Chính trị năng lượng: bàn cờ Caucasus

Vietsciences- Nguyễn Trường      02/12/2008

 

Những bài cùng tác giả

Cuộc chiến ngắn ngủi ở Georgia đã được các nhà phân tích chứng khoán ở Wall Street xem như tiếng chuông báo hiệu tương lai rạng rỡ của tập đoàn kỹnghệ-quânsự-chínhtrị Hoa Kỳ.

Đã hẳn, với tai họa Iraq, Afghanistan (và cả ở Pakistan), chưa kể những cuộc chiến đại diện ở Colombia, Bolivia, Palestine, Lebanon, Somalia, Sudan, và nhiều nơi khác trên thế giới, trong hiện tình, Hoa kỳ khó thể theo đuổi một cuộc chiến tranh lạnh mới dù ước muốn.

Mặc dù Liên Bang Xô Viết (USSR) đã tan rã từ 1991, các phần tử Tân Bảo Thủ nòng cốt trong chính quyền Bush, bị ám ảnh bởi tư duy chiến tranh lạnh cũ, vẫn luôn tìm cách xóa bỏ những gì còn rơi rớt lại, thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của Liên Bang Nga với vòng vây quân sự, kết nối các 'xứ vệ tinh' Đông Âu trước đây với NATO, xâm nhập và, sau năm 2001, đưa quân tới các xứ cộng hòa nguyên thành viên USSR giàu năng lượng ở Trung Á.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, trong khi George W. Bush tuyên bố đã tìm thấy trong ánh mắt của Vladimir Putin một tri kỷ (soulmate), Phó T T Dick Cheney, và các cận thần Tân Bảo Thủ, luôn giữ thái độ thách thức, gây hấn. Như David Bromwich đã ghi lại trong một bài viết cho báo Huffington Post, Cheney, trong một bài nói chuyện ở Vilnius, Lithuania, tháng 5 năm 2006, 'đã đe dọa một Chiến Tranh Lạnh Mới với Nga nếu Nga không chấp nhận đòi hỏi của Hoa Kỳ cung cấp dầu với giá rẻ cho các xứ láng giềng của Nga (nhưng) thân Mỹ'

Trong chiều hướng đó, nhiều nhà phân tích Tây phương đã giải thích cuộc chiến 5 ngày gần đây trong vùng Caucasus như là màn mở đầu cho một Chiến Tranh Lạnh Mới khi một quốc gia dân chủ bé nhỏ thân Tây phương đã can đảm chống lại sự hồi sinh của Liên Bang Nga Stalinist. Một số khác lại xem đây như sự tái phát của chính trị sắc tộc xa xưa ở Đông Nam Âu châu, với nhiều sắc tộc thiểu số lợi dụng những xung đột biên giới để giải quyết những món nợ quá khứ.

Cả hai lối giải thích trên đây đều lầm lẫn. Để hiểu rõ những biến động trong vùng Caucasus, nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi: phải chăng sự xung đột nói trên chỉ là một xô xát nhỏ trong sự tranh giành địa chính trị lớn lao hơn nhiều giữa Mạc Tư Khoa và Hoa Thịnh Đốn liên quan đến tài nguyên năng lượng dồi dào trong vùng Vịnh Biển Caspian? Với họ, trong cuộc đấu trí vừa qua, Vladimir Putin, nguyên Tổng Thống và đương kim Thủ Tướng Nga, đã chứng tỏ khả năng một tay cờ địa chiến lược vô địch , và phe Tổng Thống Bush như những tay chơi nghiệp dư trung cấp.

Phần thưởng sau cùng của cuộc so tài là quyền kiểm soát dòng chảy dầu khí từ vùng Vịnh Caspian giàu năng lượng đến các thị trường đói dầu ở Âu châu và Á châu. Theo tính toán gần đây nhất của công ty dầu khổng lồ BP, công ty sản xuất năng lượng hàng đầu trong vùng Caspian, tất cả các 'xứ cộng hòa xã hội chủ nghĩa' (socialist republics) của USSR trước đây - nhất là Azerbaijan, Khazakhstan, Turkmenistan, và Uzbekistan - họp lại, đang sở hữu khoảng 48 tỉ thùng (barrels) trữ lượng dầu có thể khai thác (proven oil reserves) (tương đương với số lượng hiện còn chưa khai thác của hai nước Mỹ và Canada) và 268.000 tỉ thước khối hơi đốt thiên nhiên (tương đương với số dự trữ của Saudi Arabia).

Dưới thời Xô Viết, cố nhiên tất cả số dầu và hơi đốt các xứ nầy sản xuất đều do Mạc Tư Khoa kiểm soát và phân phối phần lớn cho các thành viên của Liên Bang Xô Viết (USSR). Tuy nhiên, sau ngày USSR tan rã, các công ty dầu Tây phương đua nhau nhảy vào khai thác các tài nguyên năng lượng của vùng Caspian, để phân phối đến nhiều thị trường trên khắp thế giới.

Đổ Xô vào vùng Caspian

Trong thập kỷ 1990s, Vịnh Biển Caspian được xem như nguồn cung cấp dầu khí mới đầy hứa hẹn của thế giới. Các xí nghiệp năng lượng khổng lồ Tây phương như Chevron, BP, Exxon Mobil...đổ xô vào khai thác cơ hội ngàn vàng nầy. Đối với các công ty vừa kể, việc thuyết phục các xứ vừa mới độc lập sở tại ký hợp đồng là điều không mấy khó. Các xứ nầy đang khao khát thu hút đầu tư Tây phương - với khả năng hối lộ luôn kèm theo - và thoát khỏi sự thống trị kinh tế của Mạc Tư Khoa.

Nhưng huy chương nào cũng có mặt trái: Làm cách nào để chuyển tải số dầu khí sản xuất đến các thị trường ở phương Tây? Xét cho cùng, Vùng Caspian không có hải cảng; do đó, các tàu chở dầu không thể tiếp cận trong khi tất cả các đường ống dẫn dầu hiện hữu lúc đó đều đi qua Liên Bang Nga và nối kết vào các hệ thống cung cấp thời Xô Viết. Đã hẳn, nhiều quan chức ở Hoa Thịnh Đốn rất muốn giúp các công ty Mỹ trong nỗ lực tiếp cận nguồn năng lượng Caspian, nhưng họ không muốn dòng dầu khí đó được chuyển tải xuyên qua Liên Bang Nga - cho đến một ngày gần đây là một xứ thù nghịch - trước khi đi đến các thị trường Tây phương.

Như vậy, chính quyền Mỹ có thể làm được gì? Nghiên cứu bàn cờ Caspian vào giữa thập kỷ 1990s, Tổng Thống Bill Clinton nẩy ra một sáng kiến táo bạo: cải biến nước Cộng Hòa Georgia vừa độc lập và nghèo năng lượng thành một hành lang năng lượng nhằm xuất khẩu dầu khí Caspian đến phương Tây, không phải đi qua lãnh thổ Nga. Một đường ống dẫn 'dầu-sớm' ('early-oil' pipeline) sơ khởi được lắp đặt để vận chuyển dầu từ các mỏ dầu mới được khai thác thuộc lãnh thổ Azerbaijan trong vùng Vịnh Caspian đến Supsa trên bờ Hắc Hải thuộc lãnh thổ Georgia, từ đó được chuyển qua các tàu dầu để phân phối đến các thị trường thế giới. Kế đó, một công trình táo bạo hơn nhằm xây tuyến đường ống BTC dài 1.600 cây số từ Baku, Azerbaijan đến Tbilisi,

Georgia và từ đó đến Ceyhan trên bờ Địa Trung Hải thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu cũng để ngăn ngừa Nga (lúc đó không còn là một siêu cường và ngày một nghèo đi) chi phối nguồn cung cấp năng lượng từ vùng biển Caspian.

T T Clinton là người chủ trì mọi bước tiến trong quá trình khai triển ban đầu của hệ thống BTC, từ ý niệm sơ khởi đến các sắp xếp chính thức áp đặt lên ba xứ dính liền với cấu trúc định chế của hệ thống. Nhưng hệ thống mới hoàn tất năm 2006, năm thứ hai trong nhiệm kỳ hai của T T George W. Bush. Đối với Clinton và các cố vấn của Tổng Thống, điều nầy chỉ đơn thuần địa chính trị - một đề xuất được tính toán kỷ lưỡng nhằm nâng cao an ninh năng lượng Tây phương và giảm thiểu quyền kiểm soát dòng chảy dầu khí toàn cầu của Điện Cẩm Linh. Như Sheila Heslin, một thành viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, đã thẳng thắn tiết lộ trước ủy ban điều tra Thượng Viện, năm 1997, nỗ lực của chính quyền trong công trình lắp đặt hệ thống ống dẫn dầu xuyên qua Azerbaijan và Georgia là 'nhằm bẻ gãy độc quyền kiểm soát của Nga trong quá trình vận chuyển dầu khi từ vùng Vịnh Caspian'.

Clinton hiểu rất rõ chiến lược nầy sẽ có nhiều bất trắc rủi ro, nhất là vì hành lang năng lượng của Hoa Thịnh Đốn phải đi qua gần một vài khu vực có nhiều tranh chấp đáng kể - kể cả hai khu vực ly khai được Nga hậu thuẫn: Abkhazia và South Ossetia. Với âu lo đó, Clinton lấy một quyết định thứ hai: cải biến quân đội Georgia thành một lực lượng quân sự đại diện của Hoa Kỳ , do bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trang bị và huấn luyện. Chỉ trong khoảng 1998-2000, Georgia đã được cấp một số viện trợ quân sự và kinh tế lên đến 302 triệu USD - nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong vùng Vịnh Caspian - quan chức quân sự hàng đầu Hoa Kỳ thường xuyên thăm viếng thủ đô Tbilisi để tỏ rõ sự yểm trợ đối với Tổng Thống đương nhiệm Eduard Shevardnadze.

Trong thời gian đó, Clinton là tay chơi chính trong vùng Caspian, trong khi Tổng Thống Nga, Boris Yeltsin, quá bận rộn với những biến động nội bộ và cuộc chiến chua cay, tốn kém ở Chechnya, chẳng có thì giờ và phương tiện đối phó. Tuy nhiên, các viên chức cao cấp Nga rất ái ngại trước sự hiện diện ngày một gia tăng của Hoa Kỳ ở sân sau phía Nam - vùng họ quen gọi 'near abroad', và đã bắt đầu chuẩn bị một kế sách phục hồi. Vào năm 2000, Andrei Y. Urnov, thuộc bộ Ngoại Giao Nga, đã tuyên bố: 'Nga luôn lưu tâm sự kiện các thế lực bên ngoài đang tìm cách làm suy yếu vị thế của chúng tôi trong vùng Vịnh Caspian. Không ai nên nghi ngờ Nga luôn quyết chí đề kháng mọi toan tính xâm phạm quyền lợi của chính mình'.

Liên Bang Nga Phục Hồi

Vào thời khắc gay cấn nầy, một tay chơi sành điệu mới đã đại diện phía Nga trong bàn cờ địa chính trị. Ngày 31-12-1999, Yeltsin chỉ định Vladimir V. Putin làm Tổng Thống, và kế đó, ngày 26-3-2000, Putin đắc cử Tổng Thống với trọn nhiệm kỳ 4 năm. Chính trị trong vùng Caucasus và Vịnh Caspian từ đó hoàn toàn đổi khác.

Ngay trước khi nhận chức Tổng Thống, Putin đã luôn vững tin quyền kiểm soát tài nguyên năng lượng của Nhà Nước phải là căn bản để Nga trở lại vị trí một đại cường. Trong tóm lược luận án tiến sĩ của ông, xuất bản năm 1999, Putin viết 'Nhà Nước có quyền quy định quá trình thủ đắc và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên khoáng sản [kể cả dầu và hơi đốt], độc lập với chủ sở hữu tài sản nơi khoáng sản tọa lạc'. Trên căn bản đó, giờ đây Putin đã chủ trì quá trình nhà cầm quyền Nga tái quốc hữu hóa nhiều công ty năng lượng (do Yeltsin tư hữu hóa trước đó), và gần như tịch biên toàn bộ công ty Yukos - một xí nghiệp tư nhân giàu nhất nước Nga. Putin cũng đã quốc hữu hóa và đặt Gazprom, công ty cung cấp hơi đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới, dưới quyền lãnh đạo của một viên chức thân tín, Dmitri Medvedev - Tổng Thống đương nhiệm Liên Bang Nga.

Sau khi đã phục hồi quyền kiểm soát của Nhà Nước đối với phần lớn tài nguyên dầu khí, Putin chuyển sự chú ý của mình đến một địa hạt khác - Vịnh Biển Caspian. Ở đây, mục tiêu của Putin không hẳn là nắm quyền sở hữu tài nguyên dầu khí - mặc dù các xí nghiệp Nga trong những năm trước đó đã tậu mãi một phần trong số các mỏ dầu khí Caspian - mà chính là nhằm khống chế các phương tiện chuyển tải số năng lượng xuất khẩu đến Âu châu và Á châu.

Trên phương diện nầy, Nga đã có sẵn lợi thế, vì phần lớn dầu từ Kazakhstan xuất khẩu qua các xứ phương Tây đều đã phải qua hệ thống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC), chạy qua lãnh thổ Nga trước khi đến Hắc Hải; ngoài ra, phần lớn hơi đốt thiên nhiên từ Trung Á vẫn tiếp tục được chuyển tải đến Nga qua những đường ống lắp ráp từ thời Xô Viết. Nhưng mục đích của Putin trong vùng Caspian là nắm bắt một phần thưởng lớn lao hơn. Putin muốn nắm chắc phần lớn số dầu và hơi đốt thiên nhiên được chuyển tải từ những khu mỏ mới khai triển trong Vịnh Caspian, trước khi đến các xứ phương Tây, phải đi qua lãnh thổ Nga.

Phần đầu của chiến dịch nầy là cuộc vận động ngoại giao ráo riết của Putin và Medvedev (lúc đó còn giữ chức vụ chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Gazprom) nhằm thuyết phục các vị tổng thống các nước Kazakhstan, Turkmenistan,và Uzbekistan, chuyển tải hơi đốt sản xuất trong tương lai xuyên qua lãnh thổ Nga. Mục tiêu nầy đã đạt được vào tháng 12-2007, khi Putin thành đạt một thỏa ước với lãnh tụ cả ba xứ cung cấp 20 tỉ thước khối hơi đốt mỗi năm qua tuyến dẫn khí mới dọc theo ven biển phía đông Caspian đến phía Nam nước Nga - để cung cấp cho Âu châu qua mạng lưới các đường ống dẫn hiện hữu của Gazprom.

Cùng lúc, Putin cũng hành động nhằm làm suy giảm lòng tin của thế giới vào Georgia như một hành lang cung cấp năng lượng khả tín trong tương lai. Điều nầy đã trở thành ưu tiên chiến lược của Điện Cẩm Linh, bởi lẽ Liên Hiệp Âu châu (EU) cũng đã loan báo kế hoạch xây một đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên từ vùng Caspian với phí tổn lên tới 10 tỉ USD, mang tên Nabuco, theo vở diễn opera của Verdi. Tuyến ống dẫn nầy đi từ Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) đến Austria (Áo), kết nối với tuyến Nam Caucasus mở rộng, chạy từ Azerbaijan xuyên qua Georgia đến Erzurum ở Turkey. Kế hoạch lắp đặt tuyến Nabuco là một động thái nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc của Âu châu đối với hơi đốt thiên nhiên của Nga - do đó, đã được chính quyền Bush nhiệt tình hỗ trợ.

Các biến động gần đây ở Georgia đã diễn ra trong bối cảnh đó.

Chiếu Tướng ở Georgia

Điều rõ ràng là dầu khí đi qua Georgia trên đường đến phương Tây càng nhiều thì tầm quan trọng địa chiến lược của Georgia trong sự tranh giành Nga-Mỹ, trong việc phân phối năng lượng vùng Caspian, càng lớn. Đã hẳn, chính quyền Bush đã nhận định rõ điều nầy và đã đáp ứng bằng cách cung cấp hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự cho quân đội Georgia và đã giúp huấn luyện lực lượng đặc biệt để bảo vệ tuyến dẫn hơi đốt thiên nhiên mới. Nhưng đối tác của Bush ở Tbilisi, Tổng Thống Mikheil Saakashvili, không chỉ bằng lòng với vai trò tương đối khiêm tốn - bảo vệ tuyến dẫn dầu khí. Ông ta đang quyết tâm theo đuổi giấc mơ lớn lao thu hồi hai khu tự trị ly khai Abkhazia và South Ossetia với sự hỗ trợ của Mỹ. Nhưng trong thực tế, phe Bush - đang nung nấu bởi ảo tưởng Tân bảo thủ - chỉ xem Saakashvili như 'con chốt' hữu ích trong việc theo đuổi một nghị trình chống Nga âm ỉ từ lâu. Cùng nhau, họ đã bước vào cái bẫy sập do Putin đã khéo léo dàn dựng.

Tưởng cần phải nói rõ ở đây là Thủ Tướng Nga cũng đã kích thích thúc đẩy một Saakashvili thiếu cẩn trọng lao mình vào cuộc phiêu lưu South Ossetia, bằng cách khuyến khích các chiến binh dân quân Abkhazian và South Ossetian tấn công các tiền đồn và làng mạc ở ngoại vi hai khu tự trị ly khai. Ngoại Trưởng Condoleezza Rice được biết đã khuyên Saakashvili, trong lần gặp mặt tháng 7-2008, tránh phản ứng nông nỗi và phải biết tự kiềm chế trước các hành động khiêu khích vừa nói. Nhưng rõ ràng Saakashvili đã bỏ ngoài tai, trái lại, còn tỏ ra rất khích lệ trước lời hứa Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ đề án Georgia nhanh chóng gia nhập khối NATO. Nhiều lãnh đạo Mỹ, kể cả Nghị Sĩ John McCain, đều xác quyết với Saakashvili lập trường ủng hộ không lay chuyển của Hoa Kỳ. Tất cả những gì trao đổi trong các câu chuyện riêng tư đó hình như đã đựơc Tổng Thống Georgian, Saakashvili, hiểu như người Mỹ đã bật đèn xanh cho những toan tính phiêu lưu của mình. Ngày 7-8-2008, Saakashvili xua quân tiến chiếm South Ossetia và tấn công thủ phủ Tskhinvali, đem lại cho Putin cơ hội mong đợi từ lâu - một lý do tương đối chính đáng để xâm chiếm Georgia và chứng tỏ tính mong manh èo uột của hành lang năng lượng của Clinton và ngày nay là của Bush.

Ngày nay, quân đội Georgia đã tơi tả, các tuyến dẫn khí đốt thiên nhiên BTC và South Caucasus nằm trong tầm hỏa lực của Nga, Abkhazia và South Ossetia đã tuyên bố độc lập và chóng vánh được Nga công nhận. Trước những diễn biến nầy, chính quyền Bush và một số lãnh đạo Âu châu đã phát động một chiến dịch phản công, lên án cách ứng xử man rợ và vi phạm luật quốc tế của Mạc Tư Khoa. Các vị nầy cũng đe dọa loại Liên Bang Nga ra khỏi các diễn đàn và định chế quốc tế, như câu lạc bộ chính quyền G-8 và Tổ Chức Thương Mãi Quốc Tế (WTO). Như vậy, rồi ra Mạc Tư Khoa sẽ phải chịu ít nhiều cô lập và bất tiện - hậu quả của hành động xâm chiếm Georgia.

Tất cả những điều đó chắc chẳng làm thay đổi mấy hình ảnh vùng Caucasus: Putin đã di chuyển các con cờ hùng hậu đến góc nầy của bàn cờ, con chốt của Hoa Kỳ đã đại bại, và chẳng còn gì thực tế đáng kể để Hoa Thịnh Đốn, hay Luân Đôn, hay Paris, hay Berlin có thể làm để thay đổi tình thế.

Đã hẳn sẽ còn nhiều hiệp trong tương lai, và cũng chẳng dễ gì tiên đoán kết quả. Lần nầy, Putin đã giành phần thắng vì đã tập trung vào đúng các mục tiêu địa chính trị, trong khi các đối thủ đã hành động một cách mù quáng theo hoang tưởng và ý thức hệ; chừng nào phương cách hành động chưa thay đổi , Putin hay những người kế nhiệm vẫn có cơ may thắng thế. Chỉ khi nào các cấp lãnh đạo Hoa Kỳ tìm được một phương cách tiếp cận thực tế hơn đối với thế lực đang lên của Nga hoặc lựa chọn cộng tác với Mạc Tư Khoa trong việc khai thác năng lượng vùng Caspian, lúc đó may ra những bước lùi chiến lược mới không còn xẩy ra trên bàn cờ Caspian.

© GS Nguyễn Trường

Irvine, CA, USA

24-9-2008

--------------------------------------------------------------------------------

Chú thích: Bài viết phần lớn đã dựa vào những tư liệu lấy từ các tác phẩm của Michael T. Clare, Giáo sư Stony Brook University và Hampshire College. Tác phẩm mới nhất: Rising Powers, Shrinking Planet: The New Geopolitics of Energy, Metropolitan Books, 2008.

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường