Những bài cùng tác giả
Xin mời đọc
Barack Obama và thế kỷ của Hoa
Kỳ
Chronologie
de la Palestine depuis 1947 à 2009

Trong kỷ nguyên Obama, tính khả tín của Hoa Kỳ trên
toàn cầu đang trên đà suy giảm . Thực vậy, bằng
chứng rõ ràng nhất là cách ứng xử của Netanyahu nhân
cuộc viếng thăm Do Thái của Phó Tổng Thống Joe
Biden hồi đầu năm. Biden đến với mục đích kích hoạt
quá trình hòa bình; Do Thái lại loan báo chương
trình xây dựng định cư mới ở Đông Jerusalem. Tin nầy
tự nó chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Việc xây dựng
những khu định cư trong lãnh thổ chiếm đóng luôn là
thực tế liên tục trong chính sách Do Thái từ nhiều
năm nay. Điều đáng ngạc nhiên là thời điểm loan báo
và phương cách ứng xử của cấp lãnh đạo một xứ đang
lệ thuộc sâu xa vào quyền lực và tiền bạc của Hoa
Kỳ. Netanyahu rõ ràng đã không ngần ngại làm mất uy
tín nhân vật số hai của Mỹ.
QUAN HỆ MỸ-DO THÁI
Âu lo trước
cảnh
công khai đối đầu giữa chính quyền Obama và chính
phủ Do Thái, Nghị sĩ Connecticut , Joe Lieberman -
đại diện cho quyền lợi của Đảng Lukid của thủ tướng
Benjamin Netanyahu và kỹ nghệ bảo hiểm y tế trước
Quốc Hội - đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt cãi vã.
Lieberman nói: "Chúng ta hãy chấm dứt cảnh xô
xát, thù nghịch trong gia đình. Đó là điều không cần
thiết; đó là điều tai hại đối với quyền lợi quốc gia
chung giữa chúng ta. Đã đến lúc phải xuống giọng,
phải bỏ qua thù nghịch gia đình giữa Hoa Kỳ và Do
Thái. Nó không có lợi ích cho ai ngoài kẻ thù của
chúng ta"[1].
Ý tưởng - Hoa Kỳ và Do Thái là gia đình với quyền
lợi quốc gia chung - là một hư cấu tiện lợi
Lieberman và phe ủng hộ Do Thái đã không ngừng cổ
súy và khai triển ở Hoa Thịnh Đốn trong hai thập kỷ
vừa qua. Tuy nhiên, nếu liên hệ thực sự mang tính
gia đình, sự xô xát hồi đầu năm giữa Hoa Thịnh Đốn
và chính quyền Netanyahu rất có thể phải được xem
như một trong những thù nghịch, dù bộc lộ trong lúc
nóng giận, cũng đã đặt thành vấn đề phải tái thẩm
định những chuẩn mực chi phối mối tương quan. Sự
thật đó không dễ dàng che đậy sau khi hòa khí đã
được vãn hồi. Vết rạn nứt tức thời đã loại hẳn khả
năng đơn thuần trở lại "tình trạng trước va
chạm". Trong thực tế, việc tái thương thảo các
điều kiện chi phối mối quan hệ một cách nào đó đã
được đưa lên nghị trình.
Đã hẳn, hai chính quyền Obama và Netanyahu hiện đang
ráo riết tìm kiếm một phương thức ra khỏi tình
trạng khó xử, bắt đầu với sự kiện người Do Thái đã
phục kích Phó Tổng Thống Joe Biden khi loan báo các
kế hoạch xây cất 1.600 căn hộ định cư ở Đông
Jerusalem đang bị chiếm đóng. Biden đến Do Thái với
mục tiêu kích hoạt các nỗ lực của chính quyền Obama,
tái khởi động thương nghị về thỏa ước hòa bình hai
nhà nước, một mục tiêu luôn bị Do thái cản trở qua
chính sách liên tục bành trướng định cư trên lãnh
thổ chiếm đóng kể từ 1967.
Cũng như khi Obama đòi hỏi chính quyền Netanyahu
phải ngưng hẳn toàn bộ chương trình định cư trong
năm 2009, người Do Thái một lần nữa sẽ chống lại mọi
yêu cầu đảo ngược hoàn toàn các kế hoạch xây cất mới
nhất. Thay vào đó, họ đề nghị một cách trơ trẽn sẽ
tiếp tục các hoạt động định cư trên căn bản
"không-hỏi-không-nói", tuy bề ngoài tuyên bố ủng
hộ giải pháp hai nhà nước để trấn an người
Mỹ, ngay cả khi họ vẫn tiếp tục bào mòn viễn ảnh
giải pháp nầy trong thực tế.
Như nguyên ngoại trưởng James Baker đã ghi nhận,
không thiếu gì những việc làm táo tợn như thế trong
chính phủ Netanyahu. Trong cuộc phỏng vấn gần đây,
Baker đã nói: "Người chịu thuế Hoa Kỳ đã giúp Do
Thái 3 tỉ USD mỗi năm, khoảng 1.000 USD cho mỗi
công dân Do Thái, trong lúc kinh tế chúng tôi đang
gặp nhiều khó khăn, và nhiều người Mỹ cũng sẽ biết
ơn một sự trợ giúp như thế từ chính quyền của chính
họ. Trước thực tế đó, thật chẳng có gì quá đáng khi
chúng tôi đòi hỏi cấp lãnh đạo Do Thái phải tôn
trọng chính sách định cư của Hoa Kỳ."[2]
TƯỚNG LÃNH VÀO CUỘC
Không sớm thì muộn, mớ bòng bong hiện nay rồi cũng
đi vào quên lãng. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn chắc rồi
cũng phải xét lại túi khôn ước lệ của lập trường hậu
thuẫn vô điều kiện cho Do Thái, và đưa ra ánh sáng
công luận phương cách các chính quyền Hoa Kỳ kế tiếp
trong hai thập kỷ qua đã tiếp tay cho Do Thái liên
tục bành trướng chế độ chiếm đóng, và liệu chính
sách nầy có phù hợp với quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ ở
Trung Đông.
Năm 2006, hai nhà tư tưởng thực tiễn về chính sách
đối ngoại, John Mearhimer và Stephen Walt, đã gây ra
một bão tố lố lăng và đầy thiên kiến khi gợi ý trong
tác phẩm Vận Động Hành Lang Do Thái và Chính Sách
Đối Ngoại Hoa Kỳ [The Israel Lobby and U.S.
Foreign Policy]: các mục tiêu hai bên theo đuổi,
trong thực tế, không hề trùng hợp và luôn trái
ngược, và phe thân Do Thái đã cực lực vận động hành
lang nhằm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Hoa
Kỳ có lợi cho Do Thái. Phe ủng hộ Do Thái cũng
dèm pha sự gợi ý của Nhóm Nghiên Cứu Iraq do T T
George W. Bush thành lập: Hoa Kỳ sẽ không thể
thành đạt được các mục tiêu của mình ở Trung Đông
nếu không giải quyết trước cuộc xung đột Do
Thái-Palestine.
Phản ứng đối với lời nhắc - cách ứng xử của Do Thái
có thể phương hại đến quyền lợi của Hoa Kỳ - lần
nầy có vẻ êm dịu khác thường. Lý do chỉ vì sự nhắc
nhở đã đến từ Tướng David Petraeus, tư lệnh
U.S.Central Command (Centcom), chịu trách nhiệm điều
hành hai cuộc chiến đang tiếp diễn hiện nay.
Petraeus là vị tướng được các đồng đội cùng thế hệ
ca ngợi, và cũng là vị tướng được phe thân Do Thái,
phái tân bảo thủ, sùng bái.
Petraeus đã nói với các Nghị Sĩ Thượng Viện:
"tình trạng thù nghịch dai dẳng giữa Do Thái và các
xứ láng giềng đã là nguyên nhân đưa đến các thử
thách rõ ràng đối với khả năng xúc tiến quyền lợi
của chúng ta trong khu vực trách nhiệm [Centcom's
Area of Responsibily - AOR]. Sự xung đột đã gây ra
cảm nghĩ chống Mỹ xuất phát từ nhận thức lập trường
thiên vị Do Thái của Hoa Kỳ. Thái độ căm tức của
người Á Rập về vấn đề Palestine đang giới hạn sức
mạnh và chiều sâu các đối tác giữa Hoa kỳ và chính
quyền và nhân dân trong vùng trách nhiệm [AOR], và
làm suy yếu tính chính đáng của các chế độ ôn hòa
trong thế giới Á Rập. Trong khi đó, al-Qaeda và các
nhóm kháng chiến khác đang lợi dụng thái độ căm giận
nầy để huy động yểm trợ. Tình trạng xung đột cũng
giúp Iran tăng cường ảnh hưởng trong thế giới Á Rập
qua các tổ chức tay chân như Hezbollah ở Lebanon và
Hamas. Tiến bộ trong quá trình giải quyết các xung
đột chính trị trong vùng Levant [Đông địa trung
hải], nhất là xung đột Á Rập-Do Thái, là mối ưu tư
lớn lao đối với Centcom."[3]
Thông thường, bất cứ ai liên kết sự xung đột Do
Thái-Palestine với làn sóng chống Mỹ trong thế giới
Hồi Giáo đều bị phái tân bảo thủ và phe thân Do Thái
chỉ trích. Điển hình, họ sẽ nhạo báng những ai lập
luận theo kiểu "liên kết Patraeus" là ngây
thơ, tin tưởng al-Qaeda sẽ từ bỏ thánh chiến [jihad]
nếu người Do Thái và người Palestine làm hòa với
nhau. Vả chăng, đó chỉ là một luận cứ hù dọa rởm:
Hoa Kỳ tự mình đã làm nhiều điều gây căm thù trong
thế giới Hồi giáo, và chấm dứt xung đột Do
Thái-Palestine tự nó sẽ chẳng giải quyết được mối
thù nghịch nầy.
Điều quan trọng chính là một giải pháp công bình cho
vấn đề xung đột Do Thái-Palestine là điều kiện cần,
nếu chưa đủ, để cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và
quần chúng trong nhiều xứ Hồi giáo.
Abe Foxman, lãnh đạo Liên Minh Chống Mạ Lỵ
[Anti-Defamation League] - chuyên trách phủ nhận dị
biệt giữa "chống-Do-Thái" [anti-Semitism] và
"phê bình hay thù nghịch đối với Do Thái"
[criticism or hostility to Israel] - đã ướm thử, để
thăm dò dư luận, khi nói "Tướng Petraeus đã đơn
thuần sai lầm khi liên kết những thách thức, Hoa Kỳ
và các lực lượng đồng minh đang đối diện trong khu
vực, với một giải pháp cho vấn đề xung đột Do Thái-Á
Rập, và quy trách các hoạt động cực đoan là do sự
thiếu vắng hòa bình và nhận thức lập trường thiên vị
của Hoa Kỳ đối với Do Thái. Một liên kết như vậy
thật sự nguy hiểm và phản tác dụng".[4]
Trong thực tế, người ta có thể cảm nhận được nỗi đau
trong lời thú nhận của Foxman: "mối âu lo càng
lớn lao hơn khi đến từ một nhân vật ái quốc và anh
hùng Mỹ".[5]
Khi Petraeus đã chọn công khai nói ra những quan
ngại của mình - vào lúc cao điểm của vụ va chạm giữa
Do Thái và Hoa Kỳ, và ngay ở Capitol Hill, nơi các
nhà lập pháp hình như chưa minh định được câu trả
lời - đã là một chỉ dấu tính nghiêm chỉnh của giới
quân sự khi nhấn mạnh vấn đề.
Mark Perry, một nhà phân tích quân sự và tình báo
lâu năm ở Hoa Thịnh Đốn, đã nắm bắt được ý nghĩa đặc
biệt của vấn đề trong website Chính Sách Đối
Ngoại [Foreign Policy's website]: "Ở Hoa Kỳ
có nhiều nhóm vận động hành lang quan trọng và đầy
thế lực: NRA, AMA, các luật sư... và vận đồng hành
lang Do Thái. Nhưng không có nhóm vận động hành
lang nào quan trọng và nhiều thế lực như giới quân
sự Mỹ".[6]
Perry cũng đã ghi nhận trong cuộc điều trần của Tổng
Tham Mưu Trưởng Liên Quân, Đề Đốc Michael Mullen,
vào tháng 1-2010: Petraeus rõ ràng đã gợi ý các vùng
lãnh thổ của Palestine - liên tục dưới quyền kiểm
soát quân sự tối cao của Do Thái - phải được đặt
trong AOR, một viễn ảnh có thể khiến cấp lãnh đạo Do
Thái đứng tim .
Điều nầy không có nghĩa tướng Petraeus đặc biệt ghét
bỏ hay yêu thương gì nhà nước Do Thái. Vấn đề là:
trong vai trò tư lệnh của hàng trăm nghìn quân nhân
Mỹ đồn trú trong khu vực được các chiến lược gia ở
Hoa Thịnh Đốn gọi là "vòng cung bất ổn" [arc
of instability], Petraeus rất lo ngại trước thái
độ ngày một gia tăng thù nghịch đối với Hoa Kỳ.
Ý niệm - Hoa Thịnh Đốn cần kiềm chế chính sách bành
trướng của Do Thái và áp đặt một giải pháp chính trị
cho mối xung đột Do Thái-Palestine - không có gì mới
mẻ đối với giới quân nhân Mỹ, những người không mấy
quan tâm đến khía cạnh tình cảm. Nguyên Ngoại Trưởng
Colin Powell và nguyên Đặc Sứ Trung Đông của Mỹ ,
Tướng Anthony Zinni, những người đã trải nghiệm quá
trình trưởng thành trong khu vực, cũng chia sẻ những
quan ngại hiện nay của Petraeus.
Tướng Keith Dayton - người chịu trách nhiệm: thành
lập và huấn luyện lực lượng an ninh giúp Nhà Cầm
Quyền Palestine, lực lượng đã dẹp các kháng chiến
quân ở West Bank, và kiềm hãm không cho phép lực
lượng nầy tấn công Do Thái trong mấy năm vừa qua -
cũng chẳng dè dặt gì hơn Petraeus trong bài nói
chuyện ở Hoa Thịnh Đốn trong năm rồi. Ông đã nhấn
mạnh tiền đề khi thành lập lực lượng dưới quyền và
đã chịu mọi chỉ trích ngay bên trong cộng đồng xem
đây chỉ là đội quân cảnh của Do Thái: những quân
nhân trong lực lượng nầy tin họ là hạt nhân của quân
đội của nhà nước tương lai Palestine. Ông còn cảnh
cáo, không nên xem lòng trung thành của những binh
sĩ dưới quyền là đương nhiên: "có lẽ có hai năm
chờ đợi khi được cho biết quý vị đang thành lập một
nhà nước , trong khi quý vị không làm như vậy"[7].
Báo chí Do Thái cũng trích đăng: bên sau các cánh
cữa khép kín, Phó Tổng Thống Biden đã quở trách
Netanyahu về những kế hoạch bành trướng định cư,
cảnh cáo việc làm nầy sẽ làm gia tăng bất trắc và
hiểm nguy đối với sinh mạng của các viên chức Hoa Kỳ
ở Iraq, Afghanistan và Pakistan.
HIỆN TRẠNG VÀ VAI TRÒ CỦA HOA KỲ
Trước công chúng, đã hẳn, Biden cũng nói không mấy
khác Lieberman: "Theo kinh nghiệm của tôi, điều
kiện tiên quyết cho tiến bộ [ở Trung Đông], như cả
thế giới đều biết, là không có khoảng cách giữa Hoa
Kỳ và Do Thái khi nói đến an ninh, không có. Chính
những lúc đó tiến bộ đã được thực hiện"[8].
Trong thực tế, lịch sử xung đột Do Thái-Palestine
cho thấy sự thật hoàn toàn trái ngược . Nguyên ủy
quá trình hòa bình, chính quyền Obama nay đang tìm
cách phục sinh, không hề liên hệ đến một hậu
thuẫn
vô điều kiện của Hoa Kỳ dành cho Do Thái. Ngược lại,
nguyên ủy đó đã nằm trong quyền lợi quốc gia cơ sở
trên một sự yểm trợ đứng đắn, hay như người Mỹ
thường nói - tough love, của chính quyền
George H.W. Bush.
Phát sinh từ một quan niệm thực tiển về quyền lợi
quốc gia Hoa Kỳ ở Trung Đông - vào lúc chiến dịch
quân sự, nhằm đẩy lùi các lực lượng Iraq của Saddam
Hussein ra khỏi Kuwait, đã dàn trải hàng trăm nghìn
binh sĩ Mỹ trong vùng - chính quyền Bush I đã nhận
diện nhu cầu quân bình quyền lợi phải chăng của Do
Thái với quyền lợi của các quốc gia Á Rập láng
giềng. Chính vì vậy, năm 1991, người Mỹ đã kéo lê
chính quyền diều hâu Likud của Yitzhak Shamir tới
hội nghị Madrid, do đó, đã phá vỡ điều cấm kỵ trong
địa hạt an ninh của Do Thái: trực tiếp thương
nghị với Tổ Chức Giải Phóng Palestine - PLO của
Yasir Arafat.
Chính quyền Bush I cũng đã nêu rõ: Do Thái sẽ chịu
hậu quả tức thì và đau đớn nếu tiếp tục chương trình
định cư trên phần lãnh thổ xâm thực trong cuộc chiến
1967, những xây cất lúc đó được gọi không những
"vô bổ" [unhelpful] - một mỹ từ các tổng thống
Bill Clinton, George W. Bush, và nay Barack Obama ưa
chuộng - mà còn "bất hợp pháp" [illegal].
Theo lệnh của Bush I và ngoại trưởng Jim Baker, Hoa
Thịnh Đốn đã đe dọa rút lại cam kết bảo đảm 10 tỉ
tiền vay nếu Do Thái tiếp tục xâm thực lãnh thổ
Palestine. Trong cuộc khủng hoảng chính trị sau đó,
người Do Thái, hiểu rõ tình trạng lệ thuộc vào sự
hậu thuẫn mang tính quyết định của Hoa Kỳ, đã phải
bầu chọn Yitzak Rabin thay thế Shamir trong chức vụ
thủ tướng.
Rabin sau đó đã được ca ngợi như một lãnh tụ can
đảm khi quyết định đổi hướng trước sư chống đối kịch
liệt trong nội bộ. Tuy nhiên, muốn hiểu rõ tình hình
thực tế, chúng ta cũng cần đọc kỹ lại lịch sử.
Chỉ ba năm trước đó, chính Rabin đã ra lệnh cho quân
đội Do Thái dùng dùi cui đánh gãy tay gảy chân các
thiếu niên ném đá, hy vọng chận đứng được phong trào
nổi dậy hay intifada của người Palestine. Đã
hẳn Rabin đã không vồ vập quá trình hòa bình Oslo
với PLO vì một thức tỉnh bất chợt của lương tâm đạo
đức nào đó. Rabin chỉ quyết định đổi hướng sau khi
bình tĩnh tính toán và tái thẩm định vị trí chiến
lược của mình.
Trong cùng thời điểm, Hoa kỳ nhận thấy nhiều lợi
điểm trong việc tạo dựng một Pax Americana
trong vùng, một quyết định đòi hỏi sự hậu
thuẫn của
thế giới Á Rập. Với chiến tranh lạnh đã chấm dứt,
giá trị của Do Thái như một đồng minh đang suy giảm.
Cùng lúc, các chính sách bành trướng đối nghịch với
công luận trong các xứ Á Rập và đặt chính quyền các
xứ nầy vào vị thế khó khăn và dễ thương tổn trong
vai trò đồng minh của Hoa Kỳ, một quốc gia hậu thuẫn
cho Do Thái, Hoa Thịnh Đốn nhận thấy Do Thái ngày
một trở thành một món nợ nặng gánh hơn.
Vì vậy, Rabin đã có lý do để tin hậu thuẫn của Hoa
Kỳ, dành cho Do Thái phương hại đến quyền lợi các xứ
Á Rập láng giềng, không thể vô điều kiện hay vĩnh
cữu. Trong lúc đó, PLO cũng đã suy yếu nhiều sau
nhiều năm tấn công quân sự của Do Thái và sau quyết
định "sai lầm" ủng hộ Saddam Hussein trong
cuộc chiến Vùng Vịnh I. Và Rabin kết luận, thời cơ
đã đến để thương thảo với Palestine một giải pháp
chính trị trong những điều kiện thuận lợi lúc đó,
bằng cách đổi West Bank và Gaza lấy hòa bình.
DUY TRÌ HIỆN TRẠNG, PHÍ TỔN VÀ LỢI ÍCH
Thực vậy, Rabin đã hành động vì hiểu được hậu quả
duy trì hiện trạng [status quo] hình như lúc
một bất lợi hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là một hành động
can đảm. Người ta cũng có thể nói như thế về Tổng
Thống da trắng cuối cùng của Nam Phi - F.W. de
Klerk. Klerk đã chọn lựa thương thuyết chấm dứt
chính sách phân biệt chủng tộc với đảng ANC của
Nelson Mandela bởi lẽ sự tan rã của Liên Bang Xô
Viết đã lấy mất lý do khá thuyết phục khi Hoa Kỳ và
các cường quốc Tây Phương hậu thuẫn cho chế độ cầm
quyền da trắng của ông. Cùng một luận lý, có lẽ hệ
thống chính trị Xô Viết đã không đưa Mikhail
Gorbachev lên cầm quyền nếu KGB, trước đó, đã không
quyết định những đổi thay tối quan trọng là thực sự
cần thiết để ngăn ngừa Mạc Tư Khoa khỏi bị lu mờ
trong vị thế một siêu cường trước các tiến bộ kỹ
thuật và kinh tế của Tây phương.
Nếu áp lực của Hoa Kỳ cũng như viễn tượng cô lập và
ô nhục đã là nguyên nhân Do Thái phải chấp nhận giải
pháp hai nhà nước, sự buông lỏng áp lực và sáng tạo
một ý niệm "gia đình" trong quan hệ Hoa Kỳ-Do
Thái cũng đã trùng hợp với một sự chuyển dịch liên
tục xa dần quá trình hòa bình. Ngay cả vào thời điểm
cao độ của kỷ nguyên Oslo, người Do Thái, được
Clinton chiều chuộng, đã tiếp tục bành trướng các
chương trình định cư phương hại cho viễn ảnh địa lý
của một nhà nước Palestine.
Ariel Sharon và Netanyahu đã tìm cách chứng minh
Rabin đã sai lầm. Cả hai tin có thể duy trì sự hậu
thuẫn của Hoa Kỳ mà không phải nhượng bộ về một nhà
nước Palestine, qua việc kiên trì vận động hành lang
Tòa Bạch Ốc, Capitol Hill, và công luận.
Sharon và Netanyahu đã thắng thế khi "chiến lược
nổ bom cảm tử", được intifada II của
Palestine sử dụng, và "biến cố 11-9", đã
thúc đẩy chính quyền Bush tái quan niệm chính trị
thế giới trên căn bản "Cuộc Chiến Chống Khủng Bố
Toàn Cầu" [Global War on Terror]. Trong bối cảnh
đó, giới chính trị Hoa Thịnh Đốn giờ đây chấp nhận
Do Thái không chỉ như một đồng minh trong cuộc
chiến, mà còn như một mô hình lãnh đạo chiến tranh.
Trong những năm George W. Bush, quá trình hòa bình
với giải pháp hai nhà nước, vì vậy, đã trở thành
những chiêu bài trống rỗng, đầu môi chót lưỡi, của
cấp lãnh đạo Do Thái và phe ủng hộ ở Hoa Thịnh Đốn,
trong lúc họ vẫn tiếp tục chính sách nghiền nát
phong trào quốc gia Palestine và bành trướng định
cư. Trong thực tế, lộ trình hòa bình - chuổi những
động thái tương tác được thiết kế với mục đích xây
dựng lòng tin, nhằm hoàn thành các cuộc thương nghị
về quy chế cuối cùng và thực thi giải pháp hai nhà
nước - cũng đã mai một ngay sau khi Ariel Sharon lên
cầm quyền vào tháng 2-2001.
Ngay cả cuộc triệt thoái dân định cư Do Thái khỏi
Gaza năm 2005 cũng chưa bao giờ được quan niệm theo
hướng lộ trình hòa bình; và cũng chẳng được thương
thảo hay phối trí với Nhà Cầm Quyền Palestine. Thực
ra, Sharon đã quan niệm cuộc triệt thoái đơn phương
của ông như một biện pháp thay thế cho thỏa ước hòa
bình. Cuộc triệt thoái đã thiết kế, như Dov
Weissglass đã giải thích," như một liều thuốc bảo
quản cần thiết hầu tránh lộ trình chính trị với
người Palestine"[9].
Mặc dù người Á Rập lúc một căm giận, chính quyền
Bush vẫn không sẵn sàng gây áp lực buộc người Do
Thái phải hoàn tất lộ trình hòa bình. Với áp lực bên
ngoài, nhất là từ Hoa Kỳ, không còn đáng lo ngại, áp
lực chính trị từ bên trong Do Thái cũng sụp đổ. Dân
Palestine giờ đây bị vây hãm và cô lập bên trong bức
tường thành ngăn cách xuyên vùng West Bank và quanh
giải Gaza. Hoàn cảnh bi đát của họ, một lần nữa,
không còn phơi bày trước mắt nhiều người Do Thái.
40% dân Do Thái không còn quan tâm đến lộ trình hòa
bình; và chỉ 20% tin lộ trình giờ đây rất ít hy vọng
đem lại kết quả.
Gideon Levy, nhà bình luận chính trị Do Thái đã viết
trên báo Haaretz hồi đầu tháng 3-2010: "Do thái
không có ý định từ bỏ các lãnh thổ [chiếm đóng] hay
cho phép dân Palestine hành xử quyền hạn của họ. Do
Thái không thực sự muốn theo đuổi hòa bình, bởi lẽ
đời sống ở đây hình như khá tốt ngay trong hiện
trạng. Tiếp tục chính sách chiếm đóng không những
nguy hiểm cho tương lai Do Thái, mà gây bất trắc
lớn lao cho hòa bình thế giới, tạo cớ cho nhiều kẻ
thù tối nguy hiểm của chính Do Thái. Dù sao, khó có
gì thay đổi trong một Do Thái tự mãn, hiếu chiến và
kiêu ngạo hiện nay"[10].
Chính quyền Obama không thể nuôi ảo tưởng về vấn đề
nầy. Obama buộc lòng phải đối diện vì một loại áp
lực khác. Cuộc Chiến Chống Khủng Bố đầy phiêu lưu
của Bush đã đến lúc phải tính sổ. Những ai chịu
trách nhiệm duy trì địa vị đế quốc Hoa Kỳ trong thế
giới Hồi giáo nay đang dương cao cờ cảnh báo: cái
giá phải trả cho chính sách tiếp tục cho phép Do
Thái lẫn tránh trách nhiệm tìm kiếm một giải pháp
công bình đối với người Palestine có thể sẽ rất cao
- và, tệ hơn nữa, không cần thiết.
Các nhà lãnh đạo và cử tri Do Thái đã chứng tỏ đầy
đủ, tự họ, họ sẽ không tự nguyện buông quyền kiểm
soát lãnh thổ Palestine, chừng nào họ không phải
trả giá cho các hậu quả của chính sách duy trì
"hiện trạng". Đã hẳn, quý vị có thể bảo người Do
Thái hiện trạng không thể duy trì, nhưng lịch
sử Do Thái từ thập kỷ 1920s luôn chứng tỏ niềm tin
có thể chuyển hóa "điều không thể" thành
"điều không thể tránh" bằng cách thay đổi các sự
kiện thực tế. Xây dựng những khu định cư trên lãnh
thổ chiếm đóng vi phạm luật quốc tế sau năm 1967
hình như là "điều không có thể" vào thời
điểm đó; ngày nay, chính phủ Hoa Kỳ lại trấn an
người Do Thái là họ "sẽ giữ lại" hầu hết các
khu định cư quan trọng trong giải pháp hai nhà nước.
Rõ ràng, đúng theo lối luận lý ngẩu hứng nầy, Sharon
đã tính toán ông ta có thể duy trì các khu định cư ở
West Bank nếu chịu từ bỏ những khu định cư ở Gaza.
Cùng một luận lý cho phép Netanyahu nói đến cụm từ
"hai nhà nước cho hai dân tộc" trong khi luôn
ngầm báo cho cử tri Do Thái ông không hề có ý định
cho phép điều nầy xẩy ra.
Lộ trình hòa bình đòi hỏi Do Thái và người Palestine
phải thành đạt một đồng thuận song phương về phân
phối đất đai và quyền hạn, dưới sự thúc giục của các
trung gian Hoa Kỳ, là một lộ trình yểu tử - và vì
vậy, khó thể đưa đến mục tiêu ngày một khẩn thiết
trong quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ. Người ta có thể
lập luận với người Do Thái, đây là điều ngày một
quan trọng hơn đối với chính họ, bởi lẽ hiện
trạng đã bào mòn viễn ảnh một giải pháp hai nhà
nước đến mức cả hai bên có thể phải sống trong một
tình trạng xung đột mang tính tai họa lâu dài hơn,
và chua cay hơn.
Vì vậy, có lẽ cần phải nhắc nhở Phó Tổng Thống
Biden: tiến bộ ở Trung Đông sẽ không thể thành đạt
cho đến lúc Hoa Kỳ thành công đem lại một thay đổi
trong phương pháp phân tích phí tổn-lợi ích hay
cost-benefit analysis của chính sách duy trì
"hiện trạng" của Do Thái. Lãnh tụ Do Thái duy
nhất có đủ khả năng chấp nhận các thông số của một
nền hòa bình hai nhà nước với Palestine, như đã được
nhiều người biết đến, là người có thể chứng minh cho
các cử tri Do Thái thấu hiểu: các giải pháp thay
thế sẽ tồi tệ hơn gấp nhiều lần. Hiện nay, thiếu
áp lực thực sự từ phía Hoa Kỳ, không hiểu rõ thực
giá phải trả, chẳng có gì ngoài lời nói suông, đơn
thuần ít ai thấy khía cạnh tiêu cực của "hiện
trạng" đối với Do Thái. Cho đến khi hiểu rõ cái
giá rất đắt phải trả, hiện trạng sẽ không
thay đổi, dù cho nguy cơ đối với quân đội Mỹ trong
vùng Trung Đông ngày một gia tăng.
KHỦNG HOẢNG KHẢ TÍN
Với vụ xô xát giữa Biden và Netanyahu, hay theo ngôn
từ của Lieberman, vụ xung đột hay thù nghịch trong
"gia đình Hoa Kỳ-Do Thái", với hai cuộc chiến
tốn kém tiêu hao đang diễn tiến, và với vô vàn khó
khăn phải đối phó trong quốc nội, Hoa Thịnh Đốn ngày
một khó lòng duy trì hình ảnh khả tín ở hải ngoại.
Nhiều quan sát viên đã thảo luận về hành động gây
kinh ngạc của Do Thái, nhất là trong bối cảnh chính
trị Trung Đông.
Năm mươi năm trước đây, các nhà tư tưởng chiến lược
Hoa Kỳ luôn tìm cách truyền bá và phát huy hình ảnh
một siêu cường Hoa Kỳ với sức mạnh quân sự, kinh tế,
chính trị vô song và một ý chí không lay chuyển sử
dụng uy lực của mình trong sinh hoạt chính trị thế
giới. Với sự ra đời của cái mà Jonathan Schell gọi
là "chủ thuyết khả tín", siêu cường Hoa Kỳ đã
trao cho các quốc gia khác quyền phán xét. Ngày nay,
các phán xét đang dồn dập được công khai hóa.
Từ Bắc Kinh, người ta đã chứng kiến phản ứng tiêu
cực của Trung Quốc trước lời phàn nàn của Hoa Kỳ về
giá trị đồng nhân dân tệ; từ Mạc Tư Khoa, giới lãnh
đạo Điện Cẩm Linh cũng đã hành động không mấy khác,
ngay trong thời gian Ngoại Trưởng Hillary Clinton
đang thăm viếng, khi cho biết họ sẽ khai trương nhà
máy năng lượng hạt nhân đầu tiên của Iran ở Bushehr
- một hành động gây ngạc nhiên về thời điểm hơn là
chất lượng.
Jay Salomon và Peter Spiegal của báo The Wall
Street Journal cũng đã nêu rõ: vẫn còn nhiều sự
kiện tương tự trong trong những ngày gần đây. Chẳng
hạn, Tổng Thống Brazil, Lula da Silva, cũng trong
thời gian Clinton đang chính thức thăm viếng, đã
tuyên bố sẽ chống lại các biện pháp chế tài Iran do
Mỹ áp đặt; Tổng Thống Syria, Bashar Assad, vẫn sẵn
sàng sát cánh với T T Mahmoud Ahmadinejad và lãnh
đạo Hezbollah, như một thách thức đối với lời kêu
gọi của Mỹ: cô lập Iran và các tổ chức kháng chiến.
Khi người Do Thái, người Iran, người Nga, người
Trung Quốc..., và nhất là người Âu châu bắt đầu nói
"không", và tuyên bố nhiều điều bất lợi cho
Mỹ, trong khi các viên chức Hoa Kỳ đang thăm viếng,
chúng ta hiểu được uy thế của Hoa Kỳ đang trên đà
tuột dốc và chúng ta cũng đang sống trong một thế
giới mới đã đổi thay.
© GS
Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
12-9-2010
|