OCDE : nạn thất nghiệp đạt mức kỷ lục vào cuối 2010

Vietsciences- Đức Tâm - RFI                     20/09/2009

 

Những bài cùng đề tài

 

Dự báo trong OCDE rất ảm đạm : trong chưa đầy ba năm, từ cuối 2007 đến cuối 2010, tổng số người thất nghiệp tại OCDE sẽ lên tới trên 25 triệu, gần tương đương với số người mất việc làm trong 10 năm khi xẩy ra hai cuộc khủng hoảng dầu lửa của thế kỷ trước.
 
Mặc dù kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng và sẽ lên tới xấp xỉ 10% vào nửa cuối năm 2010. Đây là mức kỷ lục kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai.

Trên đây là nhận định của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế, OCDE, trong bản báo cáo thường niên được công bố tại Paris, ngày hôm qua, 16/09/2009.

Theo bản báo cáo này, tại 30 nước thành viên, từ cuối năm 2007 đến tháng bẩy năm nay, đã có 15 triệu người thất nghiệp và từ nay đến cuối năm 2010, sẽ có thêm 10 triệu người mất việc làm.

Như vậy, trong vòng chưa đầy ba năm, tổng số người thất nghiệp sẽ lên tới trên 25 triệu, tức là gần tương đương với số người mất việc làm trong vòng 10 năm khi xẩy ra hai cuộc khủng hoảng dầu lửa của thế kỷ trước.

Dự báo trong OCDE rất ảm đạm. Vào cuối năm tới, nếu tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 9,9% thì tình hình trở nên nghiêm trọng tại Tây Ban Nha, với mức thất nghiệp là 19,8%, tại Ai Len là 15,1%. Từ cuối những năm 1990 cho đến trước khi có khủng hoảng, số người mất việc làm tại Hoa Kỳ chỉ vào khoảng từ 4 đến 6% số người trong độ tuổi lao động. Do suy thoái, đến cuối 2010, tỷ lệ này sẽ là 10,1%. Còn tại châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp sẽ là 11,3%, Đức 11,8% và Ý 10,5%.

Các chuyên gia OCDE nhấn mạnh đến nguy cơ thất nghiệp cao trở thành một đặc tính cơ cấu của nền kinh tế với hậu quả là có một số lượng lớn nhân công bị thất nghiệp dài hạn hoặc bị đẩy ra khỏi thị trường lao động.

Ông Angel Gurria, tổng thư ký OCDE cảnh báo, thất nghiệp cao và kéo dài sẽ gây tốn kém nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, như y tế xuống cấp, mức sống suy giảm, người thất nghiệp và gia đình họ không hài lòng về cuộc sống, tỷ lệ phạm tội ác gia tăng, khả năng tăng trưởng bị ảnh hưởng v.v.

Do vậy, OCDE kêu gọi các chính phủ phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp ngăn chặn tình trạng suy thoái dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực lao động.

Một trong những hướng gợi ý là điều chỉnh các kế hoạch kích thích kinh tế. Theo tính toán của giới chuyên gia, các kế hoạch trấn hưng kinh tế của những thành viên OCDE, chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ các ngân hàng và ngành công nghiệp xe hơi, có thể giúp cứu vãn được từ 3,2 đến 5,5 triệu việc làm, từ nay đến cuối 2010, nhưng ngân sách dành cho các dịch vụ thúc đẩy việc làm lại không tương xứng với quy mô của khủng hoảng, ngoại trừ ở Thụy Sĩ và Đan Mạch.

Tại một số nước, nguồn tài chính hỗ trợ các hoạt động tư vấn, đào đạo, trợ cấp tuyển dụng tuy có tăng, nhưng với một tỷ lệ khiêm tốn so với quy mô và tốc độ sa thải nhân công.

Theo tổng thư ký OCDE, « các kế hoạch trấn hưng kinh tế đang được tháo khoán và chúng ta có thể điều chỉnh lại các kế hoạch này ».

Chuyên gia Stefano Scarpetta, phụ trách phân ban Lao động của OCDE cho rằng bây giờ là thời điểm giúp đỡ những người có trình độ tìm lại được việc làm, còn những đối tượng khác, thì cần tập trung vào đào tạo.

Hôm qua, ông Dominique Strauss-Kahn, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc Tế, FMI nhận định là những chỉ số gần đây nhất cho thấy kinh tế thế giới đang trong quá trình ổn định và bắt đầu ra khỏi khủng hoảng.

Do vậy, OCDE hy vọng là bản báo cáo thường niên này sẽ làm cơ sở cho các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Pittsburgh, Hoa Kỳ, qua đó, sẽ giúp các nước đề ra một chính sách cụ thể ngăn chặn đà thất nghiệp, rút ngăn thời gian chênh lệnh giữa phục hồi kinh tế và phục hồi việc làm.

30 thành viên OCDE :

Úc, Áo, Bỉ, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Aixlen, Ailen, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxembourg, Mêhicô, Hà Lan, New Zeland, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovaquia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh Quốc, Hoa Kỳ

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org