(TuanVietNam) -
Chưa có một hiệp định quốc tế nào đề cập đến việc khai thác
các sông xuyên quốc gia, Trung Quốc đang nắm ưu thế, kiểm soát nước ở thượng
nguồn sông Mekong.
Bài viết là những nghiên cứu và quan điểm
cá nhân của Michael Richardson, học giả nghiên cứu tại Viện Đông Nam Á học
có trụ sở tại Singapore về những ảnh hưởng của việc xây dựng đập thủy điện
tại Trung Quốc.
Trở lại năm 1986, việc
Trung Quốc bắt đầu xây dựng chuỗi các đập thủy điện đầu tiên không mấy thu
hút được sự chú ý của các nước hạ lưu Đông Nam Á. Nhưng vào thời điểm hiện
tại, khi Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đập thủy điện thứ 4 ở
thượng lưu sông Mekong thì những quan ngại về tác động của chúng tới môi
trường trong khu vực ngày càng tăng.
 |
Ảnh: lookatvietnam.com |
Thêm vào đó, những bất đồng giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khiến
việc đưa ra một giải pháp có sự đồng thuận của cả 2 bên gần như là không
thể.
Bốn quốc gia ở hạ lưu
sông Mekong gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, và Lào quan ngại trước việc
Trung Quốc khai thác thủy lực của sông Mekong và thay đổi dòng chảy tự nhiên
của nó trên quy mô lớn. Trên 60 triệu dân sống ven sông sẽ bị ảnh hưởng
không nhỏ bởi những hoạt động trên thượng nguồn.
Báo cáo của Chương trình
Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Viện Công nghệ châu Á (AIT) có cảnh báo
rằng kế hoạch của Trung Quốc xây dựng 8 đập trên sông Mekong (phần chảy qua
Trung Quốc có tên Lancang), có thể đe dọa đáng kể tới bản thân con sông cũng
như tài nguyên tự nhiên của nó.
Vào tháng 6, Thủ tướng
Thái Lan đã xuất trình một đệ đơn yêu cầu tạm dừng việc xây dựng đập. 11,000
người đã ký vào đơn, phần đông trong số đó là nông dân và ngư dân kiếm sống
ven sông.
Có một số chuyên gia cho
rằng nếu các bên đều nhìn nhận theo hướng phê phán vấn đề này thì quan hệ
giữa Trung Quốc và láng giềng Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhưng với việc sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc ngày một tăng, chính phủ
ở các quốc gia trên đã chọn giải pháp im lặng.
Lào, Campuchia và Thái
Lan đã đề xuất các kế hoạch xây dựng đập trên những phần sông Mekong chảy
qua địa phận nước mình. Trong khi đó, Việt Nam lên tiếng yêu cầu Trung
Quốc xem xét các trường hợp môi trường địa phương bị ảnh hưởng bởi các đập ở
thượng nguồn.
Rất nhiều người cho rằng
Mekong là dòng sông của Đông Nam Á, nhưng thực ra khởi nguồn của nó là từ
cao nguyên Tây Tạng. Một nửa chiều dài của nó chảy qua tỉnh Vân Nam Trung
Quốc trước khi đi qua Đông Nam Á.
Vì hiện nay chưa có một
hiệp định quốc tế nào đề cập đến việc khai thác các sông xuyên quốc gia,
Trung Quốc đang nắm ưu thế, kiểm soát nước ở thượng nguồn sông Mekong. Trung
Quốc có quyền phát triển phần sông chảy qua địa phận nước mình nếu thấy phù
hợp và tự ý thực hiện không cần sự tư vấn của các quốc gia láng giềng, càng
không cần sự đồng tình của họ.
Lưu vực sông Mekong nhận
nước từ một diện tích 795,000 km2. Ủy hội sông Mekong (MRC) một
tổ chức đa chính phủ thành lập năm 1995 bởi bốn nước hạ du sông Mekong đã
ước tính rằng riêng tiềm năng thủy điện của hạ lưu đã lên tới con số khổng
lồ 30,000 MW.
Nhưng MRC cũng nhận định
rằng có những thách thức lớn trong việc cân bằng giữa lợi ích của việc xây
đập là năng lượng sạch, dự trữ nước, và kiểm soát lũ với những tác động tiêu
cực khác. Đó là việc di dân, ngăn cản dòng di chuyển lên xuống của cá, và
thay đổi dòng chảy của nước và phù sa.
Các đập tại Vân Nam sẽ
sản sinh ra 15,500 MW điện cho các thành phố và các nhà máy, giúp thay thế
các nhiên liệu ô nhiễm mà cụ thể ở đây là than và dầu. Tám đập này có công
suất tương đương với 30 nhà máy nhiệt điệt cỡ lớn.
Đập thứ 4 trên sông
Mekong ở Trung Quốc tại Tiểu Loan (Xiaowan) sẽ hoàn thành vào năm 2012 với
chi phí gần 4 tỉ đô la Mỹ. Tường đập sẽ giữ kỷ lục cao nhất thế giới với
chiều cao 292m. Hồ chứa của nó sẽ chứa 15 tỉ m3 nước, gấp 5 lần khả năng lưu
trữ của 3 đập còn lại cộng lại.
Kể từ cuối năm 2008, khi
các kỹ sư Trung Quốc đóng cửa kênh rẽ nước của đập thủy điện Tiểu Loan, hồ
nước đã được làm đầy để chuẩn bị cho việc chạy tuốc bin điện đầu tiên vào
tháng 9. Khi đầy, diện tích hồ chứa vào khoảng trên 190 m2. Với khả năng
sinh ra 4,200 MW điện, Tiểu Loan sẽ là đập lớn nhất trên sông Mekong.
Tuy nhiên Trung Quốc
đang dự tính hoàn thành một đập khác dưới đập Tiểu Loan tại Nọa Trát Độ
(Nouzhadu). Tuy không cao bằng nhưng nó sẽ chứa một thể tích nước lớn hơn
gần 23 tỉ m3 và sinh ra 5,000 MW điện.
Giới chức Trung Quốc đảm
bảo rằng các đập tại Vân Nam có những tác động tích cực đến môi trường. Họ
nói bằng việc giữ nước lại trong mùa mưa, các đập sẽ giúp kiểm soát lũ lụt
và xói lở bờ sông ở hạ du. Ngược lại, việc tháo nước từ bể chứa để sinh điện
vào mùa hè sẽ cải thiện tình trạng thiếu nước ở hạ du sông Mekong vào mùa
khô.
Tuy nhiên, theo báo cáo
của UNEP-AIT, Tonle Sap, nơi trú ngụ của các loài cá hạ lưu sông Mekong, và
đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của Việt Nam, có nguy cơ gặp bất lợi do
những thay đổi từ chu kỳ lũ lụt và hạn hán đặc biệt của sông Mekong.
Hồ Tonle Sap nối với
sông Mekong bởi sông Tonle Sap. Các nhà khoa học đang lo lắng rằng việc giảm
bớt dòng nước lũ tự nhiên của sông Mekong sẽ dẫn tới mực nước hồ bị xuống
thấp, ảnh hưởng đến trữ lượng cá vốn đã và đang chịu sức ép từ việc khai
thác quá mức và ô nhiễm môi trường.
Mối quan tâm của Việt
Nam chính là lượng nước bị mất đi sẽ làm trầm trọng hóa vấn đề vùng trũng
tại Đồng bằng sông Cửu Long đang bị nước biển xâm chiếm. Biến đổi khí hậu và
hiện tượng tăng mực nước biển có thể dẫn đến nguy cơ một diện tích lớn đất
canh tác nông nghiệp bị xâm thực và hàng triệu người phải chuyển chỗ vào
cuối thế kỷ này.
Ủy hội sông Mekong (MRC)
đã thảo luận hợp tác kỹ thuật với các chuyên gia Trung Quốc để đưa ra các
nhận định, đánh giá về những thay đổi của hạ lưu sông dưới tác động của việc
phát triển thủy điện.
Nhưng Trung Quốc từ chối
việc tham gia MRC cũng như xem xét các hướng dẫn quản lý tài nguyên của MRC.
Trung Quốc mong muốn vai trò của mình chỉ dừng lại ở mức đối tác đối thoại.
Một khi trở thành viên chính thức của MRC, các kế hoạch đập thủy điện của
Trung Quốc sẽ bị MRC phân tích chi tiết đồng thời sức ép lên Bắc Kinh sẽ gia
tăng, khiến Trung Quốc phải xét đến lợi ích của các nước còn lại trong kế
hoạch của mình.
Trong khi việc xây dựng
đập tại Trung Quốc tiến triển theo đúng kế hoạch, các đề án tương tự tại các
phần sông Mekong ở Đông Nam Á đã bị tạm dừng. Trước khi các nền kinh tế
hướng xuất khẩu của châu Á bị tác động mạnh bởi khủng khoảng kinh tế toàn
cầu, Campuchia, Lào, và Thái Lan đã thông báo các kế hoạch xây dựng đập tại
hạ lưu sông Mekong.
Hiện nay tại Lào, sông
Mekong sản xuất ra được trên 3,200 MW điện. Nhưng ngay cả việc sản xuất điện
này cũng không tránh được tác động của cuộc khủng hoảng. Thái Lan, khách
hàng tiêu thụ điện chính tại hạ du sông Mekong đã thông báo sẽ cắt giảm đáng
kể lượng điện nhập khẩu từ Lào.
Mặt tích cực ở đây là
chính lúc này, các nước Đông Nam Á có một khoảng lặng để nhìn nhận lại những
ảnh hưởng của việc xây dựng đập trên sông Mekong đến cuộc sống của những
người dân ở lưu vực sông. Tuy nhiên, không một kế hoạch quản lý sông Mekong
thực sự hiệu quả nào có thể được đưa ra nếu không có sự tham gia đầy đủ của
Trung Quốc.
Bắc Kinh đang có ý định
hội nhập kinh tế sâu sắc hơn với các nước Đông Nam Á trong đó có việc hợp
tác về thương mại, đầu tư, truyền thông, vận tải, và năng lượng với các nước
tiểu vùng sông Mekong. Nhưng chiến lược này có thể đem lại kết quả ngược lại
sự mong đợi nếu các nước trong khu vực đưa ra kết luận rằng các đập thủy
điện của Trung Quốc đang có tác động ngược đến sự phát triển của họ trong
tương lai.
(dịch từ Yaleglobal.yale.edu)
Tuần Việt Nam
|