Những bài cùng tác
giả
I : VÀI NÉT CHÍNH VỀ
LUẬT QUỐC TẾ:
Lịch sử cận đại cho thấy kể từ ngày lập quốc, Hoa Kỳ
luôn sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để thành đạt
những mục tiêu đối ngoại: bảo vệ quyền lợi thương
mãi và áp đặt hệ ý thức kinh tế, xã hội, chính trị
của chính mình lên toàn thể nhân loại. Tham vọng nầy
đã thể hiện rõ nét trong mối quan hệ giữa
quyền lực quân sự, các định chế chính trị và cấu
trúc pháp lý.
Sau đệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở thành
siêu cường duy nhất. Với sự đồng tình của Anh quốc,
Roosevelt rồi Truman bắt tay ngay vào việc thiết lập
một trật tự thế giới mới dựa trên căn bản luật pháp.
Trong thực tế, luật quốc tế đã xuất hiện từ lâu,
nhưng mãi đến những năm gần đây, mới trở nên ngày
một quan trọng trong đời sống chính trị hiện đại.
Những đặc miễn ngoại giao, hiểm họa diệt chủng, cạnh
tranh thương mãi, xung dột mậu dịch, hiện tượng hâm
nóng toàn cầu, tôị phạm quốc tế...
dồn dập đẩy mạnh khía cạnh chính trị vào đời
sống hàng ngày.
Trước đệ nhị thế chiến, luật quốc tế quả thật còn
hiếm hoi và chỉ thu hẹp trong vài phạm trù sinh hoạt
của nhân loại. Nghĩa vụ quốc
tế thường chỉ được quy định trong các hiệp ước và
các quy luật tập quán (customary law) chi phối quan
hệ giữa một số quốc gia. Ngoài Hôị Quốc Liên
(League of Nations) và
Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (International
Labour Organization) ra đơì vào năm 1919 với hiệp
định Versailles chấm dứt Đệ Nhất thế chiến, hầu như
không có một định chế hay tổ chức quốc tế nào khác.
Luật nhân quyền, luật cấm dùng vũ lực để gây chiến
chưa ra đời. Nói một cách ngắn gọn, quyền tư do hành
động của các quốc gia độc lập với đầy đủ chủ quyền
hầu như không mấy bị hạn chế.
Phải đợi đến tháng 8 năm 1941, Hiến chương Đaị Tây
Dương mới được ký kết. Tiếp theo đó là Hiến
chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân
Quyền, Công Ước Geneva III (1949) và Hiệp Nghị Thư
Geneva I (1977) về Tù Binh Chiến Tranh, Thỏa Ước
Chống Tra Tấn và các cách Đối Xử hoặc Trừng Phạt Vô
Nhân Đạo, Quy Chế Rome về Tòa Hình Sự Quốc Tế, Hiệp
Ước Tư Do Mậu Dịch Bắc Mỹ, Thỏa Ước thành lập Tổ
Chức Thương Mãi Quốc Tế và Hiệp Định Tổng Quát về
Quan Thuế và Mậu Dịch, Thỏa Ước Khung LHQ về Thay
Đổi Khí Hậu và Hiệp Nghị Thư Kyoto...
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, rút kinh nghiệm từ
những lỗi lầm phạm phải trong những năm tiếp theo
sau Đệ Nhất Thế Chiến, Hoa Kỳ theo đuổi một chính
sách mang tính xây dựng hơn với mục đích củng cố
quan hệ đồng minh với Nhật và các xứ Tây Âu. Kế
hoạch Marshall đã dành một ngân khoản tương đương
với 90 tỷ Mỹ kim ngày nay để giúp trùng tu Âu châu.
Kế hoạch Dodge cũng được chấp thuận để giúp Nhật Bản
vực dậy. Trên nền tảng đồng Mỹ kim, Quỹ Tiền Tệ
Quốc Tế (International Monetary Fund-- IMF) được
thành lập nhằm duy trì sự ổn định trên các thị
trường tài chánh quốc tế, Ngân Hàng Thế Giới
(World Bank--WB) để cung cấp nguồn vốn thiết yếu cho
các xứ đang phát triển. Cố nhiên, Hoa Kỳ là trụ cột
của cả hai định chế nầy. Quan trọng hơn cả là với
Thoả ước GATT, Hoa Kỳ và các cường quốc kỹ nghệ
tiền tiến cam kết hạ thấp thuế quan và theo đuổi
chính sách tự do mậu dịch trên toàn cầu. Bắt đầu từ
vòng đàm phán Geneva năm 1947 và tiếp tục cho đến
vòng đàm phán Uruguay năm 1994, các xứ nầy đã thành
công trong việc cắt giảm thuế quan và tháo gỡ các
rào cản đối với thương mãi hữu hình xuống một mức
khá thấp. Cùng thời
gian, kinh tế Nhật và các xứ Tây Âu đã phục hồi và
phát triển với tốc độ cao, nhờ vậy, đã thu hẹp
khoảng cách lớn lao trong năng suất (productivity)
với Hoa Kỳ trong thời hậu chiến. Kết quả là Nhật đã
bắt kịp rồi vượt qua Hoa Kỳ trong vài ngành công kỹ
nghệ then chốt. Lơị tức theo đầu ngươì, tùy theo hối
suất, đôi khi còn cao hơn cả Hoa Kỳ. Hàn quốc, Hong
Kong, Singapore và Mã Lai Á, chẳng những nhanh chân
theo gương Nhật mà còn thành công trong việc thu hút
tư bản các nước ngoài và các công ty Hoa Kỳ đến tìm
cơ hội đầu tư. Chẳng mấy chốc, cụm từ " Những Con
Rồng Á châu" đã trở thành phổ thông trong giới
truyền thông quốc tế.
Gần đây hơn nữa, trong khu vực NAFTA, Mexico, với
ngạch số xuất khẩu gia tăng 137%, đã trở thành đối
tác thương mãi thứ hai sau Canada và điểm đến hấp
dẫn đối với tư bản Hoa Kỳ.
Nói chung, trong vòng 50 năm qua, tự do mậu dịch đã
là yếu tố quan trọng đưa đến sự phồn thịnh trong nền
kinh tế thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu
gia tăng gấp trăm. GDP toàn cầu gia tăng đều đặn 4%
mỗi năm. Nhịp độ tăng trưởng nhanh cũng đã đưa Trung
Quốc và Ấn Độ lên hàng ngũ những nền kinh tế tân kỹ
nghệ hoá (newly industrializing economies). Đời sống
hàng triệu người trong hai xứ đông dân nhất nhì thế
giới đã vượt lên trên mức nghèo đói tồi tệ 2 mỹ kim
mỗi ngày.
Đã hẵn là Hoa Kỳ đã đóng góp một phần không nhỏ
trong thành quả choáng ngợp vừa nói. Thực vậy, Hoa
Kỳ đã là thị trường tiếp nhận 25% tổng xuất khẩu từ
Á châu, 60% từ châu Mỹ La Tinh, cũng như đã trực
hoặc gián tiếp cung cấp khoảng 35% tổng đầu tư toàn
cầu vào các nền kinh tế đang phát triển. Nói một
cách khác, toàn cầu hóa rõ rệt đã có lơị cho các
quốc gia ngoài Hoa Kỳ.
Nhưng moị huy chương đều có mặt trái. Và mặt trái
của toàn cầu hóa cũng vô cùng quan trọng.
II : Hệ THỐNG KINH
TẾ TOÀN CẦU - SÂN CHƠI MỚI CUẢ HOA KỲ:
1 : Giai Đoạn
Trước 1960 :
Năm 1944 taị thành phố nghỉ mát Bretton Woods thuộc
bang New Hampshire, Hoa Kỳ và các đồng minh Tây Âu
đã đạt thỏa hiệp về cấu trúc tài chánh thời hậu
chiến và từ đó đặt nền móng cho hệ thống kinh tế
toàn cầu hiện nay. Mục tiêu là tránh lặp laị những
chính sách sai lầm về bảo vệ mậu dịch và thi đua phá
giá phương hại cho moị quốc gia (beggar thy
neighbor protectionist policies) -- những chính
sách đã đưa đến cuộc đại khủng hoảng vào cuối thập
kỷ 1920’s, đầu thập kỷ 1930’s, cũng như sự trỗi dậy
của chế độ phát xít. Chính tại Bretton Woods, Hoa Kỳ
và Anh quốc đã đồng ý những nguyên tắc căn bản của
hệ thống kinh tế mới toàn cầu, nhằm quy định một bầu
không khí thông thoáng cũng như những phương cách
đối phó với những khó khăn bất trắc trong sự vận
hành của hệ thống. IMF giữ vai trò trọng tài trong
hệ thống mới và WB được thiết lập như một cơ chế cấp
vốn đa phương hỗ trợ tiến trình phát triển của các
nước thuộc thế giới thứ ba. Qua số phiếu nắm giữ,
Hoa Kỳ đã dành quyền quyết định trong cả hai định
chế.
Vấn
đề gây tranh cãi gay gắt lúc đó liên quan đến bản
chất của hệ thống chi phó quốc tế mới. Kinh tế gia
người Anh, John Maynard Keynes, chủ trương
phát hành một đơn vị tiền tệ quốc tế mới lấy tên là
Bancor dựa trên kim bản vị, và dành cho các quốc gia
thành viên một vị trí bình đẳng nhằm bảo đảm sự quân
bình cho hệ thống. Theo đề nghị của Keynes, khi cân
thương mãi một xứ bị khuy khiếm, quốc gia đó, thay
vì phá giá đơn vị tiền tệ, bị buộc phải thi hành
những biện pháp thắt lưng buộc bụng khả dĩ nâng cao
xuất khẩu và lấy lại quân bình. Để làm dịu bớt tính
khe khắt của quá trình điều chỉnh, IMF cần dự liệu
một chế độ cho vay chuyển tiếp. Ngược lại, các xứ có
cân thương mãi thặng dư phải có chính sách kích cầu
và hàng xuất khẩu phải chịu những khoản thuế quan
tạm thời. Sự chuyển dịch tư bản giữa các nước phải
được quy định và kiểm soát chặt chẽ nhằm hỗ trợ cho
chính sách lãi suất cần thiết trong quá trình tái
lập ổn định kinh tế.
Một lần nữa, Hoa Kỳ lại dành quyền quyết định. Đồng
Mỹ kim, thay vì đồng Bancor, được lựa chọn làm bản
vị tiền tệ quốc tế. Đồng Mỹ kim có thể chuyển hoán
thành vàng theo một tỉ suất nhất định (kim bản vị).
Đơn vị tiền tệ các nước khác phải được định nghĩa
theo đồng Mỹ kim, nghĩa là gián tiếp theo vàng (kim
hoán bản vị). Mọi thay đổi hối suất phải được sự
thỏa hiệp trước của IMF, nói rõ hơn, phải được sự
chấp thuận của Hoa Kỳ. Kiểm soát mọi chuyển dịch tư
bản giữa các nước cũng trở thành một phần của thỏa
ước chung cuộc. Đề nghị của Keynes về thuế quan tạm
thời đánh trên hàng xuất khẩu của các xứ có cân
thương mãi thặng dư không được chấp thuận. Trong khi
đó, các xứ có cân thương mãi khuy khiếm bị buộc phải
tự động điều chỉnh để tái lập quân bình xuất nhập
khẩu với sự khả dĩ trợ giúp của IMF để tạm thời tài
trợ khiếm hụt qua chương trình cho vay chuyển tiếp
(transitional loans).
Hiệu quả thực tế đã vượt quá mọi kỳ vọng. Trong
khoảng thời gian 1947-1961, mậu dịch quốc tế tăng
trưởng nhanh; thuế quan được giảm thiểu 73%; kinh tế
Âu châu và Nhật Bản phục hồi như một phép lạ.
2 : Giai Đoạn
Sau 1960 :
Vào đầu thập kỷ 1960’s, ngạch số thặng dư khổng lồ
của Hoa Kỳ trong những năm tiếp theo sau đệ nhị thế
chiến tan biến, nhường chỗ cho số khiếm hụt ngày một
gia tăng. Trong cùng lúc, năng suất ngày một gia
tăng trong các nền kinh tế Âu châu và Nhật Bản liên
tục nâng cao tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu vào
thị trường Hoa Kỳ từ nay tương đối rộng mở. Trước
đó, khi chọn đồng Mỹ kim, thay vì đồng Bancor, làm
phương tiện chi phó quốc tế, Hoa Kỳ nhằm nắm giữ lợi
thế có thể mua bất cứ thứ gì, bất cứ ở đâu, với
chính đơn vị tiền tệ của mình. Giờ đây, ngược lại,
khuy khiếm lũy tích trong cân thương mãi đang gây ra
nhiều khó khăn nhức nhối bất ngờ cho Hoa Kỳ. Với sự
bác bỏ đề nghị của Keynes trước đây về biện pháp
thuế quan tạm thời đánh trên hàng xuất khẩu của các
xứ có cân thương mãi thặng dư, các xứ nầy giờ đây
không bị bó buộc phải nâng cao hối suất hay giảm bớt
xuất khẩu. Nhờ vậy, ngân khố các xứ nầy đã tích lũy
được những khoản dự trữ Mỹ kim khổng lồ. Số Mỹ kim
dự trữ nầy có khuynh hướng làm gia tăng khối tiền tệ
lưu hành và áp lực lạm phát. Thực vậy, số khiếm hụt
trong cân thương mãi Hoa Kỳ, chừng nào còn được tính
bằng Mỹ kim, là một hình thức xuất khẩu lạm phát và
cũng là bằng chứng Hoa Kỳ đã tự dành cho mình ngoại
lệ (exceptionalism), không phải bị ràng buộc bởi
những chế tài như những thành viên khác trong hệ
thống. Như đã nói ở
trên, để đồng Mỹ kim được chọn làm phương tiện chi
phó quốc tế, Hoa Kỳ đã phải cam kết gắn liền đồng Mỹ
kim vào vàng; do đó, đồng Mỹ kim có thể chuyển hóa
thành vàng theo một tỉ suất cố định. Suốt thập kỷ
1960’s, một số quốc gia đã theo gương Pháp bắt đầu
đổi đồng Mỹ kim lấy vàng. Số vàng dự trữ của Hoa Kỳ
vì vậy cạn kiệt. Hoa Kỳ giờ đây phải đối diện với
một sự lựa chọn vô cùng khó khăn: hoặc duy trì cơ
chế hiện hữu và phải chấp nhận luật chơi như tất cả
các thành viên khác trong hệ thống; hoặc dẹp bỏ hệ
thống do chính mình đã khai sinh. Hoa Kỳ đã chọn
giải pháp thứ hai: dẹp bỏ hệ thống. Để làm việc nầy,
Hoa Kỳ –cậy vào sức mạnh vô song của mình—đã hành
động đơn phương.
Cùng lúc, gánh nặng tài trợ cuộc chiến Việt Nam đồng
thời với Chương trình Đại Xã Hội
(Great Society) trong nước -- trong lúc vì lý
do chính trị nôị bộ không thể tăng thuế -- đã đưa
đến lạm phát. Gánh nặng chi phó quốc tế, vì vậy,
vượt quá khả năng tài chánh của Hoa Kỳ. Để giải
quyết, ngày 3 tháng 3 năm 1971, Tổng Thống Richard
Nixon đơn phương quyết định đình chỉ tính cải hoán
của đồng Mỹ kim. Điều nầy có nghĩa, Hoa Kỳ, trong
thực tế, đã chọn một đơn vị tiền giấy -- đồng Mỹ kim
-- làm bản vị (de facto dollar standard), thay thế
kim bản vị. Với hành động đơn phương nầy, Nixon
ngang nhiên áp đặt đồng Mỹ kim, giờ đây đã là một
đơn vị tiền giấy bất khả hoán (không thể đổi lấy
vàng) làm bản vị quốc tế (world fiat currency) lên
toàn cầu..
Hối suất trên thị trường
hối đoái toàn cầu trở nên bất định (erratic). Trong
vai trò quản lý đơn vị tiền quốc tế, Hoa Kỳ đã không
chấp nhận một nghĩa vụ hay trách nhiệm nào với thế
giới bên ngoài. Trong lúc đó, các xứ khác trên toàn
cầu buộc lòng hoặc định nghĩa hoặc thả nổi đơn vị
tiền tệ của mình theo đồng Mỹ kim, và quan trọng hơn
cả, là phải điều chỉnh kinh tế của mình mỗi khi có
sự thay đổi trong thái độ hoặc mục tiêu (vagaries)
của các nhà hoạch định chính sách kinh tế, tài chánh
Hoa Kỳ. Với việc bải bỏ chế độ kiểm soát mọi chuyển
dịch tư bản kể từ ngày 01 tháng 01 năm1974, Hoa Kỳ
thực sự có thể mua bất cứ thứ gì mình muốn với đồng
Mỹ kim mà chẳng phải băn khoăn đến hậu quả đối với
chính mình hay trách nhiệm với các quốc gia khác.
Ngược lại, các xứ nầy luôn phải chung vai chia sẻ
các khó khăn của Hoa Kỳ. Đó mới thực sự tự do -- một
thứ tự- do -của -Hoa- Kỳ- dành- riêng- cho- Hoa -Kỳ.
Với khả năng in giấy bạc quốc tế vô giới hạn trong
tay, Hoa Kỳ nắm đặc quyền uốn nắn, định hình toàn
cầu hóa. Quan trọng hơn nữa, Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở
thành người tiêu thụ cuối cùng của thế giới (world’s
consumer of last resort). Nước Mỹ không cần phải
dành dụm, tiết kiệm trước khi tiêu xài dù cho khuy
khiếm thương mãi ngày một gia tăng. Khác với Hoa Kỳ,
thế giới bên ngoài luôn phải giữ cân thương mãi ít
nhiều thăng bằng qua thời gian và chỉ có thể tiêu
thụ trong giới hạn khả năng sản xuất. Hoa Kỳ chẳng
cần bán vẫn có thể mua, chẳng phải xuất khẩu trước
khi nhập khẩu. Hoa kỳ chỉ cần in thêm tiền giấy. Đô
la bản vị cũng giúp các công ty Hoa Kỳ dễ dàng thực
hiện đầu tư ở hải ngoại. Nhờ vậy, tính đến cuối thế
kỷ 20, Hoa Kỳ có thể bình thản tích lũy một số khiếm
hụt lên đến 6.000 tỉ Mỹ kim bên cạnh một số đầu tư
hải ngoại lũy tích hơn 1.100 tỉ..
Đồng đô la không phải là vũ khí duy nhất của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đồng Mỹ kim, tầm vóc thị trường Hoa Kỳ,
tính phổ cập của Anh ngữ như một ngôn ngữ quốc tế
(lingua franca), cũng như sức mạnh vô song của siêu
cường duy nhất, cũng là những yếu tố quan trọng bảo
đảm vai trò lèo lái tiến trình toàn cầu hóa của Hoa
Kỳ. kỹ nghệ phim ảnh và truyền hình là một ví dụ.
Một nhà làm phim hay truyền thông Hoa Kỳ có thể bắt
đầu với một số trên 280 triệu khán thính giả tiềm
năng quốc nội, so với 60 triệu đối với một đồng
nghiệp người Pháp hay 80 triệu với một đồng nghiệp
người Đức. Đối với một đồng nghiệp người Trung quốc
hay Ấn độ, con số nầy có thể lên hàng tỉ, nhưng cũng
chỉ thu gọn trong phạm vi biên giới của từng nước.
Riêng đối với một nhà làm phim Mỹ, ngoài thị trường
quốc nội, anh ta còn có một thị trường tiềm năng
hàng tỉ người sử dụng Anh ngữ như ngôn ngữ thứ hai
trên khắp thế giới. Vì lý do đó, không ai lấy làm lạ
khi người Mỹ sản xuất nhiều phim ảnh, chương trình
truyền hình, trò chơi vi tính, đĩa nhạc, hơn bất cứ
nước nào khác. Văn hóa thương mãi bình dân Mỹ
(American pop culture) cũng lan tràn khắp nơi trên
toàn cầu.
Tình trạng tương tự cũng có thể tìm thấy trong nhiều
địa hạt khác. Chẳng hạn, sức mạnh quân sự của Hoa
Kỳ. Trong địa hạt nầy, chẳng những Hoa Kỳ là nguồn
cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới, mà còn là nguồn
tài nguyên khổng lồ hỗ trợ cho vai trò lãnh đạo
trong các ngành công nghệ, kỹ thuật. Mạng Internet
là một bằng chứng hùng hồn khác. Khởi đầu với mạng
ARPA-Net, một mạng lưới của Cơ Quan quản Trị các
Dự án Nghiên cứu Cao cấp của Bộ Quốc Phòng
(Advanced Research Projects Agency) cách đây hơn 25
năm, mạng Internet đã chi phối hơn 75% hoạt động
trên xa lộ thông tin toàn cầu. Ngoài ra, với lực
lượng quân sự hùng mạnh, vị trí của đồng đô la dễ
dàng được củng cố vì từ lâu Hoa Kỳ đã trở thành nơi
ẩn trú an toàn nhất thế giới. Dù đang ngụp lặn trong
biển đô la, thế giới ngày một thèm muốn cất giữ đồng
Mỹ kim bởi lẽ trong thời buổi đầy biến động bất trắc
hiện nay đồng đô la vẫn là nơi ẩn trú an toàn nhất.
Với thế mạnh sẵn có, Hoa Kỳ, trong giai đoạn đầu của
toàn cầu hóa, cũng chỉ tự dành cho mình một số ngoại
lệ cần thiết cho việc bảo vệ thị trường bông vải và
nông sản-- những thị trường luôn nhạy cảm trong sinh
hoạt chính trị quốc nội. Ngoài ra, trong 20 năm đầu
kể từ ngày ký kết GATT, các nhà thương thuyết Mỹ --
cả tin ở tính cạnh tranh cao của kỹ nghệ -- đã mở
rộng cửa thị trường mà không đòi hỏi các đối tác
phải áp dụng những biện pháp tương ứng. Sau một thời
gian nhập khẩu tăng mạnh, lập trường các nhà ngoại
giao cứng rắn hẳn lên. Trong các kỹ nghệ xe hơi, máy
truyền hình mầu, họ đòi hỏi các quốc gia đối tác,
nhất là Nhật bản, một sự tự nguyện hạn chế ngạch số
xuất khẩu. Họ còn khuyến cáo các đối tác xây dựng
xưởng máy ngay trong nội địa Hoa Kỳ. Đây là thái độ
trịch thượng, nghịch lý, và đạo đức giả: một mặt
thuyết giảng tính tích cực, lợi ích của tự do mậu
dịch; mặt khác, tự dành quyền thụ hưởng những đặc
lợi của chế độ bảo vệ mậu dịch. Đã hẳn các đối tác
của Hoa Kỳ rất bất bình và thất vọng, nhưng cũng
chẳng thể làm được gì nhiều để chống đỡ. Thị trường
Hoa Kỳ -- dù còn nhiều rào cản-- vẫn là thị trường
lớn lao, béo bở nhất thế giới. Đã thế, các quốc gia
xuất khẩu luôn cần đến sự bảo vệ của các lực lượng
đặc nhiệm của hải quân Hoa Kỳ trên các đại dương. Vả
chăng, tự do mậu dịch, thị trường mở cửa vẫn luôn là
chính sách được cổ súy, một thứ kinh nhật tụng của
các Tổng Thống liên tiếp từ thời Franklin Roosevelt.
Trong thực tế, nghị trình của các nhà ngoại giao Hoa
Kỳ luôn phản ảnh quyền lợi của các đại công ty và
các nhóm vận động hành lang quốc hội: mở cửa thị
trường các nước ngoài và áp đặt những quy luật thuận
lợi cho các công ty, các kỹ nghệ Hoa Kỳ. Chẳng hạn
các nhà thương thuyết Hoa Kỳ đòi hỏi các nước phải
mở cửa thị trường cho kỹ nghệ thuốc lá. Trong khi
đó, ở quốc nội, Bộ Tư Pháp đã đưa các công ty thuốc
lá ra tòa vì đã đánh lừa dư luận về tác dụng gây ung
thư của sản phẩm nầy. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,
nguồn lơị thiết thân của các nhóm công nghệ cao,
cũng là một địa hạt quan trọng khác đòi hỏi một ưu
tiên cao trong nghị trình thương thuyết. Các nhà
ngoại giao Hoa Kỳ cũng thành công trong việc ngăn
cản các xứ đang phát triển tranh đấu ghi vào quy chế
toàn cầu hóa những yêu sách chuyển giao công nghệ
trước khi mở cửa thị trường cho các công ty chế tạo
các sản phẩm chiến lược như phi cơ, các loại bán dẫn
(semi-conductors). Vào thập kỷ1980’s, Nhật bản đã
thắng thế trong các ngành ngân hàng, điện tử, xe
hơi, sắt thép, máy móc trang bị... trên các thị
trường then chốt. Nhưng với Thỏa Ước Plaza năm 1985
(lấy tên khách sạn Plaza Hotel ở New York, nơi ký
kết), Hoa Kỳ đã "thuyết phục" Nhật đánh giá lại đồng
Yen, và từ đó, đã khởi động một chuổi biến cố đưa
đến sự thoái trào kinh tế Nhật vào năm 1992
.
Các sự kiện---chiến tranh lạnh cáo chung, Liên Bang
Xô Viết tan rã, những thành quả ngọan mục trên thị
trường chứng khoán Hoa Kỳ---đã đánh tan mọi nghi ngờ
về vai trò bá chủ của Hoa Kỳ. Quốc gia nào không
tuân thủ các quy luật của chủ nghĩa tư bản thị
trường là tự chuốc lấy tai ương bất trắc. Trong mô
hình nầy, mục tiêu tối hậu của các công ty là tối đa
hóa doanh lợi cho cổ đông. Quyền lợi của giới quản
lý đồng thời cũng được thăng tiến vì được tưởng
thưởng hậu hỹ dưới hình thức những chứng khoán hoặc
cổ phiếu đặc biệt (stock options). Nhiệm vụ của
chính quyền là giảm bớt can thiệp, bãi bỏ các biện
pháp kiểm soát, đẩy mạnh tư nhân hóa. Tất cả những
việc khác sẽ được giải quyết ổn thỏa bởi bàn tay vô
hình của thị trường tự do. Tóm lại, thị trường tự do
là guồng máy phân bổ tài nguyên ưu việt và là cơ chế
phát triển kinh tế hữu hiệu nhất.
Trong thập kỷ 1990’s, với mô hình nầy, năng suất
trên thế giới đã gia tăng 33% và hình như đã giúp
tránh được các chu kỳ kinh tế. Trước thành tích đó,
nhóm Washington Consensus càng thắng thế hơn.
Nhóm nầy gồm những người cổ súy toàn cầu hóa trong
Bộ Ngân khố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân Hàng Thế giới
và một số trường đại học danh tiếng Hoa Kỳ. Theo họ,
sau chiến tranh lạnh, chủ nghĩa tư bản tự do là hệ
thống kinh tế duy nhất đã vượt qua thử thách và
thích hợp với thế giới ngày mai. Toàn cầu hóa --
tiến trình hội nhập các nền kinh tế và các công ty
đa quốc gia qua mậu dịch và đầu tư trên toàn cầu --
là nguyên tắc chỉ đạo, là chìa khóa, là phương châm
hành động. Họ chủ trương: quân bình ngân sách; giảm
thuế; thị trường tự do; tư hữu hóa; bảo vệ quyền tư
hữu, nhất là quyền sở hữu trí tuệ; giảm thiểu vai
trò của chính quyền... Theo họ, mô hình nầy sẽ mang
lại thịnh vượng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đưa
đến dân chủ hoá, và từ đó, đến hòa bình, ổn định.
Theo Tom Friedman, phát ngôn nhân của nhóm, cơ chế
thực thi những biện pháp nầy nằm trong tay của nhóm
Electronic Herd. Đó là nhóm những tài phiệt,
những tỉ phú trong các trung tâm tài chánh thế giới.
Qua màn hình và chuột vi tính, họ có thể chuyển dịch
hàng tỉ đô la tới bất cứ nơi nào trên thế giới trong
khoảnh khắc. Khi cuộc
khủng hoảng tài chánh Á châu xẩy ra năm 1997, IMF
nghĩ ngay đến biện pháp duy trì sự ổn định tiền tệ
trong vùng qua sự áp đặt các biện pháp khắc khổ và
một lãi suất cao, xem đó là điều kiện để được vay
khẩn cấp của IMF. Thay vì đem lại ổn định trong hệ
thống, IMF đã trở thành một công cụ để thực thi
những nguyên tắc kinh điển cứng nhắc của nhóm
Washington Consensus.
.
Toàn cầu hóa rõ ràng chỉ là Mỹ hóa.
Về sau, các lãnh đạo IMF và các quan chức trong
chính quyền Hoa Kỳ đã phải công nhận sai lầm khi áp
đặt những biện pháp không thích ứng. Dù sao, kinh tế
Hoa Kỳ không mấy hề hấn. Nhưng thay vì đưa đến thịnh
vượng, dân chủ, hòa bình, ổn định, cho Indonesia, Mã
Lai Á, Hàn Quốc, Hong Kong, Thái lan, người dân
trong các xứ nầy bị tổn thương trầm trọng. Họ thật
sự khó lòng quên được thái độ trịch thượng, dửng
dưng, dốt nát, của các giới hữu trách trong chính
quyền Hoa Kỳ và các định chế toàn cầu hóa.
III : TOÀN CẦU HÓA
-- PHẢN ỨNG TRÊN THẾ GIỚI :
Suốt tuần lễ cuối tháng 11, 1999, các bộ trưởng tài
chánh từ nhiều nước tụ họp tại Seattle, bang
Washington, để tham dự vòng đàm phán mới về mậu dịch
quốc tế. Đây là cuộc họp mặt lần đầu của Tổ chức
Thương mãi Quốc Tế (WTO) vừa được thiết lập để
kế thừa GATT sau vòng đàm phán cuối năm 1994. Trước
đó, những hội nghị về mậu dịch quốc tế thường chỉ
thu hút một số hạn chế các tín đồ nhiệt thành. Nhưng
lần nầy, vì toàn cầu hóa đã trở thành một đề tài
nóng bỏng gây xúc động trong nhiều giới, nhất là
trong thế giới thứ ba. Trên 50.000 người đã đổ về
Seattle để chống đối toàn cầu hóa. Họ là những phu
bến tàu, những công nhân các nhà máy Boeing kế cận,
những người quan tâm đến nạn ô nhiễm môi trường,
những sinh viên phản đối sự bóc lột của các đại công
ty...Họ đến để dóng lên tiếng nói cảnh tỉnh nhân dân
thế giới nói chung và nhân dân Hoa Kỳ nói riêng về
tác động tiêu cực và thiếu đạo đức trên toàn cầu của
mạng lưới các công ty đa quốc gia, các kỹ nghệ chiến
tranh và giới lãnh đạo chính trị trong các cường
quốc kỹ nghệ, nhất là siêu cường Hoa Kỳ.. Theo họ,
các định chế toàn cầu hóa chỉ là những cánh tay nối
dài của các đại công ty đứng đàng sau kiểm soát sự
vận hành của hệ thống. Họ chống đối mọi toan tính
đặt mục đích tối đa hóa doanh lợi lên trên sự an
sinh và tự do của dân nghèo trên toàn thế giới, nhất
là trong thế giới thứ ba, cũng như lên trên sự lành
mạnh và tính đa dạng của môi trường.
.
Cuối cùng, vấn đề trợ cấp khu vực nông nghiệp trong
các xứ kỹ nghệ tiền tiến đã đưa đàm phán đến bế tắc
và tan vỡ.
Nói chung, các đề tài gây bế tắc trong vòng đàm phán
Doha (Qatar) -- cắt giảm thuế quan đối với nông sản,
mở cửa thị trường cho các sản phẩm công, kỹ nghệ và
dịch vụ các loại, mở cửa thị trường tài chánh --vẫn
còn nguyên vẹn ngay cả sau những vòng đàm phán ở
Seattle năm 1999, Cancun năm 2003, và Hongkong năm
2005. Hố cách biệt giữa các xứ thành viên nòng cốt
của WTO -- Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu và các nền kinh
tế khổng lồ đang lên Ấn Độ, Ba Tây, Trung quốc --
còn quá sâu rộng. Để ra khỏi bế tắc, rất nhiều việc
còn cần phải làm. Những lời hứa trống rỗng -- giúp
đỡ các nước nghèo, toàn cầu hóa đang đi đúng
hướng... --chỉ đưa đến thất vọng và mất tin tưởng
trong thế giới thứ ba. Rõ ràng các giới lãnh đạo
trong các định chế toàn cầu hóa, trong các cường
quốc kỹ nghệ, các nước lớn, và nhất là Hoa Kỳ, chưa
đủ ý chí chính trị cũng như viễn kiến cần thiết. Con
đường đi đến toàn cầu hóa trước mắt chắc chắn còn
lắm chông gai.
Ngay trong các xứ kỹ nghệ tiền tiến -- những nước
hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa --, sự chống
đối cũng không kém phần gay gắt.
Chống đối mãnh liệt nhất đến từ phía các tổ chức lao
động và nghiệp đoàn. Toàn cầu hóa, theo những tổ
chức nầy, đã bào mòn những thắng lợi giành được sau
nhiều năm tranh đấu cam go và đã được hợp pháp hóa
trong những định chế giúp thuần hóa chủ nghĩa tư bản
thị trường. Kỹ nghệ may mặc là một thí dụ điển hình.
Nhiều công nhân với mức lương tối thiểu phải mất
việc khi các chủ công ty quyết định dời xưởng máy
tới những xứ phí lao động rẻ như Mexico và Trung
quốc. Các tổ chức lao động trong các xứ tiền tiến
đòi hỏi phải được đền bù thỏa đáng cũng như phải ghi
rõ trong các thoả ước mậu dịch quốc tế những điều
khoản bảo đảm các quyền lợi căn bản của giới lao
động.
Các nhà môi sinh học e ngại toàn cầu hóa rất dễ đưa
nhân loại trở về với kỹ nguyên tư bản kinh điển thô
bạo, tai họa cho môi sinh. Áp lực thường xuyên phải
giảm gía thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh đã
là động lực thúc đẩy các công ty đa quốc gia di
chuyển công xưởng đến những vùng pháp chế bảo vệ môi
sinh còn lỏng lẻo. Theo một số nhà phân tích kinh
tế, Trung quốc đã phải trả một giá rất đắt -- khoảng
từ 8 đến 12% GDP -- cho sách lược phát triển lấy
xuất khẩu làm đầu tàu vì sách lược nầy đã gây ô
nhiễm trầm trọng cho môi sinh ở Trung quốc.
Ở Nam Dương, kỹ nghệ cung cấp gỗ làm sàn nhà, bàn
ghế, văn phòng phẩm, cho các thị trường Nhật, Trung
quốc, Hong Kong, Âu châu, (80% phi pháp), đã tàn phá
các rừng nhiệt đới, các động vật hiếm quý như cọp và
vượn ở đảo Sumatra. Ở Ba Tây, các rừng gỗ màu nâu
(mahogany) cũng bị khai thác bừa bãi vì những lý do
tương tự. Theo các nhà đại dương học, rùa và một vài
loại cá bị đe dọa diệt chủng vì khai thác quá lạm.
Một vài tổ chức thiện nguyện như Global Compact,
với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, đã cố thuyết phục
các công ty đa quốc gia chấp nhận các nguyên tắc bảo
vệ môi sinh. Nhưng các nhà môi sinh học không mấy
lạc quan trước những lời tuyên bố của Tổng Thống
George H.W. Bush ở hội nghị thượng đỉnh Earth
Summit, Rio de Janiero (Ba Tây), năm 1992: " Lối
sống của Hoa Kỳ không là đề tài thảo luận" (The
American way of life is not up for negociation, cũng
như của Tổng Thống George W. Bush khi rút khỏi Hiệp
Nghị Thư Kyoto về Hiện Tượng Hâm Nóng Toàn Cầu: "
Điều đó có hại cho kinh tế Hoa Kỳ" (It would be bad
for the US economy). Điều nầy chứng tỏ toàn cầu hóa
cần phải được xét duyệt lại nghiêm chỉnh và thay
đổi.
Sinh viên và trí thức tả phái cũng chống đối tính
cực đoan của các định chế toàn cầu hóa, nhất là xu
hướng áp đặt một thứ văn hóa đồng nhất (cultural
homogenization) lên toàn thế giới và chèn ép các
quốc gia nhỏ bé nghèo nàn. Những xứ nầy không có một
tiếng nói đáng kể nào trong tiến trình hình thành
các định chế toàn cầu. Quan trọng hơn nữa, đa số các
xứ nầy không tìm thấy một lợi ích nào trong hệ thống
toàn cầu hóa do Hoa Kỳ áp đặt.
Trong khi nhiều quốc gia Đông Á -Thái Bình Dương,
trong vòng 20 năm qua, kể cả Trung quốc trong những
năm gần đây, đã cải thiện đáng kể mực sống của người
dân, phần lớn thế giới thứ ba đều thất vọng. Lợi tức
tính theo đầu người ở Trung Đông, Bắc Phi, châu Mỹ
La Tinh, chỉ tăng khỏang 1,5% mỗi năm. Trong vùng sa
mạc Sahara, Trung và Đông Âu, Trung Á, lợi tức theo
đầu người lại sụt giảm. Đã hẵn phần lớn trách nhiệm
trong những trường hợp thất bại nầy bắt nguồn từ
những lầm lỗi trong chính sách đối nội, nhưng tác
động của toàn cầu hóa cũng không phải ít.
Chẳng những thế, một vài xứ, mặc dù đã chấp hành
nghiêm chỉnh các quy luật toàn cầu hóa, vẫn chuốc
lấy thất bại đắng cay.
Mexico là một thí dụ. Kể từ ngày gia nhập NAFTA
năm 1994, Mexico đã hoàn toàn hội nhập vào hệ thống
kinh tế toàn cầu: hạ thấp rào cản mậu dịch, mở cửa
thị trường tài chánh, tuân thủ những biện pháp bảo
vệ quyền sở hữu trí tuệ...với mục đích thu hút đầu
tư ngoại quốc. Mexico cũng đã dân chủ hóa sau hơn 70
năm theo chế độ độc đảng. NAFTA đã không dự liệu
việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, các nguồn vốn đặc
biệt để tài trợ phát triển, hoặc lao động được tự do
lưu chuyển giữa các xứ thành viên như trường hợp
Liên Hiệp Âu châu khi thu nhận những quốc gia thành
viên mới kém phát triển. Theo thống kê, trong khoảng
1991-2001, ngạch số xuất khẩu bên trong khu vực
NAFTA đã gia tăng hơn 120 tỉ mỹ kim. Tuy nhiên, hơn
50% con số nầy không phải là xuất khẩu đúng nghĩa mà
chỉ là những giao dịch nội bộ của các đại công ty
Hoa Kỳ. Chẳng hạn, hãng xe Ford Hoa Kỳ gửi những bộ
phận rời xuống Mexico -- một xứ có giá nhân công rẻ
và luật bảo vệ môi trường lỏng lẻo -- để lắp ráp rồi
chuyển trở lại Hoa Kỳ để hoàn tất. Trong mọi trường
hợp, rất ít người dân Mexico cảm thấy đời sống khá
giả hơn. Sau hơn 20 năm theo kinh tế thị trường và
trên 10 năm gia nhập NAFTA, 50% dân Mexico sống với
khỏang 4 đô la mỗi ngày. Vào thập kỷ 1970’s, 60% dân
số có thể xem thuộc giới lao động trung lưu. Ngày
nay, tỉ lệ nầy chỉ còn 35% và còn tiếp tục sụt giảm.
Một vấn đề khác nhức nhối hơn là số công ăn việc làm
sụt giảm vì nhiều nhà máy đóng cửa và dời tới những
xứ phí lao động thấp hơn. Hàng vải nội không cạnh
tranh nổi với hàng nhập từ Trung quốc
.

Luiz Inácio da Silva,
tổng thống Brésil (2002 tái đắc cử 2006)
Ba Tây là một thí dụ khác. Bị ép phải dân chủ hóa về
mặt chính trị và mở cửa thị trường để hội nhập kinh
tế toàn cầu, Ba Tây, vào năm 2002, đã phải kinh qua
một cuộc khủng hoảng kinh tế. Lý do là các nhà đầu
tư ngoại quốc, nhất là Hoa Kỳ, rút khỏi thị trường
khi ứng cử viên Tổng thống tả phái Luiz Inácio
"Lula" da Silva đắc cử. Ba Tây đã phải trả một giá
đắt khi tiến hành bầu cử tự do. Tệ hơn nữa, Hoa Kỳ
còn dựng nhiều rào cản đối với hơn 50% số sản phẩm
xuất khẩu của Ba Tây như đậu nành, đường, cam, sắt
thép...
Hoa Kỳ cũng thiết lập rào cản và hạn ngạch đối với
hàng vải của Pakistan, nông phẩm của Tân Tây Lan,
Úc, và Phi Luật Tân.
Phi châu và Ấn Độ -- những nơi bệnh AIDS lan tràn --
cũng đã phải đối phó với một loại vấn đề khác. Trong
các xứ giàu có phương Tây, bệnh nhân AIDS, nhờ có
thuốc trị, đã có thể tiếp tục một đời sống hữu ích.
Giá loại thuốc nầy lại quá đắt trong thế giới thứ ba
vì luật bảo vệ bản quyền sáng chế của WTO đã không
cho phép các xứ nầy sản xuất dược phẩm tương đương
(generic). Vô hình chung, WTO đã là nguyên nhân đưa
đến một số tử vong đáng tiếc trong các xứ nghèo khó.
Một vấn đề gai góc mới trong thế giới thứ ba phát
xuất từ " hiện tượng Trung quốc ". Trước đây, theo
chủ thuyết toàn cầu hóa, các xứ đang phát triển chỉ
cần mở cửa thị trường cho hàng hóa, tư bản, tự do
xuất nhập, tư hữu hóa, thiết lập nhà nước pháp
quyền, minh bạch, quân bình ngân sách..., tư bản các
nước ngoài sẽ đổ vào đầu tư. Đó là phương thức hữu
hiệu nhất để phát triển, để nhanh chóng đạt được hoà
bình và thịnh vượng. Trong thực tế, trong những năm
gần đây, Trung quốc, mặc dầu chưa thể nói là đã có
một nhà nước pháp quyền, thị trường chưa mấy thông
thoáng minh bạch, vẫn thành công thu hút hầu hết các
luồng tư bản đầu tư trực tiếp từ thế giới bên ngoài.
Trong quá khứ, trong quá trình phát triển, các xứ
đang phát triển thường phải bắt đầu với các ngành
dùng nhiều lao động (labor intensive) như may
mặc, giày dép, rồi tiến dần lên những ngành công
nghệ cao. Nhưng ngày nay, Trung quốc đã thành công
trong việc sản xuất với giá rẻ cả hai loại hàng. Rút
cuộc, nền kinh tế toàn cầu không còn mấy không gian
cho các nước thế giới thứ ba cựa quậy.
Trong tiến trình đi đến cất cánh (take-off),
các con rồng Đông Á trước đây đã học kinh nghiệm và
đi theo con đường của xứ mặt trời mọc. Mô hình nầy
không mấy giống phương thức toàn cầu hóa. Các nguyên
tắc chỉ đạo lúc đó là tiết kiệm cao; hạn chế tiêu
thụ quốc nội; chuyển giao công nghệ, là điều kiện
tiên quyết cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; nhà
nước giữ vai trò chủ đạo trong việc phân phối tài
nguyên, bảo vệ thị trường quốc nội; xuất khẩu giữ
vai trò đầu tàu trong quá trình phát triển
.
Những điều kiện khách quan trong thời đại toàn cầu
hóa hiện nay có cho phép các nước nghèo đi theo mô
hình nầy trong giai đoạn đầu trên con đường phát
triển đầy cam go trước mặt ? Và liệu với "hiện tượng
Trung quốc" vừa nói, ngay cả mô hình nầy có còn đủ
khả năng và cơ may để đem lại thành công !
IV: TOÀN CẦU HÓA
VÀ THẾ GIỚI ĐƠN CỰC:

Woodrow Wilson (1856
–1924), TT thứ 28 của Hoa kỳ
Lịch sử trần trụi của địa chính trị trong suốt 100
năm qua có thể tóm tắt trong mấy cụm từ: đệ nhất thế
chiến, đệ nhị thế chiến, chiến tranh lạnh, và đế
quốc Mỹ. Sau đệ nhất thế chiến, Tổng Thống Woodrow
Wilson thiết lập Hội Quốc
Liên. Sau đệ nhị thế chiến, hai Tổng Thống Roosevelt
và Truman thiết lập Liên Hiệp Quốc và một số định
chế quốc tế.
 
Roosevelt
(1882-1945) TT thứ 32 Hoa Kỳ, Truman (1884-1972) kế
nhiệm Roosevelt
Những định chế nầy đã đưa đến một hệ thống luật pháp
quốc tế thời hậu thực dân. Nói một cách khác, một
trật tự thế giới mới dựa trên luật pháp quốc tế đã
hình thành. Trong sự vận hành của hệ thống lúc ban
sơ, quyền lợi của Hoa Kỳ ít nhiều hòa quyện với lợi
ích chung của toàn thế giới. Hơn 60 năm sau, dưới
sức ép nặng nề của toàn cầu hóa, với tình trạng
nghèo đói dai dẳng trong nhiều vùng trên thế giới,
với sự xuất hiện của tổ chức khủng bố, các hệ phái
tôn giáo qúa khích, và quan trọng hơn cả, với chính
sách đối ngoại của chính siêu cường duy nhất Hoa Kỳ,
trật tự thế giới mới nầy không còn đứng vững.
Ngày nay, thế giới đang kinh qua một đại khủng hoảng
khác: một thế giới trong tình trạng chiến tranh.
Những vấn đề trọng đại từ hiện tượng hâm nóng toàn
cầu, khai thác hải sản bừa bải, tàn phá rừng, khan
hiếm nước sạch, ô nhiễm môi trường, mối đe dọa diệt
chủng đối với vài hệ sinh vật phương hại đến tính đa
dạng của sinh thái, cho đến tình trạng nghèo đói dai
dẳng, khủng bố, tội phạm có tổ chức, mạng lưới buôn
bán ma túy và vũ khí, HIV-AIDS...đang đe dọa toàn
cầu. Liên Hiệp Quốc tỏ ra bất lực, nếu không muốn
nói là tê liệt. Các quốc gia nghèo nàn nhỏ bé không
đủ sức đối phó. Liên hiệp Âu châu, Liên bang Nga,
Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Tây, không nhất trí,
bất ổn định. Các định chế quốc tế còn èo uột, ngân
sách hạn hẹp, thiếu hiệu quả. Rút cuộc chỉ có Hoa
Kỳ, hùng mạnh cả về quân sự lẫn kinh tế, chính trị,
là quốc gia duy nhất có đủ khả năng và ý chí chính
trị để tiếp tục vai trò lãnh đạo thế giới. Trong
thực tế, Hoa Kỳ, vì thiếu viễn kiến xây dựng toàn
cầu, đã theo đuổi một chính sách đối ngoại thiển cận
đối đầu với hầu hết các nước.
Với cái nhìn vĩ mô, hội nhập kinh tế -- hiểu theo
nghĩa toàn cầu hoá kinh tế dựa trên chủ nghĩa tư bản
với thị trường cạnh tranh tự do -- tự nó đã thể hiện
tính đặc trưng của chủ nghĩa đế quốc. Toàn cầu hóa
lan tràn thẩm thấu khắp nơi với sức mạnh áp đảo đối
với tất cả các thành viên trong hệ thống. Không một
quốc gia nào có thể cưỡng lại sức hút toàn cầu hóa.
Rất ít xứ có đủ khả năng tránh né những đòi hỏi phải
điều chỉnh cơ cấu và những điều kiện khắt khe của
Ngân Hàng Thế Giới, của IMF, của WTO. Những định chế
nầy, dù không mấy hoàn hảo, vẫn nắm quyền áp đặt
những quy luật chi phối toàn cầu hóa kinh tế, quy
định ai sẽ được tưởng thưởng khi tuân thủ, ai sẽ bị
chế tài khi vi phạm. Sức ép toàn cầu hóa đủ mạnh để
hội nhập, dù không đồng đều, tất cả các nền kinh tế
quốc gia vào một hệ thống thị trường tự do toàn cầu
duy nhất.
Đây cũng là mục tiêu và ý định của nhóm Washington
Consensus: san bằng những rào cản mậu dịch, chấm dứt
chế độ bảo vệ, mở rộng thị trường tự do và các khu
vực mậu dịch tự do, mở cửa thị trường tài chánh để
tư bản được tự do lưu chuyển với tối thiểu quy định.
Hoa Kỳ đứng sau chủ động và hưởng lợi qua việc bảo
đảm thực thi các chính sách nầy. Điều đó có nghĩa
toàn cầu hóa kinh tế như hiện nay chỉ là công cụ để
phụng sự quyền lợi của chính Hoa Kỳ, hay nói rõ hơn,
của các công ty đa quốc gia Hoa kỳ.
Điều quan trọng cần ghi nhận là nếu toàn cầu hóa
kinh tế là trào lưu bất khả kháng trong tương lai,
nó cũng che dấu nhiều đợt sóng ngầm có thể dẫn đến
những khủng hoảng tài chánh nghiêm trọng tương tự
như cuộc khủng hoảng năm 1997 ở Á châu. Kinh tế thị
trường tự do và các khu vực tự do mậu dịch, dù thiết
yếu cho sự phong phú và thịnh vượng, đồng thời cũng
gây nhiều hậu quả tai hại cho môi sinh và xã hội.
Trong các khu vực mậu dịch tự do, theo quy luật của
WTO hiện hành, tư bản được tự do lưu chuyển. Nhưng
quyền tự do nầy không áp dụng cho các lực lượng lao
động, cả trí óc lẫn tay chân. Mở cửa thị trường tài
chánh, vì vậy, đã bào mòn khả năng kiểm soát kinh tế
của chính quyền từng quốc gia thành viên và phương
hại đến mạng lưới an sinh và an toàn của người dân
ngheò. Lý do là thị trường công ăn việc làm và tài
chánh công của các quốc gia thành viên trở nên bất
ổn định.

Ronald Wilson Reagan
(1911-2004) TT thứ 40 của HK
Tình trạng nầy không phải chỉ là hệ quả của tiến
trình toàn cầu hóa, mà chính là hậu quả của chính
sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ thời Tổng thống Reagan
(1980) và các tổng thống kế tiếp. Trong cuốn Bàn về
Toàn Cầu Hóa (On Globalization), George Soros đã gọi
chính sách nầy là chủ nghĩa kinh điển về thị trường
(market fundamentalism). Theo đó, bàn tay vô hình
mầu nhiệm của thị trường là cơ chế phân phối tài
nguyên hữu hiệu nhất và mọi sự can thiệp chỉ làm suy
giảm hiệu lực kinh tế..
Đó là ý niệm, là niềm tin Hoa Kỳ không ngừng thúc
đẩy, thuyết giảng khắp thế giới. Theo các nhà lãnh
đạo chính trị ở Hoa Kỳ, thị trường hoàn toàn tự do
cạnh tranh sẽ giúp giải quyết tốt đẹp mọi vấn đề của
bất cứ quốc gia, xã hội nào. Người ta quên rằng thị
trường bao giờ cũng phi đạo đức (amoral). Thị trường
cho phép mọi người tự do theo đuổi quyền lợi riêng
tư của mình mà không màng đến khía cạnh tốt xấu của
các quyền lợi ấy. Tư lợi đưa đến phồn thịnh phong
phú nhưng không đưa đến công lý hay công bình xã
hội. Thị trường tự do không thể giải quyết những nhu
cầu xã hội như luật pháp và trật tự, bảo vệ môi
sinh, chuẩn mực an toàn và sức khỏe của nhân công,
trợ giúp những thành phần dễ bị thương tổn (the
vulnerable ) trong xã hội. Thị trường tự nó không
thể đáp ứng những đòi hỏi của một xã hội có chất
lượng, có nhân tính. Những tiện ích công cộng, những
thứ lợi ích chung cho cộng đồng, chỉ có thể đạt được
qua một quá trình chính trị cho phép mọi công dân
thảo luận và nhất trí về những phạm trù đạo đức và
thứ tự ưu tiên xã hội.

George Soros,
tỷ phú Mỹ gốc Budapest, giàu lòng nhân đạo, giúp các
hội từ thiện của 50 nước trên thế giới
Theo George Soros, chính sách nói trên đã đưa đến ba
tác động tiêu cực: (a) Mạng lưới an sinh xã hội
bị bào mòn chẳng những ở phần Nam thế giới nghèo nàn
mà ngay ở cả phần Bắc kỹ nghệ tiền tiến ; (b) Tài
nguyên được phân phối lệch lạc giữa tư lợi và công
ích, pháp chế bảo vệ môi sinh và các chuẩn mực xã
hội khác bị xói mòn ; (c) Các thị trường tài chánh
ngày một bất ổn đưa đến một hệ thống tài chánh toàn
cầu rất dễ suy sụp và khủng hoảng như đã xẩy ra cho
các thị trường tài chánh Đông Á năm 1997 và sự phá
sản của Argentina năm 2002.
Mô hình nầy đã làm ngơ trước tình trạng thiếu thốn
đói nghèo của một phần khá lớn nhân loại. Tình trạng
thống khổ nầy đã được phơi bày qua các con số thống
kê đã được Jim Garrison, chủ tịch tổ chức Tình
Trạng Diễn Đàn Thế Giới (The State of The World
Forum) trích đẫn trong cuốn America As Empire
–Global Leader or Rogue Power? như sau:
- 47% dân số thế giới sống dưới mức 2 đô la mỗi
ngàỵ - 40% không
có điện. - 33% trẻ
con dưới 5 tuổi bị bệnh suy dinh dưởng với khoảng 30
nghìn tử vong mỗi ngày do những bệnh có thể chữa
trị. - 25% số
người trưởng thành trên thế giới còn mù chữ.
- 20% dân số toàn cầu không được chăm sóc sức
khỏe.
V : THAY LỜI KẾT LUẬN : TOÀN CẦU HÓA VÀ NHÓM TÂN
BẢO THỦ :
Các chính sách hiện nay của Tổng thống G. W. Bush
(con) thực ra đã manh nha từ thời Tổng thống George
H. W. Bush (cha) với Dick Cheney, lúc đó đang giữ
chức Tổng trưởng quốc phòng. Sau khi bức tường Bá
linh sụp đổ vào năm 1989, theo chỉ thị của Cheney,
Wolfowitz và nhóm tân bảo thủ
(neoconservatives, thường đựơc biết dưới danh hiệu
nhóm Neocons ) đã xét duyệt lại chính sách đối ngoại
của Hoa Kỳ thời hậu chiến tranh lạnh trong viễn kiến
chiến lược vĩ mô.
Trên căn bản lực lượng quân sự hùng mạnh của siêu
cường duy nhất, nhóm Wolfowitz, gồm Lewis Libby và
Eric Edelman, đã soạn thảo ra tài liệu Hướng Dẫn
Hoạch Định Quốc Phòng (Defense Planning
Guidance). Sau này khi Bill Clinton đắc cử Tổng
thống, tài liệu đã được viết lại, với lời lẽ ngoại
giao hơn, vào tháng giêng 1991, dưới tên gọi
Chiến Lược Quốc Phòng cho Thập Kỷ 1990’s (Defense
Strategy For the 1990’s ). Nhưng phải đợi đến
năm 1995, lập trường của nhóm mới được Zalmay
Khalizad, một thành viên mới, trình bày đầy đủ và
thẳng thắn trong một cuốn sách nhỏ nhan đề Từ
Ngăn Chận Đến Lãnh Đạo Toàn Cầu (From Containment to
Global Leadership). Mục tiêu chiến lược là củng
cố vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong hệ thống kinh
tế, chính trị toàn cầu và ngăn chận bất cứ một hay
một nhóm quốc gia nào khác toan tính cạnh tranh.
Khalizad còn đi xa hơn và nói rõ Hoa Kỳ phải sẵn
sàng sử dụng vũ lực để chận đứng những toan tính như
vậy.
Suốt thập kỷ 1990’s, nhóm nầy còn khai triển lập
trường và đưa ra chủ trương: Hoa Kỳ chỉ nên nhìn thế
giới theo góc độ quyền lợi quốc gia của chính mình,
nên rút khỏi những hiệp định hay thỏa ước quốc tế và
gạt Liên Hiệp Quốc qua bên lề nếu gây trở ngại hoặc
vướng víu cho khả năng hành động đơn phương của
mình.
Sức mạnh quân sự vô song của Hoa Kỳ sẽ hữu ích để
loại trừ các quốc gia ngoài vòng pháp luật (rogue
states): Iran, Iraq và Bắc Hàn (the Axis of
Evil hayTrục ma quỷ) cũng
như Pakistan và Syria. Biện pháp quân sự là cần
thiết đối với Iraq và Bắc Hàn. Những chiến dịch phá
hoại ngầm và áp lực kinh tế, chính trị, để gây bất
ổn, cũng đủ để chế ngự Iran và Syria. Riêng đối với
Pakistan, Hoa kỳ chỉ cần tìm cách thu hút vào quỹ
đạo tình báo và quân sự của mình. Một khi các mục
tiêu nầy hoàn tất, thế giới có thể an toàn hơn cho
sự nghiệp phát huy dân chủ và hòa bình.
Chiến lược nầy đã được đem ra áp dụng ngay sau khi
George W. Bush bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống vào tháng
giêng năm 2001. Biến cố 9-11 đã đem lại cơ hội tốt
cho nhóm Tân Bảo Thủ đang tìm dịp chính thức hóa
chiến lược tấn công và xâm lăng đã chuẩn bị từ
trước. Các cố vấn của G.W. Bush còn dự phóng với sức
mạnh quân sự vô song của mình, Hoa Kỳ có thể duy trì
địa vị bá chủ toàn cầu trong ít nhất 50-70 năm tới.
Cần phải đủ bình tỉnh và sáng suốt để hiểu rằng mặc
dù Hoa Kỳ đã bị tấn công một cách bất ngờ và tàn baọ
trong biến cố 9-11, nhiều nơi thế giới cũng đã kinh
qua những tàn phá có khi còn lớn lao, dã man hơn
nhiều bởi chính bàn tay Hoa Kỳ. Từ quan điểm của kẻ
thù, người Mỹ đã phạm nhiều tội ác và đã đến lúc
phải hứng chịu những phản ứng đầy hận thù và tàn
bạo. Osama bin Laden đã làm những gì mà từ lâu họ đã
muốn thấy xẩy đến cho Hoa Kỳ. Trong nhiều thập kỷ
qua, Hoa Kỳ đã gầy dựng được nhiều quyền lực nhưng
cũng đã tạo ra lắm kẻ thù. Mỗi lần Hoa kỳ được thắng
lợi, một nơi nào đó trên thế giới đã phải chịu thua
thiệt. Trong thời chiến tranh lạnh, Hoa kỳ đã ủng
hộ, che chở nhiều chế độ độc tài tham nhủng trong
thế giới thứ ba trong khi các đại công ty Mỹ đã
chiếm được nhiều thị trường, đã thu lượm được nhiều
lợi lộc kinh tế. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên
khi phản ứng chống đối, hận thù lan tràn đó đây trên
khắp thế giới.
Bảo rằng Osama bin Laden và tổ chức al-Qaeda là một
mạng lưới cô lập có thể là một cách nói mang tính
trấn an, nhưng rõ ràng không xác thực. Ngay sau biến
cố 9-11, Arundhati Roy, một nhà văn Ấn độ, đã lên
tiếng thay cho nhiều người, đặc biệt là trong thế
giới phương nam, khi bà viết :
Osama bin Laden là ai? Ông là bí mật gia đình của
nước Mỹ. Ông là bóng ma đen tối của tổng thống Hoa
Kỳ, là kẻ song sinh man rợ của tất cả những gì tự
cho là xinh đẹp và văn minh. Ông ta đã được tạc từ
một mảnh xương sườn của thế giới đổ nát vì chính
sách đối ngoại của Hoa Kỳ: ngoại giao bằng tàu
chiến, kho tàng vũ khí nguyên tử, chính sách sống
sượng nhằm thống trị rộng khắp, coi thường kinh rợn
mạng sống con người không phải là Mỹ, những sự can
thiệp quân sự man rợ, ủng hộ những chế độ độc tài
toàn trị, chính sách kinh tế tàn bạo như những đàn
châu chấu tàn phá kinh tế các xứ nghèo, và những
công ty đa quốc gia đang săn lùng chiếm đoạt không
khí chúng ta đang thở, mảnh
đất dưới chân chúng ta, nước chúng ta uống, những ý
nghĩ chúng ta tư duy.
Osama bin Laden và phe nhóm không phải là những cá
nhân tha hóa như Timothy McVeigh hay Unabomber. Họ
xuất phát từ một thứ văn hóa mất niềm tin và thù
địch với phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.
Họ hoạt động với sự hỗ trợ của hàng triệu người
trong thế giới thứ ba và các quốc gia Hồi giáo. Bằng
chứng là rất nhiều người Palestine đã nhảy múa vui
mừng ngoài đường phố trong vùng West Bank khi nghe
tin 9-11. Báo chí Á Rập cũng đăng nhiều bài ca ngợi,
kín đáo nhưng rõ rệt, đối với bin Laden. Đối với họ,
9-11 không phải là hành động khủng bố vì khủng bố.
Đó là một hành động để trừng phạt và trả đũa.
Vai trò lãnh đạo toàn cầu hóa của Hoa kỳ đang bị thử
thách khắp nơi. Dù thiển cận và đã phạm nhiều lỗi
lầm trong chính sách đối ngoại, Hoa kỳ vẫn là siêu
cường duy nhất với quyền lực quân sự và kinh tế vô
song. Hoa kỳ đã, đang và còn giữ vai trò sáng lập,
định hình, và duy trì một trật tự mới, cũng như vai
trò chỉ đạo trong hệ thống toàn cầu hóa.Từ lâu, Hoa
kỳ đã tỏ ra tha thiết với vai trò lãnh đạo và muốn
vai trò đó được trường tồn. Để thành công, kêu gọi
mở cửa thị trường, thuyết giảng các phép mầu của tự
do mậu dịch chưa đủ. Hoa kỳ phải biết lắng nghe
tiếng nói của các nước nghèo trong thế giới thứ ba.
Toàn cầu hóa và các định chế cũng như các quy luật
liên hệ cần phải được rà soát lại để bổ khuyết những
bất nhất, bất công, phải được hoàn chỉnh, khả dỉ đem
lại những giải pháp thỏa đáng cho các khát vọng,
những đòi hỏi chính đáng của thế giới phía Nam.
Những thách thức nầy chỉ có thể giải quyết qua sự
hợp tác đa phương, với sự ủng hộ của nhân dân toàn
cầu và nhân danh toàn thể cộng đồng các quốc gia.
Sức mạnh của Hoa kỳ phải được sử dụng không phải để
khống chế các quốc gia khác, mà để đem lại sức mạnh
cho cộng đồng các quốc gia. Hoa kỳ phải đồng thời là
một siêu cường và một siêu đối tác. Trong vai trò
lãnh đạo toàn cầu, Hoa kỳ phải tìm cách du nhập yếu
tố đạo đức vaò định chế thị trường, phải đạo đức hóa
thị trường, vì yếu tố đạo đức hiện nay còn thiếu
vắng trong chính sách kinh tế Hoa kỳ cũng như trong
điều lệ WTO. Như Soros đã từng nói: "Chúng ta có
những thị trường toàn cầu nhưng chúng ta chưa có một
xã hội toàn cầu. Và chúng ta không thể xây dựng một
xã hội toàn cầu mà không quan tâm đến những lý do
đạo đức".
Hoa kỳ đang nắm trong tay đủ quyền lực chính trị,
kinh tế, quân sự. Thế giới đang ở trong thời khắc
hội nhập. Bằng cách nào để hai phía có thể kết hợp
hài hòa. Liệu thế giới có đủ cơ may để được hưởng
một pax Americana (hòa bình do Mỹ)? Hay không
may phải gánh chịu một pox Americana (một đại
dịch do Mỹ). Cuộc hôn nhân thành công hay đổ vỡ sẽ
quyết định di sản của Hoa kỳ trong lịch sử và số
kiếp của thế kỷ 21 mới bắt đầu.
© GS Nguyễn
Trường
Irvine, CA,
USA
Tháng năm, 2006.
George Soros , sđd , tr
165 ," We have global markets but we do
not have a global society . And we cannot build
a global society without taking into account
moral considerations" .
|