Những bài cùng tác giả

Dầu khí
luôn là trung tâm của mọi sinh hoạt ở Iraq hiện nay.
Ngay cả sự hiện hữu của một Iraq thống nhất tự nó đã
là một sản phẩm của dầu khí.
Năm
1920, dưới sự bảo trợ của Hội Quốc Liên - League of
Nations, Anh quốc đã cóp nhặt ba tỉnh Ottoman để tạo
lập Vương Quốc Iraq. Đó là Basra, Baghdad, và Mosul.
Mục tiêu là để khai thác tập đoàn Turkish Petroleum
Company, tiền thân của Iraq Petroleum Company - IPC.
Về sau, giới lãnh đạo Iraq có tinh thần quốc gia và
Đảng Baath của Saddam Hussein đã quốc hữu hóa IPC,
và từ đó, đã phải liên tục đương đầu với thái độ thù
nghịch của Anh và Mỹ. Hussein đã tưởng thưởng các
đồng minh Sunni trong đảng Baath qua việc bổ nhiệm
họ vào những chức vụ quyền lực trong công ty, một lý
do đưa đến quá trình rạn nứt nguy hiểm với phái
Shiite đa số ở Iraq. Và lịch sử cận đại của Iraq đã
được định hình bởi tác động của dầu khí.
Đã hẳn Iraq là một trong số các
quốc gia giàu năng lượng trên thế giới. Theo British
Petroleum - BP, Iraq có một trữ lượng dầu được kiểm
chứng 115 tỉ thùng (barrels), chỉ đứng sau Iran với
138 tỉ và Saudi Arabia 264 tỉ. Tuy nhiên, theo nhiều
nhà phân tích, tiềm năng dầu khí Iraq chưa được thăm
dò đúng mức, và nếu sử dụng kỹ thuật thăm dò hiện
đại, sẽ có thể tìm thêm được một số dự trữ từ 45
đến 100 tỉ thùng. Nếu tất cả số dự trữ đã được kiểm
chứng và có thể tìm thấy được khai thác đầy đủ, Iraq
có thể cung ứng thêm cho thế giới từ 6 đến 8 triệu
thùng mỗi ngày, như vậy, sẽ giúp đẩy lùi đỉnh điểm
sản xuất toàn cầu trước khi bắt đầu tiệm giảm.
DƯỚI
THỜI T T GEORGE W. BUSH
 
Donald Rumsfeld , Richard
Bruce (= Dick) Cheney
Khi
George W. Bush bắt đầu nhiệm kỳ Tổng Thống năm 2000,
Donald Rumsfeld hăm hở loan báo viễn kiến đầy tham
vọng đối với Vùng Trung Đông. Trong phiên họp Hội
Đồng An Ninh Quốc Gia, Rumsfeld tuyên bố: :"Thử
tưởng tượng vùng [Trung Đông] không có bóng dáng
Saddam và với một chế độ sẵn sàng đi theo quyền lợi
của Hoa Kỳ sẽ như thế nào. Điều đó sẽ làm thay đổi
mọi thứ trong vùng và mọi nơi khác".
  
David Frum , Nouri al-Maliki,
Charles Ries Một
viễn kiến còn táo bạo , hoang đường hơn, đã được
David Frum - người chuyên viết diễn văn cho TT Bush
- phát biểu với báo New York Times mấy ngày sau đó :
"Một sự lật đổ Saddam Hussein do Hoa Kỳ lãnh đạo
, và thay thế chế độ độc tài quá khích đảng Baath
với một chính quyền mới khắng khít hơn với Hoa Kỳ ,
sẽ đặt Hoa Kỳ vào địa vị toàn quyền chi phối vùng
Vịnh chặt chẽ hơn bất cứ cường quốc nào kể từ thời
đế quốc Ottomans , hay ngay cả đế quốc La Mã trước
đây". Ngày
1-5-2003, trên chiến hạm USS Abraham Lincoln, T T
Bush tuyên bố "các chiến dịch lớn...đã chấm dứt". Từ
đó, các lời tuyên bố phấn khởi kiểu Rumsfeld xìu xẹp
dần bởi các diễn tiến bất lợi trên chiến trường
Iraq. Dù thất vọng đến đâu, các quan chức trong
chính quyền Mỹ vẫn không từ bỏ tham vọng lớn lao lúc
ban đầu. Hoa Thịnh Đốn vẫn luôn tìm cách áp đặt một
chính quyền sẵn sàng hợp tác trong nỗ lực củng cố
địa vị bá chủ của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Tuy
nhiên, mặc dù với đợt tăng quân 2007, và mức độ bạo
động có phần giảm bớt trong năm cuối nhiệm kỳ, chính
quyền Bush vẫn khoa trương chiến lược mới của mình
đang trên đà chiến thắng. Trong cùng thời gian, có
nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Iraq, dưới sự
lãnh đạo của Thủ Tướng Nouri al-Maliki, trong trường
kỳ, chẳng mấy trung thành với quyền lợi của Hoa Kỳ.
Trong thực tế, chúng ta có thể thấy rõ thời điểm
thay đổi chính sách - khi nỗ lực khống chế Trung
Đông của Hoa Thịnh Đốn dứt khoát khó thể duy trì. Nhà
nước khách hàng - do chính quyền Bush đã dành nhiều
năm và nhiều tỉ đô la tạo lập, nuôi dưỡng, và bảo vệ
- ngày một tỏ ra thiếu trung tín, cũng như có khuynh
hướng và động lực đi theo đường lối riêng của mình.
Dưới áp lực chính trị nội bộ, Maliki đã khởi sự theo
đuổi xu thế mang tính quốc gia, đặc biệt trong hai
địa hạt: chính sách chiếm đóng của Mỹ và tương lai
dầu khí của Iraq. Trong chiều hướng nầy, al-Miliki
đã liên tục tìm cách tách khỏi chính quyền Bush và
thiết lập quan hệ thân thiện, nếu không công khai
đồng minh, với các xứ đối nghịch với Hoa Thịnh Đốn,
kể cả Iran. CHÍNH
SÁCH RÚT QUÂN CỦA MỸ
Biểu
tượng bi hài nhất của khuynh hướng độc lập mới mẻ
nầy là việc chính quyền Iraq chống đối đề nghị của
Hoa Thịnh Đốn về Thỏa Ước Qui Chế Quân Đội - status
of forces agreement (SOFA) - chấp thuận sự hiện diện
quân sự thường trực và không hạn chế của Mỹ ở Iraq. Với
Nghị Quyết LHQ đem lại tính chính đáng cho sự hiện
diện quân sự của Mỹ ở Iraq sắp mãn hạn, việc thương
thuyết SOFA trở nên thiết yếu. Cuộc thương thảo bắt
đầu với đề nghị phản ảnh tham vọng của Hoa Thịnh Đốn
- dùng Iraq làm căn cứ giúp Hoa Kỳ hoàn toàn kiểm
soát vùng Trung Đông. Cốt lõi của SOFA, lần đầu tiên
được tiết lộ cho báo chí vào tháng 6-2008, là chiếm
đóng lãnh thổ Iraq bằng một hiệp ước không mấy khác
chế độ thuộc địa thế kỷ 19:
1.
Không hạn chế số quân và thời gian chiếm đóng trong
58 căn cứ do Hoa Kỳ lựa chọn.
2. Nhà
cầm quyền quân sự và dân sự Mỹ có quyền sử dụng lãnh
thổ Iraq để tấn công các xứ láng giềng của Iraq
không cần chính phủ Iraq cho phép.
3. Hoa
Kỳ được quyền kiểm soát không phận Iraq cho đến cao
độ 30.000 feet; không lực Mỹ được quyền dùng không
phận Iraq vào các phi vụ tấn công các mục tiêu bên
trong Iraq, hay quá cảnh để tấn công các xứ khác.
4. Các
nhà thầu quân sự hay tư nhân Mỹ không thuộc thẩm
quyền tài phán Iraq, ngay cả đối với các hành động
không liên hệ tới trách nhiệm quân sự.
5. Các
bộ quốc phòng, nội vụ, và an ninh quốc gia Iraq, kể
cả việc tậu mãi vũ khí, phải chịu quyền giám sát của
Hoa Kỳ trong vòng 10 năm. Khi bị
tiết lộ, rõ ràng do các viên chức thương thảo Iraq,
đề xuất đã gặp sự chống đối của chính giới Iraq, từ
quốc hội đến dân thường. Đề xuất cũng bị ngay cả
lãnh tụ tôn giáo tối cao phái Shiite, Grand
Ayatollah Ali al-Sistani, lãnh tụ quyền lực nhất, tố
cáo. Sau đó chẳng bao lâu, thủ tướng Maliki cũng
tuyên bố bác bỏ đề xuất, khởi động một quá trình
thương thảo hỗn loạn theo đó người Iraq nhất quyết
chỉ chấp nhận một sự hiện diện khiêm tốn, có hạn
kỳ, cũng như một hạn chót nhất định để rút quân -
một phản đề nghị trái ngược với lập trường của chính
quyền Bush. Tháng
8-2008, khi các chi tiết đề xuất mới bắt đầu bị tiết
lộ, người ta được biết các nhà thương thuyết Mỹ đã
phải nhượng bộ nhiều điểm quan trọng. Theo các viên
chức Iraq trong cuộc, bản dự thảo thỏa hiệp mới đòi
hỏi quân Mỹ phải triệt thoái toàn bộ ra khỏi các
thành phố, nơi thường xảy ra các cuộc đụng độ, vào
cuối tháng 6-2009. Tất cả quân đội Mỹ - không phải
chỉ quân tác chiến - sẽ phải triệt thoái vào cuối
năm 2011. Nếu bản
dự thảo vừa tiết lộ được đem ra thi hành, Hoa Kỳ sẽ
phải bỏ lại 58 căn cứ , kể cả 5 căn cứ khổng lồ lâu
dài (five massive enduring bases) chính quyền Bush
đã phải bỏ ra hàng tỉ mỹ kim để xây cất. Hơn nữa,
địa bàn hoạt động cũng bị hạn chế rất nhiều: Hoa Kỳ
không được quyền tấn công các nước khác từ Iraq, khả
năng phát động các chiến dịch bên trong Iraq cũng bị
hạn chế, và miễn trừ tài phán chỉ dành cho nhân viên
quân sự khi tham gia các chiến dịch đã được chấp
thuận trước. Các khoản dự liệu trong thỏa ước mới là
kết quả mặc cả giữa hai phía. Ngoại trưởng
Condoleezza Rice tuyên bố dự thảo có thể chấp nhận
được , và giải thích một cách lúng túng thời hạn
rút quân - không phải là một nhật kỳ nhất định từ
lâu đã bị phía Mỹ cương quyết từ chối - chỉ là một
"kỳ hạn mong ước" (an aspirational time horizon) tùy
thuộc ở "điều kiện" (conditions) thực tế ở Iraq. Trong
một phản ứng trước làn sóng chống đối mãnh liệt của
dân Iraq đối với những nhận xét của Rice, Maliki lập
tức tuyên bố thỏa ước không thể chấp nhận được trừ
phi hạn chót rút quân phải được ấn định chắc chắn và
vô điều kiện. Trong một bài diễn văn, được phổ biến
rộng rãi, trước giới lãnh đạo các bộ lạc, Maliki
nói: bất cứ thỏa ước nào cũng phải cơ sở trên nguyên
tắc "không một quân nhân nước ngoài nào được lưu lại
Iraq sau một nhật kỳ định trước, không phải một
khung thời gian mở rộng".
Để làm rõ hơn ý của Maliki, một phụ tá thân cận đã
cho Associated Press biết thêm, " Quân đội Mỹ cuối
cùng phải rời Iraq vào cuối năm 2011, bất kể điều
kiện lúc đó như thế nào". Theo
tin tức báo chí, một đợt thương thảo bí mật sau đó
đã phục hồi một số đòi hỏi của người Mỹ, kể cả điều
khoản quân đội Mỹ (ngoại trừ các lính đánh thuê)
không thuộc thẩm quyền tài phán của Iraq, và hạn
chót rút quân chỉ áp dụng cho quân tác chiến. Những
nhượng bộ nầy của Maliki chắc chắn sẽ đưa tới một
đợt phản đối và đề kháng mới trên đường phố và trong
quốc hội. Dù kết
quả sau cùng ra sao, những cuộc thương thảo dở dang
cho thấy một khía cạnh mới lạ trong quan hệ giữa hai
chính phủ. Cho đến một ngày gần đây, giới lãnh đạo
Iraq luôn tìm cách thực thi các chính sách của chính
quyền Bush. Với thỏa ước SOFA, lập trường nầy đã cáo
chung, vì sự chống đối các đòi hỏi của Hoa Thịnh
Đốn. Với một sự hiện diện quân sự hùng mạnh, 146.000
quân, trên lãnh thổ Iraq, Hoa Thịnh Đốn chắc sẽ
thắng ít ra một vài hiệp đối đầu, nhưng điều chúng
ta có thể thấy trước: giấc mơ một chế độ gắn liền
với chính sách của Hoa Kỳ vẫn chỉ là một giấc mơ. DẦU KHÍ
VÀ CHỦ NGHĨA QUỐC GIA
Chính
sách dầu khí đã phản ảnh trung thực lập trường mới
trên đây. Ngay từ khi chiếm đóng Iraq, chính quyền
Bush đã tìm cách tăng gấp bốn số dầu sản xuất, qua
việc chuyển quyền kiểm soát kỹ nghệ dầu cho các đại
công ty đa quốc gia. các nhà làm chính sách ở Hoa
Thịnh Đốn tin, một khi được toàn quyền hành động,
các đại công ty sẽ tung tiền đầu tư canh tân hạ tầng
cơ sở sản xuất, sử dụng các kỹ thuật hiện đại nhất
để khai thác các khu dự trữ dầu đang nằm chờ, cũng
như thăm dò và khai thác các khu dầu mới.
Cho đến
năm 2007, chính quyền Iraq đã tích cực ủng hộ các
chính sách nầy, mặc dù đại đa số dân Iraq - kể cả
các nghiệp đoàn công nhân kỹ nghệ dầu hùng mạnh,
giới lãnh đạo tôn giáo, và đa số quốc hội - đã kịch
liệt chống đối, đòi hỏi chính quyền Iraq phải nắm
quyền kiểm soát. Năm 2004, chính quyền Iraq do người
Mỹ chỉ định đã hăm hở thỏa hiệp với Quỹ Tiền Tệ Quốc
Tế - IMF - trao quyền khai thác các khu dự trữ dầu
quan trọng của Iraq cho các đại công ty dầu quốc tế.
Khi các công ty nầy nhận thấy cơ sở pháp lý bảo đảm
đầu tư còn quá chênh vênh, chính quyền Iraq lập tức
soạn thảo luật dầu khí đem lại một nền tảng vững
chắc cho đầu tư ngoại quốc. Trong lúc chờ đợi, theo
khuyến cáo bán chính thức của các công ty dầu, các
kỹ thuật gia các công ty được cử giữ trách nhiệm
nhiều tác vụ kỹ sư khác nhau ở Iraq. Năm
2007, sau khi dự thảo luật dầu khí cuối cùng đã được
chuyển qua quốc hội, dự thảo liên tục gặp sự chống
đối. Các nghiệp đoàn công nhân dầu khí lập tức phát
động một phong trào đề kháng dữ dội chận đứng dự
luật. Tuy
vậy, chính quyền Bush vẫn quyết tâm gây áp lực thông
qua dự thảo luật. Họ không tiên liệu chính quyền
Maliki cũng đã trở thành một nguồn chống đối mới.
Charles Ries, trước khi rời chức vụ Đại Sứ Kinh Tế
Hoa Kỳ ở Iraq tháng 8-2008, sau một năm đầy thất
bại, đã tuyên bố với báo chí: "Khi mới đến đây...tôi
rất lạc quan, cả nghĩ, chỉ cần một hay hai tháng
[trước khi luật dầu khí được ban hành, nhưng] càng
hiểu rõ nội vụ...rõ ràng đây là một thử thách chính
trị lớn". Trong
thời gian Ries còn tại chức, ngay cả giới lãnh đạo
của Bộ Dầu Khí, lúc đó vẫn còn là một thành trì thân
Mỹ, cũng đã chống đối. Một triệu chứng là Bộ Dầu Khí
đã không thể hoàn thành năm hợp đồng không qua đấu
thầu (Five no-bid contracts, không bao gồm đầu tư
hay quyền khai thác) với tập đoàn dầu khí - do Exxon
Mobil, Royal Dutch Shell, BP, Total, và Chevron cầm
đầu - nhằm tăng số dầu sản xuất mỗi ngày thêm
500.000 thùng. Bộ trưởng dầu khí al-Shahrastani nói
với Wall Street Journal: lý do chính là các công ty
dầu muốn được dành ưu tiên trong các hợp đồng thăm
dò dầu tương lai. Lời bình luận nầy, cũng như những
cuộc thương thảo bất thành, ám chỉ việc chính quyền
Bush đã phải từ bỏ chính sách dầu khí Iraq ấp ủ từ
lâu. Thái độ
mới được nhấn mạnh khi Bộ Dầu Khí phục hồi thỏa ước
thời Saddam với CNPC, nay còn được ký thêm một hợp
đồng 3 tỉ USD triển khai khu dầu Ahdab. Với sự tranh
giành ngày một gay gắt quyền kiểm soát các nguồn dầu
khí nước ngoài giữa TQ và Mỹ, tính tượng trưng của
hành động nầy đã quá rõ ràng - nhất là từ khi một
hợp đồng trước đây đã bị Hoa Kỳ, lúc mới bắt đầu
chiếm đóng Iraq năm 2003, hủy bỏ một cách trắng
trợn. Hơn nữa, hợp đồng mới là một hợp đồng dịch vụ
với những điều khoản trái với chính sách của Hoa Kỳ
- đòi hỏi giảm bớt hay loại trừ quyền kiểm soát kỹ
nghệ dầu khí của chính quyền Iraq. Ngay
sau khi loan báo thỏa ước mới, Bộ trưởng dầu khí
Shahrastani đã đưa ra một tuyên bố mang tính độc lập
trong chính sách. Ông nói:"Số cung dầu khí [toàn
cầu] đủ đáp ứng và có thể vượt quá chút ít số cầu
thế giới hiện nay".
Điều nầy có nghĩa, thế giới thặng dư dầu, và vì vậy,
Iraq không cần phải vội vả ký kết bừa bải các thỏa
ước triển khai dầu khí có thể không có lợi cho Iraq
trong trường kỳ. Điều
nầy cũng có nghĩa một sự tấn công đối với tiền đề
căn bản của chính sách dầu khí Hoa Kỳ. Thực vậy, như
Phó T T Cheney đã nói trước hội nghị kỹ nghệ dầu khí
năm 1999: "Vào năm 2010, chúng ta cần thêm lối 50
triệu thùng mỗi ngày. Vậy số dầu đó lấy từ đâu ra?
Trong khi nhiều nơi trên thế giới có nhiều triển
vọng dầu khí, Trung Đông, với 2/3 trử lượng dầu thế
giới với giá rẻ, vẫn là nơi tọa lạc phần thưởng năng
lượng cuối cùng ". Năm
2001 - ngay trước biến cố 11-9 - Nhóm Đặc Nhiệm Năng
Lượng Cheney, phối hợp chặt chẽ với Hội Đồng An Ninh
Quốc Gia, luôn xem vùng Trung Đông giàu năng lượng
là tâm điểm của chính sách Trung Đông, định hình một
thế giới trong đó số cung dầu khí phải được gia tăng
để đáp ứng "số cầu gia tăng 50 triệu thùng mỗi
ngày". Các xứ
sản xuất dầu khí Trung Đông chưa bao giờ ưa thích
lối phân tích của Cheney và luôn đề kháng mọi nỗ lực
kích thích, khuyến dụ, hoặc cưởng ép phải gia tăng
số dầu sản xuất. Ngược lại, họ luôn xem sự thiếu hụt
dầu khí là kết quả tự nhiên của cơ chế thị trường,
có lợi cho kinh tế của chính họ. Với sự
thành công lúc đầu của cuộc chiến xâm lăng của Mỹ,
chính quyền Iraq có cơ trở thành một thành viên OPEC
sẵn sàng xé rào, chấp nhận các kế hoạch do Hoa Kỳ
yểm trợ, những kế hoạch trên lý thuyết sẽ tăng gấp
bốn số dầu Iraq sản xuất trong vòng 10 năm. Vì vậy,
những nhận định của Shahrastani là tín hiệu Iraq sẽ
trở lại hàng ngũ OPEC và có thể giúp mở đầu một kỷ
nguyên mới trong chính-trị-Iraq-thời- hậu-chiếm-đóng
trong đó chính quyền Iraq không còn là một đồng minh
đáng tin cậy của Hoa Kỳ. CHÍNH
SÁCH IRAQ CỦA HOA KỲ - MỘT THẤT BẠI
Các
hành động trên đây mặc nhiên phản ảnh một thái độ
mới, một sự tái thẩm định sự hiện diện của Hoa Kỳ ở
Iraq. Thủ Tướng Maliki và đội ngũ hình như đã chấp
nhận quan điểm của nhà báo Nir Rosen xem người Mỹ
cũng chỉ là một lực lượng dân quân, chỉ khác họ là
lực lượng hùng hậu nhất, trong các lực lượng ngoài
vòng luật pháp mà Iraq phải tìm cách loại bỏ. Chừng
nào chính quyền Iraq tích lũy đủ số petrodollars và
tìm được cách tách số ngoại tệ nầy khỏi nanh vuốt
của các ngân hàng và quan chức quản trị Mỹ, giới
lãnh đạo Iraq sẽ có đủ tài nguyên theo đuổi các
chính sách phản ảnh các mục tiêu riêng của họ. Sự
sụt giảm trong mức độ bạo động, được Hoa Kỳ xem như
dấu hiệu thành công của Mỹ, trong thực tế, đã tăng
tốc quá trình vừa nói. Nhờ đó, chính quyền Maliki
cảm thấy sự tồn tại của họ ít lệ thuộc vào sự hiện
diện của người Mỹ hơn, trong khi giúp tăng cường các
lực lượng trong nước và trong khu vực, chống lại
tham vọng của Hoa Thịnh Đốn ở Trung Đông. Tờ báo
uy tín ở Iraq, Azzaman, đã nói đến các lực lượng nói
trên trong một bài bình luận gần đây: "Iran đã
trỗi
dậy như một đối tác thương mãi hàng đầu. Các xí
nghiệp Iran đã hiện diện ở vùng Kurdish Bắc Iraq và
vùng Nam Iraq với những dự án hàng tỉ đô la. Hàng
hóa Iran đầy dẩy trong các cửa hàng Iraq. Mặc dù
dưới sự chiếm đóng và quản lý của Hoa Kỳ, Iraq đã
ngày một lệ thuộc nhiều hơn vào Iran, đến độ vài nhà
phân tích đã xem Iraq như một xứ vệ tinh của Tehran". Như để
chứng minh điều nầy, báo Azzaman quả quyết: Bộ Dầu
Khí và các bộ nòng cốt như Nội Vụ và Tài Chánh đang
ở trong tay phái Shiite thân Iran. Đơn cử các nguồn
tin từ Bộ Dầu Khí, tờ báo đã gợi ý những thay đổi
gần đây trong chính sách dầu khí, trong thực tế, đã
phản ảnh sức ép của Iran đòi hỏi phải loại trừ các
đại công ty dầu Hoa Kỳ khỏi các hợp đồng khai triển
các khu dầu quan trọng của Iraq. Báo
Azzaman có thể đã thổi phồng ảnh hưởng của Iran, bởi
lẽ rất nhiều nhóm ảnh hưởng bên trong Iraq tiếp tục
chống đối tham vọng của Hoa Thịnh Đốn về một chế độ
khách hàng. Quốc Hội, giới lãnh đạo tôn giáo Sunni
và Shia, các nghiệp đoàn hùng mạnh, và các phe kháng
chiến Sunni và Shia, tất cả đều chống đối sự tiếp
tục hiện diện và ảnh hưởng của Hoa Kỳ. BÀN CỜ
NĂNG LƯỢNG TRAQ
Trước
ngày xâm chiếm Iraq, trong khi hàng triệu người biểu
tình chống đối trên thế giới với những khẩu hiệu
"KHÔNG LẤY MÁU ĐỔI DẦU", "LÀM SAO DẦU CỦA MỸ LẠI NẰM
DƯỚI CÁT CỦA IRAQ"..., chính quyền Bush chẳng nhắc
gì đến khối trữ lượng dầu khổng lồ của Iraq. Trái
lại, T T Bush chỉ muốn tỏ ra quan tâm duy trì, không
phải "tài nguyên năng lượng", mà là "gia tài truyền
thống" của Iraq. Các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ
cũng hùa theo, phủ nhận khối trữ lượng dầu khí của
Iraq và Trung Đông là lý do của cuộc chiến. Trên báo
chí và truyền hình Mỹ, trong khi Iraq trên bờ bị xâm
lăng gây sốc và kinh hoàng, tin tức về trữ lượng dầu
khí, họa hoằn nếu có, cũng chỉ thoáng qua, mặc dù
kế hoạch bảo vệ Bộ Dầu Khí ở Baghdad và các khu sản
xuất dầu quan trọng trước nạn hôi của, cướp phá, hỗn
loạn, trong tháng 4-2003, dĩ nhiên, có được tường
thuật, nhưng cũng chỉ qua loa. Trong
bối cảnh đó, thật chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi
một câu ngắn gọn , trong tập hồi ký dày 500 trang
nhan đề The Age of Turbulence (Kỷ Nguyên Biến
Động) của nguyên chủ tịch Cục dự trữ Liên Bang ,
Alan Greenspan , đã gây sóng gió ở Hoa Thịnh Đốn vào
cuối tháng 9-2007. Greenspan viết : “Tôi lấy làm
buồn là trên phương diện chính trị thật không tiện
chút nào khi xác nhận một điều mọi người đều biết :
cuộc chiến Iraq chủ yếu là vì dầu hỏa”[9].
Là viên chức cao cấp đầu tiên nói ra điều đó,
Greenspan dồn dập được yêu cầu diễn giải rõ thêm ,
nhất là sau khi nhiều quan chức khác trong chính
quyền lên tiếng phủ bác .Tony Fratto , người phát
ngôn của Tòa Bạch Ốc , còn châm biếm gọi đây là “lối
phân tích trong các tiệc rượu Georgetown”
(Georgetown cocktail party analysis) , hàm ý mỉa
mai --“một câu chuyện đầu môi chót lưỡi trong những
lúc trà dư tửu hậu”. Và dưới áp lực của Tòa Bạch Ốc,
Greenspan đã vội vã rút lui. Trong
mọi trường hợp, ngày nay ván bài dầu khí Iraq hình
như sắp đến hồi kết thúc. Ngày 29-9-2007, chính
quyền Iraq loan báo, lần gia hạn Nghị Quyết Hội Đồng
Bảo An LHQ hằng năm sắp tới về sự hiện diện của lực
lượng đồng minh - căn bản pháp lý duy nhất cho phép
Mỹ tiếp tục chiếm đóng - sẽ là lần cuối. Kế tiếp có
thể đến lượt loan báo chấm dứt Nghị Quyết Hội Đồng
Bảo An, ít được lưu ý hơn, về việc quản lý số tiền
thu nhập từ việc bán dầu.Theo Bộ Trưởng Ngoại Giao
Hoshyar Zebari, ngày 31-12-2008, chính quyền Iraq dự
định thay thế Nghị Quyết hiện nay về lực lượng an
ninh đa quốc gia bằng một thỏa ước an ninh song
phương với Hoa Kỳ, tương tự các thỏa ước giữa Hoa Kỳ
và Kuwait, Saudi Arabia, và vài xứ Trung Đông khác.
HĐBA LHQ luôn kết hợp việc gia hạn Nghị Quyết về lực
lượng an ninh đa quốc gia với Nghị Quyết thứ hai
liên quan việc điều hành số thu nhập từ tiền bán
dầu. Việc nầy được thực hiện qua Quỹ Phát Triển
Iraq, một tài khoản do một định chế thứ ba quản trị
(escrow account), một định chế do nhà cầm quyền
chiếm đóng thiết lập sau khi lật đổ chế độ Saddam
Hussein và được HĐBA-LHQ phê chuẩn với Nghị Quyết
1483. Hồi kết của ván bài dầu khí sẽ đến khi Iraq
loan báo Nghị Quyết nầy cũng sẽ chấm dứt trong một
kỳ hạn chắc chắn, nhường chỗ cho những thỏa ước phát
triển tài nguyên (dự liệu bởi thỏa ước an ninh),
tương tự với những thỏa ước của các xứ Trung Đông
khác. Hồi kết
sắp đến như Antonia Juhasz đã nói rõ trong bài bình
luận "Whose oil is It, Anyway?"đăng ở báo The New
York Times:
"Các xứ
láng diềng của Iraq như Iran, Kuwait, và Saudi
Arabia, đều không cho phép các nước ngoài được quyền
kiểm soát quá trình khai thác dầu khí. Họ chỉ mướn
các công ty ngoại quốc như những nhà thầu cung cấp
các dịch vụ đặc biệt khi cần, trong một thời gian
hạn định, và không dành cho các công ty nước ngoài
được có bất cứ quyền lợi trực tiếp nào trong số dầu
sản xuất". Ngược
lại, pháp chế về dầu khí đang được bàn thảo trước
quốc hội Iraq dự liệu cho phép các công ty nước
ngoài ký kết những hợp đồng dài hạn 20-35 năm, loại
hợp đồng các xứ sản xuất dầu khí láng diềng luôn cấm
đoán từ nhiều thập kỷ nay, cũng như đặt kỹ nghệ dầu
khí dưới quyền kiểm soát của một ủy ban với thành
viên được chỉ định gồm đại diện của các công ty dầu
quốc tế có đầy đủ quyền bỏ phiếu. Theo
tin tức báo chí lúc đó (2007), chính phủ được bầu
chọn ở Iraq - đang sử dụng chủ quyền, mặc dù bị hạn
chế, để ấn định ngày chấm dứt sự chiếm đóng của Hoa
Kỳ - đã đảo lộn chiều hướng thảo luận tại quốc hội
về thời điểm chấm dứt sự chiếm đóng của Hoa Kỳ một
cách an toàn. Trong mọi trường hợp, nếu Iraq phục
hồi toàn bộ quyền kiểm soát độc lập số dự trữ dầu
lớn thứ ba trên thế giới - từ 200 đến 300 tỉ thùng
với trị giá khoảng 30.000 tỉ USD hiện nay, các cơ
quan truyền thông chính thống quốc tế một lần nữa
có thể chính thức đặt lại câu hỏi: Cuộc chiến Iraq
phải chăng là một cuộc chiến vì dầu khí ngay từ đầu? Như đã
nói ngay từ đầu bài viết, Alan Greenspan đã tin là
đúng như vậy. Khi được hỏi, tướng John Abizaid,
nguyên tư lệnh CENTCOM, người đã lãnh đạo trong ba
năm rưởi guồng máy chiếm đóng Iraq của Mỹ, cũng đồng
ý. "Đã hẳn đó là cuộc chiến vì dầu, chúng tôi thực
sự không thể chối cãi điều đó", ông đã phát biểu
trong cuộc hội luận bàn tròn ở Đại Học Stanford.
Những lời thú nhận nầy đã xác quyết những nghi ngờ
của giới quan sát. Nhà phân tích kỳ cựu về các vấn
đề an ninh, Thomas Powers, đã nhận định trên tạp chí
New York Review of Books:
"Điều
người ta chỉ e ngại người Nga có thể làm [khi xâm
lăng Afghanistan trong thập kỷ 1980s], người Mỹ
trong thực tế đã làm - họ đã tự đặt mình vào chính
giữa hồ chứa dầu lớn nhất thế giới, trong vị trí có
tiềm năng kiểm soát sự vận chuyển dầu và cưỡng chế
chính quyền các nước khác đang phải lệ thuộc vào số
dầu liên hệ. Người Mỹ, dĩ nhiên, không nghi ngờ gì
động lực của chính họ, nhưng người nước ngoài thì
khác. Phản ứng của người Nga , người Đức, và người
Pháp, trong những ngày tháng trước cuộc chiến, cho
thấy không ai muốn trao cho người Mỹ quyền mà
[nguyên cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew] Brzezinski
trước kia đã e ngại là mục tiêu người Nga theo đuổi". Cố
nhiên, người Mỹ lấy cớ Hoa Kỳ chỉ nhập khẩu rất ít
dầu từ Iraq, nhưng điều quan trọng rõ ràng không
phải số dầu Iraq xuất khẩu hiện nay, mà là toàn bộ
khối dự trữ dầu của Iraq. Trước
ngày tiến chiếm Iraq tháng 3-2003, tỉ phú truyền
thông, Rupert Murdoch, nói, "điều tốt nhất biến cố
nầy đem lại cho kinh tế thế giới, nếu có thể nói như
vậy, là dầu khí 20 USD một thùng".
Trò chơi đế quốc lớn nhất của chính quyền Bush trong
thế kỷ 21 là Iraq có thể trở thành một thứ Tây Đức
hay Nam Hàn trong vùng Vịnh Ba Tư - một cộng hòa
liên bang với một nền kinh tế xuất khẩu dầu giàu
mạnh, một mực sống đi lên, và một số căn cứ Hoa Kỳ
bảo đảm sự thống trị dài lâu của Mỹ trong một vùng
chiến lược giàu tài nguyên nhất của hành tinh. Người
Mỹ đã đánh mất nửa chính trị của trò chơi, nhưng vẫn
nhất thiết không chịu chấp nhận sự mất mát nửa kinh
tế hay dầu khí còn lại mà không chiến đấu cho đến
cùng. Có lẽ năm căn cứ khổng lồ có thể chứa 20.000
binh sĩ mỗi căn cứ, và Ṭòa Đại Sứ lớn nhất thế giới
trong khu Green Zone, có thể đủ sức duy trì sự kiểm
soát trữ lượng dầu , ngay cả khi chà đạp lên luật
pháp quốc tế và ước muốn chính thức của nhân dân
Iraq - nhưng có lẽ là không. BLACKWATER
VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA IRAQ
Chúng
ta còn nhớ sau vụ nhân viên Blackwater thảm sát 17
thường dân Iraq ở quảng trường Baghdad, Thủ Tướng
al-Maliki đòi hỏi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải bải
nhiệm và chế tài công ty an ninh tư, Blackwater USA,
công ty có trách nhiệm bảo vệ nhân viên ngoại giao
Hoa Kỳ ở Iraq. Maliki còn đòi hỏi phải hủy bỏ mọi
miễn trừ tài phán do Toàn Quyền L. Paul Bremer III
dành cho tất cả các công ty an ninh tư từ năm 2004.
Quá bất ngờ và ngạc nhiên, lúc đầu chính quyền Bush
ra lệnh Blackwater tạm ngưng hoạt động, nhưng rồi
lại ngang nhiên cho phép tái hoạt động và dịch vụ
bảo vệ an ninh vẫn do Blackwater cung cấp. Mấy ngày
sau, Bush gặp al-Maliki ở New York để thảo luận vấn
đề được cố vấn an ninh quốc gia Stephen Hadley gọi
là Chủ Quyền Iraq. Ai là người sẽ phải xuống nước?
Chúng
ta phải chờ xem. Nhưng ngay sau khi người Iraq kết
thúc điều tra với đòi hỏi bồi thường 8 triệu USD cho
mỗi nạn nhân bị sát hại, báo chí loan tin Blackwater
đang trên đường rời khỏi nhiệm vụ bảo đảm an ninh
cho nhân viên ngoại giao Mỹ ở Iraq, chậm nhất trong
vòng 6 tháng như al- Maliki đòi hỏi. Tuy nhiên, sau
đó Blackwater vẫn tiếp tục được Bộ Ngoại Giao Mỹ ký
nhiều hợp đồng an ninh béo bở khác. Chuyên viên
Blackwater, Jeremy Scahill, đã cho Bill Moyer biết,
mất hợp đồng ở Iraq không mấy thiệt hại cho
Blackwater nhưng đã gây nhiều phền toái cho hoạt
động ngoại giao ở Iraq. Khi cố tình thách thức Bộ
Ngoại Giao Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng, chính
quyền al-Maliki, vốn yếu đuối và thiếu chủ quyền,
đột nhiên tỏ ra khá táo bạo. Nhưng,
đối với Hoa Thịnh Đốn , dầu - chứ không phải
Blackwater - mới thật sự quan trọng. Tháng 9- 2007,
sau khi dự luật dầu khí do Mỹ thúc đẩy, một mốc quan
trọng đối với cả Bạch Ốc và Quốc Hội Hoa Kỳ, bị các
nhà lập pháp Iraq chận đứng, biến cố quyết định -
coup de grâce - lại tiếp đến với thỏa ước vô trách
nhiệm giữa KRG và công ty Hunt Oil of Dallas, Texas,
dưới sự lãnh đạo của Ray L. Hunt, đồng minh lâu năm
và thành viên Hội Đồng Tình Báo Hải Ngoại của Tổng
Thống Bush. Thỏa Ước, trái với đường lối của chính
quyền trung ương Iraq, cho phép Kurdistan khai thác
riêng rẻ tài nguyên dầu khí trong khu vực dưới
quyền. Người Kurds, do đó, đã vi phạm trắng trợn
luật dầu khí đang được quốc hội Iraq thảo luận.
Trong thực tế, thỏa ước đã khiến luật dầu khí khó có
triển vọng được thông qua trước khi Nghị Quyết Quỹ
Phát Triễn mãn hạn.
HỒI
CUỐI CỦA VÁN BÀI DẦU KHÍ IRAQ
Nếu
luật dầu khí không được thông qua kịp thời, các phe
phái bên trong Iraq sẽ theo gương người Kurds thương
thảo với bất cứ đối tác nào những thỏa ước tương tự.
Chính quyền trung ương Iraq, ngay cả khi mất quyền
kiểm soát người Kurds ở phía Bắc và người Sunni ở
phía Tây, vẫn có thể chuẩn uy chính-sách-tài-nguyên-
riêng-rẻ (resource-separatism), qua việc ký các hợp
đồng khai thác dầu trong phạm vi lãnh thổ dưới quyền
kiểm soát của mình. Như vậy, một Iraq gồm chín tỉnh
với người Shiite chiếm đa số, giàu năng lượng, thân
Iran, có thể thương thảo một thỏa ước riêng, có lẽ
ngay cả với Trung Quốc luôn sẵn sàng chờ đón. Lúc
đó, liệu một áp lực phối hợp quân sự với ngoại giao
của Mỹ có đủ sức chận đứng một hậu quả bất lợi có
thể xảy ra?
Nhiều
người ở Hoa Thịnh Đốn cũng cùng ý nghĩ. Ngay trước
khi dự luật dầu khí Iraq sụp đổ, Bộ Thương Mãi Hoa
Kỳ lặng lẽ tuyển dụng một cố vấn pháp lý, biết tiếng
Á Rập, giữ nhiệm vụ cố vấn kỹ thuật giúp chính quyền
Iraq tạo dựng một môi trường pháp lý và thuế vụ
thuận lợi cho hoạt động của giới đầu tư bản xứ và
ngoại quốc trong các khu vực kinh tế then chốt của
Iraq, bắt đầu với khu vực tài nguyên khoáng sản
(đúng ra là khu vực dầu khí). Kết quả: môi trường
mới - phần lớn trùng hợp với Quỹ Phát Triển Iraq và
Hội Đồng Tư Vấn và Giám Sát Quốc Tế -có nhiệm vụ,
theo Quyết Nghị 1483 của HĐBA-LHQ, giám sát mọi tác
vụ xuất khẩu dầu khí, sản phẩm dầu khí, và hơi đốt
thiên nhiên, từ Iraq... đúng với các tập tục mãi
dịch quốc tế tốt nhất hiện nay. Phải chăng Bộ Thương
Mãi Hoa Kỳ đang lên kế hoạch khai tử Hội Đồng Tư Vấn
và Giám Sát Quốc Tế? Cũng giống như Tòa Đại Sứ và
năm căn cứ quân sự khổng lồ, việc làm của nhân viên
Bộ Thương Mãi Hoa Kỳ phản ảnh nhu cầu hiện diện liên
tục của Hoa Kỳ ở Iraq, kể cả trong khu vực dầu khí,
sau ngày 31-12-2008.
Trong
mọi trường hợp, ngày nào sự chiếm đóng chấm dứt một
cách hợp pháp, ngày nào quyền kiểm soát dầu khí được
trả lại - ít nhất một cách hợp pháp - cho người
Iraq, chuyên viên Bộ Thương Mãi Hoa Kỳ sẽ không thể
giữ một vai trò đáng kể. Thay vào đó, một vai trò
mới sẽ mở ra cho tập thể các chuyên viên người Iraq
cho đến lúc đó bị gạt ra ngoài lề. Công Ty Dầu Khí
Quốc Gia Iraq - INOC - bắt đầu hoạt động từ năm
1961. Di sản của INOC bao gồm một lực lượng công
nhân dầu khí lành nghề. Trong thực tế, đáng kể nhất
trong số người chống lại dự luật dầu khí, do người
Mỹ bảo trợ và đã mai một, là Liên Hiệp Nghiệp Đoàn
Dầu Khí Iraq -IFOU. Đoàn viên của IFOU chống lại các
điều khoản luật dự liệu cho phép tuyển dụng các công
nhân dầu nước ngoài thay vì người Iraq và loại bỏ sự
tham gia của các nghiệp đoàn trong việc thương thảo
các hợp đồng lao động. Các cuộc phản đối của IFOU đã
nhận được thư hỗ trợ mang chữ ký của sáu nhân vật
được giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Tuy
nhiên, khai thác dầu khí là lãnh vực cực kỳ phức
tạp. Ngoài tập thể chuyên gia bản xứ, kỹ năng và tư
bản nước ngoài vẫn còn thiết yếu. Đối với chính
quyền trung ương, hiện ở trong tay người Shiite,
nguồn cung cấp đáng tin cậy kỹ năng chuyên môn, công
nhân lành nghề, và ngay cả tư bản bổ túc, hình như
vẫn là Iran. Hiện nay, Hoa Kỳ đang trang trải phần
lớn lương bổng ở Baghdad. Tuy nhiên, Tổng Thống
Iran, tiên liệu ngày người Mỹ triệt thoái, đã tuyên
bố sẵn sàng "điền vào chỗ trống, với sự hỗ trợ của
các nước láng diềng và thân hữu trong vùng như Saudi
Arabia, và nhân dân Iraq". Lời mời gọi Saudi Arabia
cộng tác - một xứ với một dân số ít ỏi và yếu kém
về quân sự - xem ra không mấy thành khẩn, nhưng Iran
không thể không lên tiếng. Như nguyên đại sứ Peter
Galbraith giải thích: "Từ năm 2005, chính quyền Iraq
do phái Shiite lãnh đạo đã ký kết nhiều thỏa ước
kinh tế, chính trị, quân sự với Iran. Hiệp định quan
trọng nhất đã kết hợp trữ lượng dầu khí chiến lược
giữa hai quốc gia qua việc xây dựng tuyến đường ống
dẫn dầu từ Nam Iraq đến Iran, trong khi một hiệp
định khác đã dự liệu: Iran cam kết cung cấp viện trợ
quân sự rộng rãi cho chính quyền Iraq".
Ngày 17-10-2007, chính quyền al-Maliki một lần nữa
đã phô trương tiềm lực qua việc ký kết các hợp đồng
trị giá 1,1 tỉ USD với Iran và Trung Quốc xây cất
các nhà máy điện khổng lồ trong khu phố Shiite Sadr
ở Baghdad và giữa hai thành phố Shiite thiêng liêng
- Najaf và Karbala.
Triễn
vọng trong hồi kết ván bài dầu khí Iraq - phe thắng
có thể là Iran Shiite (và gián tiếp, Trung Quốc) -
có thể giúp giải thích vì sao gần đây phía Mỹ đã lên
tiếng kêu gọi thay thế Thủ Tướng al-Miliki, một tín
đồ Shiite ngoan đạo. Tuy nhiên, ngay cả khi áp lực
của người Mỹ đưa đến sự ra đi của al-Maliki, quốc
hội Iraq cũng không thể cùng lúc bị loại. Lời loan
báo của Thủ Tướng al-Maliki - lần gia hạn sứ mệnh
quân sự đa quốc gia sắp tới sẽ là lần cuối - trong
thực tế, là để đáp lại quyết nghị mang tính ràng
buộc của quốc hội: lần gia hạn tới, khác với những
lần gia hạn trước đây, có thể không chỉ do Thủ Tướng
yêu cầu, mà còn phải do khuyến cáo và đồng thuận của
quốc hội. Quốc hội đã một lần biểu quyết, trong một
quyết nghị không mang tính bắt buộc, đòi hỏi Hoa Kỳ
phải ấn định một thời biểu triệt thoái.
Mặc dù
chưa vững chải, chính quyền Iraq đã được quốc tế
công nhận tính hợp pháp, và al-Maliki, dù bị đánh
giá thấp, rõ ràng không phải không có thực lực khi
cần khẳng định chủ quyền đối với sự tự trị của người
Mỹ bên trong biên giới Iraq. Trong vụ
"Blackwatergate", al-Maliki đã tìm được điểm gây sức
ép đáng kể: tuyên bố không một luật mới nào sẽ được
biểu quyết chấp thuận ở Iraq cho đến khi vấn đề
Blackwater được giải quyết thỏa đáng theo đúng đòi
hỏi của chính ông. Và al-Miliki cũng không phải chỉ
nói bâng quơ khi cảnh cáo các người Mỹ chỉ trích
ông: "chúng tôi có thể tìm được bạn nơi khác"
Thời
điểm mãn hạn sứ mệnh của lực lượng đa quốc gia do
Iraq ấn định đã trùng hợp với thời điểm cuối nhiệm
kỳ của chính quyền Bush. Câu hỏi hồi kết giờ đây có
thể trở thành: Chính quyền Hoa Kỳ có thể đi bao xa
trong việc từ bỏ nghị trình trước đây và trả Iraq
lại trạng thái tiền chiến - vai trò lãnh đạo của
phái Sunni, được Mỹ yểm trợ, trong chính trị nội bộ
Iraq. Đã hẳn điều nầy sẽ đưa đến hậu quả một Iraq
được vỏ trang thù nghịch với kẻ thù của Mỹ trong khu
vực - Iran, và chịu cộng tác trở lại với OPEC, do
Saudi giữ địa vị áp đảo, trong việc điều hành và
quản lý thị trường dầu khí quốc tế, tất cả dưới sự
che chở quân sự của Hoa Kỳ.
Liệu
giấc mơ trừ bị hiện nay - vẫn là giấc mơ Tổng Thống
Bush cha đã ấp ủ sau cuộc chiến Vùng Vịnh I - tạo
dựng ở Baghdad một Saddam Hussein tốt hơn, dịu hiền
hơn, và dễ dàng thuyết phục và điều khiển bởi Mỹ?
Thời
gian sẽ đem lại câu trả lời. Nhưng dân Mỹ không còn
nhiều kiên nhẫn. Lấy máu đổi dầu không bao giờ là
một trao đổi hấp dẫn. Nhưng đổ máu quá nhiều mà
chẳng được tí dầu nào lại là một cách làm ăn quá tệ
hại. Trước
những trào lưu đó, ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với
chính quyền Iraq, mặc dù vẫn còn rất lớn, đang trên
đà xuống dốc. Chính quyền Bush trước đây và chính
quyền Obama hiện nay, có thể phải đương đầu với một
tình thế lưỡng nan: hoặc chấp nhận một hình thức
triệt thoái nào đó do chính quyền Iraq đòi hỏi hoặc
leo thang chiến tranh lần nữa để áp đặt một chính
quyền chịu đi theo quyền lợi của Hoa Kỳ. Lời
tuyên bố gần đây của Ngũ Giác Đài - trên phương diện
quân sự, chỉ một sự giảm bớt quân số rất khiêm tốn
mới có thể thực hiện được trong một tương lai gần -
có thể là một dấu hiệu của tình trạng lưỡng nan vừa
nói. Không có một sự bổ sung quân số lớn lao, xét
cho cùng, người Mỹ khó lòng thuyết phục được chế độ
al-Miliki chịu đi theo chính sách của Hoa Thịnh Đốn.
Vấn đề
vẫn nguyên vẹn: Điều gì có thể giúp đảo ngược các
lực ly tâm đẩy Iraq ra khỏi quỹ đạo Hoa Thịnh Đốn?
Phải chăng chiến lược leo thang cuối cùng (surge
strategy) của Bush đã chấm dứt tham vọng bá chủ của
Hoa Kỳ ở Trung Đông?
Nếu
trường hợp nầy xảy ra, một câu hỏi mới chắc sẽ được
nêu lên nay mai trong chính trường quốc nội Hoa Kỳ:
Ai đã để mất Iraq?
© GS
Nguyễn Trường
Irvine,
California, USA
31-8-2009
Imagine what the region would look like without
Saddam and with a regime that’s aligned with
U.S. interests. It would change everything in
the region and beyond. Michael Schwartz: Why Did
We Invade Iraq Anyway ? The Nation Institute ,
30-10-2007.
American-led overthrow of Saddam Hussein , and
the replacement of the radical Baathist
dictatorship with a government more closely
aligned with the United States , would put
America more wholly in charge of the region than
any power since the Ottomans, or even the Romans .
Michael Schwartz, đd.
[9]
…I am saddened that it is politically
inconvenient to acknowledge what everyone knows:
the Iraq war is largely about oil, Michael
Schwartz, Why Did We Invade Iraq Anyway ?
The Nation Institute , 30-10-2007.
What it was only feared the Russians might do
[by invading Afghanistan in the 1980s] the
Americans have actually done - they have planted
themselves squarely astride the world's largest
pool of oil, in a position potentially to
control its movement and to coerce all the
governments who depend on that oil. Americans
naturally do not suspect their own motives but
others do. The reaction of the Russians, the
Germans, and the French in the months leading up
to the war suggests that none of them wished to
give Americans the power which [former national
Securuty Adviser Zbigniew] Brzezinsky had feared
was the goal of the Soviets.
|