Những giòng sông bị giết - 3

Vietsciences-          
 

Hồ sơ vụ án VEDAN

1/Sông Đồng Nai: Tốc độ ô nhiễm tăng nhanh
2/Nước thải đang “bức tử” những dòng sông
3/Nước thải gây ô uế cả một vùng sông nước
4/Chưa có giải pháp cụ thể hạn chế ô nhiễm sông Sài Gòn
5/Không còn sông xanh
6/1,5 triệu dân dùng nước từ sông Sài Gòn ô nhiễm
7/TP Hồ Chí Minh: Những vùng nước ô nhiễm theo chỉ số quốc tế
8/Tình hình cung cấp nước sạch cho các khu dân cư nghèo ở Việt Nam
9/Đừng buộc những dòng sông phải “thay lòng đổi dạ”(phần 2)
10/Những con sông "sống mòn" ở Hà Nội(I & 2)
11/Ô nhiễm do chất thải công nghiệp ở Đà Nẵng
12/Ô nhiễm môi trường vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ
13/Nợ môi trường: GDP tăng 1%, chất thải tăng 3%
14/10.000 km2 sông ngòi bị ô nhiễm nghiêm trọng
15/Những dòng kênh bị truy sát
16/Đồng bằng sông Cửu Long Cứu lấy vùng sinh thái “xanh” trước khi mất “trắng”!?
17/Sông Lục Nam trước nguy cơ ô nhiễm
18/Ám ảnh những con sông nội thành
19/Ô nhiễm môi trường nước ở đồng bằng sông Cửu Long
20/Các hiểm họa từ thượng nguồn sông Cửu Long
21/Ô nhiễm môi trường sông Nhuệ ở Hà Nam: Cá “trắng” đầy sông, người kêu cứu!
22/Hàng vạn người điêu đứng vì “dòng sông chết”!
23/Sông Thị Tính đang bị “đầu độc”? (1,2,3)
 

 

1- Sông Đồng Nai: Tốc độ ô nhiễm tăng nhanh

Có lẽ chuyện chất lượng nước sông Đồng Nai đang bị suy giảm nghiêm trọng không phải là chuyện mới. Trước đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Mai Ái Trực đã phải tổ chức họp với lãnh đạo 12 tỉnh thành có liên quan đến sông Đồng Nai nhằm tìm ra giải pháp cứu con sông này. Tại cuộc họp, nhiều tỉnh thành đã thể hiện quyết tâm tăng cường công tác hậu kiểm nhằm chấm dứt tình trạng xả thải chưa qua xử lý của các doanh nghiệp. Thế nhưng cho đến nay, lời hứa về một quyết tâm làm sạch sông Đồng Nai dường như đang bị lãng quên...

Nguồn nước từ thượng đến hạ đang... chết

Hệ thống sông Đồng Nai bao gồm các sông chính như lưu vực sông Đa Dung – Đa Nhim – Đồng Nai, sông La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ và hạ lưu sông Đồng Nai, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất chủ yếu cho 12 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Long An).

Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, tại một số đoạn sông, hồ như thác Cam Ly và nhất là hồ Trị An phía thượng nguồn, nồng độ ôxy hòa tan (DO) trong nước tụt giảm đến mức kỷ lục và kéo dài suốt một đoạn dài gần 10 km từ sau cầu La Ngà, kèm theo các mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ mặt hồ. Còn theo ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý Môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai, tình trạng suy thoái nguồn nước còn nghiêm trọng hơn.

Ô nhiễm hữu cơ, dầu và vi sinh nguồn nước tại các trạm Phú Cường, Bình Phước và Phú An thuộc khu vực TPHCM liên tục gia tăng, ô nhiễm vi sinh vượt tiêu chuẩn cho phép đến 168 lần, không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước mặt dùng làm nguồn nước cấp sinh hoạt. Cá biệt, tại lưu vực sông Thị Vải có một đoạn sông dài gần 10km đã chết. Nước bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, nước màu nâu đen và bốc mùi hôi thối kể cả thời gian thủy triều lên và xuống. Giá trị DO thường xuyên dưới 0,5mg/l – mức mà không còn loài sinh vật nào có khả năng sinh sống. Ô nhiễm vi sinh thì vượt tiêu chuẩn cho phép lên đến hàng trăm lần. Đáng ngại nhất là tại khu vực cảng Vedan, cảng Mỹ Xuân, thì hàm lượng thủy ngân vượt 1,5 – 4 lần, kẽm vượt 3-5 lần so với tiêu chuẩn quy định.

Cha chung không ai khóc

Lý giải thực trạng này, ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường bức xúc: Nguyên nhân chính chủ yếu vẫn là do các khu công nghiệp đang hoạt động tại 12 tỉnh thành vẫn chưa xử lý nước thải trước khi xả ra sông hoặc có xử lý nhưng chất lượng nước sau xử lý không đạt yêu cầu. Hiện vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có gần 70 KCN và KCX đang hoạt động. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 15 khu, Đồng Nai 16 khu (trong số 23 KCN được quy hoạch), Bình Dương 16 khu (trong số 25 khu đã được quy hoạch), Bà Rịa – Vũng Tàu 8 khu, Long An 3 khu (trong số 22 KCN được quy hoạch), Bình Phước 3 khu, Tây Ninh 1 khu... Đó là chưa kể đến một khối lượng lớn nước sinh hoạt khác không qua xử lý vẫn thải thẳng ra sông.

Tiến sĩ Lâm Minh Triết cảnh báo, tốc độ gia tăng ô nhiễm trong 5 năm lại đây tăng lên rất nhanh. Hiện bình quân hệ thống sông Đồng Nai tiếp nhận khoảng 111.600m3 nước thải công nghiệp/ngày, trong đó chứa hàng chục tấn hóa chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, quy mô và nhịp độ phát triển công nghiệp trên lưu vực này tiếp tục tăng trưởng trên 15%/năm. Các chuyên gia môi trường cho biết thêm, nếu không có ngay các hành động để bảo vệ môi trường thì đến năm 2010, mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1,73 triệu m3 nước thải sinh hoạt (trong đó có khoảng 702 tấn cặn lơ lửng, 421 tấn BOD5, 756 tấn COD, 59 tấn nitơ tổng, 15 tấn phospho tổng, 243 tấn dầu mỡ phi khoáng và nhiều vi trùng gây bệnh) và khoảng 1,54 triệu m3 nước thải công nghiệp (trong đó có khoảng 278 tấn cặn lơ lửng, 231 tấn BOD5, 493 tấn COD, 89 tấn nitơ tổng, 12 tấn phospho và nhiều kim loại nặng...).

Các con số này chưa tính đến khả năng “đóng góp” ô nhiễm của hàng vạn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang tồn tại bên ngoài các khu công nghiệp tập trung. Đáng lo ngại nhất là ngoài những chất thải đã phát hiện còn xuất hiện thêm nhiều chất thải độc hại khác mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa có đủ phương tiện máy móc để phát hiện. Cuộc sống của hơn 15 triệu người ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Và chắc chắn lợi nhuận thu được hoạt động kinh tế sẽ không thể đủ để bù đắp cho chi phí phải trả cho việc cải thiện môi trường!

Chú trọng hậu kiểm nhưng khó thực hiện

Đó đang là thực tế của công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm quy định về môi trường đang tồn tại ở hầu khắp tỉnh thành. Bà Nguyễn Thị Dụ, chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, mức phạt vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường (cao nhất là 70 triệu) quá thấp vẫn luôn là kẻ hở để doanh nghiệp tiếp tục cố tình không chấp hành. Mặt khác, cơ chế phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các tỉnh thành rất khó thực hiện. Lợi dụng thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp đóng tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh liên tục vi phạm quy định về xả thải. Riêng tại TPHCM, ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, trong khi chờ đề án “Bảo vệ hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai” được thông qua, bản thân TPHCM đã chủ động phối hợp với các tỉnh kế cận như Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai - là những địa phương có số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân cư nằm dọc theo lưu vực các sông lớn nhất để ngăn chặn và xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường ở sông Sài Gòn trước. TPHCM đã mạnh dạn đóng cửa sản xuất hơn 100 doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng, đã bị nhắc nhở và xử phạt nhiều lần do vi phạm quy định về xả thải. Tuy nhiên, để có thể cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường hiện tại thì có lẽ con số doanh nghiệp sản xuất bị đóng cửa do không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường cần phải được tăng theo cấp số nhân và không chỉ có riêng TPHCM thực hiện mà đòi hỏi nhiều tỉnh thành khác cũng phải triệt để thực hiện.

Giải pháp tổng thể nhằm cứu lấy sông Đồng Nai đã được cụ thể hóa bằng đề án “Bảo vệ hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai”. Theo đó, xây dựng một loạt hệ thống quan trắc chất lượng nước; tiến hành các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm kết hợp xử lý ô nhiễm; bảo vệ rừng đầu nguồn, xây dựng lộ trình buộc các doanh nghiệp trong khu vực không được xả nước thải công nghiệp chưa được xử lý ra sông… Kế hoạch thực hiện từ nay đến 2010 là tăng cường năng lực quản lý, cải thiện, phòng ngừa ô nhiễm, đảm bảo 100% KCN-KCX có trạm xử lý nước thải tập trung; đến 2015 giải quyết trên 90% cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn của tất cả các tỉnh, ít nhất 60% các khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung, thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt (không cho xả bỏ xuống sông), xử lý 100% chất thải nguy hại; đến năm 2020 giải quyết xong 95% cơ sở sản xuất ô nhiễm, 70% khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải, thu gom 95% chất thải rắn sinh hoạt, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của từng tỉnh thành, các giai đoạn thực hiện, các biện pháp áp dụng được nêu rõ nhưng cho đến nay đề án này vẫn đang… chờ phê duyệt.

 

 

2- Nước thải đang “bức tử” những dòng sông

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=107560&ChannelID=46

Các dòng sông ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đang bị ô nhiễm nặng bởi chất thải công nghiệp từ các nhà máy, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp.

Nước sông Dinh ô nhiễm cá chết

Mỗi ngày, sông Thị Vải hứng chịu khoảng 33.000m3 nước thải từ nhà máy, xí nghiệp ở 11 khu công nghiệp của BR-VT và Đồng Nai xả thẳng xuống sông.

Sông Thị Vải đã trở thành dòng sông chết. Và hiện nay, sông Dinh ở TP Vũng Tàu cũng đang hấp hối.

Cá, tôm, cua, ghẹ… chết hàng loạt!

Theo phản ánh của nhiều người nuôi bè hàu trên sông Dinh, đoạn thuộc phường 12, TP Vũng Tàu (gần cầu Cỏ May), từ chiều 2/1/2008, bắt đầu xuất hiện hiện tượng cá, tôm, ghẹ chết và lượng cá, tôm chết đã tăng thêm rất nhiều trong những ngày gần đây.

Ngư dân đánh bắt nhỏ đã dùng thuyền, ghe đi vớt cá, tôm. Anh Lê Văn Chiến, một người nuôi bè hàu cho hay: “Chiều 2/1, khi ra bè lấy hàu tôi đã thấy có cá chết. Đến sáng 3/1, số lượng cá chết nổi trắng trên sông Dinh. Ngư dân đi vớt cá rất nhiều”. Theo anh Chiến, cá chết nhiều nhất là cá mao ếch, cá bống.

Sáng 3/1, lên một chiếc ghe của ngư dân đi dọc sông Dinh, chỉ một quãng ngắn thuộc khu phố 6, P12, TP Vũng Tàu, chúng tôi cũng đã phát hiện cá bống, cá đối nhỏ nổi trắng bụng. Những con cá này còn sót lại vì quá nhỏ nên ngư dân không vớt.

Ra đến giữa dòng sông, chúng tôi gặp một ngư dân đang vớt cá, tôm chết. Ông cho biết, đã vớt được khá nhiều cá, tôm. Số cá này một phần ông giữ để ăn, phần khác đem bán.

Chúng tôi ước chừng số cá, tôm của ông vớt được khoảng gần 10kg. Anh Tuấn, một ngư dân đánh bắt nhỏ dọc sông Dinh cho biết, con lớn nhất anh vớt được là cá ngác nặng khoảng 1 kg. Và cá, tôm cứ lờ đờ bơi yếu ớt, vớt lên là chết liền.

Ngược dòng sông Dinh, chúng tôi đến gần khu vực cầu Cỏ May. Dọc đường, thỉnh thoảng lại bắt gặp cá, tôm bơi lờ đờ trên mặt nước, mặc dù nước sông Dinh đoạn này khá trong.

Anh Tự, đậu chiếc ghe nhỏ dưới gầm cầu Cỏ May nói: “Không biết nhà máy nào thải nước mà từ tối hôm qua đến giờ cá chết nhiều lắm”.

Theo anh, đoạn dưới gầm cầu toàn là cá nhỏ, tôm nhỏ chết nên anh không vớt. Anh Tự chỉ cho chúng tôi thấy nhiều con tôm bầu nhỏ, cua nhỏ đang bám vào trụ cầu để “thở” vì quá yếu.

Nước sông quá ô nhiễm

Theo người dân, hiện tượng cá, tôm chết hàng loạt trên sông Dinh do nước sông quá ô nhiễm. Một công nhân làm bè hàu là anh Bùi Thanh Dũng, cho biết trước đây, khi vớt hàu lên, hàu mở miệng chừng 10- 15 giây mới ngậm lại, nhưng bây giờ vừa vớt lên hàu đã ngậm miệng.

Cua, mực, bạch tuộc không chịu nổi nước ô nhiễm cũng nổi lờ đờ. Một ngư dân khác là anh Chiến cho biết độ ô nhiễm của nước sông Dinh đoạn gần cầu Cỏ May khá cao, bởi cá mao ếch là loại cá mạnh nhất mà còn “chịu không nổi”.

Anh dùng vợt vớt một vài con cá lên giải thích: Cá mao ếch có màu da xám, và những đường vân khá đẹp nhưng bây giờ đã bị bạc. Còn cá ngác da đen cũng biến thành màu trắng.

Dọc theo sông Dinh đoạn ở phường 12 có gần 10 cơ sở, nhà máy chế biến hải sản có cống thoát nước “dẫn” thẳng ra sông Dinh. Chúng tôi quan sát một cống thoát nước thấy nước thải có màu đỏ, đậm đặc và rất hôi.

Xung quanh khu vực nước thải chảy ra, nhiều mảng bọt vàng, nước lờ đục. Còn ở giữa sông Dinh, cách cầu Cỏ May chừng vài trăm mét, có rất nhiều mảng bọt vàng kết lại thành đám lớn như bọt biển.

Khu vực phía trên cầu Cỏ May - một rạch thoát nước của một nhà máy sản xuất muối iốt nước mờ đen, mùi hôi thối bốc lên khá nặng.

Sông Dinh có thể trở thành dòng sông chết?

Sau khi xảy ra sự cố tôm, cá trên sông Dinh bị chết hàng loạt, ngày 4/1, cơ quan Môi trường BR-VT đã tiến hành lấy mẫu nước trên sông Dinh, sông Chà Và (Long Sơn, TP Vũng Tàu) để xét nghiệm một số chỉ tiêu mặt nước như: hàm lượng ô xy, hàm lượng hữu cơ, dầu mỡ… và phải một tuần sau mới có kết quả xét nghiệm.

Cùng ngày này, cá trên sông Dinh tiếp tục chết, nổi trắng bụng. Những bè hàu trên sông Dinh cũng có dấu hiệu bị chết. Ở đoạn gần chân cầu Cỏ May số lượng cá chết nổi dày, mặt sông giờ đã lốm đốm nhiều xác cá nhỏ, chất dơ bẩn bám quanh xác cá chết.

Xác minh sơ bộ, nước thải của một số cơ sở chế biến thủy sản đổ ra sông là nguồn gây ô nhiễm làm thiệt hại nặng nề nguồn lợi nuôi trồng thủy sản trên sông Dinh.

Sông Dinh có chung số phận như sông Thị Vải hay không tùy thuộc và thái độ của nhà quản lý các cấp chính quyền đối với dòng sông này- một chuyên gia môi trường cho biết như vậy.

P.V

 

 

http://www.tin247.com/nuoc_thai_dang_%E2%80%9Cbuc_tu%E2%80%9D_nhung_dong_song-1-76990.html

3- Nước thải gây ô uế cả một vùng sông nước

Lao Động số 236 Ngày 13/10/2008 Cập nhật: 8:38 AM, 13/10/2008

Lưới lọc nước Nhà máy điện Hiệp Phước thường xuyên bị da - mỡ - lông thú bịt kín.

(LĐ) - Một chuỗi thời gian dài hứa khắc phục, nhưng Cty CP thuộc da Hào Dương (lô A18, KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM) vẫn tiếp tục làm ô uế cả một vùng...

Không thể lần lữa, sau một đêm mật phục, sáng ngày 11.10, Phòng Cảnh sát môi trường (PC36) - Công an TPHCM - đã bắt quả tang Cty Hào Dương xả chất thải chưa xử lý ra sông Đông Điền. Tới lúc này, người ta mới giật mình, Cty Hào Dương đã gây ô uế không khí cả một vùng KCN Hiệp Phước trong suốt gần 5 năm qua bằng... mùi hôi da súc vật.

Cú bắt quả tang

Phát hiện nước bùn được xả từ cống chính của Cty Hào Dương phun ra sông Đông Điền từ lâu; nhưng đã vài lần, các chiến sĩ PC36 xông vào, tổ nhân viên điều hành hệ thống xử lý nước thải Cty Hào Dương lại tinh quái... qua mặt.

Duy nhất đường bơm nước thải số 4 bị phát hiện xả thẳng ra sông. Tới khi có mặt Chủ tịch HĐQT Cty Hào Dương, trước yêu cầu của PC36, chẳng đặng đừng, phía Cty Hào Dương buộc phải mở van những ống xả còn lại... Những dòng nước xả đen ngòm, không hề qua hệ thống xử lý mà tuôn ào ạt thẳng ra sông Đông Điền.

Đến lúc này, thì phía lãnh đạo Cty Hào Dương không còn đôi co, biện bạch được gì... Té ra, suốt gần 5 năm qua, Cty Hào Dương đã là nguyên nhân gây ô nhiễm cả một góc KCN Hiệp Phước. Sự việc ai cũng biết và vô số lần cơ quan chức năng đã làm việc, lập biên bản răn đe, xử phạt v.v... Song, ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.

Da, mỡ, lông thú và mùi hôi... "tấn công" nguồn điện quốc gia!

Cty Hào Dương hoạt động từ năm 2003, với diện tích nhà xưởng 5.777m2, chuyên thuộc da xuất khẩu cho các khách hàng là những Cty giày thể thao lớn trên thế giới. Lúc đó, công suất Cty chỉ giới hạn 4.800 tấn/năm, với giấy phép sử dụng có 8m2/ngày. Năm 2007, Cty Hào Dương nâng công suất lên 60.000 tấn/năm và đưa diện tích nhà xưởng lên 30.525,6m2. Mỗi ngày, Cty "xài" hết 2.000m3 nước mặt và thải ra hệ thống xử lý khoảng 2.500m3.

Việc Cty mở rộng nhà máy, nâng thêm công suất, gia tăng nước thải ra môi trường, nhưng hệ thống xử lý nước thải của Cty lại không hề được cải thiện, nâng cấp quy mô tương xứng đã dẫn tới mức ô nhiễm môi trường ngày thêm trầm trọng. Nạn nhân đầu tiên của hành vi gây ô nhiễm trên là "ông bạn" láng giềng Cty điện Hiệp Phước.

Ông Zhang Yin Fu - Tổng GĐ Cty điện Hiệp Phước - cho biết: "Suốt thời gian dài, tập thể cán bộ - CNV chúng tôi luôn luôn phải sống trong bầu không khí có mùi hôi thối nồng nặc từ thuộc da của Cty Hào Dương. Tình trạng da, lông và mỡ thừa súc vật có mùi hôi thối, còn xuất hiện, gây tắc nghẽn cả lưới lọc quay của bơm nước tuần hoàn Nhà máy điện Hiệp Phước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng công suất phát điện của nhà máy, khi hoà vào lưới điện quốc gia".

Hoá ra, da - mỡ - lông thú ấy đã được Cty Hào Dương xả thẳng ra sông Đông Điền, Nhà máy điện Hiệp Phước bơm lấy nước sông vào chạy máy, thế là lưới lọc bị da - mỡ - lông thú... tấn công.

Sau nhiều lần đối thoại, lãnh đạo Cty Hào Dương cam kết khắc phục, nhưng vẫn không thực hiện... Đến độ, Cty điện Hiệp Phước phải mời lãnh đạo KCN Hiệp Phước xuống lập biên bản và đe... cắt điện Cty Hào Dương. Lãnh đạo Cty Hào Dương lại hứa, khất lần sẽ khắc phục nước thải, mùi hôi...

Không thấy Cty Hào Dương có cử động nào khắc phục ô nhiễm môi trường. Trái lại, ngày 16.1.2008, Cty lại bị KCN Hiệp Phước phát hiện... xả bùn ra sông Kinh. Hành vi trên tiếp tục tái diễn nhiều lần, không chỉ xả ra sông Kinh mà còn xả ra sông Đông Điền và bị cơ quan chức năng lập biên bản. Nhiều CB-CNV Cty TNHH hương liệu phụ gia Hoàng Anh và Nhà máy dầu nhớt Vilube cũng thường xuyên sống chung, hít ngửi không khí hôi thối từ Cty thuộc da Hào Dương, nhất là vào sáng sớm và chiều tối...

Cty Hào Dương xả nước thải, gây bức tử sông Kinh và sông Đông Điền.

"Sáng kiến" huỷ hoại môi trường

Trong khi chưa cải thiện, khắc phục hệ thống xử lý nước thải hôi thối, thì ngày 1.8, KCN Hiệp Phước phát hiện Cty Hào Dương "khắc phục" ô nhiễm bằng một "sáng kiến" gian dối là bơm nước sông vào bể để... pha loãng nước thải; rồi sau đó, xả luôn nước thải này... ra lại sông.

Ngày 14.8, "sáng kiến" pha loãng nước thải, rồi xả lại ra sông tiếp tục được Cty áp dụng và bị cơ quan chức năng phát hiện. Ngày 19.8.2008, qua kiểm tra, Phòng TNMT huyện Nhà Bè đã xác định chỉ số COD nước thải của Cty Hào Dương vượt mức cho phép 20 lần, NH4+ vượt 100 lần, Cl vượt 170 lần... Đồng thời, 2 mẫu khí thải NH3 (vượt 0,1 lần) và H2S vượt... 200 lần.

Trước đó, ngày 4.6.2008, Thanh tra Sở TNMT TPHCM đã ra quyết định xử phạt hành chính Cty Hào Dương 14 triệu đồng, về hành vi xả nước thải vào môi trường. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính trên đối với Cty này xem ra chẳng... ăn thua gì. Cho nên, Cty Hào Dương vẫn tiếp tục... lờn thuốc, vi phạm, xả cửa thải nước bức tử sông và thải mùi hôi làm ô uế cả một vùng KCN rộng lớn huyện Nhà Bè.

Đông Anh

http://www.laodong.com.vn/Home/Nuoc-thai-gay-o-ue-ca-mot-vung-song-nuoc/200810/110102.laodong

TP.Hồ Chí Minh:

 

 

4- Chưa có giải pháp cụ thể hạn chế ô nhiễm sông Sài Gòn

Lao Động Điện tử Cập nhật: 4:20 PM, 21/06/2008

Nước sông Sài Gòn ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng.

(LĐĐT) - Kết thúc cuộc hội thảo về khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Sài Gòn được tổ chức tại Sở Khoa học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh, ngày 19.6, các cơ quan chức năng và nhiều nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được giải pháp cụ thể thể để hạn chế tình trạng ô nhiễm sông Sài Gòn.

Thay vào đó, "một bức tranh ảm đạm" về hiện trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng của sông Sài Gòn đã được nêu lên đang ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương.

Phát biểu tại cuộc Hội thảo, ông Bùi Thanh Giang, Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp cảnh báo: Từ tháng 6.2004 đến nay chất lượng nguồn nước thô lấy từ sông Sài Gòn luôn thay đổi phức tạp. Đặc biệt từ tháng 6.2007, khi Nhà máy nước Tân Hiệp tăng công suất lên 300.000m2/ngày nhưng chất lượng nguồn nước thô của sông Sài Gòn ngày càng xấu làm cho việc xử lý nước để cung cấp cho người dân hết sức khó khăn.

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Hà, Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Theo kết quả khảo sát, vào mùa mưa hàm lượng mangan ở một số khu vực trên sông Sài Gòn tăng cao và đang lan tỏa đến vực lấy nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp. Vì vậy, sớm hay muộn thì UBND Thành phố Hồ Chí Minh cần tính đến phương án dự trữ nước cho nhà máy Tân Hiệp hoặc tìm nguồn ước khác thay thế để đối phó trong trường hợp nước sông Sài Gòn bị ô nhiễm nghiêm trọng một cách đột ngột.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Chương, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, cho rằng: Dự kiến sẽ có 3 nguồn nước khác thay thế cho nước sông Sài Gòn để cung cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp là nước ngầm, nước Kênh Đông, nước hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm hiện nay đang hạn chế sử dụng, nguồn nước Kênh Đông đã được khai thác quá tải, còn nguồn nước hồ Dầu Tiếng tuy đạt chất lượng nhưng việc dẫn nước về thành phố cần đầu tư kinh phí rất lớn để lắp đặt đường ống dài hàng chục km. Nhà máy nước Tân Hiệp có chi phí đầu tư xây dựng đến 1.000 tỉ đồng và thời gian khấu hao là 25 năm. Nhà máy chỉ mới hoạt động được 4 năm do đó cần phải vận hành liên tục thêm 21 năm nữa nên phải tìm cách bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn không ô nhiễm thêm.

