Kinh tế học và chính sách kinh tế

Vietsciences- Lê Văn Cường     27/12/2005

 


Trong bất kỳ một quốc gia nào, mọi công dân, từ những nhà lãnh đạo đến người dân bình thường, đều mong muốn kinh tế học phục vụ tốt để phát triển kinh tế cho nước mình. Đó là một đòi hỏi chính đáng. Nhưng một người lãnh đạo, theo ý tôi, cần phải nhận thức được những hạn chế sau đây của kinh tế học:

1. Đó là một ngành thuộc phạm trù khoa học xã hội, không thể được thử nghiệm được như ngành khoa học tự nhiên. Dĩ nhiên, kinh tế học dựa trên sự quan sát, sự vận hành của xã hội. Nhưng cũng vì vậy, theo góc độ và thời điểm chúng ta quan sát, nẩy sinh ra nhiều học thuyết kinh tế khác nhau.
 
Ví dụ: Muốn nâng cao tăng trưởng của GDP chúng ta nên làm gì?
 
Không có một phương án trả lời duy nhất.
  (a) Nếu xã hội ở trong trạng thái cung hàng hóa lớn hơn cầu, ta nên tăng lương, thu nhập để tăng cầu và từ đó tăng sản xuất (mô hình kinh tế dựa trên học thuyết Keynes).
  (b) Nếu xă hội ở trong trạng thái cầu cao hơn cung, tăng lương chỉ làm tăng lạm phát và thâm hụt cán cân ngoại thương (mô hình cổ điển). Như vậy phải tác động lên những yếu tố làm tăng cung. Nếu cung hàng hóa bị "nghẽn" vì các chi phí sản xuất (lương nhân công, thuế,...) quá cao, thì nhà nước nên giảm các chi phí ấy để đẩy mạnh sản xuất. Nếu cung hàng hóa bị "nghẽn" vì làm ăn thiếu hiệu quả (máy móc quá cũ, lao động quá nhiều,...) thì phải tìm những biện pháp để thúc đẩy năng suất.
 
Qua thí dụ đơn giản ở trên, ta có thể nhận thức rằng cần phải đẩy mạnh:

  (i) hiểu biết sâu rộng các học thuyết kinh tế
  (ii) nghiên cứu lý thuyết về kinh tế nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Hai ý này không phải là "xa xỉ phẩm" ngay cả trong tình hình kinh tế hiện nay ở Việt Nam.

2. Tương đối hóa lòng tin vào học thuyết vì những lý do sau đây:

  2.1. Mỗi học thuyết chỉ "đúng" trong một hoàn cảnh kinh tế xã hội nhất định (thí dụ, sử dụng học thuyết Keynes nếu xã hội ở trong trạng thái cung cao hơn cầu).
Do đó, cần phải có số liệu trung thực, hoàn chỉnh, đầy đủ nhằm xác định chính xác tình hình cụ thể của nền kinh tế để biết nên sử dụng học thuyết gì để đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội về kinh tế. Do vậy, số liệu liên quan đến kinh tế phải được công bố.
  2.2. Các học thuyết kinh tế không bất di bất dịch mà luôn luôn cần được bổ sung thêm. Nếu những dự báo kinh tế dựa trên một học thuyết kinh tế không phù hợp với số liệu, cần phải tìm hiểu tại sao. Bản thân học thuyết ấy có thiếu sót gì không?

  2.3. Đừng có ảo tưởng rằng một mô hình kinh tế được định lượng có thể giúp đưa ra những dự báo hoàn toàn chính xác vì những chuỗi số liệu bao giờ cũng có sai số . Trong thực tế, có nhiều vấn đề kinh tế mà mô hình chưa nắm bắt được.
Nhưng mô hình có thể cho biết một chính sách kinh tế có tác động tốt hay xấu với một độ tin cậy nào đó. Chúng ta có thể không hoàn toàn thỏa mãn nhưng ít nhất là biết được còn hơn không biết gì cả.

  2.4. Mỗi học thuyết đều có chức năng của riêng nó. Ví dụ, theo ý tôi, không thể sử dụng học thuyết kinh tế Marx để làm chính sách kinh tế vì mục đích của học thuyết kinh tế Marx là phân tích và phê phán tư bản chủ nghĩa. Nhưng để vận dụng học thuyết Marx hay một học thuyết nào khác vào thực tế kinh tế xã hội Việt Nam để xây dựng một xã hội công bằng, giàu mạnh, văn minh là một thách thức cho các nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam.
 
Lê Văn Cường
Giám đốc nghiên cứu
thuộc Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp.

© http://vietsciences.free.fr Lê Văn Cường