Quan hệ Trung quốc-Hoa kỳ. Can dự rào dậu, tranh chấp hay thích nghi

Vietsciences- Nguyễn Trường            28/01/2011
 

Những bài cùng tác giả

                                   

Thịnh vượng tùy thuộc ở Trung Quốc (TQ), an ninh tùy thuộc ở Hoa Kỳ. Thế giới, nhất là Á châu, sẽ phản ứng như thế nào trong thế kỷ 21? Đã hẳn, trong suốt thập kỷ đầu của thiên niên kỷ mới, TQ và Hoa Kỳ là hai đại cường luôn cạnh tranh, nhưng không nhất thiết phải đối nghịch.

Vào khoảng cuối năm 2003 và đầu năm 2004, cấp lãnh đạo TQ đã dành thì giờ  nghiên cứu lịch sử các đại cường. Thử tưởng tượng họ đã ôn lại lịch sử chiến tranh và tàn phá để tìm hiểu quá trình tranh giành bá quyền giữa các đại cường kể từ thế kỷ 15. Và thử tưởng tượng họ đang chuyển qua thực tế đang đối diện: TQ sẽ lên nắm giữ vị trí một siêu cường mà không  một ai cần dùng tới vũ khí.

Bằng nhiều cách, TQ đã cố gắng trấn an một thế giới đang khắc khoải âu lo, cũng như đã nhiều lần hứa hẹn chỉ mong phát triển trong một thế giới hòa bình. TQ đã tung ra nhiều tiền của để cấp viện và đầu tư, giải quyết các tranh chấp biên giới với các xứ láng giềng, và đã tiếp tay với các lực lượng gìn giữ hòa bình và các tổ chức quốc tế. Ngày 23-11-2010, khi Bắc Hàn pháo kích đảo Yeonpyeong thuộc Nam Hàn, gây tử vong cho hai thủy quân lục chiến và hai thường dân, TQ ít ra cũng đã cố gắng tạo một khung cảnh khả dĩ kiềm chế đồng minh Bắc Hàn.

Tuy nhiên, TQ hiếu hòa đôi khi cũng nhường chỗ cho một TQ hiếu chiến. Trong tháng 3-2010, khi Bắc hàn đánh đắm tàu chiến Cheonan của Nam Hàn, gây tử thương cho 46 thủy thủ, TQ đã không hề lên án. Vài tháng sau, TQ lại xung đột với Nhật về vụ một số ngư phủ TQ bị bắt vì xô xát với các tàu tuần tiểu Nhật gần những hải đảo đang tranh chấp. TQ đã bắt giữ một số thương gia Nhật và ngưng xuất khẩu quặng đất quí hiếm thiết yếu cho kỹ nghệ Nhật. Và TQ cũng đã tái khẳng định mạnh mẽ quyền sở hữu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền đối với toàn bộ Nam Hải.

Theo các lãnh đạo TQ, bài học lịch sử cho thấy quan hệ quyết định hòa bình hay chiến tranh trên thế giới thường liên hệ đến hai đại cường. Đôi khi, như giữa Anh quốc và Hoa Kỳ, quan hệ khá thuận thảo; đôi khi, như giữa Anh quốc và Đức, quan hệ  thường đầy bất trắc.

Cho đến nay, mọi việc đều tạm ổn giữa Hoa Kỳ và TQ. Trong khi TQ chú tâm vào tăng trưởng kinh tế, Hoa Kỳ lại bị cuốn hút vào cuộc chiến chống khủng bố, nhất là vào hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan.

Tuy nhiên, hai quốc gia vẫn nghi ngờ lẫn nhau. TQ nhìn Hoa Kỳ như siêu  cường trên đà xuống dốc và đang tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của chính mình. Và Hoa Kỳ lo ngại không hiểu chủ nghĩa dân tộc ở TQ, với sức mạnh quân sự và kinh tế mới được khám phá, sẽ biểu hiện ra sao.

GÓC NHÌN BI QUAN

Theo các nhà bình luận bi quan, TQ và Hoa Kỳ nhất thiết sẽ là hai quốc gia cạnh tranh. Viễn kiến "xã hội tốt" của hai xứ rất khác nhau. Khi quyền lực gia tăng, TQ sẽ quyết tâm theo đuổi đường lối và cách ứng xử riêng trên thế giới. Ngược lại, Hoa Kỳ sẽ không dễ dàng từ bỏ vị trí bá quyền của mình.

Rất có thể phe nầy đã nhận định đúng về tham vọng của TQ. Tuy nhiên, TQ không nhất thiết phải là thù nghịch. Khác với Liên Bang Xô Viết trước đây, TQ không còn tìm cách xuất khẩu ý thức hệ của mình. Không như các cường quốc Âu châu trong thế kỷ 19, TQ cũng chẳng tìm kiếm thuộc địa.

Trong thực tế, TQ và Hoa Kỳ vẫn có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều hưởng lợi từ toàn cầu hóa và  từ các thị trường tự do để mua nguyên liệu và tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu. Cả hai đều muốn một thế giới ổn định - không  phổ biến vũ khí nguyên tử, và các "quốc gia bất trị", như Bắc Hàn và Iran, không có đất dụng võ. Cả hai đều có thể mất mát rất nhiều nếu xẩy ra chiến tranh.

Cách hay nhất để biến TQ thành một quốc gia đối nghịch là đối xử với TQ như một xứ đối nghịch. Điều nguy hiểm là những tranh chấp và xung đột sẽ làm vẩn đục quan hệ giữa TQ và Hoa Kỳ, tương tự như quan hệ giữa Đức và Anh quốc đã sụp đổ trong các thập kỷ trước Đệ Nhất Thế Chiến.

Điều nầy đang xẩy ra trong chính sách quốc phòng. Cảm thấy bị đe dọa bởi hải quân Hoa Kỳ, TQ đã canh tân các loại tên lửa, tàu ngầm , ra-đa, chiến tranh vi tính, và các vũ khí chống vệ tinh.

Hiện nay, Hoa Kỳ đang vững tin. Tái thẩm định tiềm lực quân sự của TQ gần đây, người Mỹ cảm nhận có thể TQ đang là một đe dọa đối với Đài Loan, các căn cứ quân sự và hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ gần hải phận TQ. Chính vì vậy, hải quân Mỹ đã bắt đầu tăng cường lực lượng trong vùng Thái Bình Dương.

Luôn mang mặc cảm bị đe dọa, TQ có thể sẽ có phản ứng. Ngay cả khi cả Mỹ lẫn TQ đều không có ẩn ý gây hấn - nếu chỉ muốn bảo đảm an ninh của riêng mình, mỗi bên, tuy vậy, vẫn có thể xem đối phương như một đe dọa lúc một gia tăng.

Theo một số nhà phân tích, giải pháp là Hoa Kỳ nên tránh cạnh tranh quân sự. Tuy nhiên, một Hoa Kỳ tỏ ra suy yếu sẽ luôn đưa đến một Đông Á triền miên bất ổn; hệ thống mậu dịch hòa bình thiết yếu cho sự phồn thịnh của Hoa Kỳ có thể bị đe dọa và xáo trộn. Vì vậy, Hoa Kỳ cũng cần phải đủ hùng mạnh để duy trì an ninh hàng hải và bảo vệ Đài Loan trước sự khả dĩ tấn công của TQ.

CỘNG SINH VÀ KÌNH ĐỊCH

Lịch sử cho thấy các siêu cường có thể cộng sinh hòa bình khi siêu cường đang lên tin tưởng có thể trỗi dậy mà không bị ngăn chặn, và siêu cường đang ngự trị tin trật tự thế giới hiện hữu sẽ không bị đe dọa, ít ra trong căn bản. Vì vậy, tăng cường quân sự cần đi đôi với xây dựng lòng tin .

Có nhiều phương cách xây dựng lòng tin ở Á châu. Ngăn ngừa không để tranh chấp  và hiểu lầm vượt khỏi khả năng kiềm chế  là một phương cách. Do đó, TQ cần cởi mở và minh bạch hơn, nhất là trong chủ thuyết quân sự - tư thế nguyên tử, hàng không mẫu hạm, và chương trình tên lửa. Trong cùng chiều hướng, cả Hoa Kỳ lẫn TQ cần thiết kế những quy luật chung chi phối cách giải quyết những tranh chấp liên quan Bắc Hàn, Đài Loan, thượng tầng không gian, chiến tranh vi tính. Và Á châu nói chung cần những thỏa ước ngăn ngừa các va chạm hàng hải rất dễ đưa đến những xung đột quân sự.

Hoa Kỳ và TQ cần cố gắng thành đạt  những thỏa ước đa phương. Thay vì tình trạng hổn độn hiện nay với nhiều diễn đàn cạnh tranh, Á châu nên có một diễn đàn an ninh chung, chẳng hạn, Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á, nơi gặp gở để giải quyết những vấn đề cấp khu vực. Các xứ Á châu cũng có thể hợp tác vun đắp lòng tin về an ninh phi truyền thống, như y tế, bảo vệ môi trường, chống cướp biển, và chống khủng bố, mỗi khi bản chất mối đe dọa mang tính xuyên biên giới nhiều lân bang.

Nếu Hoa Kỳ muốn ràng buộc TQ vào một trật tự cơ sở trên quy luật, Hoa Kỳ tự mình cũng phải tuân thủ cùng những quy luật do chính mình áp đặt. Mỗi lần Hoa Kỳ vi phạm quy luật - chẳng hạn bảo vệ mậu dịch - Hoa kỳ cũng làm gia tăng sự nghi ngờ của TQ, phương hại đến chính nền trật tự Hoa Kỳ đang tìm kiếm.

TQ và Hoa Kỳ có một điều thuận lợi trong lịch sử những cặp đại cường: họ đã chứng kiến những gì sai trái trong thế kỷ 20. Nay họ có nhiệm vụ phải bảo đảm một thế kỷ 21 đổi khác, hài hòa hơn.

QUÁ TRÌNH TRỔI DẬY CỦA TRUNG QUỐC VÀ PHẢN ỨNG

Vào một ngày đẹp trời năm ngoái, trong phòng hội Đại Học Bắc Kinh, một trong những nhà giáo Hoa Kỳ đã hỏi Wang Jisi, hiệu trưởng Trường Nghiên Cứu Quốc Tế: "Ai là kẻ thù của quí vị?" Sau một phút yên lặng, Wang ngập ngừng trả lời: "Phần đông người TQ có lẽ sẽ nói Hoa Kỳ là kẻ thù".

Trong thực tế, Hoa Kỳ và TQ đã là hai đối tác khá ăn ý kể từ ngày T T Richard Nixon và cố vấn an ninh Henry Kissinger viếng thăm Bắc Kinh năm 1972. Thoạt đầu, quan hệ đối tác được cơ sở trên lập trường chung - "đối nghịch với  Liên Bang Xô Viết", một lập trường TQ và Hoa Kỳ cùng chia sẻ sau vụ xung đột biên giới Trung-Xô năm 1969. Dưới sự lãnh đạo của Mao, TQ thường uy hiếp các lân bang, nhưng lúc đó ưu tiên trong chính sách đối ngoại đã thay đổi vì hợp tác với Hoa Kỳ giờ đây quan trọng hơn. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, TQ thậm chí còn dè dặt chấp nhận ngay cả sự kiện Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.

Sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, TQ vẫn tiếp tục xem chính sách đối ngoại là thứ yếu và dành ưu tiên cho phát triển kinh tế. Ưu tiên mới đòi hỏi cộng tác với Hoa Kỳ, với mục đích tìm kiếm thị trường cho hàng xuất khẩu, đầu tư, và chuyển giao công nghệ. Họ Đặng đã tóm tắt chính sách mới trong khẩu hiệu nổi tiếng: "bình tỉnh quan sát, ứng xử hài hòa, giữ vững lập trường, che giấu khả năng, chờ thời, thực hiện những gì có thể"[1]. Khi thế giới bắt đầu âu lo trước sức mạnh đang lên của TQ, một viên chức cao cấp đã tìm cách trấn an , cam kết trỗi dậy trong hòa bình, heping jueqi. Và ngày nay, chủ tịch Hồ Cẩm Đào ưa sử dụng cụm từ thế giới hài hòa - harmonious world, để gửi đi cùng tín hiệu.

Qua thời gian, các lãnh tụ TQ đã nỗ lực lèo lái quan hệ với Hoa Kỳ vượt qua nhiều sóng gió không thể tránh. Nói chung, họ đã khá thành công.

Ngày nay, cách ứng xử của TQ - gần đây nhất đối với Nhật, Nam Hàn, và vùng Biển Nam Hải - đã bắt đầu khiến các nhà quan sát phải âu lo. Người ta tự hỏi tại sao cấp lãnh đạo TQ bất thần lại liều lĩnh thay đổi một chính sách đã giúp đem lại trù phú, thịnh vượng?

Có thể có hai nguyên nhân. Thứ nhất, chiến lược của TQ đã bắt đầu thay đổi.Vài người TQ lập luận, ngày nay TQ đã hùng mạnh và có đủ thế lực, TQ không còn phải khúm núm trước Hoa Kỳ. Lý do thứ hai, xã hội TQ đã bắt đầu thay đổi. Theo Richard Rigby, Đại Học Quốc Gia Úc ở Canberra, trong một nhà nước độc đảng, độc tài, cấp lãnh đạo cũng cần lắng nghe những ước vọng và âu lo của người dân.

THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC - LÀM NHỮNG GÌ CÓ THỂ

Hãy bắt đầu với chiến lược thay đổi của TQ.

Lãnh đạo TQ rất nhạy bén và ý thức đầy đủ uy lực TQ  ngày một gia tăng và đà tuột dốc khó đảo ngược của Hoa Kỳ, một ý thức ngày một rõ nét hơn với cuộc khủng hoảng tài chánh phơi bày những nhược điểm của Hoa Kỳ và Âu châu. Họ cũng hiểu rõ TQ cường thịnh hơn nhiều người đã chờ đợi. Một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh nói: "Người TQ hiện đã nhận thức Tây phương đang cần TQ nhiều hơn là TQ cần Tây phương"[2]. Hai cuộc chiến khó khăn của Hoa Kỳ hiện nay càng làm tăng thêm ấn tượng nầy. Theo Raffaello Pantucci, một học giả ngoại quốc đang làm việc tại Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội Thượng Hải, các nhà phân tích TQ rất hoan hỹ kết luận: lực lượng NATO sẽ bị đánh bại ở Afghanistan.

Một học giả TQ đã nói với David Lampton, Trường Nghiên Cứu Quốc Tế Cao cấp ở Hoa Thịnh Đốn: "Chúng tôi thường che giấu uy lực của mình - phủ nhận uy lực của mình.Tuy nhiên, lần hồi điều nầy lúc một trở nên không thể duy trì, khi sức mạnh của chúng tôi gia tăng"[3]. Trong một thời gian khá dài sau đó, TQ còn nỗ lực hơn để trấn an Hoa Kỳ và các lân bang trong khu vực. Nhưng ngày nay, theo Yuan Peng, đang công tác tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Đương Đại của TQ ở Bắc Kinh, "nhiều học giả TQ gợi ý chính quyền nên từ bỏ ảo tưởng một đối tác với Hoa Kỳ và trực diện với thực tế cạnh tranh chiến lược gay gắt không thể tránh"[4].

Ước muốn tự khẳng định chỉ là một cảm nhận tự nhiên. Robert Kagan, một nhà bình luận chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, đã viết: "Uy lực khiến các quốc gia thay đổi. Chính uy lực làm gia tăng nhu cầu và ước muốn, gia tăng ý thức quyền lợi, nhu cầu phải được phục tùng cung kính. Quyền lực cũng đem lại nhiều tham vọng hơn, giảm thiểu bao dung đối với các trở lực, khó  nhận 'không' như một câu trả lời"[5].

TQ đã kiềm hảm những cám dỗ vừa nói khá thành công. Tuy nhiên, với thời gian, TQ lúc một có thêm nhiều lý do để phô trương quyền lực. Các công ty TQ lùng sục thu góp các nguyên liệu, vật tư cần thiết trên toàn cầu. TQ đang là khách hàng lớn nhất của Saudi Arabia. TQ nhập khẩu khoảng phân nửa số dầu tiêu thụ, khảng 2/3 vào năm 2015 và 4/5 vào năm 2030. Cố nhiên, TQ rất quan tâm những gì đang xẩy ra trong các xứ cung cấp năng lượng.

Theo trợ lý ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell, điều oái oăm là chiến lược thu tóm tài nguyên thiên nhiên của TQ, cho đến nay, hoàn toàn lệ thuộc hệ thống trật tự do Hoa Kỳ thiết kế - bảo đảm ổn định và tự do lưu thông hàng hải. Nhưng đây cũng là lý do tại sao TQ hiện đang vun đắp lực lượng hải quân để bảo vệ các hàng hóa và nguyên liệu khỏi những biện pháp cấm vận khả dĩ trong tương lai.

Điều nầy phản ảnh hiện trạng thiếu tin tưởng ở hệ thống mậu dịch toàn cầu, một phần do mối e ngại Tây phương, trong căn bản, đang có thái độ thù nghịch đối với một TQ thịnh vượng trù phú, đúng như khẩu hiệu: "Tây phương hóa, chia rẻ và làm suy yếu"[6]. Jonathan Paris, chuyên gia an ninh có trụ sở ở Luân Đôn, cho biết giới trẻ TQ đã vỡ mộng khi thấy Tây phương lăng mạ TQ. Theo vài nhóm có thế lực, những lời kêu gọi từ các nước ngoài - TQ nên giữ vai trò một tay chơi trách nhiệm  (responsible stakeholder), trong thực tế, chỉ nhằm kiềm hãm TQ, và TQ chỉ nên hợp tác nếu Tây phương chịu nhượng bộ trong các vấn đề Đài Loan và Tây Tạng.

Vấn đề là liệu các cấp lãnh đạo TQ có đồng ý: nay chính là thời điểm phải khẳng định quyền lực của mình. Đỉnh cao chính trị TQ trên thế giới hiện đã đến cận kề, đến độ các nhà phân tích không thể dám chắc. Năm 2009, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố TQ có thể tích cực đóng góp phần khiêm tốn của mình vào các vấn đề thế giới. Trong dịp nghỉ hè hàng năm ở khu nghỉ dưỡng Beidaihe, lãnh đạo TQ được biết đã thảo luận: liệu TQ có nên dần dà lánh xa khẩu hiệu "chờ thời và ẩn dấu" của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Một vài nhật báo uy tín của đảng cầm quyền, đủ để phản ảnh tư duy của các nhà lãnh đạo, đã kết luận: "chưa đến lúc". Tuy nhiên, đối với giới ngoại giao, ngay cả lập trường vừa nói cũng đã đánh dấu một chuyển dịch.Trong thập kỷ 1990, luận cứ là liệu trong trường kỳ, lúc nào TQ mới có thể tương tác được với Mỹ. Giờ đây, vấn đề chỉ còn là lúc nào TQ mới nên gây sức ép.

Dù tư duy của cấp lãnh đạo ra sao chăng nữa, họ cũng đang sinh hoạt trong một xã hội đổi thay nhanh chóng. Trong chính sách ngoại giao ngày nay, họ đang bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các tập đoàn đặc quyền, kể cả các công ty tài nguyên, các định chế tài chánh, các nhà cầm quyền địa phương, các tổ chức nghiên cứu, báo chí, các nhà hoạt động trên mạng. Linda Jakobson và Dean Knox, Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Thế Giới Stockholm - SIPRI[7], cho biết, nhiều người trong các nhóm vừa kể  cảm nhận mạnh mẽ TQ không nên quá o bế thế giới bên ngoài.

