Những bài cùng tác giả
Diễn văn Barack Obama tại Chicago-Anh-Pháp-Việt
Barack Obama đã đắc cử Tổng Thống với một đa số
phiếu đầy ấn tượng. Không ai lấy làm ngạc nhiên khi
cuộc bầu cử ngày 4-11-2008 đã được đa số các nhà
quan sát xem như bước ngoặc trong lịch sử chính trị
Hoa Kỳ.
Một biến chuyển như vậy đã hẳn rất hiếm hoi và đã
diễn ra trong những trạng huống vượt quá tầm kiểm
soát của những ai chủ trương phải thay đổi. Trong
giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, mọi người trên thế
giới, đặc biệt là cử tri Mỹ, hy vọng đây là thời cơ
để phục hưng chính trị ở Hoa Kỳ, đem lại một hình
thái dân chủ nào đó trong tiến trình chấm dứt chủ
nghĩa đế quốc, chiến tranh triền miên, và phá sản,
khởi đầu từ thời chiến tranh lạnh.
Nhiều người còn xem kết quả tuyển cử vừa qua như một
bản án đối với những lỗi lầm chính trị trong tám năm
liền của chính quyền George W. Bush. Tuy nhiên, việc
bầu đảng đối lập lên cầm quyền tự nó chưa hẳn có thể
phục hồi một nước Mỹ xứng danh một siêu cường lãnh
đạo thế giới đáng mong muốn. Thực vậy, trong hiện
tình nước Mỹ, khó thể có một tổng thống đủ sức đương
đầu với sức ép áp đảo của tập đoàn quân sự-kỹ nghệ,
cũng như cộng đồng 16 cơ quan tình báo
ngoại-hiến-pháp đại diện nhiều nhóm hậu thuẫn với
quyền lực hùng hậu. Ảnh hưởng tai hại của một tổng
thống chế mang tính đế quốc - sự lan tràn một bức
màn bí mật chính thức, một mạng lưới cảnh sát, và
quyền thám thính rình rập của nhà cầm quyền, sự định
chế hóa một bộ quốc phòng thứ hai dưới tên gọi Bộ An
Ninh Quốc Gia, và sự hiện diện của 761 căn cứ quân
sự mang tính đế quốc trong 151 quốc gia trên thế
giới tính tới năm 2008 - không dễ gì có thể đảo
ngược qua quá trình vận hành bình thường của hệ
thống chính trị Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, sự thắng cử của Barack Obama trong tháng
11 vừa qua hình như đã đánh dấu một thay đổi mới
trong bản đồ cử tri của Hoa Kỳ tương tự như cuộc bầu
cử năm 1932.
Với sự đắc cử tổng thống của
Franklin Roosevelt năm
1932, Hoa Kỳ đã bước vào một trong những giai đoạn
thực sự dân chủ hiếm hoi. Thực vậy, trong cốt lõi
của lý thuyết chính trị, dân chủ là những điều kiện,
những trạng huống đem lại cho người dân cơ hội cải
thiện đời sống qua sự thể hiện vai trò cử tri và áp
đặt lên nhà cầm quyền trách nhiệm đáp ứng những hy
vọng và nhu cầu của chính mình.
Tuy nhiên, các nhà sáng lập ra nước Mỹ và hầu hết
các vị lãnh đạo sau đó đều không mấy thiết tha với
dân chủ hiểu theo nghĩa nầy. Họ đã ưa thích và lựa
chọn thể chế cộng hòa với hệ thống chế ngự và quân
bình (checks and balances) dưới quyền lãnh đạo của
giới thượng lưu (elites) thay vì tập thể cử tri. Hệ
thống chính trị Hoa Kỳ đã được khai sinh với khuyết
tật nô lệ, vì vậy, không phải là thể chế dân chủ,
hay đúng hơn, với một thiên kiến phản dân chủ. Trong
bối cảnh đó, dân chủ đã luôn tiến triển chậm chạp,
khó khăn và không trọn vẹn. Cộng hòa Hoa Kỳ phải mất
ba phần tư thế kỷ mới chấm dứt chế độ nô lệ, mất
thêm một trăm năm trước khi dân da đen được quyền đi
bầu. Phải đợi đến thế kỷ 20, phụ nữ mới được quyền
bầu cử và các nghiệp đoàn mới có quyền thương thuyết
tập thể. Trong mọi trường hợp, những chiến thắng nầy
chưa bao giờ được trọn vẹn: cho đến nay, phụ nữ vẫn
chưa được bình đẳng, kỳ thị chủng tộc vẫn còn dai
dẳng, các nghiệp đoàn vẫn luôn là mục tiêu phá hoại
trong chiến lược của các đại công ty. Dân chủ ở Hoa
Kỳ không hề mang tính bẩm sinh, mà luôn phải phấn
đấu để sống còn trong chính trật tự kinh tế xã hội
của Mỹ.
Chương trình New Deal của Franklin Roosevelt đã đem
lại một giai đoạn ngắn tương đối dân chủ. Giai đoạn
nầy đã chấm dứt với việc Hoa kỳ tham chiến chống lại
phe trục Đức-Nhật-Ý trong Đệ Nhị Thế Chiến; và
chương trình New Deal đã phải nhường chỗ cho kỹ nghệ
sản xuất vũ khí và quân trang quân dụng. Chính nền
kinh tế thời chiến - sản xuất để đáp ứng nhu cầu
chiến tranh - cuối cùng đã giúp Hoa Kỳ vượt qua hệ
lụy của cuộc kinh tế đại khủng hoảng và vãn hồi tình
trạng toàn dụng. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã bắt đầu thử
nghiệm chính sách đồng thời duy trì một nền kinh tế
quân sự bên cạnh một nền kinh tế dân sự. Qua thời
gian, cuộc thử nghiệm đã đưa đến việc phân bố lệch
lạc tài nguyên quý hiếm vào kỹ nghệ chiến tranh thay
vì vào đầu tư và tiêu thụ thực sự, do đó, đã bào mòn
khả năng cạnh tranh của kỹ nghệ Hoa kỳ trên thị
trường quốc tế.
Điều kiện kinh tế xã hội năm 2008 cũng không mấy
khác năm 1932.
Tỉ lệ thất nghiệp năm 1932 ở mức kỷ lục -33%. Mùa
thu 2008, tỉ lệ thất nghiệp tuy ở một mức thấp hơn
nhiều - 6.7%, nhưng áp lực kinh tế suy thoái rộng
khắp: hàng loạt nhà mua trả góp bị thu hồi và phát
mãi, nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư vỡ nợ, giá cả
thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, ô nhiễm môi
trường, cuộc chiến tốn kém ở Iraq và Afghanistan,
thất bại trong chính sách đối ngoại (ở Georgia,
Ukraine, Palestine, Lebanon, Iran, Pakistan,..),
ngân sách ngày một khuy khiếm, cân thương mãi mất
cân bằng trầm trọng.
Chính trong bối cảnh đó, Barack Obama đã đắc cử Tổng
Thống với một đa số phiếu quyết định, mặc dù đã phải
đối đầu với Chiến Lược Miền Nam (Southern Strategy)
của Đảng Cộng Hòa từ thời Richard Nixon (1968) nhằm
khai thác chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong mấy
thập niên cuối thế kỷ 20 và thập niên đầu của thế kỷ
21. Cuộc bầu cử 2008, vì vậy, có thể xem như một
cuộc tuyển cử mang tính biến cải bản đồ cử tri nước
Mỹ.
Những Thử Thách Chờ Đợi Tổng Thống Tân Cử
Tái cơ cấu hệ thống chính trị, quân sự, kinh tế, xã
hội của một quốc gia, nhất là của siêu cường Hoa Kỳ
- một siêu cường đang tuột dốc - hay thiết lập một
trật tự thế giới mới, là một công trình lâu dài đòi
hỏi một viễn kiến lãnh đạo tích cực mang tính xây
dựng và đạo đức, và sự đồng thuận của đa số các quốc
gia đầy đủ chủ quyền trên thế giới. Nhiều nhà phân
tích ở Mỹ cũng như từ nhiều nơi trên thế giới nhận
thấy ở Tổng Thống đắc cử, Barack Obama, một lãnh đạo
trẻ tuổi, năng động, thông minh, một chính trị gia
sáng giá và tài ba, am hiểu tình hình thế giới. Vào
ngày 20-01-2009 tới, Barack Obama sẽ thừa kế một thế
giới khác xa thế giới George W. Bush tiếp quản vào
tháng 01-2001. Obama đang đứng trước một tình thế
ngày một cam go hơn và cùng lúc phải đối diện nhiều
thử thách cấp tính và nghiêm trọng, hậu quả của các
chính sách phiêu lưu, tai họa trong suốt tám năm cầm
quyền của Bush.
Khủng Hoảng Kinh Tế Tài Chánh
Trong một bài viết đăng trên báo The New York Times,
số ra ngày 18-11-2008, Henry M. Paulson thú nhận:
Hoa Kỳ đang trải qua một cuộc khủng hoảng tài chánh
nghiêm trọng và bất ngờ, hơn bất cứ cuộc khủng hoảng
nào khác trong đời sống của thế hệ chúng ta...Vào
tháng 9-2008, chính quyền đã phải đối đầu với một
cuộc khủng hoảng trong toàn hệ thống . Chương Trình
Cứu Cấp các Tích Sản Mất Giá (Troubled Asset Relief
Program - TARP) của Paulson không mang lại ổn định
cho hệ thống tài chánh, chẳng giúp được gì cho thị
trường bất động sản hay giới nghèo không còn đủ khả
năng trả nợ nhà hàng tháng, cũng như nền kinh tế
đang bị lâm nguy.
Cơn bão lốc tài chánh đã gây ra nhiều vấn nạn phi
tài chánh hết sức quan trọng cho địa vị của siêu
cường Hoa Kỳ trong tương lai.
Ngay từ đầu, làn sóng âu lo đã biểu lộ một hình thức
dàn trải quá mỏng mang tính đế quốc - một sự dàn
trải quá mỏng của các xí nghiệp tài chánh khổng lồ
của Wall Street. Đối với những xí nghiệp nầy, đó là
hình thức những trái khoán dựa trên nguyên tắc đòn
bẫy với điểm tựa thế chấp được đánh giá sai lầm, do
đó, quá mong manh khập khiễng. Hay theo nhận định
gần đây của John Grey trên báo British Guardian, sự
hoảng sợ cũng bộc lộ một thứ dàn trải quá mỏng mang
tính đế quốc khác - một sự dàn trải thế lực địa
chiến lược của Hoa Kỳ, nêu lên vấn đề cần giải
quyết: khoảng cách giữa những tài nguyên kinh tế,
chính trị, quân sự đang suy yếu và những tham vọng
lớn lao toàn cầu của Hoa Kỳ.
Điều quan trọng là phải làm sáng tỏ những gì đang
lâm nguy trên thế giới. Tùy theo cách nhìn của mỗi
người, đây là một đề tài rất dễ được thổi phồng hay
xem nhẹ. Rất ít ai trong giới truyền thông dòng
chính chấp nhận ngay cả sự khả dĩ có những đổi thay
lớn lao trong vị thế của Mỹ. Ngược lại, một số khác
lại sẵn sàng dành một ý nghĩa cực lớn cho những gì
đang xẩy ra, ngay cả trước khi tình hình lắng dịu.
Như sử gia Andrew Bacevich đã có lời khuyên, tương
lai chưa rõ ràng, và chưa có gì ngã ngũ.
Dù sao, tưởng cũng cần tìm hiểu cuộc khủng hoảng tài
chánh hiện nay cùng với sự suy yếu trong quyền lực
cứng và mềm của Hoa Kỳ, và những yếu tố nầy sẽ làm
thay đổi cảnh quan địa chính trị như thế nào trong
những tháng năm sắp tới.
Hậu Quả Của Cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh
Cuộc khủng hoảng đã xẩy ra vì sự quản lý tín dụng và
rủi ro sai lầm của toàn hệ thống tài chánh. Dụng cụ
phức tạp credit-default swaps - CDS (gói trao đổi
tín dụng-thiếu khả năng hoàn trái) được sáng tạo với
mục đích giúp các định chế tín dụng giảm thiểu mức
độ rủi ro không thu được nợ đầu cơ vào bất động sản,
qua phương cách chia vụn các trái khoản để phân tán
bất trắc giữa số đông các định chế tài chánh khác
nhau. Cũng như các loại bảo hiểm khác, đây là phương
cách trải mỏng rủi ro để tối thiểu hóa hậu quả của
tai họa có thể xẩy đến.
Trong thực tế, CDS chỉ khiến các nhà đầu tư bớt quan
tâm đến nhu cầu phải lượng định trung thực các rủi
ro bất trắc. Tệ hơn nữa, chính hành động phân tán
rủi ro đã làm cho việc lượng định tính lành mạnh của
mọi định chế khác vô cùng khó khăn.
Điều nghịch lý là chính các dụng cụ giảm thiểu những
hiểm tai bất trắc lại trở thành những dụng cụ làm
rủi ro lan tràn. Rút cuộc, người ta không rõ, liệu
sự sụp đổ của các thị trường trên toàn cầu là hậu
quả của sự mất tin tưởng do nạn khô cạn thanh khoản
hay vì các tích sản mất hết giá trị, một vấn đề mang
tính căn bản hơn.
Ngoại trừ một số nhỏ thành viên nòng cốt Cộng Hòa,
đối với đa số các dân biểu, nghị sĩ trong Quốc Hội,
sự phá sản và gần phá sản của Bear Stearns, Lehman
Brothers, AIG, và nhiều công ty khác, đã đánh dấu sự
phá sản của chính sách Alan Greenspan, nguyên chủ
tịch Cục Dự Trữ Liên Bang, nhằm gỡ bỏ mọi giám sát
đối với hệ thống tài chánh trong mấy thập kỷ vừa
qua. Mô hình nầy đã lên đỉnh điểm trong hai nhiệm kỳ
của TT George W. Bush, và nay đã đổ vỡ. Cuộc khủng
hoảng tài chánh còn phơi bày những nhược điểm mang
tính cơ cấu trong hệ thống chính trị của Mỹ - những
nhược điểm đã đưa đến tình trạng một tổng thống vịt
què nhiều tháng trước ngày mãn nhiệm kỳ. Quốc Hội
cũng ở trong tình trạng tương tự, chẳng thể đưa ra
một giải pháp thay thế nào.
Nói một cách ngắn gọn, địa vị chính trị áp đảo của
đảng Cộng Hòa cầm quyền đã chấm dứt khi phải đối
diện với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh, một
cuộc khủng hoảng, dưới mắt cử tri, đã làm tiêu tan
thẩm quyền và uy tín cũng như ý thức hệ thị trường
tự do của đảng Cộng Hòa. Cuộc khủng hoảng đã xẩy ra
trong giai đoạn chuyển tiếp hoàn toàn thiếu vắng một
trung tâm quyền lực: chính quyền Bush sắp ra đi
không còn được ai tin tưởng; chính quyền Obama sắp
tới chưa có thực quyền; và hố cách biệt ý thức hệ
quá sâu thẳm giữa hai bên ngăn cản mọi hành động
phối hợp. Một vài hành động hữu ích - hai cơ quan
Fannie Mae và Freddie Mac đã ra tuyên bố tạm ngưng
các biện pháp thu-hồi-phát-mãi bất động sản
(foreclosures); Quốc Hội đã thông qua biện pháp kéo
dài thời gian được hưởng phụ cấp thất nghiệp - cũng
chỉ mang tính vá víu tạm thời.
Tất cả những sự kiện vừa nói đã diễn ra trước mắt
một thế giới đầy âu lo kinh ngạc. Trong nhiều thập
kỷ qua, ngạch số khuy khiếm (nhập siêu) trong cân
thương mãi hữu hình của Hoa Kỳ luôn gia tăng- một
thước đo mức độ thiếu nợ của Hoa Kỳ đối với các đối
tác thương mãi, nay đã lên đến 6.700 tỉ kể từ năm
1982.
Ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng tài chánh bùng nổ
vào giữa tháng 9-2008, thiện chí của các trái chủ
quốc tế đối với tình hình tài chánh, thuế khóa, ngân
sách quá mất thăng bằng của "siêu cường duy nhất"
hình như đã tiêu tan nhanh chóng.
Chẳng hạn, các nhà đầu tư Á châu đã nhanh chóng biểu
lộ thái độ hoài nghi vô tiền khoáng hậu đối với hệ
thống tài chánh của Hoa Kỳ trước khi cuộc khủng
hoảng bắt đầu. Vào đầu năm 2008, các nguồn vốn dồi
dào, với lợi tức từ dầu khí (petrodollars) của các
xứ Trung Đông và Á châu, vẫn còn sẵn sàng đổ thêm tư
bản vào các ngân hàng Mỹ, nhờ đó, đã giúp trì hoãn
sự cố thanh khoản cạn kiệt. Tuy nhiên, từ tháng
9-2008, các quỹ nầy đã tỏ ra rất dè dặt e ngại trong
việc tiếp sức cho các định chế tài chánh Mỹ, vì vậy,
Hoa kỳ mất thêm một nguồn tài trợ khả dĩ đối phó với
khủng hoảng thanh khoản và tín dụng.
Đến một thời điểm nào đó, những điều kiện tín dụng
toàn cầu chặt chẽ hơn chắc sẽ hạn chế đáng kể quyền
tự do hành động của Hoa kỳ trên trường quốc tế. Xét
cho cùng, các nhà đầu tư Trung Quốc và Đông Á hiện
nay cũng đã đủ khả năng chế ngự, và ngay cả vô hiệu
hóa, ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Dù muốn dù không, khủng hoảng tài chánh kinh tế
không sớm thì muộn cũng dễ đưa đến khủng hoảng an
ninh quốc gia. Trong những năm sắp đến, Tổng Thống
mới Barack Obama rồi cũng phải giải quyết vấn đề mất
quân bình ngày một quan trọng giữa vai trò bá chủ
mang tính lịch sử của Hoa Kỳ trên thế giới và tiềm
lực kinh tế tài chánh ngày một suy giảm của chính
Hoa Kỳ. Nói một cách khác, Hoa Kỳ sẽ phải làm nhiều
hơn với ít tài nguyên, phương tiện hơn, dù chỉ để
duy trì thế lực chiến lược hiện nay. Và trạng huống
mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự ổn định địa
chính trị, đến những cuộc chiến toàn cầu lớn nhỏ,
đến những vấn đề toàn cầu từ thay đổi khí hậu đến
nhân quyền ..., là một điều còn phải chờ xem.
Cuộc Chiến Chống Khủng Bố Toàn Cầu
Tổng Thống Bush cũng đang để lại cho người kế nhiệm
một cuộc chiến đã kéo dài hơn bảy năm và hiện đã
hoàn toàn mất phương hướng. Đó là cuộc chiến chọn
lựa và chỉ có lợi cho các nhà thầu quốc phòng, các
tổ chức vận động hành lang, các viện nghiên cứu
chiến lược, các tướng lãnh và sĩ quan đầy tham
vọng...
Đó chỉ là một tập hợp hư cấu, một trò chơi thiếu
tính hệ thống, che đậy những hoạt động nghịch lý,
phản tác dụng, hay ít nhất cũng chẳng có chủ đích
đứng đắn. Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố đối với
các hoạt động khủng bố chẳng khác gì cuộc chiến
chống nha phiến đối với tệ nạn lạm dụng và nghiện
ngập hút sách. Tuyên bố một cuộc chiến thường trực
chỉ có thể kéo dài một bi kịch, giả vờ đối phó với
một vấn đề nghiêm trọng, trong khi các người làm
chính sách chẳng quan tâm gì đến nguồn cội của vấn
đề. Cuộc chiến chống ma túy là một sự lường gạt tốn
kém. Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố cũng thuộc
loại nầy.
Nhiều nhà quan sát đi tìm một ý niệm duy lý và mạch
lạc có thể giải thích hành động của Hoa Kỳ ở Trung
Đông và những vùng phụ cận, đều phải thất vọng.
Trong đệ nhị thế chiến, T T Franklin Roosevelt liệt
kê trước hết là "Đức" và kế đến là "đầu hàng vô điều
kiện" như những nguyên tắc chính. Trong thời gian
đầu của chiến tranh lạnh, chính quyền Truman đã đưa
ra ý niệm ngăn bờ (containment) làm khung nguyên tắc
hướng dẫn các nhà làm chính sách trong nhiều thập kỷ
sau đó. Sau hơn bảy năm chiến tranh toàn cầu chống
khủng bố, chính quyền Bush vẫn lẫn quẩn trong sa mạc
không có lấy một địa bàn để tìm hướng đi. Nếu có một
ý niệm chiến lược mơ hồ hiện hữu vào một thời điểm
nào đó, như viễn kiến lố lăng của Phái Tân Bảo Thủ
dùng sức mạnh của Hoa Kỳ để thay đổi thế giới Hồi
giáo, những giả thuyết căn bản cho chiến lược nầy từ
lâu cũng đã bị hủy hoại bởi các biến chuyển trong
mấy năm qua.
Ở Trung Đông và Nam Á, Hoa Kỳ hiện đang theo đuổi
không phải một mà nhiều cuộc chiến.
Cuộc chiến quan trọng nhất và cũng là di sản của
Bush là cuộc chiến Iraq. Chính Bush luôn coi Iraq là
mặt trận chính của cuộc chiến chống khủng bố toàn
cầu. Chuẩn bị bàn giao cho người kế nhiệm, Bush và
một số ít tay chân thân cận còn lại, rêu rao đợt
tăng quân năm 2007 cuối cùng đã đem lại viễn ảnh
chiến thắng, khả dĩ chuộc lại những lỗi lầm trong
cách điều hành cuộc chiến ngay từ đầu. Nếu TT Bush
rời Bạch Ốc và có thể xác quyết cuối cùng ánh sáng
cũng đã le lói ở cuối đường hầm Mesopotamian dài và
đen tối, ông ta có thể nghĩ: ít ra chiến lược ông
đang theo đuổi phần nào đã được biện minh. Trong
trường hợp sau ngày 20-01-2009 sự việc không diễn ra
như ý muốn, Bush vẫn có thể đổ lỗi cho người kế
nhiệm.
Kế đến là cuộc chiến Afghanistan, một cuộc chiến
hiện đã bước vào năm thứ tám vẫn chưa có dấu hiệu
dứt điểm. Bị sa lầy ở Iraq, các viên chức Hoa Kỳ
không còn tâm trí dành cho Afghanistan mãi cho đến
khi tình hình trở nên tồi tệ cả về chính trị lẫn
quân sự. Al Qaeda vẫn kiên trì. Taliban ngày một táo
bạo. Hy vọng vào sự trợ lực của NATO đã tỏ ra hảo
huyền. Ngoài thành tích biến Afghanistan thành xứ
sản xuất nha phiện số một của thế giới, những cố
gắng bình định và canh tân Afghanistan của người Mỹ
chẳng đi tới đâu.
Trừ phi điều chỉnh lại mục tiêu theo đuổi, cuộc
chiến chắc sẽ còn tốn kém về nhân lực và tài lực
trong một thời gian rất lâu dài.
Trong khi đó, còn có cuộc chiến được che dấu, đang
diễn ra trước mắt mọi người, ở Pakistan. Tin tức về
các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ từ không kích, nhất
là bởi loại phi cơ không người lái có trang bị hỏa
tiển, xẩy ra hàng ngày, đến các cuộc hành quân trên
bộ, ít ra cũng một lần từ lãnh thổ Afghanistan vượt
biên giới vào Pakistan. Mặc dù Tòa Bạch Ốc không hề
gọi tên, cuộc chiến hao mòn Pakistan ngày một leo
thang, gây thương vong cho một số khủng bố và nhiều
dân lành. Điều tai hại là số khủng bố tử vong quá ít
ỏi không đủ ảnh hưởng đến lực lượng Taliban, nhưng
số thường dân thương vong lại khá nhiều đủ để giúp
Taliban dễ dàng tuyển mộ tân binh thánh chiến.
Cuối cùng, tưởng phải nói đến cuộc chiến của
Condoleezza Rice. Đây là cuộc chiến không có quân
đội Hoa Kỳ trực tiếp tham dự, nhưng vẫn là cuộc
chiến quan trọng hơn cả: cuộc xung đột đang tiếp
diễn giữa Israel và Palestine. Sau nhiều năm gạt bỏ
lập trường của thế giới Hồi giáo về số phận bi đát
của người dân Palestine như một vấn đề tối hệ trọng,
giờ đây, Ngoại Trưởng Rice thay đổi lập trường. Với
sự nhiệt tình của một tân tòng, Condoleezza Rice
quyết chí môi giới một thỏa ước chấm dứt cuộc xung
đột trước ngày rời nhiệm sở vào tháng 1-2009.
Trong nhiều năm qua, Condoleezza Rice chẳng đưa ra
được một sáng kiến đáng giá nào. Viễn ảnh thành công
trong vai trò môi giới hòa bình của Rice không mấy
sáng sủa. Cũng như di sản của Tổng Thống Bush gắn
liền với Iraq, di sản của Ngoại Trưởng Condoleezza
Rice phần lớn lệ thuộc vào cố gắng đem lại hòa bình
cho Palestine. Nếu thất bại, lịch sử sẽ đánh giá bà
như một bộ trưởng ngoại giao ít hiệu quả nhất từ sau
Đệ Nhị Thế Chiến. Và Condoleezza Rice sẽ kết thúc
nhiệm kỳ không để lại một thành tích đáng kể nào.
Không có gì bất thường hoặc sai trái khi đồng thời
phải chiến đấu trên nhiều mặt trận khác nhau, chừng
nào những sự tác chiến trên tất cả các mặt trận bổ
túc cho nhau để đạt chiến thắng cuối cùng. Chẳng
may, đây không phải trường hợp cuộc chiến toàn cầu
chống khủng bố - một cuộc chiến hoàn toàn thiếu vắng
mục tiêu chiến lược. Nói một cách khác, đó là một
tai họa. Trong hơn bảy năm qua, Hoa kỳ đã phung phí
một số tài nguyên kếch sù mà chẳng thu lượm được gì
quý giá.
Cuộc chiến ngắn ngủi của Liên Bang Nga ở Georgia gần
đây là một bằng chứng sinh động: lực lượng quân sự
của siêu cường Hoa Kỳ đã dàn trải quá mỏng và đã
đánh mất khả năng phản ứng đối với những biến động
bất ngờ ở một nơi nào khác trên thế giới, ngay cả
trước khi có cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế hiện
nay. Ngoài những lời tố cáo vô bổ của Phó Tổng Thống
Cheney, người Mỹ đã chẳng có, hay không thể có, một
phản ứng ít nhiều hiệu quả đối với người Nga ở
Georgia. Thực vậy, Tòa Bạch Ốc lúc đó đã nhận chân
được vị thế suy nhược của mình, tương tự như các
đồng minh Âu châu trước đây, chỉ có thể tự giới hạn
trong những lời phản kháng phiền trách.
Tệ hơn nữa, chính quyền Bush rất có thể đã đồng tình
với Georgia trong lỗi lầm chiến lược đưa đến khủng
hoảng. Theo một số nhà phân tích quân sự, trước ngày
xẩy ra biến động, Hoa Kỳ đã có sẵn 130 quan sát viên
quân sự ở Georgia. Họ biết rõ các động thái điều
động quân đội của Georgia, cũng như qua vệ tinh, có
thể theo dõi quá trình Nga điều quân đến North
Ossetia. Tuy vậy, Hoa Kỳ đã không can ngăn được đồng
minh của họ tấn công vùng ly khai tự trị South
Ossetia và thủ phủ Tskhinvali. Trong thực tế, rất có
thể chính việc người Mỹ giúp huấn luyện và hổ trợ
quân đội Georgia - để đổi lấy việc Georgia gửi quân
tham gia liên minh tự nguyện ở Iraq - đã góp phần
đem lại tin tưởng cho Saakashvili trong hành động
xâm lăng phiêu lưu của mình.. Trong trường hợp nầy,
chính quyền Bush đã thành công trong việc khuyến
khích một đồng minh quan trọng bôi tro trát trấu vào
mặt của chính mình.
Tình cảnh của người Mỹ ở Trung Đông cũng chẳng tốt
đẹp gì hơn. Dù cho đợt tăng quân năm 2007 đã được
xem như khá thành công trên sân khấu chính trị đảng
phái quốc nội, sự thành công bền lâu, nếu có, cũng
đã không giải quyết được sự bất ổn thù nghịch căn
bản giữa các giáo phái Iraq, và cũng chẳng thay đổi
được gì tình trạng mất quân bình ngày một trầm trọng
trong khu vực, trong khi ảnh hưởng của Iran ngày một
lớn lao hơn.
Khu vực đồi núi Pashtun dọc biên giới phía Đông
Afghanistan và phía Tây Pakistan, ngược lại, đang
trong tình trạng công khai nổi dậy chống lại tham
vọng của Mỹ ở trong khu vực, trong khi chính quyền
thân Bush ở Pakistan đã sụp đổ.
Người ta cũng đang viết điếu văn cho chế độ Karzai ở
Afghanistan, một chế độ thực ra đã yểu tử ngay từ
khi mới được khai sinh cách đây hơn 6 năm.
Sự suy giảm ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ
cũng đã lôi kéo theo sự hao mòn trong "quyền lực
mềm" của Hiệp Chủng Quốc. Chẳng hạn, trong tháng
9-2008, tại Liên Hiệp Quốc, chính quyền Bush đã phải
đối mặt với làn sóng phiền trách về những lỗi lầm
của Mỹ trong vai trò lèo lái kinh tế toàn cầu. Sự
thất bại rõ ràng, trong một địa hạt người Mỹ thường
rất tự hào, đã bào mòn khả năng thuyết phục và xây
đắp đồng minh trong những vùng khác, như chống lại
nạn tàn sát ở Dafur, tiểu trừ nạn cướp bể ở Vịnh
Aden, hay chế ngự những toan tính của Liên Bang Nga
trong những xứ sân sau mà họ thường gọi là những xứ
"near abroad".
Uy tín đạo đức và vai trò lãnh đạo về nhân quyền của
Hoa Kỳ cũng đã tiêu tan cùng với chính sách tra tấn,
bí mật giam giữ và chuyên chở tù binh, với
Guantanamo và nhiều nhà tù bí mật trên khắp thế
giới...
Trong bối cảnh đó, Tổng Thống mới Barack Obama sẽ
phải tìm cách lý giải nhiều câu hỏi gay cấn liên
quan đến phương cách phục hồi uy tín và ảnh hưởng
của Hoa Kỳ trên thế giới.
Thử Thách Trong Đia Hạt Năng Lượng
Trong những thử thách đang chờ đợi Tổng Thống đắc cử
Barack Obama vào tháng 1-2009, không gì quan trọng
đối với tương lai Hoa Kỳ hơn là nguồn năng lượng.
Xét cho cùng, chính sách năng lượng - hoàn toàn sai
lầm trong suốt triều đại Bush-Cheney - đang hiện
diện trong mọi thử thách chờ đợi Tân Tổng thống, kể
cả kinh tế, môi trường, đối ngoại, và các cuộc chiến
ở Trung Đông. Thực vậy, đây là một thử thách vô cùng
lớn lao, bởi lẽ Hoa Kỳ đang đối diện một cuộc khủng
hoảng năng lượng ngày một nghiêm trọng hơn.
Với 5% dân số thế giới, nước Mỹ tiêu thụ 25% hay 1/4
tổng số cung năng lượng toàn cầu. 40% con số nầy đến
từ dầu hỏa: 20 triệu thùng hay 840 triệu gallons mỗi
ngày. 23% đến từ than đá, và một bách phân tương
đương từ hơi đốt thiên nhiên.
Cung cấp đủ số năng lượng đó, ngay cả khi kinh tế
đang suy thoái, là một nhiệm vụ nặng nề, và sẽ còn
nặng nề hơn nhiều trong những năm tháng sắp tới. Đó
là chưa nói đến trách nhiệm giải quyết hậu quả khí
thải nhà kính, gây ô nhiểm môi trường..., do quá
trình tiêu thụ số năng lượng vừa nói.
Theo giáo sư Michael T. Klare, tác giả cuốn Rising
Powers, Shrinking Planet: The New Geopolitics of
Energy, sau ngày nhận chức, Tổng Thống Obama sẽ phải
tìm cách giải quyết ba loại vấn đề then chốt trong
địa hạt năng lượng liệt kê sau:
1. Hoa Kỳ đang lệ thuộc quá nhiều vào dầu hỏa để
thỏa mãn nhu cầu năng lượng trong khi số cung dầu
hỏa trong tương lai sẽ giảm sút và bấp bênh hơn.
2. Nguồn cung cấp nhiên liệu khá dồi dào của Mỹ là
than đá, trong phương cách sử dụng hiện nay, luôn
gây ra lượng khí thải nhà kính cao nhất (gấp đôi hơi
đốt thiên nhiên, gấp rưởi dầu hỏa, để sản xuất cùng
một số năng lượng).
3. Hiện nay không một nguồn năng lượng nào, kể cả
hơi đốt thiên nhiên, năng lượng nguyên tử, nhiên
liệu sinh học, năng lượng tái tạo như gió và năng
lượng mặt trời, có thể hoàn toàn thay thế dầu hỏa và
than, ngay cả khi có quyết định giảm bớt phân lượng
của cả hai trong số năng lượng tổng hợp tiêu thụ ở
Mỹ.
Trong hiện tình kinh tế suy thoái, giá dầu hỏa đã
sụt giảm nhanh chóng, hơn 65% (xuống còn khoảng trên
dưới 50 USD từ đỉnh điểm 147 USD/mỗi thùng trong năm
2007). Một lần nữa, những phương án đầu tư vào những
nguồn năng lượng thay thế và tái tạo hình như không
còn có lợi và không cần thiết, ngoại trừ lý do làm
biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, phúc trình hàng năm sắp được phổ biến của
Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (International Energy
Agency) lại cảnh cáo, giá dầu trong những năm sắp
tới một lần nữa sẽ vượt mức 100 USD/một thùng, và
sau năm 2030 hay sớm hơn, có thể lên tới 200 USD. Lý
do là số cung dầu hỏa luôn hữu hạn và số cầu ngày
một gia tăng, nhất là với sự trổi dậy của những đại
cường tân kỹ nghệ hóa như Ấn Độ, Ba Tây, Trung Quốc.
Sự cạnh tranh tiếp cận các nguồn cung cấp năng lượng
sẽ ngày một gay gắt hơn, có thể dẫn đến những cuộc
chiến triền miên, vì năng lượng, nhất là phần lớn
trữ lượng dầu hiện còn, đều tọa lạc trong những vùng
bất ổn, đầy biến động. Giá dầu không sớm thì muộn sẽ
gia tăng.
Nếu không chuẩn bị trước, nền kinh tế toàn cầu sẽ
không tránh khỏi những xáo trộn mang tính địa chấn.
Đã hẳn, không thể nói thời điểm nào mới đúng lúc để
đầu tư các tài nguyên khoa học, kỷ thuật, tài chánh
vào một tương lai năng lượng thay thế an toàn, cần
thiết cho nhân loại. Vì vậy, thiết tưởng đây là thử
thách hàng đầu đối với chính quyền mới - một chính
quyền có-thể-làm (a can-do administration) - theo
lời của chính T T Obama.
Theo phần lớn các chuyên viên năng lượng, nhân loại
đã sử dụng khoảng 50% tổng trữ lượng dầu hỏa nguyên
thủy của địa cầu, và đang đến gần mức sản xuất tối
đa. Không ai biết chắc mức sản xuất tối đa sẽ đến
trong vòng 5, 10, 15 năm hay ít lâu sau đó, nhưng
chắc không quá xa. Và mức đó cũng chỉ ở khoảng từ 90
đến 95 triệu thùng mỗi ngày thay vì 115-125 triệu
thùng như Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ đã dự phóng.
Nhịp sụt giảm trong số sản xuất sau đó sẽ ngày một
tăng tốc. Lý do là các mỏ dầu lớn, hiện đang sản
xuất, đã đi vào khai thác cách đây từ 30 đến 60 năm,
và nay đã gần cạn trữ lượng. Trước đây, người ta tin
tỉ suất sụt giảm chỉ ở khoảng từ 4 đến 5% mỗi năm,
nhưng theo kết quả khảo cứu công bố ngày 12-11-2008
của Cơ Quan Năng Lượng Quốc tế (IEA), thuộc Tổ Chức
Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển (OECD - câu lạc bộ các
nước kỹ nghệ giàu có), tỉ suất nầy sẽ vào khoảng 9%,
một con số cao đáng ngạc nhiên. Với tỉ suất sụt giảm
cao hơn, số trữ lượng của các mỏ dầu lớn đang sản
xuất trên thế giới sẽ cạn kiệt nhanh chóng, và thế
giới sẽ lệ thuộc những mỏ dầu nhỏ, ít trữ lượng, khó
khai thác, hoặc tọa lạc trong những vùng bất ổn,
cũng như những mỏ dầu mới có thể khai thác trong
tương lai.
Mặc dù số tiền đầu tư vào việc tìm kiếm, thăm dò,
gia tăng, các công ty dầu hiện nay đã không tìm được
những mỏ dầu có kích cỡ lớn như các giếng dầu đã
được khám phá trong những thập kỷ trước. Trong
khoảng từ 1970 đến 1990, thế giới chỉ khám phá được
hai khu dầu lớn, và một từ 1991 cho đến nay: khu dầu
Kashagan ở Kazakstan trong vùng Biển Caspian. Trong
thực tế, các công ty cũng đã khám phá được vài khu
dầu khá lớn ở vùng biển sâu trong Vịnh Mexico và
ngoài khơi bờ biển Angola và Brazil, nhưng cũng kém
xa các khu dầu hiện đang sản xuất, và khó khai thác
hơn nhiều. Trong mọi trường hợp, những khu dầu mới
được khám phá cũng không thể giúp đảo ngược tỉ suất
sụt giảm sắp tới trong số sản xuất toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, số cung dầu hỏa toàn cầu ắt sẽ
bắt đầu sụt giảm trong một tương lai không xa, và
sau khi số cung đã đạt mức đỉnh điểm, tỉ suất sụt
giảm sẽ ở một mức cao hơn nhiều. Nạn suy thoái kinh
tế toàn cầu hiện nay và sự sụt giảm bất thần trong
giá dầu khí có thể tạm thời che mờ hiện tượng nầy,
nhưng sẽ không làm thay đổi số cung một cách đáng
kể.
Như đã nói trên đây, trong khi số cung dầu lửa trong
tương lai sẽ sụt giảm, số cầu ngược lại sẽ gia tăng,
do số tiêu thụ gia tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tây
và các quốc gia đang phát triển.
Cho đến năm 1990, các quốc gia đang phát triển ở Á
châu chỉ tiêu thụ khoảng 10% số dầu sản xuất trên
toàn cầu. Tuy nhiên, với nhịp phát triển kinh tế
nhanh trong gần hai thập kỷ vừa qua, tỉ suất nầy đã
tăng lên đến 18%. Nếu số tiêu thụ tiếp tục gia tăng
theo nhịp độ nầy, số dầu các xứ Á châu tiêu thụ sẽ
lên đến 27% vào năm 2030, lần đầu tiên vượt mức tiêu
thụ thuần của Bắc Mỹ. Điều nầy có nghĩa, nếu không
có gì thay đổi trong thói quen tiêu thụ năng lượng
hiện nay, Hoa Kỳ sẽ phải cạnh tranh, giành giựt với
Trung Quốc và Ấn Độ từng thùng dầu khả dụng trong số
cung trên thị trường thế giới, và giá dầu sẽ tăng
vọt, phương hại cho nền kinh tế quá lệ thuộc vào dầu
khí của Hoa Kỳ.
Tệ hại hơn nữa, số cung dầu hỏa trên thế giới sẽ
ngày một tập trung nhiều hơn vào vùng Trung Đông,
Trung Á, và sub-Sahara ở Phi châu, những vùng vì
nhiều lý do lịch sử, hậu quả của chính sách thuộc
địa trước đây, luôn bất ổn và đầy biến động. Ngày
một lệ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung cấp dầu hỏa từ
những vùng nầy, Hoa Kỳ đã luôn dựa vào lực lượng
quân sự để bảo đảm an ninh cho nguồn cung cấp năng
lượng thiết yếu cho nền kinh tế, mặc dù không mấy
hữu hiệu. Thực vậy, vùng Vịnh Ba Tư ngày nay cũng
chẳng mấy ổn định hay hòa bình so với khi chủ thuyết
Carter mới ra đời vào đầu thập kỷ 1980s.
Khi nói đến số cung năng lượng toàn cầu, người ta
thường nghĩ đến một thiểu số quốc gia, có lẽ chỉ
khoảng 12 xứ giàu tài nguyên năng lượng như dầu hỏa,
hơi đốt, than đá, và uranium, không những đủ đáp ứng
nhu cầu quốc nội mà còn một số thặng dư đáng kể để
xuất khẩu. Các xứ nầy, do đó, không những đã xây
dựng được một nền tài chánh phong phú, mà còn giành
được một vị thế chính trị thuận lợi trong sinh hoạt
địa chính trị toàn cầu.
Trong địa hạt dầu hỏa và hơi đốt thiên nhiên, các xứ
thặng dư năng lượng có thể đếm được trên đầu ngón
tay. Mười quốc gia giàu dầu hỏa sở hữu đến 82,2% trữ
lượng khả dĩ khai thác trên toàn thế giới. Theo thứ
tự tiệm giảm, đó là: Saudi Arabia, Iran, Iraq,
Kuwait, United Arab Emirates, Venezuela, Russia,
Libya, Kazakstan, và Nigeria. Số quốc gia giàu hơi
đốt thiên nhiên còn ít hơn nhiều. Ba xứ Russia,
Iran, và Qatar nắm khoảng 55,8% số cung toàn thế
giới. Các quốc gia nầy giữ một địa vị ưu thế, có thể
lợi dụng sự tăng giá năng lượng toàn cầu, và trong
nhiều trạng huống, đã có lợi thế mặc cả và giành
được nhiều nhượng bộ chính trị quan trọng.
Trong thế giới hiện nay, năng lượng chi phối đời
sống hàng ngày của nhân loại, từ di chuyển, sưởi ấm,
điều hòa nhiệt độ, du lịch, thức ăn, thậm chí đến cả
chiến tranh và hòa bình. Vì vậy, thử thách lớn lao
và cấp thiết đang chờ Tổng Thống và Quốc Hội sắp tới
là tìm cách tốt nhất để tăng tốc quá trình chuyển
đổi hệ thống năng lượng dựa trên dầu lửa, than đá
hoặc hơi đốt thiên nhiên (a fossil-fuel-based energy
system) qua hệ thống các năng lượng thay thế tái tạo
và không thể tái tạo không tác hại đến môi trường.
Thay Lời kết luận
Nếu những lượng định trên đây là chính xác, Tổng
Thống Obama sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách
cam go trong những tháng năm sắp tới. Nhận trách
nhiệm vào một thời điểm đầy thử thách, Obama sẽ bị
tràn ngập bởi nhiều cuộc khủng hoảng đang cùng lúc
diễn tiến phức tạp, đòi hỏi nhiều tài nguyên: nhân,
tài, vật lực. Cấp bách hơn hết là cuộc khủng hoảng
kinh tế tài chánh toàn cầu; kế đến là cuộc chiến
chống khủng bố toàn cầu, và khủng hoảng năng lượng.
Cố nhiên, ưu tiên số một phải là tìm giải pháp cho
cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh. Đây cũng là đề
tài đang được tranh luận sôi nổi hiện nay. Rất nhiều
ý kiến đã được đưa ra trên báo chí và diễn đàn công
luận. Điều quan trọng là không còn ai
tin tưởng cơ chế tự điều chỉnh của thị trường tự do.
Ngược lại, mọi người đềù đặt hy vọng ở Tổng Thống và
Quốc Hội mới, và chỉ còn tranh luận về trình độ
quyết liệt của chính quyền trong hành động nhằm đảo
ngược tình hình kinh tế tài chánh.
Một số đông kinh tế gia đã lên tiếng kêu gọi bành
trướng chính sách thuế vụ-công trái (chấp nhận khuy
khiếm ngân sách và gia tăng công trái) nhằm ngăn
ngừa một sự sụp đổ kinh tế nhanh chóng. Một số khác
lại âu lo gánh nặng khiếm hụt ngân sách đối với các
thế hệ tương lai.
Trong hiện tình kinh tế tài chánh, tác dụng bù-trừ
(trade-off) giữa hiệu quả đoản kỳ và trường kỳ không
đáng lo ngại như nhóm bảo thủ nhấn mạnh. Ngược lại,
một chính sách bành trướng thuế vụ-công trái, trong
thực tế, có nhiều cơ may cải thiện kinh tế trong
tương lai.
Luận cứ của nhóm bảo thủ cho rằng khiếm hụt ngân
sách sẽ đưa đến suy yếu kinh tế trong trường kỳ, vì
lẽ Nhà Nước vay mượn nhiều sẽ làm cạn nguồn vốn đầu
tư của khu vực tư nhân (crowd out private
investment). Khi chính quyền phát hành nhiều công
trái, lãi suất sẽ gia tăng, làm nản lòng khu vực tư
nhân muốn đầu tư vào máy móc trang bị, do đó, giảm
bớt tỉ suất phát triển trong trường kỳ. Trong trạng
huống bình thường, lập luận nầy không phải không có
giá trị.
Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong hoàn cảnh chẳng
bình thường chút nào. Giả thiết chính quyền mới,
thuận theo lập luận của nhóm bảo thủ, giảm thiểu
chương trình bành trướng thuế vụ-công trái , liệu
chính sách nầy trong năm tới có đưa đến một sự sụt
giảm lãi suất ngắn hạn như họ chờ đợi ? Chắc hẳn là
không. Cho đến nay, Cục Dự trữ Liên Bang đã giảm lãi
suất xuống mức tối thiểu gần số không, và chắc chắn
sẽ không thay đổi chính sách trừ phi có triệu chứng
kinh tế trở nên quá nóng, một điều rất khó xẩy ra
trong tương lai gần.
Riêng lãi suất dài hạn, hiện đang ở mức thấp nhất
trong vòng nửa thế kỷ qua, cũng chỉ phản ảnh lãi
suất ngắn hạn trong tương lai. Một chính sách khắc
khổ có thể đẩy lãi suất ngắn hạn xuống thấp hơn -
nhưng chỉ bằng cách tạo ra sự chờ đợi kinh tế tiếp
tục suy thoái lâu dài và sâu đậm, một sự chờ đợi có
thể làm suy giảm thay vì gia tăng đầu tư tư nhân.
Luận cứ chính sách thuế vụ-công trái khắc khổ khi
kinh tế suy thoái trong thực tế chỉ làm giảm sút đầu
tư tư nhân, không phải chỉ là một luận cứ mang tính
lý thuyết. Điều nầy đã thực sự xẩy ra hai lần trong
lịch sử thế giới gần đây.
Lần đầu vào năm 1937 khi Tổng Thống Franklin
Roosevelt lỡ nghe theo lời khuyến cáo của các cố vấn
quá âu lo về khiếm hụt ngân sách thời đó. Roosevelt
đã giảm bớt công chi, nhất là cắt giảm 50% ngân sách
Cơ Quan Works Progress Administration, và tăng thuế.
Kết quả là kinh tế suy thoái trầm trọng, và đầu tư
tư nhân sụp đổ.
Lần thứ hai đã xẩy ra 60 năm sau đó ở Nhật. Vào thời
điểm 1996-97, chính phủ Nhật tìm cách quân bình ngân
sách , cắt giảm công chi, và tăng thuế. Lập tức kinh
tế suy thoái, lôi kéo theo suy sụp trầm trọng trong
số đầu tư tư nhân.
Điều khiến chính sách thuế vụ khắc khổ thất bại ở
Hoa Kỳ vào cuối thập kỷ 1930s và ở Nhật vào cuối
thập kỷ 1990s là những trạng huống đặc biệt. Trong
cả hai trường hợp, chính quyền đã chùn bước trước sự
thắt chặt thanh khoản, một tình trạng trong đó nhà
cầm quyền tiền tệ đã quyết định cắt lãi suất tối đa,
tuy vậy, nền kinh tế vẫn không phục hồi.
Ngày nay, chúng ta cũng trong cùng cảnh ngộ và đang
đối đầu với hiện tượng thiếu vắng chi tiêu trong khu
vực tư. Giới tiêu thụ tái phát hiện lợi ích của hạn
chế chi tiêu và tiết kiệm; giới kinh doanh, sau khi
bị phỏng lửa vì quá tham lam liều lĩnh và bị trói
tay bởi thảm họa trong hệ thống tài chánh, đã phải
cắt giảm đầu tư. Đã hẳn, nạn thiếu hụt thanh khoản
và tín dụng không sớm thì muộn sẽ chấm dứt. Tuy
nhiên, trong khi chờ đợi, các chi tiêu công của
chính quyền phải điền vào chỗ thiếu vắng. Nếu không,
đầu tư tư nhân và nền kinh tế nói chung sẽ suy sụp
hơn nữa. Vì vậy, sự âu lo khuy khiếm ngân sách trong
lúc nầy là việc làm không đúng lúc.
Hơn nữa, chính sách bành trướng thanh khoản và tín
dụng trong thời điểm nầy sẽ đem lại một tương lai
kinh tế tài chánh tốt đẹp hơn cho Hoa Kỳ, nếu phần
lớn được dùng để tài trợ những công trình xây dựng
hạ tầng cơ sở, đường sá, cầu cống, phát triển các
công nghệ và kỷ thuật mới, và nhất là các nguồn năng
lượng thay thế có thể và không thể tái tạo. Đây là
một đề án với một tầm cỡ tương đương với Manhattan
hay Apollo Moon Projects, nhưng mang tính thực tiển,
xây dựng và hòa bình.
Trên đây là những mục tiêu được nhiều giới chuyên
môn, chính khách, trí thức - ở Hoa Kỳ cũng như ở
những nước ngoài - chia sẻ. Chỉ khi theo đuổi một
nghị trình thể hiện những mục tiêu vừa kể, T T Obama
mới có thể hy vọng vượt qua các khủng hoảng hiện
đang đối diện siêu cường Hoa Kỳ. Ngoài ra, hướng
hành động tốt nhất đối với giới lao động hiện nay
cũng như con em của họ mai sau là phải làm tất cả
những gì cần thiết để vực kinh tế trở lại con đường
phục hồi càng sớm càng tốt.
© GS Nguyễn
Trường
Irvine, CA,
USA
05-12-2008
|