Ôi Mekong !

Vietsciences- Kỳ Thư (gt)                     01/10/2009

 

Những bài cùng tác giả

Thuỷ điện Lan Thương, nắn dòng Mekong: Nguy cơ báo trước

Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo, việc Trung Quốc xây dựng một loạt đập thủy điện trên sông Mekong sẽ là mối đe dọa lớn cho tương lai của Đông Nam Á. Xin giới thiệu những đánh giá của Tiến sĩ Tyson R. Roberts đăng trên Internationalrivers:

a
Hoàng hôn trên dòng Mekong. (Ảnh: Theminters)
 

Trung Quốc có ý định phát triển thuỷ điện trên sông Mekong (nước này gọi là sông Lan Thương) tại Vân Nam cũng như làm một tuyến đường thuỷ chính nối Vân Nam tới Biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam) với khoảng cánh khoảng 2.500km.

Kế hoạch đó đặt ra những vấn đề chưa từng thấy về môi trường và xã hội với các nước thuộc hạ nguồn sông Mekong như Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sự suy giảm sinh thái trầm trọng với sông Mekong từ dự án là điều được biết trước. Và dĩ nhiên, những ảnh hưởng ấy sẽ không chỉ giới hạn với dòng sông này. Các nước vùng hạ nguồn sẽ buộc phải thực hiện những nỗ lực to lớn và kiệt sức nhưng không có hiệu quả để tự bảo vệ họ và tránh tác động với ngành nông nghiệp, nghề cá cũng như sinh kế.

Campuchia và Việt Nam, hai nước xa nhất ở hạ nguồn sẽ không còn hưởng lợi ích từ Mekong, đồng thời phải trải qua ảnh hưởng tiêu cực tồi tệ nhất từ dự án trên, đặc biệt là Biển Hồ của Campuchia cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Bản thân Trung Quốc cũng sẽ không tránh khỏi tác động bất lợi từ dự án trên. Quan ngại đặc biệt là vấn đề trầm tích của các hồ chứa thuộc đập thuỷ điện Lan Thương; lở đất xảy ra sẽ thường xuyên hơn, lớn hơn cũng như nhiều hậu quả khác mà các đập và hồ chứa gây ra.

Tuổi thọ thực tế của các đập thuỷ điện trên dòng Lan Thương dường như sẽ chỉ là vài chục năm thay vì một trăm năm như các nhà đề xuất dự án dự báo và mong muốn.

Nguy cơ thấy rõ

Theo các nhóm môi trường và chuyên gia, do các đập nước xây dựng ở những hẻm núi dốc đứng tại Vân Nam, Trung Quốc nhằm sản xuất điện cho nước này, mực nước ở sông Mekong đang tăng và giảm tới 1m/giờ, xáo trộn môi trường sống của cá, xói mòn bờ sông, cuốn trôi trầm tích và dinh dưỡng khi nó chảy về phía Nam.

Ian Campbell, quan chức môi trường cấp cao tại Văn phòng Ủy ban sông Mekong (MRC) tại Vientiane (Lào) nói: ’’Các đập nước của Trung Quốc là thủ phạm gây ra hầu hết mọi thứ. Tuy nhiên, không có nghiên cứu khoa học, mức độ tác động vẫn hoàn toàn có tính chất suy đoán".

Dự án cung cấp điện “các đập thủy điện Lan Thương” do Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đưa ra sẽ cho phép điều chỉnh lưu lượng nước vùng hạ du và cuối cùng là phát triển toàn bộ sông Mekong cho vận chuyển đường thuỷ.

Lợi ích của dự án thuỷ điện - đường thuỷ với các nước vùng hạ nguồn đòi hỏi việc khảo sát, xem xét thận trọng.

Người dân địa phương và các nước vùng hạ du phản đối dự án đập thuỷ điện - tuyến đường thuỷ ngày một gia tăng khi những thị trấn ven sông ở Myanmar, Lào, Thái Lan đã là nơi sớm nhất đã nếm trải những tác động tiêu cực rõ ràng từ việc xây hệ thống đập vùng thượng nguồn Mekong.

Khả năng những nước vùng hạ du sẽ buộc phải dành phần lớn trong các quỹ phát triển cũng như nhiều nguồn lực khác để giảm thiểu tác động bất lợi từ dự án.

Ảnh hưởng tiêu cực về môi trường và xã hội là quan ngại lớn nhất. Sáu hoặc bảy đập thuỷ điện, với độ cao từ 110-300 mét xây dựng trên dòng chính của sông Mekong (sông Lan Thương) ở tỉnh Vân Nam sẽ sản xuất điện vào năm 2020. Những đập này sẽ là mối đe doạ với sinh kế, tài sản, cuộc sống của mọi người dân các nước vùng hạ du. Với diện tích và sức chứa khổng lồ của các hồ chứa, hai đập cao nhất (254 và 300 mét) đặc biệt mang lại nguy cơ lớn nhất.

Hiệu ứng “domino” (tác động lôi kéo) của chúng gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống. Chưa kể việc chặt cây, đốt rừng làm nông nghiệp, xây dựng đường sá sẽ làm gia tăng tỉ lệ xói mòn của các hẻm núi dốc đứng mà sông chảy qua phía trên các đập. Động đất thường xuyên và ngày một lớn, lở đất, cùng hàng loạt nguy cơ nghiêm trọng với đập Lan Thương, có lẽ cũng gia tăng.

Lở đất

Nguy cơ này được công nhận là phổ biến nhất.

Đập Tiểu Loan cao 300 mét với hồ chứa dài 169km dự kiến hoàn thành và bắt đầu chứa nước vào năm 2010. Đập Nuozhadu cao 254 mét (hồ chứa nước dài 226km) dự kiến hoàn thành sớm nhất vào năm 2017. Ước tính mỗi hồ tại đập cần ít nhất 10 năm để chứa đủ lượng nước cao 248m và 205m tương ứng.

Hiện tại, hệ sinh thái Mekong trong điều kiện tương đối “lành mạnh”.  Xây dựng hệ thống đập ở dòng chảy chính vùng thượng nguồn Lan Thương cũng như mạng lưới đường thuỷ sẽ làm tổn thất về mặt môi trường, làm giảm giá trị nghiêm trọng của sinh thái học.

Việc tách trầm tích thượng nguồn và các chất dinh dưỡng trong các hồ chứa cũng như “điều khiển” dòng chảy trên cơ sở kiểm soát lượng nước thoát ra từ các đập thuỷ điện sẽ gây ra những tác động tiêu cực chính. Thuỷ năng tự nhiên của dòng sông bị giảm đi, xả nước không đúng quy luật liên quan tới phát điện cũng như những thay đổi tổng thể khác sẽ có hại tới quá trình đơn giản hoá sinh thái học, sụt giảm giá trị sinh thái sông Mekong.

Tác động môi trường sẽ không riêng lẻ mà là tổng thể, tích luỹ. Tổn thất to lớn về mặt sinh học chỉ là một trong những hậu quả nghiêm trọng được dự báo. Sẽ không chỉ là việc mất đi một số loài sinh vật đặc biệt, mà còn là những hậu quả bất lợi với con người cũng như thực trạng sụt giảm về số lượng rất nhiều loài cá di trú vốn đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp đánh bắt cá ở sông Mekong.

Thuỷ năng tự nhiên là thuộc tính cốt lõi của sông. Hiệu suất, sức khoẻ và sự duy trì của một con sông cũng như các thuộc tính đặc biệt của môi trường sống ven sông như vùng thác ghềnh, cửa sông, châu thổ đều liên quan trực tiếp tới thuỷ năng tự nhiên. Nó vận chuyển trầm tích và chất dinh dưỡng hạ nguồn, cung cấp nước và phù sa cho những đồng bằng châu thổ lớn, bổ sung nước ngầm và nâng cao năng suất, sự màu mỡ của đất.

Trong khi các tác động tiêu cực sẽ xảy ra với tất cả các nước có sông Mekong bao gồm cả Trung Quốc, thì hậu quả tồi tệ nhất sẽ là những quốc gia vùng hạ nguồn cách xa nhất với khu vực thượng nguồn: Campuchia và Việt Nam - nước hưởng lợi ít nhất và chịu tổn thất nhiều nhất.

Tác động tiêu cực từ sự thay đổi sông Mekong của Trung Quốc bao gồm ảnh hưởng với nghề cá, nông nghiệp, chất lượng nước, sức khoẻ và lâm nghiệp. Những thành phố, trung tâm cư dân lớn ở bên bờ Mekong tại Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam sẽ là “tâm điểm” của nhiều tác động về mặt vật lý học như xói mòn, lũ lụt bởi hệ thống đập thuỷ điện Lan Thương.

Tạo ra một tuyến đường thuỷ thích hợp ở sông Mekong sẽ liên quan tới việc di dời đá ngầm, các bãi cát cửa sông, đảo và nhiều thay đổi to lớn khác của lòng sông cũng như dòng chảy. Việc bảo trì tuyến đường yêu cầu liên tục nạo vét sông trên diện rộng.

Ảnh hưởng riêng từ tuyến đường thuỷ với khu vực hạ nguồn là suy giảm trầm trọng môi trường sống của các loài cá cũng như chất lượng nước. Giao thông đường thuỷ tấp nập chắc chắn để lại hậu quả ô nhiễm với cộng đồng ven sông cũng như năng suất mùa màng gieo trồng, cá và các sinh vật khác sinh sống tại sông Mekong.

Khơi dòng Mekong nhằm tối đa hoá khả năng vận chuyển đường thuỷ - mục đích rõ ràng của người Trung Quốc - sẽ làm giảm khả năng cản dòng của toàn bộ dòng chảy chính sông Mekong khu vực dưới Vân Nam. Nước sẽ chảy nhanh hơn ra biển, gây mất khả năng trữ nước. Hậu quả là khiến lượng nước thoát đi trong dòng chính của Mekong lớn hơn bao giờ hết, trong cả mùa khô lẫn mùa mưa.

Nguy cơ lụt lội gia tăng (kể cả lũ quét), hạn hán thêm trầm trọng. Khả năng trữ nước giảm cũng là nguyên nhân gây ra những thay đổi lớn với hệ sinh thái của sông và giảm năng suất nông nghiệp.

Tỉnh Vân Nam – khu vực xây dựng hệ thống đập trên sông Lan Thương – đã phá rừng diện rộng từ năm 1950. Trung Quốc vẫn nỗ lực bảo vệ lưu vực sông của hệ thống đập Thuỷ điện Lan Thương bằng các đồn điền cây trồng nhưng tới nay, vẫn chưa nhìn thấy thành công. Biến Mekong thành một tuyến đường thuỷ là rất khó khăn vì lòng sông nhiều đá ngầm, kênh rạch nhỏ, vô số thác ghềnh và đảo.

Tạo tuyến đường thuỷ trên phân khúc này sẽ lập tức “phơi bày” rừng cho chặt cây đốn gỗ với quy mô lớn. Những người đốn gỗ không ngại ngần tạo ra thêm nhiều đường sá và tìm tới nhiều nơi khác dọc theo khu vực sông để khai khẩn. Phá rừng trên diện rộng sẽ làm gia tăng tính bất thường của lượng mưa, làm trầm trọng hoá nạn lũ lụt, hạn hán vùng hạ du.

* Tyson R. Roberts (Tiến sĩ, Đại học Stanford 1968) nghiên cứu ngư học tại lưu vực sông Mekong từ năm 1970 và chuyên làm việc trong lĩnh vực đánh giá tác động với môi trường của những dự án thuỷ điện ở Mekong. Ông đã giành nhiều giải thưởng trong lĩnh vực nghiên cứu ngư học tại vùng nhiệt đới châu Á.

Phần II: Viễn cảnh ảm đạm từ việc nắn dòng Mekong

Trong phần này, Tiến sĩ Tyson R. Roberts tiếp tục đưa ra những tác động tiêu cực từ dự án xây dựng hệ thống đập thuỷ điện trên sông Mekong cũng như kế hoạch nắn dòng sông này phục vụ giao thông đường thuỷ của Trung Quốc.

a
Sông Mekong phần chảy qua Lào. (Ảnh: Japanfocus)
 

Lũ lụt trầm trọng
 

Vào tháng 9 - 10/2000, Campuchia và khu vực châu thổ Mekong của nam Việt Nam trải qua nạn lũ lụt chưa từng có. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long ở nam Việt Nam.

Khi ấy, tôi đang ở Phnom Penh và thành phố gần như chìm trong nước. Có thể so sánh nạn lụt bấy giờ giống như lũ lụt xảy ra ở Bangladesh và tỉnh Tây Bengal của Ấn Độ. Ở Nam Á, lũ lụt thường do lượng mưa khác thường bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu, và sự quản lý tồi trong hệ thống đập thuỷ điện, đập thủy lợi. Ở Campuchia và Việt Nam, lũ lụt chỉ là do sự khác thường của lượng mưa. Đặc biệt, không thấy đề cập tới vai trò của đập Manwan của Trung Quốc. Cho dù trữ lượng nước của đập này không quá lớn, nhưng nó cũng đóng một vai trò theo cách này hay cách khác.

Đập Manwan sẽ ngăn dòng nước lũ (hay ít nhất là giảm bớt lũ lụt vùng hạ lưu)? Hay góp phần khiến mực nước vùng hạ du Mekong trở nên cao hơn vào tháng 9, tháng 10 năm 2000? Khi tôi đưa câu hỏi này ra với các quan chức ở trụ sở của Uỷ ban sông Mekong (MRC) tại Phnom Penh, họ trả lời kể từ khi Trung Quốc không phải là thành viên của MRC, họ không có bất cứ dữ liệu nào.

Tôi vẫn chưa có câu trả lời về đập Manwan và vai trò của nó trong nạn lụt tháng 9, 10/2000.

Các đập thuỷ điện trên sông Lan Thương của Trung Quốc sẽ đảm bảo cho những nước vùng hạ du tránh khỏi lũ lụt? Câu trả lời là “Có”. Hệ thống đập thuỷ điện có thể cung cấp một biện pháp chống lụt, nhưng chỉ phù hợp trong tình huống lũ lụt thông thường.

Mục đích chính của đập thủy điện là giữ nước để phát điện. Trong mùa mưa, nước được giữ lại để đảm bảo công suất phát điện cho mùa khô. Vì thế, khi xảy ra một trận lụt lớn và bất ngờ, các hồ chứa nước quá nhiều nước, có thể phải xả nước để đảm bảo an toàn cho đập và góp phần khiến nạn lụt vùng hạ du thêm trầm trọng. Điều này có lẽ đã xảy ra với đập Manwan trong mùa lụt tháng 9, 10/2000.

Khi một trận lũ lụt xảy ra quá mức dự đoán, ví dụ như kiểu lũ lụt 500 năm mới xảy ra một lần (các kỹ sư thuỷ điện gọi là lũ lụt 500 năm), các đập chứa nước lớn như dự án Tiểu Loan và Nuozhadu là một mối nguy thực sự.

Chúng phải lưu một lượng nước tương đương với 5 năm hoặc nhiều hơn của những mùa lụt “thông thường” để đạt tới mực trữ nước thông thường. Khi mùa lụt lớn hơn dự đoán xảy ra, các đập này sẽ phải xả nước càng sớm càng tốt. Nghĩa là cùng một lúc, mùa lụt vùng hạ du sẽ phải hứng chịu tổng lượng nước lụt của thượng nguồn cộng với lưu lượng nước của vài năm lụt trữ lại phía sau các con đập. Theo đó, hệ thống đập thuỷ điện của Lan Thương sẽ gây ra một thảm hoạ môi trường lớn hơn bao giờ hết.

Các vấn đề trầm tích

Nguy cơ nghiêm trọng nhất ảnh hưởng tới sự bền vững của hệ thống nhà máy thuỷ điện Lan Thương xuất phát từ khả năng chứa nước ngày một suy giảm do những dòng chảy trầm tích vào các hồ chứa. Tất cả những dấu hiệu hiện tại cho thấy, xói mòn đất đang diễn ra với tỉ lệ gia tăng và có lẽ, tỉ lệ vận chuyển trầm tích trong sông là kết quả của việc đánh giá không đúng mức khả năng của các hồ chứa trong việc hấp thụ tải trọng trầm tích (của dòng chảy).

Lan Thương chỉ chiếm khoảng 16% tổng lưu lượng nước của sông Mekong khi nó tới vùng châu thổ, nhưng lại chiếm 50% trong tổng số ước tính tải trọng trầm tích 150-170 triệu tấn/năm. Đó cũng là một phần bởi địa hình dốc đứng vùng thượng nguồn Mekong.

Những ước tính của Trung Quốc trong khả năng vận chuyển trầm tích của sông Lan Thương có lẽ quá thấp. Có một số lý do giải thích như trầm tích Lan Thương phần lớn là đá mạt thô và cát, nó được vận chuyển ở đáy sông thay vì là dạng trầm tích lơ lửng và luôn rất khó để đo đạc, đặc biệt trong điều kiện xảy ra lũ lụt lớn. 

Cũng có nguyên nhân góp phần gia tăng tỉ lệ xói mòn là phá rừng, là sự nóng lên toàn cầu khiến băng tan chảy và mưa lớn hơn.

Có nhiều nhân tố góp phần vào việc làm tăng trọng tải trầm tích Lan Thương thường bị bỏ qua. Một trong số đó là những đợt lở đất ngầm, hiện tượng gia tăng lượng mưa cục bộ. Sụt lở nhiều nhất dường như xảy ra ở khu vực gần các đập chứa do tác động “hút nước” liên quan tới phát điện khi nhu cầu sử dụng lên đỉnh điểm.

Gia tăng lượng mưa cục bộ vì sự hiện diện của hồ chứa nước là một vấn đề chính với hai hồ chứa khổng lồ Nuozhadu và Tiểu Loan. Bề mặt nước khổng lồ và điều kiện gió ở các hẻm núi Lan Thương sẽ kết hợp với nhau làm gia tăng lượng mưa cục bộ, cũng vì thế mà gia tăng sự xói mòn.

Hãy lấy tình hình lắng đọng trầm tích ở hồ chứa Manwan làm ví dụ. Các nhà khoa học ước tính rằng, mực nước chết với hồ chứa đập Tiểu Loan sẽ là 4.750 triệu mét khối (mcm) trong khi của Manwan là 662 mcm. Như vậy mực nước chết của Tiểu Loan chỉ gấp 7,3 lần của  Manwan.

Ước tính Tiểu Loan sẽ có thể hấp thụ trầm tích Lan Thương trong 100 năm là quá phóng đại. Ba mươi năm là ước tính an toàn nhưng xem ra vẫn quá lạc quan.

Manwan rõ ràng đang chịu những nguy cơ của dòng chảy trầm tích quá lớn. Hậu quả đó là:

- Nguy cơ hỏng hóc turbine

- Giảm phát điện trong mùa khô khi khả năng giữ nước của hồ chứa cuối cùng cũng giảm dần

- Rút ngắn tuổi thọ của Manwan

- Gia tăng nguy cơ với đập trong trường hợp xảy ra lũ đột ngột

Trung Quốc có thể nhanh chóng xây dựng đập Tiểu Loan, và rồi họ sẽ “xả hơi” trong vòng hai tới ba thập niên trước khi phải bắt đầu lo lắng về trầm tích lắng đọng trong công trình này.

Khi môi trường tiếp tục suy giảm ở lưu vực Lan Thương, những nguy cơ mới sẽ phát sinh từ hiện tượng lở đất tại vùng núi ngày một lớn hơn. Đó là lý do vì sao tôi đưa ra ước tính tuổi thọ hồ chứa nước của một con đập lớn như Tiểu Loan chỉ là 30 năm so với con số 100 năm mà các nhà đầu tư đề xuất.

Phá rừng

Số phận của các hồ chứa nước được tạo ra từ những đập thuỷ điện trên sông Lan Thương sẽ xác định bằng sự tồn tại của hệ thống rừng tại các hẻm núi và thung lũng của dòng Lan Thương cũng như các thung lũng của một số nhánh sông khác.

Và, viễn cảnh ấy khá ảm đạm.

Phần lớn diện tích rừng của Vân Nam đã bị phát quang. Nhiều khu vực rừng tự nhiên đã bị thay thế bởi những đồn điền độc canh. Ở Xishuangbanna (Sipsongpanna) thuộc phía nam Vân Nam, cây trồng chính là cao su. Để có một đồn điền cao su thì đầu tiên, rừng tự nhiên cần phải được “làm sạch” hoàn toàn. Cây trồng theo hàng và mất vài năm mới tới tuổi thu hoạch.

Khi cây còn nhỏ, độ che phủ rất thấp, khác hẳn với rừng tự nhiên. Mặt đất tại các đồn điền cao su ở Xishuangbanna hoàn toàn trống trải. Ở đây có câu hỏi rằng, một đồn điền cây trồng như vậy liệu có hạn chế được xói mòn đất như rừng tự nhiên mà nó thay thế. Sau nhiều năm khả năng khai thác cao su của cây giảm. Những cây già sẽ lại được cây non thay thế. Mỗi lần như thế, đất đai lại “quang quẻ” trở lại, theo đó, chất lượng và độ ổn định của đất trồng sụt giảm và xu thế xói mòn lại gia tăng.

 

Phần III - Chiến lược bí mật của Trung Quốc với Mekong

Trong nhiều thập niên, chiến lược của Trung Quốc là thực hiện những dự án về sông Mekong trong im lặng và bí mật. Trung Quốc xây đập Manwan (1986-1993) ở một khu vực xa xôi và không tham vấn bất kể nước nào vùng hạ nguồn.

a

Đập Manwan ở thượng nguồn Mekong, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. (Ảnh internationalrivers)

Trong phần ba, ngoài những tác động tiêu cực từ dự án khai thác thuỷ điện trên sông Mekong của Trung Quốc, Tiến sĩ Tyson R. Roberts còn đưa ra cả những lợi ích "đáng nghi ngờ" mà hệ thống đập thượng nguồn Mekong có thể mang lại. 

Ảnh hưởng với cá và nghề cá

Sản lượng đánh bắt cá hàng năm của Mekong ước tính vào khoảng 1 triệu tấn. Khoảng 400.000 tấn (40%) thuộc về Campuchia. Biển Hồ hay Tonle Sap của Campuchia chiếm hơn 100.000 tấn. Cá nước ngọt cung cấp chừng 80% tiêu dùng đạm động vật ở Campuchia.

Vào mùa mưa, dòng chảy Mekong gây ngập lụt lớn ở nhiều vùng đồng bằng châu thổ của Campuchia trong đó có Biển Hồ. Nó cũng tạo ra vô số khu đẻ trứng và bãi nuôi cho hàng trăm loài cá.

Nếu điều chỉnh dòng chảy Mekong sẽ gây ra tác động nghiêm trọng với toàn bộ nghề cá vùng hạ lưu trong đó có các khu vực châu thổ Campuchia nói chung và Biển Hồ nói riêng.

Vùng đồng bằng châu thổ của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Nghề đánh bắt cá cũng như nghề nuôi cá lồng không tránh khỏi tác động chung.

Ảnh hưởng với nông nghiệp

Rất nhiều vựa lúa vùng hạ du nằm ở các châu thổ. Sản xuất lúa gạo liên quan trực tiếp tới nước, phù sa và chất dinh dưỡng được cung cấp từ những mùa lụt của Mekong.

Một tác động quan trọng khác với nông nghiệp có thể là rất tồi tệ hay thậm chí là dấu chấm hết mà những dự án thuỷ điện vùng thượng lưu Mekong gây ra là mạng lưới trang trại, nông trường bên bờ sông. Tiếng Campuchia gọi là “chamkar”, Thái Lan và Lào gọi là “kaset rim fang menam”, nó liên quan tới các nông trang trên đảo và bên bờ những dòng sông lớn như Mekong và Tonle Sap.

Mùa thu hoạch trên cạn hàng năm bao gồm thuốc lá, ngô, dưa hấu, dưa chuột, bí, mướp đắng, cà chua, khoai tây, hạt tiêu, khoai sọ, củ cải, cà rốt, rau diếp, chuối, cải bắp, đu đủ, mía đường, các loại nấm, thảo dược, hoa. Cây lưu niên có xoài, các cây họ cam quýt…

Những sản phẩm từ trang trại như thuốc lá, ngô và ớt được đưa vào gieo trồng cách đây khoảng 200 năm nhưng những sản phẩm khác có lẽ đã sinh sôi nảy nở ở khu vực trung và hạ lưu vực Mekong hơn 1.000 năm trước. Hàng loạt loại cây này có đóng góp to lớn vào chất lượng cuộc sống địa phương. Trong gieo trồng, các loài cây này đòi hỏi không sử dụng phân hoá học hay thuốc trừ sâu. Diện tích đất sẵn cho gieo trồng phụ thuộc vào lượng nước sông dâng lên và rút xuống trong một năm. Sản phẩm cũng liên quan tới lượng phù sa sông bồi đắp mỗi năm.

Những nông trang sẽ bị ảnh hưởng rất lớn và có lẽ hoàn toàn không còn tồn tại từ bên bờ Mekong nếu dòng chảy của sông bị thay đổi dẫn tới sự khác biệt về mực nước lên xuống cũng như lượng phù sa nghèo hoặc kém chất lượng. Hàng trăm thậm chí hàng nghìn đặc tính cây trồng và gen thực vật có thể mất đi nếu những đập thuỷ điện Lan Thương hoàn thành và sông Mekong được phát triển phục vụ giao thông đường thuỷ.

Những ảnh hưởng khác và sự nghi ngờ về lợi ích

Trung Quốc vẫn khẳng định các đập thuỷ lợi lớn có thể mang lại lợi ích dài hạn, bất chấp ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy sự đối lập từ tuyên bố ấy. Tất cả các nước đều lo lắng rằng, Trung Quốc sẽ phát triển sông Mekong ở mức độ lớn hơn cho tới khi có những dự án của cá nhân hoặc tổ chức đưa ra các đánh giá về ảnh hưởng môi trường và xã hội một cách hoàn thiện và chân thực nhất.

Những ảnh hưởng xã hội và môi trường không thể chấp nhận được với các quốc gia vùng hạ nguồn sẽ là nền tảng vững chắc khiến những dự án của Trung Quốc có thể bị bác bỏ. Các đánh giá về ảnh hưởng xã hội và môi trường sẽ chỉ phù hợp nếu nó đại diện cho xã hội nông thôn cũng như thành thị và đại diện cho môi trường. Đánh giá do tổ chức thúc đẩy những dự án thực hiện hoặc kiểm soát hiếm khi đáng tin cậy.

Đánh giá kiểu này thường quá phóng đại về mặt kinh tế và những lợi ích khác trong khi phớt lờ hoặc đánh giá không đúng mức về ảnh hưởng xã hội và môi trường.

Kể từ năm 1950, Trung Quốc đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm khai thác những khu rừng rộng lớn, khoáng sản và nguồn năng lượng… với quy mô lớn. Dự án cùng lúc xây dựng hệ thống đập thuỷ điện trên dòng Lan Thương và nắn dòng Mekong là một phần của tiến trình này.

Trung Quốc sẽ không hài lòng cho tới khi toàn bộ dòng chảy Mekong đoạn dưới Vân Nam đổ vào một hệ thống đường thuỷ hỗ trợ cho tàu thuyền hàng hoá đi ra biển cả. Trong nhiều thập niên, chiến lược của Trung Quốc là thực hiện những thiết kế về sông Mekong trong im lặng và bí mật. Trung Quốc xây đập Manwan (1986-1993) ở một khu vực xa xôi và không có sự tham gia của bất kể nước nào vùng hạ nguồn.

Trung Quốc tới nay vẫn không gia nhập Uỷ ban sông Mekong (MRC), và không có bất cứ nỗ lực nào để cung cấp thông tin về những dự án họ khai thác trên sông. Cho tới nay, khi chiến lược Mekong không thể giấu giếm hơn nữa, Trung Quốc lại khai thác sông bằng tốc độ và sự quyết tâm.

Thời gian hạn chế, nỗ lực và việc đóng góp đưa ra các đánh giá ảnh hưởng tới môi trường và xã hội rất không đầy đủ. Những nghiên cứu địa chấn tối thiểu để phát hiện ra các trận động đất có đóng góp lớn tới lở đất, hoặc các đập thuỷ điện lớn cùng hồ chứa nước có thể thúc đẩy hoạt động địa chấn, sẽ đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu cùng các thiết bị tiên tiến cùng kỹ năng chuyên môn cao.

Khi các đập đã xây dựng và hồ chứa bắt đầu đầy nước, thì tình hình địa chấn sẽ phải liên tục kiểm tra, theo dõi.

Các thủ tục đối phó với tình trạng khẩn cấp bao gồm hệ thống cảnh báo khẩn cấp hạ nguồn và tiến trình sơ tán sẽ cần được sắp xếp hiệu quả trước khi công trình xây dựng bất kể con đập lớn nào hoàn thành.

Vài lợi tích tiềm năng từ việc điều chỉnh dòng chảy Mekong bởi hệ thống đập và hồ chứa nước trên sông lan Thương của Trung Quốc có thể được tính gồm:

- Lợi ích nổi bật cho vùng hạ nguồn sẽ là Lào, Myanmar và Thái Lan trong việc có được khối lượng nước lớn hơn (đã được điều chỉnh) phục vụ cho việc phát điện ở những dự án “đang chạy giữa dòng” cần phải cân nhắc kỹ hơn. Khả năng kinh tế của toàn bộ bảy dự án đề xuất giữa Pak Beng và Vientiane dường như được gia tăng bởi khả năng sản xuất điện nhiều hơn cung cấp cho thị trường Thái Lan khi nhu cầu dùng điện trong mùa khô lên đỉnh điểm. Pak Beng và các dự án khác ở phía bắc Lào đòi hỏi cần nghiên cứu kỹ hơn, sẽ có thể giành được tỉ lệ cao xứng đáng sau khi Tiểu Loan bắt đầu xả nước.

Tuy nhiên, những điều được cho là lợi ích này vẫn khá mơ hồ. Uỷ ban sông Mekong không còn ủng hộ các dự án trên. Những ảnh hưởng sâu sắc về môi trường liên quan tới đập Pak Mun trên sông Mun của Thái Lan – nhánh sông lớn của Mekong - giờ đây bắt đầu được công nhận.

Một lợi ích mơ hồ khác liên quan đến gia tăng khả năng tưới tiêu cho vùng hạ nguồn. Tăng nước trong các tháng mùa khô sau khi đập Tiểu Loan hoàn thành là một ích lợi với giả định không có sự “rút nước” nào quá lớn ở thượng nguồn.

(Còn tiếp)

  • Kỳ Thư (gt)

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Kỳ Thư