Vietsciences-
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
06/06/2009
Những bài cùng tác giả
Những diễn biến ở VN gần đây có nhiều dấu hiệu đặc biệt, như ngân
hàng thương mại lại chạy đua lãi suất huy động tiền đồng VN, thị
trường chứng khoán tăng điểm mạnh.
AFP photo
Các ngân hàng thương mại chạy đua lãi
suất huy động tiền đồng VN
Chạy đua lãi xuất huy động tiền đồng VN
Nam Nguyên phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc
lập ở Hà Nội, trước hết về sự kiện các đợt phát hành trái phiếu
chính phủ năm 2009 bị thất bại không thu hút người mua , TS Lê
Đăng Doanh nhận định:
Hiện nay lãi suất huy động tiền đồng VN đang ở mức cao, cho
nên sức hút huy động vốn ở các ngân hàng và sức hút ở các thị
trường khác, so với lãi suất lợi nhuận mà người ta có thể đạt
được khi mua trái phiếu chính phủ, có vẻ như chưa được khuyến
khích.
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi sự kiện đó liên quan tới việc lãi
suất chính phủ đưa ra so với mặt bằng lãi suất hiện nay đã được
tăng cao lên có lẽ chưa đủ khuyến khích các nhà đầu tư để họ tập
trung vào đấy.
Nhất là trong tình hình hiện nay thị trường chứng khoán hút
vốn rất mạnh, thị trường vàng thì giá đang lên, thị trường bất
động sản cũng đang ấm dần lên và các ngân hàng thì nâng cao lãi
suất huy động vốn.
Vì vậy lãi suất trái phiếu chính phủ đưa ra trong tình trạng
bị cạnh tranh rất gay gắt, như vậy cần tính toán mức lãi suất có
thể đủ hấp dẫn để có thể huy động được vốn.
Điều đáng chú ý là vốn huy động được bằng đồng đô la thì cao
hơn khá nhiều so với vốn huy động được bằng đồng VN, qua đó thấy
rằng nếu giảm lãi suất huy động đồng đô la như hiện nay thì cũng
hoàn có thể có được một đòn bẩy để thu hút trái phiếu.
Nhưng hiện nay lãi suất huy động tiền đồng VN đang ở mức cao,
cho nên sức hút huy động vốn ở các ngân hàng và sức hút ở các
thị trường khác, so với lãi suất lợi nhuận mà người ta có thể
đạt được khi mua trái phiếu chính phủ, có vẻ như chưa được
khuyến khích.
Nếu chính phủ không huy động được vốn thì những dự kiến tốt
đẹp của chính phủ sẽ khó có thể thực hiện được và mức bội chi
ngân sách tăng lên.Khi tình hình khó khăn, thì chỉ có một cách
là chính phủ phải phát hành thêm tiền để trang trải nhu cầu
tiêu dùng bức bách của ngân sách.
TS Lê Đăng Doanh
Mầm mống cho một cuộc lạm phát
Nam Nguyên: Thưa TS, tất cả những hiện tượng vừa nói theo
ông là có lành mạnh hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi ở đây đang có ẩn chứa mấy vấn đề,
thứ nhất lãi suất lại tăng lên cao, tức là làm cho giá của tiền
vốn tăng cao và cuối cùng điều đó sẽ thể hiện trên giá của các
sản phẩm thôi.
Bởi vì ngân hàng và doanh nghiệp thì không thể nào chịu lỗ
được, họ dồn sự lỗ đó vào cho người tiêu dùng để thanh toán.
Vì vậy mặt bằng giá của VN sẽ lại cao lên và điều thứ hai
nữa, nếu chính phủ không huy động được vốn thì những dự kiến tốt
đẹp của chính phủ sẽ khó có thể thực hiện được và mức bội chi
ngân sách tăng lên.Khi tình hình khó khăn, thì chỉ có một cách
là chính phủ phải phát hành thêm tiền để trang trải nhu cầu tiêu
dùng bức bách của ngân sách.
Đấy là điều không tốt đối với nền kinh tế thị trường, VN đã
có nhiều năm kinh nghiệm về những biện pháp như vậy và hết sức
nguy hiểm là để lại những di hoạ về sau, tức là lạm phát sẽ tăng
lên.
Tăng giá ở bên ngoài thì nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên
ngay lập tức không thể nào trì hoãn được. Vì hiện nay Việt Nam
phải nhập khẩu 100% GDP, nhập khẩu xăng dầu, phân bón, sắt
thép, chất dẻo v..v.. để tiếp tục sản xuất và chế biến, nhưng
xuất khẩu của Việt Nam thì không tăng lên được ngay.
TS Lê Đăng Doanh
Một cuộc lạm phát khó tránh khỏi
Nam Nguyên: Thưa, như ông đánh giá thì Việt Nam khó có thể
đưa tỷ lệ lạm phát về mức một con số ?
TS Lê Đăng Doanh: Gần đây chính phủ có đề nghị giảm chỉ tiêu
lạm phát còn 6%. Tôi rất mong muốn, kỳ vọng là chỉ tiêu đó sẽ
thành hiện thực. Nhưng những diễn biến gần đây cho thấy rằng
nguy cơ phải đối diện một cuộc lạm phát mới hiện nay ngày càng
lộ rõ.
Và cần hết sức tránh kịch bản là sự trùng hợp, một sự cộng
hưởng rất là bất hạnh giữa chính sách tài chính tiền tệ mở rộng
như hiện nay: là tăng thêm tín dụng, bơm thêm phương tiện thanh
toán ra thị trường, trong đó có nguyên nhân do gói kích thích
kinh tế của VN liên quan đến việc cấp tín dụng với lãi suất ưu
đãi, lại trùng hợp với việc tăng giá dầu tăng giá nguyên vật
liệu như phân bón như chất dẻo như sợi, như thuốc trừ sâu….
Lúc bấy giờ rất có khả năng đến khoảng quí 3, Việt Nam phải
đối mặt với một cuộc lạm phát mới, do có hai nhân tố là chính
sách tiền tệ nới lỏng ở trong nước cộng với tác động của việc
tăng giá ở bên ngoài.
Tăng giá ở bên ngoài thì nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên
ngay lập tức không thể nào trì hoãn được. Vì hiện nay Việt Nam
phải nhập khẩu 100% GDP, nhập khẩu xăng dầu, phân bón, sắt thép,
chất dẻo v..v.. để tiếp tục sản xuất và chế biến, nhưng xuất
khẩu của Việt Nam thì không tăng lên được ngay.
Vì giá của xuất khẩu không thể dễ dàng tăng lên được do sức
ép cạnh tranh. Thứ hai nữa là nhu cầu đối với các mặt hàng xuất
khẩu của Việt nam không thể tăng nhanh được.
Vì thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên
Minh Châu Âu EU, Nhật Bản và các nước Asean vẫn ở trong tình
trạng suy thoái, hoặc chỉ hồi phục rất chậm chạp.
Cho nên nguy cơ lạm phát, có thể đi kèm theo với nguy cơ mất
cân đối xuất nhập khẩu tăng lên và mất cân đối cán cân thanh
toán quốc tế cũng tăng lên.
Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã dành thì giờ cho
đài RFA.