Sự quả quyết của các nhóm nầy một phần đã phản ảnh tinh thần ái quốc và tự ái dân tộc đang được chính quyền khuyến khích, nhằm tăng cường tính chính đáng sau vụ đàn áp những người xuống đường trong biến cố Thiên An Môn năm 1989. Trước hết là các buổi lễ chào quốc kỳ hàng tuần với những bài diễn văn nẩy lửa ở các trường học. Tiếp đến, các viện bảo tàng và di tích lịch sử đã được chỉ định như những cơ sở giáo dục cơ sở trên chủ thuyết ái quốc. Năm 1991,  Giang Trạch Dân, đang giữ chức vụ Tổng Bí Thư, đã viết:  chính sách giáo dục ái quốc "thúc đẩy nhân dân TQ, đặc biệt là giới trẻ, phát huy lòng tự hào, và tự tin về xứ sở, và ngăn ngừa trào lưu tôn thờ Tây phương"[8].

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC BÙNG PHÁT

Thế hệ đầu tiên trải nghiệm sự bùng phát của chủ nghĩa dân tộc nay cũng đã gần lứa tuổi 30, và tinh thần dân tộc của họ có nhiều dấu hiệu thuần khiết và phổ biến. Lord Patten, người đảm nhiệm đàm phán trao trả Hồng Kông cho TQ, đã cho biết, "đối với vấn đề Tây Tạng và Đài Loan, không những các thành viên chính phủ TQ  tỏ ra căm giận mà ngay cả các nhân vật bất đồng chính kiến cũng vậy"[9]. Theo Hugh White, một cựu viên chức an ninh và quốc phòng Úc, "đây là một dân tộc với một ý thức về một quá khứ vĩ đại, một thời tủi nhục gần đây, những thành tựu hiện tại và địa vị bá quyền trong tương lai. Đó là một hổn hợp hùng mạnh"[10].

Các cơ quan truyền thông TQ mang nhiều sắc thái thương mãi cũng đã nhận thức: chủ nghĩa dân tộc rất ăn khách. Theo Susan Shirk, một học giả và nguyên Phó Trợ Lý Ngoại Giao Mỹ, độc giả thường rất thích những câu chuyện ta thán Nhật, Đài Loan, và Mỹ - và các viên chức kiểm duyệt thường hài lòng với những phóng sự loại nầy. SIPRI cũng nhận thấy nhiều tác giả có uy tín và ảnh hưởng trong đia hạt chính sách đối ngoại thường gặp trên báo Global Times, đều  theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn.

Giới hoạt động trên mạng, những netizens, có khuynh hướng tung tin TQ đang bị hiểu lầm, và nhìn đâu cũng cảm thấy bị châm biếm và khinh thường. Năm 2008, trong thời gian có va chạm giữa Việt Nam và TQ về Biển Đông, một trang mạng đã gợi ý nên cho VN một bài học khác, đính kèm một kế hoạch xâm lăng để hổ trợ. Điều nầy đã giúp tăng cường ý thức TQ là nạn nhân. Một blogger và nhà báo, Fang Kechang, đã đưa ra con tính, từ 1948, dân TQ chính thức đã bị nhục mạ ít ra 140 lần - và sự nhục mạ trong kỷ nguyên cải cách còn nhiều hơn cả dưới thời Mao.

Ở TQ, công luận không phải là nguồn áp lực duy nhất đối với cấp lãnh đạo. Những phe phái bên trong giới thượng lưu quyền lực - elite selectorate - cũng có tiếng nói nặng ký. Những phe phái nầy cũng hăng say thúc đẩy chính sách cơ sở trên chủ nghĩa dân tộc. Đối ngoại, thuộc thẩm quyền bộ ngoại giao, thường theo chủ trương ôn hòa. Bộ nầy thường bị nhạo báng như một bộ nhu nhược, bán đứng xứ sở, và cần được quần chúng gửi tặng calcium để "tăng cường xương sống"(to stiffen its spine).

Hiện nay vấn đề càng trở nên phức tạp. Các định chế đối nội và các viên chức trung cấp cũng gia nhập , và còn có khuynh hướng dân tộc mạnh hơn cả các viên chức ngoại giao cao cấp. Các nhà nghiên cứu thuộc SIPRI nhận thấy, bộ an ninh quốc nội còn đặc biệt giữ một vai trò lớn hơn trong chính sách đối ngoại. Tại hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu ở Copenhagen, quyền hạn lại nằm trong tay Ủy Hội Phát Triển và Cải Cách Quốc gia, một cơ quan chịu trách nhiệm phát triển kinh tế. TQ đã bị thế giới bên ngoài chỉ trích là đã theo đuổi đường lối cứng rắn, ngược với khuyến cáo của bộ ngoại giao.

Ảnh hưởng của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân - PLA - còn khó lý giải hơn. Một mặt, từ đại hội đảng 1992, không một sĩ quan được chọn vào ủy ban thường vụ đầy quyền lực của Chính Trị Bộ. Vào cuối thời Cách Mạng Văn Hóa, hơn nửa số thành viên Bộ Chính Trị được chọn từ PLA; ngày nay chỉ còn 2 trong số 24. Mặt khác, các tác giả trong các định chế nghiên cứu của PLA ngày một bộc trực và công khai hơn, sử dụng các bài bình luận trên báo chí và xuất hiện trước truyền hình để nói lên quan điểm của PLA.

Khác với quân đội nhà nghề Tây phương, PLA luôn lên tiếng về các chính sách đối ngoại. Trong cuốn The Party, Richard McGregor đã nêu rõ Đảng có khoảng 90.000 tổ - một trong 25 binh sĩ là đảng viên. Mặc dù thăng thưởng hiện nay được căn cứ trên năng lực và ý thức hệ, vai trò của PLA đã đem lại cho mình tiếng nói trong chính sách an ninh. Không như Mao và Đặng, lãnh đạo ngày nay không xuất thân từ hàng ngũ quân nhân, do đó, họ rất cần sát cánh hơn với PLA.

Không có lý do để tin uy quyền của lãnh đạo đã lu mờ. Nếu họ tin một chính sách nào đó có tầm quan trọng thiết yếu đối với xứ sở hay Đảng, họ sẽ tự lấy quyết định. Nhà cầm quyền vẫn có thể đàn áp một cuộc biểu tình chống đối nào đó nếu thấy cần. Tuy nhiên, chính trị tự nó không bao giờ trắng đen rõ rệt, ngay cả ở TQ. Lập trường của chính quyền bao giờ cũng khi mờ lúc tỏ, khó lòng minh định. Khi giới lãnh đạo chỉ nghe một thông điệp đơn thuần từ báo chí, các bloggers và các cố vấn riêng, họ luôn cảm nhận cần phải lắng nghe. Khi công luận phân tán, họ thường có thể tảng lờ không mấy ái ngại. James Reilly, thuộc Đại Học Sydney, người đã chuyên nghiên cứu chính sách TQ đối với Nhật, cho biết: áp lực quần chúng thường mạnh nhất khi giới thượng lưu chia rẽ.

Trong mọi trường hợp, nhà cầm quyền sẽ theo dõi công luận dù chỉ vì phản đối có thể trở thành một hình thức âm thầm chống đối. Các cuộc biểu tình chống Nhật ở Nam Hàn trong thập kỷ 1960 đã đem lại động lực cho phong trào đòi hỏi dân chủ - cũng như các cuộc xuống đường chống đối sinh viên Phi châu đã xẩy ra trước biến động Thiên An Môn năm 1989. Theo Rana Mitter, Đại Học Oxford, chính sách đối ngoại đã có một lịch sử gây bất ổn định trong chính quyền TQ, và người TQ thường quy trách các thất bại ở nước ngoài là nguyên nhân đưa đến các yếu kém quốc nội. Họ thích nói: "lộn xộn trong nước, tai họa ở nước ngoài" - "disorder at home, calamity abroad".

Chủ nghĩa dân tộc có thể  định khung  một vấn đề trước khi cấp lãnh đạo tìm cách đối phó. Chẳng hạn, vào thời điểm có cuộc tranh chấp về các hải đảo Senkaku/Diaoyu , bộ tuyên truyền, cùng với các nhà bình luận báo chí và những tuyên bố của PLA, đã tạo ra một bối cảnh cấp lãnh đạo khó lòng lùi bước mà không tỏ ra nhu nhược.

Dynamic  nầy chẳng có gì mới mẻ. Nó đã từng làm rối rắm thêm biến cố trên không giữa một chiến đấu cơ TQ và một phi cơ trinh sát Mỹ năm 2001, một sự kiện PLA đã đổ lỗi cho người Mỹ. Nhưng giờ đây, trong quá trình diễn tiến thay đổi cấp lãnh đạo vào năm 2012, chỉ một động thái yếu đuối cũng đủ phương hại đến cả sự nghiệp.

Một thỏa hiệp cũng có thể  bị xem như cử chỉ đầu hàng. Điều nầy tạo ra nguy cơ cho bất cứ ai có chủ trương ôn hòa hay thỏa hiệp. Nói chuyện với Lampton về Đài Loan, một học giả TQ đã đặt vấn đề như sau: "Giả thiết có hai lựa chọn và họ [cấp lãnh đạo] chọn các biện pháp cứng rắn...và vị lãnh đạo không giải quyết được [vấn đề], vị đó vẫn có đủ biện minh. Nhưng nếu lựa chọn biện pháp quá mềm mỏng và thất bại, lãnh đạo sẽ  bị xem như có tội bởi các thế hệ tương lai"[11].

Trong trường kỳ, phạm vi hành động của lãnh đạo tùy thuộc ở tốc độ tăng trưởng kinh tế. Một TQ trù phú  là chỉ dấu TQ đủ mạnh để theo đuổi mục tiêu của mình trên thế giới. Một TQ yếu đuối, với tăng trưởng kinh tế khập khiểng và đảng cầm quyền cảm thấy bị sức ép quốc nội, có thể đưa đến rắc rối ở hải ngoại. Trạng huống nầy sẽ giới hạn phạm vi hành động của một TQ ít khẳng định hơn.

Giả thiết các lãnh đạo muốn trung thành với những huấn lệnh nguyên thủy 'chờ thời và che giấu" của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, họ sẽ có ba điều thuận lợi.

Trước hết, tinh thần dân tộc đã giữ một vai trò thiết yếu trong hầu hết các tranh chấp lãnh thổ như Đài Loan và các hải đảo trong biển Nam Hải. Theo Jian Yang, Đại Học Auckland, New Zealand, tinh thần dân tộc, vốn rất ít ảnh hưởng trong địa hạt kỹ thuật như kinh tế, vẫn không kém nếu không muốn nói quan trọng hơn, đối với cấp lãnh đạo TQ.

Thứ đến, TQ hiện chưa có một viễn kiến rõ ràng để thay thế trật tự thế giới chi phối bởi Hoa Kỳ từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Vì vậy, TQ không cần và cũng không nên phát động những trận chiến ý thức hệ ở nước ngoài.

Sau hết và quan trọng hơn cả, TQ và Hoa Kỳ đang cùng chia sẻ một số mục tiêu. Cả hai đều ước muốn một nền kinh tế thế giới lành mạnh, một Á châu ổn định, hòa bình ở Trung Đông, các tuyến hàng hải an ninh, giới hạn phổ biến vũ khí nguyên tử, một hệ thống mậu dịch mở cửa... Cả hai có đủ lý do để vun quén một quan hệ đủ hòa hoản ngỏ hầu có thể theo đuổi những mục tiêu vừa kể.

TỰ KHẲNG ĐỊNH TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ

Kết quả khả dĩ nhất là một TQ khẳng định hơn, theo đuổi và thành đạt nhiều mục tiêu đối ngoại hơn, nhưng vẫn không khuấy động trật tự thế giới hiện hữu trong căn bản. Đối với những vấn đề liên quan đến lãnh thổ và biên giới nhạy cảm, TQ có thể không thỏa hiệp hay nhân nhượng và  ngày một bất hợp tác. Trong nhiều địa hạt khác, giới lãnh đạo tương đối dễ thỏa hiệp hơn, dĩ nhiên sẽ luôn đòi hỏi phần lợi như bất cứ một đại cường toàn cầu nào khác.

Ở đây câu hỏi cần được đặt ra: khả năng hợp tác hòa bình với một TQ khẳng định như thế nào? Trong mấy thập kỷ qua, TQ đã rất cố gắng trấn an các quốc gia láng giềng là họ không có gì phải âu lo trước sự trỗi dậy của TQ. Vì vậy, sự tái khẳng định của TQ sẽ càng khó khăn hơn, nhất là khi trộn lẫn với các tranh chấp lãnh thổ nhạy cảm. Nói một cách khác, an ninh Á châu sẽ được quyết định không những bởi phương cách vận dụng sức mạnh mới của TQ mà còn bởi  phương cách phản ứng của các quốc gia trong khu vực. Đây chính là ý tưởng bên sau Ý Niệm An Ninh Mới - New Security Concept - hòa hoản hơn của TQ.  Các xứ khác sẽ thư giản nếu họ cảm thấy được trấn an TQ sẽ không đem lại một đe dọa nào. Rất không may, chiến dịch tấn công bằng sức quyến rũ và thu hút đã không đem lại kết quả mong muốn.

Á CHÂU TRƯỚC SỰ TRỔI DẬY CỦA TRUNG QUỐC

Trong tác phẩm "The Rivals", tác giả Bill Emmott, nguyên biên tập viên tạp chí The Economist, đã ghi lại lời một viên chức ngoại giao cao cấp Ấn Độ về đề tài Ấn Độ và TQ: "Điều quý vị phải hiểu là cả hai nước chúng tôi đều nghĩ tương lai thuộc về chúng tôi. Cả hai nước chúng tôi không thể đều đúng"[12].

Các kinh tế gia và các nhà kinh doanh xem sự trỗi dậy của TQ như một phước lành - mọi người đều được hưởng lợi từ sự thịnh vượng của người khác. TQ đã trở thành đối tác thương mãi chính của hầu hết các xứ trong khu vực - ngay cả khi phương Tây vẫn là nguồn cầu quan trọng. Khi ngày một giàu có hơn, TQ sẽ trở thành thị trường cho phần còn lại của Á châu, cũng như cả khu vực sẽ trở thành một thị trường rộng lớn hơn cho TQ.

Trong thực tế, an ninh không bao giờ giản dị như thế. Như kinh nghiệm của viên chức ngoại giao Ấn Độ cho thấy, khi hai xứ không thực sự tin nhau,  an ninh của xứ  nầy có thể gây bất an cho xứ kia.Trong một lục địa rối reng như Á châu, các quốc gia thường trông cậy vào Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh trước một TQ ngày một hùng mạnh - lấy nước xa để chế ngự lửa gần.

Dĩ nhiên, các xứ Á châu luôn muốn có cả bà con xa lẫn láng giềng gần [và tốt]: đề kháng quyền lực nhưng tăng cường giao thương với TQ; dựa vào Mỹ để được an ninh, nhưng phát triển quan hệ kinh tế chính trị với TQ. Điều nầy rất khó thể hiện trong thực tế, và nếu quan hệ Mỹ-Hoa không diễn tiến tốt đẹp trong những thập kỷ tới, Á châu sẽ bị lôi kéo, giằng xé giữa hai cực. Và các nước nhỏ  vẫn có thể làm tăng tình trạng căng thẳng giữa hai cường quốc khổng lồ.

Điều đó có thể gây bức xúc cho TQ, trong nhiều năm gần đây, đã tận lực trấn an các lân bang qua việc làm đứng đắn, cũng như ve vuốt các xứ nầy với chính sách trỗi dậy mang tính hòa bình. Chẳng hạn, TQ đã nhân nhượng trong nỗ lực giải quyết các tranh chấp biên giới trên bộ. Taylor Fravel, thuộc Viện MIT, đã kết luận: trong quá trình giải quyết 17 trong số 23 vụ tranh chấp lãnh thổ, TQ đã thường đồng ý chấp nhận chưa đến phân nửa phần đất tranh chấp. TQ cũng đã tỏ ra hào phóng trong ngoại giao kinh tế, ký kết một loạt thỏa ước thương mãi tự do xuyên Á.Theo Marc Lanteigne, Đại Học Victoria ở Wellington, New Zealand, "trong vòng một thập kỷ, TQ đã chuyển biến từ một xứ nghi ngờ mậu dịch ưu đải và tự do thành một trong số quốc gia đề xuất nhiệt thành nhất"[13].

TQ đã gia nhập các nhóm đa quốc gia (ngay cả trong Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải -Shanghai Co-operation Organization - SCO, TQ đã giúp thành lập một nhóm). TQ hiện đã là thành viên của 50 tổ chức liên chính phủ và trên 1.000 NGO quốc tế. Chỉ  kể các tổ chức bắt đầu bằng chữ A, người ta cũng đã có thể tìm thấy đại biểu TQ trong Diễn Đàn Khu Vực ASEAN, ASEAN+3, Hội Nghị Các Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN và APEC. Chính quyền các quốc gia Á châu hy vọng TQ cũng sẽ chấp nhận các ràng buộc bởi các dây liên hệ cấp khu vực vừa kể.

Tuy nhiên, nghĩ thế là đã đặt quá nhiều đức tin vào các diễn đàn đa quốc gia. Chỉ trích các nhà ngoại giao luôn tìm dịp nói về hòa bình có thể là thái độ quá khắt khe, nhưng Á châu thực ra đã có quá nhiều hội nghị cấp vùng. Chỉ trong năm 2007, Trung Tâm Giao Hoán Quốc Tế Nhật  - Japan Centre for International Exchange  - cũng đã ghi được 277 cuộc họp mặt về an ninh đa phương và liên chính phủ.

Nick Bisley, Đại Học La Trobe ở ÚC, người đã nghiên cứu các tổ chức an ninh cấp vùng ở Á châu, đã kết luận, sự dồi dào nầy trong thực tế chỉ là một mặt nạ che giấu mọi ngờ vực, khi mỗi quốc gia Á châu luôn tìm cách lựa chọn diễn đàn mình ưa thích. Các hội nghị có thể rất hời hợt và các lãnh tụ có khuynh hướng tránh né các quyết định mang tính thực tế và ràng buộc. Xuất hiện quá nhiều trước ánh đèn truyền thông sẽ không giúp ích gì nhiều. Gary Schmitt, Viện Doanh Nghiệp Hoa Kỳ  - American Enterprise Institute, ở Hoa Thịnh Đốn, đã viết: "Các diễn đàn và thỏa ước khác nhau ở Á châu có vẻ giống như một bảng liệt kê chó và mèo, hơn là một khung hành động mạch lạc và khả tiên liệu về tương lai"[14].

Mặc dù so với nhiều thế kỷ trước đây, TQ nay đã cải thiện quan hệ với 14 xứ lân bang, nhưng vẫn chưa thực sự tin tưởng bất cứ nước nào - và ngược lại. Quan hệ với Nhật chưa bao giờ vượt khỏi ký ức một đế quốc xâm lăng trước đây. Từ 1949, TQ đã va chạm với Nga, lâm chiến với Liên Hiệp Quốc  ở Cao Ly, với Ấn Độ, và với Việt Nam.

TRANH CHẤP HÀNG HẢI

Thêm vào đó, không như trong các tranh chấp biên giới trên đất liền, TQ đã lớn tiếng đòi chủ quyền vùng biển Nam Hải, có lẽ vì tiềm năng hải và khoáng sản lớn lao. Trong khoảng 36 năm qua, TQ đã xung đột về quần đảo Hoàng Sa với Việt Nam (1974); về Trường Sa với Việt Nam (1988) và Philippines (1994); với Nam Hàn về Socotra Rock (2006); và với Nhật về Okinotori Islands (2004) và Senkaku/Diaoyu Islands (2010).

Trong bối cảnh các xứ lân bang bị chi phối bởi nhiều cường quốc có quyền lợi xung khắc, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh rất khó tránh nhiều mâu thuẩn và nghịch lý. Khi Bắc Hàn đánh chìm tàu Cheonan, TQ đã phải lựa chọn giữa an ninh và quan hệ ngày một chặt chẽ hơn với Nam Hàn. Khi đứng về phía Bắc Hàn, TQ đã gửi một tín hiệu tai hại đến Nam Hàn là họ không muốn hay không thể kiểm soát đồng minh của mình. Quan hệ của TQ với Ấn Độ đang trở nên rất phức tạp bởi những gì đang xẩy ra trong những xứ láng giềng. Chẳng những Ấn Độ nghi ngờ chính sách Pakistan của TQ, Ấn Độ còn cạnh tranh với TQ ở Nepal và Sri Lanka, những xứ Ấn Độ xem như thuộc phạm vi ảnh hưởng của riêng mình.

Như vậy, các quốc gia Á châu đang đối phó với sức mạnh ngày một gia tăng của TQ và những lỗi lầm bất cập của các tổ chức đa quốc gia ra sao?

Cùng với đà tăng trưởng kinh tế và ngày môt giàu có hơn, các xứ nầy dần dà, tuy không hấp tấp, tậu  thêm vũ khí. Trong bạch thư quốc phòng năm rồi, Úc đã tỏ ra lo ngại trước một TQ hùng mạnh và đề xướng canh tân và tăng gấp đôi số tiềm thủy đỉnh,  cũng như thiết kế một hệ thống tàu chiến tương lai tân tiến và hữu hiệu hơn. Việt Nam đã đặt mua sáu tiềm thủy đỉnh Kilo-class của Nga. Trước đó, Singapore đã mua hai tiềm thủy đỉnh Archer-class của Thụy Điển, và Malaysia và Ấn Độ đã mua 8 tiềm thủy đỉnh Scorpene-class của Pháp.

Nhật cũng đã tăng cường võ trang toàn diện. Mặc dù ngân sách quốc phòng chính thức của Nhật chỉ chiếm 1% GDP và trong vòng một thập kỷ vừa qua đã giảm bớt khoảng 3% tính theo mệnh giá (in nominal terms), khoảng 1% theo thực giá (in real terms), Nhật cũng đã du di tài nguyên qua hải quân, hiện hùng mạnh hơn hải quân TQ. Theo Richard Samuels, MIT, lực lượng tuần duyên của Nhật , được tài trợ bên ngoài ngân sách quốc phòng, hiện có một đội tàu chiến hùng hậu và những quy luật tác chiến lỏng lẻo hơn lực lượng tự vệ.

Bên cạnh chính sách tự vũ trang, các quốc gia Á châu ngày một nhích lại gần hơn với Hoa Kỳ. Động thái nầy đã phơi bày một cách khá ấn tượng tại diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội trong tháng 7-2010. Trong một nghị trình làm phật lòng TQ, các nước thành viên ASEAN đã thay nhau than phiền TQ đã khẳng định mạnh mẽ chủ quyền trong vùng biển Nam Hải. Những bản tuyên bố đã đạt cao điểm với Hillary Clinton, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, nhấn mạnh phương cách Hoa Kỳ sẽ can thiệp để bảo đảm an ninh cho các tuyến giao thông hàng hải trong hải phận quốc tế.

Nhiều tiến bộ song phương cũng đã được ghi nhận. Tháng 8-2010, Việt Nam và Hoa Kỳ đã bắt đầu hợp tác quân sự cấp cao, với một cuộc họp ở Hà Nội. Các quan chức Việt Nam đã lên thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington đậu ngoài khơi Việt nam. Các tàu hải quân Mỹ đã cập bến Việt Nam và Việt Nam đã thỏa thuận sửa chữa các tàu chỉ huy Sealift của Mỹ. Không ai tin chỉ cách đây 35 năm hai quốc gia đã ở trong tình trạng chiến tranh.

HOA KỲ - ĐIỂM TỰA AN NINH

Tuy nhiên, liên kết với Hoa Kỳ để tìm kiếm an ninh cũng là một việc khá rắc rối. Đôi khi các quốc gia Á châu cũng phải đối đầu với các trở ngại đối nội. Dưới thời George W. Bush, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã xây dựng một quan hệ thân hữu khá chặt chẽ với thỏa ước hợp tác nguyên tử. Tuy nhiên, ngay cả trình độ thân thiện đó cũng đã khơi dậy sự chống đối từ phe tả của Ấn Độ. Một thỏa ước quốc phòng trọn vẹn với Hoa Kỳ để ngăn bờ TQ hình như không được cứu xét hiện nay. Ấn Độ cũng chẳng mấy vui thích vai trò một đàn em và cũng đang hãnh diện với địa vị một quốc gia phi liên kết.

Ấn Độ cũng không muốn hoàn toàn gạt bỏ TQ - một nước cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng là một đồng minh trong nhiều địa hạt, như thay đổi khí hậu và các vấn đề kinh tế toàn cầu. Vả chăng, như Rahul Roy-Chaudhury thuộc IISS nêu rõ, các chính trị gia Ấn không gần gũi với phe quân đội. Không có một hội đồng an ninh quốc gia hữu hiệu để hậu thuẩn, hải quân phải mất nhiêu thời gian để thuyết phục chính quyền: TQ có thể trở thành một đe dọa. Các ngành quân lực có thể hoạch định những chiến dịch ấn tượng. Tuy nhiên, trong một tác phẩm mới về canh tân quân sự, Stephen CohenSunil Dasgupta lập luận: có nạn ganh tị giữa các binh chủng, tiếp liệu kém, và từ ngày độc lập nghi kỵ vẫn còn lây lất trong việc phối trí quân đội hiện còn phản ảnh dấu ấn của thời thực dân Anh quốc.

Riêng phần mình, Nam Hàn , một đồng minh lâu ngày của Mỹ, đã chuyển hướng từ an ninh qua kinh tế và ngược trở lại. Dưới thời Tổng Thống Roh Moo-hyun, Nam Hàn đã tách khỏi Hoa Kỳ, trong nỗ lực chứng tỏ vai trò một cường quốc Á châu độc lập với liên hệ kinh tế ngày một chặt chẽ hơn với TQ. Năm 2007, Roh đã đạt được sự đồng tình của Mỹ là kể từ 2012 Nam Hàn một lần nữa sẽ có bộ chỉ huy quân lực riêng trong trường hợp có chiến tranh. Roh cũng đã trợ giúp Bắc Hàn sau khi Hoa Kỳ cắt viện trợ năng lượng. Tuy nhiên, người kế nhiệm, Lee My-ung-bak, một lần nữa lại liên kết với chính sách an ninh của Mỹ. Lee đã trì hoản việc chuyển giao quyền tư lệnh thời chiến đến năm 2015, và lựa chọn  một chính sách cứng rắn hơn đối với Bắc Hàn.

Ở Nhật, các cánh phái khác nhau cũng cho thấy tất cả những khuynh hướng vừa nói và hơn thế nữa. Một số trong Đảng Dân Chủ cầm quyền đã tìm cách nhích lại gần hơn với TQ. Một số khác trong Đảng Dân Chủ Tự Do, ngày nay là đảng đối lập sau nhiều thập kỷ cầm quyền, bất bình trước sự hiện diện của 36.000 binh sĩ Mỹ trong các căn cứ rải rác khắp Nhật Bản. Một nhóm khác chủ hòa nhiệt thành đến độ người Mỹ tự hỏi không biết người Nhật trong thực tế có sẵn sàng đáp ứng lời yêu cầu của Mỹ khi cần. Và những nhóm khác còn nghi ngờ khả năng: Nhật luôn có thể trông cậy vào người Mỹ. Đối với nhiều người Nhật, vụ tranh chấp các hải đảo Sankaku/Diaoyu chứng tỏ TQ có thể trở thành một đối thủ gai góc, nhức nhối đến mức độ nào. Sau vụ lính tuần dương Nhật bắt giữ các ngư phủ người Hoa, TQ đã hủy bỏ các hội nghị, cản trở thương mãi, và ngưng xuất khẩu khoáng sản đất quí hiếm đến Nhật. Các viên chức ngoại giao Nhật rất hài lòng khi ngoại trưởng Hillary Clinton lên tiếng ủng hộ Nhật. Samuels ở MIT nghĩ, Hoa kỳ cần phải trấn an Nhật , đồng minh thiết yếu nhất ở Á châu. Nếu Nhật tỏ ra nghi ngờ, Hoa Kỳ sẽ thấy tất cả các liên minh Á châu của mình phải chịu ảnh hưởng tai hại.

Nhưng TQ lại có cách tính toán khác. Những nỗ lực vun quén quan hệ với các quốc gia láng giềng chỉ đem lại những kết quả pha trộn. Những quan hệ kinh tế đã tạo được ít nhiều thiện chí, nhưng đa số các quốc gia trong vùng hình như luôn sẵn sàng nghiêng về phía Hoa Kỳ mỗi khi gặp rắc rối. Trước lập trường khẳng định ngày một gia tăng của TQ, điều đó có thể dễ dàng trở thành một nguồn bất mãn, làm trầm trọng thêm sự thiếu tin tưởng hổ tương giữa các siêu cường. Trong mọi trường hợp, Hoa Kỳ và TQ có khuynh hướng cạnh tranh giành giựt lòng trung thành của các quốc gia trong vùng. Điều nầy rõ ràng có thể làm vẩn đục thêm nếu không muốn nói đầu độc mối quan hệ quan trọng bậc nhất hiện nay - quan hệ Mỹ-Hoa.

SỰ TRỔI DẬY CỦA TRUNG QUỐC VÀ NGOẠI GIAO HOA KỲ

Trong một bài bình luận gần đây, Hugh White, một viên chức an ninh và quốc phòng Úc trước đây, đã nhắc lại những mẫu chuyện trao đổi với các đối tác Mỹ: "Tôi lần lượt chất vấn họ: 'Quý vị có nghĩ Hoa Kỳ nên ứng xử bình đẳng với TQ nếu quyền lực của TQ tăng lên ngang hàng với Hoa Kỳ?' Câu trả lời luôn là không. Tôi lại hỏi 'Quý vị có chờ đợi TQ sẽ bằng lòng với bất cứ gì ít hơn là bình đẳng?' Câu trả lời cũng luôn là không. Kế đó tôi hỏi tiếp ' Như vậy, bằng cách nào quý vị chờ đợi Hoa Kỳ và TQ hợp tác với nhau?' Tôi cũng luôn nhận được một cái nhún vai thay câu trả lời"[15].

Cái nhún vai nói lên những khó khăn của Hoa Kỳ trong việc thiết kế chính sách đối với TQ. Hoa Kỳ muốn TQ trở thành một thị trường trù phú cho sản phẩm xuất khẩu của mình. Hoa kỳ cũng muốn TQ trở thành một đại cường tích cực, và trách nhiệm trong sinh hoạt thế giới. Tuy nhiên, cùng lúc Hoa kỳ cũng cảm thấy bị đe dọa bởi sức mạnh kinh tế, kỹ nghệ, ngoại giao và quân sự ngày một gia tăng của TQ. Khi Hoa Kỳ không vừa lòng với một lập trường nào đó của TQ, Hoa Kỳ thường lớn tiếng chỉ trích và thổi phồng câu chuyện. Một hổn hợp đối tác và tranh giành là một công thức đưa đến hỗn loạn.

Môt phương cách giải quyết những căng thẳng vừa nói là nên đặt an ninh lên hàng đầu. Hoa kỳ có thể theo đuổi mục tiêu ngăn chặn TQ ngay bây giờ trước khi TQ giàu mạnh hơn. Người Mỹ đã thắng trong chiến tranh lạnh bằng cách cô lập hóa kinh tế và dồn quân lực Xô Viết vào thế bế tắc.

Tuy nhiên áp dụng cùng phương pháp lần nầy là một ý tưởng sai lầm. Trước hết, cái giá phải trả quá đắt. Thứ đến, người Mỹ có thể bị thương tổn không kém TQ. Kinh tế hai quốc gia đang đan xen và TQ là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Trong chiến tranh, vì cần thiết, các quốc gia thường không mấy ngần ngại khi công trái gia tăng. Nếu một tổng thống Mỹ tìm cách xóa nợ trong thời bình, vì lựa chọn, tổng thống sẽ phải đối đầu với bất đồng nội bộ và sỉ nhục ở hải ngoại.

BIỆN PHÁP CHẾ NGỰ VÀ NGUY CƠ

Trong mọi trường hợp, chính sách ngăn chặn có thể phản tác dụng, trừ phi để chống lại một TQ rõ ràng thù nghịch.

Ngoại trừ trường hợp Hoa Kỳ có thể thuyết phục phần lớn thế giới hợp tác, TQ vẫn có thể tiếp cận hầu hết các thị trường. Một Hoa Kỳ hiếu chiến có thể có nguy cơ đánh mất các đồng minh Á châu chính mình muốn bảo vệ. Joseph Nye, trường Kennedy thuộc Harvard, đã đưa ra luận cứ: cách hay nhất để biến TQ thành một kẻ thù là ứng xử với TQ như một xứ thù nghịch.

Một ngày nào đó Hoa Kỳ có thể cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc  tập trung vào vấn đề an ninh. Đó chính là điều TQ đang lo ngại. Ngược lại, chỉ lo tập trung vào kinh tế và bỏ quên an ninh là điều hoàn toàn sai quấy. Hoa Kỳ có nhiều quyền lợi thiết thân ở Á châu. Hoa Kỳ muốn ngăn ngừa phổ biến nguyên tử ở bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Hoa Kỳ có đồng minh cần bảo vệ và các đe dọa cần khống chế. Hoa Kỳ cần tiếp cận các tuyến đường hàng hải và các thị trường rộng mở. Hoa Kỳ là siêu cường ưu việt của thế giới. Hoa Kỳ không thể từ bỏ Á châu mà không mất ảnh hưởng ở mọi nơi khác.

Vì vậy, trong suốt 15 năm qua, Hoa Kỳ đã quay trở lại chính sách lưỡng diện đối với TQ - two-tract China policy.

Barack Obama đã dõi theo diện thứ nhất trong chuyến viếng thăm TQ trong tháng 11-2009. Tổng Thống đã nói trước sinh viên trường Đại Học Fudan ở Thượng Hải: "Hoa Kỳ nhấn mạnh chúng tôi không tìm cách chặn đường đi lên của TQ. Ngược lại, chúng tôi chào đón TQ như một thành viên hùng mạnh, phú cường và thành công của cộng đồng các quốc gia"[16]. Điều nầy có nghĩa, như Obama sau đó đã giải bày với Hồ Cẩm Đào, "kinh tế ngày một tăng trưởng của TQ đi kèm với trách nhiệm ngày một gia tăng".[17]

Chính sách 'can dự' -engagement - được hổ trợ bởi diện thứ hai, có thể được mô tả như 'rào giậu' -hedging. Hoa Kỳ phải có khả năng triển khai đủ lực lượng để ngăn chặn TQ. Nếu các tổng thống không đủ sốt sắng để mô tả rõ ràng, đề đốc Robert Willard, Tư Lệnh Thái Bình Dương, đã làm rõ trước Quốc Hội hồi đầu năm 2010: "Cho đến khi...chúng ta thấy rõ ý định của TQ quả thật là ôn hòa, điều thiết yếu là chúng ta phải duy trì các lực lượng trong tư thế sẵn sàng; tiếp tục tăng cường cam kết với các đồng minh và đối tác trong vùng; và đáp ứng mỗi thách thức của TQ một cách chuyên nghiệp, phù hợp với luật quốc tế"[18].

Hoa Kỳ trước đây đã từng đối diện với một số tính toán minh bạch, tuy rất đáng ngại, trong quan hệ thực tế không mầu mè với Liên Bang Xô Viết. Ngược lại, cách ứng xử lưỡng diện với TQ có vẻ ít huyền hoặc, nhưng thập phần phức tạp hơn - hầu như bất khả xử lý.

Trên nguyên tắc, chính sách lưỡng diện rất duy lý. Can dự được thiết kế để tưởng thưởng việc làm hay hạnh kiểm tốt, và rào giậu để ngăn ngừa việc làm hay hạnh kiểm xấu. Tuy nhiên, trong thực tế, rào giậu hàm chứa nguy cơ tiềm ẩn phương hại đến can dự. Nói rõ hơn, sự hiện diện cùng lúc của hai "diện" sẽ tác động như một lý do đặc miễn để tránh tìm cách giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở Hoa Kỳ. Đối với vấn đề TQ, phe diều hâu và phe bồ câu đều có thể ủng hộ cùng một chính sách, bởi lẽ cả hai đều có thể tiếp tục tin rút cuộc phần đúng sẽ về mình.

Trên phương diện chính trị, điều nầy rất thuận tiện ở Hoa THịnh Đốn nhưng không thể là một chính sách lý tưởng. Chính sách can dự thường được vận hành bởi các chuyên gia về TQ thuộc bộ ngoại giao và chính sách rào giậu sẽ do Ngũ Giác Đài thể hiện. Trên lý thuyết, hai lối đi của chính sách cần được cân nhắc và thể hiện theo chỉ dấu cách ứng xử của TQ mang tính ôn hòa hay đe dọa. Ngay trong giả thiết tốt nhất, bộ ngoại giao và bộ quốc phòng không luôn đồng thuận. Thường khi chính sách lưỡng diện có thể được vận hành như hai chính sách biệt lập.

HÃY NGHE TÔI NÓI - READ MY LIPS

Điều nầy rất quan trọng bởi lẽ những lời cởi mở đối với TQ của Obama cũng mới chỉ là lời nói, và giới lãnh đạo TQ cũng không phải là những người nhẹ dạ cả tin. Dù thành thật đến bao nhiêu, và lời nói của bất cứ tổng thống nào cũng thế: hứa hẹn ít khi đi đôi với thực thi, tổng thống đến rồi đi. Hoa Kỳ gửi một tín hiệu khi tái phối trí lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương và các đề đốc nói với Quốc Hội: "Sự quan tâm của TQ đối với một môi trường ḥòa bình và ổn định khó lòng nhất trí với những khả năng quân sự đang diễn tiến"[19]. Những phán đoán trên khá xác đáng đối với an ninh Hoa Kỳ, nhưng lại cản đường thông điệp Hoa Kỳ chào đón sự trỗi dậy và không có ý định ngăn chặn TQ.

Rào giậu cũng không phải yếu tố phức tạp duy nhất đối với chính sách can dự. Trong 15 năm qua, thương mãi đã kéo Hoa Kỳ lại gần với TQ. Thực vậy, toàn cầu hóa đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách can dự. Nhưng ngày nay, khi một trong 10 người Mỹ không có việc làm, chính sách kinh tế đã nhuốm mầu bảo vệ mậu dịch. Nếu TQ mất hậu thuẩn chính trị trước các thế lực vận động hành lang của giới đại doanh nghiệp Mỹ, một giới gần đây ngày một chống đối TQ hơn, dĩ nhiên giọng điệu của Hoa Thịnh Đốn cũng sẽ có thể dịch chuyển nhiều. Vì vậy, mậu dịch cũng có thể bắt đầu làm gia tăng nổi âu lo của TQ: Hoa Kỳ cuối cùng cũng sẽ lựa chọn ngăn chặn sự trỗi dậy của TQ.

Nghi ngờ thứ hai về chính sách TQ của Hoa Kỳ là có thể nào người Mỹ sẽ tuân thủ những gì chính sách can dự đòi hỏi? Chính sách nầy dựa trên hai ý niệm. Trước hết, TQ có thể trỗi dậy hay phát triển thành một đại cường đã toại nguyện - một đại cường không cảm thấy cần phải lật ngược trật tự thế giới thời hậu chiến do Mỹ thiết kế và duy trì. Thứ hai, nếu TQ ít nhiều tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu, liệu Hoa Kỳ sẽ có thể chấp thuận thích nghi với các quyền lợi của TQ?

Như vậy, chính sách can dự đòi hỏi TQ và Hoa Kỳ phải tìm được một hổn hợp ổn định giữa sự tham dự của TQ và sự thích nghi điều chỉnh của Hoa Kỳ.

Câu hỏi cần được đặt ra: TQ có tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu hay không? Trước đây, như Bill Clinton đã từng nói: "về nhân quyền và tự do tôn giáo, TQ  vẫn còn ở về phía sai lầm của lịch sử"[20]. Một số nhà phân tích Tây phương thích đưa ra những lời cảnh báo về chiến lược lâu dài vòng vo. Tuy nhiên, trong khuôn mẫu chủng tộc bất di bất dịch đó, chính Hoa Kỳ, không phải TQ, đã xây dựng chính sách của mình trên châm ngôn 'bất chiến tự nhiên thành' của Tôn Tử -Sun Tzu.

Giá trị của TQ đã thay đổi hẳn từ thời Mao Trạch Đông, khi khủng bố không may đã  thành thông lệ. Như Richard McGregor đã viết trong tác phẩm 'The Party', khủng bố hiện nay rất ít khi được sử dụng.TQ của Hồ Cẩm Đào cơ sở trên khuyến dụ và mua chuộc thay vì đàn áp. Tuy vậy, TQ vẫn còn là một nhà nước độc đảng và khủng bố vẫn còn thiết yếu cho sự trường tồn. Khi Đảng cần được bảo vệ, khủng bố vẫn còn được sử dụng không mảy may ái ngại.

Trong cùng chiều hướng, trên trường quốc tế, TQ không còn yểm trợ các phong trào nổi dậy để chống lại các lân bang hay dựa trên những lập trường không khoan nhượng chỉ vì không muốn khoan nhượng. Mặc dù vậy, phương Tây vẫn xem TQ như một đối tác khó tính. Các nhà bình luận Hoa Kỳ, như Gary Schmitt thuộc Viện  Doanh Thương Hoa Kỳ (American Enterprise Institute) ở Hoa Thịnh Đốn, luôn lên án "cách tiếp cận siêu thị" - supermarket approach,  của TQ: TQ mua những gì phải mua, chọn những gì mình muốn, và tảng lờ những gì không thích.

HY VỌNG VÀ CHÍNH SÁCH

Người ta hy vọng trong tương lai TQ sẽ ngày một dân chủ hơn và sẽ chu toàn trách nhiệm quốc tế của mình. Tuy nhiên, theo Richard Armitage, thứ trưởng ngoại giao dưới thời George W. Bush, hy vọng không phải là một chính sách. Trong bối cảnh những vấn đề khó khăn của các xứ dân chủ Tây phương và sự thành công kinh tế và tương đối ổn định của TQ, theo Richard Woolcott, đặc sứ của thủ tướng Úc, khả năng chuyển biến thành một quốc gia dân chủ đa đảng của TQ hình như không còn chắc chắn hay  không thể tránh. Trong hiện tình, Đảng Cộng Sản có vẻ hoàn toàn nắm chặt quyền kiểm soát.

Vì vậy, giả thiết TQ vẫn là một nhà nước cộng sản, độc đảng, độc tài với quyết tâm làm những gì mình muốn, Hoa Kỳ có thể nào chấp nhận tự mình phải điều chỉnh và thích nghi?

Một số các nhà tư tưởng Hoa Kỳ, như John Ikenberry ở Đại Học Princeton, đưa ra luận cứ : Hoa Kỳ đã tạo dựng được một hệ thống cơ sở trên luật pháp có khả năng thu hút các thành viên mới. Những định chế như Liên Hiệp Quốc, G20, Thỏa Ước Cấm Phổ Biến Nguyên Tử - NPT, và Tổ Chức Thương Mãi Thế Giới -WTO, ít ra trên lý thuyết, có thể vận hành ngay cả khi không có sự lãnh đạo của Mỹ. Trong viễn kiến nầy, nước Mỹ có thể thu nhận TQ chừng nào TQ tự thích nghi vào trật tự thế giới hiện hữu.

Viễn kiến nầy đã có quá nhiều thiếu sót. Đã hẳn, khác với các cường quốc Âu châu trong thế kỷ 19, Hoa Kỳ, trên nhiều phương diện, đã tỏ ra sẵn sàng tuân thủ những quy luật hiện hữu. Đó là lý do vì sao khá nhiều quốc gia đã chịu chấp nhận sống trong vòng ảnh hưởng của Mỹ.

Tuy nhiên, cũng như bất cứ siêu cường bá chủ sắp lên nào khác, Hoa Kỳ vẫn ngang nhiên tảng lờ các quy luật do chính mình áp đặt, mỗi khi

quyền lợi thiết thân của Hoa Kỳ đòi hỏi. Năm 2005, China National Offshore Oil Company, đã trúng thầu mua lại Unocal của Mỹ, đã bị ngăn chặn chỉ vì người Mỹ phản đối. Khi người Mỹ cần và muốn ký thỏa ước nguyên tử với Ấn Độ, Hoa Kỳ đã không hề do dự dẫm lên NPT. Người Mỹ đã tham chiến ở Balkans trong thập kỷ 1990 và một lần nữa xâm chiếm Iraq năm 2003 chẳng quan tâm đến Hiến Chương LHQ. Nước Mỹ cũng có thể gây chiến với Iran trên cùng một căn bản.

Tóm lại, các siêu cường luôn vi phạm quy luật hay luật quốc tế khi cần và chẳng ai  hay định chế nào có thể ngăn chặn. Qua thời gian, lôgic đó cũng có ngày TQ sẽ áp dụng. Và Hoa Kỳ phải quyết định nhân nhượng, điều chỉnh, thích nghi, hay phủ nhận quyền bá chủ của TQ.

Trong thực tế, thật khó lòng phán đoán tinh thần trách nhiệm của siêu cường TQ. Theo quan điểm của người Hoa, người Mỹ hình như luôn định nghĩa cách ứng xử quốc tế có thể chấp nhận được như phải tuân phục chính sách của Hoa Kỳ. Theo lời Yuan Peng, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Đương Đại Trung Quốc ở Bắc Kinh - China Institutes of Contemporary International Relations, "Hoa Kỳ phiền trách không phải vì TQ nói 'Không' với trách nhiệm toàn cầu hay phủ nhận vai trò của mình trong sinh hoạt quốc tế, mà chính là vì TQ từ chối nói 'Vâng' với bất cứ đòi hỏi nào của Mỹ"[21].

Thích nghi, điều chỉnh, là điều dễ dàng khi có nghĩa TQ làm những gì Hoa Kỳ muốn. Nhưng liệu Hoa Kỳ có chịu để TQ làm những gì Hoa Kỳ không muốn? Màn đen bao phủ chính sách can dự của Hoa Kỳ là TQ sẽ không thay đổi đủ để thỏa mãn Hoa Kỳ và Hoa Kỳ sẽ không nhân nhượng đủ để thỏa mãn TQ. Điều đó nghe khá trừu tượng, nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành sự thật một cách phủ phàng, hoặc trên Bán Đảo Triều Tiên hay trong Eo Biển Đài Loan.

VẤN NẠN TRIỀU TIÊN

Không ai biết  Bắc Triều Tiên có thể trường tồn và điều gì sẽ đến sau Kim Jong Il và Kim Jong Un. Nhưng thử tưởng tượng trong chốc lát, khi Kim Jong Il quá vãng, Bắc Triều Tiên rơi vào hỗn loạn, vô chính phủ, hay tấn công như đã từng làm trong tháng 11-2010 gây thương vong cho binh sĩ và thường dân Nam Hàn. Cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ là một thử thách nghiêm trọng đối với khả năng chung sống hòa bình giữa TQ và Hoa Kỳ.

Mọi người sẽ âu lo về vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Hoa Kỳ có thể muốn chiếm hữu, nhưng TQ không thích sự hiện diện của quân đội Mỹ ở biên giới của mình. TQ cũng không muốn Hoa Kỳ hay Nam Hàn khẳng định quyền kiểm soát Bắc Triều Tiên, một đồng minh của TQ và một vùng trái độn. Trong trường kỳ, TQ có thể chờ đợi tái lập ảnh hưởng trên một Triều Tiên thống nhất như bất cứ đại cường áp đảo nào khác trên lục địa Á châu đã làm trong lịch sử.

Điều nầy sẽ nêu lên rất nhiều vấn đề. Liệu Hoa Kỳ có thể tin và để mặc TQ tinh chế plutonium và uranium đã được làm giàu? Liệu TQ có thể chấp nhận ý kiến quân đội Nam Hàn tái lập trật tự ở phía Bắc? Liệu TQ có cho phép hai miền Triều Tiên được thống nhất? Nếu điều nầy xẩy ra, liệu Hoa Kỳ chung cuộc  sẽ xem xét khả năng triệt thoái quân đội ra khỏi bán đảo Triều Tiên?

Điều đáng buồn và đáng lo là những vấn đề trên đây đã rất ít được nghĩ đến. Người ta chỉ biết, TQ cho đến nay vẫn không muốn đem ra thảo luận với Mỹ, bởi lẽ họ không muốn tỏ ra thiếu lòng tin ở đồng minh lâu ngày dù khó tiên liệu ở miền Bắc. Tuy nhiên, nếu nay là thời điểm rất không tiện để bàn về Triều Tiên, điều nầy sẽ thập phần khó khăn hơn trong khủng hoảng.

Nếu hai nước Triều Tiên cùng chia sẻ một biên giới trên bộ là điều rất đáng quan ngại, tuyến đường xuyên qua Eo Biển Đài Loan cũng là tuyến đường biển đầy bất trắc. Tái thống nhất với Đài Loan được TQ đặc biệt quan tâm như một trách nhiệm tuyệt đối. Người ta kể lại câu chuyện cách đây ít năm, biên tập viên một nhật báo ở Thượng Hải đã ca tụng một cơ xưởng mới sản xuất các sản phẩm bán dẫn trong thành phố như công xưởng lớn nhất TQ. Vì bỏ quên Đài Loan, ông ta đã phải tự kiểm điểm và chấp nhận bị bớt lương.

Tuy nhiên, chẳng những không răn đe, TQ ngày nay còn tưởng thưởng Đài Loan. Hàng trăm chuyến bay nối liền lục địa TQ với Đài Loan mỗi tháng. Thỏa ước mậu dịch tự do với Đài Loan được ký kết mùa hè năm ngoái bao gồm nhiều biện pháp trợ giúp nông dân Đài Loan, những người có khuynh hướng ủng hộ Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (Democratic Progressive Party -DPP)  chủ trương độc lập với lục địa. Gần đây, TQ còn ám chỉ một ngày nào đó TQ cũng có thể đổi hướng tên lửa ra khỏi Đài Loan.

Trong hiện tại, chính sách hình như đang mang lại hiệu quả. DPP đã mất quyền lực. Cũng chẳng mấy quan trọng khi đảng thay thế - Quốc Dân Đảng -Kuomintang, là cựu thù của Đảng Cộng Sản TQ. Dưới quyền lãnh đạo của Ma Ying-jeou, Đài Loan rất thực tế. Nhân dân Đài Loan rõ ràng không muốn chọc giận TQ bằng cách đòi hỏi độc lập, nhưng cũng chẳng muốn trao Đài Loan dân chủ cho TQ, một nhà nước độc đảng, độc tài.

Điều nầy không thành vấn đề đối với người Mỹ. Hoa Kỳ vẫn có thể tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, và vẫn có thể giao hảo với một TQ duy nhất chừng nào thống nhất chỉ có thể đến một cách hòa bình. Điều Hoa Kỳ không thể chấp nhận là thống nhất bằng bạo lực. Một cách nghiêm chỉnh, luật Quan Hệ với Đài Loan 1979 không buộc Hoa Kỳ phải bảo vệ Đài Loan. Tuy nhiên, trừ phi Đài Loan khiêu khích TQ một cách lố bịch, Hoa Kỳ có thể sẽ có rất ít lựa chọn ngoại trừ can thiệp. Nếu Hoa Kỳ chỉ đứng nhìn, Hoa Kỳ có thể đánh mất lòng tin của đồng minh trên khắp thế giới.

Đài Loan vẫn là một điểm nóng. Nền dân chủ Đài Loan có thể dẫn đến ước muốn độc lập; chủ thuyết dân tộc của TQ có thể đòi hỏi phải tái thống nhất khẩn cấp hơn; và Hoa Kỳ có thể e ngại tỏ ra yếu đuối. 

Ngay cả giờ đây, khi các bên còn giữ quan hệ bình thường, đảo quốc vẫn là một thử thách đối với sự tự chế của TQ và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cần phải minh bạch tỏ rõ là sẽ không để bị lôi cuốn: Đài Loan không thể tìm kiếm độc lập một cách liều lĩnh dựa trên giả thiết Hoa Kỳ sẽ bảo vệ họ.

TQ cũng cần phải hiểu cưởng chế có thể đánh mất uy tín đối với phần còn lại của thế giới. Hoa Kỳ không chờ đợi TQ sẽ từ bỏ các mục tiêu, cũng không chờ đợi TQ luôn thỏa mãn các yêu sách của mình bên trong hệ thống.

Các nhà làm chính sách thường chế nhiễu các nhà ngoại giao là luôn theo đuổi các thỏa hiệp tương nhượng và các sự-thật-nửa-vời. Tuy nhiên, sứ mệnh cao cả của ngoại giao là tìm kiếm thuốc giải độc cho mọi tranh chấp đầu độc địa chính trị. Kể từ thế kỷ 19, họ chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao: quản lý quan hệ giữa TQ và Hoa Kỳ. Trong chính quyền Obama, sứ mệnh vừa nói đã được dành một tên gọi: trấn an chiến lược -strategic reassurance.

KẾT LUẬN

Chờ thời và che giấu uy lực là khôn ngoan, nhất là đối với các nước nhược tiểu đang mong muốn ngày một hùng cường. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ muốn lợi dụng cơ hội quyền lực mới đem lại. Thời khắc đó đã đến với TQ hay chưa? Sức mạnh quân sự của TQ trên toàn cầu chưa thể đối đầu với lực lượng Mỹ. Nhưng PLA đang bắt đầu phủ nhận vai trò bá chủ của Hoa Kỳ trong suốt 65 năm qua trong vùng Tây Thái Bình Dương.Thúc đẩy bởi chủ thuyết dân tộc, cuộc thảo luận hiện đang diễn ra bên trong giới lãnh đạo TQ: họ đang cứu xét lúc nào mới đúng thời cơ để vùng dậy. Điều nầy sẽ ảnh hưởng đến giới lãnh đạo TQ, mặc dù các dấu hiệu cho thấy hiện  họ đang muốn dành ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế và các vấn đề quốc nội .

Thế giới bên ngoài nghi ngờ TQ và âu lo không biết TQ sẽ là loại đại cường nào.Các quốc gia Á châu đang phân vân nên hướng về TQ để phát triển hay về Hoa Kỳ để tìm kiếm an ninh. Nếu TQ hăng say khẳng định quyền lực mới của mình, họ rất có thể sẽ gặp phải sự chống đối mãnh liệt.

Hoa Kỳ cũng lúc một cảm thấy dễ bị tổn thương. Quân lực Hoa Kỳ đã nhận diện được mối đe dọa trong vùng Thái Bình Dương. Ngoại giao kinh tế đã chuyển mình mang tính hung hăng gây hấn và khó thể tiên đoán. Điều nầy cho thấy chính sách của Hoa Kỳ về TQ ngày càng bối rối giữa thích nghi can dự và rào giậu đắp đê.

Chúng ta đang chứng kiến một hổn hợp các lực lượng cực kỳ nguy hiểm. Sau một thập kỷ Hoa Kỳ đã bị chia trí bởi khủng bố và TQ bị thu hút bởi tăng trưởng kinh tế, quan hệ đối ngoại của TQ giờ đây có lẽ sẽ trở nên lúc một khó khăn hơn. Nguy cơ đã thực sự hiển hiện trong vòng mấy tháng cuối năm 2010 qua một loạt tranh chấp, với Nhật về vài hải đảo, về vụ đánh chìm tàu chiến Cheonan, và đòi chủ quyền các quần đảo trong vùng Nam Hải.

Đã hẳn những sự kiện riêng rẽ đó không thể là những yếu tố quyết định quan hệ của TQ đối với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, mỗi một sự kiện đang khoác lên một ý nghĩa lớn lao, bởi lẽ nổi lo âu của thế giới bên ngoài, nhất là các quốc gia Á châu: TQ sẽ ngày một có nhiều tham vọng; và vì sự nghi ngờ từ phía TQ:  Hoa Kỳ sẽ quyết tâm ngăn chặn sự trỗi dậy của TQ. Mỗi một sự kiện sẽ được xem như một thử thách những gì có thể sẽ xẩy ra.

Giải pháp sẽ là tìm cách tối thiểu hóa sự nghi kỵ lẫn nhau giữa TQ và Hoa Kỳ. Điều nầy quả thật khó khăn nhưng không phải vô vọng. TQ không đi tìm thuộc địa mới và cũng không tìm cách xuất khẩu ý thức hệ. TQ còn chia sẻ nhiều mục tiêu với Mỹ: ổn định, ngăn ngừa phổ biến nguyên tử, và trên hết, một nền kinh tế thế giới thịnh vượng. Những mục tiêu nầy chỉ có thể đạt được trong hòa bình.

Thù nghịch luôn được nuôi dưỡng bởi thù nghịch; chiến tranh là mẹ đẻ của chiến tranh. Trong địa chính trị, cũng như trong sinh hoạt đời thường, phương thuốc hay nhất là phòng ngừa. Khi quan hệ biến thái thành đối nghịch, lúc đó thật khó lòng lùi bước. Lãnh đạo TQ và Hoa Kỳ luôn nói đến tham vọng đem lại những quan hệ tốt đẹp giữa các siêu cường. Sự trỗi dậy của TQ không phải chỉ nhằm đem lại thịnh vượng cho 1,3 tỉ dân TQ, chắc cũng không phải nhằm đem lại thù nghịch hay xung đột với phần còn lại của thế giới.

Trong mọi trường hợp, tương lai sẽ hoàn toàn do chính chúng ta tạo dựng. Hòa bình hay chiến tranh, thế giới hình như luôn vận hành theo chu kỳ nhân quả.

 

Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

20-01-2010


[1] Coolly observe, calmly deal with things, hold your position, hide your capacities, bide your time, accomplish things where possible.

[2] There is a perception in China that the West needs China more than China needs the West.

[3] We used to hide our power - deny our power. But then, this became increasingly impossible as our strength increased.

[4] Many Chinese scholars suggest that the government give up the illusion of US partnership and face squarely the profound and inevitable strategic competition.

[5] Power changes nations. It expands their wants and desires, increases their sense of entilement, their need for deference and respect. It also makes them more ambitious. It lessens their tolerance to obstacles, their willingness to take no for an answer.

[6] Westernizing, dividing and weakening.

[7] The Stockholm Internatioal Peace Research Institute - SIPRI.

[8] Let the Chinese people, especially the youth, enhance their pride and self-confidence in the nation and prevent the rise of the worship of the West.

[9] On Tibet and Taiwan it's not just Chinese ministers who bang tables, but Chinese dissidents, too.

[10] This is a people with a sense of their past greatness, recent humiliation, present achievement and future supremacy. It's a potent mix.

[11] If we suppose that there are two options and they use tough measures...and the leader fails to resolve [a problem], he is justified. But if [he] uses too much honey and he fails, he is regarded as guilty by all future  generations.

[12] The thing you have to understand is that both of us think that the future belongs to us. We can't both be right.

[13] In the space of a decade, China has transformed itself from a sceptic of liberalized and preferential trade into one of their strongest proponents.

[14] Asia's various forums and treaties 'looks more like a list of cats and dogs than a coherent  and predictable framework for the future".

[15] I put this catechism to them: 'Do you think America should treat China as an equal if its power grows equal to America's?' The answer is always no. Then I ask, 'Do you think China will settle for anything less than being treated as equal?' The answer to that is always no, too. Then I ask, 'So how do you expect the US and China to get along?' I usually get a shrug by way of reply.

[16] The United States insists we do not seek to contain China's rise. On the contrary, we welcome China as a strong and prosperous and successful member of the community of nations.

[17] China's growing economy is joined by growing responsibilities.

[18] Until..it is determined that China's intent is indeed benign, it is critical that we maintain the readiness of our postured forces; continually reinforce our commitment to our allies and partners in the region; and meet each chalenge by the PRC in a professional manner that is consistent with internatioal law.

[19] China's interest in a peaceful and stable environment is difficult to reconcile with its evolving military capabilities.

[20] When it comes to human rights and religious freedom, China remains on the wrong side of history.

[21] America's complaint is "not that China says no to global responsibility or denies its role in world affairs, but rather that it declines to say yes to every US request".

 

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường