Những giòng sông bị giết - 1

Vietsciences-          
 

Hồ sơ vụ án VEDAN


1/Những dòng sông chở nặng... ô nhiễm
2/Những dòng sông chết ở Việt Nam
3/
Việt Trì: Đừng để như VEDAN mới xử lý
4/Tình trạng ô nhiễm trên những dòng sông ở Việt Nam
5/Việt Nam sẽ có những dòng sông “chết”
6/Đừng buộc những dòng sông phải “thay lòng đổi dạ”
7/Báo động đỏ về những dòng sông đang hấp hối
8/Những dòng sông thoát nước của Hà Nội: Bao giờ hết ô nhiễm?
9/Những dòng sông chở nặng... ô nhiễm
10/Những con mương “đen” giữa lòng thành phố Cảng
11/Bình Dương: Nước thải từ các KCN góp phần gây ô nhiễm sông Đồng Nai?
12/Xử lý ô nhiễm sông Thị Vải: Chỉ mới giải quyết phần ngọn
13/Gây ô nhiễm vẫn ung dung hoạt động
14/Hà Nội: "Bội thực" vì nguồn chất thải
15/Hạt nix trong mắt ai
16/Ô nhiễm môi trường nước thải ở “Bến Nộc” xã Tân Định (Bến Cát): Ngành chức năng cần sớm vào cuộc
17/115/154 khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải
18/Nan giải bài toán ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp
19/Những dòng sông sắp qua đời
20/Những dòng sông... chờ chết!
21/Cuộc sống khốn cùng bên dòng sông 'chết'
22/Hoài Hà, dòng sông bị bức tử

1- Những dòng sông chở nặng... ô nhiễm

Chủ nhật, 24/08/2008

Sông Sài Gòn nguồn cấp nước cho hơn 10 triệu dân vẫn không thoát khỏi ô nhiễm.

Ngày 14.8 vừa qua, Ban Kinh tế Ngân sách và Thường trực HĐND TPHCM đã tổ chức buổi tham vấn ý kiến của nhân dân về vấn đề môi trường; các quan chức hữu quan đã hứa giải quyết một số vấn đề môi trường theo ý kiến người dân.

Có thể nói, cho đến giờ, các lãnh đạo thành phố ở ta chưa có thông lệ "lắng nghe dân nói" về các vấn đề môi trường như vậy.

Dự kiến đầu tháng 9 này, HĐND TPHCM sẽ phối hợp với UBNDTP, tổ chức một hội nghị chuyên đề về vấn đề môi trường. Thành phố lớn nhất, đông dân nhất nước này cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm toàn diện và cũng ở mức báo động nhất nước.

Ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn TPHCM hiện nay được đánh giá là nghiêm trọng nhất. Các dòng kênh trong nội thành bị ô nhiễm đã đành, các dòng sông lớn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu con người cũng không thoát khỏi số phận tương tự.

Nguồn nước bị "ung thư"

Theo những số liệu mới nhất, hệ thống kênh rạch của thành phố mỗi ngày bị đầu độc bởi sơ sơ có... 40 tấn rác thải các loại và 70.000m3 nước thải công nghiệp (vài năm trước số liệu này là 200.000m3)… chưa qua xử lý. Với một thực trạng như vậy thử hỏi làm sao những dòng kênh xanh không biến thành những dòng kênh bị "ung thư".

Trong khu vực nội thành, những dòng kênh như Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Đôi-kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ, Tân Hóa-Lò Gốm… bị ô nhiễm từ vài chục năm nay là chuyện đã đành thì đến hiện nay ngay khu vực ngoại thành từ Bình Chánh, Hóc Môn đến Củ Chi... những dòng kênh vốn phục vụ cho việc tưới tiêu trước đây nay cũng biến thành những dòng kênh mà người dân đã gọi là kênh sủi bọt, kênh ngứa, kênh nín thở...

Theo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bình Chánh, trong hệ thống 72 tuyến kênh trên địa bàn huyện đến nay không còn bất cứ dòng kênh nào mà không bị ô nhiễm nặng. Hậu quả này cũng dễ hiểu khi có đến hơn 1.000 cơ sở sản xuất trong vài năm qua hàng ngày đua nhau xả thải xuống hệ thống kênh này.

Theo một kết quả kiểm tra mới đây của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bình Chánh, chỉ có vẻn vẹn 22 trong số gần 1.000 cơ sở sản xuất có trang bị hệ thống xử lý nước thải. 70% chiều dài của các tuyến kênh trên địa bàn thành phố bị ô nhiễm nặng, trong đó, tuyến kênh An Hạ-Thầy Cai được xếp vào nhóm ô nhiễm gia tăng nhanh nhất, chủ yếu là hoá chất dệt nhuộm, hóa chất phục vụ ngành caosu, kim loại nặng và chất rắn lơ lửng...

Nước ô nhiễm của tuyến kênh này có lần đã làm chết cá của một số hộ dân trên địa bàn 2 huyện Đức Hoà, Đức Huệ tỉnh Long An. Một tuyến kênh khác cũng được xếp vào loại điểm nóng là kênh Ba Bò của khu vực giáp ranh tỉnh Bình Dương và quận Thủ Đức, TPHCM.

Theo phản ánh của người dân với Hội đồng Nhân dân TPHCM, có những ngày nước kênh thay đổi sắc thái đến 3 lần: Sáng đỏ (hoá chất dệt nhuộm) trưa có màu đen và hôi, vào buổi chiều thì sủi bọt. Nhiều khi bọt sủi nhiều đến mức tràn lên bờ...

10 triệu người chung sống

Ô nhiễm không chỉ là chuyện của các dòng kênh mà ngay cả lưu vực sông Đồng Nai, trong đó có sông Sài Gòn nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 10 triệu dân của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đang bị đầu độc. Lưu vực sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh thành: Đak Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, TPHCM, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước.

Hoạt động công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển đô thị... được các nhà khoa học xem là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nói chung và sông Sài Gòn nói riêng.

Theo một công trình nghiên cứu của kỹ sư Võ Thị Ngọc Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương - thì chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có 11 KCN xả nước thải vào lưu vực sông Sài Gòn, khối lượng nước thải mỗi khu ít nhất là 1.200m3/ngày và nhiều nhất là 5.600m3 nước thải/ngày.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nằm ngoài các KCN cũng thải vào lưu vực sông Sài Gòn 45.000m3/ngày. Trong đó các ngành độc hải như sản xuất giấy thải ra 7.700m3; dệt nhuộm 4.200m3 và chế biến mủ cao su 9.600m3/ngày. Riêng đối với hoạt động chăn nuôi mỗi ngày thải ra hơn 24.500m3 nước thải...

Còn đối với TPHCM, số liệu về khối lượng nước thải công nghiệp thải vào lưu vực sông Sài Gòn không được công bố nhưng con số thực tế có thể là 250.000m3/ngày đêm. Còn theo số liệu của Bộ Tài nguyên Môi trường trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có gần 500 làng nghề, 9.000 cơ sở sản xuất, 1.633 cơ sở y tế.... xả nước thải vào lưu vực, trong đó hầu hết là nước thải chưa qua xử lý.

Thực trạng ô nhiễm của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã được các nhà khoa học báo động từ lâu thế nhưng chính quyền các tỉnh hầu như không có phản ứng gì trước thực trạng này. Các tỉnh thành trong khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam từ 10 năm nay đã chạy đua thu hút đầu tư, chạy đua phát triển công nghiệp nên xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường.

Đua nhau đưa ra các điều kiện dễ dãi nhất để lôi kéo các nhà đầu tư, trong đó có các tiêu chuẩn về môi trường. Hậu quả, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn cho phép vô tư xả thẳng vào nguồn nước sông trong hệ thống sông Đồng Nai. Thực tế này giải thích vì sao, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đang ngày càng ô nhiễm trầm trọng, đe doạ nguồn nước sinh hoạt của hơn 10 triệu dân.

Đặc biệt là trong thời gian gần đây chất lượng nước thô cung cấp cho các nhà máy nước của TPHCM bị giảm sút nghiêm trọng. TPHCM đã phải chỉ đạo cho các cơ quan chức năng lập một đề án để bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn. Trong khi TPHCM lo sợ nguồn cấp nước sinh hoạt chính bị ô nhiễm thì phía thượng nguồn của lưu vực trên sông La Ngà, hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng... người ta vẫn cứ vô tư nuôi cá bằng phân gà, phân heo.

Sông Thị Vải (Đồng Nai) một nhánh của toàn lưu vực tiếp tục là dòng sông chết bởi hoá chất của Nhà máy Vedan.

TPHCM: Ô nhiễm toàn diện

Theo kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, nồng độ bụi trong không khí thành phố này đã có sự gia tăng vượt bậc: năm 1999 là 0,53mg/m3 đến năm 2006 đã tăng lên 0,63mg/m3 không khí. Các chỉ số khác như benzene, chì trong không khí tăng từ 3 đến 8 lần từ năm 2000 đến 2006. Về nước thải của các khu chế xuất, khu công nghiệp, trong 45 mẫu nước thải được Chi cục Bảo vệ môi trường lấy về kiểm tra chỉ có 1 mẫu đạt yêu cầu, 44 mẫu còn lại chứa nhiều chất gây ô nhiễm vượt chuẩn cho phép lên đến cả trăm lần, thậm chí là vài trăm lần.

Theo LĐ

http://tintuc.timnhanh.com/xa_hoi/20080824/35A81486/

2- Những dòng sông chết ở Việt Nam

Nam Nguyên, phóng viên RFA

2008-09-24

Sông Thị Vải chảy qua Saigon, Đồng Nai và Bà rịa Vũng Tàu trở thành dòng sông chết, vụ Công ty Vedan xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra sông, là tiếng chuông báo động về tình trạng phát triển công nghiệp bằng mọi giá ở VN.

Đời sống vùng sông nước

Ô nhiễm nghiêm trọng đến mức báo động

Giai đoạn VN tăng trưởng kinh tế đều đặn gắn liền với thu hút đầu tư nước ngoài, nỗ lực phát triển công nghiệp ồ ạt. Chưa đầy 20 năm, mà tình trạng ô nhiễm nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đã biến nhiều con sông trên toàn quốc trở thành những dòng sông chết. Ở miền Bắc lưu vực các sông Cầu, Nhuệ Đáy và ở miền Nam lưu vực hệ thống sông Saigon-Đồng Nai bao gồm 12 tỉnh thành đã bị ô nhiễm nghiêm trọng đến mức báo động.

Chưa đầy 20 năm, mà tình trạng ô nhiễm nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đã biến nhiều con sông trên toàn quốc trở thành những dòng sông chết.

TS Nguyễn Trung Việt, chuyên gia môi trường ở TP.HCM, nhắc tới tình trạng của các quốc gia khác vào thời kỳ đẩy mạnh phát triển kinh tế, tương tự như VN trong giai đoạn vừa qua:

“ Phát triển kinh tế bao giờ chẳng đi đôi với ô nhiễm, thế nhưng tất cả các nước trên thế giới kể cả Singapore, Mỹ Nhật, Hà Lan, Đức, Anh, Pháp đầu tiên họ phát triển công nghiệp thì đều gây ô nhiễm dữ dội. Sau đấy khi phát triển kinh tế ở mức độ nào đấy thì họ mới quay trở lại xử lý về mặt môi trường. Thế vì vậy việc gây ô nhiễm, lợi nhuận là một chuyện thôi. Cái thứ hai là do hệ thống kiểm soát hệ thống quản lý nhà nước vẫn chưa được chặt chẽ, mà cũng phải có thời gian người ta mới có đủ cả về nhân lực, cơ sở vật chất người ta làm mới được. Hơn nữa luật lệ của mình … nhiều khi đi vào kiểm tra nhà máy đâu dễ gì, phải báo trước, phải xin quyết định cấp trên, thành ra những vụ việc xảy ra rất nhanh mình không có cách gì giải quyết được. Phải mất một thời gian, thì hệ thống pháp luật pháp qui rồi cơ sở vật chất rồi con người mới đủ để cho có thể xử lý vấn đề môi trường chặt chẽ như các nước phát triển.”

Uỷ Ban Bảo Vệ môi trường

Cuối tháng 12/2007, chính phủ quyết định thành lập lần lượt nhiều uỷ ban bảo vệ lưu vực sông Cầu, sông Đáy và Sông Nhuệ ở miền Bắc và lưu vực sông Đồng Nai ở miền đông Nam Bộ. gần 10 tháng qua theo tin ghi nhận thì chưa có sự chuyển động gì về việc thành lập các cơ cấu này, đặc biệt là Uỷ Ban Bảo Vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Một số chuyên gia cho rằng tình trạng lạm phát đã khiến chính phủ cắt giảm chi tiêu công, trong đó có những dự án lớn lao về bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai.

Thực tế về vấn đề này chưa được công bố, nhưng tờ SGGP Online ngày 21/9 trích lời GSTS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ và Quản Lý Môi Trường ở TP.HCM nhận xét rằng Bộ Tài Nguyên Môi Trường có họp bàn với các địa phương chuẩn bị cho sự ra đời của Uỷ Ban Bảo Vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, tuy nhiên cho tới nay chưa có sự chuyển động nào.

Bộ Tài Nguyên Môi Trường có họp bàn với các địa phương chuẩn bị cho sự ra đời của Uỷ Ban Bảo Vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, tuy nhiên cho tới nay chưa có sự chuyển động nào.

GSTS Lê Huy Bá

Theo đà phát triển, hiện nay trong lưu vực sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh thành miền Đông Nam Bộ có tới 42 khu công nghiệp, khu chế xuất với hàng ngàn nhà máy phần lớn chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, hoặc có một số nơi có hệ thống này thì lại chưa đạt chuẩn. Đó là chưa kể những trường hợp như các nhà máy của công ty Vedan, có hệ thống xử lý nước thải nhưng không sử dụng mà lại bố trí hệ thống ngầm dấu kín để thải trực tiếp nước thải thô xuống đáy sông.

Cái giá phả trả khi coi nhẹ việc bảo vệ môi trường:

GSTS Lâm Minh Triết thuộc Đại Học Quốc Gia TPHCM, một nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm về môi trường và tài nguyên đã nhận định với chúng tôi về cái giá phả trả cho những quốc gia coi nhẹ việc bảo vệ môi trường:

“ Đã cảnh báo từ lâu việc ô nhiễm môi trường sẽ dẫn đến như các nước khác, là ô nhiễm môi trường mình khắc phục nó tốn kém rất nhiều lần so với cái mình đầu tư hiện tại. Theo tôi, trên thực tế các xí nghiệp công nghiệp họ chạy theo lợi nhuận nhiều hơn việc quan tâm tới vấn đề môi trường.”

Theo GSTS Lê Huy Bá phát biểu trên báo chí VN, vùng hạ lưu sông Đồng Nai đã bị ô nhiễm đến mức báo động, nguồn nước không thể phục vụ sinh hoạt cho người dân, ngay cả việc tưới tiêu nông nghiệp cũng bất khả thực hiện. Mức độ ô nhiễm trong toàn lưu vực lại đang tăng nhanh từ 5 năm gần đây. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai tiếp nhận khoảng hơn 112 ngàn mét khối nước thải công nghiệp, trong đó bao gồm hàng chục tấn hoá chất độc hại vượt quá mức cho phép.

Theo tài liệu ngành Tài nguyên Môi Trường, lượng nước thải sinh hoạt của các thành thị và khu vực dân cư đổ xúông hệ thống sông Đồng Nai lên tới hơn 1.700.000 mét khối mỗi ngày, trong đó chứa đựng hàng ngàn tấn cặn bã, vi trùng gây các bệnh nguy hiểm.

Theo tài liệu ngành Tài nguyên Môi Trường

Đối với vấn đề bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Trước khi quá muộn, GSTS Lâm Minh Triết phân tích:

“ Nhận thức được là không thể khác được, không thể tiếp tục không quan tới phát triển bền vững và việc bảo vệ môi trường trong lưu vực. Tất nhiên bài toán rất khó và nhiệm vụ cũng không đơn giản như các nước khác cũng vậy. Nhưng một dòng sông lớn như thế liên quan nhiều địa phương thì rõ ràng là phải có nỗ lực, có kế hoạch cụ thể, hành động cụ thể chỉ đạo cụ thể và dành những kinh phí thích hợp để thực hiện.”

Lưu vực hệ thống sông Saigon-Đồng Nai nói chung rộng hơn 43 ngàn km2, dân số khoảng 20 triệu người, bao gồm 12 tỉnh thành kể cả TP.HCM . Toàn khu vực có gần 60 khu công nghiệp khu chế xuất và còn đang phát triển thêm.

Sự kiện công ty bột ngọt Vedan ở Long Thành Đồng Nai và tình trạng sông Thị Vải đang chết dần, được mô tả là tiếng chuông cảnh tỉnh cuối cùng về vấn đề bảo vệ môi trường các lưu vực sông ở VN.

http://www.rfa.org/

 

3- Việt Trì: Đừng để như VEDAN mới xử lý

16:30' 13/10/2008 (GMT+7)

- Thành lập được hơn 10 năm nhưng đến nay khu công nghiệp (KCN) Thụy Vân (TP.Việt Trì, Phú Thọ) vẫn chưa có khu xử lý nước thải. Toàn bộ nước thải của hơn 20 nhà máy thải trực tiếp ra hồ chứa tạm do Tổng Công ty Sông Hồng thiết kế từ ngày KCN hình thành. Nước thải ở hồ chứa tạm này dẫn qua đường ống và chảy xuống cánh đồng, ao hồ quanh đó, đặc biệt là 4 xóm: Vĩnh Phú, Phú Hậu, Phú Thịnh, Nội gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.

