Biến đổi khí hậu : Các nước nghèo vừa là nạn nhân đầu tiên vừa là tác nhân

Vietsciences- Anh Vũ - RFI                     20/09/2009

 

Những bài cùng đề tài

Khí hậu biến đổi kéo dài hạn hán, làm khô cạn sông hồ tại Trung Quốc Ảnh : Reuters

Khí hậu biến đổi kéo dài hạn hán, làm khô cạn sông hồ tại Trung Quốc Ảnh : Reuters

 

Trên đây là nhận định của tuần báo The Economist trong một bài viết về thay đổi khí hậu và phát triển. Mọi người đều hiểu các họat động phát triển kinh tế ở những nước chậm phát triển cũng đang góp phần vào sự biến đổi khí hậu và quy mô của nó hiện giờ đang ngày càng lớn hơn.
 
Bài báo cho biết, các nước đang phát triển hiện phát thải ra gần một nửa lượng khí carbon trên tòan địa cầu. Lấy thí dụ như Brasil, lượng khí CO2 thải ra tính trên đầu người dân còn cao hơn cả nước Đức.

Về mức độ thiệt hại của hiện tượng khí hậu ấm lên đối với những nước nghèo, trong một bản báo cáo đưa ra năm 2006 thì nhiệt độ trái đất tăng thêm 2°C thì sẽ làm thiệt hại 1% tổng sản phẩm thu nhập của tòan thế giới. Ngân Hàng Thế Giới vừa đưa ra một báo cáo mới đánh giá biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại 4% tổng thu nhập quốc dân của châu Phi và riêng Ấn Độ, con số này lên tới 5%.

Theo tờ báo, tính được giá trị thiệt hại kinh tế từ hiện tượng biến đổi khí hậu là rất khó, vì người ta vẫn chưa nắm bắt được có bao nhiêu nhân tố góp phần vào hiện tượng này. Nhưng người ta có thể tính được qua số lượng nạn nhân của các trận thiên tai. Chẳng hạn, từ năm 1981 đến 1985, trên thế giới có khoảng 5 triệu người cần được cứu trợ thiên tai. Còn từ năm 2001 đến 2005, con số trên đã tăng đến 1,5 tỷ người.

Vẫn theo bài báo thì người nghèo hiển nhiên là dễ bị thiệt hại hơn người  giàu. Lấy một ví dụ trong trận bão Mitch tàn phá Honduras vào năm 1998, các gia đình nghèo bị mất 20% tài sản, trong khi người giàu bị thiệt hại có 3%.

Khí hậu trái đất ấm lên càng làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh dịch nguy hiểm vốn đã và đang lan tràn ở các nước nghèo.

Theo đánh giá của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, từ nay đến năm 2070, 60% dân số thế giới sẽ rất dễ bị mắc bệnh dịch do hiện tượng trái đất nóng dần lên.

Khí hậu trái đất tăng dẫn đến tan băng và hậu quả là lụt lội. Theo các nhà nghiên cứu thì vẫn lại chủ yếu là các nước nghèo bị ngập lụt nhiều nhất. Trong khi đó ngân sách quốc gia của các nước này thì hạn hẹp không cho phép tự bảo vệ được mình.

Thời tiết khí hậu còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các họat động kinh tế chủ yếu của các nước đang phát triển như nông nghiệp  hay du lịch.

Không chỉ có lụt lội, chu trình khí hậu bị đảo lộn còn dẫn tới hạn hán thất thường. Quá trình tan băng còn làm cho dự trữ các nguồn nước bị cạn kiệt dần, dẫn đến tình trạng khan hiếm nước ngọt.

Những tác động về mặt thời tiết do hiện tượng trái đất nóng lên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, trong khi dân số thế giới ngày một tăng. Trong vòng ba bốn thập kỷ tới, sản xuất nông nghiệp thế giới cần phải tăng gấp đôi mới nuôi sống đủ dân số tòan cầu theo đà tăng hiện nay.

Các nước đang phát triển muốn tham gia giảm thiểu tác động của hiện tượng trái đất ấm lên thì lại vấp phải chuyện tài chính. Đây cũng sẽ là chủ để chính được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen tới đây.

Theo tính tóan của Ngân Hàng Thế Giới, để duy trì khí hậu tăng ở mức 2°C thì các nước đang phát triển cần phải có từ 140 đến 675 tỷ đô la mỗi năm, trong khi hiện nay, các nước nghèo chỉ được đầu tư khỏang 8 tỷ để góp phẩn làm giảm hiện tượng biến đổi khí hậu mà thôi.

Ngòai ra còn một bất đồng nữa giữa các nước nghèo và nước giàu trên vấn đề đánh giá mức độ phát thải khí gây ô nhiễm và các điều kiện ràng buộc trong việc trợ giúp tiền để giảm hoặc thích ứng với việc biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, The Economist kết luận, đạt được nhất trí về các khỏan đầu tư để đối phó với  hiện tượng biến đổi khí hậu là điều mà các nước nghèo đặc biệt quan tâm tại Hội nghị Copenhagen tới đây. Nhưng thỏa thuận như thế nào và họ sẽ thúc đẩy việc này ra sao lại là một chuyện khác.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org