Dầu khí và tương lai Iraq

Vietsciences- Nguyễn Trường                    06/10/2009

 

Những bài cùng tác giả

Trong những bài viết trước đây, tác giả đã nhiều lần có dịp bàn đến tiềm năng và địa vị của dầu khí trong địa chính trị của Iraq: Dầu khí luôn là trung tâm của mọi sinh hoạt ở Iraq hiện nay; ngay cả sự hiện hữu của một Iraq thống nhất tự nó đã là một sản phẩm của dầu khí; và lịch sử cận đại của Iraq đã được định hình bởi tác động của dầu khí.

Thực vậy, Iraq là một trong số các quốc gia giàu năng lượng trên thế giới. Theo British Petroleum - BP, Iraq có một trữ lượng dầu được kiểm chứng 115 tỉ thùng (barrels), chỉ đứng sau Iran với 138 tỉ và Saudi Arabia 264 tỉ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, tiềm năng dầu khí Iraq chưa được thăm dò đúng mức, và nếu sử dụng kỹ thuật thăm dò hiện đại, sẽ có thể tìm thêm được một số trữ lượng từ 45 đến 100 tỉ thùng. Nếu tất cả số trữ lượng đã được kiểm chứng và có thể tìm thấy được khai thác đầy đủ, Iraq có thể cung ứng thêm cho thế giới từ 6 đến 8 triệu thùng mỗi ngày, như vậy, sẽ giúp đẩy lùi đỉnh điểm sản xuất toàn cầu trước khi bắt đầu tiệm giảm.

TRỮ LƯỢNG DẦU KHÍ CỦA IRAQ

Cho đến nay, việc khai thác dầu khí ở Iraq luôn bị cản trở bởi chiến tranh, can thiệp của nước ngoài, chế tài, bất ổn nội bộ, tham nhũng, và thuần túy bất lực. Có lúc Saddam Hussein cũng đã thành công trong nỗ lực nâng cao số dầu sản xuất, lợi tức quốc gia và một tầng lớp trung lưu trí thức. Tuy nhiên, các cuộc chiến với Iran trong những năm 1980s và Kuwait 1990s đã gây nhiều thiệt hại cho các cơ sở sản xuất dầu khí, cũng như các biện pháp cấm vận và các khoản nợ nước ngoài đã làm lu mờ phần lớn các thành công kinh tế trước đó. Các biện pháp chế tài thương mãi do hai Tổng Thống H.W. Bush và Bill Clinton áp đặt, tiếp theo sau cuộc chiến Vùng Vịnh I, càng xói mòn hơn nữa khả năng sản xuất dầu khí.

Khi quyết định xâm lăng Iraq tháng 3-2003, mục tiêu chính yếu của George W. Bush xoay quanh địa chính trị về dầu khí. Bush và các cộng sự quyết tâm thay thế chế độ Saddam Hussein bằng một chế độ thân thiện thuận lợi cho mục tiêu kiểm soát dầu khí của Mỹ. Họ cũng tưởng tượng sẽ được dân Iraq biết ơn và đón tiếp như lực lượng giải phóng, và nhờ đó, họ sẽ chủ trì việc nâng cấp khả năng sản xuất dầu và bảo đảm nguồn cung cấp thích đáng cho giới tiêu thụ Mỹ với gía rẻ. Sau hết, qua việc thiết lập các căn cứ quân sự quan trọng ngay trong một Iraq thọ ơn, họ sẽ dễ dàng giữ địa vị áp đảo trong vùng Vịnh Ba Tư giàu năng lượng - trung tâm năng lượng của thế giới.

Đã hẳn, tất cả những ước mơ đó chỉ là ảo mộng. Chính sách xâm chiếm của Mỹ đã gặp phải sự chống đối một mất một còn của người Sunni gây khó khăn cho việc thành đạt các mưu toan của Mỹ, kể cả dầu khí. Rút cuộc, mặc dù đã đổ tiền rừng bạc biển vào Iraq, chính quyền Bush và tay chân ở Baghdad vẫn không thể gia tăng số dầu sản xuất, dù chỉ lên mức tồi tệ nhất dưới thời Saddam Hussein; và các kế hoạch của Hoa Kỳ lấy tiền thu nhập từ dầu xuất khẩu để tài trợ chiến tranh, guồng máy chiếm đóng, và tái thiết Iraq, đều tan thành mây khói.

Theo số liệu của BP, số sản xuất hàng năm đã phản ảnh rõ rệt tác động của các yếu tố như bạo động, tham nhũng tràn lan, thất thoát các kỹ thuật gia dầu khí, và nhiều nguyên nhân liên hệ. Trước ngày Mỹ chiếm đóng, số dầu sản xuất mỗi ngày chỉ ở mức 2,6 triệu thùng, còn thấp hơn con số 3,5 triệu trước tháng 3-2003. Trong năm chiếm đóng đầu tiên, số sản xuất mỗi ngày giảm xuống còn 1,3 triệu thùng. Phải đợi đến năm 2007, số sản xuất mỗi ngày mới đạt mức 2 triệu và 2,4 triệu năm 2008. Giả thiết tình hình tiếp tục cải thiện, số sản xuất hàng ngày của Iraq lần đầu tiên chỉ có thể vượt lên trên ngạch số tiền-chiếm-đóng vào năm 2009 hoặc 2010, hơn sáu năm sau ngày Baghdad lọt vào tay quân đội Hoa Kỳ.

KHAI THÁC NĂNG LƯỢNG VÀ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA

Cho đến gần đây, hầu hết các nhà phân tích cho rằng may lắm Iraq cũng chỉ có thể tăng sản lượng dầu hàng ngày một cách khiêm tốn. Họ thấy có quá nhiều trở ngại cho những bước đột phá. Chẳng hạn, phe kháng chiến liên tục tấn công các tuyến dẫn dầu và các cơ sở sản xuất; tình trạng tham nhũng trong Bộ Dầu Khí và các doanh nghiệp sản xuất năng lượng lớn; Quốc Hội chưa ban hành luật dầu khí quốc gia; dị biệt giữa Chính quyền Khu Tự Trị Kurdish (Kurdistan Regional Government - KRG) và chính quyền trung ương đối với quyền cấp phát các hợp đồng khai thác dầu trong vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của KRG; và thái độ e ngại của các đại công ty trong việc kinh doanh dầu khí hay đầu tư lớn lao trong những vùng thiếu an ninh hay bất ổn.

Hussain al-Shahristani

Tuy nhiên, gần đây, Bộ Dầu Khí đã ghi được vài bước tiến khả quan và ít ra cũng đã vượt qua một vài trở ngại. Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Dầu Khí, Hussain al-Shahristani, một khoa học gia nguyên tử đã từng bị Saddam Hussein tống giam và tra tấn vì không chịu hợp tác trong chương trình vũ khí hạt nhân, nạn tham nhũng đã giảm thiểu và nhiều trở ngại trong quá trình sản xuất dầu khí đã được san bằng. Shahristani cũng được sự ủng hộ của Thủ Tướng Nuri Kamal al-Maliki trong việc kêu gọi các công ty nước ngoài tham gia khai thác các khu dầu , mặc dù gặp sự chống đối của nhiều người Iraq. Đã có lúc bị chỉ trích là bất lực, Bộ Dầu Khí giờ đây được xem như đã bắt đầu hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp.

Vì vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bộ Dầu Khí Iraq có thể đã sẵn sàng đảo ngược được tình thế. Sau đây là một số sự kiện đáng được ghi nhận:

1. Cuối năm 2008, công ty quốc doanh Iraq, North Oil Company, đã ký một hợp đồng dịch vụ 20 năm, trị giá 3,5 tỉ USD, với Công ty Dầu Khí Quốc Gia Trung Quốc - CNPC, nhằm triển khai khu dầu ở tỉnh Wasit, đông nam Baghdad. Được thương thảo dưới thời Saddam Hussein, thỏa ước, bị đóng băng sau khi Mỹ tiến chiếm năm 2003, mới được chuẩn y năm 2008. Đây là khế ước quan trọng đầu tiên chính quyền Baghdad đã ký kết với một công ty nước ngoài kể từ khi IPC được quốc hữu hóa năm 1970. Đây cũng là một vụ đầu tư quan trọng đầu tiên của một công ty TQ ở Iraq. Theo thỏa ước, CNPC và các đối tác sẽ khai thác khu dầu Adhab và cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu quốc doanh. Là công ty khai thác chính, CNPC sẽ được chính phủ Iraq thù đáp để đổi lại các dịch vụ kỹ sư và số dầu thô cung cấp.

2. Tháng 5-2009, Bộ Dầu Khí đã đạt thỏa hiệp với KRG theo đó lần đầu tiên người Kurds được phép xuất khẩu dầu từ các khu dầu dưới quyền kiểm soát. Trước đây, chính quyền Baghdad đã từ chối, không công nhận các thỏa ước KRG ký với các công ty tư nhằm khai thác các khu dầu trên lãnh thổ thuộc quyền và ngăn cấm người Kurds xuất khẩu số dầu sản xuất qua các tuyến dẫn dầu do chính quyền trung ương ở Baghdad kiểm soát. Với thỏa ước mới, KRG khởi đầu được phép xuất khẩu 100.000 thùng mỗi ngày từ hai khu Tawke và Tag Tag, về sau số lượng có thể tăng thêm; 73% số thu nhập thuộc chính quyền trung ương, 15% cho người Kurds, và 12% cho các công ty nước ngoài đã ký hợp đồng sản xuất trực tiếp với KRG, không phải thông qua chính quyền trung ương ở Baghdad. Thỏa ước cũng dọn đường cho một sự gia tăng số dầu sản xuất từ các khu thuộc quyền kiểm soát của người Kurds, những nơi có nhiều trữ lượng chưa được khai thác.

3. Tháng 6-2009, Bộ Dầu Khí cho đấu thầu quyền khai thác các khu dầu hiện hữu trong những khu đang sản xuất quan trọng của Iraq. Đây là một thay đổi lớn trong chính sách. Lần đầu tiên, sau ba thập kỷ, Iraq cho phép các công ty dầu quốc tế, nếu không sở hữu, ít ra đã được quyền tham gia vào quá trình khai thác các khu dầu đã được quốc hữu hóa. Mặc dù bị chống đối bởi nhiều nhóm quyền lực ở Iraq, từ nghiệp đoàn công nhân kỹ nghệ dầu cho đến các phe nhóm quan trọng trong quốc hội, động thái nầy đã được quyết định nhằm thu hút các chuyên viên nước ngoài với mục đích canh tân và nâng cấp hạ tầng cơ sở kỹ nghệ dầu, do đó, đẩy mạnh ngạch số sản xuất, trong một xứ 75% GDP và 95% thu nhập tùy thuộc vào dầu khí xuất khẩu. Trong thực tế, nhiều công ty ngoại quốc chưa tham dự đợt đấu thầu đầu tiên, vì lợi nhuận hứa hẹn chưa đủ hấp dẫn. Tuy nhiên, BP, một công ty Tây phương, cùng với đối tác CNPC, đã trúng thầu khai thác khu dầu khổng lồ Rumaila, lớn nhất của Iraq. Từ đó, Bộ Dầu Khí còn có tín hiệu mở thêm nhiều đợt đấu thầu mới, kể cả quyền thăm dò dầu khí, theo những điều kiện chưa được tiết lộ, ở phía nam và phía tây Iraq, những vùng còn trinh nguyên, và rất có thể chuẩn bị cho phép các công ty nước ngoài tham dự sâu xa hơn.

Xét chung, những bước tiến trên đây - nhằm thu hút tư bản tài trợ và kỹ năng chuyên môn nước ngoài với mục đích gia tăng số dầu xuất khẩu - đã phản ảnh một thay đổi thực sự trong phương cách Bộ Dầu Khí quản lý và giám sát kỹ nghệ năng lượng Iraq. Nếu tất cả diễn tiến như hoạch định, Bộ Dầu Khí muốn tăng thêm sản lượng mỗi ngày khoảng 1,5 triệu thùng cho đến 4 hay 5 triệu thùng vào năm 2017. Những nỗ lực nầy, nếu thành công, sẽ đưa Iraq lên nhóm bốn quốc gia sản xuất dầu khí hàng đầu trên thế giới, bên cạnh Saudi Arabia, Russia, và Hoa Kỳ.

TÀI NGUYÊN NĂNG LƯỢNG IRAQ VÀ KINH TẾ THẾ GIỚI

Không ai có thể xem thường các trở lực tiềm ẩn trên đường tiến tới mục đích vừa nói. Một số trở ngại nầy - sự trỗi dậy của phe chống đối việc chuyển nhượng một phần tài sản quốc gia cho người nước ngoài, một sự gia tăng bạo lực đáng kể của phe kháng chiến, xung đột gia tăng giữa các phe phái kình địch ở Baghdad, trình độ căng thẳng giữa Baghdad và người Kurds ở phương Bắc, tham nhũng gia tăng - đều có thể ngăn cản tiến độ thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng vừa nói. Thêm vào đó, trong lúc chờ đợi ban hành đạo luật dầu khí quốc gia, một mục tiêu các viên chức Mỹ đã theo đuổi từ nhiều năm nay, các đại công ty dầu khí nước ngoài vẫn rất ngần ngại đổ tiền vào Iraq, âu lo tích sản của họ sẽ không được bảo vệ.

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc chiến Iran-Iraq bùng nổ trong thập kỷ 1980s, hình như lần đầu tiên tình hình quốc tế có vẻ thuận lợi cho Iraq tái xuất hiện như một xứ xuất khẩu dầu khí quan trọng. Nếu trước đây các cường quốc có lúc đã tranh giành ảnh hưởng ở Iraq qua việc ủng hộ một trong nhiều lãnh tụ phe nhóm chính trị khác nhau trong nỗ lực làm suy yếu hay chế ngự Iraq, ngày nay tất cả hình như đều mong muốn đầu tư và thủ lợi trong các chương trình tái thiết hạ tầng cơ sở năng lượng. Chính quyền Bush trước đây đã nhìn, với đầy âu lo, quan hệ ngày một mật thiết giữa Saddam Hussein và Liên Bang Nga cùng Trung Quốc, đã xâm lăng Iraq một phần để tái khẳng định ảnh hưởng áp đảo trong vùng Vịnh Ba Tư và giảm thiểu vai trò của Điện Cẩm Linh và Bắc Kinh. Ngày nay, Hoa Thịnh Đốn hình như đang sẵn sàng đón nhận vai trò ngày một lớn mạnh của người Hoa và người Nga trong việc phục hồi hạ tầng cơ sở năng lượng đang đổ nát của Iraq.

Cũng là điều dễ hiểu khi bên sau sự thay đổi lập trường vô tiền khoáng hậu nầy là nhận thức một thực tế phủ phàng không thể tránh là số cung năng lượng toàn cầu đã gần lên đỉnh điểm. Trong hiện tình, thế giới sẽ sớm chứng kiến sản xuất dầu toàn cầu đạt mức tối đa, sau đó số cung toàn cầu sẽ bắt đầu tiệm giảm. Thực vậy, nhiều chuyên gia tin đỉnh điểm số cung dầu lửa sẽ xảy ra trong một tương lai rất gần, có lẽ trong khoảng 2010-2015, với số cung toàn cầu chỉ cao hơn khoảng 5 đến 10 triệu thùng mỗi ngày so với số cung 85 triệu hiện nay.

Đạt đỉnh điểm trong thời điểm và ngạch số sản xuất hàng ngày đó sẽ rất tai hại cho kinh tế thế giới, bởi lẽ số cầu năng lượng mỗi ngày được tiên liệu cao hơn nhiều do số cầu tăng nhanh của các nền kinh tế TQ, Ấn Độ, và một số quốc gia đang lên trong thế giới đang phát triển. Trong trạng huống đó, một số cung gia tăng 6 triệu thùng mỗi ngày từ Iraq sẽ đem lại một thay đổi đáng kể trong phương trình năng lượng. Trong thực tế, sự thay đổi có thể xem như hoặc "chỉ tạm đủ" hoặc "thiếu hụt đến mức tai họa" trên khắp thế giới. Trong bối cảnh đó, người ta có thể hiểu - dù các cường quốc trên thế giới nghĩ thế nào về việc chính quyền Bush xâm lăng và chiếm đóng Iraq - các đại cường ngày nay vẫn sẵn sàng cùng chia sẻ quyền lợi chung bằng cách hợp tác phục hồi Iraq như một xứ xuất khẩu dầu khí quan trọng.

Đối với một Iraq tan nát, những năm qua là một tai họa và việc tái thiết thực sự vẫn còn là một việc xa vời. Đối với Hoa Kỳ, kế hoạch biến Iraq thành một mô hình dân chủ ở Trung Đông hay áp đặt một chế độ do Tây phương dựng lên và thân Mỹ ở Baghdad vẫn chỉ là một giấc mơ. Sự mong đợi Công Ty Dầu Khí Quốc Gia Iraq sẽ hoàn toàn được tư hữu hóa - giấc mơ một thời của Phái Tân Bảo Thủ trong kỷ nguyên Bush - cũng đã tiêu tan. Dù sao, sự trỗi dậy của một Nhà Nước Dầu Khí Iraq hợp tác chặt chẽ với các công ty năng lượng Tây phương nhằm tăng gia số cung dầu khí toàn cầu - với an ninh bảo đảm bởi quân đội Mỹ đồn trú ngay bên trong Iraq hay những xứ lân cận - là một kế sách chung cuộc có thể được sự đồng tình của Quốc Hội và đa số nhân dân Hoa Kỳ.

Bên trong Iraq, điều kiện nội bộ cũng có vẻ thuận lợi cho một kết cục như thế. Mặc dù có nhiều dị biệt quan trọng giữa các phe nhóm Iraqi khác nhau, tất cả đều ý thức được tương lai của Iraq cũng như của chính phe nhóm họ tùy thuộc ở sự phát triển và khai thác thành công khối trữ lượng dầu khí của đất nước. Trong khi người Shiites, người Sunnis, người Kurds có thể hy vọng giành được một phần lớn trong kho báu về phe mình, tất cả đều hiểu rõ một sự hợp tác trong một chừng mức nào đó - chẳng hạn , trong vấn đề xây dựng và duy trì các cơ sở sản xuất và xuất khẩu dầu - là thiết yếu cho những tham vọng mặc dù thiếu nhất trí giữa họ với nhau. Trong khi việc mặc cả các điều kiện hợp tác có thể kéo dài và gay cấn, và bạo lực đôi khi xẩy ra trong quá trình thương thảo, rất có thể một cấu trúc cộng tác nào đó cuối cùng sẽ xuất hiện. Một sự giảm dần, nếu không phải một sự triệt thoái toàn bộ, quân lực Mỹ sẽ có nhiều khả năng tăng tốc quá trình nầy.

Như vậy, một chung điểm không mấy lý tưởng cuối cùng có thể đạt được: sau bao nhiêu máu và nước mắt, chết chóc và điêu tàn, hầu hết các phe phái , các bên có quyền lợi, hình như đang trên đường trở lại viễn kiến duy nhất, mặc dù đáng buồn, nhưng cần được chấp nhận. Trong tương lai, Iraq rất có thể chỉ là một Nhà Nước Dầu Khí với chức năng duy nhất cung cấp năng lượng cho thị trường toàn cầu và làm giàu cho một thiểu số thượng lưu và kỹ thuật gia địa phương.

Đây có thể không phải một viễn kiến đem lại nhiều cảm hứng - nhất là đối với người Iraq sau quá nhiều đau khổ - nhưng có thể là thực tế duy nhất hiện hữu giúp chấm dứt tai họa đẩm máu trong 30 năm qua.

© GS Nguyễn Trường

Irvine, California, USA

 

Tài Liệu Tham Khảo:

(1) Rising Powers, Shrinking Planet: The New Geopolitics of Energy, Michael T. Klare, Metropolitan Books.

(2). Blood and Oil, Michael Klare.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường