốt theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất và xử lý vi phạm đối với các dự án đầu tư thiếu triệt để nên nhiều vi phạm tiếp tục diễn ra mà chưa được ngăn chặn kịp thời.

Vấn đề ô nhiễm môi trường ở các KCN, CCN tiếp tục diễn ra khá phổ biến, một số nơi diễn ra hết sức nghiêm trọng. Các hành vi vi phạm như xả nước thải, khí thải, chất thải... vượt tiêu chuẩn cho phép, chưa đầu tư hệ thống xử lý hoặc đầu tư không đạt yêu cầu, không thực hiện quan trắc môi trường vẫn tiếp tục tái phạm... thách thức đến công tác quản lý nhà nước về BVMT tại một số địa phương, đồng thời làm cho vấn đề môi trường tiếp tục gặp khó khăn và ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

• Huỳnh Anh

http://www.vnn.vn/xahoi/2008/10/806414/

Thứ ba, 14/10/2008

 

21- TP HCM đã buông lỏng quản lý môi trường trong 15 năm qua

Nước sông kênh rạch đen ngòm, hôi thối do các KCN "vô tư" xả thải trực tiếp, ô nhiễm không khí đang ở mức báo động vì không ai "kiểm soát", nhiều chỉ tiêu môi trường vượt quá tiêu chuẩn... Mải lo phát triển, thành phố đã xem nhẹ môi trường của chính mình.

"Hiện tại môi trường bị ô nhiễm rất nặng và đang ở mức báo động ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng trên hết là sự tụt hậu về quản lý bảo vệ môi trường, có khi là bất lực trước hiện trạng", ông Trương Trọng Nghĩa, đại biệu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về môi trường sáng nay tại UBND TP HCM, đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa đồng quan điểm: "Tình hình diễn biến ngày càng xấu vì chính quyền buông lỏng quản lý nhà nước ít nhất trong 15 năm. Luật môi trường đã có từ năm 1993, đã quy định rõ mọi cơ sở kinh doanh phải xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn trước khi đưa ra môi trường. Nếu thực thi tốt từ 1993 thì thành phố đã không phải đối mặt với ô nhiễm môi trường nặng nề như hiện nay".

Hiện nay, tại TP HCM ô nhiễm môi trường đang trên đà tăng trưởng tỷ lệ thuận với tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, và theo nhiều chuyên gia đánh giá đây chính là hệ lụy của quá trình đô thị hóa.

Đại biểu HĐND Phạm Minh Trí giải thích: "Đứng về mặt điều hành, thành phố chưa coi trọng đúng mức vấn đề môi trường, thiên vị cho tăng trưởng GDP và chắn chắc đây không phải là mục tiêu phát triển bền vững".

Chưa hết, ông Nghĩa còn đưa ra cảnh báo về hiện tượng "di tản môi trường", tức nhiều người dân đã mua đất tại những khu vực ngoại thành ít ô nhiễm hơn trung tâm.

Chính Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Trung Tín cũng thừa nhận, vấn đề môi trường chưa làm kiên quyết là do quy hoạch, xử lý nể nang, phát triển kinh tế đi trước bảo vệ môi trường, quyền hạn của các quận huyện còn yếu và đương nhiên không tránh khỏi hiện tượng "thả" trong phối hợp xử lý.

Báo cáo của Ban kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân TP HCM gióng lên một hồi chuông báo động, nguồn nước sông Sài Gòn, Thị Vải, Đồng Nai ngày càng ô nhiễm nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước nhà máy Thủ Đức và Tân Hiệp, tình trạng ô nhiễm kênh rạch đang ở diện rộng khắp thành phố.

"Kênh Thầy Cai, An Hạ (huyện Củ Chi); kênh B, C (huyện Bình Chánh); Bà Búp, Trần Quang Cơ (Hóc Môn) nước đã chuyển sang màu nâu đen, hôi thối nồng nặc. Riêng huyện Bình Chánh 30/55 tuyến sông rạch bị nhiễm bẩn rất nặng ảnh hưởng lớn đến sinh họat của người dân", ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND cho biết.

Cũng theo báo cáo của Ban kinh tế ngân sách, có 65,46% bệnh viện (81 trên 139 bệnh viện) có hệ thống xử lý nước thải không đạt hoặc không có hệ thống xử lý. Ngoài ra, hai khu xử lý rác tại Đa Phước (huyện Bình Chánh ) và Phước Hiệp (Củ Chi) cũng gây ô nhiễm nặng nề với môi trường xung quanh.

Nhiều năm nay, người dân TP HCM đã quá quen với "điệp khúc" những con sông, kênh rạch dần bị bức tử bởi nước thải từ các KCN, KCX, cơ sở sản xuất chưa qua xử lý. Nổi tiếng nhất trong số đó là KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) khi chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm qua đã biến môi trường xung quanh thành một khu "đất chết", nước - đất - không khí ở đây phải vật lộn với KCN để tồn tại.

Theo số liệu ước tính từ năm 2005, tổng tải lượng bụi hạt SO2, NO2, CO, VOC phát ra từ các nguồn như phương tiện giao thông, khí thải công nghiệp, khí đốt nhiên liệu sinh hoạt khoảng 60.000 tấn một năm (trong đó gần 90% là khí thải giao thông).

Trước hiện trạng đó, UBND TP HCM đã đưa ra một loạt biện pháp: Đến hết quý I/2009, 100% doanh nghiệp phải đấu nối hệ thống thoát nước thải vào hệ thống thu gom chung của nhà máy, KCN. Thời hạn hoàn thành các công trình xử lý chất thải và bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chậm nhất vào ngày 31/3/2009, quá thời gian trên cơ sở sản xuất nào vi phạm sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động.

(nguồn:http://vnexpress.net)

http://www.dichvuthuyloi.com.vn/vn/Thong-Tin/Thong-Tin-Tinh-Hinh-O-Nhiem/Tp-Hcm-Da-Buong-Long-Quan-Ly-Moi-Truong-Trong-15-Nam-Qua/

Thảm họa ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông - Bài 1: Kinh hoàng những… “tiểu Vedan”

Vụ Công ty Vedan xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải được báo chí phản ánh thời gian qua đã gây bức xúc cho người dân cả nước. Từ các xã biên giới của huyện Châu Thành và Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), nơi đầu nguồn con sông Vàm Cỏ Đông chảy qua, PV Báo SGGP đã thực hiện cuộc điều tra về những “tiểu Vedan” – những nhà máy chế biến củ mì (lò mì) cung cấp nguyên liệu cho Công ty Vedan – đang ngày đêm xả hàng ngàn m³ nước thải nguy hại xuống sông Vàm Cỏ Đông, biến một vùng sông nước hiền hòa dọc con sông này thành những “cánh đồng chết”.

Thâm nhập những “vùng cấm”

Xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên trong chiến tranh chống Mỹ là vùng căn cứ cách mạng với các địa danh Lò Gò, Xóm Giữa, suối Bà Sự… nằm sát bên dòng sông Vàm Cỏ Đông - nơi có đường biên giới Việt Nam - Campuchia chạy qua. Chỉ cách nay hơn chục năm, xã biên giới Hòa Hiệp vẫn còn ngút ngàn những cánh rừng già nối với Khu bảo tồn thiên nhiên Lò Gò - Xa Mát.

Nhưng nay, thay vào đó là những cánh đồng mì xanh rì, ngút mắt và kéo theo đó là các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì mọc lên. Đầu tiên là lò mì của Công ty Hiệp Long Hương với công suất vài trăm tấn/ngày; sau đến lò mì Sầm Nhất, Sầm Nhị (ấp Hòa Bình), rồi Minh Tuyền (ấp Hòa Đông B)… đều có công suất từ 500 - 700 tấn/ngày.

Không kể lúc trời mưa, nắng gắt, lúc nào Tiến - một thanh niên ấp Hòa Bình, cũng sẵn sàng dẫn đường cho tôi thâm nhập những “vùng cấm” tại các lò mì dọc theo suối Bà Sự, suối Cạn, suối Tre…

Nói là “vùng cấm” bởi nhà máy nào phía sau cũng được bố trí hệ thống dẫn nước thải từ nhà máy ra các hầm chứa rồi đổ xuống suối qua các van giấu kín dưới lòng đất. Để qua mắt được bảo vệ các nhà máy, chúng tôi phải giả làm người đi soi ếch, bám theo dòng suối lần tìm “đường ra” của các ống xả rồi ngược tới các hầm chứa thứ nước đen xì, hôi thối không sao tả nổi được giấu kín trong những rặng cây, vạt cỏ đã bị cháy sém vì ô nhiễm.

Chúng tôi men theo suối Bà Sự đoạn từ cầu Bà Sự để thâm nhập vào “vùng cấm” của lò mì Sầm Nhất và Sầm Nhị. Vượt qua đoạn bờ suối nhô lên dưới rặng tre, chúng tôi phát hiện một “cửa ra” nằm sâu dưới lòng đất. Gạt những cành tre phía trên và chỉ bới lớp lá, hệ thống van đã lộ ra. Chỉ cần gạt nhẹ cánh van, dòng nước đen ngòm từ những hầm chứa cách đó hơn chục mét đã ùng ục chảy ra dòng suối.

Lách sang bờ suối bên phải, chúng tôi phát hiện một rãnh nước thải lộ thiên chảy ra thứ nước trắng xát. Lội ngược theo rãnh nước với hai bên vạt cỏ đã vàng cháy, Tiến bảo: “Nước thải của lò Sầm Nhị chảy ra đây”.

Đi vào đống củi phía trong lò, chúng tôi phát hiện một đường nước chảy ngầm thoát ra. Đây chính là hệ thống xả nước thải mà Nhà máy Sầm Nhị chưa kịp chôn dưới đất và cứ thế “lộ thiên” chảy thẳng xuống suối Bà Sự.

Rời suối Bà Sự, chúng tôi qua xã Tân Phong nằm sát quốc lộ 22B đi Tân Biên. Gần tới ngã ba Cây Gòn, mùi hôi thối đã nồng nặc bốc ra. Chỉ cách ngã ba hơn trăm mét là tới cổng chính của Công ty LD Tapioca Việt Nam chuyên chế biến tinh bột khoai mì cho Công ty Vedan. Từ cầu D.14, men theo dòng suối Cạn, chúng tôi thâm nhập “vùng cấm” nằm phía sau nhà máy.

Đi chừng gần cây số, đã thấy những bờ đất bao quanh như con đê. Tiến nói: “Phía bên kia chắc chắn là những hầm chứa nước thải”. Để tìm “cửa ra” của những hầm chứa này, chúng tôi phải đi thêm một đoạn gần 1km nữa mới phát hiện những đường nước được làm rất kín, ẩn dưới vạt cỏ, bờ tre.

Thật không thể tin được, trước mắt chúng tôi là gần chục hầm (mỗi hầm có diện tích khoảng vài ngàn m²) chứa những thứ nước đen đặc, hôi thối nồng nặc, kết thành từng khối như tảng băng. Vào sát nhà máy, chúng tôi phát hiện một đường ống lộ thiên ào ạt đổ ra một dòng nước trắng xát, đặc sệt. Khu hầm chứa này ước khoảng hơn chục ha và mỗi ngày có gần 1.000m³ nước thải từ đây chưa qua xử lý được đổ thẳng xuống suối Cạn.

“Vô tư” xả nước thải ra sông Vàm Cỏ Đông

Đặc điểm của các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì là bao giờ cũng nằm gần sông, suối. Ngay như suối Bà Sự, đoạn đi qua ấp Hòa Bình và Hòa Đông B cũng đã có 3 nhà máy, có nhà máy chỉ cách nhau vài chục mét. Hệ thống nước thải của các nhà máy này thường được thiết kế theo dạng bậc thang.

Từ nhà máy, nước thải được chảy lộ thiên, hoặc trong những đường ống rồi dẫn ra một hầm chứa. Từ đây, nước thải được phân ra thành nhiều nhánh, đi qua từ 2 đến 3 hầm chứa nữa rồi “nằm” lại, sau đó xì qua những cửa van chảy thẳng ra suối.

Nhà máy mì Sầm Nhất và Sầm Nhị đặt bên suối Bà Sự chỉ cách sông Vàm Cỏ Đông vài trăm mét. Chỉ mươi phút sau khi hầm chứa mở van là thứ nước đen đục, nhờ nhờ sẽ tuôn ra, hòa vào dòng nước sông Vàm Cỏ Đông.

Còn các lò mì nằm phía suối Cạn và suối Tre nước thải phải chảy vòng qua ngã Ba Vịnh mất 3 – 5km, sau đó mới đổ ra sông Vàm Cỏ Đông.

Từ xã Hòa Hiệp, chúng tôi đi về phía hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông. Đến địa phận xã An Cơ (huyện Châu Thành) đã thấy xuất hiện 2 tháp nhà máy chế biến tinh bột khoai mì cao ngất nằm ngay trong khu dân cư thuộc ấp An Lộc.

Một người dân cho biết, hai anh em Sầm Phát, Sầm Hên đã xây 2 nhà máy này gần chục năm qua. Hai nhà máy mì Sầm Nhất và Sầm Nhị mà chúng tôi đề cập ở phần trên là tên hai anh em ruột, con của chủ lò mì Sầm Hên.

Thâm nhập vào “vùng cấm” của lò mì Sầm Phát và Sầm Hên, chúng tôi phát hiện hệ thống chứa nước thải cũng giống y như lò Sầm Nhất và Sầm Nhị. Chỉ có điều, hệ thống dẫn nước và hầm chứa của lò Sầm Phát và Sầm Hên được xử lý có vẻ “bài bản” hơn nhờ các hầm chứa giữ nước lâu hơn mới xả ra suối.

Nếu lò Sầm Phát xả nước thải ra kênh Bà Đằng, thì lò Sầm Hên xả ra kênh Tiêu. Tất cả thứ nước đen đặc, hôi thối nồng nặc đó đều được xả hết ra sông Vàm Cỏ Đông. Và trên đường chảy của nó, thứ nước thải độc hại kia đi đến đâu là “tàn sát” môi trường đến đó.

(Nguồn: sggp.org.vn)

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr-