Tuy nhiên, quá trình quân sự hóa Hoa Kỳ và tăng cường khu vực An Ninh Quốc Gia vẫn liên tục tăng tốc. Ngày nay, Ngũ Giác Đài tự nó là một thế giới riêng biệt, với một ngân sách choáng ngợp, vào một lúc không một đại cường hay một số cường quốc nào họp lại có thể thách thức uy lực của Hoa Kỳ.
Trong kỷ nguyên hậu 11/9, tập đoàn quân sự-kỹ nghệ đã được huy động dưới chiêu bài tư hữu hóa và tham chiến bên cạnh Ngũ Giác Đài. Với một ngân sách hơn 80 tỉ USD, mạng lưới tình báo đơn thuần đã bùng nổ. Vô số những cơ quan và đội ngũ cạnh tranh, bao vây bởi một vũ trụ các nhà thầu tình báo tư, tất cả được bao phủ dưới bức màn bí mật và ngày một lớn mạnh dưới sự bảo trợ của Ngũ Giác Đài, đến độ người ta có thể nói tình báo ngày nay là lối sống phổ quát ở Hoa Thịnh Đốn, một thủ đô hoàn toàn được quân sự hóa. Ngay cả CIA, một thời dân sự, cũng đang trong quá trình trở thành bán quân sự và ngày nay đang theo đuổi nhiều cuộc chiến phi cơ không người láingụy trang ở Pakistan và nhiều nơi khác. Giám đốc CIA, một tướng bốn sao hưu trí nổi tiếng , nguyên tư lệnh chiến trường Iraq và sau đó Afghanistan, cũng như Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia, có trách nhiệm bao trùm toàn bộ mạng lưới tình báo, cũng là một trung tướng không quân hưu trí.
Theo một nghĩa nào đó, ngay cả “giới quân nhân” cũng đã được “quân sự hóa.” Trong những năm gần đây, một đội quân bí mật, với 60,000 biệt kích đang bành trướng và tăng trưởng như một bóng đen bên trong một quân đội nhà nghề. Trong khi lực lượng drone của CIA đã trở thành một không lực riêng và lực lượng hành quân biệt kích một đội quân riêng của tổng thống, và nay được hoàn toàn tự do khai chiến trong mạng lưới bí mật ở những nơi không liên quan gì đến những vùng chiến sự bình thường của Hoa Kỳ.
Ngoại giao cũng bị quân sự hóa. Các nhà ngoại giao làm việc ngày một gần gũi hơn với giới quân sự, trong khi Bộ Ngoại Giao cũng đang biến thái thành một cánh tay nối dài không chính thức của Ngũ Giác Đài và các kỹ nghệ vũ khí — như bộ trưởng ngoại giao đã thẳng thắn và hồn nhiên thú nhận.
Cũng không nên
quên, với sự ra đời của Bộ An
Ninh Quốc Nội — Department of
Thực vậy, với sự trợ lực của DHS, các lực lượng cảnh sát địa phương, trong toàn quốc, trong thập kỷ vừa qua, đã được trang bị vũ khí dưới danh nghĩa chống khủng bố, và lớp vỏ bên ngoài hoàn toàn quân sự. Lực lượng cảnh sát ngày một được tiếp cận các vũ khí và trang bị tân tiến. Ngay cả các trang bị quân sự thặng dư trị giá hàng tỉ USD cũng thường được chuyển đến các lực lượng cảnh sát địa phương trong các thành phố nhỏ trước đây luôn yên bình.
VÙNG TRUNG ĐÔNG NỚI RỘNG VÀ GIẢI PHÁP QUÂN SỰ
Quân sự hóa ở Hoa Kỳ cũng không phải một hiện tượng mới lạ, và trong thực tế, đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ nay. Đã hẳn quá trình quân sự hóa đã tăng tốc trong những năm tiếp theo sự kiện 11/9, với sự biến thái tinh thần đi kèm của Hoa Thịnh Đốn — một hiện tượng có thể được gọi “quân sự hóa các giải pháp.”
Nếu các định chế chi phối đời sống và chính trị quốc nội ở Hoa Kỳ ngày một bị quân sự hóa, ngày nay chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các vần đề người Mỹ đang đối diện ngày một được đóng khung trong những từ ngữ quân sự và giải pháp duy nhất được xét duyệt cũng đều bị quân sự hóa tương tự. Trí tưởng tượng giới hạn và nghèo nàn, về những gì xem như có thể, hình như đặc biệt hiển hiện ở vùng Trung Đông Nới Rộng.
Trong thực tế, thành tích của Hoa Thịnh Đốn, nếu được thâu tóm vào một chỗ, có thể giúp chúng ta thấy rõ ràng hơn. Hãy bắt đầu với một liều lượng mỉa mai, oái oăm: trước cuộc xâm lăng Iraq năm 2003, các thành phần tân bảo thủ thường gọi vùng trải dài xuyên qua trung tâm dầu khí của thế giới, từ Bắc Phi đến biên giới TQ ở Trung Á, là “vòng cung bất ổn.” Sau một thập kỷ, Hoa Thịnh Đốn đã sử dụng sức mạnh quân sự và các giải pháp quân sự hóa trong vùng, phần-thế-giới-sau-một- thập-kỷ-đó nay có vẻ khá hoang tàn và ngày một bất ổn định.
Sau đây là tóm lược các hệ lụy của chính sách quân sự hóa của Hoa Kỳ trong Vùng Trung Đông Nới Rộng trong suốt những năm 2001-2012.
Pakistan:
Hoa kỳ đã phải đối diện với rất nhiều vấn đề phức tạp ở Pakistan, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang trải nghiệm các phong trào trỗi dậy, các bộ lạc đã trở thành nơi trú ẩn cho các thành phần thánh chiến, các mạng lưới tình báo đang có những quan hệ chòng chéo với giới lãnh đạo Taliban cũng như các nhóm chiến binh hay dân quân ở Afghanistan.
Phản ứng của Hoa Thịnh đốn, như Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta gần đây đã gọi: chiến tranh.
Năm 2004, chính quyền Bush đã phát động một chiến dịch ám sát bằng phi cơ drone dọc biên giới các bộ lạc, phần lớn nhằm các lãnh đạo al-Qaeda cùng với các cuộc tấn công biệt kích xuyên qua biên giới. Các cuộc không tập từ đó đã được mở rộng và đã trở thành một cuộc chiến ngụy trang sát hại nhiều thường dân, và vì vậy, bị người dân trên khắp lãnh thổ Pakistan lên án, và ngày nay rõ ràng đang nhằm trừng phạt những hành động đối nghịch của giới lãnh đạo Pakistan.
Bức xúc bởi những gì được xem như thiếu nhượng bộ của Pakistan, giới quân sự và tình báo Hoa Kỳ được biết đã tạo áp lực qua những cuộc hành quân biệt kích hỗn hợp Mỹ-Afghanistan vượt qua biên giới.
Các cuộc không tập từ Afghanistan của Mỹ trong tháng 11-2011 đã hạ sát 24 binh sĩ Pakistan, một hành động chiến tranh đối với một đồng minh, không một lời xin lỗi trong suốt bảy tháng tiếp theo, đã đem lại một khủng hoảng sôi sục giữa Hoa Thịnh Đốn và Islamabad, với chính quyền Pakistan quyết định đóng cửa con đường vận chuyển hàng tiếp liệu cho cuộc chiến Afghanisan băng qua lãnh thổ Pakistan.
Tình hình căng thẳng đã gây thêm hàng tỉ USD phí tổn cho Ngũ Giác Đài trước khi cuộc khủng hoảng chấm dứt với lời xin lỗi gượng gạo của ngoại trưởng Hillary Clinton hồi đầu tháng 7.
Cuộc khủng hoảng rõ ràng đã làm gia tăng tình hình bất ổn trong một Pakistan sở hữu vũ khí hạt nhân.
Afghanistan:
Tiếp theo sau cuộc xâm lăng năm 2001, Hoa Kỳ đã chọn lựa kế hoạch chiếm đóng và tái thiết Afghanistan. Trong suốt quá trình, người Mỹ đã nỗ lực tái thiết và tái tạo phong trào Taliban trước đây không được quần chúng hậu thuẩn và đã bị đánh bại. Tiếp đó là cuộc chống đối mới trỗi dậy. Mặc dù với đợt tăng cường quân lực Mỹ, lực lượng biệt kích, các nhà thầu tư nhân, sự hổ trợ của một chiến dịch không kích ồ ạt, và các cuộc bố ráp ban đêm bởi các cuộc hành quân biệt kích và CIA ngày một lan tràn, chiến thắng vẫn chỉ là một mục tiêu xa vời.
Cuối cùng, Hoa Kỳ cũng đã phải quyết định lên lịch rút quân tác chiến khỏi một Afghanistan hoàn toàn bất ổn định vào cuối năm 2014.
Iran:
Trong khuôn khổ một chương trình dài lâu nhằm thay đổi chế độ, với vũ khí hạt nhân như lý do chính thức, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp chế tài năng lượng lên Iran.
Chương trình, ngay cả Ngũ Giác Đài cũng đã xem như một hành động chiến tranh, bao gồm một chuổi các chiến dịch hành quân biệt kích, các hoạt động dò thám bằng phi cơ drone, và cùng với Do Thái, phát động ít nhất hai vi khuẩn malware quan trọng, chống lại các hệ thống vi tính và máy ly tâm trong các cơ sở hạt nhân Iran.
Người Mỹ cũng đã tăng cường đại trà các lực lượng không, hải quân trong vùng Vịnh Ba Tư và các căn cứ quân sự trong các xứ ngoại vi của Iran, song song với hoạch định nhiều hình thức chiến tranh chuẩn bị một cuộc tấn công khả dĩ vào các cơ sở hạt nhân của Iran trong năm 2013. Mặc dù rất ít chi tiết được tiết lộ, một chiến dịch ám sát các khoa học gia nguyên tử Iran cũng đã được biết do người Do Thái chủ mưu.
Tuy nhiên, hiện nay khi những hành động chung Hoa Kỳ-Do Thái về cyberwar chống lại Iran đã được xác nhận, ít ra người ta cũng đã có đủ lý do để nghi ngờ Hoa Kỳ rất có thể đã nhúng tay vào các vụ ám sát vừa nói.
Tất cả các điều trên đây đã gây rối rắm, xung đột, và đã đưa các quốc gia trong vùng đến bên bờ chinh chiến, trong khi vẫn chưa có phương cách rõ ràng nào để có thể lay chuyển chế độ Iran.
Iraq:
Tháng 3-2003, Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc chiến xâm lăng và chiếm đóng Iraq. Người Mỹ đã theo đuổi cuộc chiến chống trỗi dậy trên tám năm, và có thể nói, trong cốt lõi, đã thất bại, và cuối cùng cũng đã phải chấp nhận rút quân vào cuối năm 2011, nhưng vẫn để lại phía sau, ở Baghdad, một tòa đại sứ lớn nhất thế giới và đã được quân sự hóa cao độ.
Iraq, nay ít ra trên danh nghĩa, là một đồng minh và một đối tác thương mãi của Hoa Kỳ, nhưng vẫn chưa được tái thiết và bất ổn định, với các chiến dịch dội bom đều đặn trong các thành phố luôn tiếp diễn.
Kuwait:
Ngay bên kia biên giới Iraq, Hoa Kỳ đã liên tục tăng cường lực lượng quân sự. Trong tương lai, theo phúc trình Thượng Viện Hoa Kỳ, số quân đồn trú thường trực ở Kuwait có thể sẽ lên tới khoảng 13.000.
Yemen:
Hoa Thịnh Đốn, từ lâu luôn hậu thuẩn lãnh tụ độc tài, nay lại ủng hộ một chế độ thay thế. Cũng như ở bất cứ nơi nào khác, ở Yemen, người Mỹ luôn cảm thấy thiếu thoải mái với các phong trào dân chủ kiểu Mùa Xuân Á Rập trong các quốc gia đồng minh.
Trong nhiều năm, Hoa Kỳ luôn duy trì một chiến dịch không kích ở miền Nam Yemen, nhằm chống lại các thành phần thù nghịch liên kết với al-Qaeda trong bán đảo Á Rập (Arabian Peninsula — AQAP).
Gần đây hơn, Hoa Kỳ đã gửi một số nhỏ lực lượng hành quân biệt kích như các cố vấn và huấn luyện viên và đã leo thang chiến dịch không kích với một lực lượng hỗn hợp gồm các phi cơ drone CIA và các oanh tạc cơ Không Quân trong vùng Nam Yemen.
Trong năm 2012 đã có tới ít ra 23 cuộc không kích, gây nhiều thương vong dân sự, biến người Yemen ở miền Nam thành những phần tử cực đoan ngày một ủng hộ AQAP nhiều hơn, và gây thêm bất ổn định trong quốc gia nghèo khó và tuyệt vọng nầy.
Bahrain:
Là một xứ bé nhỏ, nơi Đệ Ngũ Hạm Đội Hoa Kỳ đặt bản doanh, Bahrain đang đối diện một phòng trào dân chủ thù nghịch của người Shiite chiếm đa số, và đã yêu cầu Saudi gửi lực lượng quân sự vào trấn áp.
Hoa Kỳ cũng đã viện trợ quân sự và đang hậu thuẩn chế độ quân chủ Sunni đang cầm quyền.
Syria:
Tình hình Syria hiện đang rất bất ổn, nơi phong trào dân chủ đã biến thái thành một cuộc nội chiến giữa các phe phái, đe dọa bất ổn hóa toàn vùng, kể cả Lebanon và Iraq.
Lực lượng CIA nay đã được gửi tới biên giới Turkey. Nhiệm vụ chính yếu là chuyển vận và phân phối vũ khí cho các phe nổi loạn do Hoa Thinh Đốn chọn lựa, hoàn toàn dựa trên khả năng phân biệt đáng nghi ngờ của CIA giữa các phe dân chủ và thánh chiến.
Theo báo New York Times, vũ khí đã được vận chuyển và phân phối qua trung gian một mạng lưới bao gồm cả Muslim Brotherhood của Syria do Turkey, Saudi Arabia, và Qatar bảo trợ. Đã hẳn, đây là một dự án khó thể thành công.
Somalia:
Từ lâu, Somalia, một quốc gia thất bại, đã phải trải nghiệm nhiều tai ương, nhất là cuộc xâm lăng năm 2006 bởi lực lượng Ethiopia do Hoa Kỳ đỡ đầu, và gần đây hơn, các cuộc tấn công bởi drone, các cuộc hành quân của CIA và các lực lượng biệt kích, một chương trình phức tạp của Hoa Kỳ tài trợ một lực lượng quân sự Phi châu, đặc biệt của Uganda ở thủ đô, và hậu thuẩn cho cuộc xâm lăng của Kenya ở phía Nam — các động thái hình như đã đưa đến tình trạng manh mún, cực đoan, và quá khích.
Ai Cập:
Kể từ các biến động xuống đường ở Quảng Trường Tahrir Square, Hoa Thịnh Đốn đã trông cậy vào các quan hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo quân sự Ai cập thường thăm viếng Hoa Thịnh Đốn, và nhiều tỉ USD viện trợ quân sự , mặc dù phe nầy rõ ràng đã phỏng tay trên cuộc cách mạng dân chủ Mùa Xuân Á Rập của quần chúng Ai Cập.
Libya:
Chính quyền Obama đã sử dụng Không Quân Hoa Kỳ, bên cạnh lực lượng không quân của các đồng minh NATO, để yểm trợ một cuộc nổi dậy hỗn tạp nhằm lật đổ chế độ Muammar Gaddafi, và đã thành công.
Tuy vậy, hệ lụy dài lâu vẫn chưa ai biết.
CHIẾN TRANH LAN TRÀN KHẮP HÀNH TINH VÀ NHỮNG BÀI HỌC BỎ LỠ
Trên đây mới chỉ là một liệt kê phân bộ, và dĩ nhiên, còn rất nhiều thiếu sót, chẳng hạn: các căn cứ drone thiết lập từ các đảo vùng Seychelles và Ethiopia cho đến Bán Đảo Arabia — rõ ràng nhằm đẩy mạnh các cuộc chiến drone mở rộng trong toàn vùng.
Tuy nhiên, đây là một ví dụ đáng lưu ý của sự thiếu hiệu quả nói chung của giải pháp quân sự hay quân sự hóa các vấn đề của một vùng xa xôi trên thế giới .
Từ Pakistan và Afghanistan đến Yemen và Somalia, bằng chứng đã khá rõ ràng: các giải pháp quân sự đều không mấy hiệu quả hay chẳng giải quyết được gì , và trong hầu hết các trường hợp, hình như chỉ làm gia tăng bất ổn định trong một vùng hay một xứ, cũng như tình trạng tang tóc đau thương của người dân.
Tuy vậy, sự thiếu vắng thành công nói chung từ 2002 và sự bức xúc ngày một sâu xa ở Hoa Thịnh Đốn cũng chỉ đưa đến một tin tưởng mạnh mẽ hơn ở một dạng thức điều chỉnh kích cỡ giải pháp quân sự — tăng cường nhiều hay ít hơn, không xâm lăng chiếm đóng mà chỉ sử dụng các cuộc hành quân biệt kích và phi cơ không người lái, ít sử dụng bộ binh hơn, tăng gia sự hiện diện của hải và không quân …– là giải pháp duy lý duy nhất .
Trong thực tế, các giải pháp quân sự dưới mọi hình thức đã có một tác động thẩm thấu và luôn ám ảnh Hoa Thịnh Đốn, nhất là trong địa hạt chiến tranh bằng phi cơ không người lái của CIA.
Trong những năm chiến tranh Việt Nam trước đây, T T Lyndon Johnson được biết đã khiến các tướng lãnh phải điên đầu qua phương cách xen vào công tác “quản lý chi tiết” — micromanaging – cuộc chiến, nhất là trong những phiên họp trong giờ ăn trưa, đã luôn nhấn mạnh tự mình lựa chọn các mục tiêu oanh tạc ở Bắc Việt.
Tuy nhiên, so với bây giờ, Johnson hầu như có thể được xem như một tổng thống laissez-faire thời chiến — một tổng thống không can thiệp vào các chi tiết điều hành cuộc chiến.
Xét cho cùng, qua báo The New York Times, chúng ta đã được biết, Tòa Bạch Ốc hiện nay đã chấp nhận và đang theo đuổi một quá trình lựa chọn các mục tiêu nghi can khủng bố để đưa lên danh sách cần được thanh toán, và đích thân tổng thống đã quyết định từng vụ tấn công của drone — không những các khu vực mục tiêu, mà từng mục tiêu một. Chính tổng thống lựa chọn đích danh từng cá nhân đối tượng cần thanh toán trong những vùng hẻo lánh của Pakistan, Yemen, và Somalia.
Điều nầy phải được xem như một biểu hiện của thời đại, dù những mẩu tin nầy có thể đã gây sốc ở Hoa Thịnh Đốn, chính yếu là vì sự kiện khả dĩ tiết lộ bởi chính quyền bản chất của chương trình được che dấu, rất ít ai đã nhắc đến sự kiện tổng thống đã can thiệp vào các chi tiết nhỏ. Một vài người có thể đã nhận thức được quá trình lựa chọn đối tượng để ám sát là một điều gây sốc, nhưng rất ít ai nghĩ đây là một việc làm kỳ lạ và đáng kinh ngạc, khi một tổng thống Hoa Kỳ đích thân lựa chọn các đối tượng, kể cả các công dân Mỹ, cần thanh toán bằng drone trong các nơi xa xăm trên toàn cầu.
Sự thật: các giải pháp như thế, lần đầu tiên đã được thực nghiệm ở Vùng Trung Đông Nới Rộng, nay đang được áp dụng từ Phi châu đến Trung Mỹ.
Ở Phi châu, người ta có thể truy nguyên tình trạng bất ổn hóa ở nhiều nơi đến quyết định thiết lập bộ Tư Lệnh Africom năm 2007, và trong những năm sau đó, quá trình vận dụng tiệm tăng các drone, các cuộc hành quân biệt kích, các nhà thầu tư nhân, và nhiều hành động cùng loại trong các khu vực đã có nhiều vấn đề.
Sau đây là một Hoa Kỳ trong thực tế năm 2012: Trong tư thế một đại cường, Hoa Kỳ hiện đang có một túi dụng cụ ngày một hạn chế và ngày một sử dụng nhiều hơn cùng những dụng cụ tương tự. Ý tưởng — địa cầu là một bàn cờ, Hoa Thịnh Đốn đang kiểm soát trò chơi, và mỗi một nước cờ đều được quân sự hóa và sẽ đưa đến một kết quả có thể tiên liệu — là một ý tưởng không gì nguy hiểm hơn.
Bằng chứng trong thập kỷ vừa qua đã khá rõ ràng: những điều khó tiên liệu ngày một ít hơn, hay những gì có thể sai quấy ngày một nhiều hơn, có nghĩa: việc áp dụng lực lượng quân sự và các giải pháp quân sự hóa, với tác động lũy tích ngày một nguy hiểm hơn trong nhiều phương cách bất ngờ, và cuối cùng đe dọa đem lại đại họa trong nhiều vùng.
Tuy nhiên, tất cả những điều trên đây hình như không hề được Hoa Thịnh Đốn quan tâm đúng mức.
Người ta thường nói Hoa Kỳ là một đại cường đang trên đà tuột dốc, nhưng khuynh hướng quân sự hóa chính sách và tư duy của Hoa Kỳ, ở quốc nội cũng như ở hải ngoại, lại không hề suy giảm. Và Hoa Thịnh Đốn, nay là một thủ đô chiến tranh triền miên, vẫn liên tục được quân sự hóa.
Tiến trình nầy đã bắt đầu ngay sau 11/9, với một tinh thần lãng mạn cao độ của chính quyền Bush về uy quyền của “lực lượng giải phóng nhân loại lớn nhất.. thế giới chưa bao giờ chứng kiến,” còn được biết đến như lực lượng quân sự Hoa Kỳ, để thay đổi thế giới.
Đó là một sự tin tưởng căn bản của Bush và các viên chức hàng đầu: lực lượng quân sự hùng mạnh nhất hành tinh của Hoa Kỳ có thể đè bẹp bất cứ xứ nào trong vùng Trung Đông Nới Rộng một cách dễ dàng.
Ngày nay, tiếp theo sau hai cuộc chiến thảm bại trên lục địa Á-Âu, một dạng thức niềm tin vừa nói — một dạng thức đã mất hết tính lãng mạn — đã trở thành một lối sống quen thuộc và ngày một tẻ nhạt của một Hoa Thịnh Đốn được quân sự hóa. Và tình trạng đó sẽ kéo dài.
Vì vậy, vào tháng 11 tới, nếu Barack Obama, người đã giết chết Bin Laden, được tái cử, người Mỹ sẽ có rất ít cơ may được chứng kiến một thay đổi đáng kể nào đó trên bình diện nầy.
Nếu Mitt Romney thắng, quá trình chắc sẽ tăng tốc, có thể sẽ chuyển dịch từ tình trạng thất bại hay “tịt ngòi toàn cầu,” và ám ảnh bởi một trí tưởng tượng cực đoan, với hậu quả, từ Iran đến Liên Bang Nga đến TQ, thật khó lòng tưởng tượng.
Nguyễn Trường
Irvine, California, USA
20-7-2012