Vỡ hồ chứa nước thải - nỗi kinh hoàng của người dân

Chắc hẳn người dân xã Thụy Vân không ai là người không nhớ sự kiện kinh hoàng diễn ra vào ngày 16/10 cách đây 7 năm. Hơn 3000m3 nước thải KCN Thụy Vân từ độ cao 3m so với mặt ruộng đã băng qua một con đập đắp tạm, ồ ạt tràn ra 10ha đầm, tràn tiếp vào 100ha các chân ruộng đang gieo cấy vụ chiêm xuân của xã Thụy Vân.

Sự cố trên đã được Sở Khoa học Công nghệ Môi trường, Ban quản lý KCN Phú Thọ, UBND TP. Việt Trì và UBND xã Thụy Vân phối hợp kiểm tra mức độ ô nhiễm. Nước ở đầm Bỗng do nước thải công nghiệp tràn vào vượt tiêu chuẩn cho phép ở mức B tiêu chuẩn mặt nước mặt. Cụ thể là COD vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,65 - 2,29 lần. Coliform vượt tiêu chuẩn cho phép từ 9 - 10 lần. Giếng nước của các hộ dân xung quang đầm Bỗng trong phạm vi 10m trở lại bị ô nhiễm nặng, có màu xanh đen và mùi hôi không thể sử dụng được, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân.

Hồ chứa nước thải của KCN Thụy Vân.

Sự cố xảy ra buộc UBND TP. Việt Trì, Ban quản lý KCN Thuỵ Vân phải tính toán đến việc đền bù cho các hộ dân bị thiệt hại về nuôi trồng thuỷ sản, diện tích lúa và những người dân sống quanh đó sử dụng nước sinh hoạt. Thực tế của việc đền bù này chẳng thấm vào đâu so với những gì người dân phải chịu.

Ông Vũ Văn Kiên, đại diện cho 5 hộ dân nuôi cá ở đầm Bỗng, nói: “Vỡ hồ chứa nước thải làm cho nước ở đầm Bỗng đen ngòm. Cá của chúng tôi chết hàng loạt, vớt lên cân được 6 tấn, nhìn những con cá trắm quá xót xa, bán rẻ chẳng ai mua đành đem chôn. Sau đó, họ có đến đền bù chúng tôi nhưng chẳng đáng bao nhiêu”.

Một biện pháp được đưa ra nhằm tránh tình trạng trên xảy ra một lần nữa là xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung toàn KCN đảm bảo tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.

7 năm trôi qua - người dân vẫn chịu ô nhiễm

Đã 7 năm từ khi người dân chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đó, nhưng đến nay, nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa được đưa và sử dụng. Toàn bộ nước thải của hơn 20 nhà máy trong KCN không qua xử lý chảy âm ỉ từng ngày xuống cánh đồng làng, ngấm vào đất, vào giếng nước ăn của người dân mà dân ở đây chủ yếu sử dụng nước giếng để sinh hoạt.

Cống nước từ hồ chứa nước thải chảy xuống ruộng, ngấm vào ao hồ, giếng nước của người dân.

Cô Nguyễn Thị Hợi, đội 1, Vĩnh Phú, Thụy Vân cho biết. “Trước đây, khi chưa có KCN về làng thì nước giếng là một nguồn nước được lọc qua một lớp đá ong nên trong suốt, người dân quanh vùng đến xin nước uống còn tấm tắc khen rằng “Nước uống như Lavie”. Giờ đây, họ không còn dám uống trực tiếp nữa bởi nó quá ô nhiễm”.

Hai tháng trước, Sở Tài nguyên Môi trường cũng đã về kiểm tra, xét nghiệm nước giếng của người dân ven KCN và đều có kết luận là lượng kiềm vượt quá quy định. Sở Tài nguyên Môi trường đã bán cho người dân với giá 12.000 một gói Super PAC dùng làm lắng tụ nhanh các chất bẩn trong giếng nước sinh hoạt. Nhưng chỉ một gói Super Pac có làm cho người dân dùng nước sinh hoạt được an toàn, không bị ô nhiễm, liệu những chất độc hại ở đáy giếng có hết được không? Khó có thể khẳng định được.

Lúa của người dân nơi đây quanh năm không phải cầy bừa, phân gio, thậm chí cấy thưa đến 60 phân mà không có hi vọng được thu hoạch.

Hơn 90% số chị em phụ nữ trong xã mắc bệnh viêm nhiễm, đó là số liệu của cô Bình - phó trạm y tế xã đưa ra. Năm 2007, số lượng người mắc bệnh tăng vọt hơn 100 người so với năm 2006. Nguyên nhân của sự tăng vọt số chị em trong xã bị bệnh một phần do phải lội nước ô nhiễm ngập đến hông người khi làm đồng. Ngoài ra còn một số bệnh khác cũng do sử dụng nước sinh hoạt.

Nhân dân xã Thụy Vân, đặc biệt là 4 xóm : Vĩnh Phú, Phú Hậu, Phú Thịnh và xóm Nội cùng một lúc chịu 3 nguồn ô nhiễm, đó là ô nhiễm nguồn không khí (Đã 2 vụ rồi cây trái ở đây không được thu hoạch do bụi làm cho không thụ phấn được) và nguồn rác thải từ KCN được đưa ra đầu làng chất ở đó và đốt.

Giếng nước ăn của người dân bị ô nhiễm.

Quê đồi xưa kia vốn yên tĩnh, người dân sống trong cảnh yên bình, giờ đây KCN về làng đã làm thay đổi 1 bộ phận dân cư lớn. Ô nhiễm nguồn nước, không khí đã làm ảnh hưởng đến tất cả các mặt kinh tế, sinh hoạt của người dân.

Tỉnh Phú Thọ cũng đã có dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho KCN Thụy Vân nhưng đã 6 năm rồi mà vẫn chưa được đưa vào sử dụng, hiện nay chỉ có nhà điều hành và đường cống để không. Nhà máy xử lý nước thải đã xây dựng từ khi có KCN nhưng chưa một lần được đưa vào sử dụng vì sai thiết kế.

Các nhà máy trong KCN Thuỵ Vân tiếp tục được mở rộng và như vậy những người dân nơi đây sẽ tiếp tục chịu cảnh ô nhiễm. Sẽ còn nguy hiểm hơn nếu nhà máy xử lý nước thải không được đưa vào sử dụng và sử dụng không đúng quy trình. Chúng ta hãy thẳng thắn nhìn nhận vấn đề khi còn chưa quá muộn, đừng để dẫn đến hiện tượng như Vedan thì mới bắt tay vào cuộc.

• Lại Hoa

http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/2008/10/2068690.epi?refer=http%3A%2F%2Fvietnamnet.vn%2Fbandocviet%2F2008%2F10%2F808245

 

 

4- Tình trạng ô nhiễm trên những dòng sông ở Việt Nam

Góp ý của Mai Thanh Truyết , Kiều bào Mỹ

Sau gần 20 năm mở cửa và đẩy mạnh kinh tế với hơn 64 khu chế xuất và khu công nghiệp, cộng thêm hàng trăm ngàn cơ sở hóa chất và biến chế trên toàn quốc. Vấn đề chất thải là một nan đề của phát triển đối với những quốc gia còn đang phát triển, và chất thải lỏng trong trường hợp Việt Nam đã trở thành một vấn nạn lớn cho quốc gia hiện tại vì chúng đã được thải hồi thẳng vào các dòng sông mà không qua xử lý. Qua thời gian, nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng dần, và cho đến hôm nay, có thể nói rằng tình trạng ô nhiễm trên những dòng sông ở Việt Nam đã tăng cường độ kinh khủng và không còn phương cách nào cứu chữa được nữa.

Qua báo chí và truyền thanh ở VN từ hơn hai năm qua, tin tức ô nhiễm nguồn nước ở hầu hết sông ngòi VN, đặc biệt ở những nơi có phát triển trọng điểm. Nhiều dòng sông trước kia là nơi giặt giũ tắm rữa, và nước sông được xử dụng như nước sinh hoạt gia đình. Nay tình trạng hoàn toàn khác hẳn. Người dân ở nhiều nơi không thể dùng những nguồn nước sông nầy nữa.

Những nơi được đề cập đến có thể được chia ra từng khu vực khác nhau từ Bắc chí Nam tùy theo sự phát triển của từng nơi một. Đó là :

- Lưu vực sông Cầu và các phụ lưu qua các tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương.

- Lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy chảy qua các tỉnh Hòa Bình, TP Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, và Ninh Bình.

- Lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn gồm các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai (Biên Hòa), TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, và Bình Thuận.

- Lưu vực Tiền Giang và Hậu Giang gồm các tỉnh thuộc ĐBSCL.

Lưu vực sông Cầu

Đây không phải là nguy cơ ô nhiễm mà là một lưu vực đã bị ô nhiễm hoàn toàn. Dân số sống trong lưu vực nầy chiếm khoảng 7 triệu trên một diện tích độ 10 ngàn Km2. Trong lưu vực nầy, ngoài khu sản xuất công nghiệp lớn nhất Thái Nguyên, qua việc khai thác mõ và hóa chất, còn có trên dưới 800 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và quy mô công nghiệp nhỏ như các làng nghề tập trung. Lượng chất thải lỏng thải hồi vào lưu vực sông Cầu ước tính khoảng 40 triệu m3/năm. Riêng khu vực Thái Nguyên thải hồi khoảng 24 triệu m3 trong đó có nhiều kim loại độc hại như Selenium, Mangan, Chì, Thiết, Thủy Ngân và các hợp chất hữu cơ từ các nhà máy sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc sát trùng, thuốc trừ sâu rầy, trừ nấm mốc v.v....

Tại tỉnh Bắc Ninh, có trên 60 làng nghề đã có từ lâu đời. Nơi đây cũng còn có các ngành chế biến lâm sản và kỹ nghệ giấy và tái sinh giấy. Các kỹ nghệ nầy đã phát thải nhiều hóa chất hữu cơ độc hại trong đó các chất tẩy trắng chứa chlor là một nguy cơ ô nhiễm cao nhất. Vì trong công đoạn nầy phát sinh ra dioxin, mầm móng của bịnh ung thư. Thêm nữa, trong các phụ lưu của sông Cầu, hầu hết những thông số phân tích đều vượt qua tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến hơn 50 lần như nhu cầu oxy hóa học (COD), lượng oxy hòa tan (DO), tổng cặn lơ lững (TSS), nitrite (NO2).

Với những thông số ghi nhận tên đặc biệt là DO, một thông số chỉ lượng oxy hòa tan rất thấp, nhiều khi dưới 1,0 đơn vị, có nghĩa là trong lưu vực sông Cầu lượng tôm cá hầu như không còn hiện diện nữa.

Lưu vực sông Nhuệ

Dân số trong lưu vực nầy khoảng 10 triệu trên một diện tích 7.700 Km2. Đây là một vùng có mật độ dân số cao trên 1.000 người/Km2 và cũng là một trung tâm kinh tế quan trọng. Do đó ngoài nước thải công nghiệp, cần phải kể thêm nước thải sinh hoạt gia cư, tất cả đều đổ thẳng ra sông hồ. Lượng nước thải sinh hoạt được ước tính là 140 triệu m3 theo thống kê 2004. Còn các nguồn nước thải của trên 120 cơ sở sản xuất công nghiệp ở vùng nầy trừ Hà Nội ước tính khoảng 120 triệu m3/năm. Riêng tại Hà Nội, có 400 xí nghiệp và khoảng 11 ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp thải hồi trung bình 20 triệu m 3/năm. Hà Tây là nơi trọng điểm của làng nghề chiếm 120 làng trên tổng số 286 làng nghề trong khu vực.

Hai hạ lưu có ô nhiễm trầm trọng nhất là sông Nhuệ và sông Tô Lịch với hàm lượng DO hầu như triệt tiêu, nghĩa là không còn điều kiện để cho tôm cá sống được, và vào mùa khô nhiều đoạn sông trên hai sông nầy chỉ là những bãi bùn nằm trơ cùng trời đất.

Lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn

Lưu vực nầy chẳng những là một vùng đông dân cư như Hà Nội, với diện tích 14.500 Km2 và dân số khoảng 17,5 triệu, và cũng là một vùng tập trung phát triển công nghiệp lớn nhất và cũng là một vùng được đô thị hóa nhanh nhất nước. Hàng năm sông ngòi trong lưu vực nầy tiếp nhận khoảng 40 triệu m3 nước thải công nghiệp, không kể một số lượng không nhỏ của trên 30 ngàn cơ sở sản xuất hóa chất rải rác trong Thành Phố HCM. Nước thải sinh hoạt ước tính khoảng 360 triệu m3. Ngoài những chất thải công nghiệp như hợp chất hữu cơ, kim loại độc hại như: đồng, chì, sắt, kẽm, thủy ngân, cadmium, mangan, các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nơi đây còn xảy ra hiện tượng nước sông bị acid hóa như đoạn sông từ cầu Bình Long đến Bến Than, nhiều khi độ pH xuống đến 4,0 (độ pH trung hòa là 7,0), và trọng điểm là sông Rạch Tra, nơi tất cả nước rỉ từ các bãi rác thành phố và hệ thống nhà máy dệt nhuộm ở khu Tham Lương đổ vào.

Lưu vực nầy hiện đang bị khai thác quá tải, nước sông hoàn toàn bị ô nhiễm và hệ sinh thái của vùng nầy bị tàn phá kinh khủng, và đây cũng là một yếu tố sống còn cho sự phát triển cho cả nước, chiếm 30% tổng sản lượng quốc dân. Vào tháng 12/2005, Bộ Tài Nguyên & Môi Trường đã tổ chức hội thảo “Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai” đã nói lên tính cách quan trọng của vấn đề.

Kết luận được ghi nhận trong hội thảo nầy là có 4 khu vực bị ô nhiễm trầm trọng. Đó là: 1 – Đoạn sông Đồng Nai từ cầu Hòa An đến cầu Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước chính cho cư dân Sài Gòn, 2 - Đoạn từ Bình Phước đến Tân Thuận, địa phận của trên 10 khu chế xuất, 3 - Đoạn sông Thị Vải từ nhà máy hóa chất và bột ngọt Vedan của Đài Loan đến cảng Phú Mỹ, 4 - Và nước sông Vàm Cỏ Đông. Riêng sông Vàm Cỏ Đông, nước sông nầy đang bị acid hóa nặng. Công ty Vedan sau nhiều lần được Sở Môi Trường Thành Phố đề nghị đóng cửa từ năm 1997, hiện nay vẫn là một đề tài nhức nhối cho Bộ Tài Nguyên và Môi Trường . Theo chỉ thị của ông Mai Ái Trực, Bộ Trưởng, tại đây cần phải có chuyên viên túc trực hàng ngày để theo dõi tình trạng ô nhiễm ; và trong năm 2006, nếu công ty không giải quyết các vấn đề ô nhiễm sẽ được chế tài bằng kỹ thuật và sẽ được đệ trình đóng cửa vĩnh viễn.

Hiện nay, lưu vực sông Đồng Nai có 39 khu chế xuất, khu công nghiệp; và số lượng nầy sẽ tăng lên 74 đến năm 2010 theo kế hoạch đã soạn thảo xong. Do đó tình trạng ô nhiễm trong những năm sắp đến sẽ trở nên câu chuyện hàng ngày của lưu vực nầy.

Lưu vực sông Tiền Giang và Hậu Giang

Đây là một vùng hết sức đặc biệt và cũng là một lưu vực lớn nhất và đông dân nhất với diện tích 39 ngàn Km2 và gần 30 triệu cư dân.. Phát triển kinh tế nơi đây đặt trọng tâm là nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản. Vì đây không phải là một trọng điểm công nghiệp cho nên những vấn nạn môi trường không giống như tình trạng của 3 lưu vực vừa kể trên. Nhưng việc khai thác nông nghiệp và thủy sản đã trở thành một vấn đề cần phải lưu tâm trong hiện tại. Việc ô nhiễm hóa chất do dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là kết quả của việc khai thác tối đa nguồn đất cho nông nghiệp. Đã có nhiều chỉ dấu cho thấy các hóa chất độc hại như DDT, Nitrate, hóa chất BVTV thuộc nhóm organo-phosphate, nguyên nhân của những mầm bịnh ung thư đã hiện diện trong nước. Thêm nữa, viễn ảnh nguồn nước ở lưu vực nầy bị ô nhiễm arsenic do việc đào trên 300 ngàn giếng để dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu cũng sẽ là một quốc nạn trong tương lai không xa. Thêm nữa, việc khai thác chăn nuôi thủy sản trên sông, ngoài việc làm cản trở dòng chảy của sông, việc di chuyển trên sông sẽ khó khăn thêm, mà còn là một vấn nạn môi trường không thể tránh khỏi. Từ thượng nguồn Châu Đốc, An Giang, cho đến tận Mỹ Tho, cá bè trong mùa cá vừa qua bị chết hàng loạt do nguồn nước ô nhiễm từ thượng nguồn do cá chết lây lan xuống hạ lưu. Kết quả là trên 40% lượng tôm cá bị thất thoát trong mùa vừa qua (VN trong gian đoạn nầy phải nhập cảng tôm sú và cá basa của Trung Quốc và Mã Lai để thanh toán hợp đồng còn đang tồn động với các nước khác) .

Ngoài ra, do việc tận dụng nguồn nước cho tưới tiêu, việc khai mở đê điều không hợp lý đã khiến cho ĐBSCL phải đối mặt với vấn đề ngập mặn do nạn hạn hán kéo dài trong khi hệ sinh thái có nguy cơ bị hủy diệt do ô nhiễm. Năm 2005 vừa qua, nước mặn đã vào sâu trên 120 Km trong đất liền làm tăng khả năng bị hoang hóa của đất trong vùng nầy.

Đề nghị góp ý :

Phát triển kinh tế không đi đôi với việc bảo vệ môi trường, kết quả tất nhiên là tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp và cường độ ô nhiễm ngày càng tăng thêm mà thôi. Tình trạng cho đến ngày hôm nay có thể nói là đã đến giai đoạn gần như bế tắc. Chính ông Bộ Trưởng Tài Nguyên và Môi Trường cũng đã kêu gọi địa phương cứu lấy các con sông trước khi quá muộn, đừng để như trường hợp của sông Đáy và sông Tô Lịch. Tương lai là những dòng sông VN sẽ trở nên những dòng sông chết cũng như việc phát triển sẽ bị khựng lại vì môi trường không thể chấp nhận thêm nguồn nước thải thêm nữa. Chúng tôi thiết nghĩ VN không còn nhiều thời gian để giải quyết vấn đề nếu không nói là đã muộn rồi. Những việc cấp bách cần làm để có thể cứu vãn tình hình được đề nghị như sau :

- Cần phải tái phối trí kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất trên toàn diện cả nước để tránh bớt áp lực của những khu vực trọng điểm .

- Trong một khu công nghiệp cần phải điều phối để cho những cơ sở sản xuất có thể liên hợp với nhau như thành phẩm hay phế thải của một cơ sở sẽ là nguyên liệu của một cơ sở khác, hay ngược lại. Đây mới chính là suy nghĩ đúng đắn của việc thành hình một khu công nghiệp .

Làm được hai việc trên, mới hy vọng có thể tháo gở được một phần nào tình trạng ô nhiễm của những dòng sông ở VN hiện tại .

Mai Thanh Truyết

http://www.duongpho.com/location/index.php?option=com_content&task=view&id=232&Itemid=68

 

5- Việt Nam sẽ có những dòng sông “chết”

Thứ sáu, 13 Tháng tư 2007, 06:41 GMT+7

Sông Hồng mùa cạn nước.

Đó là lời cảnh báo của các nhà khoa học trong lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2006 vào chiều 12/4. Môi trường nước 3 lưu vực sông Cầu, Nhuệ, Đáy và hệ thống sông Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ công nghiệp, làng nghề, sinh hoạt, y tế...

Nhiều chỉ số ô nhiễm cao hơn tiêu chuẩn cho phép tới 7-8 lần. Cá biệt, sông Đồng Nai có chất rắn lơ lửng trong nước vượt đến 9 lần, có chỉ số ô nhiễm vượt tới 300-400 lần hay hàng nghìn đến hàng chục nghìn lần mức cho phép.

Sông Cầu đang bị ô nhiễm cục bộ, nước chứa các hợp chất hữu cơ, dầu mỡ; có đoạn nước nhiều váng dầu. Lưu vực sông này mỗi ngày nhận 16.000 m3 nước thải từ khu gang thép Thái Nguyên. Các cơ sở chế biến thực phẩm xả lượng nước thải là hơn 2.000 m3/ngày làm cho nguồn nước mặt bốc mùi hôi thối. Mỗi năm, các tỉnh trong lưu vực sử dụng khoảng 500.000 tấn phân bón, 4.000 tấn thuốc trừ sâu. Ước tính lượng dư thừa đổ vào lưu vực 33%.

Tại hệ thống sông Đồng Nai,các KCN ở TP.HCM thải khoảng 30.000 m3 nước thải/ngày xuống sông Đồng Nai, trong đó chỉ 20% lượng nước được xử lý nhưng tỷ lệ nước thải xử lý đạt tiêu chuẩn còn thấp hơn nhiều. Mỗingàylưu vực sông tiếp nhận 480.000 m3 nước thải công nghiệp, 992.000 m3 nước thải sinh hoạt. Hoạt động khai thác cát làm rạn nứt, sụt lở đất hai bờ sông. Ô nhiễm nặng nhất là sông Thị Vải với hơn 10 km sông “chết” mà cácloàisinh vật không còn khả năng sinh sống.

Lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy ô nhiễm do nước thải sinh hoạt cao nhất, trong đó Hà Nội chiếm 54 % lượng nước thải toàn lưu vực. Mỗi ngày, sông nhận hơn 10.000 m3 nước thải từ hơn 1.400 cơ sở y tế. Nước và chất thải từ ngành công nghiệp là yếu tố quan trọng gây suy giảm chất lượng nước mặt sông. Hà Nội chiếm 30% lượng nước thải công nghiệp với hơn 100 nghìn m3/ngày. Đặc biệt nước thải từ sản xuất dệt nhuộm chứa nhiều hoá chất như thuốc tẩy, xút, phèn, nhựa thông, phẩm màu... gây hại cho môi trường. Nước thải từ các làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt cũng là yếu tố quan trọng góp phần gây ô nhiễm. Tính riêng Hà Tây hiện có 219 làng nghề nhưng chỉ có duy nhất một làng xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Tình trạng ô nhiễm các sông ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt, sản xuất. Các số liệu cho thấy những nơi có dòng chảy ô nhiễm đi qua tỷ lệ mắc các bệnh liên quan tới chất lượng nước tương đối cao như bệnh đường ruột, phụ khoa, da liễu thậm chí gây ra bệnh ung thư. Dự báo đến năm 2010, lượng nước thải đổ vào các sông sẽ tăng 1,5-1,7 lần so với hiện nay. “Nếu chúng ta không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ có thêm nhiều dòng sông “chết” – các nhà khoa học cảnh báo.

Ánh Hồng

Việt Báo

http://vietbao.vn/index2.php?option=com_content&task=view&id=65088775&pop=1&page=0

 

6- Đừng buộc những dòng sông phải “thay lòng đổi dạ”

Thứ ba, 30/9/2008, 07:00 GMT+7

Khi những dòng sông đang dần “thay lòng đổi dạ”, khi các cuộc “tiếm ngôi”, “soán quyền” bá vương thống lĩnh những dòng chảy ngày càng phát lộ, công khai và đầy thách thức, khi ấy cũng là lúc những dòng sông nguyên sơ, trong mát biến mất khỏi cuộc sống thực tại, chỉ còn có thể hiện hữu trong kí ức!

Vẫn tự hào là đất nước của những dòng sông, đất nước có một nền văn hóa gắn bó sâu đậm với sông nước, thế nhưng đất Việt dường như đang để tuột khỏi tay mình những dòng sông trong xanh?

Xả nước thải không qua xử lí ra sông

Đã bao đời nay, cuộc sống của người dân Việt gắn chặt với sông, suối, kênh, rạch. Ở đó, có vui, buồn, có sự mất mát, chia li song cũng đầy ắp sự đoàn tụ, sum vầy. Ở đó, những chàng trai, cô gái Việt đã sinh ra, lớn lên và thực sự trưởng thành cùng dòng nước ngọt, nhẹ, êm ả trong suốt tuổi thơ của mình. Cũng nhờ đó mà những cánh đồng lúa, những ruộng ngô đã nảy mầm, đơm bông, trổ bắp! Những dòng sông gắn chặt định mệnh của mình với số phận của con người như một cuộc kết duyên kiếm tìm ấm êm, hạnh phúc! Song, có lẽ chúng cũng không bao giờ có thể ngờ mình sẽ trở thành kẻ bị phụ tình, bị bội bạc và hủy diệt bởi chính những người mà chúng đã mang cả tâm hồn, sinh mệnh để gắn bó!

Từ cái chết của sông Lữ, sông Nhuệ,… rồi mới gần đây nhất là sông Thị Vải, tôi hiểu những dòng sông đã thực sự bị bạc tình! Và chúng dường như đã khóc thật nhiều cho cái chết của mình song giọt nước mắt của chúng bị gạt đi quá nhanh, quá phũ phàng bởi hai tiếng lợi nhuận!

Nỗi đau của những dòng sông phải “thay lòng đổi dạ”

Cái sắc màu xanh lam trầm của rêu, của tảo, của những sinh vật phù du, cái sắc xanh lẫn nâu vàng của những bụi cỏ ven bờ, hay cái bóng nước lấp loáng dưới ánh sáng trắng của mặt trời, cái mờ ảo đầy thơ mộng, huyền bí trong những đêm trăng của các dòng sông giờ đây đều đang bị “rũ bỏ” không thương tiếc bởi chính con người.

Sông thay lòng, sông đổi dạ. Sông không còn muốn dung chứa những cái đã quá ư là xưa cũ, những cảnh vật đã quá ư là quen thuộc trong tâm trí của mỗi con người? Sông không muốn trở thành người lạc hậu, kẻ chậm tiến? Sông muốn “làm mới” mình cho hợp hơn, kịp hơn với cuộc sống hiện đại này? Có phải vì đó mà sông đã “từ chối” sắc xanh, vị trong của làn nước, của bóng cây ngọn cỏ quen thuộc mà tìm về với bùn tù, nước đọng, với sắc đen u ám và mùi hương quá ư đậm đặc? Quả thật, những dòng sông của nước Việt từ Bắc, Trung, Nam đều đang quặn mình mà biến đổi! Những dòng nước đen ngòm, hôi tanh nồng nặc, lập lờ, lững đững không trôi cũng chẳng chảy cứ dần một xuất hiện nhiều hơn, thay chỗ cho những dòng sông xanh. Chúng lặng lẽ nhưng ngày càng nhanh hơn trong sự xuất hiện của mình để rồi âm thầm tồn tại trong dạng thức mới với tất cả những đổi thay đến đau lòng ấy. Những sông Lừ, sông Sét, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Cầu Bây, sông Nhuệ, sông Đáy… và cả dòng sông mẹ (sông Hồng) của đồng bằng Bắc Bộ, sông Trà Khúc, sông Bồng Miêu, kênh Bầu Lăng,… của dải đất miền Trung, sông Tiền, sông Hậu, suối Linh, suối Săng Máu, sông Thị Vải,… cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt của đất rừng phương Nam đều đã, đang và sẽ nhanh chóng bị buộc phải thay lòng đổi dạ.

Sông Tô Lịch – nước đen dòng, rác ngự bờ

Những khu công nghiệp, khu chế xuất – vốn được xem là mảnh đất hứa, là cơ hội mới cho sự phát triển, hội nhập của đất nước với thế giới, là phương thức hữu hiệu để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân giờ trở thành “sát thủ” số một của những dòng sông, khiến những dòng sông phải oằn mình mà sống chung với rác, với nước thải, với sự ô nhiễm hạng nặng. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, các cơ sở kinh doanh,… tất cả cứ “vô tư”, “hồn nhiên” đổ tất cả những gì là cặn bã của mình vào lòng sông. Chúng cứ như những đứa trẻ chưa lớn, chưa thể ý thức được về cái mình đang đem đến cho những dòng sông. Hàng ngàn con số, hàng sự “hồn nhiên” có chủ đích của các nhà doanh nghiệp khiến chúng ta phải ngỡ ngàng khi được biết đến nó. Những mức chất thải cao gấp hàng nghìn lần cho phép được đổ thẳng ra lòng sông mà không qua bất cứ một quá trình xử lí nào: hầu hết nước thải của các nhà máy sản xuất ở 100 khu công nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long đều được tuồn thẳng ra các kênh rạch rồi đổ về sông Hậu hay như việc mỗi năm ở các cụm công nghiệp thuộc đồng bằng sông Cửu Long có gần 50 triệu m3 nước thải công nghiệp được thải trực tiếp ra môi trường. Và còn nhiều nhiều con số nữa khi được phanh phui ra mới hiểu thấy được tình trạng đáng báo động của việc xả thái ra môi trường một cách quá tự do và vô trách nhiệm của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Những thông số ô nhiễm hữu cơ (COD, BOD¬¬¬5) tại các dòng sông cạnh khu công nghiệp luôn đạt ở mức “đỉnh sàn” trong khi hàm lượng coliform (ô nhiễm vi sinh) thì cao ngất ngưởng. Với tất cả những sự “ưu ái”, “đầu tư” một cách kỹ lưỡng, có kế hoạch đó của các doanh nghiệp đã “giúp” các dòng sông không còn là một môi trường sống lí tưởng cho các loài động thực vật, là một phần quan trọng trong chuỗi tự nhiên giúp cân bằng hệ sinh thái môi trường, cũng không còn có thể mang đến những giá trị vật chất hay tinh thần cho người dân. Chúng trở thành những dòng nước thải, những cái cống lộ thiên hạng lớn vẫn đang được ưu ái gọi bằng hai tiếng “dòng sông” với tất cả những đặc điểm đặc trưng nhất của những “dòng kênh đen” từ màu sắc cho đến “hương vị”. Cũng chính bởi sự thay lòng của các con sông mà những cuộc thay ngôi đổi chủ đã, đang diễn ra ngày càng nhanh, mạnh hơn. Nước thay màu, đổi sắc, thay hương, đổi vị nên chủ nhân của những dòng sông cũng dần biến mất, nhường chỗ cho những vị vua mới.

Hình ảnh của những con sông rác – con sông chết có lẽ không còn quá xa lạ với người Việt Nam! Rác tiếm ngôi của tôm, cua, cá, của cả một hệ sinh vật phù du sông nước để độc chiếm dòng sông cho riêng mình! Rác chễm chệ, vênh vang và hãnh diện trong địa phận bất khả xâm của mình. Rác cứ vậy, lập lờ trôi, lập lờ du ngoạn, lập lờ chiếm dụng những địa phận mới. Khi những dòng sông trở thành dòng nước chết, mọi sinh vật không còn có thể sinh tồn trong một hệ môi trường vô cùng ô nhiễm như vậy thì sự lên ngôi của rác cũng là điều đương nhiên, có tính tất yếu trong chuỗi quy luật của sự sinh tồn. Sông chết trở thành nơi dung chứa rác thải của mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất trong đời sống của con người. Rác thải từ hộ gia đình, từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, từ các khu công nghiệp, các khu chế xuất cũng từ đó mà tìm ra sông! Những dòng sông không trôi nhanh chóng trở thành những vùng nước đọng, tù, lầy với đủ sự uế bẩn của nó! Vậy là những dòng sông từ chỗ buộc phải “thay lòng đổi dạ” tiến dần đến chỗ biến mất!

Sông chết – văn hóa sông chết!

Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam sống bên cạnh những dòng sông, gắn bó với nó cả về giá trị vật chất cũng như giá trị văn hóa tinh thần. Dòng sông cung cấp cho con người những nguồn lợi thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày, là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt đời thường của họ. Đó cũng là những huyết mạch quan trọng tạo nguồn phù sa cho những cánh đồng màu mỡ, giúp những cánh đồng có thể đảm nhận một cách tốt nhất nhiệm vụ cung cấp lương – thực phẩm cho cuộc cống. Đồng thời, văn hóa sông nước là một thành tố quan trọng trong tổng thể nền văn hóa dân tộc, có một sức ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tâm linh người dân Việt. Bởi vậy, khi những dòng sông biến mất, khi những dòng nước bị đổi màu, mất đi sức sống ngàn đời nay của nó thì nó cũng đồng thời để lại những khoảng trống lớn trong cuộc sống của người dân.

Xóm chài trên sông Hồng

Nguồn lợi từ sông suối, kênh rạch không còn, đó là cái mất đầu tiên - cái mất mát về mặt giá trị vật chất. Cuộc sống của không ít bộ phận dân cư Việt vốn phụ thuộc vào những nguồn lợi thu được từ dòng sông (đánh bắt, khai thác các loài thủy sản, các loài thủy sinh; khai thác các loại cắt, quặng) bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng khi những dòng sông bị ô nhiễm. Có những ngôi làng mà ở đó người dân quanh năm suốt tháng trong cuộc đời của mình sống dựa vào dòng sông với những nguồn lợi mà dòng sông đem lại như làng chài sông Hồng, làng Choán ven sông Chu, Thanh Hóa…Vốn gắn bó với những dòng sông, quanh năm dựa vào những nguồn lợi từ đó mà trang trải cuộc sống gia đình, tạo dựng tương lai cho các thế hệ con cái giờ họ phải tìm đến những cách thức sống mới, trong đó bao gồm cả những cách thức đầy vất vả, khó khăn rồi sai trái. Các hoạt động kinh tế trên những dòng sông cũng không còn có thể tiếp tục với những nguồn lợi lớn nữa. Một loạt các hoạt động nuôi thủy sản trên sông của người dân… đã bị thất bại bởi sự ô nhiễm quá cao của môi trường nước.

Bên cạnh sự biến mất của những giá trị vật chất thì có lẽ cần phải nhắc nhiều hơn đến sự mất mát về giá trị văn hóa tinh thần của những dòng sông với cuộc sống con người. Đời sống văn hóa sông nước vốn vẫn được xem là hết sức phong phú, đa dạng, đặc sắc của người Việt Nam với các lễ hội trên các dòng sông. Chúng ta biết đến chợ nổi Ngã Bảy như một nét văn hóa sông nước đặc trung của vùng đất Hậu Giang, biết đến những nét văn hóa đặc sắc của người dân Phú Yên qua lễ hội sông nước Tam Giang hay những tích xưa được lưu giữ truyền tụng trong lễ rước nước trên sông Hồng của người dân Hưng Yên,…Rồi còn đó tục thời các vị thần sông nước tại các ngôi đền, miếu trên khắp đất nước Việt Nam. Tất cả đều lưu giữ trong đó những nét văn hóa đặc sắc, đậm đà tính dân tộc. Thế nhưng, các hoạt động văn hóa sôi nổi, nhiều ý nghĩa trên sông nước này sẽ không còn cơ hội được tiếp tục và duy trì theo thời gian trên những dòng sông chết. Bạn có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó, bạn sẽ không còn có thể tham gia vào những lễ rước Chử Đồng Tử, hội đua thuyền, đua ghe trên khắp những con sống của cả nước,… mà chỉ còn có thể tìm hiểu nó qua những điều được ghi lại trong những cuốn sách? Sự biến mất của những hoạt động văn hóa trong đó bao chứa những nền tảng tinh thần quan trọng cho sự trưởng thành của những tâm hồn Việt thực sự là một sự tổn thất lo lớn nhất đối với đời sống của mỗi cá nhân nói riêng và nền văn hóa đất nước nói chung.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải nói đến sự ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên nói chung, môi trường sống con người nói riêng của những dòng sông bị ô nhiễm. Nó chính là những vách ngăn lớn cho sự phát triển một cách hoàn thiện của đời sống người dân sau này. Những dòng nước vốn chiếm giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định rất lớn đến sự tồn tại của tự nhiên và của người con người khi bị thay đổi sẽ kéo theo nó rất nhiều những biến động theo hướng bị hủy hoại. Bệnh dịch lan tràn, sức khỏe con người bị đe dọa. Những nguy cơ đó đều là những điều có thể xảy ra ngay vào lúc này. Và quan trọng hơn cả, đáng lo ngại hơn nữa là tất cả những hậu quả nghiêm trọng nhất đó của nó đều đổ xuống đầu của những người dân, đặc biệt là người dân nghèo sống bám trụ lay lắt bên bờ sông.

 

7- Báo động đỏ về những dòng sông đang hấp hối

07:39' 13/04/2007 (GMT+7)

Theo một báo cáo của Bộ Tài nguyên - môi trường công bố hôm qua 12/4 tại một cuộc hội thảo, ô nhiễm môi trường tập trung vào tình hình ở ba lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.

Thái Nguyên điêu đứng với sông Cầu

Các tỉnh liên quan tới lưu vực sông Cầu gồm Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội. Mật độ dân số 427 người/km2 (cao hơn hai lần mật độ trung bình cả nước), có 800 cơ sở sản xuất công nghiệp, 200 làng nghề và 1.200 cơ sở y tế.

Trong các tỉnh có sông Cầu đi qua, Thái Nguyên bị ô nhiễm rõ rệt, đặc biệt là đoạn sông chảy qua thành phố. Nước sông đục, có màu đen nâu và bốc mùi. Hoạt động sản xuất công nghiệp là thủ phạm chính. Nước thải của Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ đặt ngay trong thành phố xả thẳng vào các nhánh nhỏ dẫn ra sông Cầu, gồm các chất ô nhiễm vô cơ, xơ sợi khó lắng, độ kiềm cao. Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên chảy vào con sông này với lưu lượng khoảng 1,3 triệu m3/năm và “ban tặng” cho dòng sông nhiều chất ô nhiễm độc hại như dầu mỡ, phenol và cyanure.

Ngoài sản xuất công nghiệp, các hoạt động nông nghiệp cũng góp phần gây ô nhiễm nghiêm trọng. Lưu vực sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180.000 tấn phân hóa học và 1.500 tấn thuốc trừ sâu mỗi năm!

Nước thải sinh hoạt hại sông Nhuệ - Đáy

Rác ở chân cầu sông Tô Lịch (Hà Nội) - Ảnh tư liệu

Sông Nhuệ - Đáy liên quan đến Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định. Mật độ dân số 874 người/km2. Có trên 4.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 458 làng nghề và 1.400 cơ sở y tế.

Với lưu vực sông Nhuệ - Đáy, báo cáo đưa ra khẳng định: các sông nội thành Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng khi mọi thông số đo được đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Các con sông khác thuộc lưu vực này như sông Châu Giang, sông Tích, sông Hoàng Long, sông Đào đều bị ô nhiễm. Đặc trưng ô nhiễm của lưu vực sông này là nước thải sinh hoạt đóng góp tỉ lệ lớn nhất, trong đó thành phố Hà Nội đóng góp 54% lượng nước thải sinh hoạt toàn lưu vực.

Công nghiệp & nuôi trồng thủy sản “giết” sông Đồng Nai

Hệ thống sông Đồng Nai ảnh hưởng đến Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Mật độ dân số 269 người/km2. Có hơn 9.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 491 làng nghề và 1.633 cơ sở y tế.

Do trải rộng trên nhiều tỉnh, hệ thống sông Đồng Nai chịu tác động cùng lúc từ nhiều nguồn nên phần hạ lưu của nhiều sông trong lưu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí có đoạn trở thành sông chết.

Nước sông Đồng Nai, đoạn từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn cho phép. Hệ thống sông Sài Gòn chủ yếu bị ô nhiễm chất hữu cơ với dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng ở một số nơi. Chất lượng nước của các con sông khác như sông Bé, Đa Nhim - Đa Dung, Vàm Cỏ, nước ở các ao hồ, kênh rạch trên lưu vực... đều bị ô nhiễm nặng. Nghiêm trọng nhất là sông Thị Vải đã có đoạn bị chết kéo dài từ sau khu vực hợp lưu suối Cả - Đồng Nai đến Khu công nghiệp Mỹ Xuân. Tác nhân chính gây ô nhiễm nước trong lưu vực là nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phần lớn đều xả trực tiếp vào nguồn nước. Một đặc trưng khác về tác nhân ô nhiễm là hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lưu vực.

(Theo TTXVN, Tuổi Trẻ)

http://www.vnn.vn/khoahoc/2007/04/684226/

 

8- Những dòng sông thoát nước của Hà Nội: Bao giờ hết ô nhiễm?

(Hà Nội ngày nay, số 106, tháng 2/2003, tr. 23+24)

Hiện nay, những dòng sông thoát nước của Hà Nội gồm: sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét và sông Lừ với tổng chiều dài 36,8 km. Kết quả khảo sát của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành phố Hà Nội cho thấy 4 con sông này đang bị ô nhiễm trầm trọng (chỉ số về ô nhiễm các chất hữu cơ như COD, BOD, SS đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần). Với chức năng thoát cả nước mưa và nước thải nên mức độ ô nhiễm của các dòng sông sẽ tác động rất xấu đến môi trường, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của cộng đồng dân cư trong thành phố.

Những dòng sông thoát nước của Hà Nội khởi nguyên từ xa xưa vốn là những nhánh nhỏ của sông Hồng. Sau khi ổn định dòng chảy, sông Hồng cắt thành phố Hà Nội ra 2 miền tả ngạn và hữu ngạn. Bên tả ngạn hình thành những con sông nhánh phía Bắc như sông Đuống và một số sông khác làm nhiệm vụ tưới tiêu cho các huyện phía Bắc sông Hồng. Phía nam sông Hồng có các nhánh được hình thành từ đầu là những con sông mà tàu thuyền có thể qua lại được bao gồm: sông Tô Lịch (dài 13,5 km đi từ cống Bưởi đến đập Thanh Liệt); sông Sét (dài 6,7 km đi từ cống Nam Khang đến Yên Sở); sông Kim Ngưu (dài 10,8 km đi từ cống Lò Đúc đến cuối Cầu Bươu) và sông Lừ (dài 5,8 km đi từ hồ Nam Đồng đến cầu Dâu).

Qua nhiều thế kỷ bể dâu với nhiều biến động về địa lý và xã hội, những dòng sông thơ mộng và nổi tiếng trước đây (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ) đến nay chỉ còn làm nhiệm vụ thoát nước cho thành phố Hà Nội rồi từ đó bị ô nhiễm nặng nề.

Chưa cần xem xét kết quả mà Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành phố Hà Nội thu được sau khi tiến hành khảo sát, chỉ cần nhìn vào thực tế, cũng thấy được mức độ ô nhiễm của các dòng sông thoát nước của Hà Nội: nước đen sền sệt, rác rưởi bẩn thỉu nổi lềnh bềnh, thường xuyên bốc mùi hôi thối khó chịu, nhất là vào những ngày hè nóng nực... Thực tế là như vậy, nhưng chúng ta sẽ còn phải giật mình lo ngại hơn nếu đọc những con số mà Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Hà Nội cung cấp. Tại sông Sét và sông Lừ, chỉ số về ô nhiễm BOD đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 6 – 8 lần. Còn sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu là 10 – 12 lần. Hàm lượng COD, SS ở sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ cũng đã vượt qua ngưỡng ô nhiễm nặng tới hàng chục lần. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là: kết quả khảo sát cho thấy phần lớn chức năng lọc sạch tự nhiên ở các dòng sông thoát nước này đã không còn. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự tồn tại của các dòng sông.

Theo Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành phố Hà Nội thì nguyên nhân chính gây ô nhiễm các dòng sông thoát nước là do nguồn nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải bệnh viện đại bộ phận chưa được xử lý chảy ra các dòng sông. Những đoạn sông tiếp cận với khu công nghiệp thì bị ô nhiễm các hoá chất và các kim loại nặng. Những khúc sông tiếp cận với các bệnh viện thì bị ô nhiễm bởi các nước thải mang mầm bệnh nguy hiểm. Những nguồn ô nhiễm trên đây đã làm cho các hệ sinh thái dưới nước của những dòng sông bị nghèo đi, làm ô nhiễm các nguồn nước mặt ao, mặt hồ về các mùa mưa khi nước sông tràn vào. Nó cũng làm bẩn các tầng nước ngầm và các nguồn nước sạch bị dò rỉ, khiến mức độ tích luỹ sự nhiễm bẩn, lại càng cao, gây khó khăn cho các sinh vật sống dưới dòng sông đó. Ngược lại, các loài sinh vật có hại như muỗi, ruồi lại có điều kiện phát triển mạnh gây ra những tác hại cho môi trường sống của cộng đồng dân cư sống cạnh những dòng sông này.

Ngoài nguyên nhân chính nói trên, cũng còn phải kể tới một nguyên nhân khác nữa đã đóng góp không nhỏ vào quá trình gây ô nhiễm, là: tốc độ phát triển dân số, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng ở Hà Nội đã dẫn tới tình trạng lấn chiếm 2 bên bờ những dòng sông này của cộng đồng dân cư sống bên mép sông, làm cho dòng sông hẹp lại gây ra những “nút cổ chai” khiến dòng chảy khó thoát. Theo Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành phố Hà Nội, trước đây các dòng sông có bề ngang rộng từ 50m đến 300 m nhưng hiện nay nhiều đoạn sông bề ngang chỉ còn từ 5 m đến 10 m như ở tuyến cống Lò Đúc, Cầu Dền... Thêm vào đó là mức độ bồi lắng ngày càng lớn bởi các chất thải bẩn và bụi đất trên các phố phường Hà Nội sau những trận mưa trút xuống làm cho đáy sông cạn dần... mặc dù công ty thoát nước Hà Nội đã có một đội quân khá đông đảo chuyên môn làm nhiệm vụ nạo vét bùn và khai thông những đoạn sông bị tắc nghẽn... nhưng cũng không thể giải quyết hết những gì gây chướng ngại cho dòng chảy của dòng sông. Chính vì vậy, nước vốn đã bẩn lại không chảy được đã tích tụ lại làm cho những dòng sông này đã ô nhiễm lại càng ô nhiễm hơn.

Ông Đặng Dương Bình - Trưởng phòng quản lý môi trường - Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành phố Hà Nội cho biết: Vấn đề ô nhiễm các dòng sông thoát nước đã đặt ra một thử thách khó khăn đối với thủ đô Hà Nội là làm sao giảm bớt, rồi chấm dứt sự ô nhiễm cho những dòng sông này. Bởi nếu cứ đến tình trạng các dòng sông thoát nước bị ô nhiễm kéo dài thì sẽ gây ảnh hưởng rất xấu tới sức khoẻ của người dân sống xung quanh, cũng như sự tồn tại của các dòng sông. Mặc dù hiện nay, thực hiện các dự án thoát nước của Hà Nội, sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ đã được nạo vét và xây kè 2 bên bờ sông làm cho dòng chảy thanh thoát hơn. Việc phủ xanh 2 bên bờ những dòng sông thoát nước và chống lần chiếm 2 bên bờ sông đã được tiến hành. Công tác tuyên truyền giáo dục vận động nhân dân không ném rác thải xuống các sông mương thoát nước được đẩy mạnh... Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm ở các dòng sông thoát nước chưa thực sự giảm.

Hà Nội đang cố gắng để trở thành một thành phố văn minh – xanh - sạch - đẹp, hơn bao giờ hết vấn đề môi trường đô thị phải được quan tâm. Hy vọng với những chủ trương đúng đắn của UBND thành phố Hà Nội những dòng sông thoát nước sẽ hết ô nhiễm trở lại sự trong sạch vốn có.

Hoàng Văn Cường

http://www.nea.gov.vn/thongtinmt/noidung/hn_t2_03.htm

 

9- Những dòng sông chở nặng... ô nhiễm

Sông Sài Gòn nguồn cấp nước cho hơn 10 triệu dân vẫn không thoát khỏi ô nhiễm.

Ngày 14.8 vừa qua, Ban Kinh tế Ngân sách và Thường trực HĐND TPHCM đã tổ chức buổi tham vấn ý kiến của nhân dân về vấn đề môi trường; các quan chức hữu quan đã hứa giải quyết một số vấn đề môi trường theo ý kiến người dân.

Có thể nói, cho đến giờ, các lãnh đạo thành phố ở ta chưa có thông lệ "lắng nghe dân nói" về các vấn đề môi trường như vậy.

Dự kiến đầu tháng 9 này, HĐND TPHCM sẽ phối hợp với UBNDTP, tổ chức một hội nghị chuyên đề về vấn đề môi trường. Thành phố lớn nhất, đông dân nhất nước này cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm toàn diện và cũng ở mức báo động nhất nước.

Ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn TPHCM hiện nay được đánh giá là nghiêm trọng nhất. Các dòng kênh trong nội thành bị ô nhiễm đã đành, các dòng sông lớn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu con người cũng không thoát khỏi số phận tương tự.

Nguồn nước bị "ung thư"

Theo những số liệu mới nhất, hệ thống kênh rạch của thành phố mỗi ngày bị đầu độc bởi sơ sơ có... 40 tấn rác thải các loại và 70.000m3 nước thải công nghiệp (vài năm trước số liệu này là 200.000m3)… chưa qua xử lý. Với một thực trạng như vậy thử hỏi làm sao những dòng kênh xanh không biến thành những dòng kênh bị "ung thư".

Trong khu vực nội thành, những dòng kênh như Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Đôi-kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ, Tân Hóa-Lò Gốm… bị ô nhiễm từ vài chục năm nay là chuyện đã đành thì đến hiện nay ngay khu vực ngoại thành từ Bình Chánh, Hóc Môn đến Củ Chi... những dòng kênh vốn phục vụ cho việc tưới tiêu trước đây nay cũng biến thành những dòng kênh mà người dân đã gọi là kênh sủi bọt, kênh ngứa, kênh nín thở...

Theo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bình Chánh, trong hệ thống 72 tuyến kênh trên địa bàn huyện đến nay không còn bất cứ dòng kênh nào mà không bị ô nhiễm nặng. Hậu quả này cũng dễ hiểu khi có đến hơn 1.000 cơ sở sản xuất trong vài năm qua hàng ngày đua nhau xả thải xuống hệ thống kênh này.

Theo một kết quả kiểm tra mới đây của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bình Chánh, chỉ có vẻn vẹn 22 trong số gần 1.000 cơ sở sản xuất có trang bị hệ thống xử lý nước thải. 70% chiều dài của các tuyến kênh trên địa bàn thành phố bị ô nhiễm nặng, trong đó, tuyến kênh An Hạ-Thầy Cai được xếp vào nhóm ô nhiễm gia tăng nhanh nhất, chủ yếu là hoá chất dệt nhuộm, hóa chất phục vụ ngành caosu, kim loại nặng và chất rắn lơ lửng...

Nước ô nhiễm của tuyến kênh này có lần đã làm chết cá của một số hộ dân trên địa bàn 2 huyện Đức Hoà, Đức Huệ tỉnh Long An. Một tuyến kênh khác cũng được xếp vào loại điểm nóng là kênh Ba Bò của khu vực giáp ranh tỉnh Bình Dương và quận Thủ Đức, TPHCM.

Theo phản ánh của người dân với Hội đồng Nhân dân TPHCM, có những ngày nước kênh thay đổi sắc thái đến 3 lần: Sáng đỏ (hoá chất dệt nhuộm) trưa có màu đen và hôi, vào buổi chiều thì sủi bọt. Nhiều khi bọt sủi nhiều đến mức tràn lên bờ...

10 triệu người chung sống

Ô nhiễm không chỉ là chuyện của các dòng kênh mà ngay cả lưu vực sông Đồng Nai, trong đó có sông Sài Gòn nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 10 triệu dân của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đang bị đầu độc. Lưu vực sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh thành: Đak Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, TPHCM, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước.

Hoạt động công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển đô thị... được các nhà khoa học xem là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nói chung và sông Sài Gòn nói riêng.

Theo một công trình nghiên cứu của kỹ sư Võ Thị Ngọc Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương - thì chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có 11 KCN xả nước thải vào lưu vực sông Sài Gòn, khối lượng nước thải mỗi khu ít nhất là 1.200m3/ngày và nhiều nhất là 5.600m3 nước thải/ngày.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nằm ngoài các KCN cũng thải vào lưu vực sông Sài Gòn 45.000m3/ngày. Trong đó các ngành độc hải như sản xuất giấy thải ra 7.700m3; dệt nhuộm 4.200m3 và chế biến mủ cao su 9.600m3/ngày. Riêng đối với hoạt động chăn nuôi mỗi ngày thải ra hơn 24.500m3 nước thải...

Còn đối với TPHCM, số liệu về khối lượng nước thải công nghiệp thải vào lưu vực sông Sài Gòn không được công bố nhưng con số thực tế có thể là 250.000m3/ngày đêm. Còn theo số liệu của Bộ Tài nguyên Môi trường trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có gần 500 làng nghề, 9.000 cơ sở sản xuất, 1.633 cơ sở y tế.... xả nước thải vào lưu vực, trong đó hầu hết là nước thải chưa qua xử lý.

Thực trạng ô nhiễm của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã được các nhà khoa học báo động từ lâu thế nhưng chính quyền các tỉnh hầu như không có phản ứng gì trước thực trạng này. Các tỉnh thành trong khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam từ 10 năm nay đã chạy đua thu hút đầu tư, chạy đua phát triển công nghiệp nên xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường.

Đua nhau đưa ra các điều kiện dễ dãi nhất để lôi kéo các nhà đầu tư, trong đó có các tiêu chuẩn về môi trường. Hậu quả, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn cho phép vô tư xả thẳng vào nguồn nước sông trong hệ thống sông Đồng Nai. Thực tế này giải thích vì sao, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đang ngày càng ô nhiễm trầm trọng, đe doạ nguồn nước sinh hoạt của hơn 10 triệu dân.

Đặc biệt là trong thời gian gần đây chất lượng nước thô cung cấp cho các nhà máy nước của TPHCM bị giảm sút nghiêm trọng. TPHCM đã phải chỉ đạo cho các cơ quan chức năng lập một đề án để bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn. Trong khi TPHCM lo sợ nguồn cấp nước sinh hoạt chính bị ô nhiễm thì phía thượng nguồn của lưu vực trên sông La Ngà, hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng... người ta vẫn cứ vô tư nuôi cá bằng phân gà, phân heo.

Sông Thị Vải (Đồng Nai) một nhánh của toàn lưu vực tiếp tục là dòng sông chết bởi hoá chất của Nhà máy Vedan.

TPHCM: Ô nhiễm toàn diện

Theo kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, nồng độ bụi trong không khí thành phố này đã có sự gia tăng vượt bậc: năm 1999 là 0,53mg/m3 đến năm 2006 đã tăng lên 0,63mg/m3 không khí. Các chỉ số khác như benzene, chì trong không khí tăng từ 3 đến 8 lần từ năm 2000 đến 2006. Về nước thải của các khu chế xuất, khu công nghiệp, trong 45 mẫu nước thải được Chi cục Bảo vệ môi trường lấy về kiểm tra chỉ có 1 mẫu đạt yêu cầu, 44 mẫu còn lại chứa nhiều chất gây ô nhiễm vượt chuẩn cho phép lên đến cả trăm lần, thậm chí là vài trăm lần.

(Theo báo lao động)

http://www.moitruongxanh.vn/index.php?vs=news&id=49&cate=1

 

10- Những con mương “đen” giữa lòng thành phố Cảng

Đã nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở Khu dân cư Hà Khê cùng các sinh viên của Trường Cao đẳng nghề miền Bắc (phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng) phải chịu cảnh sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng, bên cạnh mương nước đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc, ruồi muỗi nhiều vô kể. Đáng chú ý hơn, người dân đã nhiều lần lên tiếng, kiến nghị nhưng các cấp chính quyền vẫn khoanh tay làm ngơ để bà con "sống chung với ô nhiễm".

Con mương nổi ô nhiễm này rộng khoảng 4m, dài gần 300m, chạy dọc theo đường Thiên Lôi, phường Kênh Dương (quận Lê Chân). Nó bắt đầu từ cống Thiên Lôi ( khu vực Trại Lẻ), chảy qua khu vực sinh sống của các tổ dân phố 12,13,14 và đi vào khuôn viên của Trường Cao đẳng nghề miền Bắc, sau đó đổ ra sông Lạch Tray (cạnh bến xe liên tỉnh Cầu Rào). Đây là con mương thoát nước thải sinh hoạt của quận Lê Chân và khu vực Tây Nam thành phố Hải Phòng nên có mức độ ô nhiễm rất nặng, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ của khoảng gần 500 gia đình và hơn 800 sinh viên của trường cao đẳng nghề. Những người dân cho biết, mỗi ngày, họ phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc bốc lên từ con mương khoảng gần 20 tiếng vì chỉ đến cuối ngày khi thuỷ triều lên cao, nước từ ngoài sông mới tràn vào và đẩy nước thải chảy ngược lại. Khi thủy triều xuống, nước thải từ trung tâm thành phố lại ồ ạt chảy ra. Đặc biệt, những ngày trời càng nắng, oi bức, mùi hôi lại càng nồng nặc hơn. Những ngày trời mưa, ẩm ướt, ruồi, muỗi nhiều vô kể. Do sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều người già, trẻ em bị viêm phổi và mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh ngoài da, sốt do muỗi cắn...

Trước đây, đoạn mương chảy qua phường Kênh Dương đều là mương nổi, nước chảy lộ thiên. Khoảng năm 2000, chính quyền sở tại đã quy hoạch và đầu tư kinh phí làm mương hộp để nước chảy ngầm nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, người dân rất bức xúc vì không hiểu sao thành phố chỉ làm mương hộp từ khu vực trung tâm đến cống Thiên Lôi, đoạn còn lại vẫn để nước chảy lộ thiên. Từ đó đến nay, người dân đã nhiều lần lên tiếng, kiến nghị nhưng các cấp chính quyền vẫn chưa có phản ứng gì và họ vẫn ngày ngày sống trong ô nhiễm.

Tương tự, con mương Cống Đen chảy qua Cụm dân cư số 7, phường Nam Hải, quận Hải An cũng đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tuy chưa nguy hiểm bằng con mương tại phường Kênh Dương nhưng do một số người dân thiếu ý thức vứt rác thải sinh hoạt xuống, tình trạng ô nhiễm cũng đang ở mức báo động.

(Theo Bộ tài nguyên và môi trường Việt Nam)

http://www.moitruongxanh.vn/index.php?vs=news&id=47&cate=1

 

11- Bình Dương: Nước thải từ các KCN góp phần gây ô nhiễm sông Đồng Nai?

Nước thải công nghiệp chảy ra sông

Những năm gần đây, các con suối ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh: Đồng Nai và Bình Dương (bắt nguồn từ tỉnh Bình Dương chảy qua các xã: Hóa An, Tân Hạnh, Bửu Hòa, Tân Vạn - thuộc TP.Biên Hòa rồi chảy ra sông Đồng Nai) đã trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. Đây cũng là một vấn đề bức xúc mà trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân hai xã: Hóa An và Tân Hạnh đã nhiều lần phản ánh...

Suối Siệp là ranh giới giữa xã Tân Đông Hiệp B (tỉnh Bình Dương) và xã Hóa An, TP.Biên Hòa. Theo ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hóa An, chỉ cách đây 5 năm, nước suối ở đây còn trong veo, vì con suối chảy ra từ mạch Bà Đọt. Thế nhưng mấy năm gần đây, con suối trở nên đen ngòm, hôi thối. Theo người dân sống ven suối, vào buổi chiều hoặc tối nước thải chảy về ồ ạt; có hôm bọt nổi trắng như xà bông. Đặc biệt, khu vực càng gần cống nước thải đầu nguồn từ xã Tân Đông Hiệp B mùi hôi càng bốc lên nồng nặc. Bà Phạm Thị Châu, ở tổ 22, ấp Cầu Hang cho biết: "Có bữa dọn cơm lên rồi mà gặp gió lùa mùi hôi thối từ suối bốc lên làm cả nhà không ai nuốt nổi cơm".

Bên cạnh đó, hiện có khoảng 50 hộ dân có nhà ở ven suối phải khổ sở vì sống chung với nguồn nước ô nhiễm. Đa số các hộ dân ở đây chưa có nước máy sử dụng. Họ phải dùng nước giếng đào hoặc giếng khoan. Nhiều hôm trời mưa, nước suối tràn vào tận nhà dân và vào cả giếng nước. Khu vực ven suối trở nên ẩm thấp, hôi thối. Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hóa An cho biết, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân nơi đây đã nhiều lần phản ánh. Việc suối Siệp bắt nguồn từ tỉnh Bình Dương chảy ra xã Hóa An, Bửu Hòa, Tân Vạn rồi chảy ra sông Đồng Nai bị ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến dân cư ở các xã này, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến dòng sông Đồng Nai. Do đó, khi phát hiện được nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, cần có hướng khắc phục, để hạn chế ô nhiễm trên diện rộng.

Tương tự như xã Hóa An, các con suối và các con rạch ở xã Tân Hạnh, 4-5 năm trở lại đây cũng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Lập, cán bộ phụ trách môi trường của xã cho biết, thời gian qua, xã Tân Hạnh cũng đã đi khảo sát từ đầu nguồn của các con suối, con rạch trên địa bàn. Theo đó, xã cũng xác định, nguyên nhân gây ô nhiễm suối Cầu Bốn Trụ là từ các nhà máy, lò mổ gia súc từ xã Tân Bình, huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Bên cạnh đó, nước từ rạch Ông Tiếp cũng bị ô nhiễm do nước thải từ các cụm công nghiệp của xã An Phú (huyện Thuận An) và xã Thái Hòa (huyện Tân Uyên) đổ về. Trước đây, bà con ở ấp 1 còn ăn uống, tắm giặt trên rạch Ông Tiếp. Thế nhưng đến nay, người dân không dám sử dụng nước này vì khi nước tiếp xúc vào da sẽ nổi mẩn ngứa, khó chịu.

Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đồng Nai cũng đã tiến hành khảo sát tại một số khu vực mà người dân phản ánh. Qua đó cho thấy, suối Siệp là nguồn tiếp nhận nước thải từ KCN Tân Đông Hiệp B, khu dân cư Tân Đông An, Trung tâm y tế huyện Dĩ An và các hộ dân cư sống dọc theo suối bên tỉnh Bình Dương. Các nguồn nước thải này chưa được xử lý triệt để. Qua khảo sát cho thấy, phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường là đúng. Sở TN&MT đã thu 3 mẫu nước thải ở các khu vực này để phân tích, đánh giá chất lượng. Được biết, vào ngày 2-7-2007, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có Văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan kiểm tra và có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường từ KCN Tân Đông Hiệp B thải ra suối Siệp. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh Đồng Nai chưa nhận được ý kiến phản hồi từ tỉnh Bình Dương nhằm giải quyết vấn đề nêu trên. Trong thời gian tới, sau khi có kết quả phân tích mẫu nước thải, Sở TN&MT sẽ báo cáo UBND tỉnh để đề nghị UBND tỉnh Bình Dương có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu vực nêu trên.

(Theo Bộ tài nguyên và môi trường Việt Nam)

 

12- Xử lý ô nhiễm sông Thị Vải: Chỉ mới giải quyết phần ngọn

Mọi giải pháp cứu sông Thị Vải là cần thiết, nhưng nên xác định cái "gốc" là con người quản lý.

Cảng vụ Hàng hải Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) vừa gửi công văn tới tỉnh bạn Đồng Nai và bộ, ngành liên quan đề xuất "cứu" sông Thị Vải bằng giải pháp đào kênh mới khơi thông sông này. Trước đó, tỉnh Đồng Nai cũng tính sẽ đề xuất phương án đào kênh.

Tuy nhiên, nếu con người vẫn vì đầu tư mà bất chấp môi trường thì sẽ lại thêm những con sông mới "chết chùm" theo sông Thị Vải...

Đào kênh, rửa... nước

Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu (BRVT), vì sông Thị Vải là sông cụt nên nước thải từ các KCN, hoạt động của các cảng nằm dọc ven bờ, đổ xuống sông không thoát được và chỉ dâng lên, hạ xuống theo thuỷ triều. Như vậy, nếu đào kênh nối với sông Đồng Nai sẽ giúp cho nước trên sông Thị Vải lưu thông và dần dần thau rửa ô nhiễm của con sông này.

Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho rằng, cần đào một đoạn kênh (chiều dài khoảng 14km đến 16km, bề rộng mặt kênh 200 mét, bề rộng mặt đáy 180 mét và độ sâu khoảng 10 mét đến 12 mét) nối từ thượng nguồn sông Thị Vải tới cù lao Ông Cồn hoặc khu vực Long Tân, Phú Hội trên sông Đồng Nai.

Kênh mới, không chỉ giải quyết ô nhiễm, mà còn tạo thêm tuyến vận tải bằng đường thuỷ từ Vũng Tàu đi TPHCM, Đồng Nai, góp phần giảm mật độ lưu thông trên tuyến đường thuỷ còn lại và cả đường bộ. Trước đó, sau khi dư luận lên tiếng bức xúc về việc tàu Nhật, tàu Singapore "chê cảng" vì sợ nước sông Thị Vải ô nhiễm gây hỏng vỏ tàu, ngày 21.8.2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Ao Văn Thinh - đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành chức năng nhằm bàn các giải pháp giảm thiểu triệt để ô nhiễm môi trường sông Thị Vải.

Tại cuộc họp này, UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, sẽ đề xuất với bộ, ngành T.Ư đầu tư nạo vét, đào mới đoạn kênh nối sông Thị Vải với sông Đồng Môn thông qua kênh Bà Ký, tạo sự thông thương luồng lạch để làm tăng khả năng "tự làm sạch" của sông Thị Vải, đồng thời tạo thêm một tuyến vận tải thuỷ cho các KCN trên địa bàn.

Chỉ giải quyết phần ngọn...

Theo các nhà khoa học, mặc dù các con sông đều có khả năng tự làm sạch"; tuy nhiên nhìn từ sông Thị Vải, khi mỗi ngày "uống" hàng chục ngàn mét khối nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn thì khả năng này dường như đã bị triệt tiêu.

Trông chờ vào bàn tay con người thì không ít người đã thất vọng. Bởi ngay mới đây, khi được DN phản ánh về tình trạng vỏ tàu bị nước sông Thị Vải ăn mòn, sức khoẻ công nhân bị ảnh hưởng, các cơ quan chức năng thay vì đưa ra những lời giải thích thuyết phục thì lại trả lời với điệp khúc cũ: "Chưa thể đánh giá hết tác hại!", "phải chờ ý kiến của cấp trên".

Bởi vậy, đề xuất giải pháp "cứu" sông Thị Vải của 2 địa phương nêu trên khiến dư luận lo lắng, đặc biệt ý kiến "mạnh dạn" của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu: Dọc trên tuyến kênh đào này có thể xây dựng thêm được nhiều cảng và KCN ở 2 bên bờ. Bởi lẽ nếu tiếp tục làm các KCN theo cung cách "hy sinh môi trường vì lợi ích kinh tế" của 2 tỉnh có con sông "vàng" này thì sẽ lại có thêm một "sông Thị Vải 2". Rốt cục "tiền mất tật mang".

Nếu vẫn đào kênh mới, không xây thêm KCN, mà vẫn không mạnh tay, để các nhà máy, KCN xả chất thải không đảm bảo tiêu chuẩn, thì chẳng khác gì giúp nguồn ô nhiễm từ sông Thị Vải lây lan sang các con sông khác.

(Theo báo lao động)

http://www.moitruongxanh.vn/index.php?vs=news&id=53&cate=1

 

13- Gây ô nhiễm vẫn ung dung hoạt động

Khói bụi do Công ty Viguato xả ra.

Công ty liên doanh sản xuất nông dược vi sinh Viguato tuy hoạt động sản xuất "rầm rộ" nhưng vẫn chưa có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, chưa đăng ký sử dụng nguồn nước sông và chưa thực hiện việc xử lý nước thải trong nhiều năm qua...

Công ty Viguato đóng trụ sở tại số 01 Nguyễn Văn Quỳ, khu phố 1, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM chuyên sản xuất thuốc trị bệnh khô vằn trên lúa.

Theo người dân khu phố 1 phản ánh, 12 năm qua họ phải sống chung với tiếng ồn và mùi hôi thối do Công ty VIGUATO gây ra.

Liên tục trong các ngày đầu tháng 8, mỗi lần Công ty Viguato xả khí là toàn bộ khu dân cư "ngập" trong mùi hôi tanh nồng nặc. Vì quá bức xúc trước tình trạng trên, cách đây 3 tháng, hàng chục hộ dân sống ở các khu chung cư An Hòa 5, 6, 7 trên đường Trần Trọng Cung, quận 7 cùng với người dân khu phố 1 đã kéo đến Công ty Viguato yêu cầu dừng ngay sản xuất vì môi trường bị công ty này làm ô nhiễm nặng nề.

Được biết, trong lần làm việc với đoàn kiểm tra do chính quyền địa phương phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM vừa qua thì phía Công ty Viguato chưa xuất trình được giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy tờ quan trắc về độ ồn, không khí...

Ngoài ra, mỗi ngày công ty này hút "trộm" cả ngàn mét khối nước từ kênh để đưa vào chế biến, sau đó lại xả nước thải ra kênh, gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.

Điều đáng nói là dù đã bị chính quyền địa phương nhắc nhở và xử phạt hành chính nhưng đến nay phía Công ty Viguato vẫn không chịu khắc phục tình trạng trên.

Người dân mong rằng chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân nơi đây.

(Theo báo lao động)

http://www.moitruongxanh.vn/index.php?vs=news&id=36&cate=1

 

14- Hà Nội: "Bội thực" vì nguồn chất thải

Hàng ngày, Hà Nội thải ra đến 2.800 tấn rác sinh hoạt và khoảng 2.000 tấn chất thải công nghiệp khác. Nhưng việc xử lý chất thải của các xí nghiệp môi trường có vẻ chưa theo kịp thực tế.

Chất thải nguy hại mới thu gom được 70%

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tổng lượng rác thải sinh hoạt đô thị của thành phố vào khoảng 2.800 tấn/ngày; ngoài ra chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng, chất thải y tế cũng là “vấn đề rất lớn” với tổng khối lượng khoảng 2.000 tấn/ngày. Chất thải rắn (CTR) sinh hoạt chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại: khoảng 60%; chất thải xây dựng chiếm khoảng 1/4 và lượng chất thải phân bùn bể phốt là 5%.

Riêng chất thải công nghiệp chiếm 10% (trong đó bao gồm luôn cả chất thải nguy hại) và hàng năm tăng thêm từ 3-5% (như năm 2007, lượng phát sinh là 750 tấn/ngày). Nguồn phát thải loại này tập trung vào một vài ngành như: chế biến thực phẩm, hóa chất và cơ khí. Riêng 3 ngành này đã chiếm gần phân nửa tổng lượng chất thải công nghiệp của thành phố.

Đối với nguồn thải từ các bệnh viện, hiện cả thành phố có 91 bệnh viện và trung tâm y tế cấp quận, huyện; ngoài ra còn 232 trạm y tế xã và cơ sở y tế nhỏ. Tổng lượng rác y tế xấp xỉ khoảng 20 tấn/ngày; tỷ lệ chất thải y tế nguy hại trong đó chiếm tỷ lệ tương đối cao, chừng 5 tấn/ngày.

Hiện tại, công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị (Urenco) chịu trách nhiệm thu gom và vận chuyển phần lớn lượng chất thải sinh hoạt của thành phố. Ngoài ra, còn có 5 xí nghiệp môi trường đô thị chịu trách nhiệm thu gom tại khu vực các huyện ngoại thành và các đơn vị tham gia thu gom vận chuyển theo hình thức xã hội hóa như: Công ty cổ phần Thăng Long; công ty cổ phần Tây Đô; Công ty cổ phần Xanh; hợp tác xã Thành Công…

Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở các quận nội thành đạt khoảng 95%, còn các huyện ngoại thành tỷ lệ này chỉ đạt 60%; Lượng CTR công nghiệp được thu gom đạt 85-90% và chất thải nguy hại mới chỉ đạt khoảng 60-70%.

Chủ nguồn chất thải nguy hại ở đâu?

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, địa bàn các quận, huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Từ Liêm, Long Biên…là “đặc biệt nghiêm trọng” trong việc đổ rác bừa bãi, đổ trộm phế thải xây dựng gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn thành phố có khoảng 410 điểm xây dựng có nguồn phế thải. Nguồn đất thải, phế thải từ các công trường thải ra là rất lớn; còn nhiều phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, đất phế thải thiếu che chắn làm rơi vãi ra đường phố; đặc biệt còn có những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm cố tình đổ bừa đất phế thải ra lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng. Tại bãi đổ Yên Sở, lượng xe vào ra trung bình khoảng 150-200 xe/ngày với lượng phế thải lên đến 600m3/ngày đêm; lượng xe vào đổ phế thải tại bãi Thanh Trì thậm chí còn lớn hơn, khoảng từ 300-400 xe/ngày đêm.

Hàng loạt các hạn chế trong thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt được chỉ ra: Mất vệ sinh cục bộ bởi phương thức thu gom hiện nay hầu hết là gián tiếp, thông qua các xe đẩy tay từ các khu vực dân cư, tập kết về một điểm tự phát rồi chuyển lên ô tô chuyên dụng tại các ngã tư, góc đường… Việc rác thải chưa được phân loại tại nguồn cũng gây khó khăn cho việc vận chuyển, xử lý.

Năng lực của các xí nghiệp môi trường đô thị về thiết bị, phương tiện thu gom vẫn còn thiếu, tải trọng nhỏ, cũ, hỏng…chưa theo kịp các yêu cầu thực tế. Đối với khu vực ngoại thành diện tích rộng, dân cư không tập trung, thành phần rác thải “phong phú hơn” do hoạt động nông nghiệp: các loại bao bì phân bón, vỏ hộp thuốc trừ sâu…khó thu gom, ý thức người dân chưa cao và hệ thống vận chuyển bị hạn chế cả về nhân lực lẫn phương tiện.

Trước đây, Hà Nội đã thực hiện theo thông tư 12 từ Bộ Tài Nguyên Môi trường, chủ trương thắt chặt dần công tác quản lý CTR nguy hại trên địa bàn từ chủ nguồn thải cho đến các đơn vị hành nghề vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại. Tuy nhiên, cho đến nay việc quản lý vẫn chưa cho thấy hiệu quả, không kiểm soát hết các vấn đề về chất thải liên quan.

Chỉ có khoảng 80 doanh nghiệp chịu đứng ra đăng ký là chủ nguồn của chất thải nguy hại, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn. Do chi phí xử lý chất thải nguy hại là tương đối cao (khoảng 6 triệu đồng/tấn), nên một số doanh nghiệp tìm đến các cơ sở nhỏ, không đủ năng lực xử lý nhưng chi phí rẻ hơn để vận chuyển rác ra khỏi cơ sở mình. Vì thế, chất thải nguy hại không được kiểm soát tận nơi xử lý cuối cùng; thậm chí chúng còn bị tái chế tự phát gây ảnh hưởng tới môi trường như tái chế nhựa, tái chưng cất dầu thải.

Đối với chất thải y tế, các bệnh viện và các trung tâm y tế chưa tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn chuyên ngành, dẫn đến chất thải y tế nguy hại (có khả năng lây nhiễm) không được quản lý chặt, thậm chí còn bị bán trôi nổi trên thị trường.

Ngay cả công tác xử lý, tiêu hủy, tái chế CTR hiện cũng còn rất nhiều hạn chế- chủ yếu dựa vào việc chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn (chất thải ở đây hầu như không được phân loại). Còn riêng nhà máy chế biến rác thải tại Cầu Diễn, mới chỉ đạt sản lượng khoảng 7.000 tấn/năm, nghĩa là chỉ có khoảng 7% lượng rác thải sinh hoạt được tái chế thành phân vi sinh.

(Theo Bộ tài nguyên và môi trường Việt Nam)

http://www.moitruongxanh.vn/index.php?vs=news&id=63&cate=1

 

15- Hạt nix trong mắt ai

Năm 2007, lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà có chủ trương xin rút vịnh Nha Trang khỏi danh sách danh thắng quốc gia với lý do "Thực hiện Luật Di sản văn hoá thì ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế tỉnh nhà".

Dư luận cả nước đã lên tiếng "Vịnh Nha Trang không phải tài sản riêng của Khánh Hoà".

Đầu năm 2008, lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà đặt vấn đề san lấp 360ha mặt nước biển thuộc vịnh Vân Phong, hy sinh hệ thống cồn cát tự nhiên bảo vệ bờ biển từ hàng nghìn năm nay, để cho phép Tập đoàn POSCO xây dựng khu luyện cán thép, vốn là một mối nguy về ô nhiễm môi trường không kém Hyundai Vinashin, ngay chính nơi được đánh giá là báu vật thiên nhiên của đất nước. Dư luận cả nước lại không đồng tình.

Những giá trị của Nha Trang - Khánh Hoà cũng là sở hữu của cả nước, đồng thời còn là tình yêu khắp nơi dành cho đất và người vốn giàu đẹp tự nghìn xưa này. Nên không lạ gì những ngày này, thêm một cơn sóng gió dư luận hướng về Khánh Hoà khi cảnh sát môi trường bắt quả tang Hyundai Vinashin đổ trộm 60 tấn chất thải độc hại, trong số hơn 700 tấn, chủ yếu là hạt nix, ngay sát khu dân cư của thôn Phú Thọ 3, xã Ninh Diêm, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà.

Dư luận phẫn nộ trước ứng xử coi thường luật pháp Việt Nam, coi thường sinh mệnh người dân Việt Nam của Hyundai Vinashin, thì đã rõ. Bên cạnh đó, và quan trọng hơn, dư luận đặc biệt lo lắng cho thực trạng quản lý nhà nước đối với các vụ việc, như vụ hạt nix Hyundai Vinashin, đòi hỏi cái tầm, cái tâm và cái uy để giải quyết sòng phẳng, hiệu quả. Là những cái đang thiếu.

Chọn đối tác đầu tư có nguy cơ cao biến đất nước mình thành bãi rác là không có tầm. Để dân sống chìm trong bụi nix suốt 10 năm là không có tâm. Không xử lý tội phạm môi trường theo đúng luật pháp đất nước mình là không có uy.

Trên đất nước của các nhà đầu tư nước ngoài, một tàn thuốc lá vứt xuống lề đường phải chịu phạt theo luật. Không ai oán trách mà còn tự hào là văn minh. Vậy 60 tấn chất thải độc hại đổ cạnh đình làng và trường mẫu giáo, tính sao đây? Lại chỉ xử phạt hành chính vài chục triệu VND như tỉnh Khánh Hoà đã làm hồi năm 2007? Lại chỉ "yêu cầu Hyundai Vinashin nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm" như Bộ Tài nguyên - Môi trường đã yêu cầu trong phiên họp với Hyundai Vinashin, cũng trong năm 2007?

Không thể chậm trễ đã đến lúc phải xử theo luật. Bởi một khi luật pháp quốc gia được thay thế bởi sự nhân nhượng mang tính cục bộ cũng là khi môi trường tham nhũng có điều kiện và cơ hội tấn công những người được giao trách nhiệm quản lý nhà nước. Và bởi hơn 700 tấn hạt nix thải từ Hyundai Vinashin không chỉ nằm trên đất Khánh Hoà, mà đang nằm trong con mắt xốn xang mỗi người dân Việt.

(Theo báo lao động)

http://www.moitruongxanh.vn/index.php?vs=news&id=30&cate=1

 

16- Ô nhiễm môi trường nước thải ở “Bến Nộc” xã Tân Định (Bến Cát): Ngành chức năng cần sớm vào cuộc

Hơn 3 năm qua, nhiều người dân ở quanh khu vực “Bến Nộc” thuộc ấp 3, xã Tân Định (Bến Cát) bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường nước thải do nhà máy giấy trên địa bàn gây ra.

Và từ lâu dòng nước ở Bến Nộc đã trở thành dòng nước chết, không còn tôm cá sinh sống...

Theo phản ánh của người dân, trong những ngày cuối tháng 7, chúng tôi đã có những buổi đi thực tế tại khu vực Bến Nộc để ghi nhận tình trạng ô nhiễm nguồn nước thải tại khu vực này. Quả thật đúng như những gì mà người dân phản ánh, nguồn nước tại Bến Nộc giờ đây đã bị ô nhiễm nặng nề bởi nước thải từ nhà máy giấy “ Đ.T” trên địa bàn gây ra. Dòng nước trong xanh tại bến ngày nào, giờ đây đã được bao phủ bởi một lớp màn đen kịt, kèm với mùi hôi thối nồng nặc cứ liên tục xông lên. Những lúc nước lớn là vậy, còn lúc con nước ròng thì tình trạng ô nhiễm càng nặng nề hơn, nhất là những lớp màn đen đóng thành cục trông đến rợn người...

Dù đang tất bật với công việc mưu sinh trên đồng nhưng khi thấy sự xuất hiện của phóng viên, một số bà con quanh khu vực đã nhanh chóng tiếp cận chúng tôi để bày tỏ những nỗi bức xúc mà từ bấy lâu nay chưa được cấp thẩm quyền giải quyết. Bác Trần Văn Lô, cho biết: “Trước đây nguồn nước ở Bến Nộc trong xanh, tôm cá rất nhiều nhưng hơn 3 năm qua, kể từ khi nhà máy giấy “Đ.T” đi vào hoạt động thì nơi đây đã trở thành dòng nước chết, không còn tôm cá sinh sống. Không những thế, cả một cánh đồng lân cận giờ đây cũng không còn tôm cá do sự ô nhiễm nguồn nước thải. Điều đáng nói là việc ô nhiễm nguồn nước đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là bà con quanh khu vực Bến Nộc giờ đây không ai còn nuôi cá được nữa... Từ lâu bà con cũng đã kiến nghị chính quyền địa phương nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục...”.

Cùng phản ánh với người dân về tình trạng ô nhiễm tại Bến Nộc, trưởng ấp 3, xã Tân Định Nguyễn Quang Thuận, bộc bạch: Hiện nay tình trạng nhà máy giấy “Đ.T” trên địa bàn thải nước ra bến, rạch làm bà con không còn canh tác, nuôi trồng thủy sản được nữa. Bà con đã nhiều lần phản ánh nên phía Ban điều hành ấp cũng đã xác minh và có báo cáo việc này lên UBND xã. Và phía UBND xã cũng đã phối hợp với ấp tổ chức xác minh tình trạng ô nhiễm và lập biên bản để báo cáo về trên. Vì hiện nguồn nước ở Bến Nộc ô nhiễm ngày càng nặng nề nên mong rằng ngành chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc để bà con có điều kiện canh tác và nuôi trồng thủy sản để cải thiện cuộc sống...

Qua quan sát của chúng tôi, Bến Nộc chỉ nằm cách sông Thị Tính khoảng trên 100m và là bến dẫn lưu ra Rạch Mới, sau đó đổ ra sông Thị Tính. Với thực tế ô nhiễm tại Bến Nộc là một trong những nguyên nhân góp phần làm nguồn nước ở dòng sông Thị Tính, đoạn chảy ngang qua địa bàn xã Tân Định ngày càng ô nhiễm nặng nề.

Tại khu vực Rạch Mới (cách Bến Nộc khoảng 1km), thuộc ấp 3, xã Tân Định nơi mà trước kia có rất nhiều hộ nuôi cá nhưng giờ đây gần như tất cả đều bỏ nghề. Nguyên nhân chính cũng là do nguồn nước ô nhiễm từ Bến Nộc chảy ra rạch. Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngọc, người dân duy nhất còn gắn bó với nghề nuôi cá, cho biết: “Từ khi có nhà máy giấy đi vào hoạt động trên địa bàn thì nguồn nước tại Rạch Mới thường xuyên có bọt bèo... khiến cây cỏ còn chết, huống chi là cá. Thời gian qua tôi gắn bó với nghề nuôi cá để cải thiện cuộc sống nhưng cá cứ chết lai rai riết, vì nguồn nước quá ngột ngạt bởi chất thải công nghiệp. Cứ mỗi lúc nguồn nước bị ô nhiễm nặng thì chỉ còn cách là tạt nước muối và vôi xuống ao cá để giảm mức độ ô nhiễm, chứ không biết phải làm sao... Hy vọng rằng ngành chức năng sớm có giải pháp kiểm tra, xử lý những nhà máy tùy tiện xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường”. Làm gì để khắc phục tình trạng ô nhiễm trên? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng.

(Theo bộ tài nguyên và môi trường Việt Nam)

http://www.moitruongxanh.vn/index.php?vs=news&id=34&cate=1

 

17- 115/154 khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải

Theo kết quả điều tra của Bộ Công Thương, trong số 154 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động trên toàn quốc chỉ có 39 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 25,3%), 27 KCN đang xây dựng và 27 khu đã có kế hoạch xây dựng. Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo môi trường ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam do Bộ Công Thương vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú thừa nhận, hoạt động bảo vệ môi trường ngành công nghiệp chưa mang tính chiến lược, chuyên nghiệp, đồng bộ, đặc biệt là chưa thống nhất với mục tiêu kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu phát sinh chất thải từ nguồn mà mới chỉ mang tính giải pháp tình thế. Hệ thống quản lý môi trường ngành còn manh mún, chưa có mạng lưới quản lý thống nhất từ cấp bộ, sở Công Thương tới các tập đoàn, tổng công ty, công ty và các đơn vị cấp dưới. Phần lớn các doanh nghiệp đều chưa có phòng ban chuyên trách về môi trường, cán bộ làm công tác môi trường đều kiêm nhiệm với chuyên môn từ các lĩnh vực khác.

Hơn nữa, theo Thứ trưởng, khuôn khổ pháp luật về bảo vệ môi trường và tính cưỡng chế thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam nói chung chưa đủ mạnh, chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan có trách nhiệm về bảo vệ môi trường.

ThS. Hồ Trung Thanh - Viện Nghiên cứu Thương mại cũng cho rằng, phát triển kinh tế và thương mại trong điều kiện toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại đang gây áp lực lớn đối với môi trường, tài nguyên và sức khỏe con người. Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ việc nhập khẩu các thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, nguyên liệu phế thải, hàng hóa kém chất lượng không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, vấn đề mở rộng thương mại quốc tế của Việt Nam đang gặp phải những trở ngại rất lớn trong khả năng đáp ứng yêu cầu môi trường của các nước nhập khẩu.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng để ban hành Quy chế bảo vệ môi trường ngành công nghiệp. Trong đó có nội dung khuyến khích các DN thành lập quỹ bảo vệ môi trường chi cho các hoạt động ứng phó sự cố, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường do rủi ro hoặc thiên tai...

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đề xuất, mỗi doanh nghiệp phải thành lập ban chuyên trách về môi trường và có định mức số lượng cán bộ chuyên môn có năng lực về môi trường. Bộ Tài Chính xây dựng và ban hành quy định tài chính về việc thành lập và hoạt động của quỹ môi trường đối với doanh nghiệp.

(Theo Bộ tài nguyên và môi trường Việt Nam)

http://www.moitruongxanh.vn/index.php?vs=news&id=22&cate=1

 

18- Nan giải bài toán ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp

Nước thải y tế tại Bệnh viện đa khoa Sơn La chưa qua xử lý đã thải trực tiếp ra mương cánh đồng bản Cọ, xã Chiềng An, thị xã Sơn La, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở khu vực này

Hội nhập WTO là cơ hội để các địa phương thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ được thành lập nhiều hơn, mở rộng hơn để đón được nhiều doanh nghiệp hơn. Tuy nhiên, vấn đề “nóng” đang được quan tâm hiện nay tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất là tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để.

Góp phần phát triển kinh tế đất nước

Tính đến cuối năm 2006, cả nước có 137 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 29.063 ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 19.413 ha, chiếm 67% tổng diện tích đất tự nhiên, 83 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 18.359 ha và 54 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 10.704 ha. Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2015, dự kiến cả nước sẽ thành lập thêm 115 KCN mới với tổng diện tích 26.443 ha và mở rộng 27 KCN với tổng diện tích 5.559 ha. Đến nay, thu hút vốn nước ngoài vào KCN đã đạt hơn 20 tỷ USD và nếu tính cả nguồn vốn trong nước hơn 10 tỷ USD, thì riêng các KCN đã thu hút khoảng hơn 30 tỷ USD.

Theo TS. Trần Ngọc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý Khu công nghiệp và Khu chế xuất (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành tựu nổi bật nhất của các KCN trong 15 năm qua là đã hình thành được lực lượng công nghiệp mạnh cho kinh tế đất nước. Năm 2006, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN ước đạt 17 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25-30%. Giá trị xuất khẩu của các KCN năm 2005 là 5 tỷ USD, năm 2006 đạt khoảng 8 tỷ USD và thương hiệu của các doanh nghiệp trong KCN xuất hiện rất nhiều trên thị trường thế giới, tạo ra một bộ mặt mới cho sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

Cùng với các KCN, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam như: cảng biển, đường xá… cũng phát triển theo. Qua 15 năm, hạ tầng KCN cũng như những vùng xung quanh KCN phát triển rất nhanh. Chúng ta cũng đã hình thành được một đội ngũ công nhân có tác phong công nghiệp và ý thức kỷ luật cao. Từ KCN, qua làm việc với nước ngoài, đội ngũ lao động đã được cải thiện rất nhiều, cả về tác phong công nghiệp, cũng như kỹ năng làm việc và trình độ quản lý. KCN thực sự là trường đào tạo tốt cho đội ngũ công nhân Việt Nam.

 

 Giải quyết ô nhiễm môi trường: Bài toán khó

Bên cạnh những mặt mạnh trên đây, việc quy hoạch KCN còn bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Theo Cục môi trường, những năm gần đây, các KCN tập trung phát triển rất nhanh. Nếu như năm 2002, cả nước mới chỉ có 80 KCN thì đến năm 2005 đã lên tới hơn 120 KCN và đến cuối năm 2006 là 137 KCN. Các KCN được phân bố chủ yếu ở các vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng và ven biển miền Trung. Hầu hết các KCN được xây dựng bám đường quốc lộ và nằm sát khu dân cư. Việc "phố hóa" các đường quốc lộ này đã gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tại hầu hết các KCN, tình trạng khói, bụi và nguồn nước thải chưa qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường trong các KCN nói riêng của chính quyền địa phương chưa thực sự được coi trọng chưa coi môi trường KCN là một nhiệm vụ quản lý nhà nước, chưa đánh giá được đúng mức tầm quan trọng của môi trường trong mối quan hệ bền vững giữa hoạt động sản xuất và sinh hoạt trong KCN cũng như giữa KCN với khu vực bên ngoài.

Mặt khác, ý thức bảo vệ môi trường của một số chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN và nhà đầu tư vào các KCN còn rất hạn chế. Sự mâu thuẫn lợi ích – chi phí khi xây dựng hệ thống xử lý chất thải cùng với việc chưa có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng từ phía Nhà nước đã khiến cho các nhà đầu tư chậm triển khai việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung cho KCN. Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong KCN cũng chưa hoàn chỉnh. Chưa hình thành hệ thống các quy định thống nhất về công tác quản lý môi trường trong KCN theo các loại hình ô nhiễm (rắn, lỏng, khí). Quy định về thẩm định môi trường đối với các dự án trong KCN còn chậm được đổi mới và chưa có chế tài mang tính ràng buộc cao...

Cùng với quá trình công nghiệp hoá, ô nhiễm môi trường công nghiệp ngày càng gia tăng và đáng báo động. Đến nay, có rất ít các chương trình, dự án tiến hành giám sát ô nhiễm môi trường và thống kê chất lượng chất thải tại các KCN một cách toàn diện. Hầu hết những hỗ trợ từ phía Nhà nước chỉ tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư, chưa quan tâm đúng mức đến hành lang pháp lý về quản lý môi trường tại các KCN.

Cảnh sát môi trường… sẽ xử lý các điểm nóng

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và tại các KCN nói riêng, dự kiến quý I-2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Công an ra mắt lực lượng cảnh sát môi trường (CSMT).

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, việc bố trí nhân sự, cách thức triển khai lực lượng CSMT sẽ do Bộ Công an phụ trách. Trước mắt, lực lượng này sẽ tham mưu giúp Bộ Công an trong việc tổ chức phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về BVMT giám sát, thực thi, xử lý hành chính các hành vi vi phạm pháp luật BVMT của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cá nhân có hành vi vi phạm có tính chất phức tạp, đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm chủ trì hoặc phối hợp kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về nhập khẩu phế liệu, xử lý chất thải đối với các doanh nghiệp, tổ chức gây ô nhiễm môi trường điều tra, kiểm tra, khởi tố những tội phạm môi trường cưỡng chế thi hành pháp luật về môi trường. Đặc biệt, lực lượng này có quyền kiểm tra đột xuất việc thực hiện Luật BVMT của các doanh nghiệp.

Về phối hợp giữa hai bên trong việc thành lập và hoạt động của CSMT, ông Nguyên cho biết, hai Bộ sẽ tiến hành ký kết liên tịch về việc tổ chức thành lập lực lượng CSMT. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hỗ trợ Bộ Công an danh sách đơn vị gây ô nhiễm, (trước mắt khoảng 4.000 doanh nghiệp), tình trạng ô nhiễm, tình trạng vi phạm Luật BVMT, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực môi trường cho lực lượng CSMT.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc trao cho lực lượng CSMT nhiều quyền hạn như vậy, liệu có xảy ra trường hợp cán bộ lợi dụng quyền hạn nhũng nhiễu doanh nghiệp? Các chuyên gia về môi trường cũng băn khoăn, mức xử phạt các hành vi vi phạm Luật BVMT quá nhẹ, cao nhất là 70 triệu đồng, như vậy chưa đủ sức răn đe đơn vị vi phạm. Vậy, việc thành lập lực lượng này liệu có giải quyết được vấn đề trên? Bên cạnh đó, mức độ vi phạm môi trường lại rất trừu tượng, vậy CSMT căn cứ vào đâu để xử lý?

(Theo môi trường và sức khỏe)

http://www.moitruongxanh.vn/index.php?vs=news&id=1&cate=1

 

19- Những dòng sông sắp qua đời

13/04/2007 6h09 (GMT+7)

Đọc những kết quả nghiên cứu, bà Helene B. Jordans - cố vấn của DANIDA (Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Đan Mạch) - đã phải thốt lên: “Có lần nhìn xuống mấy con kênh ở TP.HCM, tôi tự hỏi có phải chúng đã “chết” rồi không. Bây giờ thì các dữ liệu đã chứng minh điều đó là đúng”.

Những kết quả này vừa được Bộ Tài nguyên - môi trường công bố tại báo cáo môi trường

Tàu neo đậu trên sông Sài Gòn gây ô nhiễm nặng nề một đoạn sông này

VN năm 2006, tập trung vào tình hình ba lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.

Thái Nguyên điêu đứng với sông Cầu

Các tỉnh liên quan tới lưu vực sông Cầu gồm Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội. Mật độ dân số 427 người/km2 (cao hơn hai lần mật độ trung bình cả nước), có 800 cơ sở sản xuất công nghiệp, 200 làng nghề và 1.200 cơ sở y tế.

Trong các tỉnh có sông Cầu đi qua, Thái Nguyên bị ô nhiễm rõ rệt, đặc biệt là đoạn sông chảy qua thành phố. Nước sông đục, có màu đen nâu và bốc mùi. Hoạt động sản xuất công nghiệp là thủ phạm chính. Nước thải của Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ đặt ngay trong thành phố xả thẳng vào các nhánh nhỏ dẫn ra sông Cầu, gồm các chất ô nhiễm vô cơ, xơ sợi khó lắng, độ kiềm cao. Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên chảy vào con sông này với lưu lượng khoảng 1,3 triệu m3/năm và “ban tặng” cho dòng sông nhiều chất ô nhiễm độc hại như dầu mỡ, phenol và cyanure.

Ngoài sản xuất công nghiệp, các hoạt động nông nghiệp cũng góp phần gây ô nhiễm nghiêm trọng. Lưu vực sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180.000 tấn phân hóa học và 1.500 tấn thuốc trừ sâu mỗi năm!

Nước thải sinh hoạt hại sông Nhuệ - Đáy

Rác ở chân cầu sông Tô Lịch (Hà Nội)

Sông Nhuệ - Đáy liên quan đến Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định. Mật độ dân số 874 người/km2. Có trên 4.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 458 làng nghề và 1.400 cơ sở y tế.

Với lưu vực sông Nhuệ - Đáy, báo cáo đưa ra khẳng định: các sông nội thành Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng khi mọi thông số đo được đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Các con sông khác thuộc lưu vực này như sông Châu Giang, sông Tích, sông Hoàng Long, sông Đào đều bị ô nhiễm. Đặc trưng ô nhiễm của lưu vực sông này là nước thải sinh hoạt đóng góp tỉ lệ lớn nhất, trong đó thành phố Hà Nội đóng góp 54% lượng nước thải sinh hoạt toàn lưu vực.

Công nghiệp & nuôi trồng thủy sản “giết” sông Đồng Nai

Hệ thống sông Đồng Nai ảnh hưởng đến Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Mật độ dân số 269 người/km2. Có hơn 9.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 491 làng nghề và 1.633 cơ sở y tế.

Do trải rộng trên nhiều tỉnh, hệ thống sông Đồng Nai chịu tác động cùng lúc từ nhiều nguồn nên phần hạ lưu của nhiều sông trong lưu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí có đoạn trở thành sông chết.

Nước sông Đồng Nai, đoạn từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn cho phép. Hệ thống sông Sài Gòn chủ yếu bị ô nhiễm chất hữu cơ với dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng ở một số nơi. Chất lượng nước của các con sông khác như sông Bé, Đa Nhim - Đa Dung, Vàm Cỏ, nước ở các ao hồ, kênh rạch trên lưu vực... đều bị ô nhiễm nặng. Nghiêm trọng nhất là sông Thị Vải đã có đoạn bị chết kéo dài từ sau khu vực hợp lưu suối Cả - Đồng Nai đến Khu công nghiệp Mỹ Xuân.

Tác nhân chính gây ô nhiễm nước trong lưu vực là nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phần lớn đều xả trực tiếp vào nguồn nước. Một đặc trưng khác về tác nhân ô nhiễm là hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lưu vực.

* Kể từ kế hoạch năm năm (giai đoạn 2006-2010), bên cạnh hệ thống chỉ tiêu kinh tế và xã hội sẽ luôn có hệ thống chỉ tiêu môi trường. Và theo qui định của Bộ Tài nguyên - môi trường, cứ năm năm một lần phải có báo cáo hiện trạng môi trường chung và mỗi năm phải có báo cáo chuyên đề.

* Bà Helene B.Jordans (DANIDA): “Ngăn chặn ô nhiễm luôn luôn rẻ hơn đi dọn dẹp hậu quả của ô nhiễm”.

* Bà Nguyễn Hội Chân - quyền giám đốc quốc gia của World Bank (Ngân hàng Thế giới): “Trong tiếng Việt, từ nước và sông là một phần quan trọng của từ đất nước. Việc bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước không chỉ quan trọng cho quá trình phát triển của đất nước mà còn cho con người VN”.

(Theo Tuổi trẻ)

http://www.vtc.vn/xahoi/nhung-dong-song-sap-qua-doi/155102/index.htm

 

20- Những dòng sông... chờ chết!

01/6/2007

Báo Cần Thơ,

Đối với cư dân vùng đồng bằng sông nước, mỗi con kinh con rạch, mỗi ngọn xẻo dòng sông đều có giá trị, ý nghĩa riêng, cả giá trị tinh thần. Tiếc rằng trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhiều dòng sông đã biến dạng, ô nhiễm, các loài thủy sản cũng không còn chốn dung thân...

Nỗi niềm những dòng sông

Nền công nghiệp nước ta đang phát triển, nhưng môi trường, nhất là môi trường nước, ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Khu vực ĐBSCL hiện có trên 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất công nghiệp, trong số này có hàng trăm cơ sở chế biến thủy sản, mỗi năm thải ra trên 40 triệu m3 nước thải công nghiệp, cộng với hàng trăm triệu m3 nước bẩn từ các khu dân cư thải ra. Ngoài ra, còn phải kể đến lượng chất thải không nhỏ từ những bè cá ở đầu nguồn và các cù lao dọc theo sông Hậu, sông Tiền. Tai hại lớn nhất là việc khai thác quá mức nguồn lợi nông -thủy sản, dẫn đến việc sử dụng bừa bãi các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, đã làm cho nguồn nước ngày càng nhiễm bẩn. Theo một bài báo đăng trên tạp chí Khoa học Cần Thơ (số 2/2007), trong sản xuất hàng năm các tỉnh ĐBSCL đã sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân bón hóa học gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, gây ra sự tồn dư hóa chất độc hại, ngày đêm ngấm vào lòng đất hoặc tuôn chảy ra sông rạch một cách vô tội vạ.

Ở nông thôn, tình trạng ô nhiễm nước cũng đang báo động, trầm trọng nhất là ở các làng nghề. Kết quả điều tra, khảo sát gần đây của Bộ Khoa học-Công nghệ cho thấy: 100% mẫu nước thải đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Các chỉ số chất cặn lắng, hòa tan, vi sinh vật tại các sông rạch cũng đều cao hơn từ 2 đến 3 lần, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Theo kết quả khảo sát của Chương trình quy hoạch môi trường đô thị Việt Nam mới đây, môi trường ở các đô thị vùng ĐBSCL ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, nhất là tại TP Cần Thơ. Cụ thể, rạch Cái Khế (TP Cần Thơ) gần đây phải oằn vai gánh lấy 2.000 m3 nước bẩn cùng với vô số rác thải từ khu Trung tâm thương mại Cái Khế tuôn ra. Tại Cồn Sơn (quận Bình Thủy), nơi nổi tiếng là cây lành, trái ngọt, nước trong, vậy mà bây giờ nhiều gia đình phải xài cây nước vì đất cồn bị “móc ruột”, hơn 1/3 diện tích cây xanh bị triệt hạ để nhường chỗ cho các ao cá, nước thải tha hồ chảy ra sông rạch. Nhiều khu công nghiệp đang hoạt động nhưng cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải an toàn, phần lớn các chất bẩn, cặn bã, phụ phế phẩm đều xả trực tiếp xuống các sông rạch. Trong khi ở Cà Mau và Cần Thơ còn tồn tại 11.000 căn nhà cất ven sông. Như thế, mỗi ngày các dòng sông phải đón nhận bao nhiêu chất thải? Thử hỏi các dòng sông có chịu đựng nổi hay không?

Hiểm họa ô nhiễm môi trường

Hiện nay, trên một số sông rạch, nước đã chuyển sang màu đen, mức độ ô nhiễm đã vượt quá nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Theo Cục Bảo vệ môi trường, tính chung cả nước hiện mới thu gom quản lý được 70-80% lượng rác thải đô thị. Sự khai thác quá mức và sự can thiệp thô bạo của con người đối với dòng sông đã khiến cho “bà mẹ thiên nhiên” kiệt sức và già trước tuổi.

Chúng ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ gây bệnh nguy hiểm do môi trường nước, đất và không khí bị ô nhiễm. Cục Y tế dự phòngViệt Nam đưa ra khuyến cáo: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta đã gia tăng tới mức độ đáng lo ngại. Theo đánh giá của các chuyên gia, chất thải công nghiệp và chất thải y tế đổ ra sông là mối hiểm họa khôn lường, nhất là đối với cư dân ở gần khu công nghiệp, bãi rác, ao tù và nơi chôn lấp chất thải có mùi hôi thúi, nhiều ruồi muỗi. Các loại bệnh như: đau mắt, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu chảy, dịch tả, thương hàn ... phần lớn đều xuất phát từ đây.

Tình trạng ô nhiễm nước sông, nước ngầm do hoạt động của con người ngày càng gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhất là các loại thuốc trừ sâu và hóa chất, các chất hữu cơ, các vi sinh vật gây bệnh. Đáng chú ý nhất là các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra bệnh tả, lỵ, thương hàn... một số kim loại còn có khả năng gây ra bệnh ung thư. Trong ngày Nước thế giới 22-3-2007, Tổ chức Giáo dục Khoa học Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã cho biết: Mỗi ngày có khoảng 14.000 người chết vì các bệnh do thiếu nước sạch và nhà vệ sinh. Đó chính là những con số biết nói.

Hãy cứu lấy những dòng sông!

Chúng ta có diễm phúc được sống trên những vĩ độ của màu xanh, quê hương của những cánh rừng bạt ngàn và những dòng sông tươi mát. Trong khi nhiều nước Trung Đông phải xây dựng nhà máy cất nước ngọt hoặc mua nước ngọt từ các nơi khác thì chúng ta lại được bà mẹ của thiên nhiên hết lòng ưu đãi. Tại sao mọi người không bảo vệ sự trong lành cho những dòng sông?

Đã đến lúc chúng ta cần phải kiên quyết quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản và đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải công nghiệp; ưu tiên xử lý các loại hóa chất độc hại, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân dân ở các khu vực môi trường bị xuống cấp.

Ở những nước ít quan tâm đến môi trường mà chỉ lo cho đời sống kinh tế, một khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra còn nghiêm trọng và tốn kém hơn gấp nhiều lần. Kinh nghiệm cho thấy, các xí nghiệp sản xuất nếu chỉ chạy theo lợi nhuận mà không nghĩ đến việc bảo vệ môi trường, tiền nộp thuế cho Nhà nước không bù đắp nổi những thiệt hại về vệ sinh môi trường, về bệnh tật và tính mạng con người. Trường hợp như “làng ung thư” chẳng hạn. Có điều đáng suy nghĩ là từ khi Luật Môi trường ra đời cho đến nay, chúng ta chưa hề thấy có nhà máy, xí nghiệp nào bị buộc phải đóng cửa vì gây ô nhiễm môi trường(?).

Đã đến lúc chúng ta cần phải kiên quyết khắc phục, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp cho một môi trường sạch. Trong công tác giáo dục, nhà trường cần tăng cường nhắc nhở học sinh nâng cao hơn nữa ý thức vệ sinh môi trường và có thái độ ứng xử tốt đối với những dòng sông. Mỗi người hãy tự coi việc ném rác, đổ chất thải hoặc quăng ném xác súc vật xuống sông rạch là một điều xấu hổ và đáng trách. Việc cứu lấy những dòng sông không chỉ của riêng ngành môi trường, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa mọi tổ chức, mọi công dân...

http://72.14.235.104/search?q=cache:Xi9mL7owROwJ:www.vnxanh.com/index.php%3Fid%3D380%26lg%3Dvn%26start%3D24+nh%E1%BB%AFng+d%C3%B2ng+s%C3%B4ng+%C3%B4+nhi%E1%BB%85m&hl=vi&client=firefox-a&gl=vn&strip=1

21- Cuộc sống khốn cùng bên dòng sông 'chết'

Từ một dòng sông nên thơ và trù phú, Thị Vải giờ đây nước đen ngòm, hôi thối. Cá tôm không còn, dân làng chài chỉ còn biết đi làm thuê. Chuyện "Vedan bị bắt quả tang xả thải" đã làm nhiều người dân hỉ hả.

> 'Vedan kiếm lời trên sức khỏe người dân từ nhiều năm'

Những ngày này dân 3 ấp 1A, 1B, Long Phú, thuộc xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ khúc sông ô nhiễm nhất của Thị Vải, sát bên nhà máy Vedan - gặp nhau là bàn chuyện "Vedan bị bắt quả tang xả nước thải ra sông". Hễ thấy có người cầm máy ảnh, nghĩ là báo chí, họ đều níu lại, nhiệt tình kể những nỗi niềm mà họ ấp ủ từ hơn 10 năm nay.

Hai vợ chồng ngư dân tại tổ 5, ấp 1A nhớ lại bến sông xưa giờ đã tiêu điều. Ảnh: Thiên Chương.

Anh Tuấn, ngụ ở tổ 5, không ngại lấy thuyền đưa chúng tôi ra sông, nơi mà theo anh có thể thấy rõ nhất "cái sự chết" của con sông này. Tới khu vực gần nhà máy Vedan, suốt một quãng dài khoảng gần 10 km, nước đặc quánh một màu đục đen, không thấy sóng gợn, chỉ có bọt sủi, nhờn nhợn mùi hôi.

Anh Tuấn nhắc chúng tôi không nên đưa tay chạm nước vì ngay cả dân địa phương, khi bất đắc dĩ lắm lội sông là lập tức da bị ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ. “Chỉ cần thò tay hoặc bước chân xuống nước, móng tay chân sẽ đen và bóng như dính nhớt”, anh Nguyễn Văn Lớn, vốn sinh sống bằng nghề chài lưới tại tổ 5, ấp 1A, nói.

Xế chiều, gió thổi mùi hôi thối từ phía nhà máy qua khu dân cư xã Phước Thái -cách nhà máy Vedan 300-500 m. "Mùi hôi của rỉ mật, sinh phẩm lên men từ cống xả của nhà máy Vedan, nước đen đặc với mùi khăn khẳn của sông khiến chúng tôi không chịu nổi. Ở mãi có lúc quen, nhưng vào ngày trời mưa, mùi nặng, khó thở đến mất ngủ luôn", bà Em, người đã sống lâu năm tại đây cho biết.

Bà Em cũng cho hay, ở ấp bà gần trăm nóc nhà, từ người lớn đến trẻ con ai cũng bị viêm mũi, viêm xoang. Đứa cháu mới tháng 6 tháng tuổi của bà cũng đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 vì chứng viêm đường hô hấp.

Qua câu chuyện kể với chúng tôi, trong ký ức của hầu hết người dân con sông quê họ trước đây vốn rất nên thơ và trù phú. “Tôi từng hãnh diện nói với các con rằng, chưa có dòng sông nào đẹp và trù phú như Thị Vải quê mình. Không ngờ sau 15 năm, nơi tôi ngày xưa ngụp lặn cùng chúng bạn mò cua bắt ốc, lại trở nên hôi hám và kiệt quệ đến thế”, chị Lý Thị Út vừa trở về thăm quê sau 10 định cư tại Thái Lan, nói.

Nước sông đục đen vì ô nhiễm. Ảnh: Thiên Chương.

Cùng tâm trạng, anh Nguyễn Hữu Thành, Bí thư kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân xã Phước Thái bồi hồi: “Đó là con sông quê đẹp nhất mà tôi từng nhớ, như trong bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh vậy".

Còn anh Trung, làm nghề lái xe ôm, thì mộc mạc kể rằng: “Xưa dân xã toàn đánh bắt, mang cá đi bán, chỉ ăn những loại cá ngon nhất thôi”. Tiếp lời anh, ông Sáu Hải, người có hơn 50 chung sống bằng nghiệp chài lưới kể lại: "Cá tôm bát ngát, biển có loại nào, Thị Vải chúng tôi có loại đó. Không cần đi đâu xa, chỉ cần bước chân xuống bến 10 phút, nghêu sò nhậu không xuể".

Giọng kể hào hứng của ông Sáu chợt nghẹn lại bởi một tiếng thở dài. Ông nói đó là trước kia. "Còn bây giờ, sông chết vì ô nhiễm, cá tôm không còn dân đành phải đi làm mướn làm thuê", ông nói.

Hầu hết những người dân ở đây đều khẳng định tình trạng sông ô nhiễm nặng, hôi thối, cá chết có nguyên nhân từ nhà máy Vedan. Nhà máy này hoạt động năm 1994 thì chỉ một năm sau, nước bắt đầu chuyển màu và có mùi hôi. "Các loài thủy sản lần lượt chết trắng mặt nước. Kể cả loài cua, ốc, vốn chịu đựng giỏi thì chỉ sau vài năm đã không còn con nào”, anh Sơn, người có 30 năm sinh sống tại địa phương nói.

Ông Nguyễn Hữu Thành, bí thư xã Phước Thái, cho biết, hiện có khoảng 500 hộ dân đã bị mất nghề đánh bắt thủy sản do sông bị ô nhiễm. Nhiều hộ chuyển sang chăn nuôi thủy sản. Nhưng nghề này cũng luôn gặp khó khăn từ môi trường.

"Con sông này đã ô nhiễm đến mức nước dù xử lý thật kỹ song tôm giống đổ vào mười thì đã chết đến bảy”, một ngư dân nói. Cũng theo anh này, trước khi Vedan hoạt động, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 600 triệu đồng từ tiền nuôi tôm, nhưng nay chỉ còn khoảng 100 triệu. Đó là chưa kể đến có ngày lúc công ty Vedan xả thải gặp triều lên, nước tràn vào đìa tôm thì xem như trắng tay.

Sau 1 buổi kéo lưới, ngư dân về tay không. Ảnh: Thiên Chương.

Nhiều hộ dân khác trong xã như Chín Tòng, Tư Thông, Sáu Bé vốn ngày xưa từng là chủ ruộng tôm, có thuyền đánh cá loại lớn trị giá hàng trăm triệu, nay trở thành sạt nghiệp. Nhiều gia đình đông con thậm chí phải đưa nhau đi làm thuê, vác mướn hoặc lái xe ôm kiếm sống qua ngày.

“Biết là khổ sở vì ô nhiễm, biết người ta lấy mất nguồn lợi kinh tế và sức khỏe nhưng không thể kiện cáo hàng ngày bởi chúng tôi còn phải chạy kế sinh nhai. Năm 1995, trước phản ứng của chúng tôi, Vedan có giải quyết đền bù thiệt hại cho việc gây ô nhiễm nhưng hộ nào có tàu đánh lớn hoặc diện tích nuôi tôm lớn cũng chỉ nhận được 3 triệu đồng. Người chài lưới nhỏ như tôi chỉ nhận 900 nghìn đồng, ăn vài tuần là hết”, anh chín Ráy, một ngư dân sống tại ấp Long Phú nói.

Không biết kêu ai, người dân đành chấp nhận sống chung với ô nhiễm và nhớ về những kỷ niệm đẹp về bến sông xưa.

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/09/3BA06930/

 

22- Hoài Hà, dòng sông bị bức tử

28-09-2008 23:47:31 GMT +7

Mặt nước sủi bọt của sông Sa Ánh, một nhánh lớn của Hoài Hà

Cách nay 4 năm, một chương trình làm sạch Hoài Hà - một dòng sông chết vì ô nhiễm chất thải công nghiệp ảnh hưởng đến 150 triệu dân thuộc 4 tỉnh Hà Nam, An Huy, Giang Tô và Sơn Đông (Trung Quốc) - đã kết thúc một cách lặng lẽ sau 10 năm thực hiện. Cho thấy cứu một dòng sông ô nhiễm là một nhiệm vụ bất khả thi nếu mục tiêu tăng trưởng kinh tế vẫn được đặt cao hơn môi trường và sức khỏe nhân dân

Ngày 26-8-2007, Ủy ban Bảo vệ môi trường và tài nguyên Quốc hội Trung Quốc (TQ) đã công bố bản báo cáo về tình trạng ô nhiễm chất thải công nghiệp ở hai con sông Hoài Hà và Liêu Hà. Đây là hai con sông bị ô nhiễm nặng đe dọa 1/6 dân số TQ về mặt an toàn nước, theo ông Mao Nhược Bái, chủ nhiệm ủy ban này.

Ô nhiễm nặng nề

Hoài Hà - nằm giữa Dương Tử Giang và Hoàng Hà - là con sông đứng hàng thứ ba trong số 7 con sông lớn của TQ; dài hơn 1.000 km và nếu tính luôn các sông nhánh thì tổng cộng chiều dài lên đến 5.500 km. Năm 1994, Hoài Hà được đánh giá bị ô nhiễm chất thải công nghiệp cấp 5 là cấp nhiễm độc cao nhất, sản sinh nhiều làng ung thư cần phải làm sạch. Đó là lý do ra đời dự án kiểm soát ô nhiễm trên sông Hoài Hà. Dự kiến trong 10 năm, dự án này sẽ nâng cấp chất lượng nước trên toàn lưu vực Hoài Hà chủ yếu ở tỉnh An Huy và Sơn Đông.

Trong 10 năm ấy, Chính phủ TQ đã đầu tư 60 tỉ nhân dân tệ (khoảng 121.910 tỉ đồng) nhưng kết quả thật đáng buồn. Theo báo cáo của ủy ban nói trên, quá nửa các trạm đo đạc mức ô nhiễm dọc theo Hoài Hà cho thấy nước sông vẫn ở mức ô nhiễm cấp 5 là mức ô nhiễm cao nhất, nghĩa là không có sinh vật nào có thể sống sót, con người cũng không dám chạm nước và đương nhiên không thể dùng để tưới tiêu. Với kết quả này, ô nhiễm trên sông Hoài Hà đe dọa cả dự án dẫn nước Nam-Bắc từ Dương Tử Giang đến vùng đất khô cằn ở miền Bắc TQ thông qua lưu vực Hoài Hà.

Ông Mao Nhược Bái cho biết riêng tại thành phố Chu Khẩu thuộc miền Trung tỉnh Hà Nam, có đến 15/23 nhà máy đổ nước thải độc hại vào sông Hoài Hà một cách lén lút.

Hoài Hà vẫn đang than khóc

Theo dự án chống ô nhiễm trên sông Hoài Hà, tại tỉnh An Huy, sẽ đầu tư xử lý nước thải ở 8 đô thị. Các hạng mục đầu tư bao gồm xây dựng các trạm bơm, hệ thống cống phụ, liên thông cống nhà ở. Ngoài ra, ở hai thị trấn Quốc Dương và Lộc An sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Trung tâm kiểm tra môi trường sẽ được trang bị máy móc hiện đại, tăng cường đội xe lấy mẫu. Các phòng thí nghiệm cấp đô thị cũng được hỗ trợ kỹ thuật, nâng cấp quản lý và đào tạo nhân lực. Tại tỉnh Sơn Đông, ba đô thị và hai huyện Từ Huyện, Nhật Triều cũng được đầu tư các hạng mục như trên.

Năm 2004, đáng lý phải có một cuộc tổng kết thành quả hoành tráng như ngày phát động dự án nhưng, theo báo chí TQ, mọi việc diễn ra không kèn không trống. Đầu năm 2004, Tân Hoa Xã cử một tổ điều tra gồm 3 phóng viên thực hiện một chuyến đi 30 ngày dọc theo hai bờ Hoài Hà. Họ phỏng vấn các nông dân và tự mình kiểm nghiệm tác hại của nước sông ô nhiễm. Sau đó, một bài điều tra dài đã được đăng trên trang web Tân Hoa Xã có tựa đề: Sau 10 năm thực hiện dự án chống ô nhiễm, Hoài Hà vẫn đang than khóc.

Bài báo viết: “Cuộc khảo sát phát hiện mức ô nhiễm trên sông Hoài Hà chẳng những không giảm mà còn tăng lên. Các chỉ số quan trọng về ô nhiễm đều đạt hoặc vượt những kỷ lục lịch sử. Chất lượng nước của 60% đất đai vùng lưu vực Hoài Hà đều bị ô nhiễm cấp 5. Các chất ô nhiễm đã trực tiếp thấm vào đất và hiện nay ngay các mạch nước ngầm ở độ sâu 40 m cũng bị nhiễm bẩn. Tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống 150 triệu dân”.

Cá chết vì ô nhiễm trên một con sông nhánh của Hoài Hà

Càng chống càng lún

Các phóng viên Tân Hoa Xã cho biết thêm từ năm 2000, mức ô nhiễm nước Hoài Hà tiếp tục tăng lên. Lấy ví dụ như COD, một chất gây ô nhiễm phổ biến và độc hại, bắt đầu từ năm 2000 tăng đều đặn 10% mỗi năm. Năm 2003, 1.232.000 tấn COD đã được đổ xuống sông. Trong khi đó, theo dự án chống ô nhiễm, năm 2000, chất COD phải giảm xuống còn 368.000 tấn.

Nói chung, năm 2003 đã có tổng cộng 4,369 tỉ tấn chất thải không qua xử lý đổ thẳng xuống sông. Amonia-nitrate, một chất gây ô nhiễm khác, cũng tăng lên. Năm 2003, đã có 121.000 tấn amonia-nitrate đổ thẳng xuống Hoài Hà, tăng 30% so với năm 1998.

Tại sao dự án chống ô nhiễm ở Hoài Hà thất bại? Theo ông Phan Nguyệt, Phó Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường nhà nước (SEPA) ở Bắc Kinh, có 4 nguyên nhân:

1. Các quan chức địa phương không đếm xỉa gì đến vấn đề môi trường khi lên kế hoạch phát triển kinh tế. Ông nói: “Vì tăng trưởng GDP, họ sẵn sàng cấp phép cho các dự án gây ô nhiễm nặng”.

2. Kinh phí cấp không đầy đủ. Dự án chống ô nhiễm ở Hoài Hà yêu cầu phải có 60 tỉ nhân dân tệ nhưng tính đến giữa năm 2004, ban quản lý dự án chỉ nhận được 33%. Theo kế hoạch, phải đưa vào hoạt động 85 nhà máy xử lý nước thải vào cuối năm 2005 nhưng kế hoạch này phá sản vì thiếu tiền.

3. Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng như giấy, hóa chất, nước giải khát, dệt và thực phẩm vẫn là các ngành công nghiệp trụ cột nuôi sống các tỉnh mà Hoài Hà chảy qua. Các ngành này đã đổ xuống sông 78,4% COD và 92,2% amonia-nitrate.

4. Ngoài ô nhiễm công nghiệp, ô nhiễm nông nghiệp cũng nghiêm trọng không kém và ngày càng gia tăng. Nông dân đã đổ thẳng 70% phân bón và thuốc trừ sâu xuống Hoài Hà và các sông nhánh.

VĂN ANH

http://www.nld.com.vn/tintuc/the-gioi/ho-so-tu-lieu/240936.asp

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr-