 |
TS
Nguyễn Trường |
(LĐCT) - Với trên 40 năm kinh
nghiệm giảng dạy bộ môn kinh tế, TS Nguyễn Trường từng là giám đốc
các dự án nghiên cứu thuộc Viện RIHED và Giáo sư thỉnh giảng Đại học
Nanyang (Singapore.
Sau năm 1975, ông là chuyên viên nghiên cứu ở
Montreal (Canada) và chuyên viên kinh tế ở quận Cam, California
(Mỹ). Ông đã xuất bản một số tác phẩm về các xí nghiệp quốc doanh và
giáo dục đại học ở Đông Nam Á. Sau năm 2000, ông chuyển hướng nghiên
cứu qua địa hạt địa chính trị và kinh tế thế giới. Hiện ông đang
sống tại vùng Nam California.
Nhân chuyến về VN, ông đã có dịp trao đổi kinh nghiệm với trường Đại
học quốc gia TPHCM. Giáo sư cũng đã có một số buổi nói chuyện với
giới doanh nhân TP về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và
khủng
hoảng kinh tế toàn cầu 2008.
Theo ông, nói một cách ngắn gọn, điều
mà nước Mỹ cần phải làm ngay bây giờ là gì?
- Là phải đảo ngược các biện pháp giảm thuế cho người giàu trong
hai năm 2001 và 2003 của Tổng thống Bush, khởi sự thanh toán hệ
thống đế quốc với hơn 800 căn cứ quân sự trên toàn cầu, và cắt giảm
khỏi ngân sách quốc phòng tất cả các dự án không liên quan gì đến an
ninh quốc gia của Hoa Kỳ, cũng như phải chấm dứt việc dùng ngân sách
quốc phòng như một chương trình tạo việc làm theo kiểu Keynesianism.
Nếu làm được những điều đó, Hoa Kỳ sẽ có cơ may thoát nạn. Ngược
lại, Hoa Kỳ có lẽ phải đối đầu với nguy cơ một cuộc khủng hoảng lâu
dài.
Xin ông cho biết những điểm tương đồng và dị biệt giữa
cuộc khủng hoảng 1997 ở Đông Nam Á và cuộc suy thoái 2008?
- Trong mỗi trường hợp, người ta nhận thấy một diễn tiến vòng tròn
đáng ngại: Những vấn đề tài chính khó khăn của các công ty, ngân
hàng và mọi gia đình đưa đến sự mất lòng tin lan rộng trong giới đầu
tư, nhất là giới đầu tư nước ngoài, đến sự sụp đổ tiền tệ, lãi suất
lên cao, kinh tế đình trệ, rồi những khó khăn tài chính của các công
ty, ngân hàng cứ thế tiếp tục...
Thái Lan trong thập kỷ 1980, đi lên từ một nền kinh tế nông nghiệp,
phần lớn do giới doanh thương Nhật đến xây dựng nhà máy. Dân quê đua
nhau ra thành phố kiếm việc, giới ngân hàng và doanh thương bắt đầu
đầu tư vào ngành xây dựng, và kinh tế Thái Lan bắt đầu tăng trưởng
nhanh - 8%/năm. Ngân hàng Nhật có thể cho một công ty tài chánh Thái
vay. Công ty Thái đổi đồng yen ra đồng baht và cho các các công ty
bất động sản vay lại, để trả tiền mua vật liệu, trả lương nhân công
bằng tiền Thái. Nhu cầu đồng baht gia tăng, và đồng baht cũng tăng
giá trị - giả thiết tiền Thái được thả nổi.
Để thu hút đầu tư, Chính phủ Thái đã quyết định giữ hối suất giữa
đồng baht và USD ổn định. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Thái Lan phải
gia tăng nguồn cung đồng baht hay khối tiền tệ lưu hành và đồng thời
mua vào ngoại tệ để dự trữ. Hậu quả tất nhiên là lượng tín dụng quốc
nội gia tăng vì các ngân hàng nhận được nhiều tiền ký thác phải tìm
cách cho vay kiếm lợi nhuận.
Tất cả những điều đó có nghĩa là một nguồn tài trợ mới xuất hiện,
thúc đẩy các dự án xây dựng, dẫn đến đến tình trạng vay mượn thêm từ
nước ngoài và cứ thế tiếp tục.
Kết quả tất yếu chung cuộc là bong bóng bất động sản. Ngân hàng Nhà
nước Thái Lan đã phải cố gắng làm nguội bớt nền kinh tế, bằng cách
vay lại đồng baht từ các ngân hàng ngoại quốc. Nhưng biện pháp tạm
bợ này chỉ làm tăng lãi suất quốc nội, khuyến khích vay mượn từ nước
ngoài (có lợi vì lãi suất thấp) và đem về nhiều tiền yen hơn.
Ngân hàng trung ương rất có thể chỉ để giá trị đồng baht gia tăng,
như nhiều kinh tế gia Mỹ hiện nay tìm cách thuyết phục Trung Quốc
nâng giá đồng nhân dân tệ. Nhưng điều này chỉ có nghĩa hàng xuất
khẩu của Thái (những thứ do các công ty Nhật sản xuất) đắt hơn trên
các thị trường nước ngoài - do đó, vô hình trung giết chết con gà đẻ
trứng vàng.
|

Giáo sư Nguyễn Trường nói chuyện với giới doanh
nhân tại TPHCM |
Số trứng vàng tích lũy nhiều cũng đem lại một thứ bi kịch khác. Đầu
tư gia tăng (nhập trang thiết bị cho công nghệ xây dựng) và chi
tiêu mang tính tiêu thụ (nhập TV, xe hơi cho giới nhà giàu Thái mới
lên) làm chậm đà tăng trưởng xuất khẩu so với nhập khẩu. Do đó, cán
cân nghiêng hẳn về nhập siêu. Người Thái bắt đầu phải dùng số ngoại
tệ vay mượn để trang trải hàng nhập khẩu, trong khi ngân hàng trung
ương phải dùng ngoại tệ dự trữ đang có để bảo vệ đồng baht.
Tháng 7.1997, sự tăng trưởng kinh tế Thái Lan đạt mức đỉnh điểm; nền
kinh tế bắt đầu bùng nổ. Ngân hàng trung ương không còn đủ ngoại tệ
dự trữ, nên không đủ sức bảo vệ đồng baht: Giá trị đồng baht tuột
dốc khoảng 50% chỉ trong vòng vài tháng. Tai hoạ xảy đến, gây suy
thoái không những cho Thái mà cả Hàn Quốc và Malaysia khi các nhà
đầu tư ngoại quốc hoảng sợ hối hả tháo chạy. Vùng Đông AÁ bắt đầu
trải nghiệm nỗi đau của Argentina và Do Thái trong thập kỷ 1980.
Giữa hai cuộc khủng hoảng, có thể nhận diện được những
nguy cơ nào chung nhất theo ông?
- Người ta vẫn nhận diện được một sự đối xứng trong cách ứng xử của
các tay chơi tài chính giữa hai phía. Cuộc khủng hoảng ở Thái Lan đã
được nhen nhúm bởi các tay chơi trung gian có nhiều quyền lợi để rao
giảng ảo tưởng là đầu tư vào ngành xây dựng và buôn bán bất động sản
thì không thể thất bại. Đó là những người hưởng lợi từ các giao dịch
chứ không phải từ tính lành mạnh của dự án.
Trở lại các công ty tài chính Thái đứng làm trung gian trong các
khoản cho vay của các nhà đầu tư nước ngoài. Những người điều hành
các công ty này phần lớn là thân nhân họ hàng của các vị bộ trưởng
hoặc các viên chức cao cấp trong chính quyền. Họ không phải là những
bộ óc tài chính xuất sắc, nhưng họ có lý do để tin chính quyền Thái
sẵn sàng cứu trợ công ty họ khi lâm nguy. Đồng thời, những quan hệ
chính trị của họ sẽ là lợi thế đối với các nhà đầu tư.
Nói chung, họ hưởng lợi khi thuận buồm xuôi gió, tiếp tục cho vay và
được che chở khi gặp khó khăn bão tố - cho đến khi toàn bộ mạng lưới
sụp đổ, lúc đó họ cũng đã kiếm được một tài sản kếch sù.
Trước cuộc khủng hoảng 2008, các ngân hàng thông thường quản lý
khoảng 6.000 tỉ USD; các ngân hàng phi ngân hàng - hedge funds và
ngân hàng đầu tư - khoảng 4.000 tỉ, 1.800 tỉ trong số này nằm trong
tay các quỹ đầu cơ. Theo Krugman, sự sụp đổ của những định chế này
có thể xô đẩy các nhóm đầu tư lớn, kể cả các quỹ hưu bổng, các quỹ
endowments của các đại học, vào tai hoạ đầu cơ.
Tất cả các quản lý viên các quỹ vừa nói, các CEO, được thưởng khi
đem lại lợi nhuận trên trung bình. Nhưng làm thế nào tất cả các lợi
nhuận đều trên trung bình. Krugman đã đúng khi nhấn mạnh tài sản
thực sự có thể bị tiêu tan vì sự sụp đổ không thể tránh của các quỹ
đầu tư. Khi kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh, các lỗ lã trên
giấy tờ có thể lấy lại trong vài tuần lễ. Nhưng khi lỗ lã quá lớn,
mọi người đều hoảng sợ, sản xuất tất sẽ suy sụp, thất nghiệp sẽ tràn
lan, suy thoái thấy rõ, và có thể cả khủng hoảng và đại khủng hoảng
rất dễ xảy ra cho toàn bộ quốc gia, thậm chí cả toàn cầu.
Xin ông phân tích những giải pháp mà Hội nghị thượng
đỉnh G20 đã đưa ra.
- Trong nỗ lực vượt qua các dị biệt trong căn bản triết lý và chính
sách tài chính, cấp lãnh đạo nhóm G20, ngày 3.4.09, đã chấp thuận
một chương trình phục hồi kinh tế toàn cầu hiện đang bị tê liệt. Hội
nghị đã cam kết một ngân khoản phụ trội 1.100 tỉ USD để tài trợ mậu
dịch quốc tế và cứu trợ các quốc gia gặp khó khăn.
Tuy nhiên, ngân khoản cam kết 1.100 tỉ còn quá ít so với nhu cầu
tiếp sức rất lớn của kinh tế thế giới đang thiếu máu trầm trọng, và
sự thiếu vắng một cơ chế toàn cầu có đủ thẩm quyền để điều phối,
giám sát, chế tài, tất cả các định chế tài chính toàn cầu, các quỹ
đầu tư, các hedge funds xuyên quốc gia, cũng đủ phản ảnh những dị
biệt sâu xa và dai dẳng giữa Châu Âu và phần lớn thế giới bên ngoài,
cũng như giữa Hoa Kỳ và Châu Âu, về nhu cầu phải hành động cấp bách
hay phải đợi xem hiệu quả của các chính sách chi tiêu kích cầu hiện
hữu, về một cơ chế điều phối, giám sát siêu quốc gia hay bởi các
quốc gia riêng rẽ. Giải pháp chóng vánh cho cuộc khủng hoảng ngày
một sâu rộng, vì thế, rất khó đạt được hiệu quả mong muốn.
Ở đây, tưởng cũng nên nhắc lại lời cảnh báo của Paul Krugman. Theo
Krugman, chính quyền đang đứng trước những lựa chọn nghịch lý. Trong
cương vị tác nhân duy nhất điều hướng chi tiêu còn đứng vững, chính
quyền trở thành nhà đầu tư tối thiết. Tiến trình hồi phục còn dài
lâu. Krugman nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào hạ tầng cơ
sở, bảo hiểm y tế, giáo dục, ngay cả sản xuất xe hơi... Mức độ đầu
tư phải đủ lớn để đè bẹp khủng hoảng. Lỗi lầm tệ hại nhất là biện
pháp nửa vời, chỉ muốn nhảy năm thước khi phải vượt qua một hố thẳm
rộng bảy thước, vì e ngại hành động để cứu nguy hệ thống tài chính
có thể bị xem như mang tính xã hội chủ nghĩa.
Ý nghĩa cuộc sống đối với ông là gì?
- Tôi đã qua tuổi bảy mươi. Tôi nghĩ, không ai biết được những năm
tháng còn lại của đời mình. Nhưng bất cứ ai cũng có thể làm chủ được
một điều: Đừng để chết khi còn sống; và ngày nào còn sống, phải ráng
làm những việc hữu ích cho chính mình, cho gia đình, cho bạn bè, và
cho xã hội. Theo tôi, đó là ý nghĩa của cuộc sống.
Xin cảm ơn giáo sư.
Nhật Lệ thực
hiện (
Lao Động Cuối tuần số 15 Ngày
12/04/2009)
©
http://vietsciences.free.fr
và
http://vietsciences.org
Nguyễn
Trường
|