Trong những tháng gần đây, T T Obama luôn bàn về khả năng mở rộng chiến tranh, kiểu Mỹ, ngày một cực đoan. Mặc dù luôn tìm cách ngăn chặn các đe dọa tấn công Iran với mục đích  phòng ngừa của Do thái, nhiều tuyên bố và bình luận của Obama lẽ ra đã có tác động gây sốc đối với người Mỹ — nhưng hình như chẳng mấy ai quan tâm.

LÝ DO MỚI ĐỂ MỞ RỘNG CHIẾN TRANH

Đã hẳn, chúng tôi không muốn nói không ai lưu ý đến những lời tuyên bố của Tổng Thống. Ngược lại là khác, những lời tuyên bố của Obama đã chiếm những hàng tít lớn, được báo chí, các nhà bình luận và phân tích, nghiền ngẫm.

Mitt Romney, Rich Santorum, và Newt Gingrich đã đồng loạt tấn công.

Fox News đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh kiềm chế: Obama kêu gọi ngăn bờ Iran, phát biểu về chiến tranh một cách vô trách nhiệm. Báo Huffington Post làm nổi bật khía cạnh hậu thuẩn Do Thái : Obama đang lên tiếng bảo vệ các chính sách đối với Do Thái, trước các luận điệu chỉ trích mang tính đảng phái.

Thủ Tướng Do Thái Netanyahu chống lại các lời tuyên bố của Obama trong một vũ điệu Hoa Kỳ-Do Thái nguy hiểm có thể mang lại hỗn loạn mới ở Trung Đông.

Nhưng giữa những hàng tít, lời bình luận, và phân tích, hình như rất ít ai lưu tâm đến những gì đã thực sự thay đổi trên thế giới.Tổng Thống đã đưa ra một định nghĩa mới về “xâm lược” – “aggression”  đối với Iran và một “chủ thuyết mới về chiến tranh” nói chung.

Obama đã nhấn mạnh, ông có thể đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến không những để chận đứng một quốc gia khác tấn công Hoa Kỳ hay ngay cả đe dọa tấn công Hoa Kỳ, mà chỉ để chận đứng quốc gia đó chế tạo một vũ khí nguyên tử.

Và Tổng Thống có thể hành động ngay cả nếu quốc gia đó không có đủ khả năng nhằm Hoa Kỳ như một mục tiêu. Điều nầy đã là một mẫu tin cần lưu tâm.

Chẳng hạn, đây là một trong những tuyên bố đáng ngạc nhiên nhất: Ngay trước khi Thủ Tướng Do Thái Netanyahu đến Hoa Thịnh Đốn, Tổng Thống đã dành cho Jeffrey Goldberg, tạp chí Atlantic, một cuộc phỏng vấn kéo dài 45 phút trong tòa Bạch Ốc. Là nhà báo thân Do Thái đáng chú ý, Goldberg đã viết đăng trong số tháng 9-2011 một bài nhan đề “The Point of No Return” – Điểm Không Thể Lùi Bước. Trong bài, trên cơ sở các cuộc phỏng vấn với 40 nhân vật có quyền quyết định của Do Thái hiện nay và trong quá khứ, về một cuộc tấn công quân sự , tác giả đã lượng định khả năng một cuộc tấn công Iran bởi không lực Do Thái có thể xẩy ra vào trước tháng 7-2012 vào khoảng 50%.

Sau đây là những nét chính lời tuyên bố của Obama trong cuộc phỏng vấn gần đây:

“Tôi nghĩ chính quyền Do Thái nhận thức được, trong tư cách tổng thống Hoa Kỳ, tôi không tháu cáy. Tôi cũng không, như một vấn đề chính sách lành mạnh, đi quảng cáo chính xác các ý định của chúng tôi là gì. Nhưng tôi nghĩ cả hai chính quyền Iran và Do Thái đều nhận thức rõ khi Hoa Kỳ nói Iran sở hữu một vũ khí nguyên tử là điều không thể chấp nhận, chúng tôi muốn được hiểu những gì chúng tôi nói.”[1]

Tổng Thống còn phát biểu thêm một nhận định đáng ngại: “Tôi nghĩ, công bằng mà nói,  trong ba năm qua, tôi đã chứng tỏ khá rõ ràng là luôn sẵn sàng, khi tôi tin đó là quyền lợi cốt lõi của quốc gia Hoa Kỳ, vận dụng các hành động quân sự, ngay cả khi những hành động nầy hàm chứa các bất trắc thật lớn lao.”[2]

Ngày hôm sau, trong một bài nói chuyện nhằm chấm dứt mọi bàn luận thiếu trách nhiệm về chiến tranh, trước một cử tọa hậu thuẩn hùng mạnh của Do Thái, Ủy Ban Công Vụ Hoa Kỳ-Do Thái,[3]tổng thống đã đưa ra một công thức còn mạnh mẽ hơn, xứng đáng được trích dẫn ở đây.

Khi thảo luận những hậu quả của các quyết định  sử dụng quân lực của chính mình “dưới mắt những người ông gặp mới trở về với thương tích trầm trọng,” Obama đã nói:

“Và vì lý do nầy, như một phần trong trách nhiệm thiêng liêng của chính mình, tôi sẽ chỉ sử dụng vũ lực khi thời gian và hoàn cảnh đòi hỏi…Tất cả chúng ta đều ưa thích giải quyết vấn đề qua đường lối ngoại giao. Sau khi đã nói rõ điều đó, cấp lãnh đạo Iran không nên nghi ngờ về sự quyết tâm của Hoa Kỳ — cũng như họ không nên nghi ngờ về quyền tối thượng của Do Thái tự quyết định về những gì cần thiết để đáp ứng các nhu cầu an ninh của chính Do Thái. Tôi đã nói như thế khi bàn đến nhu cầu ngăn ngừa Iran thủ đắc một vũ khí hạt nhân, tôi sẽ không loại trừ bất cứ lựa chọn nào, và tôi phải được hiểu những gì tôi nói. Điều nầy bao gồm mọi thành tố quyền lực của Hoa Kỳ… và, vâng một nổ lực quân sự được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó mọi tình huống khả dĩ.

Cấp lãnh đạo Iran cần hiểu rõ tôi không theo đuổi chính sách đắp bờ; tôi có một chính sách ngăn ngừa Iran thủ đắc một vũ khí hạt nhân. Và như tôi đã nhiều lần nói rõ trong suốt thời gian giữ nhiệm vụ tổng thống, tôi sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực khi cần thiết để bảo vệ Hoa Kỳ và quyền lợi của Hoa Kỳ.”[4]

Một tổng thống Hoa Kỳ không thể nào minh bạch hơn nữa, khi tuyên bố: nếu giới tình báo Hoa Kỳ kết luận người Iran đang xây dựng một vũ khí nguyên tử, người Mỹ sẽ tấn công.

Ngay ngày hôm sau khi nói chuyện trước một cử tọa AIPAC, Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta, một lần nữa, đã củng cố lời cam kết của tổng thống: “Không một đe dọa nào lớn hơn đối với Do Thái, với toàn vùng, và cả với Hoa Kỳ, hơn là một Iran với vũ khí hạt nhân.. Hành động quân sự là sự lựa chọn cuối cùng khi tất cả các biện pháp khác đều thất bại, nhưng xin đừng hiểu lầm: khi mọi biện pháp khác đều thất bại, chúng tôi sẽ hành động.”[5]

TIỀN LỆ VÀ ẢNH HƯỞNG

Để có thể hiểu có điều gì mới mẻ ở đây, chúng ta cần lùi lại vài năm. Xét cho cùng, tiền lệ thường là di sản mang tính truyền thống, và những lời tuyên bố trên đây có một tiền lệ duy nhất trong thời đại nguyên tử (mặc dù không phải một tiền lệ Obama có thể nói ông khâm phục): xâm lược Iraq năm 2003 của chính quyền Bush. Và lý do được tuyên bố rõ ràng, biện minh cho cuộc chiến xâm lăng, là chương trình nguyên tử cũng như vũ khí sinh hóa tiêu diệt hàng loạt – WMD, của Saddam Hussein.

Trong loạt bài nói chuyện từ tháng 8-2002, T T George W. Bush đã công khai lên án Saddam Hussein đang tích cực theo đuổi một chương trình nguyên tử. Cùng lúc, phó T T của Bush đã phát động một chiến dịch tác động báo chí và công luận với những lời lên án tương tự, và Bộ Trưởng Ngoại Giao của Bush cũng lớn tiếng quảng bá nguy cơ nấm mây phóng xạ đe dọa không phận các thành phố của Hoa Kỳ: “Chúng tôi biết chắc [Saddam] đang tích cực theo đuổi một vũ khí nguyên tử… Chúng tôi không muốn họng súng đang bốc khói trở thành một đám mây hình nấm.”[6]

Trong suốt thời gian đó, chính quyền Bush đã nổ lực thuyết phục Quốc Hội  — từ lâu đã bị lảng quên — Hoa Kỳ đang thực sự đối diện nguy cơ một cuộc tấn công WMD, rất có thể là anthrax, bất cứ lúc nào. T T Bush công khai gợi ý,  với phi cơ không người lái (drones), Saddam có thể có đủ khả năng rãi thảm các thành phố miền Đông nước Mỹ ven bờ Đại Tây Dương với các vũ khí sinh hóa. Và Quốc Hội đã được thông báo qua các cuộc điều trần mật gây hoang mang hoảng sợ bởi ngành hành pháp.

Chẳng hạn, Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Bang Florida, Bill Nelson, cho biết ông đã bỏ phiếu chấp thuận nghị quyết của chính quyền Bush cho phép sử dụng quân lực ở Iraq vì “tôi được cho biết không những [Saddam đã sở hữu WMD] và cũng đã có các  phương tiện sử dụng các vũ khí đó, với các phi cơ không người lái unmanned aerial vehicles – UAV, mà còn có đủ khả năng vận dụng các UAV bên ngoài Iraq và đe dọa ngay cả lục địa Mỹ, nhất là bằng tàu biển đến vùng ven biển miền Đông [Hoa Kỳ].”[7]

Nhu cầu xuất trình bằng chứng, dù quái dị hay ngụy tạo, của một đe dọa khả dĩ đối với Hoa Kỳ đã đưa đến một chiến dịch bóp méo, xuyên tạc, cực đoan mới trong phương cách chuẩn bị phát động chiến tranh.

Trong những ngày tháng sau sự kiện 11-9, Phó T T Dick Cheney đã đề nghị: ngay cả khi nguy cơ Hoa Kỳ bị tấn công, nhất là với WMD, chỉ 1%, cũng phải được xem như một điều chắc chắn.

Nhà báo Ron Suskin đã gọi điều đó là “Chủ Thuyết Một Phần Trăm.” Đó là phương thức liều lĩnh và bừa bãi nhất trong cuộc chiến xâm lược phòng ngừa người ta đã chứng kiến trong kỷ nguyên hiện đại.

Đã hẳn, thực tế — Iraq của Saddam đã không có chương trình nguyên tử, không có vũ khí sinh hóa, không có UAV, và cũng không có cách tới được miền Đông nước Mỹ ven bờ Đại Tây Dương — đã chứng minh đầy đủ lập trường đứng đắn của phe chỉ trích chính quyền Bush.

Nhưng chúng ta đã bỏ sót một điều tối quan trọng mới mẻ khác trong chính sách xâm lược: không những chính chủ thuyết 1%, mà còn ý tưởng tối nguy hiểm — ý niệm lần đầu tiên xuất hiện trên hành tinh địa cầu — khai chiến chỉ vì sự khả dĩ một quốc gia khác có thể sở hữu vũ khí tiêu diệt hàng loạt.

Cho đến thời điểm đó, một ý niệm như thế chưa bao giờ hiện diện trong ngôn từ chiến lược quốc tế.

Hoàn toàn trái ngược: trong kỷ nguyên chiến tranh lạnh, vũ khí nguyên tử đã được nghĩ đến như vũ khí ngăn chặn hay làm nản lòng hay nhụt chí – deterrence, hay, trong trường hợp hai siêu cường nguyên tử của thời đại đó, như một vũ khí “bảo đảm tiêu diệt lẫn nhau”- “mutually assured destruction” (hay MAD) giữa hai phe lâm chiến.

Những vũ khí nầy được xem như loại vũ khí bảo đảm ngăn cản mọi khởi động chiến tranh. Chấp hữu những khí giới đó là một thứ bảo đảm rùng rợn đối phương không thể tấn công bạn, vì cả hai bên đều chắc chắn sẽ bị tiêu diệt.

Trong tinh thần đó, trong khoảng thời gian giữa thời điểm ném hai quả bom hạt nhân xuống các thành phố Nhật Hiroshima và Nagasaki trong tháng 8-1945 và cuôc chiến xâm lược Iraq tháng 3-2003,  bảy quốc gia — Liên Bang Nga, Anh quốc, Pháp, Trung Quốc, Do Thái (mặc dù kho vũ khí nguyên tử lớn vẫn chưa được Do Thái tự xác nhận), Ấn Độ, và Pakistan — tất cả đều đã là các quốc gia nguyên tử  – mà chẳng có ai gợi ý là cả bảy quốc gia cần được tấn công chỉ vì đang sở hữu loại vũ khí đó.

Một quốc gia thứ tám –Nam Phi, do người da trắng lãnh đạo — đã thực sự ráp sáu vũ khí hạt nhân, và về sau đã trở thành quốc gia duy nhất đã giải thể vũ khí nguyên tử.

Nam Hàn, Đài Loan, Argentina, và Brazil cũng đều có chương trình hạt nhân phôi thai, mặc dù chưa có vũ khí hạt nhân nào đã được sản xuất.

Ngày nay, Nhật Bản đã được xem như đã đạt đến khả năng, người Iran chưa với tới: khả năng chế tạo bom hạt nhân — breakout capacity, hay khả năng chế tạo một bom nguyên tử tương đối nhanh nếu Nhật quyết định xây dựng.

Năm 2006, Bắc Hàn đã thử nghiệm bom hạt nhân lần đầu, và trong vòng ít năm, đã trở thành cường quốc nguyên tử thứ chín.

Nói một cách khác, năm 2003, ý niệm chấp hữu vũ khí nguyên tử,  hay chỉ cần một chương trình nguyên tử với khả năng tới một ngày đẹp trời nào đó cũng có thể chế tạo bom, là đủ để bị hay cần bị tấn cônga casus belli. Đó là một ý niệm hoàn toàn mới.

Và khi Saddam đã rõ ràng không có chương trình hạt nhân nào, và cũng chẳng có vũ khí tiêu diệt hàng loạt nào, lối biện minh cuộc chiến xâm lược của Mỹ đã được phơi bày như một việc làm rõ ràng với chủ đích lừa lọc và gian lận — hình như đã được ném vào sọt rác lịch sử.

BARACK OBAMA VÀ CHỦ THUYẾT O%

Đó là những gì đã xẩy ra cho đến nay.

Dù muốn dù không, trong lối giải thích chính sách chiến tranh mới nhất đối với Iran, T T  Obama đã dựa trên tiền lệ do Bush xây đắp. Tuy nhiên, cách diễn giải của tổng thống là một phướng thức còn cực đoan hơn nhiều, cần được gọi là Chủ Thuyết O%.

Trong phương cách ngăn chặn cuộc tấn công của Do Thái, rất có thể cũng chỉ là một lối tháu cáy, Obama đã định hình một quyết định của Iran chế tạo một vũ khí nguyên tử, trong tương lai,  là một hình thức tấn công mới chống lại Hoa Kỳ.

Như đã giải thích với JeffreyGoldberg, Obama có thể sử dụng quân lực chống lại Iran không phải để ngăn ngừa một cuộc tấn công Hoa Kỳ của Iran, mà là một cuộc thi đua vũ trang nguyên tử ở Trung Đông.

Và cần lưu ý: Obama không nói, “‘chúng tôi’ không tháu cáy”. Ông đã nói: ” ‘Tôi’ không tháu cáy.” Và từ “tôi” không nên bị coi nhẹ. Chính quyền Bush đã đề xướng “suy tôn quyền uy của tổng thống,” hay [ như họ đã gọi lúc đó,] “hành pháp một người”  - “a unitary executive.”

Ngày nay, không ai trong Tòa Bạch Ốc dùng từ đó, cũng như từ “Chiến Tranh Toàn Cầu Chống Khủng Bố,”nhưng nếu cả hai từ đã biến mất, các hiện tượng thực tế  họ đặt tên chỉ có thể được tăng cường.

Cuộc Chiến Toàn Cầu Chống Khủng Bố — với bí mật quân sự đâm chồi bén rễ, các lực lượng hành quân đặc biệt và ưu tú, và lực lượng UAV ngày một lớn, một phần do CIA kiểm soát  –  cần được nghĩ đến như cuộc chiến chỉ thuộc quyền riêng tư của tổng thống.

Vả chăng, khi bàn về các cuộc hành quân ám sát bởi phi cơ không người lái (hay “giết các đối tượng đã được lựa chọn trước” “targeted killings”, như nay họ thường gọi một cách nhẹ nhàng hơn), học giả pháp lý Jonathan Turley mới đây đã viết, “Bộ Trưởng Tư Pháp Eric Holder đã đòi hỏi dành cho tổng thống quyền giết bất cứ công dân Mỹ nào nếu ông đơn phương thẩm định người đó là một đe dọa cho quốc gia.”[8]

Turley còn viết tiếp, khi làm như vậy, “Obama đã thay thế các ‘bảo đảm hiến định’ dành cho mọi công dân với ‘lời tuyên thệ tin ở tôi’.[9]

Nói một cách khác, đối với khủng bố, chiến tranh ngày một trở thành địa hạt dành riêng cho tổng thống; và tấn công kẻ địch, dù được định nghĩa ra sao chăng nữa, là một vấn đề thuộc quyền xét đoán riêng tư của tổng thống.

Đó không còn là một vấn đề của “chúng tôi,”mà là “của riêng tôi như tổng thống” khi quyết định khởi động các cuộc tấn công trong một địa hạt đã trở thành một vùng “tác xạ tự do toàn cầu” bởi các UAV, hay phi cơ không người lái, và các lực lượng hành quân đặc biệt.

Nói một cách khác, chiến tranh ngày một “cư trú trong Tòa Bạch Ốc và cá nhân lãnh đạo hành pháp tổng tư lệnh – a commander-in-chief executive.”

Như chiến dịch can thiệp ở Libya đã cho thấy, cũng như nhân dân Hoa Kỳ, Quốc Hội may lắm cũng chỉ là một ý nghĩ đến sau –  ngay cả Quốc Hội hiện nay có thể có quyền chuẩn y chiếu lệ một hành động chiến tranh của tổng thống mà chẳng cần phải thắc mắc băn khoăn.

Điều oái oăm là tổng thống đã đề xuất một chính sách khai chiến hết sức cực đoan vào một lúc không có một bằng cớ người Iran đang theo đuổi chế tạo một bom nguyên tử  – ít ra là chưa. Lãnh tụ tôn giáo tối cao của một nhà nước thần quyền đã gọi sự chấp hữu vũ khí nguyên tử là một tội lỗi trầm trọng – “a grave sin” và thẩm định của tình báo quốc gia Hoa Kỳ đã nhiều lần kết luận, trong thực tế, người Iran không có dấu hiệu xây dựng vũ khí nguyên tử.

Tuy nhiên, nếu, và đây là một chữ nếu khổng lồ, Iran thực sự đã có bom hạt nhân, nếu một quốc gia thứ mười gia nhập câu lạc bộ nguyên tử, đó đã hẳn không phải là một tin vui, nhưng thế giới cũng không vì vậy mà đã trở thành một hành tinh tệ hại hơn, cũng không nhất thiết đã thay đổi quá nhiều.

Điều có thể thay đổi thế giới một cách cực đoan chính là chủ thuyết O% – và khuynh hướng có thêm nhiều quốc gia xem chiến tranh như đặc quyền cá nhân của một tổng thống Hoa Kỳ, cùng lúc đã nhường chỗ cho giới quân sự Hoa Kỳ những gì cho đến gần đây thuộc địa hạt và thẩm quyền của các nhà ngoại giao.

Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

22-3-2012

Chú Thích:

(1) Bài viết đã dựa trên tư liệu của Tom Engelhardt, đồng sáng lập viên Dự Án “the American Empire Project.”

(2) Tác phẩm mới của Tom Engelhardt: The American Way of War: How Bush’s Wars Became Obama’s; The End of Victory Culture; The United States of Fear.

 

 


[1] I think that the Israeli government recognizes that, as president of the United States, I don’t bluff. I also don’t , as a matter of sound policy, go around advertising exactly what our intentions are. But I think both the Iranian and the Israeli governments recognize that when the United States says it is unacceptable for Iran to have a nuclear weapon, we mean what we say.
[2] I think it’s fair to say that the last three years, I’ve shown myself pretty clearly willing, when I believe it is in the core national interest of the United States, to direct military actions, even when they entail enormous risks.
[3] …the American-Israel Public Affairs Committee (AIPAC).
[4] And for this reason, as part of my solemn obligation to American people, I will only use force when the time and circumstances demand it… We all prefer to resolve this issue diplomatically. Having said that, Iran’s leaders should have no doubt about the resolve of the United States — just as they should not doubt Israel’s sovereign right to make its own decisions about what is required to meet its security needs. I have said that when it comes to preventing Iran from obtaining a nuclear weapon, I will take no options off the table, and I mean what I say. That includes all elements of American power…and, yes, a military effort to be prepared for any contingency.

Iran’s leaders should understand that I do not have a policy of containment; I have a policy to prevent  Iran from obtaining a nuclear weapon. And as I have made clear time and again during the course of my presidency, I will not hesitate to use force when it is  necessary to defend the United States and its interests.

[5] No greater threat exists to Israel, to the entire region, and indeed to the United States, than a nuclear-armed Iran… Military action is the last alternative if all else fails, but make no mistake: When all else fails, we will act.
[6] We do know that [Saddam] is actively pursuing a nuclear weapon…We don’t want the smoking gun to be a mushroom cloud.
[7] I was told not only that [Saddam had weapons of mass destruction] and that he had the means to deliver them through unmanned aerial vehicles, but that he had the capability of transporting those UAVs outside of Iraq and threatening the homeland here in America, specifically by putting them on ships off the eastern seaboard.
[8]  Attorney General Eric Holder has just claimed for the president the “authority to kill any American if he unilaterally determines them to be a threat to the nation.”
[9] Obama has replaced the constitutional protections afforded to citizens with a ‘trust me’ pledge.