Những bài cùng tác giả Thảo luận chương trình cứu nguy Wall Street hết sức
táo bạo với ngân khoản 700 tỉ USD của chính quyền
George W. Bush, nghị sĩ Cộng Hòa từ bang Kentucky,
Jim Bunning, đã phải thốt lên: "Trên mọi phương
diện, thị trường tự do ở Hoa Kỳ đã dãy chết".
Chúng ta chỉ có thể nói thêm: "Sự thức tỉnh đã đến
khá muộn màng".
Kế hoạch cứu trợ của phe Bush nhằm mua lại các chứng
khoán mất hết giá trị của Wall Street chưa hẵn đã
khai tử thị trường tự do, thực ra đó chẳng qua cũng
chỉ là một tiểu xảo mới, cấp thiết và thuận tiện.
Trong khi phe bảo thủ đã luôn rao giảng chủ nghĩa
thị trường tự do kinh điển trong suốt 35 năm qua,
trong thực tế họ luôn dựa vào nhà nước để giành lấy
các biện pháp cứu nguy, các hợp đồng béo bở, các đặc
lợi...Với họ, nhà nước giữ vai trò cảnh sát thì ít,
mà chính là vai trò giúp họ thủ lợi, cướp dật. Nhưng
ít ra, đến nay, guồng máy bất lương đã bị lộ tẩy và
phơi bày lộ liễu. Với những người chủ trương thị
trường tự do cuồng nhiệt như Henry Paulson, bộ
trưởng ngân khố, nguyên tổng quản trị Goldman Sachs,
đã công khai đầu hàng, chúng ta có quyền hy vọng
cuộc khủng hoảng lần nầy cuối cùng rồi sẽ chấm dứt
kỷ nguyên tân bảo thủ.
Những liên minh xuyên ý thức hệ, bất ngờ và bất khả
dự liệu thành hình trước khi chương trình cứu nguy
được quốc hội thông qua, chứng tỏ cuộc tranh luận
triết lý căn bản đã chuyển đổi bản chất: kích cỡ
chính quyền không còn thiết yếu, bởi lẽ vai trò
của chính quyền trong những năm sắp tới sẽ ngày một
quan trọng. Vấn đề còn lại chỉ là phạm vi can
thiệp, và quan trọng hơn cả, là ai sẽ hưởng lợi từ
sự can thiệp đó? Liệu khuôn khổ của chương trình
cứu trợ lần nầy có đem lại một "chủ nghĩa xã hội
Goldman Sachs" hay một guồng máy quản trị tài chánh
dân chủ hơn?
Khủng Hoảng Tài Chánh
Cái gì phải đến đã đến.
Trong ba thập kỷ qua, nhiều nhà quan sát đã chứng
kiến hệ thống tài chánh không còn bị gò bó giám sát
ngày một trở nên phóng túng phiêu lưu, hố cách biệt
giàu nghèo ngày một sâu rộng. Họ tin:"một ngày
nào đó, chúng ta sẽ phải trả một giá đắt". Tuy
nhiên, cho đến nay, mặc dù thỉnh thoảng hệ thống tài
chánh gặp một vài khó khăn đáng kể - như nạn sụt giá
chứng khoán năm 1987, khủng hoảng tiết kiệm tín dụng
vào cuối thập kỷ 1980s, các cuộc khủng hoảng tài
chánh ở Mexico và Á châu giữa thập kỷ 1990s, cuộc
khủng hoảng dot-com vào đầu thập kỷ 2000s - nhưng
kinh tế rồi cũng lấy lại được thăng bằng. Phải chăng
lần nầy chúng ta đã không còn may mắn như trước?
Mới nhìn người ta những tưởng không mấy hợp lý khi
liên kết cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay với
hiện tượng lợi tức phân cực trong trường kỳ, nhưng
trong thực tế, hai sự kiện liên hệ mật thiết với
nhau. Trong thời gian có hiện tượng bong bóng bất
động sản, nhiều người đã vay mượn nặng nề không
những để mua nhà ( giá cả thường vượt quá khả năng
tài chánh của chính họ) mà còn để bổ túc cho việc
làm yếu kém và gia tăng lợi tức trong thời gian kinh
tế tăng trưởng kể từ sau đệ nhị thế chiến. Trong
khoảng thời gian 2001 và 2007, các sở hữu chủ bất
động sản đã rút ra một tổng số 5.000 tỉ USD, hoặc
bằng cách thế chấp nhà cửa để vay mượn hoặc bán bất
động sản lấy tiền mặt; số tiền nầy chiếm khoảng 30%
số tiêu thụ gia tăng trong cùng thời gian. Con số
nầy đã giúp ngụy trang sự yếu kém của thị trường lao
động; thiếu số tiêu thụ gia tăng nầy, tình trạng
thoái trào năm 2001 chắc đã không thể chấm dứt.
Nhưng đợt vay nợ nầy cũng chỉ tiếp nối đợt vay nợ đã
bắt đầu từ đầu thập kỷ 1980s. Khởi đầu với vay mượn
qua thẻ tín dụng, sau đó khi thị trường bất động sản
bùng phát và nở rộ, tín dụng với thế chấp bất động
sản giữ vai trò đầu tàu. Đến nay, giới tiêu thụ nợ
nần quá mức chịu đựng, các thị trường tín dụng lâm
vào tình trạng vỡ nợ và phá sản.
Vay nợ cũng chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Khi lợi
tức phân cực - hố cách biệt giàu nghèo sâu đậm hơn -
giới giàu có và các định chế tài chánh phục vụ giới
nầy đầy ắp tiền mặt cần tìm cơ hội đầu tư kiếm lợi
nhuận, và một trong những cơ hội tìm được là những
người ở những nấc thang lợi tức thấp hơn phía dưới
họ. (Đây cũng là một trong những nguồn vốn tài trợ
cho thẻ tín dụng và tín dụng bất động sản). Họ cũng
đổ vốn vào các quỹ đầu cơ (hedge funds), quỹ giá trị
tích lũy trong bất động sản tư nhân (private equity
funds), và các cổ phiếu và chứng khoán thông thường
(just plain stocks and bonds). Hai mươi lăm năm ngập
lụt tiền mặt đã đưa đến sự bành trướng khổng lồ
trong các thị trường tài chánh. Tổng tích sản tài
chánh các loại (cổ phiếu, trái phiếu...) đã đạt mức
440% GDP của Hoa Kỳ từ hồi đầu thập kỷ 1950s cho đến
cuối thập kỷ 1970s; và tiếp tục gia tăng đều đặn
vượt quá 600% năm 1990, và 1.000% năm 2007. Ngoại
trừ một vài lần gián đoạn khó khăn, hình như Wall
Street đã đi vào chốn đào nguyên hoang tưởng: một
thị trường triền miên nở rộ (an eternal bull
market). Các viên chức giám sát (regulators) ngưng
dò xét kiểm tra, và các kiểm toán viên làm ngơ trước
các thủ thuật, tiểu xảo tài chánh ngày một táo bạo
thiếu cẩn mật. Không ai hiện thân sự chểnh mảng đó
hơn là Alan Greenspan, viên chức, trong tư cách Chủ
Tịch Cục Dự Trữ Liên Bang, mất hẵn khuynh hướng dè
dặt cẩn trọng đặc trưng trong nghề ngân hàng trung
ương, thay vào đó, luôn hăng hái khuyến khích. Như ông
ta đã nhiều lần phát biểu trong suốt hai thập kỷ
1990s và đầu thập kỷ 2000s, ông chỉ là một người
bình thường, làm sao dám xét đoán túi khôn tập thể
của các thị trường. Ông ta quên rằng thị trường
không hề hiện thân của túi khôn tập thể và thường
chỉ phản ảnh mưu toan kỹ lưỡng của một tập đoàn tham
lam thiếu lương tâm.
Như các luật gia thường nói, trong khi lý do gần gũi
của cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay là hiện
tượng bong bóng bất động sản nổ tung và sự biến đổi
bất thuận lợi của khối lượng nợ có bất động sản thế
chấp bảo đảm để tài trợ , đó cũng chỉ là một phần
của tình trạng khó khăn lớn lao hơn nhiều. Và trong
khi chính quyền chắc chắn phải chi hàng trăm tỉ để
hàn gắn các tai hại trong vòng vài năm tới, trong
trường kỳ cũng còn rất nhiều việc cần phải làm.
Vào thời điểm nầy, tái lập các luật lệ kiểm soát tài
chánh là điều rất hấp dẫn. Và đó cũng là điều vô
cùng cần thiết. Chúng ta cũng cần nhớ rõ vì sao hệ
thống tài chánh, cũng như nhiều địa hạt khác trong
đời sống kinh tế, đã được thoát vòng giám hộ bắt đầu
từ thập kỷ 1970s. Theo quan điểm của giới thượng
lưu, lợi nhuận của các doanh nghiệp ở mức quá thấp,
nhân công quá đòi hỏi, và sự kiểm soát của chính
quyền quá nặng tay. gỡ bỏ các luật lệ kiềm chế là
một phần trong trào lưu tấn công rộng lớn nhằm giúp
kinh tế mềm dẻo hơn, đưa đến mức công xá hay lương
bổng ngày một sụt giảm và công ăn việc làm ngày một
mất ổn định đối với dân Mỹ. Và phương thuốc nầy khá
hữu hiệu dưới mắt giới thượng lưu. Doanh lợi gia
tăng vượt bực kể từ đầu thập kỷ 1980s cho đến 2007.
Sự phân cực trong mức lợi tức không phải là một phản
ứng phụ ngoài ý muốn mà chính là một phần của phương
thuốc cứu chữa.
Mặc dù ngày nay chúng ta thường nghe nói kỷ nguyên
Reagan đã qua và kỷ nguyên chính quyền uy lực đã trở
lại, một chính quyền mở rộng khó làm được gì khác
hơn ngoài việc cứu nguy một hệ thống tài chánh thất
bại. Không có gì hợp nhân tính sẽ được thực thi nếu
quần chúng không được tiếp sức và động viên nhiều
hơn. Sau cuộc khủng hoảng tài chánh và chương trình
giải nguy lần nầy, hình như chúng ta không còn có
thể trở lại trạng huống trước kia, nhưng cũng chưa
mấy sẵn sàng tiến tới một cái gì mới hấp dẫn hơn.
Chủ Nghĩa Xã Hội
"Goldman Sachs"
Wall Street đã đưa ra tối hậu thư cho các chính trị
gia Hoa Thịnh Đốn: phải tức khắc chấp thuận
chương trình giải nguy, nếu không, quý vị phải chịu
hoàn toàn trách nhiệm về những gì sẽ xẩy ra.
Tính táo bạo trong đề xuất nguyên thủy của Bộ Trưởng
Ngân Khố Henry Paulson đã được phản ảnh qua những gì
không nói rõ: không giải thích kế hoạch giải nguy
sẽ diễn ra như thế nào, cũng không đòi hỏi gì từ các
ngân hàng để đổi lấy tiền của giới chịu thuế.
Bản tóm tắt của Bộ Ngân Khố chứa đựng một tuyên bố
nghe đến rợn người:" Khoản 8. Duyệt xét. Các
quyết định của Bộ Trưởng như dự liệu trong Luật nầy
đều bất khả xét duyệt, và được đưa ra theo quyền
chuyên quyết của Bộ, và không chịu sự xét duyệt của
bất cứ tòa án nào hay bất cứ cơ quan hành chánh nào".
Nói một cách khác, người chịu thuế hay nhà đầu tư
không được khiếu kiện. Các chính tri gia bỏ phiếu
cho kế hoạch về sau cũng chẳng có quyền phàn nàn.
Chỉ có thể hoặc chấp thuận, hoặc bác bỏ.
Cả hai đảng chính trị đều đã phải chiều theo sự bắt
chẹt của Wall Street vì làm vậy ít rủi ro bất trắc
hơn là tự gánh lấy trách nhiệm. Bộ trưởng Ngân Khố
Henry Paulson và Chủ Tịch Cục Dự Trữ Liên Bang Ben
Bernanke đã cùng gây áp lực và hù dọa bởi lẽ những
nổ lực vản hồi lòng tin giới đầu tư trước đó đều
thất bại trong khi sự can thiệp nửa vời của cả hai
đã gây nhiều hoang mang hổn loạn. Cục Dự Trữ Liên
Bang đã cạn tiền. Gần 3/5 trong số 800 tỉ vốn của
Cục nầy, giờ đây, chỉ là những chứng từ mất hết giá
trị, những chứng khoán với thế chấp bất động sản mất
giá, và những tích sản hữu danh vô thực mua từ các
đối chiếu biểu (balance sheets) của Wall Street.
Mặc dù kích cở lớn, quỹ giải nguy 700 tỉ cũng chỉ
nhằm cứu trợ và làm nhẹ gánh các ngân hàng, các quỹ
đầu tư, với hy vọng vãn hồi trật tự trong sinh hoạt
kinh tế. Còn có rất nhiều lý do có thể khiến kế
hoạch giải nguy thất bại. Tiền ứng cứu của Hoa Thịnh
Đốn rất có thể giúp lôi kéo các định chế tài chánh
lùi khỏi bờ vực thẳm, nhưng không bảo đảm được các
ngân hàng sẽ bắt đầu cho vay bình thường trở lại,
chưa nói gì đến đầu tư gây vốn. Các nhà đầu tư quốc
tế đã bị phỏng lửa và có thể từ chối bơm vốn liếng
vào định chế tài chánh èo uột của Hoa Kỳ.
Bí mật, kín đáo và mù mờ là thiết yếu để thành đạt
những mục tiêu của Wall Street và có thể cho phép
Paulson trả quá đáng cho các bằng hữu cũ để đổi lấy
những tích sản vô giá trị, như vậy, cho phép những
vị nầy gầy lại vốn liếng tích sản của các ngân hàng
bị thương tổn, đồng thời tuyên bố với quần chúng và
các chính trị gia là đã cứu nguy được hệ thống tài
chánh. Để đạt mục đích nầy, Wall Street cần kiểm
soát cho bằng được trọn vẹn quá trình diễn tiến, bất
cứ ứng viên nào đắc cử vào chức vụ Tổng Thống vào
tháng 11 tới.
Đã hẵn, không phải mọi người đều sẽ được ứng cứu,
nhưng ưu tiên vẫn là Goldman Sachs, doanh nghiệp cũ
của Paulson và Morgan Stanley. Hai qũy đầu tư hàng
đầu nầy bị ngắc ngoải sau những biến động gần đây,
do đó, Cục Dự Trữ Liên Bang đã vội vàng chấp thuận
cho cải biến thành ngân hàng. Rồi Warren Buffett bỏ
ra 5 tỉ yểm trợ Goldman Sachs nhưng khôn khéo sắp
xếp tự bảo vệ khỏi mọi thua thiệt. Các chính trị gia
cần phải cho Wall Street biết "chúng tôi cũng muốn
được đãi ngộ và bảo vệ như Buffett". Nhiều người
đang nghĩ đây chính là "chủ nghĩa xã hội kiểu Golden
Sachs".
Nếu canh bạc Paulson thất bại, cuối cùng chính quyền
có lẽ phải can thiệp một cách mạnh mẽ hơn, thay vì
phục tùng, ân cần săn sóc Wall Street. Hoa Thịnh Đốn
phải giám sát chặt chẻ khu vực ngân hàng và tài
chánh, và sử dụng quyền hạn khẩn cấp để lèo lái các
xí nghiệp tư doanh nầy và phải cương quyết cắt bỏ
mọi trợ cấp công đối với các ngân hàng không muốn
hợp tác. Kế đó, chính quyền có thể hành xử quyền
giám sát tạm thời buộc các ngân hàng phải hợp tác để
phục hồi sinh hoạt kinh tế qua các nghiệp vụ cho vay
và đầu tư bền vững vào đời sống kinh tế đích thực,
ra lệnh chấm dứt mọi xảo thuật tài chánh và kế toán
thổi phồng các hoạt động tín dụng và ngụy tạo giá
trị các tích sản, tháo gỡ các bom mìn nổ chậm được
biết dưới tên gọi "các xảo thuật tín dụng"(credit
derivatives), và cấm đoán lề lối làm ăn nầy. Cùng
lúc, thay vì xua đuổi các chủ hộ và con nợ ra khỏi
nhà hay vào chỗ phá sản, chính quyền phải tạm thời
bảo vệ họ và giúp họ tìm các phương cách phải chăng
để phục hồi. Sau hết, chính quyền cần tiếp sức cho
sinh hoạt kinh tế đích thực qua các khoản công chi
vào các công trình công cộng và gầy vốn. Đã hẵn,
thực hiện những đề xuất nầy đòi hỏi những khoản công
chi lớn lao. Nhưng giải nguy nước Mỹ ít ra cũng đáng
giá như cứu nguy các ngân hàng đang thương tổn vì
quá tham lam.
Kiềm Chế Các Tay Chơi
Tham Lam Và Liều Lỉnh
Chế độ thù đáp ở Wall Street là một huyền thoại.
Không một nhà quản lý nào trên thế giới được đải ngộ
hậu hĩ như thế. Một thiểu số giàu có và quyền lực đã
xuất thân từ cái nôi Goldman Sachs. Chính họ là
những kẻ phải gánh chịu trách nhiệm. Đứng đầu bảng
là Paulson, đương kim Bộ Trưởng Ngân Khố và nguyên
Tổng Quản Trị Goldman Sachs. Paulson lấn át cả Cục
Dự Trữ Liên Bang, trở thành nhà trọng tài nắm trong
tay quyền sinh sát ở Wall Street. Vào thời điểm nầy,
hai trong số những công ty cạnh tranh quan trọng với
Goldman Sachs - Bear Stearns và Lehman Brothers -
đã mai một. Công ty cạnh tranh thứ ba, Merrill
Lynch, đã lọt vào tay ngân hàng thương mãi khổng lồ
Bank of America. Trong khi đó, Paulson đã thành công
chuyển dịch các rủi ro, bất trắc của Wall Street qua
Hoa Thịnh Đốn, với cái giá 1.400 tỉ USD hay hơn nữa.
Một gương mặt khác là John Thain, đồng chủ tịch
Goldman Sachs dưới thời Paulson. Thain rời Goldman
để điều khiển Thị Trường Chứng Khoán New York trước
khi cầm đầu Merrill Lynch vào tháng 12-2008 với gói
thù đáp hậu hỉ kể cả 15 triệu tiền mặt. Tại Merrill
Lynch, Thain tuyển một cựu viên chức Goldman,Thomas
Montag, với một gói thù đáp 90 triệu (gồm 39,4 triệu
tiền thưởng gia nhập[sign-on bonus]). Một trong
những cây đại thụ Wall Street, đương kim Tổng Quản
Trị Goldman (CEO), Lloyd Blankfein, được thù đáp
53,4 triệu năm 2006, một trong những nhà quản lý ở
Wall Street được trả lương cao nhất. Năm 2007, ông
ta được trả tới 67,9 triệu, kể cả 26,8 triệu tiền
mặt.
Một điệp khúc ở Wall Street là phải trả lương cao
mới thu hút và giữ lại được những tài ba hàng đầu.
Các tổng quản (CEO) than phiền nếu số chứng khoán
của họ mất giá, tài sản thuần của họ cũng sụt giảm
theo, nhưng những gì còn sót lại luôn giúp giảm bớt
sự mất mát. Sau khi Bear Stearns sụp đổ, nguyên chủ
tịch Jimmy Cayne vẫn còn nhận được 61,3 triệu từ số
chứng khoán sở hữu.
Phe Dân chủ trong quốc hội tìm cách liên kết kế
hoạch ứng cứu của Paulson với những giới hạn trong
số thù đáp quá đáng các viên chức quản lý ở Wall
Street. Thực vậy, kiềm chế các gói thù đáp quá trớn
là một ưu tiên hàng đầu, nhất là trong giai đoạn
quyết định ứng cứu Wall Street chớp nhoáng hiện nay
bởi những thất bát do chính họ gây ra. Một giải pháp
hiệu quả hơn những mức trần thù đáp trực tiếp có lẽ
là liên kết thù đáp với mức độ bất trắc hiểm tai.
Một mức trần thù đáp dựa trên mức độ hiểm tai có thể
liên kết số thù đáp bằng tiền mặt tối đa hàng năm
với mức độ hiểm tai công ty chấp nhận, tương đối với
số vốn dự trử để đối phó với mức hiểm tai công ty
chọn lựa. Đây là phương cách áp đặt một giới hạn cho
mức thù đáp của Wall Street nhằm giúp ổn định mức
hiểm tai không được quy định, thẩm thấu trong khắp
hệ thống tài chánh thiếu giám sát hiện nay.
Vấn đề thù đáp hiển nhiên đã kích thích lòng tham
của Wall Street, nhưng không chỉ sự đầu cơ cá nhân
cấp cao cần được kiểm soát, mà cả sự đầu cơ trong
toàn hệ thống. Thay vì cho phép tạo lập những chủ
thể rộng lớn và nhiều bất trắc hơn, như tập đoàn
Bank of America-Merrill Lynch hay tập đoàn ngân hàng
mới Goldman Sachs và Morgan Stanley, chúng ta cần
tái phân loại Wall Street đúng theo Luật
Glass-Steagall Act trước đây. Thay vì cho phép những
quái vật khổng lồ mới ra đời, chúng ta nên cổ súy
thành lập những chủ thể, những định chế nhỏ hơn và
được giám sát chặt chẻ ít gây bất trắc hiểm tai
không những cho giới đầu tư mà cả cho các công dân
chịu thuế.
Cơ Hội Lớn Đang Chờ
Đợi Barack Obama
Trong nhiều năm qua, dân Mỹ sống trong một "nền kinh
tế sòng bài", một lối sống bám trụ trong tâm khảm
quốc gia. Tuy vậy, trước một viễn ảnh đen tối lâu
dài vì khủng hoảng tài chánh toàn cầu, người Mỹ giật
mình kinh hải và căm giận. Quốc hội hiểu rõ sẽ phải
đối diện với cử tri đang thấy từ chân trời cái gì
đang đến với họ khi Bộ Ngân Khố giải nguy cho Wall
Street. Những quyền lợi y tế ít ỏi đang có sẽ teo
tóp dần. Chương mục tiết kiệm hưu trí 401(k) cũng
sắp tiêu tan. Chẳng bao lâu nữa, họ sẽ được thông
báo thuế sẽ tăng cao, quỹ an sinh xã hội sẽ trở
thành mục tiêu bị tấn công trở lại.
Phe Hữu bắt đầu chạy tội. Lời nhạo báng của Rush
Limbaugh, đã được báo Wall Street Journal đăng tải
trên trang biên tập bình luận ngày 22-9-2008, tội
phạm chính trong cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay
là người da đen. Luật Tái Đầu Tư Cộng Đồng
(Community Reinvestment Act) - ra đời dưới thời
Carter, nhằm khuyến khích quyền sở hữu nhà ở của dân
thiểu số - đã được Clinton đẩy mạnh đưa đến việc cho
vay với lãi suất cực thấp (subprime loans). Dân da
đen hưởng ứng nhập cuộc rồi không trả được nợ, xô
đẩy Wall Street vào đường tai họa.
Nhiều cử tri phe Tả hy vọng: Vì Obama đang gọt dũa
phương cách vận động tuyển cử nên người ta không
được nghe nhiều bài ca hy vọng. Điều đó chỉ đúng một
phần. Nhưng khi tình hình biến chuyển thuận lợi, ít
ra cho đến gần đây, Obama tỏ ra dè dặt hơn trước.
Ngoài lý do thận trọng, làm sao Obama có thể thêm
dầu vào lửa lo sợ, căm giận của quần chúng, khi đứng
bên cạnh Obama, Robert Rubin và Lawrence Summers
luôn sẵn sàng dập tắt mọi than phiền giận dữ. Về
phía Cộng Hòa, đứng bên cạnh John McCain còn có Phil
Gramm, cặp bài trùng đáng ghê tởm. Gramm giữ vai trò
nòng cốt trong phe Cộng Hòa, thúc đẩy Quốc Hội thông
qua Luật Gramm-Leach-Bliley Act năm 1999. Luật mới
hủy bỏ và thay thế luật cũ - Glass-Steagall Act có
nhiều kẻ hở - do Quốc Hội biểu quyết chấp thuận
trong thời kinh tế đại khủng hoảng 1929-33, cấm các
ngân hàng thương mãi hoạt động trong địa hạt đầu tư
và bảo hiểm. T T Clinton hoan hỉ ký ban hành luật
mới.
Một năm sau, trong tư cách Chủ tịch Ủy Ban Ngân Hàng
Thượng Viện, Gramm ghép một tu chính án dài 262
trang vào luật ngân sách ngay trước ngày Quốc Hội
nghỉ xã hơi.Tu chính án, vì vậy, không được rà soát
kỹ lưỡng và đã trở thành Luật Canh Tân các Giao Dịch
Hàng Hóa Tương Lai (Commodity Futures Modernization
Act), xóa bỏ mọi quy luật hạn chế (deregulation) các
ngân hàng đầu tư, buông lỏng mọi giao dịch tài
chánh, tín dụng, vay mượn tương lai
(over-the-counter derivatives, credit
derivatives,credit default swaps..., những xảo thuật
tài chánh tín dụng đầy bất trắc hiểm tai) không qua
sự giám sát của các cơ quan hữu trách.
Tuy nhiên, vai trò của đảng Dân Chủ cũng không kém
phần quan trọng trong việc tháo gỡ mọi luật lệ giám
sát ngay từ thời Clinton. Phúc trình Kinh Tế của
Tổng Thống năm 2001, phúc trình cuối sau hai nhiệm
kỳ của Clinton, cho thấy, Hội Đồng Lãnh Đạo Đảng Dân
Chủ, kể cả Clinton và Gore, đều đồng tình thay thế
Luật Glass-Steagall, và đề cao những lợi điểm của
việc tháo gỡ mọi luật lệ giám sát khu vực tài chánh
tín dụng đúng như nghị trình của ngành kỹ nghệ ngân
hàng: "Những quy luật đó ngày nay không còn cần
thiết... Đó là những bước tiến cho phép củng cố khu
vực tài chánh, hiệu quả hơn và cung cấp nhiều dịch
vụ mới cho giới tiêu thụ".
Nếu muốn nhận diện một gương mặt tượng trưng cho sự
tham nhũng của Wall Street, người đó không ai khác
hơn là chính Rubin, nguyên thành viên của nhóm
Goldman Sachs. Rubin là người nòng cốt đứng sau việc
hủy bỏ Luật Glass-Steagall và thụ hưởng nhiều đặc
lợi sau đó, kể từ khi ông từ bỏ Bộ Ngân Khố để sang
lãnh đạo tập đoàn ngân hàng thương mãi-đầu tư mới
Citigroup.
Thời cơ đã đến để mai táng chủ nghĩa Tân Tự Do.
Chúng ta sẽ khó thể có được cơ may như hôm nay để
thay đổi viễn kiến tương lai. Obama đã đốt lửa trong
lòng giới trẻ với lời kêu gọi phải có hy vọng đổi
thay. Nhưng khi lần đầu tiên kết quả thăm dò dư
luận cho thấy Obama đã vượt ngưỡng 50% ba ngày sau
khi Quốc Hội thảo luận kế hoạch giải nguy Wall
Street của Paulson, Obama mới nhận chân được mối
nguy tìm cách làm ngơ quần chúng cử tri. Những điều
kiện cứu nguy Wall Street do Obama đề nghị đã quá
mềm mỏng nhẹ tay. Obama e ngại quẹt diêm bên ngòi
nổ, và tin cần cẩn trọng mời Rubin, Summers và
Volcker đến đứng bên cạnh mình. Đó là bản năng tự
nhiên của Obama. Điều éo le là chính hành động mị
dân của McCain đòi treo cổ vị chủ tịch Ủy Hội Chứng
Khoán (SEC) đã đẩy Obama về phía tả. Khi bí lối,
McCain sẵn sàng nói và làm bất cứ điều gì. McCain
chọn Sarah Palin vào liên danh. Rất có thể giờ đây,
ông ta sẽ đề nghị một New Deal kiểu FDR; và Obama
buộc lòng phải nâng cao mức cược và bắt đầu lên
tiếng như vị lãnh đạo có thể nắm bắt cơ hội do cuộc
khủng hoảng tài chánh đem lại - một cơ hội trời cho
rất đúng lúc.
Những Tháng Năm
Trước Mặt
Hoa kỳ đang lâm vào một thời vận hiếm hoi và nguy
hiểm. Trật tự cũ đã sụp đổ; các trung tâm quyền lực
cầm quyền đã mất hết uy tín sau những biến động gần
đây. Tổng Thống không còn thích ứng, "vịt què", và
không còn được ai tin cậy, ngay cả bên trong đảng
Cộng Hòa. Đảng Dân Chủ đa số kiểm soát cả hai viện
Quốc Hội cũng chẳng làm được gì vì có nhiều bất cập.
Bộ Trưởng Ngân Khố, qua phương cách đối phó trịch
thượng trong vụ khủng hoảng tài chánh, không còn
đáng tin cậy trong vai trò hoa tiêu quyền lợi công.
Cục Dự Trữ Liên Bang và vị Chủ Tịch bảo thủ cũng
không mấy khác. Quyền lực riêng tư của Wall Street
cũng đã hoàn toàn thất sủng và vô vọng.
Tình trạng nguy hiểm nầy chắc chắn sẽ còn kéo dài
không những đến lúc có Tổng Thống và Quốc Hội mới mà
còn trong nhiều tháng năm trước mặt. Nói một cách
ngắn gọn, cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay không
phải chỉ mang tính thời vận (conjunctural) mà cả
tính cơ cấu (structural). Trong thời gian chờ đợi,
giới thượng lưu cầm quyền đang bám víu vào trật tự
cũ, cố gắng cứu sống nó bằng cách tung những số tiền
khổng lồ của dân chịu thuế để cứu trợ những định chế
tài chánh thất bại. Người dân Hoa Kỳ đã hoàn toàn
đúng khi xem giải pháp nầy như một hành động biển
thủ mang tính lịch sử, lấy tiền của nạn nhân để
tưởng thưởng phường biển lận. Họ tự hỏi: thay vì cứu
trợ, tại sao chúng ta không kết tội?
Truy tố và kết tội có thể đợi, cùng với các cải tổ
căn bản. Điều cấp bách hiện giờ là cần dập tắt hỏa
hoạn đang tàn phá hệ thống tài chánh, đe dọa người
dân và các tích sản mang tính sản xuất trong nền
kinh tế đích thực. Thức tỉnh và căm giận, công
chúng, đã đổi thay, có thể giữ vai trò quyết định
trong địa hạt chính trị, như khi Hạ Viện bác bỏ trọn
gói giải nguy. Cú "sốc" đối với hệ thống tài chánh
là phương cách trị liệu đáng giá. Người dân có thể
thúc đẩy các chính trị gia bắt đầu đối diện với thực
tế và khai triển một chiến lược mạnh mẽ hơn để phục
hồi quốc gia, một cách tiếp cận phụng sự toàn bộ
quốc gia và một cơ may thành công tốt hơn nhiều. Các
cấp lãnh đạo càng sớm nhận thức được trật tự cũ đã
quá vãng, người dân Hoa kỳ càng sớm có thể bắt đầu
tái xây dựng một nền kinh tế có thể thượng tồn và
công bình hơn.
Sự sụp đổ tai hại của các định chế tài chánh trong
những tháng qua có nhiều nét tương đồng với những
biến cố tiếp theo sau sự suy sụp của thị trường
chứng khoán trong năm 1929, khi ba năm liên tiếp các
đợt sóng thất bại của các ngân hàng và kinh tế thoái
trào đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho người dân.
Chính quyền, dưới sự dẫn dắt của Cục Dự Trữ Liên
Bang, đã sao lãng nhiệm vụ một cách lố bịch trong
cuộc khủng hoảng. Lần nầy, Hoa Thịnh Đốn đã phản
ứng ồ ạt hơn, nhưng vẫn chưa tìm được một chiến lược
để ổn định tài chánh hay đảo ngược được cơn suy
thoái đang diễn tiến.
Một sự sụp đổ hoàn toàn như đầu thập kỷ 1930s vẫn
còn có thể tránh được nếu cấp lãnh đạo chính trị kịp
thời đổi hướng. Ngày nay, ngừơi Mỹ còn có một số yếu
tố thuận lợi. Trước hết, mực sống của họ cao và
phong phú hơn, mặc dù nước Mỹ nợ nần các nước ngoài
nhiều hơn. Thứ đến, chương trình New Deal đã để lại
những cơ chế ổn định kinh tế tự động, như chương
trình bảo hiểm ký thác liên bang nhằm ngăn ngừa nạn
vội vả rút tiền khỏi ngân hàng như đã xẩy ra và gây
sụp đổ trên 10.000 ngân hà thời đó.
Trước sự tê liệt chính trị hiện nay, người dân phải
tự tìm lấy lối thoát. Bước đầu cần thiết là phải
lương thiện - phải nhận chân rõ chúng ta đang phải
đối phó với tai họa gì và có thể làm được gì - sau
đó, phải áp đặt những nhận thức và quan niệm của
mình lên lãnh đạo lưỡng đảng. Thảm kịch chua cay của
kỷ nguyên chúng ta là những bài học xương máu trong
những năm khủng hoảng New Deal trước đây đã bị gạt
qua một bên - hoặc hủy bỏ hoặc phá hoại một cách có
hệ thống - bởi các thế hệ lãnh đạo thượng lưu hiện
nay. Những đảng viên Dân Chủ tự nhận là vô can đang
ngụy tạo quá khứ. Vì lẽ thế hệ Dân Chủ vừa qua đã
đồng lỏa với giới bảo thủ trong quá trình hủy hoại
các luật lệ và nguyên tắc New Deal. Và thành viên
Dân Chủ cũng chưa có một ý niệm rõ ràng bằng cách
nào để phục hồi và cập nhật những bài học đã đánh
mất để giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay.
Để hiểu rõ tình hình, chúng ta phải bắt đầu với nhận
chân cuộc khủng hoảng thực sự - vết thương lớn đối
với quốc gia , một vết thương Bộ Trưởng Ngân khố
Paulson và tay chân đã che mờ qua những lời lẽ báo
động đại ngôn, cao ngạo, thiếu trung thực. Hoa kỳ đã
thực sự trải nghiệm một mất mát tài sản khổng lồ -
vốn tư bản trong hệ thống tài chánh cũng như số tiết
kiệm trong đời sống kinh tế thực sự của mọi gia đình
và giới lao động sản xuất. Với sự sụp đổ của cung
cách lượng định dối gạt của Wall Street, tư bản tài
chánh đã tan biến tựa không khí thoát ra từ một quả
bóng xìu xẹp. Các ngân hàng đã lâm nguy vì đã mất đi
lối 1.000 tỉ hay còn hơn thế nhiều. Vì vậy, kỹ nghệ
ngân hàng sẽ co rút lại rất nhiều. Ngay bây giờ
chúng ta đang chứng kiến cảnh tượng đổ máu - các
doanh nghiệp phá sản và một số khác bị cưởng đoạt
(forced mergers), hoặc được chính quyền tăng cường
hoặc lọt vào tay kiểm soát của các nhà đầu tư tư
nhân như Warren Buffett.
Hệ thống ngân hàng co rút một cách nhanh chóng.
Điều nầy đưa đến mất tin tưởng và hoảng sợ trong
giới đầu tư, trái chủ, và cổ đông, nhưng một hệ
thống tài chánh nhỏ bé hơn rất có thể là một điều
tốt cho xứ sở - tập trung vào mục đích chính của
ngành ngân hàng, điều hướng đầu tư tư bản vào nền
kinh tế. Trong những năm gần đây, các nhà tài chánh
đã thu tóm những tài sản đầu cơ kếch sù qua việc
buôn bán đủ loại chứng khoán phức tạp.
Giải pháp của Paulson là làm nhẹ gánh các ngân hàng
khỏi các tích sản mất hết giá trị - nhất là các
chứng khoán có bất động sản bảo đảm - và đổ vốn vào
thay thế số đã mất. Paulson không giải thích rõ ràng
điều nầy vì hiểu rõ ngay cả con số 700 tỉ cũng chẳng
đủ để cứu nguy mọi ngân hàng. Vì vậy, quyền hạn lớn
lao đặc biệt của Paulson đã đặt ông ta hay người kế
nhiệm vào vị trí cứu tinh hay tử thần nắm quyền
quyết định ngân hàng nào được sống, ngân hàng nào
phải chịu chết. Tuy nhiên, ngay cả khi ông ta lựa
chọn khôn ngoan, việc đó cũng không thể giải quyết
vấn đề căn bản. Đằng nào, hệ thống tài chánh cũng sẽ
co rút. Với kế hoạch Paulson, dân Mỹ rốt cuộc cũng
phải gồng gánh mọi lỗi lầm tốn kém của hệ thống.
Phân nửa còn lại của tổng số tài sản mất mát lớn lao
của quốc gia do người dân gánh chịu - phần lớn là
những người làm công bình thường, vay mượn quá nhiều
để duy trì mực sống đang bị chao đảo vì lợi tức lúc
một sụt giảm. Với giá nhà tăng cao như bong bóng,
người ta vay mượn dễ dàng từ tiết kiệm - số tiền
tích lũy trong giá trị gia tăng của bất động sản.
Khi giá nhà tuột dốc, theo ước tính của kinh tế gia
Dean Baker, số tài sản mất mát lên đến từ 4 đến
5.000 tỉ. Ba thập kỷ trước đây, các chủ hộ Hoa kỳ
nắm 70% giá trị căn hộ; ngày nay, con số nầy tụt
xuống dưới mức 50%. Nhiều gia đình đã phải chi dụng
hết số tiết kiệm để hồi hưu và phải tiếp tục làm
việc.
Khi hệ thống tài chánh phải co rút, hàng triệu người
cũng phải trải nghiệm một sự sụt giảm đau đớn trong
mức sống. Không còn lựa chọn nào khác. Nhưng nếu
người dân phải chấp nhận thực tế, họ có thể bắt đầu
chú tâm đến những gì có thể và gây áp lực đòi hỏi
chính quyền phài có biện pháp cứu chửa để giảm thiểu
nổi đau và tránh tình trạng tồi tệ hơn. Hiện nay,
mọi người đều lo sợ, chờ đợi.
Chỉ có chính quyền là đũ thế lực để hành động. Không
một khu vực nào khác có đủ điều kiện để gầy vốn.
Chỉ chính quyền có thể huy động hay vay mượn của
người dân đang âu lo không dám chi tiêu, và của các
định chế giữ tiền không dám cho vay, để bơm tiền vào
các hoạt động kinh tế thực sự. Chính quyền mới có
thể cho vay nhẹ lãi nếu hệ thống ngân hàng không dám
làm việc đó. Chính quyền có thể xóa nợ hay nới lỏng
điều kiện cho vay nếu việc đó đem lại công ăn việc
làm cho dân chúng và giúp họ giữ được ngôi nhà đang
ở. Chính quyền có thể chuyển tiền cho các tiểu bang
và chính quyền địa phương và thúc đẩy những cấp nầy
chi tiêu. Đó chỉ là lý thuyết Keynes sơ đẳng, một
chủ thuyết đã được mang ra thực nghiệm trong thời
New Deal đầu thập kỷ 1930s. Trong tình trạng hiện
nay, chính quyền không còn đủ lý do để lo ngại khiếm
hụt ngân sách. Người dân cần bắt đầu tiết kiệm trở
lại, và giới doanh thương và ngân hàng sẽ không bắt
đầu tái đầu tư vào nền kinh tế chừng nào chưa thấy
chính quyền trực tiếp đứng ra dẫn lối.
Hoa Thịnh Đốn cần phải khẳng định tất cả các quyền
hạn khẩn cấp của mình và giải quyết tức khắc hai vấn
đề cùng lúc: quản lý/giám sát quá trình thu hẹp hệ
thống tài chánh một cách bình tỉnh và trật tự, để
đồng thời hổ trợ, duy trì diễn tiến cho vay và phục
hồi sản xuất và công ăn việc làm qua các hành động
tiếp sức đủ loại. Đây không thể là một chương trình
tự nguyện mời mọc các ngân hàng tham gia theo điều
kiện riêng. Chính quyền phải áp đặt quyền kiểm soát
theo qui trình khẩn cấp buộc hệ thống tài chánh phải
tuân thủ các mục đích chung của quốc gia. Ngân hàng
nào không đồng thuận phải bị loại , và cô lập hóa
khỏi sự trợ giúp giải nguy công.
Quốc gia đang ở trong quy trình thay đổi chính trị
năng động và sẽ không ngừng lại với kế hoạch giải
nguy dao to búa lớn của Paulson. Mặc dù kế hoạch của
Paulson đã được quốc hội thông qua, Paulson có thể
chuyển tiền cho Wall Street trong những tháng tới.
Các lực lượng đối trọng nhằm tìm kiếm những giải
pháp được người dân hậu thuẫn cần tiếp tục gấp rút
hơn. Giới trí thức và năng động chính trị, các công
dân cử tri, và những đại gia tài chánh nặng ký, ngay
cả một số dân biểu, nghị sĩ đã và đang tham vấn, cân
nhắc các chi tiết của giải pháp. Khi tái nhóm trong
một "phiên họp vịt què", những biện pháp nầy đã được
mang ra thảo luận trước quốc hội và trước công luận.
Cốt lỏi của những biện pháp nầy là vay mượn những ý
niệm và mô hình thời New Deal, sau khi cập nhật, để
phù hợp với trạng huống hiện nay. Đây không phải
thuần túy hoài cổ, mà là một sự nhận chân sáng suốt
quyền lợi chung phải được bảo vệ tối đa và cuộc
khủng hoảng phải thực sự được đẩy lùi.
Một giải pháp thực sự tiến bộ đòi hỏi chính quyền
phải trực tiếp tái đầu tư vào các ngân hàng thất
bại, đánh thuế trên các chuyển nhượng chứng khoán
nói riêng và khu vực dịch vụ tài chánh nói chung để
lấy lại những tổn phí, và quan trọng hơn hết, một
gói các biện pháp thuế vụ mang tính kích thích kinh
tế nhằm trực tiếp giới lao động: cải cách thủ tục
phá sản, thay đổi tín dụng giúp các gia đình có nhà
ở bị đe dọa tịch biên, gia tăng trợ cấp thực phẩm,
mở rộng bảo hiểm thất nghiệp,và đầu tư qui mô nhằm
xây dựng "hạ tầng cơ sở xanh" để tạo công ăn việc.
Đã hẵn, phối hợp kế hoạch và chính sách đối phó với
khủng hoảng toàn cầu với các nước ngoài, nhất là
nhóm G-7 và Âu châu là một điều tất yếu, vì như mọi
người đã biết: "Khi Hoa Kỳ hắt hơi, thế giới rất
dễ bị cảm cúm".
Riêng trong phạm vi quốc nội, những đề nghị phục hồi
và tái thiết được đem ra tranh luận gần đây xoay
quanh một số ý niệm chính sau đây:
(1) Chận đứng biện pháp giải nguy dễ dàng
(easy-money bailout). Thay vì mua các tích sản mất
hết giá trị của Wall Street một cách vô điều kiện,
chính quyền phải khám xét sổ sách kế toán và quyết
định ngân hàng nào có thể giải nguy và quốc hữu hóa
qua việc bơm tiền đầu tư đổi lấy quyền sở hữu - theo
công thức Warren Buffett khi trợ giúp Goldman Sachs
(cổ phiếu ưu đải và cổ tức được bảo đảm). Những định
chế thất bại cần được khai tử. Cách tiếp cận nầy cho
phép chính quyền trực tiếp kiểm soát những định chế
sống sót và bảo đảm quyền lợi của đại chúng. Một mô
hình tương tự Công Ty Tài Chánh Tái Xây Dựng của
thập kỷ 1930s có thể giúp tái gầy vốn tư bản cho
ngân hàng và công ty với sự giám sát chặt chẻ.
(2) Trực tiếp giúp những nạn nhân bị thương tổn. Một
công ty chuyên về quyền sở hữu nhà ở theo kiểu New
Deal, được trang bị đủ vốn và quyền hạn mềm dẻo để
giám sát, điều chỉnh các điều khoản vay nợ giúp hàng
triệu gia đình không đủ khả năng trả hàng tháng. Đây
là việc các ngân hàng thường làm với các công ty con
nợ gặp khó khăn. Chính quyền có thể hành động tương
tự đối với các gia đình mang nợ: chận đứng các vụ
thanh lý , kéo dài thời hạn trước khi tịch thu nhà
ở, và sửa đổi các điều ước khắt khe liên quan đến
quá trình hoàn trái. Đây không phải là việc làm hoàn
toàn từ thiện - giúp các gia đình giữ được nhà ở là
một động tác kích thích nền kinh tế , và chận đứng
nạn băng hoại trong các khu lao động.
(3) Biện pháp thực sự kích thích kinh tế. Chúng ta
cần hàng trăm tỉ để hoàn thành nhiều mục tiêu ưu
tiên bị quên lảng - sửa chửa cầu cống, trường học,
cũng như để khởi động nghị trình xanh như nhiên liệu
thay thế, phục hồi các hệ sinh thái và môi sinh.
Chính quyền cần trợ cấp các kỹ nghệ mới đương đại,
tương tự chương trình New Deal đã tài trợ phát triển
các loại phi cơ hiện đại, kỹ nghệ hóa dầu, sắt thép
và các kỹ nghệ then chốt khác trong thập kỷ 1930s.
(4) Tái quy định các ngành bị lạm dụng và truy tố
các phạm nhân. Bắt đầu với sự phục hồi luật chống
cho vay nặng lãi - những lề lối cho vay cắt cổ gây
đổ vỡ cho những con nợ yếu kém không được bảo vệ.
Chính quyền cần ban hành những biện pháp kiểm soát
mới đối với các nhà tài chánh và các nghĩa vụ công
rõ ràng áp đặt không những lên các ngân hàng mà cả
các quỹ đầu cơ (hedge funds), và các xí nghiệp tiết
kiệm lũy tích (private equity firms). Đây không thể
là những quy luật tùy thích. Nếu không chấp nhận
luật chơi, các tay chơi phải đóng cửa tiệm. Các đồng
nghiệp của Paulson ở Wall Street đã huy động các tay
vận động hành lang sẵn sàng lâm chiến, nhưng có thể
họ sẽ vấp phải một Hoa Thịnh Đốn đã đổi thay vì thời
cuộc. Sự khuất phục dễ dàng trước các đại gia, các
công ty khổng lồ, hình như đã bất thần trở nên lỗi
thời.
(5) Cần một đội ngũ lèo lái kinh tế mới. Cuộc khủng
hoảng và quá trình lấy quyết định ngập ngừng bởi Bộ
Ngân Khố và Cục Dự Trữ Liên Bang - chưa kể đến sự
bí mật và mặc cả hậu trường giúp các tổ chức tài
chánh - cho thấy rõ những cải cách sâu xa rất khẩn
thiết. Chính quyền có lẽ cần thiết lập một cơ quan
phục hồi và tái thiết đặc biệt, được quyền làm chính
sách và giám sát các kiểm soát viên ngân hàng và các
biện pháp kích thích kinh tế. Tính cách gọi là độc
lập của Cục Dự Trữ Liên Bang là một nhượng bộ xa xưa
cho các ngân hàng lớn và chẳng mấy hợp lý. Chính
sách tiền tệ và chính sách thuế khóa phải luôn cân
đối và phải được quyết định trong cùng một quá
trình. Cách tiếp cận duy lý nầy có thể chận đứng
Cục Dự Trữ Liên Bang khỏi những thiên kiến và chểnh
mảng đã đưa đến cuộc khủng hoảng hiện nay.
Những ý tưởng trên đây và nhiều ý kiến khác đang
trong thời kỳ thai nghén. Chúng chỉ chín mùi khi các
chính trị gia và các nhà lãnh đạo nuốt đi những "cái
tôi bị thương tổn" và suy nghĩ lại vị thế bất động
của chính mình , tay trong tay với Wall Street. Điều
nầy xem chừng khó xẩy ra trong lúc nầy. Nhưng cử tri
năng động và dấn thân tích cực hơn có thể giúp họ
thay đổi quan điểm. Và nếu chúng ta may mắn, những
đề xuất nói trên sẽ giúp định hình viễn kiến của ứng
viên Tổng Thống nào đắc cử vào tháng 11 tới.
© GS Nguyễn
Trường
Irvine, CA,
USA
15-10-2008
Those rules
are not needed today...These steps allow
consolidation in the financial sector that
will result in efficiency gains and provide
new services for consumers.
Those rules are not needed today...These
steps allow consolidation in the financial
sector that will result in efficiency gains
and provide new services for consumers.
|
©
http://vietsciences.org và
http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường |