Hoa kỳ trong kỷ nguyên mới: Một dự phóng tương lai

Vietsciences- Nguyễn Trường                    07/11/2009

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

Từ mấy tuần qua, Obama và các cố vấn thân cận một lần nữa cùng nhau nghiền ngẫm những bài học lịch sử từ chiến tranh Việt Nam khả dĩ quyết định những bước tiếp nối, nghiêm túc, và thực tế, trong cuộc chiến Afghanistan-Pakistan. Tại Ngũ Giác Đài, nhiều cấp lãnh đạo rõ ràng đang bám víu lấy ý tưởng: Hoa Kỳ thất trận ở Việt Nam là vì cuộc chiến không được dân Mỹ ủng hộ, vì các tường trình bi quan của giới truyền thông, và vì các cấp lãnh đạo thiếu can đảm và kiên trì.

Trong thực tế, ngay từ đầu, những nỗ lực của người Pháp, được Hoa Kỳ tài trợ, nhằm đánh bại phong trào quốc gia giành độc lập của người Việt trong hai thập kỷ 1940s, 1950s, đã thảm bại. Kế đến, người Mỹ tìm cách thiết lập một chính quyền ủy nhiệm ở miền Nam, với mục đích chận đứng cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất của người Việt yêu nước, cũng thất bại chua cay. Sau cùng, quân đội Mỹ với cuộc chiến toàn diện trong nhiều năm nhằm tiêu diệt các lực lượng kháng chiến còn thảm bại hơn nữa. Những nỗ lực tương tự của người Mỹ ở Cambodia và Ai Lao cũng cùng chung số phận.

Đã hẳn, quân lực Hoa Kỳ vô cùng hùng mạnh và đã nhiều lần chứng tỏ khả năng tàn phá và hủy diệt trên khắp thế giới. Từ Triều Tiên, Việt Nam, Cambodia đến Iraq, Afghanistan và Pakistan, trong nhiều thập kỷ, quân lực Hoa Kỳ đã đập nát nhiều đoàn quân, nhiều căn cứ quân sự, nhiều nhà cửa ruộng vườn, nhiều thường dân vô tội, trong nhiều cuộc chiến. Tuy nhiên, chiến thắng vẫn luôn vuột khỏi tầm tay của nhiều tổng thống Hoa Kỳ, bất kể vũ khí, trang bị, bom đạn với kỹ thuật cao đã trải thảm lên người dân nhiều xứ tiền kỹ nghệ, nghèo nàn, trong những vùng chiến sự.

DỰ BÁO VÀ THỰC TẾ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI

Tháng 11-2008, Hội Đồng Tình Báo Quốc Gia (National Intelligence Council - NIC), một cơ quan ngoại thuộc của CIA, cho xuất bản tập dự phóng tương lai mới nhất làm kim chỉ nam cho chính quyền Obama . Trong phúc trình "Các Xu Hướng Toàn Cầu 2025" (Global Trends 2005), địa vị lãnh đạo của Hoa Kỳ được tiên đoán sẽ dần dà lung lay rồi tan biến bên cạnh ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ trong vòng 15 năm tới. Phúc trình đã xem xét nhiều khía cạnh của môi trường chiến lược tương lai. Nhưng điều khám phá đáng ngạc nhiên nhất liên quan đến vị trí bá quyền ngày một bị xói mòn của Hoa Kỳ cũng như sự trổi dậy của các cường quốc cạnh tranh trong trường kỳ. Bản phúc trình quả quyết: "Mặc dù Hoa Kỳ rất có thể vẫn duy trì địa vị tay chơi hùng mạnh duy nhất [vào năm 2025], sức mạnh tương đối - ngay trong địa hạt quân sự - sẽ suy giảm và đòn bẩy quyền lực sẽ bị hạn chế rất nhiều" [1].

Chỉ 11 tháng sau ngày phúc trình ra đời, tình hình đã dồn dập thay đổi. Các dự phóng cho năm 2025 cần được điều chỉnh để bắt kịp thực trạng chuyển dịch nhanh chóng hiện nay. Mặc dù được xuất bản ngay sau khi suy thoái bắt đầu, phúc trình đã được viết trước khi khủng hoảng lên cao điểm và đã nhấn mạnh sự suy giảm quyền lực của Hoa Kỳ sẽ diễn tiến từ từ trong thời gian 15 năm sắp tới. Nhưng khủng hoảng kinh tế và các biến cố đi kèm đã đảo lộn thời biểu vừa nói. Do hậu quả những mất mát kinh tế to lớn của Hoa Kỳ trong năm qua và sự hồi phục kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc, nhịp chuyển dịch quyền lực toàn cầu dự báo trong phúc trình đã tăng tốc. Trong thực tế, tình huống dự báo mãi cho đến năm 2025 đã diễn ra ngay trước mắt.

