Những bài cùng tác giả
I : Phần dẫn nhập
Với sự cáo chung của chiến tranh lạnh, mọi người
những tưởng từ nay thế giới sẽ an bình ổn định hơn.
Trước năm 2001, những biến động ở bán đảo Triều
Tiên, Việt Nam, Afghanistan, Trung Á…
luôn gắn chặt với tình trạng đối đầu giữa hai
siêu cường Hoa Kỳ và Liên Bang Xô Viết. Sau ngày
bức tường Bá Linh sụp đổ (1989) và khối Xô Viết tan
rã (1991), người ta có đủ lý do để tin tưởng tình
trạng căng thẳng và xung đột trước đây sẽ giảm dần,
nếu không hoàn toàn chấm dứt. Tổng Thống George H.
W. Bush còn đưa ra viễn kiến một trật tự thế giới
mới trong đó mọi tranh chấp đều có thể giải quyết
một cách hòa bình qua đường lối ngoại giao đa phương. Không may, trật tự thế giới mới chưa bao giờ được
hình thành. Và nhân loại đã phải chứng kiến bạo lực
tiếp diễn khắp nơi, lắm khi còn ác liệt hơn, với sự
xuất hiện của nhiều tổ chức khủng bố.
Các nhà phân tích chính trị đã gặp rất nhiều khó
khăn trong nỗ lực giải thích những xung đột, bạo
loạn, bộc phát và lan tràn trong nhiều châu lục, mặc
dù những ganh đua mang tính ý thức hệ giữa các cường
quốc rõ ràng đã giảm thiểu.
Một số nhà quan sát tin có thể tìm được một lối giải
thích thỏa đáng trong chính trị bản sắc (identity
politics) -- dựa trên sự khẳng định chân dung, căn
cước, mang tính tôn giáo, sắc tộc, quan hệ bộ lạc
--thay thế cho ý thức hệ và mất quân bình trong cán
cân lực lượng toàn cầu. Theo giáo sư Samuel P.
Huntington -- đại diện của khuynh hướng nầy -- qua
bài viết nổi tiếng đăng trong tạp chí Foreign
Affairs năm 1993, đó là sự xung đột giữa các nền
văn minh (a clash of civilizations). Ông phân biệt
và sắp xếp những nền văn minh khác nhau trên thế
giới thành những tập hợp : Tây phương/Cơ đốc,
Slavic/Chính thống giáo, Hồi giáo, Ấn độ giáo, và
Khổng giáo. Huntington lập luận, những dị biệt giữa
các nhóm nầy đã dẫn dắt nhân loại trong quá trình
tiến hóa đến một thời kỳ xung đột mới trong thế giới
hiện đại. Trong thực tế, một vài vụ xung
đột trong thời hậu chiến tranh lạnh, ở những nơi
như Bosnia, Kashmir, Chechnya, hình như đã xác nhận
cách giải thích vừa nói.
Tuy nhiên, nhiều cuộc chiến và liên minh khác trong
nhiều thập kỷ qua -- chẳng hạn như liên minh giữa
Hoa Kỳ và vài xứ Hồi Giáo cực đoan, Saudi Arabia và
United Arab Emirates, trong cuộc chiến vùng Vịnh
năm 1991 chống lại Iraq -- không thể lý giải theo
chiều hướng đó. Một số nhà nghiên cứu cảm nhận cần
phải tìm kiếm một lối giải thích khác thỏa đáng hơn. Và
giáo sư Michael T. Klare là người đại diện cho
khuynh hướng thứ hai nầy.
Sau khi phân tích một số các cuộc chiến gần đây ở Á, Phi, Michael Klare đã đi đến kết luận hoàn toàn
khác với Huntington. Theo ông, tài nguyên thiên
nhiên, thay vì những dị biệt trong văn minh hay bản
sắc căn cước, mới là cội rễ của các xung đột dai
dẳng hiện nay. Đó là quyền kiểm soát các mỏ kim
cương ở Angola và Sierra Leone ; các mỏ vàng và đồng
ở Congo ; gỗ ở Borneo và Cambodia. Đã hẳn, các lý
do tôn giáo và sắc tộc cũng giữ một vai trò nào đó,
nhưng lý do chính là do các muu đồ, toan tính của
chủ soái các bộ tộc, các tướng tá cầm đầu những sứ
quân, và các thủ lãnh mỵ dân, nhằm độc chiếm,
kiểm soát các nguồn tài nguyên hiếm quí : kim cương, vàng, đồng, gổ quý, ruộng đất, nước, và trong
vài trường hợp quan trọng khác, dầu khí.
Năm 2001, khi trình bày và phân tích những kết luận
của mình trong cuốn Resource Wars : The New
Landscape Of Global Conflict (Chiến Tranh vì Tài
Nguyên : Cảnh Quan Mới của Xung Đột Toàn Cầu),
Michael T. Clare đã xem tất cả các tài nguyên quí
hiếm vừa kể đều có tầm quan trọng ngang nhau : dầu,
nước, đất đai, và các khoáng sản khác sẽ dẫn dắt
đến những tranh giành xung đột trong thế kỷ 21 khi
số cung ngày một hạn chế và khan hiếm hay khi hai
hay nhiều nhóm tranh giành quyền kiểm soát, chiếm
hữu những tài nguyên quí hiếm vừa kể. Dầu hỏa cũng
chỉ là một trong nhiều tài nguyên quí hiếm, không
hơn không kém, so với các khoáng sản khác.
Về sau, trước nhiều sự kiện quan trọng mới liên
tiếp xảy ra, Klare buộc lòng phải tái thẩm định kết
luận của chính mình. Cuốn Resource War xuất bản
ngày 17-5-2001, cùng lúc với sự công bố National
Energy Policy (Chính sách Năng Lượng Quốc gia) của
chính quyền George W. Bush, đã châm ngòi cho một
cuộc tranh luận gay gắt về hậu quả lâu dài của sự lệ
thuộc ngày một sâu xa hơn vào số dầu nhập khẩu.
Tại Hoa Kỳ, khu vực dầu khí (khai thác và lọc dầu)
chỉ chiếm khoảng 5% GDP. Trong lúc đó, số cung dầu
khí trên thị trường quốc tế rất dồi dào với giá rẻ.
Dầu khí lại thiết yếu cho việc phát triển các ngành
kỹ nghệ như xe hơi,
xây dựng đường sá và xa lộ, hàng không, hóa học,
canh nông, du lịch, và thương mãi ngoại ô --những
ngành tối thiết cho kinh tế, và do đó, cho lối sống
Hoa Kỳ.
Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, dù thuộc đảng Cộng hòa hay
Dân chủ, đều cảm thấy có trách nhiệm bảo đảm các
nguồn cung cấp dầu rẻ tiền, đủ để thỏa mãn nhu cầu
quốc nội ngày một gia tăng. Cho đến thập kỷ 1940, trách nhiệm nầy còn nằm trong phạm vi chính sách
đối nội và khu vực tư, vì Hoa Kỳ còn có trữ lượng
dầu chưa được khai thác, đủ để đáp ứng nhu cầu căn
bản trong nước.
Tuy nhiên, sau đệ nhị thế chiến, trữ lượng quốc nội
ngày một cạn kiệt, Hoa Kỳ bắt đầu phải nhập khẩu và
nhập khẩu ngày một nhiều hơn. Dầu khí đã trở thành
một sản phẩm chiến lược thuộc phạm vi chính sách đối
ngoại, và chính quyền liên bang phải trực tiếp đảm
nhiệm điều hành chính sách dầu nhập khẩu. Khác với
các tài nguyên thiên nhiên khác, dầu khí --một tài
nguyên thiết yếu cho sự thịnh vượng và lối sống Hoa
Kỳ - phải được bảo vệ với bất cứ giá nào, kể cả quân
sự.
Cuối cùng, dầu khí đã được xem là tối thiết cho an
ninh quốc gia, thuộc thẩm quyền Bộ Quốc phòng và
các cơ quan liên hệ chịu trách nhiệm bảo vệ các
quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ. Dưới danh nghĩa đó,
trong nhiều thập kỷ qua, quân lực đã được sử dụng để
bảo đảm quyền tiếp cận và bảo vệ các nguồn cung cấp
then chốt Saudi Arabia và Kuwait tránh các biến động
từ bên trong lẫn bên ngoài.
II- Dầu khí - Sản
phẩm chiến lược
Sinh hoạt địa chính trị đã bắt đầu sôi động từ trước
Đệ Nhất Thế Chiến khi dầu khí trở thành sản phẩm
mang tính chiến lược. Lúc đầu, các xứ Tây phương
giữ vai trò áp đảo. Nhưng với sự lệ thuộc ngày môt
nhiều của các quốc gia kỹ nghệ tiền tiến vào số dầu
nhập khẩu, quan hệ quốc tế trở nên phức tạp và các
xứ nhiều tài nguyên năng lượng thuộc thế giới thứ ba
dần dà đã giành được quyền tham dự cuộc chơi. Nói
một cách khác, sự tranh giành quyền kiểm soát các
nguồn cung cấp dầu khí giữa các cường quốc kỹ nghệ
đã giúp tái định hình địa chính trị toàn cầu theo
chiều hướng ngày một thuận lợi hơn cho các xứ giàu
năng lượng. Liên bang Nga, Iran, Venezuela, và
Sudan là những trường hợp điển hình.
II.1: Liên bang Nga :
Trong những tháng gần đây, TT Vladimir Putin đã
nhiều lần lên tiếng là sẽ hướng các hỏa tiễn mang
đầu đạn nguyên tử đến các đô thị Âu châu nếu TT
George W. Bush mở rộng tuyến lá chắn chống hỏa tiễn
California-Alaska hiện nay đến Ba lan và Cộng hòa
Czech. Bên cạnh những lời công kích lập trường của
Hoa Thịnh Đốn, đây còn là bằng chứng mới của sự thay
đổi then chốt trong chính sách đối ngoại của Điện
Cẩm Linh.
Thực vậy, dưới sự lãnh đạo của Putin, Liên bang
Nga đã phục hồi và ra khỏi tình trạng hỗn loạn kinh
tế tiếp theo sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết năm
1991. Lập trường cứng rắn của Putin rõ ràng đã được
xây dựng trên cơ sở một nền tài chánh ngày một phong
phú nhờ ở số thu nhập lớn lao từ tài nguyên dầu khí. Sau khi tái quốc
hữu hóa các công ty năng lượng và
khai thác trữ lượng dầu khí khổng lồ, Putin bắt đầu
dùng ảnh hưởng kinh tế để đẩy mạnh quyền lợi quốc tế
của Liên bang Nga trên mặt trận ngoại giao. Kể từ
năm 2003, Liên bang Nga đã vượt qua Hoa kỳ để trở
thành quốc gia sản xuất dầu khí lớn thứ hai trên thế
giới, chỉ sau Saudi Arabia. Công ty Gasprom trong
năm 2006 cũng đã qua mặt British Petroleum để chiếm
địa vị công ty năng lượng lớn số hai trên toàn cầu
theo giá thị trường.
Với giá dầu tăng gấp năm từ năm 1998 -- khi đồng
ruble của Nga suy sụp đến độ Liên bang Nga đã phải
cầu viện các nước ngoài --, ngày nay ngân khố Liên
bang Nga đầy ắp tiền mặt, không những đủ trang trải
mọi ngoại trái mà còn tích lủy được một số ngoại tệ
dự trữ trên 300 tỉ USD.
II.2: Iran :

Tài nguyên dầu khí dồi dào cũng đã
cho phép cấp lãnh đạo môt số quốc gia hành động một
cách quyết đoán khác thường. Iran là một ví dụ. Từ
những năm đầu thế kỷ 21, các cường quốc Tây phương ngày một dè
dặt hơn khi đề nghị đưa Iran ra trước Hội Đồng Bảo
An Liên hiệp Quốc (HĐBALHQ hay UNSC). Ngày
10-01-2006, cơ quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế
(IAEA) đã phật lòng khi Iran tái nghiên cứu làm giàu
uranium sau một thời gian tự nguyện đinh chỉ. Nhưng
phải đợi đến tháng 9-2006, Bộ Ba (Anh-Đức-Pháp)
trong Liên hiệp Âu châu (European Union Troika -
EU3) mới thuyết phục được IAEA lên tiếng tố cáo Iran
vi phạm Thỏa ước Cấm Phổ Biến Nguyên Tử
(Non-Proliferation Treaty - NPT) Iran đã ký trước
đó. Tuy vậy, EU3 vẫn chưa muốn đưa Tehran ra HĐBALHQ. Tháng 11-2006, với sự
hỗ trợ của Hoa kỳ, EU3 mới
đồng thuận yêu cầu IAEA ra quyết nghị khuyến cáo EU3
và Iran tái khởi hội đàm mà
trước đó chưa đến bốn tháng EU3 đã đơn phương đinh
chỉ. Và hội đàm chỉ được tái tục vào cuối tháng
11-2006.
Thực ra, sở dĩ các cường quốc Tây phương phải dịu
giọng với Iran là vì lãnh đạo các xứ nầy thừa hiểu
chế tài của Liên Hiệp Quốc, kể cả biện pháp cấm vận
dầu lửa, là phương cách duy nhất hữu hiệu.
Nhưng
biện pháp nầy chắc chắn sẽ làm giá dầu gia tăng
phương hại cho kinh tế của chính họ.
Một lý do khác là sự luân phiên thay đổi trong số 35
thành viên Ban Thống Đốc IAEA và lập trường của Ấn
Độ về nội vụ. Ba trong số thành viên thường bỏ
phiếu theo EU3 và Hoa Kỳ trong tháng 9-2006 lúc đó
đã được thay thế bởi Belarus, Cuba, và Syria là
những xứ có lập trường chống đối Tây phương. Ngoài
ra, Ấn Độ, trong tháng 9-2006, là một trong số 22
thành viên đã bỏ phiếu chấp thuận nghị quyết EU3,
giờ đây lại thay đổi thái độ ; do đó, số phiếu
thuận nay chỉ còn 18/35 -- một đa số quá mong manh.
Lý do khiến Ấn Độ thay đổi lập trường là Iran vừa
thỏa thuận cung cấp cho xứ nầy một số lượng hơi đốt
trị giá 22 tỉ USD trong 25 năm đầu của thế kỷ 21.
Trong khoảng thời gian nầy, số dầu khí nhập khẩu của
Ấn sẽ gia tăng từ 70% lên đến 85%.
Bên cạnh Ấn Độ, Trung Quốc cũng nhảy vào cuộc chơi
địa chính trị. Năm 2005, các công ty quốc doanh
Trung Quốc đã ký với Iran một hợp đồng 25 năm, trị
giá 20 tỉ USD, để mua hơi đốt và quyền khai thác
một lô dầu rộng lớn trên căn bản chuyển nhượng quyền
sở hữu dần lại cho Iran ( buy-back terms).
Trong mọi trường hợp, với số cầu tăng nhanh, số
cũng hạn chế, và địa vị một xứ xuất khẩu dầu lớn
thứ hai trong khối OPEC, một sự tẩy chay dầu Iran
là một điều khó thể thực hiện. Một lời đe dọa của
Iran ngưng cung cấp dầu khí, nếu bị Hoa Kỳ hoặc Do
Thái tấn công, cũng đủ khiến giá dầu tăng vọt và làm
chùn tay các vị lãnh đạo diều hâu trong chính quyền
của cả hai xứ.
Vì những lý do vừa nói, cho đến nay các biện pháp
chế tài đều tỏ ra không hữu hiệu. Ngạch số xuất
khẩu của Iran vẫn gia tăng ; và với giá dầu tăng vọt,
Iran đã có thể dùng nguồn lợi nầy để trợ giá thực
phẩm và nhiên liệu quốc nội.
II.3 : Venezuela :

Dầu khí cũng giữ một vai trò quan trọng trong cuộc
đối đầu giữa Venezuela và siêu cường khổng lồ phương
Bắc. Trong chuyến công du đến Điện Cẩm Linh tháng
6-2007, Tổng Thống Hugo Chavez đã hoàn tất thương
thảo một thỏa ước trị giá một tỉ USD, mua 5 tàu
ngầm diesel, để bảo vệ thềm lục địa chứa nhiều trữ
lượng dầu khí và vô hiệu hóa sự khả di cấm vận Hoa
Kỳ có thể áp đặt trong tương lai.
Venezuela cũng là
nước mua vũ khí của Nga lớn thứ hai sau Algeria.
Trong bài nói chuyện tại một căn cứ quân sự ở
Caracas, Chavez đã tuyên bố :
"Chúng tôi đang tăng
cường quân lực chỉ để ngăn ngừa sự xâm lăng của đế
quốc và bảo đảm hòa bình, chứ không phải để tấn
công bất cứ ai".
Đã hẳn ngoại tệ cần thiết cho chương trình quân sự
đã đến từ tài nguyên dầu khí.Chính sự gia tăng nhanh
chóng trong giá dầu đã đem lại uy thế cho Chavez
trong đường lối đối đầu với TT George W. Bush trong
khi Hoa Kỳ đang lệ thuộc vào số dầu nhập khẩu từ
Venezuela.
Nguồn lợi dầu khí còn cho phép Chavez củng cố hậu
thuẫn chính trị trong quốc nội. Chavez cũng dùng
dầu như một lợi khí để giành sự ủng hộ ngoại giao từ
các xứ Caribbean và Trung Mỹ trong chính sách đối
ngoại thù nghịch với Hoa Thịnh Đốn. Chavez còn giúp
đỡ tài chánh cho các nước nghèo con nợ ở châu Mỹ La
Tinh, như Argentina.
Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh 34 xứ thuộc Tổ Chức Các
Quốc Gia Châu Mỹ (Organization of The American
States--OAS) ở Mar del Plata, Argentina, tháng
11-2005, TT George W. Bush, mặc dù thông thạo
tiếng Tây Ban Nha, đã gặp nhiều khó khăn khi muốn
đam luận thân thiện với nguyên thủ các xứ thành viên. Trong lúc đó, TT Hugo Chavez của Venezuela luôn là
người sáng giá trong cũng như ngoài hội trường.
Thiện cảm dành cho Hugo một phần lớn nhờ ở Sáng Kiến
Petrocaribe (Petrocaribe Initiative), ký trong
tháng 6-2005, giữa công ty Petroleos de Venezuela
SA và 13 xứ Caribbean và Trung Mỹ. Sáng Kiến nầy đã
cập nhật một chương trình đã có từ tháng 10-2000,
theo đó, 13 xứ thành viên được quyền trả tiền mua
dầu Venezuela trong vòng 15 năm, với một lãi suất
tượng trung 2%/năm, và giá 20 USD/thùng thay vì giá
thị trường 30 USD/thùng cùng lúc. Với sự cập nhật,
giá mới phải trả là 40 USD, thay vì giá thị trường
70 USD vào tháng 10-2005.
Dầu khí cũng đem lại cho Chavez một lợi khí để thắt
chặt quan hệ với Trung Quốc, đề phòng trường hợp
Hoa Kỳ quyết định ngưng nhập khẩu dầu thô từ
Venezuela. Số dầu Venezuela thỏa thuận xuất khẩu
qua Trung Quốc sẽ tăng gấp ba, lên 500.000
thùng/ngày vào năm 2009. Một công ty dầu Trung Quốc
cũng đang hợp tác với công ty quốc doanh Petroleos
de Venezuela SA để thăm dò dầu nặng trong vùng Vịnh
Orinoco.Trong chuyến công du Trung Quốc năm 2006,
Chavez tuyên bố :"Sự ủng hộ của Trung Quốc là rất
quan trọng [đối với chúng tôi] trên hai phương diện
chính trị và đạo đức ".
Venezuela -- sản xuất dầu khí từ thập
kỹ 1920’s và
là một trong 4 quốc gia hàng đầu cung cấp dầu thô
cho Hoa Kỳ -- chỉ là một xứ có lợi tức ở mức trung
bình trên thế giới.
II.4: Sudan :

Sudan, một xứ nghèo nhất thế giới mới gia nhập cuộc
chơi, cũng đã tạo được một thế lực địa chính trị
khả quan, một điều khó thể tưởng tượng vào thập kỷ
trước. Khartoum đã nắm được thế đon bẩy, nhờ ở
Trung Quốc, một trong 5 thành viên với quyền phủ
quyết trong HĐBALHQ. Năm 1995, Công Ty Dầu Khí
Quốc Gia Trung Quốc ( China National Petroleum
Corporation-CNPC) đã giành đựoc hợp đồng khai thác
dầu ở Sudan. Hai năm sau (1997), khi Hoa Thịnh Đốn
xếp Sudan vào danh sách những xứ hỗ trợ khủng bố
quốc tế, các công ty dầu Hoa kỳ buộc phải rút khỏi
Sudan. Trung Quốc đã nhanh chân điền vào khoảng
trống.
Năm 2000, Sudan đã ký một hợp đồng với một tập đoàn
do CNPC cầm đầu trong vùng vịnh Melul -- khu vực có
trữ lượng dầu khí dồi dào. Ngoài việc khai thác các
mỏ dầu, người Trung Quốc còn xây dựng nhà máy lọc
dầu, và lắp đặt đường ống dẫn dầu.
Từ một xứ lệ thuộc vào dầu khí nhập khẩu trước khi
người Trung Quốc đến, Sudan ngày nay xuất khẩu hàng
năm khỏang hai tỉ USD dầu khí, một nửa số nầy đến
Trung Quốc. Và ngày nay Khartoum là nguồn cung cấp
dầu khí Phi châu lớn thứ hai cho Trung Quốc, chỉ
sau Angola. Tháng 9-2004, khi HĐBALHQ thảo luận về
sự tàn sát ở vùng Dafur, Tây Sudan, Hoa Kỳ muốn áp
đặt chế tài kinh tế lên chế độ Sudan. Bắc Kinh cho
biết sẽ dùng quyền phủ quyết. Rút cục, HĐBA cũng
chỉ có thể thông qua một nghị quyết èo ọp, thiếu
hiệu lực.
Tóm lại, sự tranh giành dầu khí giữa các xứ công
nghiệp hóa khổng lồ đã giúp tái định hình địa chính
trị toàn cầu theo chiều hướng thuận lợi cho các xứ
giàu tài nguyên năng lượng.
III. Dầu khí và chính sách đối ngoại
của Hoa Kỳ
Các sự kiện tưởng như rời rạc vừa nói là biểu hiệu
của một xu thế ngày một rõ nét của địa chính trị
toàn cầu trong những thập kỷ sắp tới. Khi các nhà
lãnh đạo chính trị trên thế giới quyết tâm phát
triển kinh tế để nâng cao mực sống, vai trò của
năng lượng dầu hỏa và hơi đốt như một sản phẩm chiến
lược ngày một quan trọng hơn. Ngày nay Hoa kỳ cũng
đã lệ thuộc vào các nguồn cung cấp dầu khí nhập khẩu
đến 60% nhu cầu quốc nội. Vì vậy, ngay từ 1932,
khi các công ty dầu khí Hoa Kỳ đã sở hữu một phần
tài nguyên dầu khí của Saudi Arabia, chính sách của
Hoa Thịnh Đốn luôn nhằm kiểm soát dầu Trung Đông
bằng mọi giá, kể cả nhân quyền và dân chủ.
Thực vậy, ngay từ đệ nhị thế chiến, Hoa kỳ luôn bị
cám dổ bởi dầu khí Trung Đông. Các quan chức Anh
xem "dầu Trung Đông là phần thưởng mang tính sinh tử
cho bất cứ cường quốc nào có tham vọng khống chế
toàn cầu". Các cấp lãnh đạo Mỹ cũng đồng quan điểm
và gọi đó là "nguồn lực chiến lược khổng lồ và là
một trong những tặng vật lớn lao nhất trong lịch sử
thế giới". Trong sự tranh giành phần thưởng sinh tử
sau đó, Hoa Kỳ đã trỗi dậy như một siêu cường tương
lai.
