Trong quá trình vận động tuyển cử, T T Obama thường nhắc nhở người Mỹ về thành tích chấm dứt cuộc chiến trái lòng dân ở Iraq. Tổng Thống cũng hy vọng sẽ chấm dứt cuộc chiến không được người dân ủng hộ ở Afghanistan. Nếu không phải là người yêu chuộng hòa bình, ít ra một tổng thống đã giành được giải thưởng Nobel hòa bình cũng có thể tự xem là một lãnh đạo đã chấm dứt một cuộc chiến.

Tuy nhiên, khi nói đến chính sách quân sự, thành tích kết thúc một cuộc chiến mọi người đã có thể thấy tận mắt của chính quyền Obama cũng chỉ cho thấy một nửa câu chuyện, và thực ra chưa đến một nửa. Điều quan trọng hơn là tổng thống đã rất hăng say phát động hay tăng cường các cuộc chiến bí mật, những cuộc chiến do các lực lượng biệt kích đảm nhận ngoài tầm mắt của mọi người.  

T T Franklin Roosevelt rất có thể không phải là người đã phát minh ra phi cơ, nhưng trong Đệ Nhị Thế Chiến, ông đã biến các cuộc oanh kích chiến lược thành những biểu tượng chính yếu của chiến tranh kiểu Mỹ.

Tướng Dwight D. Eisenhower đã hẳn  không dính dáng gì đến Dự Án Manhattan đã thử nghiệm bom hạt nhân thành công lần đầu tiên trên thế giới. Nhưng, trong tư cách tổng thống, chiến lược Trả Đũa Đại Trà cũng đã sử dụng bom nguyên tử như vũ khí chính yếu của chính sách an ninh quốc gia.

Và Barack Obama cũng đã có thành tích tương tự với các lực lượng hành quân biệt kích. Bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt Hoa Kỳ  - USSOCOM – với các thành phần:  Đội Quân Mũ Xanh, Biệt Động Quân, Hải Quân SEALs, và đồng loại, cũng đã hiện diện từ nhiều thập kỷ trước khi Obama lên làm tổng thống. Tuy vậy, chỉ dưới thời của tổng thống Obama, các lực lượng bí mật nầy mới đạt được đỉnh cao trong thang uy tín quân sự Hoa Kỳ.

John F. Kennedy đã nổi tiếng với quyết định chọn mầu xanh cho mũ của lực lượng “Green Berets.”  Obama đã trao cho “cộng đồng” hành quân biệt kích một thứ trang sức ít chói lọi  nhưng quan trọng hơn nhiều: quy chế đặc quyền độc lập đồng thời được che chở và an toàn trước mọi biến chuyển chính trị  và ngân sách.

Quốc Hội có thể đòi hỏi Ngũ Giác Đài phải thắt lưng buộc bụng, nhưng một điều chắc chắn: không ai có thể bảo USSOCOM cần phải kiêng khem. Bất cứ điều gì lực lượng hành quân đặc biệt muốn, họ đều được thỏa mãn, và không mấy ai thắc mắc hay công khai nêu nghi vấn.

Từ 11/9, ngân sách USSOCOM đã tăng gấp bốn. Phạm vi hành quân đặc biệt, vì vậy, đã được mở rộng. Hiện nay, lực lượng đã đạt con số 66.000 cả dân và quân sự, tăng gấp đôi so với năm 2001, và được dự phóng sẽ gia tăng nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, sự gia tăng đã bắt đầu từ thời George W. Bush. Đóng góp chính yếu của Obama là đã mở rộng sứ mệnh các lực lượng hành quân biệt kích. Như môt quan sát viên đã nói, Tòa Bạch Ốc Obama đã “buông lỏng”[1] Bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt Hoa Kỳ.

Vì vậy, USSOCOM đã có mặt ở nhiều nơi với một sứ mệnh lớn lao hơn, và được nhiều tự do hành động hơn trước rất nhiều.

Sau một thập kỷ bận tâm với Iraq và Afghanistan, nhiều vùng ở Phi châu, Á châu, và Mỹ La Tinh, trước đây bị lơ là, nay ngày một được quan tâm nhiều hơn. Vốn đã hoạt động trong nhiều xứ trên thế giới, khoảng 120 quốc gia tính đến cuối năm, lực lượng biệt kích đã tham gia vào nhiều loại hoạt động, từ dò thám, chống khủng bố, đến hỗ trợ nhân đạo và “hành động trực tiếp.”[2]

Châm ngôn cổ điển của lực lượng đặc biệt là “De Oppresso Liber” hay “Giải Phóng Người Bị Áp Bức.”[3] Một khẩu hiệu thích ứng hơn đối với các lực lượng hành quân đặc biệt nói chung có thể là “Sớm Đi Tới Một xứ trong Thế Giới Thứ Ba gần bạn!”[4]

Sự thay thế các lực lượng quy ước bằng các lực lượng đặc biệt như một dụng cụ quân sự được ưa chuộng của Hoa Kỳ – “lực lượng lựa chọn,” [5] theo tư lệnh USSOCOM, Đề Đốc William McRaven – đã  đánh dấu sự hoàn tất một quá trình “tái định vị văn hóa dài lâu người lính Mỹ trong nhiều thập kỷ”.[6]

 Vị trí các G.I. bình  thường nay đã được thay thế bởi các “chiến sĩ thượng lưu nhà nghề,”[7] những siêu anh hùng. Những biệt kích không tên được tôn sùng SEALs đã giết chết Osama bin Laden là những “Danh Nhân Báo Oán bằng xương bằng thịt.[8] Người Mỹ bình thường đều run sợ khi chứng kiến kỷ năng và can đảm của họ.

Chuyển biến văn hóa nầy mang đến những hệ lụy chính trị quan trọng. Nó phản ảnh một  biểu lộ sau cùng của hố thẳm hiện đang ngăn cách giới quân sự với xã hội Hoa Kỳ.

Theo vài nhân vật như nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates và nguyên Tỗng Tham Mưu Trưởng Đề Đốc Mike Mullen, hố sâu chia cách dân sự-quân sự nầy đã ngày một sâu thẳm qua nhiều thập kỷ và hiện được chấp nhận rộng rãi như một chuẩn mực. Như một trong số các hệ lụy, dân Mỹ đã đánh mất quyền sở hữu chủ đối với quân đội của chính mình – không còn có quyền kiểm soát cách sử dụng quân lực của Hoa Kỳ.

Như những khách bàng quan cảm phục, họ có thể chấp nhận sự thẩm định của các chuyên gia cam đoan với họ: SEALs, Biệt Động Quân, Lính Mũ Xanh… là những thành phần xuất sắc nhất trong các thành phần xuất sắc, và có thể được điều động chớp nhoáng, khả dĩ đem lại cho người Mỹ một giấc ngũ ngon.

Như Đề Đốc McRaven đã nói, nếu Hoa Kỳ phải xung trận trong cuộc “đấu tranh thế hệ,”[9] người Mỹ chắc sẽ ao ước các lực lượng nầy sẽ đứng về phe họ.

Tuy nhiên, biến cuộc chiến bí mật thành phương cách chiến tranh mới của Hoa Kỳ không phải không có nguy cơ bất trắc. Sau đây là ba bất trắc chính, người Mỹ cần suy nghĩ chính chắn trước khi trao quyền bảo vệ an ninh toàn cầu cho Đề Đốc McRaven và phe nhóm.

(1) Không Còn Chịu Trách Nhiệm Trước Bất Cứ Ai

Tự quản và trách nhiệm thường khó đi đôi. Cho phép tự trị là không đòi hỏi phải chịu trách nhiệm trước một nhân vật có thẩm quyền. Trong thực tế, điều duy nhất người dân được biết về các hoạt động của lực lượng biệt kích là những gì guồng máy an ninh quốc gia muốn tiết lộ.

Có thể nào dân Mỹ hoàn toàn tin vào những kẻ phát ngôn của guồng máy an ninh nói ra sự thật? Chẳng hạn, ngoài tiền tuyến, hầu hết binh sĩ luôn tìm cách làm đúng nhiệm vụ.Tuy nhiên, đôi khi, ngay cả những thành phần ưu tú vẫn phạm sai lầm.

Người Mỹ luôn có khuynh hướng tin tưởng giới quân sự. Tuy nhiên, như người ta thường nói: tin tưởng nhưng phải thẩm tra hay xác minh. Và không ai có thể kiểm tra những gì được giữ bí mật. Buông lỏng USSOCOM là phương thức dễ đưa đến tai ương.

(2) Tổng Thống Chế Mang Tính Đế Quốc

Từ quan điểm một tổng thống, một trong những điều hấp dẫn của lực lượng biệt kích là tổng thống có thể gửi các lực lượng nầy đến đâu và để làm gì, tất cả đều do tổng thống quyết định. Tổng thống không cần xin phép hay giải thích.

Sử dụng USSOCOM như đội quân riêng có nghĩa bạn không bao giờ phải nói xin lỗi.

Khi T T Clinton can thiệp ở Bosnia hay Kosovo, khi T T Bush xâm lăng Afghanistan hay Iraq, ít ra cả hai cũng đã phải lên truyền hình thông báo cho dân Mỹ. Dù chỉ chiếu lệ, Tòa Bạch Ốc ít ra cũng đã phải thảo luận sơ qua với các lãnh đạo Quốc Hội. Đôi khi, thành viên Quốc Hội cũng có thể bỏ phiếu chấp thuận hay bác bỏ một hành động quân sự nào đó.

Với các cuộc hành quân biệt kích, không một thông báo hay tham khảo nào là cần thiết. Tổng Thống và các phụ tá hoàn toàn tự do. Dựa trên các tiền lệ do Obama thiết lập, các tổng thống ngu dốt và bất cẩn sau nầy sẽ được hưởng cùng đặc quyền không kém các tổng thống thông minh và có hảo ý.

(3) Rồi Sao?

Trong khi các lực lượng biệt kích đang tung hoành trên thế giới, triệt tiêu các người xấu, câu hỏi nổi danh của David Petraeus, khi cuộc xâm lăng Iraq bắt đầu, cần được nhắc lại: Cho tôi biết “cuộc chiến nầy sẽ chấm dứt như thế nào?”[10] sẽ trở nên một bí ẩn.

Đã hẳn có rất nhiều người ma quái muốn hại Hoa Kỳ – nhất là, nhưng không nhất thiết, chỉ ở vùng Trung Đông Nới Rộng. USSOCOM phải thanh toán bao nhiêu người trước khi hoàn thành nhiệm vụ? Câu trả lời sẽ cực kỳ khó khăn khi chúng ta biết rõ một vài vụ thanh toán sẽ có hậu quả tăng cường hàng ngũ những người thù nghịch Mỹ trên thế giới.

Một cách ngắn gọn, trao phó chiến tranh cho các lực lượng biệt kích sẽ cắt đứt sự kết nối mong manh giữa chiến tranh và chính trị. Nó sẽ  trở thành một thứ chiến tranh chỉ vì chiến tranh.

Hãy nhớ lại Cuộc Chiến Chống Khủng Bố Toàn Cầu của George W. Bush? Trong thực tế, cuộc chiến của Bush chưa bao giờ thực sự mang tính toàn cầu.

Nhưng cuộc chiến, phát động trong một thế giới hành quân đặc biệt đầu tiên, rất có thể trở thành cuộc chiến thực sự toàn cầu – và không bao giờ chấm dứt. Trong trường hợp đó, cuộc đấu tranh thế hệ của Đề Đốc McRaven có thể trở thành một điều tiên tri tự động hoàn thành.

Nguyễn Trường

Irvine, California, USA

04-6-2012


[1] …Obama White House let Special Operations Command “off the leash.”
[2] …direct action…
[3] … To Free the Oppressed…
[4] Coming soon to a Third World country near you!
[5] …the force of choice…
[6] ..the completion of a decades-long cultural repositioning of the American soldier.
[7] …elite warrior professional…
[8] ..flesh-and blood Avengers.
[9] …a generational struggle…
[10] ..Tell me how this ends…