Thực vậy, nhiều dự báo trong phúc trình Xu Hướng Toàn Cầu 2025 cho thời gian sắp tới, trong thực tế, đã thực sự xẩy ra. Brazil, Nga, Ấn Độ, và TQ, gọi tắt là BRIC, đã khẳng định vai trò của mình trong sinh hoạt kinh tế toàn cầu ngay trong hiện tại thay vì vào hai thập kỷ sau, như đã được dự báo trong phúc trình. Cùng lúc, vị trí áp đảo toàn cầu do Hoa Kỳ độc quyền nắm giữ trước đây, với sự hỗ trợ của các cường quốc kỹ nghệ Tây phương - Nhóm G-7 - cũng đã bị xói mòn một cách nhanh chóng. Trong quá khứ, hầu hết các cường quốc thường hướng về Hoa Kỳ để định hướng trong nhiều vấn đề quốc tế trọng đại. Ngày nay, các xứ nầy không còn mấy quan tâm đến khuyến cáo của Hoa Thịnh Đốn, thay vào đó, đã tự tạo cho mình một mạng lưới chính sách độc lập riêng. Hoa Kỳ CŨNG đã trở nên thận trọng hơn trong việc gửi quân ra nước ngoài trong khi các cường quốc cạnh tranh tăng cường khả năng của họ và nhiều tổ chức chống Mỹ trong một số quốc gia cũng đã sử dụng các phương tiện tấn công bất cân xứng (asymmetrical means of attack) để vô hiệu hóa lợi thế hỏa lực quy ước của Hoa Kỳ.

Một sự thật phủ phàng chưa ai nói ra: sau chưa đầy một năm, thay vì 15 năm trong phúc trình, kỷ nguyên khống chế toàn cầu vô điều kiện của Hoa Kỳ đã chấm dứt. Rất có thể phải mất 1, 2 hay 3 thập kỷ trước khi các sử gia có thể nhìn lại và đoan chắc: vào thời điểm 2009, Hoa Kỳ đã không còn là siêu cường số một của hành tinh và đã bị buộc phải ứng xử như bất cứ cường quốc nào khác trong một thế giới với nhiều đại cường cạnh tranh lẫn nhau. Tuy nhiên, hiện đã có sẵn khá nhiều bằng chứng của thời kỳ quá độ cho bất cứ ai muốn tìm hiểu.

VỊ TRÍ MỚI CỦA HOA KỲ: CHỈ LÀ MỘT TRONG NHIỀU CƯỜNG QUỐC

Theo Michael Klare, sáu biểu hiện gần đây đã phản ảnh các xu hướng toàn cầu dự báo cho năm 2025. Cả sáu diễn biến đã là tin hàng đầu trong mấy tuần lễ vừa qua, mặc dù đã không được tường trình cùng lúc và cùng chỗ. Bên cạnh nhiều diễn biến tương tự, những biểu hiện nầy đã biểu lộ một mẫu mực: diện mạo một kỷ nguyên mới bắt đầu.

1. Tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế toàn cầu ở Pittsburgh ngày 24-25/9/2009, lãnh đạo các cường quốc kỹ nghệ, Nhóm G-7 (hay G-8 nếu kể cả Nga), đã đồng thuận trao trách nhiệm giám sát kinh tế thế giới cho Nhóm G-20 gồm cả TQ, Ấn Độ, Brazil, Turkey, và một số quốc gia đang phát triển khác. Mặc dù còn nhiều nghi vấn về khả năng lãnh đạo toàn cầu của nhóm G-20, động thái vừa nói tự nó đã là tín hiệu: trung tâm quyền lực kinh tế thế giới đang chuyển dịch từ phương Tây qua phương Đông và phương Nam địa cầu. Với chuyển dịch nầy, sự suy giảm mang tính địa chấn trong vai trò kinh tế áp đảo của Hoa Kỳ đã được xác nhận.

Như Jeffrey Sachs thuộc Đại Học Columbia đã viết trong báo Financial Times: "Ý nghĩa thực sự của Nhóm G-20 không phải là sự chuyển giao quyền lãnh đạo từ Nhóm G-7/G-8, mà từ G-1 hay Hoa Kỳ. Ngay suốt trong 33 năm trên diễn đàn kinh tế G-7, Hoa Kỳ vẫn luôn là nước có tiếng nói kinh tế quyết định"[2] .

Tuy nhiên, sự suy giảm trong quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các thập kỷ gần đây đã bị che mờ bởi hai sự kiện: Liên Bang Sô Viết sụp đổ và địa vị lãnh đạo sớm sủa của Hoa Kỳ trong địa hạt tin học. Dù sao, hiện nay không ai còn nghi ngờ tiến trình chuyển dịch quyền lực kinh tế từ Hoa Kỳ qua TQ và các nền kinh tế đầu tàu đang lên khác.

2. Theo tin tức báo chí, lãnh đạo các quốc gia cạnh tranh với Mỹ đã họp bàn một cách thầm lặng (bí mật!) về vai trò suy yếu nhanh chóng của đồng mỹ kim trong thương mãi quốc tế. Cho đến nay, việc sử dụng đồng đô la như ngoại tệ dự trữ quốc tế đã đem lại cho Hoa Kỳ lợi thế kinh tế đáng kể: người Mỹ chỉ cần in thêm tiền để đáp ứng nghĩa vụ quốc tế trong khi các quốc gia khác phải chuyển hoán đơn vị tiền tệ của mình qua mỹ kim, và thường phải gánh chịu một tổn phí đáng kể.

Tuy nhiên, hiện giờ, nhiều quốc gia quan trọng trong mậu dịch quốc tế - trong đó phải kể TQ, Nga, Nhật, Brazil, và các xứ giàu dầu khí trong vùng Vịnh Ba Tư - đang cứu xét việc sử dụng đồng Euro, hay một gói nhiều đơn vị tiền tệ khác, như một lợi khí trao đổi mới. Nếu được chấp thuận, một kế hoạch như vậy sẽ tăng tốc đà mất giá của đồng mỹ kim và bào mòn hơn nữa ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong sinh hoạt kinh tế quốc tế.

Cuộc thương thảo đã diễn ra mùa hè vừa qua trong phiên họp thượng đỉnh của nhóm BRIC. Từ một ý niệm đơn thuần cách đây một năm, khi kinh tế trưởng của Goldman Sachs đưa ra ý tưởng BRIC, tập đoàn BRIC đã thực sự hình thành tháng 6 vừa qua khi lãnh đạo bốn quốc gia - Brazil, Russia, India, và China - tham dự phiên họp khai trương ở Yekaterinberg, Liên Bang Nga.

Chính sự kiện Brazil, Russia, India, và China chọn gặp nhau như Bộ Tứ tự nó đã được xem rất có ý nghĩa, vì toàn nhóm đã chiếm 43% dân số thế giới và được dự phóng chiếm 33% GDP toàn cầu vào năm 2030 - tương đương với GDP của Hoa Kỳ và Tây Âu gộp lại. Mặc dù các lãnh đạo của BRIC chưa quyết định thành lập một văn phòng thường trực giống như G-7 trong thời điểm nầy, họ cũng đã đồng ý phối hợp nỗ lực khai triển biện pháp thay thế đồng đô la như ngoại tệ dự trữ và cải tổ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nhằm đem lại cho các xứ ngoài Tây phương một tiếng nói nặng ký hơn.

3. Trên mặt trận ngoại giao, Hoa Thịnh Đốn đã không được cả Liên Bang Nga lẫn TQ ủng hộ trong chiến dịch gây sức ép quốc tế buộc Iran ngưng chương trình làm giàu uranium. Một tháng sau khi Obama hủy bỏ kế hoạch bố trí hệ thống lá chắn tên lữa ở Đông Âu, một động thái rõ rệt nhằm tìm kiếm sự hợp tác của Nga trong lập trường cứng rắn đối với Iran, các lãnh đạo Nga Sô đã chứng tỏ họ không có ý định ủng hộ các chế tài mới đối với Tehran. Sau khi tiếp Ngoại Trưởng Hillary Clinton ở Moscow ngày 13-10-2009, Sergey V. Lavrov, bộ trưởng ngoại giao Nga, tuyên bố: "Chúng tôi tin đe dọa, chế tài, và tăng sức ép trong hiện tình sẽ phản tác dụng" [3]. Ngay ngày hôm sau, Thủ Tướng Vladimir Putin cũng đưa ra nhận xét "đe dọa áp dụng các biên pháp chế tài là quá sớm". Trước những bất trắc chính trị trong quyết định hủy bỏ chương trình lá chắn tên lữa của Obama - một động thái bị phe Cộng Hòa ở Hoa Thịnh Đốn lên án - việc Điện Cẩm Linh nhanh chóng bác bỏ lời yêu cầu hợp tác của Mỹ trong vấn đề làm giàu uranium của Iran chỉ có thể giải thích như một dấu hiệu uy tín đã bị xói mòn của người Mỹ.

4. Người ta cũng có thể đưa ra một kết luận tương tự về buổi gặp gỡ cấp cao ở Bắc Kinh ngày 15-10-2009 giữa Thủ Tướng TQ Ôn Gia Bảo và Đệ Nhất Phó Tổng Thống Iran Mohammed Reza Rahimi . Từ Nhân Dân Đại Sảnh, Thủ tướng Ôn đã tuyên bố: "Quan hệ TQ-Iran đã phát triển nhanh chóng khi lãnh đạo hai xứ đã thường xuyên trao đổi, và sự hợp tác về thương mãi và năng lượng đã phát triển sâu rộng"[4] . Việc nầy đã diễn ra vào đúng lúc Hoa Kỳ đang cực lực vận động ngoại giao thuyết phục TQ, Nga, và nhiều xứ khác, cắt giảm các quan hệ thương mãi với Iran như bước đầu dẫn đến các biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn, lời tuyên bố của TQ chỉ có thể được xem như một sự từ chối không úp mở đối với Hoa Thịnh Đốn.

5. Từ Hoa Thịnh Đốn, các nỗ lực tìm kiếm hỗ trợ quốc tế trong cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo ở Afghanistan cũng đã gặp nhiều phản ứng đáng thất vọng. Trong một hành động được xem như một phiếu ủng hộ dè dặt và không mấy quan trọng, Thủ Tướng Anh Gordon Brown, hôm 14-10, loan báo: Anh quốc sẽ gửi thêm 500 quân - nhưng chỉ khi nào các quốc gia Âu châu khác cũng tăng thêm quân số, một việc ông biết khó thể xẩy ra. Cho đến nay, con số tạm thời và nhỏ nhoi đó là tất cà những gì chính quyền Obama có thể huy động từ các đồng minh Âu châu, sau chiến dịch ngoại giao kiên nhẫn nhằm tăng cường lực lượng NATO ở Afghanistan. Nói một cách khác, ngay cả đồng minh trung thành và dễ bảo nhất ở Âu châu cũng không còn sốt sắng chia sẻ gánh nặng trong cuộc phiêu lưu quân sự tốn kém và tai họa của Hoa Kỳ ở ngoại vi Trung Đông.

6. Cuối cùng, trong một động thái mang tính tượng trưng, Thế Vận Hội Quốc Tế (IOC) đã bỏ qua Chicago (cũng như Madrid và Tokyo), và đã chọn Rio de Janeiro làm nơi tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè 2016 - lần đầu tiên một quốc gia Nam Mỹ được dành danh dự đó. Cho đến khi bỏ phiếu, Chicago được xem như một ứng viên nặng ký, nhất là từ khi T T Obama, nguyên thường trú Chicago, đích thân đến Copenhagen trực tiếp vận động với IOC. Tuy vậy, trong một diễn biến gây sốc trên toàn thế giới, Chicago không những bị loại, mà còn bị loại ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.Trong buổi lễ ăn mừng thắng cuộc ở Copenhagen, T T Luiz Inacio Lula da Silva đã nói: "Brazil đã tiến từ một quốc gia hạng hai lên một quốc gia hạng nhất, và hôm nay chúng tôi bắt đầu nhận được sự kính nể chúng tôi xứng đáng. Tôi có thể chết ngay bây giờ và việc đó kể cũng đã đáng giá" [5]. Ít ai phát biểu thẳng thắn như vậy, nhưng trong quá trình lấy quyết định của Thế Vận Hội, Hoa Kỳ trong phút chốc đã bị giáng cấp từ siêu cường duy nhất xuống hàng cũng-chỉ-một-ứng-viên -- một giây phút mang tính tượng trưng hành tinh đang đi vào một kỷ nguyên mới.

HOA KỲ: MỘT QUỐC GIA BÌNH THƯỜNG

Trên đây chỉ là vài ví dụ chứng tỏ kỷ nguyên siêu cường duy nhất đã chấm dứt, nhiều năm sớm hơn cộng đồng tình báo Hoa Kỳ chờ đợi. Thực vậy, các cường quốc - ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ - hiện đang theo đuổi những chính sách đối ngoại ngày một độc lập hơn, bất kể áp lực từ Hoa Thịnh Đốn.

Đã hẳn, những điều trên đây không có nghĩa trong thời gian sắp tới, Hoa Kỳ sẽ không còn giữ vị thế một nền kinh tế lớn nhất thế giới, và, tính theo khả năng hủy diệt đơn thuần, một quân lực hùng mạnh nhất. Tuy nhiên, bối cảnh chiến lược - trong đó các lãnh đạo Mỹ thường quyết định các chính sách quan trọng liên quan đến quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ - đã thay đổi sâu xa kể từ sau ngày khởi đầu suy thoái kinh tế toàn cầu 2008.

Quan trọng hơn nữa, T T Obama và các cố vấn thân cận hình như đã bắt đầu, dù rất dè dặt, tái định hình chính sách đối ngoại của Mỹ trong bối cảnh thực tế toàn cầu đã đổi mới. Chẳng hạn, quyết định của chính quyền Obama xét lại chiến lược Afghanistan-Pakistan là tín hiệu hùng hồn mới nhất.

Phải đợi đến tháng 3-2009, T T Obama mới quyết định chiến lược chống nổi dậy ở Afghanistan và Pakistan, tăng quân trên bộ, và cam kết nỗ lực tranh thủ lòng dân trong những vùng do Taliban kiểm soát. Trên căn bản đó, Obama đã thay thế tư lệnh chiến trường Afghanistan, tướng David D. McKiernan, với Tướng Stanley A. McChrystal - được xem như vị tướng có chiến lược chống nổi loạn cương quyết hơn. Tuy nhiên, khi McChrystal đệ trình kế hoạch thực thi chiến lược mới với yêu cầu tăng thêm khoảng từ 40.000 đến 80.000 quân, đa số cố vấn thân cận của Tổng Thống đều kinh ngạc.

Kế hoạch leo thang cỡ đó không những sẽ đòi hỏi thêm hàng trăm tỉ USD giữa lòng khủng hoảng tài chánh, mà còn tăng thêm áp lực quá sức chịu đựng đối với quân nhân sau nhiều năm và nhiều đợt phục vụ ở chiến trường Iraq. Đã hẵn, gánh nặng tài nguyên có thể nhẹ bớt phần nào nếu các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ chịu cùng chia sẻ, một điều khó thể tiên liệu trong thực tế chính trị thế giới hiện nay.

Lãnh đạo Liên Bang Nga và TQ, dĩ nhiên, không hoàn toàn không hoan hỉ khi cuộc chiến Afghanistan-Pakistan đang làm tiêu hao tài nguyên tài chánh và quân sự vốn đã cạn kiệt của Hoa Kỳ. Trong trạng huống đó, không ai ngạc nhiên khi Phó T T Joe Biden và nhiều quan chức khác lên tiếng kêu gọi thay đổi chính sách của Hoa Kỳ: thay thế "chiến lược chống nổi loạn" (counter-insurgency) bằng "chiến lược chống khủng bố" (counter-terrorism), chỉ tập trung vào mục tiêu Al Qaeda ở Pakistan với phi cơ không người lái và các lực lượng đặc biệt, thay vì tăng quân tác chiến.

Hiện còn quá sớm để tiên liệu T T Obama sẽ tái duyệt chiến lược của Hoa Kỳ ở Afghanistan và Pakistan theo chiều hướng nào. Tuy nhiên, sự kiện Obama đã không vội vã chấp thuận kế hoạch tăng quân của tướng McChrystal cũng như đã dành cho Joe Biden đủ thời gian trình bày lập trường và luận cứ của mình, cho ta thấy: Obama có thể đã nhận thức được tính điên rồ trong đề nghị leo thang chiến tranh trong khi uy lực toàn cầu của Hoa Kỳ đang trên đà tuột dốc.

Người ta cũng cảm thấy sự cẩn trọng của Obama trong nhiều động thái khác gần đây. Mặc dù Obama tiếp tục nhấn mạnh không thể chấp nhận chương trình nguyên tử của Iran, và biện pháp quân sự để ngăn ngừa vẫn là một lựa chọn khả dĩ, Obama đồng thời cũng đã có những động thái rõ ràng nhằm giảm thiểu tối đa các trạng huống khả dĩ phải chọn lựa biện pháp vũ lực - một biện pháp không hề được các "đồng minh" ủng hộ.

Một mặt khác, Obama đã luôn nỗ lực phục hồi sinh hoạt ngoại giao của Hoa Kỳ, tìm cách cải thiện quan hệ với Liên Bang Nga và chấp thuận tiếp cận thương thảo với Burma, Sudan và Syria. Những động thái nầy cũng đã phản ảnh thực tế thế giới đang thay đổi: thái độ bề trên, hù dọa của chính quyền Bush đối với các xứ vừa nói và thế giới bên ngoài trong 8 năm qua chẳng gặt hái được gì đáng kể. Lối ứng xử mới của chính quyền Obama có thể hiểu như đã mặc nhiên nhận thức Hoa Kỳ đang trên đà tuột dốc: từ địa vị siêu cường duy nhất của hành tinh xuống địa vị một xứ bình thường như bất cứ cường quốc nào khác. Đây chỉ là cách ứng xử thường tình của các xứ bình thường: tiếp cận và làm việc với mọi nước thông qua đường lối ngoại giao dù ưa hay không ưa chính quyền các nước đối tác.

Chúng ta đang chung sống trong "thế giới 2025". Kỷ nguyên mới không giống thế giới trong quá khứ, khi Hoa Kỳ giữ địa vị siêu cường duy nhất với thái độ ngông cuồng, nhất là từ sau ngày Liên Bang Sô Viết sụp đổ. Thế giới hiện nay, trong thực tế, đã là "thế giới 2025".

Đối với nhiều người Mỹ, việc đánh mất địa vị siêu cường duy nhất có thể là một nguồn bất hạnh, đớn đau, ngay cả tuyệt vọng. Nhưng ngược lại, người Mỹ cũng không nên quên những lợi điểm của "một quốc gia bình thường như bất cứ quốc gia nào khác": không ai chờ đợi Canada, hay Pháp, hay Ý gửi thêm 40.000 quân tới Afghanistan để tăng cường 68.000 quân hiện có và 120.000 quân còn kẹt ở Iraq. Cũng chẳng ai chờ đợi các quốc gia vừa kể chi tiêu 925 tỉ mỹ kim tiền thuế của người dân vào những viêc làm ngông cuồng, bất nhân và tai họa đó. [Theo Dự Án Các Ưu Tiên Quốc Gia (National Priorities Project), đó là phí tổn ước tính hiện nay cho cả hai cuộc chiến].

Vấn đề vẫn là: Cho đến bao giờ Hoa Thịnh Đốn mới nhận thức được người Mỹ không còn có thể cáng đáng và đủ khả năng tài trợ vai trò toàn cầu: bố trí quân đội trên khắp hành tinh và theo đuổi các cuộc chiến ở những nơi xa xôi dưới chiêu bài an ninh toàn cầu trong khi nền kinh tế Mỹ đang mất hết khả năng cạnh tranh trên thế giới và đang trên bờ phá sản?

Đây là thế lưỡng nan T T Obama và các cố vấn của ông đang phải đối đầu trong thế giới đã đổi khác - "thế giới 2025".

Ngoài ra, Ủy Ban Nobel gần đây cũng đã chơi trò cá cược thật đặc biệt. Ủy Ban đã thấy chính đáng khi cấp Giải Nobel Hòa Bình cho T T Barack Obama - vừa dọn vào Tòa Bạch Ốc cách đây 9 tháng như một tổng thống chiến tranh.

Ủy Ban đã đem lại cho Obama một cơ hội lưu danh lâu bền với một thành tích đích thực chưa tổng thống Mỹ nào đạt được. Giải thưởng Nobel hòa bình còn đem lại cho Obama cơ hội dừng bước để xét lại lịch sử đế quốc của Mỹ và những gì quân lực Mỹ thực sự có thể thành đạt ở những nơi xa xôi trên thế giới.

Đây cũng là cơ hội duy nhất để đối diện một cách chân thật với giới hạn quyền lực quân sự của Mỹ - những giới hạn đã được phơi bày nhiều lần qua các cuộc chiến gần đây. Và đây cũng là cơ may cho Obama tự chuyển đổi từ một tổng thống chiến tranh do thừa kế để trở thành một lãnh đạo xây dựng hòa bình theo cách riêng, và nhờ đó, có thể chứng tỏ một kỷ năng rất ít tổng thống tiền nhiệm có được: Obama đã có thể thành đạt một chiến thắng bền lâu, trong khi tiết kiệm được xương máu, sinh mạng của người Mỹ cũng như người nhiều nước khác.

Hơn một trăm năm sau những nỗ lực chống các nhóm Hồi Giáo ly khai như Abu Sayyaf và Moros trên hai hòn đảo bé nhỏ, Basilan và Jolo, ở phía Nam Phi Luật Tân, quân đội Mỹ hiện nay vẫn còn phải bỏ mình trong tay những du kích Hồi giáo. Hơn 50 năm sau, Hoa Kỳ vẫn còn phải đóng quân ở miền Nam bán đảo Triều Tiên do cuộc chiến bất phân thắng bại và một nền hòa bình chưa trọn vẹn. Gần đây hơn nữa, kinh nghiệm của Hoa Kỳ còn gồm cả sự thất bại ở Việt Nam, Ai Lao, và Cambodia; tai họa ở Lebanon và Somalia; cuộc chiến chưa dứt trải dài qua bốn đời tổng thống ở Iraq; và cuộc chiến gần một thập kỷ ở Afghanistan vẫn chưa có dấu hiệu ngã ngũ. Chắc chẳng còn gì có thể chứng tỏ giới hạn quyền lực của Hoa Kỳ một cách rõ ràng hơn.

Những thành tích vừa kể quả thật đáng buồn trong khi tổn hại đối với các xứ nạn nhân thật hãi hùng và người Mỹ khó lòng thấu hiểu. Xương máu và đổ nát do chính sách của Hoa Kỳ trên thế giới trong nhiều thập kỷ gần đây hẳn đã quá rõ ràng trong mắt T T Obama, người vừa được giải Nobel hòa bình, ngay cả khi các tổng thống tiền nhiệm luôn từ chối tái thẩm định một cách khách quan quyền lực của Hoa Kỳ và các cuộc chiến đầy tai họa do người Mỹ chủ xướng.

Quan trọng hơn hết, trái với lời rao giảng qua guồng máy ngoại giao, quốc phòng của Mỹ, đây là những cuộc chiến không bao giờ vì lý do an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, hay vì lý tưởng đem lại tự do dân chủ cho bất cứ quốc gia nào khác, mà chỉ vì tham vọng đế quốc ngông cuồng của các chính quyền Mỹ trong nhiều thập kỷ vừa qua.

Hai con đường với hai điểm đến đang mời gọi T T Obama: hòa bình hay thất bại.

CHÚ THÍCH: Bài viết dựa trên tài liệu của các tác giả William J. Astore trên wastore@pct.edu; Eric Etheridge trên NYTimes.com; John Feffer, trên Foreign Policy in Focus website; và đặc biệt từ các tác phẩm của các tác giả sau:

(1)The Complex: How the Military Invades Our Everyday Lives, Nick Turse, Metropolitan Books, 2009.

(2) Rising Powers, Shrinking Planet: The New Geopolitics of Energy, Michael T. Klare, Owl Books, 2009.

© GS Nguyễn Trường

Irvine, California, USA

12-10-2009

 

===

[1] Although the United States is likely to remain the single most powerful actor [in 2025], [the country's] relative strength - even in the military realm - will decline and US leverage will become more constrained.

[2] The G-20 true significance is not in the passing of a baton from the G-7/G-8 but from the G-1, the U.S. Even during the 33 years of the G-7 economic forum, the U.S. called the important economic shots.

[3] Threats, sanctions, and threats of pressure in the current situation, we are convinced, would be counterproductive.

[4] The Sino-Iran relationship has witnessed rapid development as the two countries' leaders have had frequent exchanges, and cooperation in trade and energy has widened and deepened.

[5] Brazil went from a second-class country to a first-class country, and today we began to receive the respect we deserve. I could die now and it already would have been worth it.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Trường