Obama và hệ thống chính trị bảo thủ Hoa Kỳ

Vietsciences- Nguyễn Trường      23/09/2010

 

Những bài cùng tác giả

         

Đối với một số cử tri cấp tiến, bên cạnh những thành quả mang nhiều ý nghĩa, gần nửa nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Obama vẫn là một thất vọng. Thực vậy, họ đã phải chứng kiến nhiều sự kiện thực tế và thỏa hiệp đau lòng.

NGHỊ TRÌNH VÀ THỰC TẾ CHÍNH TRỊ

Chẳng hạn, để được Quốc Hội thông qua luật bảo hiểm y tế, Obama đã phải từ bỏ lập trường giữ nguyên "án lệ Roe vs Wade như một ưu tiên của tổng thống"[1], một lời hứa với "cử tri thiết tha với quyền lựa chọn của phụ nữ" [2]. Lời hứa nầy đã cùng chung số phận với lời cam kết "bất cứ kế hoạch nào tôi ký cũng phải bao gồm một cơ chế bảo hiểm...có dự liệu một lựa chọn công"[3].

Các nghiệp đoàn lao động đã là những tổ chức ủng hộ nhiệt thành nhất của Obama, cũng như  giữ vai trò then chốt trong bất cứ xu thế phục hưng cấp tiến nào, và nhiều cử tri khác, đã rất hứng khởi với lời hứa sẽ "tranh đấu cho Luật Tự Do Lựa Chọn Của Công Nhân". Tuy nhiên, dự luật nầy cũng đã bị hy sinh.

Các cử tri quan tâm đến môi sinh đã hăng say ủng hộ và vận động cho  ứng viên Obama ở New Hampshire khi Obama hứa hẹn sẽ ấn định mức trần khí thải carbon 80% thấp hơn  vào năm 2050 - mức các khoa học gia xét cần thiết để ngăn chận hiện tượng biến đổi khí hậu. Nhưng mục tiêu nầy nay cũng đã thành mây khói.

 Ngay trước ngày bầu cử, Obama cũng hứa hẹn sẽ quan tâm đến pháp chế bảo vệ thị trường tự do, công bình, và lương thiện, nhằm vãn hồi tính minh bạch và trách nhiệm trong việc quản lý các công ty. Cho đến nay, Obama cũng rõ ràng đã không giữ được lời hứa khi đang vận động bầu cử.  

Trong thực tế, nếu xét toàn bộ những pháp chế, kể cả các sắc lệnh hành pháp, có liên hệ đến các hứa hẹn của ứng cử viên Barack Obama , người ta dễ dàng đồng cảm với lời diễu cợt của danh hài buổi tối Jimmy Fallon: "Cuối cùng Obama hình như đã thể hiện được những lời hứa vận động tuyển cử của John McCain"[4].

Không cử tri nào biết được những gì trong thâm tâm của tổng thống. Có thể Obama đã đánh lừa các cử tri cấp tiến trong thời gian vận động tuyển cử, những cử tri đã nhẹ dạ tin Obama là người tự do cánh tả khi trong thực tế ông ta gần gũi với hình ảnh một đại diện trá hình của các đại công ty bảo thủ.

Trong lúc đó, các chính trị gia Hoa Thịnh Đốn lại đưa ra một hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Theo Gerald Seib, bình luận gia báo Wall Street Journal, vấn đề của tổng thống là ông và các đồng minh trong đảng Dân chủ "đã chơi trội trên khả năng tay bài của mình  trong năm rưỡi vừa qua, đưa chính sách qua phía cực tả, gây ra một phản ứng đối nghịch đồng hạng về phía hữu"[5].

Clive Crook, báo The Atlantic Monthy, cũng đồng tình: lỗi lầm lớn nhất của Obama là đã "không tách khỏi cánh tả" và "biến họ thành kẻ thù". Và Newt Ginrich, được các chính trị gia cực hữu ở Hoa Thịnh Đốn xem như lương tâm của đảng Cộng Hòa, đã gọi Obama "vị tổng thống cực đoan nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và có thể nguy hiểm nhất "[6], đồng thời khuyến khích người cùng phe chống đối "bộ máy thế quyền và xã hội chủ nghĩa của Obama"[7].

Bình luận gia bảo thủ báo New York Times, Ross Douthat, lại nhận xét: "Obama là một chính khách tự do luôn sẵn sàng thỏa hiệp và chộp lấy nửa ổ bánh mì. Ông ta ưa chuộng chính sách của một blogger cấp tiến, nhưng có phương thức lãnh đạo của một nhà hoạt động chính trị sắc sảo và đầy kinh nghiệm trong Beltway"[8]. Trong thời gian vận động tuyển cử, Obama đã can đảm khen ngợi Ronald Reagan là đã đưa ra những ý tưởng táo bạo làm thay đổi  quỹ đạo chính trị Hoa Kỳ. Nhưng trong vai trò tổng thống, Obama đã lựa chọn tập trung vào những đề mục đang thương thảo, dựa trên triết lý "khi không có được toàn bộ con lợn, bạn phải tạm nhận một ham sandwich".

Tuy nhiên, ai có thể hiểu được những ước mơ trong trí tưởng tượng chính trị của Obama là điều không mấy quan trọng. Các lỗi lầm chiến lược của đội ngũ Obama cũng không mang tính quyết định. Sự kiện quan trọng nhất đối với giới cấp tiến đơn giản là: toàn bộ hệ thống đã được cấu trúc và sắp xếp sẵn, đối nghịch với chính trị cấp tiến.

Đã hẳn, bất cứ tổng thống nào cũng luôn được Quốc Hội dễ dàng thông qua các biện pháp giảm thuế cho giới nhà giàu và các đại công ty hùng mạnh, có thể khởi động các cuộc chiến họ muốn, và nghe lén điện thoại của bất cứ ai không cần lệnh của tòa. Họ có thể ra lệnh tra tấn các nghi can khủng bố, nói dối về những việc đã làm, và cho các cơ quan tình báo thủ tiêu bằng chứng. Nhưng điều họ không thể làm, ngay cả khi nắm trong tay đa số lớn lao trong hai viện Quốc Hội, là thuyết phục Quốc Hội chấp thuận các pháp chế cấp tiến mang tính chuyển hóa, như Obama đã hứa hẹn trong quá trình vận động tuyển cử  2008.

Hệ thống chính trị Hoa Kỳ chẳng có gì ấn tượng ngoài cấu trúc phức tạp, và đó cũng là lý do  khó thể vận hành hữu hiệu. Một số lý do bắt nguồn từ định chế hiến pháp, không thể thay đổi, ngoại trừ viễn ảnh tu chính cực kỳ cồng kềnh và khó khăn. Một số khác là hệ lụy của một văn hóa mục rữa và thiếu động lực để thay đổi. Rất nhiều lý do chỉ là kết quả của cơ cấu ý thức hệ và thương mãi đặc thù của guồng máy truyền thông,  không những quyết định khuôn khổ diễn đàn chính trị, mà cả các đề tài khả dĩ quan tâm. Một số lý do khác hoàn toàn tùy thuộc chính trị nhất thời hoặc thuần túy thiếu may mắn.

Nếu người Mỹ thực sự muốn thay đổi, thay vì ta thán, họ cần phải tự khám phá những điểm nghẽn có thể khai thông, và điểm nghẽn nào không thể. Bởi lẽ nếu các chính trị gia Mỹ không thể giữ lời cam kết hoặc hứa hẹn khi còn là ứng cử viên, lúc đó sự quyết tâm theo đuổi dân chủ có thể nói tương tự như một quá trình dân chủ đứng từ xa chỉ để phê bình và nhạo báng.

DI SẢN CỦA BUSH

Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên dễ quên lãng, nhất là trong sinh hoạt chính trị. Rất hiếm khi chúng ta dừng lại để tự nhắc , như một bài biên tập báo New York Times đã diễn tả: "Obama đảm nhận chức vụ dưới một gánh nặng khác thường những vấn đề do nhiều bất cập và ý thức hệ mù quáng của Tổng Thống George W. Bush gây ra"[9]. Một Tòa Bạch Ốc hết sức vô trách nhiệm, bất lực, và ám ảnh bởi ý thức hệ đã để lại nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị trên vai người kế nhiệm, những cuộc khủng hoảng che lấp cả nhiều vấn đề không kém quan trọng khác,  hầu như đã không hề được lưu tâm. Chẳng hạn, Sở Quản Lý Khoáng Sản - nơi sự hỗn độn, nhũng lạm, và bất lực, trộn lẫn với quỷ quyệt - đã cho phép BP coi thường mọi quy luật an toàn và gây tai nạn tràn dầu tai họa. Cùng với các sự kiện tương tự trong toàn cấu trúc giám sát của chính quyền, chúng ta dễ dàng có được một ý niệm về khối lượng các vấn đề nan giải Bush và Cheney đã để lại cho chính quyền kế nhiệm.

CƠ CẤU THƯỢNG VIỆN VÀ QUYỀN LỰC CỦA PHE THIỂU SỐ

Đối diện với vô vàn thử thách chỉ để tái lập một sự thăng bằng phải chăng nào đó trong chính sách, chẳng hạn ngân sách khuy khiếm hay nợ nần dài hạn, hoặc giám sát hệ thống tài chánh, Obama hiện còn phải đương đầu với vấn đề bí hiểm của một hệ thống, được thiết kế như hiện nay, trao cho đảng thiểu số quyền được miễn trừ  mọi trách nhiệm quản trị duy lý và phải chăng. Trong khi đảng Dân chủ, ngay cả khi là đảng thiểu số, vẫn tham gia vào việc hoạch định các biện pháp cải thiện quản lý, điều nầy hiếm khi đúng với đảng Cộng Hòa, trên nguyên tắc, luôn nghi ngờ chính quyền,  và trong thực tế, luôn chống đối các chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở và tài hóa công, và gần đây đã trở nên cực đoan đến độ phần lớn những ta thán về Obama  - từ theo chủ nghĩa xã hội, hay quốc xã, hay kẻ nói dối, cho đến ra chào đời ở Kenya - những thái độ hoặc luận điệu hoàn toàn trái ngược với mọi hình thái cơ bản của tục thức. Hiện nay, đảng Cộng Hòa đang có vô khối phương tiện để ngăn chặn mọi pháp chế, và lắm khi chỉ vì những quyền lợi phe nhóm nhỏ nhen.

SỨC MẠNH CỦA KIM TIỀN

Đã hẳn khi tìm cách xác minh tại sao ý kiến và nguyện vọng của người dân thường không được tôn trọng trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ, lý do phải nghĩ đến trước tiên là thế lực của kim tiền.

Trung Tâm Chính Trị Đáp Ứng, Center for Responsive Politics, không thuộc đảng phái nào, ước tính kinh phí vận động hành lang đã lên đến khoảng 3,47 tỉ trong năm 2009, so với 3,3 tỉ trong năm 2008. Mặc dù các cố gắng của Obama nhằm cải tổ sinh hoạt chính trị ở Hoa Thịnh Đốn, trước sức mạnh tài chánh đặc biệt hùng hậu  của các nhóm quyền lợi, người ta chỉ phí thì giờ khi tìm hiểu kết quả các cuộc tranh luận về chính sách trước Quốc Hội mà không lưu ý đến sự kiện ai-đã-mua-cái-gì-từ-ai.

Hơn thế nữa, các vấn đề do kim tiền gây ra trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ chắc chắn ngày một trầm trọng hơn với phán quyết gần đây của Tối Cao Pháp Viện hủy bỏ mọi  hạn chế ngạch số chi tiêu của các công ty dành cho các ứng cử viên vào các chức vụ chính trị, dưới chiêu bài "tự do ngôn luận",  kéo dài gần cả thế kỷ nay. Phán quyết nầy đã đem lại cơ hội mới cho tất cả các công ty, nhất là những công ty hành động qua trung gian Phòng Thương Mãi, nhằm che giấu hành tung của chính mình.

VĂN HÓA TÀI CHÁNH

Hai kinh tế gia Simon Johnson và James Kwak nhận xét: trong thập kỷ 1990s, khi cả hai đảng đều hưởng lợi từ những số tiền đầu tư vào Quốc Hội của các ngân hàng đầu tư và đồng minh, "ý thức hệ của Wall Street - các cải cách không bị trói buộc và các thị trường tài chánh không được giám sát sẽ  có lợi cho Mỹ và thế giới - đã trở thành lập trường đồng thuận ở Hoa Thịnh Đốn của các dân biểu, nghị sĩ lưỡng đảng"[10]. Vì vậy, những luận điệu của giới vận động hành lang luôn được xem như chân lý hiển nhiên. Và việc làm do giới nầy đem lại cho các nhân viên Quốc Hội "việc nhiều lương ít" trở nên khó cưỡng lại.

GÓC CẠNH Ý THỨC HỆ

Chính Thomas Paine là người đầu tiên đưa ra ý kiến:"Chính quyền tốt nhất là chính quyền cai trị ít nhất"[11]. Ý tưởng nầy đã được đa số người Mỹ vồ vập, bất kể giá trị của bất cứ chương trình nào của chính phủ, khiến các chương trình nầy rất dễ bị chống đối hơn là được ủng hộ, nói gì đến vấn đề thuế khóa.

TRUYỀN THÔNG BẢO THỦ

Giới thông tin báo chí Hoa Kỳ luôn phản ảnh trung thành tình trạng một hệ thống truyền thông thiếu lương thiện, mang tính hiếu chiến và phe phái. Do kết quả của hơn 40 năm dưới sự tấn công liên tục của các nhà tài trợ cánh hữu cùng với sự mai một của rất nhiều định chế báo chí một thời kiêu hãnh, phần lớn các địa vị then chốt  nhiều quyền hạn còn lại trong hệ thống truyền thông đều lọt vào tay những người không sống chết với nghề báo mà chỉ trung thành với các khẩu hiệu và các chiêu bài bảo thủ.

Mặc dù gần đây cũng có nhiều đầu tư và tiến bộ, không có gì bên cánh tả có thể sánh với quyền lực của talk-radio, Fox News và mạng lưới các cơ quan tham mưu hay think tanks cùng chung ý thức hệ và dồi dào ngân quỹ.

Sự thẩm thấu của tư tưởng bảo thủ kiểu Fox vào phần còn lại của hệ thống truyền thông chỉ là một trong những trở ngại phe cấp tiến phải vượt qua. Ngoài ra, còn phải nói đến tình trạng yếu kém trong phóng sự, quá tập trung  vào khía cạnh nhân cách, trình độ tinh thần thấp kém, chuyên chú vào một mẩu chuyện, ám ảnh với người nổi tiếng, và thiếu lưu tâm đến hầu như bất cứ một đề tài hay chính sách công ít nhiều phức tạp.

Tất cả những biến chuyển đặc trưng đó tượng trưng cho những trở lực cơ cấu quan trọng đối với bất cứ một tổng thống cấp tiến nào tìm cách thực thi sứ mệnh dân chủ của mình, ngay cả đối với một tổng thống đến Hoa Thịnh Đốn với một đa số áp đảo trong Quốc Hội.

Hiễn nhiên, nếu nước Mỹ muốn thoát khỏi tình trạng tê liệt trong sinh hoạt dân chủ, chỉ bầu vào Quốc Hội những ứng viên xứng đáng hơn vẫn chưa đủ. Người Mỹ còn cần một hệ thống định chế với quy luật tốt hơn, công bình hơn; giảm thiểu thế lực của đồng tiền; đề cao các chính trị gia và giới truyền thông lương thiện trong vai trò mô tả những gì đang thực sự diễn tiến.

Vì chính quyền Obama rõ ràng ưa thích cách làm việc từ trên xuống, những thành phần cấp tiến chịu trách nhiệm tổ chức các phong trào quần chúng cần phải nghiêm chỉnh triển khai các định chế của mình một cách độc lập. Vì vậy, họ sẽ phải gạt  qua một bên những dị biệt truyền thống ngăn cách họ trong quá khứ, nhất là những dị biệt giữa phe tự do và phe cấp tiến -  phe tự cho mình luôn đứng về phía tả của phe tự do.

Giới cấp tiến, kể cả những nhóm như  Media Matters và FAIR, đã bắt đầu gây áp lực trên giới truyền thông dòng chính,  phản đối xu hướng chấp nhận và áp đặt những định chế cố tình xuyên tạc, lừa dối, và thường sai trái, lên độc giả và khán giả, qua guồng máy tuyên truyền hữu phái - Wall Street và hệ thống ngân hàng - giàu phương tiện và lúc một tự tôn. Được áp dụng đứng đắn, một áp lực như thế là phương tiện hữu hiệu buộc các nhà báo phải tái tư duy một số thiên kiến, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Thực vậy, đối với mỗi vấn đề, phe cấp tiến cần tổ chức tốt hơn, khôn ngoan hơn, ở mọi cấp, sẵn sàng làm việc với những thành phần trong các nhóm trung hữu và trung tả để thực hiện các cải cách ban đầu [chưa phải chung cuộc] trong quá trình chuyển hóa xã hội.

Như  lịch sử luôn chứng tỏ, đó là cách duy nhất để đem lại thay đổi trong hệ thống Hoa Kỳ. Qua thời gian, các cải cách như An Sinh Xã Hội, Bảo Hiểm Ý Tế,  Quyền Bầu Cử... tập hợp lại, có thể tương đương với  một hình thức cách mạng, thành công mà không đổ máu, không đạp đổ trật tự, hủy hoại tài sản hay các định chế thiết yếu.

Một giả thiết hay  lý giải duy lý, về khuynh hướng sẵn sàng thỏa hiệp của chính quyền Obama đối với những hứa hẹn trong quá trình vận động tuyển cử 2008, có thể  là, trong địa vị tổng thống, hiện thời Obama đang đợi thời cơ. Obama chấp nhận những thỏa hiệp tốt nhất hiện có. Tuy nhiên,  dân Mỹ có quyền chờ đợi, một khi tái đắc cử vào năm 2012, tổng thống phải vun quén, trên nền móng đã tạo dựng được trong nhiệm kỳ đầu, các thay đổi căn bản khả thi trong hệ thống hiện hữu. 

Điều nầy rất giống với chiến lược của FDR trong nhiệm kỳ hai và là điều rất có ý nghĩa khi chúng ta xét bản chất của đảng đối lập Obama đang đối diện hiện nay và khả năng phe nầy sẽ tự đánh mất uy tín, nếu đảng Dân Chủ giành được quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện vào kỳ bầu cử giữa kỳ 2010. Tuy nhiên, để thành công, 2013 sẽ phải đạt được nhiều đổi thay cấp tiến hơn 2009, và điều nầy đòi hỏi đội ngũ cấp tiến của Obama phải làm việc hết mình.

THÀNH TÍCH TRONG BỐI CẢNH ĐỐI NGHỊCH

Nếu tả phái không ít nhiều bất mãn với Barack Obama, tả phái không còn là tả phái. Trước tình trạng bất  lực và mục rữa - thừa kế từ kỷ nguyên Bush với kỷ luật phe phái chặt chẻ của đảng Cộng Hòa và Tối Cao Pháp Viện Roberts, và ảnh hưởng của các nhóm vận động hành lang - người ta phải ngạc nhiên tổng thống Obama cũng đã thực hiện được nhiều điều có ý nghĩa. Trước bấy nhiêu trở ngại cơ cấu và ý thức hệ, các sử gia cấp tiến rất có thể phải khâm phục Obama và phe Dân chủ trước các thành công như luật bảo hiểm y tế, gói kích cầu lớn lao, và luật giám sát tài chánh khá chặt chẽ...

Tuy vậy, khi nghị sĩ Richard Durbin thú nhận các chủ nhân ông trong hệ thống ngân hàng quả thật đã sở hữu ngành lập pháp hùng mạnh nhất thế giới, ông ta đã phản ảnh đúng đắn trình độ khủng hoảng nghiêm trọng cuả hệ thống chính trị Hoa Kỳ hiện nay.

Mười tám tháng trước đây, nhiều người nghĩ nhiệm kỳ tổng thống của Obama có thể sánh với những thành tựu trong nhiệm kỳ đầu của Franklin D. Roosevelt và Lyndon B. Johnson trong những ngày hoàng đạo của Đại Xã Hội [Great Society]. Ngày nay, trước bối cảnh chính trị vừa nói, người ta chỉ có quyền hy vọng Obama có thể trung hòa hóa thế tấn công của đảng Cộng Hòa, đủ để tái đắc cử thêm bốn năm.

Phương thức đối phó với thực tế cay nghiệt nầy không phải ta thán Obama đã không xứng đáng với ước vọng thiết tha nhất của cử tri. Trong những ngày hăng say của năm 2008, nhiều người ủng hộ Barack Obama đã không hiểu được rằng những lời vận động hùng biện của Obama khó thể thay thế được phong trào quần chúng. Cả hai tổng thống FDR và LBJ  đã đáp ứng kịp thời sự trỗi dậy mạnh mẽ của phái tả: lao động kỹ nghệ đối với Roosevelt, tự do và dân quyền của dân da đen đối với Johnson. Các phong trào nầy đã âm ỉ trong nhiều thập kỷ trước khi trỗi dậy như một lực lượng có thể đem lại thành công hay thất bại của một tổng thống.

Kể từ ngày phong trào phụ nữ bùng dậy trong thập kỷ 1970s, người Mỹ đã trải nghiệm vài cuộc vận động của quần chúng: những cuộc vận động thành công như chống phân biệt chủng tộc; vận động thất bại như cuộc thánh chiến chống lại bất công kinh tế toàn cầu; và vài cuộc vận động đang dang dở như biến đổi khí hậu, hôn nhân đồng tính.

Tuy nhiên,  người Mỹ chưa chứng kiến một cuộc vận động quần chúng, chưa nói gì đến một phong trào, có thể góp phần giải quyết vấn đề đối nội trung tâm của thời đại: hố cách biệt giàu nghèo ngày một sâu rộng về lợi tức, giáo dục, và y tế, giữa tầng lớp thượng lưu và đại đa số dân lao động Mỹ.

Đề tài đã được phân tích rất nhiều trong các tạp chí định kỳ và các websites tả phái. Nhưng muốn chuyển đổi thành một nghị trình không thể tránh né, tổ chức một phong trào huy động được hàng triệu người quan tâm tham gia là một điều kiện không thể thiếu. Với phong trào nghiệp đoàn trong khu vực tư hầu như tắt lịm, người ta chưa thấy tổ chức nào có đủ uy tín và khả năng tổ chức để đảm nhiệm.

Tuy nhiên, trong khi phe tả chưa thể huy động ngay một phong trào cần thiết, họ vẫn có thể làm sống lại truyền thống nói lên một cách khẩn cấp, khả tín, và đạo đức, nhu cầu cần có các chính sách phục vụ đa số dân Mỹ.

Nhiều nhà quan sát nhận thức được sự ám ảnh với ý thức hệ của phe George W. Bush. Bối cảnh chính trị và xã hội thuận lợi cho phe Cộng Hòa cực hữu, ít ra cho đến tai họa  Katrina, là ý thức hệ nầy đã giữ vai trò áp đảo trong nhiều thập kỷ. Đối với đa số dân Mỹ trong thời gian đó, ý niệm giảm thuế và gở bỏ mọi biện pháp giám sát là chuyện đương nhiên phải làm.  

Trong những bức xúc của chính quyền Obama, những ý niệm đó một lần nữa đang giữ vai trò áp đảo. Trong tháng 7-2010, Don Blankenship, ở West Virginia, đã nói với cử tọa tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia: "theo ý tôi các công ty kinh doanh  là những tổ chức đã xây dựng nên nước Mỹ, và chúng ta cần để cho các doanh nghiệp phát triển, nói một cách khác, phải để các doanh nghiệp hoàn toàn tự do"[12]. Ý niệm đáng kinh tởm đó, và thế giới quan đứng đằng sau, cần được phổ biến càng sâu rộng càng tốt.

Phe cấp tiến và đồng minh trong tòa Bạch Ốc có một lợi điểm so với nhóm nầy: không giống như thời hoàng kim của chủ nghĩa Reaganism, phe hữu ở Hoa Kỳ hiện không thể đưa ra một giải pháp đứng đắn nào cho các vấn đề khó khăn đối diện người Mỹ và thế giới. Ngược lại, đảng Cộng Hòa và phong trào bảo thủ đang chạy theo sự lãnh đạo của Glenn Beck và Sarah Palin, những người đang sống trong ảo tưởng. Phe tả cần những thành viên - xuất thân từ các thành phố có nhiều công xưởng lâu đời và các khu ngoại ô trước đây và hiện đang phát triển nhanh như Manhattan và Berkeley - có thể liên tục phổ biến sự kiện đó theo những phương thức sáng tạo.

Trước những trở lực lớn lao, Obama và đảng Dân chủ đã thành đạt được nhiều cải cách quan trọng: họ đã tách các chương trình tín dụng cấp đại học khỏi nanh vuốt các ngân hàng, cải thiện quỹ tín dụng cho các sinh viên thuộc các gia đình nghèo và trung lưu; các khung pháp chế giám sát các định chế tài chánh xảo quyệt  ở Wall Street; sử dụng các quy lệ hành pháp để cải thiện quyền công nhân và thúc đẩy các biện pháp cải thiện môi sinh; nhất là cải cách y tế sâu rộng mang tính tái phân phối về hai phương diện kinh tế và xã hội kể từ thời New Deal.

Luật Y Tế  Affordable Care cuối cùng đã được Quốc Hội biểu quyết và Tổng Thống Obama ban hành năm 2010 là một phản ứng trước sự chênh lệch ngày một gia tăng trong những thập kỷ gần đây. Cánh hữu đang có lý do để  âu lo trước cải cách y tế: đặt nền móng cho một quốc gia trên đường ngày một dân chủ, công bình hơn, qua những biện pháp quy định và tái phân lợi tức, để trợ giúp những thành phần kém may mắn hơn trong xã hội.

Cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới rất quan trọng. Nếu phe Cộng Hòa cánh hữu thắng, những cải cách mang tính chuyển hóa đối với hàng triệu người Mỹ sẽ bị đảo ngược. Điều giới cấp tiến cần tránh là hờn dỗi, tiếc nuối những gì không thành đạt được trong hai năm 2009-2010,  và đánh giá thấp các thắng lợi như  cải cách y tế mang tính dân chủ và tái phân lợi tức lớn lao, một thành tích cần được bảo vệ, củng cố và triển khai. Nếu thành công, chỉ cải cách nầy cũng đã giúp xã hội ngày một đạo đức và công bằng hơn. Tác động chính trị sẽ đến khi các cử tri trẻ tuổi kém may mắn hiểu được những gì đã gặt hái được và bỏ phiếu bảo vệ và tăng cường các thành quả gần đây.

Đó là phương cách các thay đổi cấp tiến đã diễn ra với chương trình An Sinh Xã Hội, một chương trình cần nhiều thời gian để thực thi, liên tục cải tiến, và trở thành nền móng dân chủ trong xã hội Mỹ , với lá phiếu bảo vệ của các công dân lão thành kém may mắn.

Kể từ thập kỷ 1960s, giới cấp tiến ở Hoa Kỳ luôn lưu tâm đến các chính sách đối ngoại, chủng tộc, giới tính, các đề tài văn hóa và môi sinh, và không mấy quan tâm đến các vấn đề xã hội và tái phân lợi tức. Chính vì vậy, người ta có lẽ hiểu được đối với nhiều người cấp tiến thuộc giới trung lưu cao cấp , tập trung trong vùng duyên hải phía Đông và phía Tây, hai năm vừa qua xem như đã thất bại.

Obama đã không thể  thuyết phục Quốc Hội thông qua các chính sách giới cấp tiến thiết tha. Tòa Bạch Ốc đã phải lựa chọn, trong thời gian ngắn ngủi cuả nhiệm kỳ đầu, tập trung vào những gì có nhiều cơ may thành công. Và chính quyền Obama đã thành công với cải cách y tế và một số biện pháp có tầm quan trọng về kinh tế - tóm lại, những gì đem lại một thay đổi dài lâu đối với hàng triệu người dân bình thường.

Thất bại chính của Obama là kinh tế. Nhiệm kỳ tổng thống của Obama bị đảo lộn bởi cuộc khủng hoảng tài chánh - một trong những tai họa thừa hưởng từ những năm tai họa của Bush.

Rất có thể khó tránh được việc đa số người Mỹ đã lẫn lộn gói cứu trợ lưỡng đảng và do Bush khởi động, dành cho Wall Street, với Luật Tái Đầu Tư và Phục Hồi Hoa Kỳ - American Recovery and Reinvestment Act. Và quả là một tai họa cho Obama đã phải bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống khi nền kinh tế đang sụp đổ thay vì như FDR lên cầm quyền năm 1933 sau khi khủng hoảng kinh tế đã xuống đáy vực và bắt đầu đi lên.

Điều Obama lẽ ra đã có thể làm là phải bạo dạn giải thích cho người Mỹ những gì chính quyền cần làm để đem lại đủ công ăn việc làm cho dân Mỹ trong thập kỷ nầy. Obama đã không làm được việc đó, và nay có thể đã quá muộn.

Obama và đảng Dân chủ đang đối diện với hai cuộc bầu cử cực kỳ gay go trong năm 2010 và 2012. Họ xứng đáng được giới cấp tiến ủng hộ. Người Mỹ cần phấn chấn hơn, động viên các cử tri, trợ giúp những công dân bị thương tổn trong suy thoái, và phải tích cực phát động một phong trào quần chúng để yểm trợ.

Nếu tránh được tai họa trong cuộc bầu cử giữa kỳ, phe tả một lần nữa sẽ có cơ may tiếp tục nghị trình thay đổi và cải cách xã hội mong đợi.

 

 

GS Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

18-9-2010


 

[1] ...pledge to prochoice voters to "make preserving women's rights under Roe v. Wade a priority as president.

[2]  prochoice voters.

[3] ...any plan I sign must include an insurance exchange...including a public option.

[4] ...finally deliver on the campaign promises made by John McCain.

[5] ...he [Obama] and his allies in the Democratic Party "just overplayed their hand in the last year and a half, moving policy too far left, sparking an equal and opposite reaction in the rightward direction.

[6] ...the most radical president in American history, and potentially the most dangerous...

[7] ...He urges his minions to resist the president's "secular, socialist machine".

[8] Obama is a liberal who's always willing to cut a deal and grab for half of the loaf. He has the policy preferences  of a progressive blogger, but the governing style of a seasoned Beltway wheeler-dealer.

[9] Obama took office under an extraordinary burden of problems created by President George W. Bush's ineptness and blind ideology.

[10]  The ideology of Wall Street - that unfettered innovation and unregulated financial markets were good for America and the world - became the consensus position in Washington on both sides of the political aisle.

[11] The government is best which governs least.

[12] Corporate business is what built America, in my opinion, and we need to let it thrive by, in a sense, leaving it alone.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường