Một số suy nghĩ về chương trình Pioneer

Vietsciences-Phạm Đức Chính       04/01/2008

 

Những bài cùng tác giả

 

I. Chương trình Pioneer nhằm tạo bước nhảy vọt về KH&CN cho VN. 
 

Các chuyên gia từ KISTEP thuộc Bộ KH&CN Hàn quốc (hợp tác với VISTEC thuộc Bộ KH&CN  VN) đã tư vấn cho chúng ta, theo gương Hàn quốc, lập chương trình Pioneer với sứ mệnh nâng cao năng lực cạnh tranh về KH&CN và giúp chúng ta làm chủ được các công nghệ chủ chốt ở trình độ quốc tế dẫn tới tăng trưởng GDP và phát triển kinh tế.. 

Chương trình nhằm lựa chọn và nuôi duỡng 200 Nhóm nghiên cứu khoa học mạnh đa năng, thậm chí liên ngành, mỗi nhóm từ 3-7 nhà khoa học chính cùng các cộng sự, mỗi năm chọn 50 nhóm, sau 2 năm tiến hành sàng lọc loại ra 20% số nhóm yếu nhất để tạo áp lực cạnh tranh. Mỗi nhóm của VN, được ưu tiên hơn mọi chương trình khoa học khác, được cấp kinh phí 150 000 USD/năm. Kết quả trực tiếp phải là các bài báo, sáng chế, hội thảo, sản phẩm mẫu,… Kết quả gián tiếp là nâng cao năng suất, hiệu suất, tạo ra sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ và tri thức, liên kết mạng lưới… 

Chương trình đã nói của Hàn quốc, được nói là xét nghiêm ngặt hơn mọi chương trình khoa học khác, đã thành công qua thử thách. Một sô nước tiên tiến khác cũng đã thành công với các chương trình tương tự đi trước cả Hàn quốc. Đối với VN nó quả là hấp dẫn và thổi vào chúng ta ngọn lửa hy vọng. Tuy nhiên việc áp chương trình đó cho VN trong thực tế hiện nay đặt ra vấn đề về tính khả thi:

  • Các nhóm nghiên cứu mạnh làm việc theo chuẩn mực quốc tế này giống như những con thuyền lẻ loi giữa dòng chảy ngược chiều của trào lưu nghiên cứu khoa học hiện có ở VN bất tuân chuẩn mực quốc tế.
  • Từ cái nền cán bộ khoa học công nghệ yếu kém tuy khá đông về số lượng nhưng non về chất lượng, chúng ta làm sao tìm ra được 200 nhà khoa học quốc nội đủ khả năng lãnh đạo các nhóm khoa học theo chuẩn mực quốc tế đó. Số các nhà khoa học có công bố quốc tế, nhất là khả năng công bố độc lập, đặc biệt của các lĩnh vực gần với ứng dụng, công nghệ của chúng ta chi đếm trên đầu ngón tay. Các nhà khoa học nổi trội này thường đơn lẻ hoặc là nhóm nhỏ thầy trò làm cùng một hướng, và chưa hình thành được các nhóm đa năng để có thể giải quyết trọn vẹn các vấn đề phức hợp cụ thể khác nhau của khoa học công nghệ. Còn phần đông các GS được coi là đầu ngành của chúng ta chỉ quen ngồi ghế lãnh đạo hành chính và giầu kinh mghiệm quan hệ xin tiền bao cấp, báo cáo thành tích, nhưng không có cả khả năng và tinh thần nghiên cứu ở chuẩn mực quốc tế, chứ chưa nói tới lãnh đạo một nhóm nghiên cứu khoa học ở chuẩn mực đó.
  • Nếu hội đồng khoa học xét duyệt, đánh giá cho chương trình Pioneer vẫn gồm những cây đa cây đề lạc hậu đang đồng thời ngự trị các hội đồng NCCB, hội đồng chức danh nhà nước và các ngành, hội đồng xét duyệt các đề tài các cấp với hệ thống các giá trị trái ngược với quốc tế, thì có thể thấy trước rằng chương trình Pioneer cũng sẽ trở thành một chương trình ốm yếu, què quặt nữa bên cạnh các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước, NCCB,… đã có trước đây. Còn nếu chúng ta quyết tâm đổi mới, lựa chọn hội đồng đánh giá  theo chuẩn mực quốc tế trên cơ sở các thông tin dữ liệu chuyên gia của Trung tâm hỗ trợ đánh giá KH&CN (VISTEC) mới được thành lập của Bộ KH&CN, thì chúng ta sẽ thấy ta thiếu nhiều chuyên gia đa ngành có cả năng lực và tầm nhìn rộng giúp đánh gíá được nhiều vấn đề phức tạp của khoa học & công nghệ, nếu chúng ta không cầu viện đến các chuyên gia quốc tế và các nhà khoa học Việt kiều giỏi. Theo tôi chúng ta hiện chỉ có thể tạm coi là đủ chuyên gia quốc nội để lập các hội đồng NCCB, nếu có thái độ nghiêm túc.

Có thể thấy là chúng ta chưa đủ điều kiện để xây dựng chương trình Pioneer với những cách thức và mục tiêu như đã đề ra. Hàn quốc có thể chọn được hàng trăm nhà khoa học đầu tầu xuất sắc cho chương trình Pioneer, nhờ họ đã có cái nền là không gian khoa học lành mạnh với cả ngàn nhà khoa học có khả năng nghiên cứu độc lập theo chuẩn mực quốc tế, chưa kể họ còn có một nền công nghiệp phát triển hướng tới sản phẩm mới và công nghệ mới đứng dằng sau. Trong khi đó nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian trước mắt của chúng ta phải là xây dựng một không gian văn hóa làm khoa học nghiêm túc hướng tới chuẩn mực quốc tế cho các Đại học và Viện nghiên cứu vốn lạc hậu và thấm đẫm căn bệnh thành tích và hình thức, có phần tương tự như các nhức nhối trong giáo dục phổ thông mà dư luận đã nói đến. Đó là cái nền cho mọi chương trình khoa học nghiêm túc có thể được xây dựng và phát triển. Chúng ta cũng nên tham khảo các nền khoa học gần gũi nhưng vượt trội chúng ta về thành tích công bố quốc tế như Thái lan, Malayxia, TQ, để xem họ có các chương trình cụ thể gì tương tự, bên cạnh một thực tế là họ có bầu không khí làm khoa học lành mạnh hơn chúng ta. 

Tuy nhiên chương trình Pioneer có nhiều ưu điểm hấp dẫn, nhất là khi chúng ta đang muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển khoa học công nghệ nước nhà để đáp ứng đòi hỏi nâng cao dần sức cạnh tranh của nền kinh tế trên tiến trình hội nhập. Vấn đề là phải tìm ra phương thức phù hợp với hoàn cảnh cụ thể hiện nay của chúng ta, với các giải pháp đồng bộ đi kèm. 
 

II. Một số đề xuất 
 

1. Mời chuyên gia quốc tế cho chương trình Pioneer VN 
 

Chúng ta cũng không phải xuất phát từ không có gì. Chúng ta có một lực lượng cán bộ khoa học đông đảo hầu như ở đủ mọi ngành nghề, được đào tạo suốt mấy chục năm qua, nhiều người có được bằng cấp cao từ các nước Đông Âu trước kia cho tới các nước Phương Tây thời gian gần đây. Nhiều người trong số họ đang tàn úa dần (về mặt chuyên môn) theo thời gian nhưng cũng chưa tởi mức đã thui chột. Họ cần động lực, chính sách khuyến khích hợp lý, và cả đồng nghiệp đầu tầu dẫn dắt giúp họ tiếp cận với trình độ quốc tế hiện đại và hâm nóng lại nhiệt huyết làm khoa học.  

Trước mắt chúng ta có thể giảm số lượng các nhóm nghiên cứu mạnh, nhưng tăng kinh phí cho từng nhóm, để có thể thuê chuyên gia quốc tế lãnh đạo các nhóm này, đặc biệt là ở các lĩnh vực gần gũi với ứng dụng và công nghệ thiết yếu cho nền kinh tế mà chúng ta còn yếu. Các chuyên gia quốc tế phải là các nhà khoa học có thành tích công bố quốc tế, có kinh nghiệm lãnh đạo các nhóm nghiên cứu khoa học công nghệ mà thường bao gồm cả các phần xây dựng mô hình lý thuyết, mô phỏng số, chế tác mẫu và phân tích thực nghiệm. Sau 4-5 năm các nhà khoa học VN nòng cốt trong nhóm (đã được lựa chọn là có đủ năng lực) sẽ phải học được các kinh nghiệm làm việc phối hợp với chuẩn mực quốc tế, để có thể tiếp tục phát triển các nghiên cứu không có chuyên gia quốc tế dẫn dắt. Khi cử người đi du học, chúng ta cũng nên lưu tâm tới khả năng đào tạo cả một êkip thực hiện các thành phần công việc khác nhau của các vấn đề khoa học phức hợp. 

Các chuyên gia quốc tế có thể tham gia giảng dậy (cái cần là họ mang theo tài liệu giảng dây đến cho chúng ta), nhưng nhiệm vụ chính của họ phải là lãnh đạo và cuốn hút đồng nghiệp nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, với hệ quả đào tạo được cả các TS trình độ quốc tế. Như vậy kinh phí đào tạo từ Bộ GDĐT cũng có thể được bổ sung vào đây. Chuyên gia quốc tế cũng có thuận lợi hơn so với ở nước họ là có được nhiều người cộng sự hơn (và ta cũng có nhiều người hơn được huấn luyện) để phát huy được tối đa tầm bao và tiềm năng của họ. Thợ giảng cũng có tác dụng làm mẫu nhưng không phải là ưu tiên của chúng ta, vốn có tham vọng lớn hơn. Các chuyên gia quốc tế tại chỗ cũng giúp tư vấn cho chúng ta nhiêu vấn đề chuyên môn, chính sách, kể cả việc tham gia đánh giá các đê tài. Nếu công nghiệp của chúng ta chưa đặt ra được các yêu cầu thì các chuyên gia quốc tế cũng có thể kiếm về các đặt hàng nghiên cứu từ nước ngòai, và qua đó ta cũng học thêm được và hội nhập vơi thế giới. 

Các chương trình khoa học trọng điểm cấp nhà nước cũng nên mời chuyên gia nước ngoài tham gia, và cũng phải đòi hỏi công bố khoa học theo chuẩn mực quốc tế. Cái khác ở đây chỉ là đề tài cấp nhà nước phải tập chung giải quyết một vấn đề cụ thể của thực tế, còn đề tài Pioneer thì có định hướng khoa học tự do hơn. Các phòng thí nghiệm trọng điểm cũng nên ưu tiên phục vụ cho các chương trình này. Ngụy biện của một số người ở ta rằng “nghiên cứu ứng dụng”, và thậm chí “NCCB phục vụ ứng dụng” không cần có công bố quốc tế là không thể chấp nhận được. 

Thuê chuyên gia quốc tế không phải là việc lạ. Chúng ta đã thuê các huấn luyện viên quốc tế để giúp thể thao nước nhà vươn lên cạnh tranh được với khu vực. Một số chuyên gia quốc tế cũng đang tham gia một số chương trình NCKH ở VN được quốc tế tài trợ. 
 

2.Tạo không gian khoa học lành mạnh hướng tới chuẩn mực quốc tế 
 

Chương trình Pioneer không thể phát triển được bình thường nếu môi trường làm việc khoa học ở xung quanh thiếu lành mạnh, với các cách làm giả ăn thật vẫn tiếp tục lan tràn, các TS trình độ quốc tế vẫn bị đánh đồng với các TS rởm, các NCS vẫn tìm đến các quan chức khoa học có thế chứ không phải các chuyên gia thực thụ, và nhiều điểm không tương thích khác dễ dẫn tới xung đột. Mặt khác, các nhà khoa học ở bên ngoài chương trình nỗ lực phấn đấu đạt được các chuẩn mực nghiên cứu như trong chương trình, nhưng đãi ngộ thì lại không bằng - cũng không ổn. Để chương trình Pioneer thành công, chúng ta cũng phải đồng thời cải cách toàn diện khoa học nuớc nhà hướng tới chuẩn mực quốc tế. 

Đã có những tín hiệu tích cực từ các nhà lãnh đạo và các cơ quan quản lý khoa học trong thời gian gần đây, tuy những tín hiệu này mới chỉ ở dạng tia sáng le lói, nhấp nháy, chưa có được tầm chiếu sáng rộng và liên tục. Các nhà quản lý đã bắt đầu đề cập tới việc luận án TS cần có công bố quốc tế. Tuy nhiên, yêu cầu hiển nhiên hơn là mỗi GS, PGS, NCVC, NCVCC được phong và mỗi chủ trì đề tài nghiên cứu phải có công bố quốc tế trong 5 năm gần đây thì còn quên chưa được nhắc tới.  

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Đặng Vũ Minh và Thứ trưởng Lê Đình Tiến đã nói đến sự cần thiết thưởng tiền mặt cho các bài báo công bố quốc tế, như một số quốc gia đang làm. Đang có những cuộc thảo luận tại Bộ KH&CN nhằm tìm các biện pháp cụ thể và đồng bộ thúc đẩy công bố quốc tế trong NCCB. Tuy nhiên chính sách cụ thể khuyến khích công bố quốc tế mới chỉ được thực hiện tiên phong ở ĐH Nông nghiệp 1 Hà nội. 

Nghị định 115 đã đề cập tới xét tăng lương trước thời hạn tới 1 năm (từ quy định bình thường 3 năm) cho nhà khoa học có công bố bài báo quốc tế (mỗi đợt, trong giới hạn 5% số biên chế của cơ sở). Trong khi đó các văn bản xét các chức danh NCVC, NCVCC thời gian vừa qua, và GS, PGS hiện nay, mặc dù luôn nhấn mạnh trước tiên tới số điểm công trình khoa học, nhưng không có một chỗ nào nhắc tới tiêu chuẩn quyết định nhất (theo thông lệ quốc tế) là bài báo quốc tế, và bài báo quốc tế vẫn tiếp tục bị đánh đồng với bài báo trong nước, và thậm chí cả với báo cáo hội nghị. 

Việc xét đề tài khoa học trọng điểm cấp nhà nước đã bắt đầu xét thêm tới năng lực Chủ trì với tiêu chí khách quan là thưởng điểm cho từng bài báo quốc tế ISI được đăng 5 năm gần đây nhất. Tuy nhiên yếu tố này dễ bị lấn át bởi các hạng mục điểm khác của đề tài được quyết định bởi các ý kiến chủ quan của các phản biện và hội đồng đánh giá. Chương trình Pionner đòi hỏi nghiêm túc sẽ không có sức hút với các nhà khoa học và đứng nổi, khi bên cạnh nó tồn tại những đề tài béo bở (về thu nhập thực tế) và dễ dãi (về chuẩn mực khoa học) như các đề tài trọng điểm cấp Nhà nước, cấp Bộ… Nước chảy chỗ trũng là thực tế của cuộc sống. 

Quản lý tài chính các đề tài hiện có nhiều bất cập khiến cả người làm thật cũng như người làm giả đều phải tìm cách hợp lý hóa chứng từ bằng các hình thức không minh bạch. Đây cũng là một kẽ hở cho nhiều dạng tiêu cực. Điều đó cùng với các thủ tục hành chính quan liêu khác cũng là vấn đề mà chương trình Pionner phải đối mặt. 

Một trở ngại chính cho cải cách và tiến bộ khoa học hiện nay là nhiều nhà khoa học và chức sắc thâm niên với tư duy lạc hậu, vốn đã từ lâu hoặc chưa bao giờ nghiên cứu khoa học ở trình độ quốc tế, vẫn đang ngự trị các hội đồng NCCB, hội đồng chức danh nhà nước và các ngành, hội đồng xét duyệt các đề tài các cấp, và nắm cả các tạp chí quốc nội. Hy vọng rằng Trung tâm hỗ trợ đánh giá KH&CN mới được thành lập sẽ giúp các nhà lãnh đạo và quản lý có cơ sở khách quan dựa trên chuẩn mực quốc tế để lập mới các hội đồng này. Các hội đồng này cũng cần được thay đổi và bổ sung thường xuyên cho phù hợp với sự vận động tiến lên không ngừng của khoa học. Đó không phải là những nơi để chiếm vị thế, chia trác quyền lợi, và có thể yên tâm bám giữ, thậm chí cả đến khi đã qua tuổi nghỉ hưu. 

Có phần khác với KHTN & KT, riêng đối với KHXH, bề dầy của thâm niên công tác và kinh nghiệm sống của nhà khoa học có đóng vai trò lớn hơn, các tiêu chuẩn quốc tế cũng khó áp dụng hơn (mặc dù ISI cũng thống kê các bài báo KHXH, và chúng ta cũng có các công bố trên lĩnh vực này) do những khác biệt về hệ thống chính trị của nước ta. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải cân đối tỷ lệ giữa số GS, TS , cán bộ khoa học, phân bố kinh phí nghiên cứu giữa các lĩnh vực khác nhau, đối chiếu với quốc tế, trừ phi đưa ra được các tiêu chuẩn khách quan để lý giải cho những khác biệt cụ thể. 

Chúng ta đang có phong trào chống căn bệnh thành tích, và nói hai không, bốn không với tiêu cực trong giáo dục phổ thông. Chúng ta cũng cần phát triển tinh thần đó cho cả lĩnh vực ĐTĐH và NCKH.  
 

3. Lập các hội đồng tư vấn chính sách KH&CN. 
 

Chúng ta cần lập các hội đồng tư vấn chính sách KH&CN cho chính phủ và các Bộ, ngành. Các hội đồng này phải bao gồm đủ 2 thành phần: 1- Các nhà quản lý và lãnh đạo, 2- Các nhà chuyên môn thực thụ (đang nghiên cứu khoa học tích cực theo chuẩn mực quốc tế). Trước nay chúng ta mới chỉ mới quan tâm tới thành phần thứ nhất. Các lãnh đạo hành chính các cơ sở và một số vị thâm niên với đủ mọi danh hiệu hình thức thường được dán kèm với cái mác, một cách rất sai lầm, là các chuyên gia đầu ngành, bất chấp các chuẩn mực khoa học quốc tế. Với lực lượng chuyên gia trình độ quốc tế của chúng ta hiện còn mỏng, chúng ta cần mời thêm vào các hội đồng các nhà khoa học Việt kiều giỏi và tâm huyết, các nhà khoa học quốc tế có trình độ, có quan tâm đến và hiểu biết tình hình VN – với vai trò thành viên chính thức hay tham vấn. Các hội đồng này sẽ giúp các nhà lãnh đạo và quản lý nắm bắt được các phát triển trên thế giới, những vấn đề nội bộ của chúng ta, xác định các ưu tiên, tìm kiếm giới thiệu chuyên gia,…, trong đó có cả tham vấn cho các vấn đề cụ thể của các chương trình khoa học, như chương trình Pioneer. 
 

Hà nội, ngày 12/9/2007

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Phạm Đức Chính