Thế kỷ XXI, BRICS và trật tư thế giới mới

Vietsciences-  Nguyễn Trường                          17/05/2012

 

Kinh tế gia Jim O’Neill, thuộc Goldman Sachs, đã đưa ra ý niệm BRICS, một khối mới đang đi lên gồm Brazil, Russia, India, China, và South Africa. Goldman Sachs còn dự báo các xứ thành viên trong khối BRICS sẽ chiếm 40% GDP toàn cầu vào năm 2050, và quy tụ bốn trong số năm nền kinh tế hàng đầu của thế giới.

Thật vậy, trong một tương lai gần, BRICS có thể sẽ được mở rộng thu nhận thêm Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Nam Hàn, và có thể cả Iran, để trở thành BRIIICTSS. Mặc dù hiện đang gặp nhiều vấn đề như một quốc gia đang bị bao vây kinh tế, Iran cũng đang trên đường gia nhập khối N-11, một ý niệm đang được tinh lọc và tượng trưng cho các nền kinh tế đang lên kế tiếp.  

Vấn đề toàn cầu nhiều nghìn tỉ đô la vẫn là: phải chăng sự tri dậy của BRICS là một báo hiệu chúng ta đã thực sự bước vào một thế giới đa cực mới?

Sử gia từng trải Paul Kennedy, Đại Học Yale, tin: Hoa Kỳ sắp hay đã ra khỏi thế giới đơn cực hậu chiến tranh lạnh của siêu cường duy nhất. Theo Kennedy, có bốn nguyên do chính: ảnh hưởng đồng USD như ngoại tệ dự trữ đã dần dà bị xói mòn (trước đây chiếm 85% tổng số ngoại tệ dự trữ toàn cầu, nay chỉ còn chưa đến 60%); dự án Liên Hiệp Âu châu đang bị tê liệt; Á châu đang lên nhanh (hay địa vị bá chủ 500 năm của Tây phương đã kết thúc); và  Liên Hiệp Quốc ngày một tàn lụi đổ nát.  

Nhóm G-8 ngày một trở nên lỗi thời. Nhưng G-20, gồm toàn bộ khối BRICS, có thể chứng tỏ là định chế có thực lực. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi, dù muốn dù không, sẽ mất vai trò siêu cường duy nhất: cải cách Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và trên hết, cải cách hệ thống Bretton Woods, đặc biệt là hai định chế nòng cốt, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (WB).

Mặt khác, Hoa Kỳ, dù muốn dù không, vẫn còn có thể góp phần định hình và định hướng thế giới. Xét cho cùng, như những siêu sao đang lên, BRICS đang phải đối đầu với nhiều vấn đề.

Thật vậy, chỉ trong vòng 7 năm vừa qua, giới tiêu thụ trung lưu Brazil đã gia tăng thêm 40 triệu; vào năm 2016, Brazil được dự báo đã đầu tư thêm 900 tỉ USD, trên 1/3 GDP, trong khu vực năng lượng và hạ tầng cơ sở; và khác với các thành viên khác trong khối BRICS, sẽ không lệ thuộc nhiều vào các yếu tố biến chuyển khó lường trong mậu dịch quốc tế, vì chỉ xuất khẩu khoảng 11% GDP – còn ít hơn cả Hoa Kỳ.

Tuy vậy, vấn đề căn bản vẫn không mấy khác: thiếu khả năng quản lý tốt, chưa nói đến tệ nạn tham nhũng. Giới lắm tiền mới trỗi lên cũng đang tỏ ra không kém tham nhũng so với giới thượng lưu tư sản mại bản kiêu kỳ, già cỗi ngự trị Brazil trước đây.

Ở Ấn Độ, sự lựa chọn hình như chỉ giới hạn giữa tình trạng hỗn độn khả dĩ xử lý và hỗn độn bất khả xử lý. Tình trạng thối nát trong giới chính trị thượng lưu có thể làm cho giới Shiva có thể hãnh diện. Lạm dụng quyền hành nhà nước, tệ nạn gia đình và bè phái độc quyền kiểm soát các hợp đồng xây dựng hạ tầng cơ sở, phung phí tài nguyên khoáng sản, các vụ bê bối bất động sản – đủ mọi thói hư tật xấu, ngay cả khi Ấn Độ không phải là một Pakistan Ấn Độ giáo. Trong mọi trường hợp, chưa đến trình độ đó.

Từ 1991, “cải cách” ở Ấn Độ chỉ có nghĩa: doanh thương hoàn toàn tự do và nhà nước không can dự vào kinh tế. Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi chẳng cần nghĩ đến việc cải tổ các định chế công; guồng máy công quyền thiếu hữu hiệu… Tóm lại, Ấn Độ là một xứ mạnh được yếu thua, kinh tế hỗn độn, và trong một nghĩa nào đó, không giống một cường quốc đang lên, nói gì đến một siêu cường. 

Về phần mình, Liên Bang Nga cũng đang tìm kiếm một hỗn hợp kỳ diệu, kể cả một chính sách nhà nước đủ khả năng khai thác các tài nguyên thiên nhiên dồi dào, không gian bao la khác thường, và các tài năng xã hội đầy ấn tượng. Do đó, Nga còn cần phải canh tân nhanh chóng, vì lẽ ngoài Mạc Tư Khoa và St. Petersburg, phần lớn lãnh thổ còn lại vẫn còn khá lạc hậu.

Cấp lãnh đạo Nga luôn e ngại một láng giềng khổng lồ TQ, vì ý thức được trong bất cứ  hình thức liên minh nào với TQ, Liên Bang Nga cũng chỉ có thể là một đối tác rõ rệt đàn em. Người Nga cũng không tin tưởng ở Hoa Thịnh Đốn, cũng âu lo trong phần lãnh thổ phía Đông dân cư ngày một thưa thớt, và tình trạng tha hóa trên bình diện văn hóa và tín ngưỡng của các thành phần Hồi Giáo quốc nội.

Và Putin, một lần nữa, trở lại giữ chức vụ Tổng Thống với phương thức canh tân kỳ diệu: một đối tác chiến lược Đức-Nga thuận lợi cho thiểu số doanh thương/ thượng lưu, nhưng không nhất thiết có lợi cho đa số người Nga.

HỆ THỐNG BRETTON WOODS DÃY CHẾT

Hệ thống Bretton Woods sau Đệ Nhị Thế Chiến nay đã chính thức dãy chết, hoàn toàn bất chính đáng, nhưng BRICS đang có kế hoạch làm gì với nó?

Tại hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi vào cuối tháng 3 vừa qua, các xứ thành viên đã thúc đẩy thiết kế một ngân hàng phát triển BRICS có thể đầu tư vào hạ tầng cơ sở, và cung cấp tín dụng yểm trợ để đối phó với bất cứ  khủng hoảng nào trong tương lai.

Đã hẳn, BRICS đã hoàn toàn thấu hiểu Hoa Thịnh Đốn và Liên Hiệp Âu Châu sẽ không bao giờ từ bỏ quyền kiểm soát IMF và Ngân Hàng Thế Giới. Dù sao, mậu dịch giữa các xứ thành viên cũng được dự báo lên tới con số ấn tượng 500 tỉ USD vào năm 2015, hầu hết đều sử dụng các đơn vị tiền tệ của chính mình.

Tuy nhiên, trình độ nối kết nội bộ trong khối BRICS, trong chừng mức hiện hữu, cũng chỉ quy tụ chung quanh tâm trạng thất vọng đối với các chủ nhân ông đầu cơ tài chánh toàn cầu gần như đã làm sụp đổ kinh tế toàn cầu trong năm 2008. Dù sao, BRICS cũng đã đạt được một nhận thức và chính sách đồng thuận đáng kể đối với các vấn đề Iran, Mùa Xuân Á Rập, và Bắc Phi.

Tuy nhiên, BRICS hiện nay đang phải  đối đầu với một vấn đề then chốt: trên bình diện định chế và ý thức hệ, chưa tinh chế được một chủ thuyết thay thế cho thuyết tân tự do và chúa tể tài chánh toàn cầu của Hoa Kỳ và các xứ Tây phương.

Như  Vijay Prashad đã ghi nhận, phần thế giới phía Bắc Toàn Cầu đã làm mọi thứ để ngăn chặn bất cứ một sự thảo luận nghiêm chỉnh nào về phương cách cải tổ sòng bài tài chánh toàn cầu. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên, lãnh đạo thế giới đang phát triển G-77(trong thực tế nay đã là G-132), Đại Sứ Thái Lan, Pisnau Chanvitan, đã cảnh cáo: “cách ứng xử hình như cho thấy một ước muốn bình minh của một chủ nghĩa tân thực dân.”[1]

Trong lúc chờ đợi, mọi sự vẫn dồn dập diễn tiến. Chẳng hạn, TQ tiếp tục xúc tiến một cách không chính thức đồng yuan như một đơn vị tiền dự trữ, nếu không phải toàn cầu, ít ra đang được toàn cầu hóa. TQ đang sử dụng đồng yuan trong các giao dịch thương mãi với Nga và Úc, chưa nói đến các quốc gia Mỹ La Tinh và Trung Đông. Các nước thành viên BRICS ngày một tin nhiều hơn: đồng yuan sẽ là đơn vị ngoại tệ sử dụng giữa các đối tác trong nội bộ của khối, thay thế đồng USD ngày một mất giá.

Nhật cũng đang dùng cả đồng yen lẫn đồng yuan trong thương mãi song phương với quốc gia lân bang Á châu khổng lồ. Trong thực tế, hiện  đang có một khu vực mậu dịch tự do không chính thức đang hình thành giữa TQ, Nhật và Nam Hàn.

Những gì đang chờ đợi phía trước, ngay cả khi đã bao gồm một BRICS với tương lai tươi sáng, chắc chắn sẽ là một thế giới vô cùng hỗn độn. Rất có thể bất cứ điều gì cũng rất dễ xẩy ra, từ một Đại Suy Thoái mới ở Hoa Kỳ, đến một Âu Châu Đình Trệ hay Khu Vực Euro Sụp Đổ, đến nhịp tăng trưởng của các thành viên khối “BRICS Chậm Hẳn Lại”, một “Bảo Tố” trên các thị trường tiền tệ, một sự Suy Sụp của các định chế tài chánh, và một  Khủng Hoảng toàn cầu.

Và bàn về tình trạng hỗn độn, ai có thể quên những gì Dick Cheney đã nói, khi đang còn là CEO của Halliburton, tại Viện Dầu Lửa ở Luân Đôn năm 1999: “Trung Đông, với 2/3 trữ lượng dầu thế giới và giá thấp nhất, vẫn còn là nơi nắm giữ phần thưởng  cuối cùng.”[2] Chẳng trách gì, khi lên làm Phó Tổng Thống năm 2001, việc quan trọng đầu tiên của ông là “giải phóng” dầu hỏa Iraq. Đã hẳn, không ai có thể quên nổ lực của Cheney, trong thực tế, đã chấm dứt như thế nào!

Ngày nay, chính quyền Obama cũng đang ấp ủ cùng một giấc mơ, và đó chính là cấm-vận-dầu-kèm-theo-chiến tranh-kinh-tế-với-Iran. Cấp lãnh đạo Bắc Kinh nhìn toàn bộ bi kịch tâm lý của Hoa Thịnh Đốn ở Iran như một âm mưu thay đổi chế độ đơn thuần, chẳng dính dáng gì đến các vũ khí nguyên tử. Để rồi, một lần nữa, cho đến nay, ngư  ông TQ lại được thũ lợi ở Iran. Với hệ thống ngân hàng của Iran trong cơn  khủng hoảng, và các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ gây xáo trộn khó khăn cho kinh tế, Bắc Kinh đã có thể mua dầu Iran theo những điều kiện thuận lợi hơn bất cứ vào thời điểm nào.

TQ đang bành trướng hạm đội tàu chở dầu, một giao dịch trị giá trên một tỉ mỹ kim. Và thành viên khổng lồ thứ hai của BRICS, Ấn Độ, ngày nay còn mua dầu Iran nhiều hơn cả TQ. Tuy vậy, Hoa Kỳ hiện sẽ khống áp đặt các biện pháp chế tài lên các thành viên BRICS, vì lẽ ngày nay Hoa Kỳ cần TQ và Ấn Độ nhiều hơn là ngược lại.

THẾ GIỚI DƯỚI MẮT NGƯỜI TRUNG QUỐC

TQ rõ rệt là thành viên BRICS quan trọng nhất và luôn bị ám ảnh bởi nhu cầu “ổn định”.

Mô hình TQ thường được mô tả như hệ thống xã hội chủ nghĩa với các nét đặc trưng Trung Quốc, một quái vật thần thoại. Trong thực tế, hệ thống chẳng mấy khác chủ nghĩa tân tự do với định hướng Trung Quốc, lãnh đạo bởi một tầng lớp quyết tâm cứu rỗi chủ nghĩa tư bản toàn cầu.

Hiện nay, TQ có vẻ đang ở trong một dịch chuyển cơ cấu từ mô hình xuất khẩu/đầu tư qua mô hình dịch vụ/tiêu thụ. Tính theo tỉ suất tăng trưởng kinh tế choáng ngợp, các thập kỷ vừa qua hầu như ngoài sức tưởng tượng của hầu hết người dân TQ và thế giới bên ngoài, nhưng theo tờ Financial Times, cũng đã khiến 1% người giàu kiểm soát từ 40% đến 60% tổng tài sản các hộ gia đình. Làm thế nào để tái lập thế quân bình xã hội? Làm thế nào để một hệ thống với những vấn đề nội tại lớn lao như thế vận hành hữu hiệu cho 1,3 tỉ dân?

Trong bối cảnh đó, ổn định đã trở thành một ám ảnh. Năm 2007, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã cảnh cáo “nền kinh tế TQ có thể trở nên bất ổn định, mất quân bình, thiếu phối trí, và không vững bền.”[3]Đó là nhận thức “Bốn Không” nổi tiếng.

Ngày nay, tập thể lãnh đạo, kể cả Thủ Tướng sắp tới, Li Leqiang, đã mạnh dạn đi xa thêm một bước, gột rửa từ “bất ổn” khỏi thuật ngữ của Đảng. Trong thực tế, giai đoạn tới, trong quá trình phát triển, đã đến với mọi người. Đó sẽ là những gì cần được theo dõi trong những năm sắp tới.

Cấp lãnh đạo “Cộng Sản kế thừa”, con em của những lãnh đạo cách mạng – tất cả đều giàu sang, một phần nhờ những sắp xếp ấm êm với các công ty Tây phương,  hối mại, liên minh với kẻ cướp, tất cả những thứ nhượng quyền cho nhà thầu trả giá cao nhất, và toàn bộ một thiểu số tư bản kết nối với Tây phương – đã đưa đẩy TQ ra khỏi “Bốn Canh Tân.”[4] Nhất là với số tài sản khổng lồ để cướp giật.

Chính quyền Obama trong âu lo đã phản ứng trước sự trỗi dậy của TQ như một siêu cường đang lên qua một chốt chiến lược – từ các cuộc chiến tai họa ở vùng Trung Đông Nới Rộng đến Á châu. Ngũ Giác Đài thích gọi chiến lược nầy là “tái cân bằng.”[5]

Trước 11/9, chính quyền Bush đã chú tâm vào TQ như kẻ thù toàn cầu số 1 trong tương lai. Nhưng rồi biến cố 11/9 đã lái Hoa Kỳ qua hướng khác – Ngũ Giác Đài đã mệnh danh là “vòng cung bất ổn,”[6] - trung tâm dầu lửa của hành tinh trải dài từ Trung Đông xuyên qua Trung Á. Trước sự phân tâm của Hoa Thịnh Đốn, Bắc Kinh đã tính toán có thể lợi dụng “một cửa sổ hai thập kỷ khỏi bị áp lực”. Trong “thời gian cửa sổ”, TQ đã tập trung vào một chương trình phát triển quốc nội nhanh chóng, trong khi Hoa Kỳ tiếp tục phung phí tài nguyên trong “Cuộc Chiến Toàn Cầu Chống Khủng Bố”[7] vô nghĩa.

Mười hai năm sau, cửa sổ thời gian đang đóng sập lại, trong khi từ Ấn Độ, Úc Đại Lợi, và Phi Luật Tân đến Nam Hàn và Nhật Bản, Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố trở lại với vai trò một bá quyền  Á châu. Những nghi ngờ đây là lối mòn mới của Hoa Kỳ đã tan biến với tuyên ngôn tháng 11-2011 của Ngoại Trưởng Hillary Clinton trong tạp chí Foreign Affairs, dưới nhãn hiệu “Thế Kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.”[8] Hillary Clinton đang nói tới thế kỷ thứ XXI, không phải thế kỷ vừa qua.

Thần chú của Hoa Kỳ luôn là: “An ninh của Hoa Kỳ,”[9] phải được hiểu theo định nghĩa: bất cứ điều gì xẩy ra trên hành tinh. Dù trong vùng Vịnh Ba Tư giàu trữ lượng dầu khí, nơi Hoa Thịnh Đốn đang phải hỗ trợ các đồng minh Do Thái và Saudi Arabia vì “đang bị Iran đe dọa”, hay ở Á châu nơi một sự giúp đỡ tương tự đang được rêu rao dành cho một số quốc gia ngày một đông và được xem như đang bị TQ đe dọa, luôn với lý do “an ninh của Hoa Kỳ”. Trong cả hai vùng, cũng như trong bất cứ vùng nào, an ninh Hoa Kỳ vẫn luôn là lý do quan trọng nhất.

Kết quả, nếu hiện đang có Bức Tường Nghi Ngờ 33 năm giữa Hoa Kỳ và Iran, nay còn có thêm Bức Trường Thành Nghi Ngờ mới và ngày một lớn lao hơn giữa Hoa Kỳ và TQ. Gần đây, Wang Jisi, Khoa Trưởng Phân Khoa Nghiên Cứu Quốc Tế thuộc Đại Học Bắc Kinh và là nhà phân tích chiến lược TQ hàng đầu, đã cho biết quan điểm hay viễn cảnh của giới lãnh đạo Bắc Kinh về “Thế Kỷ Thái Bình Dương,” trong một bài xã luận uy tín cùng với một đối tác khác.

Wang Jisi và đối tác viết, “TQ ngày nay đang chờ đợi được đối xử như một cường quốc hàng đầu. Xét cho cùng, theo nhãn quan của Bắc Kinh, TQ đã đối phó thành công với cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu 1997-98 do những khiếm khuyết bất lực sâu xa trong nền kinh tế và chính trị Hoa Kỳ. TQ đã vượt qua Nhật Bản như nền kinh tế lớn số 2 của thế giới và hình như cũng là số 2 trong chính trị thế giới… Các lãnh đạo TQ không dành công đầu về các thành công đó cho Hoa Kỳ hay trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo.”[10]

Wang Jisi còn viết tiếp: “Ở TQ, Hoa Kỳ nói chung được xem như một cường quốc trên đà tuột dốc trong dài hạn… Vấn đề hiện nay là phải đợi bao nhiêu năm, thay vì bao nhiêu thập kỷ, trước khi TQ thay thế Hoa Kỳ như nền kinh tế lớn nhất thế giới…một phần trong một cấu trúc mới đang ló dạng.”[11] Phải hiểu là BRICS.

Tóm lại, theo Wang Jisi và đối tác, giới lãnh đạo TQ xem mô hình phát triển của xứ họ đang đem lại một giải pháp thay thế cho ý niệm “dân chủ và kinh nghiệm Tây phương,” các quốc gia đang phát triển khác có thể noi theo, trong khi nhiều quốc gia đang phát triển đã và đang du nhập hệ ý thức và chính trị Tây phương đang phải trải nghiệm “tình trạng bừa bãi và hỗn loạn.”

Nói một cách ngắn gọn, thế giới đang chứng kiến một thế giới quan của TQ trong đó một Hoa Kỳ ngày một mờ nhạt vẫn ước ao giữ vai trò bá chủ toàn cầu và còn đủ hùng cường để chận đứng các cường quốc đang lên  – TQ và các thành viên BRICS khác – thành đạt số phận trong thế kỷ XXI của chính họ.

GIẤC MƠ Á-Âu CỦA ZBIGNIEW BRZEZINSKI

Đến đây, một vấn đề khác cần được giải đáp: Giới thượng lưu Mỹ đang nhìn cùng một thế giới như thế nào?

Có thể nói không một ai có đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi vừa nêu hơn là nguyên cố vấn an ninh quốc gia của T T Carter, Tiến Sĩ Zbigniew (“Zbig”) Brzezinski. Và ông ta cũng đã không do dự làm việc nầy trong tác phẩm mới nhất của chính ông: Strategic Vision: America and the Crisis of Global Power (Viễn Kiến Chiến Lược: Hoa Kỳ và Cuộc Khủng Hoảng Quyền Lực Toàn Cầu).

Trong khi người TQ đang hướng tầm nhìn chiến lược của mình về các quốc gia thành viên khác trong khối BRICS, Tiến Sĩ Brzezinski vẫn còn kẹt cứng trong thế giới xưa cũ, mới được tái định hình và tân trang. Brzezinski lập luận, nếu Hoa Kỳ muốn duy trì một hình thức bá quyền nào đó, người Mỹ cần đến một “Tây phương mở rộng.”[12] Điều nầy có nghĩa: phải tăng cường Âu châu (nhất là trên bình diện năng lượng); cùng lúc ve vãn Thổ Nhĩ Kỳ, ông ta xem như một mẫu mực cho các nền dân chủ Á Rập mới; phải can dự với Liên Bang Nga, trên bình diện chính trị và kinh tế, “trong một phương cách cẩn trọng và ôn hòa chiến lược.”[13]

Thổ Nhĩ Kỳ không thể là một mẫu mực như thế, bởi lẽ, mặc dù với Mùa Xuân Á Rập, trong một tương lai có thể tiên liệu, hình như chưa có bóng dáng dân chủ Á Rập mới. Tuy vậy, Brzezinski tin: Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp Âu châu, và do đó cả Mỹ, trong nhiều phương cách thực tế hơn, trong việc giải quyết một số các vấn đề năng lượng toàn cầu bằng cách làm dễ dàng sự tiếp cận, xuyên qua Biển Caspian, dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên của vùng Trung Á.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, điều nầy cũng chỉ là một ý nghĩ mang tính giàu tưởng tượng, nếu không phải kỳ quặc. Xét cho cùng, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể trở thành một xứ quá cảnh then chốt trong trò chơi năng lượng lớn lao trên bàn cờ Âu-Á được mệnh danh Pipelineistan, nếu người Âu châu biết ứng xử duy lý. Họ có thể phải tìm cách thuyết phục “Cộng Hòa” độc tài Turkmenistan giàu năng lượng làm ngơ một láng giềng hùng mạnh – Liên Bang Nga, và bán cho họ số hơi đốt thiên nhiên họ cần. Và còn một vấn đế năng lượng khác xem chừng khó thể xẩy ra hiện nay: Hoa Thịnh Đốn và Brussels có thể phải hủy bỏ các chế tài và cấm vận phản tác dụng cùng các cuộc tập trận chống lại Iran, và bắt đầu thương thảo mậu dịch nghiêm chỉnh với quốc gia giàu năng lượng nầy.

Brzezinski, tuy vậy, đề nghị ý niệm “một Âu châu hai tốc độ” (a two-speed Europe) như chìa khóa cho quyền lực tương lai của Hoa Kỳ trên hành tinh. Chúng ta có thể nghĩ đây là môt dạng lạc quan của kịch bản trong đó khu vực Eurozone gần như sụp đổ. Ông chủ trương duy trì vai trò lãnh đạo của một guồng máy hành chánh cồng kềnh bất thích ứng ở Brussels nay đang vận hành Liên Hiệp Âu châu, và hỗ trợ một Âu châu khác  gồm hầu hết các xứ thuộc Câu Lạc Bộ Club Med ở Nam Âu châu bên ngoài euro, với hàng hóa và dân chúng, trên danh nghĩa, được tự do lưu thông giữa hai khu vực. Đại diện cho một nhánh tư duy Hoa Thịnh Đốn then chốt, Brzezinski  tin tưởng một Âu châu hai tốc độ vẫn kết nối chặt chẽ với Hoa Kỳ, có thể là một tay chơi toàn cầu thiết yếu trong phần còn lại của thế kỷ XXI.

Và rồi, đã hẳn, Brzezinski đã biểu lộ khuynh hướng một chiến lược gia thời chiến tranh lạnh, tán dương “vai trò ổn định tương lai của Hoa Kỳ ở Viễn Đông,” theo kinh nghiệm “vai trò của Anh Quốc trong thế kỷ thứ XIX như một quốc gia bảo đảm ổn định và cân bằng ở Âu châu.”

Nói một cách khác, chúng ta đang nói đến một nhà ngoại giao tàu chiến hay gunboat diplomat số một trong thế kỷ XXI. Brzezinski đã “nhân từ”thừa nhận một “đối tác toàn cầu toàn diện Hoa Kỳ-Trung Quốc,”[14] vẫn còn nhiều hy vọng có thể thành đạt,  với điều kiện Hoa Thịnh Đốn phải duy trì một sự hiện diện địa chính trị đáng kể ở Viễn Đông – dù TQ chấp thuận hay không.

Câu trả lời sẽ là: “không.”

Một cách nào  đó, tất cả những gì trên đây là những điều quen thuộc, cũng như hầu hết chính sách trong thực tế hiện nay của Hoa Thịnh Đốn. Trong trường hợp  Brzezinski, đây là một “hỗn hợp tái bản” (a remix) tác phẩm lớn của ông “The Grand Chessboard”(Bàn Cờ Lớn) năm 1997, trong đó một lần nữa ông tái xác nhận “lục địa Xuyên-Âu-Á là vũ đài trung tâm của thế giới.”[15] Chỉ có điều: thực tế hiện nay đã dạy ông lục địa Âu-Á không thể bị chinh phục và điều tốt nhất Hoa Kỳ có thể làm là cố gắng thu hút Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Bang Nga vào quỹ đạo.

QUY LUẬt ROBOCOP

Tuy nhiên, Brzezinski xem ra còn có vẻ hiền hòa và tích cực nếu so sánh các ý tưởng của ông với những lời tuyên bố gần đây của Hillary Clinton, kể cả bài nói chuyện trước Hội Đồng Quốc Tế Sự Vụ 2012 Hội Nghị NATO.[16] Tại Hội Nghị, như chính quyền Obama thường làm, Hillary Clinton đã phác họa “quan hệ dài lâu của NATO với Afghanistan” và ca ngợi các cuộc thương thảo giữa Hoa Kỳ và Kabul về “đối tác chiến lược dài lâu giữa hai quốc gia.”

Mặc dù đã bị qua mặt bởi phong trào nổi dậy trong nhiều năm của một thiểu số Pashtun, cả Ngũ Giác Đài lẫn NATO không hề có ý định “tái cân bằng” ra khỏi các cơ sở trong vùng Trung Đông Nới Rộng. Sau khi đã thương thuyết với chính quyền của  Tổng Thống Hamid Karzai ở Kabul về quyền duy trì các căn cứ cho đến cuối năm 2024, Hoa Kỳ vẫn  luôn có ý định bám chặt ba căn cứ chiến lược quan trọng ở Afghanistan: Bagram, Shindand (gần biên giới Iran), và Kandahar (gần biên giới Pakistan). Chỉ những ai quá ngây thơ mới có thể tin Ngũ Giác Đài có khả năng tự nguyện rời bỏ các tiền đồn thật sự quí giá cho nhu cầu theo dõi và giám sát vùng Trung Á và hai quốc gia cạnh tranh chiến lược Nga và TQ.

Hillary còn nói thêm, NATO sẽ bành trướng khả năng tự vệ trong thế kỷ XXI, kể cả hệ thống tên lửa tự vệ đã được chấp thuận bởi liên minh trong phiên họp vừa qua ở Lisbon năm 2010.

Một điều thật sự hấp dẫn là theo dõi những gì sự kiện đắc cử tổng thống Pháp của Francois Hollande, thuộc đảng Xã Hội, sẽ có ý nghĩa gì. Đã từng chứng tỏ ước muốn một đối tác chiến lược mạnh mẽ với khối BRICS, Hollande đã cam kết chấm dứt vai trò ngoại tệ dự trữ của đồng USD. Vấn đề là: Liệu sự đắc cử của Hollande còn có thể được xem như hành động thọc gậy bánh xe đối với tham vọng NATO, sau những năm trong kỷ nguyên Đại Anh Hùng Giải Phóng Libya, Nicolas Sarkosy, với hình ảnh một tân-Napoleon?

Dù Brzezinski hay Hillary có thể nghĩ thế nào chăng nữa, hầu hết các quốc gia Âu châu – đã chán ngấy với những cuộc chiến phiêu lưu “lỗ đen” ở Afghanistan và Libya, và với phương cách NATO ngày nay đang phụng sự quyền lợi toàn cầu của Hoa Kỳ – đều ủng hộ Hollande về điểm nầy.

Tuy nhiên, đây vẫn là chiến trận hết sức khó khăn. Sự tàn phá và lật đổ chế độ Libya của Muammar Gaddafi là đỉnh cao của nghị trình thay đổi chế độ gần đây của NATO trong vùng Trung Đông-Bắc Phi – MENA. Và NATO luôn là kế hoạch hay plan B trong tương lai của Hoa Thịnh Đốn, nếu mạng lưới quen thuộc các cơ quan tư duy nghiên cứu (think tanks), các quỹ (funds, foundations), các tổ chức phi chính phủ NGO, và ngay cả Liên Hiệp Quốc, đều thất bại trong mục tiêu có thể mô tả như thay đổi chế độ kiểu YouTube.

Tóm lại, sau khi theo đuổi chiến tranh trong ba lục địa ở Yugosslavia, Afghanistan, và Libya, biến Địa Trung Hải thành một hồ nước lớn NATO, và tuần tiểu không ngừng vùng Biển Á Rập, NATO, theo Hillary, vẫn sẽ “tin ở sự lãnh đạo và sức mạnh của Hoa Kỳ như chúng ta đã từng làm trong thế kỷ XX, thế kỷ nầy, và  sau đó.”[17]

Như vậy, 21 năm sau ngày Liên Bang Xô Viết tan rã – lý do NATO ra đời – đây cũng có thể là phương cách đưa thế giới đến hồi chung cuộc; không phải với một bùng nổ, mà với NATO, trong thầm lặng và chung thân làm tròn vai trò một Robocop toàn cầu.

Một lần nữa, thử trở lại với Zbigniew Brzezinski và ý tưởng Hoa Kỳ như một quốc gia đề xướng và bảo đảm sự nhất trí của các xứ Tây phương, và giữ thế quân bình và hòa giải các xứ Đông phương. Người Mỹ, vì vậy, cần các căn cứ quân sự từ vùng Vịnh Ba Tư đến Nhật Bản, kể cả các căn cứ quan trọng ở Afghanistan.  Chúng ta cũng không nên quên Ngũ Giác Đài không bao giờ chịu từ bỏ ý tưởng “Thống Trị Toàn Quang Phổ.”[18]

Tuy nhiên, trước toàn bộ sức mạnh quân sự đó, tưởng phải luôn ghi nhớ: đây rõ rệt là một Thế Giới Mới (và cũng không phải Bắc Mỹ). Để chống lại súng đạn và tàu chiến, tên lửa và phi cơ không người lái, chúng ta thấy còn có sức mạnh kinh tế. Các cuộc chiến giữa các đơn vị tiền tệ khác nhau hiện đang lan tràn. TQ và Nga, hai trong số các quốc gia thành viên BRICS hiện rất giàu tiền mặt. Nam Mỹ đang thống nhất nhanh chóng. Phe Putin đang giúp Nam Hàn tuyến ống dẫn dầu. Iran đang hoạch định bán dầu và hơi đốt thiên nhiên, sử dụng một giỏ các đơn vị tiền tệ khác nhau, không cần đến đồng USD. TQ đang tậu mãi để bành trướng Hải quân và các khí tài tên lửa chống các tàu biển và tàu sân bay. Một ngày nào đó, Tokyo cuối cùng rồi cũng có thể hiểu rõ chừng nào còn bị chiếm đóng bởi Wall Street và Pentagon, nước Nhật sẽ còn triền miên sống trong suy thoái. Ngay cả Úc rồi ra cũng có thể từ chối bị buộc tham gia vào cuộc chiến mậu dịch phản tác dụng với Trung Quốc.

Do đó, thế giới trong thế kỷ XXI hiện đang được định hình như một sự đối đầu giữa Hoa Kỳ/NATO và BRICS, với các quốc gia lớn nhỏ khác đang bị cuốn hút từ mọi phía. Và nhân loại đang đứng trước nguy cơ: vào một thời điểm nào đó, ở  một nơi nào đó trong tương lai, thế giới sẽ phải chứng kiến một cuộc Chạm Trán trong Toàn Quang Phổ hay Full Spectrum Confrontation. Bởi lẽ, khác với Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi, BRICS, trong thực tế, sẽ có đủ khả năng đối đầu.

Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

09-5-2012


[1] Thai ambassador Pisnau Chanvitan has warned of “behavior that seems to indicate a desire for the dawn of a new neocolonialism.”
[2] The Middle East, with two-thirds of the world’s oil and the lowest cost, is still where the prize ultimately lies.
[3] ..the Chinese economy could become unstable, unbalanced, uncoordinated, and unsustainable.
[4] …Four Modernizations…
[5] ..rebalancing…
[6] ..the arc of instability…
[7] .Global War on Terror…
[8] America’s Pacific Century..
[9] …American mantra: American security…
[10] China now expects to be treated as a first-class power. After all, it “successully weathered … the 1997-98 global financial crisis, caused by deep deficiencies in the U.S. economy and politics. China has surpassed Japan as the world’s second largest economy and seems to be the number two in world poitics, as well…Chinese leaders do not credit  these successes to the United States or to the U.S.-led world order.
[11] “The U.S. is seen in China generally as a declining power over the long run… It is now a question of how many years, rather than how many decades , before China replaces the United States as the largest economy in the world. ..part of an emerging new structure.” Think:BRICS.
[12] …an expanded West….
[13] …in a strategically sober and prudent fashion.
[14] …comprehensive American-Chinese global partnership…
[15] …the huge Trans-Eurasian continent is the central arena of world affairs.
[16] …World Affairs Council 2012 NATO Conference.
[17] After going to war on three continents…NATO will be, according to Hillary, “riding on a bet on America’s leadership and strength, just as we did in the twentieth century, for this century and beyond.”
[18] …Full Spectrum Dominance.

 Xin giới thiệu  trang nhà của tác giả   http://nguyentruong92606.wordpress.com/

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường