Những bài cùng tác giả
… tại không ít phòng mạch tư, bác sĩ xé lẻ
thuốc đóng bao gói vào túi nilon nhỏ để bán cho bệnh nhân…Việc làm này
không chỉ vi phạm quy chế chuyên môn mà còn nguy hiểm đến sức khỏe người
bệnh. Người bệnh uống thuốc mà không biết thuốc gì, nguồn gốc từ đâu…
(Thứ trưởng Bộ Y Tế Cao Minh Quang)
Bất khả thi trong việc quản lý giá bán lẻ
Một không khí ảm đạm của lạm phát và khủng hoảng kinh tế đang bao phủ
thế giới khi giá dầu mỏ ngày càng tăng với tốc độ khủng khiếp, chưa từng
thấy trong một năm vừa qua từ 60 USD/thùng lên mức 100 USD, ngày càng
căng thẳng khi bước vào thời kỳ 140-150 USD/thùng vào tháng 7/2008. Các
nước dầu mỏ không hề giảm sản lượng, cố gắng nâng lên bao nhiêu vẫn
không khống chế được sự tăng vọt nầy là vì sao ? Ngoài lý do cho rằng
lượng dầu thô tiêu dùng ngày càng tăng ở các nước phát triển mạnh mẽ
trong hơn một thập kỷ qua như Trung quốc, Ấn độ gây thiếu hụt, tạo sự
mất cân đối cung-cầu về năng lượng…một trong những lý do được các nhà
phân tích nhấn mạnh là sự suy yếu của đồng đô la do lạm phát và nạn
khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn (Subprime) trong nhà đất đã bùng phát dữ
dội, nền kinh tế của Mỹ đồng thời là con nợ lớn nhất toàn cầu nầy đình
đốn, ngày càng chồng chất, những biện pháp tiền tệ như nâng-hạ lãi suất
chiết khấu của FED, bơm tiền liên tục ra thị trường cũng không mang lại
kết quả như ý. Cuộc chiến tranh ở Iraq ,chống khủng bố ở Afghanistan kéo
dài cho thấy Mỹ đang sa lầy nghiêm trọng, tiến thoái lưỡng nan, trở
thành một gánh nặng đè lên đời sống kinh tế như cuộc chiến tranh xâm
lược Việt nam trước đây. Điều nầy đã tác động trực tiếp lên nền kinh tế
toàn cầu, trong đó nước ta vốn có nền kinh tế yếu kém—dù là tăng trưởng
với tốc độ cao trong 10 năm qua—bị tác động dữ dội, nếu không muốn nói
là rất nghiêm trọng như nhận định của Chính phủ và lãnh đạo cao nhất của
Đảng phản ánh qua những nghị quyết và phát biểu tại quốc hội trong phiên
họp tháng 5 vừa qua. Lạm phát 6 tháng đầu năm 2008 vượt mức 26% và có
khả năng không kiềm chế nổi khi tác động trượt giá kép của đồng đô la
trên giá cả thị trường nội địa ngày càng hiện rõ
(1). Cụ thể là một đồng
đô la hàng hóa nhập khẩu thì có giá trị thực tương đương 70-80% của năm
trước nhưng lại bằng 120-130 % khi qui đổi ra VN đồng, nói khác đi giá
trị thực tế của sản phẩm tính theo USD giảm trong khi hối suất của USD
trên thị trường nội địa lại tăng lên, nghĩa là giá cả hàng trên thị
trường vừa gánh lạm phát của tiền USD và thêm tỷ lệ mất giá của VN
đồng.(2)
Với giá bán lẻ thuốc chữa bệnh trên thị trường phải cưu mang một tỷ lệ
lạm phát kép (trên 40%)—trong nước và nước ngoài---và nhiều phí trong hệ
thống lưu thông phân phối lòng vòng, hoa hồng, lợi nhuận, lãi suất quá
cao , chúng ta có thể thấy nhà cung cấp nước ngoài có một ưu thế như thế
nào, mối lợi do lạm phát tiền tệ và tăng giá mang lại khi nắm độc quyền
nguồn hàng và phân phối tại thị trường nội địa như công ty Zuellig
Pharma. Khách quan, có thể nói việc hạn chế mức tăng giá dược phẩm ở mức
độ 5-10% như chỉ đạo hiện nay của Bộ Y tế là bất khả thi vì trên thực tế
chỉ tính riêng hối suất USD/VN đồng trên thị trường và của NHNN cũng đã
chênh lệnh 11% theo báo cáo của Cục quản lý Dược, không kể tỷ lệ lạm
phát của VND so với năm 2007 đã vượt mức 26,8% so với cùng kỳ. Mặt khác,
bên cạnh 50 % thuốc thành phẩm là ngoại nhập, trong đó phần lớn là những
loại thuốc đặc trị, biệt dược đắt tiền và 90% nguyên liệu để sản xuất
thuốc trong nước cũng phải nhập từ nước ngoài
(3) cho thấy sự lệ thuộc
vào nước ngoài của sản xuất và phân phối thuốc chữa bệnh của nước ta, dễ
dàng bị chèn ép về giá như thế nào . Chính vì vậy khi có biến động giá
trên thị trường thế giới, ngành dược Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tức thời
không kể động thái tăng giá thuốc từ gốc của nhà sản xuất nước sở tại
hay kê khống giá CIF trong nhập khẩu của công ty kinh doanh nội địa. Bà
Trần thị Đào, Tổng giám đốc Imexpharm(Đồng Tháp), một đơn vị chuyên sản
xuất thuốc kháng sinh cho biết "bình quân giá thành thuốc đã tăng 25 -
30%. Trong khi đó, do dược phẩm lại không được xem là một mặt hàng thiết
yếu nên Ngân hàng Nhà nước không ưu tiên trong việc cung ứng ngoại tệ để
nhập khẩu nguyên liệu. Bên cạnh đó, tỷ giá đồng USD tăng biến động từ 15
- 20%... lãi suất ngân hàng lại tăng, nhà nước lại không có chính sách
hỗ trợ, nguồn vốn của các doanh nghiệp đang bế tắc”(4). Hơn thế nữa,
việc nâng giá bán gấp nhiều lần giá kê khai cũng đã được thanh tra Bộ Y
tế xác nhận tại một hội nghị tổng kết hoạt động cuối năm 2007 rằng "Có
cơ sở đã nâng giá bán lên gấp 300% giá kê khai"(5) thậm chí có mặt hàng
thuốc lên tới mức cao, gấp 9 lần hơn
(6) !. Không chỉ nhà sản xuất, phân
phối nội địa luôn bị động, lệ thuộc vào các yếu tố rủi ro không nhỏ mà
ngay cơ quan chủ quản ngành dược cũng lúng túng, bị động không kém,
không thể ngăn cản hành động vượt rào khung giá qui định của BYT để tự
bảo vệ mình của các công ty, nhà sản xuất trong nước. Ngày 26/6/2008, TS
Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn số 4368/BYT- QLD đề
xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, ưu tiên cho các doanh
nghiệp kinh doanh dược phẩm trong lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu thuốc
được mua đủ ngoại tệ theo tỷ giá niêm yết, để đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ,
đáp ứng việc nhập khẩu thuốc thành phẩm và nguyên liệu sau khi nêu lên
thực trạng nhiều nhà nhập khẩu thuốc đã phải trả chênh lệch 11% cao hơn
tỷ giá qui định của NHNN khi mua ngoại tệ để thanh toán cho đối tác nước
ngoài. Trước khi BYT chính thức cho phép các nhà sản xuất, kinh doanh
làm thủ tục tăng giá thuốc với bộ, một số mặt hàng thuốc đã tăng 5%-20%,
thậm chí có loại còn tăng trên 50% . Thực tế là Bộ Y tế chỉ quản lý được
giá bán buôn theo danh mục thuốc cung cấp cho cơ sở chữa bệnh, còn với
những nhà thuốc bán lẻ thì ‘chưa thể với tay được vì chưa có hành lang
pháp lý”(Thứ trưởng Cao Minh Quang), hoàn toàn “khoán” trắng cho các Sở
y tế địa phương, nằm trong tay nhà thuốc bán lẻ, vì vậy chỉ tiêu hạn chế
tăng giá do Bộ qui định mất hết ý nghĩa khi trên thị trường bán lẻ theo
mặt bằng giá cả đã vượt lên mọi tính toán bằng biện pháp hành chính trên
bàn giấy. Quĩ 330 tỷ( Bộ Y tế đang kiến nghị tăng thành 500 tỷ ) đồng từ
ngân sách nhằm bình ổn giá thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh cũng chỉ
có hiệu quả tạm thời, không thể giải quyết cơ bản những mâu thuẩn-lạm
phát tác động lên thị trường, trong khi các nhà cung cấp nước ngoài bắt
đầu dùng thủ đoạn đối phó như ngừng cung cấp, bỏ thầu…để ghìm hàng chờ
mặt bằng giá mới của Bộ cũng như tạo ra một sự khan hiếm buộc các bệnh
viện, kể cả bệnh viện công phải bỏ tiền mặt ra mua trên thị trường chợ
đen, nhất là biệt dược, đặc trị phải nhập khẩu.Thị trường thuốc tân dược
"OTC" đã tăng giá từ lâu mà không cần chờ đến quyết định cho phép tăng
giá của cơ quan quản lý, với hơn 4000 nhà thuốc trong cả nước, người dân
vẫn phải mua thuốc với mức giá "tù mù", đặc biệt là đối với các mặt hàng
thuốc nhập ngoại. Đối với lĩnh vực y tế ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe
của nhân dân và đặc biệt ảnh hưởng đến an sinh xã hội, xem thuốc chữa
bệnh là hàng hóa đơn thuần, cho phép cạnh tranh tự do(thực chất là sự
kết cấu giữa những tập đoàn để thao túng như cartel kinh tế) như những
sản phẩm tiêu dùng khác là một quan điểm sai lầm, biện pháp hạn chế các
khâu lưu thông phân phối lòng vòng(bỏ các cấp đại lý, cung ứng thuốc cho
hệ thống bán lẻ có sự giám quản của Bộ Y tế cho các cửa hàng bán lẻ quận
huyện…) nên được triển khai quyết liệt với sự cộng tác chặt chẽ của các
công ty sản xuất, kinh doanh, phối hợp với Hiệp hội ngành Dược và các cơ
quan chức năng một cách chặt chẽ như quản lý thị trường, công an kinh
tế… phù hợp với thực tế và khả năng chi trả của người dân.
Bất khả thi trong việc quản lý hệ thống bán thuốc theo GPP
Con số gần 800 triệu đô la nhập siêu (dự kiến) trong lĩnh vực thuốc chữa
bệnh trong năm 2008 không phải là một con số bé nhỏ, tính bình quân là
13,4USD/người/năm thay vì 8 USD/người năm vào năm 2000. Con số nầy chắc
chắn ngày càng phình to theo lạm phát và tật bệnh do ô nhiễm môi trường,
dịch bệnh… không kể đến vấn đề chất lượng thuốc là một vấn nạn gây đau
đầu vì khả năng kiểm tra và quản lý còn quá mỏng và yếu trên thực tế.
Một thử thách khác không nhỏ là từ nay đến năm 2011 theo qui định của Bộ
Y tế, các cửa hàng bán thuốc phải thực hiện tiêu chuẩn GPP
(thực hành nhà
thuốc tốt) (7) khắt khe với những điều kiện khá khó khăn, việc đầu tư và
thực hiện theo qui định(như Dược sĩ tốt nghiệp Đại học phải thường xuyên
có mặt, bảo quản thuốc trong nhiệt độ và độ ẩm ổn định…) không dễ dàng,
nhất là thói quen “uống thuốc” của nhân dân, 80% là mua thuốc lẻ trực
tiếp không thông qua khám bệnh hay chẩn đoán của bác sĩ. Thứ trưởng BYT
Cao Minh Quang nêu rõ “thực trạng hệ thống bán lẻ thuốc trong cả nước
đang tồn tại nhiều bất cập. Như các dược sĩ thường xuyên không có mặt
tại các nhà thuốc, có hiện tượng cho thuê bằng dược sĩ đại học. Bên cạnh
đó, cơ sở vật chất không đảm bảo về nhiệt độ và độ ẩm, diện tích. Ngoài
ra, thuốc hiện nay được bán tự do không có đơn bác sĩ; Tư vấn sử dụng
thuốc hợp lý, an toàn: yếu; Việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân: Không theo
dõi được; Thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc,
thuốc hết hạn dùng khó được kiểm soát...” ( phát biểu tại Hội thảo “Thực
hành tốt nhà thuốc - GPP" do Sở Y tế Hà Nội tổ chức sáng ngày 17/6/2008)
để nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc thực hiện tiêu chuẩn GPP, và
như ông Trương quốc Cường, Cục trưởng cục quản lý dược phát biểu, rằng
“từ nay đến 1/1/2009, thời điểm doanh nghiệp nước ngoài được xuất nhập
khẩu trực tiếp, chúng ta phải cho ra đời được chuỗi nhà thuốc đạt GPP và
các chuỗi này phải sống được. Đây là bước đi chiến lược nhằm nắm được
thị trường phân phối thuốc chữa bệnh (bán buôn và bán lẻ). Nếu không,
Nhà nước sẽ gặp khó khăn trong quản lý giá thuốc và chất lượng thuốc khi
doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào và có thể thao túng thị trường thuốc
chữa bệnh” nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tiêu chuẩn hóa GPP để đối
phó.
Rõ ràng, thực hiện GPP theo những điều kiện đã qui định là lý tưởng
nhưng không thể nóng vội vì “thói quen” của người bán cũng như người mua
đã tồn tại từ lâu đời, cần có những bước triển khai phù hợp với thực tế
và điều kiện mua thuốc chữa bệnh của người nghèo, thu nhập thấp, giải
quyết việc chữa bệnh theo từng ngày vì khả năng tài chính eo hẹp. Tiêu
chuẩn hóa việc bán thuốc theo GPP có thể phát huy tác dụng tích cực khi
thuốc chữa bệnh được đặt trong phạm vi thực hiện bảo hiểm y tế công bằng
và công khai và người mua có thể mua dễ dàng thuốc theo khung giá của
bảo hiểm(chứ không phải khung giá tự do) với toa kê đơn của bác sĩ tại
các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn như ở các nước tiên tiến, vừa đảm bảo chất
lượng vừa hạn chế được nạn phá giá hay nâng giá tùy tiện mà hiện nay Bộ
Y tế vẫn chưa kiểm soát nổi.
Thử tìm một lối thoát
Trước mắt, để giảm thiểu gánh nặng về giá, đề nghị NHNN có một khung lãi
suất cho vay đặc biệt, ưu tiên bán ngoại tệ theo giá của nhà nước hay ưu
tiên cho vay đầu tư xây dựng (hợp tác gia công) những labo chuyên sản
xuất dược phẩm cho bảo hiểm y tế dưới dạng thuốc Generic
(thuốc phiên
bản) dưới sự bảo trợ của chính phủ, nhập khẩu song song từ nhiều nguồn
để phá vỡ nạn độc quyền đang tồn tại và kiểm tra giá nhập theo CIF của
đơn vị nhập khẩu… là vô cùng cần thiết. Những phương cách đối phó trước
mắt cũng như lâu dài để “bảo vệ sức khỏe toàn dân” hiệu quả, không chạy
theo hay săn đuổi vất vả hoạt động kinh doanh với lợi nhuận siêu ngạch
mà dù cố gắng đến mấy cũng không thể kiểm soát như hiện nay, ngoài phần
đã nêu, việc tính đến khả năng sản xuất thuốc Generic chuyên dụng cho
bảo hiểm y tế với một lượng nhân khẩu để phục vụ rộng khắp nước trong đó
có 14 triệu người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, lập ra một lộ trình
từ 3-5 năm, kết hợp với các nhà sản xuất dược phẩm trong nước
( kể cả
liên doanh với nước ngoài) là một chiến lược quan trọng vừa hạn chế
những tiêu cực trong sản xuất, phân phối với một cơ chế thẩm định giá cả
hợp lý, tiết kiệm những chi phí làm đội giá (bao bì sang trọng, quảng
cáo, khuyến mãi, phân phối lòng vòng, lót tay để kê đơn và hạn chế lợi
nhuận…) vừa quản lý chặt chẽ chất lượng, tránh được hàng giả, hàng nhái
và không đạt chất lượng(8). Phải chăng cần sớm lập ra một “Hội đồng Thẩm
định Dược phẩm quốc gia” gồm nhiều thành phần liên quan (Bộ Y tế, Bộ
Thương mại, Tài chính, chuyên gia Y Dược, nhà sản xuất và kinh doanh
dược phẩm, đại diện người tiêu dùng, quản lý thị trường…) để luận bàn
những sách lược về sản xuất kinh doanh cũng như chất lượng thuốc,là một
địa chỉ tin cậy, là nơi có thể đề xuất những quyết sách cụ thể của từng
thời kỳ trong lộ trình phát triển ngành Dược của nước ta, mở rộng việc
bảo đảm cho nhân dân trong lĩnh vực nầy một cách ổn định.
Hồng lê Thọ
7/2008




(Nguồn: Bộ Thương Mại)
Theo số liệu thống kê kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm từ
Trung Quốc tăng 30% so với tháng 12/2007. Kháng sinh là nhóm hàng chủ
lực chiếm hơn 50% thị phần, đứng sau là vitamin chiếm hơn 33% thị phần.
Kế đến là Ấn độ(30% nguyên liệu kháng sinh), Hàn quốc(25% thuốc thành
phẩm)… mà chất lượng rất đáng nghi ngờ, là cái “ổ” sản xuất thuốc giả,
thuốc nhái nhiều nhất trên thế giới (tham khảo chú thích
(8).
Tham khảo kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm từ thị trường
Trung Quốc qua các tháng

Đơn vị: nghìn đô la
Chú thích
(1) hiện tượng nầy được gọi là “nhập khẩu lạm phát”
Việt Nam ràng buộc tỷ giá vào một điểm so với đồng USD trong khi đồng
tiền này biến động trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Điều này đồng nghĩa
với việc Việt Nam đã nhập khẩu một phần ảnh hưởng lạm phát của việc đồng
USD mất giá. Trong khi đó, các nước khác trong khu vực đã cho phép tỷ
giá biến động phù hợp với những biến động của đồng USD trên thị trường.
Đồng USD đã giảm giá 9% so với euro, 7% so với đồng yên. Điều này đồng
nghĩa với giá hàng hóa trên thế giới tính theo tiền USD tăng rất nhanh.
Phản ứng của các nước này giúp cho giá hàng hóa không tăng theo sự mất
giá của đồng USD, xóa đi một số tác động xấu đối vớii nền kinh tế.
http://www.tinthuongmai.vn/IWINews.aspx?CatalogID=2272&ID=67539
(2) Điều nầy có thể lý giải dễ dàng qua phương thức tính giá thuốc chữa
bệnh hiện nay:
P1= (P2 x 30%) + (P2 x 30%) x 11% + I (lãi suất vay ngân hàng 21-25%)
+Pr (lợi nhuận của nhà nhập khẩu) + D=chi phí lưu thông phân phối lòng
vòng(20-30%) + hoa hồng lót tay cho nhà thuốc/bác sĩ kê đơn(khuyến mãi
?) + lãi suất phát sinh khi tồn kho +Thuế nhập khẩu + Thuế VAT
Với công thức nầy P1 có thể bằng 5-30 lần P2 là điều dễ hiểu và chỉ có
thể có một giá hợp lý khi những ẩn số làm đội giá thành giảm thiểu tối
đa.
trong đó:
- P1 giá bán lẻ
- 30% tỷ lệ lạm phát USD + trượt giá nội tệ
- 11% chêch lệch về hối suất khi mua ngoại hối để thanh toán(*)
- P2 giá CIF nhập khẩu
- I lãi suất vay ngân hàng khi mở L/C(P2 x 21-25% x số ngày /360 ngày)
- Pr lợi nhuận của các cấp trung gian
- D chi phí lưu thông phân
phối(25-30%)(kể cả hoa hồng lót tay/bác sĩ kê đơn)
(Thuế nhập khẩu 0-10% và thuế giá trị gia tăng 5%)
*Công ty nhập khẩu thuốc phải mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại
theo giá thỏa thuận, chênh lệch gần 11% so với giá Ngân hàng Nhà nước
niêm yết để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu thuốc, lãi vay ngân hàng
tăng trên 75% so với đầu năm 2008(Công văn số 4586/BYT-QLD).
Theo điều tra của Lê Thanh Hà(báo Tuổi Trẻ) trong “Giá thuốc tăng cao,
vì sao nên nổi” cho biết “chiết khấu”(hoa hồng) cho Bác sĩ kê đơn từ
15-50%, ai có thể kiểm soát ? Hơn thế nữa, người ta còn biết cơ cấu phần
chi hoa hồng có mặt hàng phải cho bác sĩ chiếm 35%, 5% chiết khấu cho
khoa dược bệnh viện, còn lại 8% là phần trình dược viên được hưởng cho
thấy hoa hông nầy được phân bổ một cách có hệ thống trong thu nhập riêng
của bệnh viện(VNN online).
(2) Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, giá nguyên liệu sản xuất các mặt
hàng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường thế giới vẫn đứng ở mức cao như:
Cephalexin monohydrate compact tăng 35%; amoxycillin trihydrat compact
tăng 21,74%; ampicillin trihydrate tăng 24,44%, cefaclor tăng 20%,
sulfamethoxazol tăng 24,60%, vitamin B1 tăng 48,91%, vitamin B6 tăng
35,85%, vitamin C tăng 98,76%, paracetamol tăng 75,37%... so với đầu năm
2008.(CV Quản lý Dược, tlđd)
(3) Theo tiêu chuẩn GPP, một nhà thuốc bán lẻ phải có mặt thường trực của
dược sĩ, diện tích tối thiểu 30m2; có nơi trưng bày, bảo quản các loại
thuốc, có chỗ để người mua thuốc tiếp xúc, trao đổi thông tin với người
bán. Nhiệt độ trong khu vực trưng bày, bảo quản thuốc phải dưới 300C, độ
ẩm không vượt 75%, có các phương tiện như sổ sách, máy tính… để quản lý
số lượng, hạn dùng của những loại thuốc tồn trữ...tuy nhiên thực tế cho
thấy tại thành phố Hồ Chí Minh, đến nay mới chỉ có 40 trong tổng số hơn
4.000 nhà thuốc, nộp đơn xin thẩm định GPP, trong đó có 12 nhà thuốc đạt
tiêu chuẩn GPP. Sau khi Quyết định số 11/2007 ra đời, nhiều địa phương
đã thực hiện lộ trình xây dựng các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP nhưng
sau hơn 1 năm, toàn quốc mới có 83 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn này trên
tổng số hơn 40.000 nhà thuốc của cả nước. Hơn thế nữa, một nghịch lý
đang đặt ra là nhiều nhà thuốc khi đã đạt được danh hiệu lại rơi vào
tình trạng ế ẩm vì họ không dám tự ý bán thuốc theo nhu cầu của người
bệnh mà phải theo đơn của bác sĩ. Vì thế, theo TS Nguyễn văn Yên (PGD Sở
Y tế Hà nội), để thúc đẩy quá trình đưa các nhà thuốc vào tiêu chuẩn
GPP, một phần quan trọng là thay đổi thói quan mua/bán thuốc trên cả hệ
thống, dần thay đổi ý thức về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý của cả người
bán và người bệnh.
( Quá ít nhà thuốc đạt GPP , theo Hồng Hải, DanTri.com.vn, 18/6/2008)
(4) Ngày 10/6, đoàn công tác liên bộ gồm, Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ
Công thương và Đại biểu Quốc hội chuyên trách lĩnh vực y tế đã có buổi
làm việc với khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phân phối
dược phẩm trong nước tại TP.HCM.
(5) Lê Thanh Hà “Giá thuốc tăng cao, vì sao nên nổi” Tuổi Trẻ online(Việt
báo)
(6) Tư liệu tham khảo
Nhập khẩu – kinh doanh dược phẩm: Siêu lợi nhuận
20/07/2007
Xuất phát từ đề nghị của UBND quận 8, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Thanh tra
và Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm-mỹ phẩm tiến hành phân loại thuốc
Paracetamol chích có nhiều mẫu bao bì nghi giả đã được phát hiện và niêm
phong trước đó tại Công ty TNHH Dược phẩm Vĩnh Tường Phát. Từ đây, thêm
nhiều kết quả bất ngờ đã được hé lộ.
Tự in vỏ, nhãn ống thuốc
Tại Công ty Vĩnh Tường Phát (số 28 đường 266 phường 6 quận 8), loại
Paracetamol chích của nhà sản xuất Ciron ở lô E4313 có 150 hộp trên nhãn
ống thuốc có dấu xóa đường dùng IV (ký hiệu thuốc tiêm tĩnh mạch). Ở
loại Paracetamol chích của nhà sản xuất Lachmi có 5.800 hộp trên nhãn
ống thuốc cũng có dấu xóa đường dùng IV. Ngoài ra, trên vỏ hộp không in
số đăng ký, không dán nhãn phụ nhập khẩu.
Khi đoàn thanh tra kiểm tra ngẫu nhiên mỗi lô vài hộp thuốc, nhìn cảm
quang bằng mắt thường phát hiện một số ống thuốc trong một hộp đã biến
màu sậm hơn.
Từ những thông tin trên, Sở Y tế TPHCM đã điều tra và xác minh nguồn gốc
về thuốc Paracetamol chích được nhập khẩu như thế nào từ nhiều doanh
nghiệp, hiệu thuốc trên địa bàn TPHCM. Đặc biệt, tại nhà thuốc ở BV đa
khoa Sài Gòn, Thanh tra Sở Y tế phát hiện có bán Paracetamol chích mua
tại Công ty Vĩnh Tường Phát, có dấu xóa đường dùng trên vỏ hộp và nhãn
ống thuốc. Từ đây, cơ quan chức năng có thêm cơ sở kết luận Công ty Vĩnh
Tường Phát đã vi phạm nghiêm trọng khi tự xóa đường dùng IV trên vỏ hộp
thuốc, nhãn ống thuốc và tự in bao bì vỏ hộp, nhãn ống thuốc, không báo
cáo và xin phép Cục Quản lý dược Việt Nam.
Lãi 928%!
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, CTCP Dược và Thiết bị y tế Đà Nẵng
nhập khẩu Paracetamol chích với 2 loại khác nhau. Giá của nhà sản xuất
Ciron là 19.237 đồng/hộp. Giá của Lachmi là 10.048,5 đồng/hộp. Tuy
nhiên, khi Sở Y tế kiểm tra giá bán trên các hóa đơn xuất nhập của các
công ty, đã phát hiện cả một vòng tròn luẩn quẩn về đường đi của thuốc.
Đầu tiên, chi nhánh của CTCP Dược và Thiết bị y tế Đà Nẵng tại TPHCM
xuất bán 2 loại thuốc trên cho CTCP Dược phẩm và Dịch vụ y tế Khánh Hội
với giá lần lượt: 21.524 đồng/hộp và 20.580 đồng/hộp. Sau đó, Công ty
Khánh Hội xuất bán cho Hiệu thuốc số 38 CTCP Dược phẩm quận 10 cũng 2
loại trên với giá 44.999,85 đồng/hộp và 43.500,45 đồng/hộp. Tiếp tục,
Hiệu thuốc số 38 - Công ty CPDP quận 10 xuất bán cho Công ty TNHH Dược
phẩm Vĩnh Tường Phát với 3 loại giá: 86.999,85 đồng/hộp; 87.000,9
đồng/hộp và 89.999,7 đồng/hộp (thuốc nhập về có 2 loại giá nhưng các
công ty xuất bán trên hóa đơn chỉ ghi 1 loại giá và không thể hiện được
số lô và thuốc của nhà sản xuất nào trên hóa đơn).
Song song đó, Chi nhánh CTCP Dược TW-Mediplantex cũng mua lại thuốc của
4 đơn vị gồm: Công ty CPDP & DVYT Khánh Hội, Hiệu thuốc số 38 CTCP Dược
phẩm quận 10, Hiệu thuốc 43 CTCP Dược phẩm quận và Công ty TNHH DP Trung
Nghĩa ở Hà Nội, với giá từ 41.904 đồng đến 53.858 /hộp.
Sau đó, Mediplantex xuất bán toàn bộ cho Công ty Vĩnh Tường Phát với 2
loại giá: 83.800 đồng/hộp và 86.000 đồng/hộp. Từ đây, Công ty Vĩnh Tường
Phát đã xuất bán cho nhiều bệnh viện, cơ sở điều trị, đơn vị kinh doanh
đang hoạt động trên địa bàn TPHCM và các tỉnh. Trong đó, tại nhà thuốc
BV Sài Gòn, Thanh tra Sở Y tế phát hiện giá bán có thuế VAT là 94.281
đồng/hộp; tại nhà thuốc BV Hoàn Mỹ giá bán có thuế VAT là 92.190
đồng/hộp.
Như vậy, khi nhập khẩu, thuốc Paracetamol chích có giá chỉ khoảng 10.000
đến 19.237 đồng/hộp, thế nhưng sau khi qua quá trình mua bán lòng vòng
giữa các công ty, đến lúc đưa vào các bệnh viện, cơ sở kinh doanh, đã
được đẩy lên 92.190-94.281 đồng/hộp. Cụ thể, tỷ lệ lãi so với giá nhập
khẩu đối với hàng của Ciron là 485% và của Lachmi là… 928%! Hậu quả của
việc mua bán thuốc lòng vòng này là người bệnh phải gánh chịu. Hầu hết
người bệnh đều không biết gì về con đường đi ngoằn nghèo của thuốc và
giá của nó được “bơm” cao ngút trời như thế nào.
Nhiều mẫu thuốc Paracetamol không đạt
Qua kiểm nghiệm mẫu thuốc Paracetamol của nhà sản xuất Lachmi (do Đoàn
kiểm tra liên ngành quận 8 gửi) tại Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM-Bộ Y
tế: Kết quả có 4/4 mẫu thử đạt về định tính, định lượng nhưng không đạt
chỉ tiêu tính chất. Thuốc có chỉ định dùng IV/IM nhưng trên toa chỉ dùng
IM (ký hiệu tiêm bắp).
Tương tự, kết quả kiểm nghiệm mẫu Paracetamol do Ciron sản xuất, 1 mẫu
thử (lô E 44313) đạt về định tính, định lượng nhưng không đạt chỉ tiêu
tính chất. Cụ thể, 20/30 ống không cùng lô, nhãn bị bôi xóa. Ý kiến của
Đoàn kiểm tra liên ngành quận 8: 1.155 hộp của lô E 44313 không thể lưu
thông trên thị trường vì không đạt tiêu chuẩn.
(Theo ĐTCK)
(7) Ngày 24 tháng 01 năm 2007, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định
số 11/2007/QĐ-BYT về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt
nhà thuốc” (Good Pharmacy Practices - gọi tắt là GPP). Theo Quyết định
này, từ ngày 01/01/2011, tất cả các nhà thuốc trong cả nước phải đạt
tiêu chuẩn GPP và từ ngày 01/01/2013, tất cả các quầy thuốc phải đạt
tiêu chuẩn GPP.
(8) tham khảo thêm loạt bài “Thế giới hàng giả, thuốc giả, thuốc nhái”
gồm 3 bài(đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối tuần 5/ 2007) của HLT, bản gốc còn
lưu lại trên Vietsciences.free.fr hay trang web Hóa Học Việt Nam.
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Hồng Lê Thọ
|