Việc cải thiện vệ sinh môi trường công cộng

Vietsciences- Võ Ngọc Phước              29/09/2010

 

Những bài cùng tác giả



Vệ sinh môi trường công cộng, như ai cũng có thể nhận thức, không những là một biểu đồ về trình độ văn hóa sinh hoạt và văn minh của một xã hội, mà còn là một biện pháp căn bản để ngăn ngừa sự phát sinh và lan truyền của các căn bệnh truyền nhiễm trong mục tiêu bảo vệ sức khoẻ người dân. Vì vậy, tại các nước dã thoát khỏi tình trạng chậm tiến, việc bảo vệ vệ sinh môi trường thường được thực thi một cách qui mô thông qua các phương thức và qui định hợp lý được hợp ý giữa người dân và chính quyền địa phương sở tại.

Về tính cách biểu đồ cho trình độ văn hóa sinh hoạt và văn minh của một xã hội, người ta có thể nói đến sự ngỡ ngàng nếu phải chứng kiến tình trạng hành xử mất vệ sinh của một số người trong xã hội hay cơ sở hoạt động ảnh hưởng xấu đến môi trường công cộng hay tình trạng thiếu thốn các nhà vệ sinh hay các phương tiện hợp lý để xử lý vệ sinh các nguồn chất thải; trong khi đó lại có sự nguy nga phung phí quá sức ở các dinh thự, khách sạn, cơ sở cao cấp. Sự mâu thuẫn tạo ra khác biệt quá sức ở phương diện này thường là một đặc điểm chung ở các xã hội chậm tiến cần phải được cải thiện tự căn bản để có thể cải thiện lành mạnh bộ mặt xã hội.

Về tính cách bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng dân chúng, người ta nhận thấy trước hiểm họa của các dịch bệnh truyền nhiễm luôn luôn có thể xảy ra, đe dọa sức khỏe và sinh mệnh người dân, sự mất vệ sinh ở môi trường công cộng sẽ tạo điều kiện cơ sở để phát sinh và lan truyền các dịch bệnh cho người và thú vật trong môi trường sinh hoạt chung quanh. Hậu quả của sự việc này là người dân cùng gia đình thân quyến sẽ phải đối mặt và gánh chịu các dịch bệnh hiểm nghèo, và chính quyền sở tại cũng phải bị tổn thất về phương diện kinh tế do sự suy giảm nguồn lực lao động và các kinh phí to lớn phải chi trả cho việc phòng chống, trị liệu và hoạt động của các cơ sở y tế liên quan.

Do đó, nếu phía người dân hay cơ sở trong khu vực chưa có đầy đủ ý thức về phương diện bảo vệ vệ sinh công cộng này thì nhà nước và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm vận động truyền bá và củng cố ý thức này, nhưng cũng phải cùng với người dân tìm ra các phương thức hợp lý và hợp điều kiện kinh tế người dân để cùng nhau thực thi việc bảo vệ vệ sinh này từ phía cư trú hay cơ sở ra đến môi trường công cộng. Nguyên tắc “ tham gia cộng đồng ” về phương diện này chắc chắn sẽ có sự hưởng ứng rộng rãi từ phía người dân, nếu không thì những qui định đưa ra từ phía chính quyền sẽ khó thực hiện mà có thể trở thành vô ích...

Vì vậy, trước hết về phương diện hành chính, nhà nước và theo đó chính quyền địa phương phải phân định các vùng dân cư để thực thi, chẳng hạn làm thành 3 khu vực gồm thành thị, ngoại ô và nông thôn, để từ đó cùng người dân địa phương bàn thảo và tìm ra các phương pháp hợp lý để áp dụng bảo vệ vệ sinh môi trường. Dĩ nhiên, trước hết phía chính quyền sở tại phải có các tài liệu và mẫu các thiết bị được trình bày cùng các tiêu chuẩn, phương cách vận hành và kinh phí liên quan để người dân được thông hiểu cặn kẽ mà quyết định.

Về nguồn vật chất ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường công cộng, người ta nhận thấy phải chú trọng đến việc bảo vệ an tòan vệ sinh ở môi trường không khí, đất đai và các nguồn nước trên mặt đất ( surface water ) như ao, hồ, rạch, sông, biển và nguồn nước ngầm ( underground water )., mà tại các nước tiên tiến, nhà nước có trách nhiệm chính yếu trong nhiệm vụ đặt ra các tiêu chuẩn khả thi, các qui định bao gồm các cách thức kiểm tra và hình phạt ở từng khu vực để thực thi việc này một cách hiệu quả.

Tại 3 khu vực trên, ở đơn vị gia cư, việc thu gom và xử lý phế thải rắn ( solid waste ), tiêu chuẩn hóa việc xây cất nhà vệ sinh ( standard toilet ) và cách xử lý nước thải sinh hoạt ( sewage ) sẽ được qui đọnh một cách hợp lý. Ở mặt chính quyền, ngoài việc xây cất và bảo quản hệ thống cống rạch và các nhà vệ sinh công cộng, việc xử lý nước thải ( waste water treatment ) cũng như xử lý phế thải nhà vệ sinh ( toilet waste treatment ) cũng sẽ phải được hợp ý giữa ngườI dân và chính quyền sở tại.. Ngoài ra, do tính cách nghiêm trọng đối với môi trường vệ sinh công cộng, người ta nhận thấy cần phải có các qui định riêng cho các khu vực đặc biệt như các cơ sở xử lý phế thải, lò làm thịt cá, chợ bến, bệnh viện, nhà máy, các viện nghiên cứu lý hóa hay vi sinh vật vv…để có thể kiểm tra các ảnh hưởng đến môi trường chung quanh từ các cơ sở đặc biệt này.

Như trên đã nói đến, nguyên tắc tham gia cộng đồng là căn bản để thực thi bảo toàn vệ sinh môi trường công cộng một cách hữu hiệu, vớn là một vấn đề phức tạp, cho nên sự áp đặt từ phía chính quyền trong việc thực thi một biện pháp mà thiếu sự hưởng ứng của người dân thì sẽ khó có được hiệu quả.. Chẳng hạn việc thu gom và xử lý ở khu vực nông thôn có thể thực thi bởi từng nhà, ở khu vực ngoại ô thì tuỳ theo điều kiện vị trí bởi từng nhà hay khóm, và ở khu vực thành thị thì có thể là do chính quyền địa phương hay ủy thác cho một công ty tư nhân đảm nhận thực thi.

Vì vậy về việc xử lý phế thải rắn, chính quyền địa phương và dân chúng cần phải cùng nhau hợp ý để qui định viêc phân loại phế thải rắn cũng như việc thu hồi tái sử dụng ( recycling ) để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên trước khi thu gom đem đi xử lý ở nhà máy đốt phế thải ( incinerator ). Hơn nữa, trước việc khói bụi phát sinh từ các nhà máy đốt phế thải cho thấy có hàm chứa chất độc dioxin, hai bên cũng phải cùng nhau xem xét kỹ càng vị trí xây dựng và phương cách vận hành cơ sở xử lý đốt phế thải hầu có thể bảo vệ môi trường vệ sinh chung quanh.

Về việc xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải từ nhà vệ sinh, ở các khu vực gia cư cũ của một số nước ở Đông Nam Á, tại các khu gia cư đã có từ hàng trăm năm trước và ngay cả tại một số gia cư mới được xây cất gần đây, hệ thống hầm rút nước thải ( septic tank ) cũng như phương thức xây cất nhà vệ sinh có hầm cầu đã rất phổ biến. Các hầm rút nước thải này, cũng như các hầm cầu của nhà vệ sinh, nếu mặt đáy không được tráng kín ximăng kỹ càng hay có khiếm khuyết khi xây cất hay tráng kín hay hư hỏng vì hoạt động lâu năm thì sự thẫm thấu ( infiltration ) các chất phế thải chắc chắn sẽ gây ra ô nhiễm lâu dài cho đất đai và mạch nước ngầm ( underground water ) bên dưới.

Vấn đề này là một thực tế đang gây ô nhiễm trầm trọng, nhất là đến mạch nước ngầm bên dưới, mà chính quyền lâu nay không muốn đề cập xem xét đến, nay cần phải được từng địa phương xem xét cẩn thận để từ đây có thể tránh sự ô nhiễm đất đai và mạch nước ngầm gây nguy hại đến sức khoẻ người dân. Ở khu vực nông thôn và ngoại ô, theo điều kiện vị trí, việc xây dựng hầm biogas theo tiêu chuẩn có thể khả thi cho nên cần được khuyến khích và hỗ trợ. Nhưng ở khu vực thành thị, nếu do điều kiện phải duy trì các hầm rút nước thải và nhà vệ sinh có hầm cầu đã xây cất trước đây, thì chính quyền địa phương phải có lịch trình và bản đồ địa điểm để kiểm tra hàng năm. Hoạt động của các xe hút hầm như giờ giấc, cách thức gìn giữ vệ sinh và cách xử lý các chất thải thu gom cũng phải được qui định rõ ràng.

Cũng ở việc xử lý nước thải sinh hoạt ( waste water treatment ) và xử lý chất thải nhà vệ sinh ( toilet waste treatment ), thì trước nhất cần phải có qui định để triệt bỏ tập quán xử lý thiên nhiên ( natural treatment ) như cách đặt để các phế thải ở các khu vực đất trống hay tải trực tiếp ra sông, biển lân cận. Qui định về hình phạt các vi phạm phải được áp dụng khắt khe triệt để. Như vậy, không phải vì do tình trạng ưu đâi phát triển công nghiệp mà có thể bỏ quên vấn đề vệ sinh môi trường công cộng. được. Việc xây dựng và vân hành các nhà vệ sinh công cộng và các máy xử lý nước thải ở từng địa phương, trên nguyên tắc, phải do chính quyền ( sở vệ sinh ) đảm nhận; nhưng trong trường hợp đặc biệt, cũng có thể uỷ thác cho công ty tư nhân đảm nhận với sự giám thị của địa phương.

Về phương diện công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt và phế thải nhà vệ sinh. Trong hiện tại, tại các nước tiền tiến, hệ thống xử lý tập trung chung ( collective treatment ) đang được rộng rãi áp dụng để đưa trực tiếp hai loại thải này từ khu vực gia cư vào một hệ thống ống cống chung để tập trung làm sạch tại nhà máy xử lý ( waste treatment plant ). Việc xây dựng và vận hành hệ thống kỹ thuật công nghệ cao này sẽ đòi hỏi người dân đóng góp các kinh phí liên quan. Tuy là một công nghệ cao cho việc xử lý vệ sinh, nhưng ngoài vấn đề kinh phí to lớn để xây dựng, việc vận hành và bảo trì qui mô cũng cần phải nên cân nhắc kỹ càng các điều kiện địa hình, các cấu trúc cơ sở hiện trạng để tránh việc thực thi thất bại, nhất là khi không thể áp dụng đồng bộ do tính cách khác biệt ở điều kiện hạ tầng cơ sở.

Vì vậy, việc áp dụng các phương thức và biện pháp để cải thiện vệ sinh môi trường công cộng cần phải tuỳ thuộc vào điều kiện cơ bản của từng khu vực và sự hợp ý của người dân. Theo đó, tuỳ theo điều kiện của từng địa phương mà phương thức và biện pháp thực thi có thể có phần khác nhau, không nhất thiết phải áp dụng các phương thức quá tốn kém hay các biện pháp qúa khắt khe vượt quá khả năng của người dân.

Về phạm vi hạ tầng cơ sở, người ta nhận thấy nên chú trọng việc xử lý ô nhiễm vệ sinh môi trường ở địa điểm xác định (point pollution treatment) trước tiên, hơn là việc xử lý ô nhiễm vệ sinh môi trường có vị trí không đặt định (nonpoint pollution treatment) như ô nhiễm ở đồng ruộng, đồi núi, sông hồ…, vì có những yếu tố lợi điểm là vừa dể dàng thực hiện dựa vào sự ô nhiễm tập trung ở một phạm vi hẹp, vừa có thể đạt được một hiệu quả nhanh chóng trước mắt đáp ứng cho điều kiện sinh hoạt ở các vùng dân cư địa phương.. Mang tính cách qui mô phạm vi quá rộng lớn, việc xử lý ô nhiễm vệ sinh môi trường có vị trí không xác định, tuy khó khăn và đòi hỏi nhiều kinh phí để thực hiện, nhưng cũng phải được thực thi trong một tương lai sau đó.

Việc cải thiện vệ sinh môi trường công cộng, vì vậy, có ý nghĩa là vừa nâng cao mức sống ( quality of life ) của người dân, mà cũng là vừa nâng cao trình độ văn hóa văn minh của một nước. Và vì đây cũng là một vấn đề, tuy có phần phức tạp trong thực hiện, nhưng mang tính cách trách nhiệm của chính quyền trong việc bảo vệ sức khoẻ người dân, cho nên cũng cần phải được ý thức như một vấn đề xã hội căn bản và cấp thiết để thực hiện với sự hợp tác của người dân với chính quyền địa phương để cho việc thực thi có được hiệu quả.

VNP

 

 

         ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Võ Ngọc PHước