Chính quyền Obama và chủ thuyết Monroe

Vietsciences-Nguyễn Trường              14/03/2010

 

Những bài cùng tác giả  

Thực hiện lời hứa với cử tri, tháng 9 năm 2009, Tổng Thống Ecuador, Rafael Correa, đã từ chối gia hạn thỏa ước cho phép Hoa kỳ sử dụng căn cứ không quân bên ngoài thành phố Manta bên bờ Thái Bình Dương. Trong suốt thập kỷ vừa qua, căn cứ Manta đã hoạt động như tiền đồn chính của Hoa Kỳ ở Nam Mỹ. Quyết định chấm dứt thỏa ước là một nỗ lực nghiêm chỉnh thực thi hiến pháp mới của Ecuador - cổ súy tài giảm binh bị toàn cầu và chống lại mọi áp đặt các căn cứ quân sự ở hải ngoại của bất cứ cường quốc nào. Đây cũng là một chiến thắng quan trọng của phong trào phi-quân-sự-hóa toàn cầu, một phong trào ra đời do ảnh hưởng của Mạng Lưới Quốc Tế Bãi Bỏ Các Căn Cứ Quân Sự Hải Ngoại (Internatioal Network for the Abolition of Foreign Military Bases) của một số đại cường kể từ khi phong trào chống đối đã buộc Hải Quân Hoa Kỳ phải rút khỏi Vieques, Puerto Rico, năm 2003. Correa đã đùa giỡn: "chúng tôi sẽ gia hạn thỏa ước nếu Hoa Kỳ đồng ý cho chúng tôi thiết lập một căn cứ ở Miami"[1].

Như để đáp lại, vào cuối tháng 10-2009, Hoa Kỳ và Colombia đã ký một thỏa ước cho phép Ngũ Giác Đài sử dụng bảy căn cứ quân sự cùng với một số không hạn định các cơ sở và địa điểm không ghi rõ, bên cạnh sự hiện diện quan trọng sẵn có ở Colombia, Trung Mỹ và vùng Caribbean.

Trước sự chỉ trích của Nam Mỹ về các hoạt động quân sự ở Colombia, Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh Hoa kỳ chỉ chính thức hóa hợp tác quân sự hiện hữu giữa hai xứ trong Kế hoạch Colombia (Plan Colombia) và sẽ không gia tăng khả năng tấn công của Southcom, Bộ Tư Lệnh Khu Vực Nam của Hoa Kỳ. Cùng lúc, Ngũ Giác Đài đã ghi rõ, trong dự thảo ngân sách 2009, Bộ Quốc Phòng cần ngân khoản để canh tân các căn cứ với khả năng hoạt động bao trùm toàn bộ Nam Mỹ (full spectrum operations throughout South America) để đối phó với các chính quyền chống Mỹ và bành trướng khả năng viễn chinh (expeditionary warfare capability). Về sau, diễn giải mang ý đồ mặc nhiên vừa nói, đã được xóa khỏi ngân sách chính thức, có thể chỉ là trường hợp lớn tiếng đe dọa để biện minh các khoản chi trong thời buổi khủng hoảng tài chánh. Tuy nhiên, quyết định của chính quyền Obama xúc tiến các căn cứ quân sự ở Colombia đã tăng tính đe dọa trong chính sách của Hoa Kỳ ở Tây Bán Cầu.

Trong những năm gần đây, Hoa Thịnh Đốn đã trải nghiệm khuynh hướng suy giảm ảnh hưởng nhanh chóng ở Nam Mỹ trước sự trỗi dậy của Brazil, bước ngoặt tả khuynh trong vùng, ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, và quyết định dùng số thu nhập từ dầu khí để theo đuổi đường lối ngoại giao đa cực của Venezuela. Các cao trào xã hội rộng khắp đã thách thức nỗ lực của các công ty Hoa Kỳ và Gia Nả Đại đang tìm cách tăng cường các kỹ nghệ khoáng sản như hầm mỏ, nhiên liệu sinh học, dầu khí, và khai thác gỗ quý. Ở Peru, trong năm 2009, các cuộc biểu tình chống đối của thổ dân đã buộc nhà cầm quyền phải hủy bỏ các luật cho phép các công ty ngoại quốc khai thác gỗ, khoáng sản, dầu khí trong nhiều vùng Amazon rộng lớn. Và các biến động tương tự ở khắp nơi đã giúp châu Mỹ La Tinh tiếp tục duy trì vai trò tiên phong trong phong trào dân chủ toàn cầu chống đối các đại công ty và chủ nghĩa quân sự.

