Những bài cùng tác giả
Sau nhiều lần thăm viếng Trung Quốc (TQ) kể từ năm 2002, Andy Stern -
nguyên chủ tịch SEIU,
hồi tưởng những cuộc thảo luận với cấp lãnh đạo ACFTU
về các vấn đề tổ chức và
thương lượng tập thể. Chuyển hóa kinh tế ở TQ là một thách thức lớn đối với
Hoa Kỳ, nhất là công nhân Mỹ. Stern nói:
"Chúng ta
phải công nhận TQ là xứ cạnh tranh kinh tế đầu tiên thực sự đe dọa địa vị
siêu cường toàn cầu duy nhất của Hoa Kỳ".

SỰ TRỖI DẬY CỦA
TRUNG QUỐC VÀ HỆ QUẢ
Ít ai có thể chối
cãi sự trỗi dậy của TQ mang ý nghĩa thay đổi thế giới. Tuy nhiên, trong nội
bộ phe tả ở Mỹ, người ta ghi nhận nhiều dị biệt sâu sắc mang tính nguyên tắc
về hai vấn đề: phản ứng thích hợp trước sự trỗi dậy của TQ như một siêu
cường và sự trỗi dậy báo hiệu nhiều viễn tượng tốt đẹp hay chỉ là triệu
chứng chẳng lành.
Ngay cả những
chuyến viếng thăm TQ của Stern trong thập kỷ vừa qua cũng đã bị cấp lãnh đạo
lao động chỉ trích nặng nề. Chẳng hạn, giới hoạt động nhân quyền và toàn cầu
hóa lên án ACFTU là khí cụ đàn áp công nhân lao động của Đảng Cộng Sản cầm
quyền ở TQ.
Sophie Richardson
, giám đốc Human Rights Watch phân bộ Á châu, đặt câu hỏi:
"Andy Stern hình
như nghĩ, ông ta có thể tìm thấy những thành phần cấp tiến trong nội bộ
ACFTU. Và SEIU cũng đồng ý?".
Jeffrey Fiedler,
một nhà hoạt động lâu năm về TQ, một quan chức IUOE,
và một thành viên ESRC,
còn gay gắt hơn:
"Andy Stern đã
bất chấp mọi nguyên tắc và đã khởi sự thương nghị với ACFTU. Người cầm đầu
ACFTU là thành viên của Bộ Chính Trị dơ bẩn! Hắn là một tên đạo tặc".
Đã hẳn, nhiều
người trong giới lao động đã bị chế nhiễu khi tin các công xưởng sản xuất
hàng xuất khẩu ở TQ, thường do các công ty đa quốc gia Mỹ sở hữu và quản
trị, đang giành mất việc làm trong khu vực kỹ nghệ chế biến. Họ xem TQ, như
tay chơi lớn nhất trong cơn sốt quốc tế khởi động bởi các đại công ty đa
quốc gia, lợi dụng lao động rẻ tiền và pháp chế lỏng lẻo trong phần lớn thế
giới đang phát triển trong quá trình sản xuất và cung cấp hàng nhập khẩu
tràn ngâp các cữa hàng trong các khu thương mãi Hoa Kỳ.
Theo Robert
Borosage, đồng giám đốc Chiến Dịch Vận Động Cho Tương Lai Hoa Kỳ,
" những mất thăng bằng toàn cầu nói chung - với Đức, Nhật, TQ, Hàn quốc,
và nhiều xứ khác, chuyên chú vào mô hình xuất khẩu và gắn bó với mô hình
nầy, không mấy quan tâm chuyển dịch đến một thị trường quân bình hơn - có
tác động gây mất ổn định trong kinh tế toàn cầu, nhất là kinh tế Mỹ, và
không thể bền lâu. Vì vậy, Hoa Kỳ phải đối đầu với một loạt các xô xát và
thử thách, không chỉ với người TQ".
Hệ quả sự trỗi
dậy của TQ còn sâu rộng hơn nhiều. TQ đã nhanh chóng trở thành một nền kinh
tế khổng lồ, đi từ những nhà máy lắp ráp thô sơ và các xưởng may hực nóng
đến các sản phẩm cao cấp và nhiều cách tiếp cận sáng tạo các kỹ thuật xanh,
kể cả các tuốc-bin chạy bằng gió, các pa-nô năng lượng mặt
trời, và các xe hơi chạy bằng điện. Mặc dù chỉ là một mô hình kinh tế tư
bản "mang tính Viễn Tây", không bị trói buộc, nhưng đối với các nền
kinh tế đang phát triển, sự kết hợp chặt chẽ giữa guồng máy kiểm soát chính
trị từ trung ương và tăng trưởng kỹ nghệ do nhà nước chỉ đạo, tượng trưng
một thách thức rõ rệt đối với mô hình tăng trưởng áp đảo kiểu Mỹ trong thời
hậu chiến. Và mô hình TQ đã được xem như mô hình quyến rũ đối với nhiều
giới.
Carolyn
Bartholomew, phó chủ tịch ESRC và nguyên trợ tá của Nancy Pelosi, chủ tịch
Hạ Viện, đã lên tiếng: "Tôi quan ngại, ở nhiều nơi trên thế giới, hình
thức tư bản độc tài của TQ đang bám trụ. Hãy nhìn phương cách dấn thân của
TQ ở Phi châu".
Orville Schell,
giám đốc Trung Tâm Quan Hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc thuộc Hội Á Châu,
cũng ghi nhận: "Chẳng khác gì các địa tầng chính trị toàn cầu đang chuyển
dịch dưới chân mọi người. Chúng ta bất thần đối mặt một mô hình tư bản độc
tài khác rất thành công , và thậm chí đang trở thành một thách thức về kinh
tế, chính trị, và ngay cả đối với lòng tin ở hệ thống quản trị dân chủ của
chúng ta là hệ thống tốt nhất có thể đem lại một đời sống tốt đẹp".
Một hệ quả không
thể tránh là sớm muộn gì TQ, một cường quốc kinh tế ngày một lớn mạnh, cũng
trỗi dậy như một cường quốc chính trị và quân sự với ảnh hưởng từ Đông Á đến
Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Trung Đông, Phi Châu và xa hơn nữa.
CÁNH TẢ HOA KỲ
THIẾU NHẤT QUÁN
Trong nội bộ, phe
cấp tiến hình như không đồng thuận về phản ứng đối với sự trỗi dậy của TQ.
Theo John Feffer, đồng giám đốc Chính Sách Đối Ngoại Trọng Tâm thuộc
Viện Nghiên Cứu Chính Sách IPS
tả phái
"điều nầy đã chia rẽ cộng đồng cấp tiến".
Với ý thức chính
sách TQ của Hoa Kỳ chịu sự chi phối chặt chẽ của các đại công ty đa quốc
gia, các ngân hàng đầu tư vào TQ, và tập đoàn quân sự-kỹ nghệ luôn xem TQ là
đối thủ và địch thủ tiềm năng, giới cấp tiến hiểu rõ họ khó thể ảnh hưởng
đến quá trình định hình chính sách quốc gia.
Tuy vậy, họ vẫn
tham gia thảo luận các lựa chọn khả dĩ: đối đầu hay thỏa hiệp với một TQ
đang lên? Áp đặt thuế quan và các biện pháp chế tài hay mở cữa đón nhận các
xí nghiệp quốc doanh ngày một bành trướng - đầu tư chứng khoán vào các công
ty Mỹ và đầu tư trực tiếp qua việc xây dựng những công xưởng ở Hoa Kỳ? Cộng
tác hay tránh xa ACFTU và các định chế khác của TQ? Ngoài ra còn có các vấn
đề nhân quyền, kể cả quyền công nhân, quyền tự do tôn giáo, và quyền các
dân tộc thiểu số như người Tây Tạng và người Hồi giáo Uighur ở miền Tây TQ?
Liệu nạn thiếu nhân công lao động, đã đưa đến làn sóng đình công và phản
kháng gần đây, sẽ khiến TQ dành nhiều tự do hơn cho công nhân như quyền tổ
chức, quyền tranh đấu đòi tăng lương và nâng cao mực sống?
Sau nhiều lần
phỏng vấn một số các nhà phân tích chính sách cấp tiến, các kinh tế gia, các
nhà hoạt động môi trường, nhân quyền, lao động, các viên chức chính quyền,
và các chuyên gia TQ trong giới đại học, Robert Dreyfuss cho biết, hầu hết
đều đồng ý: muốn cạnh tranh với TQ, Hoa Kỳ phải chấp nhận một số chính
sách kỹ nghệ rõ ràng, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, tạo công ăn việc làm, giáo
dục và huấn nghệ, kỹ nghệ chế biến công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển,
đặc biệt là trong kỹ thuật xanh.
Theo Schell, ưu
tiên hàng đầu là củng cố nội bộ. Nhưng ngay cả về điểm nầy, các nhà hoạt
động cánh tả cũng ghi nhận nhiều ý kiến bất đồng, bởi lẽ: thật khó lòng đề
xướng một chính sách kỹ nghệ của Hoa Kỳ - đánh thuế giới nhà giàu, trợ cấp
các kỹ nghệ cốt lỏi, chi tiêu nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và huấn nghệ - mà
không cùng lúc đề cập vấn đề ý thức hệ tân bảo thủ áp đảo về toàn cầu hóa và
mậu dịch tự do, và điều đó gồm cả vấn đề TQ. Thực vậy, người ta không thể
nói đến một chính sách kỹ nghệ quốc nội mà không đề cập đến chế độ mậu dịch.
Đối với nhiều
người trong phong trào lao động Mỹ, không ai nghi ngờ TQ là một đe dọa trầm
trọng, ít ra, đối với công ăn việc làm và sự phồn vinh của người Mỹ.
Tại trụ sở
AFL-CIO, Viện Chính Sách Kinh Tế -EPI
[15]
và Liên Minh Kỹ Nghệ Chế Biến Hoa Kỳ- AAM,
một dự án được nghiệp đoàn United Steelworkers ủng hộ, trong phúc
trình về TQ, đã ghi nhận: Đó là một cường quốc hù dọa, trọng thương, cạnh
tranh bất chính với các nước khác bằng cách nhào nặn giá trị đơn vị tiền tệ,
đàn áp giới lao động, chà đạp các chuẩn mực môi sinh, và bóc lột thế hệ nhân
công du cư để sản xuất hàng xuất khẩu rẽ tiền...Phúc trình còn cho biết: TQ
lợi dụng sự hăm hở của các công ty đa quốc gia đang nôn nóng xây dựng những
cơ xưởng ít bị giám sát trong những khu kỹ nghệ ven biễn Nam TQ, đồng thời
bắt chẹt các công ty nầy san sẻ bí quyết thương mãi và kỷ thuật như cái giá
phải trả để được phép kinh doanh. Đó là một sự lên án bao quát, và giải pháp
đề nghị là một hổn hợp các thuế quan mang tính trừng phạt - lối 25% cho
nhiều loại sản phẩm nhập khẩu từ TQ - cùng với các chế tài và biện pháp buộc
TQ phải tái định giá đồng nhân dân tệ lên 40% hay cao hơn.
Nhóm nầy không
tin sẽ có đụng độ hay chiến tranh thương mãi với TQ, và trong thực tế, họ
nhấn mạnh nếu Hoa Kỳ đợi càng lâu trước khi trực tiếp đương đầu với TQ, vấn
đề sẽ ngày một khó khăn thêm.
Kuttner nói:
"Tôi có thể nói với người TQ, 'chúng tôi sẽ không cho phép tự do tiếp cận
hàng TQ, chừng nào quý vị còn lấy trộm kỷ thuật, đòi hỏi các công ty Mỹ chỉ
có thể sản xuất hàng hóa ở TQ để xuất khẩu và không để bán trên thị trường
TQ, đòi hỏi các thỏa ước chuyển giao công nghệ mang tính cưởng ép, và nhào
nặn giá trị đơn vị tiền tệ của quý vị'. Lúc đó mỡ đã ở trên lữa, và người TQ
sẽ phải quyết định họ sẽ làm được gì trong tình trạng đó. Điều nầy rất có
thể đưa đến xung đột. Nếu chúng ta có phản ứng cứng rắn đối với chủ nghĩa
trọng thương của TQ, điều đó có thể trở nên rất tồi tệ, khả ố trong ngắn
hạn".
Robert Scott,
kinh tế gia của EPI - tác giã một nghiên cứu xuất bản trong tháng 3-2010 -
đã kết luận, trong khoảng 2001- 2008, gần 2,5 triệu việc làm của Mỹ đã thất
thoát qua TQ, kể cả hơn 600.000 chỉ riêng trong ngành vi tính và điện tử.
Giống như nhiều người trong quỹ đạo AFL-CIO, Scott đứng trên lập trường quốc
gia để bảo vệ các biện pháp tái lập quân bình cân thương mãi Hoa Kỳ-Trung
Quốc hiện đang khuy khiếm. Trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở, Scott tuyên bố,
"Chính quyền Hoa Kỳ có trách nhiệm đối với công nhân Mỹ, phải khai triển
các chính sách trong quyền lợi quốc gia của chúng ta".
Khi có người nêu rõ trong ba thập kỷ vừa qua TQ đã giải phóng hàng trăm
triệu người khỏi nghèo đói, và thái độ của Scott có thể bị một số người xem
như bài ngoại. Scott gật đầu đồng ý: "Đúng. Tôi xem công việc của tôi là
phải quan tâm đến mực sống của công nhân Mỹ".
Và ông nhấn mạnh chỉ động thái đe dọa đóng cữa thị trường Hoa Kỳ đối với
hàng nhập khẩu từ TQ mới mong đủ sức thuyết phục Bắc Kinh phải lưu ý.
Người ta có thể
dễ dàng kết luận sự thành công cuả TQ trong chương trình xóa đói giảm nghèo
cho trên dưới 400 triệu người là sự kiện quan trọng nhất trên thế giới trong
1/4 thế kỷ vừa qua. Đã hẳn, phần lớn tăng trưởng của TQ từ cuối thập kỷ
1970s đã được trả giá với ô nhiễm môi trường và điều kiện lao động tồi tệ
của nhân công.
Nhưng những người
chủ trương cần có lập trường cứng rắn đối với TQ chối bỏ hiện tượng cải
thiện lớn lao trong mực sống ở TQ hay nghi ngờ sự hiện hữu của hiện tượng
nầy. Họ lập luận TQ đã thành đạt tăng trưởng kỷ lục đáng kinh ngạc, trung
bình khoảng 10% /năm kể từ 1979, qua sự bóc lột giai cấp công nhân, với rất
ít hay không có lợi ích vật chất dành cho người dân bình thường.
Scott Paul - giám
đốc sáng lập Liên Minh AAM, nhà vận động hành lang cho giới lao động và
nguyên trợ tá cho David Bonio, nguyên dân biểu Michigan - lập luận: công
nhân TQ thường không được thù đáp tương xứng và lao động trong một môi
trường thiếu an toàn. Qua áp lực buộc TQ tái định giá đồng nhân dân tệ, theo
Paul và phe nhóm, Hoa Kỳ có thể buộc TQ phải tăng lương và cải thiện mức
tiêu thụ và đời sống của giới lao động. Scott Paul nói tiếp:"Điều nầy sẽ
cho phép người TQ hưởng thụ thành quả tăng trưởng".
Thea Lee, phụ tá
giám đốc chính sách công AFL-CIO, cũng không sẵn sàng công nhận sự tăng
trưởng ở TQ mang lại lợi ích lớn lao cho người dân. Lee, một phụ nữ gốc Hoa,
rất am tường chính sách TQ của Hoa Kỳ, một chính sách, theo bà, quá thỏa
hiệp và chịu ảnh hưởng các công ty Mỹ đang có quyền lợi làm ăn ở TQ. Lee
nói: "Tôi không gọi tình trạng nầy là một thành công đối với dân lao
động. Đây là một ô nhục. Hệ thống điều hành tương tự một Miền Tây Man Rợ, và
chẳng ai quan tâm. Các bạn chứng kiến các tai họa: tàn phá môi trường dài
hạn, lao động vị thành niên, lao động cưởng bách, lạm dụng sức khỏe công
nhân".
Đối với ACFTU, với gần 200 triệu đoàn viên, giống như Fiedler, Lee nói:
"Chúng tôi không công nhận ACFTU như một công đoàn thực sự. Tôi xem họ như
chính quyền. Họ là giới quản trị".
Ngay cả các viên
chức và các nhà hoạt động bên trong phong trào lao động và đồng minh của họ
cũng kêu gọi đối đầu với những gì họ xem như những xảo thuật mậu dịch cướp
đoạt của TQ, đôi khi họ dùng cả ngôn từ thời chiến tranh lạnh. Chẳng hạn,
Paul của AAM cũng bày tỏ sự quan ngại sâu xa trước các nổ lực tăng cường
quân lực của TQ. Paul đặt câu hỏi: "Thặng dư mậu dịch đang được TQ sử
dụng để tăng cường quân lực. Họ muốn tăng cường hải quân trong vùng Thái
Bình Dương, phát triển vũ khí hạt nhân tiền tiến, các vũ khí hủy diệt vệ
tinh. Những việc đó nói lên điều gì về hòa bình? Mục tiêu họ theo đuổi là sự
hiện diện trong vùng duyên hải Thái Bình Dương và thách thức bá quyền của
Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương. Điều đó mang nhiều ẩn ý lớn lao".
Và
trên danh sách những bước cần thiết để chứng tỏ với TQ Hoa Kỳ đang xử sự rất
nghiêm chỉnh, Fiedler liệt kê: giảm tốc độ hay ngưng các quan hệ quân sự Hoa
Kỳ-TQ và hạn chế tối đa số du học sinh TQ đến Mỹ. Fiedler còn dùng cả từ
"phát xít" khi nói về TQ, và còn nói thêm: "Tôi còn muốn tiếp tục bán
vũ khí cho Đài Loan".
Đã hẳn, cũng có
một số người có quan điểm trái ngược. Thực vậy, vài người lập luận, tìm cách
thu hút việc làm từ TQ trở về Mỹ là việc làm thiếu thực tế, và trong mọi
trường hợp, Hoa Kỳ cũng phải dành không gian cho Bắc Kinh trỗi dậy như một
đại cường. Đối với những nhà phân tích nầy, những luận điệu tăng cường phản
ứng quân sự của Mỹ đối với TQ là điều thật sự rất đáng lo ngại.
Chẳng hạn, James
Galbraith, kinh tế gia "dị giáo hay phi chính thống" và giáo
sư Đại Học Texas, nhân vật thuộc phe tự do nhưng không được giới lao động và
đồng minh ưa thích, thường chỉ trích nghiêm khắc những ai nghĩ có thể
khuyến dụ và thu hút việc làm từ TQ qua một phối hợp các chiến thuật gây sức
ép. Những nhân vật như Galbraith thường bị gạt bỏ một cách thô lỗ và động
lực của họ bị nghi ngờ. Galbraith đại diện cho một quan điểm hoàn toàn trái
ngược với các tổ chức AFL-CIO/EPI/AAM, và quan điểm của ông được chia sẻ bởi
những nhân vật như Joseph Stiglitz ở Đại Học Columbia, Alice Amsden ở MIT,
và nhiều người khác.
Galbraith gạt bỏ
luận cứ tăng trưởng kinh tế ở TQ đã không đem lại lợi ích vật chất lớn lao
cho hàng trăm triệu người trong một thời gian ngắn. Rõ ràng là một thế hệ
quần chúng đông đảo đã thoát khỏi nghèo đói - với một cuộc sống mới, họ hiểu
rất rõ, tốt hơn trước rất nhiều. Ông lập luận, một số lớn những sản phẩm
biến chế ở TQ đã được sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường quốc nội, công
xá và điều kiện làm việc được cải thiện, nhất là trong khu vực xuất khẩu, và
ép buộc TQ tái định giá trị đơn vị tiền tệ ở một mức cao sẽ chẳng ảnh hưởng
gì đến việc tạo công ăn việc làm ở Mỹ.
Một luận cứ chính
yếu trong giới viên chức lao động và đồng minh của họ là không những giữ hối
suất đơn vị tiền tệ ở mức thấp, TQ đồng thời cũng kìm hảm mức tiêu thụ quốc
nội quá khe khắt. Và, họ lập luận, tỉ suất tiết kiệm ở TQ cao nhất thế giới,
trên 40% hàng năm - so với Hoa Kỳ luôn lên xuống trong khoảng từ số không
đến 5% mỗi năm - chỉ đạt được bằng cách dìm nén mức sống của 1,3 tỉ dân. Vì
vậy, theo họ, khi buộc TQ tái định tỉ suất hối đoái đơn vị tiền tệ ở một mức
cao và lèo lái tài hóa trở lại thị trường nội địa, họ chỉ làm những gì tốt
nhất cho TQ - và đồng thời giúp tạo thêm nhu cầu của người Hoa đối với hàng
hóa Mỹ.
Galbraith diễu
cợt ý tưởng người Mỹ biết những gì tốt cho TQ hơn là người TQ. Ông nói:
"Ý niệm TQ có thể gia tăng tiêu thụ quốc nội một cách nào đó có lợi cho công
nhân Mỹ về phương diện vật chất là điều không hợp lý. Trước hết, tiêu thụ ở
TQ đã gia tăng nhanh chóng trong nhiều thập kỷ. Thứ hai, nâng cao mức tiêu
thụ hơn nữa có ý nghĩa gì? Phải chăng có thêm nhiều xe hơi và ít đường sá để
lái xe đi lại? Từ quan điểm phát triển, điều nầy không có ý nghĩa gì hết.
Tại sao người TQ nên giảm tốc độ xây cất hạ tầng cơ sở tương đối với việc
tăng sức mua tiêu thụ phẩm? Tại sao họ nên xây ít nhà máy phát điện hơn và
mua thêm máy móc để gây nạn thiếu điện?".
Giống như
Galbraith, một vài người - nghi ngờ lập trường chống TQ không lay chuyển của
giới lao động - không e ngại lên án những người to tiếng chỉ trích TQ là
bài ngoại, phân biệt chủng tộc, là gieo rắc ý niệm Họa Da Vàng -
Yellow Peril-style alarmism, một đồng vọng của chiến dịch gây hoang mang
về một đe dọa tưởng tượng đối với sự thịnh vượng và công ăn việc làm ở Hoa
Kỳ của người Nhật hai thập kỷ trước đây.
Các nhà phân tích
cấp tiến, chỉ trích chính sách chống TQ của AFL-CIO, thường đưa ra hai luận
cứ: TQ xứng đáng được tán thưởng về thành tích và uy tín đã giúp hàng trăm
triệu người tiếp cận một đời sống thành thị phồn vinh, và Hoa Kỳ đã thực sự
sai lầm khi xúc phạm TQ với mục đích đánh lạc hướng công luận về lịch sử
lãnh đạo kinh tế sai lầm của chính mình trong nhiều thập kỷ.
Feffer của IPS
nói: "Chúng ta đang bàn về một xứ có tiềm năng liên tục giải phóng một số
dân khổng lồ khỏi nghèo đói. Tôi không nghĩ quốc gia liên hệ có thể làm được
việc nầy bằng cách cạnh tranh 'công bằng' theo đúng quy luật của chính sách
quốc tế".
So với
công nhân ở TQ, chưa nói gì đến thợ thuyền trong các nhà máy sắt thép ở
Nigeria hay nhân công may mặc ở Ba Tây, công nhân Hoa Kỳ tương đối khá giả
hơn nhiều.
Theo Doug
Henwood, biên tập viên nhà xuất bản Left Business Observer, " luận
bàn về Họa Da Vàng đã có từ lâu ở Hoa Kỳ, và khá nhiều luận bàn dễ dàng hòa
nhập vào loại nầy . Vâng, họ rất cạnh tranh, nhưng ...lịch sử 'Họa Da Vàng'
làm cho đề tài đầy vẻ tai họa và độc địa. Chỉ trích TQ luôn dễ dàng hơn là
nhìn xem những gì sai trái với Hoa Kỳ. Đây là một thứ quốc gia chủ nghĩa quá
gần gũi với bài ngoại, đã thêm dầu vào lữa, và các thành phần mị dân cánh
tả cũng như cánh hữu đều dễ đồng tình trong tâm thức không ưa thích TQ".
Khuynh hướng nầy
càng đáng tiếc hơn vì đã tăng cường luận điệu hiếu chiến từ cánh hữu. Trong
nhiều năm gần đây, Ngũ Giác Đài luôn phổ biến những cảnh báo ngày một nghiêm
trọng hơn về sự trỗi dậy của TQ như một thách thức chiến lược đối với Hoa
Kỳ, và kể từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt, phái tân bảo thủ và cánh ủng hộ
giới quân sự hữu phái đã dùng 'bóng ma TQ để hù dọa ' khả dĩ lấp lỗ
hổng "hội chứng thiếu kẻ thù"(enemy deprivation syndrome), như
Charles Freeman, một quan chức ngoại giao cao cấp nói được tiếng Quang
Thoại, trước đây thích gọi.
Selig Harrison,
một nhà báo và giám đốc Chương Trình Á Châu thuộc Trung Tâm Chính
Sách Quốc Tế - CIP
[28],
đã gợi ý: giới cấp tiến cần làm quen với ý niệm quyền lợi quốc gia chính
đáng của TQ trong khu vực. Harrison nói: "Ý tưởng chúng ta nên chấp nhận
quyền lợi của TQ trong vùng Đông Á, theo tôi nghĩ, phải được phe tự do sẵn
sàng đón nhận. Thực tế TQ sắp có một hải quân có tầm với dài, sẽ là một siêu
cường, giống như Ấn Độ, và Hoa Kỳ phải tự điều chỉnh".
Nhưng nước Mỹ đã
không tự điều chỉnh tốt và kịp thời. Thật khó lòng tưởng tượng một chính trị
gia Mỹ bênh vực lập trường: Hoa Thịnh Đốn nên rút khỏi hiện tình dàn trải
quá mỏng ở Á châu và Thái Bình Dương hoặc nhường chỗ cho một sự hiện diện
rộng lớn của TQ.
Mới đây, trong
mùa hè vừa qua, chính quyền Obama đã đặt viên gạch đầu tiên xây Bức
Trường Thành Ngăn Bờ chung quanh TQ, qua động thái hàn gắn quan hệ với
lực lượng đặc biệt tàn bạo của Indonesia, và tham gia vào hàng ngũ chống
đối TQ trong vụ tranh giành có tiềm năng nguy hiểm khi TQ đòi quyền sở hữu
một chuổi các hải đảo trong khu vực Biển Đông. Michael Klare - tác giả cuốn
Các Cường Quốc Đang Lên , Hành Tinh Co Rút - Rising Powers, Shrinking
Planet - nói: "Thật là một tai họa khi giới cấp tiến cung cấp cỏ khô
cho mồi lữa tập đoàn quân-sự-kỹ-nghệ qua việc bêu xấu hay chụp mũ TQ. Nhiều
nhóm lợi ích hùng mạnh ở Hoa Thịnh Đốn muốn xô đẩy chúng ta vào con đường
xung đột".
Vấn đề Đài Loan
là một điểm nóng đặc biệt, và nếu quan hệ giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn
tuột dốc, một đại họa giữa hai cường quốc nguyên tử rất dễ xẩy ra vì hải đảo
nầy. Theo Harrison, sự chấm dứt hậu thuẩn quân sự cho Đài Loan phải là khởi
điểm cho mọi nổ lực cải thiện quan hệ Hoa Kỳ-TQ, kể cả quan hệ kinh tế.
Harrison nói: "Chúng ta sẽ không bao giờ có thể buộc TQ ứng xử phải chăng
trên bình diện kinh tế, về các vấn đề then chốt như tỉ suất hối đoái và lập
trường tương lai về việc nắm giữ các trái phiếu ngân khố của chúng ta, nếu
chúng ta tiếp tục gây rối về vấn đề Đài Loan".
Lập trường của
chúng ta đối với TQ một phần tùy thuộc vào thái độ: liệu chúng ta có đủ niềm
tin TQ có thể chuyển biến từ một hệ thống độc tài qua một hệ thống tự do,
dân chủ hơn, và nếu vậy, phải chờ đợi bao lâu?
Thánh kinh của
những kẻ tin TQ sẽ không thay đổi là tác phẩm 2007 của James Mann, "The
China Fantasy" (Trung Quốc Hoang tưởng). Nguyên phóng viên báo Los
Angeles Times và hiện công tác ở Johns Hopkins School for Advanced
International Studies, Mann lập luận: TQ rất có thể không tan rã hay dân
chủ hóa. Thay vào đó, rất có thể sau nhiều thập kỷ, TQ sẽ cực giàu và
không dân chủ, và những ai tin ở khả năng dân chủ hóa của TQ là hết sức sai
lầm. Mann nói, TQ "vẫn còn là một chế độ Leninist, do Đảng Cộng Sản lãnh
đạo theo những vòng tròn cấp bậc từ dưới lên, với một Ủy Ban Trung Ương
Đảng, một Bộ Chính Trị, và một Ủy Ban Thường Trực của Bộ Chính Trị".
Đã hẳn trong
những thập kỷ sắp tới, hệ thống chính trị TQ có thể có nhiều lựa chọn đường
hướng thay đổi.Tuy nhiên, nếu có thay đổi, động lực thúc đẩy chắc sẽ đến từ
tầng lớp lao động, và gần đây có nhiều dấu hiệu giới công nhân đã bắt đầu
chứng tỏ thực lực của chính mình. Trong những năm vừa qua, họ đã phô trương
một chuổi các hành động ngày một tăng tốc, đình công và phản kháng, với cao
điểm khi báo chí đưa tin các xưởng lắp ráp Honda đã phải đóng cửa trong
tháng 5-2010.
Và trái với nhiều
người quen nhìn TQ theo nhãn quan trắng đen rõ rệt - một tầng lớp lao động
bị một chế độ thuần nhất và một công đoàn tay chân, ACFTU, áp bức - những
động thái gần đây của giới lao động đã phơi bày một hình ảnh với nhiều sắc
thái tế nhị khác xa. Ít nhất, làn sóng đình công gần đây là dấu hiệu tất cả
các tay chơi - công nhân, chính quyền cấp tỉnh và địa phương, ACFTU, chế độ
ở Bắc Kinh - đang công diễn một vũ điệu phức tạp. Đáng ngạc nhiên nhất là
trong nhiều nơi ở TQ, công nhân, chính quyền trung ương và nhà cầm quyền cấp
tỉnh, khá sáng suốt, đã đoàn kết nhất trí trong nổ lực tăng lương và cải
thiện điều kiện làm việc.
Theo Geoffrey
Crothall, người phát ngôn của China Labour Bulletin (CLB), một nhóm
các nhà hoạt động lao động ở Hong Kong, "hơn 20 tỉnh đã thể hiện tăng
lương tối thiểu khoảng 20%. Sau khi đình công xẩy ra , nhiều chính quyền địa
phương đã can thiệp và tìm cách giúp giới quản trị và công nhân thương thảo".
Crothall nói, rõ ràng chính quyền trung ương muốn tăng lương và góp phần vào
ổn định xã hội. Và cũng có nhiều yếu tố khác giúp nâng cao lương bổng: chẳng
hạn, TQ đang cần một lực lượng lao động với chất lượng và kỷ năng cao khi
đang chuyển qua giai đoạn biến chế các sản phẩm cao cấp, trong lúc sớm có
dấu hiệu khan hiếm nhân công lao động vì tăng trưởng dân số chậm , chính
sách một con và sự kiện nhiều triệu dân đã rời nông thôn ra thành thị tìm
việc làm trong các xưởng máy. ACFTU từ lâu được xem như tổ chức bảo vệ Đảng
và một công đoàn với đặc trưng TQ, hiện đang bị áp lực phải thay đổi
từ dưới lên bởi các công nhân đình công và từ trên xuống bởi chính quyền
trung ương ở Bắc Kinh.
Crothall, tổ chức
của ông đã được Han Dongfang sáng lập, là người thành lập nghiệp đoàn độc
lập đầu tiên của TQ trong thời gian biến động ở Quảng Trường Thiên An Môn
năm 1989. Ông nhắc lại tình hình sôi động ở Quảng Đông, nơi tọa lạc của hầu
hết các cơ sở biến chế quan trọng nhất của TQ. Ông nói, "ACFTU hiện đang
tiến hóa và không phải một khối nhất trí. Đó là một định chế của chính
quyền. Tuy nhiên, ở Quảng Đông, công đoàn khá cấp tiến và thực tiển. Và cũng
ở Quảng Đông, theo CLB, chính quyền tỉnh đang thử nghiệm nhiều quy luật mới
có thể dành cho công nhân quyền thương nghị tập thể".
Chính vì vậy,
những nổ lực của Andy Stern ở TQ, mặc dù thường mang tính chỉ trích, hình
như rất được trân quý. Stern nói: "Tôi không nhất trí với lời kêu gọi của
Glenn Beck, 'Công nhân toàn thế giới hãy đoàn kết lại!'. Đây không chỉ là
một chiêu bài".
Stern
còn thêm, đây là điều thực sự quan trọng khi công nhân Hoa Kỳ và công nhân
TQ xem nhau như đồng minh, và Stern lập luận, những nổ lực của những người
như ông có thể giúp ACFTU chuyển hướng mang tính đại diện nhiều hơn của hàng
trăm triệu đoàn viên. Stern cũng nói: "Hiện có một tiến hóa lớn lao đang
tiếp diễn. Và đối với tôi, vấn đề là: Cuối cùng công đoàn sẽ đi đến đâu,
không phải đã khởi hành từ đâu".
Giống như Crothall, Stern nhấn mạnh không phải chỉ công nhân mới muốn ACFTU
thay đổi phương thức hoạt động, "chính quyền cũng đang thúc đẩy các công
đoàn phải chuyển hóa".
Katie Quan - một
lãnh tụ nghiệp đoàn trước đây và hiện là phó chủ tịch Trung Tâm Lao Động,
Đại Học California, Berkeley
- hậu thuẩn cho nổ lực của Stern nhằm đối thoại với ACFTU. Bà nói: "Chính
sách tẩy chay TQ của AFL-CIO, và không muốn dính dáng gì đến TQ, đã chỉ
khiến giai cấp lao động tụt hậu".
Katie Quan đề nghị một cách tiếp cận ba mặt đối với TQ và ACFTU: đối thoại
giữa nghiệp đoàn và nghiệp đoàn, trao đổi giữa công nhân và công nhân, và
thảo luận giữa các học giả. Trong những năm gần đây, theo bà, TQ đã có nhiều
thay đổi lớn lao trong chính sách lao động, khởi đầu với pháp chế lao động
về hợp đồng, ban hành vào tháng 1-2008. Những đổi thay nầy đã giúp công nhân
ý thức đầy đủ quyền lợi của mình và trong thực tế đã giúp khởi động các cuộc
đình công bột phát. Và nhiều cải cách tương lai đang được xúc tiến, kể cả
pháp chế thương lượng hay mặc cả tập thể.
Một phúc trình
gần đây của CLB, "Tự Quyết Định: Phong Trào Công Nhân Ở Trung Quốc,
2007-2008",
đã kết
luận: bất kể lịch sử ACFTU ra sao, không thể có biện pháp thay thế nhằm tìm
cách tái định hình liên hiệp nghiệp đoàn. Phúc trình nêu rõ: "Điều thiết
yếu là quyền tổ chức chính thức của ACFTU một cách nào đó phải được hội nhập
với sức mạnh và hậu thuẩn của công nhân. Cả hai phía sẽ phải tìm cách đến
với nhau".
Đã hẳn, chúng ta
có lý do để tìm hiểu những đổi thay đó có đến đủ nhanh hay không. Ralph
Nader - người đã đem lại cảm hứng cho một thế hệ các nhà hoạt động đòi hỏi
công bình toàn cầu và cũng là người nhiều năm vận động chống lại chế độ mậu
dịch chi phối bởi các quy luật do các đại ngân hàng và các đại công ty áp
đặt - chủ trương đối đầu với TQ và các xứ xuất khẩu có phí lao động thấp,
như Ấn Độ, với một thứ quan thuế xã hội được thiết kế nhằm trung hòa hóa
tình trạng thiếu quyền mặc cả tập thể, mức lương tối thiểu tương đối phải
chăng, và sự thiếu vắng các quy luật đứng đắn. Nader công nhận cuối cùng rồi
TQ cũng có thể thay đổi, nhất là phong trào canh tân đã dẫn đến tình trạng
công nhân đòi hỏi quyền lợi nhiều hơn và tầng lớp trung lưu tăng thêm áp lực
đòi hỏi phát huy dân chủ. Nhưng Nader không sẵn sàng nhẫn nại. Ông nói:
"Nếu chúng ta đợi đủ lâu, chừng 35 năm sau, mức lương và điều kiện làm việc
và những thứ đó có thể lên bằng nhau. Nhưng trong lúc giao thời, hãy nhìn
các cộng đồng rổng ruột ở Hoa Kỳ".
Tuy nhiên, cuối
cùng Hoa Kỳ cũng chẳng làm được gì nhiều để thay đổi lộ trình hay quỹ đạo
của TQ. Rất ít, nếu có, các biện pháp kinh tế đã được đề nghị, có thể buộc
TQ phải thay đổi. Những biện pháp nầy chẳng những thiếu hữu hiệu, mà còn
phản tác dụng, gây đổ vỡ lớn hơn cho Hoa Kỳ.
Henwood từ
Left Business Observer nói: "Bất cứ biện pháp cứng rắn nào đối với TQ
cũng đem lại phản tác dụng tai hại cho chính chúng ta".
Nếu chiến tranh thương mãi xảy ra, TQ có thể, trong nhiều lựa chọn, dùng số
mỹ kim dự trữ và các công khố phiếu của Hoa Kỳ như một thứ khí giới và có
thể nhập khẩu hàng từ nhiều xứ khác hơn là Hoa Kỳ.
Sophie Richardson
của Human Rights Watch nói, Hoa Kỳ phải đặt nặng vấn đề dân chủ hóa
và nhân quyền hơn nữa trong nghị trình, ngay cả trong các cuộc họp về các đề
tài khác , không phải e ngại làm phật lòng TQ: "Có rất nhiều cách để
diễn đạt các đòi hỏi ấy trong các phiên họp giữa hai quốc gia mà không phải
quá nặng lời giữa cuộc họp".
Cho đến nay, T T Obama hình như luôn tránh né không nhắc đến vấn đề nhân
quyền.
Hoa Kỳ có thể có
rất ít lựa chọn , ngoài việc phải làm quen với sự kiện: TQ sẽ tự mình chuyển
hóa. Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn có thể dùng sự thách thức của TQ để nhanh chóng thay
đổi phương thức làm việc trong quốc nội. Orville Schell nói: "Đây không
phải chỉ là sự kiện TQ trỗi dậy như một địa chấn, nhưng chính sự sụp đổ tài
chánh, kinh tế và văn hóa của chính chúng ta đã là nguyên nhân còn đáng kinh
ngạc hơn. Chúng ta cần tìm cách để thích nghi với TQ, và để gây ảnh hưởng
với TQ. Và đây không phải một kết luận tất yếu là vấn đề sẽ dễ dàng, hay
ngay cả hòa dịu".
QUAN HỆ HOA
KỲ-TRUNG QUỐC: HỢP TÁC VÀ THÙ NGHỊCH
Chính quyền
Obama, trong quan hệ đối nghịch với TQ về tỉ giá hối đoái, mậu dịch, và an
ninh, đã trở nên ngày một cứng rắn hơn trong phương cách tiếp cận với Bắc
Kinh. Hoa Thịnh Đốn hiện đang tìm kiếm đồng minh để đối đầu với siêu cường
đang lên và đang tự khẳng định, cũng như chẳng mấy sẵn sàng hợp tác với Hoa
Kỳ.
Trong một thay
đổi từ quá trình ve vản tay đôi kiên trì, Obama đang cố gắng vận động thành
lập những liên minh - trong số các đồng minh và đối tác thương mãi xa gần -
với lập trường thống nhất đối với TQ về các vấn đề gai gốc như tỉ giá hối
đoái và tranh giành quyền sở hữu các hải đảo trong vùng Biển Đông.
Những lợi điểm và
giới hạn của cách tiếp cận mới nầy đã phơi bày rõ nét trong phiên họp giữa
các nền kinh tế lớn nhất ở Hàn Quốc tuần trước. Hoa Kỳ đã giành được sự
ủng hộ về một cam kết giảm thiểu các mất quân bình mậu dịch, một cam kết
giúp tăng cường sức ép đối với TQ trong vấn đề tái định giá đồng nhân dân tệ
với một tỉ suất cao hơn.
Tuy nhiên, Đức, Ý
và Liên Bang Nga chống lại đề nghị của Hoa Kỳ ấn định những giới hạn bằng
con số (numerical limits) trên số mất quân bình, một động thái lẽ ra đã có
thể cô lập hóa Bắc Kinh nhiều hơn nữa. Điều nầy đã buộc bộ trưởng Ngân Khố,
Timothy F. Geithner, trên đường về từ Nam Hàn, đã phải dừng chân ở TQ , trái
với dự liệu , để thảo luận với quan chức tài chánh cao cấp Zhang Guobao, về
tình hình lúc một căng thẳng liên quan đến vấn đề tỉ giá hối đoái.
Các quan chức
chính quyền đã tiết lộ trình độ mất tin tưởng đáng lo ngại giữa TQ và Hoa Kỳ
trong hai năm qua, buộc họ phải giảm thiểu hy vọng hợp tác với TQ trong nổ
lực đối phó với những thách thức quan trọng như biến đổi khí hậu, cấm phổ
biến vũ khí hạt nhân, và một trật tự kinh tế toàn cầu mới.
Một nguyên nhân
căng thẳng mới là TQ vừa quyết định ngưng chuyển tải số khoáng sản
đất-quí-hiếm xuất khẩu qua Hoa Kỳ: "neodymium" cần thiết trong việc
sản xuất hỏa tiễn điều khiển từ xa, các turbines gió, xe hơi chạy
bằng xăng và điện, Apple iPhones...; hay "lanthanum" cần cho
máy xúc tác catalytic converters làm sạch hệ thống thoát hơi
trong xe chạy bằng xăng dầu... Các quan chức Hoa Thịnh Đốn đang âu lo - tự
hỏi động lực bên sau động thái nầy mang tính chiến lược hay kinh tế. Tuy
nhiên, tin tức mới nhất (29-10-2010) cho biết TQ đã cho phép tái tục việc
chuyển tải trước ngày ngoại trưởng Clinton đến Bắc Kinh.
Theo David
Shambaugh, giám đốc chương trình Chính Sách TQ tại Đại Học George
Washington, "chính quyền Obama bắt đầu nhiệm kỳ với một ý tưởng quan yếu:
biến đổi TQ thành một đối tác toàn cầu cùng chung sức đối phó với các thách
thức toàn cầu. TQ đã từ chối bước tới và đảm nhận vai trò của mình. Nay họ
hiểu, họ đang đối mặt với một xứ ngày một nhỏ nhen, ích kỷ, hung hăng, quốc
gia cực đoan và hùng cường".
Để chống lại điều
Hoa Thịnh Đốn xem như sự trỗi dậy của chủ nghĩa thủ thắng TQ,
Hoa Kỳ đang cố gắng vực dậy các đồng minh thời chiến tranh lạnh, như Nhật và
Nam Hàn, và tăng cường sự hiện diện của mình ở vài nơi khác ở Á châu. Trong
tuần nầy, ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton sẽ viếng thăm Việt Nam lần thứ
hai trong vòng 4 tháng, để tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á, rất có thể
với các vấn đề TQ giữ vai trò lấn át.
Tháng 11 tới, T T
Obama có chương trình thăm viếng Nhật, Indonesia, Ấn và Nam Hàn, và bỏ qua
TQ. Hành trình, trên nguyên tắc, không mang ý nghĩa một động thái nhằm làm
mất mặt TQ. Trước đây, T T Obama đã một lần công du đến Bắc Kinh, và chuyến
viếng thăm Indonesia cũng đã bị trì hoản khá lâu. Nhưng tính tượng trưng của
hành trình vẫn lẩn quất trong đầu óc các quan chức Hoa Thịnh Đốn.
Jeffrey A. Bader,
cố vấn cao cấp về chính sách TQ tại tòa Bạch Ốc, cho biết, sự kiện TQ khẳng
định quyền lực của mình đã trở thành đặc biệt rõ nét tiếp theo sau khủng
hoảng kinh tế 2008, một phần vì sự hồi phục chóng vánh của Bắc Kinh đã đưa
đến phán xét khá phổ biến: Hoa Kỳ là một siêu cường đang tuột dốc và TQ một
siêu cường đang lên.
Nhưng Bader nói
tiếp, chính quyền Obama cương quyết trung hòa hóa ấn tượng nầy qua nổ lực
tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Các yếu tố chính
trị quốc nội cũng đã góp phần vào lập trường cứng rắn của chính quyền Obama.
Với kinh tế còn khập khiểng và tỉ lệ thất nghiệp cao ở Mỹ, Bắc kinh đã trở
thành mục tiêu trong mọi trạng huống. Trong mùa bầu cử Quốc Hội giữa kỳ, ứng
viên, ít ra trong 30 đơn vị bầu cử, đã cảnh báo: TQ là một đe dọa đối với
công ăn việc làm của người Mỹ.
Vào một thời điểm
Quốc Hội bị tê liệt vì chính trị đảng phái, nỗi ấm ức về việc nhào nặn giá
trị đồng nhân dân tệ của TQ đã trở thành một trong số ít đề mục giành được
đồng thuận lưỡng đảng. Trình độ đồng thuận đã lên đỉnh điểm trong tháng
9-2010 khi đa số dân biểu Hạ Viện đã bỏ phiếu đe dọa áp đặt thuế quan lên
hàng xuất khẩu TQ, nếu Bắc Kinh không cho phép đồng nhân dân tệ tăng giá
theo luật cung cầu trên thị trường.
Điều rắc rối là
chính trị nội bộ TQ đã đặt Bắc Kinh vào vị thế không thể làm gì khác. Với
đảng Cộng Sản đang trong quá trình chuyển tiếp từ Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào qua
người kế nhiệm chuẩn bị từ trước, Xi Jinping, cấp lãnh đạo TQ luôn cảnh giác
đối với mọi đổi thay có thể phương hại đến tỉ suất tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, tình
trạng chia rẽ giữa các lãnh đạo dân sự TQ và các thành phần lãnh đạo trong
Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân đang ngày một sâu sắc. Nhiều sĩ quan TQ giữ
thái độ công khai thù nghịch đối với Hoa Kỳ, vì họ tin chắc những cuộc tập
trận của Hải Quân Mỹ gần đây trong vùng Hoàng Hải là một phần trong chính
sách bao vây TQ.
Ngay cả nổ lực
của chính quyền Hoa Kỳ hợp tác với TQ trong vấn đề biến đổi khí hậu và cấm
phổ biến vũ khí hạt nhân cũng đã bị một số lãnh đạo ở Bắc Kinh nghi ngờ.
Các phụ tá của T
T Obama, đa số là cựu quan chức dưới thời T T Clinton, đều hiểu rõ: trong
quan hệ kinh tế, người ta luôn thấy có nhiều bước chiến thuật cận kề vực
thẳm (brinkmanship), hàm ngụ gay cấn nhiều hơn trong thực tế.
Tuy nhiên, Tòa
Bạch Ốc cũng có đủ lý do để quan ngại, và vì vậy, trong tháng 9-2010, đã gửi
một phái đoàn cao cấp đến Bắc Kinh, gồm cả Bader, Lawrence H. Summers -
nguyên giám đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia, và Thomas E. Donilon, người vừa
được cử giữ chức vụ cố vấn an ninh quốc gia.
Summers nói: "Chúng
tôi rất ấn tượng với thái độ nghiêm chỉnh họ chia sẻ sự cam kết của chúng
tôi về phương cách xử lý các dị biệt và công nhận hai quốc gia chúng tôi sẽ
có tác động rất lớn trên kinh tế toàn cầu".
Ngay trước cuộc
họp mặt, TQ đã bắt đầu cho phép đồng nhân dân tệ tăng giá với một tỉ suất ít
nhiều nhanh hơn, mặc dù tổng giá trị gia tăng, kể từ khi Bắc Kinh loan báo
trong tháng 6-2010 họ sẽ buông lỏng các biện pháp kiểm soát hối đoái, vẫn
chưa đến 3%. Các kinh tế gia ước tính đồng nhân dân tệ đã được đánh giá thấp
khoảng 20%.
Trong lúc đó,
căng thẳng mậu dịch giữa hai xứ lại một lần nữa bùng phát. Hoa Thịnh Đốn mới
đây đã đồng ý điều tra vụ nghiệp đoàn United Steelworkers lên án TQ vi phạm
quy chế Tổ Chức Thương Mãi Quốc Tế - WTO, qua các biện pháp hổ trợ của nhà
nước dành cho các kỹ thuật năng lượng sạch. Động thái nầy đã khiến Zhang
Guobao, quan chức năng lượng hàng đầu TQ, tố cáo chính quyền Mỹ đang tìm
cách kiếm phiếu - một lối nói chua cay gây căm phẫn trong các quan chức Bạch
Ốc.
Theo Summers,
việc TQ ngưng chuyển tải các khoáng sản đất-quí-hiếm xuất khẩu qua Hoa Kỳ
đang đặt ra nhiều vấn đề quan trọng trong cả hai địa hạt kinh tế và chiến
lược, đòi hỏi một nghiên cứu cẩn mật trong nội bộ chính quyền Mỹ.
Trước đây, Bắc
Kinh cũng đã ngưng chuyển tải loại khoáng sản nầy đến Nhật Bản, sau vụ tranh
cãi khi tàu đánh cá TQ đụng vào hai tàu tuần tiểu Nhật gần những hải đảo
đang tranh chấp.
Đây là một trong
vài động thái khiêu khích gần đây của Bắc Kinh đối với các xứ láng giềng -
kể cả một vụ đã khiến chính quyền Obama phải nhập cuộc.
Tháng 7 vừa qua,
tại Hà Nội, ngoại trưởng Hillary R. Clinton đã tuyên bố: Hoa Kỳ sẽ giúp làm
dễ dàng các cuộc thương thảo giữa Bắc Kinh và các xứ láng giềng về vấn đề
tranh chấp hải đảo ở Biển Đông. Các viên chức TQ rất căm giận khi Hoa Kỳ rõ
ràng đã thuyết phục được 12 xứ ủng hộ lập trường của mình.
Với chuyến viếng
thăm Hoa Thịnh Đốn sắp tới của chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào đầu năm 2011, các
quan chức Hoa Thịnh Đốn cho biết bà Clinton sẽ có bài phát biểu hòa dịu hơn
ở Á châu vào tuần nầy. Và hiện nay, người Mỹ cảm thấy lập trường của họ đối
với TQ cũng đã được làm sáng tỏ.
Shambaugh nói,
"tín hiệu gửi đến Bắc Kinh cần phải rõ ràng. Hoa Kỳ hiện có nhiều bạn bè gần
gũi và thâm giao khác trong khu vực".
Trong mọi trường
hợp, tưởng cũng nên nhắc lại ở đây lối cảnh giác của dân gian: trâu bò
húc nhau, ruồi muỗi chết oan!
©
GS Nguyễn Trường
Irvine,
California, U.S.A.
29-10-2010
|