Những bài cùng tác giả
(TuanVietNam) -
"Con sông Mekong có thể quanh co nhưng thái độ hợp tác của các nước ven
sông phải rõ ràng, minh bạch vì quyền lợi chung của cả lưu vực" - TS. Tô
Văn Trường
Xây đập thủy điện trên
sông
Trên công luận gần đây cả trong và ngoài nước có nhiều thông tin báo động lo
lắng về việc các nước thượng lưu sông Mekong, đặc biệt là Trung Quốc đã và
đang xúc tiến việc xây dựng 1 loạt các đập thủy điện sẽ tác động lớn đến các
nước ở hạ lưu.
Sông Mekong là một trong mười
con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài
hơn 4.800 km, diện tích lưu vực 795.000 km2, lưu lượng dòng chảy
trung bình hàng năm khoảng 15.000 m3/s và tổng lượng dòng chảy
hàng năm 475 tỷ m3 tại châu thổ, chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia
là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Click vào để xem hình lớn.
Đây là nơi sinh sống của trên 65 triệu người và có nguồn
tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của các
nước ven sông. Lưu vực sông Mekongcó tiềm năng thuỷ điện rất lớn và phát
triển thuỷ điện ở khu vực này có khả năng sẽ tăng lên đáng kể trong những
thập kỷ tới.
Sông Lancang (thượng nguồn
Mekong) trên địa phận tỉnh Vân Nam của Trung Quốc có tiềm năng thuỷ điện rất
lớn. Quy hoạch bậc thang thuỷ điện trong lưu vực sông Lancang được bắt đầu
tiến hành từ những năm 1980, có 25 bậc thang trên dòng chính với tổng công
suất lắp máy là 25.870 MW và 120 trạm thuỷ điện trên các dòng nhánh với tổng
công suất lắp máy là 2.600 MW.
 |
Nguồn: SavetheMekong.org |
Hiện nay, có 8 công trình
thủy điện chính trên sông Lan Thương đã và đang xây dựng gồm: Đập thủy điện
Cống Quả Kiều cao 105 m, theo kế hoạch trữ nước vào tháng 6/2011. Đập thủy
điện Tiểu Loan (Xiaowan) cao 292 m, công suất 4.200 MW sẽ đưa vào hoạt động
tháng 10/2009. Đây là đập lớn thứ 2 sau đập Tam Hiệp khổng lồ trên sông
Dương Tử.
Dưới đó là đập Mãn Loan (Man Wan) cao 132 m, dung tích 920 triệu m3,
công suất 1.500 MW hoàn thành 1993.
Đập Đại Triều Sơn (Dachaoshan) cao 118 m, dung tích 940 triệu m3,
công suất 1.350 MW hoàn thành cuối năm 2003.
Tiếp đó là đập Cảnh Hồng (Jinghong) cao 108 m, công suất 1.500 MW hoàn thành
2009. Ngoài ra, còn 3 đập khác đang trong quá trình xây dựng là Nọa Trát Độ
(Nouzhadu), đập Cảm Lâm và đập Mãnh Tống nằm ở đoạn hạ lưu sông Lan Thương.
Ngoài ra, Lào có kế hoạch nghiên cứu xây dựng 23 đập thủy điện, trong đó có
đập Ban Koun công suất lớn nhất khoảng 2000 MW.
Thái Lan ngoài 2 con đập Sakamen 1 và 3, đã có kế hoạch tái khởi động xây
dựng các đập trên sông Mekongdự kiến công suất 4.000 MW. Phía Campuchia cũng
nghiên cứu 2 đập thủy điện là Sambor và Stung Treng có công suất khoảng
3.600 MW.
Lợi và hại
Có 2 xu thế quan điểm về xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong. Những
người ủng hộ cho là con người ngày càng đông, kinh tế ngày càng phát triển,
mọi nhu cầu cho con người và cho phát triển kinh tế đều cần nước, do đó phải
xây dựng đập thủy điện là loại năng lượng sạch, tái tạo được, đập có tác
dụng để trữ nước, phát điện, cắt lũ và điều tiết nước trong mùa khô cho hạ
lưu.
Những người phản đối xây đập thủy điện, ngày càng gia tăng, lên án mạnh mẽ
đập thủy điện làm ngập đất, rừng, dân cư phải di dời, làm thay đổi chế độ
dòng chảy, và môi trường sinh thái. Xét về dòng chảy mùa kiệt, mùa lũ và
tổng lượng nước năm lưư vực sông Lancang tính đến biên giới Trung Quốc chiếm
khoảng 1/4, 1/5 và 1/6 lần dòng chảy mùa kiệt, mùa lũ và tổng lượng nước năm
sông Mekongtại Kratie.
Như vậy việc khai thác sử dụng tiềm năng thuỷ điện lưu vực sông Lancang chắc
chắn sẽ có ảnh hưởng đến lượng nước, lượng điện, nông nghiệp, thuỷ sản, giao
thông thuỷ và môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Công, nhất là đối với
các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Các đập thủy điện ở Trung Quốc và các hồ chứa ở Thái Lan, Lào và Campuchia
sẽ làm chậm tốc độ dòng chảy thiên nhiên của sông, làm bồi lắng một lượng
phù sa lớn tại hồ, thay đổi động lực dòng chảy gây sói lở các đoạn sông hạ
lưu, đập chắn đường đi cho chu trình sinh sản đồng thời cũng làm thay đổi
chế độ phù du, dinh dưỡng sông ảnh hưởng đế chu trình sinh sản và sinh
trưởng của các loài cá, tác động đến sinh kế của người dân ven sông.
Xin lưu ý riêng lượng phù sa từ thượng nguồn Trung Quốc chiếm khoảng 40%
tổng lượng phù sa của sông Mê Công. ĐBSCL hàng năm người dân vẫn mong lũ về
(còn gọi là mùa nước nổi) để khai thác thủy sản, vệ sinh đồng ruộng, lấy phù
sa. Chỉ riêng các tỉnh trong vùng ven biên giới Việt Nam-Campuchia, mùa nước
nổi hàng năm cũng thu nhập khoảng 4.500 tỷ đồng.
Nhận định về các kế hoạch
khai thác sông Mekong của Trung Quốc, Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên Cứu
Nhiệt Ðới Smithsonian (Mỹ) đã phát biểu: “Xây các đập thủy điện, khai
thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông. Các
bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ
hại, khiến con sông Mekong đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử
và các con sông lớn khác của Trung Quốc.”
Do những phản đối xây đập
ngày càng nhiều, khiến cho các tổ chức quốc tế như ngân hàng thế giới (WB),
ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) cũng lo ngại vì xây đập hồ chứa cần rất
nhiều tiền mà phần lớn các nước đang phát triển muốn thực hiện, thì phải đi
vay.
Một Ủy ban thế giới về Đập có tên là “World Commission on Dams” đã được
thành lập năm 1998 để nghiên cứu và đưa ra các đánh giá về tác động tiêu cực
của đập và đưa ra các khuyến cáo cần thiết. Sau 4 năm nghiên cứu hàng nghìn
đập trên thế giới (có 2 đập ở Việt Nam) ), Ủy ban thế giới về Đập đã đưa ra
7 nguyên tắc chiến lược khi xây dựng đập cần thực hiện là:
(1) Cần có sự chấp nhận của công chúng; (2) Cần đánh giá toàn diện các
phương án khác nhau có thể; (3) Đánh giá về tác động của các đập hiện có;
(4) Bảo đảm bền vững cho con sông và sinh kế cho người dân; (5) Công nhận
quyền và chia sẻ lợi ích; (6) Đảm bảo tuân thủ (pháp lý quốc tế, khu vực,
quốc gia, quy trình…) và (7) Sử dụng các sông vì mục đích hòa bình, phát
triển và an ninh.
Vùng hạ du sẽ chịu
ảnh hưởng lớn
 |
Ảnh: tmmt.gov.vn |
Đất nước ta đang đi vào con đường hội nhập, đòi hỏi phải
có chiến lược phát triển chủ động, bền vững, trước mắt cũng như lâu dài. Để
phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng đòi hỏi phải xây dựng chiến lược phát
triển các ngành, các lĩnh vực, trong đó có chiến lược quản lý tài nguyên
nước và lưu vực sông.
ĐBSCL chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
ở Việt Nam. Sản lượng nông nghiệp của ĐBSCL chiếm trên 50% cả nước, riêng
lương thực xuất khẩu 90%, cây ăn trái và thuỷ sản khoảng 70% so với cả nước
lại nằm hạ nguồn sông Mekongcho nên mọi tác động ở thượng nguồn như xây đập,
lấy nước phát triển nông nghiệp đều ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến
nước ta.
Lưu vực sông Mekong hiện nay
và trong tương lai giữ một vai trò quan trọng không chỉ trong phát triển
kinh tế của mỗi quốc gia ven sông mà còn cả trong phát triển hợp tác kinh tế
và chính trị trong khu vực. Nhu cầu khai thác và sử dụng tài nguyên nước và
các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong tại các nước ven sông sẽ
ngày càng lớn và chắc chắn sẽ tăng đáng kể trong tương lai.
Do đó việc sử dụng công bằng, hợp lý, phát triển bền vững và bảo vệ nguồn
tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan đã và đang trở thành một nhu cầu
cấp thiết. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp lưu vực sông
là hướng đi phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay.
Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp lưu vực sông bao gồm 3
nội dung chính là phát triển (quy hoạch và xây dựng công
trình), quản lý (phân bổ, giải quyết tranh chấp, quản lý ô nhiễm...) và bảo
vệ (bảo vệ rừng, quản lý phân bón, thuốc trừ sâu, cơ cấu mùa vụ trong sản
xuất nông nghiệp, bảo vệ dải ven bờ...).
Điều đáng lo nhất là các nước
hạ lưu không ai nắm được cụ thể quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện
của Trung Quốc. Theo tôi biết, phía Trung Quốc chỉ có thông báo một số thông
tin từ 2 trạm thủy văn về mùa lũ, không có số liệu về mùa khô cho nên muốn
tính toán, kiểm tra lại quy trình vận hành là rất khó khăn, nan giản.
Một số nhà khoa học cũng lưu ý để tránh tình trạng cực đoan, các nước cần
tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, đối thoại, minh chứng trên luận cứ
khách quan và khoa học để làm sao tác động về lợi của các công trình đập
thủy điện và đập dâng là lớn nhất và thiệt hại là ít nhất.
 |
Ảnh: travelatvietnam.com |
Cần thái độ hợp tác rõ ràng
Trong xu thế hội nhập của thế giới, việc khai thác sử dụng nguồn
nước sông Mekong là quyền lợi chung của tất cả các nước trong lưu vực. Cần
quan tâm, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế trong
việc khai thác sử dụng các lưu vực sông quốc tế và quảng bá các nguyên tắc
này nhằm thiết lập một hệ thống quốc gia cho các hoạt động khai thác nguồn
nước; theo dõi việc sử dụng nguồn nước sông quốc tế trong lãnh thổ Việt Nam
cả về số lượng và chất lượng cụ thể là 2 trạm chính ở Tân Châu và Châu Đốc;
quảng bá kinh nghiệm của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế nhằm nâng cao
uy tín của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề cần thương lượng.
Vấn đề thiết thực nhất là cần cập nhật các thông tin, số liệu cơ bản, tiến
hành nghiên cứu tổng hợp đánh giá về tác động của các đập thủy điện và các
đập dâng của các nước thượng lưu kể cả của Trung Quốc, Thái Lan, Lào và
Campuchia cùng với tác động của biến đổi khí hậu , nước biển dâng ảnh hưởng
đến ĐBSCL.
Việc các nước ở thượng lưu
sông Mekong tiến hành xây dựng các đập thủy điện để phục vụ nhu cầu phát
triển kinh tế là xu thế không thể đảo ngược. Sông Mekong là sông quốc tế nên
rất cần có tiếng nói chung của các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học để
minh chứng cho các lập luận về nguyên tắc chia sẻ nguồn nước.
Hay nói cách khác con sông Mekong có thể quanh co nhưng thái độ hợp tác của
các nước ven sông phải rõ ràng, minh bạch vì quyền lợi chung của cả lưu vực.
Ngoài việc tăng cường hợp tác hoạt động qua khuôn khổ 4 nước hạ du của Ủy
hội sông Mekong (MRC) cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành của
Việt Nam qua các chương trình hợp tác song phương và đặc biệt là Sáng kiến
tiểu vùng Mekongmở rộng (GMS) có đầy đủ cả 6 thành viên Mê Công.
Trong tương lai, thế giới sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng về nước,
không hẳn chỉ vì thiếu lượng nước để dùng, mà còn vì chất lượng nước tồi tệ
đến mức không sử dụng được. Ban đầu là con người không thể uống được, kế đến
là không thể nuôi trồng thủy sản và tiếp nữa là không thể tưới tiêu.
Câu ta thán nổi tiếng của người phương Tây “Water, water everywhere,
not a drop to drink” (Nước, nước ở mọi nơi, nhưng không một giọt
uống được) nếu không có các biện pháp đối phó thích hợp thì chẳng bao lâu sẽ
trở thành hiện thực ở vùng Châu thổ sông Mêkông!
Nguồn nước sông Mekong ngày càng quý hiếm. Để chủ động
trong khai thác nguồn nước sông Mekong một cách vững bền, quan điểm của
chúng ta là các chương trình, kế hoạch phải được xây dựng từ Tầm nhìn phát
triển của ĐBSCL là "Quản lý thiên tai một cách hiệu quả, sử dụng tài
nguyên một cách khôn ngoan, vì một ĐBSCL kinh tế ổn định và thịnh vượng, môi
trường đa dạng và bền vững".
Xin mượn lời giáo sư Kader Asmal, Bộ trưởng Giáo dục Nam
Phi, Chủ tịch Ủy ban thế giới về đập để kết luận cho bài viết này: "Có
lẽ bạn nhìn thấy một công trình bằng bê tông nhẵn nhụi, có hình dạng prabol,
dường như nó phát điện-nguồn điện rẻ tiền chạy qua tuốc bin ở dưới đáy. Các
kỹ sư tôn thờ nó, các nhà sinh thái nguyền rủa nó, các bộ lạc thổ dân bị mất
nền văn hóa vì nó. Ngành đánh cá địa phương đổ xô vào sau khi công trình
hoàn thành, nhưng lũ lụt lại giảm bớt. Con đập không làm ô nhiễm không khí
và nguồn nước còn cung cấp cho các đô thị lân cận, biến đất cằn thành đất
canh tác mầu mỡ, con người và động vật phải di dời, nhưng lợi nhuận kinh tế
mang lại thực sự có giá trị. Con đập chính là hiện thân tham vọng của các
chính khách, nhưng khi họ tiếp cận các kế hoạch đầy tham vọng trên, những
người e sợ dương cao khẩu hiệu như “hãy cứu con sông thân yêu của
chúng ta”.
|