Xuất Nhập khẩu năm 2008: bức tranh đầy hứa hẹn ?

Vietsciences-Hồng Lê Thọ    05/07/2008

 

Những bài cùng tác giả
 

    Tác động của WTO có ý nghĩa tinh thần hơn là mang tính đột phá… chỉ mới tạo tiền đề cho những năm sau…

(Trần Xuân Giá, nguyên BT bộ KHDT)


Nhập siêu ngày càng tăng


Năm 2007 vừa kết thúc, cán cân mậu dịch của nước ta nghiêng hẳn về phía nhập siêu, lên tới 12,45 tỷ USD trong khi tổng kim ngạch thương mại cán mức 110 tỷ USD. Khoản nhập siêu nầy chiếm 25,72% so với kim ngạch xuất khẩu năm 2007, tăng 160% so với năm 2006. Động thái nầy đã bắt đầu những năm trở lại đây cho thấy nền kinh tế ngoại thương của VN ngày càng có xu thế lệ thuộc vào nông hải thuỷ sản, nguyên liệu khoáng sản khai thác và cơ cấu xuất khẩu lấy nguồn nguyên vật liệu nước ngoài để gia công lắp ráp; kim ngạch xuất khẩu càng tăng thì nhập siêu càng lớn và qua một năm tham gia vào WTO thì càng rõ nét hơn bao giờ.

Nhu cầu của nền kinh tế phát triển theo tốc độ cao bắt buộc Việt Nam phải mua sắm nguyên vật liệu sản xuất hàng hoá phục vụ nội địa và xuất khẩu (34,1 tỷ USD chiếm79,6%) thiết bị, máy móc chế tạo lẫn các phương tiện giao thông vận tải như Máy bay vận chuyển hành khách,đầu máy xe lửa,thiết bị lọc, hoá dầu( 8,3 tỷ USD chiếm 17,27%)…đã đành nhưng việc nhập khẩu loại hàng hoá xa xỉ như ô tô nguyên chiếc—có cái lên tới triệu USD—ào ạt, hàng hiệu …với tương đương 3-10% tổng kim ngạch nhập khẩu, ở mức 2-6 tỷ USD là điều bất thường. Phải chăng chung ta quá nôn nóng trong việc thực hiện giảm, bỏ hàng rào thuế quan trong lộ trình cam kết khi tham gia WTO, muốn chứng tỏ mình là thành viên quá đỗi tích cực gương mẫu, không tính toán đến những tác hại bất lợi cho cán cân thương mại nói riêng và tình hình kinh tế nói chung ? TS Trịnh Minh Anh(Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế) đưa ra nhận xét đáng suy gẫm, rằng “Nếu đánh giá một cách chính xác thì kinh tế VN năm 2007 chịu tác động của 4 kênh (ASEAN,ASEM,APEC và WTO) đặc biệt là việc giảm thuế, trong khi nhiều cam kết giảm thuế với WTO phải đến 7 năm nữa mới có hiệu lực, thì từ ngày 1/1/2006 khoảng trên 96% của tổng số 10,689 dòng thuế của VN đã có thuế xuất nhập khẩu ở mức 0-5%( mức thuế bình quân trong ASEAN từ thời điểm đó đã là 4,7% trong khi mức thuế bình quân trong WTO phải đến năm 2014 mới là 13,4%. Vì vậy trong hai năm 2006-2007 nước ta nhập siêu với tốc độ cao trong khi WTO không cấm chúng ta mở cửa rộng , nhanh như vậy. Qua đó chúng ta có thể thấy được hiện tượng nhập siêu không phải là hệ quả của việc tham gia vào WTO mà do cấp quản lý vĩ mô của nước ta thiếu hẳn sự tính toán, nghiên cứu mặt cần và không cần một cách đúng đăn, điều tiết xuất-nhập không cân đối như đã thể hiện qua con số nêu trên. Mặc dù kim ngạch nhập siêu nầy đã được lượng kiều hối tương đương với 6 tỷ USD và 2 tỷ USD thu nhập từ xuất khẩu lao động cứu vãn, bù đắp thâm hụt kịp thời nhưng không phải là điều tích cực vì với 8 tỷ USD của hai nguồn nầy sẽ phát huy hiệu quả to lớn và lâu dài nếu chúng ta huy động vào việc cải tiến qui trình công nghệ, xây dựng cơ sở sản xuất phụ liệu, phụ gia cho những mặt hàng xuất khẩu dựa vào nhập khẩu quá lớn như Giày da, Dệt may, Sản phẩm gỗ, hàng điện tử và linh kiện máy tính… là những mặt hàng XK trong câu lạc bộ 1 tỷ USD. Đó là chưa kể đến hàng chục tỷ USD khác từ các nguồn vốn ODA, FDI tràn vào VN khiến chúng ta cảm thấy mình “giàu có”, dư vốn ngoại tệ trong lưu chuyển tiền tệ mà quên rằng đây là một thói quen ăn xài vô lý của con nhà nghèo khi cảm thấy mình đang “ăn nên làm ra”.Trong khi đó, giá bất động sản tăng vọt, cơ sở hạ tầng bị quá tải, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng kéo dài, nạn ngập úng, giao thông tắc nghẽn ở thành phố lớn trở nên phổ biến…là thực tế đang trở thành những nhân tố làm giảm sự hấp dẫn đầu tư nước ngoài, có thể đưa đến việc đánh mất cơ hội để bức phá và phát triển bền vững nếu không được cải thiện kịp thời.
 

Nghịch lý trong phát triển

Con số thực thi 90% vốn FDI cam kết trong năm 2000 tụt xuống 40% năm 2006 và 28% năm 2007(đăng kí 20,3 tỷ USD nhưng thực hiện chỉ đạt 4,6 tỷ USD) thể hiện tình trạng nầy, nghĩa là khách đến thăm nhà, hứa hẹn thì nhiều nhưng vẫn đứng ngay ở cửa, chưa dám bước vào vì có quá nhiều rủi ro. Liệu nguồn vốn FDI và vốn ODA trị giá 5,4 tỷ USD năm 2008 với tỷ lệ thực hiện được nhích lên hay tiếp tục tụt dốc vì giải ngân không kịp tiến độ là nỗi lo lắng của TS Lê Đăng Doanh cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác.

TS Trần đình Thiên mô tả tình hình kinh tế của nước ta trong năm 2007 gồm hai tuyến kỉ lục đối nghịch, ngược chiều nhau đầy nghịch lý đan xen, rằng” tuyến thứ nhất gồm những kỉ lục được ghi nhận là tích cực, đáng khích lệ như tốc độ tăng trưởng GDP (8,43%) kim ngạch ngoại thương, lượng FDI và ODA, lượng ngoại tệ dự trữ bổ sung(9 tỷ USD) v..v…Tuyến thứ hai gồm các kỉ lục tiêu cực mang tính cảnh báo nguy cơ như chỉ số lạm phát, thâm hụt thương mại(nhập siêu), tốc độ giải ngân xây dựng cơ bản chậm, sốt giá đất đai và bất động sản, dịch bệnh, thiên tai…” cho thấy không những khả năng điều tiết vĩ mô còn quá yếu, động thái cải thiện một cách căn bản cơ cấu XK chưa thấy rõ mặc dù tăng trưởng khá cao, hiện nay chỉ khai thác những gì đang có(tài nguyên,nông sản,sản phẩm thô, thuỷ hải sản,dầu mỏ, khoáng sản..)và cơ cấu lao động gia công khổng lồ trong ngành may mặc, giày da , chưa tiến lên XK những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn vì vậy tính cạnh tranh của nền kinh tế không đáng kể, hàm chứa nhiều khả năng rủi ro khi thị trường thế giới biến động, giá nguyên liêu đầu vào, nhập khẩu đắt đỏ (như phôi thép, thức ăn gia súc, chất dẻo…) đã tăng đột biến trong năm qua, đẩy cao kim ngạch nhập siêu vì trượt giá.

Điểm đáng lưu ý là các nhà đầu tư, tập đoàn công ty nhà nước và kể cả các đại gia tư nhân có khuynh hướng chạy theo tư duy “ăn xổi”, nhảy vào thị trường kinh doanh địa ốc, chứng khoán, đua nhau lên sàng “thổi” giá để kiếm lãi siêu ngạch, tạo ra những cơn sốt về giá đầy rủi ro, có khả năng rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng như hiện tượng kinh tế bong bóng mà chúng ta đã thấy ở nhiều nước khác khi thị trường tài chính, sân chơi đầy phiêu lưu, dễ dàng sụp đổ do thị trường chứng khoán nổi trôi mất giá, không lấy phát triển sản xuất trong nước làm nền tảng.

UNDP đã lên tiếng cảnh báo ” các doanh nghiệp lớn của VN đang thực hiện phong trào đầu tư vào bất động sản và chứng khoán, chưa ai quan tâm đến lĩnh vực đầu tư cốt lõi, làm cho sản xuất. kinh doanh thêm rủi ro và khó thực hiện…Trong công nghiệp cần định rõ số vốn thu hút được vào công nghiệp phụ trợ vì nó góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu cao và kiềm chế tốc độ tăng giá (CPI) trong những năm tới”. Những sản phẩm nội địa của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm,công nghiệp nhẹ…có thể thua ngay trên sân nhà một cách vô lý như tình trạng ngành chăn nuôi phải nhập gần 1 tỷ USD nguyên liệu Ngô và Bả đỗ tương cho thức ăn gia súc trong khi 50% thị phần nầy thuộc về các tập đoàn nước ngoài, còn việc nuôi trồng và thu hoạch Ngô trên cả nước thì đình đốn, bỏ bê! Liệu hiện tượng mua “củi chở về rừng” bằng ngoại tệ vẫn sẽ tiếp diễn ngày càng cao, thịt gà, heo,bò ngoại ngày càng chiếm lĩnh thị trường nội địa khi tình hình dịch bệnh kéo dài ?
 

Những con số của năm 2008 : tăng về số lượng nhưng về cơ cấu không thay đổi ?
 

Bộ Công thương đã công bố những chỉ tiêu sẽ phải đạt được theo tốc độ tăng trưởng GDP 9% trong năm 2008 với các hạng mục xuất khẩu đều giữ ở mức của năm 2007 như dầu thô(15 triệu tấn),Than đạt mức 700 triệu thay vì 900 triệu USD(giảm 37% về số lượng và 29% về giá trị), Nông-lâm-thuỷ sản(Gạo, cà phê,cao su…) duy trì ở mức 2007, riêng thuỷ sản tăng 13%, Dệt may đạt 9,5 tỷ USD(trở thành nhóm hàng XK lớn nhất thay cho dầu thô), Giày dép tăng nhẹ 4,5 tỷ USD, điện tử và linh kiện tăng 59% đạt 3,5 tỷ USD và dây và cáp điện tăng 32% đạt 1,3 tỷ USD. Như vậy về cơ cấu các mặt hàng chủ lực trong XK vẫn không có chuyển biến đáng kể mặc dù kim ngạch tăng, dự kiến là 58,6 tỷ USD và nhập khẩu lên đến 74 tỷ USD, tức nhập siêu sẽ tiếp tục lên cao hơn mức 2007, cán mức 15 tỷ USD. Nghịch lý vẫn tiếp tục mở rộng hay thu hẹp còn tuỳ thuộc diễn biến của tình hình hối đoái đồng USD, giá dầu và Vàng trên thị trường quốc tế, nếu đồng USD tiếp tục lạm phát cao, nền kinh tế Mỹ không ngăn chận được suy thoái thì mức “tăng” trên cơ sở tính toán bằng USD của nền kinh tế Việt nam không lấy gì sáng sủa, mà ngược lại đang có những dấu hiệu không lành mạnh trong những ngày đầu năm khi thị trường chứng khoán đua nhau rớt giá liên tục, giá vàng tăng sốt đến mức khủng khiếp và tình hình hàng hoá tiêu dùng tăng 30% trong những ngày giáp tết nguyên đán…Đây sẽ là những nút thắt làm tắt nghẽn tốc độ phát triển và tăng trưởng trong năm 2008.

Nạn lạm phát cao hơn mức tăng trưởng GDP đang đe doạ cuộc sống của những người có thu nhập thấp như ông Sandeep Chanchra thuộc Tổ chức Action Aid Quốc tế phát biểu “sự hội nhập thị trường đang tạo ra một xu thế là sẽ có hai tầng lớp khác nhau ở Viêt Nam. Một là những thế lực mới nổi, gồm các nhà tư bản(tạm gọi như vậy) nhà đầu tư chứng khoán và chủ doanh nghiệp. Hai là một bộ phận không có tiếng nói,dễ bị tổn thương, đại diện là cộng đồng dân cư nông thôn, người lao động làm công ăn lương và nông dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Đây cũng chính là ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hoá mà VN phải nổ lực giải quyết”. Thực tế nầy không cho phép chúng ta mất hướng trong hội nhập và phát triển mà nhập siêu trong cán cân thương mại là một trong những nhân tố tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo mở rộng hơn nữa chỉ vì hối hả chạy đua trên một “sân chơi” không cân sức và đầy cám dỗ.



Hồng lê Thọ

1/2008



BOX 1:

Cơ cấu nhập khẩu năm 2007


Giá trị(triệu USD) So với năm 2006(%) XK tăng(%)

_________________________________________

Khu vực kinh tế trong nước 39,218 138.1 21

Khu vực kinh tế có vốn

đầu tư nước ngoài 21.612 131.0 18,1

_________________________________________

Tổng cộng 60.830 135


Nguồn: TS Nguyễn Hồng Nga (báo SGGP 10/1/2008)



BOX 2:

Cơ Cấu thị trường XK năm 2008


Châu Á 23,4 tỷ USD (tăng 17,9% so với năm 2007)

Châu đại đương 5,85 tỷ (tăng 19,4%)

Châu Âu 11,7 tỷ (tăng 22,5%)

Châu Mỹ 14,6 tỷ (tăng23,2%) riêng Hoa Kỳ là 13,1 tỷ(tăng 28%)

Châu Phi-Tây nam á 3,05 tỷ(tăng 64,9%)



Box 3.

Kim ngạch 3 nước VN nhập siêu cao nhất



1.Trung quốc 7 tỷ USD(kim ngạch nầy còn có thể cao hơn vì 75% hàng hoá nhập khẩu từ TQ là mậu biên, khó có thể thống kê đầy đủ vì nạn cửu vạn không thông qua Hải quan)

2. Đài loan 5 tỷ USD

3. Hàn quốc 3,5 tỷ USD


( Ước tính theo Vn Economy) Nguồn: công bố của Bộ Công thương 12/2007
 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Th