Những thách thức tồn tại sau WTO

Vietsciences-Đặng Đình Cung       20/01/2008

 

Những bài cùng tác giả

Từ khi quyết định gia nhập WTO cho tới khi thực sự được kết nạp vào tổ chức này Việt Nam đã phải thương lượng trong mười năm. Thời gian đó có vẻ lâu. Nhưng đó là thời gian trung bình để thương lượng với những thành viên chủ chốt của WTO : Trung Hoa thương lượng trong 15 năm, Nga xin gia nhập từ 1994 đến nay vẫn chưa được kết nạp. Thời hạn mười năm đó đã giúp những cơ quan Nhà nước và các xí nghiệp Việt Nam chuẩn bị kỹ để thích ứng với những đòi hỏi của WTO. Những xí nghiệp đã chứng minh được khả năng đáp ứng một thách thức lớn như thế và, suy ra, có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.

Gia nhập WTO ích lợi nhiều hơn là phiền hà. Chúng ta không nên tiếc.

Trong bài này chúng tôi xin liệt kê những thách thức tồn tại sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Sau khi lướt qua những thách thức trước mắt, chúng tôi sẽ đề cập đến những thách thức về chuyển đổi công nghệ, về môi trường tự nhiên và về xã hội.

 

Những thách thức trước mắt

Từ mười năm nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7 đến 8 % mỗi năm. Năm 2007 tăng trưởng trung bình có thể là 8,5 %, tốc độ tăng trưởng cao nhất từ mười năm qua[1], và kinh tế đang tăng tốc có thể đạt hơn 9 %.

Năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu ước sẽ đạt 48 tỷ USD và tổng kim ngạch nhập khẩu ước sẽ đạt 61 tỷ USD gây nên nhập siêu 13 tỷ USD, cả ba đều là những con số kỷ lục[2]. Nhập siêu này lành mạnh vì chủ yếu do nhập thiết bị máy móc và nguyên nhiên vật liệu. Nhưng, vì thu hoạch đầu người tăng, nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng tăng. Cán cân kim ngạch đối ngoại vẫn còn cân bằng nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối của Việt Kiều. Nhưng nếu tiếp tục nhập siêu như thế thì vài năm nữa Việt Nam sẽ có vấn đề thanh toán nợ nước ngoài.

Với đà tăng trưởng như vậy và với việc kinh doanh trở nên dễ dãi hơn sau khi Việt Nam gia nhập WTO, vốn đầu tư nước ngoài tăng vọt ngoài dự kiến. Theo Cục Đầu Tư Nước Ngoài[3], tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong năm 2007 ước sẽ đạt 20,3 tỷ USD, với khả năng 4,6 tỷ USD (30 %) sẽ rút cục được đưa vào thực hiện. Đây là mức kỷ lục từ khi Việt Nam thực hiện mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment, FDI). Tất cả lượng vốn đó chưa được sử dụng hết. Phần chưa dùng đến gây nên bong bóng chứng khoán, bong bóng địa ốc và lạm phát.

Năm 2007, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (Foreign Indirect Investment, FII) ước sẽ đạt 5,6 tỷ USD, lớn gấp 4,3 lần năm trước. Đầu năm 2006 chỉ số VN Index là 305 điểm và đạt cao điểm 1.200 vào giữa năm 2007 và, từ đó, giảm dần xuống trên dưới 900 điểm. Thay vì nổ, quả bong bóng chứng khoán đang xì. Thị trường chứng khoán châu Á không tương tác với thị trường Tây Âu, điều này không liên quan gì với khủng hoảng tài chính hiện nay ở các nước công nghiệp Tây Âu. Về nhà đất thì giá địa ốc và giá đất ở đô thị đạt tới mức ít thấy trên thế giới[4]. Quả bong bóng địa ốc ở các nước Tây Âu đang xì, nhưng giá nhà đất ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng.

Từ mười năm nay chỉ số giá tiêu dùng tăng trung binh 6 % mỗi năm, một tỷ số đã có thể coi là một tỷ số khá cao. Nhưng năm 2007, bỗng nhiên tăng vọt lên đến hơn 12 %[5]. Lạm phát những sản phẩm công nghiệp có thể giải thích bằng hai nguyên nhân :

  1. Vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh làm tăng sức mua của một số thành phần xã hội. Với hiện tượng bong bóng chứng khoán và địa ốc, nhiều người có cảm giác bỗng nhiên giàu nên tiêu thụ nhiều.

  2. Những cơ sở và thiết bị sản xuất với lượng vốn mới đổ vào Việt nam chưa sản xuất kịp tương xứng với tăng trưởng của sức mua.

Nhu cầu những sản phẩm công nghiệp tăng ; những xí nghiệp không đáp ứng được ; giá những mặt hàng đó tăng theo luật cung cầu của kinh tế. Đối với một nước đang nhôi lên (emergient country) lạm phát là một điều đương nhiên.

Nhưng lạm phát ở một mức cao như vậy có thể gây bất ổn xã hội. Những thành phần xấu số nhất của xã hội dành gần như hầu hết ngân sách tiêu dùng của họ để mua lương thực, thực phẩm và nhiên liệu. Giá lương thực trên thế giới tăng từ 8 đến 10 % và giá nhiên liệu đã tăng lên tới mức kỷ lục từ 1980 cho đến nay. Cộng thêm với nguyên nhân lạm phát nêu ở trên, giá những sản phẩm cốt yếu này lại là những mặt hàng tăng mạnh nhất, tới hơn 14 %.

 

Những thách thức về chuyển đổi công nghệ 

Kết cấu ngoại thương và đầu tư nước ngoài

Theo những số liệu của Tổng cục Thống kê[6] về ngoại thuơng, chúng ta có ba nhận xét (xem hình 1) :

  1. Vấn đề nhập siêu của Việt Nam không có gì là đáng lo ngại vì nhập nguyên nhiên liệu và máy móc là để sản xuất và tái xuất khẩu. Nhiên liệu nhập khẩu là một phần dầu thô các nước khác lọc gia công và gửi trả lại. Khi nào Việt Nam có đủ nhà máy lọc dầu thì khoản đó sẽ giảm tới gần số không. Lúc đó, kim ngạch ngoại thương sẽ giảm xuống khoảng 20 %.

  2. Những xí nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đều quá nhỏ so với tầm vóc các đối thủ cạnh tranh quốc tế. Nếu trong vài năm nữa mà không vươn lên hàng đầu thế giới thì sẽ mất tự chủ vì sẽ bị những tập đoàn siêu quốc gia mua lại làm chi nhánh địa phương của họ.

  3. Ngoài dầu thô, những hàng xuất khẩu chủ yếu là lương thực, thực phẩm và hàng chế biến từ bán thành phần nhập khẩu. Những hàng xuất khẩu mà Việt Nam giữ một vị trí hàng đầu trên thị trường quốc tế là gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu. Những mặt hàng đó đều là những nông phẩm chưa được chế biến thành thực phẩm chỉ chứa một phần nhỏ giá trị gia tăng khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Những nhận xét này cho thấy hàm lượng công nghệ chứa trong những hàng xuất khẩu của Việt Nam không cao mấy. Việt Nam là một nước nông nghiệp và đang trở thành một quốc gia công xưởng của thế giới thay vì tiến lên thành một quốc gia công nghệ tiên tiến.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài , hai phần ba đầu tư vào những dự án công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và khách sạn – du lịch. Điều này thích ứng với chủ trương của chính phủ khai triển những ngành này. Nhưng những ngành đó chỉ có thể châm ngòi để một nền kinh tế có thể cất cánh chứ không có tiềm năng chuyển đổi công nghệ.

Đào tạo nhân tài

Đào tạo một nhân tài sẽ giúp người ấy có lợi tức cao và giúp cho nền kinh tế phồn thịnh. Vậy đào tạo chuyên gia được coi là một khoản đầu tư có tính cách hạ tầng, nghĩa là một hoạt động kinh tế có thị trường cạnh tranh, thị trường tiềm tàng, tỷ số lợi nhuận, tỷ số phúc lợi công cộng trên tổn phí,... Nhưng hoạt động đó cũng là một dịch vụ phúc lợi công cộng thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Đào tạo là một ngành công nghệ. Có người nói rằng nó là một công nghệ cao vì mỗi tiết đào tạo phải được thiết kế đặc biệt cho mỗi tình huống, thậm chí cho mỗi cá nhân.

Một trường đại học đẳng cấp quốc tế là một máy hút chất xám. Những thày giỏi đến dạy và nghiên cứu trên những đề tài có ích cho kinh tế nước đó. Sau khi tốt nghiệp, một số học sinh giỏi sẽ ở lại làm việc ở nước đã đào tạo mình, tham gia vào những hoạt động sản xuất, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Vì lý do đó mà các nước Châu Á kêu gọi những trường đại học nổi tiếng trên thế giới đến lập chi nhánh đào tạo nhân tài cho họ và có chính sách học bổng cho sinh viên tài năng đến học ở nước họ[7].

Vì không nắm được hai khía cạnh đó của ngành đào tạo, vừa là một thương phẩm vừa là một dịch vụ phúc lợi công cộng, Việt Nam đã giẫm chân tại chỗ trong hơn hai chục năm và bây giờ thì đề ra những chính sách phân tán tiềm năng dẫn tới lãng phí. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2006 Việt Nam có 24.325 tiến sĩ làm công tác giảng dạy được phân bố trong 299 trường đại học và cao đẳng, trung bình 81 tiến sĩ mỗi trường. Chúng tôi không biết trong số đó có bao nhiêu tiến sĩ khoa học và, nhất là, bao nhiêu tiến sĩ về khoa học ứng dụng. Phân tán một lực lượng yếu kém như vậy không cho phép những trường trở thành những đại học đẳng cấp quốc tế được.

Sau chính sách tuyển lựa sinh viên theo lý lịch chính trị của cha mẹ, Việt Nam đang thiếu nhiều nhân tài có thể giải quyết những thách thức nêu trong bài này và sẽ còn thiếu nhiều hơn nữa với chính sách xã hội hóa giáo dục hiện hành.

Công nghệ thông tin và khoa học đời sống

Công nghệ thông tin và khoa học đời sống là hai ngành công nghệ đang gây nên một cách mạng công nghiệp mới. Đây là một cơ hội để Việt Nam tham gia vào cách mạng đó và gia nhập câu lạc bộ những quốc gia công nghệ tiên tiến.

Theo hãng thông tin kinh tế Internet World thì 20,3 % dân số Việt Nam truy cập mạng Internet, xếp hàng thứ hai mươi trên thế giới[8]. Đây là một hạng đáng mừng vì hơn nhiều quốc gia Liên hiệp Âu châu, hơn Trung Quốc (một lần rưỡi), hơn Ấn Độ (gần bốn lần) và, so với các nước ASEAN, chỉ thua có Singapore và Malaysia. Trên thị trường quốc tế, Việt Nam đang trở thành một quốc gia cung cấp đáng kể những phần mềm tin học và những thiết bị viễn thông. Nhưng đó chỉ là những hoạt động gia công có ít giá trị gia tăng về chất xám. Việt Nam chưa có thể chủ động sáng chế một phần mềm hay một linh kiện nào cho thị trường công nghệ thông tin quốc tế.

Khoa học về đời sống liên quan đến các ngành y tế, dược phẩm, thực phẩm, nông lâm, thú y, thủy sản,… nghĩa là những ngành nâng cao đời sống của người dân. Những quốc gia có kinh tế mạnh như là Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu, Australia đều là những quốc gia xuất siêu về nông phẩm. Việt Nam đã đóng góp cho thế giới một số tiến bộ về y tế (ví dụ tham gia giải quyết bệnh SRAS) và nông nghiệp (ví dụ kỹ thuật trồng lúa). Việt Nam đang chuyển giao công nghệ canh nông sang một số nước láng giềng, các nước châu Phi và các nước Cận Đông. Nhưng những đóng góp đó quá nhỏ so với nhu cầu cuả người dân Việt Nam (ví dụ dịch cúm gia cầm, nạn chất độc da cam) và tiềm năng tiến bộ của các ngành công nghệ liên quan đến khoa học đời sống (ví dụ những sinh vật có gien bị thay đổi, dược phẩm mới).

Hậu cần

Với xu hướng sản xuất đúng mức đúng lúc (lean and just in time manufacturing) hậu cần trở thành một công nghệ cao liên kết rất nhiều công nghệ và kiến thức như là vận trù học, công nghệ thông tin, quản lý‎ thị trường, quản lý công nghiệp,... Ngoài ra ngành này cần đến những cơ sở hạ tầng lớn như là đường bộ, đường sắt, bến sông, hải cảng, phi cảng, kho và bãi chứa hàng,… Những cơ sở đó có ích lợi chiến lược kinh tế và chiến lược quân sự. Khi kinh tế phát triển thì hậu cần phải đi theo.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng hàng và cự ly chuyên chở hàng hóa tăng đều đặn gần 10 % mỗi năm, đúng theo nhịp tăng trưởng kinh tế. Lượng hàng và cự ly các nghành hàng hải và ngành hàng không tăng trưởng đúng với nhu cầu. Nhưng các ngành đường sắt và đường sông có thị phần nhỏ và tăng trưởng kém so với tiềm năng địa dư của Việt Nam và so với xu hướng các nước công nghiệp tiên tiến đang chuyển sang những phương tiện vận tải này.

Năng lượng

Thách thức về năng lượng có thể tóm tắt như sau : đến năm 2020 phải cung cấp dưới mọi dạng năng lượng 1.733 TW h (150 triệu tấn tương đương dầu) mỗi năm và đã phải lắp đặt xong ít nhất 135 GW khả năng sản xuất điện (tương đương với khả năng sản xuất của 61 đập Hòa Bình).

Theo IEA (International Energy Agiency, Cơ quan Năng lượng Quốc tế)[9], ở các nước công nghiệp tiên tiến tiêu thụ năng lượng được phân bố đồng đều giữa công nghiệp, vận tải và tiện nghi nhà ở. Điện năng thì dành ưu tiên cho công nghiệp và những dịch vụ thương mại và công cộng. Ở Việt Nam thì gần 60 % năng lượng (trong đó 45 % điện năng) dùng cho tiện nghi nhà ở nghĩa là ngoài mục đích sản xuất.

EIA (Energy Information Administration, Cục Thông tin Năng lượng, Hoa Kỳ)[10] nhận thấy rằng để sản xuất cùng một đô la Mỹ GDP (Gross Domestic Product, Tổng sản lượng quốc nội) thì Việt Nam tiêu thụ 27 406 BTU, gần gấp hai lần Hàn Quốc, gấp ba lần rưỡi Pháp và gấp ba lần Hoa Kỳ, quốc gia nổi tiếng là phung phí năng lượng. Ngoài ra, trong số bốn nước đó, Việt Nam là nước duy nhất có tỷ số tiêu thụ năng lượng trên GDP gia tăng theo thời gian.

Theo WEC (World Energy Council, Hội đồng Năng lượng Thế giới)[11] trữ lượng các mỏ năng lượng của Việt Nam và khối lượng khai thác năm 2005 cho biết 5 năm nữa Việt Nam sẽ hết than đá, 20 năm nữa sẽ cạn dầu mỏ, 70 năm nữa sẽ không còn khí thiên nhiên và đã lắp đặt để khai thác một phần ba tiềm năng kinh tế của thủy điện. Theo chúng tôi được biết thì Việt Nam đang thương lượng nhập khẩu than đá để chạy những nhà máy nhiệt điện sắp xây. Những con số tương đối lạc quan về những nguồn năng lượng hydro cacbua chưa kể đến khả năng khám phá thêm những mỏ khác và tốc độ gia tăng nhu cầu năng lượng đi kèm với tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Những khu công nghệ cao

Một khu công nghệ cao (High Tech' Park) là một khu đất quy tụ những trường đại học, những phòng thí nghiệm khoa học kỹ thuật, những cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ mới sáng chế từ mọi nơi trên thế giới. Sự tập trung chất xám này tạo ra một đồng vận thuận lợi cho sự phát triển những áp dụng của công nghệ.

Hiện nay ở Việt Nam có hai khu công nghệ cao, một ở Hòa Lạc, tỉnh Hà Tây, một ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Có nhiều địa phương, như là tỉnh Bình Dương[12], đang có dự án thành lập khu công nghệ cao. Đặc điểm của hai khu công nghệ cao đang có là nước ngoài đầu tư vào những nhà máy sản xuất những sản phẩm có hàm lượng cao về công nghệ nhưng phần đóng góp của nhân lực Việt nam vào hàm lượng đó thì không đáng kể. Chúng tôi không biết ở Hòa Lạc có trường đại học nào không chứ còn ở Thủ Đức thì chỉ có một trường đại học quốc tế với phương tiện rất là eo hẹp.

Ban quản lý khu công nghệ cao Thủ Đức kêu gọi nước ngoài đầu tư vào những phòng thí nghiệm. Nhưng, như viết trên, cả nước đang thiếu chuyên gia kỹ thuật thì lấy nhân lực đâu mà chào hàng ? Cách đây hai chục năm cũng có xây thử một khu công nghệ cao ngay bên cạnh đó. Nay khu đó đã trở thành khu công nghiệp Linh Trung vì không có đủ chuyên gia có tay nghề để đáp ứng. Yếu kém về quảng bá không phải là lý do của sự thất bại này.

 

Những thách thức về môi trường tự nhiên 

Ở một phần sau chúng tôi sẽ đề cập đến ảnh hưởng của bốn chục năm chiến tranh trên môi trường tự nhiên. Ngoài hậu quả đó, môi trường tự nhiên Việt Nam bị xúc phạm bởi đô thị hóa, công nghiệp hóa, ô nhiễm các nước láng giềng chuyển qua và biến đổi khí hậu.

Đô thị hóa và công nghiệp hóa

Vì không quy hoạch trước đô thị hóa và công nghiệp hóa, môi trường sinh sống của người dân bị xúc phạm[13].

Khi xưa Bangkok là thành phố tiêu biểu vì kẹt xe. Bây giờ có thêm TP Hô Chí Minh và TP Hà Nội. Vì thiếu phương tiện chuyên chở công cộng, với đường phố nhỏ hẹp, dân chúng ồ ạt dùng những phương tiện cá nhân để đi lại. Kinh tế bị thiệt hại vì kẹt xe, sức khỏe người dân xuống cấp vì ô nhiễm. Số xe ô tô tư nhân đang gia tăng và làm cho tình trạng trầm trọng hơn.

Những địa phương lập khu công nghiệp để cho xí nghiệp thuê mặt bằng chứ không phải là để tập trung và xử lý dễ hơn ô nhiễm công nghiệp. Nhiều khu công nghiệp không có vòng đai cống rãnh để hứng những nước thải và cách ly khỏi môi trường tự nhiên. Những nhà máy cũ không được nâng cấp với những thiết bị xử lý chất thải hiện đại. Những nhà máy mới không được bảo quản và, vì vậy, ô nhiễm nhiều hơn là đã thiết kế. Kết quả là dân chúng sống ven những con sông đã trở thành những đường cống tiêu, uống nước bẩn chứa kim loại nặng và vi khuẩn và thở một không khí có bụi và khói độc hại.

Những nhà máy nhiệt điện, xi măng, luyện thép, lọc dầu, phân bón,… ô nhiễm môi trường nhiều hơn là những nhà máy khác mặc dù được trang bị bởi những thiết bị lọc chất thải tối tân nhất. Với chương trình xây ồ ạt những nhà máy đó ở Việt Nam, môi trường tự nhiên dự báo sẽ bị xúc phạm nhiều hơn hiện nay. Rừng ngập mặn bị phá để nuôi tôm. Bờ biển không được bảo vệ xụp lở khi có bão hay sóng lớn. Rừng nguyên thủy bị phá để trồng cà phê hay trồng cây công nghiệp làm cho mặt đất bị trơ trọc, nước mưa xói mòn.

Những chuyên gia về môi tường học gắn liền tình trạng này với dịch tôm cá chết hàng loạt và một số dịch gia súc ở các trại chăn nuôi. Có vài nơi cả làng bị ung thư vì dùng chung một giếng nước bị ô nhiễm[14].

Ô nhiễm từ nước ngoài

Việt Nam là một nước có tỷ lệ biên giới và bờ biển so với diện tích rất cao nên chịu nhiều ảnh hưởng ô nhiễm từ nước ngoài vào.

Ở Indonesia rừng bị phá ở quy mô rất lớn vì lâm tặc đốn rừng. Lớp than bùn trước kia được cây lá che chở thì nay bị ánh sáng mặt trời và hạn hán làm khô đi và trở nên một nhiên liệu dễ bắt cháy. Thường xuyên những vùng đó bốc cháy vì thổ dân đốt rừng để làm rẫy. Cả hai tình huống gây ra những vụ cháy rừng lớn. Khói và tro bay sang những nước láng giềng trong đó có Việt Nam.

Những nhà máy cũ kỹ của Trung Quốc thải ra nhiều bụi và khí độc[15]. Một phần ô nhiễm đó bay sang Việt Nam gây nên mưa axid. Sông núi đồng ruộng Bắc bộ bị xúc phạm như vậy.

Biển Đông là nơi đi lại của nhiều tàu chở đủ mọi thứ từ hàng hóa. Nhân tiện quá giang ngoài khơi Việt Nam những tàu đó rửa thùng, thải rác và những phế liệu đủ loại và, có khi, đánh rơi những kiện hàng chứa những chất độc hại. Biển Đông lại có nhiều giàn khoan dầu. Thỉnh thoảng một giàn có sự cố làm cho dầu tràn ra biển. Một phần tất cả những chất bẩn đó trôi vào bờ biển Việt Nam. Thường xuyên những bãi bể của Trung bộ bị dầu ngoài khơi tràn vào gây thiệt hại cho sinh thái và các ngành thủy sản, ngư nghiệp và du lịch[16].

Nhờ một chính sách cương quyết, Việt Nam là nước nhiệt đới duy nhất có diện tích rừng gia tăng. Nhưng dân những nước láng giềng ở lưu vực sông Mekong tiếp tục đốn rừng. Núi rừng Lào, Kampuchia và Thái lan bị xói mòn, phù sa theo các chi lưu sông Mekong, rồi một phần chảy ra Biển Đông bồi đắp Mũi Cà Mâu, một phần chảy vào hồ Tongle Sap làm cho hồ bị lấp dần. Kết quả cho dân đồng bằng sông Cửu Long là hồ Tongle Sap không còn chức năng điều tiết lũ nữa làm cho hạn hán và lũ lụt mỗi năm mỗi nặng hơn[17].

Hiện có hơn một trăm dự án đập thủy điện lớn nhỏ trên sông Mekong và những chi lưu, đã xây xong, đang xây hay hãy cò ở trạng thái dự án. Chủ nhân những đập đó sẽ trữ nước hay tháo nước tùy nhu cầu sản xuất điện của họ chứ đâu có tùy theo nhu cầu nước của dân đồng bằng sông Cửu Long sống ở hạ du.

Biến đổi khí hậu

Theo các báo quốc tế và trong nước thì năm 2007 trên thế giới có 950 thiên tai làm 15.000 người chết và thiệt hại 75 tỷ USD. Riêng ở ViệtNam, năm 2007, mưa bão lụt liên tiếp đã làm 435 người chết, 850 người mất tích và gây một tỷ USD thiệt hại vật chất. Khoảng cách giữa những năm có cường độ thiên tai tương tự ở Việt Nam càng ngày càng gần nhau vì khí hậu đang biến đổi.

Ngoài những thiên tai, sự biến đổi khí hậu làm cho mặt nước biển dâng cao. Báo cáo năm 2007 của UNDP (United Nations Development Program, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc) về phát triển con người có nêu rằng biến đổi khí hậu không phải là một kịch bản hàn lâm mà phải được coi là một thách thức lớn cho một số quốc gia trong đó có Việt Nam[18] : 22 triệu người Việt Nam sẽ phải di tản vì giông tố, bão lụt và nước biển dâng lên và thiết hại vật chất sẽ lên đến 10 % GDP. Báo cáo chỉ nói đến tình huống nước biển dâng lên thêm một mét vào cuối thế kỷ. Nhưng ngay từ bây giờ nước biển đã lấn càng ngày càng sâu vào đất liền làm nhiễm mặn đồng ruộng. Mỗi tháng TP Hồ Chí Minh đều có báo động triều cường.

 

Những thách thức xã hội  

Nguồn nhân lực

Tỷ lệ sinh sản của phụ nữ mấy năm gần đây giảm. Nếu tình hình này kéo dài thì ba chục năm nữa Việt Nam sẽ có vấn đề tài trợ hưu trí. Tuy nhiên những dự báo tới chân trời dài như thế thường hay sai và dân số Việt Nam vẫn còn đang tăng mạnh, tỷ lệ những người trẻ hơn 30 tuổi vẫn còn cao. Tình hình đó cho phép áp dụng nghị định tinh giản biên chế một cách mau chóng, độ lượng và không gây ra nhiều rối loạn xã hội[19]. Đã tới lúc những người khi xưa đã được bổ nhiệm theo tiêu chuẩn chính trị được cho về nghỉ hưu hay chuyển sang kinh tế tư nhân để được thay thế bằng những lớp trẻ. Hy vọng thế hệ những người nối nghiệp đó sẽ có tài có đức hơn.

Chỉ có những người không tin tưởng vào tương lai của mình tại nước mẹ đẻ mới xuất ngoại để kiếm ăn. Một số người đi "xuất khẩu lao động" làm những công việc giúp họ tích lũy kỹ năng nghề nghiệp hữu dụng khi về nước. Họ sống khổ cực ở đất người : xa gia đình mà nước chủ nhà lại không nhất thiết đối đãi họ một cách nhân đạo. Tiền họ gửi về Việt Nam tổng cộng khoảng hai tỷ đô la. Số tiền trông có vẻ lớn. Nhưng, theo giáo sư Maurice Allais, giải kinh tế Nobel Pháp, "xuất khẩu lao động" đã làm nghèo Algeria vì nước này đã làm mất sinh lực để phát triển kinh tế nước họ. Vì "xuất khẩu lao động" đại trà, Philippines đang trên đường tụt hậu. Mặt khác, với những dự án đầu tư khổng lồ nêu ở phần trên, trong vài năm nữa, Việt Nam có thể sẽ thiếu lao động cho những công trường xây dựng và những cơ sở sản xuất.

Vì thiếu nhân viên có kỹ năng nghiệp vụ, những xí nghiệp sẵn sàng trả 500/1.000 USD (8/16 triệu đồng) một tháng cho những phần tử có tài năng tốt nghiệp đại học trong một ngành xí nghiệp cần đến. Những người đã du học và tích lũy kinh nghiệm ở nước ngoài được trả lương tới 2.000 USD (32 triệu đồng) một tháng. Những người không có tay nghề thì chỉ có 540.000 đồng một tháng theo quy định mới về lương tối thiểu{20}. Ngoài ra họ còn phải chịu những điều kiện lao động rất khắt khe : giờ giấc lao động tùy nhu cầu bên thuê lao động, điều kiện vệ sinh và an toàn tối thiểu hay dưới tiêu chuẩn quy định… Khoảng cách lợi tức giữa những người có tay nghề và những người không có là một chuyện thường. Nhưng một khoảng cách lớn như vậy là một bất công khó chịu được.

Hiện tượng đáng lo ngại nhất cho nguồn nhân lực tương lai là học sinh bỏ học đại trà[21] : Tuyên Quang hơn 3.300 học sinh bỏ học, Nghệ An hơn 10.700, Cà Mâu 11.110, Kiên Giang khoảng 15.000, An Giang trên 21.000 học sinh,… Theo Tổng cục Thống kê, năm học 2000 2001 có 9.741 nghìn học theo học sinh các trường tiểu học và năm học 2006 2007 chỉ còn có 7.029 nghìn, giảm 5,4 % mỗi năm. Phụ nữ giảm sinh đẻ đâu có giảm mau đến như vậy !

Nguyên nhân các lãnh đạo địa phương nêu ra là đời sống người dân quá khó khăn, đường đến trường quá xa... Cộng vào đó, các trường học, công cũng như tư, bắt phụ huynh phải trả học phí và một số phụ phí nữa. Nhưng thực tế thì học sinh bỏ học là con em những gia đình nghèo. Nếu ít ra nhà trường dạy những gì có thể mang lại cho các em một tương lai huy hoàng thì nhiều gia đình nghèo sẽ cố gắng hy sinh để cho con đi học. Nhưng, theo các sách giáo khoa, chương trình dạy ở tiểu học cũng như trung học chứa đầy những kiến thức vừa quá khó vừa vô dụng.

Bất công xã hội

Năm 2006, chỉ số Gini của Việt Nam là 36,1, xếp hạng 51 trên 124 quốc gia[22], trong số các nước ASEAN chỉ thua có Indonesia. Nhưng chỉ số đó gia tăng đều từ khi Việt Nam được tính hạng. Như vậy có nghĩa là xã hội Việt Nam mỗi ngày mỗi trở nên bất công hơn.

Theo UNDP, với tăng trưởng kinh tế , năm 2004 tỷ số những người sống dưới mức nghèo tuyệt đối đã giảm xuống tới dưới 20 %[23]. Nhưng các dân tộc thiểu số, mặc dù chỉ chiếm 14 % dân số Việt Nam, là 30 % số người nghèo của cả nước. Mặt khác, 90 % người nghèo sống ở nông thôn.

Dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, y tế quốc dân tiến bộ đôi chút : từ năm 2000 đến năm 2006, bình quân cho một vạn dân, số giường bệnh giảm 0,8 % mỗi năm và số bác sĩ tăng 3,9 % mỗi năm.

Nhưng đó chỉ là một ảo ảnh thống kê. Từ khi Việt Nam đi vào kinh tế thị trường một số thành phần xã hội không được hưởng an sinh một cách đương nhiên nữa mà phải tự nguyện mua bảo hiểm y tế và đóng tiền bảo hiểm nhân thọ. Trong số những người thuộc thành phần đó có nhiều người không có khả năng tài chính để mua bảo hiểm và, do đó, không được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Theo ước tính của một quan sát viên Pháp, 60 % dân số, trong đó có 90 % nông dân, ở trong tình trạng này.

Sau bốn chục năm chiến tranh và hai chục năm đình đốn kinh tế, ít có nhà mới đã được xây và những nhà đã xây từ trước thì đã xuống cấp. Gần đây người ta xây nhiều nhà cao ốc. Những người có tiền đổ xô đi mua hoặc để ở hoặc để cho thuê. Có nhà xây rất sang và cũng có nhà xây dành cho giai cấp trung lưu. Tại các khu công nghiệp có những phòng trọ tập thể cho những công nhân độc thân. Nhưng, ở các thành thị, vẫn còn nhiều nhà ổ chuột và vẫn còn nhiều người không có cả chỗ ngủ đêm cố định[24]. Ban đêm, những công nhân từ miền quê lên tỉnh kiếm việc tụ nhau ngủ chung dưới những mái hiên lề đường để tránh bị kẻ cướp tấn công.

Điều kiện lao động

Điều 168 Bộ Luật Lao động quy định các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể gồm[25] :

  1. Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện nơi không có Hội đồng hoà giải lao động cơ sở ;

  2. Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh ;

  3. Toà án nhân dân.

Thực ra thì còn nhiều tác nhân nữa tham gia vào việc giải quyết tranh chấp : Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã. Chính phủ cũng đã thành lập Uỷ ban Quan hệ Lao động ở cấp quốc gia và chỉ đạo cơ chế phối hợp liên ngành ở cấp tỉnh về quan hệ lao động[26].

Điểm báo trong suốt năm 2007 trên các báo mạng Việt Nam cho thấy rằng :

- so với những nước Tây Âu, những vụ đình công có thể được coi là hiếm và được giải quyết thỏa đáng,

- nguyên nhân những vụ đình công là bên thuê lao động không tôn trọng luật lệ lao động Việt Nam và những lời hứa cũ, tăng ca nhiều nhưng trả lương thấp, không tăng lương cho công nhân làm việc lâu năm, yêu cầu cải thiện bữa ăn, yêu cầu được khám sức khoẻ định kỳ và có những chế độ phúc lợi khác,...[27],

- đứng đầu những doanh nghiệp có đình công là các doanh nghiệp của Đài Loan và Hàn Quốc.

Theo tường thuật những vụ đình công, những sự việc ít bị các phương tiện truyền thông ém nhẹm. Ngược lại, những vấn đề an toàn vệ sinh lao động và việc công nhân bị bạc đãi có vẻ không được các phương tiện truyền thông quảng bá đầy đủ. Vì lý do đó mà phải chờ đến vụ xập cầu Cần Thơ gần đây để dư luận trong và ngoài nước khám phá vấn đề an toàn lao động ở Việt Nam. Nhưng dư luận vẫn chưa ý thức được vấn đề vệ sinh lao động và bạc đãi nhân viên.

Những hãng phân phối bán lẻ lớn như là Walmark, Casino, Metro,… thường sợ bị khách hàng tẩy chay vì đã mua hay thuê gia công thương phẩm của họ từ một cơ sở sản xuất không tôn trọng những tối thiểu về điều kiện lao động theo tiêu chuẩn đạo đức của nứơc họ. Vì thế họ thường xuyên gửi kiểm định viên đến kiệm định trách nhiệm xã hội (social accountability audit) những đối tác cung cấp của họ song song với việc kiểm định bảo đảm chất lượng (quality assurance audit). Một xí nghiệp có trách nhiệm xã hội là một xí nghiệp tôn trọng nhân phẩm, không bạc đãi nhân viên, không bắt nhân viên làm việc ở những nơi nguy hiểm hay có thể gây hại cho sức khỏe.

Phân tích những thông tin được đăng trên báo mạng Việt Nam và một số báo cáo kiểm định trách nhiệm xã hội thì nhận thấy rằng :

- có rất nhiều tai nạn lao động không được các phương tiện truyền thông quảng bá,

- có ít bệnh lao động được phát hiện và được các phương tiện truyền thông quảng bá,

- có nhiều nơi nhân viên bị hành hạ bằng bạo lực,

- thiết bị sản xuất quá cũ và/hay không được bảo quản để bảo đảm an toàn vệ sinh lao động,

- lãnh đạo xí nghiệp vô ý thức và/hay vô trách nhiệm.

Việt Nam là thành viên ILO (International Labour Organisation, Tổ chức Lao động Quốc tế). Bộ Luật Lao động quy định đầy đủ tất cả những đòi hỏi của các công ước của ILO, đặc biệt về an toàn vệ sinh lao động. Nhưng

- quan chức địa phương có ít kiến thức về những vấn đề đó và có khi sợ nếu bắt thi hành nghiêm chỉnh luật lao động thì sẽ làm nản những xí nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào địa phương họ,

- lãnh đạo xí nghiệp Việt Nam cũng như nước ngoài không nắm rõ những đòi hỏi của Bộ Luật Lao Động,

- lãnh đạo xí nghiệp nước ngoài không nắm được khác biệt văn hóa giữa nước họ và nước chủ nhà,

- Bộ Lao động không có đoàn thanh tra lao động đủ hùng mạnh để chỉ đạo kiểm tra việc thi hành luật.

Di hại chiến tranh

Bốn mươi năm chiến tranh vẫn còn để lại dấu vết trên xã hội và môi trường.

Trong chiến tranh chống Mỹ, quân đội Hoa Kỳ đã thả trên lãnh thổ Việt Nam nhiều bom đạn hơn là họ đã thả trên tất cả thế giới trong Thế chiến II. Một phần những đạn dược đó chưa nổ. Khi du ngoạn vùng vĩ tuyến 17 thì thấy nông lâm trường xanh tươi rất đẹp. Nhưng dưới lớp thảo mộc, dưới lòng đất, hãy còn nhiều đạn dược chưa nổ. Theo những chuyên gia, phải ít nhất hai tới ba thế kỷ thì mới tháo gỡ hết dược những bom đạn chưa nổ vẫn còn tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam.

Cũng cùng thời kỳ đó, quân đội Hoa Kỳ đã trải trên lãnh thổ Việt Nam một chất hóa học gọi là dioxin. Chất hóa học này có công dụng làm chết cây cỏ để phi công của họ có thể phát hiện đựơc những quân nhân ẩn núp trong rừng. Nếu một người bị nhiễm chất độc dioxin thì có thể bị ung thư, có gien bị thay đổi và, sau này có thể sinh ra con cái có dị trứng khuyết tật. Điều nham hiểm là

- sau khi trải xuống đất không ai biết những chất dioxin đó đã bị nước di chuyển đi đâu,

- muốn phát hiện dioxin thì phải theo một quy trình phân tích hóa học nên khó có thể lập được bản đồ những nơi bị nhiễm,

- một người bị nhiễm dioxin không thể nào biết được rằng đứa con của mình xắp sinh ra sẽ bình thường hay có dị tật,

- chưa ai biết được rằng sau mấy thế hệ thì chuỗi sinh đẻ có dị tật di truyền đó sẽ chấm dứt.

Năm 2006 tổng thống Hoa Kỳ có hứa sẽ giúp nhân đạo những nạn nhân. Nhưng vấn đề là làm thế nào để thanh toán sự có mặt của dioxin hay ít ra hậu quả của nó.

Sau chiến tranh, chính phủ Hoa Kỳ chăm lo đến gia đình liệt sĩ và thương binh của họ, chính phủ Việt Nam chăm lo đến gia đình liệt sĩ và thương binh đã tranh đấu phía VNDCCH và MTDTGPMNVN, còn gia đình quân nhân và công chức VNCH tử trận hay bi thương thì không có chính quyền nào lo hết. Người nào may mắn có gia đình từ nước ngoài gửi tiền về giúp thì còn tạm sống được. Những người khác sống nhờ nghề ăn xin và lòng từ thiện của hàng xóm. Với thời gian, những người này không còn đông lắm và đã già rồi. Nếu muốn họ cũng không có khả năng mưu đồ lật đổ chính quyền tại chức. Nhưng những tổ chức chống đối chính quyền dùng hoàn cảnh bơ vơ của họ để tuyên truyền chỉ trích chính quyền.

 

Kết luận  

Những thách thức trước mắt có thể giải quyết được tối đa trong vòng năm năm với nhân lực hiện có trong bộ máy chính phủ. Tham gia với những nước khác để giải quyết những thách thức về chuyển đổi công nghệ và về môi trường tự nhiên sẽ đưa nước Việt Nam vào hàng những quốc gia công nghệ tiên tiến. Còn những thách thức xã hội là những thách thức cho chính thể xã hội chủ nghĩa.

Những thách thức đó cũng là những cơ hội kinh doanh và nghiên cứu khoa học trong những ngành và đề tài tham gia giải quyết chúng.

 


 

 

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Đặng Đình Cung