Xác định nguyên nhân ô nhiễm, Trung tá Lê Hoàng Minh, Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an cho biết: Sông Sài Gòn bi ô nhiễm nặng bởi các nguồn chất thải công nghiệp, y tế, sinh hoạt không chỉ của TP.Hồ Chí Minh mà còn từ tỉnh Bình Dương, Tây Ninh. Điều đáng báo động là tình trạng doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực môi trường ngày càng tăng, nhất là vấn đề xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng mùa mưa để thải nước trực tiếp ra sông sài Gòn không qua xử lý. Chỉ tính riêng, trong 6 tháng đầu năm 2008 tại tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh có đến hành trăm doanh nghiệp bị xử phạt hành chánh vì xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm sông Sài Gòn.

Với tư cách một địa phương nằm phía thượng nguồn sông Sài Gòn, có nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản với nguồn nước xả thải lớn, ông Nguyễn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh - đề nghị các nhà khoa học tham gia nghiên cứu đề tài bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn phải tìm cách xác định cụ thể các nguồn xả thải gây ô nhiễm thì mới có biện pháp xử lý hiệu quả.

http://www.laodong.com.vn/Home/Chua-co-giai-phap-cu-the-han-che-o-nhiem-song-Sai-Gon/20086/94357.laodong

Ngoại thành TP.HCM:

 

5- Không còn sông xanh

Cập nhật: 3:42 PM, 19/10/2007

Ô nhiễm tại kênh Ba Bò.

Khi nói đến những dòng kênh như Ba Bò, Thầy Cai, An Hạ... người ta nghĩ ngay đến một màu nước đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên thay cho màu xanh đáng lẽ phải có. Không chỉ thế, sông Sài Gòn ở phía thượng nguồn giờ đây cũng đang chết từng ngày.

Sông: đen, đỏ, trắng sữa

Bà Nguyễn Thị Liền ngụ ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TPHCM bức xúc: "Ba bốn năm trước, người dân ở đây sau giờ đi làm đồng về hầu như ai cũng ghé vào các con kênh để tắm giặt. Giờ nước kênh có lúc đen như dầu nhớt, không ai dám xuống tắm nữa!".

Còn anh Nguyễn Văn Hoàng, ở ấp 1, nói: "Hồi trước môi trường sống ở vùng ven này rất trong lành, người dân trồng hoa màu rất nhiều nhưng giờ thì không cây gì sống nổi vì nước bị ô nhiễm nặng". Không khó khăn lắm, chúng tôi thấy ngay những ống xả nước thải không rõ từ nhà máy, xí nghiệp nào gần đó đâm tua tủa ra rạch.

Anh Hoàng than thở: "Cách nay chưa lâu, khi địa phương cho xây lại hệ thống đường giao thông nội đồng và khai thông rạch, chúng tôi rất mừng... Những tưởng rằng đây sẽ là cơ hội phát triển sản xuất, thế nhưng...".

Tương tự, kênh Ba Bò cũng đang là nơi chứa chất thải. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý khai thác công trình thủy lợi quận Thủ Đức.

"Mọi thứ chất thải từ khu công nghiệp Bình Đường, tỉnh Bình Dương đều đổ vào kênh này. Lượng nước thải qua kênh là những loại hóa chất tẩy rửa, nhuộm và các loại hóa chất khác, có cả một số kim loại nặng của ngành xi mạ rất độc hại. Hơi bốc lên từ con kênh này có thể biến hàng loạt hệ thống cửa sắt gỉ mục là chuyện thường.

Sắt thép còn bị hủy hoại thì cơ thể con người chẳng biết sẽ thế nào. Mỗi khi lượng nước xả tăng cao, hơi bốc lên nặng mùi lắm, hít vào mũi cay nồng, vừa ngứa vừa nóng ran cuống họng...", ông Huỳnh nói.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, TPHCM mỗi ngày xả trực tiếp khoảng 237 tấn chất thải sinh hoạt và hàng tấn hóa chất độc hại chưa qua xử lý xuống sông Sài Gòn. Hiện nước sông Sài Gòn bị đục gấp 5 lần và hàm lượng các hóa chất độc hại tăng từ 30 đến 40 lần so với những năm trước.

Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc kênh Ba Bò, nhiều đồng rau rộng cả chục hécta cũng đang héo hon dần. Từ Bến Dược huyện Củ Chi TP.HCM đến khu vực xã hồ Dầu Tiếng tỉnh Tây Ninh, chúng tôi còn phát hiện dọc sông Sài Gòn nhiều đoạn nước đỏ au từ các cơ sở sản xuất gốm tỉnh Bình Dương đổ ra.

Anh Nguyễn Trường Xuân, Giám đốc Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM, lo âu vì nhiều nguồn nước thải từ Tây Ninh, Bình Dương đang đổ vào sông Sài Gòn. Trên cùng một dòng sông nhưng khúc có màu xanh đen, khúc lại đỏ bầm, khúc thì mang màu trắng sữa...

Bao giờ hết ô nhiễm?

Đó là vấn đề nan giải, bởi theo ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý khai thác công trình thủy lợi quận Thủ Đức, hầu hết các nhánh sông, kênh chính của quận đã bị ô nhiễm và không thể một sớm một chiều khắc phục được.

Tại huyện Củ Chi, tình trạng ô nhiễm sông, kênh không trầm trọng như quận Thủ Đức nhưng một cán bộ của Phòng Quản lý đô thị huyện cũng cho biết, phần lớn các đoạn sông, kênh đi qua các khu công nghiệp đã bị nhuộm đen. Đây là hậu quả của việc có quá nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong nội thành di dời ồ ạt ra ngoại thành, trong khi ở ngoại thành, ngành chức năng chưa kịp lên quy hoạch, chuẩn bị đất đai hợp lý cho các cơ sở này.

Hiện nay, thành phố cũng đã có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư chu đáo để đón các doanh nghiệp di dời vào. Tuy nhiên, do giá cho thuê còn vượt khả năng của nhiều doanh nghiệp nên họ không vào. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuê hoặc mua đất nông nghiệp bên ngoài không những rẻ hơn mà còn "né" được phí môi trường - một khoản tiền không nhỏ (!).

Ông Nguyễn Trường Xuân, Giám đốc Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM, cho rằng từ khi thành phố có chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm ở nội thành vào khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận, nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm dạt ra ngoại thành để tiếp tục hoạt động. Rõ ràng chẳng khác nào di chuyển ô nhiễm từ nơi này đi nơi khác, nhưng trớ trêu hơn là di dời ô nhiễm lại lên đầu nguồn các sông chảy về thành phố như sông Sài Gòn.

(Theo SGGP

http://www.laodong.com.vn/Home/Khong-con-song-xanh/200710/60472.laodong

 

 

6- 1,5 triệu dân dùng nước từ sông Sài Gòn ô nhiễm

Cơ quan chức năng đều biết rõ chất lượng nước sông Sài Gòn ngày càng suy giảm, nhưng tới nay cũng chưa có giải pháp nào cụ thể để bảo vệ nguồn nước đang cung cấp cho hơn 1,5 triệu người dân TP.HCM.

Hệ thống xử lý nước họat động hết công suất

Một cán bộ kỹ thuật ở Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) tỏ ra bức xúc vì đã chờ đợi quá lâu mà các cơ quan bảo vệ môi trường thành phố vẫn chưa có giải pháp bảo vệ môi trường nước sông Sài Gòn, trong khi Sawaco hiện nay phải theo dõi diễn biến chất lượng nước con sông này hằng giờ. Ông Võ Quang Châu, Phó tổng giám đốc Sawaco nói: "Chúng tôi quan tâm nhất là các chỉ số biến đổi amoniac, mangan, sắt, coliform và độ đục của nước sông Sài Gòn. Nhưng dù chất lượng nước sông có thay đổi như thế nào, thì chất lượng nước sau khi xử lý cũng đều tốt hơn tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, nếu chất lượng nước sông không được cải thiện, thì việc xử lý nước của Nhà máy nước Tân Hiệp sẽ càng khó khăn".

Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp, ông Bùi Thanh Giang cho biết, từ năm 2004 đến nay, chất lượng nguồn nước sông suy giảm rất nhanh qua từng năm. Đặc biệt amoniac tăng rất cao, nếu trước đây tăng theo mùa, theo thủy triều, thì nay tình trạng ô nhiễm này gần như tăng giảm thường xuyên trong ngày. Điều này dẫn đến công suất hệ thống châm hóa chất để xử lý nước phải hoạt động ở mức sát tải thiết kế, có lúc quá tải (hệ thống châm clor). Lượng hóa chất sử dụng tăng cao dần qua các năm 2005-2007. Ông Bùi Thanh Giang cũng cho biết, Nhà máy nước Tân Hiệp không có khả năng xử lý nếu có các chất độc hại xuất hiện trong nước sông. Nước sông bị nhiễm những chất gì?

Trạm bơm nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp tại xã Hòa Phú, huyện Củ Chi đang bị ô nhiễm "bao vây" từ phía thượng nguồn lẫn hạ nguồn. Ông Bùi Thanh Giang cho biết, phía thượng nguồn thì ô nhiễm nước sinh hoạt và công nghiệp từ Bình Dương theo nhánh sông Thị Tính đổ ra sông Sài Gòn, cùng với các cống xả, kênh rạch từ các khu dân cư (không loại trừ chất thải công nghiệp) ở lân cận trạm bơm; còn phía hạ nguồn có nước thải từ Khu công nghiệp Tân Quy, Tân Phú Trung chảy từ rạch Bà Bếp đổ ra sông Sài Gòn.

Những năm qua, Sawaco và nhiều hộ dân ở TP.HCM đã từng phải xả bỏ nước đục do nguồn nước sông Sài Gòn bị nhiễm mangan (Mn) và sắt. Nhóm nghiên cứu thuộc khoa Môi trường, trường Đại học Bách khoa TP.HCM và khoa Kỹ thuật đô thị, trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) mới đây có khảo sát, đánh giá về ô nhiễm do Mn, sắt và coliforms trên sông Sài Gòn, với kết luận nồng độ Mn tổng và sắt tổng trên sông Sài Gòn đã vượt tiêu chuẩn chất lượng nước mặt loại A (dùng cho sản xuất nước uống - TN) và đang là nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước cấp. Khảo sát dọc theo sông Sài Gòn cho thấy, pH chỉ đạt tiêu chuẩn nước mặt loại B (5,5-9), DO rất thấp, vi sinh cao vượt tiêu chuẩn chất lượng nước mặt sử dụng làm nước cấp.

Từ tháng 1 - 5 hằng năm, sông Sài Gòn còn bị nhiễm mặn và Sawaco phải tốn khoảng 3-4 tỉ đồng mỗi năm để Công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng xả nước hồ, đẩy mặn trên sông Sài Gòn, nếu không, hơn 1,5 triệu người dân Sài Gòn sẽ phải uống nước bị nhiễm mặn.

Bảo vệ môi trường nước - việc cấp bách

GS.TS Lâm Minh Triết, Viện trưởng Viện Nước và công nghệ môi trường - nói về những mối đe dọa từ chuyện ô nhiễm dòng sông Sài Gòn: "Chưa bao giờ sông Sài Gòn được quan tâm nhiều như hiện nay bởi những diễn biến ngày càng xấu về chất lượng nước của dòng sông đe dọa nghiêm trọng đến đời sống xã hội; trước hết đe dọa trực tiếp đến nhu cầu cấp nước cho thành phố và đe dọa nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của TP.HCM, Tây Ninh và Bình Dương trên lưu vực sông Sài Gòn". GS.TS Lâm Minh Triết cho rằng, đến lúc cần phải thực hiện một chương trình nghiên cứu bài bản và thực sự nghiêm túc, có cơ sở khoa học và thực tiễn xác định chính xác được các nguyên nhân gây ô nhiễm, nhằm đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn. "Chúng ta sẽ có lỗi rất to lớn với nhân dân trên lưu vực sông và thế hệ mai sau nếu chúng ta không gìn giữ, không bảo vệ được nguồn nước sông Sài Gòn" - GS.TS Lâm Minh Triết nói.

Báo chí đã tốn nhiều giấy mực lên tiếng báo động về tình trạng ô nhiễm trên sông Sài Gòn. Cuối năm 2007, ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã giao cho Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, Phòng Quản lý môi trường của Sở phối hợp cùng với Viện Nước và công nghệ môi trường trong quý 1/2008 phải xây dựng xong kế hoạch bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn, trước mắt cho khu vực lấy nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp (ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi). Nghĩa là còn phải đợi xong kế hoạch, bàn triển khai, tổ chức thực hiện và còn nhiều bước nữa - trong khi nước sông Sài Gòn ngày càngâ ô nhiễm hơn.

Mai Vọng (Thanhnien 10.1.08)

http://www.greenhanoi.org.vn/vi/news/printpreview.php?newid=news110120080841237802

 

 

7- TP Hồ Chí Minh: Những vùng nước ô nhiễm theo chỉ số quốc tế

Phân viện Công nghệ mới và Bảo vệ môi trường vừa thực hiện đề tài "Phân vùng chất lượng nước theo chỉ số chất lượng nước (WQI) ở TP.HCM”. PGS-TS Lê Trình giải thích về ý nghĩa của việc đánh giá chất lượng nước theo WQI.

- Thưa ông, điều gì khiến cho việc nhất thiết chúng ta phải có chỉ số chất lượng nước (WQI)?

PGS-TS Lê Trình

- Nói một cách đơn giản, dễ hiểu, WQI (Water Quality Index) là công thức toán học mô phỏng mức độ ô nhiễm nguồn nước sông, hồ dựa trên giá trị phân tích các thông số đặc trưng về chất lượng nước.

Dựa vào đó các nhà lãnh đạo và cả người dân bình thường cũng có thể biết chất lượng và mức độ ô nhiễm nước ở từng đoạn sông vào từng thời điểm, từ đó có thể biết nguồn nước ấy có thể sử dụng được cho sinh hoạt, nuôi tôm cá, thủy lợi… được hay không.

Một địa phương hoặc một quốc gia nếu có mạng lưới quan trắc chất lượng nước đồng thời lại có qui định về WQI thì có thể thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước, phòng chống ô nhiểm, sử dụng nước hợp lý và an toàn. Chính vì vậy nhiều nước tiên tiến, nhất là Hoa Kỳ, Canada, Anh và một số nước đang phát triển như Ấn Độ, Thổ Nhĩ kỳ… đang triển khai rộng rãi các hệ thống WQI ở nhiều lưu vực sông. Với các lợi ích đã được chứng minh nước ta trước hết là các thành phố lớn, các lưu vực sông quan trọng cần nghiên cứu thiết lập và ứng dụng Hệ thống WQI.

- Nếu đem hệ thống WQI nói trên so sánh với các tiêu chuẩn hiện hành mà chúng ta đã và đang sử dụng từ trước tới nay thì WQI có những ưu điểm gì?

- Mục đích của đề tài “Nghiên cứu phân vùng chất lượng nước theo chỉ số chất lượng nước (WQI) và đánh giá khả năng sử dụng các nguồn nước sông, kênh rạch ở vùng TP.HCM” là (a) xác định cơ sở khoa học lựa chọn các thông số để lập các mô hình WQI phù hợp đặc điểm môi trường nước TP.HCM, (b) áp dụng mô hình WQI để phân loại, phân vùng chất lượng nước, (c) đề xuất, đánh giá khả năng sử dụng nước các đoạn sông, kênh, rạch ở TP.HCM.

Đây là lần đầu tiên ở lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn và các sông phía Nam được phân loại chất lượng nước theo hệ thống WQI có tính quốc tế hoá.

Chỉ số chất lượng nước là biện pháp lượng hoá dễ hiểu về mức độ ô nhiễm nước tại vị trí cụ thể, thời điểm cụ thể. Dựa vào đó người dân có thể biết được nguồn nước mà mình đang sử dụng đạt loại gì (rất tốt - không ô nhiễm, tốt - ô nhiễm nhẹ, trung bình - ô nhiễm trung bình, xấu - ô nhiễm nặng hoặc rất xấu - ô nhiễm nghiêm trọng) và sử dụng có an toàn cho mục đích mong muốn hay không? Bằng cách đánh giá mức độ ô nhiễm nước bằng số học (cho điểm từ 0 đến 100) qua WQI ta có thể hiểu chất lượng nước tại từng điểm trên dòng sông vào từng thời điểm.

Ví dụ khi được thông báo WQI của sông Sài Gòn tại cầu Bình Lợi vào ngày 25 tháng 5 là 30, người dân sẽ hiểu là vào thời điểm đó sông Sài Gòn tại đây đã bị ô nhiễm ở mức nặng, không nên sử dụng cho cấp nước sinh hoạt, thủy sản, bơi lội. Ngược lại, nếu được thông báo giá trị WQI của sông Lòng Tàu là 90 thì người dân sẽ hiểu là chất lượng nước tại khu vực này rất tốt, có thể sử dụng an toàn cho nuôi tôm, cá, du lịch, thể thao dưới nước.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, các cơ quan chức năng (Sở TNMT hoặc Bộ TNMT) cần phải có các điều kiện sau:

(a) Thiết lập và hoạt động mạng lưới quan trắc môi trường nước với nhiều điểm thu mẫu và phân tích trên các dòng sông chính theo tần suất tuương đối dày, với nhiều thông số quan trắc, ít nhất phải có các thông số trong công thức WQI đà được lập.

(b) Tính toán các giá trị WQI và công khai thông tin cho lãnh đạo và công chúng theo định kỳ.

(c) Diễn giải cách phân loại chất lượng nước theo WQI một cách dễ hiểu: Chỉ số WQI là gì? Qui định chất lượng nước theo điểm số: bao nhieu điểm lầ loại tốt, bao nhiêu điểm là loại xấu v.v…Loại nước nào có thể sử dụng cho sinh hoạt, loại nào sử dụng an toàn cho nuôi thủy sản, loại nào không nên sử dụng mà phải xử lý…

Bản đồ phân vùng chất lượng nước sông, kênh rạch TP Hồ Chí Minh theo HCM-WQI 8.2007 (theo Lê Trình, 2007)

Hiện ở Việt Nam chưa có hệ thống chung để phân vùng chất lượng nước, hơn 15 năm trước chúng tôi đã nghiên cứu phân vùng chất lượng nước cho lưu vưc sông Đồng Nai – Sài Gòn nhưng chưa có công cụ về tin học để cập nhật số liệu định kỳ. Trong các năm 2004-2006 Khoa Hóa học - Đại học Huế cũng đã vận dụng phương pháp tính chỉ số WQI của Ấn Độ áp dụng cho việc phân loại chất lượng các sông khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Hiện nay TP Hà Nội đã bắt đầu triển khai đề tài nghiên cứu phân vùng chất lượng nước khu vực Hà Nội bằng hệ thống WQI và đề xuất biện pháp sử dụng hợp lý nguồn nước (chủ nhiệm : Lê Trình). Hy vọng là trên cơ sở kết quả của các đề tài này việc xác lập và áp dụng WQI trong quản lý môi trường ở Việt Nam sẽ thành hiện thực sau năm 2010.

Phương pháp WQI tương đối đơn giản, ít tốn kém so với việc phải phân tích toàn bộ các thông số ô nhiễm có trong các tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường nước (ví dụ theo TCVN 5942-1995phải phân tích 37 thông số). Hệ thống WQI của TP Hồ Chí Minh theo đề tài đề xuất chỉ yêu cầu phân tích 10 thông số chọn lọc hoặc ít nhất là 6 thông số là có thể đánh giá tổng quát về chất lượng nước toàn bộ lưu vực.

Nguồn nước ô nhiễm làm cá chết, phơi bụng trắng phau trên sông Sài Gòn. Ảnh: VNN

- Giả sử chỉ số WQI được Nhà nước công nhận và đưa vào danh sách thành quy chuẩn pháp lý thay cho các tiêu chuẩn hiện hành thì nó có những đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế xã hội không thưa ông?

- Trước tiên, cần phải khằng định rằng, hệ thống WQI này không thể thay thế cho các Tiêu chuẩn chất lượng nước chuyên ngành (TCVN về nước cấp cho sinh hoạt, thủy sản, thủy lợi…). WQI chỉ đánh giá một cách khái quát chất lượng nước cho một lưu vực, một dòng sông, một hồ nước cụ thể. WQI không phải là tiêu chuẩn, hoặc quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên do WQI có thể khái quát chất lượng nước cho một lưu vực sông hoặc một vùng cụ thể nên đây là công cụ rất hiệu quả trong quản lý môi trường, quan trắc ô nhiễm, đánh giá tác động môi trường, đánh giá hiệu quả xử lý ô nhiễm, đánh giá sơ bộ khả năng sử dụng nước. Nếu áp dụng theo hệ thống WQI tại khu vực TP.HCM và các lưu vực trong cả nước chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả BVMT, tiết kiệm đáng kể nguồn chi phí về tiền của và nhân lực cho các địa phương.

- Thế còn việc quản lý nước thì sao?

- Mục tiêu của đề tài này chính là để phục vụ cho yêu cầu quản lý và sử dụng hợp lý, an toàn các nguồn nước, qua hệ thống WQI chúng ta sẽ quản lý được chất lượng nước tại từng thời điểm, từng khu vực cụ thể, các cơ quan chức năng có thể dựa vào đó để đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước, tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục chất lượng nước cho phù hợp với từng mục đích sử dụng. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia hệ thống này được đánh giá là có hiệu quả cao trong bảo vệ tài nguyên nước.

- Xin cảm ơn ông!

Đặc điểm chất lượng nước (CLN) đoạn sông, kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh

Sông/kênh Đoạn Phân loại CLN theo WQI Đặc điểm CLN Khả năng sử dụng

Đồng Nai Ngã 3 Đèn Đỏ đến P. Long Trường Q.9 III Nhiễm mặn nhẹ vào mùa khô; ô nhiễm do hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, vi sinh, độ đục, chất rắn lơ lửng (SS): trung bình Thủy lợi (vào mùa mưa); Nuôi thủy sản nước ngọt; Du lịch, thể thao dưới nước.

P. Long Trường Q.9 – Cầu Đồng Nai II Nhiễm mặn nhẹ vào mùa khô, ô nhiễm do hữu cơ, dinh dưỡng, vi sinh, dầu mỡ, độ đục, SS: nhẹ Như trên

Cầu Đồng Nai – Cầu Hóa An II Không nhiễm mặn. Ô nhiễm do hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, độ đục, SS: nhẹ Cấp nước thủy lợi, thủy sản (nước ngọt). Cấp nước sinh hoạt (cần xử lý ô nhiễm do dầu mỡ, hóa chất độc hại)

Sài Gòn Từ ranh giới giáp Tây Ninh – Bến Đình (Củ Chi) II Không nhiễm mặn. Ô nhiễm nhẹ do hữu cơ, dinh dưỡng, chua phèn và vi sinh: trung bình; SS, độ đục: nhẹ. Cấp nước sinh hoạt, thủy sản nước ngọt, du lịch, thể thao dưới nước.

Bến Đình – X. Nhị Bình (Củ Chi) III Không nhiễm mặn. Ô nhiễm do chua phèn (axit hóa) trung bình đến nặng. Ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, SS, độ đục, vi sinh: trung bình Cấp nước cho thủy sản nước ngọt (không an toàn vì chua phèn) cấp nước cho nhà máy nước (cần xử lý pH), du lịch, thể thao dưới nước.

Nhị Bình – Cầu Bình Phước (Quận 12) III Nhiễm mặn thời gian ngắn vào mùa khô, ô nhiễm do axit hóa nhẹ. Ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, độ đục, SS, vi sinh: trung bình. Nuôi cá nước ngọt (không an toàn do thay đổi về độ mặn, pH và ô nhiễm hữu cơ). Không phù hợp CLN cho các nhà máy nước

Thể thao dưới nước, du lịch:hạn chế

Cầu Bình Phước – Cầu Sài Gòn III Nhiễm mặn thời gian ngắn vào mùa khô. Không nhiễm phèn. Ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, độ đục, SS, vi sinh: trung bình đến nặng Nuôi cá nước ngọt (kém an toàn) – Không sử dụng cấp nước sinh hoạt.

Thể thao dưới nước, du lịch: rất hạn chế

Cầu Sài Gòn – Cảng Tân Thuận III - IV Nhiễm mặn vào mùa khô. Không nhiễm phèn. Ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, độ đục, SS, vi sinh: nặng Không sử dụng cho thủy sản, thủy lợi, sinh hoạt, thể thao dưới nước, du lịch.

Cảng Tân Thuận – Ngã 3 Đèn Đỏ III Nhiễm mặn quanh năm. Không nhiễm phèn. Ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, độ đục, SS, vi sinh: trung bình đến nặng. Như trên

Sông Chợ Đệm Cầu Bình Điền – Giáp huyện Bến Lức (Long An) III Nhiễm phèn: trung bình, nhiễm mặn nhẹ vào mùa khô. Ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, độ đục, SS, vi sinh: trung bình đến nặng. Không sử dụng cho thủy lợi, thủy sản, cấp nước sinh hoạt

Sông Cần Giuộc – Các sông rạch ở Nam Bình Chánh – Nhà Bè Toàn bộ các sông, rạch III Nhiễm phèn: nhẹ; Nhiễm mặn vào mùa khô.

Ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, độ đục, SS, vi sinh: nhẹ đến trung bình. Cấp nước cho thủy sản (an toàn không cao do CLN thường thay đổi).

Không cấp nước cho thủy lợi (vào mùa khô) không cấp nước sinh hoạt.

Sông Nhà Bè Từ hợp lưu với sông Sài Gòn đến phà Bình Khánh III Không nhiễm phèn. Nhiễm mặn quanh năm. Ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, độ đục, SS, vi sinh: nhẹ đến trung bình Có thể cấp nước cho thủy sản nước lợ, không cấp nước cho thủy lợi, sinh hoạt

Sông Soài Rạp Từ phà Bình Khánh đến cửa Soài Rạp II Không nhiễm phèn. Nhiễm mặn quanh năm. Ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, độ đục, SS, vi sinh: nhẹ Cấp nước cho thủy sản (lợ, mặn), du lịch, thể thao dưới nước. Không sử dụng cho thủy lợi, cấp nước sinh hoạt.

Lòng Tàu – Ngã Bảy, Vàm Sát Toàn tuyến II Nhiễm mặn quanh năm. Ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, độ đục, SS, vi sinh: nhẹ Cấp nước cho thủy sản (lợ - mặn), du lịch, thể thao dưới nước.

Đồng Tranh – Gò Da Toàn tuyến II - III Nhiễm mặn quanh năm. Ô nhiễm do hữu cơ, dinh dưỡng, vi sinh: nhẹ đến trung bình (sông Gò Da: ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng: trung bình). Cấp nước cho thủy sản (lợ, mặn): không an toàn vì ảnh hưởng nước thải từ sông Thị Vải. Không sử dụng cho thủy lợi, cấp nước sinh hoạt. Có thể phục vụ du lịch, thể thao dưới nước.

Thị Vải Khu vực xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) III Nhiễm mặn quanh năm. Ô nhiễm do hữu cơ, dinh dưỡng, vi sinh: trung bình đến nặng. Cấp nước cho thủy sản: không an toàn vì nguồn thải từ thượng lưu Thị Vải. Không sử dụng cho thủy lợi, cấp nước sinh hoạt. Có thể phục vụ du lịch, thể thao dưới nước.

Các kênh rạch nội thành Các lưu vực Đôi – Tẻ, Tân Hóa – Lò Gốm, NL – TN, Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên IV-V Hầu như không nhiễm mặn. Nhiễm phèn nhẹ. Ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ, độ đục, SS, vi sinh: nghiêm trọng. Không sử dụng được cho thủy lợi, thủy sản, cấp nước sinh hoạt, thể thao dưới nước, du lịch.

* Nguồn: Tổng hợp của Lê Trình - Đề tài “Nghiên cứu phân vùng CLN TP Hồ Chí Minh”

Mai Linh

( Theo báo Vietnamnet )

http://www.wet-office.com/index.php?module=news&id=27

 

 

8- Tình hình cung cấp nước sạch cho các khu dân cư nghèo ở Việt Nam

Nước sạch là một nhu cầu căn bản nhất của con người và là trọng tâm của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nó còn là yếu tố thiết yếu để xoá đói giảm nghèo. Nước sạch góp phần nâng cao sức khoẻ, giảm thiểu bệnh tật, tăng sức lao động, cải thiện điều kiện sống và mang lại một cuộc sống văn minh đang là đòi hỏi bức bách của người dân sống trong các khu dân cư nghèo. Tuy nhiên, cho đến nay, ở nhiều khu nghèo, người dân vẫn đang sử dụng nước không hợp vệ sinh cho các nhu cầu sinh hoạt, dẫn tới các hậu quả là tỷ lệ mắc các bệnh lây lan do nước rất cao.

1. Đặc điểm các khu dân cư nghèo ở Việt Nam

Khu dân cư nghèo hay khu ổ chuột (gọi tắt là LIA theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới) thường được gọi là “khu vực thu nhập thấp” là các khu vực chưa được quan tâm hoặc chưa có nguồn vốn của thành phố để đầu tư cải tạo; gồm các khu chung cư đông dân nghèo ở trong nội thị, những nơi ở lấn chiếm, phát triển không theo quy hoạch không được luật pháp công nhận, hợp thức hoá tại khu vực ven đô, thiếu các điều kiện sống và sinh hoạt, như: Các dịch vụ đô thị cơ bản về hạ tầng kỹ thuật (nước, vệ sinh, thu gom rác thải, thoát nước mưa, đèn đường, vỉa hè, đường giao thông); và về hạ tầng xã hội (trường học, trạm xá, khu vực an toàn cho trẻ em vui chơi, không gian giao tiếp của cộng đồng) và các dịch vụ tối thiểu khác.

Cả nước hiện nay còn 2,25 triệu hộ nghèo, trong đó có 30 vạn hộ thường xuyên bị thiếu đói. Đa số người nghèo làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, công việc không ổn định, thu nhập thấp và bấp bênh. Người nghèo dễ bị tổn thương do sống phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu nhập bằng tiền. Họ thường không có hoặc có ít khả năng tiết kiệm và gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn tạo việc làm, thiếu tài sản để đảm bảo tiêu dùng trong những lúc khó khăn, dễ bị tổn thương trước những đột biến bất lợi, ít có khả năng truyền đạt nhu cầu và những khó khăn tới những người có khả năng giải quyết, họ ít được tham gia vào quá trình ra quyết định... (nguồn: Báo cáo phát triển Việt Nam 2006: “Nghèo”)

Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đã làm tăng số lượng người di cư tự do từ các vùng nông thôn đến các đô thị, chủ yếu là trẻ em và người trong độ tuổi lao động. Hiện tại chưa có số liệu thống kê về số lượng người di cư tự do này trong các báo cáo về nghèo đói đô thị. Những người này gặp rất nhiều khó khăn trong việc đăng ký hộ khẩu hoặc tạm trú lâu dài, do đó họ khó có thể tìm kiếm được công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Họ có ít cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội và phải chi trả cho các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục ở mức cao hơn so với người dân đã có hộ khẩu. Ngoài ra, đói nghèo còn chiếm tỷ lệ cao trong các nhóm đối tượng xã hội khác như những người không nghề nghiệp, người lang thang và người bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội (mại dâm, nghiện hút, cờ bạc...).

Hầu hết, trong các khu dân cư nghèo, hệ thống hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân, phần lớn là manh mún, nhỏ lẻ và xuống cấp nghiêm trọng. Người dân phải chịu cảnh sống trong các ngõ xóm, đường ra vào ngõ rất nhỏ và xấu, chịu thực trạng từ xưa để lại, tự phát không theo bất kỳ quy hoạch nào, nên đi lại rất khó khăn. Hiện nay, nhiều đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hoá và có cải thiện đáng kể, song vẫn chưa thoát khỏi khó khăn của cảnh nghèo. Tình trạng lầy lội, úng ngập thường xuyên trong các khu nghèo khi có mưa là rất phổ biến, do không có hệ thống thoát nước mưa. Rất ít hộ nghèo được hưởng đầy đủ dịch vụ cung cấp nước sạch, mặc dù ở một số nơi đã được đấu nối, nhưng không đủ nước hoặc không có nước do hệ thống cấp nước xuống cấp, và chưa có kinh phí cải tạo, nâng cấp. Đa số các hộ trong khu nghèo tự khoan đào giếng để sử dụng, nên nước không đảm bảo chất lượng vệ sinh. Hệ thống thoát nước chủ yếu là cống, rãnh hở, mất vệ sinh. Nước thải sinh hoạt, chăn nuôi xả trực tiếp ra cống, đổ ra ao, hồ trong khu vực, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân chính gây ra các bệnh truyền nhiễm và bệnh hiểm nghèo trong dân. Rác thải thu gom không triệt để, phần lớn đổ xung quanh nhà, đổ không đúng nơi quy định, gây mất vệ sinh trong khu vực dân cư và ảnh hưởng đến môi trường sống của chính mình. Mạng lưới điện cũ, thiếu an toàn, chất lượng dịch vụ cấp điện còn thấp – thường xuyên xảy ra nhiều sự cố... người dân phải chi trả tiền điện với giá cao. Hệ thống điện chiếu sáng công cộng thì hầu như không có. Dịch vụ bưu chính viễn thông tương đối ổn định hơn so với các dịch vụ khác trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị ở các khu nghèo. Song mức độ chi trả tiền dịch vụ quá cao so với thu nhập của người nghèo. Nhà ở với diện tích thấp, đủ loại mái lợp, tường bao khác nhau (kiên cố, bán kiên cố, tạm bợ...), các công trình công cộng khác như: chợ, trường học, y tế, công viên, vườn hoa... đều cách xa khu nghèo.

Qua khảo sát của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy: Trong các khu đô thị nghèo: hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu thốn các dịch vụ cơ bản. Tốc độ đô thị hoá hiện đang tăng cao dẫn đến hiện tượng di cư ra thành thị ngày một lớn. Do đó, đói nghèo từ nông thôn đang dần chuyển sang thành thị. Hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của dân nghèo. Năm 2007 đã có hơn 20 triệu người dân nông thôn lên thành thị (chiếm 27,1%) và dự kiến tới năm 2010 sẽ có khoảng 35% và 2020 là 45%. Trong khi đó, động lực phát triển các đô thị Việt Nam còn yếu, tăng trưởng kinh tế chưa cân xứng với tăng dân số và hạ tầng kỹ thuật đô thị; sự phân bổ dân cư không cân đối và thêm nữa, còn sự cách biệt rất lớn giữa điều kiện sống ở đô thị và nông thôn ngay cả các vùng miền trong cùng một đô thị.

Các khu dân cư nghèo xuất hiện ở nhiều đô thị, rất đa dạng nhưng có thể nêu lên 4 loại khu dân cư nghèo tiêu biểu là:

+ Khu dân cư đánh bắt hải sản (dân vạn chài), đó là các khu dân chài nghèo ở các thành phố ven biển. Khu nghèo này chịu nhiều rủi ro kinh tế khi ngư dân đánh bắt gặp phải thời tiết xấu như bão, gió, thiên tai,... liên tục xảy ra. Ngoài đánh bắt hải sản theo mùa, họ còn làm các nghề tự do khác như: sơ chế hải sản, buôn bán chạy chợ và các dịch vụ khác,... vì thế thu nhập thường không ổn định, đời sống bấp bênh.

Nhà ở phần lớn là nhà tạm bợ, diện tích chật hẹp, mỗi căn hộ có khoảng 5 – 6 nhân khẩu sống trong gian nhà 30m2. Cơ sở hạ tầng thấp kém, đường sá hẹp, quanh co, mặt đường bằng đất cát, không được cấp nước, không có cống rãnh thoát nước, khi mưa thì ngập úng, nước thải sinh hoạt tự thấm xuống cát. Vệ sinh môi trường rất kém, không có hố xí tự hoại ở các gia đình. Người dân phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng, thậm chí không có nhà vệ sinh mà phải đi đại tiện ở bãi biển, bãi sông. Các hộ không có công tơ điện thường phải câu nhờ từ hàng xóm.

+ Khu dân cư nghèo nằm ở trung tâm các thành phố lớn.

Đặc điểm của các khu dân cư nghèo này là đa số làm nghề tự do, buôn thúng bán bưng, thu nhập thấp và không ổn định. Mật độ dân số cao: 200 – 300 người/ha. Nhà ở, có tới 70 – 80% là nhà tạm 1 tầng, 1 hộ trung bình có 6 – 7 người sinh sống, thậm chí có nhà chỉ có 30m2 mà có tới 3 thế hệ sống chung với nhau. Giao thông, khu phố có nhiều ngõ, hẻm, chiều rộng mặt hẻm hẹp từ 1 – 1,5 m, đi lại rất khó khăn. Mặt đường là đường cấp phối. Không có hệ thống thoát nước, chỉ có một số đoạn mương hở hoặc mương nắp đan, nước thải sinh hoạt chảy tràn trên mặt đường. Tình trạng vệ sinh rất kém, rác thải chưa được thu gom hết, có nhiều bãi rác đổ ngay trên mương trong khu dân cư, bốc mùi xú uế, nồng nặc. Các đường ống cấp nước và cống thoát nước chồng chéo lên nhau, gây khó khăn cho việc sửa chữa và bảo dưỡng đường ống. Mặt đường chật hẹp đến mức không thể lắp cột điện vào các ngõ, các hộ đều phải câu dây điện từ xa, dây điện mắc nhằng nhịt, không an toàn, tổn thất điện năng lớn.

+ Khu dân cư nghèo là những khu dân cư mới chuyển từ làng xã lên phường (từ làng xóm chuyển lên thành phố). Trong mấy năm gần đây, nhiều đô thị đã mở rộng ranh giới, thành lập các quận và phường mới. Đặc điểm chủ yếu của các phường mới chuyển từ xã lên phường là: Thu nhập của các hộ dân là thấp, tỉ lệ hộ thu nhập <300.000 VND/tháng/người là khá cao, chiếm trên 20%, có khu là 45%, vì đang trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề sản xuất công nghiệp và các chức năng chuyên dùng khác. Cơ sở hạ tầng của các khu dân cư nghèo loại này còn rất yếu kém, phổ biến nhất là chưa có hệ thống thoát nước, nước thải sinh hoạt chỉ thấm ra khu xung quanh, có khi chảy tràn trên mặt đường, nhiều khu chưa được cấp nước máy, nhân dân phải dùng nước giếng khơi và nước sông. Chất lượng nước không hợp vệ sinh, đường sá trong các khu dân cư chưa được quy hoạch và phần lớn mặt đường là đường đất, không có chiếu sáng công cộng ở các tuyến đường. Vệ sinh môi trường thấp kém, chỉ có một bộ phận hộ gia đình có hố xí bán tự hoại, số còn lại là dùng hố xí 2 ngăn, 1 ngăn, xí tạm không hợp vệ sinh; Rác thải sinh hoạt ít được thu gom, còn chôn lấp tại vườn nhà.

+ Khu dân cư nghèo bên cạnh các xí nghiệp công nghiệp.

Ngoài những khu nghèo xen kẽ trong các khu đô thị thì hiện tượng các khu nghèo đang bắt đầu xuất hiện của những công nhân lao động tạm bợ bên cạnh các xí nghiệp công nghiệp. Do các khu công nghiệp đầu tư ồ ạt, thiếu vốn, thiếu năng lực, không quan tâm đến nơi ở của công nhân đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường ở đô thị. Sự gia tăng các khu nghèo trong đô thị do tăng nhanh lao động từ công nghiệp và của học sinh các trường đại học dạy nghề mới ở thuê rải rác xen kẽ trong các đô thị lớn và các vùng ven đô đang là mối đe doạ làm cho đô thị nghèo đi và môi trường xuống cấp. Đây chính là một trong những hiện tượng mới, một hình thức làm nhanh chóng phát triển các khu nghèo kiểu mới và sự xuống cấp của các khu đô thị.

Đặc điểm chung của các khu dân cư nghèo tỉ lệ % hộ thu nhập thấp là khá cao, cơ sở hạ tầng, nhà ở thấp kém, môi trường bị ô nhiễm, nhiều bệnh tật phát sinh ảnh hưởng đến sức khoẻ của dân cư và sự phát triển bền vững của đô thị.

2. Tình hình cung cấp nước sạch cho các khu dân cư nghèo ở Việt Nam.

Nước sạch là một nhu cầu căn bản nhất của con người và là trọng tâm của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nó còn là yếu tố thiết yếu để xoá đói giảm nghèo. Nước sạch góp phần nâng cao sức khoẻ, giảm thiểu bệnh tật, tăng sức lao động, cải thiện điều kiện sống và mang lại một cuộc sống văn minh đang là đòi hỏi bức bách của người dân sống trong các khu dân cư nghèo.

Tuy nhiên, cho đến nay, ở nhiều khu nghèo, người dân vẫn đang sử dụng nước không hợp vệ sinh cho các nhu cầu sinh hoạt, dẫn tới các hậu quả là tỷ lệ mắc các bệnh lây lan do nước rất cao. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): 80% các bệnh đường ruột trên thế giới đều bắt nguồn từ nguồn nước không an toàn.

Hiện nay, hầu hết ở các khu nghèo, người dân phải tự lo nguồn nước sinh hoạt cho mình. Họ sử dụng đủ loại nguồn nước. Nước mặt bao gồm: sông, suối, ao, hồ, kênh rạch và các giếng mạch nông như giếng làng. Nước mưa hứng trực tiếp hoặc thu tà các mái nhà. Nước ngầm bao gồm: Nước ngầm mạch nông, mạch nước lộ thiên và nước ngầm sâu. Nước mưa không thiếu, nhưng tới 85 – 90% tổng lượng mưa chỉ tập trung vào mùa mưa, khoảng 4 – 5 tháng. Một vấn đề đáng quan tâm là chất lượng của các nguồn nước này bị ô nhiễm ở mức độ cao, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Hàng ngày, người dân nghèo vẫn tắm giặt, ăn uống bằng những nguồn nước này do không đảm bảo vệ sinh nên nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, bệnh ngoài da là rất cao.

Qua khảo sát tình hình sử dụng nước sinh hoạt của người dân ở những khu nghèo cho thấy, ở nhiều nơi người dân sử dụng nguồn nước mưa để phục vụ cho nhu cầu ăn, uống, nguồn nước ngầm lấy lên từ các giếng khoan và giếng khơi để tắm, giặt và phục vụ cho các sinh hoạt thường ngày khác. Đối với nước mưa, do sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp kéo theo lượng khí thải thoát ra từ các nhà máy tăng lên nhanh chóng. Khi mưa xuống, những chất thải độc hại theo nước mưa rơi xuống bể chứa nước của người dân. Người dân trực tiếp sử dụng nguồn nước này, rất dễ mắc bệnh.

Còn đối với các nguồn nước ngầm, không phải ở đâu nước lấy lên từ giếng khoan và giếng khơi cũng đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Nhiều nơi, hàm lượng sắt trong nước cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, chính vì vậy nếu sử dụng nguồn nước này sẽ gây ra những hậu quả không tốt cho sức khoẻ. Để hạn chế lượng sắt có trong nước, người dân đã thực hiện loại bỏ bằng cách xây bể lọc nước nhỏ, nhưng với phương pháp và trình độ kỹ thuật hạn chế, những giải pháp mà người dân nghèo đang thực hiện thì hiệu quả không cao. Lượng nước ngầm giờ đây ngày càng bị ô nhiễm do lượng chất thải và nước thải trong sinh hoạt, đặc biệt nguồn nước thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp ngày càng tăng. Ở những khu nghèo bên cạnh những làng nghề truyền thống như làm hương, dệt nhuộm, thu gom chất phế thải, đúc đồng, thuộc da... thì nguồn nước ngầm lại càng bị ô nhiễm nặng nề hơn. Nguồn nước ngầm người dân đang khai thác để sử dụng không những ngày càng bị ô nhiễm, mà còn có nguy cơ cạn kiệt. Ở nhiều nơi, nguồn nước ngầm không đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt tăng đột biến của người dân nghèo trong những tháng hè.

Đặc điểm của việc cấp nước trong các khu nghèo là thường phân tán nhỏ, lẻ. Nước ta trải dài trên 2000 km, điều kiện địa chất, thuỷ văn, khí hậu các vùng khác nhau rõ rệt. Vì vậy, việc lấy nước và sử dụng nước cho các nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng khác nhau:

Đối với khu nghèo vùng ven biển. Nguồn nước ngọt khan hiếm, nước mặt và nước mạch ngang bị nhiễm mặn. Nguồn nước họ dùng chủ yếu là nước mưa. Phương tiện chứa là chum, vại, bể gạch... Nhiều nơi, người dân vẫn dùng nước giếng khơi bị nhiễm mặn (nước lợ).

Các khu nghèo ở vùng trung du (độ cao 25 – 300m so với mặt nước biển). Có mạch nước ngầm nông, chất lượng nước tốt và đầy đủ. Nước mưa chỉ là nguồn hỗ trợ thêm.

Ở vùng núi thấp (độ cao 300 – 600m so với mặt nước biển). Các khu nghèo ở vùng này chủ yếu là dân tộc thiều số. Nguồn nước tự nhiên bị ảnh hưởng do nạn phá rừng. vào mùa khô, hồ chứa cạn nước, giếng đào cũng cạn. Đây là vùng khó khăn nhất về nguồn nước sinh hoạt.

Vùng núi cao (độ cao từ 600m trở lên). Ở đây, chủ yếu là dân tộc thiểu số sinh sống, vùng này có mật độ nghèo cao nhất trong cả nước. Các khu nghèo ở đây vẫn còn phong tục tập quán lạc hậu. Nguồn nước sinh hoạt của họ chủ yếu dựa vào nguồn nước ngầm mạch lộ thiên chảy từ các khe núi.

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nguồn nước mặt phong phú, các hộ nghèo dùng nước sông, nước ở các kênh rạch để uống còn rất phổ biến. Qua khảo sát ngẫu nhiên ở 100 hộ gia đình trong một khu nghèo thuộc tỉnh Long An cho thấy: Hơn 50% hộ nghèo uống nước sông, kênh, rạch trong mùa nắng. Trong mùa mưa, tỉ lệ này giảm xuống những vẫn ở mức cao hơn 30%.

Còn ở Vĩnh Long, qua khảo sát ngẫu nhiên ở 100 hộ gia đình trong một khu nghèo cho thấy:

Vào một mùa nắng, có 61% hộ gia đình sử dụng nước sông để uống. Vào mùa mưa, tỷ lệ này có thấp hơn nhưng vẫn ở mức trên 10%.

Vấn đề đáng lo ngại ở đây là hầu như nước lấy lên từ sông, rạch chỉ được xử lý qua loa trước khi uống. Đa số người sử dụng nước sông, mưa hoặc giếng đều nói là họ có xử lý nước trước khi uống. Tuy nhiên, khái niệm xử lý của những người được phỏng vấn có thể không hoàn toàn giống nhau. Đối với 85,2% người dùng nước sông, kênh có xử lý trong mùa mưa và 98,8% có xử lý trong mùa nắng, cách xử lý phổ biến nhất là cho lắng trong bằng phèn hoặc để lắng trong tự nhiên.

Chưa có một khảo sát quy mô về tình hình ô nhiễm của các dòng sông và kênh rạch ở Đông bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhưng trên thực tế dễ dàng thấy sự ô nhiễm trầm trọng của những con sông, kênh rạch bởi phân người từ những “cầu tiêu ao cá” trên sông, từ thói quen vứt tất cả xuống kênh, rạch của người dân. Khuynh hướng sử dụng thuốc trừ sâu ngày càng tăng dẫn đến một dư lượng thuốc trừ sâu tích lũy ngày càng nhiều trong nước sông. Trong tình hình dịch cúm gia cầm đang hoành hành như hiện nay, mức độ ô nhiễm ngày càng lớn bởi xác gia cầm, bởi phân và chất thải của loài thuỷ cầm bị bệnh. Lắng phèn và lắng trong tự nhiên không thể tách các độc chất như thuốc trừ sâu, các mầm gây bệnh nguy hiểm ra khỏi nước uống. Hàng ngày, người dân đang tự đầu độc cơ thể họ thông qua uống nước sông, kênh, rạch.

Có hai nguyên nhân khiến các hộ trong khu nghèo ở các tỉnh ĐBSCL vẫn uống nước sông:

Nguyên nhân khách quan: Khan hiếm nước ngọt, nhất là trong mùa nắng (không còn nước mưa “trời cho”). Chỉ có những hộ khá giả mới có lu chứa đủ nước để uống nước trong mùa khô. Những hộ nghèo, không có khả năng trữ nước mưa, trong khi đó, các giếng đào thì cạn kiệt. Một số địa phương như Đồng Tháp Mười có 6 tháng mùa nước nổi, người dân có khuynh hướng không sắm nhiều lu chứa nước mưa để khỏi mất công di chuyển chúng theo con nước, và cớ sao họ phải lo trữ nước khi xung quanh họ bốn bề là nước?

Các độc chất khác trong nước như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc cá có khuynh hướng tích luỹ nồng độ dần dần trong cơ thể. Do vậy, sẽ làm hao mòn sức khoẻ từ từ chứ không xảy ra tức thời. Tất cả đã tạo cho người nghèo tâm lý phớt lờ, mặc kệ, thậm chí họ không tin uống nước như vậy là có hại cho sức khoẻ. Khi được hỏi, câu trả lời của họ thường là “uống vậy từ đời nào tới giờ có ai bị bệnh đâu”.

Nguyên nhân chủ quan: Người dân hiểu và tin rằng: Nước sạch là nước trong. Trong đợt khảo sát trên 500 người ở 5 tỉnh ĐBSCL (Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp) vào tháng 2 năm 2007, thì có đến 400 người (chiếm tỷ lệ 80%) trả lời: “Nước sạch là nước trong”. Chính vì tin như vậy nên người dân chỉ cần lấy nước sông lên lắng phèn hoặc để lắng bùn cho nước trong là uống.

3. Kết luận

Vấn đề cung cấp nước sạch cho các khu dân cư nghèo trên thực tế còn nhiều khó khăn. Nhìn chung, các khu dân cư nghèo ở nước ta hiện nay chưa có hệ thống cấp nước công cộng, mà chỉ có nguồn nước công cộng với phương thức khai thác thủ công là sức người gánh nước từ các nguồn về nhà. Hơn nữa, sự hiểu biết về vệ sinh và sức khoẻ của người dân trong các khu nghèo còn thấp . Số đông dân cư ít quan tâm đến vệ sinh, xem việc cải thiện điều kiện cấp nước và vệ sinh chỉ là phụ. Phần lớn người dân không ý thức được hậu quả của việc dùng nước mất vệ sinh. Hơn nữa, họ còn có thói quen xem cấp nước và vệ sinh là lính vực được Nhà nước bao cấp và đầu tư.

Thiên tai cũng là nguyên nhân gây trở ngại không nhỏ trong quá trình cải thiện việc cấp nước sạch. Nguồn nước ở nhiều vùng bị nhiễm mặn, các vùng núi cao và vùng đá vôi thường thiếu nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Trong những năm vừa qua, khí hậu thời tiết có nhiều biến đổi bất thường, lũ lụt và hạn hán thường xuyên xảy ra làm cho tình hình cấp nước ngày càng khó khăn hơn. Chỉ một cơn lũ cũng có thể phá huỷ hoặc làm hỏng hàng nghìn giếng nước, công trình vệ sinh của người dân trong các khu nghèo.

Đề đạt được mục tiêu “phát triển thiên niên kỷ về nước sạch và vệ sinh môi trường” (đến năm 2015 giảm một nửa tỷ lệ người dân không được tiếp cận bền vững nước sạch và môi trường). Vấn đề cần phải thực hiện trước mắt:

Đẩy mạnh công tác thông tin – giáo dục – truyền thông về nước sạch cho người nghèo nhằm từng bước thay đổi hành vi uống nước của người dân. Cụ thể như sau:

Truyền thông cần giúp người nghèo hiểu rõ tác hại của nước uống không sạch đến sức khoẻ của họ. Cần làm cho họ hiểu thế nào là nước sạch.

Nên phối hợp các kênh truyền thông đại chúng với kênh truyền thông trực tiếp. Truyền thông đại chúng nên sử dụng ở giai đoạn đầu để làm tăng kiến thức của người dân, truyền thông trực tiếp mới là kênh chủ yếu giúp người dân thay đổi.

Khuyến khích người nghèo nấu nước chín trước khi uống, song song – cung cấp các hoá chất xử lý nước cho vùng lũ, những vùng khó khăn về chất đốt.

Vấn đề cần phải thực hiện trong tương lai:

Huy động sự tham gia mạnh mẽ của các ban, ngành, các nguồn tài trợ quốc tế và trong nước, vì cấp nước sạch là một lĩnh vực rộng lớn, nếu không có sự hợp tác và triển khai từ nhiều phía thì khó có thể thành công.

Xã hội hoá cấp nước cho khu nghèo, đầu tư xây dựng các mô hình cấp nước sạch phù hợp với khu nghèo ở từng địa phương.

( Theo TC Xây dựng, số 4-2008 )

http://www.wet-office.com/index.php?module=news&id=30

 

9- Đừng buộc những dòng sông phải “thay lòng đổi dạ” (Phần I)

thứ ba, 30/9/2008, 07:00 GMT+7

Khi những dòng sông đang dần “thay lòng đổi dạ”, khi các cuộc “tiếm ngôi”, “soán quyền” bá vương thống lĩnh những dòng chảy ngày càng phát lộ, công khai và đầy thách thức, khi ấy cũng là lúc những dòng sông nguyên sơ, trong mát biến mất khỏi cuộc sống thực tại, chỉ còn có thể hiện hữu trong kí ức!

Vẫn tự hào là đất nước của những dòng sông, đất nước có một nền văn hóa gắn bó sâu đậm với sông nước, thế nhưng đất Việt dường như đang để tuột khỏi tay mình những dòng sông trong xanh?

Xả nước thải không qua xử lí ra sông

Đã bao đời nay, cuộc sống của người dân Việt gắn chặt với sông, suối, kênh, rạch. Ở đó, có vui, buồn, có sự mất mát, chia li song cũng đầy ắp sự đoàn tụ, sum vầy. Ở đó, những chàng trai, cô gái Việt đã sinh ra, lớn lên và thực sự trưởng thành cùng dòng nước ngọt, nhẹ, êm ả trong suốt tuổi thơ của mình. Cũng nhờ đó mà những cánh đồng lúa, những ruộng ngô đã nảy mầm, đơm bông, trổ bắp! Những dòng sông gắn chặt định mệnh của mình với số phận của con người như một cuộc kết duyên kiếm tìm ấm êm, hạnh phúc! Song, có lẽ chúng cũng không bao giờ có thể ngờ mình sẽ trở thành kẻ bị phụ tình, bị bội bạc và hủy diệt bởi chính những người mà chúng đã mang cả tâm hồn, sinh mệnh để gắn bó!

Từ cái chết của sông Lữ, sông Nhuệ,… rồi mới gần đây nhất là sông Thị Vải, tôi hiểu những dòng sông đã thực sự bị bạc tình! Và chúng dường như đã khóc thật nhiều cho cái chết của mình song giọt nước mắt của chúng bị gạt đi quá nhanh, quá phũ phàng bởi hai tiếng lợi nhuận!

Nỗi đau của những dòng sông phải “thay lòng đổi dạ”

Cái sắc màu xanh lam trầm của rêu, của tảo, của những sinh vật phù du, cái sắc xanh lẫn nâu vàng của những bụi cỏ ven bờ, hay cái bóng nước lấp loáng dưới ánh sáng trắng của mặt trời, cái mờ ảo đầy thơ mộng, huyền bí trong những đêm trăng của các dòng sông giờ đây đều đang bị “rũ bỏ” không thương tiếc bởi chính con người.

Sông thay lòng, sông đổi dạ. Sông không còn muốn dung chứa những cái đã quá ư là xưa cũ, những cảnh vật đã quá ư là quen thuộc trong tâm trí của mỗi con người? Sông không muốn trở thành người lạc hậu, kẻ chậm tiến? Sông muốn “làm mới” mình cho hợp hơn, kịp hơn với cuộc sống hiện đại này? Có phải vì đó mà sông đã “từ chối” sắc xanh, vị trong của làn nước, của bóng cây ngọn cỏ quen thuộc mà tìm về với bùn tù, nước đọng, với sắc đen u ám và mùi hương quá ư đậm đặc? Quả thật, những dòng sông của nước Việt từ Bắc, Trung, Nam đều đang quặn mình mà biến đổi! Những dòng nước đen ngòm, hôi tanh nồng nặc, lập lờ, lững đững không trôi cũng chẳng chảy cứ dần một xuất hiện nhiều hơn, thay chỗ cho những dòng sông xanh. Chúng lặng lẽ nhưng ngày càng nhanh hơn trong sự xuất hiện của mình để rồi âm thầm tồn tại trong dạng thức mới với tất cả những đổi thay đến đau lòng ấy. Những sông Lừ, sông Sét, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Cầu Bây, sông Nhuệ, sông Đáy… và cả dòng sông mẹ (sông Hồng) của đồng bằng Bắc Bộ, sông Trà Khúc, sông Bồng Miêu, kênh Bầu Lăng,… của dải đất miền Trung, sông Tiền, sông Hậu, suối Linh, suối Săng Máu, sông Thị Vải,… cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt của đất rừng phương Nam đều đã, đang và sẽ nhanh chóng bị buộc phải thay lòng đổi dạ.

Sông Tô Lịch – nước đen dòng, rác ngự bờ

Những khu công nghiệp, khu chế xuất – vốn được xem là mảnh đất hứa, là cơ hội mới cho sự phát triển, hội nhập của đất nước với thế giới, là phương thức hữu hiệu để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân giờ trở thành “sát thủ” số một của những dòng sông, khiến những dòng sông phải oằn mình mà sống chung với rác, với nước thải, với sự ô nhiễm hạng nặng. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, các cơ sở kinh doanh,… tất cả cứ “vô tư”, “hồn nhiên” đổ tất cả những gì là cặn bã của mình vào lòng sông. Chúng cứ như những đứa trẻ chưa lớn, chưa thể ý thức được về cái mình đang đem đến cho những dòng sông. Hàng ngàn con số, hàng sự “hồn nhiên” có chủ đích của các nhà doanh nghiệp khiến chúng ta phải ngỡ ngàng khi được biết đến nó. Những mức chất thải cao gấp hàng nghìn lần cho phép được đổ thẳng ra lòng sông mà không qua bất cứ một quá trình xử lí nào: hầu hết nước thải của các nhà máy sản xuất ở 100 khu công nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long đều được tuồn thẳng ra các kênh rạch rồi đổ về sông Hậu hay như việc mỗi năm ở các cụm công nghiệp thuộc đồng bằng sông Cửu Long có gần 50 triệu m3 nước thải công nghiệp được thải trực tiếp ra môi trường. Và còn nhiều nhiều con số nữa khi được phanh phui ra mới hiểu thấy được tình trạng đáng báo động của việc xả thái ra môi trường một cách quá tự do và vô trách nhiệm của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Những thông số ô nhiễm hữu cơ (COD, BOD¬¬¬5) tại các dòng sông cạnh khu công nghiệp luôn đạt ở mức “đỉnh sàn” trong khi hàm lượng coliform (ô nhiễm vi sinh) thì cao ngất ngưởng. Với tất cả những sự “ưu ái”, “đầu tư” một cách kỹ lưỡng, có kế hoạch đó của các doanh nghiệp đã “giúp” các dòng sông không còn là một môi trường sống lí tưởng cho các loài động thực vật, là một phần quan trọng trong chuỗi tự nhiên giúp cân bằng hệ sinh thái môi trường, cũng không còn có thể mang đến những giá trị vật chất hay tinh thần cho người dân. Chúng trở thành những dòng nước thải, những cái cống lộ thiên hạng lớn vẫn đang được ưu ái gọi bằng hai tiếng “dòng sông” với tất cả những đặc điểm đặc trưng nhất của những “dòng kênh đen” từ màu sắc cho đến “hương vị”. Cũng chính bởi sự thay lòng của các con sông mà những cuộc thay ngôi đổi chủ đã, đang diễn ra ngày càng nhanh, mạnh hơn. Nước thay màu, đổi sắc, thay hương, đổi vị nên chủ nhân của những dòng sông cũng dần biến mất, nhường chỗ cho những vị vua mới.

Hình ảnh của những con sông rác – con sông chết có lẽ không còn quá xa lạ với người Việt Nam! Rác tiếm ngôi của tôm, cua, cá, của cả một hệ sinh vật phù du sông nước để độc chiếm dòng sông cho riêng mình! Rác chễm chệ, vênh vang và hãnh diện trong địa phận bất khả xâm của mình. Rác cứ vậy, lập lờ trôi, lập lờ du ngoạn, lập lờ chiếm dụng những địa phận mới. Khi những dòng sông trở thành dòng nước chết, mọi sinh vật không còn có thể sinh tồn trong một hệ môi trường vô cùng ô nhiễm như vậy thì sự lên ngôi của rác cũng là điều đương nhiên, có tính tất yếu trong chuỗi quy luật của sự sinh tồn. Sông chết trở thành nơi dung chứa rác thải của mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất trong đời sống của con người. Rác thải từ hộ gia đình, từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, từ các khu công nghiệp, các khu chế xuất cũng từ đó mà tìm ra sông! Những dòng sông không trôi nhanh chóng trở thành những vùng nước đọng, tù, lầy với đủ sự uế bẩn của nó! Vậy là những dòng sông từ chỗ buộc phải “thay lòng đổi dạ” tiến dần đến chỗ biến mất!

Sông chết – văn hóa sông chết!

Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam sống bên cạnh những dòng sông, gắn bó với nó cả về giá trị vật chất cũng như giá trị văn hóa tinh thần. Dòng sông cung cấp cho con người những nguồn lợi thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày, là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt đời thường của họ. Đó cũng là những huyết mạch quan trọng tạo nguồn phù sa cho những cánh đồng màu mỡ, giúp những cánh đồng có thể đảm nhận một cách tốt nhất nhiệm vụ cung cấp lương – thực phẩm cho cuộc cống. Đồng thời, văn hóa sông nước là một thành tố quan trọng trong tổng thể nền văn hóa dân tộc, có một sức ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tâm linh người dân Việt. Bởi vậy, khi những dòng sông biến mất, khi những dòng nước bị đổi màu, mất đi sức sống ngàn đời nay của nó thì nó cũng đồng thời để lại những khoảng trống lớn trong cuộc sống của người dân.

Xóm chài trên sông Hồng

Nguồn lợi từ sông suối, kênh rạch không còn, đó là cái mất đầu tiên - cái mất mát về mặt giá trị vật chất. Cuộc sống của không ít bộ phận dân cư Việt vốn phụ thuộc vào những nguồn lợi thu được từ dòng sông (đánh bắt, khai thác các loài thủy sản, các loài thủy sinh; khai thác các loại cắt, quặng) bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng khi những dòng sông bị ô nhiễm. Có những ngôi làng mà ở đó người dân quanh năm suốt tháng trong cuộc đời của mình sống dựa vào dòng sông với những nguồn lợi mà dòng sông đem lại như làng chài sông Hồng, làng Choán ven sông Chu, Thanh Hóa…Vốn gắn bó với những dòng sông, quanh năm dựa vào những nguồn lợi từ đó mà trang trải cuộc sống gia đình, tạo dựng tương lai cho các thế hệ con cái giờ họ phải tìm đến những cách thức sống mới, trong đó bao gồm cả những cách thức đầy vất vả, khó khăn rồi sai trái. Các hoạt động kinh tế trên những dòng sông cũng không còn có thể tiếp tục với những nguồn lợi lớn nữa. Một loạt các hoạt động nuôi thủy sản trên sông của người dân… đã bị thất bại bởi sự ô nhiễm quá cao của môi trường nước.

Bên cạnh sự biến mất của những giá trị vật chất thì có lẽ cần phải nhắc nhiều hơn đến sự mất mát về giá trị văn hóa tinh thần của những dòng sông với cuộc sống con người. Đời sống văn hóa sông nước vốn vẫn được xem là hết sức phong phú, đa dạng, đặc sắc của người Việt Nam với các lễ hội trên các dòng sông. Chúng ta biết đến chợ nổi Ngã Bảy như một nét văn hóa sông nước đặc trung của vùng đất Hậu Giang, biết đến những nét văn hóa đặc sắc của người dân Phú Yên qua lễ hội sông nước Tam Giang hay những tích xưa được lưu giữ truyền tụng trong lễ rước nước trên sông Hồng của người dân Hưng Yên,…Rồi còn đó tục thời các vị thần sông nước tại các ngôi đền, miếu trên khắp đất nước Việt Nam. Tất cả đều lưu giữ trong đó những nét văn hóa đặc sắc, đậm đà tính dân tộc. Thế nhưng, các hoạt động văn hóa sôi nổi, nhiều ý nghĩa trên sông nước này sẽ không còn cơ hội được tiếp tục và duy trì theo thời gian trên những dòng sông chết. Bạn có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó, bạn sẽ không còn có thể tham gia vào những lễ rước Chử Đồng Tử, hội đua thuyền, đua ghe trên khắp những con sống của cả nước,… mà chỉ còn có thể tìm hiểu nó qua những điều được ghi lại trong những cuốn sách? Sự biến mất của những hoạt động văn hóa trong đó bao chứa những nền tảng tinh thần quan trọng cho sự trưởng thành của những tâm hồn Việt thực sự là một sự tổn thất lo lớn nhất đối với đời sống của mỗi cá nhân nói riêng và nền văn hóa đất nước nói chung.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải nói đến sự ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên nói chung, môi trường sống con người nói riêng của những dòng sông bị ô nhiễm. Nó chính là những vách ngăn lớn cho sự phát triển một cách hoàn thiện của đời sống người dân sau này. Những dòng nước vốn chiếm giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định rất lớn đến sự tồn tại của tự nhiên và của người con người khi bị thay đổi sẽ kéo theo nó rất nhiều những biến động theo hướng bị hủy hoại. Bệnh dịch lan tràn, sức khỏe con người bị đe dọa. Những nguy cơ đó đều là những điều có thể xảy ra ngay vào lúc này. Và quan trọng hơn cả, đáng lo ngại hơn nữa là tất cả những hậu quả nghiêm trọng nhất đó của nó đều đổ xuống đầu của những người dân, đặc biệt là người dân nghèo sống bám trụ lay lắt bên bờ sông.

(Còn nữa)

Đỗ Hòa

 

http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nguoiquansat/5742/index.viet

 

10- Những con sông "sống mòn" ở Hà Nội (Bài 1): "Trâu Vàng" ngắc ngoải Thứ ba, 7/10/2008, 11:38 GMT+7

Trên thế giới, nhiều dòng sông trong nội đô đã trở thành một biểu tượng của thành phố. Nhưng đối với người Hà Nội, sống cạnh những con sông chảy quanh thành phố lại là... cực hình.

Thu gom rác tại sông Kim Ngưu (Ảnh: Lao động)

Bèo cũng không sống nổi

Sông Kim Ngưu, nghĩa là Trâu Vàng, gắn liền với một sự tích đẹp của Thủ đô Hà Nội, có chiều dài 7,7km, kéo từ ngã năm Lò Đúc đến cầu Văn Điển. Nhưng giờ đây, con sông đang oằn mình "hấp hối" giữa đô thị tấp nập.

Thấy chúng tôi chụp ảnh dòng sông đen kịt, đặc quánh bùn rác, bác Nguyễn Đức Long, 65 tuổi, sống ở đường Nguyễn Tam Trinh từ hàng chục năm nay chua xót: "Dòng sông thơ mộng thuở nào giờ toàn bốc mùi xú uế. Với sự đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, hai bên bề sông được kè kiên cố, hàng liễu được trồng đều tắp, nhưng nước sông thì vẫn quanh năm đen ngòm, có điểm xuyết màu xanh đỏ của ni lông, rác thải, nước thải".

Không hề thấy sự sống của bất kỳ loài động, thực vật nào ở đây, kể cà bèo, tảo. Nhưng hai bên bờ sông, hàng ngàn hộ dân vẫn sinh sống, buôn bán bình thường. Những hàng cơm bụi, giải khát, thịt chó... vấn tấp nập người ra vào.

"Chúng tôi biết ô nhiễm, nhưng giữa nơi đất chật người đông thế này, biết chuyển đi đâu. Lo nhất là lũ trẻ bởi chúng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, ngoài da. Mấy đứa con tôi đều có dấu hiệu bị viêm xoang" - một người dân sống ở phố Kim Ngưu thổ lộ.

Gọi là sông Kim Ngưu, nhưng từ lâu sông đã trở thành cống lớn. Sự ô nhiễm nặng nề trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân nơi đây. Chị Mai Hoa, nhà ở khu tập thể Quỳnh Mai, khu vực tập trung đông dân cư nhất trên chiều dài con sông, cho biết: "Từ năm 2000, lúc kè con sông này, người dân chúng tôi đã hy vọng tình trạng ô nhiễm sẽ được cải thiện. Song rốt cuộc, cảnh quan thì có vẻ thay đổi phần nào, còn sự ô nhiễm mỗi ngày một nặng nề hơn. Vào những ngày nóng, các nhà ở đúng hướng gió thổi đều phải đóng cửa. Chiều đến, không dám cho mấy đứa trẻ chơi đùa bên bờ sông".

Bà Thúy, chủ ruộng rau muống ở phường Vĩnh Tuy, ngay cạnh Khi công nghiệp Vĩnh Tuy bức xúc: "Trước đây, tôi vẫn thả rau muống trên ruộng nước này, nhưng gần đây nước trong ruộng đã đen kịt. Bây giờ phải quấn ni lông vào người mới dám lội xuống nước. Ngâm người trong thứ nước này là bị mẩn đỏ khắp người". Hầu hết những thửa ruộng xung quanh đều chung tình trạng tương tự, bị nguồn nước thải từ các nhà máy trong Khu công nghiệp Vĩnh Tuy làm ô nhiễm nặng.

Triết lý... thành bùn!

Dự án cải tạo, xây dựng kè và nạo vét làm sạch lòng sông Kim Ngưu trị giá khoảng trên 20 tỷ đồng và được triển khai từ năm 2000. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn kè đang bị sụt, lún nghiêm trọng. Còn dòng sông vẫn bị ô nhiễm nặng nề và ngày đêm vẫn hứng chịu những "trận đòn" nước thải, rác thải, để làm dày thêm lớp bùn đen bốc mùi nồng nặc.

Dự án kè hai bên sông Kim Ngưu dài 2.000m, có tổng mức đầu tư hơn 21 tỉ đồng - hiện bị sụt lún nghiêm trọng tại nhiều đoạn

Dọc các tuyến phố Kim Ngưu, Mai Động, Tam Trinh... nhiều đoạn kè hai bên sông đã xuất hiện những vết rạn nứt, có đoạn cả vỉa hè (rộng khoảng 10m), rào chắn, kè bờ sông đều bị sụt, lún sâu gần 1m và chực đổ xuống sông.

Những khối bê tông, kè đá của bờ sông ở một số đoạn bị vỡ thành từng mảng, làm "thắt nút chai" lòng sông. Người dân phản ánh, hiện tượng sụt, lún xuất hiện từ lâu, các đơn vị thi công cũng đã nhiều lần sửa chữa, nhưng tình trạng sụt, lún lại ngày càng sâu và nghiêm trọng hơn.

Đại diện Ban quản lý Dự án công trình giao thông công chính (Sở Giao thông công chính Hà Nội) cho biết: Dự án cải tạo sông Kim Ngưu nằm trong dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I, đã được bàn giao cho các phường từ năm 2000 và trong quá trình sử dụng chưa có "vấn đề gì lớn" xảy ra. Hiện tượng sụt, lún là do các dự án làm vỉa hè, lòng đường mới gây ra, vì địa chất ở đoạn này vốn rất yếu.

Có vẻ như tiền tỷ đổ ra đầu tư nạo vét, cải tạo ô nhiễm sông Kim Ngưu đang dần hóa thành... bùn. Việc vớt rác thải trên bề mặt sông không được thực hiện thường xuyên và cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Chỉ còn hơn 700 ngày nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vậy mà một dòng sông huyền thoại vẫn phải chịu cảnh "sống mòn".

Theo Tiến Hiếu - Hồng Hạnh

Những con sông "sống mòn" tại Hà Nội (Bài 2): Sông biến thành cống Thứ hai, 13/10/2008, 12:07 GMT+7

Cùng với Kim Ngưu, các dòng sông khác là Tô Lịch, Lừ, Sét, Nhuệ ở Hà Nội cũng đang phải ngày đêm gồng mình hứng nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý

Bịt mũi qua sông

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tổng lượng nước thải của khu vực nội thành hiện nay đạt khoảng 500.000 m3/ngày đêm, trong đó có khoảng 100.000m3 nước thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, bệnh viện... tất cả lượng nước thải này đổ thẳng ra sân.

Theo đánh giá chung, các dòng sông này đều đang bị ô nhiễm nặng, vì "chở nặng" các chất hữu cơ, vô cơ, vi sinh vật, dầu mỡ... Sông nào cũng có làn nước đen, mùi hôi thối, nhất là vào mùa khô.

Bên cạnh đó, do không có nguồn nước bổ sung, độ dốc nhỏ khiến tốc độ chảy chậm, nên các dòng sông không có khả năng tự làm sạch, độc tố tích tụ lâu ngày, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt và cả nguồn nước ngầm.

Một ống cống đổ ra sông Nhuệ

Trong số hàng trăm cơ sở của thành phố từ sản xuất công nghiệp, dịch vụ, đến bệnh viện... gây ô nhiễm môi trường trực tiếp mới chỉ có khoảng 70 cơ sở có trạm xử lý nước thải. Và con số ít ỏi đó, rất ít trạm đạt tiêu chuẩn.

Tốc độ đô thị hoá nhanh nhưng quy hoạch xây dựng thiếu đồng bộ, cộng với sự thiếu ý thức của người dân sống gần các con sông đang tạo ra sự ô nhiễm nặng nề. Những người dân sống cạnh sông Tô Lịch phản ánh, con sông là nơi tiếp nhận đủ loại nước thải, ô nhiễm nặng nhất là đoạn chạy dọc đường Láng xuống đến Ngã Tư Sở.

Ngoài việc phải hứng chịu một khối lượng lớn nước thải của nhiều nhà máy, xí nghiệp, chợ... đổ ra, dòng sông còn tiếp nhận gần chục nhánh kênh rạch nhỏ từ các phường trong nội thành, cộng với nước thải sinh hoạt từ các đường cống đổ thẳng vào.

Sông Sét, đoạn chảy qua 2 phường Bách Khoa, Trương Định (quận Hai Bà Trưng) cũng đang ngày đêm chịu chung cảnh ''hấp hối" như sông Tô Lịch. Do chảy qua nhiều khu trường Đại học, chợ, khu tập thể... nên dòng sông phải hứng lượng rác thải khổng lồ. Hai bên bờ sông đã được bồi lấp bằng lượng rác thải xả trực tiếp từ bao năm nay, khiến dòng sông chỉ còn hẹp như một con rạch nhỏ.

Ở bên dòng sông Nhuệ, bà Lê Thị Hà, ở thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) gắn bó cả cuộc đời bên dòng sông chua xót: "Chưa bao giờ nước sông Nhuệ đáng sợ như bây giờ, toàn bốc lên mùi tanh nồng. Các cơ quan chức năng và lãnh đạo các cơ sở sản xuất hoá chất, công nghiệp tại thị trấn đã cam kết hết lần này đến lần khác về việc hạn chế nguồn thải thẳng ra sông, song cuối cùng đâu lại vào đấy. Người nào qua lại khu vực này mà không đeo khẩu trang, không lấy tay bịt mũi mới là lạ".

Bao giờ trở lại... ngày xưa

Trong khi tốc độ ô nhiễm tại các dòng sông gia tăng nghiêm trọng thì tốc độ di dời, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm cho các dòng sông ở Hà Nội lại chậm như rùa. Mà càng chậm thì càng tốn thêm nhiều chi phí bởi sự tích tụ ô nhiễm dẫn đến tác hại tăng theo cấp số nhân.

UBND TP Hà Nội đã giao cho các cơ quan chuyên ngành môi trường, đô thị, giao thông công chính lập các đề án tổng thể để chủ động khắc phục tình trạng ô nhiễm của các con sông. Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2015, thành phố mới có thể di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm ra khỏi nội đô bởi muôn vàn lý do như thiếu đất, kinh phí...

Trao đổi về vấn đề làm sạch các dòng sông ở Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Môi trường (Bộ tài nguyên và Môi trường) Bùi Cách Tuyến cho biết: "Việc xử lý ô nhiễm ở các lưu vực sông không thể ngày một ngày hai mà theo từng giao đoạn khác nhau. Chúng ta lựa chọn vấn đề theo mức độ quan trọng, cái nào cấp bách cần được ưu tiên giải quyết trước. Những vấn đề ít cấp bách hơn có thể đưa vào danh mục để xử lý dần dần. Rất khó để khẳng định sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm ô nhiễm trong mỗi giai đoạn. Do đó, việc ước lượng rằng trong thời gian bao lâu có được kết quả tối ưu là rất khó".

Bao giờ Tô Lịch, Kim Ngưu... trở lại ngày xưa, là những con sông làm đẹp cho thành phố? Câu trả lời còn bỏ ngỏ.

Theo Tiến Hiếu - Hồng Hạnh

http://tintuconline.com.vn/vn/xahoi/227285/

 

 

11- Ô nhiễm do chất thải công nghiệp ở Đà Nẵng

Liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng, tại Đà Nẵng đã xuất hiện hiện tượng cá chết nổi hàng loạt tại hai hồ Xuân Hoà A và hồ công viên 29.3. Theo kết quả từ Trung tâm Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng), nguyên nhân của hiện tượng trên là do nguồn nước ở hồ có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm phênol (là chất gây độc làm chết cá) và một số kim loại nặng không sử dụng được vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản tại hồ; hàm lượng ôxy hoà tan trong nước hồ bị suy kiệt. Báo cáo đánh giá và phân tích tác động ô nhiễm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở VN vừa được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 27/6, Đà Nẵng xếp thứ 8/10 thành phố của Việt Nam có tải lượng ô nhiễm cao nhất trong công nghiệp!

Trong khi dư luận Đà Nẵng chưa hết lo ngại về hiện tượng cá chết phơi bụng nổi trắng hồ Xuân Hoà A vào các ngày 18 đến 21.8 thì những ngày đầu tháng 9.2008, tại hồ công viên 29.3, hàng tạ cá chết nổi phơi xác khiến một đoạn đường Nguyễn Tri Phương bốc mùi tanh ngòm. Tuy chưa có cơ quan nào khẳng định rằng liệu có mối liên hệ gì giữa những số liệu quan trắc môi trường nước của thành phố Đà Nẵng với các hiện tượng cá chết này hay không. Nhưng trên thực tế, chất lượng nước tại các ao hồ của Đà Nẵng đang ngày càng kém dần. Theo khảo sát của Viện qui hoạch thành phố Đà Nẵng đối với 15 hồ có diện tích trên 5.000m2 từ năm 2001 đến nay, hầu hết đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, thuỷ sinh khó có thể tồn tại. Đơn cử, theo kết quả quan trắc chất lượng nước và bùn đáy tại hồ Xuân Hoà A, thì nguồn nước hồ có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm phênol (là chất gây độc làm chết cá) và một số kim loại nặng không sử dụng được vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản tại hồ; hàm lượng ôxy hoà tan trong nước hồ bị suy kiệt. Hàm lượng DO trong nước thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn phục vụ cho đời sống thuỷ sinh, pH cao và một số các chất hữu cơ như BOD5, COD, TSS, NH3-Nitrit đều vượt tiêu chuẩn Việt Nam đối với khu vực thuỷ sinh.

Hồ Đầm Rong (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), từ hàng chục năm nay luôn đứng đầu bảng danh sách các hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng của Đà Nẵng. Nước thải từ 6 miệng cống đổ vào hồ luôn đen ngòm, hôi thối. Anh Nguyễn Đình Tuy, người dân sinh sống bên hồ bức xúc: “Từ khi đến sinh sống ở đây, chưa bao giờ nước trong hồ có màu khác ngoài màu đen với đầy váng, bọt. Từ mùa mưa cho đến mùa nắng, dân quanh đây đều bị tra tấn bởi mùi hôi thối, tanh tưởi”. Nằm cạnh đường Nguyễn Tất Thành - “tuyến đường vàng” ven biển, nhưng từ lâu sông Phú Lộc được biết đến với tên gọi là “sông đen”. Sông Cu Đê, hồ Bàu Tràm cũng đang đứng trước nguy cơ “có những dòng sông không trở lại”. Nước thải ô nhiễm, chưa được xử lý từ Khu công nghiệp Hoà Khánh, Liên Chiểu mặc sức chảy vào hồ Bàu Tràm rồi đổ về sông Cu Đê khiến môi trường tại đây càng phức tạp. Hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh khu vực luôn trong cảnh “sống dở chết dở” vì môi trường nước bị ô nhiễm, kế sinh nhai bị đe doạ, cá tôm, cây trồng đều bị chết hàng loạt do nước bị ô nhiễm. Chưa dừng lại, các căn bệnh như: ngứa, ghẻ lở, hô hấp, sốt xuất huyết…thường xuyên “đe doạ” người dân. Ông Võ Đức Trung ở xã Hoà Liên cùng các hộ lân cận cho biết: “Trước kia các gia đình nuôi trồng thuỷ sản trong vùng có thu nhập cao và ổn định. Nhưng kể từ khi nước thải từ KCN Hoà Khánh chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra Bàu Tràm rồi ra sông Cu Đê làm cho tôm cá đang nuôi bị nổ mắt, lở da, chết hàng loạt, cuộc sống người dân khu vực trở nên khó khăn”. Tính đến thời điểm này, Đà Nẵng có 17 bệnh viện, trung tâm y tế và 700 phòng khám chữa bệnh chưa có hệ thống xử lý nước thải đồng bộ; 5 KCN nhưng mới chỉ có 1 trạm xử lý nước thải tại KCN Hoà Khánh, song chỉ có khoảng 20% lượng nước thải tại KCN Hoà Khánh được thu gom và xử lý. Hàng ngày, tất cả lượng nước thải chưa được xử lý này vẫn đổ trực tiếp ra môi trường xung quanh. Dọc ven biển Đà Nẵng, có khoảng vài chục miệng cống hàng ngày vẫn vô tư xả nước thải ra biển. Có lẽ chính vì vậy mà dù phải đóng tiền phạt vì hành vi xả nước thải vượt chỉ tiêu cho phép nhưng 6 doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp dịch vụ thuỷ sản Đà Nẵng và khu cảng cá Thuận Phước vẫn không “tâm phục khẩu phục”. Ông Nguyễn Văn Chín - Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu - (doanh nghiệp vừa bị UBND thành phố phạt 32 triệu đồng) cho biết: “Nếu không giải quyết được triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây thì việc phạt cũng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa mà thôi. Phạt chỉ là biện pháp tức thời, còn để giải quyết triệt để, tại đây cần phải có nhà máy xử lý nước thải cũng như hệ thống cống rãnh thoát nước tốt”. Bởi như nhận xét của ông Nguyễn Đức Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ sản Nhật Hoàng - cho biết: “Hệ thống thoát nước thải ở đây rất xập xệ, nhiều lúc nước thải từ ống thoát chung lại chảy ngược vào công ty! Chúng tôi phải xây rào chắn”.

PGS.TS Nguyễn Thưởng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết : “Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ mất dần hệ thống ao hồ do ô nhiễm môi trường và cạn nước nếu không có biện pháp khắc phục và xử lý thì tình hình ô nhiễm như hiện nay. Chính quyền thành phố cần có những động thái tích cực nhằm bảo vệ hệ thống ao hồ bằng những biện pháp sinh học, tránh các trường hợp san lấp hồ”.

Hà Ánh Ngọc

http://www.gdtd.com.vn/gdtdroot/2008-119/bai10.htm

Thứ Năm, 26/06/2008 - 3:55 PM

 

 

12- Ô nhiễm môi trường vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

Ngày 8/5/2008, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) quốc gia đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức Hội nghị Điều phối phát triển vùng KTTĐ Bắc bộ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã tới dự và có bài phát biểu. Về vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước do chất thải công nghiệp và đô thị ngày càng tăng, ô nhiễm trên một số con sông như sông Cầu, sông Nhuệ... đã đến mức báo động. Việc xử lý chất thải rắn đang là vấn đề nan giải, cần có kế hoạch phối hợp liên tỉnh để xử lý hiệu quả. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào cho bài toán về môi trường của Việt Nam hiện nay và tương lai?

1. Hiện trạng ô nhiễm môi trường

Theo báo cáo, trong 5 thập kỷ qua, diện tích che phủ rừng của Việt Nam đã giảm từ 43% xuống còn 29%, gây sói mòn đất, mất cân bằng sinh thái và khu hệ sinh sống, làm cho nhiều loài động, thực vật có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.

Bức xúc nhất là vấn đề nước thải, chất thải CN, chất thải rắn, chất thải sinh hoạt đang là vấn đề gây ô nhiễm nghiêm trọng tại các khu công nghiệp (KCN), nhất là nước thải. Có những tỉnh, khu xử lý nước thải chỉ có khoảng 15%.

Một quan chức cấp cao của Nhà nước nói: “Đã đến lúc chúng ta không thể lùi được nữa, không thể tiếp tục hi sinh chất lượng môi trường cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu GDP tăng 1%, thì chất thải tăng 3%. Nếu tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt tại thời điểm hiện nay và cả thế hệ mai sau. Chất lượng cuộc sống sẽ giảm và không bảo đảm thực hiện được ba mục tiêu phát triển bền vững là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”.

2. Môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy – S.O.S

Theo Bộ KH&CN thì hiện nay, ba hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong mấy năm qua, Chính phủ đã rất cố gắng chỉ đạo, phân công các bộ, ngành, địa phương phối hợp, xử lý ô nhiễm ba hệ thống sông này, nhưng đến nay vẫn chưa có một mô hình nào có tính khả thi cao. Các dòng sông bị ô nhiễm vẫn đang tiếp tục chảy và đang bị ô nhiễm trầm trọng hơn.

Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nằm ở hữu ngạn sông Hồng với diện tích tự nhiên gần 8.000 km2 chạy qua các tỉnh Hoà Bình, Hà Tây, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Do lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có nhiều phụ lưu lớn chảy qua các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, tụ điểm dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ, làng nghề,... nên chịu ảnh hưởng nặng nề của các hoạt động kinh tế - xã hội. Chính vì thế, nguồn nước tại lưu vực các con sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo kết quả phân tích mới nhất của các cơ quan chuyên môn cho thấy, chất lượng nước tại lưu vực các sông này đang ở mức báo động. Phân tích mẫu nước tại sông Tô Lịch, sông Thanh Hà, sông Nhuệ, sông Châu, sông Hoàng Long, sông Đáy... đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng chất hữu cơ, các yếu tố kim loại nặng. Tại sông Nhuệ, do phải tiêu nước cho thành phố Hà Nội và thị xã Hà Đông nên nước bị ô nhiễm nặng. Tại đây cũng đã xuất hiện nhiều sự cố về môi trường như hiện tượng cá chết hàng loạt do xả nước thải của thành phố vào mùa cạn với lưu lượng lớn. Sông Nhuệ nhận nguồn thải và nước mưa của Hà Nội trong tổng diện tích lưu vực là 107.503 ha. Trên diện tích đó, khu vực ảnh hưởng của Hà Nội là 20.093 ha, bao gồm một phần diện tích của huyện Thanh Trì và Từ Liêm. Kết quả phân tích mẫu nước tại Hoàng Liệt cho thấy, nước bị ô nhiễm quá nặng, hàm lượng COD trung bình đạt từ 180 - 200 mg/l; BOD trung bình đạt 100-150 mg/l, vượt quá tiêu chuẩn A từ 10 - 20 lần, vượt quá tiêu chuẩn B từ 8 - 15 lần. Hàm lượng oxy hoà tan thấp dưới 4,0 mg/l, nước có màu đen đặc, có váng và có mùi hôi tanh, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường không khí.

Nước trên sông Nhuệ tại Phủ Lý (mặc dù nước thải đã được pha loãng và tự làm sạch nhiều lần, hàm lượng và các chất đã giảm), vẫn không đạt tiêu chuẩn A. Kết quả khảo sát cho thấy, hàm lượng BOD, COD, oxy hoà tan vẫn vượt quá tiêu chuẩn A từ 1,5 - 2,2 lần.

Sông Đáy là con sông chính, có chế độ dòng chảy phức tạp do ở thượng lưu đã bị chia cắt khỏi sông Hồng, lại chịu ảnh hưởng của các con sông nhánh, các đoạn hạ lưu và thuỷ triều, do vậy, việc cấp nước và tiêu nước cũng rất phức tạp. Chất lượng nước sông Đáy thay đổi thất thường, phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nước thải từ sản xuất và sinh hoạt xuống các kênh mương. Qua khảo sát tại đoạn Ba Thá - Chương Mỹ cho thấy, nước sông Đáy chịu ảnh hưởng bởi nước tiêu nông nghiệp và nước thải sinh hoạt của thị trấn Thanh Oai. Vào mùa kiệt, các chất hữu cơ như COD đạt từ 18 - 26 mg/l, vượt quá tiêu chuẩn A từ 1,3 -1,8 lần, Hàm lượng NH4 đạt từ 0,5-0,75 mg/l, vượt quá tiêu chuẩn A cho phép từ 5 - 7 lần. Đoạn tại Hồng Phú - Phủ Lý là nơi nhập lưu của 3 con sông: Nhuệ, Đáy, Châu Giang, nước bị ô nhiễm chất hữu cơ, hàm lượng COD trung bình đạt từ 20 - 30 mg/l vượt quá tiêu chuẩn A từ 1,4 - 2 lần. Hàm lượng NO2, SS cao. Nồng độ dầu có trong nước đạt trên 0,32 mg/l, không đạt tiêu chuẩn B. Chất lượng nước đoạn sông này không đạt tiêu chuẩn dùng để cấp nước cho sinh hoạt.

Đặc biệt, nước sông Tô Lịch thường xuyên xả vào sông Nhuệ với lưu lượng trung bình từ 11-17 m3/s, lưu lượng cực đại 30m3/s. Sông Tô Lịch đón nhận toàn bộ nước thải từ hai quận Ba Đình, Đống Đa và nhiều sông nhánh khác, do vậy, sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm nặng, sông Nhuệ thì hiện đang mất dần khả năng tự làm sạch và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng. Lưu vực hai con sông này rộng tới 8.000 km2, với dân số gần 9 triệu người và trên 3,5 triệu người sống dọc triền sông. Do vậy, người dân sống trong lưu vực này đang đứng trước những hiểm họa tiềm ẩn về môi trường. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân tỉnh Hà Nam. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội, tại xã Hoàng Tây (ven sông Nhuệ) có đến 21% trẻ em dưới 5 tuổi bị tiêu chảy, 86% trẻ em nhiễm mắc bệnh giun đũa... Tại huyện Lý Nhân, có đến 30% bị bệnh về đường ruột, đặc biệt là tại thị trấn Vĩnh Trụ có đến 50% bị bệnh phụ khoa, do nguồn nước ô nhiễm. UBND tỉnh Hà Nam đang mong muốn Trung ương hỗ trợ, nâng cấp và di chuyển Nhà máy nước thị xã Phủ Lý lên phía thượng lưu sông Đáy, cách ngã ba sông thị xã Phủ Lý 1.200 m (hiện nay cách 700 m) để thoát khỏi tình trạng ô nhiễm nguồn nước của sông Nhuệ.

Một tin mừng là, ngày 29/4/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2020”, với mục đích giải quyết vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

3. Nguyên nhân nào dẫn đến ô nhiễm môi trường

Luật Bảo vệ Môi trường được QH thông qua năm 2005, có hiệu lực từ 01/07/2006. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại chủ yếu là, đội ngũ cán bộ, lực lượng kỹ thuật bảo vệ môi trường còn mỏng về số lượng và yếu về nghiệp vụ; phương tiện quan trắc môi trường, phân tích, thí nghiệm nói chung vẫn còn thiếu và yếu. Vì vậy, việc kiểm tra xử lý vi phạm môi trường còn bị buông lỏng, chưa làm thường xuyên, ý nghĩa giáo dục, răn đe còn bị hạn chế.

Ngoài ra, việc thực hiện Luật của chúng ta ngay từ đầu không nghiêm. Lý do chính là trên thực tế chưa xác định rõ ràng quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cũng như chưa có những chế tài buộc họ phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Đây là căn bệnh của nền hành chính nước nhà, không biết đến khi nào mới sửa được?

Ví dụ, trong Luật quy định có tới 20 điều về trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh về bảo vệ môi trường. Nhưng qua đợt giám sát, chưa có tỉnh, thành nào ban hành đầy đủ văn bản, trách nhiệm thực hiện Luật theo thẩm quyền của mình. Có một số tỉnh đã ban hành một số văn bản nhưng khâu triển khai, kiểm tra đôn đốc, xử lý vi phạm còn yếu nên không đánh giá được cá nhân, DN nào làm tốt hay chưa tốt và cần áp dụng biện pháp kinh tế, hành chính, xử lý hình sự nào.

Luật BVMT chưa có hiệu quả vì nhiều quy định không thực hiện được và chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Được biết, hiện nay, Bộ TN-MT đã liệt kê 600 nhà máy nằm trong danh sách đỏ phải di dời, nhưng vẫn chưa có chó tài buộc di dời các nhà máy đó đi được?

Vấn đề phạt chỉ là giải pháp tạm thời mang tính chất cảnh cáo. Còn mức phạt hiện nay tối đa là 70 triệu đồng, thì nhiều DN thay vì phải đầu tư nhiều tỷ đồng vốn cho công nghệ xử lý rác thải, họ sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục xả chất thải trực tiếp ra môi trường.

Hàng năm, với khoản kinh phí 1% ngân sách nhà nước chi cho công tác quản lý môi trường; bộ máy quản lý, trình độ nghiệp vụ, phương tiện và sự công tâm của công chức như hiện nay, thì mục tiêu của Nhà nước đề ra đến năm 2010, chúng ta sẽ xử lý cơ bản các KCN trọng điểm gây ô nhiễm thì có thể khẳng định không thực hiện được. Bởi lẽ, Bộ TN-MT và Bộ Tài chính đã có thông tư liên tịch về sử dụng kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường là 1% ngân sách nhà nước. Nhưng, trong mấy năm qua, việc chi chưa đúng và chưa hiệu quả còn diễn ra ở nhiều địa phương. Theo báo cáo của Bộ TN-MT, nhiều tỉnh chỉ giữ lại 10 - 15% cho hoạt động bảo vệ môi trường ở tỉnh, phần còn lại chia cho các huyện và cũng thiếu cơ chế kiểm tra việc thực hiện các khoản chi này.

4. Một số kiến nghị

Muốn BVMT nói chung và khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng với mục tiêu cùng xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thì:

- Các tỉnh, thành phố cần chủ động tăng cường kiểm soát nguồn thải của các nhà máy, xí nghiệp, dịch vụ, làng nghề trên địa bàn. Thực hiện các biện pháp cưỡng chế các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà không có khả năng giảm thiểu và di dời.

- Điều đáng quan tâm nhất hiện nay, là sự bất hợp lý về phát triển đô thị và khu công nghiệp. Cụ thể, phát triển đô thị nhanh nhưng chưa có quy hoạch xứng tầm, việc lập các đề án đô thị mới ồ ạt, không hiệu quả và gây lãng phí.

- Các cơ quan chức năng của Nhà nước phải nhận diện được những vấn đề cần ưu tiên cấp bách, làm cơ sở cho các nhà quản lý môi trường Việt Nam hoạch định chính sách môi trường Việt Nam.

- Nhà nước cần đầu tư kinh phí vào những dự án môi trường để không còn cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu, ô nhiễm nặng và thiếu văn minh... vốn là “đặc trưng” ở nhiều khu vực, trong đó có nhiều con mương nước đen lộ thiên ở Hà Nội. Rác thải, nước thải đang bị con người vô tư đẩy xuống lòng mương. Mùa mưa, rác thải làm ách tắc dòng chảy thoát nước. Đặc biệt, Hà Nội lại đang gấp rút hoàn thiện những công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Đại lễ 1.000 năm Thăng Long chắc chắn còn phải chứng kiến sự lộ thiên của các mương nước ô nhiễm. Một Thủ đô văn minh – một thành phố lớn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc lẽ nào lại để tồn tại những nguy cơ về dịch bệnh, những dòng nước đen kịt bốc mùi ô nhiễm len lỏi trong các khu dân cư?.

http://irv.moi.gov.vn/News/PrintView.aspx?ID=19654

 

 

13- Nợ môi trường: GDP tăng 1%, chất thải tăng 3%

GDP tăng 1%, chất thải tăng 3%. Nếu tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt trong hiện tại cũng như mai sau... Ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường (KH-CN &MT) Quốc hội Nghiêm Vũ Khải. Trong các tháng đầu năm nay, Ủy ban KHCN &MT Quốc hội do Phó chủ nhiệm Ủy ban Nghiêm Vũ Khải làm trưởng đoàn đã có đợt đi kiểm tra tình hình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường ở một số khu công nghiệp (KCN), kinh tế và đô thị trên cả nước. Phóng viên VietNamNet đã có buổi trao đổi với Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN &MT Quốc hội Nghiêm Vũ Khải xung quanh vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay.

Qua đợt kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường ở nhiều cơ sở trên cả nước, theo ông, vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam nghiêm trọng đến đâu?

Vấn đề nước thải, chất thải CN, chất thải rắn, chất thải sinh hoạt đang là vấn đề gây ô nhiễm nghiêm trọng tại các KCN, nhất là nước thải. Có những tỉnh, tỷ lệ KCN có khu xử lý nước thải chỉ đạt 15%. Các cơ sở sản xuất, nhất là các xí nghiệp sản xuất nhuộm, giấy, thuộc da là những DN thải ra lượng nước thải hàng nghìn m3/ ngày. Lượng nước thải này thấm sâu vào lòng đất, tầng nước ngầm và chảy ra các dòng sông gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước. Điển hình như sông Thị Vải hiện nay có những khúc sông người ta gọi là sông chết.

Bản thân Thị Vải không phải là một con sông mà là một vịnh hẹp ăn sâu trong đất liền, do vậy lượng nước thượng nguồn rất ít và hầu như không có sự lưu thông. Do sông Thị Vải thuộc địa phận hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu nên việc phân công trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm dòng sông này chưa có sự thống nhất và gây nhiều tranh cãi. Cũng may sông Thị Vải không chảy ra biển nên không gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái dọc bờ biển. Ba hệ thống sông Đồng Nai - Sài gòn, sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong mấy năm qua, Chính phủ đã rất cố gắng và có nhiều mô hình phân công, phối hợp, xử lý ô nhiễm ba hệ thống sông này nhưng cho đến nay vẫn chưa có một mô hình nào có tính khả thi cao. Các dòng sông bị ô nhiễm vẫn đang tiếp tục chảy và đang bị ô nhiễm.

Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng VN đang "để sổng" ô nhiễm môi trường và là bãi rác công nghệ, ý kiến của ông về vấn đề này?

Trong giai đoạn đầu, do có nhu cầu phát triển kinh tế và chúng ta có ít kinh nghiệm nên đã tiếp nhận một loạt công nghệ lạc hậu cấm sử dụng ở nước ngoài mang sang VN.

Luật bảo vệ môi trường được QH thông qua năm 2005, có hiệu lực từ 01/07/2006, đã trở thành đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường ở nước ta, vậy tại sao chúng ta vẫn để xảy ra tình trạng này?

Việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận và đưa hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng đi vào nề nếp hơn.Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại chủ yếu là về đội ngũ cán bộ, lực lượng kỹ thuật bảo vệ môi trường còn mỏng về số lượng và nghiệp vụ; phương tiện kỹ thuật vẫn còn thiếu và yếu. Ngoài ra, việc thực hiện Luật của chúng ta ngay từ đầu không nghiêm. Lý do chính là trên thực tế chưa xác định rõ ràng quyền và trách nhiệm của tổ chức, các nhân cũng như có những chế tài buộc họ phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Ví dụ, trong luật quy định có tới 20 điều về trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh về bảo vệ môi trường. Nhưng qua đợt giám sát có thể nói chưa có tỉnh, thành nào ban hành đầy đủ văn bản, trách nhiệm thực hiện luật theo thẩm quyền của mình.

Trong khi việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường còn chưa nghiêm thì việc chế tài xử phạt của ta còn quá nhẹ. Hiện Bộ TN-MT đã liệt kê 600 nhà máy nằm trong sách đỏ phải di dời nhưng vẫn chưa chế tài, buộc di dời các nhà máy đó đi được?

Vấn đề phạt chỉ là giải pháp tạm thời mang tính chất cảnh cáo. Còn mức phát hiện nay mức tối đa là 70 triệu đồng thì nhiều DN thay vì phải đầu tư vốn lớn cho công nghệ xử lý rác thải họ sản sàng chịu phạt để tiếp tục xả chất thải trực tiếp ra môi trường.

Thưa ông, nếu chúng ta không có những biện pháp giải quyết dứt điểm và nghiêm túc, thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả những "đống rác" này?

Tôi nói đã đến lúc chúng ta không thể lùi được nữa, không thể tiếp tục hi sinh chất lượng môi trường cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia GDP tăng 1%, chất thải tăng 3%. Nếu chúng ta tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt tại thời điểm hiện nay và thế hệ mai sau. Chất lượng cuộc sống sẽ giảm và không bảo đảm thực hiện được ba mục tiêu phát triển bền vững là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Với khoản kinh phí 1% ngân sách Nhà nước chi cho quản lý môi trường và theo mục tiêu dự thảo sửa đổi Nghị quyết 41 năm 2010 chúng ta sẽ xử lý cơ bản các KCN trọng điểm gây ô nhiễm. Thưa ông, khoản kinh phí này có đủ để đạt mục tiêu không?

Bộ TN-MT và Bộ Tài chính đã có thông tư liên tịch về sử dụng kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường là 1% ngân sách Nhà nước. Nhưng trong mấy năm qua, việc chi chưa đúng và chưa hiệu quả còn diễn ra ở nhiều địa phương. Theo báo cáo của Bộ TN-MT, nhiều tỉnh chỉ giữ lại 10 - 15% cho hoạt động bảo vệ môi trường ở tỉnh, phần còn lại chia cho các huyện và cũng thiếu cơ chế kiểm tra việc thực hiện các khoản chi này. Tôi cho rằng, cần chi đủ, thậm chí cao hơn 1% và chi đúng để từng mục tiêu được thực hiện dứt điểm, tránh dàn trải, tùy tiện trong việc chi kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần huy động các nguồn lực khác như phí bảo vệ môi trường, các dự án quốc tế và sự đóng góp của xã hội.

Sau chuyến đi này, Ủy Ban KNCN&MT Quốc hội có kiến nghị gì với Chính phủ?

Chúng tôi đã và đang thu thập những kiến nghị của các địa phương và sẽ tổ chức hội thảo, hội nghị để xin ý kiến rộng rãi, dân chủ chọn những nội dung cấp bách nhất báo cáo với Ủy ban thường vụ QH. Việc trước mắt, Ủy ban KHCN&MT đề nghị Chính phủ, Bộ TN-MT, các bộ ngành đôn đốc, giúp đỡ các UBND cấp tỉnh nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản, tổ chức bộ máy và điều kiện trang thiết bị bảo vệ môi trường theo đúng quy định của Luật BVMT năm 2005; củng cố bộ máy, từng bước chính quy hóa các hoạt động BVMT; đề nghị với Chính phủ bổ xung, sửa đổi các quyết định của Thủ tướng và các thông tin hướng dẫn của địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vietnamnet

http://www.hcmier.edu.vn/newier/?lang=0&tab=3&cateid=318&msgid=858

 

 

14- 10.000 km2 sông ngòi bị ô nhiễm nghiêm trọng

Những họng nước thải đen ngòm từ các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường sông ngòi xung quanh mà không qua xử lý.

Đô thị hóa, sự hình thành và phát triển nhanh chóng các khu công nghiệp, khu chế xuất... đã khiến hệ thống sông ngòi Việt Nam, gồm 8 lưu vực với 10.000 km2 sông ngòi, kênh rạch, bị ô nhiễm ở mức báo động.

Ông Dương Thanh An, Phó chánh văn phòng phụ trách tổng hợp và pháp luật thuộc Cục Bảo vệ môi trường, đã phát biểu như vậy tại hội thảo "Phát triển bền vững các thành phố xanh trên lưu vực sông" diễn ra sáng nay tại TP HCM.

Nhiều kết quả khảo sát, quan trắc cho thấy, hàm lượng các chất ô nhiễm trên những lưu vực sông cao vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần. Sông Tô Lịch vốn thơ mộng nay đã đen ngòm. Hệ thống sông tại Đà Nẵng bị nhiễm lượng cyanua cao vượt mức cho phép. Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng ô nhiễm của lưu vực sông Đồng Nai với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các thành phố lớn tại Việt Nam đều có một ưu điểm lớn là gắn với một dòng sông nào đó, nhưng chính các thành phố này đã tự làm mình ô nhiễm và làm dơ bẩn nguồn nước mặt của sông.

Lưu vực sông Đồng Nai phải phục vụ cho khoảng 15 triệu người với tỷ lệ đô thị bình quân toàn lưu vực là 51%, 116 khu đô thị, 4 thành phố trực thuộc tỉnh, 19 quận nội thành TP HCM, 8 thị xã, 85 thị trấn. Khu vực này còn có 47 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, trong đó TP HCM có 13 khu, Đồng Nai 16 khu, 9 khu ở Bình Dương và 6 khu Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ 16 khu công nghiệp có hệ thống xử lý chất thải tập trung, còn lại đều xả trực tiếp ra môi trường.

Kết quả khảo sát của Viện Môi trường và tài nguyên Đại học quốc gia TP HCM vào đầu năm nay cho thấy, 44 khu công nghiệp thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hàng ngày đã xả vào nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai 111.605 m3 nước thải, trong đó có các chất độc hại như TSS, BOD, COD... Các cơ quan chức năng đều biết tình trạng này nhưng giải quyết như thế nào là điều không đơn giản.

Bà Ngô Thị Vân, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương cũng cho biết, 7 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh xả nước thải 23.000 m3/ngày đêm. Tuy hầu hết các khu công nghiệp này đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng lượng nước thải thu gom đưa về các nhà máy xử lý chỉ đạt khoảng 75%, còn khoảng 25% chỉ xử lý sơ bộ rồi thải trực tiếp ra cống thoát nước mưa, làm cho các nguồn tiếp nhận bị ô nhiễm.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, bảo vệ môi trường không là nhiệm vụ của riêng một đơn vị nào, mà cần phải huy động sức mạnh tổng lực của toàn dân.

Các nhà khoa học phân tích, nếu mỗi tỉnh thành trong khu vực chỉ tự giải quyết tình trạng ô nhiễm trong phạm vi của mình thì ô nhiễm khó có thể giải quyết triệt để, nỗ lực sẽ trở nên manh mún và nguy cơ lây lan từ thượng nguồn đến hạ nguồn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Giáo sư, tiến sĩ Lâm Minh Triết thuộc Văn phòng điều phối Chiến lược quản lý môi trường TP HCM nói: "Đã có một vài thành công trong việc bảo vệ môi trường, nhưng mặt làm được này chỉ mới có tính chất tự phát, chưa phải là từ kế hoạch thống nhất triển khai các nội dung của Chiến lược quản lý môi trường quốc gia". Nhiều nhà khoa học khác cũng lên tiếng đề nghị cần có sự hợp tác giữa các thành phố, tỉnh liên vùng, liên ngành trong bảo vệ môi trường.

Phó giám đốc Sở tài nguyên môi trường TP HCM Nguyễn Văn Chiến đưa ra quan điểm, cộng đồng cũng như cơ quan quản lý Nhà nước cần phải chuyển tư duy từ "Yêu cầu Nhà nước bảo vệ môi trường" sang "Cùng Nhà nước bảo vệ môi trường".

Phan Anh

.http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2005/05/3B9DEAC9/

 

 

15- Những dòng kênh bị truy sát

Lao Động số 229 Ngày 04/10/2008 Cập nhật: 9:02 AM, 04/10/2008

http://www.laodong.com.vn/Home/Nhung-dong-kenh-bi-truy-sat/200810/109039.laodong

Nhà tạm thi nhau "ngoạm" lấy mặt kênh.

(LĐ) - Khói, bụi, nước thải bẩn, chất thải độc hại tấn công sức khoẻ người dân hàng ngày. Những dòng kênh xanh trở thành kênh nước đen, kênh nước đỏ và kênh rác. Những dòng kênh đó đã, đang và sẽ chết vì sự "truy sát" của con người.

Bóp nghẹt các dòng kênh

Trên bản đồ giao thông TPHCM có tên Kênh Nước Đen - nằm trên địa bàn quận Bình Tân. Dưới chân cầu Trắng, màu nước vẫn tương đồng với tên con kênh và người dân được "khuyến mãi" thêm mùi hôi khó chịu. Nhưng thương hiệu "kênh nước đen" giờ đã được chuyển giao ra khắp thành phố: Kênh Tân Hoá nước đen, kênh Đồng Đen nước đen, kênh Tham Lương nước đen, kênh Thị Nghè nước đen,...

Dọc theo rạch Lò Gốm từ cầu Rạch Ông Buông, dòng nước tuyền một màu đen, thi thoảng có đoạn rác nổi lềnh bềnh.

Ông Thới Văn Thôn - sống bên bờ rạch Lò Gốm từ năm 1965 - nhớ lại: "Trước đây, đứng trên bờ nhìn thấy cả cá, sỏi đá dưới đáy, trẻ nhỏ còn ra bơi. Nhưng rồi dân cư kéo đến ngày một đông, hai bên bờ rạch chỗ nào cũng thấy nhà. Từ những năm 1980, dòng kênh cứ ngày một bẩn hơn". Ở kênh Tân Hoá gần đường Trịnh Đình Thảo, phường Phú Trung, quận Tân Phú có không ít cơ sở sản xuất chĩa ống xả nước thải xuống dòng kênh. Dòng nước lúc đen, lúc đỏ, khi thì bị sủi bọt trắng xoá bởi thứ nước thải chưa rõ nguồn gốc.

Không chỉ kênh, rạch thoát nước mới bị ô nhiễm, những dòng kênh thuỷ lợi cũng chịu chung số phận. Kênh thuỷ lợi gần KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh là ví dụ điển hình. Hàng trăm DN hoạt động tại đây đã đầu độc kênh rạch trong khu vực hết năm này qua năm khác. Cuối năm 2007, người dân nơi đây đã phải kêu cứu vì hiện tượng cây cỏ lụi dần do ô nhiễm nước. Người dân dùng nước từ kênh đưa vào ruộng là "đầu độc" cây trồng của mình.

Khó bắt quả tang

Trong buổi tham vấn ý kiến nhân dân về ô nhiễm ở KCN Lê Minh Xuân - do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP chủ trì cuối tuần trước - người dân nơi đây đã tỏ ra chán chường với việc họp lên họp xuống, nhưng chẳng thấy chuyển biến gì cả.

Ông Lê Văn Khanh - Giám đốc Ban quản lý KCN Lê Minh Xuân - gãi đầu: "Kiểm tra bể chứa nước thải tại các DN cho thấy đạt tiêu chuẩn, nhưng không hiểu sao, ra đến bể chứa chung nồng độ ô nhiễm đều vượt quá mức cho phép đến mấy lần". Thậm chí, có DN không đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Như vậy rõ ràng là vi phạm, không hiểu sao cơ quan quản lý vẫn chưa nghiêm khắc xử lý, để xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài.

Rộng hơn, trên địa bàn huyện Bình Chánh, Phòng Tài nguyên - Môi trường kiểm tra về môi trường tại 181 doanh nghiệp, kết quả chỉ có vỏn vẹn 5 doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường - chiếm tỉ lệ 2,7%. Nhưng, phía địa phương vẫn không nắm rõ được trên địa bàn có bao nhiêu DN gây ô nhiễm môi trường và viện dẫn lý do: "Không bắt được quả tang để xử lý".

Dư luận chưa hết xôn xao, phẫn nộ về "cái chết" của kênh Ba Bò lại chuyển sang "vụ đầu độc" sông Thị Vải. Lợi nhuận chảy vào túi một số người kinh doanh trên xác các dòng kênh, còn xã hội phải gánh lấy phần hậu quả. Có ai tính được, chúng ta phải tốn bao nhiêu tiền mới cứu được các dòng kênh?

Đăng Hải - Vinh Hả

http://www.vietshowbiz.com/index.php?name=Forums&file=viewtopic&p=279709

 

 

16- Đồng bằng sông Cửu Long Cứu lấy vùng sinh thái “xanh” trước khi mất “trắng”!?

Thứ ba, 30/09/2008, 23:19 (GMT+7)

http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2008/9/166853/

“Hãy cứu lấy vùng sinh thái “xanh” trước khi bị mất “trắng” ở ĐBSCL” – đó là lời kêu gọi chung của khoảng 250 đại biểu tham dự hội nghị Hội thảo Khoa học Bảo vệ môi trường ở ĐBSCL trong quá trình CNH, HĐH được tổ chức tại Cần Thơ, ngày 30-9, do Tạp chí Cộng sản, Thành ủy và UBND TP Cần Thơ và Viện Khoa học-Công nghệ Phương Nam tổ chức.

“Mức độ ô nhiễm môi trường nuôi cá tra, tôm sú ngày càng nghiêm trọng. Nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên bị cạn kiệt (ngay cả đỉa cũng chết), đất bị suy thoái… Đó là những vấn đề đáng báo động. Cần phải có giải pháp hữu hiệu cho môi trường thủy sản gắn với an sinh của người dân” – PGS-TS Tạ Ngọc Tấn, UVTƯ Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đề xuất.

Tại Cần Thơ, nước ở sông Hậu đã bị ô nhiễm cấp độ 2, rạch Sang Trắng (Ô Môn) ô nhiễm cấp độ 7. Tại Long Hòa (An Giang), nồng độ NH3 vào mùa khô cao gấp 40 lần so với tiêu chuẩn môi trường cho phép… Một hệ quả của ô nhiễm môi trường có thể thấy rõ nhất là tình trạng hao hụt (cá chết) của các hộ nuôi cá tra trên sông Hậu ngày càng gia tăng. Trước đây, chỉ ở mức hao hụt 10%; hiện nay lên đến 30%. “Nếu không khắc phục tình trạng ô nhiễm do nuôi cá tra gây ra thì chính những người nuôi cá tra giết chết cá tra trong tương lai – thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ dẫn chứng về những hệ lụy của môi trường bị ô nhiễm…

Do phát triển ồ ạt các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) của ĐBSCL cùng với xu thế bùng phát nuôi trồng, chế biến thủy sản chưa theo quy hoạch tổng thể; lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu; áp lực gia tăng dân số nhanh đã làm cho tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước hết sức nghiêm trọng. Năm 2003, ĐBSCL có 68 KCN-CCN với 15.154 ha, năm 2007 đã vọt lên 151 KCN-CCN với gần 20.000 ha. Dự báo, năm 2010 diện tích phát triển các KCN-CCN khoảng 31.500 ha. “Có nên chọn cách tăng trưởng GDP nhanh để đánh đổi bằng những vùng “trắng” ô nhiễm? Hiện nay, mức độ ô nhiễm ở miền Đông Nam bộ đã đến đầu gối, còn miền Tây đã đến mắt cá chân” – tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM) nói một cách hình tượng.

“ĐBSCL cũng đang đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu, làm rõ thực trạng, nguyên nhân và các hậu quả của vấn đề ô nhiễm môi trường không chỉ là cơ sở khoa học cho hoạch định chính sách, giải pháp môi trường, mà còn là cơ sở để giáo dục nhận thức của cán bộ, nhân dân, các nhà quản lý về sự cần thiết trong việc bảo vệ môi trường ĐBSCL” – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa nhấn mạnh.

CAO PHONG

 

17- Sông Lục Nam trước nguy cơ ô nhiễm

26/02/2008

Lục Nam là một trong 3 con sông lớn của tỉnh Bắc Giang và là tuyến giao thông đường thuỷ huyết mạch của cả vùng Đông Bắc. Do đặc điểm địa hình, sông Lục Nam chảy giữa hai bên là núi và những cánh đồng phì nhiêu, khi qua trung tâm huyện Lục Nam, sông uốn lượn dưới chân núi Huyền Đinh, tạo nên bức tranh sơn thuỷ hữu tình.

Tuy nhiên gần đây, sông Lục Nam bị đe dọa ô nhiễm bởi nước thải từ Nhà máy Giấy Mạnh Đạt và từ việc khai thác cát sỏi bừa bãi của một số doanh nghiệp trong khu vực.

Nhà máy Giấy Mạnh Đạt đi vào hoạt động từ năm 2004, với công nghệ khép kín. Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình sản xuất, nhà máy đã không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nước thải qua bể lắng nhưng không được xử lý mà chảy thẳng xuống sông. Nhân dân sinh sống hai bên bờ sông, nhất là khu vực gần nhà máy đã sớm phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm và nhiều lần kiến nghị xử lý. Chính quyền tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Nam và các ngành chức năng đã vào cuộc. Theo kết quả quan trắc, phân tích chất lượng nước bề mặt tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc dự án Nhà máy Nhựa Khải Thừa (Trung Quốc) tại cụm công nghiệp Già Khê (Tiên Hưng), do Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường -Bộ Tư lệnh hoá học (Bộ Quốc phòng) thực hiện tháng 10.2007, hầu hết các thông số đánh giá nồng độ ô nhiễm chất lượng bề mặt nước tại thượng lưu, hạ lưu (cách khu vực xả thải của nhà máy 200m) thấp hơn giới hạn cho phép theo TCVN-5942, nhưng tại điểm tiếp nhận nước thải của nhà máy giấy chảy ra sông, các thông số BOD5, COD, NO2, NH4+. Sắt... quá giới hạn cho phép.

UBND huyện Lục Nam đã yêu cầu Nhà máy Giấy Mạnh Đạt phải thực hiện đúng yêu cầu kỹ thật khi xử lý nước thải, nếu không sẽ phải ngừng sản xuất, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa thực hiện đúng cam kết, sông Lục Nam vẫn tiếp tục bị đe dọa ô nhiễm.

Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, lòng sông Lục còn bị đào bới không thương tiếc để khai thác cát, sỏi. Sông Lục Nam chảy qua địa phận 12 xã của huyện Lục Nam. Từ năm 2006, đã có 47 thuyền khai thác cát sỏi có trọng tải từ 20 đến 40 tấn, công suất từ 25-50m3/ngày hoạt động thường xuyên trên sông Lục Nam. Những thuyền cát đậu giữa dòng sông, nhưng đưa vòi hút cát sát bờ sông, đe dọa sạt lở nghiêm trọng. Có thời gian, thuyền cát hoạt động suốt ngày đêm, khi các ngành chức năng kiểm tra, xử lý thì các chủ thuyền hoạt động về đêm để dễ lẩn tránh. Trong số các doanh nghiệp đang khai thác cát, chỉ duy nhất có doanh nghiệp Quang Hưng được tỉnh cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, do chưa quy hoạch cụ thể vùng khai thác nên các chủ thuyền chưa được cấp phép cũng tự do khai thác cát sỏi bừa bãi nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để. Chính tình trạng khai thác không theo quy hoạch đã làm cho dòng sông mất đi sự bình yên vốn có, làm cản trở giao thông, đe dọa sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân.

Để trả lại môi trường trong lành, sự bình yên cho dòng sông Lục Nam và hàng vạn cư dân hai bên bờ sông, tỉnh Bắc Giang và chính quyền sở tại cần sớm có giải pháp tích cực, kiên quyết hơn ngăn chặn tình trạng vi phạm. Những cư dân sống hai bên bờ sông Lục Nam cũng phải phối hợp với các ngành chức năng góp phần bảo vệ dòng sông.

Trần Luyện

http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/34004/Default.aspx

 

18- Ám ảnh những con sông nội thành

24/06/2008

Hà Nội hiện có 4 con sông, gồm: sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu. Gọi là sông nhưng trong con mắt của nhiều người, đó chỉ là những đường cống thoát nước lớn. Sự ô nhiễm nặng nề không chỉ là nỗi buồn tiếc của những người yêu Hà Nội mà còn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân sống bên bờ các con sông này.

Vớt rác trên sông Tô Lịch.

Ô nhiễm và không “hoàn thành nhiệm vụ”

Có thể nói chính quyền thành phố đã có nỗ lực cải tạo 4 con sông này nhằm cải thiện tình trạng úng ngập của Hà Nội, đồng thời mang lại cảnh quan đẹp cho thủ đô. Trong vài năm trở lại đây, các con sông này đã được kè hai bên bờ, nạo vét lòng sông và vớt rác thường xuyên.

Thế nhưng, mọi nỗ lực trên cũng chưa thể làm cho những con sông đã từng đi vào thơ, ca, nhạc, họa này thơ mộng trở lại. Thực tế, cho đến nay tình trạng ô nhiễm tại các con sông trong nội thành không hề giảm đi mà vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất công nghiệp ở khu vực nội thành khoảng 500.000 m3/ngày, đều tiêu thoát qua hệ thống cống và 4 sông tiêu chính là Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Trong đó, nước thải từ hoạt động sản xuất, bệnh viện và cơ sở dịch vụ chứa nhiều chất gây ô nhiễm chưa được xử lý chiếm tới 90%.

Bị ô nhiễm vì gánh vác nhiệm vụ thoát nước thải và chống úng ngập song thực tế, những con sông này hiện không thể đảm đương nổi vai trò chủ lực trong việc chống ngập úng của thủ đô. Dự án thoát nước cho Hà Nội giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 187,36 triệu USD bao gồm vốn ODA 139 triệu từ Chính phủ Nhật Bản và 48,36 triệu USD từ nguồn vốn trong nước đã gần hoàn thành nhưng mỗi khi có những trận mưa lớn, Hà Nội vẫn tiếp tục lâm vào tình trạng ngập úng ở nhiều nơi.

Trận mưa lớn ngày 18-6 vừa qua cho thấy, nước ở 4 con sông này đã đầy ắp, dâng lên cao chưa từng thấy, trong khi nhiều đường phố Hà Nội vẫn ngập sâu trong nước.

Nỗi ám ảnh của người dân

Với những người dân sống ven bờ những con sông này thì sự ô nhiễm thực sự là một nỗi ám ảnh dai dẳng. Sông Tô Lịch ngoài những đoạn đã được cống hóa thì đoạn dọc đường Bưởi đến Ngã Tư Sở, dọc Kim Giang về đến khu vực Cầu Bươu đều lộ thiên. Việc kè bờ, trồng cỏ và cây cảnh ven bờ khiến cảnh quan con sông này được cải thiện hơn trước.

Thế nhưng, chỉ những người dân sống ở đây mới thấu hiểu nỗi khổ khi phải chung sống với một dòng sông đen kịt đầy rác rưởi, bốc mùi khó chịu trôi qua trước nhà. Muỗi, côn trùng cũng từ đó mà ra. Con sông Kim Ngưu đoạn chảy qua khu tập thể Quỳnh Mai cũng trong tình trạng tương tự.

Chị Mai Hà (KTT Quỳnh Mai) cho biết: “Từ ngày kè con sông này tôi đã hy vọng tình trạng sẽ được cải thiện nhưng đến nay, cảnh quan thì có vẻ thay đổi phần nào song sự ô nhiễm thì mỗi ngày một nặng nề hơn. Vào những ngày nóng nực, đúng hướng gió thổi về KTT thì các nhà ở đây đều phải đóng cửa. Chiều hè, không dám dạo bộ bên bờ sông cũng vì không khí không được trong lành”.

Cũng như vậy, con sông Lừ đang là nỗi ám ảnh ghê gớm của những hộ dân sống dọc bờ sông. Người dân thuộc 2 phường Phương Liệt, Trương Định (Q. Hoàng Mai) hiện rất bức xúc vì sự ô nhiễm đang tăng lên ở đoạn sông dài chừng 3km chảy qua địa bàn này. Nước sông đen kịt vì ô nhiễm lại kèm thêm chất thải rắn nổi lềnh bềnh khắp mặt sông.

Theo anh Trần Mạnh Dũng (tổ 23 P. Phương Liệt), ô nhiễm ngày càng nặng là vì các hộ dân đang lấn chiếm hai bên bờ con sông này . Ở đoạn cuối ngõ 177 phố Định Công nằm sát khu chung cư Đại Kim, hiện có hơn 10 căn nhà tạm mới được người dân địa phương xây dựng trong vòng 2 tháng nay.

Hầu hết những căn nhà này đã được cho người nơi khác đến thuê ở và kinh doanh dịch vụ như: hàng cơm, quán nước, sửa chữa xe đạp, xe máy… Các cửa hàng tạm bợ này vẫn hàng ngày vô tư xả rác xuông lòng sông.

Chẳng còn bao lâu nữa là đến Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Chẳng lẽ chúng ta cứ để những con sông đã đồng hành cùng lịch sử ngàn năm đó mang gương mặt “lọ lem” trong ngày hội?

Theo SGGP

http://www.pindex.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=1017&Itemid=245

 

19- Ô nhiễm môi trường nước ở đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, các dòng sông ở đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường nước. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng tôm nuôi bị chết hàng loạt thời gian qua.

Trước hết là tình trạng ô nhiễm nước thải. Nước thải có từ nhiều nguồn như sinh hoạt của các chợ, điểm dân cư, nước thải từ việc nuôi cá, tôm mang tính công nghiệp, trong sản xuất kinh doanh tôm giống, chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm, dịch vụ, giao thông vận tải và nước cải tạo ao đầm vụ trước...

Trong các nhóm này, nước thải từ chế biến thủy sản, sản xuất kinh doanh tôm, cá giống, nước thải cải tạo ao đầm sau khi nuôi, sau khi bị sự cố dịch bệnh, tôm, cá chết là rất nguy hại vì chứa nhiều mầm bệnh..., đang được thải trực tiếp ra môi trường sông rạch. Người dân nuôi tôm lấy nước vào cũng không xử lý an toàn trước khi thả giống, làm cho mầm bệnh lưu tồn, lan truyền. Các nguồn nước hiện nay không chỉ chứa mầm bệnh mà còn có cả dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh trừ bệnh, hóa chất xử lý môi trường... rất bất lợi cho thủy sinh vật và tôm, cá nuôi. Đây là vấn đề bức xúc nhất, cần phải được cả cộng đồng cùng quan tâm và kiên quyết xử lý thì mới có kết quả tốt. Giải pháp quy hoạch lại các làng bè ở quy mô hợp lý, dùng ao lắng và thay nước giới hạn sẽ rất cần thiết và hữu ích cho việc nuôi tôm, cá trong tình hình nguồn nước bị ô nhiễm hiện nay.

Sau đó là sự phát sinh độc hại từ các yếu tố lý, hóa học, đất, nước... do tác động cải tạo của con người. Các vùng đất đã chuyển đổi để nuôi tôm, cá ao phần lớn đều thuộc loại nhiễm phèn; tầng sinh phèn thường ở nông nên trong quá trình cải tạo, kiến thiết ao, ruộng nuôi, do vô tình hoặc cố ý mà nông dân đã tạo nên những xáo trộn nguy hiểm, đã đào sâu và đưa tầng sinh phèn lên bề mặt, tạo điều kiện cho nó tiếp xúc với không khí trở thành phèn hoạt động, làm cho hàm lượng sắt và cả nhôm hòa tan tăng cao. Các loại khí độc H2S, NH3... do xác thực vật, rong tảo bị phân hủy trong quá trình nuôi cũng phát triển gây độc hại cho các loài thủy sản.

Tình hình này thời gian qua rất nghiêm trọng do nông dân đồng loạt cải tạo ao đầm, kiến thiết bờ mương, đặc biệt là đưa vào áp dụng các công cụ cơ giới như máy bơm bùn, máy khoan đất... là những công cụ mới làm đất có năng suất rất cao, nhưng người sử dụng chưa được trang bị kiến thức tốt. Với lực lượng máy khoan đất, bơm bùn hùng hậu và trong tình trạng bơm đổ trực tiếp ra sông, kinh rạch bất kể mùa vụ như hiện nay, thì chỉ riêng nước bùn thôi cũng đủ làm hại cho mọi loài thủy sản. Nếu các địa phương không chấn chỉnh, kiểm soát nơi đổ bùn sao cho có chỗ, có nơi, không xử lý tốt những vi phạm thì hậu quả sẽ rất lớn. Các lòng sông, kinh rạch, sẽ bị bồi lắng, nước bùn sẽ tiếp tục gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản. Theo chúng tôi, cần có những quy định chặt chẽ và biện pháp chế tài nghiêm khắc mới mong cải thiện được tình hình.

Mặc dù thường xuyên có những khuyến cáo, ngăn cấm, nhưng tình trạng nông dân lạm dụng nông dược, thuốc kháng sinh, hóa chất, phân bón... quá mức cần thiết, dẫn đến những hậu quả ô nhiễm các nguồn nước ngay trong ao đầm. Sau đó bơm xả ra làm ô nhiễm lan tỏa sông rạch, như thế, việc tồn lưu ngay trên nguyên liệu là hoàn toàn có thể xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm...

Hiện nay, vấn đề này vẫn còn nan giải đối với việc quản lý môi trường nuôi trồng thủy sản ở nhiều nơi, nếu không kiên quyết ngăn chặn, đặc biệt là các hóa chất kháng sinh, thuốc BVTV đã bị cấm sử dụng thì hậu quả sẽ không nhỏ. Việc tăng cường giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi và người kinh doanh dịch vụ trong giai đoạn này là rất cần thiết. Công tác giám sát, kiểm tra vi phạm trong kinh doanh dịch vụ cũng cần phải được tiến hành thường xuyên và xử lý nghiêm khắc triệt để hơn nữa.

Ngoài ra, trong quy hoạch, chuyển đổi, tổ chức các loại hình kinh doanh nuôi trồng của các tỉnh vừa qua có những vùng không phù hợp cho con tôm, con cá, như đất quá gò, đất không giữ được nước, nơi nguồn nước ô nhiễm cao, nước nhiễm phèn, khó cải tạo... nhưng nông dân cố đeo đuổi cải tạo một cách gò ép để nuôi đã tác động mạnh mẽ vào các yếu tố đất, nước làm cho môi trường bị biến đổi theo xu thế bất lợi như tăng độ mặn, tăng nhiệt độ, PH luôn dao động và các thông số môi trường khác thường xuyên biến đổi..., tác động xấu đến thủy sinh vật, góp phần gây nên hiện tượng tôm, cá chết trên diện rộng. Nhiều vùng chuyển dịch đã mất luôn khả năng làm một vụ lúa để thanh lọc môi trường. Vấn đề này rất cần được rà soát, nghiên cứu đánh giá và đề ra giải pháp khắc phục sớm để nông dân yên tâm đầu tư, ổn định sản xuất hoặc trồng lúa, màu, cây công nghiệp, v.v.

Các vấn đề trên có liên quan trực tiếp các yếu tố môi trường nuôi trồng thủy sản trong các vùng chuyển dịch thời gian qua, và hiện nay không chỉ tác động trực tiếp tại đồng ruộng, mà còn theo thủy triều chảy ra biển, phát tán đến nhiều nơi và có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến các nguồn lợi thủy sản ven bờ và nghề nuôi trồng thủy sản trong nội địa trên toàn khu vực.

Đã đến lúc cơ quan quản lý môi trường, các địa phương trong vùng cần nghiêm khắc xử lý các cơ sở, cá nhân gây ô nhiễm môi trường nước; tổ chức quan trắc thật tốt nhằm đánh giá kịp thời các yếu tố môi trường để thông báo cho nhân dân. Cần tăng cường công tác, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn dân cùng tham gia bảo vệ tốt môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Đây là vấn đề sống còn và là yếu tố "cần" rất quan trọng nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nghề nuôi thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long.

NGUYỄN VĂN THƯỚC

Nguồn: Nhân dân

 

20- Các hiểm họa từ thượng nguồn sông Cửu Long

Kỹ Sư Phạm Phan Long

Các hiểm họa từ thượng nguồn sông Cửu Long đang đổ xuống có khả năng từ từ dìm Cà Mau và duyên hải Nam Việt xuống biển, ép nước mặn lấn dần vào sâu trong châu thổ sông Cửu Long, và ngăn chặn tôm cá đi đi về về sinh sản tại hạ nguồn. Ô nhiễm từ kỹ nghệ quặng mỏ Vân Nam sẽ theo dòng nước đổ xuống, những hồ chứa nước, đập thủy điện khổng lồ và khai thác quặng mỏ ở thượng nguồn sẽ còn là những mối hiểm họa ghê gớm, có khả năng gây sóng thần tràn ngập lưu vực và gây tê liệt vựa lúa Việt Nam nếu việc quản lý có sự tắc trách vô tình hoạc cố ý. Việc gia tăng sử dụng than đá và phát triển kỹ nghệ luyện kim trên Vân Nam sẽ tăng độ ô nhiễm không khí; ô nhiễm này sẽ lan rộng và tỏa xuống Bắc Việt theo gió mùa không ngăn cản được.

Sông Mekong từ Tây Tạng chảy qua sáu nước, do đó vừa là phương tiện giao thoa của nhiều nguồn văn hóa ngôn ngữ, có thể mang lại tình hữu nghị và cũng là mối tranh chấp quyền lợi. Mekong là mạch máu chính và cũng là dòng sữa mẹ cưu mang hàng chục triêụ ngư dân và nông dân, có các nền văn minh lâu đời đa dạng, là nơi ẩn trú và sinh tồn của hàng chục ngàn giống loài, trăm ngàn thảo vật rất hiếm qúy. Mekong vẫn còn là nơi tiếp tục cống hiến những phát hiện mới góp phần làm phong phú cho kho tàng sinh học của nhân loại [1].

Tương lai của lưu vực sông Mekong, và vì thế nhất là của Việt Nam tại cuối nguồn, sẽ lệ thuộc nặng nề vào chính sách phát triển của các nước thượng nguồn nhất là Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc với 1,3 tỉ dân số đang mắc vào nạn hạn hán và sa mạc hóa trầm trọng lan rộng trên lành địa của họ. Sông Songhua, hằng mang nước về cho dân cư Hoa Bắc nay đã khô cạn. Nửa tỉ người sống từ Mông Cổ đến Tân Giang (Xinjiang) đang mất dần nước dùng; có đến 400 trong số 668 thành phố đang thiếu nước sinh hoạt. Chỉ cách Bắc Kinh 70 cây số, đã có những trận bão cuốn cát vàng (hoàng thổ) từ sa mạc Mông Cổ Gobi thổi về bao phủ cả thành phố và làng mạc; có những đụn cát nổi lên cao đến 100 mét tiến về hướng kinh đô với vận tốc 5 mét mỗi năm. Tại Hà Bắc một đoạn của Vạn Lý Trường Thành bỗng nhiên ngoi lên từ đáy hồ cạn Phan Gia Khẩu (Pan Jiakou) [2].

World Bank dự dự đoán rằng hai phần ba sản xuất nông nghiệp của cả Trung Quốc là nằm ở Hoa Bắc lại là nơi không đủ nước dùng, đến năm 2050 thu hoạch ngũ cốc sẽ giảm mất 7% [3]. Trung Quốc đã bơm nước từ Hoàng Hà lên cứu Hoa Bắc, hậu quả việc này là 226 ngày trong năm 1997 nước Hoàng Hà không còn chảy được tới biển. Trung Quốc đang lập kế hoạch chuyển 45-60 tỉ mét khối nuớc từ Dương Tử từ phía Nam lên lưu vực Hoàng Hà. Dự án vĩ đại này tốn khoảng US$30 tỉ [4], hơn cả đập Tam Giáp; mà Tam Giáp vốn là một công trình

xây cất lớn bậc nhất của nhân loại. Trung Quốc đã để dân số tăng quá nhanh, chăn nuôi quá sức chịu đựng của đất đai, và khai thác rừng quá sức phục hồi của tạo hóa [2]. Sau 50 năm, Hoa Bắc đã rơi vào thảm trạng bi đát, đến nỗi châu thổ Hoàng Hà -cái nôi của nền văn minh Trung Quốc- đã bị hy sinh.

Bây giờ, không thể tránh được nữa, Mekong với tiềm năng 71 triệu kW [5] tuy ở phương Nam nay đã thành mục tiêu khai thác chiến lược của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có quan tâm gì về hạ nguồn để tránh cho sông Mekong khỏi rơi vào cùng số phận với sông Hoàng Hà hay không? Liệu biển hồ Tonle Sap, Đồng Tháp Mười và châu thổ sông Mekong có tránh khỏi phải đón nhận các chất thải kỹ nghệ độc hại như cyanide, arsenic, acid vốn có từ các quặng mỏ từ

Vân Nam chảy về hủy hoại hệ sinh thái của họ hay không? Phù sa có còn đủ để bồi đắp cho duyên hải Cà Mâu và đem dinh dưỡng giữ cho thủy hệ biển Đông được tồn tại hay không?

Hiện nay việc khai thác tiềm năng thủy điện và chứa giữ nước từ Lạn Thương giang (Lancang) thượng nguồn Mekong, tại Vân Nam đã được tiến hành đại quy mô và với tầm vóc kỷ lục thế giới. Họ đã thực hiện xong các đập thủy điện lớn ngang dòng chính như Mãn Loan (Manwan) 1500 MW và Đại Chiếu Sơn (Dashaohan) 1350 MW [6]. Bốn nước Trung Quốc, Thái, Miến, Lào đã thỏa thuận sẽ phá các cù lao đảo, vét lòng sông và mở rộng ghềnh thác cho tàu bè trọng tải 500 tấn có thể đi từ hải cảng Simao xuống tận Chiang Khong/Chang Sean, Thái Lan [7] [8]. Trung Quốc sắp khai dựng thêm đập Hiếu Loan (Xiaowan) 4200 MW, cao gần 300 m, cao bằng các toà nhà chọc trời 100 tầng [9]. Họ còn các dự án lớn khác nữa như Nuozhadu (5500MW), Mengsong và Gongguoqiao [14]. Như thế họ sẽ tận dụng hết các tiềm năng Lạn Thương giang trên Vân Nam để phục vụ việc khai thác quặng mỏ nói trên. Lào cũng không kém nỗ lực, họ đã chận ngang hầu hết những sông nhánh của Mekong như Nam Ngum, Nam Thuen, Nam Leuk, Houay Ho trên lành thổ họ. Họ vừa phá rừng lấy gỗ, làm hồ giữ nước, làm điện bán cho kỹ nghệ Thái [10] . Lào lại đang dự định cho công ty Oxiana của Úc vào khai mỏ vàng và đồng tại

Sepon; và Lào đã cấp 40 giấy phép khai mỏ khác đang chờ vốn đầu tư vào khai thác [11] [12]. Thái Lan cũng đã thực hiện xong đập Pak Mun, và có tham vọng hàng năm sẽ chuyển 8 tỉ mét khối nước sông Mekong khỏi dòng chính để biến sa mạc Đông Bắc Thái thành vùng canh tác mới.

Từ kinh nghiệm 50 năm qua của nhân loại về thủy điện trên các dòng dông quốc tế như Danube, Colorado, Columbia, Nile, Missisippi, Hoàng Hà, Dương Tử thì những công trình thủy điện tuy đã giúp phát triển tiện nghi, đem lại ánh sáng, dẫn thủy nhập điền, và nâng cao đời sống hàng trăm triệu người nhưng cũng có khả năng tác hại nặng nề trên nguồn thực phẩm và kế sinh nhai của hàng chục triệu người khác. Chúng thay đổi hoàn toàn chế độ thủy vận

trên toàn lưu vực, và gây nguy hiểm ghê gớm cho hệ sinh thái hạ nguồn [13].

Tại Côn Minh, Vân Nam, hồ Điền Trì (Dianchi), lớn hàng thứ sáu của TQ, đã bị ô nhiễm nặng nề vì nước thải từ các nhà máy luyện kim, nông nghiệp và sinh hoạt dân cư. Theo tường trình tháng 4, 2000 của Sứ Quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh: TQ đã tốn trên US$2 tỉ để làm sạch, nhưng theo WB ô nhiễm vẫn không thuyên giảm vì vẫn TQ không kiểm soát hết được các nguồn chảy. Tại Dali cũng thế, Nhĩ Hải (Erhai), nơi khởi thủy của truyền thống dạy chim cormorant bắt cá

-hồ lớn thứ bảy của TQ- với dung tích 3 tỉ mét khối do 120 con sông ô nhiễm đổ vào. Hồ này không bị tù hãm như hồ Điền Trì nhờ chảy ra sông Xier, và Xier lại chảy ngay vào sông Mekong để đổ xuống hạ nguồn mà ra biển.

Các hồ nước lớn chặn hết khả năng chuyển tải phù sa, ngăn trở cá không lội ngược về nguồn sinh sản dần dần đi đến tuyệt chủng, phá mất đi diện tích lớn rừng già, nơi trú ngụ của hoang thú. Việc điều hòa lưu lượng sông làm giảm ngay diện tích vùng lụt nước theo muà (seasonally flooded area), vốn nhờ vào đó mà hàng năm tôm cá sinh sản và dân cư tìm được thực phẩm. Đồng bằng hạ nguồn sẽ thiếu hụt phù sa để bón ruộng, thiếu dinh dưỡng nuôi phiêu sinh vật và thu hoạch hải sản sẽ sa sút. Duyên hải thiếu đất bồi và sóng biển sẽ ăn vào thềm lục địa. Nước mặn sẽ lấn sâu hon vào đất liền và việc canh tác trên châu thổ sẽ không còn thực hiện tốt lành được. Những nghiên cứu khoa học về các hậu quả kinh nghiệm này ngày càng hiện rõ và phổ quát.

Ở hạ lưu Mekong, trên 10 triệu dân nghèo hai nước Cam Bốt và Việt Nam vẫn phải sống nhờ vào phù sa và thủy sản của dòng sông này, chúng ta cần phải tự hỏi mình rằng: Sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng gì trước những biến đổi to lớn đang dồn dập trên thượng nguồn như thế?

Lịch sử cho thấy môí căng thẳng giữa các quốc gia nằm chung lưu vực những dòng sông lớn thường bùng nổ thành các cuộc tranh chấp lớn trên thế giới: Giữa Ai Cập và Sudan-Ethiopia trên sông Nile; Israel và Jordan trên sông Jordan vùng Địa Trung Hải; giữa Turkey và Syria-Irak trên sông Euphrates vùng vịnh Persian, giữa India và Bangladesh trên sông Ganges, giữa

Parkistan và India trên sông Indus [4]. ---

Vấn đề khai thác các dòng sông lớn là vấn đề còn nan giải giữa nhiều dân tộc, Mekong và nhân loại không thể ngừng lại trước trở ngại và để lịch sử tái diễn như vậy mà phải tìm phương cách giữ hoà bình, giảm thiểu tai hại và chia sẻ phúc lợi công bình cho toàn lưu vực. Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (UN) đã bỏ ra 20 năm để soạn thảo ra bộ một luật thông qua vào tháng 5 năm

1997: "United Nations Law of the Nongaginational Uses of International Watercourses" cho cả thế giới trong đó có ba nước bỏ phiếu chống là Burundi, Turkey và Trung Quốc [4]. Gần hơn nữa, World Bank và International Union Conservation Network (IUCN) đã thành lập và tài trợ cho World Commission on Dams (WCD) thực hiện một công trình nghiên cứu để tìm giải

pháp chung. Sau bốn năm, những chuyên gia khoa học kỹ thuật và chính khách nổi danh trên khắp thế giới do WCD quy tụ đã hoàn thành bản tường trình và đưa ra những khuyến cáo được UNEP, ADB và nhiều nước đón nhận như kim chỉ nam cho tương lai khai thác thủy điện.

Việt Nam cũng như tất cả các nước Mekong đều trong nằm tình trạng thiếu thốn năng lượng gay go không khác Trung Quốc hay Thái Lan; nên việc phát triển tiềm năng thủy và điện Mekong vì nhu cầu phúc lợi không thể tránh nhưng cần phải vô cùng nghiêm túc. Việt Nam và Cam Bốt là các nước cuối nguồn, sẽ phải gánh chịu hầu hết mọi thiệt thòi do khai thác thượng nguồn gây ra, nếu các nước thượng nguồn không nghiên cứu tác động cho toàn lưu vực, không thực nhiện những biện pháp an toàn cho hạ nguồn.

Tây Tạng và cả sáu chính phủ Mekong từ đâu nguồn đến cuối nguồn phải ngồi chung lại trên một bàn họp nhìn nhận nhau là những thành viên cốt yếu cùng chung sống trong một lưu vực lớn, sẽ cùng nhau phát triển tài nguyên dòng sông này trên căn bản bền vững và công bằng cho toàn lưu vực. Mekong sẽ không thể mang hiểm họa mà phải là dòng sữa mật ngọt ngào cho cả 100 triệu dân cư trong lưu vực.

Hợp tác cả sáu nước lại sẽ tạo nền hòa bình thịnh vượng trong vùng và gìn giữ kho tàng thiên nhiên lâu bền cho đời sau. Ngày nay Mekong tương đối vẫn còn trinh nguyên khi các dòng sông lớn khác trên toàn cầu đều đã bị khai thác hủy hoại nặng. Các dân tộc lưu vực Mekong có một sứ mạng và cơ hội giữ lại cho loài người một kho tàng sinh thái to tát cho mình và cho cả nhân loại.

Tài Li®u Tham Khäo

[1] Asian Development Bank, Environment in Transition, Cambodia, Lao, Thailand and Vietnam,

April 2000.

[2] Micro Cernetig, Sand of Time Creep Up on China Water, Globe and Mail, Toronto,31 July, 2000.

[3] Dow Jones Newswire, World Bank: China Water Shortgae Threatens Catastrophe, 09-05-01.

[4] Sandra Postel, Pillar of Sand, World Watch Institute, 1999.

[5] Lucy Yang, Natural Resources, Unversity of Cincinnati, http://blues.fd1.uc.edu/www/international/china/yunnan/natrural.htmlx

[6] The 1999 Mekong Papers, MekongForum, 1999.

[7] Chapman, Hydropower, Environmental Protection and Industrial Pollution, IMRN Item 9/2001.

[8] Saridet Marukatat, Bangkok Post, Concern over plan to widen channel - Clearing islets could affect neighbours, 20 April, 2001.

[9] Asia Pulse Pte. Ltd., China prepares for major new power station, Kunming, April 12, 2001

[10] Avia Imhof, Power Struggle, IRN Working Paper, Feb 1999.

[11] Amy Kazmin, Tapping Laos' Mineral Resources, May 2, 2001

[12] Oxiana, http://www.minesite.com/archives/news_archive/Jan-2001/oxiana-22.htm

[13] WCD Thematic Review, http://www.dams.org/thematic/

[14] Chapman E.C., He Daming, Downstream Implications of China Dams on the Lancang Jiang, http://asia.anu.edu.au/mekong/dams.html

 

21- Ô nhiễm môi trường sông Nhuệ ở Hà Nam: Cá “trắng” đầy sông, người kêu cứu!

02/12/2003

Chúng tôi đến làng chài Châu Thuỷ, Châu Giang (thị xã Phủ Lý) ngày 28/11, hai ngày sau sự kiện ô nhiễm chưa từng có xảy ra tại nơi này, sự phẫn uất vì bỗng nhiên tay trắng và nỗi ám ảnh sinh kế vẫn đầy ứ nơi đây! Có bà cụ không còn sức mà xao xác ngược xuôi, chảy nước mắt theo chân chúng tôi đến cuối làng một hai nhờ kêu cứu giúp làng chài.

5 ngày ám ảnh của Hà Nam

Có lẽ cái đêm 22/11 sẽ còn đè nặng lòng gần 200 hộ dân làng chài. Dòng nước đen xú uế đã tràn về trong đêm khắp đoạn sông Nhuệ chảy qua nơi đây. Sáng ra, mở cửa, điều đập vào mắt trước hết là cảnh cá chết nổi trắng mặt sông, thậm chí cả những giống nằm sâu dưới bùn cũng ngóc lên mà chết. Mùi tanh tưởi và hôi thối xộc lên khiến người ta chỉ có thể gập lưng mà bỏ chạy. Tình trạng ngày một khủng khiếp hơn trong suốt mấy ngày sau đó. Thực ra, hai năm gần đây cũng vào độ thời gian như thế này đều có một vài ngày nước ô nhiễm chảy về dồn dập khiến cho dòng sông vốn hiền hoà “trở chứng” và bà con ngư dân “đứt bữa” mấy ngày. Nhưng ác nghiệt như lần này thì chưa từng bao giờ xảy ra, bà Phạm Thị Vịnh 81 tuổi khẳng định với chúng tôi. 200 hộ dân nơi đây và hơn 50 hộ dân sống dưới thuyền từ cả trăm năm nay chỉ biết có bám vào đoạn sông Châu Giang này mà sinh sống bằng nghề chài lưới, nuôi cá,nuôi tôm và hến, không tấc đất canh tác, không nghề phụ làm thêm... Xưa sông Châu Giang trong xanh là thế, làm ăn có phần thư thả với bà con. Nhưng càng gần đây, nước sông ô nhiễm ngày một nhiều, cá tôm hiếm dần đi, ngay cả đặc sản - con hến cũng khó khăn mà kiếm. Bà con phải tính đến nuôi cá lồng, bè, nuôi tôm, nuôi hến. Tính vậy, cả làng có được 5 người đủ sức làm bè cá. Và trận ô nhiễm này đi qua, cả 5 người tiên phong ấy đều phải gánh chịu hậu quả nặng nề, tay trắng. Anh Nguyễn Văn Nam, 45 tuổi, đầu tư gần 70 triệu đồng nuôi cá với tính toán khi thu có thể đạt cả trăm triệu. Ấy vậy mà mấy ngày thôi, 3 tấn cá giống, 10 tấn cá thịt của anh đã phơi bụng đầy sông đem theo cả giấc mơ làm ăn đổi đời và để lại gánh nợ quá lớn. Không chịu được nỗi mất mát quá bất ngờ, anh Nguyễn Văn Toàn, một người chí thú chăn nuôi cá đã bỏ nhà ra đi sau khi phải chấp nhận cơ nghiệp tan theo những sọt cá vữa nát. Ồn ào không kém là chuyện của anh Bùi Quốc Ky, người đàn ông mang bộ mặt lệch méo một nửa, nghe nói lại là hậu quả của trận “xung đột “ với vợ vì nỗi tiếc của gần 400 triệu đổ vào nuôi cá tan tành. Anh là người mạnh dạn nhất, đứng ra thuê của HTX nhánh sông dài 2,5 km chặn lại nuôi cá và cũng phải trả giá lớn nhất. Khi chúng tôi đến, tình trạng nước sông đã được coi là như bình thường, nhưng bằng mắt thường cũng có thể thấy độ “bình thường” ấy quả thật đáng cảnh báo. Vậy mà, bà con ở đây vẫn phải vo gạo rửa rau trên chính dòng sông ấy và cũng tắm giặt luôn ở đó. Đã làm gì có nhiều nhà khoan nổi cái giếng khoan đâu? Bệnh tật hiển hiện trong nước da mái mái, trong cả sự sần sùi thô nứt cả da... Những căn bệnh hiểm nghèo đã xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Toàn thị xã mất nước!

Trận ô nhiễm ngày 22/11 không chỉ gây họa cho làng chài Châu Thuỷ, Châu Giang. Ông Lại Thanh Tuyên - Phó giám đốc Cty Cấp nước Hà Nam cho biết thêm về một sự kiện đáng nhớ đối với cả Cty lẫn người dân toàn thị xã. Với công suất 10.000 m3/ ngày đêm, hoàn toàn khai thác nước mặt từ sông Đáy, cách đoạn giao nhau với sông Nhuệ về phía thượng nguồn 550 m, Cty đã phải ngừng cấp nước vì không thể làm gì hơn được với dòng nước ô nhiễm nặng nề. Sau đêm 22, Cty đã phải ngừng cung cấp nước trong ngày 23/11. Ngày 24/11 cấp trở lại được đúng một ngày nhưng liền phải đóng cửa trong suốt mấy ngày sau đó. Ngày 27/11 mới trở lại cấp nước bình thường. Trong văn bản ngày 26/11, UBND tỉnh Hà Nam gửi Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã cấp báo tình trạng: “Hiện tại, nước sông Đáy, cách 20 km từ Phủ Lý về phía thượng lưu trở xuống rất hôi thối, màu đen đặc, đã làm cho cá và một số thuỷ sản khác trên các sông nói trên bị chết rất nhiều. Đặc biệt, nhà máy nước thị xã Phủ Lý đã phải ngừng hoạt động, nhân dân thị xã Phủ Lý và dọc ven sông Nhuệ, sông Châu Giang, sông Đáy không có nước dùng để ăn và sinh hoạt đang trong tình trạng lo lắng, kiến nghị tỉnh phản ánh tới Chính phủ và Quốc hội...” Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên nhà máy phải đóng cửa vì không thể lọc nước cung ứng cho dân. Năm 2001 và 2002 đều xảy ra tình trạng trên, tuy ngày cắt nước có ít hơn, mức độ thiệt hại cũng không bằng nămnay. Muốn giải quyết được tình trạng này, một giải pháp cấp bách đã được đặt ra - di dời trạm bơm nước số 1 của Cty về phía thượng nguồn 2.000 m nữa, đảm bảo độ sạch tương đối cho nguồn nước. Tuy nhiên, với Cty, khoản đầu tư 7 tỷ cho việc di dời là trở ngại khó vượt qua suốt từ năm 2001 đến nay.

Hậu đợt ô nhiễm

Ông Trần Xuân Đoàn, phụ trách Bộ phận Môi trường - Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nam ước tính sơ bộ, sau sự việc vừa rồi, ước chừng toàn tuyến thuộc tỉnh có tới hơn 200.000 hộ dân thuộc 30 xã chịu ảnh hưởng, nặng nề nhất là 200 hộ dân ở làng chài Châu Thuỷ, Châu Giang. Dòng chảy đen trànvề các sông khu vực này lại vào đúng ngày thứ 7, chủ nhật nên phải đến ngày thứ hai, tỉnh mới báo cáo lên Bộ và Trung ương đề nghị giải quyết. Để giải quyết tình hình, Bộ TN - MT đã kiến nghị ngừng trạm bơm xả nước ở HN và mở cửa xả bơm nước sông Hồng vào, pha loãng độ đậm đặc ô nhiễm của sông Nhuệ, sông Đáy, sông Châu Giang. Tình hình nhờ thế mà được cải thiện. Nhưng giải quyết hậu vấn đề ngày 22 lại là cả một vấn đề không nhỏ. Dòng sông Nhuệ là dòng chảy thải ra của Hà Nội và Hà Tây nhưng lại là nguồn cung cấp nước cho Hà Nam. Đáng chú ý, mới ngày 7/8/2003, 6 tỉnh lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy đã cùng ký vào cam kết xây dựng đề án ngăn chặn sự ô nhiễm ngày một nghiêm trọng và bảo vệ môi trường lưu vực hai con sông này. Thế nhưng, chỉ không đầy mấy tháng sau, sự cố nghiêm trọng hơn đã xảy ra vào ngày 22 - 27/11, gây thiệt hại nghiêm trọng như đã kể trên. Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam bức xúc kiến nghị, cần có biện pháp chỉ đạo ngăn chặn ngay các cơ sở từ đầu nguồn sông Nhuệ thuộc Hà Nội, Hà Tây xả nước thải chưa xử lý ra sông Nhuệ. Ông Đỗ Quang Cừ - Giám đốc Sở TN-MT Hà Nam kiến nghị, mỗi khi xả nước thải từ thượng nguồn xuống thì HN và Hà Tây cần có thông báo trước mấy ngày để Hà Nam chuẩn bị tinh thần “đón nhận” , như thế mới giảm được phần nào thiệt hại cho bà con. Ông Cừ nhấn mạnh đến viêc cần thành lập sớm Hội đồng 6 tỉnh lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy và phải gắn ngay chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cho hội đồng này để ngăn chặn việc “tỉnh làm cứ làm, tỉnh gánh chịu cứ gánh chịu”. Trước mắt, để giải quyết những thiệt hại vừa xảy ra với bà con làng chài, ông Đỗ Quang Cừ cho biết, tỉnh đã chỉ đạo điều tra cụ thể thiệt hại để có cơ chế hỗ trợ cho bà con tái ổn định sản xuất. Độ mười ngày nữa sẽ đưa ra được phương án hỗ trợ cụ thể, có thể là xem xét không tính lãi suất số tiền bà con vay làm lồng cá hoặc tính lãi suất hỗ trợ cho vay tiếp tiền đầu tư... -ông Cừ nói. Tuy nhiên, cứ nhìn thực tế, nhân lực chỉ có 3 người và chẳng có thiết bị đo đạc, quan trắc gì của tổ môi trường nàycó thể thấy “mươi ngày nữa” hoàn toàn là giới hạn khó lòng xác định!

Bản thân Hà Nam ngoài việc kêu gọi phía thượng lưu không xả nước thải trực tiếp ra sông Nhuệ thì cũng cần nghiêm khắc thực hiện việc cấm xả nước thải trực tiếp của các đơn vị, DN đóng trên địa bàn. Vừa là nạn nhân vừa là đối tượng trực tiếp gây tai hoạ là bài học nhỡn tiền. Ngoài ra, trong khi kêu gọi Trung ương đề ra chính sách, thể chế hay đầu tư cho những thiết bị quan trắc, công cụ thực hiện bảo vệ môi trường, thì vẫn có những việc trong tầm tay tỉnh cần phải sớm thực hiện. Hãy đặt vấn đề môi trường bên cạnh những bài toán kinh tế, không chỉ nônnóng phát triển mà quên đi yếu tố dân sinh.

Lưu Hương

http://muasam247.vn/PortletBlank.aspx/48AA7423480F4D5B913ED24FFF1D617D/View/Chat_luong_song/O_nhiem_moi_truong_song_Nhue_o_Ha_Nam-Ca_trang_day_song_nguoi_keu_cuu/?print=124451063

 

 

22- Hàng vạn người điêu đứng vì “dòng sông chết”!

(Thứ tư , 13/08/2008, 08:49)

(BNS) Đó là điều đang xảy ra tại sông Thị Vải - hơn 10 năm qua được gọi là “dòng sông chết”! Đến giờ này, khi cơ quan chức năng từ tỉnh đến trung ương đang loay hoay tìm biện pháp “cứu” sông Thị Vải, con người bắt đầu trả giá cho những năm dài liên tục chạy theo lợi ích kinh tế mà bất chấp việc bảo vệ môi trường dọc con sông này.

Tàu nước ngoài bắt đầu ngại vào cửa sông Thị Vải

CẢNG CHIẾN LƯỢC NHƯNG TÀU KHÔNG DÁM VÀO

Những ngày qua, dư luận chú ý việc hai doanh nghiệp là Công ty Phân bón Việt - Nhật, Công ty Shell Việt Nam (đóng tại Khu công nghiệp Gò Dầu) đã kêu cứu đến các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai về tình trạng tàu hàng của Nhật từ chối chở nguyên vật liệu, hàng hóa cho họ vì không dám cho tàu cập cảng Gò Dầu B, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Trước đó, tàu của Singapore cũng đã cảnh báo sẽ không cho tàu vào cảng này sau khi hết hợp đồng với các doanh nghiệp trên. Nguyên nhân các chủ tàu đưa ra là do nguồn nước sông Thị Vải khu vực cảng này bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến vỏ tàu, sức khỏe của thủy thủ. Cùng thời điểm, Công ty Cổ phần cảng Đồng Nai (quản lý cảng Gò Dầu B tại khu vực sông Thị Vải, xã Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai) cũng đã gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng Đồng Nai và các Bộ về tình trạng nguồn nước sông Thị Vải ô nhiễm, ảnh hưởng đến tuổi thọ của các cầu cảng, khiến chi phí khắc phục, bảo dưỡng tăng lên rất nhiều, tàu nước ngoài e ngại khi vào cảng v.v... Công ty này cũng đồng thời kêu cứu về tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ của khoảng 70 công nhân đang làm việc tại đây. Hầu hết họ phải làm việc trong môi trường mùi hôi thối bốc lên từ mặt nước sông Thị Vải, khiến họ bị mắc các bệnh viêm xoang, viêm mũi, nhức đầu và đau ốm liên tục. Công ty đã xây nhà tập thể cho công nhân ở nhưng vì gần sông, mùi hôi nồng nặc nên hầu hết bỏ ra ngoài thuê trọ.

Trong tương lai, một số cảng tại TPHCM sẽ di dời đến khu vực sông Thị Vải. Nhưng với thực trạng hiện tại, chiến lược khai thác cảng sông này liệu sẽ còn khả thi? Bởi tàu không vào thì cảng sẽ “đắp chiếu”!

Buổi chiều nước sông Thị Vải thường nổi váng như thế này

Có thể nói, tình trạng nước sông Thị Vải bị ô nhiễm nặng đang được báo động. Ngày 2-7 và 6-8-2008, đại diện các sở, ngành của Đồng Nai đã tổ chức các buổi họp với các nhà khoa học, doanh nghiệp để đánh giá, đưa ra biện pháp giải quyết những vấn đề trên. Đáng thất vọng là hầu hết các ý kiến vẫn với điệp khúc cũ: “chưa thể đánh giá hết tác hại!” và phải “chờ ý kiến của cấp trên” như nhiều năm qua các cơ quan này vẫn làm. Cho dù, dọc con sông này người dân nuôi trồng thủy sản đã giải nghệ từ lâu và có hàng ngàn người dân các xã xung quanh khu vực đã và đang mang những căn bệnh về hô hấp do ngửi phải mùi hôi thối từ nước sông Thị Vải. Với kiểu giải quyết “xin chờ ý kiến” của các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, nên trong cuộc họp ngày 6-8-2008, một phó giám đốc doanh nghiệp đã bức xúc: “Chúng ta nói nhiều quá. Nước sông ô nhiễm, sinh vật chết, con người thì ngửi mùi hôi thối. Còn chúng ta cứ... bàn!”, rồi ông xách cặp bỏ về.

NGƯỜI VÀ SÔNG KÊU CỨU!

Sông Thị Vải có chiều dài khoảng 70km, chạy dọc tuyến Quốc lộ 51, từ Đồng Nai chảy ra cửa biển Bà Rịa - Vũng Tàu, được xem là con sông “vàng” để khai thác tiềm năng kinh tế, bao gồm cả giao thông, bến cảng, nguồn nước phục vụ sản xuất, xây dựng, nuôi trồng thủy sản, môi trường sinh thái... Từ đầu những năm 1990, tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) bắt đầu hình thành những khu công nghiệp, cụm công nghiệp dọc con sông này. Đến nay, trên địa bàn Đồng Nai có các khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 3, Gò Dầu. Còn địa phận BR-VT thì có KCN Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Phú Mỹ 1, Cái Mép... với hàng trăm nhà máy đang hoạt động, mỗi ngày thải ra dòng sông này hàng chục ngàn khối nước thải các loại chưa được xử lý. Phải nói rằng, hơn 10 năm qua, con sông này đã oằn mình gánh vác nhiệm vụ nặng nề là phục vụ tiềm năng kinh tế của khu vực Đồng Nai, BR-VT, TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, con người chỉ biết khai thác tiềm năng của sông mà quên đi nhiệm vụ bảo vệ nó. Mỗi ngày, dòng sông càng bị đầu độc bởi hàng vạn tấn nước thải chứa đầy chất độc hại.

Vào những năm 1992, 1993, chúng tôi còn đi chèo thuyền thả lưới, ngồi trên bờ thuộc xã Phước Thái (huyện Long Thành, Đồng Nai) câu cá. Thế nhưng, từ khi Nhà máy bột ngọt Vedan - một trong những dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên có số vốn rất lớn được xây dựng tại xã này, cùng với hàng loạt dự án khác hình thành thì dòng sông bắt đầu “chết” dần “chết” mòn. Những con cá mà chúng tôi phải ngồi câu lúc đó bắt đầu ngóc đầu lên khỏi mặt nước, dạt vào bờ và sau đó vài ngày là chết la liệt. Chúng tôi chỉ cần lấy vợt di dọc bờ là vớt được cá. Rồi dần dần, màu nước sông trở nên nâu sẫm, mùi hôi thối bốc lên thì bóng dáng của những con cá cũng không còn nữa.

Đến những năm 1995, 1996 tình trạng vô cùng tồi tệ. Nước sông Thị Vải bốc mùi hôi thối nồng nặc vào mỗi buổi chiều, nhất là những lúc trời oi bức chuyển mưa, ít gió. “Mùi” của con sông này không chỉ lan tỏa tại xã dọc sông mà ngay cả nhiều xã cách xa bờ sông từ 5 - 7km như xã Tân Hiệp, Bàu Cạn, Long Phước, Phước Bình (huyện Long Thành, Đồng Nai)... người dân cũng phải khốn đốn “sống chung với mùi hôi”. Người già, trẻ con bắt đầu bị những căn bệnh liên quan đến hô hấp như viêm mũi, viêm xoang... ngày càng nhiều. Những nhà máy không chỉ xả nước thải xuống sông, mà người ta còn thấy cảnh tượng rất tức cười: nước thải có màu nâu đen của một số nhà máy được hàng chục chiếc xe bồn chở vào “tưới” cho hàng ngàn héc-ta cao su của Nông trường Thái Hiệp Thành (thuộc Công ty Cao su Đồng Nai) nằm gần đó quanh năm. Vườn cao su nào cũng bị nhuốm màu nâu đen của nước thải. Người ta giải thích cho công nhân rằng đó là “nước thải dinh dưỡng” tốt cho cây cao su. Chỉ sau vài ngày bị tưới nước thải này, cỏ cây đều trơ trụi, vàng úa. Còn hàng ngàn công nhân và con em họ, người dân trong các xã xung quanh vườn cao su đành phải “nuốt” cái mùi vừa hăng hoá chất vừa thối của loại “nước thải dinh dưỡng” kỳ lạ kia. Mấy ngày qua, người dân tại xã Phước Thái, Phước Bình (nằm gần Khu công nghiệp Gò Dầu) cũng đang đối phó với những căn bệnh về hô hấp, nhức đầu và thậm chí nước uống cũng có mùi vị rất lạ.

Người dân sống ở khu vực này đang phải trả giá đắt trước “dòng sông chết” Thị Vải. Bản thân con sông này, theo các nhà khoa học thì không thể tự làm sạch được nữa mà phải do con người. Vậy ai đứng ra “cứu” sông Thị Vải, cứu người dân đây, và phải chờ đợi đến bao giờ?!

http://www.congan.com.vn/van_de_hom_nay/2008/08/20080812.613P.V

 

23- Sông Thị Tính đang bị “đầu độc”?

Ngày cập nhật: 02/10/2008 11:38

Cửa xả nước thải chưa qua xử lý của một nhà máy giấy đặt ngầm đổ ra sông Thị Tính

Bài 1: Sông xanh nay thành sông bẩn

Bao đời nay, con sông Thị Tính hiền hòa, thơ mộng vừa mang nặng phù sa, nước ngọt tưới mát cánh đồng, vừa mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào nuôi sống bao con người quanh đây.

Sông Thị Tính đang bị “đầu độc”?

Bài 1: Sông xanh nay thành sông bẩn

Bao đời nay, con sông Thị Tính hiền hòa, thơ mộng vừa mang nặng phù sa, nước ngọt tưới mát cánh đồng, vừa mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào nuôi sống bao con người quanh đây. Mấy năm gần đây, tình hình công nghiệp phát triển mạnh, nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên ven sông để tận dụng thế mạnh sông nước, sẵn tiện một số xí nghiệp đổ luôn chất thải độc hại chưa qua xử lý xuống dòng sông làm con sông bị ngộ độc và chết lần chết mòn. Dòng sông xanh tươi đẹp của ngày nào nay đã thành sông bẩn.

Khóc... một dòng sông!

Ông Tám Mảnh, một dân chài nổi tiếng ở xã Chánh Mỹ, TX.TDM sống bằng nghề câu lưới truyền thống, nay đã phải kéo ghe lên bờ... ngồi chơi vì “nước sông ô nhiễm quá, cá tôm còn đâu nữa mà đánh với bắt”. Tuy đã bỏ nghề nhưng cứ chiều chiều ông Tám lại kéo ghế nhìn ra sông với biết bao hồi ức tràn về: “Nếu như đặc sản của sông Sài Gòn là con tôm càng xanh, thì đặc sản của sông Thị Tính là cá các loại. Mỗi năm cứ đến đầu mùa mưa, cá leo mang trứng từ trên thượng nguồn đổ về tìm chỗ đẻ, nó theo nước mát chạy có bầy xanh cả mặt sông. Cá loại to con (con lớn nặng đến trên 10kg) lại mang đùm trứng nặng nề (2 đến 3kg) sống lâu ở nơi chật hẹp trên nguồn, nên khi ra sông lớn nó lờ khờ dễ đánh bắt lắm. Cùng với cá leo còn có chạch lấu, cá trèn, cá kết... thuộc họ cá da trơn, nhưng thịt của nó thì ngon hết kể. Bây giờ khoa học kỹ thuật tiên tiến, người ta đánh bắt tùy tiện lắm, ăn một con, nhưng giết chết cả bầy như cào điện, đánh bắt bằng hóa chất, cộng với nguồn nước bị ô nhiễm nên giờ đây tìm đâu ra những loại cá đó để mà nhìn, chứ đừng nói nếm thử”.

Anh Hoàng Ngô Minh (*), một đồng nghiệp thuộc hàng con cháu của ông Tám Mảnh chỉ vào đống lưới cào bỏ xó bên chái nhà buồn bã kể: “Hai năm trước, vợ chồng tôi còn chạy ghe đánh lưới, sáng về mang cá lên lộ bán, người ta bu mua đông nghẹt vì cá tươi ngon, quanh hai bên bờ sông bà con trồng hoa màu, cây trái nên thường xuống sông gánh nước, tắm giặt... Bây giờ ghe phải kéo lên bờ, lưới thì bỏ khô ở đó vì dưới sông không còn cá, đất đai bỏ trống cho cỏ mọc, không ai dám xuống đụng nước vì bã hèm lắng cả mấy tấc bốc mùi tanh tưởi, nguồn nước thì nhiễm bẩn. Mấy cái lọp đặt ven sông trước nhà lúc trước ngày đổ 2 giác cá đựng cả thúng, bây giờ đặt tối ngày đổ lên cũng không đủ kho. Nguyên nhân là do những nhà máy công nghiệp họ xả chất thải không qua xử lý ồ ạt xuống lòng sông làm con sông bị ô nhiễm chết lần chết mòn, thì cá tôm nào mà sống nổi”...

Chất thải rắn từ nhà máy đổ ra ngoài tràn lan

Sông xanh nay thành sông bẩn

Tự nguyện làm người chèo đò trước khi đưa chúng tôi đến chứng kiến tận mắt các cửa cống xả chất thải do các nhà máy sản xuất giấy phế liệu thải ra thuộc Cụm sản xuất công nghiệp Tân Định ở ấp 3, xã Tân Định, huyện Bến Cát, anh Hoàng và một người bạn cùng xóm đã thử chứng minh bằng cách cắm thẳng cây chèo xuống lòng sông rồi rút lên, cả một đoạn khoảng 5 tấc thuộc phần cuối cây chèo bị dính bùn nhão đen ngòm, tương tự như bã hèm mà người ta thường thấy công nhân vệ sinh vớt lên từ dưới đáy cống bám đầy vào thân cây chèo bốc lên mùi hôi thối khó chịu. Các anh giải thích: “Trước đây, đáy sông sạch lắm, chỉ toàn cát nên dân làng thường kéo ra sông để tắm giặt, gánh nước sinh hoạt, tưới hoa màu... Từ khi các nhà máy giấy đi vào hoạt động, họ xả thẳng nước thải sản xuất không qua xử lý xuống lòng sông làm cho dòng nước ở đây bị ô nhiễm nặng, không còn ai dám xài nước của dòng sông này vì sản xuất giấy phế liệu phải dùng đến rất nhiều hóa chất, axít để tẩy rửa, cộng thêm keo, bã hồ từ trong giấy tan ra là những thứ lợn cợn, nặng nên chìm xuống đáy sông tạo ra thứ bùn đen hôi hám, gây bồi lắng nhanh lòng sông mà không được nạo vét, cộng với các loại hóa chất độc hại tan trong nước nên giờ đây không người nào dám xuống sông để tắm giặt vì rất dễ bị ngứa, dị ứng, nổi ghẻ... Nếu như trước đây, con sông Thị Tính này có rất nhiều cá, tôm thì giờ đây, dân chài chúng tôi chỉ đánh bắt được toàn cá lau kiếng, loài cá có sức chịu đựng rất khỏe với nguồn nước bị ô nhiễm và chuyên “thu gom, xử lý” chất thải của người khác”!

Vừa dứt câu chuyện cũng là lúc chiếc xuồng đưa chúng tôi đến bên họng lấy nước của một nhà máy sản xuất giấy bao bì phế liệu. Lướt qua đám cỏ lau dày đặc chiếc xuồng chồm lên, trước mắt chúng tôi là một quầng trắng có diện tích to hơn chiếc đệm, nước thải từ dưới lòng sông trào lên bừng bựng cùng với lớp bọt trắng xóa bao quanh. Không cần giải thích, nhưng ai cũng hiểu đây là đường cống nước thải được chôn ngầm sâu dưới lòng sông và nó cứ chảy tự do từ năm này sang năm nọ mà không bị phát hiện, xử lý. Nhìn ngược lên phía trên nhà máy cách bờ sông chừng 100m, chúng tôi không khỏi rợn người khi nhìn thấy đủ loại chất thải: bao nylon, bao nhôm và nhiều thứ không hòa tan khác tràn ra từ một hồ nước phía trên nhà máy rồi tự do trôi từ đó xuống sông tạo thành một dòng thác rác trải dài gây xốn cả mắt!”. Bà Út Trang, nhà cách cửa cống chừng 50m về phía hạ nguồn rầu rĩ than: “Trước đây, gia đình tôi làm vườn, trồng rau sinh sống trên mảnh đất này, từ khi các nhà máy giấy về đây sản xuất, gia đình chúng tôi phải bỏ nghề vì trồng trọt không hiệu quả, môi trường bị ô nhiễm nặng, tôm cá ngày một ít đi nhưng côn trùng có hại, muỗi độc thì xuất hiện ngày càng nhiều. Các chú quan sát kỹ xem, nếu nước thải đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn thì xung quanh cửa xả phải có con này con kia đến tìm thức ăn như ngoài tự nhiên mình thường thấy, chứ kiểu đó thì không lâu con sông này sẽ thành dòng sông chết vì quanh đây có 5-6 nhà máy giấy sản xuất tự do như thế này, chưa kể một nhà máy thép phế liệu to đùng trên đầu nguồn kia đã âm thầm làm bẩn dòng sông liên tục từ nhiều năm qua. Có phải lợi ích của các doanh nghiệp đó còn lớn hơn cả sinh mạng của con sông cùng với cuộc sống của bao gia đình đã gắn liền với dòng sông này từ bao đời nay, hay là do các nhà máy kia nằm khuất sâu ngoài sông nên không ai để ý, phát hiện?”...

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Cát Huỳnh Công Du: Sẽ đề nghị tỉnh rút giấy phép nếu tái phạm nhiều lần

Nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc cử tri và tại các kỳ họp HĐND, chúng tôi đều nghe phản ánh và đã trả lời về vấn đề này. Phải nói thẳng ra rằng ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp đến giờ còn rất kém. Cụ thể công suất nước thải của nhà máy là 300m3/ngày đêm, nhưng hệ thống xử lý cũng có công suất là 300m3/ngày đêm, thì rõ ràng là làm để đối phó, không có thiện chí khắc phục! Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện doanh nghiệp tái phạm nhiều lần, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh rút giấy phép hoạt động. Qua đây, chúng tôi rất mong quần chúng nhân dân khi phát hiện bất cứ ai cố tình gây ô nhiễm môi trường hãy kịp thời báo cho cơ quan chức năng xử lý.

Theo báo cáo xử lý ô nhiễm của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng năm 2007 thì chỉ 1 doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì các-tông nằm trong Cụm sản xuất công nghiệp thuộc ấp 3, xã Tân Định, huyện Bến Cát, kết quả phân tích cho thấy: Nước thải có chỉ tiêu COD vượt tiêu chuẩn quy định gấp 34 lần; BOD vượt tiêu chuẩn 25,4 lần; SS vượt tiêu chuẩn 3,9 lần; khí thải lò hơi, bụi vượt tiêu chuẩn 4,5 lần; CO vượt tiêu chuẩn 1,7 lần... Cũng theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường thì tại khu vực ấp 3, xã Tân Định có đến 5 nhà máy sản xuất giấy có nguồn nước thải xả ra sông Thị Tính gồm: Công ty TNHH giấy Vạn Phát, Vĩnh Cơ, Hiệp Lợi, Thuận An, Đồng Tiến.

(*) Vì lý do tế nhị, bảo đảm an toàn nguồn tin, tác giả xin được thay đổi họ tên một vài nhân vật trong phóng sự này

Kỳ sau:

 

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr-