Mở đầu
Kinh tế Việt Nam đang đứng
truớc một khúc ngoặt. Những khó khăn hiện nay như lạm phát ở mức
cao, cán cân thanh tóan quốc tế và ngân sách thâm hụt nặng có
thể được giải quyết tạm thời bằng một số biện pháp mạnh, bằng
việc thực thi quyết liệt các biện pháp đó trước nguy cơ bất ổn
xã hội. Nhưng ở đây tôi muốn bàn về một vấn đề lâu dài hơn, đó
là tính chất của giai đọan phát triển sắp tới. Nếu chúng ta muốn
giai đọan sắp tới phải là giai đọan tăng truởng bền vững
(sustained growth)
[1]
thì hiện nay phải xây dựng những tiền đề về cơ chế, chính sách,
chiến lược như thế nào? Tăng truởng bền vững được thực hiện cũng
có nghĩa là những biến động vĩ mô trầm trọng như hiện nay sẽ
không xảy ra, do đó vấn đề sắp bàn cũng có liên quan đến những
nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng hiện nay mặc dù đây
không phải là tiêu điểm của bài viết.
Bài
viết nầy xuất phát từ một số nhận xét, suy nghĩ về hiện thực
Việt Nam, về kinh nghiệm các nước và về các gợi ý từ lý thuyết
liên quan đến các giai đọan phát triển kinh tế, cụ thể như sau:
Thứ
nhất, Việt Nam tăng truởng khá cao trong một thời gian tương đối
dài. Thu nhập bình quân đầu người sắp vượt ngưỡng cửa 1000 USD,
các chỉ tiêu về đói nghèo đã được cải thiện nhiều. Việt Nam cũng
đưa ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành một nước công nghiệp.
Thời gian từ khi thực hiện đổi mới thực sự (1989) cho đến nay có
thể xem là một giai đọan (trên căn bản thóat khỏi nguy cơ đói
nghèo) và từ nay trở đi là một giai đọan khác về chất, giai đọan
hướng đến việc phát triển bền vững. Vậy giai đọan khác về chất
nầy có nội dung như thế nào?
Thứ
hai, theo kinh nghiệm phát triển của các nước, có nhiều nước
phát triển trong thời gian khá dài, và trên căn bản đã thóat
khỏi nguy cơ đói nghèo nhưng sau đó trì trệ và tụt hậu (như
Philipiines, Indonesia), nhưng cũng có nhiều nước sau đó phát
triển bền vững và trở thành hoặc ở ngưỡng cửa của nước công
nghiệp tiên tiến (như Hàn Quốc, Đài Loan,…). Vậy hiện tượng nầy
cần được giải thích ra sao?
Thứ
ba, về mặt lý luận, quá trình phát triển
kinh tế có thể chia thành nhiều giai đọan và có nhiều cách phân
chia tùy theo góc độ phân tích, mỗi giai đọan có một số đặc
tính cơ bản và các đặc tính đó lại liên quan mật thiết với hệ
thống các cơ chế (institutions).
[2]
Cơ chế ở đây được định nghĩa là các luật chơi (rules of the
games) gồm những thể lệ có tính cách pháp lý hoặc những chính
sách, những quy định của nhà nước làm nền tảng cho họat động của
các tác nhân trong nền kinh tế (như doanh nghiệp, lao động,…).
Trong quá trình phát triển kinh tế, giai đọan sau được thực hiện
do những tiền đề cơ bản về cơ chế đã được chuẩn bị từ giai đọan
trước và hòan thiện ở giai đọan sau.
Mấy
nhận xét trên đây sẽ giúp lập một khung phân tích để làm rõ điều
kiện để Việt Nam phát triển bền vững trong giai đọan tới. Tuy
nhiên bài viết không thể bàn hết các vấn đề mà chỉ xoay quanh
vào yếu tố cơ chế (institutions) và sự liên hệ của cơ chế đến
chính sách và chiến lược để có phát triển bền vững. Giả thuyết
trung tâm của bài viết là trong giai đọan đổi mới, các cơ chế,
chính sách cần thiết tương đối đơn giản, nhưng để có phát triển
bền vững ở giai đọan tiếp theo, phải có cơ chế ở thứ nguyên cao
hơn, tạm gọi là cơ chế chất lượng cao (high quality
institutions). Tiết I dưới đây sẽ phân tích điểm nầy về mặt lý
luận. Tiết II sẽ bàn qua kinh nghiệm phát triển của một số nước
để thấy rõ hơn các tiền đề về cơ chế, chính sách cho giai đoạn
phát triển bền vững. Tiết III đánh giá quá trình đổi mới của VN
về mặt cơ chế và bàn về điều kiện để có phát triển bền vững
trong giai đọan tới.
I. Hai
giai đọan phát triển kinh tế và các cơ chế, chính sách tương ứng
Trước hết cần nói thêm về
thuật ngữ cơ chế. Cơ chế được định nghĩa như trên đây có vai trò
quan trọng trong phát triển kinh tế vì các lý do sau: thứ nhất,
họat động kinh tế thường đi liền với sự bất xác định nên đầu tư
dễ gặp rủi ro; cần xây dựng cơ chế để giảm sự bất xác định, hạn
chế rủi ro, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển. Thứ hai,
tùy theo cơ chế xấu hay tốt có thể làm nản chí hoặc khuyến khích
hành động của các tác nhân kinh tế (doanh nghiệp, lao động,…).
Thứ ba, sự phân công xã hội càng cao, sự hội nhập với thế giới
càng sâu rộng thì chi phí giao dịch (transaction costs) giữa nhà
nước với doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa
doanh nghiệp/nhà nước với các cá nhân trong xã hội càng cao. Cần
có cơ chế tốt để giảm chi phí giao dịch, hiệu suất hóa họat động
sản xuất, kinh tế sẽ phát triển nhanh. Vì các lý do nầy, vấn đề
cơ chế trở thành đề tài trung tâm trong nghiên cứu về kinh tế
phát triển từ thập niên 1990.
[3]
Cơ chế có thể chia làm 4 lọai: công, tư, chính thức và phi chính
thức.
[4]
Ở đây ta chỉ bàn đến cơ chế công và cơ chế chính thức là các
lọai cơ chế do nhà nước xây dựng, vì vậy có ý nghĩa quan trọng
trong quá trình phát triển. Có thể nói, kinh tế càng phát triển,
cơ chế chính thức thay thế dần cơ chế phi chính thức (chẳng
hạn, bảo hiểm thất nghiệp hay bảo hiểm sức khỏe thay thế cho sự
tương thân tương trợ trong cộng đồng), và cơ chế tư (chẳng hạn
việc hình thành các hiệp hội doanh nghiệp) ngày càng xuất hiện.
Vậy
nhà nước cần chủ động xây dựng cơ chế như thế nào để thúc đẩy
kinh tế phát triển? Chất lượng của cơ chế tương ứng với các giai
đọan phát triển kinh tế như thế nào?
Nền kinh tế của một nước phát triển qua nhiều giai đọan. Rostow
(1960) chia quá trình phát triển thành 5 giai đọan: xã hội
truyền thống, giai đọan chuẩn bị các tiền đề để cất cánh, giai
đọan cất cánh, giai đọan phát triển mạnh đưa đến sự thành thục
của nền kinh tế, và cuối cùng là thời đại tiêu thụ đại chúng.
Kuznets (1966) nhấn mạnh sự khác nhau về bản chất giữa hai giai
đọan tăng trưởng theo yếu tố truyền thống và giai đọan phát
triển hiện đại, Ngoài ra, còn nhiều cách khảo sát khác nữa, qua
đó có thể nhìn nhiều mặt khác của các giai đọan phát triển.
Chẳng hạn thay đổi về sự dịch chuyển lao động từ khu vực truyền
thống sang khu vực hiện đại, từ sự phát triển chủ yếu tăng đầu
vào (như tư bản, lao động) sang phát triển theo năng suất tổng
hợp dựa trên công nghệ, kỹ thuật, từ phân phối thu nhập bất bình
đẳng sang phân phối bình đẳng hơn, v.v..
Những lý luận, giả thuyết nầy có nhiều gợi ý hay, tùy theo văn
mạch ta có thể tham khảo, nhưng ở đây ta không thể đi xa và sâu
vào các vấn đề nầy. Từ thực tiễn Việt Nam, ở đây ta chỉ chú ý
đến hai giai đọan: Một là giai đọan thóat khỏi vòng luẩn quẩn
nghèo khó, thóat khỏi cái bẫy nghèo (poverty trap); dưới đây ta
gọi là
giai đọan tăng truởng ban đầu. Giai đọan thứ hai
là
giai đọan cất cánh để phát triển bền vững.[5]
Quá
trình phát triển của một nền kinh tế có thể được hình dung như
Hình 1.

Hình
1: Các giai đọan phát triển của một nền kinh tế
AB: Xã hội truyền thống, đối diện cái bẫy nghèo, vòng luẩn
quẩn nghèo khó
BC: Giai đọan phát triển ban đầu, kinh tế thị truờng sơ
khai, cơ bản thóat khỏi nghèo.
CD: Giai đọan cất cánh và phát triển bền vững.
CE: Trường hợp thất bại, không cất cánh để phát triển bền
vững.
AB là
giai đọan dài của một xã hội truyền thống trong đó dân số và lực
lượng sản xuất tăng ở mức rất thấp, thu nhập đầu người hầu như
cố định ở mức chỉ đủ để sinh tồn. Nền kinh tế lấy sản xuất nông
nghiệp với năng suất thấp làm chủ đạo, tiết kiệm và đầu tư ở mức
rất thấp, ít có khả năng tái sản xuất. Vì các lý do nầy mà xã
hội không thóat ra khỏi cái bẫy nghèo, cái vòng luẩn quẩn nghèo
khó. Để thóat ra khỏi tình trạng nầy, cần một cú hích đánh vào
nguyên nhân kiềm hãm phát triển được xem là quan trọng nhất, gây
hạn chế phát triển nhất. Chỗ ấy có thể là cơ chế lạc hậu trong
nông nghiệp cần phải phá vỡ để nông dân hăng hái sản xuất, để
nông nghiệp phát triển, tạo điều kiện tích lũy cho công nghiệp
khởi động. Nguyên nhân kiềm hãm nếu là thiếu cơ chế động viên
nguồn vốn đã có trong nước hoặc ở nước ngoài thì phải xây dựng
cơ chế bảo đảm quyền sở hữu tư bản, bảo đảm lợi nhuận chính đáng
của doanh nhân trong và ngoài nước. Khi những tiền đề nầy được
hình thành, nền kinh tế bước sang giai đọan tăng trưởng ban đầu
(BC trong Hình 1)
Ở giai
đọan tăng trưởng ban đầu nầy nhà nước giữ vai trò quan trọng,
ngoài việc xác lập các cơ chế đã nói, trong nhiều trường hợp còn
phải trực tiếp xây dựng một số ngành công nghiệp ban đầu. Ngòai
ra, nhà nước phải huy động vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo hộ
tạm thời các ngành công nghiệp non trẻ, v.v.. Trong giai đọan
nầy, vai trò của nhà nước còn phải xây dựng thị trường. Cụ thể,
ngoài việc xây dựng hạ tầng giao thông để hàng hóa lưu thông,
thúc đẩy phân công giữ các khu vục trong nước, còn phải xây dựng
hành lang pháp lý để các tác nhân kinh tế thực hiện các giao
dịch.
Ở đây
ta có thể liên kết vấn đề nầy với vấn đề chuyển đổi (transition)
nền kinh tế từ kế họach tập trung sang thể chế kinh tế thị
trường. Nền kinh tế kế họach hóa dưới thể chế xã hội chủ nghĩa
có 3 đặc tính cơ bản: thứ nhất, không có thị trường, việc phân
bố các nguồn lực thực hiện theo mệnh lệnh của nhà nước. Thứ hai,
vì không có thị trường nên không có sự phân công xã hội giữa các
vùng trong nước. Thứ ba, chỉ có sở hữu nhà nước hoặc sở hữu tập
thể các tư liệu, các yếu tố sản xuất.
Ở đây ta thấy có nhiều
điểm tương đồng giữa một nước chậm phát triển và một nước theo
cơ chế kế họach tập trung của thể chế xã hội chủ nghĩa. Điểm thứ
nhất là cả hai đều chưa có kinh tế thị trường hoặc kinh tế thị
truờng ở trình độ rất thấp. Thứ hai là sự phân công xã hội còn ở
trình độ thấp. Thứ ba là sở hữu nhà nước còn khá phổ biến ít
nhất là trong các ngành kinh tế phi truyền thống. Thí dụ như
kinh tế Nhật Bản vào nửa sau thế kỷ 19, chính quyền Minh Trị bắt
đầu xây dựng cơ chế thị truờng mà truớc đó không có bằng việc mở
mang và hiện đại hóa hệ thống giao thông, ban hành các đạo luật
kinh tế cần thiết, xây dựng hệ thống tín dụng, ngân hàng, v.v.
Nhà nước cũng trực tiếp đầu tư xây dựng các ngành thép, đóng
tầu, v,v,, Như vậy, giai đọan tăng truởng ban đầu (gần giống như
giai đọan chuẩn bị các tiền đề để cất cánh trong lý thuyết của
Rostow) trùng hợp với giai đọan đầu của quá trình chuyển đổi
sang kinh tế thị truờng của một nước theo hệ thống xã hội chủ
nghĩa.[6]
Từ
thập niên 1980 ở Trung Quốc và Việt Nam và từ thập niên 1990 ở
Đông Âu, các nền kinh tế kế hoạch tập trung từng bước chuyển
sang kinh tế thị truờng. Vào đầu thập niên 1990, chiến lược
chuyển đổi và các biện pháp cụ thể được Ngân hàng thế giới, Quỹ
tiền tệ quốc tế và nhiều chuyên gia Mỹ đúc kết thành ba nội dung
chính: Tự do hóa (liberalization) các họat động kinh tế kể cả
ngọai thương; giá cả, hối suất do thị trường tự do quyết định;
ổn định hóa (stabilization) kinh tế vĩ mô, giảm chi tiêu chinh
phủ; và tư nhân hóa (privatization) doanh nghiệp quốc doanh. Ba
biện pháp nầy được khuyến khích tiến hành đồng lọat trong thời
gian ngắn. Các nhà phân tích gọi đây là Đồng thuận Washington
(Washington Consensus).
Nếu
cải cách theo Đồng thuận Washington là chiến lược cấp tiến có
tính cách “liệu pháp sốc” để cứu chữa ngay căn bệnh của thể chế
kinh tế xã hội chủ nghĩa thì cải cách của Trung Quốc và Việt Nam
có thể được gọi là tiệm tiến (gradualism, incrementalism) hoặc
sự tiếp cận hai đường song song (two-track approach). Nghĩa là
tùy theo khu vực kinh tế mà áp dụng biện pháp cải cách khác nhau
để giữ ổn định chính trị, xã hội và để không ai bị thiệt trong
quá trình cải cách (reforms without losers), như vậy tránh được
sự chống đối cải cách của thế lực bảo thủ muốn duy trì quyền lợi
đã có. Nói cụ thể, ít nhất là trong giai đọan đầu, không tư nhân
hóa doanh nghiệp quốc doanh, thay vào đó đẩy mạnh phát triển
doanh nghiệp phi quốc doanh, kể cả đâu tư từ nước ngoài (FDI).
Chiến lược cải cách tiệm
tiến nói chung được đánh giá cao không phải chỉ vì tính khả thi
như vừa nói mà còn có hiệu quả về mặt cơ chế. Các cơ chế cần
thiết cho kinh tế thị trường phải được xây dựng từng bước, cần
thời gian. Trong khi các tiền đề nầy chưa hành chỉnh, không thể
thực hiện cải cách tòan bộ trong thời gian ngắn.
[7]
Nhưng
vấn đề ở đây là chiến lược cải cách tiệm tiến nầy nên kéo dài
bao lâu. Ở giai đọan nào thì phải chuyển sang một chiến lược cải
cách với nội dung khác về chất với giai đọan tiệm tiến? Vấn đề
nầy phải được đặt ra vì hai lý do:
Thứ nhất, chiến lược cải
cách tiệm tiến kéo dài quá lâu
[8]
sẽ nảy sinh các tệ hại làm kinh tế phát triển kém hiệu suất
và gây bất công trong xã hội. Chẳng hạn sự tồn tại của doanh
nghiệp nhà nước trong nhiều ngành kinh tế làm cản trở sự phát
triển của doanh nghiệp tư nhân và những người quản lý, kinh
doanh doanh nghiệp nhà nước lợi dụng những ưu đãi về đất đai, về
tín dụng để trục lợi trên thị trường tự do. Những người nầy còn
cấu kết với quan chức để được nhiều ưu đãi đó, mặt khác doanh
nghiệp tư nhân cũng khắc phục thế yếu bằng tăng cường quan hệ
với quan chức tạo ra tình trạng tham nhũng.
Thứ
hai, sau một giai đọan phát triển và đã đạt một số thành quả
(tương ứng với giai đọan tăng trưởng ban đầu đã đề cập), cần có
cải cách tòan diện để làm tiền đề cho giai đọan phát triển bền
vững. Cải cách tòan diện cũng có nghĩa là xây dựng một hệ thống
cơ chế hòan chỉnh hơn, quy mô rộng hơn và phức tạp nhưng vững
chắc so với giai đọan tăng trưởng ban đầu. Đặc biệt khi kinh tế
hội nhập mạnh vào thị trường thế giới, nhiều vấn đề phức tạp
phát sinh đòi hỏi có cơ chế hữu hiệu để tận dụng cơ hội mới và
để ngăn ngừa bất ổn định. Tổng hợp các nội dung nầy, Rodrik
(2007) gọi đây là hệ thống cơ chế chất lượng cao (high quality
institutions). Cụm từ nầy gọn, nói lên bản chất của vấn đề nên
ta mượn dùng làm một trong những thuật ngữ chính của bài viết
nầy.
Đặc
tính về cơ chế của giai đọan mới có thể tóm tắt như sau:
Một
là, khác với giai đọan trước trong đó tăng truởng chủ yếu do
động viên, sử dụng các yếu tố sản xuất như lao động, tư bản, đất
đai, giai đọan mới nầy đòi hỏi phải tăng năng suất tổng hợp đa
yếu tố dựa trên việc áp dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến quản
lý, giảm phí tổn giao dịch (transaction cost), v.v.
Dù
trước thời đại tòan cầu hóa, một nền kinh tế muốn phát triển bền
vững phải liên tục tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Thị trường mở rộng, tham gia phân công quốc tế sâu hơn và do đó
sức cạnh tranh phải mạnh hơn là điều kiện phát triển sâu và bền
vững. Ở thời đại tòan cầu hóa, các đặc tính nầy càng quan trọng
hơn.
Hai
là, sang giai đọan mới, kinh tế thị trường phải phát triển sâu
rộng hơn, hệ thống tài chánh tiền tệ phức tạp hơn, dòng vốn lưu
thông đa dạng hơn, nên vấn đề ổn định phải được quan tâm. Mặt
khác, do sự tham gia phân công quốc tế và hội nhập với thế giới
ngày càng mạnh, kinh tế dễ biến động theo những thay đổi trên
thị trường thế giới.
Như vậy, để phát triển bền
vững, phải xây dựng một cơ chế, một hệ thống các chính sách,
chiến lược khác về chất và ở trình độ cao so với giai đọan
trước. Những cơ chế, chính sách nầy bao gồm các điểm chính như
sau: (1) Tăng cường sự minh bạch (transparency), tăng khả năng
dự đóan (predictability) và tăng năng lực quản lý nhà nước
(governance) để vừa giảm sự bất xác định, giảm sự rủi ro đối với
nhà đầu tư, để họ mạnh dạn tiến vào những lãnh vực mới (do đó cơ
cấu kinh tế mới chuyển dịch nhanh), vừa tránh đầu cơ, tránh tham
nhũng và giảm các chi phí giao dịch (transaction costs). (2)
Doanh nghiệp quốc doanh phải được cải cách triệt để, tạo sân
chơi bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế, tránh các tệ hại của
chiến lược cải cách tiệm tiến quá lâu đã được đề cập. (3) Có
chính sách công nghiệp tích cực để xây dựng các ngành công
nghiệp có lợi thế so sánh động
[9]
, như vậy vừa chuyển dịch cơ cấu lên cao vừa cạnh tranh được
trên thị truờng thế giới. (4) Trong các lọai thị trường, thị
trường lao động thuờng họat động ít hiệu quả vì manh mún, có sự
không ăn khớp trong cung cầu giữa các loại lao động hoặc giữa
các vùng. Do đó cần có chính sách về đào tạo, về hạ tầng xã hội
để xóa hoặc giảm sự bất ăn khớp đó. (5) Chấn hưng giáo dục,
nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng công nghệ cần có chính sách,
cơ chế thích đáng của nhà nước.
[10]
Vì
tính chất phức tạp của kinh tế trong giai đọan nầy, cơ chế trên
cơ bản cũng khác giai đọan trước. Như trên đã nói, ở giai đọan
trước, nhà nước chỉ cần nới rộng các quy chế và ban hành các
luật lệ liên hệ là các tác nhân kinh tế hăng hái họat động. Trên
một ý nghĩa, việc quyết định các chính sách có thể có tính cách
tập trung. Nhưng ở giai đọan sau việc tư vấn tham gia từ các
tầng lớp, các chủ thể kinh tế là cần thiết. Sự tham gia của dân
chúng, cụ thể qua các nhà ngôn luận, học giả, đại diện doanh
nghiệp, đại diện giới lao động, sẽ tránh được tình trạng một số
chính trị gia và quan chức lợi dụng thông tin và quyền lực họ có
đưa ra những chính sách, những dự án, kế họach có lợi cho họ chứ
không nhằm phục vụ lợi ích của đa số dân chúng, không nhằm mục
đích phát triển.
Cơ chế
chất lượng cao còn đòi hỏi các điều kiện như năng lực của quan
chức, sự độc lập của tòa án, tính độc lập của ngân hàng trung
ương, chính sách thu chi ngân sách minh bạch, có cơ chế giám sát
tài chánh đối với doanh nghiệp nhà nước và các họat động kinh tế
công.
Trở lại Hình 1, giả thuyết
ở đây là nếu cơ chế chất lượng cao như vừa phân tích được nhà
nước ý thức xây dựng thì kinh tế sẽ phát triển bền vững (diễn tả
bằng đường CD), ngược lại nếu không có cơ chế chất lượng cao
thì kinh tế có thể trì trệ lâu dài, không cất cánh vào giai đọan
phát triển bền vững (đường CE).
[11]
II. Sự
chuyển tiếp giữa hai giai đọan: Kinh nghiệm một số nước Á châu
GDP
đầu người tính theo giá cố định năm 2000 của 6 nước Á châu gần
nửa thế kỷ qua được ghi lại trên Hình 2a và Hình 2b. Các con số
của Hàn Quốc lớn hẳn, cách biệt với 5 năm nước kia nên vẽ thành
biểu đồ riêng cho dễ nhìn. Biểu 1 là tốc độ tăng trung bình năm
của GDP đầu người (giá cố định năm 2000) từ 1960 đến 2006, chia
thành 3 giai đọan với 2 cái mốc được chọn là năm 1984 và 1997.
Năm 1984 là năm đầu tiên có thống kê của Việt Nam trong chỉ tiêu
nầy nhưng cũng có ý nghĩa là thời điểm ngay trước khi có đổi mới
ở nước ta. Năm 1984 cũng là thời điểm gần với các biến động
chính trị, kinh tế lớn ở Á châu (năm 1984 có cuộc biểu tình quy
mô lớn của thị dân trung lưu Philipines mở đầu chuyển biến dân
chủ đưa đến sự sụp đổ của Marcos năm 1986, năm 1987 đánh dấu
chuyển biến từ chế độ độc tài sang thể chế dân chủ ở Hàn Quốc,
cuối năm 1985 đồng yen Nhật lên giá mạnh kéo theo sự chuyển dịch
ồ ạt các cơ sở công nghiệp từ Nhật sang các nước Á châu,…). Năm
1997 bắt đầu cuộc khủng hỏang tài chánh Á châu, kéo theo sự bất
ổn chính trị kinh tế của một số nước. Hình 2a có sự hiện diện
của Pakistan, một nước ban đầu tăng trưởng tương đối khá sau đó
trì trệ kéo dài, tuy không được phân tích chi tiết dưới đây
nhưng được đưa vào đây để minh họa cho một truờng hợp mà
Easterly (2003) gọi là “tăng trưởng nhưng không phát triển” vì
các chỉ tiêu phát triển xã hội như giáo dục, y tế, sức khỏe của
dân chúng hòan tòan không được chú trọng dù kinh tế có tăng
truởng. Tuy Việt Nam không kém như Pakistan nhưng cần chú ý như
một cảnh cáo cần thiết. Trong Biểu 1, ngoài 6 nước ở Hình 2a và
2b, có thêm một số nước khác với mục đích tham khảo.
Ta
thấy gì từ các hình và biểu thống kê? Nhìn kỹ ta thấy có nước đã
qua giai đọan tăng truởng ban đầu nhưng không thể chuyển sang
giai đọan phát triển bền vững (như Philippines, Indonesia), có
nước đã thành công về mặt đó (như Hàn Quốc), có nước đang đứng
truớc khúc ngoặt giữa hai giai đọan (như Việt Nam). Các cơ chế,
chính sách ở mỗi nước có quan hệ như thế nào đến thành quả và sự
thay đổi trong thời gian dài nầy? Từ góc độ chuyển dịch từ giai
đọan tăng truởng ban đầu sang giai đọan phát triển bền vững và
các điều kiện để có chuyển dịch đó, kinh nghiệm các nước rất
đáng cho Việt Nam tham khảo.



1.
Trường hợp Philippines
Trong
6 nước nầy, vào thập niên 1950, Philippines là nước phát triển
nhất, cao hơn cả Hàn Quốc. Trong giai đọan 1960-84, Philippines
là nước có mức sống cao hơn nhiều nước Á châu nhưng phát triển
chậm. Sang giai đọan sau, mặc dù đất nước bước vào thể chế dân
chủ, tốc độ phát triển càng kém hơn. Năm 1960, GDP đầu người của
Philippines gấp đôi Thái Lan nhưng đến năm 1984 Thái Lan đã theo
kịp Philippines và khỏang năm 2000 hai nước đảo ngược vị trí của
năm 1960. Vào năm 1984, Philippines còn gấp năm lần Trung Quốc
nhưng sau năm 2000, Trung Quốc đã vượt Philippines. Tại sao
Philippines tụt hậu?
Giáo sư Fernando Aldaba
của Đại học Ateneo de Manila phân tích các mặt của kinh tế
Philippines từ năm 1971 đến 2001 (Aldaba 2002) đã đưa ra các
nhận định sau: Các điều kiện về cơ chế của Philippines đã làm
các doanh nghiệp không có sức cạnh tranh trên thị truờng thế
giới. Không có môi truờng, cơ chế tạo ra các khuyến khích cần
thiết (incentives) để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, cải
thiện năng suất. Các nhà doanh nghiệp luôn than vãn về chi phí
kinh doanh quá cao. Tham nhũng hòanh hành, lan rộng và thấm sâu
trong xã hội, họat động kinh tế phụ thuộc nhiều vào sự bảo hộ
chính trị (political patronage) của giai tầng thống trị. Các vấn
đề phát triển của Philippines không thể giải quyết nếu không cải
cách cơ chế nhất là các cơ chế đang bị chi phối bởi những người
có đặc quyền đặc lợi.
[12]
Vấn đề
tụt hậu của Philippines có lẽ còn nhiều nguyên nhân nữa. Nhưng
như đã được đề cập, khuynh hướng nghiên cứu về kinh tế phát
triển gần đây cho thấy yếu tố cơ chế (institutions) đóng vai trò
tối quan trọng tác động đến thành quả phát triển, ta có thể nói
nhận định của Albada giải thích phần lớn các vấn đề của
Philippines.
Tình hình có vẻ cũng không
được cải thiện sau khi nước nầy chuyển sang thể chế dân chủ từ
giữa thập niên 1980. Ngược lại, như Hình 2a cho thấy, kinh tế
Philippines càng trì trệ, tụt hậu hơn. Theo Pritchett (2003) thì
sau thời đại Marcos, Philippines dân chủ hơn, cơ hội bình đẳng
hơn, nhưng ngược lại có sự bất ổn định về mặt cơ chế
(institutional instability) do chính sách hay thay đổi, việc thi
hành luật lệ tùy tiện, không nhất quán. Có lẽ nhận xét nầy đúng.
Và cũng vì lý do nầy, Phillippines đã không thể đón nhận cơ hội
mới đến từ Nhật Bản khi đồng yen lên giá đột ngột (từ giữa thập
niên 1980), các công ty Nhật di chuyển ồ ạt các nhà máy sản xuất
sang ASEAN. Dòng chảy FDI từ Nhật chủ yếu đến Thái Lan và
Malaysia (một lượng ít hơn sang Indonesia từ đầu thập niên
1990), nhưng không dừng lại ở Philippines.
[13]
Kinh nghiệm nước nầy cho thấy s
ự kém phát triển và bất ổn
định về cơ chế làm mất cơ hội tận dụng nguồn lực quốc tế,
mất khả năng chuyển dịch cơ cấu lên cao hơn để tiến sang giai
đọan phát triển bền vững.
2. Trường hợp Indonesia
Indonesia từ giữa thập niên 1960 đến giữa năm 1997 phát triển
khá mạnh mẽ, nhất là trong nửa sau của giai đoạn đó, được Ngân
hàng thế giới (World Bank 1993) xếp vào những nước Đông Á thần
kỳ. Nhưng Indonesia lại là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong
cuộc khủng hoảng tài chánh châu Á bắt đầu vào cuối năm 1997.
Nước nầy phải mất tới 8 năm mới hồi phục mức GDP đầu người của
năm 1997 và sau đó cũng phát triển chậm (Hình 2a).
Về các yếu tố đưa đến
thành quả phát triển đáng ghi nhận trong giai đọan trước 1997,
như World Bank (1993), Temple (2003) và nhiều nghiên cứu khác
cho thấy, là sự chuyển hướng chính sách, thay đổi cơ chế quản lý
vi mô từ đầu thập niên 1980. Đó là bỏ sự can thiệp trực tiếp của
nhà nước vào họat động của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư
thân thiện với thị trường (market- friendly), chuyển chính sách
từ bảo hộ thị trường trong nước sang chính sách khuyến khích
xuất khẩu. Là nước xuất khẩu dầu và khí đốt, khi thị trường
nhiên liệu thế giới tăng nhanh từ giữa thập niên 1970 đến đầu
thập niên 1980, Indonesia cũng không mắc phải Bệnh Hà Lan
(Dutch Disease)
[14]
nhờ biết dùng nguồn ngoại tệ vào việc xây dựng hạ tầng và giáo
dục (Perkins et al. 2006).
Nhưng
cuộc khủng hỏang tài chánh ở Á châu đã châm ngòi cho sự sụp đổ
của kinh tế Indonesia làm không ít người ngạc nhiên. Thí dụ như
giáo sư Hal Hill, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Indonesia ở
Đại học Quốc lập Úc, đã dùng hình tượng “Sự đột tử kỳ lạ của con
hổ kinh tế” làm đầu đề cho bài viết phân tích nguyên nhân của
hiện tượng nầy (Hall 2000). Tổng hợp các nguyên nhân, Temple
(2003) cho rằng Indonesia tăng truởng nhanh nhưng đi liền với sự
yếu kém về cơ chế. Cơ chế yếu chỗ nào? Indonesia là điễn hình
cho truờng hợp được gọi là chủ nghĩa tư bản giữa những người
thân cận (crony capitalism). Nhằm củng cố độc quyền chính trị
của Suharto và phe nhóm, các quyết sách lớn, các quy chế tạo ra
đều nhằm tạo đặc quyền đặc lợi cho gia đình và phe nhóm của ông.
Do đó không có các cơ chế kiểm sóat những quyết định, những
chính sách không phù hợp với lợi ích chung. Từ thập niên 1980,
nhà nước ít can thiệp trực tiếp vào họat động kinh tế nhưng
nguợc lại các tổ hợp kinh tế tư nhân ra đời thường kết cấu với
các chính trị gia thân Suharto. Do cơ chế nầy, Indonesia là một
trong những nước có nạn tham nhũng trầm trọng nhất (Hall 2000).
Quyền
lực không có cơ chế kiểm sóat (unchecked authority) còn là
nguyên nhân khủng hỏang trầm trọng trong khu vực tài chính.
Indonesia không thiếu chuyên gia và không phải không có các quy
chế dự phòng khủng hoảng nhưng giới kỹ trị không được đưa ra
chính sách độc lập, các chính sách thường bị chính trị chi phối.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp có quan hệ với gia đình Suharto có
thể dùng quan hệ đó làm thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Cơ chế
nầy không được sự đồng thuận xã hội nên khi có cơ hội là các bất
mãn bật tung, gây ra bất ổn xã hội, chính trị. Thêm vào đó,
những đặc thù về cơ cấu kinh tế (người Hoa chỉ có 3 phần trăm
dân số nhưng nắm trên 40% sản lượng các ngành hiện đại), dân
tộc, tôn giáo, lãnh thổ lại nhân cơ hội khủng hoảng kinh tế bùng
phát lên.
Với cơ
chế như vậy, những thành quả phát triển ở giai đọan truớc 1997
đã tiềm ẩn những nguy cơ sẽ bột phá khi có shock từ bên ngoài.
Do nội tình bất ổn, Indonesia cũng mất khả năng đề ra chiến lược
cạnh tranh đối phó hữu hiệu trước sự lớn mạnh của Trung Quốc và
không theo kịp dòng chảy mới trong sự phân công quốc tế ở Đông Á
(Kimura 2005).
Kinh nghiệm Indonesia cho thấy phát triển phải được thực hiện
trong sự đồng thuận xã hội, có cơ chế kiểm sóat hành động của
lãnh đạo chính trị.
3. Trường hợp Trung Quốc
Vào
đầu thập niên 1980, mức phát triển của Trung Quốc không hơn Việt
Nam nhiều. Vào năm 1984 GDP đầu người theo giá năm 2000 của Việt
Nam là gần 200 USD trong khi Trung Quốc cũng chỉ gần 260 USD
(năm 1981 dưới 200 USD). Nhưng Trung Quốc vừa hơn Việt Nam ở
điều kiện ban đầu vừa có cơ chế sáng tạo, hiệu quả hơn Việt Nam
nên đạt được thành quả phát triển mạnh mẽ hơn. Đến giữa thập
niên 1990, GDP đầu người của Trung Quốc đã gấp đôi Việt Nam và
sau đó khỏang cách càng lớn hơn nữa. Về điều kiện ban đầu, Trung
Quốc cải cách trươc Việt Nam gần 10 năm và có cơ sở về hạ tầng
ban đầu tốt hơn nước ta. Thêm vào đó, vai trò của tư bản Hoa
Kiều trong thời kỳ đầu của cải cách, mở cửa rất quan trọng.
Trong lúc hành lang pháp lý chưa xây dựng đầy đủ và còn bất ổn
định, Nhật, Mỹ, Tây Âu chưa đầu tư thì tư bản người Hoa đã tích
cực trở về xây dựng nhà máy và họat động thương mại ở quê cũ. Sự
hiện diện của Hong Kong và sự bổ sung giữa thành phố lớn nầy với
tỉnh Quảng Đông đã vừa thúc đẩy quá trình dịch vụ hóa kinh tế
Hồng Kông vừa đẩy mạnh công nghiệp hóa của tỉnh có nhiều đặc khu
kinh tế nầy.
Nhưng về mặt cơ chế, chiến
lược cải cách của Trung Quốc cũng hơn hẵn Việt Nam. Cùng theo
chiến lược cải cách tiệm tiến, cả hai nước đều bảo hộ doanh
nghiệp quốc doanh nhưng Trung Quốc có cơ chế để doanh nhgiệp
ngoài quốc doanh phát triển mạnh mẽ ngay từ đầu. Đặc biệt hình
thái phát triển của doanh nghiệp hương trấn (TVEs) là độc đáo.
Trên danh nghĩa, TVEs là doanh nghiệp sở hữu tập thể do chính
quyền địa phương quản lý, nhưng trên thực tế họat động như doanh
nghiệp tư nhân, tinh thần doanh nghiệp phát huy, công nhân hăng
hái làm việc, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện về cơ
chế, hành chánh để phát triển thuận lợi. Đến đầu thập niên 1990,
TVEs đóng góp hơn 50% vào tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công
nghiệp của Trung Quốc (Lin and Yao, 2001). Về mặt lý luận liên
quan đến cải cách cơ chế để phát triển, hình thái sở hữu của
TVEs cũng được đánh giá cao.
[15]
Trung
Quốc cũng thành công trong việc đón nhận dòng chảy đầu tư nước
ngoài (FDI) trong thập niên 1990, thời đại mà các công ty đa
quốc gia của Nhật, Mỹ, Tây Âu triển khai họat động trên qui mô
tòan cầu. Vào năm 2005, FDI đã chiếm khoảng 30% sản lượng hàng
công nghiệp và độ 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc,
góp phần đáng kể vào sự chuyển dich cơ cấu công nghiệp và sự
chiếm lãnh thị phần ngày càng lớn trên thị truờng thế giới. Tuy
FDI đóng vai trò lớn, doanh nghiệp bản xứ của Trung Quốc cũng
lớn mạnh, trong đó nhiều công ty ngày càng họat động trên qui mô
tòan cầu.
Nhìn
chung thành quả phát triển của Trung Quốc rất đáng ghi nhận.
Nhưng từ góc độ phát triển bền vững Trung Quốc cần được đánh giá
như thế nào? Trung Quốc đã bước sang giai đọan phát triển bền
vững chưa? Ở đây ta không thể đi sâu vào vấn đề nầy. Với mục
đích tìm bài học cho Việt Nam, ta thử đưa ra vài nhận xét sơ bộ.
Naughton (2007) là cuốn sách khá đồ sộ đánh giá
hầu hết các mặt của kinh tế Trung Quốc từ trước cải cách đến
những năm gần đây. Theo phân tích của cuốn sách nầy, đến giữa
thập niên 1990, TQ theo chiến lược cải cách tiệm tiến với nội
dung như ta phân tích ở Tiết I. Từ nửa sau thập niên 1990, Trung
Quốc chuyển sang giai đọan mới nhưng cải cách còn nửa vời chưa
tạo ra một hệ thống cơ chế đầy đủ, chất lượng cao.. Đến thời Hồ
Cẩm Đào/ Ôn Gia Bảo (2003 trở đi), việc lập chính sách được cải
tiến một bước, có thảo luận rộng rãi và có nghe ý kiến chuyên
gia nhưng nhìn chung chưa có cải cách cơ chế triệt để. Yếu tố
chính trị vẫn chi phối kinh tế nên các cơ chế thiếu minh bạch,
thiếu giải trình trách nhiệm (accountability), đặc biệt trong
lãnh vực tài chánh, tiền tệ, thu chi ngân sách. Cũng vì lý do
nầy, nạn tham nhũng chưa được giải quyết.[16]
Mặt
khác, từ khi chuyển từ cải cách tiệm tiến sang cải cách tòan
diện, dù chỉ mới nửa vời, xã hội và kinh tế Trung Quốc phát sinh
nhiều vấn đề mới. Chênh lệch thu nhập và tài sản giữa các giai
tầng, giữa các vùng ngày càng mở rộng, việc tư nhân hóa các
doanh nghiệp nhà nước đưa tới tình trạng cán bộ, quan chức liên
hệ thu tóm tài sản nhà nước qua giao dịch nội gián (insider
transaction). Nạn làm hàng giả, đạo đức xã hội, vấn đề môi
truờng, v.v.. cũng trầm trọng. Đặc biệt, 3 lãnh vực nhạy cảm là
giáo dục, y tế và nhà ở ngày càng phát triển theo hướng bất lợi
cho người nghèo, cho giai tầng có thu nhập thấp.
Các vấn đề nầy làm nãy
sinh cuộc tranh luận giữa những người chủ trương phải cải cách
triệt để hơn, lành mạnh hóa thị trường hơn mới giải quyết được
(những người được gọi là phái tân tự do chủ nghĩa), và những
người chủ trương cần làm mạnh vai trò của nhà nước, phản đối tư
nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, hạn chế hội nhập vào thị trường
thế giới (nhóm nầy được gọi là phái tả mới).[17]
Từ
quan điểm và mục đích phân tích của chúng ta, có thể nói Trung
Quốc đã thành công trong giai đọan cải cách cơ chế để thóat khỏi
nghèo nàn và bước được một đọan trong thời đại phát triển mới.
Tuy nhiên giai đọan phát triển mới nầy có bền vững hay không còn
tùy thuộc vào việc Trung Quốc có sớm hòan thành một cơ chế chất
lượng cao hay không.
4.
Trường hợp Hàn Quốc
Hàn
Quốc vào đầu thập niên 1960 là nước kém phát triển nhưng sau đó
vượt qua giai đọan phát triển ban đầu và thành công trong giai
đọan phát triển bền vững, trở thành nước tiên tiến trong thời
gian rất ngắn. Thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước
này bắt đầu từ khi Park Chung-hee nắm chính quyền (năm 1961),
thiết lập thể chế độc tài nhưng với quyết tâm phát triển đất
nước. Chế độ độc tài kéo dài đến hết thời Chun Doo-hwan, trải
qua mấy biến cố chính trị sôi động, đến năm 1987 họ đã thành
công trong việc chuyển sang thể chế dân chủ bằng cuộc bầu cử
tổng thống đầu tiên. Năm 1988 Hàn Quốc tổ chức thành công Thế
vận hội Seoul và năm 1996 được kết nạp vào khối OECD. Từ lúc
bắt đầu kế họach phát triển đến khi trở thành thành viên của tổ
chức các nước tiên tiến, Hàn Quốc chỉ mất có 35 năm! Nếu kể từ
khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt thì cũng chỉ có 43 năm. HQ
cũng bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chánh Á châu nhưng đã
khắc phục được ngay (GDP đầu người chỉ giảm năm 1998) nhờ nền
tảng cơ bản của nền kinh tế vững chắc và các nhóm tài phiệt mà
họat động cho vay và đầu tư không hiệu quả của họ đã gây ra
khủng hỏang là những tổ hợp tư nhân, ảnh hưởng ít đến cả nền
kinh tế.
Tại
sao Hàn Quốc thành công trong quá trình phát triển liên tục,
chuyển từ giai đọan tăng trưởng ban đầu sang giai đọan phát
triển bền vững? Rất nhiều công trình nghiên cứu về kinh nghiệm
nước nầy. Từ góc độ tham khảo cho VN, và đặt tiêu điểm vào mặt
cơ chế, tôi đặc biệt chú ý đến các yếu tố sau:
Thứ
nhất, ngay từ đầu đã có ngay sự đồng thuận của xã hội về sự cần
thiết phải phát triển, phải theo kịp các nước tiên tiến, nhất là
theo kịp Nhật (nước láng giềng từng đô hộ mình). Để có sự đồng
thuận, năng lực, ý chí và chính sách của lãnh đạo chính trị là
quan trọng nhất. Dù dưới chế độ độc tài, quyết tâm phát triển
của lãnh đạo chính trị được thể hiện bằng các chiến lược, chính
sách do lớp kỹ trị xây dựng, quan chức được tuyển chọn theo năng
lực, người tài được trọng dụng. Như nhận xét của Evans (1995,
p. 51), ở Hàn Quốc, nhà nước có truyền thống chọn được nguời tài
ra làm việc nước từ những người giỏi nhất ở các đại học danh
tiếng nhất. Đặc biệt, Park Chung-hee lập Hội đồng họach định
kinh tế (Economic Planning Board) quy tụ những chuyên gia học ở
Mỹ về, được giao tòan quyền họach định chiến lược.
Trong bối cảnh chung đó,
tinh thần doanh nghiệp, nỗ lực học tập kinh nghiệm nước ngoài
của giới kinh doanh rất lớn. Giữa thập niên 1980 tôi có đến Hàn
Quốc điều tra thực tế về chiến lược đuổi bắt công nghệ của doanh
nghiệp nước nầy, ấn tượng nhất là thấy họ đưa ra khẩu hiệu phải
theo kịp khả năng công nghệ của công ty hàng đầu của Nhật trong
ngành.
[18]
Những người có kinh nghiệm du học cùng với sinh viên Hàn Quốc
cũng dễ dàng thấy nỗ lực học tập của họ. Quốc sách theo kịp
nước tiên tiến không phải là khẩu hiệu chung chung mà từng thành
phần trong xã hội đều nỗ lực thực hiện.
Thứ hai, Hàn Quốc xây dựng
được một cơ chế rất hiệu suất, hiệu quả về quan hệ giữa nhà nước
và doanh nghiệp. Trong quá trình đuổi theo các nước tiên tiến,
mục tiêu cụ thể là tích cực đầu tư, tích lũy tư bản (nhưng tỉ lệ
tiết kiệm ban đầu quá thấp phải vay nợ trong thời gian dài),
đồng thời bảo hộ các ngành công nghiệp còn non trẻ và đẩy mạnh
xuất khẩu để có ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu, công nghệ và trả
nợ. Như vậy vai trò của nhà nước rất lớn. Trong tình hình đó, ở
nhiều nước khác, doanh nghiệp cấu kết với quan chức để được tiếp
cận với vốn vay ưu đãi, với ngoại tệ khan hiếm và với các nguồn
hỗ trợ cho xuất khẩu.
[19]
Nạn tham nhũng dễ phát sinh từ đó. Nhưng Hàn Quốc đã tránh được
tệ nạn đó nhờ có cơ chế minh bạch, nhất quán, công minh có tính
cách kỷ luật (discipline). Cụ thể là doanh nghiệp đuợc nhận ưu
đãi phải có nghĩa vụ tăng năng lực cạnh tranh, chẳng hạn phải
xuất khẩu nhiều hơn truớc. Nếu không hòan thành nghĩa vụ sẽ
không được hưởng ưu đãi trong giai đọan sau. Nói chung, các
doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau, đưa ra mục tiêu phấn đấu khả
thi mới nhận được ưu đãi của nhà nước.
[20]
Khi đặt xuất khẩu là mục
tiêu của quốc gia thì người lãnh đạo cao nhất phải thường xuyên
quan tâm. Tôi rất ấn tượng là chính Tổng thống Park Chung –hee
trực tiếp chủ trì các hội nghị kiểm tra diễn tiến xuất khẩu. Mục
tiêu xuất khẩu đặt ra rất lớn nhưng hầu như năm nào cũng đạt
được là nhờ cơ chế như vậy.
[21]
Thứ
ba, nhận xét của Amsden (1989) rất chính xác khi cho rằng Hàn
Quốc đã thực hiện công nghiệp hóa trên cơ sở của học tập
(industrialization on the basis of learning). Quả đúng như vậy
nếu ta xem nỗ lực của chính phủ trong giao dục, đào tạo, trong
việc tạo ra cơ chế để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ,
và nỗ lực của doanh nghiệp trong quá trình học hỏi nước ngoài.
Tỉ trọng dành cho giáo dục vào cuối thập niên 1950 chỉ có dưới
10% ngân sách nhà nước, nhưng đã tăng liên tục lên 15-18% trong
thập niên 1960, và 19-21% trong đầu thập niên 1980. Tỉ lệ học
sinh cấp ba trong độ tuổi thanh thiếu niên tăng từ 34% năm 1965
lên 56% năm 1975 và 91% năm 1984. Tỉ lệ sinh viên đại học trong
thời gian đó là 6%, 10% và 26%. Hàn Quốc là một trong những nước
có tỉ lệ rất cao trong hai chỉ tiêu: tỉ lệ của sinh viên du học
trên tổng số sinh viên trong nước và tỉ lệ nguời du học trở về
trên tổng số sinh viên đi du học. Thành quả nầy nhờ có các cơ
chế liên quan đến việc thi tuyển và đãi ngộ người tài.
Ba điểm nói trên nhất quán
trong suốt quá trình đuổi theo các nước tiên tiến nhưng nội dung
của các cơ chế thay đổi theo nhu cầu phát triển của mỗi thời kỳ.
Từ đầu thập niên 1980, vai trò của nhà nước trong việc phân bổ
nguồn lực nhỏ dần và thay vào đó tập trung vào giáo dục, nghiên
cứu khoa học để tạo tiền đề cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế
lên thứ nguyên cao hơn.
[22]
Kinh nghiệm Hàn Quốc cho thấy cơ chế động viên mọi nguồn lực của
xã hội vào mục tiêu được xã hội đồng thuận, nhất là xây dựng và
sử dụng nguồn nhân lực, tạo quan hệ lành mạnh giữa nhà nước với
doanh nghiệp là điều kiện để phát triển bền vững.
III.
Cơ chế chất lượng cao để phát triển bền vững:
Vấn đề của Việt Nam
Đối
với Việt Nam trước đổi mới là thời kỳ kinh tế chủ yếu là nông
nghiệp (chiếm hơn 70% lao động) nhưng năng suất rất thấp, lương
thực không đủ, phải nhập khẩu. Tỉ lệ tiết kiệm (trong GDP) hầu
như zero và tỉ lệ đầu tư rất thấp, vốn đầu tư chủ yếu nhờ viện
trợ của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Hơn nữa, ít nhất 60% dân
số là nghèo (sống dưới tuyến nghèo –poverty line). Do đó, vào
cuối thập niên 1980, Việt Nam vừa là nước kém phát triển, đứng
trước nguy cơ của cái bẫy nghèo, vừa là nước có nền kinh tế theo
thể chế xã hội chủ nghĩa. Nhìn một cách khát quát, giai đọan từ
cuối thập niên 1980 đến nay là giai đọan vừa phải giải quyết các
vấn đề phát triển (development) vừa nỗ lực chuyển sang kinh tế
thị truờng (transition). Hơn 20 năm đổi mới, trên cơ bản Việt
Nam đã vượt khỏi cái bẫy nghèo và quá trình cải cách chuyển sang
kinh tế thị truờng đã đạt được một số thành quả. Từ thuật ngữ đã
được đề cập ở trên, có thể nói, Việt Nam đã hoặc
sắp kết thúc
giai đọan tăng trưởng ban đầu
(đương ở
gần điểm C trong Hình 1)
.
Trong
giai đọan qua, cơ chế, chính sách của Việt Nam có những đặc tính
gì? Như đã nói ở Tiết I, Việt Nam và Trung Quốc theo chiến lược
cải cách tiệm tiến.
Tuy nhiên,
trong khi Trung Quốc thực hiện chiến lược nầy một cách tích cực
và do đó có hiệu quả hơn, Việt Nam đã quá chậm chạp và thận
trọng. Trung Quốc đến năm 1993 mới thực sự cải cách doanh nghiệp
quốc doanh (SOEs) nhưng doanh nghiệp ngoài quốc doanh và FDI
được đẩy mạnh, ngày càng chiếm ưu thế trong sản xuất và xuất
khẩu. Việt Nam thì vừa bảo hộ SOEs nhưng đồng thời, ít nhất cho
đến khỏang năm 2000, cũng cảnh giác doanh nghiệp tư nhân và FDI.
Do đó kinh tế Việt Nam không phát triển mạnh mẽ bằng Trung Quốc
(xem lại Hình 2a). Dù vậy, thành quả 20 năm đổi mới của Việt Nam
cũng nên được ghi nhận. Nông nghiệp phát triển một bước, xuất
khẩu nông thủy sản và hàng công nghiệp nhẹ tăng mạnh, tỉ lệ hộ
nghèo giảm liên tục.
[23]
Về mặt cơ chế, chính sách,
giai đoạn vừa qua có tính chất là cởi trói những ràng buộc để
các tác nhân, các chủ thể kinh tế có điều kiện phát huy năng lực
sản xuất. Khóan 10 trong nông nghiệp (Nghị quyết số 10 của Bộ
Chính Trị năm 1988), Luật đầu tư nước ngoài (tu chỉnh nhiều lần)
và Luật doanh nghiệp (tu chỉnh nhiều lần) đều nhằm cởi trói dần
các ràng buộc đối với họat động của doanh nghiệp. Do đó, các cơ
chế được xây dựng không khó khăn, phần lớn chỉ là quyết tâm
chính trị của lãnh đạo. Nhưng nếu các chính sách, cơ chế nầy
được xây dựng và thực thi nhanh hơn, dứt khóat hơn thì tốc độ
tăng trưởng cao hơn nhiều.
[24]
Mặt khác, nếu chiến lược cải cách tiệm tiến được thực hịện trong
thời gian ngắn hơn và chuẩn bị một cơ chế chất lượng cao hơn thì
có lẽ kinh tế Việt Nam đã tránh được các khó khăn như hiện nay
và đã bắt đầu chuyển sang giai đọan phát triển bền vững.
Tổng
hợp nhưng điểm về lý luận ở Tiết I, về kinh nghiệm các nước ở
Tiết II và xét đến giai đọan phát triển của Việt Nam hiện nay,
ta thấy ngay là ta cần xây dựng ngay một hệ thống cơ chế chất
lượng cao mới phát triển bền vững trong giai đọan tới. Trước hết
phải hiểu và thực hiện cho được những tiền đề của cơ chế chất
lượng cao, sau đó tùy theo nhu cầu phát triển của từng giai đọan
mà có những cơ chế cụ thể, những chính sách, chiến lược cần
thiết.
Từ
những phân tích ở các phần truớc tôi thấy có 3 tiền đề để có cơ
chế chất lượng cao.
Một là, bảo đảm
tính
dân chủ trong việc họach định các chiến lược, chính sách.
Lãnh đạo chính trị quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về
quyết định nhưng phải trên cơ sở bàn bạc rộng rãi giữa các
chuyên gia, giới ngôn luận và các thành phần khác của xã hội.
Tham gia là một thuật ngữ được các nghiên cứu về cơ chế
nhấn mạnh và nghiên cứu thực chứng cho thấy chiến lược, chính
sách về các vấn đề phát triển nếu có sự tham gia của các thành
phần xã hội liên hệ đều mang lại hiệu quả cao. Ngay cả những dự
án nhỏ trong viện trợ (như xây đường, xây cầu), hiệu quả và tính
bền vững cũng được bảo đảm nếu có sự tham gia của cư dân liên hệ
trong quá trình thiết kế, thực thi dự án.
[25]
Cơ chế bảo đảm tham gia (participatory institutions) có chức
năng ngăn ngừa những quyết định, những chính sách phục vụ các
nhóm lợi ích, đi ngược lại lợi ích chung của đất nước, của đông
đảo dân chúng.
Hai
là, ý kiến của chuyên gia, giới kỹ trị không bị chính trị chi
phối. Chính trị gia không đưa ra kết luận trước để giới chuyên
gia phải tìm cách chứng minh kết luận đó mà quy trình phải ngược
lại.
Thứ ba, phải có đội ngũ
quan chức giỏi thật sự để quá trình đặt ra các chính sách và
thực hiện chính sách có hiệu quả. Chế độ thi tuyển công khai,
nghiêm minh và chế độ đãi ngộ thỏa đáng là điều kiện để có đội
ngũ quan chức có năng lực.
[26]
Về cơ
chế, chính sách cụ thể trước mắt có lẽ hai vấn đề sau đây cần
được quan tâm cải cách và xây dựng chiến lược:
Thứ
nhất, cần sớm chấm dứt tàn dư của chiến lược cải cách tiệm tiến,
cụ thể là phải triệt để cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Như mọi người đã thấy khu vực nầy ngày càng phình ra, đầu tư
lung tung vào mọi ngành, nhất là trong đó không ít những dự án
có tính cách đầu cơ. Hành động của khu vực nầy trở thành một
trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát và bất ổn vi mô hiện
nay. Cần minh bạch hóa tài chánh, có cơ chế kiểm sóat tài chánh,
thẩm tra các dự án đầu tư của khu vực nầy. Thiết lập cơ chế
thống quản doanh nghiệp (corporate governance) trong đó xác lập
mục tiêu họat đông của công ty, có cơ chế kiểm sóat, đánh giá
thành quả của công ty và ban giám đốc phải chịu sự thưởng hoặc
phạt (kể cả bị cách chức) về thành quả nầy. Ngoài ra, trừ những
ngành cung cấp dịch vụ công cộng, doanh nghiệp nhà nước phải
từng bước tư nhân hóa, cổ phần hóa; trong lúc chưa cổ phần hóa
cũng phải họat động theo cơ chế thị trường chịu sự hạn chế khắc
khe của ngân sách (hard budget constraint), nghĩa là không được
ưu đãi đặc biệt về đất đai và vốn, và không được bù lỗ khi làm
ăn thua lỗ.
Thứ
hai, như trên đã nói, cơ chế trong giai đọan tăng truởng ban
đầu, giai đọan cải cách tiệm tiến rất đơn giản vì chủ yếu chỉ
cởi trói các ràng buộc, hành lang pháp lý cũng không phức tạp,
nhưng để phát triển bền vững trong giai đọan tới, nhất là thời
kỳ cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, phải có cơ chế xây
dựng, nuôi dưỡng các ngành có lợi thế so sánh động (xem lại chú
thích số 9) để ngày càng chuyển dịch cơ cấu lên cao hơn. Ở đây
chính sách công nghiệp phải được chú trọng và nghệ thuật tạo một
quan hệ hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp là tiền đề của sự
thành công. Kinh nghiệm của Hàn Quốc (nói ở Tiết II) về điểm nầy
rất đáng tham khảo.
Ba
tiền đề và hai chính sách cụ thể trên đây là nội dung của cơ chế
chất lượng cao cần thiết để VN bước vào giai đọan phát triển ổn
định, bền vững, đưa kinh tế cất cánh vào quỹ đạo phát triển
nhanh.
Vài
lời kết: “Đi tắt đón đầu” bằng cơ chế chất lượng cao
Từ đầu
thập niên 1990, Việt Nam hay nhắc đến cụm từ “đi tắt đón đầu”
trong văn cảnh phải nỗ lực để thóat khỏi nguy cơ tụt hậu. Nhưng
các nhà lãnh đạo, các quan chức thường xem việc phát triển những
ngành mũi nhọn, tiên tiến là con đường đi tắt đón đầu. Suy nghĩ
nầy không hẵn đúng vì khó thống nhất ý kiến về ngành mũi nhọn cụ
thể, chưa nói đến chuyện yếu tố chính trị thường chi phối sự
chọn lựa đó và việc thực thi cũng dễ rơi vào tình trạng kém hiệu
suất. Chí ít là phải có cơ chế chất lượng cao mới đưa ra được
quyết định đúng đắn về ngành mũi nhọn, về việc thực thi chiến
lược phát triển các ngành đó. Kết cuộc theo tôi, cải cách cơ chế
là bí quyết đi tắt đón đầu hiệu quả nhất. Trở lại kinh nghiệm
Hàn Quốc ta thấy rất rõ điều nầy.
Nhiều trí thức Việt Nam
sang thăm Nhật Bản, Hàn Quốc,…về nước thường bức xúc đặt câu
hỏi: Tại sao họ phát triển như vậy, họ khác ta những gì?
[27]
Có thể trả lời như sau: Tại vì họ đã xây dựng được cơ chế chất
lượng cao bảo đảm cho các nguồn lực tích cực tham gia vào qúa
trình phát triển.
Như đã
nói ở Tiết II, hiện nay Trung Quốc đang vượt khá xa Việt Nam về
tốc độ và trình độ phát triển (Hình 2a), nhưng Trung Quốc cũng
chưa xây dựng được một hệ thống cơ chế chất lượng cao. Đây là
thời cơ để Việt Nam rút ngắn khỏang cách với Trung Quốc nếu có
quyết tâm cải cách cơ chế theo 3 tiền đề và 2 nội dung nói ở
trên.
Tư
liệu có trích dẫn
Aldaba, T. Fernando (2002), Philippine Development: A Research
Journey Through the Philippine Journal of Development,
Philippine Journal of Development,
Volume XXIX, No. 2 (Second Semester)
Amsden, Alice (1989)
,
Asia’s Next Giant: South Korea and the Late
Industrialization,
New York: Oxford University Press.
Easterly, William (2003), The Political Economy of Growth
without Development: A Case Study of Pakistan, in Rodrik ed.
(2003).
Evans,
Peter, 1995.
Embedded Autonomy: States and Industrial
Transformation, Princeton, NJ: Princeton University Press.
Hill
Hal (2000), Indonesia: The Strange and Sudden Death of a Tiger
Economy.”
Oxford Developnent Studies 28, no. 2: 117-39.
Huang,
Yasheng (2008), “The Next Asian Miracle,”
Foreign Policy
July/August.
Kimura
Fukunari (2005), International Production/Distribution Networks
and Indonesia,
The Developing Economies, XLIII-1 (March),
pp. 17-38.
Kuznets Simon (1966),
Modern economic growth: Rate,
Structure and Spread, New Haven: Yale University Press.
Lin,
Yustin Yifu and Yang Yao (2001). Chinese Rural Industrialization
in the Context of East Asian Miracle, Ch. 4 trong Stiglitz and
Yussuf eds. (2001).
Llanto, Gilberto MOntecer (2008), The policy development process
and the agenda for effective institutions in the Philippines,
Chapter 7 in Phippa Dee, ed.,
The
institutional foundations of structural reform in the
Asia-Pacific Region,
East Asian Bureau of Economic Research, Crawford School of
Economics and Government, Australian National University,
January 2008.
Nguyễn
Lân Dũng (2006), Nhật Bản khác ta những gì?,
Kiến thức ngày
nay, số 569 (ra ngày 1 tháng 6), tr. 5-7 và 110-111. Bài nầy
cũng được đăng trên mạng
http://vietsciences.free.fr.
North, Douglass C. (1990),
Institutions, Institutional Change and Economic
Performance,
New York: Cambridge University Press.
Perkins, Dwight et al (2006),
Economics of Development, 6
th
edition, New York: W.W. Norton
Pritchett, Lant (2003), A Toy Collection, a Socialist Star, and
a Democratic Dud? Growth Theory, Vietnam, and the Philippines,
Ch. 5 in Rodrik ed. (2003).
Rodrik, Dani (2007),
One Economics Many Recipes,
Princeton University Press.
Rodrik, Dani, ed. (2003)
In Search of
Prosperity: analytic narratives on economic
growth,
Princeton University Press.
Roland, Gerald (2000),
Transition and Economics: politics,
markets and firms, Cambridge, Mass: MIT Press.
Stiglitz, J.E. and S. Yussuf, eds. (2001).
Rethinking the East Asian Miracle, Oxford
University Press.
Temple, Jonathan (2003), Growing into Trouble: Indonesia after
1966, Ch. 6 in Rodrik ed. (2003).
Trần
Hữu Dũng (2009), “Ổn định và phát triển: Trí thức Trung Quốc
đang nghĩ gì?,”
Thời Đại Mới, số 15
Tran
Van Tho (1988), Foreign Capital and Technology in the Process
of Catching-up by the Developing Countries: The Experience of
the Synthetic Fiber Industry in the Republic of Korea,”
The
Developing Economies, Vol XXVI, No. 4, December, pp.
386-402.
Trần
Văn Thọ (1997),
Công nghiệp hóa Việt
nam trong thời đại châu Á Thái bình
dương,
NXB TP Hồ Chí Minh, VAPEC và Thời báo kinh tế Saigon.
Tran
Van Tho and Yoko Koseki (2008), Aid Effectiveness to
Infrastructure: A Comparative Study of East Asia and Sub-Saharan
Africa, a Case Study of Vietnam,”
JBICI Research Paper
No. 37-4, July.
World
Bank (1993),
The East Asian Miracle: Economic Growth and
Public Policies, New York: Oxford University Press.
World
Bank (2002),
World Development Report
2002: Building Institutions for Markets,
New York: Oxford University Press.
World
Bank (2003),
World Development Report
2003: Sustainable Development
in a
Dynamic World,
New York: Oxford University Press.
*
Giáo sư Đại học Waseda và Visiting Scholar Đại học Harvard.
Tác giả cám ơn Tiến sĩ Vũ Quang Việt và Gíao sư Trần Hữu
Dũng góp ý kiến trong bản thảo đầu tiên.
[1]
Tăng trưởng bền vững ở đây có nghĩa là, sau một giai đọan
giải quyết vấn đề đói nghèo và xây dựng những tiền đề đầu
tiên của cơ chế thị trường, kinh tế tăng truởng ở tốc độ
khá cao trong thời gian dài, không có biến động lớn và nhất
là có khả năng áp dụng rộng rãi thành quả khoa học, công
nghệ; sau giai đọan nầy kinh tế sẽ tiến gần đến trình độ của
một nước tiên tiến. Từ thập niên 1990 có một khái niệm tuơng
tự là phát triển bền vững (sustainable development) với ý
nghĩa phát triển trong công bằng xã hội và bảo vệ môi truờng
(xem chẳng hạn, World Bank 2003). Hai khái niệm tuy khác
nhưng bổ túc nhau. Khuôn khổ của bài viết nầy không cho phép
bàn vấn đề môi truờng và phân phối lợi tức mặc dù đó là
những đề tài quan trọng.
[2]
Khái niệm
institutions trong một số tư liệu được dịch
ra tiếng Việt là
thể chế, nhưng trong bài nầy được
dịch là
cơ chế. Theo tôi từ
cơ chế thích hợp
hơn.
[3]
Douglass C. North, nhà kinh tế đọat giải Nobel năm 1993, là
người tiên phong trong nghiên cứu về sự liên hệ giữa cơ chế
và thành quả phát triển kinh tế. Xem, chẳng hạn, North
(1990). Ngân hàng thế giới, cơ quan quốc tế hằng năm phát
hành bản báo cáo về phát triển kinh tế, đã chọn vấn đề
Xây dựng cơ chế cho thị trường làm chủ đề cho bản báo
cáo năm 2002. Xem World Bank (2002).
[4]
Về sự phân lọai cơ chế có thể xem World Bank (2003), Ch. 3,
nhất là Figure 3.1 ở trang 38.
[5]
Hai giai đọan ta đề khởi ở đây có nhiều điểm tương đồng với
giai đọan thứ hai và thứ ba của Rostow (1960) nhưng không
hòan tòan giống. Nhiều đặc tính của các giai đọan mà Rostow
khảo sát gần nửa thế kỷ trước không còn phù hợp với thời đại
ngày nay, thời đại công nghệ, kỹ thuật, tri thức, … lan rộng
nhanh giữa các nước, thúc đẩy bởi sự tiến bộ của công nghệ
thông tin và trào lưu tòan cầu hóa.
[6]
So sánh ở đây chủ yếu về mặt cơ chế, mặt quan hệ sản xuất.
Nếu xét mặt lực lượng sản xuất thì Trung Quốc và Việt Nam ở
gần điểm B trong Hình 1 nhưng Liên xô cũ và các nước Đông
Âu trước khi cải cách đã có mức GDP đầu người cao hơn B,
nhiều trường hợp gần điểm C.
[7]
Cũng từ quan điểm nầy, Roland (2000, Ch. 13) gọi chiến lược
cải cách tiệm tiến là cách nhìn theo sự tiến hóa của cơ chế
(evolutionary institutionalist perspective).
[8]
Bao nhiêu năm thì được gọi là “quá lâu”? Thật ra khó có một
con số khách quan. Ở đây tùy theo tốc độ phát triển, tùy
theo ý chí đẩy mạnh cải cách để đưa kinh tế phát triển
nhanh, tùy theo bối cảnh chính trị xã hội. Tổng hợp các yếu
tố có lẽ có thể nói trên 15 năm thì được gọi là “quá lâu”.
[9]
Lợi thế so sánh động là lợi thế so sánh tiềm năng chỉ được
thể hiện trong tương lai nếu các tiền đề được chuẩn bị ở
giai đọan hiện nay.
[10]
Đối với các nước chuyển đổi sang kinh té thị trường, Rodrik
(2007) gọi những chính sách nầy là những cải cách ở thế hệ
thứ hai, hoặc Hậu Đồng thuận Washington
[11]
Đường CE trong Hình 1 (từ điểm C, GDP đầu người không thay
đổi) chỉ là trường hợp đặc biệt, để đơn giản hóa nên vẽ như
vậy. Trên thực tế có thể có nhiều hình thái biến dạng trong
đó GDP đầu người tăng nhưng ở tốc độ rất thấp, hoặc có
truờng hợp giảm.
[12]
Xem thêm
Llanto (2008), bài viết phân tích chi tiết về vấn đề cơ chế
ở Philippines.
[13]
Trong bản xếp hạng về môi truờng đầu tư của Ngân hàng thế
giới (World Bank Ranking on Ease of Doing Business) và về
tệ nạn tham nhũng trong những năm gần đây, Philippines còn
kém hơn cả Việt Nam.
[14]
Do đột nhiên phát hiện được mỏ dầu, khí đốt hoặc do giá của
những lọai đó trên thị trường thế giới tăng nhanh, nước xuất
khẩu thu vào một số lượng ngoại tệ lớn. Song song với hiệu
quả đồng tiền lên giá, nếu ngoại tệ chủ yếu dùng vào việc
nhập hàng hóa tiêu thụ, công nghiệp của nước nầy mất sức
cạnh tranh kéo theo trì trệ của kinh tế ở giai đọan sau. Đó
là kinh nghiệm của Hà Lan vào thập niên 1960.
[15]
Xem, chẳng hạn, Qian (2003), Rodrik (2007) p. 24..
[16]
Theo Huang (2008), khác với thập niên 1980, Trung Quốc trở
nên bảo thủ hơn, các cải cách có tính cách thụt lùi hơn vào
thập niên 1990. Phân tích nầy có vài điểm đúng về mặt cải
cách chính trị, nhưng chưa được thuyết phục lắm, nhất là về
mặt kinh tế. Ít nhất để vào WTO năm 2001, các cải cách kinh
tế phải tiến một bước xa trong thập niên 1990 so với 10 năm
trước đó.
[17]
Về chi tiết xem Trần Hữu Dũng (2008) trong lọat bài của Hội
thảo Hè 2008..
[18]
Tôi có phân tích cụ thể nỗ lực của Hàn Quốc trong việc đuổi
theo Nhật trong ngành tơ sợi tổng hợp. Xem Tran (1988).
[19]
Trong kinh tế học phát triển, hiện tượng nầy được gọi là mưu
cầu lợi ích đặc biệt (rent-seeking).
[20]
Tại Hàn Quốc, quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà nước không
phải hòan tòan không có vấn đề. Một số tập đòan kinh tế
(chaebol) cũng tìm cách tiếp cận chính trị gia để tìm đăc
quyền đặc lợi. Tuy nhiên các trường hợp nầy có tính cá biệt,
không phổ biến nên ảnh hưởng không lớn đến hiệu quả phát
triển của tòan nền kinh tế. Khi cuộc khủng hỏang tài chánh
bùng nổ (năm 1997), một số chaebols vay mượn và đầu tư tràn
lan, không trả được nợ phải phá sản, chính phủ cũng không
cứu. Những chaebols thận trọng trong đầu tư có tính cách
đầu cơ và nỗ lực tăng hiệu suất kinh doanh đã trở thành
những công ty đa quốc gia nổi tiếng, chiếm lãnh thị phần
ngày càng cao trên thị trường thế giới như ta thấy ngày
nay..
[21]
Chi tiết về vấn đề nầy xem Trần Văn Thọ (1997), chương 5.
[22]
Như đã được đề cập, Hàn Quốc cũng bị cuốn vào cơn lốc của
khủng hỏang tài chánh Á châu năm 1997 vì họat động cho vay
và đầu tư tràn lan của một số tập đòan kinh tế (chaebols).
Đáng chú ý là trong không khí khẩn truơng đối phó với khủng
hỏang, dân chúng Hàn Quốc đã tự nguyện đóng góp vàng, đồ
trang sức để chính phủ xuất khẩu góp phần giải quyết tình
trạng thiếu ngoại tệ. .
[23]
Ở đây ta không bàn đến chất lượng (quality) của thành quả
tăng trưởng. Môi trường xuống cấp, phân phối thu nhập và tài
sản bất bình đẳng, hiệu quả đầu tư thấp, v.v. cho thấy chất
lượng phát triển ở Việt Nam và Trung Quốc đều kém. Có điều ở
mặt chất lượng Việt Nam không hơn Trung Quốc nhưng tốc độ
phát triển thấp hơn..
[24]
Luật đầu tư nước ngoài và Luật doanh nghiệp sửa đi sửa lại
nhiều lần, kể cả những nghị định bổ sung và những tu chỉnh
từng phần, hầu như hằng năm có sự thay đổi nội dung các
luật nầy.
[25]
Về điểm nầy xem Tran and Koseki (2008).
[26]
Tôi đã kiến nghị với nhà nước về vấn đề nầy từ năm 1996
nhưng chẳng được thực thi. Một số bộ trong chính phủ có thi
tuyển nhưng hầu hết có tính cách hình thức. Kinh nghiệm của
Nhật được giới thiệu trong Trần Văn Thọ (1997) Ch. 3.
[27]
Xem, chẳng hạn, Nguyễn Lân Dũng (2006).