Có chăng một nền kinh tế Ethanol?

Vietsciences-Nguyễn Minh Thọ      24/03/2007
 

Những bài cùng tác giả

Xe chạy nhiên liệu Ethanol

Trong nhiều biến cố xảy ra trên thế giới trong năm 2006, có hai sự kiện đáng chú ý vì chúng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hàng ngày của mọi người:

1 - Giá xăng dầu tăng lên đến mức cao nhất từ trước đến nay (78USD/ thùng), và

2 - Năm 2006 là năm nóng nhất từ 112 năm qua! Việc phải trả tiền xăng rất cao, dù chỉ trong thời gian ngắn (có khi đến 3,5 USD/gallon ở Mỹ, 1,5 EUR/lít ở Âu Châu), hay nhìn cảnh các trạm thể thao mùa đông phải buồn bã đóng cửa vì trời không có tuyết, hẳn ai cũng tự đặt cho mình vài câu hỏi về vấn đề sử dụng năng lượng và tình trạng hiện nay của trái đất.


Thế giới sẽ bình yên hơn?

Nền kinh tế thế giới luôn phụ thuộc vào xăng dầu. Với những khủng hoảng chính trị triền miên ở vùng Trung Cận Đông, nơi tập trung những mỏ dầu lớn, hay gần đây nhất, cuộc tranh chấp giữa Matxcơva và Minsk về giá khí đốt và thuế trên đường ống dẫn dầu, một cuộc khủng hoảng kinh tế rộng lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào chỉ vì một biến cố chính trị đia phương.

Thêm vào đó, tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng, nhất là ở Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước đang phát triển khác… Hiện nay, cả thế giới dùng khoảng 85 triệu thùng dầu thô (barrels) trong một ngày (77 triệu thùng vào năm 2001, song giá dầu từ đó đã tăng hơn ba lần). Ngoài tác động trên túi tiền của người tiêu dùng, ảnh hưởng của việc tăng dùng xăng dầu trên môi trường sống ngày càng trầm trọng, vì chất CO2 được thải vào bầu khí quyển ngày càng nhiều hơn. Cho đến nay, các biện pháp được ghi trong bản Công ước Kyoto nhằm giảm CO2 chỉ là những dòng chữ chết

Trong mấy năm gần đây, để xoa dịu phần nào nỗi lo lắng của dân chúng, và nhất là áp lực của các tổ chức “Xanh” trong các cuộc bầu cử, chính quyền các nước kỹ nghệ đã đưa ra các chính sách khuyến khích việc xử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, vừa không phụ thuộc vào xăng dầu, vừa ít tác hai đến môi trường sống quanh trái đất.

Ethanol (được biết đến là rượu cồn, có công thức hóa học là C2H5OH) khi bị đốt cũng tạo ra CO2, song ít hơn khoảng 15% so với xăng. Ethanol cung cấp ít năng lượng hơn xăng (khỏang 1.5 lít ethanol mới bằng 1 lít xăng để chạy xe). Ethanol có thể được tạo ra từ nguyên liệu cây, cỏ (một tấn bắp có thể sản xuất được khoảng 400 lít ethanol).

Ethanol và hydrogen là hai chất hóa học được xem như có khả năng lớn nhất thay thế cho xăng (gasoline) như nhiên liệu đốt. Thật vậy, ethanol được sử dụng phổ biến để chạy xe hơi ở Brazil từ hơn thập niên qua.
Đạo luật năng lượng của chính phủ Mỹ US-EPACT 2005 ghi rõ rằng lượng ethanol xử dụng như chất đốt cho động cơ phải được tăng đến 7.5 tỉ gallons (1 gallon = 3,78 lít) trong nước Mỹ vào năm 2012. Bộ năng lượng Mỹ dự trù thay thế được 60 tỉ gallons xăng bằng ethanol vào năm 2030!.

Gần đây, chính phủ Pháp khuyến khích tăng lượng ethanol đạt đến 7% của toàn bộ chất đốt vào năm 2010... Trên thực tế, ethanol đã được dùng từ lâu để trộn trong xăng (E85 có thể tích: 85% ethanol và 15% xăng). Nhiều vùng rộng lớn ở các nước kỹ nghệ tiên tiến đã chuyển sang sản xuất bắp, củ cải đường, mía… Nhiều nhà máy chế biến các nguyên liệu thực vật này thành ethanol đã và đang mọc lên… Từ đó, người ta nói đến sự hình thành của một nền “kinh tế ethanol” (ethanol economy), với một viễn ảnh tốt đẹp là nền kinh tế thế giới sẽ không còn tùy thuộc vào xăng dầu như hiện nay, và môi trường sẽ yên bình hơn!

 

Tìm năng lượng để trái đất..."còn sống"

Hiện nay, giá ethanol sản xuất từ bắp được bán với giá trung bình 3- 4 USD/gallon. Như vậy, so với xăng, giá ethanol ở Mỹ cao gấp hai lần, song đã có thể cạnh tranh được ở Âu Châu. Một trong những nguyên nhân khiến giá ethanol cao là vấn đề chuyên chở. Ethanol rất dễ trộn với nước, vì vậy phải được chứa trong những thùng đặc biệt chống nước; trong khi đó, xăng dầu có thể chuyển đi xa bằng nhưng ống dẫn dầu tiện lợi và rẻ tiền hơn.

Lượng ethanol sản xuất ra hiện còn quá khiêm tốn. Năm 2005, nước Mỹ sản xuất được 3,9 tỉ gallons ethanol từ bắp, song chỉ tương ứng với khoảng 3% số lượng xăng tiêu thụ trong năm đó. Chỉ tiêu của chính phủ Mỹ là đạt 7.5 tỉ gallons ethanol vào năm 2012 (5% tổng số lượng tiêu dùng). Còn các nước có diện tích lớn như Brazil, Mỹ, Trung quốc, Pháp,… có thể tăng diện tích trồng bắp, củ cải đường,…. song cũng chỉ đến một giới hạn nào đó.
Trong năm 2004, 23% đất canh tác ở Mỹ đã được sử dụng cho việc trồng bắp. Dù có tăng gấp đôi diện tích canh tác bắp cũng không giải quyết được việc tăng trữ lượng ethanol.


Từ những năm 1970, Brazil là nước sản xuất và sử dụng nhiều nhất ethanol từ mía. Hiện nay, có đến 80% số xe hơi mới ở nước này có gắn thiết bị để có thể chạy xăng hay ethanol hay trộn cả hai loại nhiên liệu. Một máy điện tử nhỏ gắn trong xe điều khiển việc pha trộn này tùy theo điều kiện đường sá, bên ngoài… Dù với diện tích rộng mênh mông, kinh nghiệm tich lũy nhiều năm, song Brazil vẫn sản xuất không đủ ethanol cho nhu cầu trong nước!


Việc đi tìm một nền “kinh tế ethanol”, hay một nền kinh tế gì khác, không phụ thuộc vào xăng dầu - là một việc làm cần thiết, khẩn cấp, để giữ một trái đất còn sống được cho các thế hệ mai sau. Song có lẽ không thể chỉ tập trung vào một nguồn nhiên liệu, mà nhiều nguồn nhiên liệu khác nhau: Gió, mặt trời, hydrogen, methanol…. tất cả đều đáng được quan tâm và… đầu tư!

Đã đăng trên Lao Động


© http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Minh Thọ