Giờ đây, mọi người có thể nghĩ nhân loại đang đi vào giai đoạn cuối của kỷ nguyên 11/9. Một cuộc chiến vừa kết thúc ở vùng Trung Đông nới rộng, một cuộc chiến khác cũng đang trên đường đi đến đoạn kết, mặc dù còn đầy tai họa. Nguy cơ al-Qaeda đã sụt giảm đến độ kim đồng hồ âu lo hầu như không còn nhúc nhích.
Trong thực tế, bạn rất có thể nghĩ thời cơ đã đến để người Mỹ quay trở về với các nguyên tắc ban sơ: hiến pháp và các dân và nhân quyền căn bản.
Tuy nhiên, những tín hiệu báo động vẫn đầy dẫy: năm 2012 sẽ là năm trong đó, nhân danh an ninh quốc gia, những quyền căn bản hình như chỉ có thể bị Guantanamo- hóa và giảm thiểu. Chằng hạn, mặc dù các kẻ thù thật sự nguy hiểm vẫn tiếp tục hiện hữu, trong thực tế thế giới ngày nay còn chứng kiến một kẻ thù mới trong tầm nhìn của người Mỹ: nói rõ ra, những thành phần cảnh báo các tai họa do Mỹ gây ra đang bị truy tố như những tên phản nghịch trưng bày cách vận hành của chính quyền Mỹ cho giới báo chí và kẻ thù của Hoa Kỳ.
Ở đây cũng như trong nhiều địa hạt khác, chúng ta có thể chờ đợi chính quyền Obama tiếp tục dõi theo con đường đã đưa người Mỹ ngày một xa dần một Hoa Kỳ họ đã từng thân quen. Và qua năm 2013, khi một tổng thống khác vào Tòa Bạch Ốc, ông ta có lẽ cũng sẽ đưa họ đi chệch đường xa hơn nữa.
Trong bối cảnh đó, sau đây là năm địa hạt an ninh quốc gia trong đó năm 2012 có lẽ ngày một thê thảm hơn năm 2011.
1. HÌNH PHẠT NGÀY MỘT GIA TĂNG VÀ CÔNG LÝ NGÀY MỘT MỜ NHẠT
Những ai, đang mơ tưởng kỷ nguyên của tầm với quá xa vì lý do an ninh quốc gia sẽ sớm chấm dứt, cần nên nhớ vài vụ xét xử vi phạm an ninh quốc gia đáng chú ý sắp diễn ra nay mai; và nhân loại rất có thể sắp bước vào kỷ nguyên trả thù mới của chính quyền Mỹ.
Trong số các vụ xét xử quan trọng đáng lưu ý nhất, các ủy hội quân sự tại Guantanamo sắp đưa ra xét xử Khalid Sheikh Mohammed, bị cáo chủ mưu trong vụ tấn công 11/9 và các đồng lỏa, cũng như vụ Abd al-Rahim al-Nashiri, bị cáo trong vụ tấn công cảm tử chiến hạm U.S.S. Cole ở cảng Aden. Đây sẽ là những vụ có thể bị tuyên án tử hình và đang bị truy tố với tinh thần trả thù.
Nhưng tinh thần trả thù sẽ không dừng lại với các tên chủ mưu a-Qaeda và đồng lõa. Một loạt các vụ không liên hệ đến tấn công hay sát hại người Mỹ cũng sẽ được đưa ra xét xử với lý do an ninh quốc gia và trong tinh thần trả thù tương tự.
Để bắt đầu, vụ xét xử trước tòa án quân sự quân nhân Bradley Manning, bị cáo tiết lộ các tài liệu mật của chính quyền cho WikiLeaks. Và rồi, rất có thể vụ truy tố sáng lập viên WikiLeaks, Julian Assange, ra tòa án Liên Bang - một bồi thẩm đoàn liên bang hiện đang cân nhắc tội của Assange – vì đã cộng tác với Manning. Cả hai đã được nhiều người bàng quan hoan hô và ủng hộ.
Các quan chức hàng đầu trong chính quyền Obama đã nhấn mạnh các tài liệu do WikiLeaks tiết lộ đã đe dọa mạng sống của nhiều người Mỹ, và bàn tay của cả hai - Assange và Manning – đang vấy máu người Mỹ, mặc dù không một mạng sống của bất cứ ai đã trực tiếp bị đe dọa bởi việc phổ biến các tài liệu liên hệ.
Các thành phần cực đoan khát máu trong quang phổ chính trị Hoa Kỳ – chẳng hạn nguyên thống đốc Arkansas và ứng viên tổng thống Cộng Hòa Mike Huckabee hay Dân biểu Mike Rogers, Cộng Hòa-Michigan – đã kêu gọi xử tử Manning. Rogers đã giải thích: “Tôi lập luận hình phạt tử hình rõ ràng cần được áp dụng trong trường hợp nầy…[Manning] rõ ràng đã tiếp tay cho kẻ thù trong việc có thể đe dọa sinh mạng các binh sĩ Mỹ hay các cộng tác viên. Nếu đó không phải là một vi phạm đáng tội tử hình, tôi không biết tội gì còn nặng hơn.”[1]
Một ước muốn trừng phạt tương tự, mặc dù không đến nổi tử hình, bắt nguồn từ sự quyết chí của chính quyền Obama theo dõi và thẳng tay trừng trị mọi tiết lộ, từ nội bộ chính quyền, cho các cơ quan truyền thông, ngay cả khi không trực tiếp hay thực sự lấy trộm tài liệu của chính phủ.
Đã hẳn, Obama đã vào Tòa Bạch Ốc với lời hứa một chính sách thông thoáng minh bạch trong mọi hành động của chính quyền, để rồi vượt quá mọi nỗ lực đàn áp các người lên tiếng báo động các vụ lạm quyền trong guồng máy nhà nước.
Vụ xét xử hai cựu viên chức tình báo CIA sắp tới là những vụ điển hình của dạng thức nầy: Jeffrey Sterling đã bị cáo buộc tiết lộ tài liệu bí mật cho James Risen báo the New York Times, về các kế hoạch phổ biến các thông tin không xác thực, nhưng chỉ mang lại phản tác dụng, trong nỗ lực phá hoại chương trình nguyên tử của Iran; và John Kiriakou đã biện hộ vô tội trong vụ tiết lộ thông tin cho các cơ quan truyền thông về các chính sách tra tấn trong kỷ nguyên Bush.
Nói chung, chính quyền đã truy tố sáu nghi can tiết lộ tài liệu mật – nhiều hơn tất cả các chính quyền tiền nhiệm gộp lại – dựa trên Luật Gián Điệp rất hà khắc.
Trong vấn đề các phạm nhân tiết lộ tài liệu mật, thông điệp không thể nào rõ ràng và mang tính trả thù hơn. Lập trường của chính quyền đã không hề thay đổi: lột trần chúng tôi, chúng tôi sẽ thẳng tay trừng trị với lòng căm thù bạn khó thể tưởng tượng nổi.
Cũng như giới khủng bố đã được cảnh cáo sẽ bị đối phó bởi luật mới và các hệ thống pháp lý có thể được ban hành, những ai đã bị cáo buộc tiết lộ cho báo chí hiện đang được cho biết: ngay cả toàn bộ hệ thống pháp lý vẫn chưa phải là giới hạn khi nói đến trừng phạt.
Chứng cớ là cách đối xử với Bradley Manning trong năm đầu tạm giam trước khi bị cáo buộc bất cứ tội gì: Manning đã bị giữ biệt lập trong nhà tạm giam của Thủy Quân Lục Chiến và buộc phải ngũ trần truồng.
Cũng đừng nên quên không những chỉ tìm cách truy tố mà còn hủy hoại đời sống của cựu viên chức Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Thomas Drake. Drake bị cáo buộc tiết lộ thông tin bí mật về điều anh ta tin là một chương trình quá phí phạm của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia -NSA. Cuối cùng, mặc dù bị truy tố theo Luật Gián Điệp, anh ta cũng chỉ phải bào chữa một tội vi cảnh: mượn tạm máy vi tính của chính quyền – nhưng cũng phải đợi đến khi đời sống hoàn toàn bị đảo lộn và đã mất việc làm.
2. NGÀY MỘT NHIỀU NẠN NHÂN BỊ BỎ QUÊN TRONG NGỤC TÙ VÀ NGÀY MỘT MẤT TIN TƯỞNG VÀO HIẾN PHÁP
Việc thừa nhận sự giam giữ những thành phần – một thời được xem như “chiến binh thù địch” hay enemy combatant, ngày nay được gọi là “chiến binh thù địch không có đặc quyền” hay “unprivileged enemy belligerents” – chỉ là một hành động lỗi thời – mang thuộc tính Mỹ không mấy khác “apple pie.”
Cũng như chính quyền Bush trước đây, ngày nay chính quyền Obama cũng công khai nhấn mạnh cam kết giam giữ khoảng 50 chiến binh ở Guantanamo vô thời hạn, chẳng cần buộc tội hay xét xử.
Tháng 5-2009, trong một bài nói chuyện ở Nha Văn Khố Quốc Gia, Tổng Thống Obama đã nói không thể nào rõ hơn: câu lưu vô thời hạn sẽ được duy trì như một chọn lựa trong thùng khí cụ an ninh quốc gia cần thiết trong chính quyền của ông. Như vậy, Obama đã đảm bảo: một dạng bất công của Mỹ ở hải ngoại và là yếu tính của Guantanamo – điều có lúc ông đã hứa sẽ hủy bỏ – có thể được tiếp tục không chút đổi thay.
Tuy nhiên, năm 2012, còn có thêm một loại câu lưu vô thời hạn mới khá rắc rối và đáng lo âu: các công dân Hoa Kỳ.
Trước đây, công dân Mỹ được đặc miễn – khỏi bị giam giữ ở Guantanamo, và do đó, nằm ngoài chính sách giam giữ mà không cần xét xử.
Trong năm 2002, Yaser Hamdi, một công dân Hoa Kỳ gốc Saudi Arabia, khi được khám phá đang bị giam giữ ở Vịnh Guantanamo, đã vội vàng được đưa lên phi cơ chở đi nơi khác, một dấu hiệu của các quyền vẫn còn được dành cho công dân Hoa Kỳ. Cũng tương tự như vậy, một chiến binh Taliban người Mỹ, John Walker Lindh, bị bắt trên chiến trường Afghanistan, cũng đã được đặt dưới quyền tài phán của hệ thống tòa án liên bang.
Tuy nhiên, gần đây, Quốc Hội đã tỏ ra ít tôn trọng sự phân biệt giữa các quyền dành cho công dân và không phải công dân. Trong tháng 2-2012, Quốc Hội đã thông qua Luật Ủy Quyền Quốc Phòng 2012 – NDAA (2012 National Defense Authorization Act). Các cuộc thảo luận trước khi thông qua luật mới đã phản ảnh một nỗ lực chung đặt công dân Mỹ cũng như người nước ngoài trong cùng chế độ: có thể bị câu lưu quân sự vô thời hạn.
Cuối cùng, công dân giả thiết vẫn còn được chước miễn khỏi luật mới, nhưng mặc dù vậy, xuýt nữa cũng đã mất quyền nầy và là một tín hiệu – đó rất có thể cũng là một khuynh hướng trong tương lai.
Như một phúc trình gần đây của Sở Nghiên Cứu Quốc Hội về Luật NDAA 2012 đã giải thích, “ý định không phải nhằm ảnh hưởng đến các quyền lực hiện hữu liên quan đến sự quản thúc các công dân Mỹ hay các ngoại kiều thường trú hợp pháp, hay bất cứ người nào bị bắt hay câu lưu ở Hoa Kỳ.”[2]
Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều âu lo về các bảo đảm dành riêng cho công dân Hoa Kỳ còn được duy trì dưới Luật mới. Ngay cả lời tuyên bố của TT Obama – khi ký ban hành luật mới: T T sẽ không cho phép hành vi quản thúc quân sự vô thời hạn không xét xử các công dân Mỹ – cũng không thể làm dịu bớt những nổi sợ hải vừa nói. Nếu công dân Hoa Kỳ thực sự được bảo vệ trước sự khả dĩ quản thúc vô thời hạn dưới luật mới, tại sao lời tuyên bố khi ký ban hành luật mới còn cần thiết?
Ngoài ra còn có những nơi luật mới hình như đã chìm đắm vào quên lãng trên phương diện pháp lý và chẳng có cách nào hạn chế hành động của nhà cầm quyền Mỹ: trên các đại dương.
Vào hồi đầu năm, chính quyền Obama đã loan báo quản thúc 15 tên cướp biển ngoài khơi Somalia – và các đương sự đã bị quản thúc không dựa trên bất cứ quy chế pháp lý nào. Theo phóng viên báo New York Times, C.J. Chivers, “nơi sự cấm đoán chấm dứt, một vấn đề dài lâu bắt đầu: phải làm gì với các tên cướp biển các tàu nước ngoài đang quản thúc?”[3]
Theo Bộ Ngoại Giao, những tên cướp sẽ được đưa ra xét xử. Nhưng ở đâu? Theo lời của Phó Đề Đốc Mark I. Fox, “Chúng ta thiếu một hoàn tất pháp lý thực tế và đáng tin cậy.”[4] Nói một cách khác, Hoa Kỳ chưa tìm được một quốc gia dưới luật pháp của quốc gia đó Hoa Kỳ có thể xét xử họ. Trong lúc chờ đợi, theo những tường trình mới nhất, Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục quản thúc họ. Người ta có thể quan niệm tàu hải quân như một Guantanamo nổi trên mặt nước đang quản thúc những kẻ thù để thủ lợi.
3. NGÀY MỘT NHIỀU BÍ MẬT VÀ MỘT THIẾU MINH BẠCH HƠN
Bí mật”cần thiết”đã là cách giải thích cuối cùng của chính quyền – fallback explanation, đối với phần lớn thông tin đã bị che đậy để tránh mọi giám sát của công chúng kể từ sau 11/9. Các ủy hội quân sự ở Guantanamo sẽ tiếp tục thụ lý , chẳng hạn, với lý do nếu các bị cáo, phần lớn đã bị quản thúc hơn một thập kỷ, phải được đưa ra xét xử trước tòa án liên bang, quá nhiều thông tin sẽ bị phơi bày, một cách nào đó, có thể phương hại đến an ninh Hoa Kỳ.
Nhằm đối phó với những yêu sách của phái tự do dân sự cho rằng bí mật chỉ là nỗ lực che dấu cách xử lý xấu xa hay sai quấy, chính quyền đương nhiệm đã hứa hẹn minh bạch thông thoáng trong các hoạt động của ủy hội quân sự sẽ bắt đầu làm việc vào cuối năm nay. Các nỗ lực minh bạch, loan báo từ mùa thu năm ngoái, bao gồm một mạng lưới nơi các tài liệu – loang lổ với những dấu vết tẩy xóa – công chúng có thể tiếp cận, và các cơ quan truyền thông và thân nhân của gia đình các nạn nhân có thể vào xem riêng, mặc dù với 40 giây chậm trễ.
Tuy vậy, chính quyền chẳng phí nhiều thì giờ trước khi làm ngược lại những cam kết minh bạch, theo ngôn từ lễ độ của Spencer Ackerman thuộc Wired’s Danger Room blog, đảm bảo Guantanamo vẫn luôn là nơi không rộng mở thông thoáng – not a place of openness. Trong lúc đó, tất cả thư tín trao đổi giữa những người bị quản thúc và luật sư quân đội đại diện họ đều bị sàng lọc, một hành động gây bức xúc đối với các luật sư.
Trong loại thiếu minh bạch và màn bí mật ngày một gia tăng như nguyên tắc số một của chính quyền, phải kể hành động giấu kín một thông tư của Cơ Quan Tư Vấn Pháp Lý thuộc Bộ Tư Pháp – OLC.[5] Thông tư rõ ràng được soạn thảo nhằm biện minh vụ ám sát, bởi phi cơ không người lái ở Yemen trong tháng 9 năm ngoái, công dân Hoa Kỳ Anwar al-Awlaki, được gán biệt hiệu “bin Laden của Mạng Internet.”[6]
Cho đến gần đây, chính quyền đã lẫn tránh các chất vấn về vụ ám sát al-Awlaki và một công dân Mỹ khác, Samir Khan, biên tập viên tạp chí Inspire của al-Qaeda. Trong tháng giêng, chính quyền đã loan báo: Bộ Trưởng Tư Pháp Eric Holder sẽ sớm phổ biến thông tư của OLC hợp pháp hóa hai vụ ám sát, nhưng hoãn lời giải thích của Holder đến tháng ba. Trong lúc đó, báo New York Times và ACLU đã nộp đơn đòi công bố thông tư đúng theo quy định của Luật Tự Do Thông Tin (FOIA).[7] Ngày 5-3, Holder cuối cùng cũng đã phải giải thích chi tiết cách lập luận vòng vo sau vụ ám sát al-Awlaki, nhưng vẫn chưa thấy tăm hơi của thông tư.
Trong suốt năm vừa qua, bức màn bí mật bao trùm nhiều hành động của chính quyền ngày một gia tăng rõ rệt. Để đơn cử một trong những ví dụ quá trớn, thử xem xét cách xử lý của chính quyền trong vụ Jeffrey Sterling – nhân viên tình báo CIA trước đây. Theo yêu cầu của Sterling, một thẩm phán liên bang nay đã chấp thuận cho phép áp dụng “quy luật nhân chứng im lặng.”[8] Nói một cách khác, thẩm phán sẽ cho phép bồi thẩm đoàn được xem các tài liệu của chính quyền nhưng không được công bố, theo công tố viện, vì lý do “an ninh quốc gia”.
Sau một thập kỷ, đối với các vấn đề an ninh, thói quen luôn xếp quá nhiều tài liệu ít nhiều quan trọng vào bóng tối dưới đề mục an ninh quốc gia, điều nầy không có gì đáng ngạc nhiên. Ngày nay, người Mỹ ngày một biết ít hơn những gì chính quyền do họ bầu lên đang làm. Nếu không nhờ những vụ kiện FOIA của ACLU và vài cơ quan khác, rất ít những gì chúng ta biết về tra tấn và giám sát không có lệnh của tòa án, và nhiều việc làm mờ ám tai hại khác của chính quyền, đã có thể được khui ra ánh sáng.
Cứ lưu ý xem con số ngày một nhiều các vụ truy tố những người lên tiếng báo động như thêm một phương cách che dấu các hoạt động khỏi cặp mắt canh chừng của tập thể công dân.
4. NGHI NGỜ NGÀY MỘT NHIỀU VÀ RIÊNG TƯ NGÀY MỘT ÍT
Trong nhiều năm, viễn tượng nghe lén với lý do an ninh quốc gia đã có tác dụng ghê rợn đối với người Mỹ chống đối các chính sách của chính quyền trong cuộc chiến chống khủng bố.
Năm 2008, T T Bush đã ký Luật các Tu Chính FISA, cho phép chính quyền nghe lén các công dân với tối thiểu giám sát bởi các Tòa Án Giám Sát Tình Báo Ngoại Quốc vốn sẵn bí mật. Đó là những tòa án được thiết lập năm 1978 để giám sát việc cho phép theo dõi các nhân viên tình báo tiềm năng của nước ngoài. Chính quyền Obama, nhân danh an ninh quốc gia, đã liên tục sử dụng quyền hạn nầy và quyền của chính quyền tự do ghi âm những liên lạc truyền thông điện tử giữa người bên ngoài Hoa Kỳ và người trong nước.
Trong lúc đó, những tiết lộ mới nhất - nghi ngờ ngày một nhiều và riêng tư ngày một ít – đã được phản ảnh bởi tin Nha Cảnh Sát Thành Phố New York, NYPD, đã luôn sử dụng các chương trình giám sát vi phạm quyền tự do dân sự các công dân Hồi Giáo Mỹ trong thành phố. NYPD đã xâm nhập các đền thờ và các đại học Hồi giáo, thu lượm thông tin về các cá nhân không hề bị nghi ngờ phạm tội, cùng với các quan chức CIA (nay đã được thu hồi) sử dụng những phương pháp quen thuộc dành riêng cho cơ quan nầy.
Đã hẳn các hành vi nầy, dù không chính thức, đã vi phạm sứ mệnh của CIA – chỉ được quyền giám sát ở nước ngoài; và không một ai dính líu đã phải bị chế tài. Hơn nữa, trong một phối hợp đáng ngạc nhiên vượt quá tầm với an ninh và theo dõi tiểu sử bởi cảnh sát, NYPD đã điều tra và giám sát các công dân Hoa Kỳ theo Hồi giáo ngay cả bên ngoài thành phố New York – từ New Haven, Connecticut đến Newart, New Jersey.
Mọi việc càng thêm tồi tệ, chính quyền cũng mới chấp thuận sử dụng phi cơ không người lái trong chiến dịch giám sát như một phần trong các dụng cụ thi hành luật pháp ngày một bành trướng, nhằm thu thập thông tin bên trong Hoa Kỳ. Ngày 14-2 vừa rồi, T T Obama đã ký luật cho phép sử dụng phi cơ drone trên nhiều địa bàn rộng lớn, từ các hoạt động doanh thương đến thực thi luật pháp.
Thông điệp đã khá rõ ràng: năm nay, năm tới và năm kế tiếp sẽ là những năm nghe lén rình rập nhiều hơn. Đối với công tác thực thi luật pháp, cuộc đời của dân Mỹ là một cuốn sách rộng mở.
5. GIẾT CHÓC NGÀY MỘT NHIỀU, HÒA BÌNH NGÀY MỘT HIẾM
Không một ngày trôi qua mà không có tin sử dụng phi cơ drone Predator và Reaper để ám sát các cá nhân ở các nước ngoài, kể cả những năm gần đây ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Yemen, Somalia, Libya, và Phi Luật Tân. Không khác gì khi CIA và giới quân sự được trao cho một đồ chơi mới, họ không thể không sử dụng hay không dạy người khác sử dụng. Theo báo Atlantic, “một ước tính bảo thũ gợi ý hàng trăm dân thường không phải chiến binh đã bị ám sát chỉ riêng ở Pakistan.”[9]
Trong khi đó, cổ vũ chiến tranh với Iran luôn tiếp tục gia tăng. Đối diện với viễn tượng một cuộc tấn công Cộng Hòa Hồi Giáo của Do Thái, chính quyền Obama đã từ chối sẽ lùi bước trước viễn tượng trở thành một quốc gia tham chiến.
Obama đã nói: “Lãnh đạo Iran cần hiểu rõ tôi không có một chính sách đắp bờ. Tôi có một chính sách ngăn chặn Iran thủ đắc một vũ khí hạt nhân. Và như tôi đã nhiều lần làm rõ trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi, tôi sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực khi cần, để bảo vệ Hoa Kỳ và quyền lợi của Hoa Kỳ.”[10]
Trong thực tế, nhằm ngăn ngừa một cuộc chạm trán có tiềm năng tai họa, có thể tác động nghiêm trọng đến giá dầu và kinh tế toàn cầu, một số quan chức dân sự và quân sự cao cấp đã được Hoa Thịnh Đốn gửi đến Do Thái với thông điệp tránh một cuộc tấn công vào Iran. Tuy vậy, chiến tranh vẫn tiếp tục được các nhà ngoại giao và nhiều quan chức khác xem như “một việc đã rồi” – a fait accompli.
Và trong thực tế, tin tức đã thực sự nghiêm trọng và luôn theo chiều hướng: sử dụng luật pháp, hay ít ra dạng thức luật pháp của Bộ Tư Pháp, để biện minh những hành động chính quyền cảm thấy cần thiết để chống lại bất cứ ai họ xem như kẻ thù. Bộ Trưởng tư pháp Holder đã tóm tắt tình hình rõ ràng chỉ để biện minh vụ ám sát al-Awlaki.
Trong một chi tiết có ý nghĩa, Holder đã giải thích việc giết chết một công dân Mỹ (và nghi can khủng bố) là hợp pháp, mặc dù thực tế hành động sát nhân đã đặt thành vần đề bảo vệ “quá trình luật định” theo Tu Chính Án số Năm, và mặc dù các bảo đảm đã được đưa ra bởi các luật chiến tranh. Holder tuyên bố: “Tiến trình luật định không phải là tiến trình tư pháp.”[11] Đó là một lời thú nhận ngay thẳng đáng ngạc nhiên một điều mới lạ dưới ánh sáng mặt trời của Mỹ: tiến trình luật định nay là những gì tổng thống và các cố vấn cận thần quyết định là tiến trình luật định — một tái tư duy hiến pháp quan trọng bậc nhất để biện minh sát hại một công dân Hoa Kỳ được chọn làm mục tiêu ám sát.
Tóm lại, trong vòng một thập kỷ Hoa Thịnh Đốn đã đẩy người Mỹ vào vùng tranh tối tranh sáng pháp lý – và tất cả những gì đi kèm theo, kể cả các biện pháp trừng phạt, những nỗ lực tránh né các bảo đảm hiến định, sự lan tràn của bóng tối bí mật và giám sát , sự mất tin tưởng ngày một gia tăng của công dân Mỹ , và hành vi ám sát trắng trợn – không phải là điều người Mỹ sẽ dễ dàng sớm đẩy về phía sau.
Sự dịch chuyển xa dần các quyền và tự do công dân đã được Hiến Pháp và luật pháp tôn thờ rõ ràng là con đường tương lai của Mỹ trong thời đại mới của các kẻ thù.
Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
08-4-2012