Các thử thách đối với quyền lực của Hoa Kỳ đã khiến Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (Council on Foreign Relations) tuyên bố Chủ Thuyết Monroe đã lỗi thời. Nhưng chủ thuyết nầy, cơ sở lý thuyết biện minh mọi can thiệp từ Patagonia đến Rio Grande trong gần hai thế kỷ vừa qua, không cáo chung  mà chỉ suy yếu dần, với chính quyền Obama đã làm các đồng minh tiềm năng trong vùng thất vọng qua việc tiếp tục cổ súy một hỗn hợp mong manh chính sách quân sự và lý thuyết tự do thương mãi chính thống trong hành lang từ Mexico đến Colombia.

Nền tảng của Chủ Thuyết Monroe là Kế hoạch Colombia. Bước vào năm thứ 11, một kế hoạch, dự định sẽ hoàn tất sau năm năm với gói viện trợ quân sự nhiều tỉ USD của Hoa Thịnh Đốn, đã thất bại trong nỗ lực chận đứng dòng chảy nha phiến bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Ngày một nhiều coca từ vùng Andes đã được tinh chế thành cocaine vào năm 2008 hơn là năm 1998; và ngày nay, giá bán lẻ các loại ma túy, sau khi điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát, còn thấp hơn một thập kỷ trước đây rất nhiều.

Nhưng Kế hoạch Colombia, trong thực tế không chỉ nhằm đối phó với nạn buôn bán ma túy, mà chính là một phiên bản Châu Mỹ La Tinh của GCOIN, hay Kế Hoạch Chống Nổi Loạn Toàn Cầu - Global Counterinsurgency,  một từ mới đang được các chiến lược gia sử dụng nhằm tránh sự  liên tưởng mang tính tôn giáo và ý thức hệ đến Cuộc Chiến Chống Khủng Bố Toàn Cầu tai họa của George W. Bush, và tập trung vào một chương trình khiêm tốn hơn nhằm mở rộng sự kiểm soát của chính quyền địa phương trong những khu vực hay "không gian vô luật pháp hay bất trị" (lawless or ungoverned spaces), theo ngôn từ GCOIN.

Từ 2006, với việc chiếm đóng Iraq ngày một gặp khó khăn, Kế hoạch Colombia đã trở thành chiến lược chống nổi dậy, được các chiến lược gia ca tụng như sự áp dụng thành công chiến lược tảo thanh, củng cố, và kiến thiết (clear, hold and build sequence) - một chiến lược Tướng David Petraeus ưa thích. Những bài học của Kế hoạch Colombia đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhiều trường cao đẳng quân sự, và Bộ Tham Mưu Liên Quân chính thức xem như mô hình thích ứng với chiến trường Afghanistan. Quân đội Colombia, được Hoa Thịnh Đốn hậu thuẩn, không những đã làm suy yếu Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng (Revoluionary Armed Forces - FARC), phong trào nổi dậy mạnh mẻ và dai dẳng ở châu Mỹ La Tinh, mà theo Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại còn bảo đảm sự hiện diện của nhà nước trong nhiều khu vực trước đây do các lực lượng vũ trang bất hợp pháp kiểm soát, giúp tái lập chính quyền dân cử, xây dựng và tái xây dựng các hạ tầng cơ sở công cộng, và tăng cường pháp trị. Nói một cách khác, Kế hoạch Colombia đem lại không chỉ  một lộ trình đến thành công mà chính sự thành công. Colombia, như vậy,  phải là mô hình lý tưởng cho Iraq. 

Thông thường trong quá trình chống nổi loạn, giai đoạn "tảo thanh" (clear) thường đi  kèm với chiến dịch khủng bố và ám sát che đậy như Chiến Dịch Phượng Hoàng ở Nam Việt Nam hay Chiến Dịch Mano Blanca ở El Salvador. George W. Bush đắc cử tổng thống vào thời điểm toàn bộ Kế hoạch Colombia đã đi vào hoạt động, và theo Scott Wilson, phóng viên báo Washington Post, đã yểm trợ các hoạt động của các lực lượng bán quân sự cánh hữu, được tổ chức một cách lỏng lẻo như Lực Lượng Tự Vệ Thống Nhất (United Self-Defense Forces) hay AUC theo tiếng Tây Ban Nha. Luận cứ  lúc đó luôn là các lực lượng bán quân sự  - chịu trách nhiệm trong hầu hết các vụ thủ tiêu chính trị ở Colombia - cung cấp lực lượng bổ túc quân đội còn thiếu.

Tiếp theo là giai đoạn "củng cố" (hold): các lực lượng bán quân sự giành chiếm đất hàng loạt. Lường gạt và bạo lực - "bán nếu không quả phụ của quý vị sẽ bán" - thường đi trước chiến dịch giành đất đai, đồng hành với chiến dịch rải thuốc đại tràng gây ô nhiễm đất canh tác, đã biến hàng triệu dân quê thành người tỵ nạn. Các phần tử bán quân sự và các đồng minh buôn bán ma túy, hiện nay, kiểm soát lối 10 triệu acres, khoảng phân nửa diện tích mầu mỡ của Colombia.

Sau khi đã bình định phần lớn nông thôn là giai đoạn "xây dựng"  (building) guồng máy cầm quyền. Trên phương diện kỷ thuật, Hoa Kỳ xem AUC như một tổ chức khủng bố, một trong ba nhóm thành viên khủng-bố-buôn-ma-túy(narcoterrorist triptych) - AUC-FARC-NARCOS (nhân viên bài trừ ma túy) - những nhóm đối tượng của Southcom. Tuy nhiên, Kế hoạch Colombia không nhằm thanh toán các tay chơi bán quân sự - ngoại trừ các thành phần ngoan cố và không cần thiết - trái lại, chỉ nhằm tạo một địa bàn qua đó, với chính sách chiến tranh triền miên, các nhóm nầy có thể trở thành giới cầm quyền. Dưới lớp hỏa mù đại xá của chính quyền (government-brokered amnesty), một việc làm đã bị các nhóm nhân quyền quốc tế lên án như định chế hóa tình trạng ngoài vòng luật pháp (institutionalizing  impunity), các nhóm bán quân sự đã nắm quyền kiểm soát hàng trăm chính quyền địa phương, tạo lập một tình trạng nhà xã hội học Comlombia, Leon Valencia, mệnh danh là các thực thể độc tài địa phương chính hiệu (true local dictatorships), củng cố quyền nắm giữ tài sản và các dây liên kết với giới buôn bán ma túy, địa chủ, và các chính trị gia. Mạng lưới tình báo Colombian ngày một lớn mạnh thâm nhập bởi các tổ chức khủng bố, buôn bán ma túy, tư pháp, và  quốc hội, nơi hơn 40 dân biểu đang bị điều tra có liên hệ với AUC.

Nói một cách khác, Kế hoạch Colombia đã tài trợ các hoạt động đối nghịch với những gì đang diễn tiến trong các xứ láng giềng Ecuador, Bolivia và Venezuela, nơi các phong trào cấp tiến đang nỗ lực tái xây dựng xã hội của họ với chính sách đoàn kết, hợp tác, và hội nhập. Thay vì thể chế dân chủ tham dự tả phái (participatory democracy), Tổng Thống Colombia, Alvaro Uribe, chủ trương an ninh dân chủ (democratic security), một tập hợp xã hội ở đó những ai chịu chấp nhận trật tự mới được hứa hẹn những khu phố an toàn, đôi khi giàu có, các đại lộ an ninh, trong khi các tổ chức dân sự đối lập luôn bị khủng bố và ám sát. Colombia đang ở trong một chế độ đàn áp, tàn bạo, thối nát, tệ hại nhất châu Mỹ La Tinh. Từ ngày Uribe chấp chính, hơn 500 thành viên các nghiệp đoàn đã bị thủ tiêu. Trong những năm gần đây, 195 giáo viên đã bị ám sát, và không một thủ phạm bị bắt. Quân đội bị tố cáo đã giết hại hơn 2000 thường dân, rồi khoác lên tử thi đồng phục của chiến binh du kích để tuyên truyền đã có nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống FARC.

Hình như các chiến binh hữu phái không chịu sống cuộc đời thầm lặng do Paz Uribista bảo đảm. Nuevo Arco Iris, một think tank có trụ sở ở Bogota, đã tường trình: nhiều cuộc nội chiến cỡ nhỏ đã diễn ra giữa các "hậu duệ AUC" tranh giành quyền kiểm soát các chiến lợi phẩm địa phương. Tuy vậy, Kế hoạch Colombia vẫn được Hoa Kỳ hoan nghênh. Trên đường trở về sau hội nghị GCOIN ở Bogota mới đây, nguyên tư lệnh Southcom đã viết trong blog: "Colombia là một địa điểm du lịch phải đến (must see), tiến bộ rất nhiều trong chiến dịch kiểm soát phong trào du kích rộng lớn, chỉ cách Miami hai giờ bay - và chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ sự thành công của họ"[2].

Tiếp theo sau quyết định leo thang chiến tranh ở Afghanistan, sự ủng hộ thỏa ước các căn cứ quân sự ở Colombia của Obama có nghĩa: chấp thuận một phương cách thẩm định co dản các đe dọa dễ dàng chuyển đổi cuộc chiến dài lâu chống Hồi Giáo cực đoan thành một cuộc chiến rộng lớn với chiến thắng sau cùng, theo lời Andrew Bacevich, sẽ là một thế giới không có tội ác.

Ngay sau khi Baghdad sụp đổ, Hoa Thịnh Đốn đã tìm cách động viên Châu Mỹ La Tinh trong cuộc chiến. Tháng 10-2003, Hoa Kỳ thúc đẩy Tổ Chức Các Quốc Gia Mỹ Châu phải xem tham nhũng, di dân bất hợp pháp, rửa tiền, các tai họa thiên nhiên và nhân tạo, AIDS, ô nhiễm môi sinh, nghèo đói, và tin tặc, khủng bố, buôn bán ma túy,  như những đe dọa an ninh. Năm 2004, chiến lược gia Trường Cao Đẳng Chiến Tranh Quân Đội đề nghị mở rộng Kế hoạch Colombia đến tất cả các quốc gia châu Mỹ La Tinh, điều Donald Rumsfeld đã tìm cách thực hiện tại cuộc họp mặt các bộ trưởng quốc phòng trong khu vực tai Ecuador vào cuối năm. Rumsfeld đã thất bại. Các quốc gia như Brazil và Chile đã từ chối đặt quân đội của mình dưới quyền chỉ huy của Hoa Kỳ như trong suốt thời chiến tranh lạnh.

Thất bại, Hoa Kỳ đã thu hẹp cuộc chiến bằng cách tạo lập một hành lang an ninh chạy dài từ Colombia xuyên qua Trung Mỹ đến Mexico. Với một hỗn hợp các thỏa ước và dự án, như Hàn Lâm Viện Thực Thi Luật Pháp Quốc Tế (International Law Enforcement Academy) và Sáng Kiến Merida (Merida Initiative), Obama tiếp tục các chính sách của các vị tiền nhiệm, chi tiêu hàng triệu USD để hội nhập quân đội, tình báo, và ngay cả các hệ thống tư pháp, bằng các pháp chế tương tự luật Patriot Act. Điều nầy được xem như  nỗ lực nới rộng phạm vi hoạt động của Kế hoạch Colombia, nhằm tạo lập một hạ tầng cơ sở chống nổi dậy siêu quốc gia thống nhất. Luận cứ thường được nghe:  vì các tổ chức khủng bố và tội phạm ở châu Mỹ La Tinh thường "liên kết" với nhau, như đã được mô tả trong số tạp chí gần đây của Ngũ Giác Đài Joint Force Quarterly, "chống lại mối đe dọa cũng đòi hỏi sự 'liên kết' về phía chúng ta"[3].

Cùng lúc, nhiều chương trình hành động như Dự Án Hội Nhập và Phát triển Trung Mỹ (Meso-american Integration and Development Project) sử dụng tài trợ của Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Liên Mỹ (Inter-American Development Bank) để phối hợp mạng lưới các đại lộ, truyền tin, và năng lượng, của Mexico, Trung Mỹ và Colombia, và thống nhất các thỏa ước tự do thương mãi Bắc và Trung Mỹ, và lâm thời cả Thỏa Ước Tự Do Mậu Dịch Colombia, thành một khối thuần nhất. Thomas Shannon, đại diện Bush ở châu Mỹ La Tinh, và đại sứ của Obama ở Brazil, gọi các sáng kiến nầy là "áo giáp NAFTA"(armoring NAFTA).

Trộn lẫn (fusion) là từ thích hợp với tình trạng hội nhập nói trên bởi lẽ hòa nhập kinh tế tân tự do (neoliberal economics) với ngoại giao chống nổi dậy (counterinsurgent diplomacy) là điều cực kỳ nguy hiểm. Một hậu quả của Kế hoạch Colombia là đa dạng hóa bạo động và tham nhũng đặc trưng cho mạng lưới mua bán cocaine, với các liên minh Trung Mỹ, Mể Tây Cơ, và các phe nhóm quân sự, kiểm soát xuất khẩu ma túy qua Hoa Kỳ. Chu kỳ bạo động nầy còn được tăng cường bởi sự phổ biến nhanh chóng các nghiệp vụ khai quật khoáng sản, thủy điện, nhiên liệu sinh học, và dầu khí, tác hại đến các hệ thống môi sinh và gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước, cũng như mở cửa thị trường các quốc gia liên hệ cho kỹ nghệ nông lâm hủy hoại các nền kinh tế địa phương. Dân địa phương bị di dời sẽ là suối nguồn tội phạm, hoặc đưa đến những phiến loạn chống đối mà cuộc chiến mở rộng phải đối phó.

Khắp châu Mỹ La Tinh, một thế hệ mới các nhà hoạt động cộng đồng tiếp tục đẩy mạnh phong trào dân chủ toàn cầu trong khi ở Hoa Kỳ phong trào đã bị chận đứng ngay từ  trước biến cố 11-9. Các nhà hoạt động cộng đồng đã giữ vai trò lãnh đạo trong các tổ chức môi trường, thổ dân, tôn giáo, và nhân quyền ở Hoa Kỳ, giúp khai triển một nghị trình công bằng xã hội hợp lý và bền vững.Tuy nhiên, trong phạm vi hành lang Mexico-Colombia, họ phải đối diện với chủ trương bán quân sự sinh học (bio-paramilitarism), hậu thân của liên minh khủng bố-chủ đồn điền-chống Cộng (anticommunist death-squad/planter alliance), được hổ trợ bởi các kỹ nghệ nông doanh và hầm mỏ (extractive and agricultural industries) đang tăng cường hoạt động. Ở Colombia, các cộng đồng Phi châu-Colombian và thổ dân - chống đối các lực lượng bán quân sự chiếm đất trồng palm Phi châu để sản xuất ethanol - bị các lực lượng bán quân sự và quân đội tước đoạt ruộng đất và trục  xuất[4]. Từ Panama đến Mexico, người dân thôn quê bất khuất đã trở thành mục tiêu đàn áp. Trong vùng Cabanas ở Salvador, chẳng hạn, bốn lãnh tụ (riêng trong tháng 12-2009,  ba lãnh tụ) đã bị biệt kích (death squads) hạ sát vì chống đối Công ty Pacific Rim Mining Company, có trụ sở ở Vancouver, khai quật mỏ vàng trong cộng đồng của họ.

Và ở Honduras, từ sau cuộc đảo chánh quân sự lật đổ Manuel Zelaya tháng 6-2009, các tổ chức nhân quyền cho biết các chủ đồn điền palm đã tuyển dụng 40 thành viên AUC của Colombia làm nhân viên an ninh. Cuộc đảo chánh đã xẩy ra một phần cũng vì Zelaya đã liên minh với các giáo sĩ thần học giải phóng và các nhà hoạt động môi trường chống lại nạn phá rừng của các kỹ nghệ nhiên liệu sinh học và khai quật khoáng sản. Một tháng trước ngày bị lật đổ, Zelaya - sau cuộc điều tra lên án Goldcorp, một công ty cũng có trụ sở ở Vancouver, đã gây ô nhiễm thung lũng Siria Valley ở Honduras - đã đề xuất một pháp chế lẽ ra đã đòi hỏi các thỏa ước nhượng quyền khai quật khoáng sản mới phải được các cộng đồng chấp thuận trước, cũng như cấm khai thác các mỏ lộ thiên và sử dụng cyanide và mercury (thủy ngân). Pháp chế nầy đã dẫy chết với cuộc đảo chính. Zelaya cũng đã tìm cách phá vỡ quan hệ lệ thuộc theo đó dầu thô trong vùng chỉ được xuất khẩu đến các nhà máy lọc dầu của Mỹ để mua lại xăng dầu và diesel với giá độc quyền; gia nhập Petrocaribe - một liên minh cung cấp dầu Venezuela với giá rẽ cho các xứ thành viên - và ký các hợp đồng thuận lợi hơn với Conoco Phillips. Hành động nầy đã khiến hai đại công ty Exxon và Chevron, đang khống chế thị trường nhiên liệu trong vùng,  phẩn nộ. Sau cuộc bầu cử tổng thống mờ ám do phe quân đội đảo chánh tổ chức ngày 29-11-2009, giới truyền thông Tây phương đã tảng lờ trước tình trạng ngày một tệ hại ở Honduras mặc dù nhịp đàn áp rõ ràng đã tăng tốc. Kể từ ngày Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công nhận kết quả bầu cử, khoảng 10 lãnh tụ đối lập đã bị sát hại - phân nửa trong vòng 5 tháng trước đó.

Lẽ ra tình hình đã không thể như thế. Châu Mỹ La Tinh chưa bao giờ là một nguy cơ quân sự nghiêm trọng đối với Mỹ. Không xứ nào tìm cách thủ đắc vũ khí hạt nhân hay gây trở ngại cho việc tiếp cận các tài nguyên then chốt của Mỹ. Venezuela vẫn tiếp tục bán dầu cho Mỹ. Obama đang được mến chuộng khắp châu Mỹ La Tinh, và hầu hết các quốc gia trong vùng, kể cả các chính quyền tả khuynh, lẽ ra đã có thể nhiệt tình chào đón chính sách ngoại giao phi quân sự, giảm thiểu cường độ cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, dành ưu tiên cho các chương trình xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng - đúng theo chính sách đa phương mới Obama đã hứa hẹn suốt quá trình vận động bầu cử của chính ông.

Có lẽ một phần cũng vì châu Mỹ La Tinh không bao giờ là một đe dọa thực sự, chính quyền mới ở Mỹ thiếu động lực để đối đầu với các nhóm đặc quyền của tập đoàn các đại công ty luôn chống đối mọi nỗ lực canh tân quan hệ ở Tây Bán Cầu. Như một nhà ngoại giao cao cấp Argentina đã tỏ rõ nỗi thất vọng: "Obama đã quyết định châu Mỹ La Tinh không xứng đáng phải bận tâm. Ông đã dâng hiến Nam Mỹ La Tinh cho cánh hữu"[5].

Tòa Bạch Ốc lẽ ra đã có thể cùng làm việc với Tổ Chức Các Quốc Gia Mỹ Châu để tái lập dân chủ ở Honduras. Thay vào đó, sau nhiều tháng đưa ra nhiều tín hiệu trái ngược bất nhất, Obama đã đầu hàng phe Cộng Hòa ở Thượng Viện và đã hậu thuẩn chế độ tàn nhẫn ở Honduras. Hoa Thịnh Đốn lẽ ra đã có thể nỗ lực xúc tiến một chính sách kinh tế mới ở Tây Bán Cầu nhằm thành đạt một thế thăng bằng giữa  nguyện vọng công bằng và phát triển của dân địa phương và lợi nhuận của tập đoàn các đại công ty. Thay vào đó, Đảng Dân Chủ vẫn luôn duy trì vai trò một đảng của Wall Street, và ngay sau khi vào Bạch Ốc, Obama đã quên bẳng lời hứa tái thương thảo NAFTA[6]. Với hậu thuẩn của Hoa Thịnh Đốn, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) tiếp tục thúc đẩy các xứ Mỹ La Tinh mở cửa hay tự do hóa kinh tế. Tháng 12-2009, Artura Valenzuela, phụ tá bộ trưởng ngoại giao đặc trách Tây Bán Cầu của Obama, đã gây  scandal  ở Argentina khi thúc dục chính quyền xứ nầy trở lại môi trường đầu tư năm 1996 - một việc làm tương tự như Buenos Aires kêu gọi Hoa Kỳ tái phát động bong bóng Greenspan mới đây.

Chính quyền Obama lẽ ra đã có thể tái duyệt Kế hoạch Colombia và thỏa ước các căn cứ quân sự của Ngũ Giác Đài. Nhưng điều nầy sẽ có nghĩa người Mỹ phải tái tư duy cuộc chiến lưỡng đảng chống ma túy đã kéo dài nhiều thập kỷ, tốn kém nhiều tỉ đô la và tiếp tục gia tăng, trong khi Obama đang ngày một lún sâu trong vũng lầy Iraq và Afghanistan.

Không thể và cũng không muốn nhượng bộ trong các vấn đề quan trọng đối với châu Mỹ La Tinh - chẳng hạn, bình thường hóa quan hệ với Cuba hay cải cách di trú - Tòa Bạch Ốc chấp thuận một thế đứng ngày một mang tính đối kháng. Hillary Clinton, trong chuyến công du Brazil, tiếp theo sau cuộc viếng thăm của Tổng Thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, đã cảnh cáo châu Mỹ La Tinh phải "suy nghĩ kỹ" (think twice) về hậu quả của cử chỉ giao hảo với Iran. Bolivia tố cáo lời bình luận của Hillary như một đe dọa; Brazil đã hủy bỏ cuộc gặp mặt đã lên lịch giữa bộ trưởng ngoại giao Brazil với Valenzuela; và ngay cả Argentina, không mấy gần gũi Iran, cũng lấy làm khó chịu. Như nhà ngoại giao Argentina đã nói với Greg Grandin:"Chính quyền Obama có lẽ sẽ không bao giờ nói với các xứ Âu châu như thế"[7].

Tin tức nội bộ đã tiết lộ: các viên chức cấp cao trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã căm phẩn  Luiz Inacio Lula da Silva, khi Tổng Thống Brazil, trong những tháng gần đây, đã tỏ ra chống đối đường lối hiếu chiến hiện nay của Hoa Thịnh Đốn không kém Hugo Chavez, Tổng Thống Venezuela, nhất là nỗ lực của Tòa Bạch Ốc và ngoại trưởng Hillary Clinton đem lại tính chính đáng cho cuộc đảo chánh ở Honduras.

Sau khi thành công trong việc chận đứng chiến dịch gây bất ổn chống lại Tổng Thống Evo Morales ở Bolivia trong năm 2008, theo Marco Aurelio Garcia, cố vấn chính sách đối ngoại của Lula, Brazil rất lo ngại chính sách Honduras của Obama đang du nhập lý thuyết đảo chánh phòng ngừa vào châu Mỹ La Tinh, như một nỗ lực mở rộng chủ thuyết chiến tranh phòng ngừa của George W. Bush.

Trong một vùng đã từng chứng kiến một cuộc chiến lớn giữa các quốc gia láng giềng kéo dài hơn 70 năm, Brazil lo ngại thỏa ước các căn cứ quân sự ở Colombia sẽ gây thêm căng thẳng giữa Colombia và Venezuela. Mặc dù các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đang chú tâm khai thác lời cảnh cáo của T T Chavez:"các ngọn gió chiến tranh" (winds of war) đang thổi qua châu lục , bộ trưởng ngoại giao Brazil, Celso Amorim, đã quy lỗi gây khủng hoảng cho Hoa Thịnh Đốn. Amorim nói: "Chavez đã bước lui sau lời tuyên bố. Bàn luận chiến tranh - một từ chẳng bao giờ nên thốt ra - là một việc. Các vấn đề khách quan và thực tế về các căn cứ quân sự là một việc khác... Nếu Iran hay Nga sẽ thiết lập một căn cứ quân sự ở Venezuela, điều đó cũng sẽ làm cho chúng tôi lo ngại"[8].

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tòa Bạch Ốc đang hy vọng một loạt các cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Nam Mỹ sẽ tái lập các chính quyền mềm mỏng dễ uốn nắn hơn. Chẳng hạn, trong chuyến viếng thăm Buenos Aires gần đây, Valenzuela đã gặp các chính trị gia cực hữu nhưng tránh gặp các lãnh tụ đối lập ôn hòa; và chính quyền Cristina Fernandez, tổng thống trung tả, đã lên tiếng chỉ trích. Trong tháng 1-2010, một tỉ phú hữu khuynh, Sebastian Pinera, đắc cử tổng thống Chile. Và nếu Đảng Công Nhân của Lula thất cử trong cuộc bầu cử vào tháng 10-2010 sắp tới, như nhiều cuộc thăm dò công luận cho thấy đó là một điều khả dĩ, phe tả trong vùng Andes sẽ ngày một cô lập, bị kẹt giữa hành lang Colombia-Mexico ở phía Bắc và các chính quyền sẵn sàng đi theo quyền lợi Hoa Thịnh Đốn về phía Nam.

Chiến lược ngăn bờ thế kỷ 21 đối với chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21! Fidel Castro, thường là một người lạc quan, gần đây đã lên tiếng âu lo: trước khi Obama rời Nhà Trắng , "sẽ có từ 6 đến 8 chính phủ hữu khuynh ở châu Mỹ La Tinh"[9].

Cho đến lúc đó, Hoa Kỳ chỉ còn lại cái đuôi của Chủ Thuyết Monroe và một tư thế ngày một hăm he, hù dọa đối với khu vực sân sau của chính mình.

 

© GS Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

8-3-2010


[1] We'll renew the lease if the US lets us set up a base in Miami.

[2] Colombia is a "must see" tourist spot, having come a long, long way in controlling a deep-seated insurgency just over two hours flight from Miami - and we could learn a great deal from their success.

[3] Since there is "fusion" among Latin American terrorists and criminals, "countering the threat will require fusion on our part".

[4] Xem The Dark Side of Plan Colombia, 15-6-2009, Teo Ballve'.

[5] Obama has decided that Latin America isn't worth it. He gave it to the right.

[6] Xin xem thêm bài "Thập Kỷ 2000s: Vài Vấn Đề Thời Sự" của cùng tác giã.

[7] The Obama administration would never talk to European countries like that.

[8] Chavez had backed away from that statement. To talk about war - a word which should never be uttered - is one thing. Another is the practical and objective issues of the Colombian bases... If Iran or Russia were to establish a base in Venezuela, that would also worry us.

[9] There will be six to eight rightist governments in Latin America.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường