Paul Krugman và khủng hoảng 2008

Vietsciences- Nguyễn Trường            25/04/2009
 

Những bài cùng tác giả

Trong cuốn Principles of Political Economy, John Stuart Mill viết, chúng ta thường nghe nói chính quyền cần phải tự giới hạn vào việc bảo vệ người dân chống lại bạo lực và lừa đảo; ngoài ra người dân phải được hoàn toàn tự do để có thể tự mình lo toan cho chính mình. Nhưng tác giả lại tự hỏi, trước các tai ương của kinh tế thị trường, tại sao người dân lại không được chính quyền bảo vệ sâu rộng hơn nữa - có nghĩa là bởi sức mạnh tập thể của chính họ? 

Cũng như Mill, Paul Krugman, người được giải Nobel kinh tế năm 2008, rất tán thưởng các canh tân, nhưng không thích những cuộc khủng hoảng, do chủ nghĩa tư bản đem lại. Krugman nghĩ, chính quyền phải có trách nhiệm tạo điều kiện dễ dàng cho canh tân và bảo vệ người dân chống lại khủng hoảng. Krugman không tin người dân có thể được giới tài phiệt, ngay cả phần đông các kinh tế gia, che chở và bảo vệ, trừ phi chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo những trò chơi tinh vi, xảo quyệt để giúp các nhà lập pháp đạt được đồng thuận về phương cách quy định, giám sát. Mill nghĩ chúng ta phải thấu triệt tính động của kinh tế chính trị chứ không chỉ tính tỉnh của môn học nầy. 

Chính vì vậy, trong hai mươi năm qua, Krugman đã miệt mài theo dõi các mô hình, phân tích các con số, và đưa ra nhiều cảnh báo, như trong tác phẩm bị đánh giá một cách hết sức sai lầm - The Return of Depression Economics (1999), một tác phẩm hàng đầu về sự sụp đổ tài chánh của Nhật, các con rồng Á châu, và châu Mỹ La Tinh, rõ ràng với mục đích cảnh báo người Mỹ về những nguy cơ cho chính họ. Tác phẩm đã ra đời vào một thời điểm cực kỳ bất lợi, vào đúng cuối thiên niên kỷ thứ hai. Cuộc cách mạng kỹ thuật đang nở rộ, Google vừa tròn một năm tuổi, và Enron được liên tiếp bầu chọn là công ty đáng khen ngợi trong bốn năm liền. Cùng lúc, ngân sách thặng dư, Tòa Bạch Ốc, Clinton, Cục Dự Trữ Liên Bang và Quốc Hội, đều nhất trí: quy định và giám sát credit default swaps là một sỉ nhục đối với tính chuyên nghiệp của giới ngân hàng đầu tư. 

Còn đối với các vấn đề gần đây đã gây khó khăn cho các nền kinh tế trên thế giới thì sao? Phải chăng Wall Street đang ôn tập cuộc thoái trào của Nhật? Các định chế tài chánh mang nặng tính chính trị  của Mexico? Quản trị viên nào của một công ty bảo hiểm Hoa Kỳ, luôn đầy đủ thông tin,và luôn trung thành với giá trị của cổ đông, đã cho phép ban quản lý nhận bảo kê cho các vụ cá cược , hay các giao dịch đầy rủi ro bất trắc, chẳng chút dè dặt? Và các vị tổng thống liên tiếp của Hoa Kỳ cũng làm ngơ! Người ta bảo Krugman chẳng hiểu gì hết. 

Trong thực tế, tác phẩm The Return là cuốn sách cuối cùng Krugman xuất bản trước khi viết bài cho trang biên tập của báo The New York Times, trong đó tác giả kiên trì kêu gọi phải minh bạch, giản dị, và bảo đảm an toàn cho giới làm công. Krugman vận động tích cực thiết lập một chương trình bảo hiểm y tế quốc gia cho toàn dân; đả kích biện pháp giảm thuế của Dick Armey và những vận động thầm lén của Karl Rove. Sau cuộc tuyển cử 2004, Krugman đã đơn thương độc mã gây áp lực buộc các dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa đang do dự, phải từ bỏ đề nghị của Bush cho phép Aunt Sheila tự mình đầu tư một phần tiền an sinh xã hội của bà vào thị trường chứng khoán. Từ năm 2006, Krugman đã là người khởi xướng phục hồi lý thuyết Keynes; và từ hơn một năm nay, đã sớm cảnh báo một cuộc khủng hoảng kiểu Argentina đang rình rập, vì lẽ các nhà đầu tư toàn cầu không sớm thì muộn sẽ hiểu: ngay cả người Mỹ cũng không thể thu hút hết số tiết kiệm thặng dư trên thế giới; và các thủ thuật, tinh vi thì ít mà ngụy xảo thì nhiều1, trên các các thị trường tài chánh Hoa Kỳ. 

Trong cuốn The Return, được cập nhật, Krugman muốn lặp lại những luận cứ đưa ra từ lâu: một định chế tài chánh chúng ta không dám để cho phá sản hay thất bại, chúng ta cũng không thể để tự tung tự tác, thiếu quy định và giám sát; một cộng đồng xã hội phải sử dụng quyền chi tiêu và đầu tư và nhất là để hỗ trợ phát triển khi các thị trường ít nhiều tự do cũng ít nhiều khó tránh làm chúng ta thất vọng.2 

Cuốn The Return chỉ dày 191 trang nhưng tác giả lại rất tham vọng, một lúc bàn đến ba vấn đề đang được tranh cãi. 

Đề tài thứ nhất phác họa phương cách các thị trường tài chánh Á châu và châu Mỹ La Tinh đã gây ra những cuộc thoái trào bất thần, hay những vòng xoáy lạm phát, hay những nạn phá giá tiền tệ, hay cùng lúc tất cả những tai họa đó. Nhiều chính quyền, ngay cả những chính quyền cố gắng theo đuổi những quy luật thuế khóa tài chánh bảo thủ, phải đối đầu với những lựa chọn gay cấn: hoặc từ chối in thêm tiền, ráng chịu đựng thoái trào và để người dân gặp nhiều khó khăn tức khắc; hoặc in thêm tiền, làm nản lòng giới đầu tư, và để người dân phải chịu hậu quả trong tương lai. 

Loại bút chiến thứ hai vạch rõ những đường song song giữa những gì đã xảy ra và có thể xảy ra --trong thực tế , những gì đang xảy ra -- ở Mỹ, ở Âu châu và những xứ phát triển trên thế giới, cho thấy những xáo trộn sắp xảy ra và những giải pháp cần theo đuổi. Krugman chán ngán khi nghĩ đến các kinh tế gia, nhất là Ben Bernanke, một đồng nghiệp ở Đại Học Princeton, người luôn tin tưởng các quan chức thuộc Bộ Ngân Khố và Cục Dự Trữ Liên Bang đã thành công trong việc khai triển các phương sách giảm thiểu bất quân bình kinh tế đến mức các qui định và giám sát không còn cần thiết, và từ chu kỳ kinh tế đã trở thành lỗi thời.  

Vấn đề gây tranh cãi thứ ba là những luận cứ rải rác trong toàn bộ tác phẩm liên quan đến phương cách các thay đổi trong nền kinh tế đích thực - những doanh nghiệp sản xuất , vận chuyển, thiết kế mọi thứ hàng hóa - đã định hình hay được định hình bởi các thị trường tài chánh như thế nào. Nhất là bằng cách nào các thay đổi mang tính cách mạng trong kỹ thuật tin học  - đầu mối những thay đổi trong cấu trúc các công ty và các điều kiện cạnh tranh - đã đem lại một mô hình tài chánh thay đổi? Hoặc bằng cách nào những thay đổi vừa nói có thể đưa đến một lề lối điều hướng mới (revised superintending) các chu kỳ kinh tế? Chẳng hạn Krugman cho rằng sự kiện toàn cầu hóa các thị trường kỹ nghệ và năng suất cao hơn của các thị trường nầy - cả hai là kết quả của một kế hoạch thiết bị tin học sâu rộng mới mẻ (a new and pervasive information platform) - đã có thể biện minh cho sự đề kháng của Greenspan không chịu tăng lãi suất sau những tăng gia chi phí đầu tư quá đáng và bất hợp lý đưa đến bong bóng dot-com, mặc dù cả hai hiểu rất rõ lãi suất thấp chắc chắn sẽ duy trì giá trị bất động sản ở một mức cao giả tạo- do đó, sẽ khiến bong bóng trở nên trầm trọng hơn. Krugman viết, vào thập kỷ 1990s, kỹ nghệ tin học rõ ràng đã làm thay đổi hẳn toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên, Krugman cũng chẳng mất nhiều thì giờ xét xem kỹ thuật mới đã vận hành hay lan tỏa như thế nào, đẩy nhanh các doanh nghiệp lớn hay hạ thấp rào cản đối với các xí nghiệp nhỏ ra sao. Theo ông, điều quan trọng là vẻ hào nhoáng của kỹ thuật đầy ấn tượng, tính lãng mạn của kỹ nghệ mới của Hoa Kỳ - sự kiện các doanh nghiệp mới với công nghệ cao đem lại ấn tượng tốt, đáng ngợi khen cho giới doanh nhân, một ấn tượng chưa từng có trong hơn một thế kỷ vừa qua. Bức tường Bá Linh đã sụp đổ, các tạp chí doanh thương được nhiều người thích đọc; ngay cả những lý thuyết gia kinh tế cực đoan cũng bị thu hút bởi trào lưu lạc quan mới đối với chủ nghĩa tư bản. Ở đây, luận cứ của Krugman chỉ liên quan đến nhận thức và tâm lý. Điều Krugman quan tâm chính là những dấu vết để lại bởi các nhà đầu tư hành động căn cứ trên những thay đổi họ tin đã xảy ra trong môi trường thương mãi. Điều ông chú ý nhiều nhất là chính quyền có thể đối phó như thế nào với các thái quá tiếp theo. 

Sự sắc bén của Krugman khi giải thích những bất cập của chủ nghĩa tư bản  - sự sụp đổ của đồng baht ở Thái Lan, tình trạng tham nhũng của PRI ở Mexico - đã là lý do đủ để đọc tác phẩm; những chương đó sẽ gây bối rối cho các người hậu thuẫn chính sách laissez-faire, các biện pháp khắc khổ của IMF, và các đường biểu diễn của Laffer. Tuy nhiên, chưa hẳn Krugman và các nhà kinh tế học vĩ mô đã đánh giá đúng đắn ảnh hưởng của cuộc cách mạng kỹ thuật đối với nền kinh tế đích thực trong những năm gần đây. 

Cách đây vài chục năm, Arie Lewin thuộc Đại Học Duke, đã khám phá: phải mất 13 năm 1/3 số doanh nghiệp Fortune 500 mới bị thanh lọc khỏi nhóm - thất bại hoặc bị sáp nhập bởi các công ty khác. Trước cuộc khủng hoảng hiện nay, việc nầy chỉ cần 4 năm. Hai thế hệ trước đây, mỗi năm khoảng 60.000 doanh nghiệp  được sáng lập ở Hoa Kỳ; trước cuộc khủng hoảng hiện nay, con số lên gần một triệu. Năm 1999, 70% giá thị  trường của các doanh nghiệp kỹ thuật được xếp vào loại tích sản vô hình - uy tín, khả năng canh tân...- và hơn 50% lợi nhuận bắt nguồn từ kỹ thuật mới du nhập trong năm trước. Những đổi thay này không những là nguyên do thay đổi nền kinh tế mà cũng là nguyên nhân đưa đến những biến động tài chánh toàn cầu cũng như phương cách đáp ứng hiệu quả của chính quyền, và những gì khiến suy thoái trở thành khủng hoảng hay đại khủng hoảng.  

Theo Krugman, những gì những biến động tài chánh như vậy cần đến là một sự điều hướng hay những nhân viên kiểm tra của chính quyền để tạo những đối trọng bù trừ: một ngân hàng trung ương để điều chỉnh lãi suất, hoặc nâng cao hoặc hạ thấp, thực tế là ấn định khối tiền tệ lưu hành, hoặc một bộ tài chánh để ấn định một hối suất cố định hay thả nổi đơn vị tiền tệ theo luật cung cầu. 

Điều gây ra tranh cãi là sự nghi ngờ căn bản của Krugman về chính sách tiền tệ bảo thủ của IMF trong những trường hợp như thế, một thái độ được nhiều độc giả công bằng chia sẻ.  

Hầu hết phần còn lại của tác phẩm The Return là một loạt các câu chuyện về những nổ lực can thiệp của chính quyền. Krugman đơn cử những xứ bị xáo trộn bởi các cuộc khủng hoảng trong hai thập kỷ 1980s và 90s - Mexico, Argentina, Nhật, Thái Lan và Indonesia. Trong mỗi trường hợp, người ta nhận thấy một diễn tiến vòng tròn đáng ngại - các vấn đề tài chánh khó khăn của các công ty, ngân hàng và mọi gia đình; đưa đến một sự mất lòng tin rộng khắp trong giới đầu tư, thường là giới đầu tư ngoại quốc; đến sự  sụp đổ tiền tệ, lãi suất lên cao, kinh tế đình trệ, những khó khăn tài chính của các công ty, các ngân hàng và cứ thế tiếp tục.  

Cuộc khủng hoảng đáng lưu ý nhất là cuộc khủng hoảng Thái Lan. Chúng ta có thể rút được nhiều bài học, nhất là về điều các kinh tế gia tạm gọi là moral hazard - bất trắc đạo đức.  

Thái Lan, một xứ đến trễ trong phép lạ Á châu (Asian miracle), trong thập kỷ 1980s, đã trỗi lên từ một nền kinh tế nông nghiệp phần lớn do giới doanh thương Nhật đến xây dựng các xưởng máy. Dân quê đua nhau ra thành phố kiếm việc, giới ngân hàng và doanh thương bắt đầu đầu tư vào ngành xây cất, và kinh tế Thái Lan khởi sự tăng trưởng nhanh - 8%/năm. Thị trường tư bản toàn cầu đáp ứng: xét cho cùng, chủ nghĩa tư bản đã bị đánh bại, lãi suất ở Nhật và Âu châu quá thấp. Tính đến năm 1997, khoảng 256 tỉ mỹ kim đã được rót vào các thị trường đang lên, đặc biệt là Đông Nam Á. 

Vậy bằng cách nào tiền đã được rót từ Tokyo đến Bangkok? Đây chính là yếu tố then chốt của nội vụ. Ngân hàng Nhật có thể cho một công ty tài chánh Thái vay. Công ty Thái cải hoán đồng yen ra đồng baht và cho các các công ty xây cất bất động sản vay lại, để trả tiền mua vật liệu, lương nhân công bằng tiền Thái. Số cầu đồng baht, do đó, gia tăng, và đồng baht cũng tăng giá trị - giả thiết tiền Thái được thả nổi.  

Để thu hút đầu tư vào Thái , một xứ từ lâu bị thế giới bỏ quên, chính phủ Thái đã quyết định giữ hối suất giữa đồng baht và đồng mỹ kim ổn định. Vì vậy, Ngân Hàng Nhà Nước Thái Lan đã phải gia tăng số cung đồng baht hay khối tiền tệ lưu hành và đồng thời mua vào ngoại tệ để tăng cường số dự trữ. Hậu quả tất nhiên là lượng tín dụng quốc nội gia tăng vì các ngân hàng nhận được nhiều tiền ký thác phải tìm cơ hội cho vay kiếm lợi nhuận. Tất cả những điều đó có nghĩa là nguồn tài trợ mới cho các dự án xây cất, đưa đến vay mượn thêm từ nước ngoài và cứ thế tiếp tục. 

Kết quả tất yếu chung cuộc là bong bóng bất động sản. Ngân Hàng Nhà Nước Thái Lan đã cố gắng làm nguội bớt nền kinh tế bằng cách vay lại đồng baht từ các ngân hàng ngoại quốc. Nhưng biện pháp tạm bợ nầy chỉ làm tăng lãi suất quốc nội, khuyến khích vay mượn từ nước ngoài (có lợi vì lãi suất thấp) và đem về nhiều tiền yen hơn. Ngân hàng trung ương rất có thể chỉ để giá trị đồng baht gia tăng, như nhiều kinh tế gia Mỹ hiện nay tìm cách thuyết phục TQ nâng giá đồng nhân dân tệ. Nhưng điều nầy chỉ có nghĩa hàng xuất khẩu của Thái (những thứ do các công ty Nhật sản xuất) đắt hơn trên các thị trường nước ngoài - do đó, vô hình chung giết luôn con gà đẻ trứng vàng. 

Số trứng vàng tích lũy nhiều cũng đem lại một thứ bi kịch khác. Đầu tư gia tăng (nhập cảng trang thiết bị cho kỹ nghệ xây cất) và chi tiêu mang tính tiêu thụ (nhập cảng TV, xe hơi cho giới nhà giàu Thái mới lên) làm chậm đà tăng trưởng  xuất khẩu tương đối với nhập khẩu. Do đó, cân chi phó khuy khiếm trầm trọng. Người Thái bắt đầu phải dùng số ngoại tệ vay mượn để trang trải tiêu thụ phẩm nhập khẩu trong khi ngân hàng trung ương phải dùng ngoại tệ dự trữ sở hữu để bảo vệ đồng baht. Tháng 7 năm 1997, sự tăng trưởng kinh tế Thái Lan đạt mức đỉnh điểm; nền kinh tế bắt đầu bùng nổ. Ngân hàng trung ương với số ngoại tệ dự trữ tan biến, không đủ sức bảo vệ đồng baht: giá trị đồng baht tuột dốc khoảng 50% chỉ trong vòng vài tháng. Tai họa xẩy đến, gây suy thoái không những cho Thái mà cả Nam Hàn và Mã Lai Á khi các nhà đầu tư ngoại quốc hoảng sợ hối hả tháo chạy. Vùng Đông Á bắt đầu trải nghiệm nỗi đau của Argentina và Do Thái trong thập kỷ 1980s. 

Câu hỏi được đặt ra là câu chuyện của Thái Lan ăn nhằm gì đến khủng hoảng 2008?

- Có, và có khá nhiều. 

Đã hẳn kinh tế Thái Lan khác xa kinh tế Mỹ: nếu người Mỹ, giống như giới trung lưu mới lên của Thái, chi tiêu phung phí trên khả năng của chính mình (và bù vào số khuy khiếm bằng những món nợ từ thế giới bên ngoài ngày một gia tăng), họ đã không nhập khẩu những thứ hàng giống như người Thái. Chẳng hạn, phần lớn giao thương của Mỹ với Trung Quốc chỉ là những giao dịch nội bộ của các đại công ty đa quốc gia Hoa Kỳ làm ăn trên khắp thế giới. Các công ty nầy nắm trong tay giá trị thiết kế và mãi dịch sản phẩm, và chỉ đến TQ mua các vật liệu thông thường và lắp ráp.  

Ngoài ra, kinh tế Hoa Kỳ có sức chịu đựng dẻo dai hơn hẳn kinh tế Thái, với đặc tính chuyễn dịch dễ dàng của yếu tố lao động theo chiều ngang cũng như chiều dọc khó ai có thể sánh kịp. Và chính quyền Mỹ cũng chẳng phải bảo vệ đơn vị tiền tệ của mình như Thái Lan. Đồng mỹ kim đã là tiền dự trữ của thế giới kể từ sau đệ nhị thế chiến. Sự mất giá của đồng mỹ kim có nghĩa khuynh hướng tiêu xài hoang phí của người Mỹ đã làm giảm thiểu tài sản của giới trung lưu toàn cầu một cách thầm lặng, tương tự số lượng carbon các xe SUVs ở Mỹ đã thải ra âm thầm làm ô nhiễm không khí khắp hành tinh. Người Mỹ cũng còn có thể trông cậy ở giới trung lưu TQ đầu tư trở lại trong các thị trường tài chánh Mỹ phần lớn trong số 2.000 tỉ mỹ kim tích lũy từ xuất khẩu hàng hóa qua Hoa Kỳ. Trong mọi trường hợp, điều may mắn của Hoa Kỳ là toàn bộ số nợ nước ngoài đều được tính theo đồng mỹ kim. 

Tuy nhiên, giữa hai cuộc khủng hoảng người ta vẫn nhận diện được một sự đối xứng trong cách ứng xử của các tay chơi tài chánh giữa hai phía. Cuộc khủng hoảng ở Thái Lan đã được nhen nhúm bởi các tay chơi trung gian có nhiều quyền lợi để rao giảng ảo tưởng là đầu tư vào ngành xây dựng  và buôn đi bán lại không thể thất bại. Đó là những người hưởng lợi từ các giao dịch nhưng không nhất thiết từ tính lành mạnh của dự án. Trở lại các công ty tài chánh Thái đứng làm trung gian trong các khoản cho vay của các nhà đầu tư nước ngoài. Các người điều hành các công ty nầy phần lớn là thân nhân họ hàng của các vị bộ trưởng hoặc các viên chức cao cấp trong chính quyền. Họ không phải là những bộ óc tài chánh xuất sắc, nhưng họ có lý do để tin chính quyền Thái sẵn sàng buộc người chịu thuế phải cứu trợ công ty họ khi lâm nguy. Đồng thời, những quan hệ chính trị của họ sẽ là lợi thế đối với các nhà đầu tư. Nói chung, họ hưởng lợi khi thuận buồm xuôi gió, làm giàu là động lực thúc đẩy họ tiếp tục cho vay trong khi được che chở khi gặp khó khăn bão tố - cho đến khi toàn bộ mạng lưới sụp đổ, lúc đó họ cũng đã kiếm được một tài sản kếch sù. Họ cũng không phải mang tai tiếng (moral hazard). Họ lấy tiền của người khác nhưng chẳng chịu rủi ro bất trắc nếu quyết định của họ sai lầm, thiếu cẩn trọng hay khờ dại. 

Sự nhẹ dạ của giới đầu tư qua các móc nối với các yếu nhân Thái có thể không mấy giống sự nhẹ dạ của họ đối với sự đánh giá lạc quan AAA của Moody's đối với các khách hàng được nuông chiều. Nhưng nếu những lợi nhuận của các công ty tài chánh nhắc nhở chúng ta về sự thủ lợi của các công ty cho vay đầu cơ bất động sản mà chẳng điều tra  nghiêm túc các đơn vay nợ, hay các ngân hàng đầu tư bán các trái phiếu hay chứng khoán với thế chấp bất khả tín, chúng ta có thể được tha thứ. Theo Krugman, Wall Street đã trở nên quá hăng hái đầu tư vào Ponzi pyramid không chút âu lo tai tiếng hay moral hazard

Điều đó đưa chúng ta tới một tay chơi bá đạo khác - một tay chơi luôn sẵn sàng tấn công các nền kinh tế Tây phương cũng như những nền kinh tế đang lên - có thể làm cho cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn nhiều. Chúng tôi muốn nói đến các hedge funds, các quỹ đầu cơ. Các quỹ nầy đã lớn mạnh và trở thành một bộ phận lớn, vô cùng nguy hiểm, của hệ thống ngân-hàng-không-phải-ngân-hàng, hầu như không phải tuân theo một quy luật và cũng chẳng chịu một sự giám sát nào: những định chế nhận tiền của bất cứ ai với lời hứa sẽ trả lợi nhuận kếch sù nhưng chẳng phải tuân theo một điều lệ quy luật nào. Paul Krugman đã nhắc nhở chúng ta sự lớn mạnh đáng ngạc nhiên của các hedge funds nầy, bắt đầu với cuộc tấn công thần kỳ (legendary) Bộ Ngân Khố Anh (British Exchequer) bởi Quantum Fund - Quỹ Lượng Tử - của George Soros trong năm 1992; vụ đầu cơ nầy đã làm đồng bảng (pound) suy yếu đến mức khiến Thủ Tướng John Major cuối cùng đã phải rút lui khỏi cuộc thương nghị gia nhập khu vực đồng Euro, và chính phủ ông đã phải sụp đổ.  

Trước cuộc khủng hoảng 2008, các ngân hàng thông thường quản lý khoảng 6.000 tỉ mỹ kim; các ngân hàng phi ngân hàng - hedge funds và ngân hàng đầu tư - khoảng 4.000 tỉ, 1.800 tỉ trong số nầy nằm trong tay các quỹ đầu cơ. Theo Krugman, sự sụp đổ của những định chế nầy có thể xô đẩy các nhóm đầu tư lớn, kể cả các quỹ hưu bổng, các quỹ endowments của các đại học, vào tai họa đầu cơ. Tất cả các quản lý viên các quỹ vừa nói , các CEO, được tưởng thưởng khi đem lại lợi nhuận trên trung bình. Nhưng làm thế nào tất cả các lợi nhuận đều trên trung bình. Krugman đã đúng khi nhấn mạnh tài sản thực sự có thể bị tiêu tan vì sự sụp đổ không thể tránh của các quỹ đầu tư. Khi kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh, các sự lỗ lã trên giấy tờ có thể lấy lại trong vài tuần lễ. Nhưng khi sự lỗ lã quá lớn, mọi người đều hoảng sợ, sản xuất tất sẽ suy sụp, thất nghiệp sẽ tràn lan, suy thoái, và có thể cả khủng hoảng và đại khủng hoảng, rất dễ xảy ra trong toàn bộ quốc gia, thậm chí cả toàn cầu. 
 

Làm thế nào để ra khỏi khủng hoảng?  
 

Theo Krugman, chính quyền đang đứng trước những lựa chọn nghịch lý. Trong cương vị tác nhân duy nhất điều hướng chi tiêu còn đứng vững, chính quyền trở thành nhà đầu tư tối thiết. Tiến trình hồi phục còn dài lâu. Krugman nhấn mạnh tầm quan trọng của những số đầu tư lớn lao: vào hạ tầng cơ sở, bảo hiểm y tế, chất lượng giáo dục, ngay cả sản xuất xe hơi... Số đầu tư, mang tính hệ thống và tâm lý, phải đủ lớn để đè bẹp khủng hoảng; lỗi lầm tệ hại nhất là biện pháp nửa vời, chỉ muốn nhảy năm thước khi phải vượt qua một hố thẳm rộng bảy thước, vì e ngại hành động cứu nguy hệ thống tài chánh có thể bị xem như mang tính xã hội chủ nghĩa

Tuy nhiên, chúng ta không thể hiểu những gì nhà nước cần phải làm trừ khi hiểu được bằng cách nào những lực bên ngoài hệ thống tài chánh đang chi phối nền kinh tế đích thực ngày nay. Nhà nước cần đầu tư vào những gì ngoài tái gầy vốn , tái quy định và tái tư nhân hóa các ngân hàng?  

Ở đây chúng ta nên lưu ý đến hai điểm quan trọng. 

Trước hết, những xứ đang phát triển cũng tương tự như Hoa Kỳ trong cách lưu thông của tư bản tài chánh , nhưng lại rất khác trong sự lưu thông một thứ tư bản quý giá hơn nhiều - vốn tri thức (intellectual capital). Để phục hồi, các xứ nầy thường quan tâm đến các hệ thống tài chánh, vì lẽ họ mong muốn không những thu hút tiền nước ngoài vào thị trường tư bản, mà cả tri thức kỹ thuật (know-how) vào các thành phố lớn. Điều then chốt là chuyển biến đầu tư ngoại quốc vào các nhà máy công nghệ cao, hay các công ty phần mềm, hay các đội ngũ quản lý, thành những đầu máy của xã hội dân sự, khả dĩ đào tạo một đội ngũ doanh nhân mới có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Chứng cớ: tác động của Intel trên Kiryat Gat ở Israel, của Motorola ở Tianjin, Trung Quốc, của MIT trên Cambridge. Như Mill từng viết: "Một điều chưa được hiểu thấu đáo và công nhận là giá trị kinh tế của sự phổ cập rộng rãi tri thức trong quảng đại quần chúng".3 

Ngoài ra, còn có một điểm khác cũng cần được lưu tâm. Những gì đã cho phép các thị trường đang lên như Thái Lan và TQ phát triển thật nhanh chóng, và do đó, đã gia tốc những mất thăng bằng tài chánh quan trọng, cũng chính là cùng một chương trình thông tin chắc chắn sẽ định hình và quyết định tiến độ phục hồi của Mỹ. Nhưng tại sao cùng một chương trình thông tin đã đem lại cho các doanh nhân khả năng nắm bắt thông tin cần thiết, rà soát lại kế hoạch doanh thương, thuê mướn nhân viên mới có đủ tài năng...lại không thể sử dụng để giúp chúng ta ra khỏi suy thoái, dù trầm trọng, một cách chóng vánh? Tại sao sự hỗ trợ của nhà nước đối với các dịch vụ tài chánh và đầu tư vào nền kinh tế đích thực lại không thể giúp gia tốc kiến tạo doanh thương? Krugman biết rất rõ bất cứ điều gì chính quyền làm - trong bảo hiểm y tế và giáo dục - chính quyền cũng phải lưu ý sự kiện hàng trăm, hàng nghìn những công ty nhạy bén, thông minh, ngày một phát triển, sẽ có vai trò then chốt trong quá trình phục hồi kinh tế, chứ không phải một vài đại công ty khổng lồ đang được tân trang. 

Xét cho cùng, cái gì khiến cuộc đại khủng hoảng ngày một trầm trọng chính là yếu tố thời gian cần thiêt để tái khởi động các đại doanh nghiệp sinh động trở lại. Chúng ta không còn làm ăn với các giao dịch quý kim, với độc quyền thương hiệu, và các vi ba: lớn không có nghĩa đáng tin, hay có khả năng kiểm soát, hay sáng suốt. Có nhiều điều phải học trong hiện tình. Và chúng ta hy vọng Paul Krugman, hơn ai hết, sẽ soi sáng thêm về những điểm nầy. 
 

© GS Nguyễn Trường

Irvine, CA, USA

TPHCM, ngày 20-3-2009 
 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường