Những bài cùng tác giả

Trên báo Sài gòn Giải phóng ngày 23/6/2008 có bài “Dân ta phải xài tiền
ta” của tác giả Đinh Phong bày tỏ điều “đáng buồn” khi thấy “hầu hết các
nơi bán hàng cao cấp đều ghi giá USD…không ít quầy hàng trên đường phố
vỉa hè đều ghi giá USD…Ở một số giao dịch trong nước, người mua hàng bắt
buộc phải trả bằng USD. Nếu trả bằng VNĐ thì phải trả theo giá chợ đen”,
kêu gọi cơ quan chức năng của nhà nước “phải có qui định rõ ràng và
nghiêm túc về việc dùng VNĐ trong giao dịch mua bán…thể hiện đồng bạc
của một nhà nước có chủ quyền”.
Đứng về lý không ai có thể phản bác hay phủ nhận những điều trên đây.
Đúng như vậy, cần phải “tránh lệ thuộc vào đồng USD” trong đời sống kinh
tế quốc dân. Nói thật công bằng thì những nơi sử dụng hay niêm yết giá
theo USD cũng chỉ loanh quanh ở những nơi có “yếu tố nước ngoài” như các
trung tâm mua bán, giao dịch hàng ngoại nhập, khách sạn du lịch, kiều
hối…chứ hơn 70% dân cư sống ở địa phương, nông thôn làm gì có điều kiện
để tiếp cận với những ngoại tệ trừ trường hợp được người nhà ở nước
ngoài “biếu” vài trăm đô xài chơi. Hiện tượng nêu trên phổ biến nhất là
Hà nội và thành phố Hồ chí Minh, nơi có nhiều công ty, văn phòng giao
dịch với nước ngoài, khai thác du lịch và các hoạt động liên quan đến
xuất nhập khẩu, hàng tiêu dùng cao cấp ngoại nhập phổ biến. Cho nên “dân
ta phải xài tiền ta” ở đây chỉ có nghĩa tương đối. Đó là cái “lý” thể
hiện “tinh thần yêu nước” nhưng xét về cái “lẽ”, thử hỏi tại sao lại có
hiện tượng nầy thì bài báo không mổ xẻ xem tình trạng nầy do đâu và bởi
vì đâu ?
Người ta còn nhớ vào những năm 1980, trước khi có “đổi mới” mở cửa “làm
bạn với các nước”, hiện tượng hàng hóa ngoại nhập, xuất khẩu tại chỗ hay
những sản phẩm dựa vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện của nước
ngoài…cũng đã được qui ra đô la và khi thanh toán người mua phải chấp
nhận trả theo hối suất chợ đen vì trên thị trường luôn có hai tỷ giá,
của ngân hàng ngoại thương và của thị trường “tự do” chênh lệch quá xa.
Nhà nhập khẩu phải thanh toán cho thương vụ mua bán với nước ngoài qua
ngân hàng bằng ngoại tệ mua theo giá chợ đen nộp vào ngân hàng hay mua
lại của ngân hàng theo một tỷ giá của thị trường. Khi tình trạng nội tệ
rơi vào lạm phát thì biện pháp “tự bảo vệ mình” hay “bảo toàn vốn” bằng
cách ghi giá bán bằng ngoại tệ là để tránh trượt giá của nội tệ, và yêu
cầu khách hàng thanh toán bằng tiền VND theo hối suất “tự do” không có
gì khó hiểu, chẳng phải vì thế mà thiếu “tự hào và tự trọng” quốc gia.
Khi nền kinh tế phát triển ổn định trong hơn 10 năm qua, giá trị của VN
đồng bình ổn so với USD thì thực tế cũng đã chứng minh rằng vị trí của
nội tệ không hề chao đảo, dù là thanh toán bằng đơn vị tiền tệ nào cũng
không tạo ra chênh lệch, phải chăng niêm yết bằng ngoại tệ chỉ còn là
hình thức “biểu kiến”, một chiêu quảng cáo, cho rằng “ghi giá bằng USD
gây ấn tượng ngoại nhập, hàng xịn” mà thôi. Hơn thế nữa, nhu cầu về
ngoại tệ trong nhân dân càng ngày càng lớn khi điều kiện đi du học, du
lịch, đầu tư… phát triển, các qui chế giao dịch được mở rộng song song
với khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khách vãng lai, du lịch và
kiều hối…lên cao, tình hình cân bằng trong cung cầu về ngoại hối có thể
nói là đã nghiêng về phía bội thu. Con số ngoại hối dự trữ hiện nay lên
tới hơn 20 tỷ USD đã phản ánh thực tế đó, thậm chí đạt đến mức quả tải,
trở thành một nhân tố không lành mạnh, lượng tiền đồng lưu hành quá lớn,
vượt mức chịu đựng của nền kinh tế đẩy lạm phát đi nhanh hơn.
Trong 6 tháng vừa qua tình trạng lạm phát với tốc độ cao phản ánh qua
chỉ số giá cả hàng tiêu dùng tăng đột biến, thị trường chứng khoán chững
lại, giảm sút bất thường…đã gây sức ép to lớn vào đời sống của người
dân, mọi hoạt động kinh tế của xã hội rơi vào tình trạng bất ổn định,
phát triển chậm lại buộc chính phủ phải có những biện pháp khẩn cấp như
giảm nhập siêu, cắt bớt chi tiêu của ngân sách, xét duyệt hoạt động đầu
tư tràn lan của các tập đoàn kinh tế quốc doanh…và cương quyết thực hiện
việc giảm phát bằng các biện pháp khống chế lưu thông tiền tệ, kiểm tra
hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại cũng như dùng lãi suất làm
đòn bẩy kích thích người dân gửi tiết kiệm để huy động vốn nhàn rỗi trở
lại. Đầu tháng 6/2008 NHNN đã ra chỉ thị quản lý lại việc mua bán ngoại
tệ chặt chẽ hơn, chỉ cho phép các quầy đại lý thu mua, không bán ra cho
những cá nhân có nhu cầu ngoại tệ để tránh hiện tượng đầu cơ và lũng
đoạn, đẩy tỷ giá USD/VN Đồng lên cao. Song song với những biện pháp
“hành chính”, các cơ quan truyền thông mở chiến dịch tấn công vào việc
dùng ngoại tệ trong niêm yết giá cả, phù hợp với những cái “lý” và xu
thế nêu trên. Thiết nghĩ hai vấn đề này không có liên quan, không tác
động qua lại trên thị trường tiền tệ, phải chăng là một sự gắn kết khiên
cưỡng, quên đi rằng những hiện tượng nầy đã từng xảy ra trong quá khứ và
đang lập lại như một phản ánh gần đây:
“đồng USD trên thị trường tự do tiếp tục lên giá so với VND trong những
ngày cuối tuần đạt 19.100-19.400 VND/USD trong ngày 19/6…Mặc dù các ngân
hàng vẫn niêm yết tỷ giá là 16.454 đồng ,nằm trong biên độ theo qui định
của NHNN nhưng thực tế lại bán ra cho các doanh nghiệp có nhu cầu theo
tỷ giá trên thị trường tự do”(Nhịp Cầu Đầu tư 23/6/2008, tác giả Thanh
Nguyên) .
Vậy là có thể thấy ngay các ngân hàng, một mặt “chấp hành” chỉ thị của
NHNN(số 5063/NHNN-QLNH, ngày 6/6/2008) bằng cách niêm yết tỷ giá theo
NHNN nhưng lại “chạy” theo tỷ giá chợ đen trong giao dịch, phá rào một
cách ngoạn mục ! Những người quan tâm đều nhận ra rằng “Hiện hầu hết các
ngân hàng đều niêm yết tỷ giá nằm trong biên độ cho phép của NHNN. Nhưng
trong giao dịch mua bán USD lại dùng tỷ giá thứ hai. Đó là tỷ giá do các
ngân hàng tự ấn định dựa trên giá thu mua ngoại tệ từ các quầy thu đổi
trên thị trường tự do”(ngầm hiểu rằng các quầy vẫn tiếp tục mua bán như
thường chỉ có giá cả là “chui” mà thôi) khi bán USD cho các doanh nghiệp
có nhu cầu, đặc biệt là các nhà nhập khẩu. Điều nầy cho thấy việc niêm
yết giá cả theo USD đâu phải “họ” tự ý mà là một sự bắt buộc để sống
còn.
Trách nhiệm nầy nằm ở nhà quản lý hay ở nhà doanh nghiệp, người có nhu
cầu về ngoại tệ ?
Chính NHNN từ chỗ làm khó người dân sang làm khó các ngân hàng thương
mại và cuối cùng là làm khó ngay chính bản thân mình, đẩy mọi người vi
phạm pháp luật một cách công khai vì mua bán ngoại tệ “chui” mà ngân
hàng lại là người đầu têu hay phụ họa !(*).
Hẳn mọi người còn nhớ qui định cấm người dân “tích trữ” ngoại tệ và kim
loại quí trong những năm 1976 và hiện nay vẫn không biết qui định nầy
còn có giá trị pháp lý hay không, mặc dù trên thực tế nó đã bị “vô hiệu
hóa” bởi cuộc sống, đã chìm vào lãng quên hay “tạm” treo, chưa đem ra áp
dụng ?
Dân ta nhất định phải xài tiền ta và mãi mãi là như thế (trừ khi có một
đơn vị tiền tệ chung trong khu vực Đông nam á trong tương lai tương tự
như đồng Euro của Liên Minh châu âu) nhưng từ góc độ
của nhà quản lý vĩ mô, không lẽ không nhận ra những nghịch lý nêu trên ?
Xin đừng đẩy người dân và cả hệ thống ngân hàng phải vào chỗ phạm pháp
để đối phó(**).
Hồng lê Thọ
23/6/2008
(*) Vợ một người bạn vừa đổi tiền tại ngân hàng cổ phần “quốc
doanh”(X-bank) trước khi đi nước ngoài công tác, đã phải mua 19,000 đồng
cho 1 USD (giá niêm yết là 16.120 đồng) trong khi lãnh đạo của NHNN
tuyên bố “sẽ kiểm soát gắt gao” việc mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng,
liệu điều nầy sẽ khả thi ? Không lẽ lãnh đạo ngân hàng nầy (X-bank)
“không biết” hay “cố tình” phạm luật. Ai là người được lợi khoảng cách
chênh lệch của hối suất ?
(**) Thống đốc NHNN, Nguyễn văn Giàu khuyến cáo:“Trong những thời điểm
cung cầu ngoại tệ trên thị trường mất cân bằng như một vài thời điểm
trong thời gian vừa qua, tình trạng đô la hóa cũng gây thêm khó khăn cho
việc ổn định trở lại thị trường ngoại tệ do đô la hóa làm tăng hiện
tượng đầu cơ, bóp méo cung cầu ngoại tệ. Bên cạnh đó, đô la hóa làm giảm
nhu cầu phát triển các công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường ngoại
hối, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thị trường ngoại
hối, mà các doanh nghiệp cũng đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn do không
có công cụ phòng ngừa rủi ro khi đồng đô la Mỹ biến động bất thường. Đó
là chưa kể, việc niêm yết giá bằng ngoại tệ cũng khiến cho người dân bị
thiệt khi thanh toán tiền mua hàng hóa do các cửa hàng áp dụng tỷ giá
không thống nhất” cho biết NHNN sẽ sớm có biện pháp tích cực thu hút
ngoại tệ trong dân và rằng ““Để hạn chế tình trạng đô la hóa, người dân
và doanh nghiệp không nên nắm giữ ngoại tệ nếu không có nhu cầu. Đồng
thời, để bảo vệ lợi ích của mình, người dân cũng như các doanh nghiệp
nên cân nhắc, đề phòng những rủi ro do biến động tỷ giá, cũng như tránh
chạy theo tâm lý đám đông đầu cơ ngoại tệ”(Hanoimoi online—ngày
24/6/2008).
Rõ ràng qua phát biểu trên đây Ông Nguyễn Văn Giàu không lý giải được
việc người dân tích lũy ngoại tệ hay những cửa hàng niêm yết giá theo
USD là để tự bảo vệ mình trước nạn lạm phát của nội tệ, cho rằng đó là
“tâm lý đám đông”(!?)
Phụ lục 1 (những con
số mới nhất)
Ngày 23 Tháng 6/ 2008
Báo động nhập siêu ở Việt Nam
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/06/printable/080623_trade_deficit.shtml
Thống kê chính thức cho hay, thâm hụt thương mại của Việt Nam
trong sáu tháng đầu năm 2008 đã tăng gấp ba so với cùng kỳ năm
ngoái.
Báo Lao Động trích nguồn Bộ Kế hoạch - Đầu tư nói mức nhập
siêu nửa đầu năm nay là 16,9 tỷ đôla, bằng 59% kim ngạch xuất
khẩu.
Thâm hụt thương mại sáu tháng đầu năm 2007 (2008 ? BBC nhầm--HLT)
ở mức 4,8 tỷ đôla, tương đương 21,3% kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy mức nhập siêu ở trong nước đã tăng đột biến, và là
yếu tố gây mất cân đối cán cân thanh toán, biến động tỷ giá
hối đoái đồng thời đóng góp vào tình trạng lạm phát.
Chỉ số tiêu dùng trong năm tháng đầu năm lên tới mức kỷ lục
25,2%, gây quan ngại lớn cho người làm công ăn lương và người
nghèo.
Chính phủ Việt Nam tuyên bố khắc phục lạm phát là một trong
các ưu tiên hàng đầu trong chính sách kinh tế năm nay.
Cũng theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu nửa đầu
năm nay đạt 28,6 tỷ đôla, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim
ngạch nhập khẩu lên tới 45,5 tỷ đôla, tăng mạnh 64%.
Tăng đầu tư
Thế nhưng cũng có thông tin tích cực: trong sáu tháng đầu năm
lượng đầu tư nước ngoài trực tiếp cam kết lên tới 31,6 tỷ đôla
với 478 dự án, tăng bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Với dự án sản xuất thép trị giá 7,9 tỷ đôla ở miền trung
Việt Nam vừa được cấp phép, Đài Loan đã quay lại vị trí nước
có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong năm nay.
Nhật Bản đứng thứ hai với lượng đầu tư cam kết tổng trị giá
7,1 tỷ đôla và thứ ba là Canada, với dự án xây dựng khu nghỉ
mát - giải trí trị giá 4,2 tỷ đôla được cấp phép hồi tháng
Năm.
Năm 2007, Việt Nam thu hút 20,25 tỷ đôla đầu tư trực tiếp từ
nước ngoài, mức cao nhất kể từ khi kinh tế Việt Nam bắt đầu
mở cửa.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của
Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2008 có thể đạt 6,6% - 6,7%.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú: kim ngạch cam kết của FDI tăng rất cao 31,6 tỷ đô la, gấp 4 lần so
với 6 tháng đầu năm 2007, tuy nhiên đang lưu ý là lượng giải ngân dừng
lại khoảng 5 tỷ đô la, quá thấp là điều đáng lo ngại, điều nầy cho thấy
Việt nam chưa đáp ứng nổi làn sóng FDI đang tràn vào, mặt khác cũng nên
xem thêm cơ cấu, ngành nghề đầu tư vào VN trong giai đoạn nầy( nhà máy
sắt thép, lọc dầu, khu du lịch giải trí, địa ốc…xem phụ lục 2) để hiểu
xu thế hiện nay.(HLT)
Phụ lục 2:
8 dự án lớn trong 6 tháng đầu năm 2008
1/ Dự án của tập đoàn Formosa: 7,87 tỷ USD
Dự án lớn nhất Việt Nam vừa được cấp phép đầu tháng 6, do Công ty TNHH
Gang thép Hưng Nghiệp (tập đoàn Formosa, Đài Loan) đầu tư tại khu công
nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh. Với tổng vốn 7,87 tỷ USD, vượt qua số vốn của
chuỗi dự án Foxconn, dự kiến dự án này sẽ hoạt động trong 70 năm.
2/ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: 6,2 tỷ USD
Đứng thứ hai về lượng vốn trong nửa đầu năm nay là liên doanh của Tập
đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và các công ty Idemitsu Kosan (IKC)
và công ty Hóa chất Mitsui (MCI) của Nhật, cùng với Tập đoàn Dầu khí
quốc tế Kuwait (KPI), với 6,2 tỷ USD.
Đây cũng là nhà máy lọc dầu thứ hai của Việt Nam sau nhà máy Dung Quất.
Hiện PVN và các đối tác nước ngoài đã thành lập xong liên doanh tại khu
kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa.
3/ Khu du lịch Hồ Tràm: 4,2 tỷ USD
Dự án Khu du lịch Hồ Tràm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được cấp phép cuối
tháng 5 vừa qua, với tổng vốn 4,2 tỷ USD. Chủ đầu tư của dự án này là
tập đoàn Asian Coast Development của Canada.
Đây cũng được coi là khu giải trí có sòng bạc kiểu Las Vegas đầu tiên ở
Việt Nam. Dự kiến, giai đoạn đầu của khu phức hợp sẽ hoàn thành vào cuối
năm 2010.
4/ Khu du lịch của Starbay Holdings tại Phú
Quốc: 1,64 tỷ USD
Công ty TNHH một thành viên Starbay Việt Nam, thuộc tập đoàn Starbay
Holdings (British Virginia Islands, một quần đảo thuộc chủ quyền Vương
quốc Anh), sẽ xây dựng một khu du lịch tại Bãi Dài, Phú Quốc.
Dự án này có tổng vốn 1,64 tỷ USD, gồm một tổ hợp nghỉ dưỡng phức hợp,
sân golf và căn hộ cho thuê. Dự kiến thời gian xây dựng khu du lịch là
15 năm. Vốn đầu tư giai đoạn đầu của dự án vào khoảng 330 triệu USD, để
xây 2 khách sạn năm sao, hơn trên 150 biệt thự, và trung tâm giải trí.
5/ Khu du lịch của tập đoàn Good Choice USD:
1,3 tỷ USD
Tập đoàn của Mỹ sẽ xây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu một khu du lịch với
tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD. Dự án này cũng được xây dựng theo hình thức
phức hợp với khách sạn 5 sao, khu vui chơi, hội nghị, ẩm thực, triển lãm
và y tế. Vốn điều lệ của chủ đầu tư Good Choice USD hiện đạt trên 460
triệu USD.
6/ Dự án của TA Associates International: 1,2
tỷ USD
Công ty TNHH TA Associates Việt Nam, thuộc tập đoàn TA Associates
International của Singapore, đã được cấp phép đầu tư cao ốc văn phòng,
nhà cho thuê, đào tạo nhân lực với tổng vốn 1,2 tỷ USD. Dự án của
Associates International được thực hiện tại TP HCM, trong đó vốn ban đầu
là 180 triệu USD.
7/ Dự án bất động sản của Berjaya Leisure: 930
triệu USD
Tập đoàn của Malaysia dự kiến sẽ đầu tư và kinh doanh bất động sản, gồm
khách sạn, cao ốc cho thuê và trung tâm thể thao tại TP HCM. Berjaya
Leisure đã thành lập công ty trực thuộc là Công ty TNHH Tài chính Việt
Nam để đầu tư dự án này. Dự kiến tổng vốn cho dự án đạt 930 triệu USD,
trong đó vốn điều lệ của chủ đầu tư là 186 triệu USD.
8/ Khu đô thị của Water Front: 750 triệu USD
Công ty TNHH thành phố Water Front của Singapore đã được cấp phép đầu tư
dự án khu đô thị, khách sạn, thương mại dịch vụ tại Đồng Nai với tổng
vốn 750 triệu USD. Lượng vốn này cũng là vốn điều lệ của chủ đầu tư dự
án.
theo Ngọc Châu (Vnexpress)
Phụ lục 3:
Mẫu tin nhỏ trên báo Tuổi Trẻ ngày 27/6/2008
Kiến Nghị cho doanh nghiệp dược phẩm mua đủ ngoại tệ
“…Bộ Y tế vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng đề nghị cho doanh nghiệp
nhập khẩu và sản xuất thuốc mua đủ ngoại tệ theo tỷ giá ngân hàng, kịp
thời thanh toán các hợp đồng nhập khẩu dược phẩm…Bộ y tế cho biết doanh
nghiệp phải mua ngoại tệ cao hơn 11% so với tỷ giá của NHNN để chi trả
cho các hợp đồng nhập khẩu thuốc…” .
Một câu hỏi đơn giản đặt ra là tại sao Bộ Y tê lại phải có công văn cầu
cứu Thủ tướng, và con số cao hơn 11% nầy đã nói lên được thực trạng
“bán” ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc, dược liệu bảo sao
giá cả thuốc chữa bệnh trên thị trường không tăng theo ? Trong khi đó,
Thống đốc NHNN cũng thừa nhận rằng:
“nhiều ngân hàng đã thu thêm phí hoặc thông qua ngoại tệ khác gây ảnh
hưởng xáo trộn và không trung thực với tỷ giá VND/USD niêm yết.
Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng để tăng cường thanh
kiểm tra, đặc biệt là chấn chỉnh hệ thống bàn thu đổi ngoại tệ của các
ngân hàng” , cho biết “các tổ chức tín dụng đã vận dụng nhiều điểm chưa
phù hợp với các quy định hiện hành. Vì thế, NHNN đã có văn bản nghiêm
cấm, và yêu cầu các ngân hàng thực hiện đúng các quy định của NHNN. Ngân
hàng nào vi phạm sẽ bị xử phạt, ngoài phạt tiền còn có biện pháp hành
chính, nhân sự.
Lần này chúng tôi chỉ đạo làm quyết liệt và sẽ xử lý một cách nghiêm
khắc các ngân hàng cố tình vi phạm.”(Thống đốc NHNN trả lời phỏng vấn,
báo Sài gòn Giải phóng này 27/6/2008).
Liệu cách “xử lý nghiêm khắc” như Thống đốc NHNN nói có diệt được những
“tiêu cực” phát xuất từ phía quản lý vĩ mô không phù hợp với thực tế,
cho nên buộc phải “giơ cao đánh khẽ” hay “đánh trống bỏ dùi” ?
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Hồng Lê Thọ
|