Kinh nghiệm Trung Quốc sau WTO |
Vietsciences-Dũ Lan Lê Anh Dũng 21/10/2006 |
Hội nhập WTO tức là bước theo con đường toàn cầu hóa. Ai cũng biết đấy vừa là cơ hội vừa là thách thức. Từ cơ hội đến hiện thực vốn chẳng dễ chút nào. Mà thách thức cụ thể sẽ ra sao? Tuy chỉ phác họa vấn đề ở vài góc cạnh nhỏ và không đầy đủ từ kinh nghiệm của Trung Quốc, mong rằng bài báo này có thể giúp ta chia sẻ câu nói của Willy Wo-Lap Lam: “Toàn cầu hóa không phải là một dạ yến.” Trung Quốc (TQ) trở thành một thành viên WTO ngày 11-12-2001. Kể từ đầu năm 2002 trở đi đối với TQ là thời hậu WTO (post-WTO). Theo Tin tức Tân Hoa (11-12-2004), trong ba năm sau khi vào WTO, TQ phải tu chính hơn 2.500 luật lệ và hủy bỏ hơn 800 luật lệ khác để đáp ứng những quy tắc của WTO. Với thiện chí đó, TQ khẳng định nhiều thành tựu lạc quan sau năm năm, nhưng những khó khăn lâu dài của TQ cũng không ít, và những khó khăn đó cũng cần được những nước đang trên đường gia nhập WTO như VN biết tới. Tiên lượng. Năm tháng trước khi TQ vào WTO, một chuyên gia phân tích thâm niên của CNN về TQ là Willy Wo-Lap Lam (http://archives.cnn.com/2001/07/03/china.willy.column…) tiên lượng rằng các nhà khoa học, kỹ sư, nhà quản lý được đào tạo tốt sẽ chạy sang làm việc cho công ty liên doanh và công ty nước ngoài. Ông Wu Yi (một công chức TQ) vì thế nói rằng toàn cầu hóa trước hết có nghĩa là cuộc tranh giành nhân tài giữa một bên là các cơ quan chính phủ, công ty quốc doanh và một bên là các công ty đa quốc gia. Đây cũng sẽ là viễn ảnh của VN. Theo tuần san SGGP thứ Bảy, số 810 (ngày 07-10-2006, tr. 6), trong lúc VN chưa vào WTO, thì hơn 50% giới trẻ đều có xu hướng chọn công ty nước ngoài. Thiếu chuyên viên “glocal”. Nhật báo Nhân dân của TQ ngày 24-7-2002 (http://english.peopledaily.com.cn...) cho biết TQ rất cần những chuyên viên vừa thạo về toàn cầu vừa giỏi về bản địa. Họ gọi lớp nhân sự này là “glocal experts”, ghép chữ global (toàn cầu) và local (bản địa). Chuyên viên “glocal” phải hiểu biết rõ văn hóa TQ lẫn văn hóa các nước, quen thuộc quy luật buôn bán quốc tế và giỏi giao tiếp liên văn hóa (intercultural communication). Thật vậy, xã hội TQ hậu WTO phải giáp mặt nhiều thách thức ngoại lai, trong đó có yếu tố văn hóa. Những người làm việc với các công ty đa quốc gia phải tuân thủ tập quán quốc tế và phải giảm thiểu tối đa các xung khắc văn hóa, nên phải đào tạo thêm nhiều người giỏi giao tiếp liên văn hóa, và họ sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của TQ. Thất nghiệp. Nghiên cứu chính sách số 3522 của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 02-2005 (http://papers.ssrn.com/sol3/papers...) cho biết TQ tiến triển rất ấn tượng về phát triển kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội, tuy nhiên họ vẫn đang giáp mặt những thách thức đáng sợ. Một trong những thách thức đó là làm sao tạo ra 100-300 triệu việc làm mới trong thập niên tới đây để giải quyết được nhiều triệu người mất việc, nông dân nhập cư, và lực lượng lao động mới bổ sung. Muốn vậy, TQ cần phải thực thi một chiến lược lâu dài và có tính hệ thống, như: khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; mở rộng khu vực dịch vụ; cải tổ các doanh nghiệp quốc doanh; củng cố hệ thống an ninh xã hội; cải thiện tính linh hoạt của thị trường lao động; thiết lập các chương trình tái đào tạo với quy mô lớn… Nạn nhập cư. Tình trạng thất nghiệp ở nông thôn đáng báo động: chính phủ ước lượng có khoảng 100-120 triệu người thất nghiệp và thiếu việc làm. Bởi lẽ nông thôn không còn sống được, nông dân nhập cư ồ ạt, dân số đô thị tăng lên không ngừng. Cho tới năm 2020, TQ sẽ có 300 triệu nông dân đổ vào các đô thị để kiếm miếng cơm! Theo “The World Factbook” (www.cia.gov/cia/publications/factbook...) vào tháng 7-2006, TQ có gần 1 tỷ 314 triệu dân.
Nông dân TQ Một góc chợ TQ Giá cả. Nhật báo Nhân dân của TQ ngày 12-12-2002 cho biết vào ngày 01-01-2002, TQ giảm biểu thuế nhập khẩu từ mức trung bình 15,3% xuống 12% (http://english.peopledaily.com.cn/...). Hệ quả, hơn 5.000 loại sản phẩm ngoại nhập khác nhau tràn vào TQ: trái cây Indonesia, dầu thơm Pháp, giày Ý… được bán với giá rẻ hơn trước. Khu vực dịch vụ cũng thế: Các ngân hàng và công ty bảo hiểm tràn vào TQ, dân Bắc Kinh thích mua dịch vụ của họ hơn. Dân TQ cũng có nhiều lựa chọn hơn khi du lịch, đi máy bay, mua quảng cáo và và dịch vụ pháp lý. Tình trạng này khiến cho nhà nông, người sản xuất và làm dịch vụ nội địa khó sống.
Giá cả hàng ngoại rẻ hơn và lấn ép hàng nội ở TQ thời hậu WTO cũng là trường hợp của Philippines (vào WTO ngày 01-01-1995). Là một nhà hoạt động nữ quyền, giám đốc một trung tâm giáo dục và nghiên cứu chính sách, thành viên một diễn đàn quốc tế về toàn cầu hóa, bà Victoria Tauli Corpuz đã lưu ý (www.alainet.org/publica/retosfem/en/key.html...) về tình hình nông sản ở Philippines. Theo bà, cam trồng trong nước bị thay thế bằng cam nhập rẻ hơn cam nội 50%. Như vậy nông dân trong nước không bán được cam. Trái lại, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ tăng vọt lên sau khi vào WTO. Đơn cử, theo bà Victoria Tauli Corpuz, do sự chi phối của hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS: Trade-related aspects of intellectual property rights), thuốc đặc trị AIDS trở nên đắt khủng khiếp. Ở Nam Phi, người dân không còn được mua thuốc giá rẻ của Ấn Độ vì các công ty đa quốc gia trong ngành dược được bảo vệ bản quyền đối với thuốc đặc trị AIDS. Xã hội phân hóa. Là chuyên viên nghiên cứu của tổ chức Focus on the Global South, trong một phân tích (www.focusweb.org/content/view/821/94), bà Dorothy Guerrero cho biết hiện nay TQ có 250 triệu dân sống mỗi ngày dưới mức 1 Mỹ kim, và 700 triệu người khác (chiếm 47% dân số) sống mỗi ngày dưới mức 2 Mỹ kim. Mạng Kinh tế TQ ngày 21-9-2005 (http://en.ce.cn/Insight/200509.shtml) cho biết “Báo cáo về Phát triển Con người năm 2005” của UNDP đã báo động tình trạng phân hóa giàu nghèo ở TQ đang tăng lên. Hệ số Gini [Corado Gini (1884-1965), nhà thống kê Ý] sẽ là 0 nếu thu nhập mọi người như nhau, hệ số sẽ là 1 nếu tất cả thu nhập do một người thâu tóm. Năm 2004 hệ số Gini của TQ là 0,465 nhưng sang năm 2005 đã tăng lên 0,47.
Công nhân dệt TQ Chẳng hạn, ở thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), xã hội phân hóa thành hai cực: nhiều triệu người nhọc nhằn trong các nhà máy ở các đặc khu kinh tế, mà mỗi người kiếm được mỗi tháng chừng 100 Mỹ kim. Công nhân làm việc quần quật 60-70 giờ một tuần. Họ ăn uống đạm bạc và chen chúc 10-20 người trong một phòng nhỏ. Trái lại, một số chuyên viên kỹ thuật, các doanh nhân du học Mỹ về thì sống dư giả, sung túc. Willy Wo-Lap Lam cho biết rằng ở Thượng Hải và Thâm Quyến, càng ngày càng có nhiều gia đình mới giàu lên gởi con vào học các trường quốc tế, họ giữ đồng dollars và euros thay cho nhân dân tệ, và bỏ tiền vào nhà băng nước ngoài, mua bảo hiểm và đầu tư chứng khoán với công ty nước ngoài…
© http://vietsciences.free.fr , http://vietsciences.org và http://vietsciences2.free.fr Dũ Lan Lê Anh Dũng |