Đầu tư trực tiếp nước ngoài và kỹ năng nghiệp vụ

Vietsciences- Đặng Đình Cung        18/11/2007

Những bài cùng tác giả

Nhờ có nhiều ưu điểm vượt trội những nước khác trong khối ASEAN, Việt Nam đang thu hút rất nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng sự đột phá này rất có thể chững lại trong một thời gian ngắn

Một tập đoàn siêu quốc gia chọn một nơi đầu tư sản xuất vì hai lý do: gần gũi với thị trường và giá thành thấp. Mặc dù lợi tức mỗi đầu người gia tăng mạnh từ khi có chính sách đổi mới, chúng ta vẫn còn là những người nghèo nhất thế giới với sức mua thấp. Một công ty nước ngoài đầu tư để sản xuất ở Việt Nam không phải vì thị trường lớn mà vì hy vọng đạt được giá thành thấp để cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Giá thành một sản phẩm là hậu quả của ba yếu tố chính: hiệu suất của thiết bị sản xuất, thuế và chi phí nhân lực.

Khi xây mới một nhà máy, người ta chọn ngay thiết bị hiện đại nhất để có hiệu suất cao nhất. Việc chọn thiết bị này không tuỳ thuộc ở nơi đặt nhà máy. Trong khối ASEAN, thuế suất không còn là một yếu tố lựa chọn một nước để đầu tư. Các nước đã và đang tranh nhau “phá giá” để khuyến khích đầu tư, đã tới một điểm cân bằng chung về thuế suất. Chi phí nhân lực một đơn vị sản phẩm là lương và phần đóng góp an sinh phụ cận chia cho năng suất nhân lực. Tuỳ hoàn cảnh kinh tế của một nước, lương và phần đóng góp an sinh phụ cận có thể rất thấp. Nhưng những chi phí đó chỉ có thể giảm tới một chừng mực tuỳ ở mức phát triển kinh tế của một nước. Nếu là một nước giàu thì mức đó cao. Nhờ kinh tế nước ta tăng trưởng mạnh, mức tối thiểu đó sẽ tăng mạnh. Vậy, việc chọn xây một cơ sở sản xuất ở Việt Nam hay không sẽ chủ yếu tuỳ ở năng suất nhân lực đủ cao để chủ đầu tư có thể cạnh tranh hữu hiệu trên thị trường thế giới. Như chúng tôi sẽ bàn ở phần tiếp, năng suất tuỳ ở kỹ năng nghiệp vụ.

Trên phương diện kinh tế vĩ mô, khả năng phát triển kinh tế của một nước cũng dựa vào hai yếu tố: thiết bị sản xuất và kỹ năng nghiệp vụ.

Sau Thế chiến 2, Mỹ đã tài trợ cho Nhật và Đức khắc phục hậu quả chiến tranh. Sau chiến tranh Triều Tiên, Mỹ lại tài trợ Hàn Quốc. Bây giờ, các nước đó trở thành những cường quốc công nghiệp thứ hai (Nhật), thứ ba (Đức) và thứ mười (Hàn Quốc). Sự hồi phục kinh tế của ba nước này được coi là ba kỳ công. Kỳ công này dễ hiểu theo lý thuyết kinh tế vĩ mô và vi mô trình bày ở trên. Cả ba nước này bị chiến tranh tàn phá. Khi tái thiết, ba nước này đã nhập khẩu những công nghệ hiện đại với hiệu suất cao. Nhật và Đức có sẵn nhân lực đã được đào tạo từ trước chiến tranh. Nhờ dân đã có sẵn kỹ năng nghiệp vụ cao, hai nước này đã hồi phục rất mau. Hàn Quốc hồi phục chậm hơn vì khởi đầu là một nước lạc hậu nên phải mất thời gian để đào tạo nhân lực.

Hoàn cảnh Việt Nam thì như thế nào?

Sau khi hoà bình lập lại, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào dồi dào và bền vững. Nhờ đó, chúng ta đã có thể tái thiết đất nước với những công nghệ hiện đại. Những nhà máy may mặc, giày dép, đồ nhựa, điện tử... ở nước ta là những nhà máy tối tân nhất trong vùng. Những nhà máy điện của ta có hiệu suất rất cao và tuân thủ những chỉ tiêu khắt khe về bảo vệ môi trường. Từ nước ngoài gọi điện thoại về Việt Nam nghe rõ hơn là gọi đến những thị xã ở Middle West bên Mỹ. Nhưng điều kiện thuận lợi đó chưa đủ để chúng ta tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài vì công chức nhà nước và người lao động Việt Nam thiếu kỹ năng nghiệp vụ.

Từ khi Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam bổ nhiệm những vị lãnh đạo quyết tâm chống tham nhũng, các nhà tài trợ ít nói đến vấn đề đó ở Việt Nam. Hãng cung cấp thông tin kinh tế EIU ở Anh chỉ còn nêu có hai lý do cản trở đầu tư trực tiếp nước ngoài: hạ tầng cơ sở nghèo nàn và trở ngại hành chính.

Hạ tầng cơ sở kém không phải là một vấn đề vì, nếu cần, Chính phủ có thể cho phép nước ngoài xây theo dạng BO hay BOT. Thủ tục hành chính rườm rà chỉ là hậu quả của tình trạng thiếu kỹ năng nghiệp vụ của công chức Việt Nam. Lẽ cốt nhiên những luật liên quan đến kinh doanh và đầu tư nước ngoài cần phải được cải thiện liên tục, nhưng những luật lệ hiện hành không gò bó hơn hay kém gì các nước khác thuộc khối ASEAN. Chúng được ban hành từ trung ương và khi xuống tới địa phương thì không có ai biết làm gì để tuân theo cho đúng. Để tránh khỏi bị khiển trách đã sai phạm, mỗi cấp hành chính bịa thêm một số thủ tục mâu thuẫn nhau, chuyển việc lớn cũng như việc nhỏ lên cấp trên xin ý kiến trước và mất thời gian tham khảo tập thể cho tới khi có thể pha loãng trách nhiệm. Thời giờ là tiền của. Vì thiếu kỹ năng nghiệp vụ, những công chức làm tăng giá thành tương lai của sản phẩm ngay từ khi chủ đầu tư chưa được phép đầu tư!

Hiện nay, những xí nghiệp nước ngoài chủ yếu đầu tư vào nước ta ở những ngành công nghệ thấp. Dù là những ngành công nghệ thấp nhưng kỹ sư Việt Nam vẫn không có đủ kỹ năng nghiệp vụ để điều hành sản xuất. Những xí nghiệp nước ngoài phải gửi cán bộ của họ sang để hỗ trợ và trở thành chi phí trội thêm đè lên giá thành. Một người sẽ có đủ kỹ năng để may áo, khâu giày, đóng bao bì, vận hành một thiết bị thuyên chuyển hay một cỗ máy đơn sơ sau một hai ngày làm thử. Nhưng, tới một điểm nào đó của quy trình phát triển kinh tế, nông thôn sẽ không còn là một nguồn nhân lực rẻ tiền và dễ bảo cho những xí nghiệp nước ngoài. Nhiều khu công nghiệp đang bắt đầu có vấn đề tuyển nhân công không có tay nghề. Đó là một nguyên nhân nữa làm tăng giá thành.

Trên phương diện quản lý nhân lực, những ngành công nghệ cao chỉ cần đến một số nhỏ chuyên viên mũi nhọn và rất nhiều nhân công không cần đến kỹ năng nghiệp vụ cao lắm. Nếu có sẵn những thẻ vi mạch và những cáp chỗ nối thì lắp ráp một máy vi tính dễ hơn là lắp ráp một xe đạp. Nhưng một thẻ vi mạch hay một cáp chỗ nối cần đến độ tinh vi mà chỉ những máy tự động chính xác mới có thể chế tạo được. Những thẻ vi mạch, những cáp chỗ nối, những rô bốt và quy trình sản xuất chúng đã được nghiên cứu thiết kế và sản xuất ở nước ngoài. Tình cảnh những ngành công nghệ cao khác cũng tương tự như thế. Những xí nghiệp công nghệ cao nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để lợi dụng mức lương thấp của một nguồn nhân lực thiếu kỹ năng nghiệp vụ. Họ chỉ muốn hạ giá thành chứ không có ý đồ chuyển giao công nghệ cho kỹ sư Việt Nam, nếu việc chuyển giao đó không phải là một điều kiện để được phép đầu tư.

Nhân tố kỹ năng nghiệp vụ không phải là một giả thuyết có tính cách hàn lâm.

Thời Chiến tranh lạnh, Mỹ đã viện trợ kinh tế ồ ạt cho nhiều nước đồng minh của họ. Hiện nay, nhiều nước giàu về tài nguyên thiên nhiên có dự trữ tài chính cao. Những nước đó có khả năng nhập khẩu những thiết bị sản xuất tối tân nhất, nhưng đã không trở thành những quốc gia dân giàu nước mạnh như Nhật, Đức hay Hàn Quốc. Nguyên nhân là chính quyền những nước đó không muốn hay không có khả năng khai hoá dân hay/và dân họ không muốn học những cách thức làm ăn của các nước công nghiệp. Những chuyên gia về kinh tế vĩ mô gọi hiện tượng đó là "giới hạn của khả năng hấp thụ tiến bộ": không có nhân lực với kỹ năng nghiệp vụ cao thì không có phát triển kinh tế.

Với gần một trăm triệu nhân khẩu, chúng ta sẽ phải đào tạo và bồi dưỡng liên tục kỹ năng nghiệp vụ cho hàng triệu công nhân, hàng trăm nghìn cán bộ kỹ thuật và hàng vạn cán bộ điều hành. Đào tạo đủ số nhân lực vào đúng trong những ngành chuyên môn mà kinh tế quốc dân có nhu cầu có thể coi là thử thách duy nhất của Bộ Lao động - thương binh - xã hội và Bộ Giáo dục - đào tạo.

Đã đăng trên Saigon Tiềp Thị

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Đặng Đình Cung