Hiện tượng “Boomerang”

Vietsciences-Hồng Lê Thọ    26/06/2008

 

Những bài cùng tác giả

Bài 1: Tâm lý bầy đàn và khủng hoảng

Gần đây hiện tượng “đầu cơ” trong đời sống kinh tế được liên tục nêu lên khi giá vàng, đô la, gạo, xi măng, sắt thép, đất đai..lên cơn sốt dữ dội. Người ta còn nhớ vào tháng 10 năm ngoái, hàng trăm người sắp hàng rồng rắn từ tờ mờ sáng, tranh nhau phiếu thứ tự đăng kí mua căn hộ Vista (TPHCM), vì có được tấm giấy nầy là có thể kiếm ngay vài chục đến vài trăm triệu đồng lãi, tạo ra một cơn sốt đẩy giá chung cư cao cấp lên ngất trời 1,600-2,000 USD/mét vuông, nhảy vọt tăng 200-300% so với giá ban đầu của công ty xây dựng rao bán, phản ánh nền kinh tế bong bóng đã lên đỉnh cao ! Lời đồn trong giới buôn bán bất động sản được “rò rỉ” ra bên ngoài, thế là…những ai có vốn (nhàn rỗi cũng như không nhàn rỗi) đều nhao nhao chuyển dịch đầu tư, rút tiền trong tài khoản tiết kiệm hay huy động vốn chuyển sang nhà đất, vàng, đô la… qua lại bằng cách “lướt sóng” để mưu cầu lợi nhuận cao mà không phải nộp thuế. Điều nầy phản ánh một hiện tượng tương tự trên sàn giao dịch chứng khoán, người có tiền đổ xô mua cổ phiếu OTC, rồi các mã chứng khoán trên sàn giao dịch, đẩy giá cổ phiếu vượt giá trị thật gấp chục lần trong năm 2006-2007. Bước vào năm 2008 và cho đến hôm nay thì chỉ số VN-index đã tụt dốc không thể kìm hãm một cách thê thảm, còn mức 380-400 điểm thậm chí đã có mã rớt giá dưới giá sàn ở khởi điểm, gây biết bao thiệt hại đau đớn! Điều nầy cho thấy khi nền kinh tế mất ổn định thì tâm lý “bầy đàn” càng bị kích thích, hễ có nguồn tin nào đó báo hiệu một sự thay đổi về giá trị (hay giá cả) thì chen chân chạy theo, bất kể hậu quả ra sao và khi con đầu đàn quay lưng thì nhóm theo đuôi lại nhốn nháo lộn đầu. Đau đớn cho những ai nhẹ dạ hay phải quay vòng vốn bằng đồng tiền huy động với lãi suất cao để đầu tư vào chứng khoán, nhà đất… theo kiểu nầy cuối cùng tan tành như giấc mộng làm giàu của “Cô bé bán sữa” trong câu chuyện ngụ ngôn.

Điều dễ thấy là trên đường phố, hễ có một tai nạn va chạm, cọ quẹt giữa hai xe đang lưu thông là những người đang ngon trớn cũng dừng lại tò mò xem xảy ra chuyện gì, cứ thế đám đông ngày càng phình to, rồng rắn, gây kẹt xe khi tiếng cãi vã giữa những người trong cuộc ( và cả người đứng xem thêm vào) mỗi lúc một to hơn. Khủng hoảng và bất ổn trong đời sống càng lớn thì tâm lý “bầy đàn” của người dân càng lên cao, nhất là các nhu cầu sinh hoạt, giá cả nhu yếu phẩm hằng ngày đang đe dọa cuộc sống của họ. Thông thường, và là điều đầu tiên, người ta đổ lỗi cho nạn đầu cơ của thương lái như trong ngành Gạo, nằm ở khâu phân phối như trong Xi măng và các đại lý mua bán ngoại tệ, cửa hàng Vàng…nhưng thời gian đi qua mà vẫn không tìm thấy “thủ phạm” cụ thể để đưa ra xét xử và cuối cùng qui về…tâm lý bất ổn của người dân ! Thử hỏi có người nào tung tin để tự hại mình hay không ? “Vấn đề” đang ở “đâu đó” nếu không muốn đề cập đến trách nhiệm của những công ty quốc doanh nắm trong tay hàng triệu tấn gạo trong kho, nhà sản xuất hàng chục nghìn tấn xi măng mỗi ngày hay ngân hàng đầu tư kinh doanh ngoại tệ ? Nguyên nhân gây ra khủng hoảng về giá cả như đã nêu không phải hẳn là do yếu tố nước ngoài như một số nhận định gần đây.

Điều nầy càng thấy rõ hơn khi hai tuần qua giá vàng và đô la trong nước dao động dữ dội, thay đổi đến ngộp thở trong khi thị trường Vàng và đô la trên thế giới không có chuyển biến là bao. Trước dấu hiệu đồng tiền trong nước đang rơi vào tình huống của lạm phát ngày càng có khuynh hướng tăng nhanh, những người có tiền đồng đều nhìn bảng giá mua bán ngoại tệ hay vàng để lướt sóng hoặc mua dự trữ để bảo toàn vốn càng gây nên hổn loạn, chao đảo trên thị trường. Thay vì dùng biện pháp kinh tế để cân đối cung cầu ngoại hối ,thu hút và bơm ra lượng tiền đồng cũng như ngoại tệ tương ứng nhanh nhạy để điều tiết và ngăn chận sự mất giá của tiền đồng vì “ngân hàng nhà nước vẫn còn đủ ngoại tệ” như tuyên bố thì lại áp dụng biện pháp hành chính, qui định tiền ngoại tệ mua bán bên ngoài thị trường mà mình không quản lý nổi là phạm pháp, để chế tài nạn đầu cơ nhưng vô hình trung càng gây một tâm lý bầy đàn mới, đẩy giá ngoại tệ vào tình trạng khan hiếm bất ngờ. Việc hạn chế nầy liệu là giải pháp khả thi, có hiệu quả thực tế hay hoàn toàn ngược lại, vô tình khuyến khích việc lập lại một thị trường chợ đen về ngoại hối như những năm 80 của thế kỷ trước ? Hậu quả là hàng tỷ USD sẽ chui vào bóng tối trong khi những quầy mua bán ngoại tệ “hợp pháp” của ngân hàng sẽ đìu hiu, dưới một cơ chế cứng nhắc của thời bao cấp !
Tư duy cái gì không quản lý được thì cứ cấm, dùng biện pháp hành chính đã lỗi thời khi Việt nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó sự can thiệp của nhà nước cần phải được cân nhắc cẩn trọng hơn, tránh để cho tình trạng “trên nói dưới không nghe” hay “biện pháp chỉ là hình thức” thể hiện ý chí một cách chủ quan tiếp diễn

Bài 2: Ngân hàng nhà nước giám sát chặt chẽ thị trường ngoại hối
--Lợi bất cập hại--(hay lấy đá ghè chân mình)

Ngày 6/6/2008 Ngân hàng nhà nước (NHNN) ra chỉ thị theo công văn khẩn số 5063/NHNN-QLNH của Thống đốc NHNN giám sát chặt chẽ việc mua bán ngoại tệ trên thị trường, lập lại trật tự các quầy đại lý, tiệm vàng trong đó chỉ cho phép thu mua và không được phép bán ngoại tệ ra thị trường tự do. Biểu hiện đầu tiên là thị trường ngoại tệ bị đóng băng trong hai ngày sau đó, trên thị trường mua vào đã trở nên đìu hiu vì không ai bán ngoại tệ với một hối suất theo giá của NHNN qui định, còn người cần ngoại tệ để thanh toán các đơn hàng nhập khẩu phải huy động ngoại tệ ở thị trường chợ đen hay phải mua từ ngân hàng thương mại với một hối suất linh hoạt kèm các khoản phụ phí, hoặc mua đô la “đen” bán cho ngân hàng rồi lại phải mua từ ngân hàng đô la “sạch” chuyển khoản ra nước ngoài để thanh toán cho đối tác nếu không qua các tổ chức chuyển khoản bên ngoài. Hình thức nào đi nữa thì hối suất USD/tiền đồng sẽ cao hơn từ 3-5% giữa “đen” và “trắng” hoặc hơn nữa khi nạn khan hiếm giả tạo ngoại tệ “đen” lan rộng (1). Đây là cơ hội tốt cho nạn đầu cơ ngoại tệ tích cực phát triển, hình thành một thị trường “đen” song song với thị trường “chính qui” như những năm trước đổi mới. Hệ quả của biện pháp nầy là dòng chảy ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng ngày càng giảm nhanh, nhất là nguồn ngoại tệ vãng lai của khách du lịch hay dịch vụ thanh toán bằng ngoại tệ (cho thuê nhà, căn hộ, giao dịch dân sự của công ty nước ngoài…) trong nước đồng thời nguồn ngoại tệ thanh toán xuất nhập khẩu giữa các công ty trong nước và thương nhân nước ngoài sẽ phức tạp hơn vì hối suất chuyển đổi sang tiền đồng Việt nam qua ngân hàng thấp hơn thị trường chợ đen (2). Khả năng mua bán theo lối “hàng trao đổi hàng” (barter trade) sẽ được tái lập cũng như nạn buôn lậu qua biên giới có dịp bùng phát dữ dội, đưa đến việc trốn thuế, khai man gia tăng là điều có thể thấy trước.

Mục đích của biện pháp giám sát lần nầy nhằm mục đích kìm hãm sự mất giá của tiền đồng trong hối suất ngoại hối sau gần hai tuần thị trường mua bán ngoại tệ bị “nhóm” đầu cơ ngoại hối thao túng và lũng đoạn theo như giải thích của NHNN nhưng thay vì truy xét lý do tại sao hay truy lùng “thủ phạm” (3) thì đã vội vã dùng chỉ thị hành chính để kiềm chế, không nhận ra tình trạng đầu cơ nầy bắt đầu nguồn từ đâu, tại sao giá cả nhu yếu phẩm, xi măng, sắt thép…lũ lượt lên giá tăng vọt trong năm tháng đầu năm , đẩy tốc độ lạm phát vượt lên 15-18%, mặc dù NHNN thu vào-bơm ra lượng tiền đồng liên tục để đảm bảo thanh khoản, điều tiết lãi suất vẫn chưa phát huy được tác dụng như ý đồ ban đầu là hạn chế lượng tiền đang lưu thông để ngăn ngừa lạm phát. “Gói” 8 giải pháp khung để chống lạm phát và ổn định tăng trưởng của chính phủ cũng mới bắt đầu phát huy tác dụng (một cách biểu kiến) nhưng cũng chưa triệt để trong việc cắt giảm chi ngân sách vào những chương trình ở các địa phương như Thủ tướng đã phê bình nghiêm khắc, nạn nhập siêu vẫn tiếp tục ở mức cao, hối suất USD/đồng vẫn ở mức cao trong khi đồng đô la đang mất giá trên thị trường quốc tế…cho thấy nguy cơ lạm phát ở mức trên 30%-40% trong năm nay khó có thể khắc phục. Liệu 11 tỷ đô la của nguồn dự trữ quốc gia hiện nay sẽ sụt giảm nhanh như thế nào khi nguồn thu ngoại tệ sụt giảm dần vì thanh toán nợ cho nước ngoài và hạn chế việc thu vào theo biện pháp giám sát ngoại hối nêu trên, đặc biệt nguy cơ thiếu hụt ngoại tệ để đầu tư sản xuất, mua sắm vật tư cho các ngành chế biến, gia công xuất khẩu như giày da, may mặc, đồ gỗ nội thất, lắp ráp hàng điện tử… những mặt hàng xuất khẩu với 70-80% nguyên vật liệu là ngoại nhập, không kể phân bón, sắt thép,thuốc chữa bệnh cũng dựa vào nhập khẩu với tỷ lệ rất cao. Hơn thế nữa nguồn ngoại tệ từ kiều hối với mức 5-6 tỷ đô la—khi bị bắt buộc chuyển đổi qua ngân hàng với hối suất qui định có biên độ 2% vẫn quá thấp so với thị trường—cũng sẽ lọt ra thị trường tự do như trước đây, các khoản thanh toán bằng ngoại tệ của nhà nhập khấu nước ngoài cho công ty trong nước cũng sẽ được “chuyển”sang một kênh chuyển đổi khác có hối suất cao hơn, con số nầy có thể lên đến hàng chục tỷ đô la…cho thấy một viễn cảnh ảm đạm hơn nữa phủ bóng đen lên nền kinh tế vĩ mô, sản xuất sẽ bị đình đốn và thụt lùi đẩy lạm phát vào một vòng xoáy mà chúng ta không hề mong muốn mặc dù thủ tướng Nguyễn tấn Dũng đã xác nhận rằng “Việt Nam không có kế hoạch phá giá đồng nội tệ” trong buổi tiếp kiến Ts David Fernandez của Tập đoàn J.P Morgan Chase ngày 6/6/2008.

Mong rằng biện pháp “giám sát” nầy chỉ là tạm thời vì những lí do lợi bất cập hại nêu trên.

Hồng lê Thọ
10/6/2008


(1) Chênh lệch hối suất USD/VN đồng giữa 2 tỷ giá “trắng” và đen”

                                                                                 (Chợ đen)*
Tỷ giá liên ngân hàng 10/6: 1USD = 16.139VND      17,500 VND
Tỷ giá liên ngân hàng 9/6: 1USD = 16.132VND        17,480 VND
Tỷ giá liên ngân hàng 6/6: 1USD = 16.124VND        16,980 VND
Tỷ giá liên ngân hàng 5/6: 1USD = 16.117VND        16,800 VND


“Có thể trong thời gian các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động thu đổi ngoại tệ thì về công khai, các hoạt động này không thể hiện nhưng nhiều khả năng các giao dịch sẽ chuyển theo hướng ngầm, rất khó kiểm soát. Chiều qua (ngày 9/6/2008) vẫn có thông tin về giá mua - bán USD tương ứng trên thị trường tự do là 17.300-17.600 đồng/USD.” (vietnamnet 10/6/2008)
*giá của một tiệm vàng ở TPHCM tuy nhiên thay đổi liên tục, mập mờ…vì cảnh giác.

(2) một nguồn tin cho biết “thủ phạm” là các đại gia đồng loạt tung tiền mặt ra mua ngoại tệ-- sau khi nhận định tình hình lạm phát sẽ tăng tốc, không kìm hãm nổi-- để bảo toàn vốn!

(3) Công ty China Shipping Viet nam ra thông báo ngày 10/6 yêu cầu khách hàng trả thêm 10% trên tỷ giá bán của Ngân hàng ngoại thương khi thanh toán bằng tiền đồng.

 

Phụ lục:


Theo bản tin mới nhất trên báo Người Lao Động ngày 19/6/2008 cho thấy ý kiến nêu trong bài viết đã dự báo chính xác hiện tượng song hành 2 tỷ giá(chính thức và chợ đen)sẽ gây ra bao nhiêu điều phiền toái và bất cập:
Nhập nhằng chế độ hai tỉ giá...
19-06-2008 00:18:38 GMT +7

Doanh nghiệp buộc phải bán USD cho ngân hàng theo tỉ giá ngân hàng công bố, nhưng phải mua lại với tỉ giá trên thị trường tự do
Theo thống kê, tỉ lệ xuất khẩu của khu vực tư nhân trong nước đã chiếm hơn 50% xuất khẩu của cả nước ngoài dầu thô. Nhưng không phải toàn khu vực này đều được hưởng tỉ giá ổn định của Ngân hàng Nhà nước (SBV). Việc duy trì chế độ hai tỉ giá (chính thức và trên thị trường tự do) như hiện nay của các ngân hàng (NH) thương mại khiến tâm lý găm giữ đô la vẫn tồn tại. Đồng thời, có không ít doanh nghiệp (DN) nằm trong diện “ưu đãi” (được vay, mua USD theo tỉ giá NH) lại tìm cách “buôn” USD để thu lời.

Khóc, cười vì tỉ giá

Tuy chưa đạt đến đỉnh 18.600 đồng/USD (ngày 6-6) nhưng giá USD mua - bán trên thị trường tự do vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Ngày 18-6, USD mua vào–bán ra vẫn dao động khoảng 17.700 đồng/USD - 18.000 đồng/USD, trong khi tỉ giá công bố tại NH chỉ ở mức 16.461 đồng/USD.

Một số DN cho biết, giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh đem lại lợi ích cho không ít DN nhập khẩu bởi việc áp dụng chế độ hai tỉ giá hiện nay cho phép những DN có mối thân tình với NH có thể mua được ngoại tệ của NH theo tỉ giá chính thức. Sau đó sẽ bán ra bên ngoài để hưởng chênh lệch tỉ giá theo kiểu đi buôn, thu lời rất lớn, vì hiện nay tỉ giá chính thức của NH và trên thị trường chênh nhau khoảng 1.300 đồng/USD. Không chỉ vậy, một số DN dựa vào chế độ hai tỉ giá để “định giá hàng nhập cao hơn thực tế” (over-invoicing of import). Biện pháp này thường được các DN dùng để tận dụng chênh lệch tỉ giá giữa thị trường chính thức và thị trường tự do cũng như lợi dụng các cơ chế hỗ trợ xuất khẩu và còn có mục đích chuyển tiền ra nước ngoài. Một cách nữa là các DN định giá hàng nhập rẻ hơn thực tế nhằm mục đích trốn thuế cũng làm méo mó số liệu hàng nhập khẩu.
Ngược lại, một số DN vì chế độ hai tỉ giá này lại bị điêu đứng. Lãnh đạo một DN xuất nhập khẩu nội thất, vận tải biển cho biết, các NH thương mại vẫn áp dụng chính sách không bán USD theo tỉ giá công bố cho DN có nhu cầu, mà chỉ bán với giá thực tế 17.500 – 17.600 đồng/USD. Trong khi đó, DN xuất khẩu thu ngoại tệ buộc phải bán cho NH theo tỉ giá công bố. Tính ra, mỗi USD, DN thiệt 877 – 977 đồng. “Mỗi tuần, tôi phải chuyển ra nước ngoài thanh toán khoảng 1 triệu USD, thiệt hại lên tới gần 1 tỉ đồng” - lãnh đạo trên nói.
SBV cần can thiệp sớm

Dù SBV khẳng định chênh lệch cung – cầu USD không quá lớn, SBV đủ khả năng can thiệp để ổn định tỉ giá và can thiệp bán ngoại tệ cho các nhu cầu nhập khẩu hàng hóa thiết yếu... nhưng một số NH thương mại cho rằng nguyên nhân khiến giá USD giao dịch thực tế đội lên so với giá công bố phần lớn là do không tìm đủ nguồn USD để gom vào.

Theo TS Lê Thẩm Dương (Trường ĐH Ngân hàng), NH ép DN về tỉ giá đã dẫn đến những rối loạn trong thanh toán. DN đến lượt mình, buộc phải tăng giá sản phẩm tương ứng với tỉ giá thực tế, hoặc phải ép khách hàng thanh toán theo tỉ giá USD chợ đen. Do vậy, cần phải áp dụng cơ chế quản lý số liệu nhập khẩu chính xác để các nhà điều hành chính sách tỉ giá có thể cân nhắc ấn định tỉ giá sao cho phù hợp và không bị DN lợi dụng để trục lợi.
TS Trần Ngọc Thơ (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng trước mắt, để kìm giá USD trên thị trường, Nhà nước cần bán ra USD mạnh hơn nữa để đáp ứng đủ cho nhu cầu của DN. Đồng thời chấn chỉnh tình trạng mua - bán tràn lan USD để sớm bình ổn thị trường. Trong bối cảnh lạm phát, việc bán USD dự trữ ra để thu tiền mặt về, vừa ổn định tỉ giá vừa giúp Nhà nước chống lạm phát một cách hiệu quả.

Quỳnh Chi
http://www.nld.com.vn/tintuc/kinh-te/229012.asp
 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