Trung Đông: Hoa Kỳ-Israel vs thế giới Á Rập

Vietsciences-Nguyễn Trường              21/08/2010

 

Những bài cùng tác giả

 

Xung đột Israel-Palestine cứ tiếp diễn không một giải pháp là một điều kỳ lạ. Đối với phần lớn các tranh chấp quốc tế, chỉ cần nghĩ ra giải pháp khả thi đã là một điều khó khăn. Xung đột Israel-Palestine không những có thể giải quyết, mà còn có sẵn một giải pháp gần như đã đạt được đồng thuận trên những nét chính. Trong thực tế, "giải pháp hai quốc gia theo ranh giới trước tháng 6-1967" đã được thế giới công nhận - "với vài thay đổi nhỏ khả dĩ tương nhượng", nói theo ngôn từ chính thức của Mỹ trước khi Hoa Thịnh Đốn rẽ lối với cộng đồng thế giới vào giữa thập kỷ 1970s.

Những nguyên tắc căn bản đã được toàn thế giới chấp nhận, bao gồm Tổ chức các Quốc Gia Hồi Giáo kể cả Iran, các phe phái chính yếu kể cả Hamas, và các xứ Á Rập sẵn sàng đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel.

Một giàn xếp theo hướng vừa nói đã được các quốc gia Á Rập nòng cốt lần đầu tiên đề nghị với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (LHQ) tháng 1-1976. Israel từ chối không tham dự phiên họp. Và Hoa Kỳ đã hai lần dùng quyền phủ quyết: lần đầu năm 1976, và lần thứ hai năm 1980. Biên bản Đại Hội Đồng LHQ từ đó cũng tương tự.

Tuy nhiên, giới quan sát đã ghi nhận một gián đoạn quan trọng và mang nhiều ý nghĩa trong lập trường thương nghị kẻ cả của U.S.-Israel. Sau khi thỏa ước Camp David năm 2000 thất bại, T T Clinton đã phải công nhận phương thức giàn xếp do chính Clinton-Israel đề nghị đã chứng tỏ không thể chấp nhận đối với bất cứ người dân Palestine nào. Tháng 12 cùng năm, Clinton lại đề nghị những thông số mới, tuy thiếu minh bạch, nhưng có vẽ dễ chấp nhận hơn. Lúc đó, ông cho biết cả hai bên đã chấp thuận,  mặc dù với ít nhiều dè dặt.

Các nhà thương thuyết Israel và Palestine đã gặp nhau ở Taba, Ai cập, trong tháng 1-2001, để san bằng những dị biệt, và đã ghi được nhiều tiến bộ đáng kể. Trong cuộc họp báo cuối cùng, họ tuyên bố chỉ cần thêm một ít thời gian trước khi có thể đạt được thỏa hiệp. Nhưng Israel lại vội vã bỏ ngang hội nghị, và các tiến bộ ghi được, do đó, không còn ý nghĩa. Tuy vậy, các cuộc thảo luận cấp cao, không chính thức, vẫn tiếp tục và đã đưa đến Thỏa hiệp Geneva, để rồi lại bị Israel bác bỏ và Hoa Kỳ làm ngơ.

Từ đó, nhiều điều đã xẩy ra, nhưng giải pháp hai quốc gia vẫn trong tầm tay, dĩ nhiên nếu Hoa Kỳ, một lần nữa, muốn chấp thuận. Không may, chẳng có dấu hiệu tích cực nào.

Nhiều giai thoại đã được truyền tụng về toàn bộ các thành tích thương thảo, nhưng các sự kiện thực tế căn bản cũng đã khá rõ ràng và đã được minh chứng với đầy đủ tài liệu.

Trong lúc đó, Hoa Kỳ và Israel lại đồng tình tăng cường hình thức chiếm đóng về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Năm 2005, nhận thấy trợ cấp và bảo vệ vài nghìn người Do Thái định cư trong vùng Gaza đã phung phí tài nguyên dân sự và quân sự, chính quyền Ariel Sharon đã quyết định di dời họ đến vùng West Bank và Golan Heights có nhiều triển vọng hơn.

Thay vì thực thi chiến lược một cách trực tiếp và minh bạch, chính quyền Israel lại giàn dựng một bi kịch quốc gia với những nét bi hài tương tự với lần triệt thoái từ sa mạc Sinai sau thỏa ước Camp David 1978-79. Trong mỗi trường hợp, việc triệt thoái đã cho phép họ kêu lên "Sẽ Không Bao Giờ Tái Diễn", trong thực tế, chỉ có nghĩa: chúng tôi không thể từ bỏ một tấc đất thuộc Palestine chúng tôi muốn chiếm đóng, trái với luật quốc tế. Kịch bản bi hài nầy đã được người phương Tây sốt sắng đón nhận, nhưng vẫn bị các nhà bình luận tinh tế Israel chỉ trích, trong số nầy phải kể đến nhà xã hội học nổi tiếng Israel đã quá cố, Baruch Kimmerling.

Mặc dù đã chính thức triệt thoái khỏi Gaza Strip, Israel chưa bao giờ chịu từ bỏ kiểm soát giải đất nầy, thường được mô tả rất trung thực như một "nhà tù lớn nhất thế giới". Tháng 1-2006, vài tháng sau ngày triệt thoái, Palestine đã tổ chức tuyển cử - được các quan sát viên quốc tế công nhận là tự do và công bằng. Tuy nhiên, người Palestine đã "đi chệch hướng" - bầu chọn Hamas. Hoa Kỳ và Israel lập tức tăng cường tấn công người Gaza để trừng phạt hành vi "ngang ngược"  đó. Không cần che đậy các sự kiện thực tế và lý do, tất cả đều đã được công bố qua các bài bình luận ca tụng tinh thần tôn trọng dân chủ của Hoa Thịnh Đốn. Từ đó, Israel - được Hoa Kỳ hậu thuẫn - đã dùng bạo lực tấn công người Gaza, với nhiều biện pháp dã man, nhằm bóp chết kinh tế Palestine.

Trong lúc đó, ở West Bank, Israel, luôn được người Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ, đã xúc tiến nhiều chương trình dài hạn chiếm đất đai mầu mỡ và tài nguyên của người Palestine, đẩy họ vào những tổng [cantons - một đơn vị hành chánh địa lý] cằn cổi manh mún khó sống. Những nhà bình luận Israel đã ngay thẳng gọi các mục tiêu theo đuổi đều mang tính tân thực dân. Ariel Sharon, kiến trúc sư các chương trình định cư, gọi những cantons nầy là "Bantustans" [cộng đồng da đen ít nhiều tự trị ở Nam Phi], mặc dù từ nầy rất dễ hiểu lầm. Nam Phi cần nhiều nhân công da đen, trong khi Israel sẽ vui mừng, chỉ cần người Palestinians tự nhiên biến mất trước mắt họ; và chính sách của Israel nhằm đúng mục tiêu nầy.

PHONG TỎA GAZA TRÊN BỘ VÀ TRÊN BIỂN

Nổ lực tách vùng Gaza khỏi West Bank là yếu tố nòng cốt trong chính sách phân tán dân Palestine đến các vùng xa xôi hẻo lánh, manh mún, và tách biệt , nhằm bóp chết hy vọng một giải pháp hai nhà nước. Mọi hy vọng của người Palestine hầu như đã bị đẩy vào quên lảng, một mưu toan tàn ác không một ai nên im lặng đồng tình. Nhà báo Israel, Amira Hass, một trong những chuyên gia hàng đầu về Gaza, đã viết:

"Những biện pháp hạn chế người Palestine đi lại, Israel đem ra áp dụng kể từ tháng 1-1991, đã đảo ngược quá trình khởi đầu từ tháng 6-1967. Lần đầu tiên kể từ 1948, phần lớn dân Palestine [vào năm 1967] một lần nữa được sinh sống trong lãnh thổ rộng mở, dù đang bị chiếm đóng, nhưng vẫn thống nhất...Biện pháp tách rời trọn giải Gaza Strip khỏi West Bank là một trong những thành tựu lớn nhất của chính trị Israel. Mục tiêu chính là ngăn ngừa một giải pháp cơ sở trên những quyết định và thỏa thuận quốc tế, và thay vào đó, áp đặt một sắp xếp cơ sở trên ưu thế quân sự của Israel...

Kể từ tháng 1-1991, Israel, trên bình diện hành chánh và tiếp vận, đã đơn thuần chia cắt và tách biệt: không những giữa người Palestine trong những phần đất bị chiếm đóng và thân nhân đồng bào của họ ở Israel, mà còn giữa người Palestine thường trú ở Jerusalem và đồng bào của họ trong  những vùng lãnh thổ khác, cũng như giữa người Gaza và đồng bào của họ ở West Bank và Jerusalem. Người Do Thái sống trong cùng khu vực bên trong một hệ thống riêng biệt cao cấp với nhiều đặc quyền về luật pháp, dịch vụ , hạ tầng cơ sở vật chất, và tự do đi lại"[1].

Học giả Harvard, Sara Roy, chuyên gia hàng đầu về Gaza, cũng viết:

"Gaza là một ví dụ một xã hội đã bị cố tình xô đẩy vào tình trạng tuyệt vọng khốn cùng; dân chúng, trước đây có đủ khả năng sản xuất, biến thành những người nghèo hèn sống nhờ từ thiện...Tình trạng mất tự chủ của Gaza đã bắt đầu ngay từ trước cuộc xâm lăng của Israel gần đây [12-2008]. Sự chiếm đóng của Israel - phần lớn ngày nay đã bị cộng đồng thế giới quên lảng hay chối bỏ - đã tàn phá kinh tế và người dân Gaza, nhất là từ 2006 ... Sau cuộc tấn công tháng 12-2008 của Israel, điều kiện vốn sẵn bi thảm đã trở nên hầu như không thể sinh sống. Kế sinh nhai, nhà ở, hạ tầng cơ sở công cộng, đã bị hũy hoại trên một tầm cỡ ngay cả Lực Lượng Tự Vệ của Israel cũng phải công nhận là không thể tha thứ.

Gaza ngày nay không còn có khu vực tư , không kỹ nghệ. 80% mùa màng nông nghiệp ở Gaza đã bị tiêu hủy và Israel tiếp tục bắn sẻ số nông dân tìm cách gieo trồng và chăn bón các đồng ruộng kế cận đường ranh được rào cản và tuần tra. Hầu hết các hoạt động mang tính sản xuất đều đã bị bóp chết... Ngày nay, 96% dân số Gaza, khoảng 1,4 triệu, với nhu cầu căn bản hoàn toàn lệ thuộc cứu trợ nhân đạo. Theo Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới, giải Gaza cần tối thiểu 400 xe tải thực phẩm mỗi ngày, chỉ để thỏa mãn nhu cầu thực phẩm của người dân. Tuy nhiên, mặc dù ngày 22-3-2009, nội các Israel đã quyết định hủy bỏ mọi hạn chế đối với nhiều loại thực phẩm đưa vào Gaza, chỉ có 653 xe thực phẩm và vật liệu cần thiết được phép đến Gaza trong suốt tuần lễ từ 10-5 [2009], may lắm cũng chỉ đủ thỏa mãn lối 23% nhu cầu thiết yếu. Israel nay cũng chỉ cho phép nhập khẩu từ 30 đến 40 loại hàng vào Gaza, so với 4000 sản phẩm cho phép trước tháng 6-2006"[2].

Tưởng cần phải nhấn mạnh, càng nhiều lần càng tốt, Israel không có một lý do xác đáng nào để tấn công Gaza Strips năm 2008-9, với sự hổ trợ đầy đủ và phi pháp của Hoa Kỳ, kể cả vũ khí.

Vài ý kiến ngược lại đã biện minh: Israel chỉ hành động để tự vệ. Điều nầy hoàn toàn vô căn cứ. Lý do: Israel đã bác bỏ thẳng tay các biện pháp hòa bình có sẵn - điều mà Israel và đối tác tòng phạm Hoa Kỳ biết rất rõ. Vả chăng, biện pháp phong tỏa Gaza của Israel tự nó đã là một hành động chiến tranh. Hơn bất cứ quốc gia nào khác, Israel chắc chắn đã phải hiểu rõ, vì Israel luôn lấy lý do bị hạn chế tiếp cận với thế giới bên ngoài - không mấy quan trọng so với những gì Israel từ lâu đã áp đặt lên Gaza - để biện minh cho hành động gây chiến của chính mình.

Một trong những biện pháp mang tính quyết định trong việc phong tỏa đầy tội lỗi, rất ít được nhắc tới, là phong tỏa bằng hải quân.Từ Gaza, Peter Beaumont tường thuật: "Dọc theo ven biển, ranh giới của Gaza được đánh dấu bằng một hàng rào khác - các tàu tuần Israel bắn nước tung tóe, thường trực tới lui, canh chừng và ngăn ngừa các tàu đánh cá Palestine không cho ra khỏi vùng do các tàu chiến ấn định"[3].

Theo tường trình tại chỗ, biện pháp phong tỏa bằng tàu tuần lúc một khắt khe hơn kể từ năm 2000. Các thuyền đánh cá Palestine luôn bị tàu tuần Israel xua đuổi khỏi lãnh hải Gaza vào phía gần bờ, thường chẳng được cảnh cáo trước và chịu nhiều thương vong. Vì các hành động nầy, kỹ nghệ chài lưới đã hầu như hoàn toàn suy sụp. Việc đánh cá không thể thực hiện gần bờ vì nạn ô nhiễm do các cuộc tấn công thường xuyên của Israel, kể cả việc phá hũy các nhà máy phát điện và cống rảnh.

Các cuộc tấn công của hải quân Israel đã bắt đầu ngay sau khi BG (British Gas) Group khám phá nhiều hơi đốt thiên nhiên trong lãnh hải Gaza. Các báo trong kỹ nghệ năng lượng tường thuật, Israel đã chiếm hữu các tài nguyên nầy để sử dụng riêng, như một phần trong chương trình chuyển đổi nền tảng kinh tế qua khí đốt thiên nhiên. Nguồn tin còn cho biết:

"Bộ Tài Chánh Israel đã chấp thuận cho công ty Israel Electric Corp (IEC) mua những số lượng hơi đốt lớn hơn rất nhiều so với con số thỏa thuận trước đây với BG Group. Nguồn tin của chính quyền Israel cho biết các công ty năng lượng do nhà nước sở hữu có thể thương lượng mua đến 1,5 tỉ thước khối hơi đốt từ khu Marine field ngoài bờ Địa Trung Hải giải Gaza Strip, thuộc quyền kiểm soát của Palestine.

Năm vừa rồi, chính phủ Israel đã chấp thuận cho IEC mua 800 triệu thước khối hơi đốt từ khu nầy...Mới đây chính quyền Israel đã thay đổi chính sách và quyết định công ty năng lượng nhà nước có thể mua toàn bộ số hơi đốt từ Gaza Marine. Trước đó, chính quyền đã nói IEC có thể mua một nửa tổng số và phân nửa còn lại dành cho các tổ chức điện lực tư nhân"[4].

Đã hẳn nhà cầm quyền Mỹ biết rất rõ việc cướp đoạt tài nguyên hơi đốt thiên nhiên của Palestine - một nguồn lợi lớn lao của Gaza. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu: ý định giành quyền sở hữu những tài nguyên trong khu vực nầy, hoặc do Israel, hoặc Israel với sự hợp tác của Nhà Cầm Quyền Palestine - Mahmoud Abbas, mới là lý do chính đằng sau việc ngăn ngừa các thuyền đánh cá Palestine vào hành nghề trong lãnh hải Gaza.

Chúng ta có thể rút tỉa bài học kinh nghiệm từ những vụ việc tương tự trong quá khứ. Năm 1989, bộ trưởng ngoại giao Úc, Gareth Evans, ký thỏa ước với đối tác Indonesia, Ali Alatas, dành cho Úc quyền sở hữu số dự trử dầu lớn lao thuộc "Tỉnh East Timor của Indonesia". Báo chí Úc tường thuật: "Indonesia-Australia Timor Gap Treaty - không dành một tí gì cho người dân có tài nguyên bị tước đoạt - là thỏa ước duy nhất trên thế giới công nhận quyền thống trị East Timor của Indonesia"[5].

Được hỏi về thái độ sẵn sàng công nhận hành vi xâm lăng và tước đoạt tài nguyên duy nhất của lãnh thổ đang chịu nguy cơ diệt chủng dưới sự chiếm đóng của Indonesia, với hậu thuẫn mạnh mẽ của Úc (bên cạnh Hoa Kỳ, Anh Quốc, và vài xứ khác), Evans đã giải thích: "không có trách nhiệm pháp lý ràng buộc nào không cho phép công nhận việc thủ đắc lãnh thổ đã được thủ đắc bằng vũ lực", Evans còn nói thêm: "thế giới là một nơi khá bất công, đầy dẫy những trường hợp thủ đắc bằng vũ lực".[6]

Như vậy, ở Gaza, Israel sẽ không gặp vấn đề gì khi hành động theo tiền lệ   Indonesia-Australia Timor Gap Treaty.

Vài năm sau, Evans đã trở thành nhân vật hàng đầu trong phong trào du nhập ý niệm "trách nhiệm bảo vệ" (responsibility to protect) - được biết dưới tên gọi R2P - vào luật quốc tế. Ý niệm R2P được sử dụng để thiết lập một nghĩa vụ quốc tế phải bảo vệ các dân tộc bị chiếm đóng trước các trọng tội. Evans là tác giả một tác phẩm lớn về đề tài nầy và là đồng chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế về Can Thiệp và Quyền Tối Thượng của Nhà Nước (International Commission on Intervention and State Sovereignty) - tổ chức đã đưa ra tài liệu căn bản về R2P.

Trong một bài viết dành riêng cho nổ lực mang tính lý tưởng thiết lập một nguyên tắc nhân đạo mới, tạp chí The Economist ở Luân Đôn đã minh họa Evans với "chủ trương, táo bạo và đam mê, vận động cho ra đời ý niệm R2P, hiện đã trở thành ngôn từ ngoại giao: Trách Nhiệm Bảo Vệ" . Bài viết có kèm ảnh của Evans với tiêu đề: "Evans: một đời đam mê bảo vệ". Bàn tay Evans đang bóp trán như muốn nói lên nổi thất vọng trước các khó khăn mà nổ lực đầy lý tưởng của ông đang đối diện. Tạp chí đã không chọn một bức hình khác đang lưu hành ở Úc, mô tả Evans tay trong tay với Alatas tươi cười nâng ly mừng Thỏa Ước Timor Gap họ vừa mới đặt bút ký.

Mặc dù là một dân tộc đang được che chở bởi luật quốc tế, người Gaza đã bị đặt ra ngoài thẩm quyền "trách nhiệm bảo vệ", và đành phải chịu chung số phận với giới bất hạnh, theo đúng phương châm của Thucydides: "kẻ mạnh làm như họ muốn, và kẻ yếu chịu đựng như họ phải chịu đựng"[7] - theo lệ thường vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

OBAMA VÀ CÁC KHU ĐỊNH CƯ

Những biện pháp hạn chế di chuyển nhằm hủy hoại vùng Gaza cũng đã được sử dụng từ lâu ở West Bank, ít tàn nhẫn hơn nhưng với tác dụng vô cùng độc hại trên đời sống và kinh tế. Theo Ngân Hàng Thế Giới (World Bank-WB), Israel đã thiết lập "một chế độ khép kín phức tạp, hạn chế người Palestine tiếp cận với các vùng rộng lớn ở West Bank...Kinh tế Palestine vẫn luôn trì trệ, phần lớn vì sự suy sụp nhanh chóng ở Gaza và những cấm đoán và hạn chế liên tục đối với hoạt động trao đổi và quyền di chuyển của người Palestine ở West Bank" [8].

WB "đơn cử những nút chặn và trạm kiểm soát gây trở ngại cho sự trao đổi và đi lại cũng như hạn chế mọi xây cất của người Palestine ở West Bank, nơi chính quyền của Tổng Thống Palestine, Mahmoud Abbas, được các nước Tây phương yểm trợ, kiểm soát" [9].

Israel có cho phép, hay đúng hơn, khuyến khích đặc quyền hiện diện của giới thượng lưu ở Ramallah và đôi khi ở vài nơi khác, phần lớn nhờ sự tài trợ của Âu châu, một nét truyền thống của lối đãi ngộ thực dân và tân thực dân. Tất cả những điều đó đã tạo nên cái mà nhà hoạt động Israel, Jeff Halper, gọi là "ma trận kiểm soát"(matrix of control), để khống chế quần chúng đã bị chinh phục. Những chương trình mang tính hệ thống, trong hơn 40 năm qua, nhằm thực thi lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Moshe Dayan khuyến cáo các đồng đội sau khi xâm lăng Palestine năm 1967. Chúng ta phải bảo người Palestine: "Chúng tôi không có giải pháp, các người phải tiếp tục sống như chó, và người nào muốn, có thể bỏ đi, và chúng ta sẽ thấy quá trình nầy sẽ đưa về đâu"[10].

Riêng đối với vấn đề các khu định cư, quả thật đã có xung đột, nhưng cũng không quan trọng như thường được mô tả. Lập trường của Hoa Thịnh Đốn, như đã được ngoại trưởng Hillary Clinton trịnh trọng tuyên bố: bác bỏ mọi ngoại lệ tăng trưởng tự nhiên (natural growth exceptions) đối với chính sách chống lại các chương trình định cư mới. Trong thực tế, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu, cùng với Tổng Thống Shimon Peres, và hầu như toàn bộ các phe phái chính trị Israel, đều nhấn mạnh "biệt lệ tăng trưởng tự nhiên" bên trong các khu Israel có ý định sáp nhập. Họ còn than phiền Hoa Kỳ đã không thi hành lời hứa của George W. Bush: chấp thuận các tăng trưởng như vậy bên trong "viễn kiến" một nhà nước Palestine của Bush.

Các thành phần nội các Israel còn đi xa hơn. Bộ Trưởng Vận Tải Yisrael Katz đã loan báo, chính quyền Israel hiện nay sẽ không chấp nhận, trong bất cứ trường hợp nào, đóng băng các hoạt động định cư hợp pháp ở Judea và Samaria. Từ "hợp pháp", trong ngôn từ U.S.-Israel, có nghĩa: "phi pháp, nhưng được chính quyền Israel, với sự đồng ý ngầm của Hoa Thịnh Đốn, cho phép". Hiểu theo cách nầy, các tiền đồn không được cho phép là bất hợp pháp, mặc dù ngoài sự quyết đoán của kẻ mạnh, những tiền đồn nầy cũng không bất hợp pháp gì hơn các khu định cư đã được chấp nhận trong "viễn kiến" của Bush, và Obama đã cố tình bỏ sót.

Lời tuyên bố "không khoan nhượng" của Obama-Clinton không có gì mới mẽ. Đó chỉ là một sự lặp lại ngôn từ dự thảo Lộ Trình 2003 của chính quyền Bush, ghi rõ trong Giai Đoạn I, "Israel phải đóng băng mọi hoạt động định cư (kể cả tăng trưởng tự nhiên)". Tất cả các bên đã chính thức chấp nhận Lộ Trình (được sửa đổi để bỏ câu "tăng trưởng tự nhiên") - luôn bỏ quên sự kiện: Israel, với sự ủng hộ của Mỹ, đã nhanh nhẹn thêm vào 14 điểm dè dặt (reservations) khiến Lộ Trình không còn có thể thực hiện.

Nếu Obama thật lòng nghiêm chỉnh trong việc chống đối bành trướng định cư, ông có thể dễ dàng xúc tiến các biện pháp cụ thể bằng cách cắt giảm khỏi kim ngạch viện trợ của Hoa Kỳ ngân khoản  cần thiết cho mục tiêu nầy. Đây không phải là một động thái can đảm hay cực đoan. Chính quyền Bush I đã làm như vậy (giảm bớt kim ngạch bảo đảm số vay mượn), nhưng sau thỏa ước Oslo 1993, T T Clinton đã cho phép chính quyền Israel tự  tính toán lấy các số liệu. Vì vậy, báo chí Israel đã kết luận: Không có gì đáng ngạc nhiên khi "chẳng có gì thay đổi trong ngạch số chi tiêu dành cho các khu định cư. Thủ Tướng Rabin sẽ tiếp tục không cắt xén ngân sách các khu định cư . Và người Mỹ? Họ sẽ hiểu"[11].

Các quan chức trong chính quyền Obama thông báo cho báo chí: các biện pháp Bush I không được đem ra thảo luận, và các áp lực chỉ mang tính tượng trưng. Tóm lại, Obama hiểu, cũng như Clinton và Bush II đã hiểu.

VIỄN KIẾN CỦA NGƯỜI MỸ  

Nhiều lắm, động thái mở rộng định cư cũng chỉ là đề tài phụ, cũng như các tiền đồn bất hợp pháp - nói rõ hơn, những thứ chính quyền Israel "đã không cho phép, nhưng trong thực tế đã cho phép". Tập trung mọi chú ý vào các vấn đề nầy chỉ đánh lạc hướng khỏi sự kiện: không có các tiền đồn hợp pháp, và các khu định cư hiện hữu là vấn đề chính phải đối diện.

Báo chí Mỹ tường trình: "một sự đóng băng phân bộ cũng đã được thi hành trong mấy năm qua. Tuy vậy, người định cư cũng có cách lẫn tránh...Việc xây cất và bành trướng có chậm lại nhưng chưa bao giờ ngưng hẳn, tiếp tục với nhịp độ hàng năm từ 1.500 đến 2.000 đơn vị trong ba năm qua. Nếu xây cất tiếp tục với nhịp độ trong năm 2008, 46.500 đơn vị đã được chấp thuận sẽ hoàn tất trong vòng 20 năm...Nếu Israel xây tất cả các đơn vị đã được chấp thuận chung cho kế hoạch định cư toàn quốc, tổng số đơn vị định cư sẽ tăng gần gấp đôi trong phạm vi West Bank"[12].

Tổ chức Peace Now, hiện đang kiểm tra các hoạt động định cư, ước tính hai khu định cư lớn nhất sẽ tăng gấp đôi: Ariel và Ma'aleh Adumim, được xây cất phần lớn trong những năm Oslo, trong nhiều "tổng tách biệt" bên trong West Bank.

Theo Akiva Elda, phóng viên ngoại giao hàng đầu của Israel, như đã được nêu rõ trong các nghiên cứu của Đại Tá Shaul Arieli, phó trợ lý quân sự cho nguyên thủ tướng và đương kim bộ trưởng quốc phòng Ehud Barak, tăng trưởng dân số tự nhiên là một chuyện hoang đường. Tăng trưởng định cư phần lớn gồm những người Do Thái nhập cư, vi phạm thỏa ước Geneva và được trợ cấp rộng rãi. Phần lớn là vi phạm trực tiếp các quyết định chính thức của chính quyền, nhưng lại được thực hiện với sự cho phép của chính quyền, đặc biệt bởi Barak, một phần tử bồ câu trong các quan chức Israel.

Phóng viên Jackson Diehl chế nhạo "óc tưởng tượng lâu ngày ngủ quên của người Palestine", được tổng thống Abbas làm sống lại, "rằng Hoa Kỳ sẽ đơn thuần buộc Israel phải chấp nhận nhiều nhượng bộ trọng yếu , dù chính quyền dân chủ có đồng ý hay không"[13]. Ông không giải thích tại sao từ chối tham gia vào chiến dịch bành trướng định cư bất hợp pháp của Israel - điều, nếu nghiêm chỉnh, "sẽ buộc Israel phải chịu chấp nhận nhiều nhượng bộ quyết định" - là một sự can thiệp không thích hợp vào nền dân chủ của Israel.

Trở lại với thực tế, tất cả các cuộc thảo luận về vấn đề mở rộng định cư đều tránh né đề tài chính: những gì Hoa Kỳ và Israel đã cùng thiết lập ở West Bank. Sự tránh né mặc nhiên thú nhận các chương trình định cư bất hợp pháp, đã hiện hữu một cách nào đó, và đã được chấp nhận (không kể khu Golan Heights, bị sáp nhập trái với lệnh của Hội Đồng Bảo An LHQ), mặc dù "viễn kiến" của Bush, có vẽ đã được Obama chia sẻ, đã biến chuyển từ ủng hộ mặc thị qua ủng hộ minh thị các vụ vi phạm nói trên. Những gì đã hiện hữu cũng đã đủ để bảo đảm không thể có một nhà nước tự trị Palestine. Vì vậy, mọi chỉ dấu đều cho thấy ngay cả trong giả thiết tăng trưởng tự nhiên sẽ chấm dứt, lập trường luôn bác bỏ của U.S.-Israel sẽ kéo dài, và sẽ chận đứng mọi đồng thuận quốc tế như trước đây.

Gần đây, Thủ Tướng Netanyahu tuyên bố ngưng các xây cất mới trong 10 tháng, với nhiều biệt lệ, và ngoại trừ hoàn toàn khu Greater Jerusalem, nơi việc truất hữu các khu người Á Rập và công tác xây cất các khu định cư Do Thái vẫn tiếp tục với một nhịp nhanh chóng. Tuy vậy, Hillary Clinton đã ca ngợi động thái của Natanyahu như "nhượng bộ vô tiền khoáng hậu" liên quan đến công tác xây cất [bất hợp pháp] - một lời khen lố lăng gây căm tức và oán hận trên khắp thế giới.

Vấn đề có thể khác nếu cứu xét trở lại một sự trao đổi đất chính đáng (legitimate land swap), một biện pháp đã được đề cập ở Taba và mô tả đầy đủ trong Thỏa Ước Geneva, và đã đạt được sau các cuộc thương thảo Israel-Palestine cấp cao. Thỏa ước đã được đưa ra ở Geneva trong tháng 10-2003, được phần lớn thế giới đón nhận, nhưng Israel bác bỏ, và Hoa Kỳ làm ngơ.

HOA THỊNH ĐỐN TRUNG LẬP!

Bài nói chuyện với thế giới Hồi Giáo của Obama ngày 4-6-2009 tại Cairo đã bộc lộ cá tính của Tổng Thống: một chương trình bỏ ngõ được gọt dủa gọn gàng, với rất ít nội dung, cho phép người nghe điền vào những gì mình muốn nghe. Hãng thông tấn CNN đã nắm bắt được tinh thần khi chọn nhan đề "Obama Tìm Cách Với Tới Tâm Hồn Của Thế Giới Hồi Giáo" (Obama Looks to Reach the Soul of the Muslim World). Obama đã loan báo mục đích của bài diễn văn trong cuộc phỏng vấn dành cho Thomas Friedman, báo New York Times: "Trong tòa Bạch Ốc, chúng tôi thường đùa - chúng ta sẽ liên tục nói ra sự thật cho đến khi nào điều đó không còn hữu hiệu, và không nơi nào nói ra sự thật có thể quan trọng hơn là ở Trung Đông"[14].

Sự cam kết của Tòa Bạch Ốc được nhiệt tình đón nhận, nhưng tưởng cũng cần đợi xem điều nầy sẽ được thể hiện ra sao trong thực tế.

Obama đã cảnh cáo cử tọa: "thật dễ dàng để chỉ trích ...tuy nhiên nếu chúng ta chỉ thấy sự xung đột đến từ phía nầy hay phía kia, lúc đó chúng ta sẽ không thấy sự thật: giải pháp duy nhất là khát vọng của cả hai bên phải được đáp ứng qua hai nhà nước, nơi người Israel và người Palestine mỗi bên đều sống trong hòa bình và an ninh."[15]

Tuy nhiên, một bên thứ ba, với vai trò luôn mang tính quyết định, còn thiết yếu hơn nhiều để hiểu được sự thật: Hoa Kỳ. Nhưng Obama đã bỏ quên bên thứ ba tham gia vào cuộc xung đột. Sự bỏ sót được hiểu là bình thường và thích hợp, vì vậy, không cần nhắc đến. Bài bình luận của Friedman có nhan đề "Bài Nói Chuyện của Obama Nhằm cả Hai - Người Á-Rập và Người Israel". Tờ Wall Street Journal, trên trang nhất, đã đăng bài nói chuyện dưới tiêu đề: "Obama Quở Trách Israel và Arabs Trong Khi Tỏ Ý Muốn Xích Lại Gần Hơn Với Người Hồi Giáo". Nhiều báo chí khác cũng tường trình tương tự.

Nguyên tắc và quy ước rất dễ hiểu: Mặc dù chính quyền Mỹ đôi khi cũng phạm lỗi lầm, nhưng ý định của Mỹ, theo định nghĩa, luôn vô hại (benign), ngay cả cao thượng. Trong thế giới chỉ muốn thấy những hình ảnh đẹp và hấp dẫn, Hoa Thịnh Đốn luôn vun quén hình ảnh một trọng tài lương thiện, hết lòng phát huy hòa bình và công lý. Khẩu hiệu đã thắng sự thật. Nhưng sự thật không hề hiện diện trong bài nói chuyện của Obama, hay trong tường trình của các cơ quan truyền thông dòng chính.

Một lần nữa, Obama đã phản ảnh viễn kiến của Bush về giải pháp "hai nhà nước", mà chẳng cho biết ông ta muốn nói gì với cụm từ "nhà nước Palestine". Ý định của ông đã được làm sáng tỏ không những bởi sự bỏ quên mang tính quyết định, mà ngay cả trong lần rõ ràng chỉ trích Israel: "Hoa Kỳ không chấp nhận "tính chính đáng" của những khu định cư Israel "đang tiếp tục". Việc xây dựng nầy vi phạm những thỏa ước trước đây và phá hoại những nổ lực thành đạt hòa bình. Đã đến lúc những khu định cư nầy phải dừng lại"[16].

Điều nầy có nghĩa, Israel phải tuân theo Giai đoạn I của Lộ Trình 2003, đã bị Israel lập tức bác bỏ với sự ủng hộ ngầm của Mỹ, như đã được ghi nhận trên đây - mặc dù, trong thực tế, chính Obama cũng đã loại ra ngoài nhiều bước trong phương cách Bush I, để chứng tỏ đã không tham dự vào các tội phạm vừa nói.

Những từ quyết định là "tính chính đáng""đang tiếp tục". Bằng cách bỏ sót, Obama tỏ ra đã chấp nhận "viễn kiến" của Bush: các dự án định cư rộng lớn hiện hữu và hạ tầng cơ sở đều "chính đáng", vì vậy, câu "nhà nước Palestine" chắc chắn chỉ có thể có nghĩa "gà quay"[để nhậu].

Luôn vô tư và công bằng, Obama cũng đã cảnh cáo các quốc gia Á Rập: "Họ phải công nhận Sáng Kiến Hòa Bình Á-Rập là một khởi đầu quan trọng, nhưng không phải điểm cuối trong nhiệm vụ của họ"[17]. Tuy nhiên, đó không thể là một bắt đầu có ý nghĩa nếu Obama tiếp tục bác bỏ nguyên tắc nòng cốt: thực thi sự đồng thuận quốc tế. Việc nầy, tuy vậy, rõ ràng không phải trách nhiệm của Hoa Thịnh Đốn trong viễn kiến Obama.

Về dân chủ, Obama nói "Chúng tôi sẽ không thể được chờ đợi lựa chọn kết quả một cuộc bầu cử hòa bình"[18] - nhưng trong tháng 1-2006, Hoa Thịnh Đốn đã vội vả lựa chọn, để nghiêm khắc trừng phạt người Palestine vì người Mỹ đã rõ ràng không thích kết quả cuộc bầu cử hòa bình: tất cả với sự chấp thuận rõ ràng của Obama căn cứ trên lời nói của ông trước kia, và các hành động của ông từ ngày nhận chức Tổng Thống.

Obama đã lễ độ tự kiềm chế không bình luận về Tổng Thống chủ nhà Mubarak, một trong những nhà độc tài tàn bạo nhất trong vùng, mặc dù ông đã có đôi lời mang tính soi sáng về Mubarak. Khi sắp lên phi cơ đi Saudi Arabia và Egypt, hai xứ Á-Rập "ôn hòa", Obama đã gửi tín hiệu: "trong khi có thể ông sẽ nhắc đến những quan ngại về tình trạng nhân quyền ở Egypt, Tổng Thống sẽ không thách thức Mubarak nhiều, bởi lẽ Mubarak là 'lực lượng ổn định và tốt' ở Trung Đông...Obama nói: ông không xem Mubarak là một lãnh đạo độc tài. Ông còn nói: 'Không, tôi không muốn sử dụng nhản hiệu đối với người khác'. Tổng Thống ghi nhận đã có nhiều người chỉ trích 'phương thức sinh hoạt chính trị ở Egypt', nhưng ông cũng nói: Tổng Thống Mubarak đã là đồng minh trụ cột  trên nhiều phương diện của Hoa Kỳ"[19].

Tuy nhiên, ở đây Obama đã đúng khi không sử dụng từ "độc tài" (authoritarian), vì nhãn hiệu nầy quá nhẹ đối với ông bạn của ông.

Cũng như trong quá khứ, sự ủng hộ dân chủ, và cả nhân quyền, phù hợp với mẩu mực luôn được giới học giả khám phá: bao giờ cũng liên hệ chặt chẻ với các mục tiêu chiến lược và kinh tế. Thật không có gì khó hiểu tại sao những người, mắt không bít kín bởi chủ nghĩa cứng nhắc, đều gạt bỏ sự khao khát nhân quyền và dân chủ của Obama như một sự đùa giởn hợm hỉnh.

Phản ứng của Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài trong vụ WikiLeaks cũng đã để lộ "chân tướng của Hoa Kỳ trong nỗ lực phát huy dân chủ và tôn trọng nhân quyền trên thế giới". Thế giới đang theo dõi WikiLeaks và phản ứng của Hoa Thịnh Đốn để hiểu rõ "Sự Thật" và "Ai Đang Sợ Sự Thật".

 

© GS Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

11-8-2010

CHÚ THÍCH: Bài viết hoàn toàn dựa vào tư liệu chắt lọc từ tác phẩm mới nhất Hopes and Prospects của Noam Chomsky, Professor emeritus, Department of Linguistics and Philosophy, Massachusett Institute of Technology.


 

[1] The restrictions on Palestinian movement that Israel introduced in January 1991 reversed a process that had been initiated in June 1967. Back then, and for the first time since 1948, a large portion of the Palestinian people again lived in the open territory of a single country - to be sure, one that was occupied , but was nevertheless whole... The total separation of the Gaza Strip from the West Bank is one of the greatest achievements of Israeli politics, whose overarching objective is to prevent a solution based on internatioal decisions and inderstandings and instead dictate an arrangement based on Israel's military superiority...

Since January 1991, Israel has bureaucratically and logistically merely perfected the split and the separation: not only between Palestinians in the occupied territories and their brothers in Israel, but also between the Palestinian residents of Jerusalem and those in the rest of the territories and between Gazans and West Bankers/Jerusalemites. Jews live in this same piece of land within a superior and separate system of privileges, laws, services, physical infrastructure and freedom of movement.

[2] Gaza is an example of a society that has been deliberately reduced to a state of abject destitution, its once productive population transformed into one of aid-dependent paupers... Gaza's subjection began long before Israel's recent war against it [December 2008]. The Israeli occupation - now largely forgotten or denied by the internatioal community - has devastated Gaza's economy and people, especially since 2006... After Israel's December [2008] assault, Gaza's already compromised conditions have become virtually unlivable. Livelihoods, homes, and public infrastructure have been damaged or destroyed on a scale that even the Israel Defense Forces admitted was indefensible.

In Gaza today, there is no private sector to speak of and no industry. 80 percent of Gaza's agricultural crops were destroyed and Israel continues to snipe at farmers attempting to plant and tend fields near the well-fenced and patrolled border. Most productive activity has been extinguished ... Today, 96 percent of Gaza's population of 1.4 milion is dependent on humanitarian aid for basic needs. According to the World Food Programme, the Gaza Strip requires a minimum of 400 trucks of food every day just to meet the basic nutritional needs of the population. Yet, despite a March [22, 2009] decision by the Israeli cabinet to lift all restrictions on foodstuffs entering Gaza, only 653 trucks of food and other supplies  were allowed entry during the week of May 10, at best meeting 23 percent of required need. Israel now allows only 30 to 40 commercial items to enter Gaza compared to 4,000 approved products prior to June 2006.

[3] ...on its coastal littoral, Gaza's limitations are marked by a different  fence where the bars  are Israeli gunboats with their huge wakes, scurrying beyond the Palestinian fishing boats and preventing them from going outside a zone imposed by the warships.

[4] Israel's finance ministry has given the Israel Electric Corp. (IEC) approval to purchase larger quantities of natural gas from BG than originally agreed upon, according to Israeli government sources [which] said the state-owned utility would be able to negotiate for as much as 1.5 billion cubic meters of natural gas from the Marine field located off the Mediterranian coast of the Palestinian controlled Gaza Strip.

Last year the Israeli government approved the purchase of 800 million cubic metres of gas from the field by the IEC... Recently the Israeli government changed its policy and decided the state-owned utility could buy the entire quantity of gas from the Gaza Marine field. Previously the government has said the IEC could buy half the total amount and the remainder would be bought by private power producers.

[5] The Indonesia-Australia Timor Gap Treaty is the only legal agreement anywhere in the world that effectively recognises Indonesia's right to rule East Timor.

[6]  Australian foreign minister Gareth Evans: There is no binding legal obligation not to recognise the acquisition of territory that was acquired by force.The world is a pretty unfair place, littered with examples of acquisition by force.

[7] Maxim of Thucydides: The strong do as they wish, and the weak suffer as they must.

[8] Israel has established "a complex closure regime that restricts Palestinian access to large areas of the West Bank... The Palestinian economy has remained stagnant, largely because of the sharp downturn in Gaza and Israel's continued restrictions on Palestinian trade and movement  in the West Bank".

[9] The World Bank "cited Israeli roadblocks and checkpoints hindering trade and travel, as well as restrictions on Palestinian building in the West Bank, where the Western-backed government of Palestinian president Mahmoud Abbas holds sway."

[10] We have no solution, you shall continue to live like dogs, and whoever wishes  may leave, and we will see where this process leads.

[11] "... no change in the expenditures flowing to the settlements. [Prime Minister] Rabin will continue not to dry out the settlements. And the Americans? They will understand.

[12]  A partial freeze has been in place for several years, but settlers have found ways around the strictures... Construction in the settlements has slowed but never stopped, continuing at an annual rate of about 1,500 to 2,000 units over the past three years. If building continues at the 2008 rate, the 46,500 units already approved in the nation 's overall master plan for settlements, it would almost double the number of settler homes in the West Bank.

[13]  Jackson Diehl derides the "long-dormant  Palestinian fantasy", revived by President Abbas, that the United States will simply force Israel to make critical concessions , whether or not its democratic government agrees".

[14] We're just going to keep on telling the truth until it stops working and nowhere is truth telling more important than the Middle East.

[15] It is easy to point fingers... but if we see this conflict only from one side or the other, then we will be blind to the truth: the only resolution is for the aspirations of both sides to be met through two states, where Israelis and Palestinians each live in peace and security.

[16] The United States does not accept the legitimacy of continued Israeli settlements. This construction violates previous agreements and undermines efforts to achieve peace. It is time for these settlements to stop.

[17] The Arab states must recognize that the Arab Peace Initiative was an important beginning, but not the end of their responsibilities.

[18]  Obama said "We would not presume to pick the outcome of a peaceful election".

[19] Mr. Obama signaled that while he would mention American concerns  about human rights in Egypt, he would not challenge Mr. Mubarak too sharply , because he is 'a force for stability and good' in the Middle East...Mr. Obama said he did not regard Mr. Mubarak as an authoritarian leader. 'No, I tend not to use labels for folks', Mr. Obama said. The president noted that there had been criticism 'of the manner in which politics operates in Egypt,' but he also said that Mr. Mubarak had been 'a stalwart ally, in many respects, to the United States".

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường