Washington và Tehran

Vietsciences- Nguyễn Trường            04/07/2009
 

Những bài cùng tác giả

Như Noam Chomsky đã nhận xét, Iran và Syria là hai quốc gia Trung Đông không chịu tuân phục những đòi hỏi căn bản của Hoa Thịnh Đốn. Vì vậy, cả hai đã là kẻ thù của Mỹ, nhất là Iran.

Trong chuẩn mực thời chiến tranh lạnh, bạo lực luôn được biện minh như một phản ứng chống lại ảnh hưởng của kẻ thù chính, thường chỉ cần những duyên cớ vu vơ. Vì vậy, không ai ngạc nhiên, sau khi Bush xua quân xâm chiếm Iraq tháng 3-2003, người ta thường nghe nói đến sự kiện Iran can thiệp vào nội tình Iraq - một xứ trước đó không bao giờ bị nước ngoài can thiệp, trên giả thuyết mặc nhiên Hoa Thịnh Đốn ngự trị hoàn cầu.

Trong tinh thần chiến tranh lạnh thẩm thấu thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Tehran được mô tả như đỉnh cao của vùng Lưỡi Liềm Shiite, trải dài từ Iran đến Hezbollah ở Lebanon xuyên qua miền Nam Iraq và Syria. Và cũng chẳng ai ngạc nhiên, leo thang chiến tranh ở Iraq và đe dọa cũng như lên án Iran thường  kèm theo cử chỉ tham dự, với  ít nhiều ngượng ngùng,  hội nghị các cường quốc trong khu vực về Iraq - nói rõ hơn, về mục tiêu người Mỹ theo đuổi ở Iraq.

Đó là cử chỉ ngoại giao tối thiểu nhằm xoa dịu những âu lo và giận dữ ngày một gia tăng, do việc giàn trải lực lượng vào các vị trí từ đó có thể tấn công Iran song song với những hành động gây hấn và đe dọa.

 

THÁI ĐỘ THÙ NGHỊCH CỦA Mỹ

Đối với Hoa Kỳ, vấn đề quan trọng hàng đầu ở Trung Đông là duy trì cơ chế kiểm soát hữu hiệu, chứ không chỉ tiếp cận, tài nguyên năng lượng. Kiểm soát nguồn cung cấp năng lượng là bửu bối khống chế toàn cầu 

Ảnh hưởng của Iran trong "khu vực lưỡi liềm" đang thách thức quyền kiểm soát của Hoa Kỳ. Do tình cờ địa lý, tài nguyên dầu khí quan trọng nhất thế giới phần lớn tọa lạc trong vùng Shiite ở Trung Đông: miền Nam Iraq, các vùng Saudi Arabia phụ cận, và Iran (còn có một trữ lượng hơi đốt thiên nhiên khổng lồ). Một liên minh Shiite lỏng lẻo, độc lập với Hoa Kỳ, kiểm soát hầu hết trữ lượng dầu thế giới, sẽ là một ác mộng đối với Hoa Thịnh Đốn.

Một liên minh như vậy, nếu thành hình, có thể tham gia Mạng An Ninh Năng Lượng Á Châu (Asian Energy Security Grid) và Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization - SCO), trụ sở ở Trung Quốc (TQ).

Iran, với tư cách quan sát viên sẵn có, giờ đây đã là thành viên chính thức của SCO. Trong tháng 6-2006, báo South China Morning Post ở Hong Kong tường thuật: "Tổng Thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã tỏa sáng tại phiên họp thường niên của SCO khi kêu gọi tổ chức nầy đoàn kết chống lại các nước chỉ trích chương trình hạt nhân của Iran "[1].

Trong khi đó, phong trào phi liên kết đã xác nhận quyền bất khả chuyển dịch của Iran theo đuổi các chương trình vừa nói, và SCO (gồm nhiều xứ Trung Á) cũng kêu gọi Hoa Kỳ ấn định thời hạn chót rút các căn cứ quân sự ra khỏi các xứ thành viên cuả tổ chức.

Nếu các nhà hoạch định Mỹ phải chấp nhận, đã hẳn uy thế của Hoa Kỳ trên thế giới sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Đối với Hoa Thịnh Đốn, lỗi lầm chính yếu của Tehran là thái độ thách thức, khởi đầu với việc lật đổ Shah Reza Pahlavi và khủng hoảng con tin Tòa Đại Sứ Mỹ năm 1979. Việc làm đen tối và ghê tởm của Hoa Kỳ từ 1953 đến 1979 ở Iran bị xóa  khỏi lịch sử. Để trừng phạt, người Mỹ hậu thuẫn  Saddam Hussein trong cuộc chiến chống Iran, gây đổ nát và hàng trăm nghìn thương vong. Tiếp theo là các biện pháp chế tài man rợ của T T Clinton, và dưới thời Bush, liên tục bác bỏ mọi vận động ngoại giao của Iran kèm theo những lời đe dọa trực tiếp tấn công. 

Tháng 7-2006, Do Thái xâm lăng Lebanon lần thứ năm kể từ 1978. Cũng như những lần trước, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ là yếu tố quyết định. Lý do viện dẫn đã sụp đổ nhanh chóng sau khi thanh tra. Khỏi phải nói, hậu quả cuộc chiến đối với người Lebanon vô cùng nghiêm trọng. Một trong những lý do biện minh cho hành động xâm lăng Mỹ-Do Thái là các hỏa tiễn của Hezbollah có thể là loại vũ khí răn đe phòng ngừa (deterrent) khả dĩ chống lại một cuộc tấn công vào Iran (trong tương lai, nếu có) của liên minh Mỹ-Do Thái.

Mặc dù với các động thái diễn võ dương oai cùng với áp lực nặng nề của các tập đoàn quân sự-kỹ nghệ và phe diều hâu chủ chiến, các chính quyền kế tiếp ở Hoa Kỳ có lẽ khó thể trực tiếp tấn công Iran. Thế giới sẽ kịch liệt chống đối. 75% dân Mỹ ủng hộ đường lối ngoại giao thay vì quân sự; và đa số dân Mỹ và dân Iran đều đồng ý về các vấn đề nguyên tử.

Các cuộc thăm dò của tổ chức Terror Free Tomorrow tiết lộ: "mặc dù tình trạng thù nghịch sâu xa mang tính lịch sử giữa dân Shiite gốc Ba Tư và các sắc dân trong các quốc gia láng giềng đa số thuộc phái Sunni gốc A Rập, Turkish và Pakistani, đa số dân chúng trong các xứ nầy sẵn sàng chấp nhận một Iran với vũ khí nguyên tử thay vì bất cứ hành động quân sự nào của Hoa Kỳ"[2]. Có lẽ các cộng đồng quân sự và tình báo Mỹ cũng có lập trường tương tự -  chống đối một sự tấn công.

Đã hẳn, Iran khó lòng tự bảo vệ trước một cuộc tấn công của Mỹ. Tuy nhiên, Iran vẫn có nhiều phương cách trả đũa khác, chẳng hạn, gây thêm khó khăn cho Hoa Kỳ ở Iraq. Corelli Barnett, một sử gia quân sự uy tín ở Anh quốc, còn đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc hơn nhiều: "một cuộc tấn công vào Iran thực ra rất có thể khởi động Thế Chiến III"[3].

Chính quyền Mỹ đã gieo tai họa khắp nơi, từ New Orleans hậu-Katrina đến Iraq. Để cứu vãn uy tín, nhà cầm quyền có thể mạo hiểm lao vào một phiêu lưu đưa đến nhiều tai họa khôn lường.

Sau vụ khủng hoảng con tin 1979, Hoa Thịnh Đốn không ngừng tìm cách gây bất ổn từ bên trong Iran[4]
. Vấn đề chủng tộc ở Iran rất phức tạp. Khá nhiều người Iran không thuộc gốc Ba Tư (Persian); nhiều khuynh hướng tự trị đã được người Mỹ từ lâu lợi dụng để khuấy động - chẳng hạn, trong hạt Khuzestan vùng Vịnh, nơi có rất nhiều trữ lượng dầu, cư dân phần lớn gốc A Rập, không phải Ba Tư.

Sự leo thang đe dọa cũng được xem như biện pháp gây áp lực, buộc các xứ khác, nhất là Âu châu, chung sức bao vây kinh tế Iran. Một hậu quả tiên liệu khác là dồn giới lãnh đạo Iran vào góc tường, buộc họ phải thắt chặt kiểm soát, càng khắt khe càng tốt. Tình trạng nầy có thể gây bất bình trong dân chúng, thậm chí chống đối hoặc bạo loạn.

Người Mỹ cũng thấy cần bêu xấu cấp lãnh đạo Iran. Trong các xứ Tây phương, bất cứ một lời tuyên bố bất thường nào của Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad lập tức được chuyển ngữ, không mấy chính xác, đôi khi đáng nghi ngờ, và được phổ biến dưới những hàng tít lớn. Nhưng như chúng ta đều biết, ở Iran, chính sách ngoại giao thuộc thẩm quyền của Lãnh Tụ Tôn Giáo Tối Cao Ayatollah Ali Khamenei, không phải Tổng Thống Ahmadinejad.

Các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ có khuynh hướng tảng lờ các lời tuyên bố của Khamenei, nhất là những lời hòa hoản. Chẳng hạn, lời tuyên bố "Do Thái không nên tồn tại" của Ahmadinejad luôn được đăng tải rộng rãi, nhưng báo chí Mỹ lại im hơi lặng tiếng khi Khamenei cho biết: Iran chia sẻ quan điểm chung của các xứ A Rập về vấn đề Hồi Giáo-A Rập quan trọng nhất, nói rõ hơn, vấn đề Palestine"[5]; rõ rệt có nghĩa Iran chấp nhận lập trường của Liên Minh A Rập: bình thường hóa đầy đủ quan hệ với Do Thái trên căn bản đồng thuận quốc tế về giải pháp hai nhà nước -   một giải pháp Hoa Kỳ và Do Thái luôn đơn phương đề kháng.

Việc Mỹ xâm chiếm Iraq gián tiếp buộc Iran phải tìm cách khai triển vũ khí hạt nhân để tự vệ và phòng ngừa. Nhà sử học quân sự Do Thái, Martin van Creveld viết, sau việc Mỹ xâm chiếm Iraq, "nếu người Iran không tìm cách chế tạo vũ khí nguyên tử, có lẽ họ là điên"[6]. Thông điệp của hành động xâm lăng rất rõ ràng: Hoa Kỳ sẽ tấn công tùy tiện, chừng nào mục tiêu không thể tự bảo vệ. Ngày nay, Iran đang bị quân lực Hoa Kỳ vây quanh, ở Afghanistan, ở Iraq, ở Thổ Nhĩ Kỳ, và Vịnh Ba Tư; bên cạnh còn có Pakistan và Do Thái với vũ khí nguyên tử và sự hỗ trợ của Mỹ.

Cho đến nay, nỗ lực của Iran muốn thương thảo mọi vấn đề tranh cãi đều bị Hoa Kỳ từ chối; và thỏa ước EU-Iranian rõ ràng đã bị phá hoại khi Hoa Thịnh Đốn từ chối rút lại các lời đe dọa tấn công. Thiện chí ngăn ngừa Iran chế tạo vũ khí nguyên tử - và tình trạng căng thẳng cân não ngày một gia tăng trong vùng - rất có thể sẽ khiến Hoa Thịnh Đốn chấp nhận giải pháp thương nghị của EU: đồng ý thương thảo nghiêm túc và cùng các quốc gia khác thúc đẩy Iran hội nhâp vào hệ thống kinh tế quốc tế, phù hợp với công luận ở Mỹ, ở Iran, ở các quốc gia lân cận , và phần còn lại của thế giới. 

 

IRAN NGUYÊN TỬ VÀ GIẢI PHÁP

Hiện nay không gì cấp thiết hơn là ngăn ngừa nạn phổ biến vũ khí nguyên tử và tìm mọi cách loại bỏ thứ vũ khí nầy. Đây là vấn đề sinh tử, tồn vong đối với toàn thể nhân loại. Con đường ra khỏi khủng hoảng nguyên tử không phải hoàn toàn không tưởng.

Cuộc tranh cãi về chương trình nguyên tử Iran, vì vậy, cần được phân tích trong bối cảnh lịch sử hiện nay.

Trước năm 1979, dưới thời Shah Reza Pahlavi, Hoa Thịnh Đốn hậu thuẩn mạnh mẻ chương trình nầy.

Ngày nay, Hoa Thịnh Đốn lập luận, Iran không cần đến năng lượng nguyên tử, vì vậy, Iran chắc chắn đang theo đuổi một chương trình vũ khí bí mật. Năm 2005, Henry Kissinger viết trên báo Washington Post: "Đối với một xứ sản xuất dầu lữa quan trọng như Iran, năng lượng nguyên tử là một hình thức sử dụng tài nguyên phung phí"[7].

Hơn 30 năm trước, khi giữ chức ngoại trưởng dưới thời T T Gerald R. Ford, Kissinger lại viết: "Du nhập điện hạt nhân sẽ giúp thỏa mãn nhu cầu ngày một gia tăng của kinh tế Iran, đồng thời  dành trữ lượng dầu còn tồn tại để xuất khẩu hoặc chế biến thành các sản phẩm hóa dầu"[8].

Nam 2005, Dafna Linzer của tờ Washington Post yêu cầu Kissinger giải thích về sự thay đổi ý kiến vừa nói. Kissinger đã thẳng thắn trả lời: "Hồi đó Iran là đồng minh"[9] - vì vậy, Iran thật sự có nhu cầu năng lượng nguyên tử.

Linzer viết: Năm 1976, chính quyền Ford "phê chuẩn các kế hoạch của Iran xây dựng một kỹ nghệ năng lượng  nguyên tử quy mô, đồng thời nỗ lực thành đạt một thỏa ước nhiều tỉ mỹ kim cho phép Tehran kiểm soát nhiều số lượng lớn plutonium và uranium đã chế biến - hai phương cách chế tạo vũ khí nguyên tử"[10]. Những nhà hoạch định hàng đầu của chính quyền Bush II, ngày nay tố cáo những chương trình vừa nói, hồi đó đang giữ những chức vụ an ninh quốc gia then chốt: Dick Cheney, Donald Rumsfeld, và Paul Wolfowitz.

Người Iran, không như người Tây phương, chắc chắn không muốn vứt bỏ lịch sử vào đống rác, kể cả chương lịch sử nầy. Họ cũng biết rõ Hoa Kỳ và đồng minh đã đối xử tàn nhẫn với dân Iran trong hơn 50 năm qua, kể từ cuộc đảo chính do Hoa Kỳ-Anh quốc đạo diễn lật đổ chính quyền dân cử Mohammad Mossadeq và tái lập chế độ sắt máu Shah Reza Pahlavi cho đến khi nhân dân Iran nổi dậy trong cuộc cách mạng 1979 trục xuất Shah Reza Pahlavi. Đồng thời, Iran đã thu thập một hồ sơ các vi phạm nhân quyền man rợ của Pahlavi trước sự làm ngơ của giới truyền thông - chỉ tỏ ra vô cùng căm phẩn sau khi chế độ độc tài được Hoa Kỳ hậu thuẩn bị lật đổ.

Với viện trợ quân sự và kinh tế, chính quyền Reagan đã ủng hộ Saddam Hussein trong cuộc chiến xâm lăng Iran, tàn sát hàng trăm nghìn dân Iran (bên cạnh người Iraq gốc Kurd). Rồi đến các biện pháp chế tài tàn nhẫn của T T Clinton, tiếp theo đó là đe dọa tấn công của Bush - tất cả đều vi phạm nghiêm trọng Hiến Chương LHQ.

Tháng 5-2006, Chính quyền Bush đồng ý với các đồng minh Âu châu nói chuyện trực tiếp có điều kiện với Iran, nhưng vẫn từ chối rút lời đe dọa tấn công - khiến các đề nghị thương thuyết dưới họng súng trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Lịch sử gần đây cũng cung cấp thêm lý do để nghi ngờ lập trường và ý định của Hoa Thịnh Đốn.

Tháng 5-2005, theo Flynt Leverett, một thành viên cao cấp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia thời George W. Bush, chính quyền cải cách của Mohammad Khatami đã đề nghị "một nghị trình cho một diễn tiến ngoại giao nhằm giải quyết toàn bô các dị biệt song phương giữa Hoa Kỳ và Iran"[11]. Theo tường trình của báo Financial Times trong tháng 5-2006, nghị trình bao gồm "vũ khí tiêu diệt hàng loạt, giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israeli-Palestinian, tương lai của tổ chức Hezbollah ở Lebanon, và hợp tác với cơ quan an toàn nguyên tử của LHQ"[12]. Chính quyền Bush từ chối , và còn khiển trách nhà ngoại giao Thụy sĩ, người đã nhận trách nhiệm chuyển đạt đề nghị của Khatami[13].

Một năm sau, EU và Iran đã đạt được thỏa hiệp: Iran sẽ ngưng làm giàu uranium, và đáp lại, Âu châu bảo đảm Hoa Kỳ và Israel sẽ không tấn công Iran. Một lần nữa, có lẽ vì áp lực của Hoa Kỳ, Âu châu sau đó bỏ cuộc, và Iran tái tục chương trình làm giàu Uranium.

Đối với đề nghị 2003 cũng như các đề nghị khác, cách duy nhất để biết rõ Iran có thực sự nghiêm chỉnh khi đưa ra các sáng kiến: đón nhận và trắc nghiệm các sáng kiến của Iran. Dựa trên kinh nghiệm, người ta chỉ có thể kết luận, Hoa Kỳ và đồng minh lo ngại người Iran có thể nghiêm túc khi đưa ra sáng kiến.

Các chương trình nguyên tử của Iran, như đã biết, nằm trong giới hạn ấn định ở điều IV của Thỏa Ước Cấm Phổ Biến Nguyên Tử - NPT, cho phép các quốc gia phi nguyên tử sản xuất nhiên liệu cần thiết cho năng lượng nguyên tử. Chính quyền Bush đưa ra luận cứ - không hẵn hoàn toàn vô lý: điều IV cần được tăng cường.

Khi NPT bắt đầu có hiệu lực vào năm 1970, một hố sâu chia cách nhiên liệu sản xuất để dùng trong năng lượng với nhiên liệu dùng chế tạo vũ khí. Ngày nay, tiến bộ kỷ thuật đã thu hẹp khoảng cách. Tuy nhiên, bất cứ việc tái duyệt nào về điều IV cũng phải đảm bảo quyền tự do tiếp cận nhiên liệu dùng vào các mục tiêu phi quân sự đúng với thỏa hiệp NPT lúc khởi thủy giữa các cường quốc nguyên tử và các quốc gia phi nguyên tử.

Năm 2003, một đề nghị hợp tình hợp lý của Mohamed ElBaradei, giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế - IAEA: tất cả mọi việc sản xuất và biến chế các vật liệu dùng làm vũ khí phải được đặt dưới sự kiểm soát quốc tế, với đảm bảo các xứ sử dụng chính đáng được quyền tự do tiếp cận các nguồn cung cấp. Đây là bước đầu hướng đến thực thi quyết nghị 1993 của LHQ kêu gọi một Hiệp Ước Ấn Định Mốc Giới Giữa Các Loại Vật Liệu Hạt Nhân (Fissile Material Cutoff Treaty - FISSBAN). Trừ phi đề nghị nầy được chấp hành nghiêm chỉnh, viễn tượng thượng tồn của nhân loại trong trường kỳ sẽ  không mấy sáng sủa.

Ngày nay, đề nghị của ElBaradei chỉ được một quốc gia duy nhất chấp thuận: Iran,  tháng 2-2006, trong cuộc phỏng vấn với Ali Larijani, trưởng đoàn thương thuyết nguyên tử của Iran[14].

Chính quyền Bush bác bỏ FISSBAN. Tháng 11-2004, Uỷ  Ban Giải Trừ Vũ Khí LHQ (UN Committee on Disarmament) bỏ phiếu chấp thuận FISSBAN, một hiệp ước có thể kiểm chứng, với số phiếu 147-1(Mỹ). Anh và Israel bỏ phiếu trắng. Trong khi thảo luận, đại sứ Anh cho biết Anh quốc ủng hộ hiệp ước, nhưng không thể bỏ phiếu thuận vì như thế sẽ gây chia rẽ trong cộng đồng thế giới: 147-1. Ưu tiên của chính quyền Blair đã tỏa sáng và rõ ràng.

Năm 2005, Đại Hội Đồng LHQ cũng bỏ phiếu chấp thuận với tỉ số: 179-2 (Hoa Kỳ và Palau); Israel và Anh quốc bỏ phiếu trắng.

Vẫn còn có nhiều cách để giảm thiểu và có lẽ chấm dứt các khủng hoảng tương tự:

Bước đầu: tố cáo những đe dọa khả tín của Hoa Kỳ và Israel - gián tiếp buộc Iran phải phát triển vũ khí hạt nhân vì mục đích tự vệ - như một vi phạm trầm trọng Hiến Chương LHQ.

Bước thứ hai: cùng với toàn thế giới, chấp thuận hiệp ước FISSBAN, cũng như đề nghị của ElBaradei, hay những đề nghị tương tự.

Bước thứ ba: triệt để thi hành Điều VI NPT, buộc các quốc gia nguyên tử phải đem hết thiện chí thương thuyết loại bỏ vũ khí nguyên tử, một nghĩa vụ pháp lý mang tính ràng buộc, như Tòa Án Quốc Tế đã quy định. Cho đến nay, không một quốc gia có vũ khí hạt nhân nào làm tròn trọng trách, nhưng Hoa Kỳ là nước vi phạm nhiều nhất, bỏ xa các xứ khác.

Những bước nêu trên sẽ giúp giảm thiểu tính nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng sắp tới với Iran. Nhưng trên hết, điều quan trọng hàng đầu là phải lắng nghe lời cảnh báo của Mohamed ElBaradi:

"Không thể có một giải pháp quân sự cho tình trạng hiện nay. Đó là điều không thể quan niệm. Giải pháp lâu dài duy nhất là một giải pháp thương nghị"[15]. Và đây là giải pháp trong tầm tay.

 

THAY LỜI KẾT LUẬN

Những biến động tiếp theo sau cuộc bầu cử tổng thống ở Iran ngày 12-6-2009, nhắc nhở mọi người cần nhớ lại chính sách các đế quốc Tây phương luôn theo đuổi trong các thuộc địa: chia rẽ giữa các quốc gia lân bang trong khu vực và ngay trong nội bộ mỗi nước giữa các phe nhóm, các sắc dân...khác nhau.

Năm 2000 ở Mỹ, George W. Bush, Tổng-Thống-Được-Chọn (President-Select) lên nắm quyền sau cuộc bầu cử trong đó ứng viên Al Gore rõ ràng thắng phiếu,  nhờ ở quá trình kiểm phiếu "minh bạch" ở Bang Florida với Thống Đốc Jeff Bush, và phán quyết "hợp hiến" của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Không thấy có nhiều bình luận hay phản ứng ồn ào từ chính giới, từ giới truyền thông, từ Quốc Hội...nhờ " truyền thống tự do, dân chủ, pháp trị" của siêu cường duy nhất, cũng như "truyền thống ái quốc" luôn được tập đoàn các đại công ty đa quốc gia, tập đoàn quân-sự-kỹ-nghệ  hậu thuẫn và phát huy.

Trở lại với cuộc bầu cử tổng thống ở Iran: ứng viên Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử với 63% số phiếu. Thật khó lòng phủ nhận hậu thuẩn mạnh mẻ của đa số cử tri.

Các cơ quan truyền thông Tây phương cũng đã phải công nhận Ahmadinejad vẫn được sự ủng hộ rộng rãi của các cử tri nghèo, giới công tư chức, các người được hưởng an sinh xã hội. Ahmadinejad cũng có cơ sở hậu thuẩn mạnh mẽ trong phe xã hội bảo thủ, các cử tri chống tham nhũng trong chính quyền và các phần tử vọng ngoại luôn hướng về Tây phương. Ngoài ra, Ahmadinejad còn được đội quân Phòng Vệ Cách Mạng, dân quân Basij, và lực lượng cảnh sát hết lòng ủng hộ.

Hội Đồng Cấp Thẩm - Expediency Council, dưới quyền lãnh đạo của nguyên Tổng Thống Ali Akbar Hashemi Rafsanjani, cũng đã ra tuyên bố: quyết định của Lãnh Tụ Tôn Giáo Tối Cao là chung thẩm về kết quả bầu cử. Rafsanjani là một trong những người chỉ trích Mahmoud Ahmadinejad nặng nề nhất và cũng là một trong những người ủng hộ Mir Hussein Moussavi, ứng viên đối lập chính yếu của Ahmadinejad trong cuộc bầu cử.

Trong mọi tình huống, luật pháp và chủ quyền của Iran cũng như của bất cứ quốc gia nào khác phải được tôn trọng. Mọi can thiệp từ các "đại ca" bên ngoài không thể chấp nhận và cần được lên án.

Tuy nhiên, các cường quốc Tây phương, nhất là Anh quốc và Hoa Kỳ, vẫn không chịu bỏ qua cơ hội để cô lập và làm suy yếu Iran, qua các hành động bí mật tiếp tay cho các thành phần nhẹ dạ, các nhóm chống đối, hoặc công khai yểm trợ và cổ súy các lực lượng đứng sau các biến động hậu bầu cử hiện nay. Họ luôn hoan hỉ lên án vi phạm nhân quyền, bầu cử gian lận, chà đạp tự do dân chủ, bất công, độc tài...ở Iran - ngây thơ tin tưởng các thành tích của chính họ trong những phạm trù nầy ở Trung Đông thế tất rồi cũng đi vào quên lãng.

Tóm lại, các cường quốc Tây phương luôn tin tưởng sức mạnh sẽ tạo ra lẽ phải", hay như người Pháp thường nói: "Lý lẽ của kẻ mạnh nhất luôn là lý lẽ tốt nhất"[16]

Nhưng người dân trong thế giới thứ ba, nhất là trong các xứ cựu thuộc địa, luôn nhớ những bài học lịch sử trong thời ngoại thuộc, và không thể không thấy những gì các cường quốc Tây phương đã và đang làm hàng ngày bên sau các chương trình phát huy dân chủ, tự do, nhân quyền... của chính họ ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, cũng như ở châu Mỹ La Tinh và Phi châu.

Ngày 27-6-2009, bình luận về lời tuyên bố ngày hôm trước của T T Obama chỉ trích các biện pháp dẹp biểu tình của cấp lãnh đạo Iran là quá đáng[17]
, Ahmadinejad cho biết viễn ảnh một cuộc đối thoại với Iran đã kém phần sáng sủa[18].

 Ahmadinejad còn nói rõ: lập trường của Hoa Thịnh Đốn có thể phương hại đến mục tiêu của Obama mong muốn những quan hệ tốt đẹp hơn[19]. Ahmadinejad hỏi tiếp: Hình như ông ta đã nói muốn thay đổi? Tại sao ông lại xen vào nội bộ của Iran?[20].

Phải chăng Obama đã chịu quá nhiều áp lực từ nhóm Washington Consensus, phái Tân bảo thủ, các tài phiệt Wall Street và phe hữu?

Cuộc đảo chính hôm qua (28-6-2009) ở Honduras là một nhắc nhở khác cho người dân các xứ cựu thuộc địa luôn sống trong cảnh thù trong giặc ngoài!

Hãy chờ xem phản ứng của người dân Honduras trong những ngày tới, và của Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ - OAS - trong phiên họp khẩn cấp vào ngày mai, 30-6-2009!

© GS Nguyễn Trường

 29-6-2009


[1] Iranian President Mahmoud Ahmadinejad stole the limelight at the annual meeting of the Shanghai Co-operation Organization (SCO) by calling on the group to unite against other countries as his nation faces criticism over its nuclear programme.

[2] Despite a deep historical enmity between Iran's Persian Shiite population and the predominantly Sunni population of its ethnically diverse Arab, Turkish and Pakistani Neighbors, the largest percentage of people of these countries favor accepting a nuclear-armed Iran over any American military action.

[3] An attack on Iran would effectively launch World War III.

[4] Xin đọc thêm chi tiết trong bài Quan Hệ Mỹ-Iran: Duyên hay Nợ, 23-3-2008, Nguyễn Trường, vietsciences.free.fr

[5] Iran shares a common view with Arab countries on the most important Islamic-Arabic issue, namely the issue of Palestine.

[6] ...had the Iranians not to build nuclear weapons, they would be crazy.

[7] For a major oil producer such as Iran, nuclear energy is a wasteful use of resources.

[8] Introduction of nuclear power will provide for the growing needs of Iran's economy and free remaining oil reserves for export or conversion to petrochemicals.

[9] They were an allied country.

[10] In 1976, the Ford administration "endorsed Iranian plans to build a massive nuclear energy industry, but also worked hard to complete a multibillion-dollar deal that would have given Tehran control of large quantities of plutonium and enriched uranium - the two pathways to a nuclear bomb.

[11] ...an agenda for a diplomatic process that was intended to resolve on a comprehensive basis all of the biliteral differences between the United States and Iran.

[12] ...weapons of mass destruction, a two-state solution to the Israeli-Palestinian conflict, the future of Lebanon's Hezbollah organization and cooperation with the UN nuclear safeguards agency.

[13] Xin xem thêm bài "Quan Hệ Mỹ-Iran: Duyên hay Nợ", Nguyễn Trường, 23-3-2008, vietsciences.free.fr

[14] Xem Larijani, interview on French radio, 16-2-2006. Press release, Chính Phủ Iran, 17-2-2006. Xem thêm Gareth et al., "Iran raises hopes of nuclear settlement", Financial Times, 12-2-2007.

[15] There is no military solution to this situation. It is inconceivable. The only durable solution is a negociated solution.

[16] La raison du plus fort est toujours la meilleure.

[17] ...statements by President Obama who made his most critical remarks of the Iranian leadership on Friday [26-6-2009] when he called the government's crackdown outrageous.

[18] The prospects of a dialogue with Iran had been dampened.

[19] Washington's stance could imperil Mr Obama's aim of improving relations.

[20] Didn't he say that he was after change? Why did he interfere?

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường