Siêu cường duy nhất trên đà tuột dốc

Vietsciences- Nguyễn Trường            11/01/2009
 

Những bài cùng tác giả

hay Thế giới đa cực đang dần ló dạng

Cuộc chiến chiếm Iraq của Hoa kỳ vào ngày 20 tháng 3 năm 2003 đã đánh dấu một bước ngoặc trong lịch sử chính trị thế giới. Đó là sự kiện quan trọng nhất kể từ khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991. Với sự tan rã của Liên Bang Xô Viết, Hoa Kỳ nghiểm nhiên trở thành siêu cường duy nhất với tham vọng thiết lập một trật tự thế giới mới đúng theo quyền lợi của chính mình. Kỷ nguyên mới khởi đầu với tác phẩm Chung Cuộc của Lịch Sử và Ngườì Cuối Cùng [1]của Francis Fukuyama, xuất bản vào năm 1992, dọn đường cho sự ra đời của nhóm The Project For The New American Century (PNAC) năm 1997.

Cuộc tiến chiếm Iraq đã đưa đến hậu quả làm bùng phát các lực ly tâm ở Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới cũng như một lối rẻ trong trật tự thế giới mới do Hoa kỳ thiết lập. Thay vì củng cố địa vị bá chủ của Hoa kỳ ở Trung đông, cuộc chiến có chiều hướng trở thành một khúc dạo đầu trong quá trình tuột dốc của siêu cường duy nhất không những ở Trung Đông mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới, ngược hẳn với viễn kiến của các vị trí thức trong nhóm PNAC. Trái với ước đoán của các lực lượng chiếm đóng, phái Hồi giáo đa số Shia đã trỗi dậy như một lực lượng đang lên có ý hướng xích gần lại với Iran - một thành viên trong “trục ma quỷ” luôn bị Tổng thống Bush đe dọa trừng phạt.

I: HOA KỲ VÀ SỰ CHIẾM ĐÓNG IRAQ

Như đã nói ở trên, với sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết, Hoa Kỳ đột nhiên được đẩy lên địa vị siêu cường duy nhất, vô địch về quân sự lẫn kinh tế, áp đảo trên bình diện ngoại giao và truyền thông quốc tế. Thế kỷ trước mặt rõ ràng là “thế kỷ của Hoa Kỳ” (American Century), và phần còn lại của thế giới bên ngoài phải rập khuôn theo hình ảnh của siêu cường duy nhất. Tuy vậy, chưa đến cuối thập kỷ đầu của thế kỷ 21, chúng ta cũng đã được chứng kiến thấp thoáng bóng dáng một thế giới đa cực lúc một rõ nét hơn.

Một số quốc gia lớn nhỏ đang lăm le thách thức địa vị bá chủ của siêu cường duy nhất trên nhiều phương diện. Nga và Trung quốc đứng hàng đầu, với Venezuela và Iran cấp khu vực ở Nam Mỹ và Trung Đông. Lúc riêng rẽ, khi phối hợp, các xứ nầy đã ít nhiều thành công trong mục tiêu xói mòn , nếu chưa trực diện đối đầu hay thách thức , bá quyền của siêu cường duy nhất.

Do đâu và bằng cách nào thế giới đã có thể chuyển biến nhanh như thế ?

Đã hẳn thảm kịch Iraq của Bush là yếu tố quyết định trực tiếp --một mô thức cổ điển của một đế quốc, hăng say và kiêu hãnh, giàn trải quá mỏng quyền lực của chính mình. Nhiều người, ở Hoa kỳ cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới , đã thở phào nhẹ nhõm khi thảm kịch Iraq đã phơi bày rõ rệt giới hạn quyền lực của bộ máy quân sự tối tân và có sức hủy diệt khủng khiếp bậc nhất thế giới. Trong một bài bình luận, Brent Scowcroft, cố vấn an ninh của hai đời tổng thống, đã phải thú nhận : Ở Iraq, “chúng ta đã bị cầm chân bởi những đối thủ chưa phải là một nhà nước thù địch có tổ chức[2].

Thực vậy, kế hoạch xâm lăng Iraq và thảm họa chiếm đóng sau đó cũng như chiến dịch quân sự tồi tệ ở Afghanistan đã đánh mất uy tín của Hoa Kỳ. Những điều xấu xa, bỉ ổi trong những trại tù Abu Ghraib ở Iraq và Guantanamo ở Cuba, cùng với những vụ tàn sát dân thuờng ở Haditha được báo chí phơi bày rộng rãi trên khắp thế giới, đã bôi tro trát trấu lên hình ảnh đạo đức của Hoa kỳ.

Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, một xứ có chính quyền thế tục và là thành viên của Liên Phòng Bắc Đai Tây Dương (NATO), số người có thiện cảm (favorable view) với Hoa kỳ đã giảm xuống còn 9%, so với 52% cách đây 5 năm.

Một cuộc thăm dò khác ở Baghdad của báo The Spectator tháng 7 năm 2003 , 4 tháng sau khi cuộc chiến bắt đầu, đã cho thấy : 23% dân Baghdad tin mục tiêu là để “giải phóng Iraq khỏi chế độ độc tài", 46% “để chiếm dầu khí” , trên 20% “để giúp Israel”, và 6% “để tìm kiếm và phá hủy các vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt”.

Ngoài ra, còn có một số nguyên do khác - không liên quan gì đến các cuộc phiêu lưu của Hoa Thịnh Đốn - có thể giúp giải thích sự chuyển biến nhanh chóng trong tình hình chính trị thế giới vừa nói.

Trước hết, tưởng cần phải nói đến thị trường dầu khí : tài nguyên dầu khí luôn có hạn, số cầu ngày một gia tăng ; quyền lực và ảnh huởng của các quốc gia giàu trữ lượng ngày một lớn mạnh. Nhịp tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của các quốc gia khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ. Trung Quốc đã trở thành một trung tâm kỷ nghệ chế biến hàng đầu của thế giới. Một nguyên do không kém quan trọng khác: độc quyền song phương của Anh quốc và Hoa kỳ trong địa hạt truyền thông đại chúng đã chấm dứt.

II: NHIỀU KÊNH TRUYỀN HÌNH--NHIỀU QUAN ĐIỂM

Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, trên toàn thế giới, chỉ có BBC và CNN là có phóng viên ở Baghdad. Vì vậy, khán thính giả bất cứ ở đâu cũng chỉ có thể theo dõi cuộc chiến qua lăng kính của hai công ty vừa nói. Mười hai năm sau, năm 2003, khi chính quyền Bush, với sự hỗ trợ của thủ tướng Anh Tony Blair, tiến chiếm Iraq, công ty truyền thông Al Jazeera Arabic (tiếng ÁRập) mới ra đời và độc quyền song phương CNN-BBC bị bẻ gãy. Al Jazeera Arabic truyền tải những tin tức, hình ảnh cuộc chiến trái ngược với Ngũ Giác Đài. Lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới đồng thời được chứng kiến những tường thuật các trận chiến đang tiếp diễn từ hai nguồn tin với quan điểm, góc cạnh khác nhau. Al Jazeera Arabic cung cấp những hình ảnh, tin tức với trình độ xác tín và trung thực cao. Do đó, nhiều đài truyền hình bên ngoài thế giới Árập - ở Âu châu, Á châu, Phi châu, châu Mỹ La tinh - luôn chiếu nhiều trích đoạn phim (clips) của Al Jazeera Arabic.

Mặc dù trên lý thuyết, sự trưởng thành của truyền hình cáp quang toàn cầu đã báo hiệu sự cáo chung của địa vị độc quyền song phương Anh-Mỹ trên diễn đàn truyền thông 24 giờ mỗi ngày, trong thực tế, sự mong đợi vẫn chưa thành sự thật vì phí tổn thu thập và biên tập hình ảnh cũng như tin tức truyền hình quá cao. Phải đợi đến năm 2006 khi kênh truyền hình Al Jazeera English (tiếng Anh) ra đời do sự tài trợ của chính quyền Qatar - một xứ có nhiều tài nguyên dầu khí và theo đuổi chính sách giúp thiết lập một kênh truyền thông toàn cầu theo nhản quan Hồi giáo - độc quyền song phương Anh quốc-Hoa kỳ mới thực sự bị phá vỡ.

Chẳng bao lâu sau, kênh phát hình song ngữ Anh-Pháp France 24 đi vào hoạt động, dĩ nhiên từ quan điểm của Pháp, nối tiếp bởi English-language Press TV từ góc cạnh Iran. Kế đến, Nga với Russia Today cũng phát hình toàn cầu bằng Anh ngữ, 24 giờ mỗi ngày. Cùng lúc, với sự cổ súy của Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, kênh truyền hình Telesur từ Caracas bắt đầu cạnh tranh với CNN cung cấp dịch vụ truyền thông cho khán thính giả Mỹ La tinh bằng tiếng Tây Ban Nha.

Đã hẳn là nguồn tài trợ cho các kênh truyền hình Qatar, Russia và Venezuela đã đến từ số thu nhập từ tài nguyên dầu khí của các xứ sở quan - một yếu tố xói mòn bá quyền Hoa kỳ không những trong địa hạt phát hình mà cả trong thực tế đời thường.

III : LIÊN BANG NGA, SIÊU CƯỜNG NĂNG LƯỢNG

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Vladimir Putin, Liên Bang Nga đã phục hồi và ra khỏi tình trạng hỗn loạn kinh tế, hậu quả của sự tan rã của Liên Bang Xô Viết năm 1991. Sau khi tái quốc hữu hóa kỷ nghệ dầu khí, Putin bắt đầu dùng ảnh hưởng kinh tế để đẩy mạnh quyền lợi quốc tế của Nga trên mặt trận ngoại giao.

Năm 2005, Nga đã qua mặt Hoa kỳ, trở thành nước sản xuất dầu khí lớn thứ hai trên thế giới. Thu nhập hàng ngày lên tới 679 triệu mỹ kim. Cho đến nay, riêng ở Âu châu, các nước lệ thuộc vào nguồn cung cấp dầu khí từ Nga gồm Hung Gia Lợi, Ba Lan, Đức, và cả Anh quốc.

Liên Bang Nga cũng là xứ sản xuất hơi đốt thiên nhiên (natural gas) lớn nhất hoàn cầu. 3/5 con số nầy được xuất khẩu qua 27 xứ thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU). Bulgaria, Estonia, Finland và Slovakia nhập khẩu 100% hơi đốt từ Nga; Turkey, 66%; Poland, 58%; Germany, 41%; và Pháp, 25%. Gazprom, công ty hơi đốt lớn nhất hoàn vũ, cũng đã có sự hiện diện trong 16 xứ thành viên EU. Năm 2006, ngoại tệ dự trữ của Điện Cẩm Linh đã lên đến 315 tỉ mỹ kim, so với 12 tỉ vào năm 1999. Cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi trước ngày họp hội nghị thượng đỉnh khối G8 vào tháng 7 năm 2006 ở St Petersberg, Putin đã gạt bỏ hiến chương về năng lượng (energy charter) do các nhà lãnh đạo Tây phương đề xuất.

Ngoại tệ dự trữ ngày một gia tăng, hỏa tiễn liên lục địa nhiều và hiện đại, liên minh ngày một khắng khít với một Trung Quốc phồn vinh - tập trận chung tháng 8 năm 2005 ngay trên bán đảo Shandong, Trung Quốc - đã tạo một thế đứng giúp Putin tương tác bình đẳng với Tổng Thống George W. Bush và không phải dè dặt khi đánh giá các phương sách của Hoa Kỳ.

Trong hội nghị xuyên Đại Tây Dương thứ 43 về chính sách an ninh, tháng 2 năm 2007 ở Munich, Putin thẳng thắn tuyên bố : “Hoa kỳ là quốc gia đã vượt quá thẩm quyền của mình trên nhiều phương diện. Điều nầy đã thể hiện rõ nét trong các chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục áp đặt lên các quốc gia khác … Đây là điều thật sự nguy hiểm[3].

Lên án ý niệm “thế giới đơn cực”, ông nói tiếp: “Dù nguời ta có tô điểm từ nầy ra sao đi nữa , cuối cùng cụm từ nầy cũng chỉ mô phỏng một tình huống trong đó chỉ có một trung tâm uy quyền, một trung tâm quyền lực, một trung tâm giữ quyền quyết định… Đó là một thế giới với một chủ nhân ông, một đấng tối thuợng. Và đây là điều rất tai hại[4].

Đối với các nhà lãnh đạo Á, Phi, Nam Mỹ, những lời phát biểu của Putin nghe thật bùi tai.

Khỏi cần phải nói, nhiều giới trong vùng Vịnh giàu nhiên liệu dầu khí, nhất là các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách, rất quan tâm đến quan hệ đang đổi thay giữa Mạc Tư Khoa và Hoa Thịnh Đốn. Bình luận về chuyến viếng thăm Saudi Arabia và Qatar (các đồng minh kỳ cựu của Hoa Kỳ) của Tổng Thống Putin tiếp theo sau hội nghị Munich, Abdel Aziz Sagar, chủ tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Vùng Vịnh, đã viết trong nhật báo The Peninsula ở Doha: Liên Bang Nga và các xứ Á Rập vùng Vịnh, có một thời là những xứ thuộc những khối ý thức hệ đối nghịch, nay đã tìm được một nghị trình chung về dầu khí, chống khủng bố,và mua bán vũ khí. “Mục tiêu thay đổi nầy đã đạt được trong bối cảnh các xứ vùng Vịnh hiện đang mong muốn duy trì tất cả các chọn lựa địa chính trị rộng mở, duyệt xét lại lợi ích của Hoa Kỳ trong vai trò quốc gia bảo đảm an ninh duy nhất, và tìm kiếm một cơ chế an ninh tập thể có sự tham gia của nhiều tay chơi quốc tế"[5].

Vào tháng 4 năm 2007, Điện Cẩm Linh đã công bố một tài liệu quan trọng về chính sách đối ngoại: “Huyền thoại về thế giới đơn cực đã vĩnh viễn sụp đổ ở Iraq. Một nước Nga hùng mạnh và tự tin hơn đã trở thành một thành tố của những đổi thay mang tính tích cực trên thế giới [6]

Quan hệ ngày một căng thẳng giữa Điện Cẩm Linh và Hoa Thịnh Đốn đã phản ảnh trung thực công luận ở Nga. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận truớc ngày họp hội nghị thuợng đỉnh khối G8 năm 2006, 58% dân Nga xem Hoa Kỳ như một quốc gia “không thân thiện” (unfriendly country). Cảm nghĩ đó đã trở thành một xu thế. Chẳng hạn, tháng 7 năm 2007, một tuớng lãnh Nga đã nhận định khi trò chuyện với nhật báo Komsolskya Pravada -tờ báo lưu hành rộng rải nhất ở Nga- là chiến tranh với Hoa Kỳ là “điều có thể xẩy ra” (a possibility) trong vòng 10 đến 15 năm tới.

IV: CHAVEZ -MỘT THÁCH THỨC

Tổng Thống Venezuela, Hugo Chavez, đồng tình với những cảm nghĩ đó. Trong chuyến viếng thăm Điện Cẩm Linh vào tháng 6 năm 2007, Chavez đã thúc dục người Nga trở về với tư tuởng Vladimir Lenin, nhất là với chủ nghĩa chống đế quốc (anti-imperialism). Ông nói “nguời Mỹ không muốn một nước Nga tiếp tục lớn mạnh. Nhưng nước Nga đã trỗi dậy trở lại như một trung tâm quyền lực, và chúng tôi, nhân dân thế giới, cần một nước Nga ngày một hùng mạnh hơn"[7].

Chavez đã hoàn tất các cuộc thương thảo một thỏa ước trị giá một tỉ mỹ kim, mua 5 tàu ngầm diesel để bảo vệ thềm lục địa chứa nhiều trữ lượng dầu khí và vô hiệu hóa sự khả dĩ cấm vận Hoa Kỳ có thể áp đặt trong tương lai. Vào thời điểm đó, Venezuela đã là nước mua vũ khí của Nga lớn thứ hai. (Algeria đứng đầu bảng, một chỉ dấu khác của tính đa cực ngày một gia tăng trong sinh hoạt chính trị thế giới). Venezuela còn là nước đầu tiên được cấp giấy phép sản xuất loại súng cá nhân nổi tiếng AK-47.

Bằng cách phân bổ một phần số thu nhập từ dầu khí để giúp dân nghèo Venezuela, Chavez đã thành công trong việc củng cố và tăng cường hậu thuẫn chính trị cho mình. Điều đáng buồn cho Tòa Bạch Ốc và Bush là Chavez đã đánh bại đối thủ chính trị duy nhất, Manuel Rosales, trong kỳ bầu cử Tổng Thống tháng 12 năm 2006 với 61% tổng số phiếu. Chính quyền Bush càng mất mặt hơn khi cùng thời điểm Venezuela đã cấp ngoại viện cho các xứ nghèo Mỹ La tinh nhiều hơn cả Hoa Kỳ.

Sau khi tái đắc cử, Chavez càng dốc lòng theo đuổi mộng ước thiết lập một liên minh chống đế quốc không những ở Nam Mỹ mà cả trên toàn cầu. Ông cũng tăng cường quan hệ không những với các xứ Mỹ La Tinh như Argentina , Bolivia, Cuba, Ecuador, Nicaragua, mà cả với Iran và Belarus.

Vào thời điểm Chavez đến Tehran sau khi rời Moscow, vào tháng 6 năm 2007, 180 hiệp ước chính trị và kinh tế ký với Iran cũng đã đem lại kết quả cụ thể. Xe hơi và máy cày do Iran thiết kế đã tuần tự tung ra thị trường từ các nhà máy Venezuela. Ở Tehran, Chavez tuyên bố “Sự hợp tác giữa các quốc gia độc lập như Iran và Venezuela có một vai trò hữu hiệu trong việc đánh bại các chính sách đế quốc và bảo vệ các quốc gia[8].

Bị sa lầy ở Iraq và phải đương đầu với các đợt tăng phi mã trong giá dầu, chính quyền Bush không còn nhiều lựa chọn trong các phương sách đối phó với các xứ có nhiều tài nguyên dầu khí đang lên. Trước những thách thức mang tính nhạo báng của Chavez, phản ứng từ phía Hoa Kỳ không còn mấy hiệu lực. Lý do là vì Hoa Kỳ quá lệ thuộc vào các nguồn cung cấp dầu khí từ bên ngoài - 60% tổng nhu cầu tiêu thụ. Và Venezuela là nước cung cấp lớn hạng tư của Hoa Kỳ, chỉ sau Canada, Mexico, và Saudi Arabia; và vài nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ cũng đã được thiết kế chỉ để lọc loại dầu nặng từ Venezuela.

Trong sách lược của Chavez nhằm bào mòn ảnh hưởng của siêu cường duy nhất, Trung Quốc giữ một vai trò quan trọng. Tháng 8 năm 2006, trong dịp công du đến Bắc Kinh, lần thứ ba trong vòng 7 năm, Chavez loan báo sẽ tăng gấp ba số lượng dầu xuất khẩu qua Trung Quốc - 500.000 thùng (barrels) mỗi ngày liên tiếp trong ba năm - một sự gia tăng có lợi cho cả đôi bên. Chavez muốn mở rộng thị trường xuất khẩu ra nhiều nước để giảm bớt tầm quan trọng của thị trường Hoa Kỳ trong khi Trung Quốc đang tìm kiếm càng nhiều nguồn cung cấp càng tốt để khỏi quá lệ thuộc vào vùng Trung Đông là nơi ảnh hưởng của Hoa Kỳ còn khá mạnh.

Chavez tuyên bố “sự hỗ trợ của Trung Quốc rất quan trọng [đối với chúng tôi] về phương diện chính trị và đạo đức[9]. Bên cạnh dự án lọc dầu liên doanh, Trung Quốc còn đồng ý xây cất 13 giàn khoan (oil drilling platforms), cung cấp 18 tàu chở dầu (tankers), và hợp tác với công ty quốc doanh Petroleos de Venezuela S.A. (PdVSA) tìm dầu trong vịnh Orinoco.

V: TRUNG QUỐC TRÊN ĐÀ THĂNG TIẾN

Công ty quốc doanh Petro China phát triển nhanh đến độ, vào giữa năm 2007, đã chiếm vị trí số 2 (chỉ đứng sau Exxon Mobil theo giá trị thị trường) trong số những đại công ty năng lượng. Thực ra, tính đến năm 2007, Trung Quốc đã có đến 3 công ty lọt vào danh sách 10 công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ đứng hạng nhất với 5 công ty. Ngạch số ngoại tệ dự trữ trên một nghìn tỉ mỹ kim của Trung Quốc đã vượt quá số dự trữ của xứ mặt trời mọc. Với GDP tăng nhanh vượt qua Đức quốc, nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên hàng thứ ba trên thế giới.

Trên bình diện ngoại giao, năm 1996, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ghi thêm một bước tiến mới khi đứng ra bảo trợ Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization hay SCO) gồm bốn quốc gia lân cận cùng chung ít nhiều biên giới: Nga và ba cộng hòa thuộc khối Xô Viết trước đây - Kazakhstan , Kyrgyzstan , và Tajikistan. SCO khởi đầu như một tổ chức hợp tác chống buôn lậu nha phiến và tệ nạn khủng bố. Về sau, SCO kết nạp thêm Uzbekystan mặc dù xứ nầy không ít nhiều chung biên giới với Trung Quốc. Năm 2003, SCO mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách ghi thêm vào hiến chương của tổ chức mục tiêu hợp tác kinh tế cấp khu vực. Từ đó, SCO thu nhận thêm Pakistan, India, Mongolia (đều là những xứ có chung biên giới với Trung Quốc), và Iran (không chung biên giới) với tư cách quan sát viên. Riêng đơn xin gia nhập với tư cách quan sát viên của Hoa Kỳ lại bị từ chối - một thất bại phương hại cho uy tín của siêu cường duy nhất (trước đó đã được hưởng quy chế quan sát viên bên cạnh tổ chức ASEAN).

Vào đầu tháng 8 năm 2007, một ngày trước hội nghị thượng đỉnh SCO ở Bishkek, thủ đô của Kyrgyzstan, cuộc tập trận chung đầu tiên của tổ chức mang mật hiệu Sứ Mệnh Hòa Bình 2007 (Peace Mission 2007) đã diễn ra ở vùng núi Ural, Chelyabinsk, thuộc Nga. Ednan Karabayev, bộ trưởng ngoại giao Kyrgystan đã tuyên bố: “SCO được thiết lập với chủ đích đem lại an ninh cho thế giới"[10].

Nhận đăng cai China-Africa Forum (Hội Thọaị Trung Quốc-Phi châu) ở Bắc Kinh vào cuối năm 2006, với sự tham dự của lãnh đạo 48 trong số 53 quốc gia Phi châu, Trung Quốc đã bỏ xa Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua ngoại giao ở một châu lục giàu nhiên liệu và nhiều tài nguyên khác. Để đổi lấy dầu hỏa, quặng sắt, đồng, và bông vải, Trung Quốc cung cấp hàng hóa với giá rẻ cho dân Phi châu, và giúp các xứ Phi châu xây hoặc nâng cấp các xa lộ, đường hỏa xa, hải cảng, đập thủy điện, hệ thống viễn thông, và trường học.

Wang Hongyi, một chuyên viên về Phi châu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc Tế của Trung Quốc, nhận xét: “Trung Quốc không thể chấp nhận phương cách Tây phương áp đặt các giá trị và hệ thống chính trị của mình lên các xứ khác. Chúng tôi tập trung vào sự phát triển có lợi chung[11].

Nhằm giảm thiểu phí vận chuyển dầu từ Phi châu và Trung Đông, Trung Quốc đã bắt đầu xây đường ống dẫn dầu từ vịnh Bengal lên đến Vân Nam xuyên qua Myanmar, nhờ vậy, rút ngắn được lộ trình các tàu chở dầu. Điều nầy đã ảnh huởng tiêu cực đến chiến dịch cô lập Myanmar của Hoa Thịnh Đốn. (Trước đó, Sudan, bị Hoa Thịnh Đốn tẩy chay, cũng đã trở thành nguồn cung cấp nhiên liệu quan trọng từ Phi châu cho Trung Quốc). Ngoài ra, các công ty dầu Trung Quốc cũng cạnh tranh quyết liệt với các đối tác Tây phương để giành giật trữ lượng dầu lửa ở Kazakhstan và Uzbekistan.

Theo nhà bình luận William Mellor thuộc hãng thông tấn Bloomberg News, “ngoại giao dầu khí đang đưa Trung Quốc vào con đường đối đầu với Hoa Kỳ và Tây Âu hiện đã áp đặt nhiều biện pháp chế tài lên vài xứ đang giao thương với Trung Quốc[12]. Phía Trung Quốc cũng cùng cảm nghĩ. Jin Riguang, cố vấn dầu khí đồng thời là thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc, cũng nhận xét: “Tôi thấy Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ xung đột vì nhiên liệu trong những năm sắp tới[13].

Công nghệ hóa và hiện đại hóa ở Trung Quốc cũng đã đưa đến việc canh tân guồng máy quân sự của xứ nầy. Cuộc thử nghiệm hỏa tiễn chống vệ tinh đầu tiên đã thành công khi phá hủy một vệ tinh thời tiết đã ngừng hoạt động tháng 1 năm 2007 - một bằng chứng hùng hồn của tiến độ hiện đại hóa nhanh chóng trong địa hạt kỹ thuật và công nghệ của Trung Quốc. Hoa Thịnh Đốn đã rất quan ngại khi ghi nhận tầm cở gia tăng 18% trong ngân sách quốc phòng 2007 của Trung Quốc. Bàn về sự gia tăng quân phí dành cho hỏa tiễn, chiến tranh điện tử, và các trang bị tối tân khác, Liao Xilong, chỉ huy trưởng quân tiếp vận Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, nhận định: “Thế giới ngày nay không còn hòa bình và để bảo vệ an ninh quốc gia, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải gia tăng đúng mức ngân sách hiện đại hóa quân đội[14].

Ngân sách quốc phòng 45 tỉ mỹ kim của Trung Quốc chỉ là một phân số bé nhỏ , chưa đến 10% ngân sách 459 tỉ của Ngũ Giác Đài. Tuy nhiên , một báo cáo của Ngũ Giác Đài trong tháng 5 năm 2007 có ghi nhận“sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế cấp vùng với mộng ước toàn cầu”[15]. Ngũ Giác Đài còn đi xa hơn khi kết luận Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động quân sự từ eo biển Đài Loan ra toàn vùng Á châu-Thái Bình Dương để lâm thời đối phó với mọi xung đột về lãnh thổ hay tài nguyên khả dĩ xẩy ra trong tương lai.

VI: THAY LỜI KẾT LUẬN

Những thách thức lẻ tẻ nhưng liên tục nói trên đối với địa vị bá chủ của Hoa Kỳ trên toàn cầu bắt nguồn không chỉ từ những toan tính giành giựt tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu khí và hơi đốt, mà còn từ sự xung đột ngày một gay gắt do các dị biệt về giá trị, về hệ ý thức, về dân chủ, nhân quyền, như các nhà hoạch định chính sách phương Tây quan niệm và áp đặt.

Những dị biệt trong cảm nhận về bản sắc quốc gia, đế quốc, và lịch sử, cũng là những đề tài luôn gây tranh cải.

Điều đáng ghi nhận là các quan chức Nga, đang vui mừng về sự trỗi dậy nhanh chóng của một nước Nga hậu-XôViết, thường rất thích thú nhắc lại kỷ nguyên cách mạng tiền-Bolshevik khi theo họ nước Nga dưới thời Nga hoàng đã là một đại cường. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng hãnh diện không kém về quá khứ đế quốc lâu dài độc nhất vô nhị của họ trên thế giới.

Với cái nhìn theo góc độ toàn cầu và chiều dài lịch sử, ý niệm biệt lệ Hoa Kỳ (American Exceptionalism) - một ý niệm đã thúc đẩy nhóm Tân Bảo Thủ phát động The Project For the New American Century và đã được chính quyền George W. Bush vồ vập - cũng chẳng có gì mới mẻ. Các siêu cuờng trước đây đã từng kinh qua và cũng đã từng trải nghiệm sự mất mát khi phải nhường địa vị bá chủ cho các cường quốc khác đang lên.

Thời nay, không một siêu cường nào có thể duy trì địa vị bá chủ của mình quá vài ba thế hệ. Và dù một số lãnh đạo vẫn còn tự cho mình là biệt lệ, thì Hoa kỳ, rõ ràng đã vượt quá đỉnh điểm, chẳng còn có cơ may nào để trở thành biệt lệ trong hiện tình lịch sử.

Thực vậy, lướt qua báo chí hàng ngày, chúng ta luôn gặp một vài cọng rơm trước gió phản ảnh sự suy giảm, hao mòn trong quyền lực Hoa Kỳ. Tổng Thống của siêu cường duy nhất cùng các quan chức ngoại giao và tướng lãnh không ngừng tố cáo Iran như bàn tay quỷ sứ bên sau thảm họa của Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan.

Trong bối cảnh đó, hãy tưởng tượng, khi vừa đến Hoa Thịnh Đốn cách đây mấy tuần lễ, Tổng Thống Afghanistan, Hamid Karzai, đã nhanh nhẩu mô phỏng Iran như "một người giúp đỡ và một giải pháp" (a helper and a solution) cho xứ sở của ông, ngay khi Tổng Thống Bush lại nhấn mạnh trước sự hiện diện của ông: “Tôi sẽ rất thận trọng khi nói ảnh hưởng của Iran ở Afghanistan có phải là một lực lượng mang tính tích cực hay không[16]. Gần như cùng lúc, Thủ Tướng Iraq, Nouri al-Maliki, đang viếng thăm Iran, đã hẳn với mục đích tìm kiếm hậu thuẫn để đề phòng trường hợp Koa Kỳ trở mặt với chính phủ ông. Maliki bắt tay Tổng Thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, hội kiến với lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khomeini, và kêu gọi hợp tác. Để đáp lại, Tổng Thống Bush chỉ biết đưa ra một lời đe dọa mơ hồ: “ Tôi sẽ phải nói chuyện riêng với ông bạn của tôi, ngài Thủ Tướng, bởi lẽ tôi không tin [người Iran] có ý xây dựng…. Thông điệp của tôi cho ông là khi chúng tôi bắt được ông đang chơi trò không xây dựng, ông sẽ phải trả giá [cho việc làm của mình][17]. (Sau đó, người phát ngôn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đã phải đính chính, nhấn mạnh sự đe dọa chỉ nhắm vào Iran, không phải Maliki). Tiếp đó, như để xát muối vào vết thương, chỉ một tuần sau khi hội kiến với Bush ở Hoa Thịnh Đốn, Karzai lại tiếp Ahmadinejad và một phái đoàn quan chức cao cấp Iran chính thức viếng thăm Kabul, như “một thách thức công khai đối với Hoa Thịnh Đốn”[18]. Trở về Tehran, mấy hôm sau, Ahmadinejad lại tuyên bố, lần nầy còn táo bạo hơn, là quyền lực Hoa Kỳ ở Iraq đang suy sụp một cách nhanh chóng, để lộ một khoảng trống to lớn , và Iran đang sẵn sàng để lấp vào khoảng trống đó.

Điều gì xẩy ra đã khiến vị Tổng Thống kiêu căng của siêu cường duy nhất phải chịu mất mặt như thế? Karzai và Maliki là hai vị Tổng Thống do Hoa kỳ dựng lên và che chở, không mấy quyền hành và ngày một suy yếu - Maliki lãnh đạo một chính quyền hỗn độn, pham vi hoạt động không vượt quá khu Green Zone ở Baghdad trong khi Karzai, được mệnh danh là thị trưởng của thủ đô Kabul, đứng đầu một chính phủ kiểm soát một vài khu vực khiêm tốn nhưng cũng chỉ trên danh nghĩa. Trong một tình huống khác, cả hai chỉ đáng được xem như hai “bung xung” hay “bù nhìn” của Hoa Kỳ, giờ đây lại dám bạo gan đi tìm hậu thuẫn từ một cường quốc cấp khu vực, tệ hơn nữa, một thành viên trong “trục ma quỷ” mà Bush đang phải dùng tất cả vốn liếng còn rơi rớt lại của hai nhiệm kỳ tổng thống để cá cược răn đe.

Trong khi đó, tiếp theo cuộc tập trận Nga-TrungQuốc lần đầu trong tháng 8 năm 2007 trên lãnh thổ Nga với sự chứng kiến của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng Thống Vladimir Putin, từ Kazakhstan (một Cộng hòa Trung Á -thành viên của Liên Bang Xô Viết trước đây), Putin loan báo “sẽ tái tục các chuyến bay tuần tiểu đường dài thường lệ bị gián đoạn do sự tan rã của Liên Bang Xô Viết trước đây"[19]- cũng không phải chỉ riêng trên không phận Liên Bang Nga. Các phi cơ tuần tiểu nầy được trang bị vũ khí nguyên tử và “có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lục địa Hoa Kỳ“[20]. Có thể hiểu đây là phương cách Tổng Thống Putin - rất bất bình trước quyết định thiết lập hệ thống lá chắn chống hỏa tiễn của Hoa Kỳ ở Ba Lan và Cộng Hòa Czech – đã sử dụng biểu tượng quân sự nầy để tái khẳng định uy quyền một đại cường của Liên Bang Nga - một uy quyền Nga đã thành đạt trong những năm gần đây nhờ ở trữ lượng dầu khí khổng lồ của chính mình. Trước sự kiện nầy, một viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chỉ có thể phản ứng: “Nếu Nga cảm thấy muốn đem một số phi cơ cũ từ các nhà kho phế liệu ra cho bay trở lại , thì đó là quyết định của riêng họ“[21].

Cùng lúc, bên kia nửa vòng địa cầu, chính quyền Venezuela của Hugo Chavez đang chuẩn bị công bố một thỏa ước mới với Liên Bang Nga của Vladimir Putin. Sau khi đã mua phi cơ phản lực, trực thăng, và toàn bộ vài nhà máy sản xuất vũ khí tấn công Kalashnikov của Nga (trước sự cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ), Venezuela giờ đây còn mua thêm 5.000 súng bắn tỉa kỹ thuật cao Dragunov. Một lần nữa, giọng điệu phiền trách từ Hoa thịnh Đốn không còn đồng vọng quá chối tai.

Nói ngắn gọn, trong khi tất cả nỗ lực của chính quyền Bush đang bị vòng xoáy lỗ đen Iraq hút trọn, thế giới bên ngoài hình như đang được yên ả xây đắp uy quyền của mình hầu bào mòn thế lực toàn cầu của siêu cường duy nhất.

© GS Nguyễn Trường

Irvine, CA, USA

07-9-2007

_________________________________

Tài liệu tham khảo :

Sách :

(1) Blood of the Earth: The Battle for the World’s Vanishing Oil Resources , Philip Hiro, Nation Books , New York , 2007.

(2) Secrets and Lies : Operation “Iraqi Freedom” and After , Philip Hiro , Nation Books , New York , 2004.

(3) Iraq : In the Eye of the Storm , Philip Hiro , Nation Books , New York , 2002.

(4) The Rise of Islamist Terrorism and Global Response , Philip Hiro , Nation Books , New York , 2002

Tạp Chí :

The Economist

The Nation

================

[1]The End of History and The Last Man

[2] We are being wrestled to a draw by opponents who are not even an organized state adversary.

[3] One country, the United States , has overstepped its national boundries in every way. This is visible in the economic, political, cultural, and educational policies it imposes on other countries…This is very dangerous.

[4] However one might embellish this term, at the end of the day it describes a scenario in which there is one center of authority , one center of force , one center of decision-making… It is a world in which there is one master , one sovereign . And this is pernicious.

[5]The altered focus takes place in a milieu where the Gulf countries are signaling their keeness to keep all political geopolitical options open, reviewing the utility of the United States as the sole security guarantor, and contemplating a collective mechanism that involves a host of international players.

[6]The myth about the unipolar world fell apart once and for all in Iraq. A strong , more self-confident Russia has become an integral part of positive changes in the world.

[7] The Americans don’t want Russia to keep rising. But Russia has risen again as a center of power, and we, the people of the world , need Russia to become stronger.

[8]The cooperation of independent countries like Iran and Venezuela has an effective role in defeating the policies of imperialism and saving nations.

[9] The support of China is very important [to us] from the political and moral point of view.

[10] The SCO is destined to play a vital role in ensuring international security.

[11] The western approach of imposing its values and political system on other countries is not acceptable to China . We focus on mutual development.

[12] China’s oil diplomacy is putting the country on a collision course with the U.S. and Western Europe, which have imposed sanctions on some of the countries where China is doing business.

[13] I see China and the U.S. coming into conflict over energy in the years ahead .

[14]The present day world is no longer peaceful and to protect national security , stability and territorial integrity we must suitably increase spending on military modernization.

[15] China’s rapid rise as a regional and economic power with global aspirations.

[16] I would be very cautious about whether or not the Iranian influence in Afghanistan is a positive force.

[17] I will have to have a heart to heart with my friend, the prime minister, because I don’t believe [the Iranians] are constructive…. My message to him is, when we catch you playing a non-constructive role, there will be a price to pay.

[18]...in open defiance of Washington’s wishes.

[19]... regular long-range air patrols that ended after the Soviet Union collapsed.

[20] ...capable of striking targets deep inside the United States.

[21] If Russia feels as though they want to take some of these old aircraft out of mothballs and get them flying again, that’s their decision.

 

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường