Những bài cùng tác giả
Từ cuối năm 2008 cho đến nay, sự kiện
khai thác bauxite ở Dak Nông, Lâm Đồng đã gây ra nhiều phản
ứng và làn sóng phản đối, lo âu, quan tâm, từ nhiều tầng lớp
xã hội, trong và ngoài nước, trên các lãnh vực môi sinh, văn
hóa bản địa, lợi ích kinh tế, an ninh khu vực ...
Qua những phản ứng này, mà chính phủ có
lẽ cũng không ngờ và dự kiến trước, nên chính phủ và công ty
chủ đạo là Công ty than và khoáng sản Việt Nam dự định mở
một hội thảo với chủ đích là trấn an dư luận với các thông
tin được công bố, với sự tham gia của các chuyên gia, các
công ty nhôm nước ngoài, các nhà đầu tư và hội đoàn trong
nước.
Nhưng những sự cố trên sẽ không xảy ra và
không cần thiết, nếu như quá trình thẩm định, thiết kế,
thành lập dự án khai thác rất đồ sộ ở Tây Nguyên được thực
hiện
(a) một cách
trong suốt, không vội vã và đúng theo luật môi trường, đủ
tiêu chuẩn và đạt được sự đồng thuận trước khi
(b) được đưa
đấu thầu công khai để thực hiện dự án.
Cả hai điều kiện trên đều đã không được
đáp ứng, và như chúng ta biết, dự án đã được khởi công, bất
chấp công luận, với công ty Trung Quốc Chalco đứng ra xây
dựng nhà máy khai thác bauxite luyện aluminia ở Tây Nguyên.
Sự kiện xảy ra ở Việt Nam cũng tương tự
như sự kiện xảy ra gần đây ở nước Timor Leste (Đông Timor)
trong khu vực, với hợp đồng xây nhà máy phát điện chạy bằng
dầu thô do một công ty Trung Quốc thực hiện.
Ngày 17 tháng 3, 2009, tổng thống Đông
Timor, Jose Ramos Horta, sau khi tường trình quốc hội, đã ra
lệnh ngừng hợp đồng xây nhà máy phát điện chạy dầu thô với
công nghệ lạc hậu mà Trung Quốc muốn chở toàn bộ qua, mà
ngay chính Trung Quốc cũng coi là có hiệu suất thấp và ô
nhiễm cao.
Trung Quốc muốn canh tân nhà máy mình
bằng cách chở "sắt vụn" qua các nước khác.
Trung Quốc và Đông Timor là hai nước có
quan hệ ngoại giao rất thân thiện từ nhiều năm. Trung Quốc
là nước đã từng ủng hộ Phong trào đấu tranh giành độc lập
của người dân Đông Timor và là nước đầu tiên công nhận nhà
nước Đông Timor năm 2002. Trung Quốc viện trợ xây dinh tổng
thống và dinh thự lớn nhất ở Dili (thủ đô Đông Timor) cho bộ
Ngoại giao Đông Timor, viện trợ và cung cấp mọi thứ từ thực
phẩm đến quân trang. Ngoài mỏ khí đốt và dầu lớn nhất
(Greater Sunrise) mà Timor và Úc chia sẻ ở vùng biển Timor
(Timor Sea) thì các công ty Trung Quốc đang cùng Timor thăm
dò chung quanh nước này các mỏ dầu khí khác.
Vì sự quan hệ mật thiết giữa Trung Quốc
và Đông Timor từ nhiều năm, cũng không lạ gì mà chính phủ
của thủ tướng Xanana Gusmao đã ký hợp đồng 375 triệu USD một
cách rất nhanh chóng, vào giữa tháng 6-2008, sau một thời
gian ba tuần lễ kể cả đánh giá tác động môi trường, xây nhà
máy phát điện ở Hera, cạnh Dili. Tuy nhiên các tổ chức phi
chính phủ như La'o Hamutuk và các nghị sĩ đối lập đã phản
đối vì tác động môi trường quá xấu, không trong suốt, vội vã
trong đấu thầu và nhà máy dùng dầu thô nặng nên không thể
dùng dầu khai thác được của chính Đông Timor. Họ mang vấn đề
ra quốc hội và đưa ra toà án hiến pháp vì chính phủ dùng số
tiền 590 triệu US cho dự án từ quỹ Petroleum Fund (quỹ quốc
gia từ nguồn lợi dầu khí được thiết lập để tránh sự chi tiêu
quá đáng của chính phủ vào ngân sách và được dùng để đầu tư)
quá số tiền cho phép mỗi năm của quỹ. Toà xử chính phủ vi
phạm luật. Dự án vì thế bị bãi bỏ.
Tổng thống Đông Timor khiển trách những
người trách nhiệm vì muốn giá rẻ (nhưng thật ra thiệt hại và
sự trả giá sẽ đắt hơn về lâu dài với công nghệ lỗi thời) và
ký hợp đồng vội vã, không đúng luật và không trong suốt
trong quá trình thiết lập nhà máy điện.
Tình hình khai thác bauxite trong khu vực
Hiện nay công ty Chinalco của Trung Quốc đang tăng mua
cổ phần từ 9% đến 18% công ty Rio Tinto (công ty Anh-Úc lớn
chuyên khai thác khoáng sản như sắt, than, bauxite, đồng,
..) và mua một phần các mỏ, nhà máy khai thác và luyện nhôm,
sắt, đồng của Rio Tinto. Chinalco là công ty mẹ của Chalco.
Chalco được Chinalco thành lập để hoạt động hữu hiệu ở
ngoài Trung Quốc với trái phiếu Chalco được niêm yết trên
thị trường chứng khoán Hong Kong và New York và có văn phòng
đặt ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhà máy lớn nhôm bauxite với công nghệ
hiện đại ở Weipa, miền bắc Úc thuộc tiểu bang Queensland đã
được công ty Trung Quốc Chinalco (China Aluminum
Corporation) mua trước đây 39% . Ngoài ra Rio Tinto và
Chinalco đang thẩm định thăm dò thiết lập nhà máy luyện nhôm
ở vùng Aurukun gần Weipa. Chinalco hiện nay dự định tăng mua
cổ phần 18% Rio Tinto (coi như Trung Quốc có cổ phần lớn
nhất trong các nhà đầu tư vào Rio Tinto) đang được chính phủ
Úc xem xét trước khi cho phép mua. Trung Quốc bỏ vào gần 20
tỉ đô Mỹ để tăng cổ phần từ 9% đến 18% và tham dự sở hữu,
sản xuất liên doanh chung các mỏ sắt, than ở Úc và mỏ đồng
ở Chile, Mỹ, Indonesia và Peru (50% phần hùn nhà máy luyện
nhôm Yarwun Aluminium Refinery, 49% vào nhà máy nhôm Boyne
Smelters Ltd, 30% vào công ty Rio Tinto Indonesia Holdings
Ltd ở Indonesia, 15% trong công ty mỏ sắt ở Tây Úc
Hamersley Iron Pty Ltd, 49.75% vào Rio Tinto Escondida Ltd
sản xuất đồng ở Chile, 30% trong dự án La Granja Copper
Development project, 25% vào Kennecott Utah Copper Co sản
xuất đồng ở Mỹ, 8.5% vào Shining Prospect Pte Ltd của Rio
Tinto). Đây là đầu tư lớn nhất của Trung Quốc vào công ty ở
nước ngoài. Lúc trước Trung Quốc định mua Công ty dầu của Mỹ
nhưng bị Quốc hội Mỹ phủ quyết.
Nhiều nhà đầu tư đang nắm cổ phần dưới
10% của Rio Tinto ở Anh và Úc không hài lòng về việc giám
đốc điều hành (CEO) và ban quản trị công ty Rio Tinto đã
muốn có tiền đầu tư của Chinalco để trả số nợ quá nhiều
(khoảng 40 tỉ đô) sau khi Rio Tinto mua công ty nhôm Alcan
(Aluminum Company of Canada) lớn thứ ba trên thế giới cuối
năm 2007 trong thời điểm giá cao (nay vì khủng hoảng tài
chính nên phải bán đi các tài sản khác để trả nợ). Các chính
trị gia ở Úc đang tìm cách vận động chính phủ Úc từ chối
không cho Chinalco mua Rio Tinto vì lúc này giá quá rẻ, ở
đáy chu kỳ (bottom cycle) và lợi ích quốc gia, (vì hiện nay
Trung Quốc mua sắt, than,.. của Rio Tinto rất nhiều và nếu
Trung Quốc có 2 giám đốc trong ban điều hành thì sự thương
lượng giá cả hàng năm để bán cho Trung Quốc sẽ bị hạ thấp)
và nhất là Chinalco là công ty quốc doanh với vốn từ chính
phủ Trung Quốc (sovereign fund) nên dễ bị chính trị xen vào
và không còn thuần tuý là thương mại nữa.
Điểm chính là Trung Quốc hiện nay có quá
nhiều ngoại tệ và muốn nắm nguồn cung cấp năng lượng, nhiên
liệu và tài nguyên (resources) cũng như công nghệ cao, nên
hiện nay chuyển vào lãnh vực này và không muốn mua phiếu nợ
(bond) hay kỳ phiếu kho bạc (Treasury notes) của Mỹ nữa.
Chinalco vì là chuyên về nhôm nên đang muốn nắm công nghệ
luyện nhôm và làm chủ Rio Tinto (Alcan đã bị Rio Tinto
nuốt). Cũng vì thế mà người ta không lấy làm lạ khi Trung
Quốc muốn "tháo sắt vụn" chở qua Dak Nông, Lâm Đồng, giống
như ở Đông Timor, để sửa soạn cho công nghệ cao mới ở nước
của họ.
Theo tôi nghĩ, chính phủ Úc đang bị sức
ép của Chinalco và Trung Quốc để chấp thuận nhưng đang bị
dân và nhiều người trong giới đầu tư phản đối về tầm nhìn
thiển cận của ban điều hành Rio Tinto để giải quyết nợ, nên
có thể sẽ ngăn không cho Chinalco mua Rio Tinto.
Sau khi phái đoàn của Chinalco đến Úc
thuyết trình trước Ban thẩm định đầu tư nước ngoài (Foreign
Investment Review Board), vào giữa tháng 3-2009, Thượng viện
Úc đã mang vấn đề này ra nghiên cứu, bàn cãi, để khuyến cáo
chính phủ. Vì tầm quan trọng của sự đầu tư lớn này của
Chinalco trong lãnh vực tài nguyên và lợi ích quốc gia, nên
Ban thẩm định đã quyết định gia hạn thêm 3 tháng (thay vì
chỉ trong vòng 30 ngày) để nghiên cứu thêm và lấy ý kiến của
nhiều tổ chức, công ty có liên hệ, trước khi gởi báo cáo đến
tổng trưởng tài chánh để có quyết định sau cùng.
Tương lai dự án bauxite ở Việt NamTổng thống Đông Timor dám làm và bắt buộc phải hủy bỏ
hợp đồng, vì toà án xác định là đã vi phạm pháp luật, nhưng
ở Việt Nam dự án đã được khởi công, với quyết tâm của chính
phủ thực hiện với công ty Chalco của Trung Quốc, mặc dầu
với công nghệ cũ, có khả năng gây ô nhiễm, gây tác động môi
trường cao, và mặc dầu sự quan tâm, lên tiếng của nhiều
người. Vậy thì phải làm gì ?
Về sự kiện khai thác bauxite ở Dak Nông,
Lâm Đồng, viết tâm thư, kiến nghị hay phản ảnh lên chính
phủ, như nhiều người đề nghị, đều sẽ không đi đến đâu. Và
chẳng lẽ sau này có những vấn đề khác lại tiếp tục kiến nghị
bằng tâm thư . Một cách tiếp cận khác là buộc chính phủ phải
thông suốt và thi hành nghiêm chỉnh luật môi trường mà quốc
hội phê chuẩn.
Vì điều cốt yếu là : thực thi đúng luật
môi trường. Luật môi trường (xem phụ lục) là cơ sở cho phép
xem xét lại kế hoạch khai thác bauxite ở Dak Nông, Lâm Đồng,
với sự tham gia của nhiều tổ chức và quần chúng một cách
trong suốt và đúng luật, điều mà hiện nay đã không được thực
hiện đúng đắn trong dự án Nhân Cơ, Gia Nghĩa ở Dak Nông.
Đây là một bài học và cũng là cơ hội để
Việt Nam học tập kinh nghiệm, thiết lập một quá trình thông
suốt cho các dự án về sau này.
Theo tôi được biết, thì báo cáo "Tác động
môi trường" (EIA) có, nhưng sơ sài không đầy đủ, so với tầm
cỡ rất lớn của dự án, không ai biết và được đọc ngoài một số
ít thành viên trong chính phủ, đảng, và các nhà tư vấn. Cách
đây không lâu tôi có đọc một báo cáo ngắn của một nhà tư vấn
(bản tiếng Anh chuyển ngữ từ tiếng Việt) thì Nhân Cơ, Gia
Nghĩa chỉ là một phần của một dự án lớn bao gồm khai thác
bauxite, lấy aluminia (Al2O3) chuyển
xuống Ninh Thuận hay Bà Ria, lập nhà máy luyện Aluminium
(Al) ở một trong hai nơi này, xuất khẩu (chủ yếu sang Trung
Quốc) ở cảng mới tại mũi Kê Gà …
Dư án lớn thế này mà ít ai biết, cho đến
cách đây nửa năm khi công ty chủ là Công ty Than và Khoáng
sản Việt Nam mở Hội nghị tham khảo với các chuyên gia và sau
đó sửa soạn khởi công. Ngay cả Quốc hội cũng không mang ra
bàn.
Quá trình nghiên cứu, tham khảo, đánh giá
tác động, thẩm định, thông báo, lấy ý kiến trước khi có
quyết định, đã không được thực hiện nghiêm túc. Dự án khai
thác ở Nhân Cơ với công ty Trung Quốc có lẽ đã được định sẵn
và vì thế tất cả những đánh giá về tác động môi trường, lợi
ích kinh tế, ảnh hưởng văn hóa dân tộc Tây Nguyên, an ninh
quốc gia... chỉ là những yếu tố ngoại vi đã bị để ngoài tai.
Vì Việt Nam không có tòa án môi trường
(Environment Court) và không có tổ chức phi chính phủ bản
địa nào đủ mạnh để, dựa theo luật pháp, mang vấn đề ra, xem
xét lại quyết định dự án bauxite ở Tây Nguyên (các tổ chức
phi chính phủ nước ngoài, theo tôi nghĩ, họ do dự và không
muốn xen vào).
Việc cần, theo tôi lúc này, ngoài việc
lên tiếng phản ảnh, nghiên cứu, phân tách cho rõ, như nhiều
người đã làm ở trong và ngoài nước, là vận động để Quốc hội
mang ra bàn, với hy vọng chính phủ xem xét lại. Cũng mong
rằng chính phủ lắng nghe và từ bài học này tạo ra một quá
trình đổi mới thông suốt hơn, như công bố các bản báo cáo
đánh giá tác động môi trường (EIA) và nếu mạnh dạn, thì lập
ra một "trọng tài" độc lập : một tòa án môi trường chuyên
biệt để thực thi luật môi trường.
Nếu không thì sau này lại sẽ có những sự
việc tương tự tái diễn, và chúng ta lại sẽ tiếp tục phản ảnh
kêu gọi để chính phủ lắng nghe và sửa đổi.
Đối với chính phủ, thì việc lập ra một
toà án môi trường sẽ chỉ có lợi, vì tránh được những khúc
mắc đau đầu : những quyết định khó khăn nhất sẽ được "khoán"
cho một tổ chức tư pháp phán xét và giải quyết công minh, và
do đó giải toả được mọi sức ép từ bên ngoài. Một nước mà
trong đó người dân không cảm thấy luật pháp được thực thi
đứng đắn, thì nước đó sẽ có những mầm mống bất an và sẽ đánh
mất sự tự trọng.
Nguyễn Đức
Hiệp
Phụ Lục:
Điều 18 - Luật bảo vệ môi trường ở
VN (1993)
(http://www.nea.gov.vn/luat/toanvan/Luat_
BVMT.html);
Điều 18 - Tổ chức, cá nhân khi xây dựng, cải tạo vùng
sản xuất, khu dân cư, các công trình kinh tế, khoa học, kỹ
thuật, y tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ dự án
đầu tư của nước ngoài, hoặc liên doanh với nước ngoài, chủ
dự án phát triển kinh tế - xã hội khác phải lập báo cáo đánh
giá tác động môi trường để cơ quan quản lý Nhà nước về bảo
vệ môi trường thẩm định.
Kết quả thẩm định về báo cáo đánh giá tác
động môi trường là một trong những căn cứ để cấp có thẩm
quyền xét duyệt dự án hoặc cho phép thực hiện.
Chính phủ quy định chi tiết việc xây dựng
và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và có quy
định riêng đối với các cơ sở đặc biệt về an ninh, quốc phòng
nói tại Điều 17…
Quốc hội xem xét, quyết định đối với dự
án có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Danh mục dự án loại này
do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Luật bảo vệ môi trường (1993) được
điều chỉnh lại năm 2005 :
(http://www.chatthainguyhai.net/luatBVMT_
index.htm)
Điều 18 - Đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động
môi trường.
1. Chủ các dự án sau đây phải
lập báo cáo đánh giá tác động môi trường :
a) Dự án công
trình quan trọng quốc gia ;
b) Dự án có sử
dụng một phần diện tích đất hoặc có ảnh hưởng xấu đến khu
bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, các khu di tích lịch sử
- văn hoá, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được xếp
hạng ;
c) Dự án có
nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven
biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ ;
d) Dự án xây
dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công
nghệ cao, khu chế xuất, cụm làng nghề ;
đ) Dự án xây
dựng mới đô thị, khu dân cư tập trung ;
e) Dự án khai
thác, sử dụng nước ngầm, tài nguyên thiên nhiên quy mô lớn
;
g) Dự án khác
có tiềm ẩn nguy cơ lớn gây tác động xấu đối với môi trường.
2. Chính phủ quy định danh mục
các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Điều 19 - Lập báo cáo đánh giá tác
động môi trường :
1. Chủ dự án quy định tại Điều
18 của Luật này có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động
môi trường, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Báo cáo đánh giá tác động
môi trường phải được trình bày đồng thời với báo cáo nghiên
cứu tính khả thi của dự án.
©
http://vietsciences.free.frr
và http://vietsciences.org
Nguyễn Đức Hiệp
|