Những bài cùng tác giả
Với mạng
lưới các căn cứ quân sự tốn kém mang tính đế quốc, Hoa Kỳ ngày một tiến gần
đến bờ phá sản.Ngày
27-5-2009, Bộ Ngoại Giao đã khởi sự xây một tòa đại sứ mới ở Islamabad,
Pakistan, với kinh phí dự trù 736 triệu USD. Đây là cơ sở ngoại giao lớn thứ
hai, nếu không cần thêm chi phí phụ trội, chỉ kém tòa đại sứ ở Baghdad,
Iraq. Bộ Ngoại
Giao còn dự tính mua lại khách sạn năm sao Pearl Continental ở Peshawa, gần
biên giới Afghanistan, dùng làm trụ sở Lãnh Sự Quán và chỗ ở cho nhân viên.
Không may, ngày 9-6-2009, quân cảm tử phe Tabiban đã dùng xe vận tải quân sự
chứa đầy chất nổ tấn công, gây 18 tử thương và ít ra 55 bị thương, cũng như
trọn một cánh của khách sạn sụp đổ. Từ đó, không có tin tức gì về khả năng
xúc tiến việc tậu mãi.
 Trong mọi
trường hợp, các chi phí nầy đã không được phản ảnh trong ngân sách quân sự
vốn đã quá lớn, mặc dù toàn bộ kiến trúc không hề được thiết kế để làm cơ sở
ngoại giao - nơi dân bản xứ đến xin chiếu khán và là trụ sở của các viên
chức Hoa Kỳ đại diện cho các giới doanh thương và ngoại giao. Trong thực
tế, những cơ sở mệnh danh là sứ quán hoặc lãnh sự quán nầy sẽ là nơi cư trú
với thành quách an toàn, tương tự các thành trì đồn trại thời Trung Cổ, nơi
các gián điệp, quân đội, nhân viên tình báo, và ngoại giao theo dỏi quần
chúng thù nghịch trong những khu vực chiến sự. Người ta có thể tiên đoán một
cách chắc chắn đây cũng sẽ là nơi đồn trú của một số thủy quân lục chiến và
cả những bải đáp trực thăng để lâm thời di tản nhanh chóng. Đã hẳn các
viên chức ngoại giao, phục vụ trong các vùng thiếu an ninh, cảm thấy an toàn
hơn khi làm việc trong những thành trì kiên cố, nhưng đồng thời, cũng như
dân bản xứ, đều hiểu rõ họ là một bộ phận trong mạng lưới đế quốc của Hoa
Kỳ. Không ai ngạc nhiên khi các lực lượng chống Mỹ xem các cơ sở ngoại giao
không khác các đồn bót , dù được bảo vệ nghiêm ngặt, như những mục tiêu dễ
tấn công hơn là các cứ điểm quân sự rộng lớn. HOA KỲ: MỘT
ĐẾ QUỐC QUÂN SỰ TỐN KÉM
Câu hỏi cần
được đặt ra là người Mỹ có thể làm được gì với trên dưới 800 căn cứ quân sự
rải rác trong nhiều xứ khắp địa cầu? Trong khi Quốc Hội và chính quyền Obama
đang tranh cãi về các chi phí cứu trợ các ngân hàng, chương trình bảo hiểm y
tế, giải quyết ô nhiểm, và các chi tiêu quốc nội cần thiết khác, không một
ai gợi ý đóng cửa một số căn cứ mang tính đế quốc chẳng ai ưa thích và tốn
kém, để tiết kiệm ngân sách đang thâm thủng nặng nề. Đã thế, các
căn cứ nầy ngày một trở nên tốn kém hơn. Chẳng hạn, ngày 23-6 vừa qua, tin
tức báo chí cho biết Kyrgyzstan, Cộng Hòa Trung Á Xô Viết trước đây, trong
tháng hai năm 2009, loan báo sẽ không cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp tục sử
dụng căn cứ không quân Manas Air Base (được mướn làm căn cứ yểm trợ cuộc
chiến Afghanistan từ 2001), nhưng rồi đã được thuyết phục tái tục thỏa ước
với giá thuê hàng năm tăng gấp ba, từ 17,4 triệu lên 60 triệu, chưa kể hàng
triệu tiền tu bổ các tiện nghi phi trường và vặt vảnh khác. Lý do là vì
chính quyền Obama, do cam kết mở rộng chiến tranh trong vùng, đang cần căn
cứ không quân nầy để tiếp liệu cho cuộc chiến Afghanistan. Đã hẳn việc
nầy đã được chính quyền các xứ bị chiếm đóng, thường không mấy ưa thích Hoa
Kỳ, lưu ý. Chẳng hạn, người Ecuador đã yêu cầu người Mỹ rời khỏi căn cứ
Manta Air Base vào tháng 11-2009. Thật vậy, Ecuador cũng có niềm kiêu hảnh
của họ, đó là chưa nói họ không thích nhìn người Mỹ gây nhiễu loạn ở
Honduras, Colombia và Peru. Tuy nhiên, cũng rất có thể, họ muốn lợi dụng cơ
hội để kiếm thêm nhiều tiền. Cũng vậy,
người Nhật, trong hơn 57 năm qua, đã phải gánh chịu tài trợ các căn cứ quân
sự của Mỹ ngay trên lãnh thổ của mình. Gần đây, họ đã thỏa hiệp với Mỹ di
chuyển một số thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ở Okinawa qua Guam, lãnh thổ thuộc
Mỹ. Trong quá trình thực hiện, người Nhật phải trả không những chi phí vận
chuyển, mà cả chi phí xây cất những cơ sở mới ở Guam cần thiết cho số quân
mới đến. Liệu người
Nhật có thể, theo gương Kyrgyzstan, đòi hỏi người Mỹ phải tự trang trải động
thái nầy? Hay ít ra liệu họ có thể ngưng tài trợ quân nhân Mỹ, thường hãm
hiếp phụ nữ Nhật (trung bình hai nạn nhân mỗi tháng), hay gây đau khổ cho
dân Nhật sinh sống chung quanh 38 căn cứ Mỹ ở Okinawa. Đây chắc chắn là điều
người Okinawa luôn hy vọng và cầu mong ngay từ khi người Mỹ đến chiếm đóng
vào năm 1945. Mặc dù nghị
trình đối nội của T T Obama đầy tham vọng, một vấn đề, chưa được công khai
ghi nhận, hiện mang khả năng triệt tiêu mọi nổ lực cải cách của ông: các
quan hệ mang tính đế quốc với các nước ngoài - một đế quốc quá tốn kém với
các căn cứ quân sự đi kèm. Tuy vậy, người Mỹ vẫn chưa chịu hiểu, sử dụng bừa
bải bộ máy quân sự, ngày một bành trướng quá mức, vào các sứ mệnh không
thích hợp, không sớm thì muộn, sẽ đem lại ba loại hậu quả tai hại: tham vọng
ngoài tầm với, chiến tranh triền miên, và vở nợ - khó tránh một sụp đổ
tương tự như Liên Bang Sô Viết trước đây. Theo kiểm
kê chính thức của Ngũ Giác Đài năm 2008 về các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ
trên thế giới, mạng lưới đế quốc Hoa Kỳ bao gồm 865 cơ sở quân sự trong hơn
40 quốc gia và lãnh thổ hải ngoại. Người Mỹ đã bố trí trên 190.000 quân
trong 46 quốc gia và lãnh thổ. Tính đến
cuối tháng 3-2008, Hoa Kỳ vẫn còn duy trì 99.295 nhân viên quân sự làm việc
và sinh sống ở Nhật: 49.364 quân nhân, 45.753 thân nhân, và 4.178 nhân viên
dân sự. Khoảng 13.975 trong số nầy tập trung trên đảo Okinawa nhỏ bé, nơi
tập trung quân nước ngoài lớn nhất ở Nhật. Tháng 3 vừa
qua, Bob Herbert, báo New York Times, ghi nhận, tệ nạn hãm hiếp và các hình
thức tấn công tình dục khác là một sỉ nhục lớn cho quân đội Mỹ. Và cũng
chẳng có bằng chứng là vấn đề ghê tởm nầy, dù được che đậy, đang giảm bớt.
Herbert còn nói:
"Những dữ kiện mới do Ngũ Giác
Đài công bố đã cho thấy tỉ số gia tăng gần 9% trong số tấn công tình dục
-2.923, và 25% do các nữ quân nhân phục vụ ở Iraq và Afghanistan báo cáo
[trong năm qua]. Thử tưởng tượng sự kiện thật kỳ lạ là khi các nữ quân nhân
Mỹ vừa phải trải nghiệm căng thẳng nơi tiền tuyến vừa phải âu lo tự vệ chống
lại các nguy cơ hãm hiếp và xâm phạm tình dục đến từ các đồng đội chiến đấu
ngay bên cạnh".
Vấn đề càng
trầm trọng hơn khi quân Mỹ đồn trú trong các căn cứ hải ngoại bên cạnh các
thường dân bản xứ, như những người chiếm đóng nước ngoài luôn dòm ngó họ.
Chẳng hạn, bạo động tình dục của lính Mỹ đối với phụ nữ vượt khỏi vòng kiểm
soát ở Okinawa, một tỉnh nghèo nhất của Nhật, ngay từ ngày quân đội, thủy
quân lục chiến, không quân, đến chiếm đóng thường trực cách đây 64 năm.Okinawa là
nơi đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, nhất
là sau vụ hai thủy quân lục chiến và một thủy thủ bắt cóc, hãm hiếp, và sát
hại một nữ sinh 12 tuổi. Vần đề hãm
hiếp thường xẩy ra khắp nơi chung quanh các căn cứ quân sự Mỹ trên các châu
lục và có lẽ đã góp phần làm gia tăng sự thù ghét người Mỹ ở hải ngoại, bên
cạnh chính sách của chính quyền Bush hay sự bóc lột kinh tế và khai thác
nguyên liệu trong các xứ nghèo khó. Quân lực
Hoa Kỳ cũng chẳng làm gì để bảo vệ chính các nữ quân nhân của họ hay quyền
lợi dân bản xứ vô tội không may sinh sống kế cạnh các quân nhân Mỹ thường
thiếu kỷ luật và đạo đức, và phân biệt chủng tộc. Theo Herbert, thành tích
truy tố các phạm nhân hãm hiếp không những tồi tệ mà còn tàn nhẫn. Trong
những lãnh thổ do quân lực Hoa Kỳ chiếm đóng, bộ tư lệnh cấp cao và Bộ Ngoại
Giao luôn tìm cách đạt cho kỳ được loại Thỏa Ước Quy Chế Quân Nhân -
SOFAs - theo đó chính quyền bản xứ phải từ bỏ thẩm quyền tài phán đối
với quân nhân Mỹ phạm tội. SOFAs cũng tạo mọi dễ dàng cho quân đội di chuyển
các quân nhân phạm tội ra khỏi nước chủ nhà trước khi có thể bị chính quyền
bản xứ bắt giữ. Đề tài nầy
đã được phản ảnh rõ ràng trong vụ một giáo viên người Úc, thường trú nhân kỳ
cựu ở Nhật. Tháng 4-2002, cô bị hiếp bởi một thủy thủ phục vụ trên hàng
không mẫu hạm USS Kitty Hawk, tại căn cứ hải quân Yokosuka. Cô đã nhận diện
và tố cáo phạm nhân với nhà chức trách Nhật Bản và Hoa Kỳ. Thay vì câu lưu
và truy tố phạm nhân, nữ nạn nhân lại bị gây phiền nhiểu và làm nhục bởi
cảnh sát. Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ cho nghi phạm giải ngũ và giúp phạm
nhân trốn tránh luật pháp Nhật bằng cách thuyên chuyển đương sự về Mỹ sinh
sống cho đến ngày nay. Trong quá
trình đi tìm công lý, nữ giáo viên người Úc đã khám phá: gần năm mươi năm
trước đây, vào tháng 10-1953, hai chính phủ Nhật và Mỹ đã ký một phụ ước bí
mật - một phần của SOFA - theo đó Nhật thỏa thuận từ bỏ quyền tài phán của
mình khi tội phạm "không mang tầm quan trọng quốc gia đối với Nhật".
Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến phần phụ ước, vì e ngại, nếu không, nhà cầm
quyền Mỹ sẽ phải đối diện với sự khả dĩ trao khoảng 350 binh phạm mỗi năm
cho Nhật vì tội phạm tình dục. Từ đó, Hoa
Kỳ đã thương thảo các điều khoản tương tự trong các SOFAs với Canada,
Irland, Italy, và Denmark. Như đã được ghi rõ trong sách bỏ túi về luật chi
phối các quân nhân ở nước ngoài,
những điều khoản dự liệu trong SOFA với Nhật đã trở thành chuẩn mực trong
các SOFAs trên khắp thế giới. Ở Nhật,
trong số 3.184 nhân viên quân sự xâm phạm tình dục từ 2001 đến 2008, 83%
không hề bị truy tố. Ở Iraq, Hoa Kỳ chỉ mới ký một SOFA rất giống với thỏa
ước hậu chiến đầu tiên với Nhật: nói rõ hơn, các nhân viên và nhà thầu quân
sự bị tố cáo phạm tội ngoài công vụ sẽ do người Mỹ tạm giam trong khi người
Iraq tiến hành các thủ tục điều tra. Đã hẳn, đây là cơ hội tốt nhất để di
chuyển các nghi phạm ra khỏi nước chủ nhà trước khi có thể bị kết tội. Trong nội
bộ quân đội, nhà báo Dahr Jamail, tác giã cuốn "Bên Ngoài Khu Green Zone:
Những Bản Điện Tin của Nhà Báo Độc Lập từ Iraq Bị Chiếm Đóng"
đã nói đến "văn hóa tấn công tình dục vô tội vạ" (culture of
unpunished sexual assaults) và "số vụ đưa ra tòa án mặt trận thấp đến
kinh ngạc", (shockingly low numbers of courts martial) liên quan đến hãm
hiếp và các hình thức xâm phạm tình dục trong giới quân sự. Helen Benedict,
tác giã cuốn "Người Lính Cô Đơn: Cuộc Chiến Riêng của Nữ Quân Nhân Phục
vụ ở Iraq"
đã đơn cử các con số trong phúc trình năm 2009 của Pentagon về các vụ xâm
phạm tình dục trong quân đội: 90% các vụ hãm hiếp trong quân đội không bao
giờ bị truy tố, và, khi bị truy tố, hậu quả đối với can phạm cũng không đáng
kể. Nói một
cách công bằng, quân đội Hoa Kỳ đã tạo một sân chơi tình dục toàn cầu cho
nhân viên quân sự và bảo vệ phần lớn các can phạm né tránh hậu quả của hành
vi phạm pháp. Do đó, năm 2006, một nhóm cựu nữ quân nhân Mỹ đã sáng lập
"Mạng Lưới Hành Động của Cựu Nữ Quân Nhân".
Mục tiêu là phổ biến lời kêu gọi không một phụ nữ nào nên gia nhập quân
đội (no woman should join the military). Có lẽ giải pháp tốt nhất là hồi
hương số binh sĩ thường được rèn luyện theo lối suy nghĩ dân bản xứ luôn
thấp kém hơn và không am hiểu môi trường văn hóa địa phương. Nói rõ hơn, Hoa
Kỳ nên giải thể mạng lưới căn cứ quân sự mang tính đế quốc. Cố nhiên,
việc giải thể mạng lưới đế quốc đòi hỏi một thời gian lâu dài. Chalmers
Johnson liệt kê những bước khởi đầu người Mỹ nên theo đuổi: 1. Các căn
cứ quân sự Hoa Kỳ trên thế giới phải chấm dứt gây ô nhiểm môi trường. Người
Mỹ cũng cần ngưng áp đặt các SOFAs miễn trừ trách nhiệm cho chính mình trong
công tác trùng tu và bảo vệ môi trường. 2. Từ bỏ
chính sách đế quốc, nhờ đó, sẽ chấm dứt gánh nặng duy trì các căn cứ quân sự
và các phí tổn cơ hội đi kèm - những việc lẽ ra đã có thể làm với tài nguyên
nhân, tài, vật, lực sẵn có. 3. Chủ
nghĩa đế quốc thường đưa đến việc sử dụng tra tấn.Trong hai thập kỷ 1960s và
1970s, người Mỹ đã giúp lật đổ các chính quyền dân cử ở Brazil và Chile, kế
đến đã hổ trợ các chế độ tra tấn, trước khi trực tiếp tra tấn các tù binh ở
Iraq và Afghanistan . Từ bỏ chủ nghĩa đế quốc sẽ thực sự chấm dứt chính
sách tra tấn của Mỹ ở hải ngoại. 4. Cần cắt
giảm các chi phí do thân nhân, các nhân viên dân sự của bộ quốc phòng, cùng
các cơ sở y tế, cư trú, tiêu khiển ...đi theo các căn cứ quân sự khắp nơi
trên thế giới. 5. Cần chấm
dứt huyền thoại do tập đoàn quân sự kỹ nghệ quảng bá: các căn cứ quân sự đem
lại công ăn việc làm, nghiên cứu khoa học, và quốc phòng - huyền thoại đã bị
phá vỡ bởi nhiều công trình nghiên cứu kinh tế nghiêm túc. 6. Như một
quốc gia dân chủ biết tự trọng, Hoa Kỳ cần chấm dứt vai trò xứ xuất khẩu
hàng đầu: vũ khí; quân trang; huấn luyện sĩ quan các quốc gia trong thế
giới thứ ba về kỷ thuật tra tấn, đảo chánh, lính đánh thuê cho Hoa kỳ. Chẳng
hạn, đóng cữa School of the Americas, ở Fort Benning, Georgia, nơi huấn
luyện các sĩ quan Mỹ La Tinh. 7. Bải bỏ
chương trình huấn luyện sĩ quan trừ bị (Reserve Officers' Training Corps) và
các chương trình nhằm phát huy chủ nghĩa quân sự trong học đường. 8. Vãn hồi
kỷ luật và trách nhiệm trong quân lực bằng cách cắt giảm việc sử dụng các
nhà thầu dân sự, những công ty quân sự tư nhân, và các viên chức làm việc
cho quân đội bên ngoài dây chuyền chỉ huy, quân luật, và tòa án quân sự. 9. Cắt giảm
quân đội và cần có các biện pháp săn sóc thương bệnh binh đối phó với những
hội chứng bệnh lý hậu chiến. 10. Từ bỏ
việc sử dụng lực lượng quân sự một cách không thích đáng như những phương
tiện chính yếu nhằm thành đạt các mục tiêu đối ngoại. Hoa Kỳ hiện
nay không mấy khác Anh quốc vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến: tìm mọi cách củng cố
một đế quốc chưa bao giờ cần thiết và không đủ sức cáng đáng, sử dụng nhiều
phương sách tương tự các phương sách của các đế quốc từng thất bại trước
đây, kể cả các cường quốc Phe Trục và Liên Bang Sô Viết. Hoa Kỳ có thể rút
bài học kinh nghiệm của Anh quốc năm 1945, tự nguyện từ bỏ chính sách đế
quốc, thay vì đợi bị buộc phải bỏ cuộc vì chiến bại, như trường hợp của Nhật
và Đức, hay chiến tranh giải phóng ở các xứ thuộc địa làm suy nhược như
Pháp và Hòa Lan. Hoa Kỳ nên
theo gương người Anh trước đây. Điều đáng tiếc là hiện nay người Anh đang đi
giật lùi, cộng tác với người Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan. CUỘC CHIẾN
AFGHANISTAN-PAKISTAN: MỘT TAI HỌA TỰ TẠO KHÁC Một trong
những lầm lỗi chiến lược của Hoa Kỳ ở Afghanistan là đã không học được bài
học kinh nghiệm của Anh quốc và Nga Sô, những xứ đã thất bại trong kế hoạch
bình định Afghanistan, sử dụng những biện pháp quân sự tương tự với người Mỹ
hiện nay. Trong những năm 1849 - 1947, người Anh hàng năm đã gửi quân viễn
chinh đến các bộ lạc Pashtun trong khu vực các Lãnh Thổ dọc Biên Giới Tây
Bắc (North-West Frontier Territories) - biên giới giữa Afghanistan và
Pakistan - mệnh danh là đường ranh Durand Line. Đây là biên giới ấn định bởi
Sir Mortimer Durand, Bộ Trưởng Ngoại Giao Anh đặc trách Ấn Độ. Cả Anh Quốc
lẫn Pakistan chưa bao giờ thực sự kiểm soát được khu vực nầy. Như nhà sử học
Louis Dupree đã viết trong tác phẩm "Afghanistan" (Oxford University
Press, 2002): "Các bộ lạc Pashtun, hầu như bẩm sinh đã là những chuyên
gia du kích sau nhiều thế kỷ kháng chiến chống ngoại xâm và chống đối lẫn
nhau khi không có người ngoại nhập tìm cách mở rộng Pax Britannica đến vùng
quê núi đồi của họ".
Khoảng 41 triệu người Pashtun sống trong một vùng không ranh giới rõ rệt dọc
đường ranh Durand Line và không trung thành với chính quyền trung ương của
cả Pakistan lẫn Afghanistan. Vùng nầy
ngày nay được biết như Khu Vực Bộ Lạc Dưới Quyền Quản Trị Liên Bang
(Federally Administered Tribal Areas - FATA) của Pakistan, trực thuộc
Islamabad, và được chia làm 7 tiểu vùng, mỗi vùng đặt dưới quyền cai trị
của một viên chức chính trị tương tự thời thuộc địa Anh. Trước đây cũng như
bây giờ, khu vực FATA, được biết dưới tên Waziristan và là trú khu của bộ
lạc Pastun, là khu vực chống đối dữ dội nhất. Paul
Fitzgerald và Elizabeth Gould, hai tác giả có nhiều kinh nghiệm về
Afghanistan, trong cuốn "Lịch Sử Vô Hình: Câu Chuyện Chưa Hề Kể về
Afghanistan",
đã viết:
"Nếu các quan chức ở Hoa Thịnh
Đốn không nhớ lịch sử trong vùng, người Afghanistan luôn nhớ. Người Anh dùng
không lực bỏ bom các làng Pashtun sau Đệ Nhất Thế Chiến và đã bị lên án. Khi
người Xô Viết dùng phi cơ Mig và trực thăng chiến đấu trang bị hỏa tiển
Mi-24 Hind oanh kích vùng nầy trong thập kỷ 1980s, họ bị xem như các tội
phạm. Nếu Hoa Kỳ dùng hỏa lực hùng hậu một cách bừa bải và tàn bạo, bất kể
công lý và đạo đức thế giới, họ sẽ bị người dân Afghanistan và thế giới Hồi
giáo chống đối nhiều hơn".
Hiện nay,
Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dùng bạo lực, nhưng viện cớ số thường dân thương vong
chỉ là hậu quả ngoài ý muốn (collateral damage), hay do lỗi cá nhân. Sử dụng
các phi cơ không người lái, điều khiển bởi máy vi tính từ các căn cứ quân sự
trong vùng sa mạc Arizona và Nevada với độ chính xác tối thiểu, người Mỹ đã
sát hại hàng trăm, có lẽ hàng nghìn thường dân Pakistan và Afghanistan.
Chính quyền Afghanistan và Pakistan đã nhiều lần cảnh cáo người Mỹ là đang
làm mếch lòng chính người dân mà họ rêu rao đang giúp đem lại dân chủ.Tháng
5-2009, khi được cử làm tư lệnh Afghanistan, tướng Stanley McChrystal đã ra
lệnh hạn chế các cuộc không tập, kể cả của CIA, ngoại trừ trường hợp cần
thiết để bảo vệ quân đội đồng minh. Không may, vì những bất cập trong dây
chuyền chỉ huy, ngày 23-6-2009, người Mỹ đã thực hiện một cuộc không kích
bằng phi cơ không người lái đúng vào đoàn người tham dự đám tang, sát hại
ít nhất 80 người trên lãnh thổ Pakistan. Các cơ quan truyền thông dòng chính
và các kênh truyền hình của Mỹ không hề phản ảnh sự cố nầy. Họ chỉ tập trung
đưa tin về các quan hệ tình ái của Thống Đốc bang South Carolina và cái chết
đột ngột của ca sĩ Michael Jackson. Các cuộc
hành quân của Mỹ ở Afghanistan và Pakistan thường căn cứ trên tin tức tình
báo sai lạc trong hai xứ, các định kiến ý thức hệ ủng hộ hay chống đối các
phe khác nhau, và sự hiểu biết thiển cận về những gì người Mỹ hy vọng thành
đạt. Như Fitzgerald và Gould đã nêu rõ, trái với tin tức tình báo của Mỹ tập
trung vào Afghanistan, Pakistan mới là trung tâm của vấn đề. Cả hai đã nói
thêm:
"Quân đội Pakistan và Tình Báo
Liên Ngành...từ 1973, luôn giữ vai trò then chốt trong việc tài trợ và chỉ
huy - ban đầu các lực lượng thánh chiến [chiến binh chống Sô Viết trong thập
kỷ 1980s]...và, về sau, Taliban. Chính quân đội Pakistan đang kiểm soát vũ
khí nguyên tử, đang cản trở sự phát triển các định chế dân chủ, đang huấn
luyện các chiến binh Taliban về chiến thuật tấn công cảm tử, và chỉ huy các
lực lượng nầy đánh lại quân Mỹ và NATO đang bảo vệ chính quyền Afghanistan".
Quân đội
Pakistan và cánh tình báo gồm nhiều tín đồ Hồi giáo nhiệt thành bảo trợ phe
Taliban-Afghanistan, theo đúng nhu cầu nghị trình riêng, mặc dù không nhất
thiết nhằm thúc đẩy thánh chiến Hồi giáo. Mục tiêu của họ luôn nhằm: loại
ảnh hưởng của Nga hay Ấn Độ khỏi Afghanistan, cung cấp địa bàn huấn luyện
và tuyển mộ các du kích quân thánh chiến để hoạt động ở những nơi như
Kashmir, chế ngự cánh Hồi giáo Afghanistan quá khích, và huy động tài chánh
từ Saudi Arabia, các tiểu vương quốc trong Vịnh Ba Tư, và Hoa Kỳ, để trang
trải phí tổn và huấn luyện các chiến binh tự do trong thế giới Hồi giáo.
Chính sách liên tục của Pakistan luôn nhằm hổ trợ các chính sách thầm kín
của Tình Báo Liên Ngành và ngăn chặn ảnh hưởng của quốc gia thù nghịch và
cạnh tranh chính - Ấn Độ.Đại Tá hưu
trí Douglas MacGregor, cố vấn tại Trung Tâm Thông Tin Quốc Phòng ở
Hoa Thịnh Đốn, tóm tắt cuộc chiến vô vọng của Hoa Kỳ ở Nam Á, như sau:
"Bất cứ điều gì chúng ta làm cũng sẽ không thể thuyết phục được 125 triệu
người Hồi giáo ở Pakistan đứng chung chiến tuyến với một Hoa Kỳ liên minh
với hai quốc gia rõ ràng chống Hồi giáo: Do Thái và Ấn Độ". Lần tăng
quân của Obama hồi giữa năm 2009 vào Nam Afghanistan và nhất là vào tỉnh
Helmand, một cứ điểm trọng yếu của Taliban, khiến nhiều người nhớ lại những
lần yêu cầu tăng viện liên tục và lời hứa của tướng William Westmoreland:
nếu chấp nhận gia tăng cường độ chiến tranh và số thương vong chút ít, người
Mỹ chắc chắn sẽ bẻ gảy ý chí kiên trì của phe "Việt Nam nổi dậy" (Vietnamese
insurgents). Đây là một đánh giá hoàn toàn sai lầm bản chất cuộc chiến ở
Việt Nam, cũng như ở Afghanistan hiện nay. Hai mươi
năm sau khi hồng quân chiến bại và rút khỏi Afghanistan, vị tướng chỉ huy
người Nga sau cùng, Boris Gromov, đã đưa ra lời tiên đoán: Tai họa sẽ tới
với hàng chục nghìn quân Obama mới gửi tới Afghanistan, cũng như đã xẩy ra
với 15.000 quân Liên Bang Sô Viết thương vong trong cuộc chiến Afghanistan.
Người Mỹ cần thú nhận họ đang phí thì giờ, sinh mạng, và tài nguyên ở một
vùng họ chưa bao giờ hiểu rõ các động lực chính trị, và tiếp tục phạm phải
sai lầm. HOA KỲ
KHÔNG CÒN ĐỦ KHẢ NĂNG THEO ĐUỔI THAM VỌNG ĐẾ QUỐC
Ngay sau
khi đắc cử tổng thống, trong dịp công bố một số thành viên trong nội các
mới, Barack Obama đã quả quyết "chúng ta phải duy trì một lực lượng quân
sự hùng mạnh nhất hành tinh".
Vài tuần lễ sau, ngày 12-3-2009, trong buổi nói chuyện ở Đại Học Quốc Phòng,
Hoa Thịnh Đốn, Obama một lần nữa nhấn mạnh, "Bây giờ xin mọi người đừng
hiểu lầm, quốc gia nầy sẽ duy trì vị trí áp đảo quân sự. Chúng ta sẽ có lực
lượng quân sự hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới".
Và trong lần nói chuyện đầu niên học với các sinh viên sĩ quan Viện Hàn Lâm
Hải Quân Hoa Kỳ (U.S. Naval Academy) ngày 22-5-2009, Obama lại nhấn mạnh "chúng
ta sẽ duy trì vai trò áp đảo quân sự và các bạn là lực lượng chiến đấu tinh
nhuệ nhất thế giới".
Điều Obama
quên ghi nhận là Hoa Kỳ không còn đủ khả năng duy trì bá quyền toàn cầu, và
cố tình tin ngược lại chỉ chuốc lấy tai họa.Theo các
kinh tế gia và các nhà khoa học chính trị trên khắp thế giới, Hoa Kỳ khó thể
tiếp tục giữ vai trò bá quyền toàn cầu, một khi, trước mắt mọi người, nước
Mỹ chỉ còn là một cường quốc kinh tế què quặt. Một quốc gia trong tình trạng
đó khó thể thượng tồn trong lịch sử các đế quốc. Robert Pape thuộc
University of Chicago, tác giả tập nghiên cứu quan trọng "Quyết tử để
Quyết Thắng: Luận Lý Chiến Lược của Chủ Nghĩa Khủng Bố Cảm Tử",
đã viết:
"Nước Mỹ đang trên đường suy sụp
vô tiền khoáng hậu. Các vết thương tự tạo, do cuộc chiến Iraq, công trái
ngày một gia tăng, ngạch số khuy khiếm trong cân thương mãi [nhập siêu] ngày
một trầm trọng, và nhiều suy nhược kinh tế quốc nội khác, đã làm Hoa Kỳ mất
hết thực lực trong thế giới tri thức và kỷ thuật phổ biến nhanh chóng ngày
nay. Nếu các xu thế hiện nay tiếp diễn, chúng ta sẽ nhìn lại những năm dưới
thời Bush như tiếng chuông báo tử của bá quyền Hoa Kỳ".
Hình như đế
quốc quân sự Mỹ ẩn chứa một cái gì mâu thuẩn, phi lý, có thể nói mang tính
ác mộng. Jay Barr, một luật sư chuyên về phá sản, đã mô tả trạng huống nầy,
sử dụng phương pháp tương tự nội suy (insightful analogy):
Dù thanh lý hay tái tổ chức, một
con nợ muốn được bảo vệ qua thủ tục phá sản phải cung cấp bảng liệt kê các
chi phí, nếu được xét là phải chăng, sẽ được khấu trừ vào lợi tức, trước khi
đi đến số tài sản khả dụng có thể dùng vào việc thanh toán cho các chủ nợ.
Giờ đây thử tưởng tượng một người nộp đơn xin được bảo vệ theo luật phá sản
nhưng lại nại lý do không thể trả được nợ vì số tiền cần thiết để duy trì ít
ra cũng đến 737 cơ sở ở hải ngoại hiện không đem lại tí lợi nhuận nào... Cố
nhiên anh ta không thể đủ điều kiện để được bảo vệ bởi luật phá sản mà không
phải trao phần lớn các tích sản của mình cho các chủ nợ, kể cả các bất động
sản quý giá ở hải ngoại nơi các cơ sở của anh đang tọa lạc".
Nói một
cách khác, Hoa Kỳ không mấy quan tâm đến hiểm họa phá sản. Thay vào đó,
người Mỹ vẫn tiếp tục làm ngơ đà xuống dốc kinh tế và lúc một tiến gần đến
hiểm họa vở nợ.Nick Turse,
tác giả cuốn "Tập Đoàn Quân Sự: Bằng Cách Nào Giới Quân Sự Xâm Lấn Vào
Đời Sống Hàng Ngày Của Chúng Ta",
ước tính, người Mỹ có thể thu được 2,6 tỉ USD nếu bán tích sản ở căn cứ
Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, và 2,2 tỉ khác với Guantanamo Bay ở Cuba. Đó mới
chỉ là hai trong số trên 800 căn cứ quân sự lớn ở hải ngoại. Việc từ chối
cắt giảm phần lớn các căn cứ vừa nói phản ảnh óc tưởng tượng quá nghèo nàn
của các cấp lãnh đạo. Tháng
5-2009, Cục Quản Lý và Ngân Sách (Office of Management and Budget) tiên
đoán, vào năm 2010, ngân sách của Hoa Kỳ sẽ thiếu hụt ít nhất cũng 1.750 tỉ.
Đây là chưa kể dự phóng ngân sách Ngũ Giác Đài khoảng 640 tỉ, và các chi phí
trong hai cuộc chiến tốn kém ở Iraq và Afghanistan. Tổng số khuy khiếm sẽ
lên đến mức phải mất vài thế hệ mới trả hết các chi phí liên quan các cuộc
phiêu lưu của Bush. Con số nầy lên tới 13% GDP của Mỹ hiện nay. Tưởng nên
nhắc lại, điều kiện để một quốc gia Âu châu có thể gia nhập Khu Vực Euro là
khuy khiếm ngân sách không được quá 3% GDP.
Cho đến
nay, T T Obama đã công bố một số cắt xén manh mún, tiết kiệm được 8,8 tỉ,
trong số chi tiêu về vài loại vũ khí không mấy cần thiết, kể cả hủy bỏ loại
phi cơ chiến đấu F-22. Ngân sách Ngũ Giác Đài năm tới, trong thực tế, còn
cao hơn cả ngân sách cuối cùng trong kỷ nguyên Bush. Những cắt xén quan
trọng hơn trong chi phí quân sự rõ rệt rất cần thiết trong nay mai nếu chính
quyền Obama có ý định duy trì bộ mặt một chính quyền có trách nhiệm về tài
chánh.CẦN GIẢI
THỂ MẠNG LƯỚI CĂN CỨ QUÂN SỰ MANG TÍNH ĐẾ QUỐC
Điều đáng
buồn là rất ít đế quốc trong quá khứ đã tự nguyện từ bỏ chính sách thuộc
địa để thay vào đó các chương trình nhằm phát huy các định chế chính trị độc
lập, tự trị. Hai ví dụ quan trọng gần đây nhất là đế quốc Anh và Liên Bang
Sô Viết. Nếu Hoa Kỳ không học được kinh nghiệm của Anh và Nga Sô, sự suy tàn
và sụp đổ của đế quốc Mỹ sẽ là một điều khó tránh. Hồi đầu
tháng 10-2009, chính quyền Obama cho biết khuy khiếm trong ngân sách liên
bang trong tài khóa 2009 lên tới 1.400 tỉ mỹ kim, lớn nhất kể từ 1945, tương
đối với kích cỡ nền kinh tế. Con số, mặc
dù thấp hơn số dự phóng mấy tháng trước đây, đã làm nổi bật những thách thức
trong nổ lực giảm thiểu ngạch số khuy khiếm trong những năm tháng sắp tới,
nhất là khi Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội đang xem xét những bước mới nhằm kích
thích nền kinh tế hiện đang hồi phục chậm chạp. Những trở ngại chính trị
trong quá trình tìm giải pháp đang phơi bày trước công luận khi hai đảng
đang đổ trách nhiệm cho nhau về ngạch số khuy khiếm gia tăng. Theo thông
cáo chung của Bộ trưởng Ngân Khố, Timothy F. Geithner, và Giám Đốc Cục Quản
Lý và Ngân Sách, Peter R. Orszag, ngạch số khuy khiếm 1.400 tỉ USD trong tài
khóa 2009, vừa chấm dứt ngày 30-9-2009, đã lên đến 10% GDP, so với 459 tỉ
hay 3,2% GDP trong tài khóa 2008. Các kinh tế
gia nói chung thường đồng ý khuy khiếm hàng năm không nên vượt quá 3% GDP,
và đó cũng là mục tiêu T T Obama quyết tâm thành đạt vào cuối nhiệm kỳ đầu -
năm 2013. Ở mức 10%
GDP, khuy khiếm trong tài khóa 2009 đã lên cao nhất kể từ sau Đệ Nhị Thế
Chiến (21,5%), do đó, đã trở thành một vấn đề kinh tế và chính trị lớn hơn
bất cứ năm nào từ cuối thập kỷ 1980s. Các nhà đầu
tư tài trợ số nợ nầy, kể cả Trung Quốc và vài xứ khác, rất nóng lòng chờ đợi
dấu hiệu chính quyền Mỹ sẽ sớm cân bằng được ngân sách. Các cuộc
thăm dò dư luận cho thấy người Mỹ cũng ngày một âu lo và quan tâm nhiều hơn
đến nghị trình đầy tham vọng của Obama, kể cả tái cơ cấu hệ thống bảo hiểm y
tế. Cùng lúc, nhiều người Mỹ cũng đang đòi hỏi chính quyền giúp đỡ thêm ,
và đang đối diện với tỉ suất thất nghiệp 10.2% (10-2009), cao nhất trong 26
năm qua, và dự báo còn tiếp tục gia tăng cho đến giữa năm 2010. Orszag còn
ám chỉ tình trạng bối rối trong chính sách tài chánh của chính quyền khi
nói: "Trong khi chúng ta đang chuyển đổi từ cứu trợ để phục hồi, tổng
thống công nhận chúng ta cần phải đưa xứ sở trở lại con đường tài chánh ổn
định lâu dài".
Ông cho biết các đề nghị theo hướng nầy sẽ là một phần trong ngân sách năm
tới cho tài khóa 2011. Tài khóa
2009 bắt đầu từ tháng 10-2008 khi T T George W. Bush đang đối diện với hiểm
họa sụp đổ của hệ thống tài chánh và đang chuẩn bị luật cứu trợ 787 tỉ USD.
Sau khi nhận nhiệm vụ, các viên chức chính quyền Obama đã tính toán lại:
con số khuy khiếm thực sự đã lên tới 1.200 tỉ USD thay vì 787 tỉ.
Theo
Geithner và Orszag, khuy khiếm trong tài khóa 2009 phần lớn là sản phẩm của
các chính sách tài chánh và thuế vụ thừa hưởng từ chính quyền tiền nhiệm và
nay trở nên trầm trọng với suy thoái kinh tế tài chánh đang tiếp diễn lúc
một sâu xa hơn khi Obama mới bắt đầu nhiệm kỳ.Con số khuy
khiếm 1.400 tỉ do chính quyền Obama đưa ra đã dựa theo số ước tính vào đầu
tháng 10-2009 của Sở Ngân Sách Quốc Hội. Con số khuy khiếm thực sự hơi thấp
hơn mỗi bên ước tính trong tháng 8-2009, khi Sở Ngân Sách Tòa Bạch Ốc dự
phóng 1.800 tỉ khuy khiếm và Sở Ngân Sách Quốc Hội dự phóng 1.600 tỉ. Trong khi
một vài định chế tài chánh đã hồi phục và còn báo cáo những số doanh lợi
lớn bất ngờ như JP Morgan và Goldman Sachs, tỉ suất thất nghiệp, số bất động
sản bị tịch biên, và nhu cầu tín dụng của giới tiểu thương và doanh nghiệp
nhỏ, tiếp tục gia tăng, buộc Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội phải tiếp tục tập trung
vào nổ lực kích cầu nền kinh tế. Số khuy khiếm, do đó, tiếp tục gia tăng
thay vì sụt giảm. Trong mọi
trường hợp, sự thành công mới đây cũng chỉ giới hạn vào một vài định chế tài
chánh khổng lồ ở Wall Street. Chỉ vài hôm sau, Citigroup và Bank of America
đã báo cáo số thua lỗ từ các món nợ bất động sản và thẻ tín dụng vô giá trị
- một dấu hiệu khủng hoảng kéo dài ở Main Street - bên ngoài Wall Street. Hiện nay,
tỉ suất khuy khiếm vẫn là vấn đề chính được chính quyền mọi cấp đang đặc
biệt quan tâm. Tổng số quốc trái - số khuy khiếm lũy tích hàng năm của ngân
sách - lên gần 12.000 tỉ, và số khuy khiếm dự phóng cho thập kỷ tới (2010s)
sẽ còn tăng thêm 9.000 tỉ. Theo các viên chức chính quyền, 2/3 con số nầy là
hậu quả các chính sách của chính quyền Bush, như giảm thuế, chiến tranh, và
trợ cấp dược phẩm thuộc Medicare..., không được bù đắp bởi các số tiết kiệm
do cắt giảm các khoản dự chi khác. Với đà suy
giảm về kinh tế, quân sự, chính trị trong mấy thập kỷ gần đây, giới lãnh đạo
Hoa Kỳ không còn lựa chọn nào khác hơn là giảm thiểu tham vọng toàn cầu.
Vả chăng,
hệ thống căn cứ quân sự ở hải ngoại không hề cần thiết cho nhu cầu quốc
phòng của Mỹ. Trong thực tế, các căn cứ nầy thường là yếu tố quan trọng gây
ra nhiều xung đột với các xứ khác. Các cơ sở nầy, dĩ nhiên, rất tốn kém.
Theo Anita Dancs, phân tích gia của website Foreign Policy in Focus,
Hoa Kỳ chi tiêu khoảng 250 tỉ mỗi năm để duy trì sự hiện diện quân sự trên
toàn cầu. Mục tiêu duy nhất là duy trì bá quyền, kiểm soát hoặc áp đảo,
trong càng nhiều xứ càng tốt. Không sớm
thì muộn, mạng lưới căn cứ quân sự Hoa kỳ trên thế giới cũng sẽ đưa nước Mỹ
đến chỗ phá sản. Dù nhanh hay chậm, Hoa Kỳ vẫn đang rỉ máu. Bám víu lấy
chính sách đế quốc và các căn cứ yểm trợ hiện nay cuối cùng cũng sẽ đưa Hoa
Kỳ đến chỗ vỡ nợ - không còn là một nước Mỹ như mọi người đang biết. Nói một
cách ngắn gọn, Hoa Kỳ cần giải thể mạng lưới căn cứ quân sự trên khắp thế
giới. Và về lâu về dài, phía trước chỉ còn hai con đường: hòa bình hay phá
sản. GS Nguyễn
Trường
Irvine,
California, U.S.A.
25-11-2009
|