Biến động Bắc Phi, Trung Đông và Trung Quốc

Vietsciences-Nguyễn Trường              23/04/2011

 

Những bài cùng tác giả

Trong hơn ba tháng qua,  quần chúng "xuống đường" đã lật đổ hai chế độ ở Tunisia và Ai Cập, châm ngòi cuộc nội chiến ở Libya, và gây biến động trong nhiều xứ khác ở Bắc Phi và Trung Đông. Nhiều người đã tự hỏi: Phải chăng các chế độ độc tài vọng ngoại hiện đang bị đe dọa bởi làn sóng dân chủ mới?

CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA HOA KỲ

Chính quyền Bắc Kinh rõ rệt đang lo ngại. Nhiều biện pháp khắt khe đã được áp dụng nhằm theo dõi, kiểm soát, kiềm chế  hoặc ngăn chặn tin tức về các biến động ở Bắc Phi và Trung Đông, các nhà hoạt động đối lập và phóng viên báo chí ngoại quốc, kể cả các lời cổ súy vô danh trên Internet về Cách Mạng Hoa Nhài ở TQ.  Trang bình luận gần đây trên Bắc Kinh Nhật Báo, cơ quan chính thức của đảng bộ thành phố, đã viết: phần lớn quần chúng ở Trung Đông không mấy hài lòng với các vận động đối kháng trong xứ họ -  những "biến động tự lừa dối"[1] do một thiểu số giàn dựng. Riêng chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng đã thúc đẩy tăng cường Bức Tường Lửa - một guồng máy kiểm duyệt và giám sát tinh vi mạng Internet.

Các động thái vừa nói của giới lãnh đạo TQ không phải không có lý do. Chỉ cần tỉnh táo phân tích những gì người Mỹ đã và đang theo đuổi ở Iraq, Iran, Afghanistan, Pakistan, Honduras, và gần đây ở Bắc Phi và Trung Đông, nhất là ở Libya, chúng ta cũng có thể thông cảm một  phần nào với thái độ thận trọng của TQ.

Thực vậy, người Mỹ, trong thực tế, khó lòng làm được gì khác sau những phiêu lưu quân sự tai họa ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, và nhất là sau Đại Suy Thoái Kinh Tế 2008. Cũng như các đế quốc trong thời mạt vận trước đây, Hoa Kỳ đã tỏ ra dễ bị lôi cuốn vào các phiêu lưu quân sự ở hải ngoại. Có lẽ đã đến lúc Hoa Kỳ nên từ bỏ bá quyền và đóng cữa trên dưới 800 căn cứ quân sự trên khắp thế giới,  khả dĩ tập trung mọi nổ lực chấn chỉnh nội bộ và giải quyết gánh nợ khổng lồ đối với các nước ngoài.

Tuy vậy, gần đây chính quyền Mỹ hình như đã tìm được một chiến lược mới, ít tốn kém hơn: những chiến dịch xây dựng dân chủ.

Dưới nhiều hình thức, và qua trung gian các tổ chức phi chính phủ -NGO,  họ đã tài trợ và huấn luyện hàng nghìn cán bộ về các kỹ năng xã hội trong nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt ở Á, Phi, Nam Mỹ, nhất là Trung Đông, những xứ TQ đang có nhiều ảnh hưởng chính trị và quyền lợi kinh tế.

Nói rõ hơn, qua các phương tiện truyền thông xã hội, social media, như mạng Internet, Facebook, Twitter..., người Mỹ đã tiến hành cuộc chiến truyền thông và kiểm soát tự động, cyberwar. Mục tiêu là len lỏi hay cài người vào giới lãnh đạo địa phương để thể hiện nghị trình kinh tế, chính trị của Mỹ dưới chiêu bài Cách Mạng Dân Chủ. Cho đến nay, hình như họ đang khá thành công, và đang trông chờ ở ripple effects hay hiệu ứng làn sóng lan truyền.

Theo những công điện ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ gần đây, những hoạt động nầy đã được chuẩn bị qua các chương trình huấn luyện và tài trợ bởi The International Republican Institute, The National Democratic Institute và Freedom House - một "tổ chức nhân quyền bất vụ lợi" ở Hoa Thịnh Đốn.

Những Viện Cộng Hòa và Dân Chủ - hai tổ chức liên kết với Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ - do Quốc Hội Hoa Kỳ sáng lập và tài trợ qua The National Endowment for Democracy, thành lập năm 1983, để phân phối ngân khoản tài trợ các hoạt động "phát huy dân chủ" trong các quốc gia đang phát triển. The National Endowment nhận 100 triệu USD mỗi năm từ Quốc Hội. Freedom House cũng được chính quyền tài trợ, phần lớn qua Bộ Ngoại Giao.

Stephen McInerny, giám đốc Dự Án Dân Chủ Trung Đông, có trụ sở ở Hoa Thịnh Đốn, cho biết:"Chúng tôi không tài trợ  để khởi động các cuộc phản đối, nhưng chúng tôi đã giúp phát triển các kỹ năng và cách kết nối. Việc huấn luyện đã giữ một vai trò trong những gì cuối cùng đã xẩy ra, nhưng đó là cuộc cách mạng của chính họ. Chúng tôi đã không giữ vai trò khởi động"[2].

Không một nhà khoa học xã hội hay phân tích tình báo nào đã dự báo thời điểm chính xác và tiềm năng lan tràn của "làn sóng cách mạng dân chủ Á Rập" - sự kiện cuộc phản kháng đầu tiên đã xẩy ra ở Tunisia, thay vì ở bất cứ nơi nào khác, đã được khởi động bởi sự tự thiêu của một người bán rong hoa quả ; hay những biến động buộc quân đội Ai Cập đã phải bỏ rơi Tổng Thống Hosni Mubarak.

Trong nhiều thập kỷ, thế giới Á Rập đã tỏ ra ổn định một cách kỳ lạ. Tại sao các cuộc xuống đường phản đối lại bất thần bùng nổ vào năm 2011 ở các xứ nầy là một điều chỉ có thể hiểu được sau khi đã thực sự trải nghiệm.

CÁCH MẠNG DÂN CHỦ - LÝ THUYẾT SAMUEL HUNTINGTON

Tuy nhiên, điều nầy không có nghĩa chúng ta không thể quan niệm có thể có các cuộc cách mạng xã hội được tổ chức cẩn mật hơn. Ngay cả những sự kiện bất khả dự đoán cũng phải diễn ra trong một khung cảnh nào đó, và tình trạng Trung Quốc và Trung Đông hiện nay hoàn toàn khác biệt. Hầu hết các chỉ dấu đều chứng tỏ TQ khá an toàn trước làn sóng dân chủ đang diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, ít ra cho đến nay.

Có lẽ tư tưởng gia thích ứng nhất có thể hiểu rõ Trung Đông hiện nay và TQ mai sau là Samuel Huntington - không phải Huntington tác giả cuốn "Sự Xung Đột Giữa Các Nền Văn Minh" - The Clash of Civilizations, người đã đưa ra luận cứ có những dị biệt hay bất thích ứng căn bản giữa Hồi Giáo và dân chủ, mà là Huntington tác giả tác phẩm kinh điển Trật Tự Chính Trị Trong Các Xã Hội Đang Thay Đổi -  Political Order in Changing Societies, xuất bản lần đầu năm 1968, trình bày lý thuyết hố cách biệt trong phát triển - the development gap.

Quan sát tình trạng bất ổn định chính trị lan tràn trong thế giới đang phát triển trong các thập kỷ 1950 và 1960, Huntington đã ghi nhận:  trình độ phát triển kinh tế và xã hội cao thường đưa đến các xáo trộn như đảo chính, cách mạng, và quân đội cướp chính quyền. Theo tác giả, điều nầy có thể được giải thích bởi hố cách biệt giữa những thành phần vừa mới được khích động, có học vấn,  và có khả năng kinh tế,  và hệ thống chính trị hiện hữu, nói một cách khác, giữa những kỳ vọng tham gia vào sinh hoạt chính trị và các định chế  không cho phép họ thể hiện những ước mơ của mình.

Theo Huntington, sự kiện chống đối trật tự chính trị hiện hữu ít khi do các người nghèo khó nhất trong giới nghèo, mà thường do các tầng lớp trung lưu bức xúc vì thiếu cơ hội tham gia vào sinh hoạt chính trị và kinh tế trong các xã hội liên hệ.

Những nhận xét vừa nói hình như khá đúng với Tunisia và Ai Cập. Cả hai đã ghi được nhiều tiến bộ xã hội quan trọng trong những thập kỷ gần đây. Chỉ Số Phát Triển Nhân Văn (Human Development Indices) thu thập bởi Liên Hiệp Quốc (một mực thước đo lường hỗn hợp về y tế, giáo dục, và lợi tức) đã gia tăng 28% ở Ai Cập và 30% ở Tunisia trong các năm giữa 1990 và 2010. Số người đến trường cũng đã gia tăng đáng kể. Đặc biệt ở Tunisia, số sinh viên tốt nghiệp đại học khá đông.

Thực vậy, các biến động đối kháng ở Tunisia và Ai Cập đã được phát động trước hết bởi các thành phần trung lưu trẻ tuổi, có học, có kỹ năng, sẵn sàng bày tỏ với những ai lắng nghe những bức xúc của họ đối với xã hội - chẳng hạn,  không được phép trình bày quan điểm; không thể buộc cấp lãnh đạo chịu trách nhiệm về tệ nạn tham nhũng; và bất lực, hay không thể kiếm được việc làm nếu không có thế lực chính trị.

Huntington nhấn mạnh đến khả năng gây bất ổn của những nhóm xã hội mới đang tìm cơ hội tham gia vào sinh hoạt chính trị. Trước kia, người dân thường được khích động bởi báo chí và truyền thanh. Ngày nay, họ thường được thúc đẩy hành động qua điện thoại di động, Facebook và Twitter, những phương tiện giúp họ chia sẻ những ấm ức, bất bình đối với hệ thống chính trị, và học hỏi những điều mới lạ ở thế giới rộng lớn bên ngoài. Sự thay đổi ở Trung Đông đã đến rất nhanh, và đã thay thế các sự thật xa xưa như tính thụ động của văn hóa A Rập và tính đề kháng trước nhu cầu canh tân của Hồi giáo.

CÁCH MẠNG DÂN CHỦ VÀ TRUNG QUỐC

Nhưng liệu những phân tích trên đây có thể giúp chúng ta được gì trong việc tìm hiểu các nguyên do khả dĩ gây bất ổn định trong tương lai ở TQ?

Quả thật mồi lửa bất bình xã hội luôn hiện diện ở TQ cũng như ở Trung Đông. Nguyên do khởi động phong trào phản kháng ở Tunisia là sự cố tự thiêu của Mohamed Bouazizi,  người đẩy xe rau cải, hoa trái ... đi bán rong, bị nhà cầm quyền tịch thu nhiều lần, và bị cảnh sát tát tai và sỉ nhục khi khiếu nại. Đây là điều luôn xẩy ra trong các chế độ thiếu thượng tôn luật pháp: nhà cầm quyền thường có hành động thiếu tôn trọng nhân phẩm của người dân. Lối đối xử nầy luôn gây căm hờn trong mọi nền văn hóa.

Đây là một vấn đề lớn và phổ biến ở TQ. Một phúc trình gần đây của Đại Học Jiao Tong cho biết đã có 72 vụ biến động xã hội nghiêm trọng ở TQ trong năm 2010, tăng 20% so với năm trước. Hầu hết các quan sát viên bên ngoài đều đồng ý con số các vụ biến động trong thực tế vượt xa con số nói trên. Những biến động loại nầy rất khó kiểm chứng bởi lẽ thường xẩy ra trong các vùng nông thôn, những nơi báo chí thường bị nhà cầm quyền kiểm duyệt gắt gao.

Trường hợp điển hình nhất liên quan đến vi phạm nhân quyền ở TQ ngày nay là  chính quyền địa phương toa rập với giới kinh doanh bất động sản tước đoạt đất đai của dân quê để thực hiện các dự án hoành tráng, hay một công ty xử lý chất thải gây ô nhiễm cho nguồn nước một cách vô trách nhiệm mà chẳng có biện pháp chế tài, bởi lẽ cá nhân cấp lãnh đạo đảng ở địa phương có nhiều quyền lợi trong công ty.

Mặc dù không đến mức cướp đoạt trắng trợn như ở nhiều xứ Phi châu hay Trung Đông, nạn tham nhũng vẫn tràn lan ở TQ. Người dân chứng kiến và phẫn uất trước lối sống với nhiều đặc quyền đặc lợi của giới thượng lưu và gia đình. Phim Avatar đã rất được ưa thích ở TQ một phần vì nhiều người Hoa đồng cảm với dân địa phương có đất bị một đại công ty thiếu trách nhiệm cưởng đoạt, như đã được phản ảnh trong phim.

Hơn nữa, hố cách biệt giàu nghèo lớn lao và ngày một gia tăng cũng là vấn đề gây nhiều phẫn nộ ở TQ. Hầu hết lợi ích từ tỉ suất tăng trưởng choáng ngợp ở TQ đã được phân phối bất cân xứng - tập trung trong các tỉnh ven biển và bỏ quên nhiều khu vực nông thôn nằm sâu trong lục địa. Chỉ số Gini - một chuẩn mực đo lường trình độ chênh lệch lợi tức phân phối trong xã hội - đã  tăng lên mức không mấy khác  các xứ  Mỹ La Tinh trong vòng một thế hệ. Để so sánh, phân phối lợi tức ở Ai Cập và Tunisia tương đối ít chênh lệch hơn.

Tuy nhiên, theo Huntington, cách mạng thường được khởi động, không phải bởi người nghèo, mà bởi giai cấp trung lưu đang đi lên - hiện rất đông ở TQ - với nhiều khát vọng không được đáp ứng. Tùy theo định nghĩa, giai cấp trung lưu ở TQ còn vượt quá tổng dân số của Hoa Kỳ. Tương tự với giai cấp trung lưu ở Ai Cập và Tunisia, giai cấp trung lưu ở TQ cũng chẳng có nhiều cơ hội để tham gia vào sinh hoạt chính trị. Nhưng khác với giới trung lưu ở Trung Đông, giai cấp trung lưu ở TQ đã được thụ hưởng nhiều lợi ích từ một nền kinh tế tăng trưởng ngày một nhanh và một chính quyền luôn chú tâm vào việc tạo công ăn việc làm cho chính tầng lớp họ.

Trong chừng mức công luận được đo lường qua các cuộc thăm dò, như Phong Vũ Biểu Á Châu (Asia Barometer) ở TQ, một đa số lớn lao người Hoa cảm thấy đời sống kinh tế của họ ngày một được cải thiện trong những thập kỷ gần đây. Đa số người Hoa cũng tin dân chủ là hình thức chính quyền tốt nhất, nhưng đồng thời họ cũng nghĩ TQ đang có dân chủ và tỏ ra thỏa mãn với tình trạng hiện hữu. Điều nầy chuyển hóa thành một trình độ hậu thuẫn tương đối thấp dành cho bất cứ cuộc vận động dân chủ tự do đích thực nào.

Thực vậy, chúng ta có lý do để tin giai cấp trung lưu TQ có thể e ngại một loại dân chủ đa đảng, bởi lẽ nó có thể phát động những đòi hỏi tái phân lợi tức lớn lao ngay từ giới đang bị bỏ lại phía sau. Những người Hoa trù phú thấy sự phân cực bình dân trong sinh hoạt chính trị gần đây ở Thái Lan, như một cảnh cáo về những bất ổn định và biến động, dân chủ có thể mang lại.

Trong thực tế, chất lượng của chủ nghĩa toàn trị ở TQ vẫn có một giá trị cao hơn rất nhiều so với Trung Đông. Mặc dù không chính thức chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân qua các cuộc bầu cử trực tiếp, chính quyền TQ luôn cẩn trọng theo dõi những bất mãn của quần chúng và thường đáp ứng bằng cách xoa dịu thay vì đàn áp.

Chẳng hạn, Bắc Kinh đã thẳng thắn công nhận hố cách biệt ngày một gia tăng trong phạm trù phân phối lợi tức, và trong nhiều năm gần đây đã tìm cách giảm thiểu tình trạng bất cân xứng qua biện pháp chuyển hướng đầu tư qua những vùng sâu vùng xa nghèo khó bên trong đại lục. Trong các trường hợp rõ ràng có tham nhũng hay lạm quyền, như vụ sữa bột trẻ em bị nhiễm melamine hay chuẩn mực xây cất trường ốc tồi tệ đã được phơi bày qua tai họa động đất ở Tứ Xuyên, chính quyền thường không nương tay nghiêm trị các quan chức địa phương, đôi khi ngay cả xử tử hình.

Một nét đặc trưng đáng ghi nhận khác của chính quyền TQ là quy luật tự nguyện chi  phối quá trình thay đổi cấp lãnh đạo. Cấp lãnh đạo A Rập như  Zine al-Abidine Ben Ali ở Tunisia, Mubarak ở Ai Cập, và Muammar Gadhafi ở Libya, chẳng bao giờ tự hiểu lúc nào phải ra đi, thay vào đó đã bám lấy quyền hành liên tục trong 23, 30, và 41 năm. Kể từ thời chủ tịch Mao Trạch Đông, cấp lãnh đạo TQ luôn chấp hành đứng đắn nhiệm kỳ khoảng 10 năm. Theo lịch, đương kim Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào sẽ hưu trí vào năm 2012 và nhường chỗ cho Phó Chủ Tịch Xi Jinping. Thay đổi lãnh đạo có nghĩa đem lại nhiều cơ hội để canh tân chính sách, trái ngược với các xứ Tunisia và Ai Cập luôn bị kẹt cứng trong lối mòn của chủ nghĩa tư bản thân thuộc (crony capitalism) trong nhiều thập kỷ.

Chính quyền TQ cũng tỏ ra khôn khéo và cứng rắn hơn trong phương cách trấn áp. Khi đối diện với một đe dọa rõ ràng, nhà cầm quyền không bao giờ để cho các kênh truyền thông Tây phương loan truyền trước. Facebook và Twitter bị ngăn cản, nội dung các mạng internet, websites, và các phương tiện truyền thông xã hội có trụ sở ở TQ được sàng lọc bởi đội quân kiểm duyệt. Đã hẳn, lời đồn về những việc làm tội lỗi của chính quyền rất có thể lọt ra bên ngoài trong khoảng thời gian từ khi lên mạng một micro-blogger và khi bị xóa bỏ bởi một nhân viên kiểm duyệt, nhưng trò chơi trốn tìm nầy đã gây khó khăn và  trở ngại cho một không gian xã hội có đủ thì giờ xuất hiện.

Một nét đặc trưng khác mang tính quyết định: bản chất của quân đội TQ. Do nét đặc trưng nầy,  tình hình TQ sẽ rất khác với Trung Đông. Số phận các chế độ toàn trị đối diện với sự phản kháng của quần chúng cuối cùng cũng phụ thuộc ở trình độ trung thành của các tổ chức quân sự, cảnh sát và tình báo. Quân đội Tunisia đã sớm từ chối ủng hộ Ben Ali; sau chút ít do dự, quân đội Ai Cập cũng đã quyết định không nổ súng đàn áp dân biểu tình và lật đổ Mubarak.

Ở TQ, Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân (PLA) là một tổ chức khổng lồ và ngày một độc lập với nhiều quyền lợi kinh tế đòi hỏi phải duy trì hiện trạng. Như trong cuộc trỗi dậy ở Thiên An Môn năm 1989, PLA có nhiều đơn vị trung thành ở  khắp TQ có thể được huy động về Bắc Kinh hay Thượng Hải, và các đơn vị nầy có thể không mấy do dự khi phải đàn áp người biểu tình. PLA tự xem có sứ mệnh phải bảo vệ "tinh thần quốc gia" ở TQ. PLA đã khai triển một tự truyện thay thế cho lịch sử thế kỷ 20 với địa vị của chính mình ngay trung tâm các biến cố: đánh bại phát xít Nhật trong cuộc chiến Thái Bình Dương và sự trỗi dậy của một Trung Quốc hiện đại. Thật khó lòng quan niệm PLA có thể thay đổi lập trường để hậu thuẫn một phong trào dân chủ manh nha trong thời tuột dốc của đế quốc Hoa Kỳ.

Một nền dân chủ - trong đó Bộ Chính Trị Đảng chỉ định các ứng viên để cử tri lựa chọn, nhưng đã từng đối phó thành công với cuộc Đại Suy Thoái 2008 và giữ vai trò đầu tàu kinh tế đối với các quốc gia khác trên thế giới - khó lòng chấp nhận đi theo một nền dân chủ - trong đó Wall Street sàng lọc và đề cử các ứng viên cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa để cử tri chọn lựa - đang trên đà tuột dốc.

Xét cho cùng, TQ sẽ không lây nhiễm căn bệnh biến động đang lan tràn ở Bắc Phi và Trung Đông, ít ra trong một tương lai gần. Tuy vậy, TQ vẫn có thể đối mặt với nhiều vấn đề trọng đại trong tương lai dài lâu. TQ chưa hề trải nghiệm một cuộc khủng hoảng quan trọng hay suy thoái kinh tế kể từ khi bắt đầu cải cách kinh tế năm 1978. Nếu bong bóng bất động sản hiện nay xì xẹp và hàng chục triệu người mất việc, tính chính đáng của chính quyền, vốn cơ sở trên căn bản khả năng quản lý kinh tế, rất có thể sẽ bị xói mòn.

Hơn nữa, kịch bản các chờ đợi đang lên nhưng chưa được thỏa mãn của tầng lớp trung lưu vẫn còn đang tiếp diễn. Mặc dù hiện nay TQ đang thiếu nhân công ít khả năng chuyên môn, nhưng số thanh niên nam nữ tốt nghiệp đại học lại thặng dư. Mỗi một năm, trên 7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, so với con số trên dưới một triệu trong năm 1998, và nhiều người trong số nầy đang tranh đua kiếm việc làm thích ứng với khả năng của chính mình. Một vài triệu thanh niên tốt nghiệp đại học thất nghiệp còn nguy hiểm đối với một chế độ đang canh tân hơn hàng trăm triệu nông dân nghèo nàn.

Ngoài ra, còn có  vấn đề người TQ thường gọi: " bạo chúa" hay quốc vương xấu . Những thành tích trong  lịch sử TQ qua nhiều thế kỷ đã là thành quả của sự kiến tạo một chính quyền trung ương xuất sắc.

Khi người trị vì chuyên chế có đủ khả năng và trách nhiệm, mọi việc có thể rất tốt đẹp. Thực vậy, việc lấy quyết định, trong trường hợp nầy, thường hữu hiệu hơn trong một thể chế dân chủ. Nhưng chẳng có gì bảo đảm hệ thống sẽ luôn đem lại những "minh quân" như vua Nghiêu vua Thuấn, và khi thiếu vắng tinh thần thượng tôn luật pháp và giám sát bởi cử tri đối với quyền hành pháp, không có một phương cách nào khác để loại bỏ một bạo chúa như Tần Thủy Hoàng.   Chúng ta không thể biết một bạo chúa  hay một lãnh tụ tham ô nào đang chờ đợi lên nắm quyền ở TQ trong tương lai.

Sự thật là dù chúng ta có thể đưa ra nhiều lý thuyết khác nhau về các nguyên nhân đưa đến cách mạng xã hội, xã hội con người vẫn luôn phức tạp và đổi thay nhanh chóng, để một lý thuyết đơn giản có thể cung cấp một sự hướng dẫn khả tín. Biết bao quan sát viên, căn cứ trên kiến thức uyên thâm về Trung Đông, đã loại bỏ lý thuyết sức mạnh của đường phố A Rập có thể đem lại thay đổi chính trị, họ đều luôn đúng trong mọi năm cho mãi đến năm 2011.

Điều khó tiên đoán nhất đối với bất cứ quan sát viên chính trị nào là yếu tố đạo đức. Tất cả các cuộc cách mạng xã hội đều được khởi động bởi một sự giận dữ mãnh liệt khi một nhân cách bị thương tổn. Một nổi oan ức hay căm hận, đôi khi kết tinh của một biến cố đơn độc hay một hình ảnh đau thương, có thể động viên nhiều cá nhân trước đó rời rạc và kết nối họ thành một cộng đồng. Chúng ta có thể đưa ra các con số thống kê về giáo dục hay tăng trưởng trong việc làm, hay đào sâu vào kiến thức về lịch sử và văn hóa một xã hội, và vẫn hoàn toàn  không hiểu nổi phương cách ý thức xã hội đang diễn biến nhanh chóng qua vô số những thông điệp, những videos chia sẻ hay những câu chuyện trao đổi đơn thuần.

Yếu tố đạo đức then chốt khó đo lường ở TQ là giai cấp trung lưu, cho đến nay, hình như luôn bằng lòng đánh đổi tự do chính trị để đổi lấy mức lợi tức ngày một gia tăng và ổn định. Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, sự đánh đổi rất có thể thất bại; chế độ không còn khả năng đem lại món hàng trao đổi, hay thiếu tôn trọng nhân quyền ở TQ trở nên quá lớn để có thể tha thứ.

Chúng ta không nên lầm tưởng chúng ta có thể tiên đoán chính xác thời điểm khả dĩ bùng nổ. Tuy nhiên, như Samuel Huntington đã gợi ý, sự kiện khả dĩ đó luôn buộc chặt với logic của chính quá trình canh tân. Trong thực tế, hình như Samuel Huntington đã không tiên liệu được yếu tố nằm ngoài logic - chiến lược mới của Hoa Kỳ và các đồng minh trong khối NATO: Chiến Dịch Xây Dựng Dân Chủ và Nghị Trình Chặn Đứng Ảnh Hưởng của Siêu Cường Trung Quốc ở Á châu, Phi châu và châu Mỹ La Tinh.

 

Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

19-4-2011

 


 

[1] ...a self-delusional ruckus.

[2] Stephen McInerny: "We didn't fund them to start protests, but we did help support their development of skills and networking. That training did play a role in what ultimately happened, but it was their revolution. We didn't start it".