Những vấn đề  bảo đảm an ninh cho tuyến đường chuyên chở tài nguyên-dầu mỏ vào Nhật Bản ở thế kỷ 21

Vietsciences-Lê Hoàng                 12/01/2010

 

Những bài cùng tác giả

 

 

Nghiên cứu nầy tuy sử dụng những số liệu thống kê 10 năm trước nhưng vẫn có gía trị tham khảo về mặt địa-chính trị học. Từ cách nhìn của các nhà nghiên cứu Nhật bản, chúng ta có thể phát hiện nhận thức sâu sắc của tác giả về những chính sách đầy tham vọng của TQ ở khu vực Châu Á-TBD khá độc đáo. Và nhất là lý giải được tại sao Nhật Bản quan tâm đến vấn đề chiến lược trong tình hình phức tạp trên biển Đông hiện nay và xây dựng quan hệ nhiều mặt mang tính chiến lược với Việt nam nói riêng…đặc biệt phần phân tích về quân sự và thủ đoạn xảo quyệt về ngoại giao “hai lưỡi” của Trung Quốc đối với việc chiếm đóng các đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của VN năm 1988 và dãy đá ngầm Mischief của Philippines năm 1995 càng phản ánh rất rõ nét thái độ gần đây của TQ đối với VN. Ở ý nghĩa đó, xin giới thiệu với bạn đọc bài nghiên cứu nầy của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Nhật Bản (2001).
                      Nhóm chuyển ngữ Bauvinal

Lời mở đầu

Sea Lanes (gọi tắt là SLOCs: Sea Lines of Communications) là những tuyến đường huyết mạch vận tải giao thương trên biển, duy trì hoạt động kinh tế qua lại giữa của các nước phát triển, ngày nay mỗi lúc càng gia tăng tầm quan trọng vì Sea Lanes là những “con đường công cộng trên biển” không phải trả chi phí cầu đường trong việc chuyên chở một lượng hàng hóa khổng lồ không thể thiếu được nhằm để phát triển nhiều nước trên thế giới.

Trước khi cơ chế của cuộc chiến tranh lạnh bị phá vỡ, nhờ sự tồn tại của sức mạnh hải quân siêu việt của Hoa Kỳ , Sea Lanes đã tương đối ổn định trong một thời gian dài. Tuy nhiên sau khi cơ chế của chiến tranh lạnh sụp đổ, Công Ước về Biển của LHQ (gọi tắt là UNCLOS) ra đời đã phát sinh ra nhiều vấn đề như Quyền khai thác tài nguyên biển, vấn đề đi lại ở vùng biển giữa các quần đảo, các cuộc tranh chấp chủ quyền vùng đảo-rặng đá ngầm chung quanh tài nguyên ở đáy biển hay nguồn lợi thủy sản, nạn hải tặc hoành hành….tạo ra một bóng đen bao phủ đe dọa đến an ninh của Sea Lanes và quyền tự do sử dụng biển khơi. Đặc biệt đáng lo hơn cả là những động thái của TQ qua việc chiếm đóng bằng vũ lực quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Đông Sa, can thiệp trắng trợn vào quần đảo (Trường Sa) đồng thời đòi chủ quyền Đảo Senkaku và giải phóng Đài Loan...những nhân tố tiềm tàng tạo ra một tình trạng bất ổn đối với tuyến đường biển ở Châu Á-Thái Bình Dương vốn rất yếu ớt.

Bài viết nầy nhằm giải đáp hai vấn đề, một là “vấn đề đảm bảo an ninh, phòng thủ tuyến đường giao thương trên biển” và hai là “Tuyến đường biển quanh Nhật bản và ảnh hưởng của Trung Quốc”. Liệu Nhật Bản phải kết hợp như thế nào với các nước ASEAN để đối phó với nước siêu cường là Trung Quốc để đảm bảo an ninh cho Sea Lanes ở vùng biển Châu Á-TBD là bài toán cần được giải đáp.

1. Sea Lanes và Dầu mỏ

(1) Tình trạng dựa vào tài nguyên nước ngoài của nước ta (NB)

Nhật bản là một nước nghèo tài nguyên, hầu hết phải dựa vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, dầu hỏa là 99.7%, Quặng sắt 100%, Quặng Đồng 99,0%, Nickel 100%, trong lương thực thì Ngũ cốc là 72,9%, các loại đậu 95,5%. Nếu so với các nước Âu Mỹ, như ở bảng 1, không những dầu hỏa mà nhiều tài nguyên khác Nhật Bản cũng phải dựa vào nước ngoài mới có thể sống còn. Khi nghiên cứu về vấn đề an ninh quốc gia, chúng ta cần phải lưu ý một sự thật rằng những tài nguyên nầy không ngừng được vận chuyển ngày đêm thông qua tuyến đường thông thương trên biển nầy(để cập nhật đề nghị xem thêm Japan's Sea Lane Security A Matter of Life and Death-- Euan Graham, NXB Routledge; 1 edition (December 16, 2005—HLT chú)

 Những tài nguyên nầy được chuyên chở từ đâu, thông qua con đường nào để vào đến Nhật Bản. Từ nay về sau, những vật tư nầy, đặc biệt là dầu mỏ, chúng ta còn cần tới một mức như thế nào. Theo con số thông kê của “Tình hình vận tải biển của Nhật Bản” lượng hàng hóa chuyên chở của thế giới năm 1999(ước tính) là 5,1 tỷ tấn, lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản là 150 triệu tấn, nhập khẩu là 748.86 triệu tấn, tổng cộng là 853.86 triệu tấn, chiếm 16,7% lượng hàng hóa vận tải bằng đường biển. Nhìn vào nội dung vật tư chuyên chở, chúng ta thấy dầu mỏ (và sản phẩm dầu mỏ) chiếm nhiều nhất 37,1%, kế đến là than đá, quặng sắt, lúa mì, tổng cộng cả ba hạng mục nầy là 21,5% (xem bảng 1).

Nhìn vào từng khu vực các mặt hàng nhập khẩu trong Bảng 1 đính kèm ”Tình hình về lượng hàng nhập khẩu theo khu vực” (năm 1997) thì Trung Đông là 143.220 triệu tấn(18,4%), Bắc Mỹ là 97.870 triệu tấn(12,0%), Trung Nam Mỹ là 55.070 triệu tấn(7%), Trung Quốc 43.020 triệu tấn, Châu Âu là 8.890 triệu tấn( 1,1%) và các nơi khác là 5,3% .

Mặt khác, trong số 99,7% tổng lượng sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu thì Liên Minh các tiểu vương quốc Ả Rập chiểm 26,3%, Ả Rập Saudi là 25,9%, Iran là 9,9% , tổng cộng 62,1% là nhập từ Trung Đông. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Gia của Đại Học Quốc Phòng Hoa Kỳ dự đoán lượng dầu mỏ tiêu thụ của Nhật Bản sẽ tăng mức nhập từ từ, từ 65% nhập từ Trung Đông, đến năm 2000 là 67% và đến năm 2010 sẽ đạt ở mức 77%.

 

            Bảng 1.Vật tư chủ yếu dựa vào nước ngoài ngoài ngoài ngoài ngoài ngoài ngoài ngoài

  Nhật Mỹ Đức Anh Pháp
Dầu mỏ  99,7 52,1 97,5 0,0 97,2
Than đá     97,5 0,3 33,0 34,2 80,0
Năng lượng     79,9 21,0 59,8 00,0 48,8
Quặng sắt    100,0 23,1 100,0 100,0 100,0
Đồng     99,9 31,1 100,0 100,0 100,0
Chì     98,4 74,2 100,0 99,3 00,0
Kẽm    90,4 53,9 100,0 100,0 00,0
Nickel   100,0 98,9 100,0 100,0 100,0
Ngũ cốc     72 0,0 0,0 0,0 0,0
Đậu     95,0 0.0 73.0 0,0 0,0
Thịt    44,0 3,0 11,0 19,0 0,0
Sữa/sản phẩm từ Sữa    29,0 0,0 0,0 8,0 0,0

 

(2) Điểm chốt trên tuyến đường thông thương trên biển

Tại buổi họp báo tháng 2/1986, Tổng thống Hoa Kỳ R. Reagan đã trình bày những điểm chốt (Choke point) về quân sự trên Sea Lanes  và những điểm chốt nầy có liên hệ như thế nào với tuyến đường vận tài dầu mỏ ? Hơn thế nữa là dầu mỏ đã thông qua tuyến đường biển nào ? Để chuyên chở dầu mỏ từ biển Caspian qua ngõ Vịnh Péc Xích thì phải đi ngang eo biển Holmes xuyên Ấn độ dương vào eo biển Malacca hay eo biển Lombok để tiến vào biển Đông.

Các điểm chốt của tuyến vận tải dầu mỏ, trong trường hợp đi qua Hắc hải  phải theo eo biển Bosporus,  lượng tàu biển qua eo biển nầy năm 1999 là 47,906 chiếc (trong đó các tàu cỡ lớn cần hướng dẫn là 18,424 chiếc) và trong số đó  5,404 chiếc tàu chuyên chở dầu chiếm 29,3% tuy nhiên vì eo biển nầy chật hẹp nên sự cố xảy ra (mắc cạn hoặc đâm nhau) ngày càng nhiều. Năm 1995 có 4 vụ, năm 1998 là 11 vụ, 1999 là 16 vụ. Mặt khác eo biển Bosporus nằm vắt ngang thành phố Istanbul(Thổ Nhĩ Kỳ) nên qui chế bảo đảm an toàn hết sức nghiêm nhặt, tháng 11/2000 khi TQ (Hồng Kông) mua tàu sân bay( chưa hoàn thành) của Nga bị cấm kéo qua đây với lí do gây nguy hiểm cho thấy nhiều tàu chở dầu cỡ lớn đã không thể đi lại qua vùng biển nầy.

 

 

Eo biển Malacca

 

Tàu bè qua lại ở điểm chốt thứ hai là kênh đào Suez khoảng 14,300 chiếc và phải đưa chuyên gia lên lái tàu qua kênh đào cho nên hạn chế số lượng tàu sử dụng tuyến đường biển nầy. Năm 1998 lượng tàu qua lại kênh đào Suez hàng tháng  là 1128 chiếc (bình quân 37,6 chiếc/ngày). Trong số các tàu lớn qua eo biển nầy, số tàu chở dầu là 193 chiếc, chiếm khoảng 12% vào năm 1997, so với năm 1989 là 162 chiếc, lượng dầu hỏa và sản phẩm dầu hỏa đi hướng Nam là 607,700 tấn, phía bắc là 155,500 tấn. Tàu thuyền từ Suez hay Châu Phi hướng về Đông Bắc Á đều phải đi qua Vùng đặc quyền kinh tế(EEZ=Economic Exclusive Zone)  theo Công ước về Luật Biển mới của Indonesia đã được công nhận. Vùng EEZ  nầy bao gồm cả eo biển Malacca và Lombok nhưng eo biển Malacca là tuyến đường ngắn nhất khi từ Châu Âu hay khu vực Trung Cận Đông đi Đông Nam Á và Đông Bắc Á, vì vậy tàu bè qua lại tấp nập không kém gì eo biển Anh-Pháp, có khoảng 41,800 chiếc qua lại mỗi năm. Vấn đề là eo biển Malacca rất hẹp và độ nông của biển. Đường hàng hải cực nam của eo biển nầy là One Fathan Bank chỉ rộng 1,5 mile và mực nước sâu từ 21,1-22,9 mét, các con tàu cỡ lớn phải chờ thủy triều lên mới có thể đi được.

Nếu sử dụng đường vòng không qua eo biển Malacca thì phải đi qua eo biển Lombok nằm giữa đảo Baki và đảo Lombok, kế đến là eo biển Makassar nằm giữa đảo Kalimantan(Borneo) và đảo Sulawesi(Selebes) có độ sâu 150 mét là eo biển duy nhất không hạn chế trọng tải. Tuy nhiên tàu từ Trung Đông đi vòng theo tuyến nầy dài khoảng 1500 miles, phải tốn thêm 3-5 ngày đường. Đây cũng là tuyến hàng hải quan trọng để chuyên chở các loại quặng sắt, than đá từ Australia xuất khẩu đi các nước Đông Bắc Á.

 Mặt khác, eo biển Selat Sunda nằm giữa đảo Sumatra và đảo Java nếu đi qua mũi Cape of Good Hope để đi Đông Bắc Á thì đây lại là con đường ngắn nhất nhưng tàu bè qua lại rất phức tạp, không hạn chế tải trọng vì vậy đối với loại tàu trên 100,000 tấn thì ít khi sử dụng tuyến qua Lombok không phổ biến trong hàng hải quốc tế. Phía đông eo biển Lombok là eo biển Onbei Weter hay Torres nhưng chưa thể dùng làm tuyến hàng hải quốc tế vì thiếu hạ tầng cơ sở, biển báo. Ngoài ra, các vùng biển ở quần đảo Trường Sa, eo biển Đài Loan hoặc vùng biển chung quanh quần đảo Senkaku hoặc Đông Trung Hoa là những nơi tuy không phải là vùng biển chiến lược nhưng khi xảy ra xung đột thì vấn đề an toàn của Sea Lanes vẫn bị đe dọa. Hiện nay, mối lo lớn nhất giữa các nước ASEAN là khả năng tuyến đường thông thương bị cắt đứt, nói khác đi là các cuộc tranh chấp những mỏ dầu đáy biển trong khu vực chung quanh Trường Sa. Trong trường hợp xảy ra xung đột thì chi phí vận tàu bằng đường vòng sẽ  làm tăng phí vận chuyển gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế.

(3) Độ lệ thuộc về kinh tế vào Sea Lanes

 Tiếp theo, chúng ta thử nhìn xem có bao nhiêu tàu thuyền qua lại những tuyến đường biển nầy. GS John H. Noer thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Gia của đại học quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, theo số liệu năm 1993 trên thế giới, số tàu có tải trọng trên 1000 tấn là 26,164 chiếc với 2 triệu 200 nghìn lượt hàng hải, trong đó có 8842 chiếc qua eo biển Malacca 94,000 lần.

 Nguyên liệu rất cần cho công nghiệp các nước Đông Bắc Á là dầu thô và sản phẩm từ dầu mỏ, bảng 4 là than đá và than luyện(cocks) và bảng 5 là lượng quặng sắt chuyên chở đi về phía bắc bằng  tàu, bảng 6 là lượng hàng hóa (chủ yếu là hàng công nghiệp từ các nước Đông Bắc Á đi ĐNÁ hay Châu Âu. Theo các bảng thống kê nầy dầu mỏ xuất phát từ vịnh Péc Xích đi qua eo biển Malacca là chủ yếu, hàng hóa đi qua eo biển Lombok hầu hết là than đá, quặng sắt xuất phát từ Australia. Hầu hết là chuyên chở cho thị trường Nhật bản. Có thể thấy được rằng sự phát triển  và thịnh vượng của Nhật Bản cũng như các nước ĐNÁ phải dựa rất lớn vào “sự tự do đi lại trên biển nhờ vào an ninh và tuyến đường Sea Lanes được đảm bảo.

Mặt khác, trọng lượng và kim ngạch hàng hóa chuyên chở ở nơi gửi đến nơi đến và theo thồng kê thì các nước Bắc Đông Á (Nhật, Hàn quốc, Đài Loan, Hồng Kông) nhập nguyên liệu, còn tàu từ Đông Bắc Á là sản phẩm cho các nước ĐNÁ hay Châu Âu, trong đó Châu Âu là  điểm đến lớn nhất. Nhật bản là điểm đến lớn nhất của các loại nguyên liệu và là điểm xuất phát lớn nhất các loại thành phẩm công nghiệp. Bảng 2 và 3 “Xuất nhập khẩu giữa các khu vực qua Sea Lanes ở ĐNÁ” là thống kê lượng hàng hóa và gía cả theo từng nước chuyên chở qua các tuyến hàng hải thuộc các eo biển ở ĐNÁ(Lombok, Malacca, Trường Sa, Sunda) .

Các  tuyến Sea Lanes

Biển chiếm 2/3 diện tích địa cầu, là nơi cung cấp phương tiện chuyên chở vừa rẻ lại vừa được số lượng lớn nhất là tài nguyên, chất đốt, sản phẩm công  nghiệp. Ngày nay việc chuyên chở bằng đường hàng không  tăng nhanh, năm 1995 là 13 triệu tấn, chiếm 28,9% kim ngạch vận tải tuy nhiên nhìn về số lượng thì chỉ tương đương với 0,3%, 99,5% (4678 triệu tấn) vật tư được chuyên chở bằng đường biển.

 (4) Các vấn đề Tàu bè và bến cảng

Mạng lưới vận tải biển trên thế giới

Bảng 2. Xuất khẩu giữa các khu vực đi qua các Sea Lanes ở ĐNÁ

Nước khu vực          Triệu tấn Giá cả--tỷ USD Tỷ lệ theo nước
Nhật 33,6 153 42.4%
NIES* 24,7 78 25,7%
Australia  133,6 17 39,5%
TQ 8,9 20 21,8%
Châu Âu 40,8 107 6,8%
ĐNÁ 171,2 114 55,4%
Hoa Kỳ 11,1 15 3,3%
Toàn thế giới 830,0 568 15,1%

 *NIEs gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông; Châu Âu không gồm Đông Âu và địa trung hải)

 

      

         Sea Lane qua eo biển Malacca và các sea lanes khác

Lượng tàu trong đội thương thuyền của Nhật bản vào cuối năm 1999 là 1996 chiếc (6 triệu 727 nghìn tấn), tàu mang quốc tịch Nhật bản là 154 chiếc (11 triệu 280 tấn chiếm 7,7% nếu tính về số tàu, và 16,8% nếu tính theo số tấn hàng hóa chuyên chở. Tỷ lệ số tàu mang quốc tịch Nhật Bản có khuynh hướng giảm sút. Ngoài ra, tàu nước ngoài mang quốc tịch Panama là 1263 chiếc (chiếm 64,2% tổng số), trọng tải 38 triệu 080 nghìn tấn( 56,6%), Liberia là 142 chiếc(7,8%) trọng tải 4 triệu 920 nghìn tấn(8,2%), hầu hết mang quốc tịch vì vấn đề tiện dụng, nếu so với mức 1580 chiếc vào năm 1972 thì đội thương thuyền của NB ngày càng giảm bớt vì không đủ sức cạnh tranh với nước ngoài do chế độ lương bổng của thuyền viên NB theo qui định của hợp tác xã công đoàn thủy thủ toàn Nhật bản, chi phí đăng kí tàu  và thuế tài sản cố định quá cao.

Bảng 4. Sự biến đổi cơ cấu tàu bè NB( tàu quốc tịch Nhật và tàu nước ngoài)

1985年(năm) 1028 (chiếc) 878 529 2434
1990年(năm)  449  (“) 1053 490 1992
1995年(năm)  218  (“) 1154 627 1999
1999年(năm)  154  (“) 1083 759 1996

 Mặt khác, cùng với hoạt động kinh tế ngày càng “toàn cầu hóa”, sự thay đổi quốc tịch tàu sang nước ngoài, mang quốc tịch có lợi nhất càng phổ biến, trở thành vấn nạn khi muốn tìm hiểu quốc tịch của một chiếc tàu nào đó. Thí dụ như chủ chiếc tàu là người TQ(Hồng Kông), nhưng người bỏ vốn đầu tư lại là người Nhật, đăng kiểm tại Panama, thuyền trưởng là người Nhật, máy trưởng là người Hàn quốc, thuyền viên là người Philippines hay Việt Nam, cơ quan bảo hiểm là LLoyde bên Anh quốc, hàng hóa vận chuyển lại là hàng điện máy Nhật sản xuất ở Malaysia…là trường hợp không phải hiếm. Điều nầy dẫn đến  nguy cơ  là chiếc tàu mang nhiều quốc tịch khác nhau, gây khó khăn cho việc đào tạo thuyền viên, trang thiết bị không hợp lệ và hơn thế nữa là khi xảy ra vấn đề thì đưa đến nhiều vấn nạn liên hệ đến sự tồn vong của quốc gia như không đảm bảo được số thuyền viên, không có đủ lượng hàng nhập khẩu cần dùng…

Trong khi đó, quota cho thuyền trưởng mới lại ít, số người thuyền trưởng cao niên không có người thay thế, nếu tình hình nầy tiếp diễn thì trong 10 năm tới sẽ không còn thuyền trưởng người Nhật. Nếu trong lúc xảy ra “sự biến” mà lại không có tàu treo cờ Nhật (quốc tịch NB) thì sẽ đưa đến cảnh chủ hàng hay chủ tàu phải cho tàu đi qua vùng biển nguy hiểm hoặc thuyền viên nước ngoài đành phải làm việc cho Nhật bản trong khi nơm nớp lo lắng đến sinh mạng của mình, lực lượng hải quân của NB không thể bảo vệ hay hộ tống vì hàng rào luật pháp hiện hành.

Phần lớn dầu mỏ thường được vận tải theo tàu chuyên dụng đến các bến cảng riêng còn những hàng hóa khác chuyên chở bằng tàu ngày càng theo khuynh hướng con-te-nơ hóa, 10% hàng hóa ra vào Nhật bản, tương đương với 88 triệu tấn thì 82,4% là hàng con-te-nơ. Khuynh hướng rõ rệt gần đây là  những con-te-nơ nầy thường theo tàu chuyên dụng cỡ lớn cập các cảng chính như Cao Hùng, Hồng Kông, Fusan, sau đó được chuyển sang các tàu con-te-nơ nhỏ đưa hàng cập bến Nhật Bản vị trí của cảng biển Nhật Bản ngày càng sụt giảm như bảng 5. Lý do là các bến cảng từ chối bốc dỡ hàng hóa vào đêm khuya, phí cập bến cao, sau khi bốc hàng lên bờ chi phí chuyên chở trên đất liền cao và các bến cảng ngày càng nông, không đủ sâu cho loại tàu con-te-nơ…         

Bảng 5.Thứ hạng của Cảng Con-te-nơ trên thế giới

  Hồng Kông Singapore Cao Hùng Fusan Rotterdam Thượng Hải Tokyo Yokohama Kobe
Năm 1999  1     2  3  4    5  7  13  18  18
Năm 1998  2     1  3  5    4  10  15  18  20

 

2. Các vấn đề về con đường chuyên chở dầu mỏ trên biển

(1) Các vấn đề phát sinh từ Luật biển mới của LHQ

Năm 1994 Luật biển mới của LHQ bắt đầu có hiệu lực, vùng biển từ bờ đến 200 hải lý  được công nhận là khu vực đặc quyền kinh tế, tài nguyên dưới đáy biển cũng như chủ quyền, quyền tài phán của nước dọc ven biển nầy được công nhận. Nhờ vậy khoảng 49% đại dương thuộc vào quyền quản lý của nước nào đó, như lời mở đẩu của Luật biển mới nầy thì tự do hàng hải được chấp nhận.

1/ Tàu bè vô hại nước ngoài có quyền đi lại ở vùng biển quần đảo (điều 1 khoản 52)

2/ Nước quần đảo có thể chỉ định tuyến đường hàng không và tuyến đường trên biển thích hợp với việc đi lại nhanh và thích hợp nhất cho máy bay và tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển tiếp với vùng thủy của quần đảo thuộc nước mình hay bầu trời trên vùng lãnh hải(điều 1 khoản 53)

3/ Trong trường hợp nầy các tàu thuyền hay máy bay được đảm bảo quyền đi lại qua vùng hải lộ của quần đảo (điều 2 khoản 53)

Nhưng vấn đề “Các nước quần đảo có thể tạm  đình chỉ việc đi lại của tàu thuyền vô hại của nước ngoài ở vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo trong trường hợp bất khả kháng nhằm đảm bảo an ninh cho nước mình” (điều 2 khoản 52) hay “Quyền đi lại ngang qua khu vực vùng trời của quần đảo” là“quyền đi ngang hay bay qua vùng trời theo hình thức thông thường (điều 3 khoản 53) đã có ghi rõ trong Luật biển mới, và dựa vào qui định nầy sẽ phát sinh ra vấn đề cấm đoán các tàu chiến, mẫu hạm giữ nguyên biên đội hay chống tàu ngầm, buộc tàu ngầm phải nổi lên mặt biển khi đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế.

 Mặt khác, một số nước ven bờ đưa ra vấn đề quyền lợi của mình trong việc khai thác tài nguyên biển, xác lập chủ quyền các đảo hay đường biến giới lãnh hải trong khu vực liên quan đến quyền tài phán, tạo ra một sự tranh chấp với các nước đang thông thương trên Sea Lanes. Thí dụ như Indonesia , theo luật biển mới được công nhận  quyền kiểm soát của mình trên một vùng biển rộng lớn, trở thành nước có ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng một cách ổn định vùng hàng hải quan trọng nối liền Châu Á-TBD với Châu Âu,Trung Đông hay cả với Australia qua các eo biển Malacca, Sunda, Lombok…Tuy nhiên các eo biển quốc tế mà Indonesia được công nhận rất giới hạn, khác với chủ trương về eo biển quốc tế của Hoa Kỳ và các nước khác.

 Như vậy nếu chủ trương của các nước ven biển đưa ra “quá đáng” thì vùng biển quản lý thuộc các nước sẽ bị  chia cắt, có nguy cơ

vi phạm quyền “tự do đi lại” để phát triển kinh tế của xã hội quốc tế.

Mặt khác vấn đề cấm trang bị vũ khí hạt nhân ở thềm lục địa thì giữa Hoa Kỳ và các nước Châu Á cũng khác nhau. Mối quan hệ giữa biển và các nước ASEAN xét về mặt lịch sử thì cũng không sâu sắc, họ cho rằng việc hạn chế những hoạt động của hải quân sẽ giúp cho nền hòa bình của biển được lâu dài, ngày 2/1/195 “Hiệp ước xây dựng phi vũ trang hạt nhân ĐNÁ”(SEANWFZ: South East Asian Nuclear Weapon Free Zone”) đã được kí kết. Chính phủ Mỹ cho  rằng hiệp ước nầy nhằm hạn chế “quyền tự do của biển” vì vậy đã đưa ra tuyên bố phản đối như dưới đây:

   “Ở thời điểm hiện nay, lý do cần tranh luận quan trọng nhất để bảo lưu sự ủng hộ đối với hiệp ước nầy là sự tồn tại của điều khoản “khu vực phi hạt nhân” bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế trên biển(EEZ) và thềm lục địa. Chúng tôi cho rằng điều này xâm phạm đến sự tự do hàng hải trên vùng biển thuộc hải phận quốc tế và bay qua vùng trời đã được quốc tế công nhận. Ngay cả ở vùng biển  tự do thuộc hải phận quốc tế, đối với những nước không tham gia kí kết hiệp ước nầy cũng phải có nghĩa vụ nhất định mặc dù họ không đồng ý là điều mâu thuẫn với Luật Biển của LHQ…(lược)…hơn thế nữa EEZ và thềm lục địa cũng nằm trong phạm vi áp dụng hiệp ước nầy còn gây sự mù mờ về đường biên giới phân định trên biển, có nguy cơ tạo ra những cuộc tranh chấp mới..(lược)… việc đưa thềm lục địa và khu vực EEZ vào trong phạm vi của hiệp ước vốn đã mâu thuẫn với nguyên tắc tự do hàng hải hay bay trong vùng trời thuộc hải phận quốc tế trên vùng biển nơi đó.

Những quyền lợi được phép thực hiện trong vùng biển trên thế giới bên ngoài lãnh hải của các nước như tàu chiến, không quân của bất cứ một nước nào, mọi các hoạt động di chuyển của quân đội, tác chiến hàng không, hay diễn tập quân sự nếu như nó không phương hại đến những hoạt động đảm bảo an ninh và quyền lợi của nước khác hay ngăn cản tác chiến hàng không-hạm đội của nước đó. Qui định của hiệp định  hiện hành không hạn chế những quyền lợi và hàng hải dọc theo các quần đảo trên Sea Lanes, quyền lợi đi ngang qua các eo biển quốc tế cũng như những quyền lợi về đi lại trên không lẫn trên biển nhưng chúng tôi vẫn lo ngại những ảnh hưởng của nó đối với việc đi lại trên hải phận quốc tế”

  (2) Vấn đề khủng bố và cướp biển

Trung tâm Cướp Biển Khu Vực, một tổ chức thuộc Văn Phòng Hải Vận Quốc tế (IMB=International Maritime Bureau) đặt tại Kuala Lumpur, Maylaysia đã được thành lập vào tháng 10/1992. Theo con số thống kê số vụ  và vùng biển phát sinh cướp biển như bảng 6. Nếu kể đặc trưng và khuynh hướng của hành vi cướp biển thì từ năm 1992 đến đầu năm 1994 từ Hồng Kông đến vùng biển nối liền Đảo Lu Son, đảo Hải Nam, biển Đông, kế đến là lan rộng ra biển Đông Trung Hoa và eo biển Malacca. Vùng biển có cướp biển nhiều nhất là vùng biển ĐNÁ mà trung tâm là khu vực chung quanh Indonesia, eo biển Malacca, Singapore. Số vụ của năm bắt đầu thống kê 1994 là 90, năm 1995 là 188. năm 1996 là 228, năm 1997 là 247 và năm 1998 là 202, có giảm chút đỉnh nhưng sang năm 1999 lại có 309 vụ. Năm 1998 xảy ra vụ cướp Tenyumaru giết hại 14 thuyền viên và năm 1999 xảy ra vụ Alandra Rainbow( 2 tuần sau giải phóng được 17 người). Cướp biển ngày càng có tổ chức và qui mô hóa.

Ngoài ra từ tháng 3/1991 đến tháng 6/1993, trên biển đông Trung Hoa đã có 31 vụ nã súng uy hiếp của tàu “lạ”, kiểm tra bất thường 23 vụ, phá hoại trang thiết bị 2 vụ, cướp bóc 3 vụ….tổng cộng là 72 vụ bất thường. Phần lớn đầy là những người TQ mặc quân phục  đi bằng tàu tuần tra cao tốc nã súng vì vậy giữa năm 1993. hải quân Nga đã cử tàu chiến đến vùng biển nầy. Chính phủ Nhật Bản đưa đề nghị nhà đương cuộc về canh phòng duyên hải của hai nước nên họp lại để bàn về vấn đề đi lại của tàu bè với ngoại trưởng TQ trong lần ông ta sang Nhật Bản, nhờ vậy số vụ năm sau chỉ còn 1. Bối cảnh và ý đồ của những vụ cướp biển nầy chưa rõ, theo GS Hiramatsu Shigeo của Đại Học Kyorin(NB) cho rằng nhằm mục đích loại trừ tàu cá của Nhật ra khỏi biển Đông Trung Hoa để biến thành vùng biển “nằm dưới sự chi phối của TQ”.

Bảng 6. Tình hình phát sinh Cướp biển

     1995 1996 1997 1998 1999
 

Đông Á

Tàu nước ngoài  80  133  109  100  173
  Tàu Nhật   5   10   12   14   28
Biển Ấn Độ Tàu Nước ngoài  15    30   41   25   51
  Tàu Nhật   1    0    1    1    7
Châu Phi Tàu nước ngoài  15   28  41   41   52
  Tàu Nhật   0    1   2    4    1
Nam Phi Tàu nước ngoài   20   32  45   38   29
  Tàu Nhật   2    0   0    0    1
Khu vực khác Tàu nước ngoài   2    5  16    6    4
  Tàu Nhật   0    0   3    0    2
Tổng Cộng Tàu nước ngoài 132  228  252  210  309
  Tàu Nhật   8   11   18   19   39

 Ngoài ra, có những vụ do nước gây khủng bố hay tổ chức khủng bố như bí mật trải mìn, thủy lôi ở bến cảng, kênh đào, eo biển, tấn công bằng tên lửa, phong tỏa bến cảng bằng cách tự đánh đắm, tấn công khủng bố vào các tàu chiến (như khu trục hạm của Mỹ bị khủng bố tự sát tấn công ở cảng vịnh Aden vào tháng 9/2000). Việc phòng thủ trước sự tấn công vào hệ thống điều hành và kiểm soát trên biển với nhiều cơ quan chức năng phối hợp vốn rất khó, đặc biệt là chỉ với một sự tấn công bằng vũ lực ở cấp thấp cũng đủ để gây hại một cách nghiêm trọng.

3. Các vấn đề của từng vùng biển trong Sea Lanes

Sea Lane của TQ

 

    (1) Vấn đề quần đảo Trường Sa

 Trên tuyến Sea Lane sau khi đã vượt qua eo biển Malacca, những vùng biển có thể xảy ra tranh chấp là vùng biển chung quanh quần đảo Trường Sa, eo biển Đài Loan, chung quanh các đảo Senkaku và biển đông Trung Hoa. Quốc gia can dự nhiều nhất vào những vấn đề nầy là TQ.

Tháng 1/1974 TQ đưa hải-không quân tấn công chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ thuộc chủ quyền của Nam Việt Nam (Paracel island hay Tây Sa), năm 1988, TQ xây dựng sân bay đường bằng dài 2,600 mét trên đảo Phú Lâm lớn nhất trong quần đảo Trường Sa trong vòng 1 năm. Kế đến là tiến quân vào quần đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 180 đảo, rặng đá ngầm, san hô lớn nhỏ, chỉ có 7 đảo là có diện tích trên  100 mét vuông, hầu hết còn lại là đá, bãi cát chìm, chỉ có 20 đảo hay bãi đá là người có thể ở ,đang có 5 nước Đài Loan, Việt Nam,  Malaysia, Philippines có chủ quyền trước khi nước CHNDTH được thành lập, TQ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa nhưng lúc đó không có chiếm giữ một hòn đảo hay bãi cát, dãy đá ngầm nào. 

Bước vào thập niên 1980, tàu chiến của hải quân TQ đã tiến công vào vùng biển chung quanh quần đảo Trường Sa và dưới sự canh phòng của lực lượng nầy tàu điều tra hải dương thuộc Cục hải dương quốc vụ viện TQ bắt đầu tiến hành điều tra.

 Vào mùa hè năm 1987 TQ tổ chức diễn tập quân sự trên vùng biển Trường Sa, tháng 3/1988 giao chiến với hải quân VN chiếm đóng 6 đảo nhỏ, trong đó có đảo Johnson thuộc quần đảo nầy, dựng cột biển báo “CHNDTH” với sức mạnh hải-không quân vượt trội, quân TQ đã giành chiến thắng áp đảo. TQ đã cắm các cột thép hay xây nhà sàn lên những đảo chìm lúc thủy triều lên và tiếp tục củng cố trong vài năm để biến chúng thành căn cứ quân sự chắc chắn và lâu dài cho tàu chiến. Sự kiện nầy xảy ra ngay trước khi tại cuộc đàm phán để tiến đến hòa giải Trung-Việt,  hai bên cam kết kiềm chế hoạt động quân sự ở biên giới Trung-Việt, kí kết văn kiện tạm thời đồng ý khởi động mậu dịch biên giới.

Tiếp đó, trong cuộc hội đàm với tổng thông Philippines Akino vào năm 1988, và trước đó với Tổng thống Marcos khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1975, Phó chủ tịch TQ Đặng Tiểu Bình đã đồng ý “giải quyết vấn đề quần đảo Trường Sa bằng đàm phán “hòa bình và hợp tác hữu nghị qua con đường ngoại giao bình thường”. Hơn nữa, chủ tịch Giang Trạch Dân và tổng thống Ramos trong lần sang thăm vào năm 1993 cũng đã tuyên bố  gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác (biển Đông).

Thế nhưng khi quân đội Mỹ rút quân ra khỏi Philippines, hải quân TQ liền chụp thời cơ chiếm đóng dãy đá ngầm Mischief, ẩn dưới mặt nước khi triều lên và xây dựng những tòa nhà cao tầng kiên cố tại những đảo nhỏ chung quanh thuộc phía tây quần đảo Trường Sa (tiếng Philippines là Kalayan Island). Chính phủ TQ biện minh rằng “đây là những cơ sở để tránh gió bão do nhà đương cuộc địa phương về nghề cá xây dựng nhằm giữ gìn sinh mạng của ngư dân và bảo đảm an toàn cho việc đánh bắt mà thôi” nhưng TQ vẫn tiếp tục xây dựng để củng cố.

Vào tháng 2/1995, Tổng thống Ramos đá công bố bức ảnh chụp 9 chiếc tàu chiến của TQ gồm 2 chiếc tàu điều tra hải dương, tàu tiếp tế, tàu đổ bộ ở dãy đảo đá ngầm Mischief nầy để phản đối. Nhưng từ cuối năm 1988 sang năm 1999 những cơ sở nầy đã được xây dựng kiên cố, với đầy đủ trang bị cơ sở hạ tầng lâu dài cho quân đội nhân dân giải phóng sinh hoạt, ăn ở lâu dài (thiết bị lọc nước, trồng rau, điện thoại trực tiếp…)

TQ một mặt chủ trương “giải quyết hòa bình” cuộc tranh chấp nhưng mặt khác lại củng cố chiếm cứ bằng sức mạnh quân sự, cố chấp đàm phán song phương với nước có yêu sách về chủ quyền, phản đối việc giải quyết bằng thương lượng đa phương. Mặt khác TQ vừa đưa ra chủ trương “cùng nhau khai thác” tài nguyên đáy biển, “gác lại” vấn đề lãnh thổ với tiền đề là Hoàng Sa và Trường Sa và các đảo nhỏ, dãy đá ngầm khác là của TQ, lập trường xem biển Đông, là vùng biển “mang tính lịch sử”, chủ trương “giải quyết hòa bình” để “cùng khai thác” bằng cách “gác lại” nhưng chính TQ là nước thực quyền chi phối các quần đảo nầy.

Sau đó, vào tháng 5 và tháng 6 năm 1999, Hải quân của Philippines đã nã súng và đánh chìm tàu đánh cá đang thao tác vùng biển phụ cận quần đảo Karawan và máy bay thám thính của Philippines bay trên quần đảo nầy cũng đã bị quân VN bắn vào tháng 6/1999. Ngoài ra, vào tháng 7 Malaysia đã xây dựng căn cứ mới trên đào Vành Khăn cho thấy sự đối đầu của các nước trong việc xác lập quyền chi phối (chiếm cứ) ngày càng leo thang. Nhằm mục đích ngăn chận việc tranh chấp bùng nổ, tại diễn đàn ASEAN vào tháng 7/1999 Philippines đưa ra đề nghị “ nguyên tắc hành động” ngăn cấm hành động chiếm cứ các đảo, dãy đá ngầm mới ở trong khu vực nầy nhưng đã bị từ chối vì không những TQ mà các nước liên quan trong ASEAN cũng đã có những tính toán khác nhau.

Như vậy các nước đã liên tục tăng cường binh lực như bảng 7 dưới đây, năm 2000 so với năm 1998, Indonesia là 123%, Malaysia là 159%, Singapore là 174% và Thái Lan là 133% để chạy đua vũ trang khi sức mạnh kinh tế gia tăng, đối phó với chính sách Nam tiến của TQ và việc thực thi Luật biển mới của LHQ.

          

Bảng 7.Tổng binh lực của các nước ASEAN

Năm   Indonesia  Malaysia Philippines Singapore Thái
1980  241,800   66,000 112,800   42,000 230,000
1986  281,000  110,000 113,000   5,500 256,000
1992  276,000  132,400 106,500   55,500 283,000
2000  298,000  105,000 110,000   73,000 306,000

 Hải quân là đơn vị được tăng cường hơn cả, Thái Lan đã sắm tàu sân bay(có thể chở máy bay chiến đấu Harrier lên thẳng đứng 6 chiếc và 4 chiếc trực thăng) vào tháng 8/1977, thuê 2 chiếc Khu trục hạm(trong 5 năm) của Mỹ, thuê TQ đóng  4 chiếc Tuần dương hạm (thân tàu là TQ, trang bị vũ khí là các nước phương tây) và 1 chiếc tàu tiếp tế. Hiện đang thuê TQ đóng thêm 2 chiếc Tuần dương hạm, mặt khác Thái Lan tự đóng lấy 3 chiếc loại tàu Corvette(630 tấn) và loại cải tiến(645 tấn) 3 chiếc khác. Qua sự kiện Mischief, Philippines công bố kế hoạch trang bị vũ khí với tổng kim ngạch trị giá 5,4 tỷ USD nhưng vì gặp khó khăn về tài chính nên không thực hiện được là bao.Trang bị chủ yếu của hải quân là 1 chiếc Tuần dương hạm cũ kĩ đóng từ năm 1940, và 10 chiếc Corvette, thêm 3 chiếc Corvette(690 tấn)  mua của nước Anh sau khi Hồng Kông được trao trả.

 Malaysia có 2 chiếc Tuần dương hạm của nước Anh chế tạo(2270 tấn) , 4 chiếc Corvette (705 tấn) của Anh mua trong hai năm 1997-1998. Ngoài ra còn mua của Mỹ Tàu đổ bộ(8450 tấn), có tin cho biết Malaysia đang thương lượng với các nước như Australia để đào tạo thủy thủ tàu ngầm. Brunei mua 3 chiếc tuần duyên cỡ lớn của Anh, xúc tiến việc hiện đại hóa quân đội nhờ nguồn ngoại tệ dồi dào còn VN gặp khó khăn về tài chính nên không tiến triển là bao. Riêng Singapore năm 1995 đặt mua của Thụy Điển 4 chiếc tàu ngầm và 3 chiếc đang đi vào hoạt động. Singapore đặc biệt quân tâm đến việc tăng cường lực lượng hải quân đặt mua 6 chiếc Corvette(595 tấn) của Đức, tự sản xuất 12 chiếc Corvette(595 tấn), đóng 4 chiếc tàu đổ bộ(8500 tấn) chở được máy bay trực thăng  và hoàn thành vàonăm2001.

 Là nước hình thành với nhiều đảo, đường bờ biển kéo dài, Indonesia rất cần nhiều tàu chiến để bảo vệ nhưng do tài chính khó khăn, nước nầy đã phải tập trung mua lại tàu cũ của Đông Đức để duy trì binh lực của mình, nhập một lúc 16 chiếc Corvette(769 tấn), tàu quét mìn 9 chiếc, 14 chiếc tàu đổ bộ(1950 tấn và 1700 tấn), tất cả là 39 chiếc.

Phát xuất từ những tính toán về tài nguyên hải dương đi theo việc áp dụng Luật biển mới, các nước ASEAN đã đưa nhau chạy đua vũ trang, ASEAN trở thành thị trường vũ khí lớn nhất thế giới. Trong cuộc chạy đua nầy, các nước nầy chú trọng đến tàu ngầm là phương tiện tấn công thích hợp nhất vào Sea Lanes trong khi còn nghèo về vũ khí.

     

Bảng 8. Các nước có tàu ngầm ở Châu Á

TQ Hàn Quốc Triều Tiên Đài Loan Indonesia Singapore Australia NB
 71  19  26  4    2    3    4 16

(2) Vấn đề Đài Loan và eo biển Đài Loan

  Vào ngày 1/10/1999, trong diễn văn đọc tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm quốc khánh TQ, Chủ tịch Giang Trạch Dân một lần nữa nhắc lại việc giải phóng Đài Loan, chống lại chủ nghĩa bá quyền, thúc đẩy việc đa cực hóa thế giới, ra sức thực hiện “ phú quốc cường binh, hiện đại hóa, thống nhất tổ quốc”. Tháng 8 năm 1999 Quân khu Nam Kinh, nơi chịu trách nhiệm canh giữ Đài Loan đã tập trận đổ bộ với qui mô 11 vạn lính cho thấy TQ dùng vũ lực để đe dọa, trong cuốn “sách trắng về quốc phòng” công bố vào tháng 10 còn cảnh cáo nhà đương cuộc Đài Loan rằng TQ “sẽ có biện pháp kiên quyết kể cả việc sử dụng vũ lực nếu như Đài Loan bác bỏ vô thời hạn việc giải quyết một cách hòa bình vấn đề thống nhất”.

Muốn biết liệu TQ có sử dụng  vũ lực hay không cần phải nghiên cứu cách nhìn lịch sử (lịch sử quan) và quan niệm về chiến tranh (chiến tranh quan) của TQ. Đặc trưng thứ 1 về quan niệm về chiến tranh của TQ là bình pháp của Tôn Tử “không đánh mà thắng là điều tốt nhất” xem trọng chiến lược chính trị bằng mưu lược quyền bính. Nhưng nếu nhìn vào lịch sử gần đây, TQ có khuynh hướng sử dụng sức mạnh quân sự áp đảo để giải quyết nhanh trong một thời gian ngắn như việc chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đàn áp ở Tây Tạng, nghĩa là lúc cần thiết thì họ không ngần ngại dùng binh đánh chớp nhoáng để đánh thắng địch.

Hơn nữa là TQ lúc nào cũng giành chính nghĩa về mình trong cuộc chiến do chính họ gây ra, trong tập “28 khái quát về chiến tranh cục bộ” do Viện Khoa Học Quân Sự Trung Quốc biên soạn cho rằng việc đàn áp dân tộc Tây Tạng vì “Tây Tạng là một phần của lãnh thổ thần thánh của TQ”. Quân đội giải phóng TQ tiến quân vào đây để thực hiện nghiêm túc “8 điều chú ý của 3 đại qui luật” được “đông đảo quần chúng nhân dân bộ tộc Tây Tạng ủng hộ và nghênh đón nhiệt tình” nhưng “ tập đoàn phản động tầng lớp trên của Tây Tạng đã bị đàn áp vì gây bạo động bằng vũ lực phản cách mạng” và gọi đây là “chiến dịch bình định bọn phản loạn”.

Liên quan đến chiến dịch tấn công vào lãnh thổ của VN năm 1979, rằng “thực hiện chiến dịch để bảo vệ biên giới của tổ quốc, là cuộc phản kích chiến đấu tự vệ chống lại bọn theo chủ nghĩa bá quyền khu vực ở VN”, tự tán dương “bằng cuộc chiến tranh nầy đạt được mục tiêu trừng phạt bọn xâm lược VN, ghi thêm vào trang sử chói lọi của quân đội giải phóng TQ một chương tráng lệ” và đối với việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhằm “phản công tự vệ” để thu hồi các đảo thuộc “lãnh thổ thần thánh của TQ” đã bị nhà đương cuộc phản động Nam VN chiếm giữ bất hợp pháp vì vậy TQ đặt tên cho chiến dịch nầy là “tác chiến phản kích tự vệ”. Theo “Khái quan về chiến tranh cục bộ” nêu ở trên TQ luôn đặt tên các cuộc chiến tranh sau thế chiến thứ hai kết thúc bằng những tên gọi như bảng dưới đây. Theo bảng nầy chúng ta có thể hiểu được là khi cần thiết là để thực hiện mục tiêu quốc gia thì TQ không ngại sử dụng chiến tranh làm phương tiện. 

Bảng 9. Những cuộc chiến tranh TQ đã thực hiện sau thế chiến thứ hai

Số lần Tên gọi các cuộc chiến  thời gian Nước đối tượng
 1 Chiến tranh Triều Tiên* 6/1950-27/7/1953 Quân LHQ
 2 Chiến dịch đổ bộ lên đảo Đông      Sơn để tự vệ 16-17/7/1953 Đài Loan
 3 Chiến dịch giải phóng đảo Giang Sơn 18-19/1/1955 Đài Loan
 4  Pháo kích đảo Kim Môn 23/8/1958-12/1978 Đài Loan
 5 Chiến dịch bình định phản loạn Tây Tạng 3/1959-12/1961 Tây Tạng
 6 Chiến dịch phản công Ấn độ 20/10-21/12/1962 Ấn Độ
 7 Hải chiến 86 trên biển Nam Hải 16/8/1965 VN
 8 Hải chiến Sùng Vũ trên Đông Hải 14/11/1965 Đài Loan
 9 Sự kiện Trung Xô trên đảo “Trâm Ngọc” 2-17/3/1969 Liên Xô
10 Chiến dịch phản công ở quần đảo Tây Sa(Hoàng Sa) 17-20/1/1974 VN
11 Chiến dịch phản công tự vệ dối với VN

Tháng 2-3/1979

VN

 

Gần đây tại Viện bảo tàngquân sự, quân đội nhân dân giải phóng TQ đã đổi tên gọi thành “Cuộc chiến chống Mỹ viện Triều”

 Từ những điều trên, việc sử dụng vũ lực để giải phóng Đài Loan có khả năng xảy ra khi cán cân đối trọng về lực lượng với Đài Loan bị tan vỡ, nhân dân Đài Loan nghiêng về sức mạnh của TQ và các nước trên thế giới bỏ rơi Đài Loan. Cuộc chiến sẽ không xảy ra như một cuộc xung đột bằng vũ lực, mà lúc đầu TQ sẽ dùng hình thức phong tỏa trên biển một cách linh hoạt, gây dao động và khi cục diện cuộc chiến bất lợi sẽ kêu gọi quân Đài Loan khởi nghĩa quay lưng lật đổ từ bên trong.

Đây cũng là điểm nổi bật trong chiến tranh của TQ, dùng âm mưu sách lược tuyên truyền kết hợp với nội gián, và cuối cùng là “khởi nghĩa” nổi dậy từ bên trong. Nhìn vào những cuộc chiến “Quốc-Cộng” đã xảy ra thì cuộc “khởi nghĩa” vào đầu tháng 2/1949 bắt đầu từ tàu chiến “Hoàng An” của quân chính phủ quốc gia, 25/2 lan tỏa sang Tuần Dương hạm “Trùng Khánh”, chiếc tàu biểu tượng của quân đội “chính phủ”(Tưởng Giới Thạch), qua ngày 25/4 8 tàu chiến và 16 pháo hạm thuộc hạm đội thứ hai cũng lần lượt nổi dậy khởi nghĩa.Càng bất lợi trên chiến trường thì càng tăng vụ nổi dậy, quân của chính phủ(Tưởng Giới Thạch ) không đánh mà mất 72 chiến hạm và khi Tưởng ra đảo Đài Loan thì chỉ có hơn 50 chiếc đi theo ông ta. Như vậy hành động quân sự đối với Đài Loan từ quan điểm nầy, chúng ta sẽ thấy TQ không có chiến dịch tấn công qui mô lớn vào Đài Loan mà sẽ cô lập Đài Loan bằng cách phong tỏa trên biển và cuối cùng theo sách lược của “Tam quốc chí”, kết hợp giữa tiến công và nổi dậy khởi nghĩa để dành thắng lợi.

 (3) Các vấn đề ở vùng biển Đông Trung Hoa: Okinawa và Senkaku

 Ở thềm lục địa biển Đông Trung Hoa là vùng biển được xem có nhiều trữ lượng dầu mỏ, nằm vắt ngang trung tuyến giữa Nhật Bản và TQ, thuộc về lãnh hải của phía NB. Tuy nhiên TQ đã dựa vào “Thuyết kéo dài tự nhiên của thềm lục địa” đưa ra chủ trương thềm lục địa ở biển Đông TH thuộc chủ quyền của mình, thêm vào đấy là Đài Loan cũng cho quần đảo Senkaku thuộc chủ quyền của họ và Hàn Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa nầy càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp.

Nếu việc khai thác tài nguyên dầu mỏ đáy biển ở biển Đông TQ có triển vọng thì TQ đương nhiên hướng quan tâm của mình đến thềm lục địa của phía NB.  Bước vào thập kỷ 1980, TQ đã cho khoan thử 20 điểm trên vùng biển thuộc phía TQ dọc theo đường trung tuyến NB-TQ. Bất chấp sự cảnh cáo của NB, tháng 12/1995 Dàn khoan số 3 của TQ tiếp tục đã đào dầu trong vùng biển NB dọc theo đường trung tuyến Nhật-Trung ở vùng biển gần Okinawa, năm 1998 hoàn thành cơ sở khoan-đào giếng, khí đốt thiên nhiên “Bình Hồ”. Hơn thế nữa trong vùng biển thuộc TQ, cách 3 dặm tính từ đường trung tuyến Trung-Nhật, vào tháng 10/1999 Dàn khoan số 3 tuyên bố ầm ĩ là đã thăm dò thành công (trong vùng biển rộng hơn 100 km2 thuộc phía nam giếng dầu Bình Hồ).

Mặt khác,kể từ năm 1994, những cuộc điều tra hải dương của TQ ở vùng biển gần NB ngày càng nhiều, năm 1996 có 15 vụ, đến tháng 5 năm  1999 có tất cả là 75 lần, đặc biệt là tháng 5/1995 tàu “Hướng Dương Hồng” số 9 đã thực hiện điều tra đáy biển kéo dài trên 1 tháng ở ở vùng biển kéo dài từ đảo Amami-Oshima đến quần đảo Senkaku. Cuộc điều tra nầy sau đó được mở rộng vùng biển giữa hai đảo Okinawa-Miyakojima vươn ra vùng biển Thái Bình Dương. Từ tháng 5/2000 đến tháng 6 trong 32 ngày tàu “Hải Vĩnh” 723 hoạt động ở hai eo biển Tsushima và Tsugaru, tháng 7 tàu “Đông Điều” 232 hoạt động trong vùng biển từ Tsushima đến Vịnh Đông Hải (từ eo biển Okuma sang vịnh Choshi)
Những hoạt động điều tra gần đây nầy chẳng phải là điều tra hải dương học mà là hoạt động điện tử cần thiết để giải mã năng lực phòng không của Nhật Bản và thu thập tin tức tình báo cần thiết để cung cấp cho tàu ngầm tác chiến với số lần năm 1997 là 4 thì sang năm 1998 có 14 lần và năm1999lên30lần.
 Đáng lưu ý là hoạt động của hải quân TQ. Những cuộc diễn tập quân sự ban đầu là vùng ven biển TQ hay phía tây đường trung tuyến Nhật-Trung trên biển Đông Trung Hoa nhưng bước vào thập kỷ 1980, TQ hướng ra vùng biển đại dương,  từ từ mở rộng đến vùng viển chung quanh Okinawa và quần đảo Senkaku, năm 1998  chỉ có 2 tàu chiến hoạt động gần biển NB, sang năm 1999 nâng lên thành 27 chiếc, tháng 5 tổ chức diễn tập với 12  hộ tống hạm, tháng 7, một biên đội gồm 10 chiếc khu trục hạm hàng Lữ Đại tại phía bắc đảo Điếu Ngư. Năm 2000 qui mô có phần nhỏ lại nhưng nội dung diễn tập cao cấp hơn như cho tàu ngầm hay đơn vị băn tên lửa tham gia.

Tranh chấp lãnh thổ  giữa TQ-NB


 Điều gây khó chịu đối với NB là Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân vào tháng 9 năm 1958 ra “Tuyên bố về lãnh hải của nước CHNDTH” đã không ghi đảo Điếu Ngư tức quần đảo Senkaku là thuộc lãnh thổ từ trước đến nay của NB nhưng trong “Luật lãnh hải và vùng biển tiếp giáp của nước CHNDTH” công bố vào tháng 2 năm 1992, giữa lúc mối quan tâm về tài nguyên hải dương đang lên cao, ghi rõ rằng “Đại lục TQ, các đảo ven bờ, Đài Loan bao gồm cả đảo Điếu Ngư”.” Luật thềm lục địa và vùng kinh tế chuyên quản của nước CHNDTH” được ban hành ngày 26/6/1998 là bộ luật bảo hộ hoạt động kinh tế, khai thác tài nguyên của những vùng biển chung quanh nước CHNDTH dựa theo Công ước về Luật biển của LHQ đã được phê chuẩn vào năm 1996. Vấn đề của luật nầy nằm ở điều 2, rằng “Thềm lục địa của nước CHNDTH là tất cả vùng biển nằm ngoài lãnh hải của nước CHNDTH kéo dài tự nhiên từ lãnh thổ trên đất liền, bao gồm cả sàn biển và phần đất dưới đáy vùng biển ngoại vi của đại lục” và về nguyên tắc “đường kéo dài tự nhiên của thềm lục địa” sẽ được qui định theo luật trong nước nhằm chuẩn bị về mặt pháp lý cho việc khai thác tài nguyên ở thềm lục địa.

 Tàu Cảnh Sát biển của NB đụng độ với tàu TQ trên biển Đông TH

Đối với hành động nầy của TQ, chính phủ NB đã chính thức lập lại quan hệ ngoại giao với TQ vào tháng 9/1972 với thỏa thuận ngầm rằng  sẽ “không đụng đến” vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku. Trong lúc hai bên đang thương thảo về hiệp ước hòa bình hữu nghị Trung Nhật vào tháng 4/1978, một số lượng tàu đánh cá có vũ trang mang quốc tịch TQ đã xâm phạm lãnh hải thuộc quần đảo Senkaku, tạo căng thẳng cho quan hệ hai nước, vì vậy vấn đề chủ quyền lãnh thổ của quần đảo Senkaku đã được “gác lại” theo đề nghị của Đặng Tiểu Bình.  Chính phủ NB giữ lập trường quần đảo Senkaku là lãnh thổ của NB, thực tế NB đang chiếm giữ , không có vấn đề lãnh thổ với TQ nhưng TQ chưa bao giờ thừa nhận quần đảo Senkaku là lãnh thổ của NB và không chấp nhận việc NB thực tế đang chiếm giữ quần đảo nầy.

TQ “gác lại” vấn đề lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku khi không có khả năng thăm dò và khai thác dầu mỏ đáy biển, và lực lượng của Hải quân chưa đủ lớn mạnh nhưng sau 15-20 năm khả năng thăm dò và khai thác dầu mỏ đáy biển của TQ được nâng lên rõ rệt và sức mạnh  hải quân cũng đã được tăng cường. Thái độ tiêu cực của chính phủ NB kéo dài cho đến ngày nay là với lí do quan hệ hữu nghị quan trọng hơn vì thế tách rời vấn đề lãnh thổ, chỉ xúc tiến đàm phán về nghề cá, còn đối với vấn đề nhạy cảm nguy hiểm như khai thác tài nguyên đáy biển hay đánh cá ở biển Đông Trung Hoa thì tạm hoãn, cho lùi về phía sau.

Về phía TQ, họ huy động cảnh sát biển và lực lượng hải quan (Thuế) xua đuổi tàu đánh các của NB ra khỏi vùng biển Đông Trung Hoa, cử đoàn điều tra hải dương học với danh nghĩa điều tra học thuật đến đây, và sau đó là đưa tàu chiến đến bảo vệ. Hành động nầy nhằm để bảo vệ hay giành lấy những lợi ích hải dương, biểu thị sự thống trị (quyền khống chế hải phận) của quốc gia bằng sức mạnh. Có thể nói sự gia tăng hoạt động diễn tập, mở rộng vùng biển hoạt động của tàu chiến hay hoạt động của các tàu điều tra của TQ song song tương ứng với việc khai thác tài nguyên đáy biển hay đánh bắt của ngư nghiệp TQ từng bước biến biển Đông Trung Hoa thành “biển TQ”(ao nhà của TQ).

4. An ninh của Sea Lanes và hải quân TQ

(1) TQ vươn ra đại dương và bối cảnh của nó

NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG CỦA TQ

Thử xét về bối cảnh của việc TQ tiến mạnh ra đại dương hay đặc trưng của hành động lấn tới của TQ. TQ bắt đầu đưa ra vấn đề Sea Lanes của Châu Á phản ánh khát khao  tài nguyên dầu mỏ của TQ mà bối cảnh của nó là quan niệm về lãnh thổ của họ. Nghĩa là  vào 10 năm trước khi còn là nước xuất khẩu dầu mỏ sang cuối năm 1993 trở thành nước nhập khẩu dầu khi nền kinh tế tăng trưởng 2 đơn vị và là nước có nền kinh tế tiêu thụ dầu mỏ. Mỗi ngày cần có 60 nghìn thùng và lượng dầu thô phải nhập khẩu trong năm 2010 sẽ lên đến mức 100 triệu tấn.

Tình trạng thiếu hụt dầu mỏ là động cơ mạnh mẽ của việc đưa ra chủ quyền lãnh thổ đối với thềm lục địa. Với sự mở rộng và tăng cường vũ trang cho Hải quân, việc ban bố “Luật về khu quản lý kinh tế và thềm lục địa của nước CHNDTH” đã trở thành hiện thực nhưng chỉ với điều nầy thì cũng chưa giải thích được việc tại sao  TQ phải vươn ra đại dương.

 Chúng tôi cho rằng nguồn gốc sâu xa của việc vươn ra biển lớn phát xuát từ quan điểm về biên giới quốc gia và quan niệm về văn hóa đặc thù của TQ. Nghĩa là từ quan niệm cho rằng người Trung quốc có một nền văn hóa vượt trội( tình ưu việt) “lãnh thổ của quốc gia mở rộng theo sự thẩm thấu của văn hóa” như Fredrich Ratzel hay Rudolf Kjellen1* đã nêu. Khi văn hóa của nước mình lan tỏa sang lãnh thổ của nước khác thì vùng lãnh thổ đó được lôi kéo biến thành lãnh địa của mình” hay “ Biên giới của quốc gia còn là đường biên giới của sự đồng hóa. Đường biên giới phải biến động theo sự bành trướng của quốc gia. Khi sự bành trướng gặp phải sự ngăn chận bởi tuyến biến giới hiện hữu thì chiến tranh sẽ bùng nổ để phá bỏ”. Đây chính là đặc trưng của quan niệm về biên giới quốc gia bao hàm tính hơn hắn về văn hóa của người TQ.

Mặt khác, một nước đại lục không thể thiếu tài nguyên và đất đai rộng lớn, là rất cần thiết để bảo vệ lãnh thổ mà còn để sinh tồn và phát triển. Trước thế chiến thứ hai, hai nước Đức và Liên Xô đã xâm lược nước khác để đảm bảo tự cung tự cấp. Với ham muốn về lãnh thổ theo đặc thù của một quốc gia đại lục, TQ cũng đã gộp vùng Tân Cương (Nước cộng hòa nhân dân Đông Turkistan (khu Tân Cương Duy Ngô Nhĩ), nước CHND Mông Cổ (khu Nội Mông) vào lãnh thổ của mình, chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa bằng vũ lực, chủ trương chiếm lại quần đảo Senkaku và giải phóng Đài Loan  đó sao. Khát vọng về tài nguyên hải dương và kỹ thuật khai thác hải dương thêm vào phụ họa cho quan niệm về lãnh thổ đã làm cho TQ hướng ra biển một cách mạnh mẽ.  Tuy nhiên điều khó chịu là quan điểm nầy của TQ cũng là cơ sở để biện minh cho hành động thống trị nước Áo hay Ba Lan của Hitler. “Nhà nước là một tổ chức sinh động, sẽ bị tiêu diêt khi không tiếp tục bơm năng lượng cần thiết. Nhà nước đặt tài nguyên cần thiết để sinh tồn và phát triển dưới sự thống trị của mình là quyền lợi chính đáng tất nhiên của một quốc gia tăng trưởng” vô cùng gần gủi với tư tưởng Lebensraum(Vùng sinh tồn) của Karl Haushofer2*.

Quan điểm về lãnh thổ của Đảng, Chính phủ, hải quân liên quan đến chủ trương vươn ra biển của TQ có thể nằm ở những luận văn dưới đây:


☆Từ Quang Dục(Xu Gung Yu) “Mưu cầu đường biên giới quốc gia chiến lược 3 chiều hợp lý” 

 Biên giới chiến lược là không gian sinh tồn của quốc gia và dân tộc. Đòi hỏi(mưu cầu) một biên giới chiến lược là điều vô cùng quan trọng để bảo đảm sự phát triển và an ninh của quốc gia. Mặt khác đường biên giới luôn đi cùng với sự thay đổi của sức mạnh tổng hợp của đất nước,  phạm vi của đường biên giới chiến lược cũng biến động theo. Trong quá khứ  LX và Mỹ  đã mở rộng vùng thế lực của mình vượt ra khỏi biên  giới về mặt địa lý rất xa dựa  vào sức mạnh quân sự. Không gian về đất liền, hải đảo, vũ trụ cho đến biển sâu là không gian 3 chiều gồm không gian về an  ninh, không gian về sinh tồn, không gian về khoa học kỹ thuật, không gian về hoạt động kinh tế cho thấy sự rộng lớn của đường biên giới chiến lược quốc gia đảm bảo sự phát triển thuận lợi và an ninh của TQ. Lợi ích của quốc gia mở rộng đến nơi tiền phương của vùng ảnh hưởng thế lực đã được mở rộng, nghĩa là sự mở rộng đường biên giới một cách chiến lược”.

☆ Tư lệnh hải quân kiếm Tổng tham mưu trưởng Lưu Hoa Thanh

 “Xây dựng hải quân hùng mạnh để làm phát triển sự nghiệp hải dương của nước ta”

Nước ta có hơn 6000 hòn đảo với diện tích lãnh thổ trên biển vài triệu ki lô mét vuông vô cùng phong phú về tài nguyên. Việc khai thác tài nguyên biển có một vị trí quan trong trong nhân dân nước ta. Việc lợi dụng khai thác hải dương trên thế giới ngày nay đang bước vào giai đoạn mới. Hải dương đang dần trở thành một lãnh vực mang ý nghĩa chiến lược….Sự nghiệp hải dương là một bộ phận  cấu thành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Để phát triển sự nghiệp hải dương, phải cần có sự chi viện của hải quân hùng mạnh”


☆ Tế Tiểu Hồng “ Cạnh tranh chiến lược đang hướng ra hải dương và  ngoài vùng khí quyển”

 “Biển là kho báu của tài nguyên sinh vật, tài nguyên khoáng sản, tài nguyeên khoa học, tài nguyên động lực phong phú.Tổng sản lượng tài nguyên hải dương trên thế giới cho đến năm 2000 sẽ đạt đến 15-17% tổng sản lượng của toàn thế giới”

Từ cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21,thế giới bước vào thời kỳ kinh tế biển vì vậy hảo dương là đối tượng quan trọng của cuộc chạy đua quân sự chủ yếu của thế giới. TQ dông dân, tài nguyên tính theo đầu người rất ít vì thế vấn đề tăng cường sức mạnh quân sự và sức mạnh quốc gia để khia thác tài nguyên chiến lược mới thành hay bại cũng là sự thành bại của thử thách đối với TQ trong thế kỷ 21 ”  

 Tài nguyên là máu huyết của nền kinh tế quốc gia, là cơ sở để phát triển quốc phòng。Tài nguyên chiến lược mới là không gian vũ trụ và biển cả. Chúng ta phải trang bị đầy đủ sức mạnh quân sự và ý chí sắt đá tham gia vào việc khai thác chung về tài nguyên quốc tế, bảo hộ quyền lợi quốc gia của chúng ta, thúc đẩy việc xây dựng hiện đại hóa đất nước”



 (2) Chiến lược và năng lực của Hải quân TQ


 Bối cảnh của những chủ trương nêu trên là tại Đại Hội Đại Biểu toàn quốc lần thứ 14 vào tháng 10/1992, trong báo cáo chính trị, Chủ tịch Giang Trạch Dân kêu gọi “bảo vệ quyền lợi hải dương và chủ quyền lãnh hải”, rằng “Kể từ nay, quân đội phải nỗ lực cải thiện thể chất của mình đáp ứng với chiến tranh hiện đại, nâng cao toàn diện sức chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, lãnh không(vùng trời) và lợi ích hải dương của đất nước nhận lãnh tốt hơn trách nhiệm thần thánh là gìn giữ an ninh và thống nhất tổ quốc”

Trong ngày kỷ niệm 43 năm thành lập Hải quân vào tháng 4/1992, trung tướng Trương Liên Trung(Zhang Lianghong) tư lệnh hải quân đã tuyên bố lực lượng hải quân sẽ “Đứng trên tuyến đầu bảo vệ Sea Lanes  cho giải phóng cải cách” , rằng “hải dương là con đường chủ yếu của mậu dịch, là căn cứ tiền phương của chính sách Cải cách -Giải phóng”, “hải quân đã góp phần xây dựng vùng đặc khu kinh tế và thực hiện cải cách-giải phóng ở vùng ven biển”, hải quân phải gìn giữ quyền lợi hải dương và môi trường tốt đẹp trên biển, gánh vác nhiệm vụ bảo vệ Sea Lanes”… cho thấy đây là lần đầu tiên một quan chức quốc phòng đề cập đến việc bảo vệ Sea Lanes.

Kế đến vào tháng 5/1933 tư lệnh hải quân(tham mưu trưởng), ủy viên TƯ Đảng, Tướng Lưu Hoa Thanh công bố bài viết “Tiến lên cương quyết không thay đổi con đường hiện đại hóa quân đội mang màu sắc TQ nhấn mạnh việc hiện đại hóa  và high-tech hóa quân đội. Điều cần lưu ý trong luận văn nầy là đưa quân tiến ra biển khơi và tăng cường hải quân, rằng “TQ là nước lớn về hải dương, có lãnh hải hàng trăm kilomét, biển trong vịnh, thềm lục địa khu vực kinh tế, đường bờ biển 18000 km, có hơn 6500 đảo lớn bé. Quan hệ sinh tồn và phát triển của Hải dương và dân tộc Trung hoa gắn bó chặt chẽ. Để phòng thủ và bảo vệ những lợi ích biển của nước ta thì phải xây dựng hải quân lớn mạnh”.

Ông viết “Sứ mệnh của lực lượng quân sự là phòng thủ quyền lợi biển, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời, giữ gìn đất nước thống nhất bảo vệ an ninh quốc gia” kêu gọi tăng cường hải quân. Mối quan tâm hướng về tài nguyên hải dương như thế là giao nhiệm vụ mới cho hải quân TQ phải bảo vệ đường biên giới trên biển, quyền lợi hải dương,  chủ yếu trước đây  là phòng thủ nội địa, chi viện cho lục quân tác chiến theo ven biển(Brown Water Navy) nay chuyển hướng sang thành hải quân biển khơi (Ocean Navy)


Mặt khác, trong cuộc chiến tranh Việt Nam và chiến tranh vùng Vịnh, các nhà lãnh đạo TQ nhận thức được sự cần thiết của việc hiện  đại  hóa quân đội bằng vũ khí cao cấp. Tháng 3/1996  thủ tướng Lý Bằng đã trình bày Kế hoạch 5 năm lần thứ 9 tại Hội nghị đại biểu nhân dân toàn quốc, rằng ”Để gìn giữ an ninh của đất nước, chúng ta phải đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng”, “phải ưu tiên phát triển vũ khí có hiệu quả cần thiết cho chiến tranh trong điều kiến kỹ thuật cao, thực hiện có trọng điểm việc cải tạo, đổi mới phương tiện khai thác trang bị  khí tài và vũ khí mới để nâng cáo sức chiến đấu thông qua việc hiện đại hóa trang bị, vũ khí”, cho thấy việc hiện đại hóa quân đội là một chính sách quốc gia.

Những bài viết hay tư liệu liên quan đến quân sự nói trên, chúng ta có thể tóm lược vấn đề  hình thành chiến lược hải quân TQ như sau:

(1) Đẩy mạnh việc nghiên cứu tên lửa đạn dạo hạt nhân tầm xa từ Trung hoa lục địa có thể tấn công nước Mỹ.
(2) Hải quân TQ hoành thành mục tiêu năng lực tác chiến tổng hợp(đơn vị bộ đội tác chiến bằng tàu sân bay) để đối phó với hải quân Mỹ đang triển khai ở Châu Á.

   @1. đào tạo cán bộ điều khiển tàu chiến và máy bay cùng một lúc,nâng cao sức chiến đấu tổng hợp.


   @2. Kiên trì chiến lược phòng thủ vùng bờ biển, thu ngắn khoảng cách về sức chiến đấu với các nước láng giềng.


(3) đẩy mạnh việc nhập khẩu vũ khí hiện đại, nhập khẩu kỹ thuật cao để hiện đại hóa khí tài chiến tranh.

  Chúng ta thử khảo sát chiến lược của hải quân TQ

Chiến lược của Hải quân TQ tương tự như nước đại lục lớn như Nga hoặc Pháp là chiến lược hải quân có sức đẩy lùi các cuộc tấn công của quân địch trên đất liền theo chủ trương của trường phái Trường Thanh Niên(Ecole de Jeune)3*, là chiến lược phòng thủ nhiều tầng lớp , xây dựng 2-3 tuyến phòng thủ trên biển để bảo vệ lãnh thổ.

Chiến lược nầy theo bài viết “Hải quân TQ phát triển vươn ra bên ngoài” của thiếu tướng Lâm Trị Nghiệp (Lin Chiye), viện phó Học Viện Hạm Thuyền Đại Liên thì Tuyến phòng thủ thứ nhất từ bờ ra vùng biển 150 hải lý bố trí tên lửa trên đất liền, tên lửa đối hạm và tàu tuần duyên cao tốc có trang bị ngư lôi, từ 50—300 hải lý là tuyến phòng thủ thứ nhì  bố trí khu trục hạm có tên lửa, hộ tống hạm  và tuyến phòng thủ thứ ba ngoài cùng thuộc vùng biển Tsushima, từ Okinawa đến quần đảo Trường Sa bố trí tàu ngầm trang bị tên lửa, hay các loại máy bay chiến đấu.

Tuy nhiên trong báo cáo hằng năm của Cục Tình báo hải quân Hoa Kỳ năm 1997 thì tuyến phòng thủ thứ ba của hải quân TQ đã mở rộng xa 2500 hải lý đến vùng biển bao quanh Philippines, Saipan và Iojima.

   Bảng 10. Hệ thống vũ khí và các tuyến phòng thủ nhiều tầng trên biển

Tuyến phòng thủ  Khu vực biển   Quân lực phòng thủ
Tuyến 1

Vùng biển trong vòng 150 hải lý từ bờ

Tến lửa đối hạm tự hành,  Tàu cao tốc có tên lửa
Tuyến 2 Eo biển Triều Tiên, Ryukyu và quần đảo Trường Sa Hộtống hạm và máy bay có tên lửa
Tuyến 3  Tuyến Ogasawara Tuần dương hạm cỡ lớn, tàu ngầm có tên lửa và từ năm 2020 có tàu sân bay tham gia

Trong bài viết của Lâm, thời gian chỉnh đốn binh lực theo chiến lược mới được chia ra làm 2 thời kỳ; thời kỳ đầu là năm 2000 và thời kỳ thứ hai là cho đến năm 2050. Thời kỳ đầu đặt trọng điểm vào việc tăng cường máy bay tiêm kích tầm trung đặt căn cứ trên đất liền và máy bay lên thẳng đặt trên tàu chiến, là thời kỳ phát triển cân đối các loại máy bay tiếp dầu trên không, máy bay thám thính, thăm dò, chiến đấu và trang thiết bị điện từ gây nhiễu cho radar, còn thời kỳ thứ hai là lúc phải có tàu sân bay.

Tuy nhiên trong bài viết công bố vào năm 1989, để đối phó với chiến tranh cục bộ trên biển có khả năng xảy ra ở vùng cận duyên trong khoảng trước và sau năm 2000, phải trang bị đầy đủ năng lực hạt nhân nhất định để uy hiếp và khả năng mạnh mẽ thích ứng tức thời, năng lực khống chế vùng trời, vùng biển một cách độc lập, khả năng tác chiến lâu dài trên vùng biển Đông Trung hoa và các quần đảo ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông). Nhưng  sức kinh tế và kĩ thuật hiện nay chưa cho phép tăng gia chi phí quân sự một cách rộng rãi vì vậy trong giai đoạn 1 cần tập trung xây dựng lực lượng chiến đấu tấn công chủ yếu bằng đơn vị không quân tầm trung xuất phát từ đất liền và tàu ngầm, khả năng tác chiến chi viện tàu chiến tầm trung có khả năng chuyên chở máy bay lên thẳng. Giai đoạn 2 là giai đoạn trang bị tàu sân bay ,xây dựng hạm đội có khả năng tác chiến chống tàu ngầm, chống trên không, chống trên mặt biển, bố trí đơn vị cơ động có trang bị tàu ngầm tương ứng với tình hình phát triển kinh tế, từ nam đến bắc từng bước trang bị 3 chiếc tàu sân bay.

 Kế đến, chúng ta hãy nghiên cứu khả năng chiến đấu ứng phó của hải quân TQ.Thật khó đánh giá lực lượng hải quân TQ đang ở trình độ nào, có người cho rằng sức mạnh của hải quân của TQ còn thấp hơn Bộ đội phòng thủ trên biển(hải quân—Kaijo Jieitai) của NB, nói chi đến nước Mỹ, khả năng phòng không trên biển hay khả năng chiến đấu điện tử đang bị tụt hậu đáng kể.

Tuy nhiên, việc hiện đại hóa hải quân TQ đang được tiến hành cấp tốc như nhập 2 chiếc khu trục hạm hạng Soveremenny(6600 tấn) cho trang bị tên lửa đối hạm SS-N-22 mà hải quân Mỹ rất ái ngại, 4 chiếc tàu ngầm loại Kilo của Nga có trang thiết bị điện tử hiện đại. Có nhiều nguồn tin liên quan đến việc sở hữu tàu sân bay nhưng với trình độ kĩ thuật cũng như tài chính hiện tại TQ khó có thể có khả năng xây dựng bộ đội cơ động lấy tàu sân bay để tấn công như hải quân của Hoa Kỳ,mặc dù ý đồ muốn khống chế biển khơi kiểu Mahan(Alfred Thayer Mahan)4*.

Nếu TQ có tàu sân bay thì “bất chiến cũng khuất phục được kẻ địch, nếu đe dọa không hiệu quả thì sẽ tấn công hiệu quả” vì vậy trong tương lai, khi tài chính dồi dào thì TQ nhất định sẽ sở hữu tàu sân bay. TQ sẽ đưa  tàu sân bay đến Nagasaki, Kobe, Tokyo như “Định Viễn” “Trấn Viễn” xưa kia, đẩy người Nhật vào khủng hoảng khi triển khai “chính sách ngoại giao chiến hạm” đối với NB và các nước Châu Á.

 

 Chiến hạm“Định viễn”

Chiến hạm “Trấn Viễn” thuộc Hạm đội Bắc Dương TQ

 

5. Chính sách phòng thủ an ninh của các nước Châu Á

(1) Tình hình hiện nay của cơ chế bảo đảm an ninh của các nước Châu Á

Châu Âu có nhiều tổ chức , cơ chế bảo đảm an ninh khu vực như OSCE(Organization for Security and Co-operation in Europe—Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu vi 55 nước tham gia), Tổ chức NATO(North Atlantic Oganization--Tổ chức Bắc Đại Tây Dương với 19 nước tham gia), Liên Minh Châu Âu(EU: European Union với 15 nước tham gia), Liên Minh Tây Âu(WEU: Western  European Union vpwis 10 nước tham gia) đến Quân đội cơ động đối phó khẩn cấp Châu Âu (Ace Rapid Action Corps) rất đa dạng và nhiều tổ chức phối hợp sức mạnh quân sự  nhưng ở Châu Á hiện nay vẫn chưa có một đơn vị tác chiến chung hay cơ chế bảo đảm an ninh nhiều tầng lớp để đối phó với tình hình khẩn cấp như chúng ta thấy ở Châu Ấu.

Các nước Châu Á-TBD chênh lệch với nhau về văn hóa, chính trị, lịch sử, luôn có vấn đề về dân tộc, lãnh thổ với nhau. Hiện có tổ chức ASEAN(10 nước), Diến Đàn Khu Vực Châu Á (ARF—Asian Regional Forum gồm 28 nước,10 nước ASEAN + NB, Hoa Kỳ, các nước Châu Âu và Papua New Guenia), Hội nghị ngoại trưởng ASEAN mở rộng, APEC…cũng chỉ là “Diễn Đàn” hay “hội nghị “ mà thôi chứ không phải là một tổ chức thường trực.

Ngay cả ARF là nơi hội nghị giữa nhiều nước Châu Á được xem là thành công nhất thường kêu gọi một sự phối hợp về kinh tế, văn hóa, giáo dục, tránh né việc xây dựng cơ chế hay khung hợp tác quân sự, dừng lại một cơ chế bảo đảm an ninh rất thấp.

Mặt khác, khung cho cơ chế bảo đảm an ninh song phương ở Châu Á thì có Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Hàn, Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Phi, Luật liên quan đến Đài Loan( nguyên là Hiệp ước phòng thủ Mỹ-Hoa), Hiệp ước hợp tác Mỹ-Pakistan, ANZUS(Hiệp ước đảm bảo an ninh Thái bình Dương)…là những tổ chức hay cơ chế lấy Hoa Kỳ làm trung tâm để bảo đảm an ninh, ngoài ra còn có hàng loạt hiệp ước, hiệp định về quốc phòng như  Hiệp định 5 nước về phòng thủ (Five Power Agreement) gồm Nước Anh, Australia, New Zealand cùng Malaysia và Singapore để bảo vệ hai nước nầy, Australia và Phillipines thì có Hiệp ước Manila, và Australia và Indonesia có hiệp định Timor bảo về vùng biển ở đây.
 
 Xét về tính hiệu quả của cơ chế đảm bảo an ninh ở Châu Á thì Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Phi thì dù vẫn tồn tại nhưng hiệu quả trên thực tế là một vấn đề vì Thượng viện Philippines đã phủ quyết hợp đồng cho Mỹ thuê căn cứ hải quân Spik hay căn cứ không quân Clark và quân Mỹ đã rút khỏi. Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Hàn là cơ chế cho phép quân đội Mỹ tự động can thiệp để bảo đảm an ninh của Hàn Quốc vì  quân đội Mỹ trú đóng và triển khai hoạt động áp sát  biên giới với Triều Tiên. Từ cách nhìn nầy có thể nói hiệp ước phòng thủ Mỹ-Hàn có hiệu quả mạnh mẽ hơn hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.

So sánh với trường hợp Hàn Quốc, Hiệp Ước an ninh Nhật-Mỹ  chịu nhiều khống chế nhưng với giá trị chiến lược đặc biệt của Okinawa, hiệp ước nầy không thể không có trong việc bảo đảm an ninh của vùng Cực đông. Hiệp ước phòng thủ chung Hoa-Mỹ với Đài Loan đã mất hiệu lực khi quan hệ Trung Mỹ được bình thường hóa, nhưng Mỹ vẫn dùng luật nội địa để bảo vệ  Đài Loan, thực chất vẫn đảm bảo an ninh cho khu vực nầy như xuất khẩu vũ khí, Đài Loan cho phép quân đội Mỹ có căn cứ quân sự và vẫn tiếp tục phát huy vai trò mặc dù gặp nhiều phản đối của TQ.

Trong một cơ chế yếu ớt bảo đảm an ninh giữa nhiều nước ở Châu Á, tổ chức tương đối phát huy được rõ rệt là “Hiệp định phòng thủ 5 nước” đã nêu ở trên và hiện nay quan hệ hợp tác về duy trì hệ thống phòng không, huấn luyện, giáo dục giữa Australia với Malaysia và Singapore vẫn hoạt động bình thường. Tháng 9/1999 Indonesia đã quyết liệt phản đối việc can thiệp nhân đạo của Australia vào Đông Timor, đơn phương phá bỏ hiệp ước quân sự với Australia, biến thành “hữu danh vô thực” nhưng hiện nay tình hình có cải thiện, khôi phục trở lại qua chuyến thăm Australia của thủ tướng Abib.

 

(2)Tình hình hợp tác quân sự của các nước ASEAN

 Khuynh hướng rõ rệt nhất gần đây trong động thái quân sự của các nước ASEAN là những “biện pháp xây đắp lòng tin”(CBM=Confidence Building Measures) giữa các nước láng giềng trong khu vực như gia tăng việc huấn luyên chung, hay tham gia vào những cuộc diễn tập do Mỹ đứng đầu.

Hơn nữa, trong xu thế nầy, điều đáng quan tâm là Australia rất chủ động về mặt quân sự, và ngày càng nâng cao tầm ảnh hưởng trong khu vực ASEAN. Việc hợp tác quân sự trong nội khối ASEAN như Singapore tập trận mang tên “Pelican”  chung với hải quân Brunei, hằng năm còn có diễn tập phòng không “Air Guard”, với Indonesia, lần đầu tiên thực hiện cuộc diễn tập bay giám sát trên biển chung mang tên “Chamal Indopura”(?) vào tháng 8/1999.

Malaysia và Thái Lan diễn tập chung hằng năm mang tên “Shacks Tamal”,  Malaysia và Indonesia cùng tuần tra chung trên biển “Optima”, hay Singapore và Indonesia thường xuyên hợp tác cảnh bị chống cướp biển.

Australia là nước đóng vai trò chủ động trong những cuộc diễn tập trong khu vực và qui mô ngày càng lớn như cuộc diến tập của “hiệp định phòng thủ 5 nước” mang tên “Kakadoo” còn có Indonesia, Papua New Guinea, Philippines tham gia, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc gửi quan sát viên đến dự…với 22 tàu  chiến và 35 máy bay tham gia ngoài những cuộc diễn tập Hải-Không quân phối hợp như “Star Decks”.

Tàu chiến của Mỹ tham gia diễn tập chung với các nước

Những cuộc diễn tập do Mỹ dẫn đầu cũng có khuynh hướng gia tăng, riêng năm 1999 đã có những cuộc diễn tập chung định kỳ giữa các nước, như Singapore-Thái Lan có “Cobra-Tiger” về  không quân; Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan có “Kalat” về chiến đấu  đối phó trên biển, Brunei, Australia, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia, NB cùng diễn tập trong “Cooperative Thunder” về không quân phối hợp..v..v...

Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Thái Lan có tên “Cobra Gold” được tổ chức vào tháng 5/2000 lần đầu tiên có cả `Singapore tham dự và  Malaysia, Philippines và Australia cử quan sát viên đến xem.

Hiện nay, các nước Châu Á duy trì đường lối hợp tác về mặt ngoại giao với TQ, mục đích của những cuộc tập trận nầy là biện pháp xây dựng sự tin cậy giữa các nước. Nhưng trong tình thế không thể tránh được sự bành trướng thế lực của TQ, buộc Philippines và Singapore cũng như các nước khác cần đến sự có mặt của quân đội Mỹ để “ủng hộ về tinh thần”(moral support) chuyển sang chấp nhận việc tàu chiến , máy bay của quân đội Mỹ tạm thời sử dụng cơ sở hạ tầng tại đây thông qua “hiệp định về việc thăm viếng của quân đội Mỹ”(Visiting Forces  Agreement).

Mặt khác, Mỹ cũng không đòi hỏi các nước ASEAN cung cấp các căn cứ quân sự một cách lâu dài dễ gây ra các vấn đề chính trị
, chuẩn bị sắn sàng triển khai đối phó cấp kỳ khi xảy ra nguy cơ bằng các căn cứ chủ lực ở NB và Hàn Quốc, với 41,570 người ở NB và 36,563 người ở Hàn Quốc. Bảng 13 dưới đây cho thấy số lần thăm viếng của tàu chiến, diễn tập quân sự giữa các nước, ssos nhân viên liên lạc đặt ở các nơi khắp ASEAN.

Bảng 11.Binh lực triển khai ở Châu Á-TBD

Nước 

 Tổng cộng  Lục quân Hải quân Lính thủy đánh bộ  Không quân
 NB      40,157   1,811   5,216       19,283     13,847
 HQ    36,563     27,486   290    126   8,658
 Australia    343    12   49    16   266
 Singapore    152     6   87    16    43
 Indonesia     45     6   24    10     5
 Thái Lan    119    40    8    41    30

6. Những bài học lịch sử

(1) Nguyên tắc của lịch sử: Bá quyền do Quốc gia nắm giữ

 Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, ý thức hệ cộng sản thoái trào, chủ nghĩa yêu nước ở Trung Quốc trỗi dậy như tuyên bố giải phóng Đài Loan, chiếm cứ bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa-Đông Sa, gây đụng chạm chung quanh quần đảo Trường Sa, đòi hỏi chủ quyền đối với dãy đảo Senkaku, khát vọng bành trướng lãnh thổ của TQ, khả năng lật ngược tình trạng hiện có đang dâng cao. Liệu NB phải đối phó như thế nào với một nước TQ như vậy?

Trước khi trình bày phương sách, chúng ta thử nghĩ về những bài học lịch sử. Nhà chiến lược hải dương Mỹ, ông  Mahan đã đưa ra chủ trương “Đội thương thuyền, đoàn ngư thuyền và lực lượng hải quân bảo vệ chúng, các bến cảng hỗ trợ các hoạt động nầy, nhà máy đóng tàu ..v..v.. là sức mạnh trên biển(Sea Power), sức mạnh nầy đem lại phồn vinh và giàu có cho quốc gia , khống chế lịch sử của thế giới” . Nước Mỹ đã xây dựng lực lượng hải quân vĩ đại theo ngọn cờ lý luận của Mahan, đã thắng Đức trong thế chiến thư nhất, Nhật-Đức trong thế chiến thứ hai, là nước hải quân giữ ngôi vị đứng đầu thế giới.

 

Hạm đội của Nhật bản


Nhưng khi thế chiến thứ hai kết thúc, LX một quốc gia đại lục ngoi lên vị trí hàng đầu, như Halford Mackinder chủ trương “Nếu thống trị được trung ương Châu Âu thì sẽ thống trị toàn thế giới”5* theo lý luận Heartland, ngoài việc LX đã thay thế Đức làm chủ Châu Ấu, thì những phỏng đoán của ông đều đã trở thành hiện thực.

LX với sức mạnh quân sự to lớn đã thu về khu vực bên trong vùng 3 tháng (lục địa Eurasia và vùng ven biển), thế lực nầy đã vươn ra ngoài khu vực 3 tháng (các quần đảo bên ngoài lục địa Eurasia) tới cả Châu Phi.

LX đã khống chế được Đông Âu, giai đoạn một chinh phục vùng trung ương Châu Âu như Mackinder cảnh báo, và nhảy sang chi phối lục địa Eurasia được xem là hòn đảo của thế giới.

Châu Âu nằm bên ngoài lục địa Eurasia, có Đức, Pháp, Italia hay Hi Lạp và ở Đông Bắc Á có TQ, Hàn Quốc và các nước ven vòng ngoài như VN nếu không có sự chi viện mạnh mẽ của Hoa Kỳ thì có nguy cơ lọt vào vòng kiềm tỏa của khối LX.

 Lúc ấy các nước ngoại vi của LX đã liên kết lại, áp dụng “chính sách bao vây LX” nhằm ngăn chận LX vươn ra bên ngoài nhưng có lúc LX cũng đã đặt TQ hay Afghanistan trong số các nước ngoại vi dưới tầm ảnh hưởng của mình, nước Mỹ siêu cường về hải quân không còn khả năng khống chế, như thể lịch sử thống trị của một nước hải dương đã kết thúc. 

Tuy nhiên  quốc gia đại lục LX gặp tai ương khi nền kinh tế bị phá sản, cơ chế chuyên chế điều hành nhà nước gặp sự biến cũng như hạn chế về địa lý ,đã không còn là một quốc gia hải dương có thể chuyên chở vật tư với gía rẽ, không thể tham gia  phân công  quốc tế về mặt kinh tế một cách hiệu quả, đánh mất quan hệ cùng dựa lẫn nhau theo tự do mậu dịch quốc tế trong  nhóm  những nước hải dương. Sự tan rã của LX và khối Đông Âu là thắng lợi của nhà nước dân chủ, về mặt kinh tế là thắng lợi của cơ chế nền kinh tế đối với nền kinh tế kế hoạch nhưng về địa chính trị học thì đây cũng là thắng lợi của quốc gia hải dương đối với quốc gia đại lục.

 Trong lịch sử cận đại, ít ra việc các tàu cỡ lớn bắt đầu được đóng đã giúp khả năng vượt đại dương từ sau thế kỷ 16 hình thành, quốc gia thành công trong việc khống chế biển cả-- nhờ hệ thống hiệu quả của tàu thuyền có khả năng chuyên chở hàng hóa số lượng lớn với giá rẽ--sẽ nắm giữ bá quyền. Sự biến động của quốc gia bá quyền giữa các nước như Hòa Lan, Tây Ban Nha, Anh Quốc, Hoa Kỳ  cho thấy sự thay đổi về ngôi thứ quyền lực trong các cường quốc về biển (sea power). Nhìn vào lịch sử của nước Nhật, lịch sử cận đại của Nhật Bản bắt đầu từ những “chiến thuyền đen” Kurobune 黒船)(6*) đến đây.

“Chiến thuyền đen” của phương tây đến NB

NB hướng đến,muốn là một quốc gia hải dương, khi liên kết với một quốc gia hải dương thì đi trên con đường phồn vinh, nhưng khi kết nối với quốc gia đại lục thì bước vào con đường đau khổ. Nghĩa là  khi NB mở cửa ra bên ngoài sớm liên kết đồng minh với quốc gia hải dương Anh Quốc, nhận được sự giúp đỡ của Mỹ, một quốc gia đại dương—nên đã dành được chiến thắng cuộc chiến tranh Nhật-Nga, sau đó là đồng minh của nước hải dương Anh quốc, vượt qua thế chiến thứ nhất,  trở thành nước thường trực trong Liên minh quốc tế.

Thế nhưng NB đã tham khảo hiến pháp của nước đại lục Đức  để soạn ra hiến pháp cơ bản của nhà nước, học tập Lục quân theo kiểu Đức, là đơn vị quân sự có ảnh hưởng lớn đến  nội chính, ôm lấy quyền lợi của lục địa sau chiến tranh Nhật-Nga là những  điều trớ trêu của lịch sử, trong thời chiến đã đến chỗ tiên đoán  sai lầm về tình hình thế giới sau khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, biến quan hệ đồng minh với quốc gia đại dương Anh Quốc thành đống xương khô.

Và  đến năm 1916 trên thực tế, lập liên minh quân sự với nước Nga lục địa, năm 1918 kí hiệp ước phòng thủ chung Nhật-Hoa, đưa quân vào Siberia, hơn thế nữa, lại còn kết với nước đại lục Đức hòng thoát sa lầy trong chiến tranh Nhật-Trung nhưng lại bị lôi vào cuộc thế chiến thứ hai đối đầu với Anh-Mỹ là hai quốc gia đại dương, gặp thất bại thảm hại. Sau thế chiến thứ hai, hòa bình được đảm bảo nhờ hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ được kí kết với Hoa Kỳ, một cường quốc đại dương, thành công chưa từng thấy trong việc phát triển thành cường quốc thứ hai thế giới về kinh tế.

(2) Nguyên tắc của lịch sử: Cơ chế bảo đảm an ninh đa quốc gia không phát huy được chức năng

 S tan rã của cơ chế chiến tranh lạnh và do ảnh hưởng của xu thế hòa giải Nam Bắc, nhiều chủ trương mới thường nghe thấy như phải cấu trúc quan hệ quốc tế tam giác Nhật-Mỹ-Trung, không dựa vào Mỹ hay TQ hoặc phải sở hữu quân bị tự chủ độc lập thoát khỏi bảo hộ của Mỹ. Luận điểm tam giác Nhật-Mỹ-Trung chủ trương hủy bỏ hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ biến thành một tam giác đều Nhật-Mỹ-Trung mà Nhật Bản chọn vị trí cân bằng nghiêng về phía Mỹ, quan hệ Nhật-Mỹ một bên và TQ một bên như một hình tam giác 2 cạnh đều nhau và Nhật Bản có thể can dự vào chính sách đối Trung của Hoa Kỳ nhưng việc chọn con đường độc lập, phá bỏ hiệp ước an ninh Nhật –Mỹ theo lý luận tam giác đều Nhật-Mỹ-Trung có nguy cơ đẩy NB vào con đường cường quốc về quân sự, uy hiếp các nước chung quanh và thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở Châu Á mạnh mẽ hơn nữa.


 Người chủ trương tam giác 2 cạnh đều nhau cho rằng với chính sách ngoại giao theo đuôi Hoa Kỳ sẽ bị nước Mỹ xem là một nước đồng minh không có giá trị và TQ cũng sẽ chẳng xem ra gì vì vậy NB phải theo một chính sách của mình, phải duy trì một sức ảnh hưởng đối với TQ hay Hoa Kỳ. Trong quan hệ Nhật-Mỹ-Trung, liệu NB có giữ được 1 góc trong 3 cạnh của tam giác hay không trước TQ là nước rất khôn khéo và quỉ quyệt về ngoại giao. Lý luận tam giác Nhật-Mỹ-Trung có thể là nhân tố mang lại sự bất ổn cho Châu Á khi tư thế chính trị hoặc hành động của Nhật Bản chao đảo trước sự lôi kéo của hai nước Mỹ-Trung, nước nào cũng muốn cuốn hút NB vào phía mình. 

Gần đây đảng Xã Hội Dân Chủ NB đưa ra “học thuyết Doi”(Doi Doctrine)7* rằng việc đảm bảo an ninh cho Đông Bắc Á thông qua việc thương thảo  Nhật—Trung-Hàn có sự tham gia của Mỹ và Nga, từng bước thực hiện hòa bình, thu nhỏ  và tổ chức lại qui mô của lực lượng phòng vệ NB, hủy bỏ hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ . Rõ ràng việc thương thảo giữa ba nước Nhật-Trung-Hàn khắng khít để tạo môi trường tin cậy lẫn nhau là rất cần thiết tuy nhiên  trong  thương thảo giữa 3 nước Nhật-Trung-Hàn nầy, liệu NB có bị kéo ra khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ, cuốn hút vào chiến lược Trung-Xô đẩy căn cứ của Mỹ--cơ sở cho sự ổn định của Chấu Á—triệt thoái khỏi nước Nhật. Một Châu Á không có căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trên đất Nhật Bản sẽ tạo điều kiện cho TQ xác lập  bá quyền bằng sức ép  của sức mạnh quân sự, phủ lên Châu Á một  thể chế “Hoa -Di”(Hua Yi system)8* mà minh chủ là TQ.

  Đồng minh giữa hai nước mà lại có thêm một nước thứ ba chen vào thì tương tự như “ Rượu Whisky bỏ thêm nước lạnh”, ngoại trưởng NB Kato Takaaki 9* đã phán đối việc cho Pháp và Nga tham gia vào đồng minh Nhật-Anh quốc nhưng sau khi thế chiến thứ nhất kết thúc Liên Minh Quốc Tế ra đời, xu thế xây dựng thể chế bảo đảm an ninh đa quốc gia dâng cao, tại hội nghị Washington, Mỹ và Pháp đã chính thức tham gia đồng minh Nhật-Anh, từ đó đồng minh Nhật-Anh đã được thay thế bằng “hiệp ước 4 nước về Thái Bình Dương”.

Thế nhưng từ đồng minh hai nước Nhật-Anh mở rộng thành “hiệp ước hay thể chế  4 nước về TBD” hay cơ chế Locarno10* ở Châu Âu gồm nhiều nước tham gia cũng đã không ngăn chận được thế chiến thứ hai bùng nổ. Cơ chế đảm bảo an ninh đa quốc gia có thể củng cố quan hệ đồng minh giữa hai nước nhưng lịch sử cũng đã cho chúng ta một thấy bài học rằng nó không thể thay thế quan hệ đồng minh song phương

Sau đây là phương sách để xác lập nền an ninh cho Sea Lanes trên cái trục của quốc gia hải dương với bài học lịch sử đã có.


7. Để bảo đảm an ninh của Sea Lanes ở Châu Á

(1) Cấu trúc của liên hợp các quốc gia hải dương

 

Nhìn vào lịch sử,nền hòa bình của thế giới phần lớn được bình ổn khi một số nước lớn xuất hiện lãnh vai trò đầu đàn, và nhiều quốc gia liên hợp lại, mối tương quan lực lượng giữa tổ chức nầy  với các nước lớn được cân bằng. Nếu quan sát cách đối phó của TQ trong vấn để Trường Sa trong những năm gần đây cho thấy những cuộc tranh chấp nổ ra khi mối tương quan nầy bị phá vỡ hay cho rằng nước Mỹ sẽ không can dự vào.

Hải quân TQ bắt đầu vươn ra biển Đông vào thập kỷ 1970, hành động đó được tiến hành một cách tinh vi giữa  khoảng trống do sự thay đổi quan hệ Xô-Mỹ tạo ra. Tháng 1/1974 khi TQ đưa máy bay tấn công bằng quân sự vào quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ  miền Nam VN đang chiếm giữ hay hành động quân sự đối với quần đảo Trường Sa vào năm 1988 cũng là lúc quan hệ Mỹ-Xô đang hòa dịu và cuộc hòa giải Trung-Xô đang tiến hành đẩy VN vào một thế bị cô lập. Từ cuối thập kỷ 1980 LX bắt đầu cắt giảm viện trợ quânsự cho VN
kéo dài đến năm 1992 khi LX tuyên bố tiếp tục trú quân ở vịnh Cam Ranh là khoảng thời gian quan hệ đồng minh Xô-Việt nguội lạnh nhất, TQ có đủ lý lẽ để cho rằng khả năng LX can thiệp quân sự vì vấn đề quần đảo Trường Sa là rất thấp và nước Mỹ cũng không thể nhảy vào vì hội chứng của cuộc chiến tranh VN. 

Đầu năm 1993(1995? Người dịch) khi TQ bắt đầu xây dựng cơ sở trên dãy đá san hô ngầm Mischief thì giữa Philippines và Hoa Kỳ đã có Hiệp ước đồng minh Mỹ-Phi nhưng nhằm vào lúc Mỹ đang triệt thoái căn cứ quân sự của mình ở Philippines về nước, sự tồn tại về quân sự của nước Mỹ suy yếu, cho nên hành động quân sự của TQ vào dãy đá ngầm này không làm cho phía Mỹ xuất quân phản công theo hiệp ước phòng thủ hổ tương Mỹ-Phi nếu như sự tự do đi lại trên tuyến hàng hải vẫn được đảm bảo. TQ đã đọc được rằng Mỹ không vì cuộc tranh chấp chủ quyền các dãy đá trong quần đảo Trường Sa sẽ làm cho quan hệ Mỹ-Trung xấu đi vì vậy nhanh tay ra quân chiếm đóng.

Mặt khác, hành động thị uy như bắn tên lửa vào eo biển Đài Loan đã xảy ra khi quốc hội và chính phủ  Mỹ đang đối đầu, chiến lược thúc đẩy hai bên Đài-Trung tự kiềm chế hành động quân sự theo chiến lược can thiệp” ôn hòa” của tổng thống Clinton đã hạn chế khả năng can thiệp và khống chế của quân đội Mỹ . Như vậy, hành động của TQ xảy ra khi tương quan lực lượng bị sụp đổ, Mỹ không thể can thiệp bằng quân sự, chỉ có thể ngăn chận hành động của TQ khi sự đối trọng về quân sự với TQ được duy trì, không để TQ thay đổi tình trạng hiện có (status-quo) cho nên sự có mặt của quân đội Mỹ ở Châu Á là không thể thiếu được là bài học mà chúng ta có thể rút ra từ hành động của TQ đối với quần đảo Trường Sa hay Đài Loan.
 

GS Samuel Hungtington trong cuốn “Sự va chạm của các nền văn minh” (xem phụ lục) nói rằng trong thế kỉ 21 sẽ xảy ra sự xung đột giữa nền văn minh châu Á như TQ, Ấn Độ, NB và nền văn minh Anglo Saxon. Nhưng sự đối đầu của thế kỉ 21 phát xuất từ sự khác nhau về văn minh do tôn giáo hay dân tộc tính, được thế giới thừa nhận là ngày càng giảm thiểu. Đây là một sự tranh chấp về  bá quyền giữa duy trì hiện trạng nhà nước theo nguyện vọng “duy trì trật tự quốc tế hiện nay” với chủ nghĩa dân chủ và kinh tế tự do và nước đòi đả phá hiện trạng đó. Nếu như vậy, động thái của TQ đang thúc đẩy “trật tự quốc tế mới” lấy mình làm trung tâm để đối phó với cái khung cấu trúc của thế giới ngày nay  vốn là “trật tự quốc tế cũ” theo quan điểm lỗi thời mà sản phẩm của nó là chủ nghĩa bá quyền của nước Mỹ. Hành động nầy của TQ có khả năng gây  ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của Châu Á.

Duy trì hiện trạng của Châu Á-TBD, trước mắt là lấy giá trị quan  dân chủ chủ nghĩa làm lý tưởng, 4 nước có quan hệ song phương đồng minh với Hoa Kỳ như NB, Hàn Quốc, Australia và Đài Loan-- có cùng chung hệ thống ”mậu dịch tự do và kinh tế tự do” về kinh tế và giá trị quan “dân chủ” về chính trị như Liên minh Châu Âu hay Đông Minh Tây Âu (WEU)—để duy trì cán cân đối trọng lực lượng với sức mạnh của TQ, các nước nầy cùng nhau gánh vác trách nhiệm duy trì sự  phồn vinh và hòa bình của Châu Á, kiên nhẫn chờ đợi thời cơ nước Trung Quốc chuyển thành một “nhà nước bình thường” hiểu được nhân quyền và dân chủ là phương sáchduynhất.

Ba nước Nhật-Hàn-Australia đã từ những cuộc đối thoại cấp lãnh đạo chính phủ về vấn đề an ninh sang hợp tác phòng thủ qua nhiều kênh như tổ chức tập trận chung mang tên “Diễn tập Vòng đai TBD”(Rimpack) hay trao đổi lưu học sinh, cho tàu chiến ghé thăm nhau. Việc ba nước tham gia hoạt động hòa bình trên biển Châu Á(OPK—Ocean Keeping Peace) có tác động tích cực cho việc đàm bảo an ninh của Sea Lanes.

Ngoài ra, những hoạt động duy trì hòa bình trên biển nầy không mang tính chất chính trị hơn cả việc hợp tác về quân dự trên đất liền, ít người phản đối nếu có sự tham gia của các nước ASEAN. Việc hợp tác giữa nhiều nước ở Châu Á mà biển là sân chơi, bắt đầu từ việc hợp tác lấy Hải quân làm cơ bản là một việc làm đúng đắn. Cũng có ý kiến tranh cãi về việc có cho Đài Loan tham gia vào liên hợp các quốc gia hải dương hay không, thiết tưởng đưa Đài Loan tham gia vào đây là một cách biểu thị rõ ràng thái độ bác bỏ ý đồ đả phá việc duy trì hiện trạng(giải phóng Đài Loan), mang lại hiệu quả kiềm chế cuộc tranh chấp bằng vũ lực vấn đề Đài Loan.

 Từ quan điểm ổn định của Sea Lanes, quốc gia phải trọng thị trong Liên hợp các nước hải dương là Australia nằm ở cực nam của TBD. Australia  tiếp xúc với cả 2 vùng biển TBD và Ấn độ dương, không những là một nước có vị trí địa lý vô cùng quan trọng, nước nầy còn tiếp nhận rất đông lưu học sinh từ Châu Á(đại học là 54,000 người trong số 100,000-140,000 lưu học sinh), đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc định vị tư tưởng dân chủ. Australia hầu hết cử các sĩ quan chỉ huy vào những hoạt động duy trì hòa bình ở Châu Á như Lực lượng quân sự duy trì hòa bình Đông Timor, Lực lượng quân sự duy trì hòa bình ở Cămpuchia… v..v.. cho thấy quốc gia nầy được tin cậy và có ảnh hưởng như thế nào từ các nước Châu Á.

Mặt khác, các nước Châu Á cũng mong muốn liên kết với Australia như thế nào thì chúng ta có thể lý giải được qua việc các nước Brunei, Canada, Fiji, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Papua New Guinea, Phillipines, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Anh Quốc…gửi sinh viên sang học tập ở trường Tham mưu lục quân Australia hàng năm. Australia là bạn đối tác quan trong của NB, trong “Sách trắng thông thương ngoại giao” hay “Sách trắng quốc phòng” xác nhận quan hệ giữa NB và Australia như sau:
 ”Độ sâu sắc và chất của quan hệ với NB của Australia vô cùng quan trọng để thúc đẩy những mục tiêu về kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia trãi  rộng về nhiều mặt. Chính đang xây dựng quan hệ nương tựa vào nhau ở cấp độ cao nhất …. Trong vòng 15 năm tới, NB từng bước sẽ phải nhận lãnh trách nhiệm to lớn trong việc đảm bảo an ninh của bản thân mình trong khuôn khổ của quan hệ đồng minh gắn bó và mạnh mẽ với nước Mỹ, đẩy mạnh việc liên kết phòng thủ mật thiết với các nước trong khu vực, trong đó Australia sẽ trở thành một đối tác về quốc phòng  quan trọng hơn bao giờ”. Australia là quốc gia  có cùng chung lợi ích chiến lược với NB, việc thương thảo định kỳ về Quân sự-chính trị (Politico-Military) đã được bắt đầu, đây là nơi bổ sung cho việc liên kết về quân sự thích hợp và trao đổi tin tức tình báo giữa hai nước.

 Ngoài ra,  nước nhỏ như Singapore nằm ở một cứ điểm chiến lược, là một quốc gia vô cùng quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh của Sea Lane, sau khi quân Mỹ đóng cửa căn cứ quân sự ở Philippines năm 1992, để duy trí sự có mặt của quân đội Mỹ, Singapore đã kí “hiệp định thăm viếng của quân đội Mỹ” hay “Hiệp định về việc cung cấp vật tư hổ tương”, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để tàu sân bay có thể vào cảng  Hải quân Chang-Gi,  căn cứ của hải quân, cho phép sử dụng sân bay làm nơi trung chuyển và có 152 liên lạc viên của quân đội Mỹ thường trú ở đây. Hơn thế nữa Singapore còn là nước đứng ra đăng cai kế hoạch diễn tập tàu ngầm giữa nhiều nước lấy tên ”Pacific Reach 2000” có sự tham dự của tàu ngầm “Chiyoda” của lực lượng phòng vệ hải quân NB nhắm tạo điều kiện để NB diễn tập chung với khu vực Châu Á.

 

Tàu ngầm Mỹ tham gia diễn tập chung


 Những phương sách nầy có thể bị phê phán là xem TQ là kẻ địch, hay là khối liên minh của Anglo-Saxon, bài trừ các nước Châu Á tuy nhiên liên hợp các nước hải dương nầy không bao giờ xem TQ là kẻ thù, hay có ý muốn loại trừ các nước Châu Á. Liên hợp các quốc gia hải dương ở Châu Á-TBD kết nối với nhau bằng giá trị quan của tự do mậu dịch và dân chủ tương tự như Liên Minh Châu Âu, là một liên hợp với sự tham gia của các quốc gia có  điều kiện  giúp các nước Chấu Á về phát triển kinh tế lẫn hổ  trợ  các nước nầy dân chủ hóa, không phải là một khối đồng minh quân sự có ý đồ  bài ngoại.

(2)Tăng cường đồng minh Nhật-Mỹ

 Không có một nước Châu Á nào có thể ngăn chận hành động của TQ với khẩu hiệu “Phú quốc cường binh”, gia tăng chi phí quốc phòng theo tốc độ hai con số hằng năm. Nền an ninh của khu vực Châu Á-TBD không thể vắng bóng của quân đội Mỹ bao gồm cả việc triển khai lực lượng tiền phương, và cũng không thể thiếu được sự hợp tác của NB. Tháng 10 năm ngoái nhóm chuyên gia vượt đảng phái ở Mỹ cho rằng “NB phải trở thành một quốc gia trưởng thành trong việc  chia sẻ trách nhiệm về quân sự”( Power Sharing) thông qua đề xuất:

@1.tăng cường hợp tác quốc phòng bao gồm cả việc hoàn chỉnh về luật lúc khẩn cấp(có sự biến)

@2.Tham gia toàn diện vào những hoạt động hòa bình của LHQ.

@3.Hợp tác kĩ thuật công nghiệp quốc phòng Nhật-Mỹ, hợp tác phòng thủ Nhật-Mỹ bằng tên lửa đạn đạo…

Nhằm hướng đến việc xây dựng một quan hệ đối tác chín mùi, sử dụng  vũ lực trong  phòng thủ tự vệ dưới bản báo cáo đề xuất chính sách “Hướng về một quan hệ đối tác trưởng thành Nhật-Mỹ” (The US and Japan: Advancing toward a mature Partnership). Hơn thế nữa, trong diễn văn nhiệm chức của tổng thống Bush ngày 20/1, nhấn mạnh việc xem trọng các quan hệ đồng, chính quyền Bush sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ với NB là nước đồng minh của Hoa Kỳ.

Liệu NB phải đáp lại như thế nào ? Cách chọn lựa của nước Nhật là không để bị chao đảo qua lại bởi những tính toán của các nước cận lân, lấy lợi ích lâu dài của quốc gia làm cơ sở, dùng trục cơ bản là cơ chế an ninh Nhật-Mỹ để quan hệ với TQ, Nga, và không thể không tự mình đưa ra một cấu tưởng bảo đảm an ninh cho khu vực Châu Á-TBD.

Đặc biệt không thể làm ngơ sự tồn tại của TQ khi tính đến sự ổn định của Châu Á, thế giới cũng không thể tránh né vấn đề quan hệ như thế nào với TQ, việc duy trì tình trạng cân bằng đối trọng về lực lượng đối với TQ-- như đã đề cập trong phần nói về vấn đề Đài Loan hay quần đảo Trường Sa—là điều cần thiết nhất.

Và liệu có đủ khả năng để việc “cân đo đong đếm” đúng liều lượng chính là phải dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ và sức mạnh về kinh tế của NB.

Nghĩa là NB là khách hàng lớn nhất chiếm 20.4% tổng kim  ngạch xuất khẩu của TQ, quan hệ với NB xấu đi chắc chắn sẽ ảnh hưởng, gây tổn thất to lớn cho bản thân TQ, nhưng nếu nhìn từ NB thì TQ đứng thứ ba trong xuất khẩu của NB, chỉ chiếm 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi Hoa Kỳ là 31,1%(sáu tháng đầu năm 1999) tức TQ chỉ bằng 1/6 Mỹ mà thôi.

Về đầu tư vào TQ, thì NB là 7,2 %, Đài Loan(6,7%) Mỹ(5%), Singapore(4,2%), Hàn Quốc(4,1%) nghĩa là NB đừng hàng đầu, tổng kim ngạch cho vay của NB vào TQ tính đến cuối năm 1999 là 226,007.3 tỷ yen,  không hoàn lại là 11,128.4 tỷ yen, hợp tác kỹ thuật là 10,894.6 tỷ yen,Tổng kim ngạch các hạng mục viện trợ nầy lên đến 24,800 tỷ yen. Như vậy sức mạnh chính trị kinh tế với trọng tâm là mậu dịch và viện trợ là  lá bài NB có thể sử dụng với TQ, NB nên từ bỏ chính sách việc viện trợ không nằm trong chiến lược xem trọng TQ, chuyển sang việc viện trợ kinh tế chiến lược với TQ trong tầm liên kết với các nước Châu Á để cùng với các nước Châu Á nầy duy trì cán cân tương quan về chính trị với TQ.

   

Bảng 12. Mậu dịch Nhật-Mỹ-Trung nhìn từ NB(năm 2000)

Thứ tự

Nước Kim ngạch Tỷ lệ Hạng Nước Kim ngach nhập khẩu

Tỷ lệ

Hạng(1-4) Nước

Tỷ lệ

Mỹ

41,946

21,5%

NB

33,768

20,4%

NB

18,3%

HK

36,891

18,9%

ĐL

19,528

11,8%

Mỹ

17,0%

NB

32,399

16,6%

Mỹ

19,486

11,8%

HK

12,1%

HQ

7,808

4,0%

HQ

17,222

10,4%

HQ

6,9%

ĐL

3,950

2,0%

Đức

8,333

5,0%

ĐL

6,5%

Nguồn: Sách trắng Jetro năm 2000

 

Nói thế, ba nước Nhật-Mỹ-Trung đang có quan hệ dựa lẫn vào nhau về kinh tế, để  ba nước nầy phát triển thì chính sách bao vây TQ cứng rắn của Mỹ đối với NB là điều không mong muốn. Chính sách bao vây TQ cứng rắn nầy của Mỹ sẽ làm cho NB phải chịu nhiều  nguy nan vì là nước nằm ở vị trí tiền tiêu trong tranh chấp.

TQ đang nỗ lực để tham gia vào WTO gây hi vọng cho nhiều người về việc chuyển đổi từ nhà nước nhân trị sang nhà nước pháp trị, đẩy mạnh nhân quyền và dân chủ hóa. Nên lưu ý mặt tiêu cực của lý luận cho rằng TQ là mối đe dọa sẽ làm cho TQ chạy đua vũ trang để đối phó cũng như phát xuất từ một sự cảnh giác cao độ đối với bên ngoài do nhiều năm nằm dưới sự thống trị của chế độ thực dân, cần phải được thông cảm việc TQ thường đặt nặng việc tăng cường quân bị một cách thái quá do bối cảnh lịch sử nầy.

Để làm dịu đi sự cảnh giác thái quá của TQ, việc nầy còn khó hơn việc duy trì sự cân bằng đối trọng về quân sự, nhưng liệu có thể nào thể nào tìm  ra một giải pháp thích hợp từ kinh nghiệm lịch sử. Nhật Bản có biển cả là bức tường ngăn cách tuyệt hảo đối với TQ, cần phải phòng thủ cẩn thận, giữ khoảng cách,  “không gần mà cũng chẳng xa”, không lọt vào cơ chế “Hoa-Di”, duy trì quan hệ bình đẳng, mậu dịch không phải là “ mậu dịch triều cống” , NB chớ nên học lối mua bán xưa kia khi bị từ chối thì biến thành “cướp biển”, lúc thì ngang hàng, lúc lại là kẻ khiêu khích.

Bước vào thế kỷ 20 NB nhờ sự đối trọng của cán cân lực lượng của các nước đồng minh(Nhật-Anh, Nhật-Mỹ) hùng mạnh bên kia bờ đại dương yểm trợ nên đã bảo đảm được nền an ninh của quốc gia. Ngày nay, điều NB cần là khí phách và trí thông minh của tiền nhân.

Sự thay đổi của cơ chế chiến tranh lạnh hay tình hình thế giới biến đổi trong đó TQ đã trở thành một quốc gia hùng mạnh  về quân sự thì chiến lược quốc gia hay chiến lược hải dương phải thay đổi tương ứng.

Nhưng dù cho có sự biến đổi thì có 3 bộ phận không hề đổi thay. Một là NB là một quốc gia đất hẹp, tài nguyên nghèo nàn, phải nhập hầu hết từ bên ngoài năng lượng, lương thực và nguyên liệu, từ đó sản xuất ra những mặt hàng có giá trị gia tăng đủ sức cạnh tranh trong thị trường quốc tế, xuất khẩu trở lại trên con đường của quốc gia mậu dịch vốn là thể chất của đất nước nầy. Điều cần thiết của một quốc gia mậu dịch là phải xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với những nước cung cấp tài nguyên cho chúng ta để các nước nầy sẵn lòng cung cấp tài nguyên cho chúng ta một cách ổn định . Hai là các nước sẵn sàng mua những sản phẩm do NB làm ra và ba là phải đảm bảo an ninh cho tuyến đường vận tải hàng hóa nguyên liệu vượt hàng nghìn cây số, các nước mua hàng hóa, sản phẩm của NB phải được sống trong hòa bình và phồn vinh, không tranh chấp với nhau trên một tuyến Sea Lanes dài và bao la. Không có nước nào trên thế giới mong mỏi hòa bình như Nhật Bản, không thể chỉ có một nước Nhật phồn vinh cho dù là hòa bình.

Tuy nhiên, trải qua 50 năm sau chiến tranh, NB vẫn chưa gỡ bỏ được “hiến pháp” đã “tự trói” buộc mình. Vì một nền hòa bình và an ninh của thế giới, quan điểm xây dựng một cơ chế bảo đảm an ninh tập thể, cho phép sử dụng những biện pháp bao gồm sức mạnh quân sự vẫn còn mong manh, vỏ bọc của “một nước theo chủ nghĩa hòa bình” khép kín trong ốc đảo, bác bỏ việc trở thành “một nước bình thường”. Cách đối phó như vậy của nước Nhật sẽ đánh mất đồng minh là nước Mỹ, đi ngược lại sự tin cậy và mong đợi của các nước Châu Á về một nước Nhật đối trọng với TQ, có khả năng bị cô lập trên trường quốc tế. Tương lai của Châu Á đang lệ thuộc vào sự “quyết đoán” của Nhật Bản và đây là điều người dân Nhật ít ra nên lý giải (xem Phụ lục) .

____________________________________________________________

http://www3.ocn.ne.jp/~y.hirama/yh_ronbun_senryaku_araboilhtm.htm

「21世紀に於けるわが国への石油資源輸送ルート(シーレーン)に関する安全保障上の問題点


 (『グレ-タ-・ミドルイースト(中東・中央アジア)の石油資源搬出ルートが
   わが国の石油需要におよぼす影響に関する調査研究』世界平和研究所、2001年)

Chú giải của Hồng Lê Thọ

(1*) Friedrich Ratzel, người Đức (30/8/1844 - 9/8/1904), được xem là ông tổ của ngành Địa lý chính trị học  và “hoàn cảnh quyết định luận”. Ông phát minh ra cụm  từ “Lebensraum”(không gian sinh sống—Living Space) trong tác  phẩm nổi tiếng “Politische Geographie oder die Geographie der Staaten, des Verkehrs und des Krieges”, 1897. (Địa chính trị của các Nhà nước, Giao thông và Chiến tranh)

Johan Rudolf Kjellén (13 June 1864 – 14 November 1922), nhà khoa học chính trị Thụy Điển, người đã phát minh ra cụm từ “Địa-Chính trị học”(Geopolitics), chịu ảnh hưởng sâu đậm của Friedrich Ratzel

 (2*)Karl Ernst Haushofer (1869年8月27日 - 1946年3月13日)nhà địa lý học người Đức, bạn thân của Hitler.Ông phát minh ra cụm từ “Không gian sinh tồn” cơ sở của tư tưởng chủ nghĩa bành trướng của Đức Quốc Xã. Xem việc Nhật bản thống trị Triều Tiên là một thí dụ tốt của chủ nghĩa bành trướng mà Đức nên theo đuổi, tìm cách thống trị các nước Đông Âu để đối phó với Mỹ-Anh trong thời kỳ trước khi thế chiến thứ nhất bùng nổ.

(3*) “Trường Thanh niên”(The Jeune Ecole) được sáng lập vào thế kỷ 19 dựa trên khái niệm chiến lược hàng hải, dùng lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ, vũ trang mạnh mẽ để chiến đấu với các đội tàu lớn hơn, và trở thành cướp biển để kết thúc quan hệ mua bán với quốc gia đối địch. Chiến lược nầy phát triển giữa các nhà lý luận về hàng hải nước Pháp, lúc bấy giờ là nước có hải quân mạnh đứng thứ hai sau Nước Anh,  lấy tư tưởng nầy để cạnh tranh với cường quốc trên biển. Trường do tướng pháo binh Henri-Joseph Paixhans sáng lập, là người phát minh ra súng thần công trên chiến hạm trong những năm 1820.

(4*) Alfred Thayer Mahan (27/9/1840 – 1/12/1914) nhà chiến lược địa lý(Géotrategist) Mỹ, sĩ quan hải quân và là nhà giáo dục. Ý tưởng của Ông về một cường quốc về biển đã ảnh hưởng rất lớn đến hải quân đến thế giới, giúp đỡ việc xây dựng một lực lượng hải quân trước thế chiến thứ nhất. Tác phẩm The Influence of Sea Power Upon History, 1660-1783 (1890) rất nổi tiếng trong lịch sử hàng hải. Nhiều tàu chiến của hải quân Hoa kỳ mang tên USS Mahan.

 (5*) Sir Halford John Mackinder (15/2/1861 – 6 /3/1947) là một nhà địa lý học người Anh, được xem là cha đẻ của Địa-Chính trị học và Địa lý chiến lược. Ông còn đưa ra Lý luận Heartland trong bài viết "The Geographical Pivot of History”(1904) ảnh hưởng lớn lên chính sách đối ngoại của các cường quốc.

(6*) Kurobune (黒船(くろふね) “thuyền đen” là tên gọi các chiến thuyền phương tây cập cảng Nhật trong thời Edo, đặc biệt thì hạm đội 4 tàu chiện của Mỹ do đề đốc chiếc tàu Perry(Matthew Calbraith Perry) cập cảng Uraga(1853) thì cụm từ “Chiến thuyền đen” được sử dụng rộng rãi.

Chiến thuyền đen cập bến NB

 

(7*)Takako Doi (土井 たか子 Doi Takako) sinh ngày 30/11/1928. Nhà hoạt động chính trị nổi tiếng Nhật Bản, nguyên Chủ tịch Đảng Xã Hội NB(đã giải tán), cựu Chủ tịch Hạ viện Quốc hội. Phản đối Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ ,căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật là đường lối chung của phe cánh tả NB. Doi Takako còn là người ủng hộ VN tích cực trong cuộc chiến đấu chống Mỹ ở VN.

(8*) Hua Yi ( Hoa-Di thể chế 華夷体制) Tư tưởng xem Trung Hoa là trung tâm(cái rốn) của thế giới, các nước chung quanh Trung Hoa ở khu vực Châu Á như NB, Triều Tiên, Mông cổ, Việt nam, Xiêm La(Thái Lan)….là “man di mọi rợ”, các nước chư hầu có nghĩa vụ phải triều cống và thần phục hoàng đế Trung Hoa.

(9*) KatoTakaaki(25/1/1860-8/1/1926),nhà ngoại giao, thủ tướng NB thứ 24 thời Minh Trị Duy Tân.

(10*) Locarno Treaties  là hiệp ước được soạn thảo ở Locarno(Thụy Sĩ) vào tháng 10/1925  và kí kết ngày 1/12/1925 tại Luân Đôn giữa 5 nước Anh, Pháp, Đức ,Italia và Bỉ trong đó các nước cam kết giữ nguyên hiện trạng biên giới giữa Pháp-Bỉ, xác nhận vấn đề phi vũ trang Ireland. Các nước Đức, Pháp, Bỉ cam kết không xâm phạm lẫn nhau,  bảo đảm an ninh khu vực thuộc 5 nước. Qui định việc tranh chấp quốc tế được giải quyết bằng một tòa án hòa giải trung gian. Nhờ vậy Châu Âu đã có một thời kỳ tương đối ổn định.

 

Phụ lục:

GS Samuel Hungtington trong cuốn “Sự va chạm của các nền văn minh”
NXB Lao Động 2003 , đoạn viết về ASEAN, tranh chấp Việt-Trung và sự chọn lựa của châu Á như sau:

“….Đến thập kỷ 80, Singapore đã thay đổi cách nhìn nhận của mình, và các nhà lãnh đạo nước này đã tích cực tranh luận với Hoa Kỳ và các nước khác chấp nhận sự thực về sức mạnh của TQ. Với số dân người Hoa đông và các xu hướng chống phương tây  trong các nhà lãnh đạo, Malaysia cũng đã hướng mạnh mẽ về phía TQ. Thái Lan đã duy trì độc lập trong các thế kỷ 19 và 20 bằng cách ủng hộ chủ nghĩa đế quốc châu Âu và Nhật bản, và hiện cho thấy rất có ý định làm như vậy đối với TQ, ý định nầy được củng cố bởi mối đe dọa an ninh tiềm tàng mà Thái Lan nhận thấy từ  phía VN.

Indonesia và VN là hai nước ĐNÁ có chiều hướng thiên về việc lập thế cân bằng và kiềm chế TQ hơn cả. Indonesia là một nước lớn, theo đạo Hồi và cách xa TQ, song nếu không có hậu thuẩn của các nước khác, Indonesia không thể ngăn cản TQ xác lập quyền kiểm soát ở biển Đông. Mùa thu năm 1995, Indonesia và Australia ký một thỏa thuận về an ninh theo đó hai nước cam kết tham khảo ý kiến của nhau trong trường hợp có những “thách thức đảo ngược” đến an ninh của hai nước. Mặc dù cả hai bên đều không cho rằng đó là một thỏa thuận chống TQ, họ đã coi TQ là nguồn tiềm tàng nhất có thể gây ra những “thách thức đảo ngược”. VN có nền văn hóa chủ yếu là Khổng giáo, song trong lịch sử đã có mối quan hệ đối kháng với TQ và năm 1979 đã tham gia vào một cuộc chiến tranh ngắn với TQ. Cả VN và TQ đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa( và cả quần đảo Trường Sa—HLT bổ sung), và lực lượng hải quân hai bên đã từng đụng độ nhau trong các thập kỷ 70 và 80. Trong những năm đầu thập kỷ 90, tiềm năng quân sự của VN đã giảm sút tương đối so với TQ. Hơn bất kỳ quốc gia Đông Á nào, VN do vậy luôn có ý thức tìm kiếm đối tác để lập thế cân bằng với TQ( và luôn phải có chính sách hòa hoãn nếu không nói là hợp tác toàn diện chiến lược như hiện nay với TQ—HLT). Sự gia nhập của nước nầy vào ASEAN và việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ năm 1995 là hai bước đi trong đường lối nầy. Tuy nhiên, sự chia rẽ bên trong ASEAN và sự miễn cưỡng liên kết nhằm thách thức TQ làm cho ASEAN khó có thể trở thành một liên minh chống TQ, hay ASEAN sẽ tích cực ủng hộ VN trong cuộc đối đầu với TQ. Hoa Kỳ có thể là nướcsẵn lòng kiềm chế TQ hơn, song trong giữa thập kỷ 90, điều không rõ là Hoa Kỳ sẽ đi xa đến đâu trong việc chống lại sự đòi chủ quyền của TQ đối với biển Đông. Cuối cùng, thì đối với VN, sự “chọn lựa ít tồi tệ hơn cả” có thể là ủng hộ TQ….

Sự nổi lên của TQ sẽ đặt ra một thách thức lớn đối với NB, và người Nhật sẽ có những quan điểm rất khác nhau về chiến lược mà họ sẽ theo đuổi. Liệu NB sẽ ủng hộ TQ, có thể chấp nhậnsự thống trị chính trị-quân sự của TQ để đổi lấy sự thừa nhận vị thế hàng đầu của NB trong kinh tế hay không ? Liệu NB có đưa ra một ý nghĩa hay sức mạnh mới trong liên minh Mỹ-Nhật với vai trò là một liên minh chủ chốt nhằm tạo thế cân bằng và kiềm chế TQ ? Liệu NB có ý định phát triển tiềm lực quân sự cho riêng NB và bảo vệ lợi ích của mình chống lại bất kỳ sự tấn công bất ngờ nào của TQ ? NB sẽ có thể né tranh cho đến khi tìn ra lời đáp rõ ràng cho các câu hỏi trên.

…Sự lựa chọn đối với Châu Á là giữa quyền lực được cân bằng với cái giá là xung đột với hòa bình được đảm bảo với cái giá là sự bá quyền. Các xã hội phương tây có thể lựa chọn xung đột và cân bằng. Lịch sử, văn hóa và quyền lực cho thấy rất rõ là châu Á sẽ lựa chọn là hòa bình và bá quyền. Thời đại bắt đầu bằng sự xâm lược của phương Tây từ những năm 1840 đến 1850 đang  kết thúc, TQ đang khôi phục lại vị thế là một nước bá quyền khu vực, và phương Đông đang bước vào kỷ nguyên của chính mình(trang 338-342—HLT bổ sung).

Nguồn: http://bauvinal.info.free.fr

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Lê Hoàng