Năm 1945, TT Franklin Delano Roosevelt đã thương
thảo thành công một thỏa ước "đổi dầu lấy sự bảo vệ"
(oil for protection agreement) với quốc vương Abdul
Aziz Ibn Saud của Saudi Arabia. Từ đó Hoa Kỳ luôn
tích cực dấn thân vào mọi chuyển biến ở Trung Đông.
Mật vụ Hoa Kỳ đã trực tiếp nhúng tay vào việc lật đổ
chính quyền dân cử Iran năm 1953 (để lật ngược làn
sóng quốc hữu hóa kỹ nghệ dầu khí) cũng như trong sự
hình thành của đảng Baath (Baathist Party) với chế
độ độc tài ở Iraq vào đầu thập kỷ 1960s (để chận
đứng sự trỗi dậy của phe tả -- là phe dễ liên minh
với Liên Xô, do đó, dễ gắn chặt trữ lượng dầu khí của
Iraq với khối Xô Viết).
III.1 : Sự trỗi Dậy Của Khối OPEC :
Ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Trung Đông bắt đầu suy giảm
vào thập kỷ 1970s với sự ra đời của Tổ Chức các Quốc
Gia Xuất Khẩu Dầu Lửa (Organization of the Petroleum
Exporting Countries --OPEC) có mục đích điều hợp
ngạch số sản xuất và giá dầu xuất khẩu trên toàn thế
giới. Thế lực của OPEC được củng cố khi nhiều xứ
lần lượt thiết lập các công ty dầu riêng của mình,
quốc hữu hóa kỹ nghệ dầu, và giành lại quyền quyết
định khỏi tay các đại công ty Tây phương -- thường
được biết dưới tên gọi "The Seven Sisters", trong đó
phải kể đến Shell, Texaco, và Standard Oil of New
Jersey --, trước đó đã hoàn toàn chi phối việc thăm
dò, khai thác, và phân phối dầu khí.
Với thành viên là các xứ xuất khẩu dầu quan trọng,
OPEC bắt đầu quyết định số lượng dầu sản xuất và bán
ra trên các thị trường quốc tế. Di nhiên, chỉ cần
một thành viên quan trọng xé rào cũng đủ vô hiệu hóa
cơ chế điều tiết ngạch số dầu cung cấp. Ngược lại,
một khi các xứ thành viên nhất trí chấp hành các
quyết định tập thể, OPEC có thể sử dụng cơ chế nầy
để mặc cả với các đối tác hùng mạnh nhất trong hệ
thống mậu dịch quốc tế. Một khối quyền lực mới,
như vậy, đã xuất hiện trên diễn đan quốc tế, và
trong nhiều tình huống, đã có thể giành được nhiều
nhượng bộ đáng kể ngay từ Hoa Kỳ và Liên Bang Xô
Viết, hai siêu cường vào thời đó.
Lúc OPEC mới ra đời, Hoa Kỳ vẫn còn tự túc về dầu
khí. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ lúc đó vẫn lệ thuộc các
đối tác thương mãi, đặc biệt là Âu châu và Nhật bản. Những đối tác nầy lệ thuộc rất nhiều vào dầu khí
Trung Đông. Những cuộc khủng hoảng dầu vào đầu thập
kỷ 1970s, kể cả các hàng xe nối dài chờ đợi tại các
trạm xăng ở Hoa Kỳ, cũng đủ phản ảnh tiềm lực của
khối OPEC.
Trong bối cảnh đó, quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và
hòang gia Saudi trở nên vô cùng quan trọng. Với trữ
lượng dầu lớn nhất thế giới và khả năng sản xuất bậc
nhất trong khối OPEC, Saudi Arabia luôn có ảnh
hưởng quyết định đến chính sách của toàn khối. Để
đổi lại, các thế hệ Tổng Thống Mỹ kế tiếp luôn tìm
cách tăng cường quan hệ đồng minh với Saudi Arabia,
khởi đầu từ thời TT Roosevelt, và phát triển các
quan hệ chính trị, kinh tế giữa hai nước.
Về phần mình, Quốc vương Saudi luôn sẵn sàng dùng
ảnh hưởng sẵn có trong khối OPEC để lèo lái hành
động của khối theo chiều hướng thuận lợi và thích
ứng với những mục tiêu rộng lớn hơn trong chính sách
của Hoa Kỳ. Nói một cách khác, để đổi lấy những
chính sách thuận lợi của OPEC, Hoa kỳ luôn sẵn sàng
trang bị quân sự, và hậu thuẫn cho chế độ Saudi
Arabia -- một chế độ triền miên bấp bênh, bất ổn.
Với hậu thuẫn của một thiểu số thế lực luôn sử dụng
nguồn lợi dầu khí lớn lao để theo đuổi quyền lợi
riêng tu, hoàng gia Saudi đã áp đặt một chế độ toàn
trị khắc nghiệt lên thần dân nghèo khó của mình. Vì
vậy, Hoa Kỳ luôn phải cung cấp quân viện và hậu
thuẫn chính trị ngày một gia tăng cho "đồng minh"
trong những tình huống tế nhị, khó xử cho Hoa Thịnh
Đốn. Ngược lại, trong một kỹ nguyên chủ nghĩa quốc
gia ngày một lớn mạnh, hoàng gia Saudi Arabia phải
gặp nhiều rắc rối khó khăn trong việc theo đuổi
những chính sách rõ rệt thân Mỹ, nhất là trước sức
ép và xu thế của các đối tác trong khối OPEC và quần
chúng Saudi.
III.2 : Phái Tân Bảo Thủ và Giấc Mơ Đơn Cực :
Năm 1979 là năm quan trọng đối với Trung Đông. Đó
là năm dân Iran xuống đường làm cách mạng. Chế độ
Shah bạo tàn -- do Hoa Kỳ dựng lên và hậu thuẫn sau
một cuộc đảo chính cũng do Hoa Kỳ và Anh quốc giật
dây vào năm 1953-- sau hơn 25 năm cầm quyền, cuối
cùng đã bị lật đổ. Một số viên chức ngoại giao Hoa
Kỳ bị sinh viên biểu tình bắt làm con tin. Lãnh tụ
tôn giáo tối cao Ayatollah Khomeini và các giáo si
thuộc cấp lên nắm chính quyền. Cuộc cách mạng Iran
đã đem lại một yếu tố bất ổn mới trong một tình hình
vốn sẵn phức tạp, chẳng khác nào quẹt một que diêm
để bên cạnh những ống dẫn dầu. Một chế độ, hiềm
khích với Hoa Thịnh Đốn và không dễ khuất phục trước
sức ép của Saudi Arabia, từ nay, đã là thành viên
năng động của OPEC, nuôi tham vọng dùng tổ chức nầy
để thách thức bá quyền kinh tế của Hoa Kỳ.
Chính vào thời điểm nầy, quá trình quân sự hóa chính
sách Trung Đông của Hoa Kỳ đã hoàn tất. Năm 1980,
TT Jimmy Carter -- trước thời kỳ "Habitat For
Humanity" (Ngôi Nhà Thiên Nhiên Cho Nhân Loaị)--
công bố một viễn kiến về sau được biết dưới tên gọi
Chủ thuyết Carter (Carter Doctrine) : Dầu vùng Vịnh
Ba Tư là cực kỳ thiết yếu đối với quyền lợi quốc gia
Hoa Kỳ và Hoa Kỳ sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết, kể cả quân lực,
để bảo đảm sự tiếp cận nguồn cung cấp dầu khí Trung
Đông.
Để đạt mục đích, Carter quyết định thành lập Lực
Lượng Đặc Nhiệm Liên Quân (Rapid Deployment Joint
Task Force), một cơ cấu chỉ huy quân sự mới, có thể
điều động lực lượng liên quân với trang bị cực kỳ
tối tân tới bất cứ nơi nào ở Trung Đông với tốc độ
thần tốc. Được củng cố và bành trướng qua nhiều đời
Tổng Thống kế nhiệm, cơ cấu chỉ huy quân sự nầy đã
được khai triển thành Bộ Tư Lệnh Đặc Nhiệm Hoa Kỳ ở
Trung Đông (United States Central Command - Centcom),
có trách nhiệm phối hợp hoạt động quân sự của Hoa Kỳ
ở Trung Đông và các vùng phụ cận.
Chính Centcom đã trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến vùng
Vịnh năm 1990, đẩy lui lực lượng chiếm đóng Kuwait
của Saddam Hussein, nhờ đó chận đứng khả năng kiểm
soát tài nguyên dầu khí xứ nầy. Mặc dù không được
chính thức nhắc đến vào thời điểm đó, Cuộc chiến
Vùng Vịnh I là sự thể hiện rõ nét chủ thuyết Carter
-- "mọi biện pháp cần thiết, kể cả quân sự, phải
được vận dụng để đảm bảo nguồn dầu Trung Đông".
Chính cuộc chiến nầy cũng đã giúp thuyết phục hoàng
gia Saudi, lúc đó đang giao động trước sự hiện diện
của quân đội Iraq ở ngay biên giới, dễ dàng chấp
nhận sự tiếp tục hiện diện của quân lực Hoa Kỳ trên
lãnh thổ của mình --một sự kiện dọn đường cho việc
thực thi chủ thuyết Carter, đồng thời về sau cũng đã
mang lại nhiều hậu quả tai hại bất ngờ.
Cùng lúc, sự tan rã đột ngột nhưng yên bình của
Liên Bang Xô Viết đã báo hiệu Hoa Thịnh Đốn từ nay
nghiễm nhiên giữ địa vị bá chủ toàn cầu cũng như đưa
đến sự tranh luận sôi nổi trong nhóm hoạch định
chính sách Hoa Kỳ về phương cách tận dụng và duy trì
điều mà Charles Krauthammer, bình luận gia báo
Washington Post, người đầu tiên đã gọi là "kỷ
nguyên đơn cực" (Unipolar moment). Về sau, các
thành viên trong chính quyền George W. Bush là những
phần tử đặc biệt hăng say cổ súy tận dụng thế lực
quân sự của siêu cường duy nhất để tăng cường địa vị
bá chủ trên thế giới, đặc biệt ở Trung Đông. Họ
họp thành nhóm vận động chính sách, cho ra đời The
Project for a New American Century (PNAC), để triển
khai và cổ súy quan điểm của mình. Năm 1998, nhóm
nầy (gồm Dick Cheney, Donald Rumsfeld, Paul
Wolfowitz, và nhiều thành viên khác, sau nầy giữ
những chức vụ trọng yếu trong chính quyền George W.
Bush) đã gửi một thu ngỏ đến TT Clinton cổ súy thực
thi chiến lược lật đổ Saddam Hussein. Họ tố cáo lập
trường hiếu chiến và tham vọng kiểm soát một nguồn
cung cấp dầu khí lớn lao trên thế giới của Saddam.
Hai năm sau, nhóm nầy công bố một tuyên ngôn nẩy
lửa, dùng làm kim chỉ nam cho chính quyền mới. Dưới
nhan đề "Tái Xây Dựng Quốc Phòng Hoa Kỳ" (Rebuilding
America’s Defenses), họ cổ súy điều mà sau nầy được
biết dưới tên gọi "Chuyển Hóa Ngũ Giác Đai Kiểu
Rumsfeld" (Rumsfeldian-style Transformation of the
Pentagon). Sức mạnh quân sự áp đảo của Hoa Kỳ phải
được sử dụng để bảo đảm và phát huy ảnh hưởng của
Hoa Kỳ trên toàn cầu và, trong trường hợp Bắc Hàn
và Iraq, để lật đổ các chế độ đương quyền và thực
hiện các chiến dịch bình định hậu chiến. Tuyên ngôn
còn diễn giải phương cách vô hiệu hóa hoặc chế ngự
làn sóng phản chiến quốc nội, ghi nhận trước là
"khó thể có được sự đồng tình của quần chúng trừ phi
có một biến cố mang tính tai họa và xúc tác như một
vụ Trân Châu Cảng mới.
III.3 : Iraq với Saddam và Dầu Khí :
George W. Bush đắc cử Tổng Thống vào lúc ảnh hưởng
của Hoa kỳ ở Trung Đông đang trên đã tuột dốc. Mặc
dù vừa chiến thắng trong Cuộc Chiến Vùng Vịnh I và
Liên Bang Xô Viết vừa tan rã, uy thế của Hoa Kỳ đối
với khối OPEC và chính sách dầu khí đang bị đe dọa.
Số cầu dầu khí trên toàn cầu đột nhiên tăng vọt và
người ta e ngại thế giới sẽ lệ thuộc vào tài nguyên
của khối OPEC ngày một sâu xa hơn. Để đổi lại một
sự gia tăng trong số dầu sản xuất, các xứ thành
viên OPEC bắt đầu đoi hỏi nhiều nhượng bộ và một vai
trò chính trị ngày một quan trọng. Vào chính lúc đó, Hoa Kỳ không những đã tuột xuống hàng ngũ những xứ
phải nhập khẩu dầu, mà còn phải nhập khẩu đến hơn
50% nhu cầu quốc nội.
Trong cùng lúc, đồng minh then chốt Saudi Arabia
ngày một suy yếu bởi sự trỗi dậy của tổ chức
al-Qaeda. Mục tiêu chính của tổ chức nầy là lật đổ
hoàng gia, và quân đội Hoa Kỳ vừa đánh bại Saddam
Hussein trong Cuộc Chiến Vùng Vịnh I và đồn trú tại
các căn cứ thường trực trên lãnh thổ Saudi. Osama
bin Laden và các thành phần Saudi bất đồng chính
kiến tố cáo hoàng gia là tay sai của đế quốc Mỹ.
Bên trong khối OPEC, sự kiện nầy đã khiến hoàng gia
Saudi ngày một lúng túng và gặp nhiều rắc rối trong
vai trò xứ chủ nhà của các căn cứ tiền đồn quân đội
Mỹ, và trong chính sách thân Mỹ của mình.
Tình hình lúc một phức tạp khi ảnh hưởng của Iran và
Iraq ngày một lớn hơn bên trong khối OPEC. Với số
trữ lượng lớn thứ nhì và thứ ba trên thế giới (Iran
còn có trữ lượng hơi đốt thiên nhiên lớn thứ hai
trên hành tinh), ảnh hưởng của hai xứ nầy ngày một
lớn mạnh. Đặc biệt hơn nữa, ảnh hưởng của Iraq sẽ
gia tăng gấp bội một khi Saddam thoát khỏi các biện
pháp chế tài của LHQ sau Cuộc Chiến Vùng Vịnh I
(không được phép khai thác những khu dầu mới cũng
như canh tân hạ tầng cơ sở năng lượng đang xuống
cấp). Mặc dù lãnh đạo của hai xứ còn thù nghịch sau
cuộc chiến trong thập kỷ 1980s, họ cũng đã có thể
đồng ý trong chính sách năng lượng nhằm đối kháng
các tham vọng, đòi hỏi của Hoa Kỳ.
Năm 1998, lập trường của họ còn được tăng cường khi
cử tri Venezuela - thành viên OPEC quan trọng nhất
ngoài Trung Đông - bầu Hugo Chavez, ứng cử viên có
lập trường chống đối Hoa Thịnh Đốn, làm
Tổng Thống.
Nói một cách khác, tháng 1 năm 2001, chính quyền
mới ở Hoa Thịnh Đốn phải thương nghị về dầu khí
không những với một hoàng gia Saudi Arabia suy yếu,
dè dặt, mà còn với nhiều đối tác thù nghịch trong
một OPEC được tăng cường.
Trong tình huống đó, không ai ngạc nhiên khi chính
quyền mới ở Hoa Thịnh Đốn, vốn ôm mộng đon cực và
ước mo một Pax Americana toàn cầu, đã vội vả thực
thi những chính sách hiếu chiến ghi sẵn trong tuyên
ngôn của nhóm PNAC. Theo nguyên Bộ trưởng Ngân khố
Paul O’ Neill trong hồi ký "The Price of
Loyalty"(Cái Giá của sự Trung Thành), Iraq luôn ám
ảnh Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld. Trong
phiên họp đầu tiên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia
(National Security Council--NSC), ngày 30-01-2001,
bảy tháng trước biến động 11/9, Rumsfeld lập luận,
trọng tâm Israel-Palestine trong chính sách Trung
Đông của chính phủ Clinton cần được dẹp bỏ. "Điều
chúng ta thật sự muốn nghi tới là loại bỏ Saddam".
Rumsfeld đưa ra luận cứ : "Thay đổi chế độ Iraq sẽ
cho phép chúng ta cải tiến tình trạng người Kurds
thân Mỹ,chuyển hướng Iraq theo kinh tế thị trường,
và bảo đảm một chính sách dầu khí thuận lợi ".
Việc thẩm định đề nghị của Rumsfeld được giao cho
Nhóm Hoạch Định Chính Sách Năng Lượng Quốc Gia bí
mật (National Energy Policy Development Group
--NEPDG) do Phó TT Dick Cheney triệu tập ngay sau
khi George W. Bush tuyên thệ nhậm chức. Nhóm đặc
nhiệm nhanh chóng quyết định : việc tăng cường ảnh
hưởng của Hoa Kỳ trong hệ thống sản xuất và phân
phối dầu Trung Đông phải là "uu tiên hàng đầu trong
chính sách năng lượng quốc tế của Hoa Kỳ " (primary
focus of US international energy policy), trên cả
những dự án triển khai những nguồn năng lượng thay
thế và các biện pháp tiết kiệm năng lượng quốc nội
được xếp xuống uu tiên hai hoặc ba. Mục tiêu chính
là nhằm thuyết phục hoặc cưởng ép các xứ Trung Đông
mở rộng cửa các khu vực năng lượng đón nhận đầu tu
ngoại quốc, nói một cách khác, nhằm thay thế vai trò
kiểm soát các khâu khai thác và phân phối dầu khí
Trung Đông trong tay nhà nước -- nền móng co bản của
thế lực OPEC -- bằng quyền quyết định của các đại
công ty đa quốc gia Tây phương luôn đi theo đường
lối, chính sách của Hoa Kỳ. Chương trình nầy, dù
chỉ chi phối một thiểu số các khu dầu lớn ở Trung
Đông, cũng đủ giúp ngăn trở guồng máy quyết định
tập thể và giảm thiểu, nếu không bẻ gãy, quyền lực
của khối OPEC.
Trên bình diện lý thuyết, đây là
phương cách rất hấp dẫn để chận đứng đã suy giảm uy
lực của Hoa Kỳ trong vùng và biến những năm tháng
cầm quyền của TT Bush thành một thời đại đơn cực mới
ở Trung Đông.
Mục tiêu đã được quyết định, Nhóm Đặc Nhiệm liền
bắt tay vào việc soạn thảo một chiến lược chi tiết
hơn. Theo Jane Mayer của báo The New Yorker, điều
canh tân mang nhiều ý nghĩa nhất ở đây là sự cộng
tác mật thiết giữa Nhóm Đặc Nhiệm (Task Force) của
Cheney và HĐANQG (NSC). Một chỉ dấu rõ rệt của sự
cộng tác chặt chẽ vừa nói là HĐANQG đã quyết định
hòa nhập và thống nhất hai địa hạt chính sách riêng
rẽ làm một : việc thẩm duyệt chính sách hành động
đối với "các quốc gia ngoài vòng pháp luật" như Iraq
và các hành động nhằm chiếm hữu những khu dầu khí
hiện hữu cũng như mới.
Mặc dù các cuộc thảo luận vừa nói đều tối mật, các
thông tin lọt ra bên ngoài trong mấy năm gần đây
cũng đủ chứng tỏ diễn tiến hòa nhập đã rất thành
công. Tính đến tháng 3-2001, theo O’Neill,một
thành viên trong cả hai Nhóm Đặc Nhiệm và HĐANQG :
"Các kế hoạch thực hiện đã được thảo luận nhằm chiếm
đóng Iraq -- với đầy đủ phương cách xử lý các khu
dầu, lực lượng giữ hòa bình, và các tòa án xử tội
phạm chiến tranh -- mặc nhiên tiến hành chủ thuyết
chiến tranh phòng ngừa".
Cũng theo O’Neill, khi biến cố 11/9 xẩy ra, kế
hoạch tiến chiếm Iraq cũng đã được triển khai, và
Rumsfeld, trong thực tế, đang thúc đẩy đem ra thực
hiện, ngay trong phiên họp đầu tiên của HĐÃNQG,
được triệu tập để thảo luận phương cách phản ứng.
Sau vài ngày thảo luận, kế hoạch được hoản lại cho
đến khi quét sạch al-Qaeda và lật đổ chính quyền
Taliban ở Afghanistan. Vào tháng 1-2002, sau ba
tháng khá thành công ở Afghanistan, chính quyền
Bush mới trở lại chú tâm kế hoạch Iraq. Tuy vậy,
phải đợi đến tháng 11-2002, O’Neill mới được nghe TT
Bush chính thức duyệt y kế hoạch xâm lăng Iraq, và
cuộc tiến chiếm đã thực sự diễn ra vào ngày
20-3-2003.
III.4 : Cuộc Chiến Thay Đổi Chế Độ Iraq :
Trong bối cảnh đó, thật chẳng có gì đáng ngạc nhiên
khi một câu ngắn gọn, trong tập hồi ký dày 500
trang nhan đề The Age of Turbulence (kỹ Nguyên Biến
Động) của nguyên chủ tịch Cục Dự trữ Liên Bang,
Alan Greenspan, đã gây sóng gió ở Hoa Thịnh Đốn vào
cuối tháng 9-2007. Greenspan viết : "Tôi lấy làm
buồn là trên phương diện chính trị thật không tiện
chút nào khi xác nhận một điều mọi người đều biết :
cuộc chiến Iraq chủ yếu là vì dầu hỏa". Là viên
chức cao cấp đầu tiên nói ra điều đó, Greenspan dồn
dập được yêu cầu diễn giải rõ thêm, nhất là sau khi
nhiều quan chức khác trong chính quyền lên tiếng phủ
bác.Tony Fratto, người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc,
còn châm biếm gọi đây là "lối phân tích trong các
tiệc rượu Georgetown" (Georgetown cocktail party
analysis), hàm ý mỉa mai --"một câu chuyện đầu môi
chót lưỡi trong những lúc trà dư tửu hậu".
Những diễn giải tiếp theo trong tập hồi ký làm sáng
tỏ vấn đề hơn :"Chừng nào Hoa Kỳ còn lệ thuộc vào
những nguồn cung cấp dầu khí thiếu tin cẩn, chúng
ta dễ lâm vào những cuộc khủng hoảng kinh tế không
hoàn toàn do chúng ta kiểm soát". Vì Saddam Hussein, một đồng minh cũ, gần đây thỉnh thoảng tỏ ra
thiếu thân thiện, Greenspan nghi (như đã thổ lộ với
Bob Woodward của báo Washington Post) cần loại bỏ
Saddam để bảo đảm hệ thống các thị trường dầu khí
hiện hữu tiếp tục hoạt động bình thường. Trong một
cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Democracy Now,
Greenspan giải thích thêm, việc ông ủng hộ kế hoạch
loại bỏ Saddam Hussein "không dính dáng gì đến vũ
khí tiêu diệt hàng loạt" mà chỉ vì sự
"đe dọa kinh tế
ông ta có thể gây ra cho phần còn lại của thế giới"
khi ông ta kiểm soát những trữ lượng dầu then chốt ở
Vịnh Ba Tư.
Luận cứ của Greenspan phản ảnh lô-gic của nhóm PNAC
và những viên chức chủ trương phải dùng các biện
pháp quân sự để đối phó với hiểm họa OPEC.
Greenspan lo ngại, Saddam Hussein -- một đồng minh
trong quá khứ, giờ đã là một kẻ thù đe dọa quyền lợi
Hoa Kỳ ở Trung Đông -- có thể kiểm soát các nguồn
cung cấp dầu khí then chốt. Điều nầy lại có thể cho
phép ông ta dùng tác dụng đòn bẫy kinh tế, chính
trị, để chống lại Hoa Kỳ và đồng minh.
Greenspan còn đi xa hơn, và lập luận, hiểm họa
Saddam có thể giải quyết bằng cách nầy hay cách khác
-- hoặc lật đổ ông ta hoặc loại ông ta khỏi địa vị
kiểm soát. Thay thế Saddam bằng một chính quyền thân
Mỹ rõ ràng là hạ sách. Xét cho cùng, tại sao lại
phải đặt một người như Saddam vào địa vị kiểm soát
nguồn dầu khí Iraq ? như Nhóm Đặc Nhiệm Năng Lượng
Cheney chủ trương, mở rộng cửa kỹ nghệ dầu khí
Trung Đông để đón nhận đầu tu ngoại quốc là thượng
sách. Cùng một ý nghi, Greenspan tin, tách rời
khu vực dầu khí khỏi sự kiểm soát, không chỉ của
Saddam mà cả của bất cứ chính quyền nào khác ở Iraq, là vinh viễn tránh được
hiểm họa một Iraq hoặc một OPEC rạn vở có thể tiếp
tục nắm giữ thế đon bẩy kinh tế chống lại Hoa Kỳ.
Nói rõ hơn, Greenspan quan niệm kế hoạch xâm lăng
Iraq như một hành động mang tính bảo thủ --một sự
trở lại thời tiền-OPEC khi Hoa Kỳ hoàn toàn tự do
tiếp cận nguồn cung cấp dầu khí Trung Đông mà không
vấp phải bất cứ trở ngại nào. Với những nền kinh tế
đối dầu đang lên từ châu Á, độc quyền tiếp cận dầu
khí của Hoa Kỳ hàm ngụ một sự tiếm đoạt tiềm lực
kinh tế, chính trị, mà tình trạng khan hiếm năng
lượng đang đem lại cho các xứ giàu năng lượng Trung
Đông. Nói một cách khác, những ý tưởng bảo thủ của
Greenspan đã ám chỉ những đổi thay mang tính cách
mạng trong phương trình kinh tế, chính trị mà chính
quyền Bush đem ra thực nghiệm một cách đầy tai họa ở
Iraq từ tháng 3-2003.
Tưởng cần nhắc lại ở đây, Iraq cũng chỉ là trạm đầu
dễ xâm lăng và chiếm đóng. Tầm ngắm của nhóm PNAC,
từ đầu, đã hướng tới Iran như đã ẩn dụ trong câu
nói đưa tân bảo thủ thời tiền-Iraq : "Ai cũng muốn
đến Baghdad. Bậc tu mi nam tử chỉ muốn tới Tehran".
Phóng tầm nhìn khỏi những đổi thay căn bản ở Trung
Đông, người ta còn thấy thấp thoáng một viễn tượng
còn táo bạo hơn cho phần còn lại của thế giới.
Trong
thế kỷ 21, số cầu năng lượng gia tăng không sớm thì
muộn sẽ vượt quá số cung. Độc quyền tiếp cận nguồn
năng lượng Trung Đông của Hoa Kỳ, nếu thành tựu và
có thể duy trì, sẽ gây khan hiếm, thiếu hụt cho
nhiều xứ khác, hoặc đòi hỏi các xứ nầy phải thỏa
mãn nhiều yêu sách của Hoa Kỳ để được tiếp cận nguồn
cung cấp. Nói một cách khác, nỗ lực bảo thủ của
Greenspan, để bảo toàn quyền tiếp cận, đã hàm ngụ
một sự gia tăng lực đon bẩy khủng khiếp của Hoa Kỳ
trong quan hệ với các xứ, vì nhu cầu an sinh kinh
tế, phải lệ thuộc vào năng lượng. Điều nầy có
nghĩa một biến dạng ghê gớm trong cán cân lực lượng
toàn cầu.
Điều cần nói rõ là các tham vọng và cách hành xử để
thể hiện những tham vọng vừa nói, đặt cơ sở trên
viễn kiến một Hoa kỳ với tham vọng đế quốc, có
trách nhiệm, có thể, và luôn sẵn sàng giữ vai trò
nòng cốt, áp đảo, quyết đoán mọi việc trong sinh
hoạt thế giới. Di nhiên, tất cả các nước khác phải
tiếp tục gánh chịu mọi bất trắc khủng hoảng kinh tế
mà giờ đây họ không còn mấy khả năng kiểm soát. Chỉ
riêng Hoa Kỳ là có đủ quyền đe dọa, hoặc dùng sức
mạnh quân sự áp đảo của mình, để giải quyết vấn đề
năng lượng ; để khống chế bất cứ xứ nào tìm cách gây
--hoặc lợi dụng, khai thác -- khủng hoảng năng
lượng, hay có tiềm năng và ý đồ làm như thế.
Tất cả những điều trên đều không thoát khỏi tầm nhìn
của các quan chức ôm mộng đon cực -- những quan chức
ra quyết định tiến chiếm Iraq. Hơn bất cứ cấp lãnh
đạo chính quyền nào đi trước, họ sẵn sàng thực
nghiệm, theo "kiểu sốc và
kinh hoàng" (shock and awe
style), một hình thức mới mẻ và táo bạo của chủ
thuyết Carter trên khắp hành tinh. Theo O'Neill,
trong phiên họp đầu của HĐANQG, Rumsfeld đã đưa ra
viễn kiến theo đuổi những mục tiêu hoang đường trên
đây. Ông ta nói :"Thử tưởng tượng vùng [Trung Đông]
không có bóng dáng Saddam và với một chế độ đi theo
quyền lợi của Hoa Kỳ sẽ như thế nào. Điều đó sẽ làm
thay đổi mọi thứ trong vùng và mọi nơi khác".
Một viễn kiến còn táo bạo, hoang đường hơn đã được
David Frum - người chuyên viết diễn văn cho TT Bush
-- phát biểu với báo New York Times mấy ngày sau đó
: "Một sự lật đổ Saddam Hussein do Hoa Kỳ lãnh đạo,
và thay thế chế độ độc tài quá khích đảng Baath với
một chính quyền mới khắng khít hơn với Hoa Kỳ, sẽ
đặt Hoa Kỳ vào địa vị toàn quyền chi phối vùng Vịnh
chặt chẽ hơn bất cứ cường quốc nào kể từ thời đế
quốc Ottomans, hay ngay cả đế quốc La Mã trước đây
".
Trong khi số cầu năng lượng toàn cầu tăng vọt, Hoa
Kỳ chỉ còn ba chính sách để lựa chọn :
(1) Cố gắng
phối hợp những nguồn năng lượng thay thế với sự quản
lý hữu hiệu để giảm thiểu hoặc loại bỏ một phần lớn
số năng lượng nhập khẩu ;
(2) Chấp nhận lực đon bẩy
khối OPEC đang thụ hưởng do số cũng không theo kịp
số cầu, và cố gắng thương thảo để thủ đắc một phần
vừa phải trong tổng số cung ngày một bất cập ;
(3)
Hoặc sử dụng sức mạnh quân sự để cưởng chế các nguồn
cung cấp dầu khí Trung Đông phải thỏa mãn nhu cầu
của chính mình, phương hại cho phần còn lại của thế
giới.
Khởi đầu với Jimmy Carter, năm vị Tổng Thống kế tiếp
đã chọn chiến lược cưỡng chế, với George W. Bush là
người cuối cùng đã quyết định phương cách thay đổi
chế độ mang tính phòng ngừa và bạo động để mong
thành đạt mục tiêu theo đuổi.
Cho đến nay, hai sự lựa chọn còn lại chưa có cơ hội
thực nghiệm.
IV : Thay lời kết luận
Những phân tích trên đây cũng đủ cho thấy vai trò
chiến lược của dầu khí trong các quan hệ quốc tế.
Condoleezza Rice chỉ khám phá ra sự thật nầy sau khi
đảm nhiệm chức vụ ngoại trưởng vào tháng giêng năm
2005. Trong dịp điều trần trước Ủy ban Ngoại giao
Thượng viện tháng 4-2006, bà đã thổ lộ : "Trong
cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, không có gì làm tôi
ngạc nhiên hơn là phương cách chính trị năng lượng
biến thành một phương thế ngoại giao -tôi muốn dùng
từ: "méo mó" - trên khắp thế giới".
Lời tuyên bố từ cửa miệng một nguyên
giám đốc công ty Chevron không những đáng kinh ngạc
mà đồng thời đã phƠi bày sự thiếu hiểu biết về tầm
quan trọng của dầu khí trong lịch sử ngoại giao của
Hoa Kỳ.
Tháng 8-1945, khi tóm tắt tình hình
sau đệ nhị thế chiến, một quan chức hàng đầu của Bộ
Ngoại Giao đã viết : "Một sự rà soát lại chính sách
ngoại giao trong 35 năm qua cho thấy dầu hỏa đã giữ
một vai trò quan trọng trong lịch sử quan hệ đối
ngoại của Hoa Kỳ hơn bất cứ một sản phẩm nào khác".
Lời trích dẫn nầy có thể bắt gặp trong nhiều sách
giáo khoa môn lịch sử Hoa Kỳ.
Trong thực tế, Hoa Kỳ đã nổi tiếng như quốc gia đầu
tiên luôn làm "méo mó", đường lối ngoại giao, qua
cách sử dụng dầu khí để theo đuổi các mục tiêu kinh
tế, chính trị trên thế giới.
Trong suốt sáu thập kỷ đầu của thế kỷ 20, khi Hoa
Kỳ còn là quốc gia sản xuất dầu khí hàng đầu, chính
quyền Mỹ luôn sử dụng lá bài dầu lửa để đẩy mạnh
quyền lợi quốc gia ở hải ngoại.
Đó là điều Hoa Kỳ đã làm khi gia nhập hàng ngũ phe
đồng minh tháng 4-1917, vào lúc số dầu lửa sản xuất
ở Hoa Kỳ chiếm đến 2/3 tổng số sản xuất trên thế
giới. Ngoài đóng góp quân sự, Hoa Kỳ còn cung cấp
4/5 số cầu dầu lửa của phe đồng minh, và nhờ đó, đã
giúp đem lại chiến thắng cho phe nầy.
Để đổi lại, sau chiến tranh, Hoa Kỳ đã buộc các
đồng minh Anh, Pháp phải mở cửa châu Âu và các xứ
thuộc địa Trung Đông (vùng có nhiều triển vọng dầu
khí, nhất là Iran, ngay từ năm 1908, đã tìm được
nhiều trữ lượng dầu khí) đón nhận các công ty Hoa
Kỳ.
Trong đệ nhị thế chiến, sau khi nhập cuộc, Hoa Kỳ
cũng đã triệt để khai thác tiềm năng dầu lửa của
mình để hỗ trợ phe đồng minh. Vì vậy, trữ lượng khả
dụng (proven reserves) của Hoa Kỳ đã cạn kiệt một
cách nhanh chóng đáng ngại. Các nhà làm chính sách
lúc đó đã phải hướng về Saudi Arabia -- xứ đã tìm
được nhiều trữ lượng dầu khí ngay từ năm 1938 -- mở
đầu cho quan hệ Hoa Thịnh Đốn-Riyadh ngày một khắng
khít, tiếp diễn cho đến ngày nay.
Năm 1956, khi liên quân Anh-Pháp-Do Thái tiến chiếm
Ai Cập, chính quyền Ai cập đã đóng cửa kênh đào Suez
và làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu lửa từ vùng Vịnh
Ba Tư đến Tây Âu. Các xứ Tây Âu cầu cứu TT Dwight
Eisenhower vì biết rõ các công ty dầu khí Hoa Kỳ có
khả năng sản xuất thặng dư lối 4 triệu thùng mỗi
ngày. nhưng Eisenhower từ chối. Lý do là Hoa Thịnh
Đốn không hài lòng với hiệp ước đình chiến thiếu
thỏa đáng do Liên Hiệp Quốc giàn xếp. Eisenhower
buộc liên quân chiếm đóng phải rút khỏi Ai Cập. Vừa
thiếu dầu trầm trọng, vừa phải đối diện với một mùa
đông buốt gíá đang đến gần, Luân Đôn và Paris đành
phải nhượng bộ và nhanh chóng rút quân.
Tuy nhiên, một khi sản xuất dầu lửa đã lên đỉnh điểm
vào năm 1970 và từ đó ngày một sụt giảm, Hoa Thịnh
Đốn đã phải lệ thuộc vào dầu nhập khẩu lúc một nhiều
hơn - hiện khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ quốc nội. Từ
nay, Hoa kỳ không còn khả năng sử dụng dầu khí như
một vũ khí ngoại giao như trước.
Trong bối cảnh đó, Hoa Thịnh Đốn cũng không nên vội
vã lên án các cường quốc đang lên khi các xứ nầy chỉ
ứng xử theo gương của Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ qua. Trong mọi trường hợp,
Hoa Kỳ cũng không đủ sức để đơn phương trừng phạt
các xứ đang hùa theo bầy "ác quỷ" để mưu cầu tiếp
cận những nguồn cung cấp dầu khí vì lý do an sinh
kinh tế.
Xét cho cùng, chính sự cạnh tranh kinh tế đã chi
phối các luồng cung cầu năng lượng. Và Hoa Kỳ --
một quốc gia luôn thuyết giảng thánh kinh các giá
trị tu bản --cũng khó thể chống đối nguyên tắc tự do
cạnh tranh trên thị trường, dù đó là thị trường
năng lượng mang tính chiến lược.
Đã hẳn, Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất lệ
thuộc vào những xứ cung cấp dầu đầy bất ổn. Âu châu, Nhật bản còn lệ thuộc vào dầu khí vùng Vịnh nhiều
hơn. Trung Quốc, Ấn Độ -- những cường quốc kinh tế
đang lên -- cũng cần năng lượng từ Trung Đông. Vì
vậy, cạnh tranh quốc tế để giành quyền tiếp cận
những nguồn dầu không mấy tin cẩn sẽ ngày một gay
gắt hơn. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi tổng số
cung toàn thế giới vượt mức đỉnh điểm và bắt đầu
tiệm giảm trong một tương lai chắc không quá xa.
Ở đây, tưởng cần nhấn mạnh, một lần nữa, tính hữu
hạn của số cung dầu khí. Các nhà lãnh đạo các xứ
giàu tài nguyên năng lượng, hiện đang thụ hưởng
phồn thịnh và thế lực nhờ ở số thu nhập từ tài
nguyên dầu khí, cũng nên ghi nhớ bài học lịch sử
của Hoa Kỳ và thấy trước tương lai để tiên liệu cách
ứng xử thích nghi khi số cung "vàng đen" tất yếu suy
giảm, rất có thể trước khi nhân loại đón chào thế kỷ 22.
© GS Nguyễn
Trường
Irvine, CA,
USA
ngày 04-01-2008.
----------------------------------------------
Chú Thích:
Bài viết, nhất là phần sử liệu và phân tích, đã dựa
trên tác phẩm "Blood and Oil : The Dangers and
Consequences of America’s Growing Dependency on
Imported Petroleum" của Michael T. Klare, do
Metropolitan Books xuất bản năm 2004,và First Owl
Books, 2005. Độc giả,muốn hiểu rõ đề tài hơn, có thể
tìm đọc tài liệu không thể thiếu nầy.
Michael T. Klare, đương kim giáo sư
xã hội học đồng thời Giám Đốc sáng lập Trường Cao
Đẳng Toàn Cầu Học thuộc Viện Đại Học Stony Brook
University.
Sách Tham Khảo :
(1) Blood and Oil : The Dangers and Consequences of
America's Growing Dependency on Imported Petroleum,
Michael T. Klare, Metropolitan Books, 2004.
(2) Resource Wars : The New Landscape of Global
Conflict, Michael T. Klare, Holt Paperbacks, 2002.
(3) Blood of the Earth : the Battle for the World’s
Vanishing Oil Resources, Philip Hiro, Nation Books, New York, 2007.
(4) Secrets and Lies : Operation "Iraqi Freedom" and
After, Philip Hiro, Nation Books, New York, 2007.
|