Barack Obama: ứng viên và tổng thống

Vietsciences-Nguyễn Trường               08/03/2010

 

Những bài cùng tác giả

Hy vọng và thất vọng

Năm đầu không thể là thời điểm tốt nhất để thẩm định một tổng thống. Sau một năm cầm quyền, Abraham Lincoln vẫn nhấn mạnh chế độ nô lệ khó thể trở thành mục tiêu nội chiến, Franklin D. Roosevelt cũng chưa mấy quan tâm đến nhu cầu bảo hiểm xã hội tiếp theo sau đại khủng hoảng kinh tế, và John F. Kennedy xem phong trào dân quyền chỉ như một rắc rối không đáng âu lo. Nếu ngày nay người Mỹ thán phục các tổng thống vừa nói, đó chính là nhờ thành quả trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của họ.

Tuy vậy, nhìn những gì đã diễn ra trong năm đầu của T T Obama, nhiều người Mỹ cũng khó lòng không cảm thấy thất vọng. Đó chính là vì phần lớn cử tri Mỹ đã có quá nhiều kỳ vọng thiếu thực tế, mặc dù ứng viên Obama đã đánh thức những chờ đợi quá đáng từ người Mỹ đang mong muốn một thay đổi thực sự sau gần 30 năm dưới chính sách Reagan (Reaganism). Những thất vọng nầy cũng không phải do tiêu chí xét đoán quá khắt khe. Thực ra, tiêu chí phán đoán đã được đặt quá thấp. Số đông cử tri Mỹ chỉ muốn so sánh Obama với người tiền nhiệm, George W. Bush,  một tổng thống họ tin là tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, đối diện với khủng hoảng kinh tế, giới quan sát đã nhiệt tình chào đón sự đắc cử của Obama, so sánh tổng thống mới với FDR. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Obama không phải là một tổng thống tự do kiểu New Deal. Tầm nhìn của ông chỉ phản ảnh nghị trình của phe tự do đã thay đổi  dưới tác động của những biến đổi xã hội và chính trị kể từ thập kỷ 1930s.

Obama đã trưởng thành về chính trị vào thời điểm sự suy yếu của phong trào lao động đã bào mòn một trong nhiều cơ sở xã hội của chủ nghĩa tự do, trong khi những cơ sở mới đang trỗi dậy từ những xáo trộn của thập kỷ 1960s và cấu trúc chủng tộc và sắc dân đã thay đổi trong tổng dân số Hoa Kỳ. Trên phương diện cá nhân, Obama là hiện thân của sự trỗi dậy, bên trong đảng Dân Chủ, của giới chuyên môn có học vấn cao, kể cả một tầng lớp thượng tầng trung lưu da đen mới từ các cuộc đấu tranh trong thập kỷ 1960s và các chương trình nâng đỡ các sắc dân thiểu số (affirmative action programs). Obama đã mang nhiều nét tương đồng với cánh Wall Street có tầm nhìn xa, những thành phần đã đóng góp nhiều vào cuộc vận động tranh cử và giữ vai trò nòng cốt trong chính sách kinh tế ông đang theo đuổi.

Obama hình như không mấy quan tâm đến  những vấn đề mang tính New Deal vẫn còn thích hợp hiện nay - bất bình đẳng kinh tế, thất nghiệp hàng loạt, quyền lực không hạn chế của tập đoàn các đại công ty, cuộc tranh đấu của công nhân qua các nghiệp đoàn đòi hỏi hưởng thụ các quyền dân chủ kỹ nghệ (industrial democracy). Ngược lại, Obama đã khá quen thuộc với các đề tài, thứ yếu trong thập kỷ 1930s, nhưng đã trở thành thiết yếu của chủ nghĩa tự do sau đệ nhị thế chiến - quyền quyết định kích cỡ gia đình của phụ nữ, các quyền tự do dân sự và pháp trị, môi trường sinh thái, đa nguyên văn hóa, nhất là việc làm trong guồng máy chính quyền.

Obama cũng đại diện một luồng tư tưởng xa lạ với New Deal, nhưng dính liền với Khuynh Hướng Cấp Tiến (Progressivism) vào đầu thế kỷ 20, ước muốn giành chính trị khỏi tay các chính trị gia. Cũng như những thành phần cấp tiến cũ, Obama hình như tin chính quyền có thể vượt qua chính trị đảng phái và làm việc với tinh thần khách quan, nhằm phát huy những gì tốt đẹp chung (mặc dù có bằng chứng rõ ràng phe đối lập không hợp tác). Cũng như trong kỷ nguyên cấp tiến, nhãn quan nầy đi đôi với sự tôn trọng mạnh mẽ giới chuyên môn khoa học (hoàn tòan khác với cách tiếp cận của George W. Bush).

Các đặc điểm trong tư duy Obama liệt kê trên đây cho thấy Obama không giống  FDR hay Abraham Lincoln như nhiều người tưởng. Nhưng Obama có nhiều điểm tương đồng với Jimmy Carter. Cũng như Carter, Obama hình như xem toàn cầu hóa kinh tế và địa vị suy giảm của khu vực kỹ nghệ Hoa Kỳ như một diễn tiến không thể tránh, và xem vai trò của chính quyền như tìm cách giảm thiểu tác động tàn phá của cả hai. Giống như Carter, Obama đã tìm hết cách thành đạt  một chính quyền đa chủng. Cũng như Carter, Obama không có một chính sách kỹ nghệ hoặc một chương trình tạo công ăn việc làm mạnh mẽ và hình như không mấy quan tâm giải quyết những khó khăn và các mất thăng bằng cơ cấu do sự suy giảm trong khu vực kỹ nghệ biến chế.

Chương trình kinh tế của Obama phản ảnh và tăng cường xu thế chuyển dịch về lâu về dài từ kỹ nghệ biến chế qua khu vực tài chánh trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Và chương trình cứu trợ vô điều kiện các đại ngân hàng, công ty bảo hiểm khổng lồ AIG, đã khơi dậy những bức xúc cần được quan tâm, ngay cả thường khi được diễn tả bằng những ngôn từ mang tính cực đoan và phân biệt chủng tộc. Người ta có cảm tưởng các quy luật của trò chơi đã được ấn định có lợi cho giới nhà giàu, và chính quyền dửng dưng trước những khổ đau của người Mỹ bình thường.

Thật trớ trêu, mặc dù nhiều người da đen đã được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng ở Hoa Thịnh Đốn, điều kiện sinh sống của hầu hết người Mỹ da đen đã trở nên tồi tệ hơn trong năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Obama. Người da đen đã phải gánh chịu một cách bất cân xứng tác động của tình trạng thất thoát công ăn việc làm trong khu vực kỹ nghệ biến chế và nạn mất nơi ăn chốn ở vì khủng hoảng bong bóng bất động sản. Hình như không có dấu hiệu tổng thống thời hậu phân biệt chủng tộc sẽ trực tiếp làm được gì để giúp giải quyết tình cảnh khó khăn của họ.

Trong phạm vi chính sách đối ngoại, Obama càng gần gũi hơn với Carter, ngay cả đến những quan tâm đối với Afghanistan. Cả Carter lẫn Obama đã tái định hướng chính sách đối ngoại về vấn đề hợp tác quốc tế, tuy vây, vẫn chưa thể thực hiện lý tưởng trong thực tế. Carter đã tiếp tục ủng hộ các lãnh đạo chuyên quyền như Shah ở Iran, đã phát động chương trình tăng cường quân sự dọn đường cho Reagan, và bành trướng chiến tranh lạnh tiếp theo sau sự chiếm đóng Afghanistan của Xô Viết. Về phần Obama, giọng điệu hiếu chiến đáng ngạc nhiên trong các bài diễn văn gần đây  về Afghanistan cũng như  khi nhận giải thưởng Nobel hòa bình, biểu lộ ông đã đảm nhiệm vai trò tổng thống thời chiến một cách thoải mái, ngay cả chấp nhận ngôn từ của Bush về sự đối đầu toàn cầu giữa "phe ác quỷ""phe tự do". Thái độ nầy đã nhen nhúm trở lại tinh thần võ biền của phe tự do thích can thiệp, phe đã hoan hỉ xâm lăng Iraq, về sau ít nhiều đã xin lỗi và ngày nay khen ngợi tinh thần thực tiễn công nhận chiến tranh đôi khi cũng cần thiết của Obama. Đã hẳn, chỉ những "cuộc chiến công bình" (just wars)!

Một bài học rút tỉa từ năm đầu của Obama là nỗi khó khăn thể hiện thay đổi, ngay cả trong thời gian khủng hoảng. Do thiếu tin tưởng ở dân chủ phổ thông, các nhà lập quốc đã cho ra đời một hiến pháp tạo dựng một hệ thống chính quyền được thiết kế nhằm dễ dàng ngăn ngừa thay đổi hơn là thể hiện đổi thay. Ngày nay, quán tính cơ cấu nầy còn tăng gấp bội và phức tạp hơn nhiều bởi uy lực của đồng tiền trong sinh hoạt chính trị và một guồng máy quân sự ngày một giữ địa vị áp đảo. Obama đã không học được bài học của Kennedy từ biến cố Bay of Pigs lúc mới bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống - không dễ dàng chấp nhận lời khuyến cáo của các tướng lãnh - một quyết định đã giúp Kennedy và thế giới suốt cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Tuy nhiên, khủng hoảng cũng đem lại cơ hội. Để nắm bắt, điều kiện tiên quyết là phải vượt lên trên cách ứng xử thông thường, như  Lincoln đã nhắc nhủ người Mỹ năm 1862.  Lincoln nói "vì trường hợp của chúng ta mới mẻ, chúng ta phải đổi mới tư duy và hành động"[1]. Obama vẫn còn có nhiều thì giờ để làm việc ấy. Chỉ sau năm đầu, Lincoln mới trở thành Anh Hùng Giải Phóng Vĩ Đại, FDR - kiến trúc sư New Deal Thứ Hai, và Kennedy - nhà vô địch dân quyền. Không một tổng thống nào trong ba vị đã tự mình hành động do quyết định riêng. Cả ba đã hành động dưới áp lực phải thay đổi bởi các phong trào xã hội dấn thân - bải bỏ chế độ nô lệ, phong trào lao động, tranh đấu đòi hỏi công bằng chủng tộc.

Trong bối cảnh lich sử méo mó vì phân biệt chủng tộc của Hoa Kỳ, sự đắc cử của Obama sẽ luôn đánh dấu một thay đổi, một bước ngoặt tượng trưng lớn lao. Để chuyển biến nầy vượt cao hơn nữa, giới cấp tiến phải ngừng kiếm cớ hay dựa vào những tình huống giảm khinh - những extenuating circumstances - để đánh giá Obama. Không cần phải quên những dị biệt giữa Obama và phe đối lập Cộng Hòa ngày một tụt hậu, người Mỹ phải bác bỏ những giả định lỗi thời Obama đang bám víu trong chính sách kinh tế và đối ngoại và phải mạnh mẽ đòi hỏi thay đổi thực sự, nói rõ sự thật với giới cầm quyền ngay cả khi quyền hạn nằm trong tay những người do chính họ bầu lên.

T T Obama đã chào đón dự luật cải tổ y tế của Thượng Viện như pháp chế xã hội quan trọng nhất kể từ khi Luật An Sinh Xã Hội được ban hành trong thập kỷ 1930s. Nguyên chủ tịch Đảng Dân Chủ Howard Dean đã tố cáo dự luật như  món quà cho các công ty dược phẩm và bảo hiểm.

Larry Summers, cố vấn kinh tế hàng đầu của Obama, mô tả kế hoạch phục hồi kinh tế 780 tỉ như chương trình kích cầu lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Kinh tế gia được giải thưởng Nobel về kinh tế, Joseph Stiglitz, cảnh cáo ngay từ đầu, kế hoạch quá khiêm tốn khó có thể lôi kéo nước Mỹ ra khỏi Đại Suy Thoái.

T T Obama mô tả gói cải cách tài chánh của chính quyền như một "tái duyệt toàn bộ", một sự đổi mới với tầm cỡ chưa từng thấy từ thời Đại Khủng Hoảng Kinh Tế. Nguyên chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang,  Paul Volcker, cảnh cáo: mạng lưới an toàn cho các đại ngân hàng có thể sẽ khuyến khích các định chế tài chánh tham lam liều lĩnh hơn.

Dân biểu Ed Markey, chủ tịch Tiểu Ban Độc Lập Năng Lượng Hạ Viện (House Select Committee on Energy Independence), ca tụng dự luật mức trần khí thải và mậu dịch do Hạ Viện thông qua như dự luật năng lượng và môi trường quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo môi trường chẳng mấy ấn tượng; một số thậm chí còn xem dự luật tệ hại hơn cả luật lệ hiện hành.

Trong thực tế hổn độn hiện nay, tất cả đều có phần đúng. Bill Clinton đã cảnh cáo các bloggers về cải cách y tế tại Hội Nghị Netroots trong tháng 8-2009: phải nên sẵn sàng để chấp nhận một thành công phân bộ. Clinton cũng đã có thể khuyến cáo như thế đối với nghị trình của Tổng Thống Obama. Giới cấp tiến phải quyết định đối phó như thế nào khi sự đề kháng dữ dội của phe đối lập đối với nghị trình thay đổi đã lộ rõ.

Làn sóng hưng phấn một năm trước đây giờ đang tan biến. Hồi đó, tiếp theo sau một chính quyền bảo thủ tai họa và đã đánh mất mọi uy tín, người Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ đổi thay, bầu lên một tân tổng thống thông minh và hùng biện, và một đa số đủ lớn đại diện Dân Chủ trong lưỡng viện Quốc Hội. Một khối cử tri năng động hưng phấn đã tỏ ra sẵn sàng tham chiến, và một liên minh đa số đang trỗi dậy báo hiệu một tiềm năng tái định vị lâu dài.

Ngày nay, các cuộc đấu tranh trong năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Obama đã đưa đến một làn sóng mất tin tưởng và bức xúc ngày một tăng. Thất vọng trước những vận động cải cách - y tế, công ăn việc làm, thay đổi khí hậu - đã lan tràn trong khối hậu thuẫn đầy nhiệt huyết. Chương trình phục hồi kinh tế , đã giúp Wall Street thay vì các gia đình lao động hồi sinh, đang giúp phe hữu bảo thủ thay vì phe cấp tiến. Thay thế cuộc chiến lựa chọn không thể thắng ở Iraq bằng cuộc chiến cần thiết không thể thắng ở Afghanistan, chỉ là phương thức đi đến thất bại. Chính sách ngoại giao của chính quyền Obama - mặc dù lời hứa làm việc với thế giới Hồi Giáo ở Cairo và thương thuyết tài giảm binh bị ở Prague - ngày một được phái Tân Bảo Thủ mô tả như một sự tiếp sức, thay vì thay đổi, chính sách thời Bush. Phe Dân chủ rất âu lo trước viễn ảnh bầu cử giữa kỳ vào mùa thu tới. Mặc dù tài hùng biện và trí thông minh của Obama, nhiều người đang tự hỏi điều gì đang xẩy ra cho nghị trình thay đổi của chính quyền mới.

Trong thực tế, Obama không phải một cứu tinh. Những ai nghĩ thế là luôn tự dối mình. Những thất vọng trong năm đầu không phải là sản phẩm của thất bại mà chỉ là kết quả của cán cân lực lượng Obama đang phải đối mặt ở Hoa Thịnh Đốn và Hoa Kỳ nói chung. Nhiều người cấp tiến đã nghĩ, họ đã giành lại nước Mỹ với cuộc bầu cử 2008; nhưng trong thực tế, mọi việc chỉ mới bắt đầu.

Tuy nhiên, Obama cũng đã tỏ ra can đảm hơn là mọi người chờ đợi, kêu gọi dân Mỹ phải đương đầu với những thử thách lớn lao không còn có thể lẫn tránh. Mặc dù, tham vọng và viễn kiến của Obama thường được kèm theo một sự thận trọng rõ rệt trong quan niệm và chính sách thực thi.

Obama rõ ràng mơ ước trở thành một tổng thống lịch sử , một tổng thống định hình một kỷ nguyên mới như FDR hay Reagan. Tuy nhiên, Obama không bao giờ là một lãnh tụ cấp tiến của một phong trào,  như Reagan đã là một lãnh tụ bảo thủ của một kỷ nguyên. Obama đã tự bao vây mình với những cộng sự viên sáng giá và thông minh trong đảng dân chủ, chắt lọc từ thời Clinton. Phần lớn những cố vấn hàng đầu  - từ Larry Summers và Timothy Geithner đến Robert Gates - đều đã trực tiếp tham dự vào những quyết định đã đẩy dân Mỹ xuống vực thẳm. Họ không phải là những người chủ trương thay đổi.

Vì vậy, những nghị trình cải cách của chính quyền thường bất cập so với ước vọng của giới cấp tiến, cũng như những mục tiêu Obama theo đuổi và những đổi thay nước Mỹ cần. Obama đã định hình một nền tảng mới cho nền kinh tế, nhưng các đại ngân hàng được cứu nguy mà chẳng được tái cấu trúc, và cũng chẳng có một chính sách kỹ nghệ đi kèm. Các lãnh đạo ngân hàng bị chỉ trích đã tự tưởng thưởng những  món tiền kếch sù, nhưng không một nỗ lực buộc họ phải có trách nhiệm, và tăng cường quyền lực của công nhân - những biện pháp thiết yếu cho một nền kinh tế phục vụ một giai cấp trung lưu rộng lớn. Obama đã gạt bỏ thái độ "cao bồi" hiếu chiến đã phá sản của Bush, nhưng quyết định leo thang ở Afghanistan cũng chẳng mấy khác sự điên rồ tuyên chiến với các nhóm khủng bố thay vì tăng cường hệ thống cảnh sát và thượng tôn luật pháp.

Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là thái độ dè dặt, thay vì mạnh dạn tấn công trực diện,  phe hữu trong cuộc chiến tư tưởng. Reagan đã củng cố kỷ nguyên bảo thủ một phần qua việc đấu tranh với phái tự do đang ngự trị với một chiến dịch chỉ trích không mệt mỏi. Reagan có thể thay đổi hay rút lại chính sách khi cần, nhưng sự tấn công ý thức hệ của ông không bao giờ lay chuyển. Obama có một năng khiếu quý  hiếm gói ghém những tương phản với phe hữu, chống lại chủ nghĩa kinh điển về thị trường và các tổ chức khủng bố độc hại, với một tuyên ngôn có sức thuyết phục về  giá trị, và với chính quyền như phương tiện cần thiết để đạt mục đích chung.

Nhưng trong suốt năm qua, phe Dân Chủ đã thảo luận nhiều về chính sách - sự lựa chọn công, mức trần và mậu dịch, quy luật giám sát các bất trắc mang tính hệ thống - trong khi phe Cộng Hòa và phe hữu đang trỗi dậy đã đưa ra những luận cứ về giá trị và tư tưởng, về tự do và thị trường tự do, về tự do và vai trò hạn chế của chính quyền. Mặc dù chính quyền Obama đã nhắc nhủ người Mỹ về di sản tai họa các năm cầm quyền của Bush, phe Dân Chủ ít khi lên án những tư tưởng bảo thủ  nguồn cội của tai họa. Thay vào đó, Obama giới hạn chỉ trích vào quá trình sinh hoạt chính trị - chính trị đảng phái ...chu kỳ thông tin ngày một dồn dập... tranh cử không ngừng nhằm lấy điểm với cử tri thay vì đối phó với các thử thách chung.

Sự thiếu sót nầy bổ túc chiến lược nội bộ của Quốc Hội - đánh giá cao thỏa hiệp hậu trường hơn là vận động công khai. Tổng thống đưa ra các thành tố của các đề xuất cải cách và để Quốc Hội và các phụ tá của mình thương lượng ở hậu trường. Nhưng phương thức nầy đã tiếp sức cho số đông thành viên đảng đối lập đã được huy động sẵn để chống đối mọi cải cách thực sự.

Nhiều thành phần chống đối đã lộ diện trong những tháng vừa qua- chiến lược tiêu cực của đảng Cộng Hòa, những quy luật của Thượng Viện cho phép một thiểu số bảo thủ của các tiểu bang bé nhỏ gây nhiều trở ngại. Chúng ta nên nhớ đảng Dân Chủ đang chiếm đa số trong lưỡng viện Quốc Hội, do đó, lẽ ra đã có thể được huy động để áp đặt một gói kích cầu lớn hơn và một dự luật cải cách y tế ý nghĩa hơn.

Đã hẳn, thành lũy của phe đối lập là các tập đoàn đại công ty luôn chống lại mọi biện pháp có lợi cho giới lao động trung lưu, và Quốc Hội đã bị các nhà vận động hành lang mua chuộc. Với phán quyết gần đây của Tối Cao Pháp Viện cho phép các đại công ty đóng góp không giới hạn vào chi phí vận động bầu cử, nay là thời đại hoàng kim của các nhà vận động hành lang. Các ngân hàng thương mãi đã có một đội ngũ 417 nhân viên vận động hành lang đã đăng ký. Đội ngũ vận động hành lang của các kỹ nghệ dược phẩm và bảo hiểm chi tiêu khoảng 1,4 triệu mỗi ngày, với 350 nguyên nghị sĩ dân biểu và  nhân viên văn phòng Quốc Hội luôn sẵn sàng tìm cách làm suy yếu mọi  cải cách y tế. Một số đông các nhà lập pháp lưỡng đảng đã bị thối rữa bởi chính trị dựa trên tiền bạc.

Kết quả là ngay cả khi các cải cách lịch sử như y tế đang được đa số người Mỹ hoan nghênh, các thỏa hiệp đã biến thái dự án cải cách đến độ các người ủng hộ mất hết tin tưởng và tinh thần phấn đấu. Phe Dân Chủ đang đối diện cuộc bầu cử giữa kỳ 2010 với 10% thất nghiệp, các lãnh đạo ngân hàng được cứu nguy tự tưởng thưởng hàng triệu mỹ kim, số thương vong ngày một cao ở Afghanistan, phe hữu được động viên, và các nhà hoạt động cấp tiến nản lòng. Nếu phe Cộng Hòa ghi được vài chiến thắng quan trọng, mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn, chính quyền Obama sẽ thận trọng e dè hơn nữa. Rõ ràng, nếu người Mỹ không muốn mất cơ hội tốt nhất để đem lại những cải cách cấp tiến trong hơn 30 năm qua, tình trạng nầy sẽ phải thay đổi.

TƯ DUY VÀ NGHỊ TRÌNH

T T Obama đã cảnh cáo thay đổi sẽ không đến một cách dễ dàng. Ngay từ đầu, chính quyền đã dồn khả năng và tài nguyên vào việc tổ chức một cơ sở hậu thuẫn thống nhất các nhà hoạt động. Đối với Obama, tổ chức có nghĩa sẽ sử dụng danh sách đông đảo các nhà hoạt động và ủng hộ viên được chiêu mộ trong quá trình vận động bầu cử tổng thống 2008. Những người ủng hộ tài chánh được huy động để thành lập những thực thể mới - Dự Án Mục Tiêu Chung, Thống Nhất '09, v. v... nhằm phối hợp các thông điệp, và các hoạt động tại các địa phương. Tài nguyên được dành cho các liên minh giúp thúc đẩy vận động cải cách y tế , thay đổi khí hậu, và cải cách di trú. Đã đến lúc giới cấp tiến phải đoàn kết để tích cực hổ trợ cấp lãnh đạo và giúp vận động cải cách.

Mạng lưới các nhà hoạt động cấp tiến và tổ chức quần chúng trong khắp nước đã đáp lời kêu gọi. Nhiều liên minh rộng lớn đã thành hình, giúp đem lại cho các nhà hoạt động  khả năng phối hợp tốt hơn trong quá trình vận động hành lang các nhà lập pháp.  Những đơn vị cử tri mới - cộng đồng tôn giáo, thanh niên, các tiểu thương - được tuyển chọn. Tài nguyên được cung cấp cho các khu vực, các tiểu bang, để lôi cuốn các cử tri độc lập và giành phiếu.

Các nỗ lực vừa kể đã đẩy mạnh các cải cách then chốt của tổng thống. Khi cải cách y tế bị đe dọa chìm xuồng, giới cấp tiến - do tổ chức Health Care For America Now, các nghiệp đoàn, MoveOn - đã động viên cử tri đè bẹp phe đối kháng trong các  town hall meetings.

Yếm thế thường là thái độ của những ai chán ngấy chính trị. Bloggersphere tả phái gần đây đầy dẫy những lời ta thán, thất vọng - tố cáo tính xảo trá của các chính trị gia, chính quyền thối nát, và Obama quá mãi mê thỏa hiệp - đe dọa bỏ cuộc và tìm cuộc sống ẩn dật. Đó đã hẳn là thái độ sai lầm. Người Mỹ đang tranh luận gay gắt về tương lai. Liệu người Mỹ có thể nào huy động được ý chí và đa số cần thiết để đáp ứng các thử thách quyết định đang phải đối phó? Hay người Mỹ sẽ tiếp tục buông xuôi tuột dốc, nhường sân khấu cho tay chân tập đoàn các đại công ty thủ lợi nhờ đường lối sai lầm của phe bảo thủ?

Muốn giữ phần thắng trong cuộc tranh luận, giới trí thức cấp tiến tả phái cần có tư duy mới và phương cách tổ chức độc lập. Họ phải thoát  ra ngoài Hoa Thịnh Đốn để vận động và tổ chức các phong trào phản đối, đòi hỏi công bằng xã hội, và nói lên nguyện vọng của những người mất việc làm, mất nhà cửa. Họ phải giúp đem lại một hướng đi mới, đồng thời tố cáo những idols ngụy tạo, những nhóm đặc quyền đặc lợi đang tìm đủ cách cản trở đổi thay.

Giới cấp tiến phải trực diện tranh luận với phe hữu đang trỗi dậy. Một bài học cay đắng cần được phổ biến rộng rãi: tai ương hổn độn hiện nay bắt nguồn không phải từ quán tính xã hội, do thiếu hành động, hay chia rẽ đảng phái, mà từ sự phá sản của các chính sách bảo thủ và tư tưởng bảo thủ. Chỉ còn cách tập hợp, đoàn kết để đòi hỏi một chính quyền dân chủ, đầy đủ tinh thần trách nhiệm, tách khỏi nanh vuốt của những nhóm đặc quyền đặc lợi, người Mỹ mới có thể xây dựng một nước Mỹ công bằng và đầy sức sống.

Một nỗ lực mới tập trung vào việc tái xây dựng những phong trào phản đối của Main Street có thể giúp tăng cường giới cấp tiến. Những cuộc tranh luận toàn quốc về những cải cách căn bản sẽ đem lại đối tượng cụ thể cho nỗ lực tổ chức. Trong năm 2010, giả thiết luật cải tổ y tế được chấp thuận, nghị trình lập pháp sẽ chuyển qua tạo công ăn việc làm, quy luật giám sát, và trách nhiệm của các định chế tài chánh, sẽ trở thành hai đối tượng nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế mới. Trên bình diện chính trị, cuộc bầu cử giữa kỳ vào mùa thu sắp tới sẽ tùy thuộc các ứng viên  đảng nào có thể thuyết phục được cử tri đang hoài nghi là họ sẽ đứng về phía dân lao động và tìm cách giảm thiểu các quá đáng của Wall Street.

Giới cấp tiến đã phác họa một nghị trình thiết yếu trong cuộc tranh luận toàn quốc. Về việc làm, vấn đề căn bản là liệu có đủ kiên trì đối phó với khủng hoảng nhân dụng sâu rộng hiện nay, và có tập trung đủ để tác động đến các địa hạt bị tàn phá nhiều nhất. Phe Cộng Hòa và các thành viên Dân Chủ Blue Dogs đã rõ ràng chống đối bất cứ chương trình mới nào. Chính quyền, đang âu lo về ngân sách khiếm hụt, nhưng tin tưởng kinh tế đang trên đường hồi phục, có khuynh hướng lo trẻ trung hóa, thay vì các cuộc giải phẩu chỉnh hình cần thiết.

Tầm quan trọng của việc làm khó thể cao hơn. Nếu phe Dân Chủ không thành công, kinh tế sẽ khó hồi phục, và bầu cử giữa kỳ 2010 sẽ bóp chết mọi cơ may cải cách. Ít ra, phe Dân Chủ cũng phải chứng tỏ với người Mỹ là họ đang tranh đấu để tạo công ăn việc làm. Các nỗ lực tổ chức độc lập nói lên tiếng nói của giới thất nghiệp, đã được các nghiệp đoàn lao động và các tổ chức dân sự bắt đầu, là rất thiết yếu.

Song song với cuộc tranh luận về công ăn việc làm, các tranh luận về cải cách tài chánh cũng cần đem lại môi trường cho nỗ lực tổ chức của giới cấp tiến. Tòa Bạch Ốc đã có kế hoạch tuyên chiến với các tổ chức vận động hành lang của giới đại ngân hàng, với dự án thành lập Cơ Quan Bảo Vệ Giới Tiêu Thụ Tài Chánh nhằm giám  sát các ngân hàng và bảo vệ giới tiêu thụ chống lại các lạm dụng và lừa đảo tài chánh. Ở Hạ Viện, các dân biểu Cộng Hòa đã bỏ phiếu ủng hộ các ngân hàng chống lại cải cách. Ngược lại, phe cấp tiến cần mạnh mẽ thúc đẩy các cải cách sâu rộng, tấn công vào trung tâm lạm dụng tài chánh thái quá trong nhiều năm qua - kiểm toán Cục Dự Trử Liên Bang, phá vở các liên minh và tổ hợp các đại công ty, thiết lập thuế đánh vào các lợi nhuận thiếu chính đáng, tiền thưởng quá đáng, và đầu cơ, loại trừ các thủ thuật tài chánh xảo trá, hạn chế lãi suất bóc lột.

Các nỗ lực tổ chức cấp tiến có thể dựa vào sức hậu thuẫn của cao trào giận dữ của quần chúng. Phơi bày và quảng bá các chi tiết lường gạt và thối nát mang tính hệ thống. Các cuộc biểu tình với óc sáng tạo có thể gây bối rối cho giới vận động hành lang ngân hàng và các nhà lập pháp bị mua chuộc. Chỉ khi nào quần chúng cử tri hiểu được tai họa ô nhiễm của đồng tiền các đại ngân hàng, lúc đó các cải cách cắt giảm quyền lực của giới đại ngân hàng mới có hy vọng thành công. Chính đây là địa hạt các nhà hoạt động ủng hộ Obama có thể tìm được đất dụng võ.

Các nhà phê bình tiên đoán: những đề tài khác trong nghị trình của Obama  - thay đổi khí hậu, cải cách di trú, tự do lựa chọn của người làm - sẽ khó lòng được đem ra tranh luận trước ngày bầu cử 2010. Giới cấp tiến sẽ phải thúc đẩy mạnh mẽ để các cải cách trong những địa hạt nầy  -  những vấn đề sinh tử đối với cấu trúc kinh tế mới cũng như giúp củng cố địa vị đa số của giới cấp tiến đang lên - không bị đẩy ra ngoài lề.

Vì vụ khủng bố bất thành chuyến bay vào dịp Giáng Sinh, chính quyền đã bắt đầu năm mới trong tư thế tự vệ về đề tài khủng bố. Ủng hộ lưỡng đảng dành cho một ngân sách quân sự lớn hơn, và leo thang chiến tranh ở Afghanistan, Yemen và nhiều nơi khác, vì vậy,  có lẽ sẽ gia tăng. Obama sẽ có thái độ hiếu chiến hơn đối với khủng bố. Phe chống đối leo thang chiến tranh ở Afghanistan, vẫn còn được đa số phe Dân Chủ trong Hạ Viện ủng hộ, sẽ phải hoạt động tích cực hơn, nhằm giáo dục người Mỹ về cái giá phải trả và phải đưa ra những chiến lược thay thế khôn ngoan hơn để đối phó với đe dọa khủng bố.

Viễn ảnh của phe Dân Chủ trong cuộc bầu cử sắp tới không mấy sáng sủa. Trong những cuộc bầu cử giữa kỳ thường thu hút được ít cử tri, sự hăng say của các cử tri cơ sở sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng. Phe hữu rõ ràng đã được động viên. Phe cấp tiến sẽ phải đánh tan tâm trạng phổ biến là phe tả sẽ không thể cưởng nỗi sự hăng say của phe hữu.

Cuộc bầu cử sẽ trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về hướng đi tương lai của Hoa Kỳ. Liệu người Mỹ sẽ trừng phạt những người chủ trương cải tổ hay những kẻ cản đường?  Điểm trọng tâm phải nắm chắc là phe Cộng Hòa phải chịu trách nhiệm về chiến lược cản đường vô trách nhiệm. Ở đây, việc phe Cộng Hòa chống đối  luật tạo việc làm và luật giám sát các xảo thuật đầy nguy hiểm của các đại ngân hàng là hình ảnh của phe bảo thủ cần được phe cấp tiến quảng bá rộng rãi.

Nhưng đây không thể là một nỗ lực thuần túy đảng phái. Các nhà lập pháp phe Dân Chủ, như nhóm Dân Chủ Blue Dogs, luôn chống đối và làm suy yếu các cải cách quan trọng, cũng cần được thách thức và phải trả giá.

TỔNG THỐNG BARACK OBAMA VÀ THỰC TẾ CHÍNH TRỊ

Như Frederick Douglas đã nói, "quyền lực không nhượng bộ bất cứ gì nếu không có đòi hỏi. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ"[2]. nỗ lực vượt qua vực thẳm do các chính sách sai lầm của phe bảo thủ  không thể thành công trong một sớm một chiều. Obama đã kêu gọi người dân phải trực diện đối đầu với mọi thử thách. Mỗi bước cải cách sẽ gặp sự chống đối của các nhóm quyền lợi hùng mạnh. Những chính sách tai họa như làm nhiệm vụ cảnh sát toàn cầu, từ lâu, đã được sự ủng hộ lưỡng đảng. Tuy nhiên, chưa bao giờ, kể từ thập kỷ 1960s, người Mỹ có được cơ may như hiện nay. Với tinh thần tranh đấu kiên trì, người Mỹ có thể nói lên những yêu cầu thiết yếu cho mọi thay đổi. Đây không phải lúc cho những ai ngây thơ hay yếm thế. Đây là thời buổi đòi hỏi phải tranh đấu hăng say và kiên trì.

Kỷ niệm năm đầu làm tổng thống, Obama đã phải đối diện với sự tố cáo phản bội của một số không nhỏ những người cánh tả. Đã hẳn, chúng ta phải công nhận có nhiều lý do để thất vọng - thiếu lãnh đạo trong cuộc tranh luận về cải tổ y tế, quyết định để nguyên bộ máy tra tấn của Bush, dẫm chân tại chỗ trong kế hoạch chấm dứt cuộc chiến Iraq, trì hoản lời hứa tái thương thảo NAFTA và áp đặt biện pháp tạm ngưng tịch biên nhà ở.

Đã hẳn, một vài lý do nêu trên có thể biện minh, nhưng không thể được tha thứ. Trong thực tế, Obama đã thừa hưởng một nước Mỹ trên đà phá sản toàn diện. Tuy nhiên, không có lý do để đòi được hưởng lợi điểm nghi ngờ (benefit of the doubt) đối với các lời hứa khi tranh cử. Obama là tổng thống. Ông đã có tất cả những lợi điểm ông cần. Với một trong mỗi tám người phải sống bằng thực phẩm cứu trợ, một trong mỗi sáu người da đen thất nghiệp, và hàng nghìn người tiếp tục bỏ mình ở Iraq và Afghanistan, đối với nhiều cử tri ủng hộ Obama, thay đổi không chỉ là một khẩu hiệu tranh cử; đổi thay là một điều khẩn thiết .

Năm 2009 đã đem lại một bài học nhức nhối trong sự phân biệt giữa bầu cử, chính trị, và quyền lực. Bầu cử để thay đổi nhân sự. Chính trị để thay đổi nghị trình. Quyền lực là các phương tiện giúp đưa các nghị trình vào hành động. Bầu Obama vào tòa Bạch Ốc chỉ là điểm khởi đầu một diễn tiến, không phải là điểm đến. Trong toàn cảnh cuộc vận động bầu cử, cán cân lực lượng trong chính trị Hoa Kỳ và những đòi hỏi của cử tri bỏ phiếu cho ông, các bức xúc nói trên không có gì là lạ. Tuy nhiên, bước nhảy vọt từ mất tin tưởng đến tố cáo phản bội đã bắt nguồn từ một xung đột tâm lý và cảm tính hơn là phê bình chính trị hay can thiệp chiến lược.

Nói chung, bức xúc đến từ hai nhóm với lập trường trái ngược - những người đặt quá nhiều lòng tin vào những gì Obama có thể làm và những người thờ ơ, yếm thế.

Với nhóm thứ nhất, đây là nỗi chua xót của một người tình bị khinh rẻ. Tôi yêu anh, tôi tin anh, và anh đã đáp lại tôi như thế . Cảm nghĩ nầy chỉ là một dự phóng. Obama chưa bao giờ chủ trương một nghị trình cực đoan. Quả thật,  ông đã đem lại nhiều hy vọng và cảm hứng. Nhưng Obama chưa bao giờ nói, trong vòng một năm, những nhóm đặc quyền với nhiều dây mơ rể mán trong sinh hoạt chính trị ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, những nhóm vận động hành lang, các đại công ty, các nhà bình luận thuộc thông tấn Fox, mass media, và phe quân phiệt, sẽ đầu hàng trước một nụ cười cởi mở hay một lời nói văn hoa của chính Obama. Quyết định leo thang chiến tranh ở Afghanistan, chẳng hạn, đã hẳn là sai quấy. Nhưng đây không thể gọi là một bội phản, vì Obama không hề hứa hẹn ngược lại. Sự thật đây là một cam kết khi vận động bầu cử ông đã giữ trong khi phần lớn người Mỹ chỉ mong ông quên đi.

Với nhóm thứ hai, một nụ cười mai mỉa và tự mãn của các nhà phê bình không thể tự kìm hảm: "Tôi đã bảo thế". Không có lấy một chiến lược tuyển cử hay chính trị mạch lạc giúp mọi người đi từ khởi điểm đến nơi cần tới, họ đã giữ thái độ yếm thế ngay từ đầu.  Không tin ở tiềm năng có thể vận động số đông thanh niên nam nữ, da đen, Latino, và công nhân các nghiệp đoàn, đã say sưa tham dự vào quá trình vận động tuyển cử, họ nghĩ nỗ lực vận động và hăng say chỉ là ảo vọng tức thời. Họ chỉ chờ lúc để có thể nói lên: "Tôi đã biết ngay từ đầu". Theo lời Friedrich Engels, "thật là một thái độ ngây thơ trẻ con khi trình bày sự thiếu kiên nhẫn của chính mình như một luận cứ mang tính thuyết phục về lý thuyết"[3].

 

Trong khi cả hai nhóm đã hành động theo những động lực khác nhau, họ luôn có  hai điểm tương đồng.

Thứ nhất, họ chia sẻ một giả thiết của cánh hữu: lịch sử luôn do những vĩ nhân hơn là do các tương tác phức tạp giữa quần chúng, thời gian, không gian và quyền lực. Sự dỗi hờn của họ đều dồn vào một người và chỉ một người - không phải một hệ thống, một định chế, hay một tập hợp nhiều mầu sắc các lực lượng khác nhau, mà chỉ Obama. Nếu Obama cố gắng nhiều hơn, ông ta đã có thể thành công. Lời buộc tội,  phản ảnh sự tận tụy của chính họ với một người, và lòng khâm phục đối với một chức vị, không phù hợp với sinh hoạt dân chủ và không thích ứng với chính trị tả phái.

Thứ hai, vĩ nhân của họ hiện hữu như một cá thể trừu tượng, trong chân không, thiếu vắng các lực tương tác, các hữu hạn và các thực thể vật lý. Bất cứ phong trào nào ủng hộ hay chống đối  vĩ nhân, và bất cứ biến cố nào có thể khiến vĩ nhân mất tập trung, đối với họ, đều không có tác dụng. Họ thu gọn chính trị từ một sinh họat trong thế giới thực tại xuống còn một hành động duy ý chí, xây dựng một thế giới mới từ chân không. Một thế giới đòi hỏi 60 phiếu ở Thượng Viện, và những tương nhượng thương thỏa đến từ thực tại đó, không có ý nghĩa đối với họ.

Những thất vọng với năm đầu của Obama không hề khó tiên đoán. Người ta có thể thấy rõ không những trong chính trị của chính Obama, mà cả trong bối cảnh các xu thế chính trị của các lực lượng và các định chế vây quanh ông. Obama có thể đã trỗi dậy như một ứng viên cấp tiến có nhiều cơ may nhất trong các cuộc bầu cử, và cấp tiến nhất trong tòa Bạch Ốc, kể từ Lyndon Johnson. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với tính thực sự cấp tiến của chính ông.

Thất vọng là điều chắc chắn đối với những ai đứng về phía tả tự do của Hoa Kỳ. Lạc quan là một thử thách thực sự. Một số người Mỹ đã tìm thấy hy vọng từ sự hăng say, tính năng động, và bản chất đa dạng trong cơ sở hậu thuẫn Obama -  những yếu tố có thể trỗi dậy như một phong trào. Điều đó chưa trở thành hiện thực. Nhưng nó đã bén rể trong niềm tin không phải Obama sẽ hướng dẫn họ đi về phía tả, mà trong niềm tin họ có thể huy động một phong trào có đủ số đông để thúc đẩy Obama đi về phía tả và ông sẽ phải đáp ứng áp lực của họ. Một lần nữa như Frederick Douglas đã từng phát biểu, "Nếu không có đấu tranh, sẽ không có tiến bộ. Quyền lực không nhượng bộ bất cứ gì mà không có yêu cầu. Điều đó chưa bao giờ và sẽ không bao giờ xẩy ra"[4].

 

DỰ PHÓNG NGÂN SÁCH VÀ TÁC ĐỘNG KINH TẾ CHÍNH TRỊ TRONG THẬP KỶ TỚI

 

Trong khi phân tích ngân sách liên bang đầy ắp thống kê, người ta có thể nhận diện hai con số đặc biệt gây ấn tượng,  vì tiềm năng làm thay đổi chính trị và uy lực của Hoa Kỳ.

Trước tiên, đó là số khiếm hụt dự phóng cho năm tới, gần 11% GDP của Mỹ. Ngạch số khiếm hụt tự nó không mang tính vô tiền khoáng hậu: Trong Cuộc Nội Chiến, Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa kỳ đã từng trải nghiệm những ngạch số khuy khiếm tăng vọt, nhưng thường với ý thức các số khiếm hụt sẽ giảm thiểu và trở lại mức có thể gánh chịu ngay sau khi hòa bình được tái lập và chiến tranh chấm dứt.

Nhưng con số thứ hai, vùi sâu trong các dự báo ngân sách, mới chính là con số đáng quan tâm: Ngay trong dự báo lạc quan của chính Tổng Thống Barack Obama, ngạch số khuy khiếm của Hoa Kỳ cũng sẽ không thể trở lại mức chờ đợi trong 10 năm tới. Trong thực tế, kể từ 2019 và 2020 - khi Obama đã rời sân khấu chính trị, ngay cả khi phục vụ đủ hai nhiệm kỳ - khiếm hụt ngân sách sẽ gia tăng trở lại một cách nhanh chóng, lên trên 5% GDP. Ngân sách của Obama đưa ra hình ảnh một quốc gia tương tự chủ các căn hộ Mỹ đang không thể ngoi đầu lên khỏi mực nước.

Đối với Obama và các tổng thống kế nhiệm, hậu quả của các dự báo nói trên rất rõ ràng: Trừ phi một tăng trưởng thần kỳ, hay một thỏa hiệp chính trị mầu nhiệm nào đó tạo ra những đổi thay không được tiên đoán trong thập kỷ tới, hầu như Obama và các vị kế nhiệm khó thể đưa ra bất cứ sáng kiến đối nội mới mẻ nào.  Hoa Kỳ rất có thể sẽ phải trải nghiệm một thập kỷ suy thoái tương tự như Nhật Bản trong thập kỷ vừa qua. Trong khi nợ nần tăng nhanh hơn lợi tức, uy lực của Mỹ trên thế giới sẽ bị xói mòn.

Hay như kinh tế trưởng và cố vấn của Obama, Lawrence H. Summers, đã nhiều lần  hỏi trước khi tham gia chính quyền cách đây một năm, " Xứ vay nợ nhiều nhất thế giới sẽ duy trì địa vị cường quốc lớn nhất thế giới được bao lâu?"[5].

Các lãnh đạo TQ, quốc gia tài trợ các chi tiêu của chính quyền Mỹ, trong dịp thăm viếng Hoa Thịnh Đốn vào mùa hè năm ngoái để tìm hiểu về ngân sách của T T Obama, đã thẳng thắn cho biết:  họ nghĩ câu trả lời trong trường kỳ cho câu hỏi của Summers là quá hiển nhiên. Người Âu châu cũng đã đồng ý đây là mối âu lo lớn trong thập kỷ tới.

Chính Obama, vào đầu tháng 12-2009, cũng đã ám chỉ quan tâm của chính ông khi loan báo kế hoạch tăng viện 30.000 quân vào cuộc chiến Afghanistan, đồng thời cảnh cáo, Hoa Kỳ không thể ở lại Afghanistan lâu dài.

Obama nói với các sinh viên sĩ quan ở West Point: "Sự phú cường của chúng ta là nền tảng quyền lực của chúng ta. Sự phú cường giúp trang trải các chi phí quân sự của chúng ta, bảo đảm hoạt động ngoại giao của chúng ta, vận dụng tiềm năng của dân tộc chúng ta, và cho phép đầu tư vào kỹ nghệ mới"[6].

T T Obama giải thích tiếp, ngay cả cuộc chiến cần thiết - như ông thường gọi cuộc chiến Afghanistan  - cũng không thể tiếp diễn dài lâu. Ông nói: "Chính vì vậy, cam kết của quân đội chúng ta ở Afghanistan không thể vô thời hạn, bởi lẽ quốc gia tôi muốn xây dựng nhất là chính quốc gia của chúng ta"[7].

Điều đáng khen trong ngân sách của Tổng Thống là đã nói lên sự thật, hay ít ra đã không bọc đường một cách thái quá tầm vóc tiềm tàng của vấn đề. Cho đến gần phút cuối của hai nhiệm kỳ, T T George W.  Bush luôn quả quyết: ông sẽ rời nhiệm sở để lại một ngân sách thăng bằng. Ông chẳng bao giờ tiến đến gần. Trong thực tế, ngạch số khuy khiếm đã tăng vọt vào những năm cuối của Bush ở Tòa Bạch Ốc.

Obama đã công bố các con số cho 10 năm sắp tới, một phần hình như để chứng minh tình trạng bế tắc chính trị ở Hoa Thịnh Đốn trong những năm qua không thể kéo dài - trong khi phe Cộng Hòa luôn từ chối thảo luận tăng thuế, và phe Dân Chủ cũng chẳng chịu thương thảo cắt giảm một số chương trình. Obama chủ trương phải tăng chi để giải quyết thất nghiệp, trước khi có thể tìm giải pháp giảm thiểu khiếm hụt ngân sách.

Lawrence H. Summers, trong cuộc phỏng vấn chiều 01-2-2010, đã nói, "ngân sách công nhận nhu cầu khẩn thiết tạo thêm việc làm và tăng trưởng trong đoản kỳ, và cần có những biện pháp quan trọng nhằm tăng lòng tin trong trung hạn"[8].

Summers đã nhắc đến khả năng đóng băng các chi tiêu quốc nội không liên hệ đến an ninh quốc gia, các nỗ lực cắt giảm các chi phí về dịch vụ y tế, và quyết định không tái tục các biện pháp giảm thuế cho các đại công ty và gia đình có lợi tức trên 250.000 USD mỗi năm.

Tuy nhiên, Summers đã nói thêm: "Qua ủy ban ngân sách và tài chánh, Tổng Thống đã tìm cách dành quyền tối đa để lâm thời áp đặt các biện pháp điều chỉnh cần thiết trước khi có bất cứ khủng hoảng nào xẩy ra"[9].

Đã hẳn, từ tư tưởng đến hành động, quá trình chưa bao giờ dễ dàng trong chính trị Hoa Thịnh Đốn. Phe Cộng Hòa luôn giữ im lặng về tình trạng nợ nần dưới thời George W. Bush.  Phe Dân Chủ đã mô tả tăng công trái như "một điều xấu nhưng cần thiết" (necessary evil) trong thời gian khủng hoảng, như trong năm đầu của Obama. Vấn đề là phải nghĩ đến giải pháp lâu dài. Hay như Isabel V. Sawhill, thuộc Brookings Institution,  đã nói với hãng thông tấn MSNBC hôm 01-02-2010, "vấn đề ở đây không phải là lương thiện, mà là ý chí chính trị"[10].

 

© GS Nguyễn Trường

Irvine, CA 92606, U.S.A.

20-02-2010


[1] As our case is new, so we must think anew and act anew.

[2] Power concedes nothing without a demand. It never did and never will.

[3] Friedrich Engels: What childish innocence it is to present one's own impatience as a theoretically convincing argument!

[4] If there is no struggle there is no pragress. Power concedes nothing without a demand. It never did and it never will.

[5] Lawrence H. Summers: How long can the world's biggest borrower remain the world's biggest power?

[6] Obama: "Our prosperity provides a foundation for our power. It pays for our military. It underwrites our diplomacy. It taps the potential of our people, and allows investment in new industry".

[7] Obama: "That is why our troop committment in Afghanistan cannot be open-ended, because the nation that I'm most interested in building is our own".

[8] Lawrence H. Summers: "The budget recognizes the imperatives of job creation and growth in the shor run, and takes significant measures to increase confidence in the medium term".

[9] Lawrence H Summers: "Through the budget and fiscal commission, the president has sought to provide maximum room for making further adjustments as necessary before any kind of crisis arrives".

[10] Isabel V. Sawhill: "The problem here is not honesty, but political will".

 

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường